Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Khi tự do của bạn chạm đến mũi tôi


Chu Thập
23.1.15
  
Trong đời sống tâm linh và tôn giáo, tôi thích những hình ảnh và biểu tượng mang lại cho tôi sự lạc quan, niềm vui sống và tinh thần khoan nhượng. Tôi thường chiêm ngắm Đức Phật Thích Ca từ bi, nhân ái, nhưng bước vào một số ngôi chùa,  tôi lại thích nhìn tượng Phật Di Lặc với cái bụng phệ và nụ cười nắc nẻ mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả của tập truyện “Cành Mai Sân Trước” gọi là  nụ “cười ha hả, cười hết ga, cười toe toét”. Nhìn đời với nụ cười như thế mà không thấy vui sao?
Về Chúa Giêsu, như được các sách Tin Mừng ghi lại, các họa sĩ có lẽ sẽ không bao giờ cạn hứng để vẽ lại những giọt nước mắt khóc thương đầy nhân tính của Ngài. Nhưng dường như hiếm lắm mới thấy có một bức chân dung của một Chúa Giêsu cười nắc nẻ như Phật Di Lặc. Tôi thích chiêm ngưỡng một Chúa Giêsu như thế hơn. Nhìn Ngài cười như thế, tôi sẽ cảm thấy bớt “sợ” hơn và “đi đạo” vì yêu đời hơn là vì sợ bị trừng phạt!
Gần đây Tiên tri Mahomet, người được xem là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhứt trong lịch sử thế giới, được nhắc nhớ đến rất nhiều. Tôi không rành về tiểu sử của vị tiên tri này. Nhưng mới đây, sau vụ thảm sát 10 nhân viên của tuần báo trào phúng “Charlie Hebdo” ở Paris, Pháp quốc, tôi lại thích nhìn bức biếm họa trong đó Tiên tri Mahomet sa nước mắt và thốt lên: “Tout est pardonné. Je suis Charlie” (tất cả đều được tha thứ. Tôi là Charlie).
Cũng vậy, mỗi lần nhìn vào một nghĩa trang, nơi cư ngụ của người quá cố, tôi đều có ý nghĩ: bên kia thế giới, con người chẳng còn thù hằn nhau nữa! Không những không còn thù hận, mà một khi đã đi vào thế giới bên kia, con người cũng chẳng còn phải chấp nê về bất cứ một hành động xúc phạm nào của người còn sống. Tôi cứ tưởng tượng: hãy thử vào một nghĩa trang rồi rống gân cổ lên mà rủa sả hay làm bất cứ một hành động thóa mạ nào đối với những người đang yên nghỉ ở đó, có “ma” nào chỗi dậy để trả đũa không?
Là một vị tiên tri rao giảng về một Thượng Đế Nhân Từ, tôi nghĩ rằng Đức Mahomet, cũng như Đức Phật hay Chúa Giêsu, hơi đâu mà buồn bã hay tức giận vì một cử chỉ xúc phạm của phàm nhân dương thế là những người mà từ trên thập giá Chúa Giêsu đã tha thứ “vì chúng lầm không biết việc chúng làm”. Tôi tưởng rằng từ trên cao, Tiên tri Mahomet chỉ có thể khóc và tha thứ mỗi khi bị người phàm xúc phạm đến mà thôi.
Dĩ nhiên, đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của tôi. Và đó cũng là suy nghĩ chủ quan của tác giả bức hí họa, ông Renald ‘Luz” Luzier, người đã thoát chết trong cuộc thảm sát vì đã ngủ nướng và đến tòa soạn trễ hơn nửa tiếng đồng hồ. Trong một cuộc họp báo, ông đã khóc và nói rằng những kẻ khủng bố là những người “đã đánh mất óc khôi hài. Một cách nào đó, họ đã đánh mất linh hồn trẻ thơ vốn đã cho phép họ nhìn vào thế giới từ một khoảng cách”. Theo ông, Tiên tri Mahomet mà báo “Charlie Hebdo” đã từng vẽ chân dung, “cũng chỉ là một con người biết khóc”. Nhưng có lẽ họa sĩ Luz quên mất rằng phần lớn người Hồi giáo không có cái nhìn như thế.
Trước khi diễn ra cuộc thảm sát ở Paris, tuần báo “Charlie Hebdo” đã không biết bao nhiêu lần bị cảnh cáo về chuyện mang tiên tri Mahomet ra chế diễu. Theo giải thích của Giáo sư Amin Saikal, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Á rập và Hồi giáo thuộc trường Đại học Quốc gia Canberra, người Hồi giáo xem bất cứ tranh ảnh nào về tiên tri Mahomet đều là một cử chỉ phạm thượng và phạm thánh. Lên tiếng trong chương trình 666 của đài truyền hình ABC  hôm 15 tháng Giêng vừa qua, Giáo sư Saikal khẳng định rằng Hồi giáo chống lại bất cứ hình thức tôn thờ ảnh tượng nào. Đã chống lại bất cứ việc khắc họa nào về chân dung của Tiên tri Mahomet, các tín đồ Hồi giáo hẳn không thể tha thứ cho việc mang giáo chủ của mình ra chế diễu như tuần báo “Charlie Hebdo” vẫn thường làm. Trong 44 năm lịch sử vừa qua, tuần báo trào phúng này rất thường xuyên vẽ hình về Tiên tri Mahomet. Theo Giáo sư Saikal, cần phải phân biệt giữa hai điều: một là vẽ những bức tranh hí họa để chọc cười, hai là vẽ những bức tranh hí họa để chọc cười mà không hề tỏ ra nhạy cảm đối với những chuẩn mực và giá trị văn hóa của người khác. Giáo sư này cho rằng nếu còn sống và xem tất cả những bức hí họa mà tuần báo “Charlie Hebdo” vẽ về mình, có lẽ vị tiên tri cũng chỉ biết nhún vai bỏ qua mà thôi. Nhưng tình cảm của các tín đồ Hồi giáo thì khác. Vẽ lại chân dung của Tiên tri Mahomet và nhứt là vẽ lại với chủ ý thóa mạ, xúc phạm thì đương nhiên chỉ có thể là một hành động xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của người Hồi giáo mà thôi. Với sự mách bảo của lẽ thường, ai cũng biết rằng xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của người khác là đụng chạm đến phần thánh thiêng sâu thẳm nhứt và bất khả xâm phạm của con người.
Tôi hiểu được phản ứng của Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo của hơn một tỷ tín đồ công giáo trên khắp thế giới. Mới đây, trong chuyến bay từ Sri Lanka đến  Phi Luật Tân, quốc gia có đông tín hữu công giáo nhứt tại Á Châu, khi nhận định về cuộc thảm sát tại Paris, ngài đương nhiên lên án hành động khủng bố, nhưng đồng thời cũng nhắc khéo về điều được gọi là tự do báo chí, vốn là thứ tự do mà nhiều người thường nhân danh để chế diễu, mạ lỵ và xúc phạm đến người khác. Ngài so sánh những người mà tình cảm tôn giáo bị xúc phạm với một đứa trẻ con mà người khác lôi cha mẹ ra để chế diễu. Đức Phanxicô nói: “Hãy nguyền rủa mẹ tôi đi, tôi sẽ đấm cho!”  Tôi không biết vị giáo hoàng này có giơ tay đấm người nào xúc phạm đến mẹ mình chưa. Nhưng tôi hiểu được phản ứng tự nhiên ấy. Lúc nhỏ, mỗi lần có ai gọi tên cha mẹ tôi ra thôi, chớ đừng nói đến chuyện thóa mạ, tôi đã liều mạng để ăn thua đủ với người đó. Mà đâu cần gọi tên cha mẹ của tôi, đụng đến anh chị em của tôi thôi cũng đủ để tôi nộ khí xung thiên rồi. Thế giới không thể quên cú húc đầu ngàn cân mà danh thủ túc cầu Pháp gốc Algerie Zinedine Zidane đã tống vào ngực của cầu thủ Ý Marco Materazzi trong trận chung kết giải Túc cầu Thế giới tại Berlin năm 2006. Anh bị trọng tài phạt thẻ đỏ và đuổi ra khỏi sân. Pháp thua Ý với tỷ lệ 5-3 trong trận thi đấu phạt đền. Báo Le Figaro gọi cú húc đầu của Zidane là một hành động “bỉ ổi”. Một tờ báo khác của Pháp nêu lên câu hỏi: “Chúng ta phải ăn nói như thế nào với con cái chúng ta, những kẻ mà bạn (Zidane) đã mãi mãi trở thành một mẫu mực?...Tại sao một hành động như thế lại có thể xảy ra với một người như bạn?” Mãi về sau người ta mới biết rằng cầu thủ Materazzi đã chạm vào phần thánh thiêng nhứt trong con người Zidane khi nói một điều xúc phạm đến em gái của anh.  Xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của người khác chẳng khác nào xúc phạm đến cha mẹ hay người thân của người đó.
Nhiều người, trong đó có Thủ tướng Anh, ông David Cameron, đã không đồng ý với phản ứng của Đức Phanxicô. Thủ tướng Anh đã phê bình nhà lãnh đạo công giáo và nhấn mạnh rằng ngài đã sai lầm khi bảo rằng những ai chế diễu Hồi giáo và các tôn giáo khác nên bị “đấm” vào mặt. Theo ông, người bị xúc phạm không có quyền “trả thù”. Dĩ nhiên, một nhà lãnh đạo tinh thần lúc nào cũng rao giảng sự tha thứ và khoan nhượng như Đức Phanxicô không hề biện minh cho hành động trả đũa của những người Hồi giáo cực đoan trước việc tuần báo “Charlie Hebdo” xúc phạm đến tiên tri Mahomet của họ. Với hình ảnh cú đấm được tung ra, ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng tự do ngôn luận, tự do báo chí phải có giới hạn của nó. Theo ngài, nhân danh Thượng Đế và tôn giáo để sát hại người khác là một hành động tội ác không bao giờ có thể biện minh được. Nhưng nhân danh quyền tự do báo chí để chế diễu, thóa mạ, khiêu khích, tức để cố tình xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của người khác, cũng là điều không thể chấp nhận được.
Tình cảm tôn giáo là thẩm cung thánh thiêng nhứt trong con người. Không thiếu người sẵn sàng “tử đạo” khi tình cảm ấy bị xúc phạm. Có lẽ đây là lý do tại sao tôn giáo vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến không biết bao nhiêu bạo động và chiến tranh trong lịch sử nhân loại. Tôn giáo là nguyên nhân gây ra hơn một nửa các cuộc nội chiến trên thế giới từ năm 1945 đến năm 1960. Từ năm 1960 đến năm 1990, ba phần tư các cuộc nội chiến đều do tôn giáo châm ngòi và kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, tỷ lệ của các cuộc nội chiến vì lý do tôn giáo lại càng cao hơn. Nhiều cuộc chiến xảy ra hơn, nhiều người bị giết hại hơn và nhiều tội ác được thực hiện nhân danh tôn giáo hơn bất cứ sức mạnh nào khác trong lịch sử nhân loại. Đây quả là sự thật đau buồn nhứt trong lịch sử nhân loại vào thời đại này (x. Peter C. Phan, Being Religious Interreligiously, Orbis Books, New York, 2004 p.189). Nói đến chiến tranh nhân danh tôn giáo, có lẽ người ta chỉ nghĩ đến Osama Bin Laden và những người Hồi giáo cực đoan, nhứt là các chiến binh “Thánh chiến” của họ. Kỳ thực, có tôn giáo nào mà ít hay nhiều không can dự vào các cuộc chiến tranh tôn giáo. Tình cảm tôn giáo là một sức mạnh khủng khiếp. Bị xúc phạm và khai thác, sức mạnh ấy có thể dẫn đến bao đại họa cho con người.
Đứng trước thảm kịch chiến tranh bắt nguồn từ tôn giáo, không thiếu người đề nghị một giải pháp đơn giản: dẹp bỏ tôn giáo là xong! Đầu thập niên 1970, trong ca khúc có tựa đề “Imagine” (Hãy thử tưởng tượng), ca nhạc sĩ John Lennon (1940-1980) của ban The Beatle, đã chẳng mơ ước một thế giới “không có tôn giáo, trong đó mọi dân tộc sẽ sống chung hòa bình với nhau” đó sao. Trước ông, các ông tổ của chủ nghĩa Marxit và chủ nghĩa cộng sản không chỉ mơ mà còn muốn thực hiện một thứ thiên đàng trần gian không có tôn giáo. Điều gì đã xảy ra khi con người cố gắng xóa bỏ tôn giáo  thì ngày nay nhân loại vẫn mãi nhớ đến như một cơn ác mộng khủng khiếp mà thôi.
Không thiếu những người “lợi dụng” tôn giáo để đeo đuổi quyền lực hay những ý đồ đen tối của mình. Và dĩ nhiên, cũng không thiếu những  người, vì tình cảm tôn giáo của mình bị xúc phạm, đã để cho người khác lèo lái, xách động để rồi lao mình vào những hành vi bạo động mù quáng. Nhưng bên cạnh thái độ cực đoan và những hành động cuồng tín của một số người, tự do báo chí hay nói chung, các thứ quyền tự do, một khi được thực thi không giới hạn, cũng có thể là ngòi nổ làm phát sinh các cuộc xung đột.
Cuộc thảm sát tại Paris và sau đó là phản ứng của người Hồi giáo tại nhiều nơi trên thế giới trước việc tuần báo “Charlie Hebdo” tiếp tục cho đăng tải một bức hí họa về tiên tri Mahomet khiến tôi phải suy nghĩ về các thứ quyền tự do của tôi. Tôi không nhớ tác giả nào đó đã dùng một hình ảnh rất chính xác là cái mũi để nói đến giới hạn của các quyền tự do của con người: “Quyền của bạn chấm dứt khi nó chạm đến chiếc mũi của tôi”. Bạn có quyền được tự do hút thuốc, nhưng một khi khói thuốc từ miệng bạn phà ra chạm đến mũi của tôi, thì quyền tự do hút thuốc của bạn đã chấm dứt với sự hiện diện của tôi. Sống có tự do đích thực không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, mà chính là biết quan tâm đến người khác để việc thực thi tự do của mình không chạm đến tự do của người khác và nhứt là xúc phạm đến những gì mà người khác cho là thánh thiêng và đáng trân quý nhứt.







Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Thu Phong


Chu Thập
17.06.11


Khu tôi ở không đến nỗi nghèo nàn xập xệ. Tuy sạch sẽ và có những khu vườn xinh xắn, nhưng đây cũng chỉ là một xóm “bình dân” với lối kiến trúc đơn giản, nhanh gọn du nhập từ Mỹ, chẳng có gì đáng để thu hút sự chú ý: đa số là nhà trệt trần thấp, một mái, ba “gian” phòng rõ rệt. Tiện nghi tối thiểu thì không thiếu, nhưng dĩ nhiên nhà ở xóm tôi được cất lên không phải để được nhìn ngắm, trầm trồ hay se sua mà chỉ đơn thuần là để ở. Cảnh vật cũng không có gì đáng nói. Từ ngoài nhìn vào mọi nhà đều có vẻ sàn sàn “bình đẳng” như nhau.
Chính vì vậy mà mỗi sáng Chúa nhựt, trước khi đến nhà thờ, tôi thích đi bách bộ trên những con đường ở vùng North Shore, Bắc Sydney. Ở đây nhà cửa, biệt thự đẹp và sang trọng. Nhưng điều tôi thích nhứt là có nhiều cây phong (maple) với lá đổi mầu. Ánh bình minh ló dạng thường mang đến không biết bao nhiêu bức tranh để chiêm ngắm. Với niềm xác tín “Bình an trong mỗi bước đi”, những buổi đi dạo trên những con đường trong khu nhà giàu ấy luôn mang lại cho tôi bình an và thanh thản. Quả thực, những ngôi nhà sang trọng là những bức tranh để thưởng lãm.
Càng ngắm nghía những tòa nhà đẹp đẽ này, tôi càng tin chắc rằng người ta không chỉ cất nhà để trú ngụ, mà còn để “khoe” cái nhãn hiệu nhà giàu của mình.  Đành rằng nhà cửa cũng là biểu hiện của sự giàu sang, nhưng điều đó chẳng mảy may có tác động nào đối với tôi. Trong cái nhìn của tôi, những ngôi biệt thự kiểu cọ, sang trọng với những khu vườn hài hòa ấy chỉ là những tác phẩm kiến trúc để mà chiêm ngắm. Nói như thế không có nghĩa là tôi không màng đến những người đang sống trong những ngôi nhà ấy. Những chiếc xe với những nhãn hiệu như Lexus, BMW, Mercedes, Audi…đậu trước những ngôi nhà sang trọng ấy ngầm nói với tôi rằng chủ nhân của những ngôi nhà này thuộc giai cấp giàu sang và trưởng giả. Họ có thể là những người sinh ra dưới một ngôi sao tốt, được thừa hưởng sản nghiệp của ông bà, cha mẹ để lại. Họ có thể là những người từ bàn tay trắng dựng nên sự nghiệp. Họ có thể là những người đã thành công trong việc sách đèn và vươn lên trong các bậc thang xã hội. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, một khi đã thoát cảnh nghèo, thay da đổi thịt, ai cấm người ta dọn đến những khu “nhà giàu” an toàn hơn, bảo đảm hơn cho việc giáo dục con cái cũng như để gia nhập vào giai cấp trung lưu, thượng lưu của xã hội. Thời nào và ở đâu cũng thế thôi. Xã hội nào mà chẳng có giàu nghèo. Xã hội nào mà chẳng có bất bình đẳng. Ông trời ở đâu và thời nào cũng sinh ra những con người có đẹp có xấu, có thông minh có đần độn, có khỏe mạnh có ốm đau, có giàu sang có nghèo hèn.
Tôi thường có ý nghĩ ấy mỗi khi đi bách bộ trong những khu nhà giàu, mà chẳng bao giờ cảm thấy thèm muốn, bất mãn, ganh tỵ và nhứt là thù hận. Vả lại, tôi cũng xác tín rằng những người giàu có đang sống trong những ngôi nhà sang trọng ấy chưa chắc gì đã có được niềm hạnh phúc, sự bình an và thanh thản của một người nghèo như tôi là kẻ đang tản bộ trước nhà họ. Giả như cách đây gần 200 năm, ông tổ của chủ nghĩa Marxit cũng thường đi lại trước những ngôi nhà giàu và cũng có cùng một suy nghĩ và cảm nhận như tôi thì chắc chắn trong thế kỷ 20 vừa qua nhân loại đã không phải chịu bao nhiêu đau thương tang tóc và sang thế kỷ 21 này, một số quốc gia, trong đó có Việt nam của tôi, không đến nỗi phải tiếp tục quằn quại trong các chế độ độc tài khát máu.
Đọc lại tiểu sử của Karl Marx, tôi biết rằng vào khoảng đầu thập niên 50 của thế kỷ 19, vì các họat động chính trị ông đã phải trốn chạy khỏi Đức, Pháp và Bỉ và được Anh quốc cho tá túc. Đây là quảng thời gian u ám nhứt trong cuộc đời của ông tổ Marxit. Ông tiến sĩ và người vợ, vốn là con gái của một nhà quí tộc Đức, phải sống trong một căn hộ tồi tàn ở London. Một buổi sáng mùa Đông nọ, sau một phiên tuần tra chiếu lệ, một viên cảnh sát Anh đã ghi lại như sau: “Marx sống trong một trong những khu tồi tệ, rẻ tiền nhứt ở London. Căn hộ của ông có hai phòng, phòng nhìn ra ngoài đường là phòng khách và phòng ngủ ở phía sau. Không có bất cứ một thứ bàn ghế lành lặn nào trong bất cứ phòng nào: tất cả đều trong tình trạng xiêu quẹo, gẫy đổ, mục nát, dính đầy bụi và cáu bẩn. Giữa phòng khách có một chiếc bàn được phủ vải dầu. Trên đó có những bản thảo, sách vở và báo chí cũng như đồ chơi trẻ con nằm la liệt bên cạnh cái rổ may của người vợ, cộng với ly tách, muỗng nĩa dơ bẩn, những cái điếu cày, tàn thuốc nằm ngổn ngang trên bàn…Nhưng tất cả những thứ này không hề tạo ra chút bối rối nào cho Marx hay vợ ông.”
Trong cảnh nghèo nàn cùng cực ấy, ông tiến sĩ triết học dĩ nhiên cũng tỏ ra lo ngại cho cuộc sống của vợ con. Trong một lá thư gởi cho người bạn và mạnh thường quân Engels, ông thú nhận rằng “những đêm đầy nước mắt và những chuỗi than vắn thở dài” của vợ ông đã gần như vượt quá sức chịu đựng của ông. Nhưng mặt khác, ông lại huênh hoang cho biết mình đang nghiên cứu lịch sử, chính trị, kinh tế và các vấn đề xã hội để tìm ra giải đáp cho những mọi vấn đề của thế giới.
Và đây là kết quả trước mắt của cuộc sống đầy ảo tưởng, nếu không nói là vô trách nhiệm của một người cha: năm 1852, đứa con gái nhỏ tên là Francisca của ông qua đời. Hai năm sau đến lượt đứa con trai nhỏ Edgar và hai năm sau nữa một đứa bé mới sinh cũng qua đời.
Một lá thư còn giữ lại của bà Marx ghi lại rằng trong khi những đứa con đói meo của ông đang chết dần chết mòn thì người cha lại suốt ngày đêm “dùi mài kinh sử” trong thư viện. Câu nói để đời của ông “chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi khổ đau của đồng loại để chỉ chăm sóc cho bộ da riêng của mình” lẽ ra phải được áp dụng ngay vào hoàn cảnh của chính ông.
Trong quyển tiểu sử viết về Karl Marx, Otto Ruhle đã nhận xét về ông như sau: “Không có một đồng xu dính túi và ngay cả chiếc áo sơ mi mặc trên người cũng bị mang đi cầm, vậy mà ông vẫn nhìn vào thế giới với thái độ ngạo nghễ…Suốt đời, ông luôn sống trong tình trạng cháy túi. Thật là buồn cười, ông không có khả năng để giải quyết những nhu cầu kinh tế của gia đình và sự bất lực trong lãnh vực tiền bạc đẩy ông vào hàng loạt “liên tu bất tận” những tai họa và phấn đấu. Ông luôn sống trong tình trạng nợ nần và không ngừng bị các chủ nợ hối thúc…Hầu như mọi thứ trong nhà đều nằm ở tiệm cầm đồ”.
Thật chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một người có cuộc sống như thế đã trút hết mọi sự thù hận của mình lên những người giàu có hơn mình và đề ra chủ trương thù hận và đấu tranh giai cấp.
Giả như Karl Marx, thay vì ngày đêm trốn tránh và vùi đầu trong sách vở và các thứ ảo tưởng, chịu khó dành những giây phút rảnh rỗi để đi bách bộ với vợ con và suy nghĩ về trách nhiệm “tề gia” của mình hơn là những vấn đề “bình thiên hạ”, thì có lẽ nhân loại đã chẳng bao giờ biết thế nào là đấu tranh giai cấp, cách mạng bạo động, cải cách ruộng đất, đấu tố, cải tạo, đảo lộn mọi bậc thang giá trị, xóa bỏ mọi giá trị đạo đức…
Thực ra, trong cảnh nghèo cùng, ai cũng có thể trải nghiệm cái tâm trạng của Karl Marx. Mới đây, sau khi đã bị cấm không cho tham dự đại hội điện ảnh Cannes, Pháp quốc, vì tự nhận mình là một người theo Đức quốc xã, đạo diễn người Đan mạch, ông Lars Von Trier, tuyên bố: “Trong mỗi người chúng ta, ai cũng đều có một chút (máu) Đức quốc xã cũng như vẫn có một chút “Hitler” trong bản thân. Và tôi nghĩ rằng phủ nhận sự thực này là điều nguy hiểm”. Nhại giọng của nhà đạo điễn Đan mạch này, tôi cũng không thấy mình đi quá đà khi nói rằng trong mỗi người chúng ta, ai cũng có chút máu của Karl Marx, và có khá nhiều cái nhìn về người khác như Karl Marx, nghĩa là cũng có ganh ghét và thù hận, nhứt là khi thấy người khác hơn mình về một phương diện nào đó. Và đây chính là nỗi khổ đích thực của chúng ta.
Mỗi buổi sáng Chúa nhựt của mùa Thu đẹp như tranh, trong khi đi bách bộ trong khu nhà giàu ở North Shore, tôi thường tập hít thở và thiền niệm để thắng vượt cái tâm vẫn còn đầy sân hận ấy. Ít ra tôi phải cám ơn “khu nhà giàu” này vì nhờ họ tôi được bắt đầu một tuần mới bằng những hình ảnh tuyệt đẹp. Nhưng họ phải cám ơn những cây phong vì nhờ chúng mà biệt thự của họ đẹp hẳn lên. Tôi vẫn thắc mắc không hiểu có phải vì muốn “phân chia giai cấp” không mà cây phong chỉ thấy nhiều ở thủ đô Canberra và những khu nhà giàu, còn tràm (gum trees) và các loại cây “native” thì họ lại trồng khắp các khu nhà nghèo và bình dân như xóm tôi. Thời tiết trong những khu nhà giàu ở North Shore có khác gì thời tiết của khu nhà nghèo của tôi đâu. Cũng bốn mùa nắng mưa có cả mà. Vả lại, phong thì xem ra ở trên cái đất Úc này, chỗ nào mà chẳng sống được. Bằng chứng là sau vườn của tôi có hai cây phong cũng biết thay màu đổi lá như phong ở khu nhà giàu. Ông Karl Marx mà có đội mồ sống lại thì hẳn ổng sẽ đòi san bằng mấy hàng cây phong ở khu nhà giàu mất thôi.
Thực ra, nói cho công bằng, trong cái khu nhà giàu mà tôi thường đi bách bộ mỗi buổi sáng Chúa nhựt mùa Thu, không chỉ có phong, mà còn có nhiều thứ cây có lá rụng và đổi màu khác. Nhìn từ xa, cứ tưởng những cây đổi màu đều là phong. Đến gần mới thấy bên cạnh phong cũng có những loại cây khác cũng “biết” đổi màu, khoe sắc và rơi rụng lả chả xuống đất. Hơn nữa, nhìn kỹ một chút, tôi mới thấy phong không chỉ có một loại, mà có đủ mọi loại, với thân và lá đủ mọi kích cỡ và màu sắc. Lạ nữa, hai cây phong cùng một loại như nhau, nhưng nếu được trồng ở một khoảng cách nào đó để có thể đón nhận ánh sáng mặt trời ở một góc độ khác nhau, thì lại đổi màu lá không cùng một lúc.
Phong cùng một loại không thôi cũng đủ tạo ra một bức tranh mùa Thu đẹp. Phong đủ loại đứng bên nhau lại càng làm cho bức tranh rực rỡ hơn. Phong chen chúc bên cạnh những loại cây lá rụng thay mầu khác thì lại làm cho cảnh vật nên thơ bội phần. Nhưng nếu đàng sau phong và những cây lá rụng mà có những cây tràm hay cây có lá xanh quanh năm ngày tháng đứng làm “phông” thì dĩ nhiên, bức tranh được xem như hoàn hảo.
Chiêm ngắm bức tranh ấy, tôi thường nghĩ đến tinh thần khoan nhượng. Cỏ cây dạy cho tôi không biết bao nhiêu bài học về làm người. Thú vật thường có phản ứng trước cách cư xử của con người. Một con chó có thể vẫy đuôi để tỏ tình thân thiện hay biết ơn. Một con mèo có thể biểu lộ nhu cầu muốn được mơn trớn. Nhưng cây cỏ thì tuyệt nhiên vẫn luôn tỏ “thái độ” bình thản đối với cách cư xử của tôi. Tôi có nguyền rủa, nó vẫn đứng trơ trơ. Nhưng dù cho tôi có đối xử bạc bẽo đến đâu, nó vẫn tiếp tục làm buồng phổi để lọc khí cho tôi thở. Và dĩ nhiên, giữa thế giới cỏ cây, lúc nào cũng có sự sống chung hòa bình. Nhỏ bé và ốm yếu đến đâu, cũng vẫn có thể đứng bên cạnh, len lỏi hay quấn quít vào cây lớn. Càng to lớn dềnh dàng lại càng là nơi nương tựa cho những loài cây bé nhỏ. Tựu trung, trong “xã hội” thực vật, mỗi loại, chỉ cần cắm rễ vào đất, đều có chỗ đứng và cơ hội góp mặt với đời.
Sở dĩ trong xã hội loài người luôn có xung đột chiến tranh là bởi trong mỗi người đều có một chút máu của hận thù và đấu tranh giai cấp của Karl Marx và một chút máu bất khoan nhượng của Hitler.
Dưới tàn cây phong, tôi thấy mình như đứng dưới một người thày lớn: học bình thản trước mọi hoàn cảnh; tỏa bóng mát cho đời, cho người bằng sự khoan dung; giúp những người kém may mắn hơn mình có cơ hội như cây phong cho dây leo nương tựa và nhứt là biết trao ban những gì tốt đẹp nhứt như hình ảnh chiếc lá đang rơi.








Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Tôi cũng là Charlie


Chu Thập
16/1/15

Đầu năm, xem cuốn phim “The Interview” (cuộc phỏng vấn), tôi đã có được một trận cười...chảy nước mắt. Thương cho cuộc sống bị hạ thấp còn hơn cả nô lệ và súc vật của không biết bao nhiêu người dân Bắc Hàn.
Nhiều người cho đây là một cuốn phim hài rẻ tiền. Quả thật, có một số chi tiết thừa thãi và lố bịch khiến cho khán giả khó chịu hơn là cười cợt. Tuy nhiên, trong cảm nhận riêng của mình, tôi nghĩ có lẽ hai đạo diễn Seth Rogen và Evan Goldberg, khi nêu đích danh lãnh tụ Kim Jung-un ra mà châm chọc, chỉ muốn  nói lên một sự thật: cả chế độ cộng sản bưng bít và cha truyền con nối Bắc Hàn chỉ là một màn kịch và là một màn kịch tồi. Từ ông nội đến cha rồi con, tất cả các lãnh tụ “vĩ đại” và “vô vàn kính yêu” của chế độ cộng sản này đều là những diễn viên hề tồi tệ nhứt. Nhưng họ đã thành công khi biến tất cả mọi người dân trong nước trở thành không chỉ là diễn viên mà ngay cả những con rối chỉ còn múa may theo sự giựt giây của họ. Bảo hoan hô, người dân hoan hô. Ra lệnh đả đảo, người dân đả đảo. Thậm chí, khi đe dọa phải khóc, người dân cũng phải  khóc rống lên. Và cũng giống như trong bất cứ một chế độc độc tài toàn trị nào, sự dối trá được lập đi lập lại cũng biến thành sự thật. Người dân Bắc Hàn tin như đinh đóng cột rằng ông nội, cha và con của dòng họ Kim này đều là thần thánh: họ là thần thánh cho nên không có bộ máy “bài tiết” như mọi sinh vật khác trên trái đất này. Chi tiết này được hai đạo diễn của cuốn phim khai thác triệt để và xem ra có vẻ lố bịch. Kỳ thực, đây vẫn là “sự thật” hiện đang được người dân Bắc Hàn “tuyên xưng”.
Xuất hiện trong chương trình “Insight” của đài SBS dạo tháng Tư năm vừa qua, một nữ sinh viên tên là Yeonmi Park cho biết cô sinh ra và sống dưới chế độ cộng sản Bắc Hàn cho đến năm 15 tuổi. Cô khẳng định: “Trong 15 năm đầu cuộc đời của tôi, tôi đã tin rằng Kim Jong-il là một vị thần. Tôi đã không bao giờ nghi ngờ điều đó, bởi vì tôi đã không hề biết một điều gì khác. Ngay cả tôi cũng không thể tưởng tượng được cuộc sống bên ngoài chế độ như thế nào”. Vì tin rằng chủ tịch vĩ đại và vô vàn kính yêu có thể đọc được tư tưởng của mình, cho nên cô gái Bắc Hàn này luôn phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói và suy nghĩ của mình.
Cô Park kể lại rằng cha cô đã từng là một viên chức chính phủ. Cho nên so sánh với một số người khác, cuộc sống của gia đình cô tương đối dễ thở hơn. Nhưng bị tình nghi có phạm một điều sai trái gì đó, cha cô đã bị giam tù 3 năm. Trong chế độ cha truyền con nối này, cha phạm tội thì con cũng hết đất sống. Đây là lý do khiến gia đình cô đã quyết định rời bỏ thủ đô Bình Nhưỡng để tìm về một vùng quê gần biên giới Trung Quốc và tìm cách vượt thoát. Sau một thời gian sống chui nhủi ở Trung Quốc, gia đình cô đã “vượt biên” sang Nam Hàn. Nhưng ngay cả sau khi được đặt chân lên vùng đất tự do, cô gái đã từng sống 15 năm đầu đời trong chế độ cộng sản Bắc Hàn vẫn nghĩ rằng lãnh tụ Kim Jong-il tiếp tục đọc được tư tưởng của mình, cho nên cô không bao giờ dám có một ý nghĩ tiêu cực về chế độ này. Mãi một thời gian sau khi được “trục độc”, cô mới biết được rằng Kim Jong-il là một nhà độc tài và nhờ hiểu được thế nào là xã hội chủ nghĩa, thế nào là cộng sản chủ nghĩa và thế nào là tư bản chủ nghĩa, cô mới học được nhiều điều mới lạ và cuối cùng nhận ra sự thật.
Cô Park chia sẻ: “Tôi đã nhận ra rằng tất cả những điều suy nghĩ trước kia của tôi đều là dối trá. Tôi đã không phải là một con người thật. Tôi đã được “chế tạo” cho chế độ để phục vụ họ. Nếu họ ra lệnh cho tôi phải chết, tôi cũng phải chết cho họ. Tôi không phải là một con người. Tôi là một cái gì khác. Chắc chắn, tôi đã không được đối xử như một con người. Tôi đã không biết được thế nào là tự do. Phải mất ba năm tôi mới hoàn toàn được gột rửa khỏi sự tẩy não” (x.Sydney Morning Herald, Daily Life 12/4/2014).
Nhận ra mình là một “con người” có đầy đủ các nhân quyền và được sống tự do: có lẽ chỉ có những ai đã từng sống trong địa ngục trần gian của một chế độ cộng sản độc tài như cô Park trên đây, mới nhận ra được bộ mặt dối trá và lố bịch của các diễn viên hề trong các chế độ độc tài, đồng thời ý thức được phẩm giá đích thực của mình.
Đầu năm, song song với cuốn phim “The interview” về chế độ cộng sản  Bắc Hàn, tôi cũng cảm thấy được “bồi dưỡng” rất nhiều khi đọc hồi ký “Đèn Cù II” của cụ Trần Đĩnh. Cũng như “Đèn Cù I” và với nhiều chi tiết hơn, “Đèn Cù II” có lẽ cũng có nội dung chẳng khác nào cuốn phim “The Interview”. Nhưng là người trong cuộc, cụ Trần Đĩnh đã dựng lại vở hài kịch của chế độ cộng sản Việt Nam một cách trung thực và sống động hơn. Có thể nói rằng cuộc hành trình mà cụ Trần Đĩnh đã giải bày trong “Đèn Cù II”, như nhận định của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, là một cuộc hành trình “trục độc”. Nói cách khác, tác giả đã từng viết tiểu sử của ông Hồ Chí Minh và hồi ký của nhiều nhân vật chóp bu trong chế độ cộng sản Việt Nam, đã cố gắng qua từng trang sách, khi ghi lại các sự kiện trong thâm cung bí sử của Đảng cộng sản Việt Nam, làm điều mà cụ gọi là “càng lột bỏ bộ mặt nạ trên tôi, thì tôi mới càng là tôi” (trg 24).
Có lẽ đây là điệp khúc thường được tác giả lập lại trong hồi ký tập II này. Theo cụ Trần Đĩnh, tất cả những người đã từng đi theo chủ nghĩa cộng sản hoặc góp phần xây dựng và củng cố chế độ này từ lúc còn trong trứng nước cho đến nay, đều là những táo quân trần truồng quay cuồng trong chiếc đèn cù là chế độ cộng sản (trg 65).
Tấn tuồng “đèn cù” mà chế độ cộng sản Việt Nam đã dựng lên đã được cụ Trần Đĩnh mượn lời của danh hài Charlie Chaplin trong cuốn phim “Tên Độc Tài” để tóm tắt như sau: “Các bạn, các chiến binh, các bạn đừng dâng mình cho những con thú, những kẻ bắt các bạn làm nô lệ, đặt đời các bạn vào trong hệ thống, điều khiển hành động, ý nghĩ và cảm xúc của các bạn! Chúng rèn giũa các bạn, kiểm soát khẩu phần của các bạn, coi các bạn như bầy gia súc. Chúng là những kẻ dị dạng, những người máy với bộ óc máy, những con tim máy và chúng đã hứa hẹn và rồi lừa các bạn. Chúng giành tự do cho chúng còn các bạn thì thành nô lệ. Các bạn không phải là những cỗ máy, không phải là gia súc mà là những con người! Là con người, các bạn bây giờ hãy chiến đấu cho tự do, hãy không chịu làm nô lệ...” (trg 318).
Trong cái chế độ đã biến thành sân khấu này, “làm người”, như tác giả “Đèn Cù II” đã ghi lại câu nói sâu sắc của một cán bộ sơ cấp tên là Đảm, là điều “khó nhất”. Theo anh cán bộ này “sợ nhất là nói. Khó nhất là làm người”. Chính vì sống như một con người có ý thức về các quyền và tự do của mình là điều khó nhất, cho nên người dân và nhất là những người cộng sản, đành phải đóng kịch. Đóng kịch trước mặt các “chủ nô” đã đành, mà cũng phải đóng kịch với nhau.
Trong hồi ký “Viết về bè bạn”, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người vừa mới qua đời hôm 18/12/14 vừa qua, có kể lại một giai thoại cười ra nước mắt về nhà văn Mặc Lân, con trai của nhà văn Lê Văn Trương (1906-1964). Theo tác giả của “Chuyện kể năm 2000”, năm 1971, nhà văn Mặc Lân bị đặt vào tình thế phải nghỉ hưu non. Ông “không được viết, hoặc được viết nhưng không được in hay được in nhưng không được ký tên cũng không được nhận tiền nhuận bút”. Nhưng nhờ vậy mà ông lại có nhiều việc đề làm. Nhiều “văn nô” đã tìm đến ông để nhờ ông viết dưới danh nghĩa của họ. Hợp đồng thường là 50/50, nghĩa là nhuận bút chia đôi. Nhưng cũng không thiếu trường hợp kẻ nhận tiền nhận bút “quịt” luôn. Mà bởi hợp đồng được ký bằng miệng cho nên chẳng biết khiếu nại với ai.
Tác giả Bùi Ngọc Tấn kể lại một “hài kịch” về chuyện viết thuê này. Một anh cán bộ thích nổi danh đã đến gặp Mặc Lân để đặt hàng. Anh giải thích với vợ rằng vì thấy Mặc Lân túng thiếu cho nên mới cầm bản thảo đến nhờ ông chép lại cho rõ ràng và giúp đỡ để sống qua ngày. Sau khi tác phẩm được hoàn tất và người cán bộ nhận được một số tiền nhuận bút hậu hĩ, Mặc Lân đến nhà anh ta để nhận thù lao như hai người đã đồng ý với nhau theo hợp đồng miệng. Chẳng may hôm đó người vợ lại ngồi kè kè bên cạnh chồng. Sau mấy tiếng đồng hồ trò chuyện, Mặc Lân đành ra về tay không. Mấy ngày sau, người vợ của anh cán bộ tìm đến nhà Mặc Lân, trên tay có cầm một bì thư có tiền. Chị nói: “Anh đánh rơi tiền ở nhà tôi đây này. Khi anh về, nhà tôi thấy ở gầm ghế anh ngồi có số  tiền này, hỏi tôi tiền nào đây. Chồng không mất, vợ không mất. Anh ấy bảo thế thì chỉ có tiền anh Lân đánh rơi mà thôi”. Phải mất một hồi lâu, nhà văn Mặc Lân mới hiểu và reo lên: “Chết rồi. Đúng rồi. Tiền vợ tôi nó vừa lĩnh họ đưa cho tôi lúc chiều. May quá. Cám ơn anh chị”.
Lần khác, theo tác giả “Chuyện kể năm 2000”, truyện do Mặc Lân viết thuê lại được giải thưởng. Nhưng vì hợp đồng được ký qua trung gian của một người khác, cho nên “tác giả” nhận giải thưởng không hề biết Mặc Lân. Gặp ông, “tác giả” lên mặt kể đến một số đoạn do mình “sáng tác”. Mặc Lân chỉ biết cười thầm trong bụng (Bùi Ngọc Tấn, Viết Về Bè Bạn, Tiếng Quê hương, Hoa Kỳ 2005, trg 68-74).
Trong chế độ mà người sáng lập đã có thể tự viết tiểu sử dưới một danh hiệu khác để tự đề cao mình lên chín tầng mây thì cuộc sống có trở thành một sân khấu và mọi người đều trở thành diễn viên hài, chẳng có gì đáng gây ngạc nhiên cả. Chỉ có điều con số những người biết dừng lại và tìm cách ra  khỏi cái vòng quay của chiếc đèn cù để chấm dứt vai diễn của mình và sống thực với con người của mình, không phải là nhiều. Cụ Trần Đĩnh thuộc con số ít ỏi ấy. Cụ đã trích dẫn một câu nói thời danh của triết gia Đan Mạch Soren Kierkegaard (1813-1855) để không ngừng tự cảnh tỉnh: “Mày là thế nào thì hãy sống hết lòng như thế đó” (Sois de tout coeur ce que tu es) ( trg 37).
Xem cuốn phim “The Interview”, đọc “Đèn Cù II” rồi nghĩ đến không biết bao nhiêu chế độ độc tài vẫn còn thống trị trong thế giới ngày nay, tôi lại liên tưởng đến khẩu hiệu “Je suis Charlie” (tôi là Charlie) mà người dân Pháp đã giăng tràn ngập ở thủ đô ánh sáng Paris sau vụ sát hại 10 ký giả và họa sĩ của tuần báo trào phúng “Charlie Hebdo”. Với người dân Pháp, tuần báo này là biểu tượng của mọi quyền tự do trong đó quan trọng hơn cả là tự do ngôn luận và phát biểu. Kể từ cuộc cách mạng năm 1789, “tự do muôn năm” (vive la liberté) đã trở thành cốt lõi cuộc sống văn minh của người Pháp. Sống như một con người và nhứt là như một người tự do, đó là thông điệp mà chắc chắn người dân Pháp muốn nhắn gởi cho thế giới trong những ngày vừa qua.
Trong tình liên đới với các nạn nhân của vụ thảm sát ở Paris hôm thứ Tư 7 tháng Giêng vừa qua và nhứt là muốn nhắn gởi với các chế độ độc tài, dù là chính trị hay tôn giáo, tôi cũng muốn thốt lên “tôi cũng là Charlie”. Và dĩ nhiên, cùng với khẩu hiệu này, tôi cũng tự nhắc nhở mình rằng để sống như một con người tự do đích thực, tôi không thể không sống theo nguyên tắc đạo lý nền tảng: “Những gì ngươi không muốn người khác làm cho ngươi, ngươi cũng đừng làm cho họ”.