Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Nếu bạn muốn thay đổi thế giới...




Ở xế bóng cuộc đời, tính sổ lại tôi thấy mình chỉ thực sự đạt được hai thành tích: một là bỏ thuốc lá, hai là mỗi ngày vẫn chạy bộ được một tiếng đồng hồ.
Cách đây hơn 20 năm, phải nhiều phen try vi tróc vẩy mới bỏ được thuốc lá, tôi xem đây như cuộc đổi đời lớn nhứt mà tôi đã có thể thực hiện được. Tôi không biết có phải nhờ bỏ thuốc lá mà tuổi thọ của tôi đã kéo dài được đến hôm nay hay không, nhưng tôi tin chắc rằng nếu sức khỏe thể lý và ngay cả tinh thần của tôi có được như ngày nay hẳn là vì tôi đã bỏ được thuốc lá.  Rồi cách đây hơn 4 năm, sau một lần thử máu với kết quả xác nhận mình bị tiểu đường ở giai đoạn đầu, thay vì uống thuốc trị bệnh, tôi lao đầu vào tập thể dục mà chạy bộ mỗi ngày là động tác chính. Kết quả thật khả quan: các cuộc thử máu đều nhìn nhận tôi đã kiểm soát được bệnh tiểu đường. Tôi không biết tôi sẽ cầm cự được bao lâu, nhưng ít ra chạy bộ mỗi ngày đã trở thành một thứ “ghiền” mới của tôi: ngày nào không chạy, tôi cảm thấy như thể chưa sống đủ một ngày hoặc còn mang nợ với ai điều gì đó mà mình chưa trả được. Mà kỳ thực, cố gắng sống khỏe, tránh được một số bệnh tật là gỡ được một số nợ: nợ đối với người thân và dĩ nhiên nợ đối với những người đang thọ thuế để tôi hưởng được mọi lợi ích của chính sách bảo hiểm y tế chung. Nghĩ như thế cho nên tôi xem thói quen chạy bộ mỗi ngày mà tôi đã có thể ghép mình vào từ nhiều năm nay như một thành tích cá nhân vĩ đại của tôi.
Xét cho cùng, trong bể học bao la, tôi vẫn thấy rằng học để sống cho ra người quả là điều cam go nhứt và có lẽ chẳng có ai dám tự hào vỗ ngực để tuyên bố rằng mình đã “tốt nghiệp” về trường học làm người này. Già đầu như tôi mà vẫn cứ thấy mình “ngu”. Răng đã long, tóc không những bạc mà cũng đã từ từ vỗ cánh bay đi hết, vậy mà tôi vẫn thấy mình có lúc cư xử như trẻ con, không phải như trẻ con là biểu tượng của sự hồn nhiên, trong trắng ngây thơ, mà như trẻ con mất dậy, hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ hoặc vô trách nhiệm. Thấy mình như thế cho nên ngày nào tôi cũng tâm niệm phải cố gắng học làm người thêm để trưởng thành hơn. Con người ta có thể già đầu mà chẳng già đời hay già dặn chút nào!
Thời thanh niên, cũng như mọi người, tôi cũng nuôi “chí lớn” cho nên ôm ấp rất nhiều hoài bão. Tôi cứ nghĩ rằng với ý chí, điều gì mình cũng làm được và làm  được cả những điều vĩ đại như thay đổi cả thế giới! Nhưng tuổi đời chồng chất chỉ đẩy tôi vào thất vọng mà thôi: càng thêm tuổi đời, tôi càng có nhiều hiểu biết và cái nhìn của tôi có lẽ cũng rộng thoáng hơn, nhưng hoài bão của tôi thì ngày càng teo lại, nếu không muốn nói là hoàn toàn biến mất khỏi trí tưởng tượng và cái đầu ngây ngô khờ dại của tôi. Từ ý muốn “đội đá vá trời”, nay trong tôi chỉ còn lại một niềm ao ước nhỏ bé: làm sao để thay đổi được chính mình! Chính vì thế mà cứ có thày dạy về “học làm người” là tôi liền hăm hở chạy tới xin thụ giáo.
Mới đây, nghe nói bài diễn văn của một đề đốc hải quân Mỹ là thiếu tướng William H. McRaven đọc tại một buổi lễ ra trường của 8000 sinh viên đã được trên 1.7 triệu người vào YouTube để lắng nghe chỉ trong hai tuần lễ, tôi cũng mon men tìm đến xin “ thọ giáo”. Nhìn trong hình, nghe giọng nói, tôi tin chắc rằng ông đề đốc hải quân này còn trẻ hơn tôi nhiều. Vậy mà qua cuộc sống, cách cư xử của ông, như được chia sẻ trong bài diễn văn, ông lại tỏ ra“già dặn” và trưởng thành hơn tôi, đáng để tôi tôn lên bậc thày  trong trường học làm người.
Tướng McRaven đã từng có 36 năm vào sinh ra tử như một sĩ quan “người nhái” và hiện đang là chỉ huy trưởng của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ. Tất cả bài diễn văn của ông có thể được tóm lược trong câu nói: “Dù bạn chưa từng phục vụ trong quân đội một ngày nào, điều đó không quan trọng. Dù bạn thuộc giới tính, chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng hay địa vị xã hội nào, điều đó không quan trọng. Những cuộc chiến đấu của chúng ta trong thế giới này đều giống nhau và những bài học để chiến thắng trong những cuộc chiến này cũng như để tiến tới, để thay đổi bản thân và thế giới xung quanh chúng ta, đều có giá trị như nhau cho mọi người”.
Trong 10 bài học mà ông muốn nhắn gởi cho các bạn sinh viên mới tốt nghiệp, bài học đầu tiên là: “ Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng cách dọn giường”. Mỗi ngày, khi thức dậy, với các tân binh trong bất cứ quân trường nào và ngay cả học sinh trong các trường nội trú, công việc đầu tiên phải làm cho đến mức hoàn hảo chính là dọn giường của mình. Đề đốc McRaven nói: “Nếu bạn dọn giường được mỗi buổi sáng, bạn đã làm được nhiệm vụ đầu tiên trong ngày. Nó sẽ mang lại cho bạn một chút tự hào và khuyến khích bạn thi hành một nhiệm vụ khác và nhiều nhiệm vụ khác. Cuối ngày, cái nhiệm vụ nhỏ ấy sẽ biến thành nhiều nhiệm vụ khác. Dọn giường cũng sẽ giúp bạn xác tín rằng những việc nhỏ trong cuộc sống rất quan trọng. Nếu bạn không thể làm những việc nhỏ cho đàng hoàng, bạn sẽ không bao giờ làm được những việc lớn đàng hoàng...Nếu bạn muốn thay đổi thế giới hãy bắt đầu “dọn giường của bạn”.
“Nếu bạn không thể làm những việc nhỏ cho đàng hoàng, bạn sẽ không bao giờ làm được những việc lớn đàng hoàng”. Bài học này, tôi cũng đã nghe được từ miệng của một chính trị gia nổi tiếng của Hoa Kỳ là ông Willam Jennings Bryan (1860-1925), ngoại trưởng tài ba dưới thời tổng thống Woodrow Wilson. Ông Bryan nói: “Những điều vĩ đại nhứt đã thực hiện  được trên trái đất này đều đã được làm theo từng bước nhỏ”.
Tôi thích nghệ thuật của người Nhựt. Thực ra, dường như người Nhựt làm điều gì cũng với nghệ thuật. Cắm hoa và ẩm thực là hai nghệ thuật tiêu biểu nhứt của dân tộc này. Xem ra họ làm cái gì cũng tỉ mỉ và từng bước nhỏ. Nhiều người cho rằng sự thành công của kỹ nghệ xe hơi của Nhựt Bản nằm trong thứ triết lý đông phương mà họ gọi là “Kaizen” (cải thiện?), nghĩa là làm cho hoàn bị hoặc thay đổi không ngừng để đạt được điều tốt đẹp nhứt. Theo triết lý này, sự thành công là hoa trái của sự bền bỉ liên tục hơn là một mục tiêu duy nhứt nhưng xa vời. Có thể tóm tắt triết lý ấy trong câu nói quen thuộc của người xưa: “Chuyến đi một ngàn dặm bắt đầu bằng một bước nhỏ”. Với triết lý ấy, mỗi một công nhân Nhựt trong kỹ nghệ xe hơi đều là một chuyên viên chăm chú làm việc hết mình trong phận vụ nhỏ của mỗi người. Không có một bước nhỏ của mỗi người công nhân trong hệ thống giây chuyền ấy, kỹ nghệ xe hơi Nhựt khó đạt được sự thành công như chúng ta thấy hiện nay.
Mỗi người thi hành nhiệm vụ nhỏ bé và có khi âm thầm của mình, nhưng làm với tất cả ý thức trách nhiệm, phải chăng đó không là cách góp phần làm việc lớn và thay đổi thế giới. Tôi tin rằng chính các công nhân người Nhựt đã góp phần nhiều nhứt vào việc thay đổi thế giới. Ngày nay, thế giới tràn ngập các sản phẩm được chế tạo tại Trung Quốc. Thế giới không chỉ lo sợ trước sự bành trướng của quốc gia cộng sản lớn nhứt thế giới này. Thế giới còn sợ chết vì những sản phẩm độc hại và không đúng tiêu chuẩn xuất phát từ nước này. Mao Trạch Đông đã sát hại đến 40 triệu đồng bào ruột thịt vì “bước nhảy vọt” điên rồ của ông. Chưa đứng thẳng để bước đi từng bước một, ông đã muốn cho cả dân tộc phải “nhảy vọt”. Di sản của “bước nhảy vọt” ấy có lẽ cũng còn tồn tại trong cách làm ăn đầy mờ ám và thiếu lương tâm của vô số xí nghiệp và công sở ngày nay của Trung Quốc. Tựu trung, từng bước đi nhỏ nhưng chắc chắn trong cuộc sống là thể hiện của chính tiếng nói lương tâm. Lương tâm là điều mà con người không thể nhìn thấy và cân đo đong đếm theo bất cứ đơn vị đo lường nào.
Hình như đề đốc McRaven muốn nói đến điều đó khi ông khuyên nhủ các bạn sinh viên Mỹ mới ra trường: “Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy đo lường một con người bằng kích cỡ trái tim của người ấy, chứ không  bằng số đo bàn chân của họ”. Ông cho biết: để trở thành một “người nhái” thực thụ, phải trải qua một thời gian huấn luyện rất cam go. Khai mạc khóa có tất cả 150 khóa sinh, nhưng rơi rụng từ từ chỉ còn 35 người. Ông được xếp vào một nhóm 7 người gồm toàn những người “thiếu chiều cao” so với các khóa sinh khác. Vậy mà lúc thi đua chèo xuồng và bơi, nhóm của ông luôn về nhứt. Đề đốc McRaven nói rằng trong cuộc sống điều quan trọng không phải là màu da, chủng tộc, trình độ học vấn và địa vị xã hội mà là ý chí muốn thành công. “Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy đo lường một con người bằng kích cỡ trái tim của người ấy, chứ không bằng số đo bàn chân của họ”.
Bài học này gợi lên cho tôi sự thành công của một số cầu thủ túc cầu thế giới mà cứ mỗi độ Giải Túc Cầu Thế Giới về, tôi đều tưởng nghĩ đến. Tôi say mê lối chơi của người vừa được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhứt thế giới: cầu thủ Cristiano Ronaldo,  Bồ Đào Nha, người đã nhiều lần mang cúp vô địch về cho Câu lạc bộ Real Madrid. Nhưng tôi lại dành sự ngưỡng mộ cho danh thủ Lionel Messi của Argentina, bàn chân vàng của Câu lạc bộ Barcelona. Nếu so với các danh thủ quốc tế khác, Messi là người chỉ có một chiều cao khiêm tốn. Nhưng cũng như với người đồng hương đã từng là siêu sao huyền thoại một thời là Maradona, chiều cao khiêm tốn của Messi đã không ngăn cản anh trổi vượt trong lối dẫn banh và các cú sút thần tốc.
Chiều cao của thân thể, số đo của bàn chân hay ngay cả thể lực hơn người không hẳn là điều quan trọng trên sân cỏ, mà chính  là tài năng và là nội lực. Tài năng và nội lực là thứ mà  chẳng có thứ thước đó nào trên trần gian này có thể đo lường được. Nhưng trong con người không chỉ có tài năng hay nội lực, mà còn có “trái tim” là thứ mà không những các loại thước đó, mà mắt thường cũng chẳng nhìn thấy được. Đó là điều mà văn hào Antoine de St Exupéry đã nói đến khi ông viết rằng “có những điều mà người ta chỉ có thể nhìn thấy bằng trái tim”. Chỉ có trái tim mới cảm nhận được những tình cảm sâu xa trong con người và dĩ nhiên cũng chỉ với trái tim, người ta mới có thể thấy được giá trị và phẩm giá đích thực của một con người.
Học làm người, xét cho cùng, có lẽ cũng chính là tập nhìn bằng trái tim của mình. Có nhìn bằng trái tim thì may ra mới có thể nhận ra những giá trị thầm kín của bất cứ một con người nào, bất luận khỏe mạnh hay ốm đau, lành lặn hay tàn tật, thông minh hay đần độn, giàu sang hay nghèo cùng. Có nhìn bằng trái tim thì may ra mới biết cảm thông với vô vàn khổ đau cũng như vấp ngã của người khác.
Đã gần cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, tai đã bắt đầu lùng bùng, mắt cũng đã nhìn gà hóa cuốc, tôi chỉ còn mong được mãi mãi sáng lòng để biết lắng nghe và nhìn thấy những gì mà tai mắt không còn nghe thấy.
Chu Thập 20.6.2014 


Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Thần Thánh Cũng Phải Điên Cái Đầu…



                                                                            

Tôi nhớ hồi thập niên 1980 có xem bộ phim với tựa đề “The Gods Must Be Crazy” (thần thánh hẳn phải điên). Bộ phim ba tập này kể lại các cuộc phiêu lưu của một người Phi Châu thuộc một bộ lạc mà đời sống còn rất bán khai. Nhân vật chính của bộ phim tên là Xi. Xi và bộ lạc của anh sống rất hạnh phúc trong vùng sa mạc Kalahari. Họ sống hạnh phúc vì thần thánh lúc nào cũng cung cấp cho họ mọi sự; không một người nào trong bộ lạc cảm thấy thiếu thốn bất cứ thứ gì. Thế rồi, một ngày nọ, không rõ từ một chiếc máy bay nào đó, một chai Coca Cola lại rơi xuống còn nguyên vẹn trước mặt họ. Lúc đầu, người dân bộ lạc tưởng cái vật lạ lùng này là một quà tặng của thần thánh. Họ xử dụng nó vào đủ thứ việc. Cái chai cứ chuyền tay từ người này sang người khác. Sự kiện làm nẩy sinh một hiện tượng chưa từng có trước đó bao giờ: người ta bắt đầu đặt vấn đề về “quyền sở hữu”. Thế là người dân bộ lạc lại cảm nghiệm những điều mà họ chưa từng có bao giờ như ganh tỵ, tham lam, giận dữ, hận thù và dĩ nhiên bạo động.
Vì cái chai Coca Cola này là nguyên nhân gây ra bất ổn và bất hạnh cho người dân bộ lạc cho nên Xi cho nó là một thứ “đồ hung của dữ” và quyết định mang nó đến tận cùng trái đất cho khuất mắt. Và đó là khởi đầu của các cuộc mạo hiểm của anh tại nhiều nơi trên thế giới.
Lần đầu tiên được ra khỏi thế giới nhỏ bé của mình, dĩ nhiên Xi thấy cái gì cũng lạ: anh tưởng những người da trắng cao lớn là thần thánh. Sang cuốn phim thứ hai thì mắt anh cũng mở ra và anh kể lại cho con cái rằng những người da trắng to lớn, “nặng nề” biết một số ma thuật có thể làm cho mọi sự di chuyển. Tuy nhiên, họ không “thông minh” lắm vì họ không thể sống nếu không có ma thuật.
Không biết người làm phim có ý nhắn gởi sứ điệp nào cho chính người dân Phi Châu hiện nay không, nhưng theo dõi World Cup, tôi thấy ma thuật vẫn còn rất thịnh hành tại lục địa này.
Đạo nào cũng có thần thánh. Đạo “World Cup”, cách riêng, tại Phi Châu có nhiều thần thánh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Có thần thánh cho nên dĩ nhiên phải có phù thủy để có thể tiếp xúc và “lèo lái” được thần thánh. Chính vì thế mà hơn bất cứ lúc nào, mùa World Cup là thời gian các phù thủy ăn nên làm ra nhứt. Ngay từ lúc mùa thi đấu chưa diễn ra thì các “vị tiên tri” này đã biết đội bóng nào sẽ vô địch rồi!  Không những tiên đoán kết quả, các thày phù thủy còn tung ra hết các thành công lực để trù yếm. Người ta bảo rằng đội tuyển Anh không thể “đè bẹp” được đội Algerie, vì một số thày phủ thủy Phi Châu đã ủng hộ đội tuyển này. Người Phi Châu còn nói rằng các thày phủ thủy Phi Châu đã dùng pháp thuật biến những con chim bồ câu nhỏ thành vật chắn chân các tuyển thủ Anh và giữ cho khung thành của Algerie không bị thủng lưới. Một bà phù thủy tên là Olga Mokewena còn khẳng định rằng bà đã nhìn thấy một con bồ câu xuất hiện vào buổi tối, thời điểm mà lẽ ra nó phải ngủ như những con bồ câu khác. Chính con chim không chịu đi ngủ này đã bảo vệ khung thành Algerie.
Người ta cũng giải thích rằng chính nhờ lá bùa của các thày phù thủy mà đội Nam Phi đã thắng đội Pháp ở vòng 1. Có lẽ ma thuật đã “tác động” thực sự trên các cầu thủ Pháp, cho nên một cầu thủ của đội tuyển Pháp đã bị trọng tài rút thể đỏ đuổi ra sân một cách rất vô lý và cuối cùng, những con gà trống “Gaulois” đành rút đầu xếp cánh về nước.
Nhưng không biết có phải vì các thày phù thủy Phi Châu “bắt ấn” không đủ “chặt” chăng mà cuối cùng chỉ còn lại một đội Phi Châu là Ghana lọt được vào vòng tứ kết. Tuy nhiên, sau trận thư hùng với Uruguay sáng thứ Bảy 3 tháng 7 vừa qua, mặc dù “trên cơ”, cuối cùng đội này cũng đành phải cuốn gói ra về.
Có lẽ “thần thánh” của người Phi Châu không mạnh bằng “Đức Chúa Trời” của dân Châu Mỹ Latinh chăng mà chẳng còn đội tuyển nào của Phi Châu được lọt vào vòng bán kết. Tuy không có thày phù thủy nào tháp tùng và bắt ấn ủng hộ, nhưng hầu hết các tuyển thủ Nam Mỹ đều biết tự mình “cầu nguyện”. Hình ảnh của nhiều tuyển thủ của lục địa này làm dấu thánh giá liên tục trên sân cỏ là chuyện quá quen thuộc.
Riêng lòng “mộ đạo” của huấn luyện viên Diego Maradona của đội tuyển Argentina là điều không thể chối cãi. Ông đã từng là thần tượng bóng đá của rất nhiều người. Ngay từ năm 1980, ông đã ký giao kèo 5 triệu Mỹ kim để sang Tây Ban Nha đá cho đội Barcelona. Nhưng tên tuổi và sự thành công của ông được nói đến nhiều nhứt trong các cuộc tranh tài World Cup tại Mehico hồi năm 1986. Cả thế giới vẫn nhớ mãi bàn thắng đầu tiên của ông trong trận bán kết giữa Argentina và Anh: Maradona đã nhảy lên đội đầu, nhưng lại dùng tay để đánh quả banh khéo léo đến độ qua mắt được trọng tài. Sau này, Maradona giải thích rằng anh ghi được bàn thắng ấy một phần nhỏ “nhờ cái đầu của anh và phần còn lại là do bàn tay của Chúa”!
Không biết có phải nhờ “bàn tay của Chúa” ấy không mà dưới sự dẫn dắt của ông, đội Argentina được xem là một trong những ứng viên sáng giá nhứt tại World Cup này. Không có thày phù thủy bên cạnh, nhưng trên tay ông lúc nào cũng có một tràng chuỗi. Phải chăng đây là “bùa mộ mạng” đã mang lại thành công cho ông và đội tuyển Argentina trong suốt những ngày thi đấu vừa qua tại World Cup? Tuy nhiên, dường như cái “bùa hộ mạng” ấy cũng không đủ mạnh cho nên trong trận tứ kết sáng Chúa nhựt 4 tháng 7, Argentina đã bị Đức đè bẹp không chút xót thương với tỷ số 4-0.
Cũng tội cho đội tuyển Brasil. Có lẽ chẳng có ai “sùng đạo” cho bằng các tuyển thủ của nước này. Nhưng xem chừng lời “bầu cử” của ông thánh da đen Martino Porres, vị thánh rất được sùng kính tại Brasil, không công hiệu mấy cho nên đội này đành chấp nhận “cúi đầu” trước đội Hòa Lan trong trận tứ kết.
Tôi không biết trong mùa World Cup này, trên thiên triều có diễn ra trận thư hùng nào giữa các thần linh của lụa địa Phi Châu và các thánh, Đức Mẹ và Đức Chúa Trời của Châu Mỹ Latinh không. Rõ ràng là ai cũng tin tưởng chạy đến với thần thánh của mình. Nhưng cũng rất rõ ràng là dù tất cả các đội tuyển  có thành khẩn cách mấy, cuối cùng chỉ còn lại một đội vô địch mà thôi. Tưởng tượng Đức Chúa Trời và các thần thánh phải bị “lôi kéo” vào các cuộc thi đấu, tôi nghĩ các vị hẳn cũng phải “ điên cái đầu”.
Một Đức Chúa Trời mà bị lôi kéo vào cái vòng “hỉ nộ ái ố” của con người thì cũng phải “hành động” như cách suy nghĩ của con người thôi. Trong khi Đức Chúa Trời của người Do Thái đã chọn dân Do Thái làm “Dân Riêng” của Ngài cho nên cái đêm trước khi họ được ông Môisen lãnh đạo trốn ra khỏi Ai Cập, Ngài đã sai một vị thiên sứ đi “qua” nhà của người Ai cập và tàn sát tất cả những đứa con trai đầu lòng của họ. Vì đã ban “Đất Hứa” cho họ cho nên trên đường tiến về vùng đất ấy, Ngài cho họ được quyền tàn sát bất cứ dân tộc nào.
Mặt khác, người Hồi giáo lại tin “Ông Chúa” của họ chọn ông Mahomet làm vị tiên tri cuối cùng của Ngài và chỉ có Hồi giáo là đạo duy nhứt chân thật, cho nên tất cả những ai ở ngoài đạo này đều bị xem là “những kẻ bất trung” hoặc cưỡng bách phải “cải đạo” hoặc phải bị tiêu diệt. “Ông Chúa” này lại còn hứa thưởng cho đàn ông một thiên đàng trong đó mỗi người được cưới đến 72 trinh nữ, cho nên không thiếu những người sẵn sàng ôm bom tự sát để tiêu diệt quân thù hầu được vào thiên đàng ấy.
Trong dòng lịch sử của Kitô giáo cũng thế, Đức Chúa Trời cứ phải đứng về phía các tín hữu Kitô cho nên chỉ có Kitô giáo mới có Chân lý. Và để áp đặt cái chân lý ấy, người ta đã mở ra các cuộc thập tự viễn chinh để tiêu diệt quân “ngoại đạo” hoặc lập ra Tòa Điều Tra để thiêu sống những kẻ “lạc giáo”. Hoặc nếu không tàn ác như thế thì khi đi truyền đạo, người ta cũng tự nhận mình đã lãnh nhận sứ mệnh từ Đức Chúa Trời để xóa bỏ mọi truyền thống tốt đẹp của các dân ngoại đạo.
Tội nghiệp thay cho Đức Chúa Trời, cứ bị lôi kéo theo suy nghĩ và niềm tin của con người, cho nên mới buộc phải tham gia vào những điều “ác đức” như thế!
Có khi người ta không ngại cầu xin những điều đi ngược lại với đạo đức mà chính tôn giáo họ đang theo dạy dỗ. Tôi có nghe kể: trước năm 1954, ở một làng Công giáo nào đó ngoài Bắc, một số dân thuyền chài cũng là những tên cướp chính hiệu. Họ không chỉ đi đánh cá, mà còn sống bằng nghề “cướp bể” và xem đó như một nghề chính đáng. Trước khi ra khơi, họ thường đến khấn: “Lạy Đức Bà, xin cho con đánh được chuyến này, thì con xin “râng” (dâng) Đức Bà thùng “rầu” (dầu để đốt đèn trong nhà thờ). Cũng tội nghiệp cho Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nếu chẳng may tên cướp thành công thì Đức Mẹ lại mang tiếng đã nhậm lời cầu xin! Nhiều phần trăm câu chuyện này không mang tính trung thực nhưng nó nói lên cái tính “đòi hỏi” những chuyện hết sức “oái oăm” của con người.
Trong các thánh lễ của người công giáo, thỉnh thoảng tôi có nghe linh mục đọc các ý lễ “xin được như ý”, tức theo ước nguyện riêng của người xin. Tôi vẫn cứ thắc mắc hoài về điều xin được “như ý” ấy. Không biết Đức Chúa Trời có đáp ứng mọi lời cầu xin “như ý” không. Có khi “như ý” tôi mà lại “trái ý” người khác. Ngày mai, tôi muốn đi biển chơi hay tham gia một cuộc hành hương, dĩ nhiên “như ý” của tôi là phải có nắng ráo. Thế nhưng gần bên chỗ tôi đi chơi hay hành hương thì lại có mấy ông nông gia cũng ngày đêm xin được “như ý” là trời mưa xuống để cứu vãn mấy thuở đất khô cằn và mấy con trừu ốm đói từ bao năm qua. Chắc Đức Chúa Trời phải “điên đầu” vì vô số những “như ý” như thế!
Thần thánh không chỉ điên đầu với những người tín đồ của các tôn giáo mà ngay cả với những người tự xưng là vô thần. Chẳng hạn như ở Việt nam hiện nay, những người Cộng sản luôn tự xưng là vô thần lại là những người “đút lót” cho thần thánh nhiều nhứt. Báo Người Việt Online, 8/10/2004, viết: “Gần đây, ở miền Bắc Việt Nam, cả ở thành thị lẫn vùng nông thôn xuất hiện rất nhiều những ngôi nhà có kiến trúc kiểu đền phủ, điện thờ. Ở những nơi này người ta cầu cúng, hương khói nghi ngút, nến cháy đỏ ngày, đôi khi có cả hát chầu văn, hầu đồng bóng...” Theo bài báo, nếu số “đền phủ tại gia” lên đến con số nghìn vào năm 2004 thì chúng ta cũng có thể ước lượng “đội ngũ” những cô đồng cậu bóng, thày cúng hay nhà “ngoại cảm” nhiều cỡ nào. Bài báo kết luận: “Không biết các “cô” đã “xin” được lộc cho những ai nhưng chỉ thấy các “cô” càng ngày càng phất lên. Như cô Sảnh, từ một gia đình làm nông nghiệp nghèo kiết xác bỗng chốc xây được nhà ba tầng khang trang đầy đủ tiện nghi, sắm được cả một chiếc ôtô du lịch, sống ở vùng thôn quê đã có điện thoại bàn nhưng “cô” còn xài cả điện thoại di động xịn...”
Là một tín hữu Kitô cho nên tôi chỉ biết có mỗi một Đức Chúa Trời mà Chúa Giêsu đã nói cho tôi biết. Ngài nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng cho mặt trời mọc lên trên người lương thiện cũng như kẻ gian ác chẳng chừa ai. Ngài nói rằng tất cả mọi người là con cái của Đức Chúa Trời chứ không chỉ có một dân tộc được tuyển chọn nào cả. Ngài cũng nói rằng Đức Chúa Trời quan phòng lo lắng cho mọi nhu cầu của từng người đến độ ngay cả có bao nhiêu sợi tóc trên đầu cũng được đếm cả. Suốt một đời, Chúa Giêsu sống theo Ý của Đức Chúa Trời, chứ không theo “như ý” mình. Và nhứt là, khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Ngài bảo phải xin: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Thời nội chiến Nam Bắc Mỹ, khi thấy ông cầu nguyện, người ta hỏi tổng thống đầu tiên của Hoa kỳ George Washington cầu nguyện cho ai, ông trả lời rằng ông cầu nguyện để được “đứng về phía Thiên Chúa”.
Tôi cũng chỉ mong sao được luôn luôn “đứng về phía Thiên Chúa” vì biết rằng đời sống là một cuộc chiến trong đó, dù thắng hay thua, dù được hay mất, dù hạnh phúc hay khốn khổ, dù thành công hay thất bại và ngay cả khi tôi có “lầm đường lạc lối”…lúc nào cũng có một Đức Chúa Trời đã, đang và sẽ không ngừng ban mọi điều thiện hảo cho tôi, dìu dắt và hướng dẫn tôi, dĩ nhiên, một cách vô cùng mầu nhiệm theo Ý Ngài.

 Chu Thập, World Cup 2010

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Một nửa sự thật...


Khi xem chương trình “Last Week Tonight” do John Oliver điều khiển trên Đài HBO của Mỹ dạo đầu tháng 6, 2014 vừa qua, khán giả Mỹ đã được một phen cười bể bụng khi nghe thủ tướng Úc, Tony Abbott nói về chính sách di trú của chính phủ Liên Đảng. Theo thủ tướng Abbott, “Chúa Giêsu đã biết mọi sự đều có chỗ của nó. Cho nên không nhất thiết mọi người đều phải tìm đến Úc Đại Lợi”. Người dẫn chương trình đã làm cho khán giả cười bật ngửa khi ông tiết lộ: Tony Abbott là người sinh tại Anh Quốc!
Tôi không hùa theo dân Mỹ để cười cợt khi thủ tướng của tôi bị mang ra “quay” (roasted) trên màn ảnh truyền hình xứ người như thế. Dù sao thì ông cũng đã được đa số dân Úc của tôi “ủy nhiệm”qua cuộc bầu cử liên bang dạo tháng 9 năm 2013 vừa qua. Tôi không cười mà chỉ thấy xót xa khi người hướng dẫn chương trình cho chiếu thoáng qua cảnh thủ tướng Abbott đứng giữa hai người thổ dân Úc, những người được xem là “người Úc đầu tiên” trên hòn đảo lớn nhứt và già nua nhứt trên trái đất này.
Tôi không biết thủ tướng Abbott nghĩ gì trong đầu khi đứng giữa hai người thổ dân. Nhưng mới đây, khi xem cuốn phim tài liệu có tựa đề “Utopia” (Ảo Tưởng) do một nhà làm phim người Anh là ông John Pilger thực hiện và được chiếu trên Đài SBS, tôi được soi sáng thêm một chút về “sự thật” của người thổ dân mà lâu nay tôi chỉ biết được “một nửa”. Dĩ nhiên, lời “xin lỗi” công khai của thủ tướng Kevin Rudd dạo tháng 2 năm 2008 về những bất công của người Úc da trắng đối với “thế hệ thổ dân bị đánh cắp” sẽ mãi mãi được ghi nhận như một sự kiện lịch sử lớn trong lịch sử Úc Đại Lợi. Nhưng với tôi, dường như hành động lịch sử của thủ tướng Rudd chỉ mới nói lên một “nửa sự thật” trong chuỗi dài lê thê của những đau thương mà những “người Úc Đại Lợi đầu tiên” đã phải gánh chịu kể từ khi người da trắng đặt chân đến xứ sở của họ. Cuốn phim “Utopia” của đạo diễn Pilger đã mở mắt cho tôi nhìn thấy thêm vô số những mảng tối trong cách đối xử của người da trắng đối với người thổ dân.
“Utopia”, có lẽ được đọc trại ra từ địa danh thổ dân “Uturupa”, là một vùng đất rộng chừng 3.500 cây số vuông, phía Bắc Alice Springs, nằm dọc theo dòng sông Sandover trong lãnh thổ Bắc Úc và luôn được người thổ dân xem như mảnh đất riêng của họ, chưa bị người da trắng chiếm giữ. Ở đó, tương phản với hình ảnh của cuộc sống xa hoa tại Palm Beach, Sydney hoặc Barton, khu phố giàu sang ở thủ đô Canberra được đặt tên theo vị thủ tướng Úc đầu tiên Edmund Barton (1849-1920), người đưa ra chủ trương “Nước Úc của người da trắng”, người xem phim hẳn phải có cảm tưởng như mình đang trở lại thời tiền sử ở một nơi nào đó trên thế giới.
Năm 1985, đạo diễn Pilger đã từng đến đây để thực hiện cuốn phim tài liệu có tựa đề “The Secret Country” (xứ sở bí mật). Ông cho biết: 20 năm sau khi trở lại đây để quay cuốn phim “Utopia”, ông vẫn không thấy có sự thay đổi nào: cũng vẫn những túp lều tồi tàn, cũng vẫn tình trạng thiếu những dịch vụ cơ bản nhứt và dĩ nhiên cũng vẫn những căn bệnh thâm căn cố đế đang giết dần giết mòn người thổ dân!
Trong một cuộc phỏng vấn với ông Warren Snowden, Tổng trưởng Đặc trách về Y tế cho người Thổ dân và dân biểu Lao Động tại Bắc Úc trong 23 năm, đạo diễn Pilger đã không ngừng nêu lên câu hỏi: “Tại sao các ông đã không cải thiện tình trạng này?” Mặc dù nhìn nhận rằng chính phủ Úc đã hoàn toàn thất bại trong chính sách đối với người thổ dân trong 50 năm qua, ông Snowden lại nổi dóa để phản công: “Thật là một câu hỏi ngu xuẩn!”
Phải chăng “cái khôn” của chính phủ Úc không là bỏ thí cho “người Úc đầu tiên” phải chết dần chết mòn trong khốn khổ và bệnh tật và nhứt là không cho người dân Úc hiện nay biết hết về lịch sử của Úc Đại Lợi.
Có lẽ một trong những đoạn chính của cuốn phim “Utopia” là đưa khán giả đi thăm một vòng đảo Rottness Island, nằm cách bờ biển tiểu bang Tây Úc khoảng 18 cây số. Đảo này hiện đang được xem là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Úc Đại Lợi. Nhưng một người thổ dân hướng dẫn ông Pilger đi thăm đảo này cho biết nơi đây đã từng là một nhà tù dành để nhốt người thổ dân kể từ năm 1838. Nơi đây cũng đã từng có một nghĩa địa chôn cất những tù nhân. Nhưng người da trắng đã xóa hết mọi vết tích của nhà tù và nghĩa địa. Thay cho nhà tù và nghĩa địa là một khách sạn sang trọng và những thảm cỏ xanh tươi. Người thổ dân tên là Nannup nói với ông Pilger rằng du khách đến thăm Rottness Island không hề hay biết và cũng chẳng được ai giải thích cho biết về trang sử đau thương này của người thổ dân.
Tôi đã có dịp đi thăm Tân Tây Lan. Tôi không chỉ thích phong cảnh và khí hậu của nước này. Tôi rất cảm kích về cuộc sống hài hòa và đề huề giữa người da trắng và người Maori. Tại đây ngôn ngữ và văn hóa Maori được sử dụng như một ngôn ngữ chính bên cạnh Anh ngữ. Tôi tin rằng người da trắng đến lập nghiệp tại đất nước Kiwi này đã không phải mang mặc cảm vì đã từng đối xử tệ bạc với người bản địa và nhứt là am hiểu được sự thật lịch sử về sự phát triển của quốc gia cũng như mối quan hệ giữa người di dân và người bản địa.
Tôi nhận thấy có một phái đoàn trẻ em thổ dân gồm có 8 em thiếu niên từ một cộng đồng xa xôi ở Bắc Úc đã được Sáng hội “John Moriarty Foundation” đưa sang Brasil để tham dự Giải Túc Cầu Thế Giới được khai mạc thứ Năm 12 tháng 6 vừa qua. Nhìn các em, tôi không thể không  nghĩ đến “các thế hệ đã từng bị đánh cắp” trong thế kỷ trước. Nhưng liệu các thế hệ thiếu niên thổ dân ngày nay đã hết bị “đánh cắp” chưa. Đạo diễn Pilger cho biết: giữa năm 1997, có 2785 trẻ em thổ dân bị tách ra khỏi gia đình để được đưa vào chăm sóc trong những trung tâm đặc biệt; giữa năm 2012, con số này tăng lên 13.299 em, nghĩa là tăng gấp 5 lần. Nhà làm phim ghi nhận rằng chính quyền Bắc Úc đã bỏ ra 80 triệu đồng mỗi năm để tách trẻ em thổ dân ra khỏi gia đình của chúng, nhưng chỉ bỏ ra có nửa triệu đồng để giúp đỡ các gia đình nghèo. Lạm dụng tình dục trẻ em là  lý do chính  để chính phủ quyết định tách trẻ em ra khỏi gia đình của chúng, nhưng theo lời đạo diễn Pilger, có ai biết cho rằng tỷ lệ lạm dụng tình dục trẻ em tại Bắc Úc lại là tỷ lệ thấp nhứt so với toàn nước Úc. Ông hy vọng rằng cuốn phim “Utopia” sẽ giúp cho người dân Úc biết sự thật !
Sự thật có khi làm mích lòng, nhưng lại có sức giải phóng con người. Trừ những người vô lương tâm và vô cảm, tôi không tin rằng những người dân của “đất nước may mắn này” này có thể ung dung ngồi đó mà hưởng thụ mặc cho “người Úc đầu tiên” có đang quằn quại trong nghèo đói, khốn khổ, nghiện ngập và bệnh tật để rồi như ông Lang Hancock, cha của tỷ phú hầm mỏ Gina Rinehart, tuyên bố rằng người thổ dân có phải lâm vào hoàn cảnh hiện nay là do họ: họ lười biếng, họ chỉ biết uống rượu! Nếu người da trắng không đặt chân đến đây, họ có biết rượu là gì chứ đừng nói đến nghiện ngập.
Nỗi khốn khổ của người khác, nhứt là những người đang sống bên cạnh và trước mắt mình, làm sao có thể bị che khuất và để cho lương tâm chúng ta được yên nghỉ.
Trong những ngày vừa qua, tôi thường nghĩ đến giai cấp lãnh đạo cộng sản tại Trung Quốc. Liệu họ có thể ngồi yên trên quyền lực và sự giàu có để hưởng thụ không, khi tiếng máu của hàng ngàn người biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn hồi đầu tháng 6 năm 1989, bị quân đội càn quét và sát hại một cách dã man, không ngừng vang dội đi khắp cùng thế giới.
Tôi cũng thấy thương hại cho giới trẻ Trung Quốc ngày nay, những người không được chứng kiến và nhứt là không hề được nghe nói hoặc được phép nói về tội ác tày đình này của chế độ cộng sản. Nhằm thời gian tưởng niệm 25 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn, tôi có ghé uống cà phê tại một tiệm quen thuộc ở ngoại ô Sydney. Người pha cà phê là một cô gái người Trung Quốc vừa đẹp vừa dễ thương. Lâu nay, tôi chỉ chào hỏi xã giao. Chỉ gần đây thôi, tôi mới hỏi cô đến từ Trung Quốc hay Hong Kong. Bình thường lúc nào cô cũng nhã nhặn và dịu dàng. Nhưng trước câu hỏi của tôi, cô liền nghiêm sắc mặt và khẳng định: Trung Quốc hay Hong Kong cũng là một !  “Một” với cô, nhưng chắc chắn không phải là “một” với 180 ngàn người Hong Kong đã tham gia cuộc thắp nến tưởng niệm biến cố Thiên An Môn vào tối thứ Tư 4 tháng 6 vừa qua. Tôi nghĩ đến tuổi của cô gái pha cà phê người Trung Quốc: có lẽ cô không quá 30 tuổi, nghĩa là sinh trước hoặc sau biến cố Thiên An Môn vài năm. Ở tuổi này, chắc chắn cô chỉ có thể thuộc thành phần hoặc không biết gì hoặc không được phép biết gì về Thiên An Môn hoặc giả có biết thì cũng chỉ biết qua lăng kính đã được tô đậm đủ thứ mầu sắc tuyên truyền của chế độ cộng sản để chối bỏ sự thật lịch sử là chế độ đã từng sử dụng quân đội để tàn sát dã man những người biểu tình ôn hòa.
25 năm sau biến cố Thiên An Môn, Trung Quốc đã từ một nước lạc hậu trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới. Hẳn không thiếu những người cộng sản Trung Quốc hiện nay biện minh rằng chính nhờ đàn áp đám người biểu tình ôn hòa ở Quảng trường Thiên An Môn mà xã hội Trung Hoa mới được ổn định, kinh tế quốc gia mới phồn thịnh. Đó chỉ là một nửa sự thật. Một nửa còn lại chính là sự tàn ác dã man vô nhân đạo của guồng máy độc tài mà cả thế giới văn minh ngày nay đều lên án. Liệu những người cộng sản đang cầm quyền tại quốc gia đông dân nhứt thế giới này có dám công khai nhìn nhận biến cố ấy và ghi vào lịch sử của đất nước cũng như cho phép người dân trong nước, nhứt là các thân nhân của các nạn nhân, được nhắc đến không?
Một nửa sự thật không những không phải là sự thật mà chỉ có thể là lọc lừa dối trá mà thôi. Cộng sản Trung Quốc không chỉ dối trá với người dân trong nước, họ cũng xem cả thế giới này như không có tai, có mắt, có trí khôn để suy nghĩ cho nên mới ngang nhiên đem quân xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam với giọng điệu vừa ăn cướp, vừa đánh trống vừa la làng.
Thế giới cộng sản là như thế. Không thể là cộng sản mà không dối trá. Lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam cũng chỉ là một “toát yếu”, một phó bản của Đảng cộng sản Trung Quốc. Cũng dối trá và cũng xóa bỏ ký ức tập thể của dân tộc. Trong các chế độ ấy, con người có thể được nhét bụng đầy đủ thịt thà, bơ sữa. Nhưng cái bánh vẽ mà họ phải nuốt lấy chỉ có thể biến họ thành những con người máy chỉ biết phản ứng, suy nghĩ “có điều kiện” mà thôi. Đó là sự mất mát lớn nhứt trong nhân cách con người mà một nửa sự thật được chủ nghĩa cộng sản rêu rao đã tạo ra. Xét cho cùng, trong các thứ tội ác, chối bỏ hay chỉ nói một nửa sự thật cũng là một tội ác tày đình. Và dĩ nhiên, người sống theo nguyên tắc ấy cũng tự chặt đi một phần trong nhân cách tốt đẹp của mình.

Chu Thập 10.6.2014






Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

“Thắng Người nhờ Sức Mạnh, Thắng Mình do Dũng Khí”



                                                                                 

Cái cảnh thắng thua, khóc cười trong World Cup thường gợi lại cho tôi một vài câu ngạn ngữ Latinh mà tôi đã học được ở bậc trung học.
Năm 387 trước công nguyên, dưới sự lãnh đạo của tướng Brennus, một đạo binh Gaulois, tức tổ tiên của người Pháp hiện nay, đã tấn công thành La mã. Họ bao vây “Collis Capitolinus” là một trong 7 ngọn đồi chính của thành La Mã. Vì không muốn mất ngọn đồi huyết mạch của thành phố, cho nên người La mã đã xin được thương lượng và chịu đóng một số tiền chuộc để quân Gaulois trả lại ngọn đồi này. Tướng Brennus đòi một nghìn lạng vàng và người La mã đồng ý nộp đúng số vàng ấy.
Ghi lại biến cố này, Livius, một sử gia La mã vào thế kỷ thứ nhứt sau công nguyên, thuật lại rằng người Gaulois đã dùng một thứ đơn vị đo lường riêng của họ để cân số vàng mà người La mã phải giao nộp. Nhưng nhận thấy cái cân của người Gaulois không chính xác, người La mã mới lên tiếng than phiền với tướng Brennus. Ông tướng này liền rút gươm ném lên chiếc cân và tuyên bố “Vae victis!” (Khốn thay cho kẻ thua trận!) Rồi ông nói với họ rằng “đã thua rồi” thì chẳng còn bất cứ một thứ quyền nào nữa, kể cả quyền được khiếu nại. Không những thế, ông còn ra lệnh cho người La mã phải nộp nhiều hơn số vàng đã được ấn định.
Không chừng dựa vào giai thoại trên đây mà thi sĩ La Fontaine của Pháp đã sáng tác bài thơ ngụ ngôn “Con Chó Sói và Con Chiên” để rồi kết luận: “La raison du plus fort est toujours la meilleure!” (Lý của kẻ mạnh luôn thắng thế!)
Thật ra có phải lý của kẻ mạnh lúc nào cũng thắng thế không?
Vào thế kỷ thứ nhứt trước công nguyên, trước khi thành lập đế quốc La mã và tự xưng hoàng đế, Julius Caesar đã phải loại bỏ những đối thủ sừng sỏ nhứt. Ngoài tướng Antonius Marcus mà chúng ta biết nhiều qua cuốn phim nổi tiếng “Cleopatra” do Elizabeth Taylor và Richard Burton thủ diễn, Caesar còn phải chống cự với một tướng tài ba khác tên là Gnaeus Pompeius. Năm 48 trước công nguyên, Pompeius đã bị Caesar đánh bại trong trận Pharsalus. Ông đã trốn chạy sang Ai cập và bị mưu sát tại đó.
Vào thế kỷ thứ nhứt sau công nguyên, dưới thời hoàng đế Nero, thi sĩ Lucanus đã ghi lại trận đánh này trong thiên anh hùng ca có tựa đề là “Pharsalia”. Được trích dẫn nhiều nhứt từ thiên anh hùng ca này là câu “Victrix causa deis placuit, sed victa Catoni.” (xin tạm dịch:  “chiến thắng thì làm vui lòng các thần minh, nhưng bại trận thì lại làm vui lòng Cato). Cato là một chính trị gia và tướng lãnh rất thanh liêm được nhiều người mộ mến. Ông đứng về phía Pompeius cho nên không chấp nhận chiến thắng của Caesar và sẵn sàng mất tất cả hơn là đánh đổi sự thanh liêm chính trực của mình.
Để cho dễ hiểu, có lẽ nên mượn câu nói của danh tướng thời nhà Trần vào thế kỷ thứ 13 là Trần Bình Trọng để diễn nghĩa câu nói trên đây: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.”
Đây là một trong những câu nói nổi tiếng nhứt trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt nam. Danh ngôn này không những nói lên tinh thần ái quốc, mà còn là một bài học về những đức tính cao quý nhứt trong nhân cách con người là lòng tự trọng và danh dự.
Thua trong danh dự là một chiến thắng vẻ vang nhứt. Tôi luôn có ý tưởng ấy mỗi khi nghĩ về sự “bại trận” của một số đội tuyển tại World Cup 2010 này. Tôi đặc biệt nghĩ đến hai đội tuyển của Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Thua một trận, huề một trận, thắng một trận, thì dù không được vào vòng hai, với một đội tuyển chỉ mới chập chững  bước vào World Cup như Úc đại lợi, đây quả là một “chiến tích” đáng kể. Có cuốn gói ra về tay không, đội tuyển Úc đại lợi vẫn xứng đáng để mỉm cười mãn nguyện.
Riêng với đội tuyển tưởng không đáng được nhắc đến tại World Cup như Tân Tây Lan, thì đấu cả ba trận đều huề cả ba quả là một “kỳ tích”. Người ta hiểu được nụ cười rạng rỡ của các tuyển thủ và người dân nước này ngay cả khi không được vào vòng hai của World Cup.
Chiến đấu cho đến cùng, thua trong danh dự: đó hẳn phải là bài học mà hai đội tuyển Úc đại lợi và Tân Tây Lan có thể nhắn gởi cho chúng ta trong mùa World Cup này.
Từ cầu trường, tôi lại chạnh nghĩ đến chính trường. Những tiếng “thượng võ, danh dự, tự trọng” cũng vang lên trong tôi khi tôi nhìn gương mặt “khóc cười” của thủ tướng Kevin Rudd lúc đọc bài diễn văn từ chức sau cuộc “đảo chính” trong nội bộ Đảng Lao Động tối thứ Tư 23/6/10  vừa qua.
Tôi vốn có một cảm tình đặc biệt đối với ông thủ tướng này. Tôi chưa đánh giá được hết những gì ông đã làm cho đất nước. Nhưng sự kiện ông đã nhân danh quốc gia để lên tiếng xin lỗi người Thổ Dân Úc khi vừa mới nhậm chức thủ tướng khiến tôi luôn nghĩ rằng đây là một con người có một nhân cách lớn. So sánh với tính tham quyền cố vị của ông John Howard hay tính hung hăng con bọ xít của ông Tony Abbott, tôi tự nhiên thấy quý mến ông Rudd hơn. Là con người, ai cũng có lúc sai phạm, nhưng có lẽ ông Rudd là chính trị gia Úc mà tôi được nghe lời xin lỗi và chịu đứng ra nhận trách nhiệm về những sai sót của chính phủ nhiều nhất.Tôi lại càng khâm phục ông hơn khi biết ông tự ý rút lui hơn là tham gia vào cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Lao Động. Tôi cũng muốn chia sẻ những cảm xúc của ông trong bài diễn văn từ chức. Có lúc ông uất nghẹn muốn khóc. Có lúc ông lại bông đùa cười cợt. Ông cũng chẳng hề lộ chút cay đắng nào với những người đã phản lại mình.
Với tôi, thủ tướng Rudd không phải là một kẻ chiến bại, mà là một người chiến thắng và chiến thắng trong danh dự.
Những năm đầu của bậc trung học, tôi rất say mê những câu chuyện trích từ tác phẩm “Lettres de mon Moulin” (những lá thư từ chiếc máy xay lúa của tôi) của nhà văn Pháp Alphonse Daudet vào thế kỷ thứ 19. Một trong những chuyện vẫn còn sống mãi trong ký ức của tôi là chuyện “con dê của ông Seguin”. Chuyện kể rằng ông Seguin có nuôi 6 con dê, tất cả đều bị chó sói ăn thịt vì chúng đều trốn lên núi. Nhưng ông Seguin vẫn không thất vọng. Ông mua một con dê nhỏ và đặt tên cho nó là Blanquette. Mặc dù rất được ông chủ thương yêu, chiều chuộng nhưng Blanquette vẫn cảm thấy tù túng mất tự do trong khu vườn nhà ông Seguin. Vốn là chuyện thần tiên viết cho trẻ con, cho nên trong câu chuyện, tác giả Alphonse Daudet cho con dê nói chuyện với chủ của mình. Nó nói với ông Seguin rằng nó muốn đi lên núi. Ông cảm thấy đau lòng lắm. Nhưng để nó không trốn lên núi, ông liền nhốt nó vào một cái chuồng. Chỉ có điều, ông quên đóng cánh cửa sổ cho nên con vật đã trèo qua đó để cuối cùng đi tìm tự do. Khi nó lên đến đỉnh núi thì màn đêm cũng vừa buông xuống. Nó vừa nghe được tiếng tù và của ông Seguin lẫn tiếng hú rợn người của con chó sói…Dù vậy, nó vẫn quyết định ở lại trên núi và chiến đấu chống lại con thú hung dữ. Cuối cùng, sau một đêm chiến đấu oanh liệt, khi bình minh vừa ló dạng, con dê của ông Seguin đã bị con chó sói cắn xé.
Có thể nhà văn Alphonse Daudet muốn gói trong câu chuyện một bài học sâu xa hơn. Nhưng lúc nhỏ, tôi vẫn nhận ra nơi con dê nhỏ của ông Seguin hình ảnh của một con người tự trọng, yêu thích tự do, không luồn cúi, sống và chiến đấu cho đến cùng với sự chọn lựa của mình. Với tôi, nó tượng trưng cho sức mạnh đích thực của con người. Đó là sức mạnh mà Lão Tử đã muốn nói đến qua câu: “Thắng nhơn giả hữu lực, tự thắng giả cường.” (Thắng người nhờ sức mạnh, thắng mình do dũng khí.)
Chiến thắng hay chiến bại là tùy ở cái nhìn của chúng ta về sức mạnh đích thực trong con người. Thoạt nhìn qua, làm sao thấy được sức mạnh trong chủ trương bất bạo động của một Mahatma Gandhi trong cuộc tranh đấu dành độc lập cho người Ấn độ hồi giữa thế kỷ trước? Với quyền sinh sát trong tay, chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi làm sao thấy được sức mạnh của 27 năm tù đày vô phương tự vệ của một Nelson Mandela?
Theo một chuyện thần thoại của xứ Phù Tang, ngày nọ một số vị thần trên thiên trào muốn tranh quyền bá chủ thế gian. Vị thần của Sấm Chớp tung ra những tiếng nổ long trời lở đất khiến cho cả vũ trụ rung chuyển. Ai cũng lo sợ.
Nhưng vị thần của Bão Tố vẫn không tỏ ra chút lo sợ nào. Ông làm cho mặt nước biển dâng lên và bao trùm vạn vật. Các vị thần khác thất sắc liền cầu khẩn xin tha. Thần Bão Tố liền vẫy tay một cái: sóng lặng, gió êm, nước từ từ rút đi.
Đến phiên mình, thần Âm Nhạc lên tiếng: “Sức mạnh không phải ở nơi sự phô trương của sức bạo tàn, vì nó chỉ có phá hoại mà không tạo lập. Sức mạnh nằm ở cái thuật khuất phục ấy bằng ý muốn của họ. Người ta cảm vì sự dịu dàng mà chịu khuất phục chớ không phải vì sợ mà chịu khuất phục.” Dứt lời, thần Âm Nhạc lấy ống tiêu, thổi lên một hơi nhẹ nhàng êm ái. Tất cả đều như bị sức mạnh của âm nhạc lôi cuốn vào giấc ngủ thôi miên.
Nhưng cuộc tỉ thí vẫn chưa kết thúc.Trước những biểu dương sức mạnh trên đây, có một vị thần vẫn ngồi yên bất động, không để lộ một chút xúc động nào. Khi trọng tài hỏi: liệu ngài có mù điếc không, vị thần này trả lời rằng mình vẫn thấy và vẫn nghe mọi sự, quả tim của ông cũng đập, tâm hồn ông cũng xao xuyến.
Vặn hỏi mãi, ông nói: “Tôi là “Điềm Đạm”. Tôi là kẻ biết huấn luyện cảm xúc của tôi.Tôi là kẻ đã làm chủ cảm xúc của tôi. Còn các ngài, các ngài chỉ là những kẻ làm nô lệ cho cảm xúc của mình, vì các ngài đã không thể chế ngự được nó…”
Nghe thế, trọng tài liền tuyên bố rằng quyền bá chủ thế gian thuộc về Thần Điềm Đạm, bởi vì vị thần này đã có thể làm chủ được chính mình” (theo Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Cái Dũng của Thánh Nhân, trg 17-21)
Chúng ta vẫn nghe nói: thắng một trăm trận không bằng làm chủ chính mình. Từ ngàn xưa, thi sĩ Tô Đông Pha đã nói: “Với người xưa, hào kiệt là kẻ có khí tiết hơn người. Nhưng nhơn tình có chỗ không nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là Dũng. Kẻ đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh sợ, bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy.” (sđd)
Trong những ngày xem World Cup, tôi thường ngẫm nghĩ về chữ Dũng ấy. Có thi đua thì đương nhiên có kẻ được người mất, kẻ thắng người thua. Thắng không kiêu, bại không nản: đó là cái Dũng đích thực mà tinh thần thượng võ phải có thể gợi lên nơi cầu thủ lẫn khán giả.
Trong các màn quảng cáo thường xuất hiện trên đài SBS trong mùa World Cup này, tôi thích nhứt là đoạn quảng cáo của “Optus”. Một thiếu niên theo dõi trên màn ảnh nhỏ của chiếc điện thoại di động một trận thư hùng giữa đội Socceroos và đủ mọi loài thú, từ voi, báo, sư tử đến đà điểu, cá sấu. Đội Socceroos đá lọt khung thành của đối phương do một chú cá sấu trấn giữ. Vậy mà kết thúc trận đấu, tất cả, người cũng như thú, đều “vui vẻ” ra khỏi sân. Màn quảng báo kết thúc với câu “với Optus đàng sau bóng đá, mọi sự đều có thể xảy ra”. Chuyện phi thường mà Optus muốn nói đến không hẳn là người ta có thể xem được mọi sự trên màn ảnh của điện thoại di động, mà là cái cảnh “người và thú” đều huề cả làng. “Thú” đã không cắn xé “người”; “thú” được thuần hóa và cũng có “tinh thần thể thao”.
Tinh thần thượng võ hay chiến thắng đích thực phải chăng không là thắng được chính mình, tức thuần hóa được cái “thú tính” vẫn luôn tiểm ẩn trong mình.
 Chu Thập, World Cup 2010









Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Đường Đi Không Đến


                                                                     

Đường là để đi và đi là để đến một nơi nào đó. Nhưng có khi người ta đi mà không nhứt thiết phải có một nơi để đến. “Ôi ta buồn ta đi lang thang” là thế đó! Lúc đó, người ta giữ nhiều kỷ niệm về con đường hơn là điểm đến.

Nhiều người Việt nam hẳn không thể nào quên được những điều khủng khiếp xảy ra trên đại lộ kinh hoàng ở Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Các cán binh cộng sản hẳn cũng phải sống mãi với những ác mộng của con đường mòn Hồ chí Minh như được mô tả trong tác phẩm “Đường Đi Không Đến” của nhà văn hồi chánh Xuân Vũ.



Thật ra ai cũng có những con đường để nhớ. Đa số trong chúng ta giữ lại những kỷ niệm đẹp về một số con đường trong cuộc đời.Trong tác phẩm “Đường Hay Pháo Đài”, cố giáo sư Nguyễn Ngọc Lan đã miên man tả lại những con đường ông đã đi qua tại Huế và Nha Trang. Con đường “Duy Tân cây dài bóng mát” mà nhạc sĩ Phạm Duy đã làm cho trở nên bất hủ trong ca khúc  “trả lại em yêu” làm sao không sống mãi trong tâm khảm mọi người Việt nam. Hay như cựu thượng nghị sĩ thời Việt nam Cộng hòa Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh, đêm đến cứ mơ về “đường xưa lối cũ” dẫn vào các khu phố ở Phát Diệm trước thời di cư vào Nam.

Tôi cũng có một con đường để nhớ. Đó là con đường đất vô danh chạy ngang trước nhà tôi. Được người dân quê tôi gọi là “con đường tư ích”, con đường đất rộng không quá hai thước này nối liền con đường tỉnh lộ với các làng mạc ở thôn quê của tôi.

Đây là con đường đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu của tôi. Chính trên con đường này mà lần đầu tiên, khi tôi lên 6, mẹ tôi dắt tôi đến ngôi trường làng để học vỡ lòng. Gọi là trường làng, nhưng thực ra chỉ có một lớp học mà sĩ số học sinh chỉ có khoảng 20 đứa bé đầu còn để chởm. Bàn học là một cái phản bằng tre: tất cả mọi học sinh đều ngồi xếp bằng trên cái phản ấy để tụng 24 chữ cái “a, á, ớ, bê, xê, dê, đê…”. Trong khi mấy đứa trẻ chúng tôi ê a học vần thì cô giáo, một người đàn bà không chồng sún răng, miệng lúc nào cũng “bập” điếu thuốc vấn, không đuổi gà ngoài vườn, thì cũng ngồi bệt dưới đất xắt chuối để nấu cháo heo. Thỉnh thoảng bà quay lại “lớp học”, cầm cái roi tre đập mạnh trên một cái bàn đặt cạnh chiếc phản; lũ trẻ im thin thít một lúc rồi bắt đầu rướn gân cổ đọc lại 24 chữ cái.

Tôi không hiểu tại sao trong làng tôi, tất cả mọi đứa trẻ đều phải qua cái lớp vỡ lòng dưới trướng của bà thày ấy để thoát cảnh mù chữ. Tôi cũng chỉ mất một năm ê a 24 chữ cái và xé mất khoảng đâu 5, 6 cuốn vần là “tốt nghiệp” và bước vào trường tiểu học.

Tôi nhớ mãi con đường “tư ích” ấy vì nhà tôi chỉ cách  trường “mẫu giáo”  không quá nửa cây số. Tôi chẳng cần phải đi một ngày đàng mà cũng học được nhiều sàng khôn trên đoạn đường ngắn ngủi ấy. Ngay trước nhà tôi có một cây me và một cây thị cổ thụ. Hai bên đoạn đường từ nhà tôi dẫn đến trường lại được phủ dày bằng các bụi tre, cho nên lại càng kích thích óc tưởng tượng còn non dại của tôi. Không riêng ban đêm, mà những buổi trưa đứng bóng cũng là thời gian mà người dân làng tôi cho là lúc ma quái thường xuất hiện để quấy phá hay bắt cóc trẻ con. Có những buổi trưa, tôi chạy theo dân làng có trang bị gậy gộc, cuốc xẻng để đi lùng sục trong các bụi tre và moi ra một đứa bé bị “ma giấu” và cho ăn cứt bò đầy miệng.

Đoạn đường ngắn ngủi ấy lại lởm chởm những phiến đá vôi mà dân làng tôi gọi là “mả hồi”.Trong làng tôi vẫn còn rất nhiều mộ của người Chàm để lại. Người lớn trong làng giải thích rằng những ngôi mộ nổi trong vườn là nơi chôn người chết. Còn những phiến đá vôi nằm chìm trên đường là nơi người Chàm chôn giấu của cải khi bỏ chạy trước cuộc Nam tiến của người Việt nam. Có những đêm, lũ trẻ chúng tôi cũng rình xem cho được cái cảnh người lớn trong làng lén lút đào bới những ngôi mộ của người Chàm để tìm vàng. Nhiều người lớn tuổi trong làng cho biết: có người đã bị “vàng bắt” bệnh lên bệnh xuống hay tán gia bại sản. Cũng có cụ giải thích rằng những ánh lửa chập chờn di chuyển trong vườn  ban đêm là dấu hiệu “vàng đi ăn”.

Những hình ảnh “huyền bí” về con đường làng ấy vẫn còn sống mãi trong ký ức của tôi. Nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả vẫn là những kỷ niệm về những bước đầu đời tập bương chải một mình.Thật vậy, đây là đoạn đường dẫn tôi đến dòng sông Con ở gần nhà: tại đây, cứ mỗi buổi chiều đi học về, dù chỉ mới 7, 8 tuổi, tôi vẫn có thể vác cần câu tre ra bờ sông và mang về một “lòi” cá bống đủ để kho tiêu cho cả gia đình trong bữa cơm tối. Tôi nghĩ đó là cái sàng khôn lớn nhứt mà tôi đã học được trên đoạn đường ngắn ấy: trẻ con vừa hưởng được một thú vui lành mạnh vừa góp phần vào kinh tế của gia đình!

Tôi thích đi du lịch, vì nghĩ rằng những gì mình học hỏi trên đường thường thực tiễn hơn những gì tiếp thu được trong sách vở. Tôi nhớ vào khoảng cuối thập niên 1970, lần đầu tiên bước lên hai cái “Bắc” Mỹ Thuận và Cần Thơ, nhìn nước của sông Tiền Giang và Hậu Giang chảy cuồn cuộn, tôi đứng ngây ngất như trời trồng. Sông Cửu Long tôi biết trong sách vở không vĩ đại như khoảng cách xa tắp của hai bờ sông tôi đang thấy trước mắt. Dòng nước trong nhìn thấy tận đáy của Con Sông Cái ở quê tôi chỉ còn là một hình vẽ so với dòng nước đục ngầu phù sa đang cuồng nộ chảy trước mặt tôi.

Sau này, có dịp nhìn ngắm phong cảnh xứ người, tôi lại càng thấy mình chỉ là một thứ ếch ngồi đáy giếng. Một thời, tôi cũng đã từng ngồi mơ mộng bên Thác Cam Ly ở Đà lạt và để cho tâm hồn chìm ngập trong những cảm xúc được gợi lên qua tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Tuyền. Nhưng bây giờ nhìn lại Thác ấy, tôi lại tự hỏi không hiểu sao mình đã có thể ngồi mơ mộng được bên Thác ấy. Điều được gọi là “danh lam thắng cảnh” , thác ấy thật ra chỉ là một dòng nước đục ngầu bắt nguồn từ cầu ông Đạo ở đầu bờ Hồ Xuân Hương, được tiếp tế bởi nước tưới rau dọc theo hai bên đường và kết thành một dòng nước chảy qua một vài phiến đá lớn. Tôi nghĩ: nếu ở một nước văn minh thì, vì lý do vệ sinh, không chừng người ta đã cho lấp lại dòng nước ấy chứ đừng nói tới chuyện biến thành “danh lam thắng cảnh”.

Quê hương Việt nam quả có nhiều cảnh đẹp. Chúng ta có Vịnh Hạ Long, có Động Phong Nha, có vô số bờ biển. Nhưng với tôi, những phong cảnh ấy có sức mời gọi vì cảm xúc hơn vì vẻ đẹp khách quan. Tình yêu quê hương và những kỷ niệm về quê hương thường là lý do  thôi thúc chúng ta về thăm lại chốn cũ.

Nhưng nếu để đi du lịch và khám phá những khung cảnh mới thì có lẽ “quê hương thứ hai” của chúng ta có thừa phong cảnh mà cả một đời người cũng chưa đủ để làm một vòng.

Nghĩ như thế cho nên năm nay vợ chồng tôi quyết định lái xe làm một vòng “thám hiểm” dọc theo con đường Princes Highway từ Sydney xuống Melbourne. Trước khi lên đường, chúng tôi thỏa thuận với nhau về một số nguyên tắc: sẽ không tranh cãi nhau về lộ trình, mục đích là khám phá và thưởng thức phong cảnh dọc đường chứ không phải là điểm đến. Sở dĩ chúng tôi phải đưa ra những nguyên tắc ấy vì kinh nghiệm cho thấy trong các chuyến du lịch chung, người ta thường cãi cọ nhau vì không đến được điểm hẹn chung với nhau một lúc hoặc chỉ vì một ít sai sót vớ vẩn trong việc tổ chức chuyến đi.

Do đó, con đường chỉ dài khoảng một ngàn cây số này đã được chúng tôi lái xuyên qua mất nguyên một tuần lễ: ban ngày vừa lái xe vừa dừng lại ngắm cảnh, chiều đến dừng lại ở một quán trọ tại một thành phố nào đó.

Thú vị nhứt là lần chúng tôi đi lạc. Đã từng một thời là huyết mạch  của Úc Đại Lợi, con đường Princes Highway chỉ chạy dọc theo những thành phố cổ nằm thưa thớt dọc theo bờ biển, có khi cách nhau đến cả hằng trăm cây số. Vào thời mà hãng bảo hiểm NRMA chưa nhận giải quyết những “sự cố” bất ngờ, thì những chiếc xe chết máy dọc đường vì hết xăng hay trục trặc máy móc quả là khốn đốn.


Trong chuyến đi vừa rồi, chúng tôi cũng đã trải qua một “nguồn cơn khốn khổ” như thế. Do ỷ lại và vụng tính, chúng tôi không chịu đổ xăng cho đầy bình, vì nghĩ rằng cứ cách vài chục cây số sẽ có một trạm xăng. Thế là “sự cố” đã xảy ra khi chúng tôi đi được nửa đường giữa Sydney và Melbourne: vừa qua khỏi thành phố Genoa một đoạn, chúng tôi nhận thấy kim chỉ bình xăng đã xuống gần tận đáy; cùng lắm chúng tôi chỉ có thể đi được 50 cây số nữa và tin chắc rằng ở phía trước sẽ có một thành phố nhỏ có trạm xăng. Nhưng đi được một quãng, theo bảng chỉ dẫn, chúng tôi mới vỡ lẽ rằng phải mất gần 200 cây số nữa mới có một thành phố khác. Trời đã về chiều. Mồ hôi lạnh bắt đầu chạy suốt trong người, tôi đành quay đầu lại và tìm một lối rẽ mà bản chỉ dẫn ghi còn 24 cây số với bảng hiệu vẽ giường ngủ và trạm xăng. Nhưng hy vọng chỉ chợt lóe lên một chút rồi trở nên u ám khi chúng tôi rơi vào một con đường nhỏ gập ghềnh, trên đó chúng tôi có cảm tưởng mình là người lữ hành cô độc: phía trước không thấy một bóng xe, mà phía sau cũng chẳng thấy có ai đi theo mình, hai bên chỉ rừng là rừng! Nhìn xuống kim chỉ bình xăng, chúng tôi lại càng thấy lo sợ hơn. Bao nhiêu hình ảnh rùng rợn mình đã từng xem trong những cuốn phim “thriller” thuộc loại đi lạc này lại hiện đến: có người bị kẻ gian chận lại hành hung hay hãm hiếp, có người đi lạc vào một lâu đài bỏ hoang giữa rừng và bắt đầu một cuộc phiêu lưu rùng rợn, kỳ quái!

Nhưng những cuốn phim như thế đã không xảy ra cho chúng tôi. Cuối cùng, sau một đoạn đường rừng tưởng như vô tận, ánh sáng cuối đường hầm cũng đã hiện ra khi chúng tôi thấy biển thấp thoáng trước mặt và phía dưới thung lũng là một thị trấn nhỏ thật dễ thương tên là Mallacoota, nằm ở cuối một con đường cùng. Trong niềm vui được “cứu thoát”, chúng tôi quyết định dừng lại ngủ đêm và tận hưởng một buổi chiều đi dạo thật lý thú dọc theo bờ hồ bao quanh thị trấn.
Có thể nói Mallacoota là một nơi dù có sự hiện diện của con người nhưng vẫn còn giữ được hầu hết nét trinh nguyên của những bờ biển tuyệt vời của nước Úc: thiên nhiên như chưa hề bị con người chạm đến. Phố xá bé tí teo với những cửa tiệm tư nhân “cây nhà lá vườn”. Không có đèn giao thông cũng chẳng thấy xe cảnh sát đi tuần. Thú vị nhất là cách cư dân nơi đây chọn lựa cho cuộc sống tâm linh: trên ngọn đồi nhìn ra bờ hồ, một nhà nguyện nhỏ được mọi hệ phái Kitô giáo sử dụng chung.
Phải nói chặng dừng chân không có trong chương trình này đã mang lại cho chúng tôi những giây phút thoải mái nhứt trong cuộc hành trình.

Lạc đường quả có cái thú của nó. Tôi nhớ lại chuyến lạc đường lịch sử của ông Cristoforo Colombo. Nếu đoàn thám hiểm của ông đã trực chỉ đến Ấn độ thì bộ mặt của Châu Mỹ ngày nay hẳn phải khác đi. Có khi những khám phá kỳ thú lại đến ngay trên đường đi chứ không phải ở điểm đến.



















Lúc còn ở Trung học, tôi đã say mê tập truyện hoạt hình “Tintin và con chó Milou” của danh họa Hergé người Bỉ. Trong tập truyện hoạt hình đó tôi thích nhứt chuyện “La toison d’or”. Chuyện kể lại cuộc mạo hiểm kỳ thú của Tintin và giáo sư Tournesol: hai người sang mãi bên Thổ Nhĩ Kỳ để tìm một kho tàng ngoài khơi. Để thực hiện cuộc săn tìm kho tàng, hai người đã mua một chiếc tàu cũ đang nằm ụ ở cảng. Nhờ tài xoay xở tài ba của giáo sư Tournesol, chiếc tàu cũ được khởi động lại. Khi ra đến địa điểm như bản đồ hướng dẫn, Tintin đã hì hụp lặn sâu xuống biển không biết bao nhiêu lần mà vẫn không thấy kho tàng.Vào giữa lúc hầu như tuyệt vọng, định quay đầu vào bờ, giáo sư Tournesol bỗng khám phá được một kho tàng ngay trước mặt mình: cả chiếc tàu cũ kỹ họ đang dùng được làm bằng vàng! Xem cuốn phim, thích thú với cuộc phiêu lưu của Tintin đã đành, người học sinh trung học như tôi cũng đã rút ra được một bài học: có khi chúng ta nhọc công đi tìm kho tàng ở một nơi xa lạ, nhưng nó lại nằm ngay trong tầm tay với của chúng ta.

Ý tưởng này lại trở về với tôi trong chuyến đi vừa qua: mình phải tận hưởng những giây phút “tuyệt vời” ngay trên đường đi chứ không đợi tới điểm đến! Và dĩ nhiên, sau một tuần lễ đi vắng, về đến nhà tôi mới thấy trân quý ngôi nhà, khu rừng phía sau nhà, cảnh vườn, những con thú nuôi trong nhà và nhứt là tiếng chim hót mỗi ngày: đó là những kho tàng ở ngay trong tầm tay với của mình! Tôi bỗng thấy mình cần có một chút khả năng biết “ngạc nhiên” của Isaac Newton khi nhìn thấy một quả táo rơi!





Chu Thập 7.12.2009