Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Thức dậy vẫn còn thấy mặt trời



Chu Thập
24.03.17
                                                                                                   

Tháng Hai vừa qua đã mang lại cho Tiểu bang New South Wales của Úc Đại Lợi “kỷ lục” là nơi nóng nhứt của địa cầu. Cứ nhìn cây trái trong vườn cứ đứng yên một chỗ để chịu trận và bị thiêu đốt, tôi buồn và bực mình đến độ chỉ còn biết thốt lên: đúng là “Úc khùng”! Nay bước vào tháng Ba, đầu mùa thu, trời Úc lại còn “khùng” hơn nữa khi mưa xối xả, tối tăm mặt mày. Thông thường cứ dạo này, trước khi đổi giờ, mỗi sáng thức dậy tôi còn thấy chút mặt trời. Nay “ông mặt trời” cứ ngủ nướng để cho mưa làm mưa làm gió. Hơn hai tuần lễ qua, cứ mở mắt nhìn qua cửa sổ, chẳng thấy trời trăng đâu cả cho nên  tôi cũng đành mượn lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chào một ngày mới: “Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời”. Thức dậy mà không thấy mặt trời tự nhiên cảm thấy buồn. Buồn nhứt là cảm thấy uể oải, chẳng muốn làm gì cả. Người ngợm cứ nhũn ra vì đã hơn hai tuần lễ qua chẳng vận động cơ thể, mất thói quen chạy bộ. Bây giờ tôi mới nhận thấy rằng thiếu vận động chẳng khác nào bệnh mà không chịu uống thuốc. Gần đây tôi đọc được nhiều bài báo và tài liệu cho rằng tập thể dục gần như là một liều thuốc trị bá bệnh. Tôi tin như thế. Bằng chứng là chỉ cần bỏ mất thói quen chạy bộ mỗi ngày trong hai tuần lễ, tôi thấy mình “sút” hẳn, cả về thể lý lẫn tinh thần.
Mới đây niềm tin của tôi về sự hiệu nghiệm của việc tập thể dục đối với sức khỏe thể lý và tinh thần lại càng được củng cố hơn khi tôi đọc được một bài phóng sự của Đài BBC với tựa đề “Đã tìm thấy những trái tim lành mạnh nhứt thế giới” (Healthiest hearts in the world found). Bài phóng sự tường thuật về cuộc sống của bộ lạc thổ dân tên là “Tsimane” hiện đang sống giữa rừng già của Bolivia, Nam Mỹ.
Một cuộc nghiên cứu được phổ biến trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh quốc quả quyết rằng hầu như không có bất cứ người nào, ngay cả người già,  thuộc Bộ lạc Tsimane có dấu hiệu bị nghẽn tim mạch. Các nhà nghiên cứu nói rằng  đây là một “dân tộc kỳ diệu” vì họ có cách dinh dưỡng và lối sống khác biệt. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù thế giới ngày nay không thể đi ngược kim đồng hồ để quay về nền văn minh săn bắn và hái lượm của thời xa xưa, nhưng lối sống của những người thổ dân Tsimane không thể không dạy cho con người thời đại một số bài học về sống khỏe và sống thọ.
Hiện nay tổng số dân của bộ lạc Tsimane chỉ còn khoảng 16.000 người. Họ sinh sống bằng nghề săn bắn, bắt cá và trồng trọt dọc theo dòng sông Maniqui trong khu rừng già Amazone thuộc lãnh thổ Bolivia. Đây là cách sống mà người ta chỉ có thể tìm thấy cách đây hàng ngàn năm.
Phải mất nhiều chuyến bay và một cuộc thủy trình cam go bằng xuồng xuyên qua các sông lạch một toán chuyên gia gồm bác sĩ và nhà khoa học mới đặt chân tới vùng cấm địa của người thổ dân Tsimane. Sau một thời gian tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã tìm được một vài nét chính trong cách dinh dưỡng của người dân bộ lạc này. Kết quả cuộc điều tra cho thấy 17 phần trăm lương thực hàng ngày của họ là thịt heo rừng và các loại chuột khác nhau. 7 phần trăm khác là từ cá nước ngọt.
Thành phần dinh dưỡng còn lại gồm có gạo, khoai mì và chuối. Ngoài ra, người Tsimane cũng ăn trái cây và các loại hạt khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, điều này có nghĩa là 72 phần trăm năng lượng (calori) của người Tsimane tùy thuộc vào tinh bột. Đối với người Mỹ chẳng hạn, tỷ lệ này chỉ ở mức 52 phần trăm. Còn nếu so sánh về chất béo thì người Tsimane chỉ tiêu thụ 14 phần trăm trong khi đối với người Mỹ tỷ lệ chất béo trong dinh dưỡng lên đến 34 phần trăm. Ngoài ra người Tsimane cũng không hề biết đến chất béo đã được chế biến. Nếu có một điểm tương đồng giữa người Mỹ và người Tsimane thì đó là sự kiện cả hai  đều tiêu thụ chất đạm để có được 14 phần trăm năng lượng. Tuy nhiên, người Tsimane ăn nhiều thịt nạc hơn.
Cùng với việc phân tách các thành phần dinh dưỡng của người Tsimane, các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu về các sinh hoạt hàng ngày của họ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng người Tsimane thường xuyên vận động cơ thể: trung bình mỗi ngày đàn ông đi bộ 17.000 bước, đàn bà 16.000 bước. Ngay cả những người trên 60 tuổi cũng đi bộ mỗi ngày trên 15.000 bước.
Để tìm hiểu về mối quan hệ giữa dinh dưỡng và việc vận động cơ thể với sức khỏe tim mạch, các nhà nghiên cứu đã mời 705 người Tsimane tham gia vào một cuộc siêu âm tim mạch. Kết quả cho thấy ở tuổi 45 hầu như không có bất cứ người Tsimane nào có triệu chứng bị nghẽn tim mạch, trong khi đó đối với người Mỹ tỷ lệ này lại lên đến 25 phần trăm. Bước vào tuổi 75, có đến hai phần ba người Tsimane chẳng để lộ bất cứ dấu hiệu nào về đau tim, trong khi đó khoảng 80 phần trăm người Mỹ ở tuổi này đều bị nghẽn tim mạch. Trong suốt cuộc nghiên cứu kéo dài khá lâu, các nhà khoa học cũng nhận thấy không có trường hợp chết vì bệnh tật nơi người trẻ trong bộ lạc.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết: rất có thể các ký sinh trùng trong đường ruột, vốn có nhiều vì những tiêu chuẩn vệ sinh thấp kém của người Tsimane, là tác nhân khích động hệ thống miễn nhiễm và như vậy giúp bảo vệ trái tim.
Kết quả của cuộc nghiên cứu về lối sống của người Tsimane đã khiến cho các chuyên gia nhìn nhận rằng cuộc sống kỹ thuật và đô thị hóa trong thế giới hiện đại ngày nay tạo ra nhiều nguy cơ mới cho sức khỏe của trái tim. Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng một cuộc sống tốt đẹp giúp ngăn ngừa được các bệnh về tim mạch. Và cuộc sống tốt đẹp đó bao gồm một cách dinh dưỡng lành mạnh, tức ít chất béo và nhứt là sự vận động cơ thể mỗi ngày.
Ngoài ra, góp phần vào việc bảo vệ trái tim, cuộc nghiên cứu về lối sống của người Tsimane cũng cho thấy người thổ dân này sống hợp quần thành những cộng đồng nhỏ trong đó con người luôn giữ được các mối quan hệ hài hòa với người xung quanh cũng như với thiên nhiên.
Cách dinh dưỡng và lối sống lành mạnh của người thổ dân Tsimane khiến tôi liên tưởng đến cuộc sống của cha tôi. Cha tôi qua đời năm 95 tuổi. Phải trúng số may ra tôi mới thọ được như cha tôi. Cha tôi chẳng để lại cho tôi di sản hay gia tài nào ngoài “kỳ quan” sức khỏe của ông. Là một nông dân chính hiệu, suốt đời ông chỉ biết có “dí thá” và cày bừa. Cho đến những tháng cuối cùng của cuộc đời, sáng trưa chiều, mỗi bữa ăn của ông đều phải có 3 chén cơm.  Từ nhà ra ruộng, mỗi ngày ông đi bộ không dưới 5 cây số. Đó là chưa kể những lúc bì bõm lội trong sình suốt cả ngày. Tôi tin chắc rằng cha tôi chẳng hề có bất cứ dấu hiệu nào về nghẽn tim mạch. Điều càng khiến tôi suy nghĩ về sức khỏe là lúc nào cha tôi cũng kêu gọi bài trừ “thuốc Tây”. Ngoài những viên keo “lô hội” uống sau những bữa ăn chính, cha tôi không bao giờ dùng bất cứ một loại thuốc nào khác. Nhưng tôi nghĩ bí quyết sống khỏe và sống thọ của cha tôi có lẽ nằm ở những bước chân đất và những bắp thịt bị bắt phải vận động hầu như suốt ngày và quanh năm suốt tháng.
Một cách nào đó, ngày nay những bước chân và những giọt mồ hôi của những ngày cày sâu cuốc bẫm của cha tôi có lẽ đã đọng lại trong giờ chạy bộ mỗi ngày và những cố gắng gầy dựng ngôi vườn nhỏ sau nhà của tôi. Tôi vận động cơ thể là để được khỏe mạnh và nhứt là để có được chút thanh thản và bình an trong tâm hồn. Chỉ cần mỗi ngày được ra vườn làm một số động tác như cắt cỏ, tỉa cây, bón phân, tưới nước... và nhứt là chạy bộ để gặp gỡ người khác là tôi thấy như được giảm đau vì một số bệnh tật và trút bỏ được một số phiền muộn vốn không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Xét cho cùng, bước vào buổi xế chiều của cuộc đời, ngoảnh mặt nhìn lại tôi thấy rằng điều khiến tôi thao thức và đi tìm suốt cả đời chính là làm thế nào để cho tâm hồn được bình an.
Tôi không có được “chum vàng bắt được” về sức khỏe của cha tôi. Mẹ tôi qua đời vì đột quỵ ở tuổi 70. Một người anh của tôi ra đi ở tuổi thanh niên sau một cơn tai biến. Qua nhiều cuộc xét nghiệm và nhứt là kinh nghiệm bản thân, tôi biết rằng một “bản án” cũng đã được viết sẵn cho tôi. Tôi rất sợ bệnh tật và dĩ nhiên cũng rất sợ chết! Nỗi ám ảnh ấy khiến tôi luôn quan tâm đến sức khỏe của tim mạch. Hình như ngày nào tôi cũng tìm đọc những tin tức hay tài liệu đến sức khỏe của tim mạch. Ngoài ra tôi còn có cả một cuốn sách gối đầu với tựa đề “Healthy Heart for Life” (trái tim lành mạnh để sống thọ) do ký giả Andrew Cate của đài ABC Úc biên soạn và xuất bản hồi năm 2012. Tác giả đề nghị một loạt những thực hành để giúp hạ giảm huyết áp và mỡ máu nội trong 6 tuần lễ. Thật ra những lời khuyên của tác giả  về dinh dưỡng, kiêng cữ, giảm cân và tập thể dục cũng chẳng có gì mới lạ. Tuy được tác giả dành cho một số trang rất khiêm tốn, tôi lại đặc biệt chú ý đến một số “liều thuốc” ngoài luồng như: cười nhiều hơn, duy trì và gia tăng các quan hệ tốt đẹp với người thân và người xung quanh cũng như “cầu nguyện”. Có thể gọi đây là những “thao luyện” về tinh thần và cảm xúc. Khoa học ngày nay đã có đủ bằng chứng để khẳng định rằng những hoạt động này cũng có tác dụng tích cực đối với sức khỏe của tim mạch như sự dinh dưỡng lành mạnh và vận động cơ thể. Thật ra, đâu phải cứ “thao luyện” về tinh thần và cảm xúc là đương nhiên có được sức khỏe về tim mạch. Có biết bao nhiêu người, dù chẳng biết cười cợt, sống mà chẳng màng đến những giá trị đạo đức hay  người xung quanh, coi trời bằng vung và  nhứt là chẳng cần có niềm tin tôn giáo nào, vậy mà vẫn có một trái tim của những lực sĩ và vẫn sống khỏe. Trái lại cũng có biết bao nhiêu người, dù suốt đời bệnh hoạn ốm đau, nhưng vẫn sống lạc quan và nhứt là luôn có được những quan hệ hài hòa với mọi người xung quanh.
“Một trái tim lành mạnh”: tôi nghĩ đến trước tiên những người, như cha tôi hay các lực sĩ hoặc những người nhờ dinh dưỡng, kỷ luật và vận động cơ thể, luôn có được sức khỏe tim mạch dồi dào. Tôi luôn cố gắng để có được một sức khỏe như thế. Nhưng khi nói đến “một trái tim lành mạnh”, tôi cũng nghĩ đến không biết bao nhiêu người, tuy phải đối đầu với những vấn đề về sức khỏe thể lý, vẫn cố gắng giữ cho trái tim của mình luôn đập  được những nhịp của lạc quan, yêu thương, cảm thông, nhạy cảm trước khổ đau của người đồng loại. Đó là những người, tuy buổi sáng “thức dậy không còn thấy mặt trời”, nhưng vẫn còn “thấy mặt người”, “vây phủ quanh đời tiếng nói yêu thương” (Trịnh Công Sơn).










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét