Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Cô đơn và sự Vĩ đại




Chu Thập
23/11/18
Ở Úc, bước vào tháng Mười Một, khí trời ấm áp trở lại. Với riêng tôi, mùa câu đã trở về. Làm gì thì làm, bận cỡ nào, thời tiết thay đổi cỡ nào, tiện hay không tiện, tuần nào tôi cũng phải xách cần đi thử thời vận 2, 3 lần.
Câu là một thứ ghiền mà tôi dứt khoát không chịu bỏ. Nếu tính từ lúc có trí khôn đến nay thì “ sự nghiệp” câu cá của tôi đã kéo dài không dưới 65 năm. Nhiều bạn bè của tôi, vì nhiều lý do, đã gác cần. Riêng tôi vẫn kiên trì...có lẽ cho đến chết thôi!
Tôi thích câu cá vì một lý do rất đơn giản: tôi thích ăn cá hơn ăn thịt! Có người bảo: ăn nhiều cá thông minh ra! Điều này chẳng có giá trị cho tôi và cho biết bao nhiêu dân “danh ca” suốt đời lam lũ, sống bằng cá, mà vẫn cứ ngu và nghèo!
Mê câu cá vì thích ăn cá đã đành, nhưng càng thêm tuổi, càng tập triết lý vụn vặt, tôi càng nghiệm ra rằng trong các thú tiêu khiển, câu cá là “bộ môn thể thao” giúp tôi thư giãn nhiều nhứt. Dân câu cá là những người dễ bắt chuyện và làm quen nhứt. Ở bãi câu dường như ai cũng dễ thấy mình có tài hùng biện. Hễ gặp nhau, hỏi chuyện là tuôn ra đủ mọi kinh nghiệm và ngay cả cách nhìn đời. Ngoài ra, những lúc hồi hộp kéo cá là những giây phút tôi cảm thấy vui nhứt khi ra bãi câu. Nhưng dĩ nhiên vui nhứt là kéo được cá. Gặp một con cá lớn, như ngư ông giữa biển cả, cuộc chiến đấu càng kéo dài, niềm vui càng lớn. Hôm nào cầm một giỏ cá đầy đem về khoe với người thân và chia sớt cho bạn bè, còn gì vui hơn. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng được thời vận đãi ngộ. Như trong cả tháng vừa rồi chẳng hạn, không rõ cá còn đang kéo dài giấc ngủ mùa đông hay kéo nhau đi nghỉ hè ở đâu hết mà hầu như ngày nào tôi cũng vác cần về nhà với cái giỏ trống không và bộ mặt méo xẹo. Những lúc eo xèo như thế, tôi chỉ còn biết tự an ủi: thôi thì ngắm trời ngắm đất cho đỡ buồn vậy!  Và đây cũng chính là lúc cái khả năng triết lý vụn bừng dậy để mách bảo tôi một điều đáng sợ nhứt trong thân phận con người: đó là nỗi cơ đơn! Thành ra đi câu là để thư giãn, để tìm niềm vui mà cũng để thấy mình cô đơn.
Thật ra tôi đâu phải là người duy nhứt cảm thấy cô đơn trên mặt đất hay trên đất Úc này. Mới đây tôi đọc được trên trang mạng của Đài ABC rằng một cuộc phân tách về những dữ kiện liên quan đến Nhà ở, Thu nhập và Việc làm tại Úc Đại Lợi từ năm 2001 đến năm 2017 cho thấy cứ 6 người Úc thì có trên một người cảm thấy cô đơn trong một năm hay trong một giai đoạn nào đó. Cũng có trên 1.5 triệu người Úc cảm thấy tình trạng cô đơn kéo dài trong cả một thập niên hoặc hơn.
Theo cuộc phân tách, phụ nữ dễ cảm thấy cô đơn hơn đàn ông. Riêng đàn ông ở độ tuổi từ 45 đến 64 là những người cảm thấy cô đơn hơn cả. Phần lớn là những người thất nghiệp, phải sống bằng trợ cấp xã hội và những người cha đơn chiếc. Cuộc phân tách cũng cho biết: tuổi tác là một yếu tố quan trọng. Càng lớn tuổi con người càng cảm thấy cô đơn.
Điều đáng sợ cho Úc Đại Lợi là các cuộc nghiên cứu cảnh cáo rằng cô đơn có thể là sẽ là một vấn đề sức khỏe trầm trọng đối với xã hội. Theo cuộc phân tách, cô đơn cũng có thể là một tên sát nhân thầm lặng không kém gì những yếu tố gây nguy hiểm khác như thiếu vận động thể lý, béo phì, ma túy, bia rượu, bệnh tâm thần, thương tích và bạo động.
Trong bản phúc trình có tựa đề “Dịch bệnh cô đơn từ năm 2001 đến năm 2017” (An Epidemic of Loneliness 2001-2017), bà Alison Brooks, Giám đốc điều hành Cơ quan “Relationships Australia” chuyên nghiên cứu về những ích lợi của việc xây dựng các mối quan hệ xã hội, nói rằng phần lớn người dân Úc chưa ý thức được những mối nguy hại của sự cô đơn.
Úc Đại Lợi đã lên tiếng báo động về dịch bệnh cô đơn. Còn ở những nơi khác thì sao? Ở đâu mà con người chẳng cảm thấy cô đơn. Ở địa vị xã hội nào mà con người không cảm thấy cô đơn. Ngay cả những người đã sống hạnh phúc cho đến đầu bạc răng long trong bậc vợ chồng cũng đâu có tránh khỏi cô đơn.
Từ Úc Đại Lợi, hãy thử nhìn sang Hoa Kỳ. Theo báo mạng Psychologytoday, cách đây một năm, tại Thành phố Oakland, Tiểu bang California, một nhóm khoảng 20 người đàn ông, tất cả đều là những người cha trong gia đình tuổi từ 30 đến 40, đã gặp nhau tại một nhà riêng của một người trong nhóm để thảo luận về sứ mệnh làm cha. Điều đáng báo động là khi được hỏi có bao nhiêu người trong nhóm có những “người bạn thật sự” nghĩa là những người họ có thể  tâm sự và chân thành chia sẻ cuộc sống trong lúc hạnh phúc cũng như khi gặp hoạn nạn, chỉ có đúng 2 người trong số 20 người giơ tay nói có!
Thật ra, nỗi cô đơn không miễn trừ một giới tính nào cả. Đàn ông cũng như đàn bà, ở đâu cũng thế, đều có thể mắc dịch bệnh cô đơn. Theo một cuộc nghiên cứu, có một tỷ lệ rất lớn người Mỹ cho biết mặc dù có rất nhiều “nối kết” trên các trang mạng xã hội, nhưng lại có rất ít những quan hệ thực sự thân thiết và cô đơn vẫn là lý do chính khiến người Mỹ đi gặp các chuyên gia tâm lý để được cố vấn. Tôi nghĩ đến người đàn ông Mỹ giàu có và cũng có nhiều quyền lực nhứt nước và nhứt thế giới hiện nay là Tổng thống Donald Trump. Tôi  không biết người  đàn ông Mỹ luôn tự nhận là cái gì mình cũng “nhứt” cả này có cảm thấy cô đơn không. Nhưng cứ nhìn lại chuyến đi Pháp vừa qua của ông để tưởng niệm đúng 100 năm ngày chấm dứt Đệ nhứt Thế chiến, rồi đọc lại những “tuýt” hằn học và, nói như một viên chức bộ ngoại giao Pháp, thiếu cả lịch sự tối thiểu được ông bắn ra sau đó, cộng với việc thay đổi nhân sự diễn ra như chong chóng trong Tòa Bạch Ốc...tôi không cho rằng sự giàu có và quyền lực biến ông thành một người được miễn dịch khỏi nỗi cô đơn. Chính người con trai trưởng của ông là Donald Trump Jr. cũng đã phải nhìn nhận rằng cha ông không còn tin tưởng bất cứ ai trong Tòa Bạch Ốc (x. https://www.google.com.au/search?q=donald+jr+Trumo+%3A+my+father+don%27t+have+any+to+trust). Qua những “tuýt” được Tổng thống Trump gởi đi từ mỗi sáng sớm, vào giữa lúc cả nước Mỹ chưa thức dậy, tính đến hôm nay, ông đã quy tụ  được trên 55 triệu rưỡi  “tín đồ” (followers). Nhưng liệu  con số người “đi theo” đông đảo đó có thể bảo đảm cho ông khỏi rơi vào cô đơn không?
Nghịch lý lớn nhứt của thời đại kỹ thuật số ngày nay là càng “nối kết” trên mạng, con người lại càng cô đơn. Nhưng các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông ngày càng tối tân có phải là nguyên nhân tạo ra sự cô đơn của con người thời đại không? Thật ra phải nhìn nhận rằng các phương tiện truyền thông hiện đại và các trang mạng xã hội như Facebook chẳng hạn,  giúp cho con người cảm thấy được nối kết với người khác và với cộng đồng của mình nhiều hơn. Vậy thì điều gì đã khiến cho người Mỹ ngày càng tách biệt và xa cách với người khác?
Theo báo mạng Psychologytoday, vấn đề lớn nhứt nằm trong ý thức hệ cá nhân chủ nghĩa của người Mỹ. Theo một cuộc nghiên cứu do Giáo sư tâm lý Hazel Markus thuộc trường Đại học Stanford thực hiện, người Mỹ thích nghĩ về mình như những con người độc lập, độc nhứt vô nhị và tự trị. Cũng như các nền văn hóa đề cao cá nhân chủ nghĩa, như hầu hết các nền văn hóa Tây Âu và ngay cả trong một số văn hóa của người di dân, người Mỹ lúc nào cũng muốn có một chỗ “nổi bật”. Họ thích “chơi nổi”. Họ thích “làm nổi”.
Nhiều người cho rằng não trạng cá nhân chủ nghĩa của người Mỹ phát xuất từ Đạo Tin Lành. Khác với Công giáo, Đạo Tin Lành khuyến khích con người làm việc để chứng tỏ giá trị của mình. Chịu ảnh hưởng của Tin Lành, một số nhà tư tưởng khẳng định rằng mỗi cá nhân cần phải tự mình nói lên tiếng nói của mình, tìm ra con đường riêng cho mình. Triết gia Mỹ Ralph Waldo Emerson (1803-1882) kêu gọi: “Hãy là chính mình. Không có ai tốt đẹp hơn để mô phỏng cho bằng chính bạn”. “Giấc mơ Mỹ” đã được thai nghén từ niềm xác tín ấy!
Nói chung, với một nền kinh tế phồn thịnh nhứt thế giới, với những phát minh đứng đầu thế giới, người Mỹ luôn tự hào về đất nước, về con người, về sự độc lập và nhứt là về khả năng luôn thành công vượt bực của họ. “Nước Mỹ lúc nào cũng vĩ đại”. Cố Tổng thống Ronald Reagan đã kêu gọi “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nay Tổng thống Trump cũng muốn tiếp tục niềm tự hào dân tộc ấy khi ra rả lập lại khẩu hiệu ấy!
Viết trên báo mạng Psychologytoday, một chuyên gia tâm lý Mỹ là Tiến sĩ Emma Seppala cho rằng có thể niềm tự hào về sự vĩ đại ấy là yếu tố góp phần vào việc làm phát sinh cuộc khủng hoảng về cô đơn trong xã hội Mỹ hiện nay. Người ta quên mất rằng nhu cầu lớn nhứt của con người, sau cái ăn, cái mặc, cái nhà...là sự nối kết với người khác. Dẹp qua một bên các mối quan hệ xã hội để chỉ chú tâm vào việc làm và sự thành công, con người dễ dàng bị cô lập hay tự cô lập. Có người xem cuộc sống như một cuộc cạnh tranh không ngừng qua đó ai cũng muốn được hơn người khác. Có người làm việc 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để bằng mọi giá phải thành công. Và để gọi là “xả xú báp”, nhiều người tìm đến với men rượu hay ngay cả ma túy hoặc phim ảnh. Người ta có tất cả, đạt được tất cả để rồi tự chôn vùi trong nỗi cô đơn.
(x.https://www.psychologytoday.com/us/blog/feeling-it/201706/the-loneliness-epidemic-and-what-we-can-do-about-it).
Mỗi lần ngồi câu cá một mình bên bờ hồ, có khi lội dưới nước giữa đêm tối, suy nghĩ miên man về nỗi cô đơn của mình, tôi không thể không liên tưởng đến hình ảnh của lão ông trong quyển tiểu thuyết ngắn có tựa đề “Ngư ông và Biển cả” (The Old Man and the Sea) của Văn hào Mỹ Ernest Hemingway (1899-1961). Nhà văn này đã tự kết liễu cuộc sống bằng một viên đạn bắn vào đầu. Nhân vật chính của câu chuyện là một lão ông người Cuba. Giữa biển khơi, trong 3 ngày đêm ròng rã, ông đã chiến đấu để vật lộn với một con cá kiềm khổng lồ sau khi con cá mắc câu. Sang đến ngày thứ ba, ông dùng lao đâm chết được con cá, buộc nó vào mạn thuyền và lôi vào bờ. Nhưng dọc đường, đánh hơi được, một đàn cá mập đã xông tới tấn công. Với một cố gắng phi thường, ngư ông đã giết được nhiều con cá mập để bảo vệ chiến lợi phẩm của mình. Nhưng cuối cùng, khi về tới bến, ông mới nhận thấy rằng con cá kiềm ông câu được đã bị đàn cá mập rỉa hết thịt, chỉ còn trơ lại một bộ xương.
Chiến đấu đến cùng mà chẳng được gì, hình ảnh đơn độc của ngư ông trên biển cả giúp tôi hiểu được phần nào nỗi cô đơn của Văn hào Hemingway. Người ta chỉ tự tìm đến cái chết khi không còn đủ sức để chịu đựng nỗi cô đơn của mình.
Nhưng cuộc chiến đấu cho tới cùng của ngư ông cũng cho tôi thấy sự vĩ đại đích thực của con người, khi họ dám lội ngược dòng giữa một đám đông bị lôi cuốn theo dòng thác lũ của những bản năng thấp hèn nhứt trong con người. Thật ra, một trong những nghịch lý trong cuộc sống là có khi dám ra khỏi cái vỏ kén “cái tôi” thấp hèn, nhỏ mọn, ích kỷ của mình để sống theo lương tri, lẽ phải, sự thật và sống với tha nhân và cho tha nhân, con người mới có thể chống chọi lại nỗi cô đơn của mình.




Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Honduras: tại sao người dân bỏ nước ra đi?



23/11/18
Trong đoàn “lữ hành” (caravan) từ các nước Trung Mỹ tiến về biên giới Hoa Kỳ, có rất nhiều người từ Honduras. Tất cả đều cho biết họ trốn chạy bạo động và đàn áp trong nước.
Obedi Miranda là một trong số những người Honduras này. Vào chính ngày tổng tuyển cử tại Honduras hồi năm 2017, nhiều người đàn ông lạ mặt đã xông vào nhà của Miranda và chồng chị, anh Allan Escobar. Hai vợ chồng đều là những người hoạt động tích cực trong Đảng Đối lập Tự do (Libre).
Miranda vừa đặt chân đến Tijuana, Mễ Tây Cơ hồi tuần trước. Ngồi trên một tấm nệm trong một trung tâm tạm trú dành cho người di dân và tỵ nạn, chị cho biết: “Họ (những người đàn ông lạ mặt) bảo chúng tôi phải đi, nếu không...” Đây là một đe dọa đến tính mạng rõ ràng.
Cùng với đứa con trai mới 2 tuổi, hai vợ chồng Miranda và Escobar, đã nhập đoàn “lữ hành”, bỏ nước ra đi. Hiện họ đang ở cách xa Trinidad, thành phố quê nhà của họ trong Tỉnh Copan, đến cả 4000 cây số.
Chính ngày họ bị đe dọa giết chết, gia đình trẻ này đã trốn khỏi Trinidad để đến một thành phố khác rồi từ đó đi vào phía Nam Mễ Tây Cơ. Cuối cùng họ đã đặt chân đến Tijuana với hỵ vọng sẽ cùng với đoàn người “lữ hành” được các giới chức di trú của Hoa Kỳ cứu xét để cho tỵ nạn.
Miranda, Escobar và đứa con trai của họ là 3 trong sống 2000 người di dân và tỵ nạn đã đến được Tijuana. Sau họ, sẽ còn hàng ngàn người trực chỉ hướng Bắc để tìm cách đến biên giới Mễ-Mỹ.
Dĩ nhiên, trong cuộc xuất hành tập thể này, mỗi người di dân và tỵ nạn đều có một câu chuyện riêng để kể lại. Nhưng nhìn chung, những lý do thúc đẩy họ bỏ nước ra đi đều giống nhau. Nhiều người trốn chạy cảnh nghèo khốn, thất nghiệp, bạo động của các băng đảng hay sự đàn áp của chính phủ. Dù là Honduras, Guatemala, San Salvador hay Nicaragua...bức tranh chính trị và xã hội của ba quốc gia Trung Mỹ này đều giống nhau.
Miranda và Escobar đi trốn để tìm kiếm sự an toàn, bởi vì trong một quốc gia mà những người hoạt động trong đảng đối lập bị giết chết là chuyện thường xảy ra, họ cảm thấy thực sự bị đe dọa cho tính mạng của mình.
Miranda đã bắt đầu tham gia hoạt động chính trị sau cuộc đảo chính tại Honduras hồi năm 2009. Trong cuộc đảo chính này, quân đội đã lật đổ tổng thống dân cử là ông Manuel Zelaya. Họ đã cưỡng bách ông phải rời khỏi xứ sở.
Cuộc đảo chính đã tạo ra những cuộc biểu tình phản đối kéo dài hàng tháng trên toàn quốc. Hàng chục ngàn người Honduras, vốn chưa bao giờ tham gia vào các phong trào xã hội, đã xuống đường gia nhập  vào các cuộc biểu tình. Hai vợ chồng Miranda và Escobar là 2 trong số đó.
Mặc dù quân đội đảo chính, nhưng Đảng Quốc Gia lại lên cầm quyền. Đảng này đã đưa người lên làm tổng thống mà không thông qua một cuộc bầu cử tự do nào. Không bao lâu sau khi Honduras thay ngôi đổi chủ, Hoa Kỳ và Gia Nã Đại đều chính thức nhìn nhận chính phủ mới, mặc dù dân chúng vẫn tổ chức những cuộc biểu tình và những cuộc đàn áp do chính phủ mới thực hiện vẫn tiếp tục.
Không đày một năm sau đó, chính phủ cho tổ chức bầu cử. Đây là một cuộc bầu cử mà nhiều người dân cho là bất hợp pháp. Dĩ nhiên, Đảng Quốc Gia lại tiếp tục cầm quyền, mở rộng các cuộc đàn áp và tạo ra bạo động khắp nơi.
Đảng Tự Do mà hai vợ chồng Miranda và Escobar là thành viên hoạt động tích cực là tiếng nói đối lập duy nhất tại Honduras. Trong những năm sau đó, hai vợ chồng cho biết họ đã tham gia vào các cuộc bầu cử ở cấp thị xã và tỉnh. Trong cuộc tổng tuyển cử dạo tháng Mười Một năm 2017, Escobar đã ra tranh cử vào Nghị viện trong Tỉnh Copan. Nhưng trước những  cuộc đàn áp và đe dọa của chính phủ, hai vợ chồng đành phải bỏ nhà đi trốn trước khi biết kết quả của cuộc bầu cử.
Sau cuộc tổng tuyển cử, tình hình tại Honduras lại thêm tồi tệ hơn.
Tranh chức tổng thống Honduras trong cuộc bầu cử tháng Mười Một năm 2017 là Tổng thống Juan Orlando Hernandez thuộc Đảng Quốc Gia đang cầm quyền và ông Salvador Nasralla, thuộc Liên minh Đối lập. Đây là một cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi. Mặc dù Hiến Pháp Honduras giới hạn chức vụ tổng thống vào một nhiệm kỳ duy nhất, nhưng Tối Cao Pháp Viện nước này lại cho phép Tổng thống Hernandez được tái tranh cử.
Trong cuộc bầu cử, kết quả sơ khởi cho thấy ứng cử viên Nasralla của Liên minh Đối lập dẫn đầu 5 điểm. Nhưng chính phủ cho biết hệ thống đếm phiếu bị trục trặc. Vài tiếng đồng hồ sau đó, hệ thống này hoạt động trở lại và lần nầy kết quả cho thấy ông Hernandez dẫn đầu. Người dân cho đây là một hành động gian lận đầy tráo trở. Họ đã túa xuống đường để phản đối. Các cuộc biểu tình đã kéo dài hàng tháng sau đó. Chính phủ ra lệnh đóng tất cả các tuyến đường chính trong nước. Những người biểu tình bị đàn áp bằng hơi cay và ngay cả đạn thật. Hàng ngàn người bị bắt giữ. Các nhóm tranh đấu cho nhân quyền thu thập được nhiều tài liệu theo đó có ít nhất 30 người bị giết chết, hầu hết do chính bàn tay của quân cảnh.
Cuối tháng Mười Hai, vào giữa lúc người dân yêu cầu cho đếm phiếu lại và ngay cả tổ chức bầu cử lại thì chính phủ Hoa Kỳ lại tuyên bố nhìn nhận ông Hernandez là người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử. Dân chúng lại gia tăng các cuộc xuống đường để phản đối và dĩ nhiên chính phủ cũng gia tăng các cuộc đàn áp.
Đây chính là lý do khiến hai vợ chồng trẻ Miranda và Escobar đã cùng với đứa con nhỏ của họ bỏ nước ra đi và tìm đường đến Mễ Tây Cơ.
Đài Al Jazeera đã phỏng vấn một số người Honduras đã vượt qua được Guatemala để đến Mễ Tây Cơ. Một nửa trong số những người được phỏng vân, ngay cả những người ra đi vì tình trạng nghèo đói hơn là bạo động, cũng đều nói rằng việc ông Hernandez tái đắc cử tổng thống và cuộc khủng hoảng tiếp theo sau đó là một yếu tố chính khiến họ quyết định bỏ nước ra đi.
Đối với những người vừa mới đặt chân đến Thành phố Tijuana, Mễ Tây Cơ như hai vợ chồng Miranda và Escobar, giai đoạn 2 của cuộc hành trình đi tìm đất sống chỉ mới bắt đầu. Trong trung tâm mà hai vợ chồng và đứa con nhỏ của họ đang tạm trú, ai cũng cảm thấy hoang mang và lo sợ. Hiện trung tâm không còn chỗ trống. Những người tầm trú đang xì xào với nhau rằng họ có thể bị Chính phủ Mễ giam giữ. Họ chẳng còn biết ai để mà tin tưởng hoặc cũng chẳng biết tối đến họ sẽ ngủ ở đâu.
Hồi tuần qua, những người tầm trú đã phải đối diện với một nhóm những người chống di dân. Nhóm người này sử dụng chính ngôn ngữ của Tổng thống Mỹ Donald Trump để gọi những người tầm trú là những kẻ “xâm lăng” (invasion). Những cuộc đụng độ giữa người tầm trú và dân địa phương tại Tijuana đã khiến cho nhiều người bị thương, trong số này có 3 ký giả.
Chính quyền địa phương tại Thành phố Tijuana loan báo rằng sẽ có khoảng 10.000 người khác đang trên đường đến thành phố. Cho tới nay, Chính phủ Liên bang Mễ Tây Cơ vẫn chưa cung cấp bất cứ một sự giúp đỡ tài chính nào cho những người tầm trú.
Tijuana là một thành phố nằm ở phía Tây  Mễ Tây Cơ, sát biên giới Mỹ-Mễ. Với dân số trên một triệu rưỡi người và có chung một đường biên giới dài khoảng 24 cây số với Thành phố San Diego, Tiểu bang California, Hoa Kỳ. Chính vì vậy mà Tijuana trở thành cửa ngõ lớn nhất cho những cuộc di dân lậu từ Châu Mỹ La Tinh vào Hoa Kỳ.
Mặc dù trung tâm tạm trú dành cho những người tầm trú vừa mới đến từ Trung Mỹ chỉ cách biên giới Mỹ bằng vài phút đi bộ, người di dân và tỵ nạn sẽ phải chờ đợi rất lâu trước khi hồ sơ xin tỵ nạn của họ được cứu xét. Trong khi chờ đợi, họ được yêu cầu ở lại Mễ Tây Cơ và xin việc làm.
Ông Francisco Vega de la Madrid, Phó thống đốc Tiểu bang Baja California, Mễ Tây Cơ, cho biết: tiểu bang thừa việc làm cho những ai muốn làm việc. Một viên chức khác ước tính có đến 7000 việc làm dành cho người di dân và tỵ nạn, nếu họ muốn làm việc làm, tuy nhiên yêu cầu họ phải tuân thủ luật pháp của Mễ Tây Cơ.
Một viên chức của chính quyền Tiểu bang Baja California đã nói rõ ràng với người di dân và tỵ nạn rằng Mễ Tây Cơ cung cấp cho họ sự trợ giúp nhân đạo, y tế và thực phẩm, tuy nhiên họ cần phải tuân thủ luật lệ trong trại tạm trú để sống hài hòa với người dân địa phương.
Trong những tuần lễ vừa qua, làn sóng người di dân từ Trung Mỹ kéo đến biên giới Mỹ đã bị Tổng thống Trump và nhiều viên chức Mỹ gọi là một cuộc “xâm lăng”. Tháng trước, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho quân đội đến trấn giữ biên giới. Ông nói rằng con số binh sĩ Mỹ được gởi đến biên giới có thể lên đến 15.000 người. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ chuẩn bị. Sẽ không có người nào lọt vào” nước Mỹ.
Ngoài ra, dạo đầu tháng Mười Một vừa qua, Tổng thống Trump cũng đã ký một sắc lệnh không cho bất cứ người nào vượt qua biên giới được cứu xét để xin tầm trú tại Mỹ. Hồi đầu năm nay, cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, người vừa mới bị tổng thống Trump yêu cầu phải từ chức, cũng đã ra lệnh áp dụng chính sách “tuyệt đối không khoan nhượng” ngay cả đối với những người phải trốn chạy khỏi các băng đảng bạo động hay các nạn nhân của bạo hành gia đình. Dù cho họ có vượt qua được biên giới, hồ sơ xin tỵ nạn của họ cũng sẽ không được cứu xét.
Các nhóm tranh đấu cho nhân quyền nói rằng những giới hạn mới này vi hiến và vi phạm công pháp quốc tế. RAICES, một tổ chức trợ giúp pháp lý cho người di dân có trụ sở tại Tiểu bang Texas, nói rằng những “giới hạn này bất hợp pháp, bởi vì xin tỵ nạn là một quyền hợp pháp bất kể người xin tỵ nạn có đặt chân đến  một đất nước khác bằng cách nào đi nữa”. Tổ chức này còn nói: “Những giới hạn này làm tổn thương hàng ngàn phụ nữ và trẻ em mà tương lai cũng đã bị khước từ vì chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Đây là một chính sách vô luân và vô nhân đạo”.
Trong một tuyên ngôn được đưa lên trên trang mạng xã hội Twitter, Trung Tâm Luật Di Trú Quốc Gia của Hoa kỳ đã tuyên bố: “một lần nữa, ông Trump tìm cách chia rẽ chúng ta bằng cách săn đuổi những người cần được giúp đỡ hơn cả”.
Trong khi đó thì tại biên giới Mỹ, những người tầm trú đang bắt đầu thủ tục vô cùng phức tạp và nhiêu khê để xin tỵ nạn. Vợ chồng Miranda và Escobar và đứa con nhỏ của họ sẽ không biết được họ sẽ phải chờ đợi bao lâu để hồ sơ của họ được cứu xét.

(nguồn:
-https://www.aljazeera.com/news/2018/11/leave-honduran-family-fleeing-
-https://www.aljazeera.com/news/2018/11/trump-restricts-asylum-mexico-border-)

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Cử chỉ nhỏ, ý nghĩa lớn




Chu Thập
16/11/18
Melbourne có lẽ là thành phố nổi tiếng nhứt của Úc Đại Lợi. Hầu như năm nào thành phố này cũng đều được các tạp chí và cơ quan truyền thông trên thế giới bầu chọn là một trong những thành phố đáng sống nhứt trên thế giới.
Tôi đến Melbourne cũng đã năm lần bảy lượt. Phần lớn bằng máy bay. Hai lần bằng xe hơi và một lần bằng xe lửa. Thú vị nhứt là đến Melbourne bằng xe lửa, thả bộ ra những khu phố chính hay lên xe tram miễn phí để làm một vòng thành phố.
Mới đây khi xảy ra cuộc khủng bố trên đường Bourke ở trung tâm thành phố, tôi mới nhớ lại mình cũng đã hơn một lần đi lại trên con đường này. Thành phố Melbourne đã nổi tiếng. Nhưng kể từ nay, có lẽ mỗi lần nhớ đến Melbourne, tôi không thể không nhớ tới con đường này. Nhớ đến con đường này bởi vì ở đó có một người đáng nhớ. Người đó là ông  Sisto Malaspina, 74 tuổi, người chủ tiệm của quán cà phê có tên là “Pellegrini’s Espresso Bar” (quán cà phê Espresso của những người lữ hành) đã bị tên khủng bố của “Quốc gia Hồi giáo” đâm chết hôm thứ Sáu 10 tháng Mười Một vừa qua. Theo những người  tận mắt chứng kiến cuộc tấn công khủng bố, khi thấy chiếc xe của tên khủng bố bốc cháy, ông Malaspina đã vội chạy đến để giúp đỡ. Không ngờ chính kẻ mà ông muốn giúp đỡ lại ra tay hạ sát ông.
“Lữ hành” theo định nghĩa là người chỉ đến rồi đi. Nhưng cái quán của ông Malaspina không chỉ là nơi dừng chân của khách qua đường. Họ đã đến một lần và trở lại nhiều lần sau đó. Lý do thật đơn giản: không người khách nào có thể cưỡng lại được nụ cười hồn nhiên, thân thiện và đầy ắp tình người của người chủ quán.
Một trong những khách hàng quen thuộc đó là tài tử gạo cội Russell Crowe, người đã từng thủ vai chính trong cuốn phim nổi tiếng “Gladiator” (võ sĩ giác đấu). Sau khi nghe hung tin, tài tử Crowe đã gởi lên trang mạng xã hội Twitter bức ảnh chụp chung của mình với ông chủ quán, kèm theo những lời thương tiếc cảm động bằng tiếng Anh xen kẽ với tiếng Ý: “ Ông Sisto ơi, trái tim tôi tan vỡ...Tôi đã đến quán Pellegrini từ năm 1987. Không bao giờ trở lại Melbourne mà tôi không ghé qua thăm người bạn Sisto thân nhứt của tôi, bị một kẻ khùng điên đâm chết giữa đường phố. Buồn quá”( Sisto, il mio cuore si spezza ...I’ve been going to Pellegrini’s since 1987. Never been to Melbourne without dropping in on my man Sisto...My sweet loyal friend, stabbed in the street by a mad man. Cosi triste). Tài tử Crowe đã xem ông Malaspina như một người chú của mình và cho biết đó là một trong những lý do khiến ông thích trở lại Melbourne.
Không riêng tài tử Crowe, bất cứ ai đã một lần ghé vào quán “Pellegrini’s Espresso Bar” của ông Malaspina cũng đều muốn trở lại. Lãnh tụ Đối lập Liên bang Bill Shorten cũng bày tỏ cùng một cảm nghĩ như tài tử Crowe. Ông cho biết: cũng như hầu hết mọi người dân Melbourne, từ nhiều thập niên qua, ông vẫn thường xuyên ghé vào quán của ông Malaspina để gọi là “nói chuyện chính trị và về Melbourne”. Lãnh tụ Đối lập gọi ông Malaspina là một “biểu tượng của Melbourne” (Melbourne icon).
Là một người Ý di dân sang Úc Đại Lợi năm 1963, ông Malaspina đã có một bí quyết thành công thật đơn giản: lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện trên môi và nói theo kiểu nói thời thượng của người Việt Nam trong nước, lúc nào cũng xem khách hàng là “thượng đế” để tận tình phục vụ. Hình ảnh quen thuộc nhứt về ông là chính tay mình phục vụ khách hàng và lúc nào cũng sẵn sàng ngồi xuống để trò chuyện, để tán gẫu, để kể một câu chuyện cười cho họ.
Xét về kinh doanh, ông Malaspina quả là một tiểu thương thành công. Khách đến một lần rồi thế nào cũng trở lại. Cửa tiệm lúc nào cũng đông khách. Có thể cà phê của ông có hương vị đặc biệt. Có thể các món ăn của ông hấp dẫn. Nhưng như tài tử Russell Crowe và Lãnh tụ Đối lập Bill Shorten cũng như nhiều khách hàng khác chia sẻ, sự hấp dẫn của quán “Pelligrini’ Espresso Bar” và có lẽ của cả con đường Bourke là nụ cười lúc nào cũng tươi nở trên môi ông Malaspina, cử chỉ thân thiện và sự phục vụ tận tình của ông. Đó là những vốn quý có thể đầu tư mà không cần tiền bạc, bởi lẽ ai cũng có thể có sẵn trong người và dù có nghèo hèn thấp cổ bé miệng đến đâu, ai cũng có thể có.
Nhớ đến ông Mataspina, có lẽ người ta cũng không thể quên được ông Michael Rogers, 46 tuổi, một người vô gia cư bất chấp nguy hiểm đã dùng chiếc xe đẩy của một siêu thị để cản đường tên sát nhân. Được đài số 7 phỏng vấn, người vô gia cư này đã khiêm tốn nói: “Tôi không phải là một anh hùng”. Dù không nhận tước hiệu anh hùng, Michael cũng đã giúp cứu thoát được nhiều người cũng như một cách nào đó bảo vệ được chính thành phố Melbourne và dĩ nhiên củng cố thêm danh hiệu “thành phố  đáng sống nhứt” của Melbourne.
Nụ cười không bao giờ tắt của ông chủ quán “ Pellegrini’s Espresso Bar” và hành động dũng cảm của ông Rogers có lẽ chỉ là những cử chỉ nhỏ mà chúng ta có thể chứng kiến được trong cuộc sống hàng ngày khắp mọi nơi trên thế giới. Ai cũng có thể làm được những cử chỉ nhỏ như thế. Nhỏ nhưng có một ý nghĩa và giá trị lớn. Một nụ cười thân thiện không tốn kém bao nhiêu nhưng có sức xóa tan mọi nghi kỵ và hận thù trong lòng người. Một cái bắt tay nồng ấm dù không tốn kém bao nhiêu cũng có sức sưởi ấm được một tâm hồn giá lạnh. Một lời “cám ơn” và nhứt là “xin lỗi” chân thành có khi còn  hùng hồn hơn cả vạn bài diễn văn dài lê thê và sáo rỗng.
Những cử chỉ nhỏ trong cuộc sống hàng ngày có một giá trị và sức mạnh đặc biệt bởi vì chúng thể hiện tư cách của một con người. Thiếu tư cách là thiếu tất cả.
Tướng Herbert Norman Schwarzkopt Jr (1934- 2012) là người rất chú trọng đến tư cách của một người lãnh đạo. Ông đã từng là tham mưu trưởng của các lực lượng đồng minh trong cuộc chiến vùng Vịnh hồi năm 1990, sau khi nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq đưa quân sang xâm chiếm quốc gia láng giềng Kuwait.
Năm 1997, trong một chuyến viếng thăm Úc Đại Lợi, ông được mời nói chuyện với giới doanh nghiệp tại Thành phố Melbourne. Trong bài nói chuyện, vị tướng anh hùng của cuộc chiến vùng Vịnh đã khẳng định rằng vì thiếu tư cách cho nên nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã thất bại. Theo ông sức mạnh của tư cách là yếu tố quan trọng nhứt trong thuật lãnh đạo. Ông cho rằng “99 phần trăm những nhà lãnh đạo thất bại trong 100 năm qua không phải là thất bại vì không có tài năng: họ thất bại vì thiếu tư cách.” Một nhà lãnh đạo thiếu tư cách là người muốn người khác phải làm những điều mà chính họ không lay ngón tay để làm.
Vị tướng lừng danh này trích dẫn kết quả của một cuộc thăm dò tại Mỹ cho thấy có đến 75 phần trăm nhân viên đã nói dối với người chủ của mình. Khi được hỏi tại sao phải nói dối, họ trả lời: “Bởi vì những ông chủ của chúng tôi là những người thiếu đạo đức và nếu họ thiếu đạo đức thì tạo sao lại đòi hỏi chúng tôi phải cư xử có đạo đức”.
Quả đúng như người Việt Nam chúng ta thường nói: thượng bất chánh, hạ tất loạn. Nếu như con người xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày  nay có vô cảm, lọc lừa, dối trá và chỉ biết sống cho mình...là bởi tập đoàn cộng sản đang cầm quyền, từ trên trở xuống, đều  là những con người thiếu tư cách mà dối trá, tham lam là nét nổi bật nhứt.
Vào lúc Mười Một giờ, ngày Mười Một, tháng Mười Một vừa qua, nhiều nhà lãnh đạo các nước Tây Phương đã tập trung tại Paris, Pháp Quốc để tưởng niệm ngày kết thúc Đệ nhứt Thế chiến. Trong số các lãnh tụ quốc gia, tôi đặc biệt chú ý đến Tổng thống Vladimir Putin và trong các cử chỉ nổi bật ông này đã bày tỏ tại cuộc gặp gỡ , tôi đặc biệt chú ý đến việc ông dùng ngón cái ra dấu (thumbs-up) với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tập làm quen với ngôn ngữ ra dấu của người Tây Phương, tôi hiểu rằng nhà độc tài Nga này muốn nói với Tổng thống Trump rằng ông hoàn toàn tán thành chủ trương, đường lối, chính sách...và mọi hành động của ông này. Đúng là  ngưu tầm ngưu mã tầm mã!
Vào giữa lúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, lãnh tụ của 2 nước cựu thù, đều lên tiếng cảnh cáo trước hiểm họa của chủ nghĩa dân tộc (nationalism) là thứ chủ nghĩa đã từng là nguyên nhân gây ra chiến tranh và chết chóc cho nhân loại, tôi hiểu ý nghĩa của cử chỉ của nhà độc tài Putin. Có thể đó chỉ là một cử chỉ nhỏ, nhưng nó cũng đủ để nói lên tính cách của một con người. Ngang nhiên đưa quân đi xâm lăng nước khác, công khai ủng hộ một nhà độc tài để gây rối loạn ở Trung Đông và nhứt là đàn áp người dân trong nước một cách dã man, liệu một người như thế có đủ tư cách để lên tiếng kêu gọi xây dựng hòa bình cho thế giới không?
Vào năm 1914, khi Đệ nhứt Thế chiến bùng nổ, một nhà bình luận nổi tiếng của Anh là ông H.G.Wells đã gọi cuộc chiến này là một thứ “Chiến tranh để chấm dứt mọi thứ chiến tranh” (the war to end all wars). Đây là một thứ ảo tưởng đã được chứng minh qua Đệ nhị Thế chiến, kế đó là Chiến tranh lạnh và đủ mọi hình thức chiến tranh khác. Dường như thế giới lại sắp rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Làm sao có thể chấm dứt mọi thứ chiến tranh bao lâu cái mầm mống của chiến tranh là đố kỵ và hận thù vẫn còn sôi sục trong tâm hồn của con người.
Lời khuyên của người xưa dường như có giá trị hơn bao giờ hết: muốn tề gia, trị quốc và bình thiên hạ thì phải tu thân trước đã. Làm sao có thể giải quyết được chuyện đại sự là cai trị đất nước và kiến tạo hòa bình cho thế giới khi chính mình không làm chủ được cái tôi của mình.
Tháng Tư năm 1999, nước Mỹ đã chứng kiến một trong những vụ thảm sát dã man nhứt: một học sinh trung học tại Columbine, Tiểu bang Colorado đã xả súng sát hại 13 người và làm bị thương 20 người khác. Trước khi ra tay, tên sát nhân đã ghi trong nhật ký: “Nhân loại không phải là một dòng giống đáng chiến đấu cho nữa, mà phải giết thôi. Hãy trả Trái đất lại cho thú vật. Chúng đáng được hưởng trái đất gấp triệu nghìn lần hơn chúng ta. Chẳng còn gì có ý nghĩa nữa”. Trong một đoạn khác, người thiếu niên viết tiếp: “Bạn còn nhớ lịch sử không? Đức Quốc Xã đã đi đến “Giải pháp Cuối cùng” (tức tiêu diệt) cho vấn đề Do Thái...Giải pháp đó là giết sạch chúng.  Vậy nếu bạn chưa mường tượng ra, tôi tuyên bố “Giết sạch nhân loại”. Không để cho một người nào sống sót” (x. Jordan B. Peterson, 12 Rules for Life, An Antidote to Chaos, Penguin Random House, Canada 2018, trg 147-148).
Người thiếu niên Columbine quả thực muốn làm “chuyện lớn”. Nhưng cậu không được dạy cho biết rằng muốn “bình thiên hạ” thì hãy tu thân trước đã! Như tác giả Jordan B. Peterson đã khuyên: trước khi phê bình thế giới, bạn hãy dọn dẹp nhà cửa của bạn cho ngăn nắp đã! Hay nói như người Việt Nam: tiên trách kỷ, hậu trách nhân!
Nụ cười thân ái của ông Malaspina chỉ là một cử chỉ nhỏ, nhưng nếu được nhân lên, sẽ có sức cải tạo cả thế giới!












Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

Di Dân: thảm kịch của thời đại



16/11/18
Tại nghĩa trang Olifantsvlei của Thành phố Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi, một số người chết đã được lặng lẽ chôn chất. Không có lấy một người thân tiễn đưa; tên tuổi của họ cũng không được biết đến. Cứ 5 người một được nhét chung trong một ngôi mộ. Trên một tấm gỗ rẻ tiền được dựng lên trên bia mộ tập thể, người ta chỉ đọc được hàng chữ nhỏ “Đàn ông, vô danh”.
Những kẻ “xấu số” theo đúng nghĩa này là những di dân xuất phát từ một nơi nào đó tại Phi Châu. Họ hướng về Tỉnh Gauteng, tiếng địa phương có nghĩa là “đất vàng” với hy vọng tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng thay vì một cuộc sống tốt đẹp, họ lại tìm thấy cái chết và chẳng có một người thân nào bên cạnh để chôn cất họ. Chỉ tính từ năm 2014 đến năm 2017, đã có trên 4.300 người bỏ xác tại Tỉnh Gauteng. Họ chết mà không được khai tử, như thể họ chưa hề có mặt trên trái đất này.
Theo Hãng thông tấn AP (Associated Press), tính từ năm 2014 đến nay, trên toàn thế giới đã có ít nhất 56.800 người di dân đã chết hoặc mất tích trên đường đi tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Con số này được xem là gấp đôi so với con số chính thức được Cơ quan Di dân của Liên Hiệp Quốc gọi tắt là IOM đưa ra. Theo IOM, tính đến tháng Mười vừa qua, trên toàn thế giới đã có trên 28.500 di dân hoặc chết hoặc đã mất tích.
Cái chết hay sự mất tích của người di dân là kết quả của một làn sóng di dân đã tăng thêm 49 phần trăm kể từ đầu Thế kỷ 21 này. Theo Liên Hiệp Quốc, trên toàn thế giới, chỉ trong năm 2017 đã có trên 258 triệu người bỏ nước ra đi. Một số lớn nếu không bị vùi dập trong biển cả thì cũng chết đói chết khát trong các sa mạc hoặc làm mồi cho những kẻ buôn người. Họ bỏ nhà cửa để ra đi mà không hề biết điều gì sẽ xảy ra cho họ.
Số người di dân chết hoặc mất tích được Hãng thông tấn AP đưa ra có lẽ vẫn còn thấp. Có biết bao nhiêu thây chết của người di dân hoặc bị chôn vùi giữa các sa mạc hoặc chìm sâu trong lòng đại đương. Ngoài ra, các gia đình cũng thường không trình báo về trường hợp mất tích của người thân chỉ vì họ là những di dân bất hợp pháp hoặc vì bỏ nhà ra đi mà không cho biết chính xác nơi nào họ muốn đến.
Con số chính thức về người di dân chết hay mất tích được Liên Hiệp Quốc đưa ra phần lớn là những người tìm đến Âu Châu. Cũng như tại Hoa Kỳ, hiện làn sóng chống di dân ngày càng mãnh liệt tại Âu Châu. Một cuộc điều tra về con số người di dân chết hay mất tích thường không được thực hiện một cách thấu đáo. Chẳng hạn, khi có đến 800 người chết trong một chiếc tàu vượt biên ngoài khơi Ý Đại Lợi dạo tháng Tư năm 2015, lúc đầu các nhà điều tra đã cố gắng nhận diện người chết và tìm kiếm gia đình của họ để báo tin. Nhưng ba năm sau, khi Chính phủ Ý thuộc về tay một phong trào dân túy, việc tài trợ cho cuộc điều tra này đã hoàn toàn bị đình chỉ.
Bên ngoài Âu Châu, thông tin về thảm kịch di dân lại còn hiếm hoi hơn. Người ta biết rất ít hay chẳng biết gì về cái chết và tình trạng mất tích của người di dân tại Châu Mỹ La Tinh là nơi mà hiện tượng bỏ nước ra đi của người dân Venezuela được xem là cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử. Tại Á Châu cũng thế: đây là lục địa có nhiều người di dân nhất thế giới.
Nhưng Âu Châu vẫn là nơi mà cuộc khủng hoảng do hiện tượng di dân tạo ra được thấy rõ nhất và theo dõi nhiều nhất. Thế giới đã từng nhìn thấy một số hình ảnh hãi hùng: thi thể không hồn của một đứa bé người Kurd trôi dạt vào một bờ biển, những túp lều xiêu vẹo tại Đông Âu giữa một mùa đông lạnh giá và bao nhiêu chiếc tàu bị đắm giữa biển cả...Đó là những hình ảnh thường được truyền thông thế giới phổ biến để nói lên cuộc khủng hoảng về di dân. Dạo tháng Mười năm 2013, hai chiếu tàu chở người tầm trú đã bị đắm ngoài khơi Ý Đại Lợi làm cho ít nhất 368 người thiệt mạng. Cơ quan IOM của Liên Hiệp Quốc đã tức khắc bắt tay vào việc tìm kiếm người chết. Nhưng không chỉ trong Địa Trung Hải, IOM cũng mở rộng cuộc điều tra đến những nơi khác trên thế giới. Chỉ trong năm nay thôi, IOM đã tìm thấy trên 1.700 người chết trong vùng biển chia cách Phi Châu và Âu Châu.
Nói đến người di dân từ Phi Châu, thế giới có lẽ chỉ nghĩ đến những người tìm cách vượt qua Địa Trung Hải để đến Âu Châu. Thật ra, số người di dân bên trong lục địa cao hơn nhiều so với những người tìm đường đến Âu Châu. Tổng cộng trên toàn lục địa Phi Châu có tới 16 triệu người di cư. Nhìn chung, kể từ năm 2014, đã có ít nhất 18.400 người Phi Châu đã chết khi di chuyển bên trong lục địa. Đó là chưa kể đến 4.300 người mà thi thể không được nhận diện hay thừa nhận tại một tỉnh của Nam Phi và 8.700 người mà những người đồng hành cho biết đã mất tích trên đường di chuyển đến vùng Sừng của Phi Châu, tức miền Đông Phi Châu.
Khi di chuyển và mất tích bên trong lục địa Phi Châu, thường người di dân không để lại một vết tích nào. Cơ quan IOM của Liên Hiệp Quốc cho rằng sa mạc Sahara có lẽ đã sát hại nhiều người di dân hơn Địa Trung Hải. Sức nóng và gió cát của sa mạc làm cho các tử thi phân hủy nhanh chóng đến độ khi nhìn thấy họ, không ai có thể nhận diện được họ.
Nhờ có được một nền kinh tế phồn thịnh và ổn định, Nam Phi là nơi thu hút nhiều di dân hơn bất cứ nơi nào khác tại Phi Châu. Chính phủ Nam Phi lại lấy dấu tay rất kỹ của mọi công dân cho nên người nào cũng có một hồ sơ cá nhân đầy đủ ở một nơi nào đó. Do đó, thi thể của những người mà hồ sơ cá nhân không được lưu trữ cho biết họ là cư dân bất hợp pháp.
Với một nền kinh tế phồn thịnh và ổn định, nhưng Nam Phi cũng là một trong những nơi trên thế giới có tỷ lệ tội ác do bạo động cao nhất thế giới. Tuy nhiên cảnh sát thường chỉ chú trọng đến việc giải quyết chuyện của người dân Nam Phi hơn là nhận diện thi thể của người di dân. Chính vì vậy mà cuối cùng, người di dân thường được chôn cất trong những nấm mồ vô danh trong nghĩa trang Olifantsvlei.
Cách Nam Phi 9.000 cây số về hướng đông là sa mạc chia cách Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ. Tại đây cũng có nhiều tử thi của những người di dân đã thiệt mạng khi tìm cách vượt biên giới để vào Mỹ. Rất nhiều người cho biết họ bỏ nước ra đi để trốn khỏi tình trạng bạo động và nghèo đói tại Guatemala, Honduras, El Salvador hay Mễ Tây Cơ. Nhiều tháng hay năm sau đó, khi được tìm thấy, nhiều di dân chỉ còn là bộ xương khô. Một số khác cố gắng gọi một cú điện thoại cuối cùng về cho gia đình để rồi tiếng nói của họ sẽ không bao giờ được nghe nữa.
Năm 2010, một toán điều tra tội ác của Á Căn Đình và một nhà quàn địa phương tại Tiểu bang Azizona, Hoa Kỳ đã bắt đầu tìm kiếm danh tính của những tử thi được tìm thấy dọc theo biên giới Mỹ - Mễ. Cuộc điều tra đã nhận diện được hơn 183 người. Đây chỉ là một con số nhỏ trong số những người chết dọc theo biên giới.
Kể từ năm 2014, theo cuộc điều tra của IOM và Hãng thông tấn AP, đã có ít nhất 3.861 người di dân chết và mất tích trên đường từ Mễ Tây Cơ đến Hoa Kỳ.
Nói chung, cũng như người Việt tỵ nạn, người Châu Mỹ La Tinh nào cũng biết rằng “vượt biên” là đi tìm sự sống giữa cái chết. Nhưng có lẽ ít có ai muốn chấp nhận thực tế ấy.
Kể từ khi kinh tế nước nhà sụp đổ, đã có khoảng 2 triệu người Venezuela bỏ nước ra đi bằng mọi phương tiện: người bắt xe buýt để đi từng chặng, người dùng những chiếc tàu thuyền nhỏ bé để vượt biển tìm đến vùng vịnh Caribê. Nếu không còn một phương tiện nào khác, họ đành phải đi bộ trên những xa lộ nóng cháy hoặc những rặng núi lạnh lẽo và hiểm trở. Tất cả nếu không trở thành những miếng mồi ngon cho các tổ chức buôn bán ma túy thì cũng chết đói chết khát trong một cuộc hành trình quá dài. Nhiều người chết dọc đường. Nhưng một khi đã đến đích, những người còn sống sót, do sợ hãi vì nhập cư bất hợp pháp vào một nước khác, không dám xuất đầu lộ diện để giúp nhận diện những người đã chết dọc đường.
Từ Châu Mỹ La Tinh hãy nhìn sang Á Châu là vùng có nhiều người di dân nhất thế giới, nhưng đồng thời cũng là nơi mà thông tin về những người đã chết hay mất tích thường không dễ có được. Các chính phủ Á Châu hoặc không muốn hoặc không có đủ khả năng để biết rõ con số những người đã bỏ nước ra tìm đến một nơi khác trong vùng hoặc ở Trung Đông.
Trong tổng số di dân trên thế giới, người Á Châu chiếm đến 40 phần trăm. Trong số này, hơn một nửa không bao giờ ra khỏi Á Châu. Theo hãng thông tấn AP, trên 8.200 người di dân đã mất tích hoặc chết sau khi bỏ nhà ra đi. Trong số này, nhiều người là dân Phi Luật Tân và Nam Dương. Gần đây thế giới chú ý đến thảm kịch của người Rohingya, sắc dân theo Hồi giáo mà Chính phủ Miến Điện đàn áp và tìm cách tiêu diệt đến độ phải bỏ nước ra đi.
Nhưng số phận của nhiều người Á Phú Hãn cũng đáng thương không kém. Almass là một thiếu niên chỉ mới 14 tuổi khi người mẹ góa của cậu bất đắc dĩ phải tìm cách đưa cậu và đứa em trai 11 tuổi rời bỏ quê hương để đi đến một nơi mà chính bà cũng không biết ở đâu. Mẹ của Almass đã phải trả một số tiền lớn để 2 đứa con trai của bà được đưa ra khỏi vùng đang bị các chiến binh của phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban kiểm soát. Qua nhiều chặng đường và vượt qua biên giới một số nước, Almass đã chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết, kể cả đứa em của cậu. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, khi gọi điện thoại về cho mẹ, Almass phải nói dối rằng em cậu lúc nào cũng thương nhớ mẹ, nhưng không thể nói chuyện với mẹ được.
Sau bốn năm lưu lạc, nay Almass đã là một thanh niên 18 tuổi. Lâu lắm rồi, Almass không còn liên lạc về gia đình nữa. Anh nói với Hồng Thập Tự rằng em của của mình là một trong số 2.773 đứa trẻ mất tích trên đường đi đến Âu Châu. Hiện nay Almass đang được một gia đình người Pháp tại vùng Limousin cưu mang. Người thanh niên đã hoàn toàn mất liên lạc với gia đình. Số điện thoại của họ tại A Phú Hãn không còn hoạt động. Làng của họ đã hoàn toàn bị phong trào Taliban chiếm đóng. Almass không biết làm cách nào để liên lạc với gia đình. Người thanh niên nói: “Tôi không biết họ đang ở đâu và họ cũng chẳng biết tôi hiện đang ở đâu”. Đó là thân phận tiêu biểu của không biết bao nhiêu người di dân trên thế giới hiện nay.


(Nguồn: 56,800 migrant dead and missing: “They are human beings” https://www.apnews.com/e509e15f8b074b1d984f97502eab6a25)






Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Giã từ cái tôi hèn hạ


Chu Thập
9/11/18
Nhân chuyện giáo sư Chu Hảo bị đảng Cộng sản Việt Nam “kỷ luật” cho nên mới tuyên bố ra khỏi đảng, rồi kế đó nhiều đảng viên khác cũng chính thức và dứt khoát rời bỏ hàng ngũ đảng Cộng sản, tôi đọc lại “Hồi Ký của Một Thằng Hèn” của cố nhạc sĩ Tô Hải (1927-2018). Đọc đề hiểu được “cái hèn” của hàng hàng lớp lớp người Việt Nam đã đi theo đảng Cộng sản và mãi cho tới cuối đời vẫn không có đủ can đảm hay khiêm tốn để đấm ngực tự thú rằng mình đã chọn lầm lý tưởng  và nhứt là nhận ra “cái hèn” của mình. Đọc dĩ nhiên cũng để nhận ra  “cái hèn” của  chính mình trong suốt cuộc hành trình làm người của mình.
“Hèn” là một hằng số khủng khiếp trong cố gắng sống lương thiện và vươn lên của con người. Trong lời phi lộ, nhạc sĩ Tô Hải đã phải thú nhận rằng ở gần cuối quyển hồi ký, ông đã viết thêm chương “Tôi đã hết hèn”. Nhưng “ngẫm ra, tuy viết “Tôi đã hết hèn”, nhưng trong thực tế cái hèn vẫn còn đó, nó vẫn bám chằng chằng, như một bộ phận của cơ thể, cái sự mình khẳng định với mình rằng đã hết hèn mới chỉ là  sự mạnh dạn với bản thân khi cầm bút mà thôi”.
“Cái hèn” không chỉ bám vào bản thân của người trong cuộc, mà còn len lỏi vào trong máu của con cháu và hậu duệ của người đó. Tô Hải nhắc đến trường hợp Nguyễn Đình Thi, người mà ông gọi là kẻ “đứng đầu bọn nô lệ cầm bút”. Nhạc sĩ Tô Hải tiết lộ rằng trước khi chết, Nguyễn Đình Thi (1924- 2003)  để lại một “di cảo” trong đó có lẽ ông đã thú nhận “cái hèn” của mình. Vậy mà Nguyễn Đình Chính, con trai của ông, cho biết cuốn hồi ký của cha mình sẽ chỉ được phép công bố vào năm...2014 mà thôi. Nhạc sĩ Tô Hải tự hỏi: “Sao lại lâu đến thế? Nguyễn Đình Chính vẫn còn sợ, còn tính toán thiệt hơn, còn bắt linh hồn người cha ở thế giới bên kia tiếp tục đóng kịch sao? Hay chính tác giả cuốn hồi ký dọa sẽ in năm 2014 vẫn còn chưa tin là chủ nghĩa cộng sản đã đến ngày tuyệt diệt?”
“Hèn” vì không có đủ lương thiện và can đảm để thú nhận rằng mình đã sai lầm và sai lầm là vì đã “ngu”. Nhà văn Uyên Thao, trong lời đề tựa cho quyển hồi ký của nhạc sĩ Tô Hải, đã xem “ngu” và “hèn” là cặp song sinh trong tư cách của người cộng sản. “Ngu” và “hèn” luôn đi đôi với nhau.
Vì “ngu” cho nên đã bị một tên đại bịp đánh lừa. Nhà văn Uyên Thao kể lại rằng khi Hoa Kỳ ào ạt đổ quân vào Việt Nam, ông cho rằng người Mỹ không “hiểu thấu hoặc ưu tư về tâm cảnh của người dân Việt Nam”. Thế rồi một hôm, nhân dịp tiếp xúc với một nhóm cầm bút trẻ tại Sài Gòn, người tùy viên văn hóa tòa Đại sứ Mỹ đã hỏi một câu: “Giới trẻ Sài Gòn nghĩ gì về nhân vật Hồ Chí Minh?” Một người bạn của nhà văn Uyên Thao đã trả lời: “Hồ Chí Minh là một người yêu nước, nhưng đã lầm đường”. “Người tùy viên văn hóa mà đa số lớp trẻ Sài Gòn nghĩ là mù mịt về văn hóa Đông Phương đã lắc đầu nói ông ta không nghĩ vậy, vì theo ông ta, người yêu nước trước hết phải thương dân.”  Ông khẳng định: “Hồ Chí Minh đam mê sự nghiệp của ông ta chứ không thương dân. Không thể bảo ông ta là người yêu nước”. Thì ra, “ái quốc”, “yêu nước” thiết yếu phải có nghĩa là “thường dân” hay nói chung “thương người”. Không có tình người, không cổ võ tình yêu thương đối với người đồng loại, thì  bất cứ một nhà “ái quốc” hay “dân tộc chủ nghĩa” nào cũng đều là một tên mị dân, lừa bịp!
Ngày nay và nhứt là vào giữa lúc trào lưu “dân tộc chủ nghĩa” đang dâng cao tại nhiều nơi trên thế giới, có biết bao nhiêu kẻ vỗ ngực tự xưng là “yêu nước” bằng những lời nói và hành động khích động hận thù. Robert Bowers, kẻ đã bắn hạ 11 người Do Thái đang tụ họp thờ phượng trong một hội đường Do Thái tại Pittsburgh, Tiểu bang Pennsylvania hôm thứ Bảy 31 tháng Mười vừa qua, đã đổ tội cho người Do Thái là nguyên nhân khiến người dân Trung Mỹ “xâm lăng” Hoa Kỳ. Trước khi ra tay giết người, hung thủ viết trên một trang mạng xã hội: “Tôi không thể ngồi yên để nhìn “người dân” của tôi bị giết chết”. Cesar Sayoc, người đã gởi bom ống đến tỷ phú  George Soros, một người Do Thái sống sót từ cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã thời Đệ nhị Thế chiến, cũng đưa ra một “thuyết âm mưu” cho rằng ông Soros là người tài trợ cho người dân Trung Mỹ để “xâm lăng” Hoa Kỳ. Hai người này chỉ là những con cắc ké trong phong trào “yêu nước” tại Mỹ. Trên họ, giọng điệu “yêu nước” của nhiều lãnh tụ nghe còn sặc mùi kỳ thị, hận thù và chia rẽ hơn nhiều!
Kể từ khi nghe tùy viên văn hóa tại tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn giải thích thế nào mới thực sự là “yêu nước”, nhà văn Uyên Thao như mở mắt ra: “Kể từ ngày đó, tôi luôn cố tìm con tim rung động trước nỗi đau của đồng bào nơi những con người được tôn xưng là yêu nước và không ngớt thắc mắc về sự viện dẫn tình yêu nước để đẩy đất nước vào vòng lửa đạn với hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu cái chết oan khiên đau đớn”.
Vì “ngu” cho nên hàng hàng lớp lớp “trí thức” Việt Nam đã đi theo tên đại bịp Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh không hề là một nhà ái quốc, một người yêu nước thương nòi. Ông chỉ yêu cái tôi của mình mà thôi. Ông là một “hóa kiếp” của tất cả những tên đại bịp lừng danh  trong lịch sử nhân loại. Nhà văn Uyên Thao nhắc đến bạo chúa Nero (37 trước CN - 68 sau CN) của Đế quốc La Mã. Muốn biến mình thành một người “vĩ đại” bậc nhứt trên mặt địa cầu, Nero đã không ngần ngại hạ sát vợ và cả mẹ đẻ của mình để giảm bớt cản trở trong nếp sống xa hoa và tàn bạo của mình. Với cuồng  vọng “vĩ đại”, Nero muốn thực hiện một công trình nghệ thuật lẫy lừng bỏ xa những tác phẩm lớn của các văn hào thời cổ Hy Lạp và La Mã.  Đám cận thần “ngu” và “hèn” lúc nào cũng tung hô ông như thần thánh đã gợi ý cho ông hãy đốt cháy thành La Mã để có cảm hứng hoàn thành một tác phẩm “vĩ đại”.
Dĩ nhiên, toàn bộ kinh thành bốc cháy đã khơi dậy sự phẫn nộ của quần chúng. Để xoa dịu sự giận dữ của quần chúng, Nero ra lệnh rao truyền rằng chính các tín hữu Kitô tiên khởi là những thủ phạm đã nổi lửa đốt cháy thành La Mã. Cuồng vọng “vĩ đại” của Nero lại có thêm một cơ hội để bộc lộ: ông ban hành lệnh “ném ngay lũ Kitô giáo cho sư tử” cắn xé.
Như nhà văn Uyên Thao đã thuật lại, toàn bộ câu chuyện đã được nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz (1846-1016) ghi lại trong quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Quo vadis?” (Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?”). So sánh bạo chúa Nero với Hồ Chí Minh, nhà văn Uyên Thao khẳng định rằng “cái Ngu đã khiến nhiều thế hệ lao vào xâu xé lẫn nhau bởi không nhận chân nổi thủ đoạn lường gạt của một bạo chúa, đồng thời cái Hèn đã liên tục tạo thêm sức mạnh cho bạo chúa mặc tình thao túng”.
Hai thời đại cũng giống nhau ở chỗ thời nào cũng có những “thằng hèn” thức tỉnh và dám đứng thẳng để xưng thú cái hèn của mình và chỉ vào mặt bạo chúa để vạch ra sự lường gạt và độc ác của họ. Thời Nero đã có một thằng hèn Chilon Chinonides dám đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt bạo chúa để tố giác hành động tội ác của y. Thời Cộng sản Việt Nam, cũng có những thẳng hèn cuối cùng đã dám làm người đứng thẳng để tố cáo bộ mặt giả nhân giả nghĩa lường gạt của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản. Nhạc sĩ Tô Hải là một trong những người như thế.
Nghĩ đến cái “hết hèn” của nhạc sĩ Tô Hải, tôi cũng liên tưởng đến một số cựu đảng viên khác, những người ở cuối đời cũng còn có chút lương thiện,  liêm sỉ, tự trọng, can đảm và khiêm tốn để xưng thú “cái hèn” của mình và như nhà văn Nguyễn Khải, lên đường “đi tìm  cái tôi đã mất”.
“Hết hèn” cũng có nghĩa là dám đứng thẳng lên để lên đường  “đi tìm cái tôi đã mất”. Thật ra “cái tôi” cũng có đủ loại cái tôi. Có cái tôi hèn hạ, bỉ ổi. Triết gia Pháp Blaise Pascal (1623-1662) ám chỉ  cái tôi ấy khi ông nói “cái tôi là cái đáng ghét” (le moi est haissable). Như ông giải thích, đó là cái tôi “lạm dụng” người khác cũng như chính mình. Đối lại với cái tôi đáng ghét ấy là cái tôi cao thượng, biết nghĩ đến người khác hơn chính mình. Trong trường hợp những người cộng sản thức tỉnh để nhận ra và từ bỏ “cái hèn” của mình, đó là cái tôi khiêm tốn, can đảm dám thú nhận những lầm lỗi của mình và cố gắng vươn lên trong sự lương thiện, tử tế, yêu thương, quên mình, cảm thông, tha thứ...Đó là “cái tôi” mà văn hào Đức Hermann Hesse (1877-1962) đã cố gắng mô tả qua tác phẩm nổi tiếng Siddhartha.
Đức Phật, như được văn hào Hesse dựa trên cuộc đời và giáo lý của Ngài để tưởng tượng ra, là một chàng thanh niên bỏ nhà ra đi để tìm cái tôi đích thực của mình. Rời khỏi nhà cha mình, chàng thanh niên gia nhập vào một nhóm những tu sĩ sống kiếp lang thang không nhà không cửa. Cuộc đời của Đức Phật kể từ đó là một chuỗi những thay đổi không ngừng. Từ một tu sĩ Bà La Môn trẻ, Ngài trở thành một khất sĩ lang thang nay đây mai đó. Văn hào Hesse còn cho vị tu sĩ trẻ “chết đi” để trở thành một lái buôn yêu một cung phi. Từ một cuộc sống thế tục, cuộc hành trình đi tìm cái tôi đích thực đã biến chàng thanh niên thành một người học nghề  lái đò. Dưới sự hướng dẫn của người lái đò, người thanh niên học cách lắng nghe dòng sông cũng như sự hợp nhứt của vạn vật để rồi cuối cùng khám phá ra rằng cái tôi đích thực của mình không phải là một cái gì tách biệt và bền vững. Cũng như dòng sông, cái tôi đích thực mà người thanh niên khám phá được liên kết với vạn vật trong một tiến trình biến đổi và trở thành. Nhưng  biến đổi và trở thành không chỉ để biến đổi và trở thành. Ở cuối cuộc hành trình, sau nhiều cuộc biến đổi, chàng thanh niên Siddhartha của văn hào Hesse đã đạt được giác ngộ.
(x.https://www.psychologytoday.com/au/blog/it-s-your-choice/201811/become-who-you-are-nietzsche-and-hesse). 
Không như nhân vật Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp là người bị số phận nghiệt ngã bắt phải vác cả một tảng đá khổng lồ leo lên đỉnh núi, trèo lên, tuột xuống mà không bao giờ dừng lại, cuộc hành trình của chàng trai Siddhartha đã dừng lại ở một kết thúc có hậu.
Đọc lại cuộc hành trình của nhạc sĩ Tô Hải trong “Hồi ký của Một Thằng Hèn”, khi ông khẳng khái tuyên bố dứt bỏ “cái Hèn” của mình, tôi cho rằng đó cũng chính là lúc ông đã “giác ngộ”. Dĩ nhiên theo cách thế của ông. Nhưng một cách nào đó, cũng như nhà văn Nguyễn Khải, nhạc sĩ Tô Hải đã “tìm lại cái tôi” đích thực đã bao nhiêu năm bị trù dập và đánh mất vì vừa “ngu” vừa “hèn” khi bán linh hồn cho một tên đại bịp và cái đảng “không có mặt người” mà hắn đã lập ra.
Thời đại nào và ở đâu cũng có những tên đại bịp chiêu dụ người khác bằng những “lý tưởng”, chủ nghĩa giả trá. Và dĩ nhiên thời đại nào và ở đâu cũng đều có những kẻ vừa “ngu” vừa “hèn”. Thật ra đâu cần có những tay đại bịp để con người bán linh hồn cho họ. Sống, dù trong hoàn cảnh nào, lúc nào cũng là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu để lúc nào cũng tỉnh táo hầu không bị những ma lực như quyền lực, lý tưởng ảo, tiền bạc và danh vọng lừa mị. Chiến đấu không ngừng để nếu vì “ngu” mà sa cơ thất thế cũng vẫn còn giữ được một chút lương thiện, liêm sỉ, can đảm và nhứt là khiêm tốn để giã từ cái tôi hèn hạ của mình.