Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Tự nguyện làm kẻ ngu xuẩn hữu ích

 



Chu Văn

 

Trong bài diễn văn đọc vào sáng sớm thứ Năm, 24 tháng Hai 2022 vừa qua để thúc quân ra trận xâm lăng Ukraine, Vladimir Putin có nhắc đến “thánh tổ” Lenin: “Ukraine hiện đại hoàn toàn được thiết lập bởi Nga, chính xác hơn, bởi Bolshevik, tức nước Nga cộng sản. Tiến trình này đã khởi sự liền sau cuộc cách mạng năm 1917...Nhờ chính sách của cộng sản Nga, Sô Viết Ukraine mới trổi dậy. Do đó, ngay cả ngày nay, có đủ lý do để gọi Ukraine là “Ukraine của Vladimir Ilyich Lenin”. Lenin chính là cha đẻ và kiến trúc sư của Ukraine. Điều này đã được hoàn toàn xác nhận bởi các tài liệu văn khố...Vậy mà giờ đây, những hậu duệ “biết ơn” đã phá hủy các tượng đài của Lenin tại Ukraine. Họ gọi đây là tiến trình giải cộng (decommunisation). Các người muốn giải cộng ư?...Chúng tôi sẵn sàng cho các người thấy thế nào mới thực sự là giải cộng cho Ukraine” (1).

Tiếc nuối thời vàng son của Liên Xô, nhân danh Lenin để xâm lăng Ukraine, phải chăng Putin là một người cộng sản? Thực tế cho thấy kể từ khi lên cầm quyền tại Nga từ năm 1999 đến nay, Putin không hề là một người cộng sản, mà chỉ là một quái vật được sản sinh từ trong lòng chủ nghĩa cộng sản. Xét cho cùng, kể từ khi chủ nghĩa cộng sản chào đời tại Nga cho đến nay, có lẽ chưa từng có một lãnh tụ cộng sản nào thực sự là một người cộng sản. Từ Lenin, Stalin đến Mao Trạch Đông rồi ngày nay Tập Cận Bình và ngay cả Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng...tất cả đều là những đồ tể tham quyền cố vị, độc tài khát máu và dối trá. Miệng lưỡi họ lúc nào cũng tràn đầy những mỹ từ cao đẹp như bình đẳng, như độc lập, như tự do...nhưng bàn tay của họ thì lúc nào cũng vấy máu. Tôi rất tâm đắc với một bài thơ ba dòng của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc:

“Các nhà chính trị như Mã Giám Sinh

Biến mọi chữ đẹp

Thành đĩ”

(Thơ ba dòng 262)

Dĩ nhiên, không phải chính trị gia nào cũng đều hãm hiếp ngôn ngữ. Nhưng trên môi miệng các nhà độc tài, nhứt là độc tài cộng sản, mọi “chữ đẹp” đều bị đánh tráo. Rõ ràng nhứt là Sự Thật. Với các nhà độc tài, nhứt là cộng sản, Sự Thật đơn thuần chỉ có nghĩa là dối trá. Chẳng hạn, vào đầu thập niên 1930, Stalin đã đẩy mạnh chính sách tập thể hóa tại Ukraine khiến cho hàng triệu người bị chết đói. Stalin đã nói dối đổ lỗi cho tình báo Ba Lan. Dối trá một cách ngây ngô và buồn cười như thế, vậy mà dân chúng Nga vẫn tin răm rắp. Putin, một hậu sinh khả úy, lập lại cùng một sách đó trong suốt sự nghiệp chính trị của mình.

Là con đẻ của một chế độ xây dựng trên dối trá, Putin biết rõ tác động của dối trá. Đã từng là một sĩ quan mật vụ KGB, ông đã tỏ ra nhuần nhuyễn hơn bất cứ lãnh tụ chính trị nào trong việc dàn dựng những cuộc khủng hoảng giả tạo để ra tay hành động.

Năm 1999,  Putin được Tổng thống  Boris Yeltsin bổ nhiệm làm thủ tướng để chuẩn bị thay thế ông. Lúc đó, chỉ có khoảng 2 phần trăm dân chúng Nga ủng hộ Putin. Ông đã cho đánh  bom tại nhiều cơ sở và chung cư tại Nga, giết hại gần 300 thường dân. Các cuộc đánh bom đã được gán cho quân khủng bố Chechnya. Lòng ái quốc của dân Nga được khơi dậy. Tỷ lệ ủng hộ của dân chúng dành cho ông bất thần  vụt lên 45 phần trăm. Putin liền xua quân đánh chiếm Chechnya. Sự ủng hộ của dân chúng Nga dành cho tân thủ tướng lên cao ngút ngàn. Nhờ vậy, ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Sau này, nhờ lời khai của các nhân chứng và tiết lộ của những người tố giác, các cuộc điều tra mới cho thấy vai trò của FSB, hậu thân của cơ quan mật vụ KGB, trong các vụ đánh bom. Nhưng dĩ nhiên, trong nước Nga dưới thời Putin, không người nào dám tìm kiếm và nói lên sự thật mà không bị nếm mùi tàn ác của Putin. Phó chủ tịch của Ủy ban điều tra về vai trò của FSB trong các vụ đánh bom đã bị hạ sát bằng súng. Một ký giả điều tra về vụ việc cũng bị đầu độc đến chết. Riêng ông Alexander Litvinenko, người “thổi còi” về vai trò của FSB và tố cáo Putin trực tiếp can dự vào các cuộc đánh bom, đã bị đầu độc đến chết tại London, Anh Quốc, hồi năm 2006.

Cũng liên quan đến Chechnya. Năm 2004, những tên khủng bố Chechnya đã bắt cóc hàng trăm học sinh và giáo viên tại một trường học ở Beslan, Bắc Ossetia. Chính quyền Nga từ chối thương lượng với các tên khủng bố, thay vào đó đã đưa quân đội đến tấn công vào trường học. Hơn 330 người chết và 550 người bị thương. Trong số người chết, có 184 trẻ em. Putin vẫn nại đến những vụ đánh bom khủng bố để biện minh cho việc sử dụng bạo lực một cách tàn bạo dã man của mình.

Bà Ana Politkoskaya, một ký giả chuyên tranh đấu cho nhân quyền đã đến Beslan để tường trình về biến cố. Bà bị đầu độc nhưng sống sót để tiếp tục điều tra về những vi phạm nhân quyền và các cuộc tấn công của Putin vào nền dân chủ. Hậu quả là năm 2006, bà bị bắn hạ ngay trong căn hộ của bà ở Mạc Tư Khoa.

Năm 2005, Sergei Magnitsky,một luật sư làm việc cho một công ty đầu tư của Mỹ ở Nga đã điều tra và phơi bày một vụ gian lận lên đến 230 triệu Mỹ kim có dính líu đến các tài phiệt Nga. Magnitsky đã bị bắt giữ và đánh đập cho đến chết trong tù. Năm 2012, Chính phủ Mỹ đã thông qua luật mang tên ông Magnitsky để chế tài những người Nga nào can dự vào các hành động vi phạm nhân quyền. Sau khi Chính phủ Mỹ ban hành luật Magnitsky, quốc hội bù nhìn do Putin kiểm soát đã trả đũa bằng một luật cấm người Mỹ không được nhận các trẻ em mồ côi Nga làm con nuôi. Riêng Putin, trong một cuộc họp báo khẳng định rằng Magnitsky “không hề bị tra tấn, mà chết vì đột quỵ”.

Một trò dối trá và độc ác khác của Putin đã được ghi nhận rõ ràng trong vụ bắn hạ chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không dân dụng Mã Lai ngày 17 tháng Bảy năm 2014. Tất cả 298 người, gồm phi hành đoàn và hành khách đều thiệt mạng. Tháng Năm năm 2018, kết quả của một cuộc điều tra được Liên Hiệp Quốc yểm trợ đã kết luận rằng chính Đội Phòng Không 53 của Nga có căn cứ tại Kurks, đã phóng hỏa tiễn bắn hạ chiếc máy bay. Dĩ nhiên, Putin cũng hoàn toàn bác bỏ kết quả điều tra này.

Cuối cùng, nói đến sự độc ác và dối trá của Putin, không thể bỏ qua vụ ám sát lãnh tụ đối lập nổi tiếng là ông Boris Nemtsov tại Mạc Tư Khoa dạo tháng Hai năm 2015. Trước khi bị hạ sát, ông Nemtsov đã cho thu băng một cuộc phỏng vấn truyền hình trong đó ông nói đến những cuộc điều tra của ông về tội ác chiến tranh của Nga tại Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn, ông gọi Putin là “chuyên gia về dối trá. Ông ta là một tên dối trá bệnh hoạn”.

Sau cái chết của ông Nemtsov, Putin đến gặp mẹ của ông ta và trấn an: “Chúng tôi sẽ làm mọi sự để bảo đảm rằng những kẻ gây ra tội ác xấu xa và bỉ ổi này cũng như những kẻ đứng sau lưng họ đều phải bị trừng phạt đích đáng”.

Các băng hình và các cuộc điều tra của các ký giả cho thấy  cuộc hạ sát ông Nemtsov cũng như các cuộc ám sát khác đều là công tác chuyên nghiệp và có tổ chức của FSB (2) và dĩ nhiên với bàn tay dàn dựng của chính Putin.

Những tiến bộ kỹ thuật trong thế kỷ 21, đặc biệt trong lãnh vực truyền thông xã hội, lại càng đẩy mạnh “nghệ thuật” dối trá  của Putin. Chính bằng dối trá mà Putin đã xâm lăng bán đảo Crimea của Ukraine dễ dàng như trở bàn tay. “Nếu bạn thuộc tả khuynh, bạn sẽ nghe nói rằng Ukraine là Đức Quốc Xã; nếu bạn thuộc cánh hữu, người ta sẽ nói với bạn rằng Ukraine là đồng tính; nếu bạn là người cực hữu, bạn sẽ nghe nói rằng Ukraine là Do Thái. Những câu chuyện như thế đã khiến cho dân chúng ở Tây Phương không thấy được sự thật đơn giản là: một nước đã xâm lăng một nước khác, chiếm lấy lãnh thổ của nước đó, sát hại và làm cho dân chúng của nước đó ly tán. Thành công ở Crimea, Ukraine, được nước làm tới, Nga (của Putin) đã áp dụng những kỹ thuật tương tự cho cuộc trưng cầu dân ý về Brexit (tại Anh quốc) cũng như trong cuộc bầu cử tại Mỹ 2016 và cũng đạt được những kết quả như thế. Những người sử dụng Facebook và Twitter tại Vương quốc Anh hay tại Hoa Kỳ đều đã không nhận ra được bộ mặt thật của con người đó và đã hành động theo sự ra dấu của một bàn tay dấu ẩn. Đó là bàn tay lừa bịp trên mạng lưới kỹ thuật số” (3).

Độc ác và dối trá là hai mặt của một đồng tiền trong con người của Putin. Putin không che đậy sự độc ác của mình. Putin cũng nói dối một cách trắng trợn. Vậy mà thế giới vẫn có cả khối người tin ông và ủng hộ ông. Cá mè một lứa thì không nói. Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc cho tới nay vẫn không nhìn nhận việc Nga xâm chiếm Ukraine là một cuộc xâm lăng. Cũng không nên ngạc nhiên tại sao có nhiều người Việt Nam trong nước ủng hộ Putin và tán thành việc ông xâm lăng Ukraine. Điều đáng buồn và đáng lo ngại là hiện nay tại Hoa Kỳ vẫn còn nhiều người tự nguyện làm điều mà đồ tể Lenin gọi là “những kẻ ngu xuẩn hữu ích” (useful idiots) của Putin.

Đứng đầu danh sách “những kẻ ngu xuẩn hữu ích” của Putin, dĩ nhiên phải kể đến cựu Tổng thống Donald Trump. Không ngu xuẩn là gì khi không những tự nhận mình là “thiên tài ổn định” mà còn ca ngợi Putin như một thiên tài trong kế hoạch thôn tính Ukraine và gọi việc ông này đem quân vào hai vùng tự trị của Ukraine là hoạt động “gìn giữ hòa bình”. Vậy mà  sau lưng một con người ngu xuẩn và tự nguyện làm “người ngu xuẩn hữu ích” cho một đồ tể độc ác và dối trá như thế lại có cả một cái đuôi dài của những người cũng tự nguyện làm “những kẻ ngu xuẩn hữu ích”.

Một người đã từng tốt nghiệp Võ bị Quốc gia West Point,  làm dân biểu liên bang, giữ chức vụ  giám đốc cơ quan tình báo CIA và nhứt là chức vụ ngoại trưởng như  Mike Pompeo cũng tự nguyện làm “một kẻ ngu xuẩn hữu ích” cho Putin khi không tiếc lời đề cao hành động độc ác và dối trá của ông này: “Tôi rất kính trọng ông ta” (4).

Nhưng có lẽ bỉ ổi nhứt là đài Fox. Cứ nghe một số nhà bình luận của đài này tự nguyện làm “những kẻ ngu xuẩn hữu ích” để ra rả biện hộ cho hành động xâm lăng Ukraine của Putin, những người tỵ nạn như tôi cứ tưởng như mình phải bị tra tấn bởi các “loa phường” ở Việt Nam.

Độc ác và dối trá là cặp song sinh trong nhân cách của các lãnh tụ độc tài. Ủng hộ, tán thành những hành động độc ác và dối trá của họ cũng chính là đồng lõa với tội ác. Trong các thứ ngu, có lẽ ngu nhứt vẫn là tự nguyện “làm kẻ ngu xuẩn hữu ích” cho những người độc ác và dối trá.




Chu Văn

 


Chú thích:

1. Extracts from Putin’s speech on Ukraine https://www.reuters.com/world/europe/extracts-putins-speech-ukraine-2022-02-21/

2. Vladimir Putin’s lying game https://theconversation.com/vladimir-putins-lying-game-100513

3. Vladimir Putin’s Hall of Mirrors https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2022/02/putin-ukraine-invasion-maskirovka-provokatsiia/622874/

4. Putin’s Useful Idiots https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2022/02/russia-ukraine-war-republican-response/622919/

5. Hình minh họa, nguồn: Seattle Times


Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Một Hạt Bụi Bay

 

Chu Văn

hình minh họa (christianity.com)

Ít có người Việt Nam nào, sau khi đã từ giã cõi đời, được thế giới nhắc nhớ với nhiều ngưỡng mộ và thương mến như thiền sư Thích Nhất Hạnh. Những lời giảng dạy về điều được gọi là chánh niệm trong Phật Giáo đã mang lại an vui và hạnh phúc cho rất nhiều người trên thế giới. Tôi là một trong số những người đó. Nếu tôi có trở thành một Phật tử, theo cách thế riêng của tôi, thì cũng do học hỏi và thực hành những lời giảng dạy của thầy. Một cách nào đó, thiền sư Nhất Hạnh là bậc tôn sư của tôi.

Khoảng giữa thập niên 1960, ở tuổi thanh niên, tôi đã nghe nói đến thầy. Một cách gián tiếp qua một linh mục công giáo là cố giáo sư Nguyễn Ngọc Lan. Trong tác phẩm “Đường hay Pháo Đài”, linh mục Nguyễn Ngọc Lan có nhắc đến thiền sư Nhất Hạnh: một hôm ông đèo vị thiền sư trên chiếc xe gắn máy và luồn lách qua một khu phố nghèo ở Sài Gòn; trẻ con trong xóm chạy ra xem và “tri hô”: “Ra mà coi: ông cha chở ông sư!” Cứ như thể đây là chuyện không bao giờ được phép xảy ra trong một đất nước đang sôi sục vì chia rẽ tôn giáo!  Những cuộc biểu tình của Phật Giáo dẫn đến sự cáo chung của nền Cộng Hòa đầu tiên mà lãnh đạo là một người công giáo. Nhiều cuộc xô xát có khi đẫm máu giữa một số cộng đồng Công Giáo và Phật Giáo tại một số nơi đã khiến cho mối quan hệ giữa hai tôn giáo lớn ở Việt Nam trở nên căng thẳng. Trong bối cảnh ấy, một linh mục công giáo đèo một vị sư phật giáo rảo qua phố phường hẳn phải là một hình ảnh đẹp hiếm có. Nhưng cũng kể từ lúc đó, theo dõi các hoạt động của vị thiền sư này, tôi lại thấy nơi thầy có những lời tuyên bố hay một sự thinh lặng đầy tranh cãi.

Đầu tiên đáng tranh cãi nhứt phải nói là lời tuyên bố của thầy về vụ Mỹ dội bom phá hủy Thị xã Bến Tre, một thị xã có 300 ngàn dân. Lời tuyên bố của vị thiền sư này được đưa ra trong một bài thuyết giảng tại một nhà thờ Tin Lành ở New York ngày 25 tháng Chín năm 2001. Nhân dịp giảng dạy về việc kiềm chế sự giận dữ, thiền sư cho biết: “Có lần tôi được biết Thị xã Bến Tre, một thành phố có 300 ngàn dân, bị máy bay Mỹ oanh tạc chỉ vì một số du kích quân đã vào thị xã và tìm cách bắn hạ máy bay Mỹ. Các du kích quân đã không thành công và sau đó đã rút lui. Và thị xã đã bị tiêu hủy. Và viên phi công (Mỹ) vốn chịu trách nhiệm (về vụ oanh tạc) sau này đã tuyên bố rằng ông đã phải tiêu hủy thị xã Bến Tre để cứu lấy nó. Tôi rất giận dữ” (1).

Nếu tôi là một thính giả đang uống lấy từng lời của thiền sư Nhất Hạnh thì tôi phải tin ngay việc Mỹ tàn phá cả một thành phố chỉ vì mấy tên du kích lẩn trốn trong đó. Nhưng là một người Việt Nam đã từng sống trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng ấy, tôi chưa từng nghe nói đến cuộc thảm sát ấy. Nếu quả thật một cuộc thảm sát như thế đã xảy ra thì chắc chắn tôi cũng đã “rất giận dữ” và biết đâu lại chẳng vào bưng để “chống Mỹ cứu nước”.

Thiền sư Nhất Hạnh đã tỏ ra “rất giận dữ”. Chỉ có điều khó hiểu nơi thầy là thầy đã có thể giận dữ trước hành động dã man của quân đội Mỹ nhưng lại thinh lặng trước vô số tội ác còn dã man gấp trăm lần của du kích quân cộng sản và quân đội Bắc Việt. Cụ thể nhứt là sự thinh lặng khó hiểu của thầy trước cuộc thảm sát ở Huế hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Chống Mỹ và yêu cầu Mỹ rút quân ra khỏi Miền Nam Việt Nam cũng như gay gắt lên án chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nhưng thầy lại thinh lặng trước tội ác của chế độ cộng sản cũng như bàn tay lông lá của Liên Xô và Trung Cộng tại Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh.

Khó hiểu hơn nữa có lẽ là cuộc đấu tranh vì tự do tôn giáo của thầy. “Thời chiến tranh, thầy kêu gọi chính phủ Sài Gòn cho Giáo hội Phật giáo được tự do hành đạo. Thời cộng sản, Hà Nội đàn áp giáo hội thì thầy không nói gì”... “Ba mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, qua nhiều vận động của quốc tế và Hoa Kỳ, đặc biệt là của cố Thượng Nghị sĩ John McCain, thầy được trở lại quê hương đầu năm 2005 trong phẩm phục, võng lọng chứ không còn là hình ảnh Sư ông Làng Mai đơn sơ với áo nâu sòng, nón lá”

“Về nước, Đức Tăng thống Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ không tiếp thầy, trong khi thầy được gặp Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời trà. Sư cô Chân Không (người đệ tử luôn sát cánh bên thầy), như để lấy điểm với nhà nước, đã phát biểu rằng những ngôi chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là nơi có cờ vàng ba sọc đỏ” (2).

Quả thật, thầy Nhất Hạnh đã có những lời tuyên bố đầy tranh cãi và một thái độ thinh lặng khó hiểu trước những hoàn cảnh lẽ ra đòi hỏi phải lên tiếng. Nhưng với riêng tôi, khó hiểu nhứt vẫn là hình ảnh của một vị thiền sư đức độ như thầy lại xuất hiện trong “phẩm phục và võng lọng” trong chuyến về thăm quê hương lần đầu tiên đầu năm 2005. Nghe như vọng lại nhận xét mỉa mai của cụ Trần Tế Xương: “Công đức tu hành sư có lọng”!

Không hiểu sao tôi dễ bị dị ứng với “phẩm phục và võng lọng” trong các tôn giáo. Những thứ hào nhoáng ấy là biểu hiện của quyền lực thế trần và danh vọng hão huyền hơn là tinh thần cốt lõi của tôn giáo là sự khiêm tốn và quên mình. Trong hàng bao nhiêu thế kỷ, mãi cho đến cuối thập niên 1950 của thế kỷ trước, các vị lãnh đạo tối cao trong Giáo hội Công giáo của tôi, mỗi lần xuất hiện trước công chúng đều tỉnh bơ ngồi chễm chệ trên một chiếc kiệu được 4 người khiêng! Những người được tôn vinh như “đại diện của Chúa Kitô” chẳng thể hiện được bất cứ nét nào trong chân dung của Đấng sống không nhà không cửa, không nơi gối đầu và quỳ gối rửa chân cho các môn đệ của mình như một người đày tớ. Tôi khâm phục nhà lãnh đạo tối cao hiện nay của Giáo hội Công giáo là Đức Phanxicô. Vừa được bầu làm chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, Ngài đã lột bỏ hết tất cả những râu ria phù phiếm trên người của vị giáo hoàng như đôi giày màu đỏ sang trọng, cây thánh giá vàng trên cổ. Chiếc ghế dát vàng mà các vị giáo hoàng thường ngồi lên để giảng dạy, Ngài cũng cho vào kho. Ngài cũng không còn phải mỗi năm đến biệt thự sang trọng của các vị giáo hoàng ở Castel Gandolfo để nghỉ mát. Ngay cả căn phòng sang trọng dành riêng cho các giáo hoàng trong điện Vatican, Ngài cũng từ bỏ. Các quan sát viên cho rằng cho tới nay Ngài vẫn chưa thực hiện được một cuộc cải tổ quan trọng nào trong Giáo hội. Nhưng dưới mắt tôi, dẹp bỏ được “phẩm phục và võng lọng” trong chính con người của giáo hoàng đã là một cuộc cách mạng vĩ đại nhứt mà không vị tiền nhiệm nào của Ngài dám làm.

Nhìn lại lịch sử của các tôn giáo có tổ chức, ôn lại cuộc đời của các nhà lãnh đạo tôn giáo, cách riêng trong Giáo hội Công giáo của tôi, tôi nhận ra một điều: dù ở địa vị nào trong tôn giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng chỉ là những con người bất toàn. Nói theo ngôn ngữ Phật Giáo, họ cũng “tham sân si” như mọi người, họ cũng chia sẻ cùng một kiếp người với mọi người. Trong tuyển tập “909 bài thơ ba dòng”, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nhìn nhận một sự thật phũ phàng:

“Mỗi người ra đi,

Trời đất phúng điếu bằng

Một hạt bụi bay”.

Phận người như thế cho nên tôi chưa bao giờ cảm thấy được thuyết phục để phủ phục tôn thờ bất cứ một lãnh tụ nào.

Thầy Nhất Hạnh của tôi đã ra đi. Giờ này thầy cũng chỉ còn là “một hạt bụi bay”. Theo chúc thư thầy để lại, thầy muốn được hỏa táng và tro bụi của thầy phải được phân tán đi khắp các trung tâm và tu viện trên khắp thế giới mà thầy đã thành lập (3). Dù có được rải rắc khắp nơi để ghi lại dấu chân của thầy, thầy cũng chỉ là “một hạt bụi bay”. Mà “Một hạt bụi bay” là “một hạt bụi bay”!

Về thực hành, tôi luôn tu tập và hít thở theo phương pháp chánh niệm thầy đã chỉ dạy. Về tư tưởng, tôi rất tâm đắc với thuyết mà thầy gọi là “Tiếp Hiện” (Interbeing). Trong tác phẩm “Cốt lõi của sự hiểu biết” (The Heart of Understanding), thầy dùng một hình ảnh rất đơn sơ là tờ giấy để giải thích: “Tờ giấy này hiện hữu, vì mọi thứ khác đều hiện hữu...Mong manh như tờ giấy này, nhưng nó chứa đựng mọi sự trong vũ trụ.” Theo thầy,  hiện hữu là “tương hữu” (to be is to inter-be). Thầy nói: “Bạn không thể chỉ hiện hữu một mình. Bạn cần phải “tương hữu” với mọi thứ khác” cho nên  tương hữu cũng có nghĩa là phải chịu trách nhiệm về người khác.

Với riêng tôi, ý niệm về “tương hữu” luôn nhắc nhở tôi về tính bất toàn của con người. Dù có “đắc đạo” đến cỡ nào, con người cũng vẫn mãi mãi là một hữu thể bất toàn. Cũng trong tuyển tập “909 bài thơ ba dòng”, Nguyễn Hưng Quốc ghi nhận:

“Mỗi đời người là một phác thảo của Thượng Đế.

Tiếc.

Phần lớn đều vụng về”

Hơn ai hết tôi ý thức được rằng tôi là một tác phẩm vụng về của Thượng Đế. Nhìn xung quanh tôi và ngay cả ngước nhìn lên những con người đã vươn lên đến địa vị lãnh tụ, trong mọi lãnh vực, nhứt là chính trị và tôn giáo, hầu như ai cũng chỉ là một tác phẩm vụng về. Chính vì ý thức được những bất toàn của mình mà tôi cần phải luôn cảm thông trước những “tác phẩm vụng về” quanh tôi. Xét cho cùng, con đường để đi đến “Một hạt bụi bay” của tôi chỉ có thể đi xuyên qua sự “tương hữu” tức cảm thông với người khác và chịu trách nhiệm chung với cộng đồng nhân loại.

 

 

 

Chú thích:

1. ThichNhatHanh: One time I learned that the city of Ben Tre... https://www.thezensite.com/ZenTeachings/Essence_of_compassion.html

2. Bùi Văn Phú, Thầy Nhất Hạnh Mất Đi, Nỗi Buồn Việt Nam Vẫn Còn Đó https://vietbao.com/a310993/thay-nhat-hanh-mat-di-noi-buon-viet-nam-van-con-do

3. Vietnamese Buddhist monk Thich Nhat Hanh’s funeral attracts processions of monks https://www.abc.net.au/news/2022-01-29/thich-nhat-hanh-funeral-zen-buddhist-mindfulness-vietnam/100790540