Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Anh Quốc: Bộ đặc trách về tình trạng cô đơn của người dân



26/01/18
Chính phủ Anh vừa cho thành lập một bộ mới: bộ đặc trách lo cho người cô đơn gọi tắt là Bộ Cô đơn (Ministry of Loneliness)! Chính phủ Anh đưa ra quyết định này sau khi kết quả của một cuộc nghiên cứu cho thấy tại nước này cứ 10 người thì có một người rơi vào tình trang cô đơn. Tình trạng này có thể dẫn đến những hệ lụy trầm trọng về sức khỏe thể lý và tinh thần.
Hôm thứ Tư 17 tháng Giêng vừa qua, Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã loan báo bổ nhiệm bà Tracey Crouch làm bộ trưởng của bộ mới này. Thủ tướng May gọi tình trạng cô đơn là “một thực tế buồn thảm đối với rất nhiều người trong cuộc sống hiện đại”. Trong một tuyên ngôn được cho công bố khi thành lập bộ mới này, thủ tướng Anh giải thích rằng bà “muốn đương đầu với thách đố mới này của xã hội” và bà kêu gọi mọi người Anh hãy hợp tác xoa dịu tình trạng cô đơn mà người cao niên, những người chăm sóc họ, những người đã mất người thân, những người không có ai để nói chuyện với hay chia sẻ cảm nghĩ của mình...đang trải qua.
Tân bộ trưởng đặc trách tình trạng cô đơn của người dân cam kết sẽ thực hiện những đề nghị do Ủy ban Nghiên cứu về Cô đơn đưa lên. Ủy ban này có tên là Ủy ban Jo Cox. Là người đã từng gây ý thức về tình trạng cô đơn của người dân Anh, bà Jo Cox đã bị một thành phần cực hữu bắn hạ hồi năm 2016. Trong thời gian làm việc cho Ủy ban Điều tra về Cô đơn, chính bà Cox đã kêu gọi chính phủ thành lập một bộ đặc trách về vấn nạn cô đơn.
Theo các thống kê được Ủy ban Nghiên cứu về Cô đơn công bố trong năm vừa qua, tại Vương Quốc Anh hiện có trên 9 triệu người đang thường hoặc luôn luôn cảm thấy cô đơn. Riêng đối với 3.6 triệu người tuổi từ 65 tuổi trở lên, họ chỉ còn có mỗi một người bạn là màn ảnh truyền hình!
Nhưng cô đơn không chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý. Theo Giáo sư Julianne Holt Lunstad, chuyên gia tâm lý thuộc trường Đại học Brigham Young, chính vì không có các quan hệ xã hội cho nên tình trạng cô đơn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể lý cũng như nạn nghiện thuốc lá. Được Ủy ban Nghiên cứu về Cô đơn trích dẫn, Giáo sư Lunstad nói rằng “có đủ bằng chứng cho thấy tình trạng bị cô lập trong xã hội và nỗi cô đơn gia tăng đáng kể nguy cơ chết sớm và những nguy cơ này còn trầm trọng hơn nhiều nguyên nhân bệnh tật khác”.
Tại Hoa Kỳ, Bác sĩ Vivek Murthy, người đã từng  đứng đầu dịch vụ y tế quân đội, cũng đã bày tỏ quan ngại về những hậu quả của tình trạng cô đơn đối với sức khỏe. Trong một bài được đăng trên báo The Harvard Business Review hồi năm ngoái, Bác sĩ Murthy viết rằng tình trạng cô đơn có thể dẫn đến một nguy cơ lớn hơn như “bệnh tim mạch, bệnh lẫn, trầm cảm và lo lắng”.
Cũng như tại Vương Quốc Anh, Bác sĩ Murthy xem tình trạng cô đơn là một dịch bệnh ngày càng lan rộng tại Hoa Kỳ: hiện có trên 40 phần trăm người Mỹ trưởng thành cho biết họ cảm thấy cô đơn. Nhưng theo Bác sĩ Murthy, tỷ lệ này có thể còn cao hơn nhiều.
Các cuộc nghiên cứu cũng cho thấy rằng đối với những người khuyết tật hay những người chăm sóc cho họ, nỗi cô đơn lại càng trầm trọng hơn. Tại Anh, hơn phân nửa những người khuyết tật cho biết họ cảm thấy cô đơn. Càng trẻ, họ càng cảm thấy cô đơn hơn. Ngoài ra, cứ 10 người chăm sóc cho người khuyết tật, có đến 8 người nói rằng họ cũng cảm thấy cô đơn hay lẻ loi, nhất là khi phải chăm sóc cho một người thân.
Làm thế nào để đối phó với tình trạng cô đơn của người dân? Nhiều tổ chức xã hội và từ thiện tại Anh Quốc đã đưa ra một số đề nghị cụ thể.
Với riêng những người khuyết tật, tổ chức từ thiện có tên là “Sense” tại Anh Quốc nói rằng người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc kết bạn và xây dựng các mối quan hệ xã hội vì thiếu các phương tiện di chuyển, nhà ở, tài chính và các dịch vụ xã hội. Tổ chức có tên là “Chiến dịch Chấm dứt Cô đơn” (Campaign to End Loneliness) đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu đi lại của người cô đơn, nhất là tại các vùng nông thôn: tại những nơi mà mỗi tuần chỉ có một chuyến xe buýt thì làm sao một lão bà có thể đi lại một cách dễ dàng và như vậy làm sao có thể ra khỏi tình trạng cô lập và cô đơn của mình. Theo bà Alice Stride, phát ngôn nhân của “Chiến dịch Chấm dứt Cô đơn”, các tiểu thương cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đối phó với tình trạng cô đơn trong cộng đồng. Chẳng hạn một quán cà phê nhỏ trong cộng đồng có thể cổ võ những người già neo đơn gặp gỡ và chia sẻ với nhau. Cách đây 6 tháng, sau khi nhận được tài trợ của chính phủ, tổ chức “Chiến dịch Chấm dứt Cô đơn” đã mở chiến dịch để gây ý thức về những việc làm cụ thể có thể đối phó với tình trạng cô đơn. Hướng ứng chiến dịch này nhiều sáng kiến cụ thể đã được đề ra.
Đáng chú ý nhất có lẽ là chiến dịch có tên “Ngày cắt tóc miễn phí” (Shave The Day campaign). Để góp phần chiến đấu chống lại tình trạng cô đơn, các tiệm hớt tóc trên toàn nước Anh đã được khuyến khích cắt tóc miễn phí cho những đàn ông  cao niên trong cộng đồng của họ, đặc biệt trong ngày 7 tháng Mười Hai hàng năm. Mục đích của chiến dịch là để giúp cho giới mày râu cao niên bớt cảm thấy cô đơn trong mùa nghỉ Lễ Giáng Sinh. Theo ước tính, tại Anh có khoảng một triệu đàn ông  tuổi từ 65  trở lên cảm thấy cô đơn hơn trong mùa Giáng Sinh. Những người cao niên độc thân, ly dị hay góa vợ thường là những người cảm thấy cô đơn nhiều nhất. Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu hồi đầu năm ngoái, nỗi cô đơn và tình trạng bị cô lập trong xã hội gây thiệt hại cho nền y tế công cộng còn hơn cả chứng béo phì. Nỗi cô đơn, cộng với khí lạnh của mùa đông, là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng chục ngàn người Anh mỗi năm. Cứ 3 người cho biết họ đang trải qua cô đơn thì có một người nói rằng họ cũng đang đang phải sống với một chứng bệnh kinh niên nào đó. Ba phần tư các bác sĩ gia đình tại Anh Quốc nói rằng mỗi ngày họ gặp ít nhất 5 bệnh nhân cho biết họ đến phòng mạch chỉ vì cảm thấy cô đơn. Điều này khiến họ trở nên dễ bị tổn thương hơn trong mùa đông. Chứng đột quỵ thường gia tăng sau một giấc ngủ vào mùa đông. Ngoài ra, các cuộc nghiên cứu cũng cho thấy rằng người cô đơn có đến 64 phần trăm nguy cơ bị bệnh lẫn. Một phần ba những người mắc bệnh lẫn cũng nói rằng họ đã mất liên lạc với bạn bè. Do đó, tình bạn hay nói chung quan hệ xã hội là điều rất cần thiết để phòng chống nỗi cô đơn.
Luke Dolan, chủ một tiệm hớt tóc ở phía đông thủ đô London, là một trong những người tham gia vào chiến dịch hớt tóc miễn phí cho người cao niên giải thích: “Bộ mặt của các cộng đồng xung quanh chúng ta thay đổi: các hộp đêm đóng cửa, các trung tâm cộng đồng ngưng hoạt động và các phòng họp cũng đóng cửa...môi trường sống thay đổi cho nên những người cao niên của chúng ta phải đau khổ”. Theo tổ chức từ thiện “Age UK”, tại Anh Quốc có khoảng 1.2 triệu người cao niên đang sống trong tình trạng cô đơn kinh niên. Tình trạng này sẽ tồi tệ hơn nếu sức khỏe của họ suy giảm, hoặc khi họ phải chứng kiến cảnh gia đình và bạn bè dọn đi nơi khác. Vấn đề lại trở nên trầm trọng hơn bởi vì những người đàn ông cao niên hiện nay thuộc một thế hệ xem việc tâm sự và chia sẻ những vấn đề của mình là biểu hiện của sự yếu đuối. Chính vì thế mà nhiều người không muốn nhìn nhận rằng mình đang thực sự cô đơn.
Một tổ chức khác có lên là “Không còn cô độc nữa” (No Isolation) cổ võ việc sử dụng kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng cô lập của nhiều người trong xã hội. Trẻ em mắc bệnh kinh niên và gặp nhiều khó khăn trong việc liên lạc với người khác là một trong những thành phần được tổ chức “Không còn cô độc nữa” nhắm tới.
Bà Karen Dolva, người sáng lập tổ chức này cho biết tổ chức của bà đặc biệt chú ý đến những vấn đề mà các phương tiện kỹ thuật hiện hành không giải quyết được. Chẳng hạn, có những người cao niên không còn khả năng sử dụng màn ảnh của máy vi tính hay điện thoại di động nữa. Do đó, cần phải  sáng chế những thiết bị được sử dụng bằng ngón tay hơn là bằng mắt.
Trong số những người đang gặp cô đơn trong xã hội Anh, các bà mẹ mới sinh con cũng là một thành phần cần được quan tâm. Theo một bản phúc trình được công bố hồi năm 2017 vừa qua, có trên 90 phần trăm các bà mẹ mới sinh con cảm thấy cô đơn sau khi sinh. Phần lớn các bà mẹ mới sinh con muốn có nhiều bạn hơn. Tuy nhiên có khoảng 30 phần trăm trong số này không chịu mở miệng để kết bạn với một bà mẹ khác. Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tâm thần nơi một số người. Chỉ trong vòng một năm sau khi sinh con, có hơn 10 phần trăm các bà mẹ phải trải qua chứng trầm cảm hậu sản.
Hiện nay tại Anh Quốc, một tổ chức có tên là “ Kênh của các bà mẹ” (Channel Mum) đã được thành lập để nâng đỡ các bà mẹ mới sinh con. Bà Siobhan Freegard, người sáng lập tổ chức, giải thích rằng các bà mẹ mới sinh con là một trong những nhóm cô đơn nhất trong xã hội. Tựu trung, như một câu ngạn ngữ của người Phi Châu nhấn mạnh, “cần phải có cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”. Giúp các bà mẹ mới sinh vượt qua cô đơn cũng chính là góp phần vào việc dưỡng dục đối với chính đứa con của họ.
Trong các đề nghị được gởi tới Bộ Cô Đơn vừa mới được Chính phủ Anh thành lập, tổ chức có tên là Mencap đặc biệt chú ý tới những người bị thiểu năng về học, ngay cả những người mắc chứng tự kỷ. Một trong những trở ngại mà những thành phần này đang gặp phải chính là sự kiện họ không được ra khỏi nhà mỗi ngày  một tiếng đồng hồ. Đây chính là nguyên nhân tạo ra cô đơn nơi những người này. Mencap là một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ những người bị thiểu năng trong việc học.
Theo bà Ruth Owens, giám đốc đặc trách về tình bạn và các quan hệ xã hội của tổ chức Mencap, Bộ cô đơn cần phải làm việc với Bộ khuyết tật và Y tế để bảo đảm cho người bị thiểu năng về học có đủ điều kiện để ra khỏi nhà và tiếp xúc với cộng đồng của họ.
Thật ra, không chỉ người khuyết tật, người cao niên hay các bà mẹ mới sinh con và cũng chẳng riêng xã hội Anh, mà hầu như ở bất cứ tuổi nào, thuộc giai cấp xã hội nào và ở đâu con người cũng đều có thể  rơi vào tình trạng cô đơn. Và tất cả mọi biện pháp để đối phó với cô đơn đều quy về một mối là giúp xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp giữa người với người.



Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Ba điều quan trọng trong cuộc sống


Chu Thập
19.01.18
Dốt thơ như tôi, nhưng cứ Tết đến không thể nào không ngâm nga bài thơ “Chúc Tết” của cụ Tú Xương (1870-1907). Tôi đặc biệt chú ý đến những câu cuối  trong bài thơ. “Bắt chước” người ta, cụ Tú Xương cũng chúc mấy lời: “Chúc cho khắp hết ở trong đời. Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước. Sao được cho ra cái giống người”.
“Sao được cho ra cái giống người”. Tôi vẫn chưa nắm hết ý của nhà thơ trào phúng này. Ông muốn chúc cho người khác hay tự nhắn nhủ chính mình? Vợ phải “quanh năm buôn bán ở mon sông” để “nuôi đủ năm con với một chồng”. Còn ông thì cứ thảnh thơi ngồi rung đùi làm thơ. Đó có phải là cách sống “cho ra cái giống người” không?
Tự điển Larousse của Pháp hay các sách giáo khoa triết học thường định nghĩa con người như “con vật có lý trí”. Dĩ nhiên, chỉ có con người mới có thể sử dụng lý trí và suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Nhưng tôi thích định nghĩa của các nhà xã hội học hơn:  người là một con vật xã hội. Và để cho xã hội được lành mạnh, tốt đẹp và hài hòa, con người phải sống tử tế với nhau. Tôi thường bị “ám ảnh” bởi hai chữ “tử tế”. Suy nghĩ mông lung cỡ nào, cuối cùng tôi cũng quay về hai chữ “tử tế”. “Sống được cho ra cái giống người” là biết sống tử tế với nhau. Không biết cụ Tú Xương có ý nghĩ ấy khi kêu gọi mọi người phải sống “cho ra cái giống người” không?
Càng ngày tôi càng xác tín về sự cần thiết phải sống tử tế, nhứt là trong thời đại này. Lạ thật, như nhà báo Ngô Nhân Dụng đã ghi nhận trong một bài đăng trên báo Người Việt xuất bản tại Mỹ, mới đây một bản tin cuối năm tại Hoa Kỳ cho biết tại thành phố New York, nơi có tòa tháp Trump Tower, biểu tượng của quyền lực và tiền bạc, người ta đã đưa vào chương trình học ở bậc tiểu học một môn học mới gọi là “học sống tử tế” (Kindness Curriculum). Không biết có phải  do trùng hợp ngẫu nhiên không, nhưng chỉ dưới thời của một ông tổng thống xem trời bằng vung, xem thiên hạ như cỏ rác và ăn nói thô lỗ xúc phạm đến mọi hạng người trong xã hội, người ta mới thấy có một chương trình học lạ thường như thế. Dĩ nhiên, lạ thường đối với xã hội Mỹ, nhưng không có gì phải ngạc nhiên đối với người Việt Nam, nhứt là những người thuộc thế hệ “cổ lai hy” như tôi. Có gì lạ đâu, ngày xưa cha mẹ nào mà chẳng tin tưởng phó thác cho nhà trường sứ mệnh dạy dỗ cho trẻ em biết sống tử tế. Vừa chập chững cắp sách đến trường là đã nghe lời dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ ở đây không chỉ là lịch sự lễ phép, mà là biết đối xử tử tế với mọi người. Người ta có thể lên án nền học vấn từ chương, chú trọng đến lối học trích cú tầm chương mà xem thường kiến thức khoa học. Nhưng nghĩ cho cùng, một xã hội lành mạnh không chỉ được xây dựng trên kiến thức khoa học hay sự phồn thịnh kinh tế, mà còn phải đặt nền tảng trên những giá trị đạo đức mà cốt lõi vẫn là lời khuyên dạy đối xử tử tế với nhau.
Tôi hy vọng rằng sáng kiến đưa việc dạy học sinh tiểu học sống tử tế vào chương trình học ở New York sẽ dần dần lan rộng ra khắp nước Mỹ. Trên tạp chí  Time số ra ngày 15 tháng Giêng 2018 vừa qua, nữ bỉnh bút Kristin van Ogtrop cũng bày tỏ “một niềm hy vọng cho năm mới: xây dựng một nền văn hóa tử tế hơn” (one hope for the new year: a kinder culture).
Tác giả bài báo có một người con trai 22 tuổi mới xong đại học và  hiện đang là giáo viên dạy lớp Bốn (fourth grade) tiểu học. Người giáo viên mới ra trường này đã có sáng kiến đặt một thùng thư góp ý trong một lớp học do anh phụ trách. Qua thùng thư này, các em học sinh không bày tỏ nhu cầu phải tập sống tử tế mà phần lớn lại than phiền về 3 cách đối xử như: thiếu tự chủ, thiếu ân cần, thiếu cảm thông và tha thứ giữa học sinh với nhau.
Có lẽ trẻ em Mỹ ngày nay không biết thế nào là đối xử tử tế với người khác cho nên đặc biệt ở khởi đầu của năm 2018 này, nhiều người đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải dạy cho chúng biết thế nào là tử tế và sống tử tế với nhau.
Tác giả Kristin van Ogtrop cho biết liền sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016, bà đi mua một quyển sách có tựa đề “On Kindness” (Về sự Tử Tế). Hai đồng tác giả của quyển sách là ông Adam Philips, một chuyên gia phân tâm học và bà Barbara Taylor, một sử gia. Hai tác giả của quyển sách đã đi một vòng lịch sử triết học Tây Phương để đi đến kết luận: “Tử tế, cũng như tình yêu hay hận thù, niềm vui hay nỗi buồn, xem ra cũng là một thành phần bất khả di dịch trong kinh nghiệm của loài người.” Riêng Kitô Giáo, với bài dụ ngôn về người Samaria nhân lành, đã minh chứng rằng tử tế là mối giây của bình đẳng và liên kết giữa loài người. Đối với các nhà tư tưởng thời Nữ hoàng Victoria ở Thế kỷ 19, sự tử tế chỉ  được xem như một tư cách riêng của người phụ nữ. Còn triết gia Pháp Jean Jacques Rousseau (1712-1778) thì lại cho rằng con người chỉ thực sự thể hiện được trọn vẹn nhân cách khi họ biết tỏ ra ân cần đối với người khác. Hai tác giả Philips và Taylor của quyển sách “Về sự Tử Tế” viết: “Cái tôi không biết cảm thông hoặc là một bóng ma hoặc là một người mất trí”. Đi sâu vào bản tính con người, các nhà khoa học xã hội cho rằng kể từ thời còn ăn long ở lỗ và chỉ biết săn bắn hái lượm, con người đã biết tỏ ra cảm thông với người khác: nếu một thành viên của bộ lạc gặp hoạn nạn hay bất hạnh, mọi người đều liên lụy. Do đó, ân cần chăm sóc cho nhau là một thái độ mà sự tiến hóa đã in ấn vào trong bản tính con người.
Được xuất bản lần đầu vào năm 2009, cuốn sách “Về sự Tử Tế” đã kết thúc bằng một ghi nhận đáng buồn: trong nỗ lực thành đạt bằng mọi giá, con người thời đại chỉ nghĩ đến cái tôi, sống quá ích kỷ và không muốn chấp nhận rằng mình lệ thuộc vào người khác.
Thực thi sự tử tế trước hết là biết nghĩ đến “người khác”. Ai cũng có vô số “người khác” xung quanh mình. Họ xuất hiện dưới nhiều nhân dáng và kích thước khác nhau. Người khác trước hết là những người chúng ta đang sống với. Họ là bè bạn, là người thân, là đồng nghiệp, là tất cả những người chúng ta gọi là “láng giềng”, nghĩa là sống gần với chúng ta. Họ còn là những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày ở phố chợ hay trên đường đi. Ngoài ra, cũng phải kể vào số “láng giềng” của chúng ta vố số những sinh vật như chó mèo, chim chóc, côn trùng và ngay cả cây cỏ trong thiên nhiên. Hiểu rộng hơn, cũng phải kể vào số “láng giềng” của con người khoảng 100 ngàn tỷ tế bào trong thân thể của mình.
Hiểu rộng hơn nữa, láng giềng của người láng giềng của chúng ta cũng là láng giềng của chúng ta. Ai đó đã nói một cách chí lý: “Tôi là vô số, tôi chứa đựng vô số đám đông”.
Trong thế giới chằng chịt những sợi giây liên đới ấy, mỗi người chỉ có thể có được an bình và tự do thực sự khi họ biết sống cảm thông và ân cần đối với mọi người láng giềng của mình. Phật giáo là một lý tưởng quá cao siêu và hầu như bất khả thi đối với tôi. Nhưng lý tưởng ấy luôn nhắc nhở tôi về mối giây liên kết của tôi với tất cả mọi sinh vật trên mặt đất này. Không chỉ bằng hành động mà còn bằng tâm tư và những lời nói thiếu sự ân cần, tôi cũng có thể xúc phạm đến mọi người và mọi sinh vật.
Sống tử tế hay như cụ Tế Xương chúc “sao cho ra cái giống người” quả không phải là chuyện dễ. Đó là cả một cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại cái tôi ích kỷ và những bản năng thấp hèn. Thành ra lúc nào tôi cũng thấy mình cần phải nhìn lên tấm gương của những bậc thày. Bên cạnh các nhà lãnh đạo tinh thần như Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Phanxicô, tôi vẫn xem cựu Tổng thống Barack Obama như một bậc mô phạm về tử tế. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của những giọt nước mắt lăn trên gò má của ông mỗi khi ông nói đến thảm trạng của những cuộc bắn giết xảy ra “như một thông lệ” (routine) trong xã hội Mỹ ngày nay.
Sở dĩ tôi nghĩ nhiều đến vị cựu tổng thống này là vì hiện nay nhiều người Mỹ đã bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải dạy cho trẻ con Mỹ về sự tử tế. Nếu có một tiếng nói cần được chú ý đến nhiều hơn cả có lẽ đó là tiếng nói của ông Obama. Dạo đầu tháng Giêng vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn trong chương trình Netflix, tuy không nêu đích danh đương kim Tổng thống Donald Trump, nhưng ông Obama cho biết: Đệ nhứt phu nhân Michelle Obama lúc nào cũng là người nhắc khéo ông rằng nhà lãnh đạo đất nước không chỉ là người thực thi luật pháp, mà còn là người phải nhào nặn những thái độ và văn hóa, nghĩa là phải sống như thế nào để người dân và mọi thế hệ đều nhìn vào như một điểm quy chiếu để bắt chước. Nhắc khéo ông Trump, cựu Tổng thống Obama cảnh cáo: các tổng thống cần phải cẩn thận trong cách cư xử của mình, bởi vì mọi người đang nhìn vào để mô phỏng!
Tôi chưa đọc cuốn sách “Fire and Fury: Inside the Trump White House” (Lửa và Phẫn nộ: bên trong Tòa Bạch ốc dưới thời Tổng thống Trump) của Ký giả Michael Wolff. Cuốn sách gây nhiều tranh cãi và đặt nhiều nghi vấn về sự trung thực của Ký giả Wolff. Nhưng căn cứ về các hành động và lời nói của Tổng thống Trump, nhứt là các “tuýt” được ông phóng đi vào mỗi sáng sớm, chân dung của một ông tổng thống cư xử “như một đứa con nít” như Ký giả Wolff vẽ ra trong cuốn sách, không phải là một điều mới lạ.
Thật ra, trong mỗi một con người, ai cũng có một đứa con nít cả. Ai cũng bị cám dỗ để chiều theo những bản năng thấp hèn và cư xử ích kỷ như con nít, nghĩa là chỉ nghĩ đến bản thân mà không màng đến người khác.
Về sự tử tế, tôi vẫn còn thấy mình là một đứa con nít. Chính vì vậy mà tôi xem việc học hỏi và sống “sao cho được cái giống người”, nghĩa là cư xử tử tế với người khác luôn là điều quan trọng nhứt trong cuộc sống. Nhà văn Mỹ Henry James (1843-1916) đã để lại một câu  được nhà bỉnh bút Kristin van Ogtrop trích dẫn trong bài viết của bà: “Trong cuộc sống con người có 3 điều quan trọng. Điều thứ nhứt là hãy sống tử tế. Điều thứ hai là hãy sống tử tế. Và điều thứ ba là hãy sống tử tế”. Tôi muốn xem đây như một câu thần chú cần được mang ra tụng niệm trong suốt năm mới này.




Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Liberia: từ cầu thủ đến nguyên thủ!


19.01.08
Mới đây, tại lễ trao Giải Quả Cầu Vàng (Golden Globe Awards), bài diễn văn của  người phụ nữ Mỹ gốc Phi Châu được mệnh danh là nữ hoàng của hội thoại là bà Oprah Winfrey đã gây ấn tượng mạnh đến độ nhiều người hy vọng và tin tưởng rằng bà sẽ ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 và chắc chắn bà sẽ đắc cử. Sau chiến thắng của người chưa từng có một kinh nghiệm chính trị như tỷ phú địa ốc Donald Trump, nhiều người, không riêng tại Hoa Kỳ, mà trên khắp thế giới, đặt nhiều tin tưởng nơi những nhân rất nổi tiếng, nhất là trong giới điện ảnh và thể thao. Thật ra, trước ông Trump, tại một số quốc gia, người dân cũng đã lấy sự nổi tiếng làm tiêu chuẩn để chọn mặt gởi vàng. Cuối thập niên 1990, tại Phi Luật Tân, một tài tử điện ảnh nổi tiếng là ông Joseph Estrada đã đắc cử tổng thống bằng một chiến thắng áp đảo. Cùng với ông, rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên màn ảnh, trên võ đài và ngay cả trên sân thể thao cũng được bầu vào các chức vụ công quyền. Đó cũng là trường hợp đã xảy ra tại Pakistan: một danh thủ Cricket là ông Imran Khan đã trở thành một chính trị gia được rất nhiều người dân nước này tin tưởng. Tại nước láng giềng khổng lồ của Pakistan là Ấn Độ, hàng chục diễn viên Bollywood cũng đã được bầu làm dân biểu trong Quốc hội Liên bang.
Như Scott Gilmore đã nhận định trong bài “What are the odds of Oprah Winfrey becoming U.S president” (x. http://dcvonline.net/2018/01/09/xac-suat-oprah-winfrey-tro-thanh-tong-thong-my-la-bao-nhieu/), “trong tất cả những trường hợp trên đây, người ta không bỏ phiếu cho những người nổi tiếng vì họ nghĩ rằng hát hay diễn giỏi sẽ hữu ích trong vai trò lãnh đạo. Quyết định của họ có ý nghĩa nhiều hơn. Người dân, vì đã quá thất vọng với đám chính khách, muốn có một thiên thần giáng thế, một nhà vô địch mà họ tin cậy, để thay họ lãnh đạo. Và, mặc dù không thật rõ ràng, yếu tố thiết yếu của một người nổi tiếng chính là lòng tin” của người dân.
Đây chính là điều vừa mới xảy ra tại Cộng hòa Liberia bên Phi Châu hồi cuối năm vừa qua. Thượng nghị sĩ George Weah, một cựu tuyển thủ túc cầu thế giới 51 tuổi, đã đắc cử tổng thống của Liberia. Là một thiếu niên chưa học xong trung học, lớn lên trong khu ổ chuột ở Thủ đô Monrovia, ông Weah đã là nhân viên cho tổng đài của một công ty điện địa phương trước khi trở thành một tuyển thủ quốc gia và sau đó được tuyển vào Liên đoàn Đệ nhất Túc Cầu ở Âu Châu. Năm 1995, ông đã từng được Tổng cục Túc cầu Thế giới FIFA bầu chọn làm “Cầu thủ của Năm” và được trao tặng Giải Quả bóng Vàng (Ballon d’ Or). Đó là chưa kể những danh hiệu và giải thưởng mà lục địa Phi Châu đã trao tặng cho ông.
Nổi tiếng với những thành tích thể thao ấy, ông Weah đã được dân chúng tín nhiệm trao cho một trong những công việc khó khăn nhất trên hành tinh hiện nay, đó là lãnh đạo một quốc gia bị tàn phá vì cuộc nội chiến, dịch bệnh Ebola và là nước mà thu nhập trung bình của người dân còn thấp nơi giá của một chiếc Iphone cũ!
Theo Tác giả Scott Gilmore, sở dĩ người dân Liberia đã chọn một người “thất học” như ông Weah để giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp của đất nước là vì họ chán ngấy tầng lớp chính khách, những người chẳng làm được trò trống gì trong những năm vừa qua. Ngay cả Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf, người phụ nữ Phi Châu đã từng được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình, cũng đã làm cho người dân Liberia thất vọng não nề. Người phụ nữ Phi Châu đầu tiên được bầu làm nguyên thủ quốc gia này không phải là một chính trị gia “tồi”, mà trái lại là một người được đánh giá là khá thành công trong việc quản lý và cai trị. Tuy nhiên, có lẽ vì quên mất những đòi hỏi của giải Nobel Hòa Bình và lóa mắt trước quyền lực và đồng tiền, bà chỉ biết quyền lợi của con cái và gia đình cũng như sa lầy trong tham nhũng. Bà đã khiến cho người dân Liberia hoàn toàn mất tin tưởng nơi các chính trị gia.
Liberia được xem là nước Cộng Hòa lâu đời nhất tại lục địa Phi Châu. Với diện tích 43.000 cây số vuông và dân số khoảng 4 triệu rưỡi người, Liberia nằm ở miền Tây duyên hải Phi Châu, phía tây giáp giới với Sierra Leonoe, phía bắc giáp giới với Guinea và phía đông giáp giới với Bờ Biển Ngà.
Giữa năm 1461 và cuối Thế kỷ 17, các lái buôn Bồ Đào Nha, Hòa Lan và Anh đã đặt chân đến vùng đất này. Riêng người Bồ Đào Nha đặt tên cho vùng đất mới này là Costa da Pimenta (Bờ Biển Hạt Tiêu. Vào thời điểm này, tại Hoa Kỳ đang có phong trào tìm chỗ tái định cư những người da đen được sinh ra trong tự do và những người da đen đã được trả tự do nhưng vẫn còn bị kỳ thị và bị chối bỏ những quyền cơ bản nhất của con người. Hầu hết những người da trắng và một nhóm nhỏ những người da đen có tinh thần dân tộc đều nghĩ rằng người da đen sẽ có nhiều cơ hội tốt đẹp hơn nếu được định cư tại một nơi khác ngoài Hoa Kỳ. Với mục đích này một nhóm chính trị gia hàng đầu và các chủ nô lệ đã thành lập Hội Thực Dân Mỹ. Khi hội này mở rộng, hầu hết những người ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ cũng gia nhập vào hội này. Các chủ nô lệ ở miền Nam Hoa Kỳ xem đây là cơ hội để loài trừ một thứ “của nợ” mà họ cho là có thể đe dọa sự ổn định của những xã hội có chủ trương chiếm giữ nô lệ. Tương kế tựu kế, những nhà tranh đấu cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ cũng ủng hộ giải pháp tìm kiếm một nơi tại định cư cho những người nô lệ vừa được giải phóng.
Năm 1822, với kế hoạch tống khứ các cựu nô lệ ra khỏi Hoa Kỳ, Hội Thực Dân Mỹ đã bắt đầu đưa người da đen sang “Bờ Biển Hạt Tiêu” để thành lập một cộng đồng những người nô lệ vừa được trả tự do. Tính đến năm 1867, đã có khoảng 13.000 người đa den được đưa đến vùng đất mới. Những người Mỹ gốc Phi Châu này và hậu duệ của họ tự nhận là những người Mỹ Tự Do (Americo-Liberians). Nhiều người, vì đã hấp thụ nền văn hóa Mỹ, đã không chịu trà trộn với người thổ dân của Bờ Biển Hạt Tiêu. Họ tiếp tục bảo tồn truyền thống văn hóa Mỹ cùng với tôn giáo và những khái niệm về nền cộng hòa và Kitô Giáo, nhất là Tin Lành. Vì thiếu hiểu biết cũng như không muốn hòa nhập vào văn hóa của người dân bản địa cho nên những người Mỹ Tự Do này đã bị đặt vào thế xung đột với họ, đôi khi dẫn đến những cuộc đối đầu bạo động. Trước kia họ bị người Mỹ da trắng kỳ thị như thế nào thì nay họ cũng đối xử như thế với các bộ lạc bản địa. Là những người có học vấn cao so với người dân bản địa, những người Mỹ Tự Do muốn thành lập một quốc gia theo mẫu Tây Phương và cũng buộc người dân bản địa tuân thủ luật pháp do họ đặt ra. Họ cũng quảng bá Kitô Giáo và thành lập trường học để giáo dục người dân bản địa.
Ngày 26 tháng Bảy năm 1847, những người Mỹ Tự Do đã công bố một bản Tuyên ngôn Độc lập cùng với một Hiến pháp mới. Dựa trên những nguyên tắc chính trị vốn là nền tảng của Hiến Pháp Hoa Kỳ, những người Mỹ Tự Do đã tuyên bố thành lập Cộng Hòa Liberia. Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên đã nhìn nhận nền độc lập của Liberia. Dĩ nhiên giới lãnh đạo của quốc gia mới này gồm hầu hết người Mỹ Tự Do. Năm 1877, Đảng True Whig Party ra đời. Gồm hầu hết người Mỹ Tự Do, đảng này được xem là lực lượng chính trị mạnh nhất cai trị Liberia. Cương lĩnh của đảng này là một bản sao chép của những lực lượng chính trị của các thực dân Âu Châu tại các nước Phi Châu. Dù vậy, Liberia vẫn còn là một quốc gia non yếu cho nên đành chịu áp lực của Anh và Pháp để nhường một số lãnh thổ cho hai nước này.
Mãi cho đến giữa Thế kỷ 20, nhờ viện trợ của Hoa Kỳ, Liberia mới dần dần hiện đại hóa đất nước. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã giúp cải thiện các hạ tầng cơ sở của Liberia để yểm trợ cho quân đội của mình tại Phi châu và Âu Châu để chống lại Đức Quốc Xã. Hoa Kỳ đã cho xây dựng Hải cảng Monrovia và Phi trường Quốc tế Roberts.
Sau chiến tranh, tổng thống Liberia, ông William Tubman đã kêu gọi các nước đầu tư vào Liberia. Nhờ vậy, trong suốt thập niên 1950, Liberia đã trở thành quốc gia có tỷ lệ gia tăng kinh tế đứng thứ nhì thế giới. Liberia cũng bắt đầu đóng một vai trò tích cực hơn trên chính trường thế giới. Nước này là thành viên sáng lập Liên Hiệp Quốc hồi năm 1945, đồng thời cũng đã mạnh mẽ lên tiếng tố cáo chế độ kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi. Liberia cũng đã nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc cổ võ cuộc tranh đấu giành độc lập của các nước Phi Châu khỏi các cường quốc thực dân Âu Châu, đồng thời giúp tài trợ cho Tổ Chức Phi Châu Thống Nhất.
Tuy nhiên, sự ổn định của nền cộng hòa lâu đời nhất tại Phi Châu này không được kéo dài. Tháng Tư năm 1980, một lãnh tụ của Bộ lạc Krahn, ông Samuel Doe đã lãnh đạo một cuộc đảo chính: Tổng thống William Tolbert bị sát hại, phần lớn thành phần nội các của chính phủ, nhất là các đảng viên của Đảng True Whig Party bị xử tử. Các lãnh tụ của cuộc đảo chính đã thành lập Hội đồng Nhân dân Cứu quốc để cai trị đất nước. Năm 1986, Liberia cho công bố một bản Hiến pháp mới và ông Doe được bầu làm tổng thống trong một cuộc bầu cử bị thế giới lên án vì đầy gian lận. Nhiều cuộc đảo chính đã diễn ra, nhưng đều thất bại. Chính phủ của Tổng thống Doe gia tăng các cuộc đàn áp.
Tháng Mười Hai năm 1989, Mặt trận Quốc gia Ái quốc Liberia, do một lãnh tụ phiến quân là ông Charles Taylor lãnh đạo, với sự yểm trợ của một số nước láng giềng như Burkina Faso và Bờ Biển Ngà, đã nổi lên chống lại Chính phủ Doe. Đây là cuộc nội chiến đầu tiên tại Liberia. Tháng Chín năm 1990, các lực lượng trung thành với Chính phủ Doe chỉ còn kiểm soát được một vùng nhỏ bên ngoài Thủ đô Monrovia. Tổng thống Doe đã bị các lực lượng phiến quân bắt giữ và xử tử. Nhưng sau đó các lực lượng phiến quân lại chia năm xẻ bảy và kình chống nhau. Cộng đồng kinh tế các quốc gia miền Tây Phi Châu đã đưa quân đội  vào Liberia để giải quyết cuộc xung đột. Từ năm 1989 đến năm 1996, Liberia đã phải trải qua những cuộc nội chiến tàn khốc nhất. Đã có trên 200.000 người bị thiệt mạng và hàng triệu người phải đi lánh nạn hoặc chạy qua các nước láng giềng. Mãi đến năm 1995, các phe lâm chiếm mới đạt được một thỏa hiệp dẫn đến cuộc bầu cử để đưa ông Taylor lên làm tổng thống. Dưới sự lãnh đạo của ông Taylor, Liberia bị thế giới xem như một quốc gia nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới. Ông này chỉ từ chức hồi năm 2003. Bà Ellen Johnson Sirleaf, một kinh tế gia tốt nghiệp từ Đại học Harvard được bầu làm tổng thống. Liền sau khi tuyên thệ nhậm chức, bà đã yêu cầu cho dẫn độ ông Taylor từ Nigeria về nước và chuyển ông đến tòa án quốc tế The Hague để chịu xét xử về nhiều tội ác.
Dưới thời của bà Sirleaf, Liberia trải qua một giai đoạn tương đối ổn định về nhiều mặt. Nhưng do tham nhũng cũng như nhiều tệ đoan khác của chính phủ, dân chúng Liberia đã mất niềm tin nơi các chính trị gia. Liệu một cựu tuyển thủ túc cầu quốc tế như ông Weah có đáp ứng được những mong đợi của người dân Liberia không?