Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Liên đới trách nhiệm thời Cô Vi


Chu Thập
26/3/20
Sáng nay (26 tháng Ba 2020), nghe tin Thái tử Charles bị nhiễm Covid-19. Người sẽ kế vị trên ngai vàng của Vương quốc Anh thống nhứt, suốt ngày được bao bọc trong cung điện, mà không được Covid-19 tha cho thì huống chi là một thứ dân như tôi. Thời buổi này, cứ ho một vài cái, thân nhiệt nhích lên một chút là thấy lo. Mà lo là phải bởi vì tình trạng lây lan và tử vong vì Covid-19 ngày càng tồi tệ. Số người chết tại Ý và Tây Ban Nha đã qua mặt Trung Cộng. Ấn Độ, với dân số trên một tỷ người, vừa mới tuyên bố tình trạng khẩn trương trên toàn quốc. Nhật Bản chính thức cho biết sẽ dời Thế Vận Hội sang năm sau. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ là trung tâm điểm của đại dịch. Vậy mà mới đây, Tổng thống Donald Trump lại tỉnh bơ tuyên bố sẽ  cho đất nước “mở cửa” lại vào ngày Chúa Nhựt lễ Phục Sinh, tức ngày 12 tháng Tư sắp tới: mọi người dân Mỹ sẽ đi làm việc trở lại, đễ cho kinh tế Mỹ không sập tiệm, để cho thị trường chứng khoán lên trở lại, để cho Tổng thống Trump được tái cử trong cuộc bầu cử vào tháng Mười Một tới, để cho ông vẫn tiếp tục bám vào quyền lực...Với ông tổng thống Mỹ thứ 45 này, kinh tế quan trọng hơn sinh mạng của người dân và dĩ nhiên, quyền lực của ông quan trọng hơn bất cứ giá trị nào trên cõi đời này! 
Trong hơn 10 ngày, kể từ khi tuyên bố tình trạng khẩn trương trên toàn quốc, Tổng thống Trump đã không ngừng tiếp tục dối trá về cuộc chiến chống lại Covid-19. Hãy thử nghe lại những lời tuyên bố của ông kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong hai ngày Mùng Bảy và 19 tháng Hai, Tổng thống Trump đã nói chắc nịch: “Khi chúng ta bước vào tháng Tư, khi khí trời ấm hơn, cái con “virút” đó (Covid-19) sẽ chỉ có một tác động tiêu cực mà thôi”. Thật ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Covid-19 có thể lây lan trong mọi môi trường, kể cả những vùng nóng và ẩm ướt.
Ngày 27 tháng Hai, tổng thống Trump vẫn giữ thái độ lạc quan tếu: “Nó (tức cơn đại dịch) sẽ biến mất. Sẽ có ngày phép lạ sẽ diễn ra, nó sẽ biến mất”. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc của Viện quốc gia chuyên nghiên cứu về Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm, đã cảnh cáo rằng “nội trong tuần lễ sau hay hai hoặc ba tuần lễ sau, chúng ta sẽ thấy rất nhiều cộng đồng bị lây nhiễm”. Và lời cảnh báo của Tiến sĩ đã và đang xảy ra.
Chưa hết, ngày 23 tháng Ba, Tổng thống Trump lại tiên báo ngon ơ rằng nếu kinh tế suy sụp, con số người chết vì tự tử “dứt khoát sẽ cao hơn nhiều so với con số những người mà chúng ta cho là” sẽ chết vì Covid-19. Thật ra, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật ước tính, con số người chết vì Covid-19 tại Hoa Kỳ có thể lên đến từ 200.000 đến 1.7 triệu người. Cũng theo Trung tâm này, tự tử là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ, nhưng con số người chết vì tự tử trong năm 2017 chẳng hạn chỉ có khoảng 47.000 người.
Nói sai sự thật, bóp méo sự thật, tung ra những thuyết âm mưu, dối trá, léo lận...vốn là nghề của chàng! Còn biết suy nghĩ bằng cái đầu và có chút lương tri, tôi nghĩ không ai có thể phủ nhận tật  dối trá bẩm sinh của ông Trump. Hãy thử so sánh hai câu tuyên bố của ông liên quan đến đại dịch Covid-19. Ngày 22 tháng Giêng, ông khẳng định: “Không, Coronavirus sẽ không trở thành một đại dịch. Dứt khoát không!”  Rồi mới đây, khi đại dịch đã lan tràn khắp thế giới và không buông tha cho Hoa Kỳ, ông lại nói tỉnh bơ: “Tôi đã luôn luôn biết đây là một đại dịch thực sự mà. Tôi đã cảm nhận nó là một đại dịch từ lâu rồi, trước cả khi nó được gọi là một đại dịch”. Tôi nghĩ: hẳn phải xem cả cái nước Mỹ là “đồ ngu”  hết cho nên ông mới dám nói ngược nói xuôi như thế!
Có lẽ nghĩ rằng dân Mỹ “ngu” hết cho nên ông mới liên tục cho họ ăn bánh vẽ. Tin về dịch Covid-19 từ Vũ Hán, Trung Cộng, đã được phổ biến ra cả thế giới ngay từ cuối năm 2019. Trong tháng Giêng năm 2020, tình báo Mỹ cũng đã báo cáo về các mối nguy hiểm của dịch bệnh này. Nhưng Tổng thống Trump, người tự cho là thông minh nhứt thế giới và thông biết mọi sự, đã gạt bỏ ra ngoài tai các bản báo cáo của tình báo Mỹ.
Ngày mùng Hai tháng Ba, khi dịch bệnh đã bắt đầu lây lan ở mức báo động, ông lại tuyên bố không bao lâu nữa Hoa Kỳ sẽ có thuốc chủng ngừa. Ngày hôm sau, ông cũng hứa hẹn nội trong một tuần lễ Hoa Kỳ sẽ có đủ thiết bị để xét nghiệm cả triệu người. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật lại cho biết khả năng của Hoa Kỳ chỉ có thể sản xuất tối đa được 75.000 bộ mà thôi.
Léo lận, dối trá...cho nên ông Trump không bao giờ nhìn nhận bất cứ mội sai lầm nào. Sai lầm của ông, người khác phải chịu trách nhiệm!  Truyền thông, Đảng Dân Chủ, người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Barack Obama và bất cứ ai có ý kiến hay quan điểm khác ông, chớ đừng nói đến những người chống đối ông, đều phải chịu trách nhiệm về những sai lầm của ông. Khi dịch bệnh Covid-19 vừa bùng phát, ông bảo đây là một “cú lừa” (hoax) của truyền thông và Đảng Dân Chủ.  Về khả năng hạn chế của Hoa Kỳ trong việc xét nghiệm, ông hoàn toàn đổ lỗi cho người tiền nhiệm Obama. Trong các câu tuyên bố của ông liên quan đến đại dịch Covid-19, tôi đặc biệt chú ý đến câu: “Tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm” ( I don’t take responsibility at all). Và đây cũng là câu nói khiến tôi phải mang ra nghiền ngẫm trong thời Cô vi này.
Trong cơn đại dịch, tình liên đới nhân loại buộc tất cả mọi người có mặt trên trái đất này đều phải nhận lấy trách nhiệm và cư xử có trách nhiệm. Dĩ nhiên, trách nhiệm trước tiên thuộc về các chính phủ, những người đang nắm quyền cai trị trong tay. Không riêng chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc vì ngay từ đầu đã bưng bít mà gây ra nông nỗi này, nhưng tất cả mọi chính phủ cũng đều phải gánh lấy trách nhiệm bởi vì lơ là trong việc phòng chống bệnh tật. Nhưng tinh liên đới nhân loại cũng đòi hỏi tôi cũng phải lãnh lấy trách nhiệm trong việc phòng chống lại bệnh tật. Sống bừa bãi, không tuân thủ những biện pháp đề phòng do chính phủ đề ra, không những tôi sẽ mang lấy bệnh tật mà cũng làm cho người xung quanh tôi bị lây nhiễm. Xét cho cùng, mỗi một người hiện đang có mặt trên trái đất này, đều là một phần của nhân loại. Ít hay nhiều, mạng sống của mỗi người đều có thể bị tổn thương vì cách sống thiếu trách nhiệm của tôi.
Nhà toàn học kiêm triết gia Pháp nổi tiếng là Blaise Pascal đã từng nói: “Tất cả mọi khốn khổ xảy đến cho nhân loại đều do con người không thể ngồi yên một chỗ”. Vì cơn đại dịch Covid-19, tôi có cơ hội “ngồi yên” một chỗ nhiều hơn. Đây là dịp để tôi suy nghĩ nhiều hơn về thế nào là tình liên đới nhân loại và trách nhiệm của tôi đối với mọi người. Sống có trách nhiệm hơn để không phải tự giam hãm trong vỏ ốc ích kỷ và dối trá của mình.






Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Nghịch lý thời Cô Vi


Chu Thập
16/3/20

Ngày nào cũng như ngày nào, nhà tôi bắt đầu bữa ăn sáng bằng câu hỏi:Ông Trump ra sao rồi?” Gần đây tôi “ghiền” theo dõi tin tức về tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Cũng đúng ý ổng thôi. Ổng phải là cái đinh của thế giới. Ổng thích được cả và thiên hạ chú ý đến ổng mà!
Thời buổi này báo mạng đầy dẫy. Sáng thức dậy, không gì thú vị bằng vừa nhâm nhi ly cà phê vừa lướt qua tin tức hàng đầu trên khắp thế giới. Nhưng đi đâu rồi cũng quay về chốn cũ: tin tức hàng đầu ở đâu cũng đều quy về Tổng thống Donald Trump cả! Thành ra, mặc dù ổng không phải là “tổng thống của tôi”, nhưng tôi vẫn cứ phải quan tâm đến nhứt cử nhứt động của ổng. Chẳng phải vì tôi thích hay không thích ổng; chỉ vì ổng đang nắm trong tay “số phận” của bao nhiêu con người kể cả những con người của tương lai, nhưng những gì ổng làm hay ổng tuyên bố thì thường khiến tôi nếu không thấy “đau đầu” thì cũng thấy “lên ruột”. Khi đại dịch bùng nổ, ngày nào tôi cũng theo dõi không biết ổng có bị nhiễm không. Bởi nếu ổng mà có gì thì có nghĩa là thằng tôi cũng không sao thoát khỏi bị mắc “dịch”. Cũng may, nghe nói kết quả xét nghiệm mới đây cho thấy, vì là người “được Chúa tuyển chọn” chăng, ổng chẳng hề hấn gì cả mặc dù đã tiếp xúc bắt tay với những người bị nhiễm “cô vi” (Covid-19).
Tống thống Trump không hề hấn gì, nhưng một cuộc thăm dò mới đây cho thấy có đến hai phần ba dân Mỹ lo sốt vó vì cơn đại dịch toàn cầu này. Và đây có lẽ cũng là nghịch lý lớn nhứt hiện nay: Dân số Mỹ hiện nay đã lên đến 327 triệu người. Vậy mà cho đến nay, trong cơn đại dịch này, chỉ mới có khoảng 11.000 người được xét nghiệm. Tính theo đầu người, đây là tỷ lệ xét nghiệm thấp nhứt thế giới. Hãy thử so sánh với Nam Hàn, một quốc gia với dân số chỉ có 51 triệu người, nhưng hầu như mỗi ngày đều có khoảng 20.000 người được xét nghiệm. Hoa Kỳ và Nam Hàn là hai quốc gia đã loan báo trường hợp bị nhiễm “cô vi” đầu tiên chỉ cách nhau vài tiếng đồng hồ.
So sánh tỷ lệ xét nghiệm trên đây không thể không dẫn đến thắc mắc: tại sao  quốc gia “vĩ đại” nhứt trong các nước văn minh giàu có, nhứt là có nền khoa học tiến bộ nhứt thế giới, lại lẹt đẹt chạy theo đuôi người ta trong việc xét nghiệm khi xảy ra một cơn đại dịch như hiện nay?
Ở cái quốc gia “vĩ đại” này, có nhiều điều thật khó hiểu. Ngày 21 tháng Giêng vừa qua, tức 3 tuần lễ sau khi tin tức đã bùng nổ về việc Covid -19 đã từ Vũ Hán, Trung Cộng, lây lan đi khắp thế giới, ở Mỹ đã thấy có trường hợp bị nhiễm đầu tiên. Ngày 5 tháng Hai, Chính phủ Mỹ đã cho phân phát dụng cụ để xét nghiệm khoảng 1.600 bệnh nhân. Nhưng phải chờ đợi rất lâu mới có kết quả và theo các bác sĩ, kết quả lại không chính xác. Trong khi đó thì việc xét nghiệm riêng tư lại gặp phải tệ nạn bàn giấy. Khi được báo chí hỏi liệu ông có phải chịu trách nhiệm về tình trạng trì trệ này không, tổng thống Trump trả lời dứt khoát: “Tôi không hề chịu trách nhiệm về điều này!”
Mới đây, Tổng thống Trump đã ban bố tình trạng khẩn trương trên toàn quốc và cho thành lập một hệ thống xét nghiệm tương tự như ở Nam Hàn. Tuy nhiên, ông đảo ngược hoàn toàn những lời tuyên bố trước: cách đây không lâu, ông bảo ai cũng có thể và nên được xét nghiệm. Nay thì ông lại nói: “Chúng tôi không muốn dân chúng ai cũng phải bị xét nghiệm nếu chúng tôi thấy họ không nên làm điều đó”. Các nhân viên y tế Mỹ bị đặt trước một tình thế khó xử khi phải quyết định ai mới cần được xét nghiệm.
Tuần qua, dân chúng Mỹ xôn xao về phí tổn phải trả cho việc xét nghiệm là 3.000 Mỹ kim. Với một hệ thống y tế tốn kém như Mỹ, một phí tổn cao như thế có thể là điều khó tránh khỏi. Thật ra,  trung bình một lần nhập viện khẩn cấp ở Mỹ tốn 2.245 Mỹ kim, đó là chưa kể khi phải ở phòng riêng và được chăm sóc đặc biệt để phòng ngừa Covid-19. Ngoài ra, vì không có khả năng tài chính, muốn được thử nghiệm phải chờ đợi lâu. Hiện nay, có đến một phần ba dân số Mỹ không được trả  lương khi bị bệnh (paid sick leave) và việc xét nghiệm đòi hỏi một thời gian mới có kết quả.
Hạ viện Mỹ, do Đảng Dân Chủ kiểm soát, vừa mới thông qua một dự luật bảo đảm cho mọi người dân được xét nghiệm miễn phí, tăng phụ cấp trong thời gian chữa trị và bảo đảm 14 ngày nghỉ được trả lương cho mọi công nhân. Nhưng số phận của dự luật lại nằm trong tay của Thượng Viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát và dĩ nhiên, nếu được thông qua, dự luật lại còn phải qua cái ải cuối cùng là quyết định của Tổng thống Trump.
Cho tới nay, trên toàn nước Mỹ hiện có khoảng trên bà ngàn trường hợp nhiễm Covid-19 và con số người chết vì dịch bệnh này chỉ mới có khoảng hơn 60 người. Với dân số đông thứ ba trên thế giới, thống kê trên đây có thể  là một con số không đáng kể. Thật ra, những con số trên đây có thể cao hơn rất nhiều, bởi vì ở Mỹ hiện chưa có đủ phương tiện để xét nghiệm và thiếu phương tiện xét nghiệm có nghĩa là không thể biết chính xác con số người bị nhiễm bệnh. Và đây chính là một nghịch lý “vĩ đại” của quốc gia luôn tự hào là “vĩ đại” này.
Các cuộc nghiên cứu được thực hiện khi xảy ra các trận dịch lớn như HIV/AIDS, Ebola, Sars...cho thấy không đầy một phần ba dân Mỹ đặt tin tưởng nơi hệ thống y tế của đất nước họ và người Mỹ đi khám bệnh cũng ít hơn so với người dân của các nước phát triển khác. Không biết có phải vì người Mỹ ít quan tâm đến bệnh tật không? Hay họ còn có những quan tâm khác quan trọng hơn sức khỏe? Nếu họ được khám bịnh miễn phí bất cứ lúc nào và nơi nào trên toàn quốc như những quốc gia phát triển khác thì con số có khác không?
Mới đây, một bản tin từ một thị trấn ở Tiểu bang Missouri cho biết: một thiếu nữ ở Tiểu bang Missouri vừa từ Ý trở về hôm 2 tháng Ba vừa qua. Cô cảm thấy có triệu chứng bị nhiễm bệnh. Các viên chức y tế khuyên cả gia đình cô nên tự cách ly. Cô làm theo lời khuyên. Nhưng cha cô và em gái của cô quyết định chấm dứt việc cách ly để đi tham dự một lớp học nhảy. Một cuộc xét nghiệm đã cho thấy cô thiếu nữ đã bị nhiễm Covid-19 và là người đầu tiên trong Tiểu bang Missouri được xem là bị nhiễm bệnh. Rất có thể qua cha và người em gái của cô, Covid-19 đã lây lan sang nhiều người khác và cứ thế lan rộng ra toàn tiểu bang.
Trên đây chỉ là một trường hợp cá biệt, nhưng nó có thể phản ảnh một khía cạnh sâu xa trong xã hội Mỹ hiện nay: phần lớn sống theo cá nhân chủ nghĩa! Chủ nghĩa này không chỉ chi phối các quan hệ giữa người với người mà còn được thể hiện một cách rõ nét qua khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” của Tổng thống Trump và của Đảng Cộng Hòa. “Nước Mỹ trước hết” có nghĩa là thế giới xung quanh có sống chết như thế nào cũng mặc kệ, miễn là nước Mỹ vẫn thịnh vượng, hùng mạnh và “vĩ đại”. “Nước Mỹ trước hết” cũng có nghĩa là xung quanh tôi, người ta sống chết như thế nào cũng mặc kệ miễn là tôi vẫn giàu có và khỏe mạnh.
Nghịch lý lớn nhứt của nước Mỹ trong thời Covi không chỉ phô bày khoảng cách ngày càng lớn giữa một quốc gia giàu mạnh, tự phụ là “vĩ đại” và tình trạng dễ bị tổn thương của người dân khi gặp dịch bệnh hay khủng hoảng nói chung. Nghịch lý ấy cũng gợi lên cho tôi nghịch lý lớn nhứt trong cuộc sống: nếu tôi biết ra khỏi cái vỏ ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa của tôi để quan tâm đến người khác thì đó cũng chính là lúc tôi quan tâm đến chính bản thân tôi. Áp dụng vô thực tế, khi chấp nhận tuân theo các lời khuyên của các chuyên gia y tế để giữ gìn một sức khỏe tốt và vệ sinh cần thiết để đối phó với dịch, khi tuân thủ việc tự cách ly khi cần thiết để khỏi lây nhiễm cho người khác...Tôi không những bảo vệ người khác mà còn giúp cho chính tôi giảm bớt những nguy cơ bị tái phát. Suy nghĩ về nghịch lý này, tôi cũng nghe văng vẳng bên tai lời của một trong những nhân vật vĩ đại nhứt trong lịch sử của Kitô Giáo là thánh Phanxicô Assisi: “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân!”
Cái Tôi trước hết cũng có nghĩa là Cái Tôi phải sau hết!













Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

Xã hội chủ nghĩa không còn là một từ “bẩn” tại Hoa Kỳ



Edward Castleton
                                                                                   Chu Văn chuyển ngữ


Trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên thuộc Đảng Dân Chủ tối Thứ Tư (19/2/2020) vừa qua tại  Las Vegas, Bernie Sanders đã  được hỏi về một cuộc thăm dò dư luận theo đó hai phần ba cử tri “sẽ không cảm thấy thoải mái với một ứng cử viên tổng thống theo xã hội chủ nghĩa”. Thượng nghị sĩ này đã trả lời: “Trong nhiều phương diện, ngày nay chúng ta đang là một xã hội xã hội chủ nghĩa. Khi Donald Trump kiếm được 800 triệu Mỹ kim từ việc trốn thuế và phụ cấp để xây những chung cư sang trọng, đó là xã hội chủ nghĩa cho người giàu. Chúng ta cần phải phụ cấp cho các công nhân của Walmart hiện đang sống nhờ Trợ cấp Y tế (Medicaid) và tem phiếu thực phẩm (food stamps), bởi vì những gia đình giàu có nhất tại Mỹ đang trả cho công nhân của họ đồng lương chết đói. Đó là xã hội chủ nghĩa cho người giàu. Tôi tin ở xã hội chủ nghĩa Dân Chủ cho công nhân”.
Sự say mê đối với xã hội chủ nghĩa trong Đảng Dân Chủ Mỹ bắt nguồn từ đâu? Điều gì đã thay đổi và liệu các cử tri khác có thể được thuyết phục rằng họ cũng sẽ được hưởng lợi không?
Bill Gates nghĩ rằng sự say mê đối với Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thuộc Đảng Dân Chủ hay dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez không nên làm cho giới doanh nghiệp giàu có phải lo lắng, bởi vì “xã hội chủ nghĩa” của họ chỉ cho thấy rằng một số người Mỹ muốn tăng thuế nhưng không hề muốn hủy bỏ chủ nghĩa tư bản. Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài CNBC hôm mùng Sáu  tháng Năm 2019 vừa qua, ông Gates nói rằng ngay cả ông, dù là người giàu thứ nhì tại Hoa Kỳ, cũng ủng hộ một chính sách thuế thu nhập cấp tiến hơn cũng như gia tăng thuế đánh trên tài sản được thừa hưởng (Đây là loại thuế đã được tổng thống Trump giảm xuống gần như số không).
Warren Buffett, người giàu thứ ba tại Mỹ, đã không ngừng chỉ trích sự bất công trong hệ thống thuế khóa của Mỹ. Theo hệ thống này, ông tương đối đóng thuế ít hơn người giúp việc nhà hay người trực điện thoại cho ông. Chuyện người giàu bị lương tâm cắn rứt có thể không phải là điều mới mẻ. Nhưng tâm trạng vừa lo âu vừa muốn làm từ thiện của những người “siêu” giàu tại Mỹ khác với mối quan tâm về thần học của những người La Mã giàu có vào thời thánh Augustinô (354-430). Những người này được thu hút bởi cuộc sống mai hậu do  Kitô Giáo hứa hẹn và hy vọng nhờ sự hoán cải có thể bảo vệ được linh hồn của mình trong một tương lai bên kia thế giới này.
Tuy nhiên những lời tuyên bố mới đây của ông Gates và những người khác không những bộc bạch thiện chí của họ mà còn cho thấy một bối cảnh chính trị cấp tiến hơn. Sanders, Ocasio-Cortez và các đồng minh của họ, những người tự xưng là “xã hội chủ nghĩa dân chủ”, không hề đòi hỏi phải quốc hữu hóa những lãnh vực chính của nền kinh tế Mỹ. Sở dĩ chiến dịch của ông Sanders trong các cuộc bầu cử sơ bộ hồi năm 2016 được nhiều người ủng hộ là bởi vì ông đã chỉ trích tiền học phí quá cao trong các đại học Mỹ cũng như những tốn phí ngút ngàn của việc chăm sóc y tế. Nếu học phí là nguyên nhân tạo ra nỗi lo lắng cho giới trung lưu thì phí tổn y tế ảnh hưởng đến mọi người trừ người giàu có.
Những vấn đề trên đây không hề bắt nguồn từ xã hội chủ nghĩa của thời xa xưa, vốn gắn liền với giới công nhân lắp ráp trong các kỹ nghệ giây chuyền. Một cách nào đó, xã hội chủ nghĩa đã thay đổi trong kỷ nguyên được đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng môi sinh do con người tạo ra. Những người tranh đấu đang tập họp xung quanh ông Sanders không hề say mê hình ảnh của ống khói của các nhà máy. Họ cũng chẳng giới hạn những nguyện vọng của họ vào việc làm toàn phần hay sự độc lập về năng lượng mà việc xẻ đá lấy dầu (fracking) hay mở lại các mỏ than có thể mang lại. Đây là điều mà ông Trump và những đồng minh bảo hộ mậu dịch của ông, những người rất muốn mang về Mỹ mọi hệ thống sản xuất giây chuyền, hứa hẹn.
Đó đây bên trong Đảng Dân Chủ, người ta có thể nghe vọng lại những đòi hỏi của xã hội chủ nghĩa trước kia. Chẳng hạn những lời tuyên bố của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren. Bà này đề nghị nên cho công nhân được đại diện trong ban lãnh đạo của các công ty lớn. Ngay cả những ứng cử viên ôn hòa hơn trong các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020 như ông Pete Buttigieg, cũng đã nhìn nhận rằng sự say mê hiện nay của nhiều người đối với “xã hội chủ nghĩa” bắt nguồn từ sự kiện “chủ nghĩa tư bản đã làm cho nhiều người thất vọng”. Đây là lý do giải thích tại sao các cử tri Dân Chủ có một cái nhìn tích cực về xã hội chủ nghĩa hơn là tư bản chủ nghĩa (có tới 57 phần trăm cử tri dân chủ ủng hộ xã hội chủ nghĩa). Mặc dù đa số cử tri Mỹ (57 phần trăm) chọn tư bản chủ nghĩa, nhưng sự hấp dẫn của chủ nghĩa này hiện đang suy giảm. Lâu nay các nhà khoa học xã hội và các sử gia vẫn cho rằng sở dĩ chính trường Mỹ có một sắc thái đặc biệt là bởi vì vắng bóng xã hội chủ nghĩa.
Qua các tác phẩm vốn đã từng được đưa vào chương trình học của môn chính trị học ở cấp đại học, Seymour Martin Lipset (1922-2006) đã tìm cách giải thích tại sao những ý tưởng xã hội chủ nghĩa đã đi vào chính trị trên khắp Âu Châu mà không hề có tại Hoa Kỳ. Theo ông, sở dĩ như thế là do bản chất của hệ thống chính trị Mỹ (sự thống trị của 2 Đảng chính, những cuộc bầu cử chỉ có một vòng (first past the post), cử tri đoàn có giá trị hơn lá phiếu phổ thông). Cũng theo tác giả Lipset, sở dĩ ở Mỹ không có xã hội chủ nghĩa là vì tính không đồng chủng của giai cấp công nhân, vốn không ngừng đổi mới theo từng đợt di dân. Tác giả cũng cho rằng sở dĩ xã hội chủ nghĩa không có mặt tại Hoa Kỳ là vì sự vắng bóng của một liên minh bền vững giữa các đảng chính trị và các nghiệp đoàn. Cuối cùng, theo tác giả, về mặt văn hóa, người  Mỹ gắn bó với những giá trị cá nhân, tức những giá trị không hợp với những ý tưởng và cương lĩnh xã hội chủ nghĩa.
Tác giả Lipset đã chịu ảnh hưởng của một cuộc nghiên cứu của triết gia Max Weber và một nhà xã hội học đương thời của ông là ông Werner Sombart. Tác phẩm có tựa đề “Tại sao không có xã hội chủ nghĩa tại Hoa Kỳ?” (Why is there no socialism in the United States) đã được xuất bản năm 1906. Sombart là người rất tinh thông về các tác phẩm viết về kinh tế của Karl Marx và đồng thời rất có thiện cảm với Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức. Ông nghiên cứu về những hình thức khác nhau của tính hiện đại trong các xã hội tư bản. Sombart kết luận rằng ngay cả khi tư bản chủ nghĩa đạt đến cao trào trong xã hội Mỹ đi nữa, xã hội này cũng khác biệt với những xã hội Âu Châu cùng thời kỳ, bởi vì nó thù nghịch với xã hội chủ nghĩa. Và sở dĩ xã hội Mỹ thù nghịch xã hội chủ nghĩa là vì giai cấp công nhân của nó thích được “trưởng giả hóa”.  Theo tác giả Sombart, giới công nhân Mỹ không chống lại tư bản chủ nghĩa hay chính phủ của họ và sẵn sàng thích nghi với một hệ thống chính trị vốn ưu đãi sự thống trị của lưỡng đảng, mặc dù rõ ràng hệ thống này đã không thể hiện quyền lợi của giai cấp họ. Công nhân Mỹ giàu có hơn công nhân Âu Châu và có thể thăng tiến hơn nhờ cật lực làm việc.
Trong đoạn nổi tiếng nhất của ông, tác giả Sombart viết: “Nhờ tình trạng kinh tế được cải thiện và mức sống gia tăng, người lao động trung bình có cơ hội trải qua những cơn cám dỗ của sự đồi bại từ chủ nghĩa duy vật. Chính vì vậy mà họ thấy cần phải học để yêu thích hệ thống kinh tế vốn đã nhào nặn nên số phận của họ. Họ phải học cách dần dần thích nghi não trạng của mình với cơ chế đặc thù của một nền kinh tế tư bản và cuối cùng cũng đành phải đầu hàng trước tác động không thể cưỡng chế được do  sự thay đổi nhanh chóng và sức mạnh ngày càng gia tăng của thời kỳ lạ lùng này. Được luồng khí ái quốc tác động, người lao động cảm thấy hãnh diện vì Hoa Kỳ đã lãnh đạo tất cả mọi quốc gia khác trên con đường tiến bộ; não trạng duy doanh nghiệp được hình thành và biến họ thành một doanh gia cần kiệm, biết tính toán và chẳng màng đến những lý tưởng như ta đang thấy hiện nay. Tất cả những ảo tưởng của Xã hội Chủ nghĩa chỉ là con số không so với thịt bò bít tếch và chiếc bánh táo”.
Tác giả Sombart cũng chỉ ra khả năng di động về mặt địa lý tại Hoa Kỳ vốn không hề có tại Âu Châu. Một biên giới mở cửa hứa hẹn đất đai trù phú và rẻ mạt, đã mang lại cho những ai bất mãn vì cuộc sống khó khăn trong các thành phố kỹ nghệ niềm hy vọng có thể đạt được “Giấc Mơ Mỹ” là có cuộc sống tự trị nhờ sở hữu được đất đai ở thôn quê.
Theo Sombart, người công nhân Mỹ, chính vì khao khát rời bỏ giai cấp của họ cho nên không thể hiểu rằng phúc lợi cá nhân được cải thiện và hành động tập thể là hai điều có thể hòa hợp với nhau. Những người kế vị tác giả Sombart như Lipset chẳng hạn, đã nhấn mạnh đến vai trò của di dân khiến cho việc thành lập một giai cấp công nhân trở thành khó khăn. Các công nhân đến Mỹ từ nước ngoài vào đầu Thế kỷ 20 vẫn xem tình trạng của họ như tạm bợ. Mục tiêu của họ là kiếm được thật nhiều tiền để có thể trở về quê quán của mình. Cũng trong thời kỳ đó, di dân cũng khiến cho bất cứ một liên minh nào giữa các công nhân có tay nghề (thường là những người sinh trưởng tại Mỹ) và những công nhân không có tay nghề (thường là những người đến từ nước ngoài) trở nên khó khăn. Các công nhân đến từ nước ngoài là những người có óc thực tiễn hơn đối với thị trường lao động và cũng ít đòi hỏi hơn về những điều kiện làm việc. Các công nhân đến từ nước ngoài có khuynh hướng muốn hòa nhập vào các cộng đồng sắc tộc của họ tại các thành phố hơn là quan tâm đến quy chế lao động của họ. Thành ra rất khó thuyết phục họ về vấn đề giai cấp.
Tác giả Sombart cũng ghi nhận sự hội nhập dân sự tương đối cao tại Mỹ. Có thể đây là lý do giải thích tại sao ở Mỹ không hề có ý thức về giai cấp công nhân, bởi vì không như ở Âu Châu, kể từ năm 1792, tại Mỹ nam cử tri da trắng đã dần dần hội nhập vào đời sống chính trị trước khi điều đó được ghi khắc trong hiến pháp năm 1856. Tác giả Louis Hartz, một chuyên gia về chính trị hậu chiến, cho rằng sở dĩ người Mỹ ít có ý thức về giai cấp công nhân là bởi vì tại Mỹ không hề có chế độ phong kiến, không có  giới tiểu thương và tiểu công nghệ cũng như không có bất kỳ một cuộc cách mạng nào do giới trưởng giả lãnh đạo để lật đổ cấp lãnh đạo bảo thủ của một xã hội truyền thống. Một người đương thời của tác giả Hartz là ông Richard Hofstadter, khẳng định rằng thay vì chạy theo các ý thức hệ, Hoa Kỳ đã có một ý thức hệ riêng cho mình.
Tuy nhiên, giữa thời kỳ tác giả Sombart cho xuất bản cuộc nghiên cứu của ông và năm Đệ nhất Thế chiến kết thúc,  Hoa Kỳ đã từng có một  đảng xã hội vững mạnh dưới sự lãnh đạo của ông Eugene Victor Debs. Năm 1910, Hoa Kỳ đã có nhiều viên chức theo xã hội chủ nghĩa không kém gì việc Vương quốc Anh thống nhất đã bầu chọn các đảng viên của Đảng Lao Động. Năm 1912, các đảng viên xã hội đã nắm giữ quyền hành tại nhiều thị trấn, nhất là tại một số tiểu bang như Wisconsin, Michigan, New York và California. Ông Debs đã chiếm được 6 phần trăm phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử tổng thống và Đảng của ông đã đạt được nhiều kết quả ngoạn mục không những tại các tiểu bang như Wisconsin và New York, mà còn cả tại những tiểu bang thôn quê ở miền Nam như Oklahoma, Arkansas, Texas và Louisiana.
Tuy nhiên những chiến thắng trên đây đã không kéo dài. Sau khi Hoa Kỳ tham chiến, ông Debs và nhiều lãnh tụ xã hội khác là những người đã chống lại sự can thiệp của Mỹ, đã bị giam tù. Cuộc Cách Mạng Nga đã tạo ra nhiều căng thẳng về ý thức hệ trong nội bộ của một Đảng vốn đã yếu kém vì sự đàn áp của chính phủ, bởi vì thứ xã hội chủ nghĩa của  phần lớn đảng viên xã hội Mỹ được cảm ứng từ Tin Mừng của Kitô Giáo và Phong trào Bình dân chống lại độc quyền hơn là từ các tác phẩm của Marx và Lenin.
Nhiều quan sát viên tin rằng  ông Bernie Sanders đã thành công trong các cuộc bầu cử sơ bộ hồi năm 2016 và hiện đang tiếp tục thu hút nhiều người là bởi chiến dịch của ông đã được khuấy  động từ bên trong một đảng đã vững mạnh, với hy vọng có thể thay đổi định hướng chính trị của đảng. Ứng cử viên độc lập Ralph Nader và ứng cử viên xã hội Debs đã  không thành công trong việc xâm nhập vào cơ chế chính trị. Nhưng sở dĩ ông Sanders thành công là bởi vì thời kỳ thăng tiến xã hội kéo dài trong 40 năm qua đã chấm dứt. Đây là thời kỳ mà tác giả Sombart tin rằng đã khiến cho người Mỹ thù ghét xã hội chủ nghĩa. Thuốc chủng chống xã hội chủ nghĩa của việc “trưởng giả hóa” không còn tác động như cách đây  một thế hệ.
Tác giả Lipset tưởng tượng rằng tính “dị thường” của Hoa Kỳ sẽ biến mất với việc các đảng tả phái của Âu Châu chuyển sang hữu phái. Xuyên qua việc tư hữu hóa và các cuộc cải cách để tự do hóa thị trường, các đảng tả phái của Âu Châu cũng sẽ giống như Đảng Dân Chủ của cựu tổng thống Bill Clinton. Ông Lipset đã không bao giờ tưởng tượng được rằng một ngày nào đó các thế hệ trẻ hơn sẽ tự xem mình như những người theo xã hội chủ nghĩa hoặc những người tranh đấu cho Đảng Dân Chủ chạy theo ông Sanders bởi vì họ cảm thấy bị bỏ rơi bởi một Đảng dưới thời ông Barack Obama sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, đã thực hiện một cuộc chuyển giao tài sản cho người giàu chưa từng có trong lịch sử Mỹ.
Những người theo xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Mỹ thường tìm cách xác định lại giai cấp công nhân không dựa trên mối tương quan với kỹ nghệ và sản xuất cho bằng với kỹ thuật và lãnh vực dịch vụ, bất kể màu da của người lãnh lương. Họ tự cho là đại diện cho các giáo viên, y tá, người quét dọn hay nhân viên trong các tiệm ăn: tất cả đều (là giai cấp công nhân) có cùng một quy chế riêng biệt như những người theo xã hội chủ nghĩa trước kia đã dành cho các nam công nhân da trắng trong các hầm mỏ, xưởng thợ và nhà máy sắt.
Hiện tại, hầu hết những người tranh đấu thuộc cánh tả trong Đảng Dân Chủ đều là giới trẻ thuộc giai cấp trung lưu. Họ đang lo lắng cho sự xuống cấp xã hội của họ. Liệu khuynh hướng chính trị cực đoan của họ có thu hút được những nhóm kinh tế-xã hội khác không? Đây là những nhóm đã từng chạy theo các chính trị gia như ông Debs, nhưng nay lại bị lung lay bởi chính sách mỵ dân của ông Trump. Liệu những người theo xã hội chủ nghĩa hiện nay có thể thu hút được những người Mỹ không sống trong cùng một khu phố, thị trấn, liên bang hay vùng miền như họ không?


(Theo Edward Castleton, “Socialism no longer a dirty word in America”,  Le Monder Diplomatique 21/02/2020.
Edward Castleton là một sử gia và đồng tác giả của cuốn sách “Quand les socialistes inventaint l’ avenir 1825-1860” (khi những người theo xã hội chủ nghĩa phát minh ra tương lai)