Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Có thì nói có, không thì nói không…



                                                                               Chu Thập, 
Tháng Tư 2010

Một ông bạn vong niên của tôi ở Sydney cứ đôi ba tháng lại ghé thăm tôi. Ông đi thăm tôi như thể gia đình người Việt nam trong chế độ cộng sản đi thăm những người bị giam tù. Biết tôi sống nơi “thâm sơn cùng cốc”, xa ánh sáng văn minh của thủ đô tỵ nạn Cabramatta, cho nên mỗi lần ghé thăm, ông thường tiếp tế đủ thứ: không mắm muối gia vị, bánh chưng, bánh tét, trái cây nhiệt đới thì cũng gà quay, heo quay: những thứ mà tôi khó tìm được ở địa phương mình.
Nhưng trong lần “thăm nuôi” mới đây, ông bạn làm tôi sửng sốt như bị trời trồng khi ông “bày” ra một đĩa gồm mấy hộp “take away” toàn là lưỡi vịt đã luộc sẵn, xếp thứ tự như cá hộp, còn dính vào cái mỏ dài thòng. Tôi đã từng nuôi vịt xiêm, giống vịt mà người miền Bắc gọi là ngan. Tôi chỉ thích món vịt nấu chao hay xáo măng. Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi cũng “xã giao” nếm thử một chút tiết canh vịt. Còn nhìn cái cổ nổi gai đỏ lòm của con vịt cồ là tôi đã “nhợn” rồi, chứ đừng nói tới chuyện thưởng thức lưỡi vịt. Vậy mà ông bạn tôi khẳng quyết: đây là món “quốc hồn quốc túy” độc đáo của dân tộc! Tôi cũng theo thói thường “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau”. Nhưng trong trường hợp này thì tôi hơi chần chừ. Chờ cho ông bạn xé cái mỏ vịt, lôi cái lưỡi ra và cho vào miệng nhai ngon lành, tôi mới có đủ can đảm “đi theo sau”. Phải nói đây là một thứ “của ngon vật lạ” thật sự chứ không phải cái “bánh vẽ” của nhà thơ Chế Lan Viên khi phải nhai nhồm nhoàm cái chủ nghĩa cộng sản khó nuốt mà vẫn làm bộ lấy làm thích thú!
Tôi không ngờ ông bạn tôi lại sành ăn như thế. Lưỡi vịt quả là một món ăn độc đáo. Nhai và thưởng thức cái lưỡi vịt, tôi không thể không liên tưởng đến cái “món lưỡi” trong chuyện ngụ ngôn của nhà hiền triết Hy lạp Esope. Esope bị bắt làm nô lệ. Một hôm người chủ mở tiệc đãi khách. Ông sai Esope nấu món ngon nhứt và chỉ dọn một món ấy mà thôi. Esope ra chợ mua toàn là lưỡi về chế biến. Khai vị, món ăn chính và tráng miệng: tất cả đều là lưỡi! Lúc đầu thực khách còn thưởng thức món ăn. Nhưng chỉ một lúc sau, họ ngán đến “tận cổ”. Người chủ tra hỏi Esope: “Tại sao ngươi chỉ dọn toàn là lưỡi?” Esope trả lời: “Ông không biết rằng lưỡi là món ngon nhứt sao? Lưỡi là mối giây liên kết của đời sống văn minh; là chìa khóa của khoa học; người ta dùng lưỡi để dạy dỗ, để thuyết phục, để thống trị trong các buổi họp.”
Nghe thế, ông chủ mới ra lệnh cho Esope: “Vậy thì ngày mai, ngươi hãy mua cho ta món ăn tồi tệ nhứt. Ta sẽ mời lại cũng những thực khách ấy.” Lần này, Esope lại cũng chỉ mua toàn là lưỡi về. Ông giải thích với chủ mình: “Đây là thứ tồi tệ nhứt. Nó là mẹ của mọi cuộc tranh cãi, kiện tụng; nó là cội nguồn của chiến tranh, bôi nhọ và dối trá.” Đúng là lưỡi không xương nhiều đường lắc léo!
Bởi cái món ngon độc đáo mà ông bạn tôi đãi là “lưỡi vịt” cho nên tôi không chỉ liên tưởng đến món lưỡi của Esope, mà còn nghĩ đến những gì mà “vịt” có thể gợi lên.Trước hết là tuần báo Pháp có tên là “Le Canard Enchainé” (con vịt bị trói). Hồi mới đến Pháp, tôi thích đọc báo này. Nó không thuộc phe hữu cũng chẳng đứng về cánh tả. Nó không tha bất cứ một chính trị gia nào. Tiếng là bị “trói”, nhưng con vịt chào đời từ năm 1915 này được xem là “độc lập và tự do” nhứt trong các tờ báo tại quốc gia đã đi tiên phong trong lý tưởng “bình đẳng, tự do và huynh đệ” này.
Từ tuần báo “Le Canard Enchainé”, tôi lại nghĩ đến hai chữ “tin vịt” trong tiếng Việt nam. Không biết có phải vì trong tiếng lóng của Pháp, “canard” cũng có nghĩa là “báo”, mà người Việt nam vốn sính văn chương Pháp đã nghĩ ra hai tiếng “tin vịt” không?
Tôi nghĩ: giá ngày mùng một tháng Tư được gọi bằng “con vịt tháng Tư” thì có lẽ hay hơn là “cá tháng Tư”. Mà nếu có gọi nguyên cái tháng Tư Đen là “vịt tháng Tư” thì chẳng ngoa chút nào. Dân tộc Việt nam có bị đày đọa kể từ cái tháng Tư Đen ấy cũng chỉ vì “cái lưỡi vịt” của những người cộng sản.
Kể từ cái tháng Tư Đen ấy, cả bầu trời Việt nam đều bị nhận chìm trong dối trá. “Nói dối như Vẹm”: có người cộng sản nào mà không nói dối. Có người dân nào sống dưới chế độ cộng sản vì sợ mà không “dối” ít hay nhiều để sống còn. Phải gần đến cuối đời, trong cơn sơn lúy túy và với nước mắt ràn rụa, nhà văn Nguyễn Tuân mới dám thú nhận: “Nhờ biết sợ mà tao mới có thể sống cho đến ngày hôm nay.” Sợ cho nến dối trá là chuyện tất nhiên.
Hơn 700 tờ báo lớn nhỏ, tất cả các đài truyền thanh truyền hình và vô số loa gắn ở khắp hang cùng ngõ hẻm trong nước đều là những dụng cụ tra tấn người dân bằng độc một thứ tin là “tin vịt”.
Trong cuốn sách có tựa đề “Finding God in Unexpected Places” (Tìm gặp Chúa trong những nơi không ngờ) tác giả Philip Yancey kể lại rằng sau khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Nga, cái nôi khai sinh của chủ nghĩa cộng sản, ông đã viếng thăm nước này và đặc biệt gặp gỡ với ban biên tập báo Pravda (sự thật). Cùng với nhựt báo Izvestia (tin tức), Pravda là cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Liên Xô.Tác giả cho biết: dưới thời cộng sản, người dân Nga thường mỉa mai: “Không có Pravda (sự thật) trong Izvestia (tin tức) và cũng chẳng có Izvestia (tin tức) trong Pravda (sự thật).” Chính vì thế mà sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, con số độc giả từ 11 triệu người sụt xuống chỉ còn 7 trăm ngàn người.
Mười một triệu độc giả ấy chưa chắc đã là độc giả mua báo để “đọc”, mà thường là vì những mục đích “thực dụng” hơn. Trong tuyển tập “Hẹn thắp lên”, thu thập những lời chứng 20 năm từ năm 1975 đến năm 2000 dưới chế độ cộng sản tại Việt nam, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan cũng nói đến một hiện tượng tương tự. Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, báo “Nhân Dân”, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt nam, tức 100 phần trăm là công cụ của Đảng, là tờ báo ít được nhân dân đọc nhứt. Giáo sư Lan khẳng định: “Có thể nói không quá đáng rằng 99 phần trăm người đọc báo ở thành phố Hồ Chí Minh đều như người đang hầu chuyện quý vị, xuân thu nhị kỳ mới đụng tới một tờ Nhân Dân. Còn các báo khác thì chỉ được chiếu cố là theo mức độ né tránh bớt vai trò công cụ: các bài xã luận, xã thuyết, nghị quyết, v.v...chỉ đăng lấy có, còn lại là phóng sự xã hội, chuyện màn ảnh, sân khấu, chuyện thể thao, bóng đá, các mục tình cảm tâm lý, tình cảm vắn dài. Thi đua nhau ở phần còn lại này để hơn thua về số lượng độc giả…” (Nguyễn ngọc Lan, Hẹn Thắp Lên, nhà xuất bản Trình Bày, Strasbourg Salt Lake city, Hoa kỳ 2000 trg. 173)
Giáo sư Lan kể lại rằng  chiều 30 tháng 4 năm 1994, ông đang ngồi xem bóng đá trên khán đài B sân Thống Nhất.Trời nóng 36 độ C. Có anh chàng bán báo tinh khôn rao theo đường lối thực dụng của giai đoạn mới: “Trời nắng gắt, dễ nhức đầu, mua báo đi”. Giáo sư Lan nói: “Lối rao làm tôi nhớ lại cả một thời giấy gói không sẵn, bao nhựa tái chế cũng hiếm đắt, thiên hạ vào bưu điện thành phố gặp lúc phát hành báo Nhân Dân, ai cũng đổ xô lại giành mua báo rẻ mà nhân dân dùng được vào khối việc” (sđd)
Chuyện giáo sư Lan kể trên đây đã xảy ra cách nay 15 năm. Tình thế có thay đổi, dân chúng không còn nghèo đến nỗi mua báo công cụ chỉ để gói hàng hay che đầu gặp lúc trời nóng. Nhưng chắc chắn nguyên tắc trước sau như một vẫn là: báo chí công cụ thì chỉ để loan “tin vịt” mà thôi. Chỉ cần đọc lại “Báo Hà Nội Mới” trong những ngày xảy ra vụ Tòa khâm sứ cũ, giáo xứ Thái Hà, Đồng Chiêm…hay những gì báo đài nhà nước Cộng sản Việt nam viết về đức cha Ngô Quang Kiệt, tổng giám mục Hà nội, thì cũng đủ để biết rằng những ngòi bút bị uốn cong và những “chiếc lưỡi gỗ”, cũng theo kiểu nói của giáo sư Lan, vừa “ngủ gật vừa làm báo”.
Chỉ tội cho người dân Việt nam hiện nay. Sống dưới chế độ cộng sản, thì chẳng khác nào một võ sĩ thượng đài nhưng bị trói tay. Đối thủ vừa thổi còi vừa “tự do” đấm đá. Đây là thứ tự do mà có lần ông Đỗ Mười đã giải thích với các ký giả công cụ: “Các anh hoàn toàn có tự do. Đó là tự do chửi đế quốc tư bản”.
Một trong những may mắn mà tôi cho là lớn nhứt đối với tôi chính là được sống trong một thế giới có tự do báo chí. Dĩ nhiên, ở đâu mà chẳng có “tin vịt”. Thời nào và ở đâu cũng có những anh nhà báo “nói láo ăn tiền”. Nhưng ít nhứt, tôi biết rằng trong thế giới tự do, tôi có thể kiểm chứng “tin vịt” và lên án sự dối trá trong các cơ quan truyền thông.
Điển hình nhứt là chuyện đang xảy ra cho Giáo hội Công giáo trong thời gian gần đây. Các cơ quan truyền thông tại Âu Châu và Hoa Kỳ đang triệt để khai thác vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội Công giáo. Cũng như mọi người, tôi lên án những hành động đồi bại ghê tởm của một số linh mục Công giáo. Riêng là một người Công giáo, tôi cảm thấy “xấu hổ” trước những hành động này và nhứt là tôi cảm thấy bị tổn thương nặng nề khi vị thủ lãnh tối cao của chúng tôi là đức giáo hoàng đang là bị một số cơ quan truyền thông chĩa mũi dùi vào và qui trách cho đủ mọi thứ tội lỗi khủng khiếp nhứt. Có người còn đề nghị đưa ngài ra trước tòa án quốc tế để xét xử về điều gọi là “tội ác chống lại nhân loại”. Như thế thì đức giáo hoàng, người mà chúng tôi xem là cha chung, lại bị người ta xếp ngang hàng với những đồ tể khát máu của nhân loại chẳng khác nào Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot…Dĩ nhiên, xuyên qua đức giáo hoàng, người ta nhắm đến toàn thể Giáo hội Công giáo của chúng tôi.
Cũng may, sau khi đọc một số bài viết trên báo Việt Luận “Kiện Tòa Thánh Vatican?” (Việt Luận 30/3/2010), “Vatican gây sóng gió trong Lễ Phục Sinh” và “Đức giáo hoàng trước nghiệp chướng” (Việt luận 6/4/2010), tôi đã đi tìm đọc những bài báo của những tờ báo lớn nhứt tại Hoa kỳ có nói đến vụ tai tiếng này. Tôi tìm thấy rằng “The New York Times” là tờ báo đã bắn phát súng lệnh khai hỏa việc khai thác vấn đề này. Đọc những tờ báo khác, tôi cũng biết rằng tờ báo này đã cố tình xuyên tạc sự thật khi cho rằng đức giáo hoàng Benedicto XVI đã “bao che” những vụ lạm dụng tình dục trẻ em câm điếc của một linh mục Hoa kỳ.
Giả như đang sống trong thời kỳ bưng bít dưới chế độ cộng sản trước đây, và “The New York Times” là tờ báo duy nhất của chế độ, thì chắc chắn nhiều người sẽ tin như đinh đóng cột “những tiết lộ” của báo này. Nhưng cũng may cho tôi, tờ The New York Times không phải là tờ báo “độc nhứt” tại Hoa kỳ, cho dẫu đây là một trong những tờ báo có nhiều độc giả nhứt tại nước này. Bên cạnh tờ báo này, còn có không biết bao nhiêu tờ báo và tạp chí có uy tín khác. Trong số ra ngày 8 tháng 3 vừa qua chẳng hạn, tạp chí Newsweek  đã có một cái nhìn quân bình và tôn trọng sự thật hơn về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội Công giáo. Tôi cũng có thể đọc được nhiều phản ứng khác và một cái nhìn khác với báo The New York Times.
Tựu trung, trên võ đài “truyền thông” ở những nước có tự do báo chí, tôi biết mình không bị bịt miệng, che mắt và trói tay. Tôi có thể và có quyền đọc đủ mọi báo khác nhau để kiểm chứng những thứ “tin vịt”.
Nhân mấy cái “lưỡi vịt” đưa cay của ông bạn cố tri, nếu tôi có lan man dông dài về chuyện truyền thông là cũng chỉ để tự nhắc lại cho mình một đòi hỏi luân lý là phải tôn trọng sự thật. Ngành nghề nào cũng có đạo đức chức nghiệp.Tôi không thể vì mục đích tiếp thị hay thu hút độc giả mà tung ra “tin vịt” hay tạo ra những “tin đồn” thất thiệt và nhứt là dối trá có thể làm hại người khác.
Thoát khỏi chế độ xây dựng trên dối trá, tôi có một cuộc sống xứng với phẩm giá con người và hưởng được mọi tự do. Nhưng tôi thấy mình chỉ thật sự tự do khi sống cho sự thật, bởi vì như Chúa Giêsu đã dạy: “Sự thật sẽ giải thoát các ngươi” (Gioan 8, 32). Tôi lại càng cảm thấy được thúc đẩy để tôn trọng sự thật hơn bởi vì cũng chính Ngài dạy: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi Ma Quỉ mà ra” (Mathêu 5, 37).










Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Hy vọng giữa mất mát



Chu Thập
17/4/15

40 năm “Quốc Hận” là dịp để người Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới bày tỏ những tâm tình, cảm nghĩ riêng tư cũng như nhận định về thời cuộc. Trong những ngày vừa qua, tôi đọc hầu hết những bài viết có liên quan đến ngày “Quốc Hận”. Bài nào cũng đáng đọc. Tâm tình nào cũng đáng trân quý. Và tùy gốc nhìn của mỗi người, nhận định nào cũng có giá trị.
Tôi rất tâm đắc với cái nhìn của nhà văn kiêm MC Nguyễn Ngọc Ngạn trong bài chia sẻ với nhan đề “Bên thắng cuộc”. Theo nhà văn này, sự kiện vĩ đại nhứt của nhân loại trong 4 thập niên qua, nghĩa là kể từ khi những người cộng sản Miền Bắc cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, chính là sự tan rã của Liên Xô và hệ thống cộng sản toàn cầu.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cho rằng sự sụp đổ của hệ thống cộng sản toàn cầu bắt nguồn từ chính chiến tranh Việt Nam. Theo tác giả, “lùi lại hồi đầu thế kỷ 20, phong trào Cộng Sản là một cái gì mới mẻ, hấp dẫn rất nhiều người trí thức ở thành thị. Nó hấp dẫn bởi về mặt lý thuyết, nó đề cao lý tưởng công bằng xã hội, xóa bỏ bất công bằng đấu tranh giai cấp. Lúc ấy, quả thực tư bản còn quá nhiều khuyết điểm, chủ nhân bóc lột công nhân, công đoàn chưa thành hình, chế độ lao động hà khắc, không được luật lao động bảo vệ. Ở nông thôn thì phong kiến áp bức đến tận cùng. Do thực tế ấy, người ta dễ dàng bị lôi cuốn theo Cộng Sản dù chưa hiểu Cộng Sản là gì. Đã thế, Cộng sản lại ra đời đúng lúc phong trào giải phóng các dân tộc bị trị lên cao trên toàn cầu, nhất là sau Đệ Nhị Thế Chiến. Cộng sản khôn khéo đem theo chiêu bài chống ngoại xâm để lôi kéo quần chúng, điển hình là biết bao nhiêu người đã theo Hồ Chí Minh đâu phải vì thích Cộng Sản mà vì muốn đứng vào hàng ngũ đánh Pháp.”
Cộng sản Việt Nam và Cộng Sản thế giới đã lợi dụng được sự hăng say vì lý tưởng “thế giới đại đồng” và tinh thần yêu nước của nhiều người Việt Nam để gọi là “đánh Pháp” và kế đó là “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”. Nhưng trong khi “thế giới tư bản  ngày càng tự điều chỉnh để trở nên hoàn thiện, thì cộng sản dừng chân tại chỗ, hết chiến tranh là lộ ra hết khuyết điểm”.  Sau chiến tranh Việt Nam, Liên Xô và Trung Cộng công khai thù nghịch nhau. Việt Cộng xâm lăng Miên Cộng. Tình hữu nghị “môi hở răng lạnh” giữa Trung Cộng và Việt Cộng cay đắng đến độ Trung Cộng đã phải đem quân sang Việt Nam dạy cho đàn em một bài học. Điều được gọi là “thế giới đại đng” và “sống chung hòa bình” giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em chỉ còn là trò hề. Lời dạy của Đảng trở thành lố bịch. Đây chính là giềng mối đã dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu và ngay tại cái nôi của chủ nghĩa cộng sản là Nga. Kể từ đó, “hai chữ “Cộng Sản” chỉ còn là một tì vết của lịch sử, đã lùi hẳn vào trong dĩ vãng, không còn là mối bận tâm cho nhân loại. Nó đã trở thành chuyện cổ tích”. Không chỉ là chuyện cổ tích để kể cho các thế hệ tương lai nghe, chủ nghĩa cộng sản đã bị các nước Âu Châu khinh miệt đến độ quăng vào sọt rác của lịch sử. Nó chỉ còn đồng nghĩa với đồi bại và độc ác. Nó là cơn ác mộng kinh hoàng mà thế giới văn minh ngày nay không còn muốn nhắc đến nữa. Trong một bài nhận định cách đây không lâu, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã có lý để tuyên bố “tôi không chống cộng”. Ông đưa ra lý do: “kể từ năm 1991, với sự tan rã của hê thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, Cộng sản, với tư cách một chế độ, hoàn toàn sụp đổ và cùng với nó, chủ nghĩa cộng sản, với tư cách một ý thức hệ chính trị, cũng bị phá sản theo”. Theo ông, “trên bình diện thế giới, cái gọi là “Cộng Sản” đã thuộc về quá khứ. Khi “Cộng sản” thuộc về quá khứ, chuyện chống Cộng cũng không còn lý do hiện hữu nữa”. Sự kiện Chủ Nghĩa Cộng sản đã thuộc về quá khứ quả là một thắng lợi lớn của nhân loại. Và thắng lợi ấy manh nha từ Tháng Tư năm 1975 tại Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã tổng kết như sau: “Nhìn lại 4 thập niên vừa qua, nếu chỉ chú ý đến cái mốc kết thúc chiến tranh năm 1975 ở Việt Nam thì người ta gọi Miền Bắc là “bên thắng cuộc”. Nhưng nếu mở tầm mắt rộng hơn, nhìn sự sụp đổ của hệ thống Cộng Sản toàn cầu do chiến tranh Việt Nam gián tiếp gây nên, thì thế giới tự do mới đích thực là “bên thắng cuộc”.
Theo tôi, sự thắng cuộc của thế giới tự do không hẳn là đánh đổ được chủ nghĩa cộng sản mà không tốn viên đạn nào, mà chính là nhận ra, tố cáo và phơi bày được bộ mặt độc ác, vô nhân đạo của chủ nghĩa này. Kể từ sau khi chủ nghĩa Đức Quốc Xã bị tiêu diệt, thêm một bước vĩ đại khác của nhân loại  chính là nhận diện và nêu đích danh cái Ác trong chủ nghĩa cộng sản. Nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ. Những  khám phá và phát minh trong mọi lãnh vực đã mang lại không biết bao nhiêu tiện nghi cho cuộc sống con người. Con người đã được giải thoát khỏi không biết bao nhiêu ràng buộc trong thế giới vật chất. Nhưng bước nhảy vọt đáng kể hơn cả vẫn nằm trong lãnh vực tinh thần: nhân loại ngày càng ý thức hơn về những tội ác mà quá khứ đã từng xem như chuyện bình thường. Bình thưng như bắt người khác phải theo tôn giáo của mình và nếu cần, dùng vũ lực  để cưỡng bách hoặc trừng phạt. Bình thường như chuyện đem quân đi xâm chiếm các nước khác làm thuộc địa. Bình thường như bắt người thuộc màu da và chủng tộc khác phải làm nô lệ phục vụ mình. Bình thường như chuyện khủng bố, đp mô, đặt mìn, pháo kích bừa bãi giết hại người vô tội trong chiến tranh Việt Nam...Lịch sử nhân loại được dệt thành bởi biết bao nhiêu tội ác mà trong quá khứ lương tâm nhân loại chưa đủ trưởng thành và nhạy bén để nhận diện và tố cáo. Chủ Nghĩa Cộng sản có thể là ý thức hệ chính trị cuối cùng đã tạo cơ hội cho nhân loại tiến thêm một bước nữa trong việc nhận diện và tố cáo tội ác. Lương tâm nhân loại chỉ có thể được thanh luyện hơn nếu dám gọi đích danh tội ác bằng tên gọi của nó.
Tôi thầm phục Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo tinh thần của hơn một tỷ người công giáo. Mới đây, ngài nói rằng trong thế kỷ 20 vừa qua, gia đình nhân loại đã trải qua ba thảm kịch khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử. Gần nhứt có nạn diệt chủng do chủ nghĩa Đức Quốc Xã và chủ nghĩa Cộng sản dưới thời Stalin tại Liên Xô chủ xướng. Còn ở đầu thế kỷ có cuộc diệt chủng do đế quốc Thổ chủ xướng trong thời ĐNhứt Thế Chiến. Nhiều sử gia và tất cả các nước Tây Phương đều cho biết: năm 1915, tức trong những năm cuối cùng của Đế Quốc Thổ, quân đội Thổ đã tàn sát trên một triệu người Armeni. Nhưng cho tới nay, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không chịu nhìn nhận tội ác này. Họ vẫn cho rằng đây không phải là một cuộc diệt chủng do Đế Quốc Thổ chủ xướng, mà chỉ là một cuộc xung đột đẫm máu trong đó có hàng trăm ngàn tín hữu Kitô Armeni lẫn người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Có lẽ cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, một số quốc gia vẫn còn lấn cấn trong việc nhìn nhận tội ác trong lịch sử dân tộc. Nhưng như một thứ nghiệp báo, tội ác không được nhìn nhận sẽ không để cho lương tâm tập thể của một dân tộc được yên ổn.
Nhìn lại 40 năm “Quốc Hận”, điều mà hầu hết mọi người Việt Nam, dù đã từng đứng ở phía nào, cũng đều phải nhìn nhận là bộ mặt độc ác của Chủ Nghĩa Cộng sản và của các chế độ cộng sản đã được phơi bày. Ngày nay, tại Việt Nam cũng như một vài nước cộng sản còn rơi rớt lại trên thế giới, những người vẫn còn tiếp tục vỗ ngực tự xưng là cộng sản, trong thực chất, chỉ là một bọn cướp núp bóng sau cái thây ma đã khô héo là Chủ Nghĩa Cộng sản. Còn nếu tiếp tục tin và bảo vệ cái chủ nghĩa “chết tiệt” ấy như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì chẳng nên trách tại sao dân chúng gán cho mình một danh xưng đáng khinh bỉ là “Trọng Lú”. Nhưng dù có đặt niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản như ông “Trọng Lú” hoặc chỉ lợi dụng cái thây ma “Cộng Sản” để làm điều thất đức ác nhân, thì trước sau bộ mặt đồi bại và độc ác của chủ nghĩa này cũng đã và đang được phơi bày một cách rành rành ra đó.
Trong cuốn sách gây nhiều tranh cãi có tựa đề “Tổ Quốc Ăn Năn”, tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã nói đến 3 cuộc chuyển hóa mà chế độ cộng sản Việt Nam đã “vô tình” thực hiện được. Trước hết, những người Cộng sản Việt Nam đã tiêu diệt được óc tôn sùng bằng cấp, một căn bệnh tâm thần mà tác giả cho là rất tai hại của người Việt. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng, “không phải đảng cộng sản nhận thức được sự tai hại của tâm lý trọng bằng cấp và dụng tâm đánh đổ nó. Trái lại chính vì họ quá trọng bằng cấp mà đã cấp phát bừa bãi cho các đảng viên những học vị to lớn, với kết quả là khiến các bằng cấp trở thành những mảnh giấy lộn không hơn không kém. Tình trạng này đưa đến hậu quả tốt mà họ không ngờ là con người từ đây sẽ chỉ được đánh giá theo khả năng. Từ đây, người Việt Nam sẽ phải học để biết, để có khả năng chứ không học để giành lấy một bằng cấp không còn chứng minh gì nữa”.
Chuyển hóa thứ hai mà những người cộng sản cũng đã  “vô tình” tạo ra là đã “biến dân tộc Việt Nam từ một dân tộc từ chương, công chức và làm công thành một dân tộc buôn bán và kinh doanh”. Sau khi Miền Nam bị nhuộm đỏ, “hình như nhà nào cũng buôn bán một cái gì đó. Một tủ kem, một thùng thuốc lá, một quầy tạp hóa tí hon, một quán cà phê đột xuất v.v..”
Cuối cùng, theo tác giả, chuyển hóa “vô tình” vĩ đại nhứt diễn ra dưới thời cộng sản chính là sự xuất hiện của cộng đồng người Việt hải ngoại (x. Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn, in lần thứ hai, Paris 2004, trg 228-230). Những người bị chế độ cộng sản xem như cặn bã của xã hội hay đầu trộm đuôi cướp...nay đã trở thành một cộng đồng thành công ở hải ngoại và trở thành “khúc ruột ngàn dậm” để cho chính những người cộng sản rúc tỉa như dòi bọ mà không biết xấu hổ.
Những người cộng sản Việt Nam đã “vô tình” tạo ra được những chuyển hóa vĩ đại như thế. Niềm Hy vọng đã vươn lên giữa những mất mát. Nhưng với tôi, nhìn lại sau 40 năm mất nước, điều vĩ đại nhứt mà những người cộng sản Việt Nam đã “vô tình” làm được chính là: tự mình phơi bày bộ mặt đồi bại, độc ác, dã man, vô nhân đạo...mà chẳng có tĩnh từ nào trong bất cứ tự điển của một dân tộc nào có thể diễn tả hết. Tôi không ngần ngại nói một cách ngắn gọn: cộng sản đồng nghĩa với tội ác!
Năm năm sống với Cộng sản cũng đủ làm cho tôi “lem” ít nhiều những thói xấu mà tôi đặt tên là “cái thói Cộng sản”. Dù bỏ nước ra đi đã 35 năm nay và dù đã mang quốc tịch của một quốc gia khác, tôi vẫn mãi mãi thấy mình là một người tỵ nạn cộng sản. “Chống cộng” theo nghĩa là chống lại cái thây chết đã bị quăng vào hố rác lịch sử, tôi thấy chẳng hơi đâu mà làm cái việc tầm phào ấy. Nhưng chống lại “tội ác” của những kẻ tự xưng là cộng sản và nấp bóng sau cái thây ma ấy, tôi thấy mình sẽ đánh mất bản sắc “tỵ nạn cộng sản” nếu tôi không tham gia vào cuộc chiến ấy. Tôi không có đủ khí giới và thế lực để lật đổ cái chế độ độc ác ấy. Tôi không có được sự can đảm của những nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong nước hiện nay. Nhưng nhìn lại cuộc đổi đời mà người cộng sản đã “vô tình” xui khiến tôi dấn thân vào, tôi thấy mình sẽ không còn lý do hiện hữu như một người tỵ nạn cộng sản nếu tôi không chống lại “cái thói Cộng sản” trong chính bản thân mình như giả dối, tham lam, ích kỷ, tàn bạo, vô tâm và nghi kỵ...





Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Cuba thức!


17/4/15

Trong chuyến viếng thăm Cuba ngày 3 tháng 10 năm 2009, cựu Chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết có đọc một bài diễn văn để đời, trong đó ông nói: “Việt Nam và Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì Cuba nghỉ...”  Người Việt khắp nơi, kể cả trong nước, được một trận cười mệt nghỉ!
Nay, Cuba đã thực sự “thức” và “thức” luôn. Thức không phải để canh giữ hòa bình thế giới, mà để được ra khỏi danh sách những nước chuyên đỡ đầu cho những hoạt động khủng bố trên thế giới và nhất là thức để được tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, với hy vọng thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu mà 50 năm xây dựng thiên đàng cộng sản đã tạo ra.
Hôm thứ Ba 14 tháng 4 vừa qua, Tòa Bạch Ốc loan báo rằng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ rút tên Cuba ra khỏi danh sách những nước chuyên bảo trợ cho các hoạt động khủng bố quốc tế. Đây là bước đầu tiên để tiến đến bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và quốc gia cộng sản duy nhất tại Châu Mỹ Latinh này, đồng thời tháo gỡ các cấm vận kinh tế mà Cuba đã phải chịu từ bao nhiêu năm qua.
Lời loan báo trên đây được Tòa Bạch Ốc đưa ra sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nhà nước cộng sản Cuba, ông Raul Castro, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh  Mỹ Châu lần thứ 7  diễn ra tại Panama trong hai ngày 10 và 11 tháng 4 vừa qua. Trong cuộc gặp gỡ, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận với nhau về việc chính phủ Hoa Kỳ muốn xóa tên Cuba khỏi danh sách những nước chuyên đỡ đầu cho các hoạt động khủng bố trên thế giới. Cuba đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách này năm 1982, tức vào cao điểm của chiến tranh lạnh, khi quốc gia cộng sản này hung hăng xuất cảng phong trào cách mạng Marxit đến nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Châu Mỹ Latinh. Sở dĩ Cuba bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách những quốc gia đỡ đần cho hoạt động khủng bố quốc tế là bởi vì quốc gia cộng sản này, ngoài việc xuất cảng phong trào cách mạng bạo động Marxit đi khắp thế giới, còn che chở cho nhiều tên khủng bố đang bị chính phủ Hoa Kỳ truy nã. Nhưng kể từ năm 1991, Cuba đã ngưng việc huấn luyện hay vũ trang cho các nhóm du kích thiên tả tại Châu Mỹ Latinh.
Thật ra, việc Hoa Kỳ đưa Cuba vào danh sách các nước đỡ đần cho khủng bố quốc tế hoàn toàn có tính cách chính trị. Trong danh sách những nước đỡ đần cho khủng bố được Hoa Kỳ thiết lập năm 1979, người ta thấy chỉ có 8 nước sau đây: Iraq, Libya, Nam Yemen, Syria, Cuba, Iran, Bắc Hàn, Sudan. Nhưng nhiều nước đã lần lượt được Hoa Kỳ xóa tên khỏi danh sách. Nay với việc Cuba được xóa tên, trong danh sách này chỉ còn lại ba nước là Syria, Iran và Sudan.
Đưa Cuba vào danh sách và rút tên Cuba ra khỏi danh sách hoàn toàn là một hành động có tính cách chính trị. Nhiều nước, mặc dù đã và đang đỡ đầu cho các hoạt động khủng bố trên thế giới lại không được Hoa Kỳ đá động tới. Đó là trường hợp Pakistan là quốc gia đã từng che chở cho các nhóm khủng bố, trong đó có Al-Qaeda mà thủ lãnh là Osama bin Laden đã lẩn trốn ngay tại một thành phố sát nách với thủ đô Islamabad. Hoặc như Á Rập Saudi. Vương quốc Hồi giáo này, mặc dù là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cưu mang và che chở cho nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan đang quậy phá tại Trung Đông.
Nhờ được xóa tên khỏi danh sách các nước bảo trợ cho các hoạt động khủng bố quốc tế và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và nhất là được tháo gỡ khỏi các cấm vận kinh tế, Cuba sẽ hy vọng thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu do 50 xây dựng xã hội chủ nghĩa mang lại. Đây là điều mà tuyệt đại đa số người dân Cuba đều mong đợi.
Theo kết quả của một cuộc thăm dò do hãng thăm dò “Bendixen&Amandi International” có trụ sở tại Miami, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ thực hiện dạo tháng Ba vừa qua, đa phần người dân Cuba hoan nghênh việc nước này tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, đồng thời mong đợi kinh tế nước nhà sẽ khởi sắc hơn.
Cho tới nay, Chính phủ Cuba vẫn kiếp soát chặt chẽ việc sử dụng các phương tiện truyền thông, Internet và điện thoại. Ít khi có những cuộc thăm dò dư luận trong nước. Nếu có, các cuộc thăm dò đều do chính phủ thực hiện. Vì khiếp sợ, người dân Cuba không muốn nói đến chính trị. Hai phần ba những người được hãng “Bendixen & Amandi International” hỏi ý kiến đều cho biết họ cảm thấy cần phải rất cẩn trọng khi phát biểu ý kiến. Cuộc thăm dò nói trên đã được thực hiện mà không có phép của chính phủ Cuba, nghĩa là diễn ra một cách hoàn toàn lén lút. Chính vì thế mà ý kiến được bày tỏ được xem là rất trung thực.
So sánh các lãnh tụ của Cuba và Hoa Kỳ, những người được thăm dò ý kiến dành cho Tổng thống Barack Obama 80 phần trăm sự ủng hộ, trong khi đó đương kim Chủ tịch Raul Castro chỉ được 47 phần trăm, còn “cha già dân tộc” Fidel Castro chỉ được 44 phần trăm. Nếu ông Fidel Castro là hiện thân của chủ nghĩa cộng sản tại Cuba, thì tỷ lệ ủng hộ này cho thấy người dân nước này đã thực sự chán ghét chế độ cộng sản.
Kể từ khi ông Raul Castro lên “kế vị” bào huynh Fidel hồi năm 2006, nền kinh tế Cuba đã khởi sắc hơn nhờ mở cửa ra cho kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản. Người dân có thể mua và bán nhà cửa cũng như làm chủ những doanh nghiệp nhỏ. Hơn một nửa những người được thăm dò ý kiến cho biết gia đình của họ đã bắt đầu làm ăn riêng, nghĩa là bên ngoài cơ chế kinh tế tập trung của chính phủ và ai cũng muốn được kinh doanh như thế. Nhiều người Cuba, nhất là các thế hệ trẻ, muốn có nhiều cơ hội hơn. Được hỏi điều gì Cuba đang cần nhất hiện nay, 48 phần trăm nói rằng cải thiện kinh tế là điều thiết yếu.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy người dân Cuba mong muốn kỹ nghệ du lịch được phát triển và họ hưởng được nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ hơn. Nếu có sự trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ và Cuba, thì điều mà người dân nước này mong đợi nhiều nhất là được thấy có nhiều siêu thị và các tiệm thuốc Tây hơn. Ngoài ra, khi được hỏi trong vòng 5 năm tới, điều gì họ kỳ vọng hơn cả, hầu như ai cũng cho biết là được đi du lịch nước ngoài và kế đó là được tự do kinh doanh và mở một trương mục riêng.
Mặc dù lạc quan về tương lai của xứ sở trước viễn ảnh của sự tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, người dân Cuba vẫn tỏ ra bất mãn sâu xa với chính phủ cộng sản. Theo cuộc thăm dò, có đến 55 phần trăm những người được hỏi ý kiến bày tỏ ý muốn rời bỏ đất nước. Riêng tỷ lệ những người dưới 35 tuổi muốn bỏ nước ra đi lên đến 2 phần 3. Và dĩ nhiên, Hoa Kỳ vẫn luôn luôn là quốc gia mơ ước của người dân Cuba. Hiện nay cứ 5 người Cuba, có một người có thân nhân tại Hoa Kỳ. Hiện nay cộng đồng người Mỹ gốc Cuba đã lên đến 2 triệu người, trong số này hơn một nửa sinh tại Cuba. Nhờ một chút cởi mở do đương kim Chủ tịch Raul Castro thực hiện trong những năm gần đây, 11 triệu người Cuba không còn nhìn Hoa Kỳ như một mối đe dọa về ý thức hệ nữa, mà chỉ như một thứ “bò sữa” để thân nhân họ vắt tiền gởi về quê hương cứu đói. Một số những luật mới sẽ được Tổng thống Obama ban hành có thể sẽ bơm thêm 2 tỷ Đô la viện trợ cho Cuba cũng như cho phép Cuba được nhập cảng thực phẩm từ Hoa Kỳ. Trước đây, bỏ trốn sang Hoa Kỳ đối với chính phủ cộng sản Cuba đồng nghĩa với làm việc cho CIA (cơ quan tình báo Hoa Kỳ). Nay đi Mỹ chỉ còn có nghĩa là mang tiền về cho xứ sở.
Trong những lý do khiến nhiều người Cuba bất mãn và muốn bỏ nước ra đi, những người được hỏi ý kiến kể ra những khó khăn về kinh tế và hệ thống chính trị. Cứ 10 người thì có đến 8 người tỏ ra bất mãn về hệ thống kinh tế; một phần ba cho biết họ sống còn là nhờ tiền do gia đình hay bè bạn từ ngoại quốc gởi về. 58 phần trăm người dân Cuba cho biết họ thất vọng về Đảng Cộng Sản. Một nửa những người được thăm dò nói rằng chế độ cộng sản giới hạn quá nhiều tự do của họ. Cứ 10 người thì có đến 6 người hy vọng rằng việc tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ sẽ mang lại nhiều thay đổi cho hệ thống kinh tế của đất nước. Nhưng có hơn một nửa vẫn nghĩ rằng sẽ chẳng có thay đổi nào trong hệ thống chính trị, nghĩa là Đảng Cộng Sản Cuba vẫn tiếp tục cai trị và cai trị theo đường lối độc tài đảng trị.
Sở dĩ phần lớn người dân Cuba không hy vọng vào bất cứ một sự thay đổi chính trị nào là vì họ nhìn vào gương của Trung Quốc và Việt Nam. Kể từ lúc trở mình chuyển sang kinh tế thị trường, hai nước này vẫn tiếp tục duy trì cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều đó có nghĩa là về phương diện chính trị, hai nước này vẫn giữ cái tên “Cộng Sản” của họ. Điều này chứng minh rằng những cải tổ kinh tế không đương nhiên kéo theo tự do chính trị. Chủ tịch Raul Castro được các quan sát viên ngoại quốc xem như một người có óc thực tế. Kể từ khi lên kế vị anh mình, dường như ông cố tình dẹp bỏ những khẩu hiệu độc đoán do ông anh đề ra như “Socialismo o Muerte” (xã hội chủ nghĩa hay là chết!”)  Tuy nhiên, vì sợ làm phật lòng anh mình chăng, ông không dám mạnh dạn tiến hành những cuộc cải tổ về chính trị. Chẳng hạn, chỉ 3 ngày sau khi đã cùng với Tổng thống Obama cho công bố một tuyên ngôn chung về việc tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ông ra trước Quốc hội để khẳng định rằng việc xích lại gần với Hoa Kỳ không hề có nghĩa là từ bỏ “những ý tưởng của chúng ta”, tức ý thức hệ cộng sản.
Dĩ nhiên, trong thời gian gần đây, người ta thấy Cuba đã bày tỏ thiện chí muốn cải thiện về chính trị xuyên qua một số cử chỉ như giảm bớt số tù nhân chính trị. Chẳng hạn như trong tháng Giêng vừa qua, chính phủ Cuba chỉ bắt giam 178 nhà bất đồng chính kiến. Trước đó, hàng tháng có đến 741 người bị tống giam. Tuy nhiên, điều đó không phải là một bảo đảm rằng việc tái lập bang giao với Hoa Kỳ và cải tổ kinh tế sẽ đương nhiên tạo ra thay đổi về chính trị.
Có chăng, như được phóng viên Karl Nick của tạp chí Time ghi lại, một dấu hiệu đáng mừng là hiện nay tại thủ đô Havana, người ta thấy đã có những cuộc “họp báo” theo kiểu Tây Phương. Cũng như trong bất cứ chế độ cộng sản nào, từ lâu nay, các viên chức cộng sản Cuba, mỗi lần trả lời phỏng vấn, nhất là với các ký giả ngoại quốc, đều làm như ông Hồ Chí Minh hay Nguyễn Tấn Dũng: cầm giấy đọc những câu trả lời có sẵn! Nay các viên chức cộng sản Cuba đã tỏ ra thoải mái và tự do hơn để trả lời các cuộc phỏng vấn mà không cần phải có văn bản soạn sẵn.
Có phải đây là một dấu hiệu cho thấy Cuba đã muốn “thức” với thế giới, nhưng chưa đủ sức để mở mắt ra không?
(Theo Washington Post 8/4/2015 và tạp chí Time 6/4/2015)







Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Xin cứu chúng con cho khỏi Ác Thần



                                                                               Chu Thập,
Tháng Tư 2010


Lúc nhỏ, cũng như mọi đứa trẻ, tôi sợ ma nhưng lại thích nghe chuyện ma. Vào đầu thập niên 50, các phim Zorro, Tarzan, Cao Bồi viễn tây Hoa kỳ và chuyện thần thoại ca vũ nhạc kịch của Ấn Độ là loại phim mà trẻ con Việt nam say mê nhứt. Nhưng riêng tôi lại thích xem phim “Quỉ nhập tràng” của Phi luật tân. Trong các phim do quốc gia có nhiều đảo này sản xuất, làm gì  cũng có cảnh động đất và sau đó là chuyện ma quỉ nhập vào người chết hay ngay cả người sống.
Cái thế giới vô hình đày ma quái ấy của Phi luật tân xem ra lại gần gũi với quang cảnh “u ám” của làng quê tôi. Những lũy tre chằng chịt bao phủ những con đường đất chạy xung quanh làng; dòng sông Con vắng người qua lại; cái nghĩa địa gần nhà dân cư; những cây me và cây thị cổ thụ với tàn lá ngày thì rợp bóng mát đêm thì che khuất ánh trăng; những cái miếu nhỏ lúc nào cũng có nhang khói bên vệ đường…với óc tưởng tượng được các phim ảnh của Phi luật tân nuôi dưỡng của tôi, thì đây quả là nơi trú ẩn của ma quỉ. Đêm đến và nhứt là giữa trưa đứng bóng, có cho tiền tôi cũng không dám đi một mình qua những chỗ ấy. Mà nếu có “làm oai” đơn thân độc mã xông pha qua những cửa “thần phù” ấy, thì tôi cũng phải vừa chạy vừa “đọc kinh” trối chết.
Tôi nghĩ tôi sợ ma quỉ một phần cũng do bà mẹ thích kể chuyện ma của tôi. Ngoài những chuyện ma “truyền thống” được tích lũy từ đời này sang đời kia trong làng, mẹ tôi còn có cả một bồ chuyện ma do cái “vốn sống” của bà dệt nên. Tôi luôn nhìn vào mẹ tôi với ánh mắt đầy thán phục: hầu như tuần nào bà cũng thấy ma quái mà chẳng tỏ ra một chút sợ hãi hay nao núng.
Mẹ tôi thường kể chuyện ma quỉ cho anh chị em chúng tôi nghe là để “thêm mắm dặm muối” vào những bài giáo lý của đạo Công giáo chúng tôi. Để ngăm đe chúng tôi và cũng để cả nhà cố gắng “sống đạo” hơn, mẹ tôi cho treo ở giữa nhà hai bức tranh vốn thường thấy trong các gia đình Công giáo. Bên phải là cảnh một người đàn ông đang hấp hối trên giường bệnh, có một linh mục đang đứng bên cạnh để an ủi, vợ con đứng xung quanh trong tư thế bình thản an nhiên và dĩ nhiên cũng có một vị thiên thần có cánh đang canh giữ. Mẹ tôi giải thích rằng đây là cảnh “chết lành”. Bà có ý nói đây là những giây phút cuối đời của một người đàn ông đạo đức, không những sớm tối lo “giữ đạo”, ăn ngay ở lành, mà còn chung thủy với vợ và yêu thương con cái. Bên trái (bởi vì “trái” đồng nghĩa với xấu xa) là cảnh một người đàn ông “chết dữ”: trong những giây phút hấp hối mà người ta vẫn còn thấy cánh tay của người đàn ông cố gắng vươn ra để nắm lấy bị tiền, trên cái bàn đầu giường là hình một “tố nữ”; vợ con ông đứng xung quanh ông tay bưng mặt khóc; vị linh mục cố gắng khuyên nhủ, nhưng ông xua tay từ chối.Và dĩ nhiên, nổi bật nhứt trong cảnh “chết dữ” này là một “thằng quỉ” đen thui lui, đầu thì có sừng, mà đít cũng có đuôi. Nó đang nắm chắc phần thắng trong tay, bởi vì ở xa xa vị thiên thần như buồn bã tỏ dấu bất lực, không làm gì được cho cái “linh hồn” đang hư mất này.
Với hai bức tranh này, những bài học vỡ lòng về cuộc sống mai hậu, về số phận “đời đời” của con người, về đạo đức và ăn ngay ở lành trong cuộc sống và nhứt là về sự hiện hữu và tác động “không thể chối cãi” được của Quỉ Ma trong cuộc sống con người đã thấm nhập vào tâm hồn thơ dại của tôi. Làm sao tôi không sợ quỉ ma? Dưới nước thì lúc nào cũng có “ma gia” chuyên kéo chân để nhận chìm người ta xuống. Trên đường đất thì có “ma bật” chuyên làm cho cây tre ngã xuống để ai bước qua sẽ bị hất tung lên. Đêm đến thì dĩ nhiên có “ma le” với cái lưỡi đỏ chét, hễ liếm vào đầu ai thì coi như rồi đời. Ôi, đủ thứ ma trong óc tưởng tượng của tôi. Cũng may, người làng quê tôi luôn trấn an trẻ nhỏ: ma không bao giờ nhát những người “sợ ma”.
Trong những chuyện ma quái ly kỳ nhứt mà người làng tôi thường truyền tụng là chuyện xảy ra tại một gia đình ở cuối làng, gần bên một con đường đất lúc nào cũng âm u, ít người qua lại, vì bị những cành tre đan phủ che kín. Đó là chuyện của một cô gái con của một ông thày pháp nổi tiếng trong làng bên cạnh. Không rõ vì lý do gì mà cô gái đã được gia đình Công giáo này nhận làm con nuôi. Cô lớn lên một cách bình thường như mọi cô gái khác trong xóm đạo của tôi. Nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi khi gia đình Công giáo này dạy “lẽ đạo” cho cô để cô chuẩn bị gia nhập đạo. Gia đình đang êm ấm bỗng biến thành một “bãi chiến trường”. Ma quỉ ngày đêm phá phách không để cho gia đình này được yên phút nào. Đang lo việc bếp núc, bỗng nhiên cô gái bưng nguyên nồi niêu xoong chảo quăng vào bụi tre. Có lúc miệng cô tru tréo, mắt cô đỏ rực lên. Tựu trung, mẹ tôi khẳng định rằng đây là một trường hợp điển hình của “quỉ ám”: những chi tiết về quỉ ám được các Sách Tin Mừng của Kitô giáo ghi lại đều xảy ra cho cô gái. Vậy mà sau khi gia đình đem cô đến nhà thờ để chịu phép Rửa tội thì cô gái liền trở lại trạng thái bình thường. Cô gái ấy là người đàn bà xấp xỉ tuổi của chị cả tôi, đã lập gia đình và sống một cuộc sống bình thường như mọi người Công giáo trong làng. Cứ nói đến chuyện quỉ ám, mọi người đều nhắc đến trường hợp của cô. Riêng tôi, tôi không bao giờ dám mạo hiểm đi vào con đường đất ở phía sau  nhà của gia đình có người con gái nuôi bị quỉ ám ấy.
Ma quỉ vẫn mãi là cư dân thường xuyên cư ngụ trong đầu óc thơ dại của tôi. Lớn lên một chút, những hiểu biết khoa học khiến tôi nghi ngờ về sự hiện hữu của Ma Quỉ. Có lúc, để tỏ ra là người “thức thời” và làm như không còn sợ quỉ ma, tôi cũng mạnh bạo thốt lên với bạn bè và người xung quanh: “toàn là chuyện nhảm nhí của đàn bà con nít”.
Thế rồi năm 1982, khi đến Pháp, tôi đã đi xem cuốn phim “The Exorcist” (người trừ quỉ) đã từng được chiếu tại Sài gòn năm 1973. Nỗi sợ hãi của tuổi thơ lại trở về. Ngay lúc này đây, mỗi khi nhớ lại cuốn phim, tôi vẫn còn thấy nổi da gà. Truyện phim là một câu chuyện có thật xảy ra tại thủ đô Washington hồi cuối thập niên 1940. Nhân vật chính của cuốn phim là một bé gái 12 tuổi bị quỉ ám. Lúc đầu cô gái bị co giật, rồi biểu hiện những sức mạnh phi thường và bay bổng lên khỏi mặt đất. Bằng một giọng đàn ông, cô bé thường thốt ra những lời chửi rủi và lộng ngôn. Người mẹ, vốn là một diễn viên điện ảnh, tưởng con mình thay đổi là vì do bà vừa mới chia tay với người chồng. Nhưng các bác sĩ nghi ngờ có một vết nứt rạn trong não bộ của cô gái. Cô bé đã phải trải qua hàng loạt những thử nghiệm y khoa rất đau đớn. Nhưng kết quả chụp quang tuyến X cho thấy tình trạng thể lý của cô gái hoàn toàn bình thường. Các bác sĩ liền khuyên đưa cô gái đến một chuyên gia tâm lý trị liệu. Nhưng ông này cũng bị cô tấn công một cách dã man. Nhiều hiện tượng lạ thường cũng xảy ra trong nhà: cùng với những tiếng động bất thường, giường chiếu lúc nào cũng bị rung chuyển. Viên đạo diễn của cuốn phim mà người mẹ đang tham gia thực hiện đã bị sát hại một cách tàn bạo khi được nhờ trông coi cô gái.
Khi mọi giải thích y khoa đều cạn kiệt, một bác sĩ liền đề nghị mời linh mục đến thực hiện nghi thức trừ quỉ. Một linh mục trẻ đồng thời cũng là một chuyên gia tâm lý tại trường đại học Georgetown của dòng tên ở Washington được mời đến. Nhưng để chắc ăn, vị linh mục trẻ này lại mời thêm một linh mục đứng tuổi khác cùng đi với mình.Ở cao điểm của cuộc trừ quỉ, vị linh mục già bị cô gái tấn công và chết vì đứng tim. Cuối cùng, vị linh mục cũng trục xuất được tên quỉ ra khỏi cô gái, nhưng chính ông bị nó quăng ra khỏi cửa sổ phòng của cô gái và chết tại chỗ. Sau khi được trừ quỉ, cô gái trở lại bình thường và xem ra không còn nhớ những gì đã xảy ra cho mình.
Xem xong cuốn phim, tôi mất ngủ mấy tuần lễ liền. Đêm đến, cứ mở mắt là thấy cảnh quỉ ám. Cuốn phim xem ra đã củng cố niềm tin của tôi vào sự hiện hữu và tác động của ma quỉ.Tại sao quỉ nhập vào người này mà không ám hại người khác là một mầu nhiệm. Nhưng có điều chắc chắn là có người “bán linh hồn” cho quỉ để được quyền lực và những thứ gắn liền với quyền lực. Thi hào Goethe vào thế kỷ 18 đã dựa vào một chuyện truyền kỳ của người Đức để viết tác phẩm bất hủ có tựa đề “Faustus”. Faustus hay Faust là một học giả tài ba. Có đủ mọi thứ để được hạnh phúc, nhưng ông vẫn cảm thấy chán đời. Thế là ông quyết định gọi Quỉ đến để xin cho bằng được nhiều tà lực hầu vui hưởng những lạc thú trên trần gian này. Diêm vương liền sai quỉ Mephistopheles đến. Tên quỉ này đưa ra một điều kiện: nó sẽ phục vụ Faustus tối đa, nhưng khi đến thời hạn, ông phải trao linh hồn cho nó.
Với quyền lực của Quỉ, Faustus muốn gì được nấy, nhứt là chinh phục các cô gái đẹp. Nhưng khi giao kèo đã mãn, Quỉ đã đến và đưa linh hồn của Faustus vào hỏa ngục.
Mỗi lần nghĩ đến chuyện quỉ ám hay “bán linh hồn” cho Quỉ, tôi không thể không liên tưởng đến những thứ chủ nghĩa đồi bại đã từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Đàng sau bất cứ một chủ nghĩa đồi bại nào, dù mang danh nghĩa hay mặc lấy chiêu bài tốt đẹp nào, cũng đều ẩn hiện bộ mặt của Quyền lực thống trị. Những tay đồ tể khát máu trong lịch sử nhân loại như Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông và tất cả những “ông thần” hiện đang được tôn thờ trên bàn thờ hay trong lăng tẩm xã hội chủ nghĩa cũng đều là những con người đã ký giao kèo “bán linh hồn” cho Quỉ để đổi lấy quyền lực thống trị.
Tôi không nhớ đã đọc ở đâu đó nhận định của một tác giả nọ về chủ nghĩa cộng sản. Ông gọi các chế độ cộng sản là một cuộc “quỉ ám tập thể”.Thật vậy, nếu không có những sức mạnh tăm tối lôi kéo con người thì khó mà giải thích được tại sao từ trái tim và môi miệng con người lại có thể thốt lên những tiếng kêu khát máu như: “ Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng, lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít ta lin bất diệt” (Tố Hữu)
Hoặc: “Lôi cổ bọn nó ra đây,
Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi,
Bắt chúng đứng, cấm cho ngồi,
Bắt chúng ngước mặt, vạch người chúng ra
Hỡi phường phú địa thù xưa,
Bầy choa quyết đấu bây chừa mới nghe” (Xuân Diệu)
Nếu không tin có bàn tay của Quỉ Dữ đàng sau những chém giết trong thời Cải Cách Ruộng đất hay những đọa đày tại Việt nam kể từ khi những người cộng sản “cướp” chính quyền đến nay, thì khó mà giải thích được cái lỗ hổng đạo đức  mà xã hội Việt nam đang rơi vào. Nếu không tin có sự tác động của Quỉ Dữ đàng sau khuôn mặt của những kẻ đang cai trị đất nước chỉ biết đến quyền lợi của cá nhân và phe nhóm thì khó hiểu được những “căn bệnh đang hủy hoại xã hội Việt nam” ngày nay, như nữ đạo diễn Song Chi, người đang tỵ nạn chính trị tại Bắc Âu, nêu lên. “Bệnh vô cảm, cái xấu, các ác lên ngôi, sự bạc nhược, cầu an, sự giả dối, hoài nghi và mất lòng tin” trong xã hội Việt nam hiện nay, một cách nào đó, là biểu hiện của một cuộc quỉ ám tập thể mà một nghi thức “trừ quỉ” chắc chắn sẽ rất cam go và đòi hỏi không biết bao nhiêu năm tháng!
Tôi đã thoát khỏi địa ngục trần gian. Cái thứ chủ nghĩa mà một vị giáo hoàng của Giáo hội công giáo ngay từ năm 1937 đã gọi “tự bản chất là đồi bại”, nay chẳng còn một ma nào, kể cả những tên cộng sản đầu sỏ nhứt, tin như một giáo điều nữa. Còn lại từ cái chủ nghĩa đã “ ám hại” đất nước từ bao nhiêu năm qua ấy, giờ đây chỉ là những thứ nọc độc của Quỉ Ma như hận thù, ích kỷ, tham lam, dối trá, độc ác, vô cảm…Mà Ma Quỉ thì ở khắp mọi nơi, ở đâu mà không có nọc độc của nó. Ngày nay, tôi không còn sợ cái thằng Quỉ đen thui lui, có sừng có đuôi trong bức ảnh “chết dữ” ngày xưa nữa. Tôi chỉ sợ mình vướng phải những nọc độc của nó. Cho nên mỗi ngày tôi đều cầu xin với Chúa: “Xin cứu chúng con cho khỏi Ác thần.”




Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Đi tìm bậc anh hùng


Chu Thập
10.4.15

Nghe chuyện tượng đài  “Mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ” vừa được khánh thành tại tỉnh Quảng Nam dạo cuối tháng 3 vừa qua, nhân dp tỉnh này kỷ niệm đúng 40 năm ngày được “giải phóng”, tôi liền vào Google để tìm hiểu về bà mẹ anh hùng này.  “Bách khoa toàn thư mở” (Wikipedia) của Việt Nam ghi lại vài nét về “bà mẹ anh hùng” này như sau: Sinh năm 1904 tại thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Thứ là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhứt trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ kéo dài gần 30 năm, từ 1948 đến 1975. Chính vì vậy mà bà Thứ trở thành “bà mẹ Việt Nam anh hùng” tiêu biểu, được lấy làm nguyên mẫu để xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Bà qua đời ngày 10 tháng 12 năm 2010 tại Đà Nẵng.
Về chuyện người đàn bà này được chọn làm nguyên mẫu để xây tượng đài lớn nhứt Đông Nam Á, cũng “Bách khoa toàn thư mở” của Việt Nam cho biết chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định đưa công trình tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng vào danh sách các công trình văn hóa cấp quốc gia với kinh phí lên đến trên 400 trăm tỷ đồng Việt Nam. Với một kinh phí quá lớn như thế cho nên ông Phạm Trung, Trưởng ban Mỹ Thuật hiện đại đã phải thốt lên: “Xây dựng tượng đài hoành tráng cũng như nhà nghèo nuôi voi chơi”. Riêng bà Lê Thị Trí, con gái của bà Nguyễn Thị Thứ, nay đã 80 tuổi, cũng là “mẹ anh hùng”, đã nói: “Ban đầu khi nghe tỉnh chọn hình ảnh mẹ tôi làm mẫu để xây dựng tượng đài, tôi xúc động lắm. Nhưng mà bây giờ xây tượng đài tốn nhiều quá, nơi chín suối chắc mẹ tôi cũng không vui”. “Mẹ Việt Nam anh hùng” vui sao được khi tỉnh Quảng Nam của mẹ vẫn còn nghèo và còn nhiều trường hợp trẻ em đi học không có cầu phải lội qua sông. “Bách khoa toàn thư mở” của Việt Nam còn cho biết: theo một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng của báo VnExpress, chỉ có 5 phần trăm ý kiến cho là “nên làm” tượng đài, 52 phần trăm chống lại dự án, số khác đề nghị “nên làm” nhưng ít tốn kém hơn. Vậy mà cuối cùng, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dự án tượng đài lớn nhứt cả nước và lớn nhứt trong toàn vùng Đông Nam Á vẫn được tiến hành và hoàn thành. Có hai chi tiết rất ý nghĩa được “Bách khoa toàn thư mở” ghi nhận ở cuối bài như sau: “Rất nhiều bài thơ được khắc trên bia đá trong khu vực tượng đài sai chính tả. Sau khi khánh thành một tuần, phần nền gạch trước mặt tượng đài đã bị bong tróc, vỡ vụn”.
Không biết, ông thủ tướng đã vào bưng lúc chỉ mới 12 tuổi nghĩ gì trong đầu khi chỉ đạo xây dựng tượng đài lớn nhứt Đông Nam Á tại một tỉnh nghèo kiết xác nhứt nước này, nhứt là khi ông thú nhận: “Bây giờ chúng ta đứng chót ASEAN (Liên hiệp các nước Đông Nam Á), thậm chí có lĩnh vực còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar...làm sao mà đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”.
Thú thật, tôi không thể hiểu được lý luận của ông thủ tướng này. Có phải vì “đứng chót” ASEAN, mà Việt Nam ta phải “qua mặt” cả khối để xây dựng tượng đài lớn nhứt không?
Mà Việt Nam đâu chỉ muốn “qua mặt” ASEAN về tượng đài “mẹ Việt Nam anh hùng”. Nghe đâu, Việt Nam của ông Nguyễn Tấn Dũng thích “chơi nổi” này còn muốn xây dựng tại Hà Nội một tháp truyền hình cao nhứt thế giới nữa. Ông Nguyễn Thành Lương, phó giám đốc VTV, trưởng ban chuẩn bị dự án xây tháp truyền hình cao nhứt thế giới này giải thích: “Ý nghĩa của tháp truyền hình Việt Nam sẽ là giá trị biểu tượng phát triển kinh tế đất nước, thu hút du lịch...” Từ Ba Lan, tác giả Đinh Minh Đạo đã phải nêu lên câu hỏi: “Chẳng lẽ kinh tế Việt Nam tụt hậu so với Singapore hơn 100 năm, Thái Lan hơn 90 năm, không những chúng ta tụt hậu so với thế giới mà ngay cả đối với các nước trong vùng, lại cần một biểu tượng là ngọn tháp truyền hình cao nhất thế giới? Với cơ sở hạ tầng của Hà Nội, phố xá mất vệ sinh, giao thông đi lại lộn xộn thiếu an toàn, trời mưa là biến thành “Hà Lội”, giá cả phục vụ du lịch tùy tiện lại cần một tháp truyền hình cao nhất thế giới để thu hút khách du lịch” (x.Tính PTrương Cộng Sản, Đàn Chim Việt online 5/4/2015)
Năm 1975, say men chiến thắng đến độ “nói xàm” như người điên với những khẩu hiệu  như “đỉnh cao trí tuệ loài người” , “lương tâm nhân loại” nghe còn tạm hiểu được. Nay sau 40 năm thu tóm đất nước về một mối và gần “bảy mươi năm lẻ” tiến lên xã hội chủ nghĩa mà chẳng “có ra đếch gì” như người dân Hà Nội “tức cảnh” vịnh thơ về bức tượng Lenin, vậy mà vẫn cứ vênh mặt lên để làm đủ trò nhảm nhí.
Tưởng niệm 40 năm ngày Quốc Hận, nhìn về đất nước, dân tộc, quê hương, tôi nhận thấy một trong những đức tính căn bản nhứt để thành công trong cuộc đời, dù trong cuộc sống cá nhân hay sinh hoạt chính trị xã hội, chính là sự khiêm tốn. Đây là đức tính mà người cộng sản không hề có. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đất nước đến chỗ tụt hậu về mọi mặt.
Cho tới nay, nhiều người cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đề cao gương “đạo đức” của ông Hồ Chí Minh và một trong những nét nổi bật trong nhân cách của ông là thái độ khiêm tốn. Trong cuốn tự thuật “Những Mẩu Chuyện về Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch”, với bút hiệu Trần Dân Tiên, chính ông đã tự khen mình: “Một người như Hồ Chủ Tịch của chúng ta, với đức tính khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi nghe bình sinh của Người được?” Trên thế gian này, có nhân vật lịch sử nào khả ố đến độ tự viết tiểu sử của mình và tự đề cao như một con người khiêm tốn không?  Đây chính là tột cùng của sự kiêu căng và dĩ nhiên cũng là tận cùng của sự thui chột nhân cách!
Những người cộng sản Việt Nam đã học đúng sách của ông Hồ Chí Minh về thái độ kiêu căng và thói giả hình ấy. Xây đài tưởng niệm, dựng tượng đài, mua bằng cấp giả, lập thành tích giả, thi đua đạt kỷ lục...tất cả đều là biểu hiện của tính kiêu căng và giả hình ấy. Cái thùng rỗng thì lúc nào cũng kêu to. Đó là chuyện mà ngay cả đứa con nít nào cũng biết! Cách đây mấy năm, về thăm lại quê hương, đi từ Nam ra Bắc, nhìn hai bên đường, tôi thấy nổi bật nhứt là các đồn công an và đủ các bia, tượng và đài kỷ niệm. Những lúc bị tào tháo rượt vì cơm đường cháo chợ, tôi vừa chạy vừa chửi thầm: cái đất nước gì mà tượng đài nhiều hơn nhà vệ sinh!
Tôi tin rằng nếu Việt Nam phải mất 100 năm nữa mới đạt được trình độ phát triển hiện nay của Singapore là vì cái thói kiêu căng và giả hình thâm căn cố đế ấy. Nhân sự ra đi của cố thủ tướng Lý Quang Diệu, vị cha già dân tộc xứng đáng để được mọi người dân Singapore xếp hàng đến cả 7 tiếng đồng hồ để kính viếng và tin đưa, nhiều người đã tự hỏi: Việt Nam đã học được gì từ Singapore? Đúng hơn, phải nói: những người cộng sản Việt Nam đã học được gì từ cố Thủ tướng Lý Quang Diệu?  Dĩ nhiên, cá nhân ông Lý Quang Diệu mới thực sự là một tấm gương đạo đức theo đúng nghĩa để mọi người trên thế giới noi theo, chớ không riêng gì người cộng sn Việt Nam.
Cả đời, tôi chưa hề chạy theo và tôn thờ bất cứ thần tượng nào. Với tôi, ai cũng đều là những con người bất toàn. Nhưng ít nhứt nơi người này người kia, tôi vẫn học được nhiều điều, nhứt là trong cố gắng sống cho ra người tử tế. Về phương diện này, ông Lý Quang Diệu xứng đáng là “thày” của tôi. Nhìn lại những thành đạt cá nhân và những thành tích ông đã làm được để đưa hòn đảo nghèo nàn lạc hậu thuộc thế giới đệ tam lên hàng các nước văn minh tiến bộ nhứt thế giới cũng như điều được gọi là di sản ông để lại cho Singapore và thế giới, tôi đặc biệt chú ý đến “lệnh” của ông là: hãy phá hủy ngôi nhà của ông. Với quyết định này, ông Lý Quang Diệu muốn chứng tỏ rằng trong suốt cuộc đời của ông, ông không bao giờ để cho tệ nạn sùng bái cá nhân chi phối ông. Theo tôi, đây mới là sự khiêm tốn đích thực. Dĩ nhiên, người dân Singapore có quyền và bổn phận phải bày tỏ lòng tri ân và kính mến đối với ông. Lòng biết ơn đối với người quá cố, nhứt là một người đã có công đối với đất nước, là chìa khóa để duy trì lòng yêu nước và là động lực để bảo vệ và củng cố sự phát triển của quốc gia. Nhưng cùng với lòng biết ơn, người dân Singapore cũng sẽ tiếp tục phát huy di sản lớn nhứt mà ông Lý Quang Diệu đã để lại: đó là tinh thần phục vụ vô vị lợi của ông.
Tưởng niệm 40 năm ngày Quốc Hận, tôi không chỉ nhìn lại đất nước, quê hương và dân tộc đang bị đọa đày dưới chế độ cộng sản. Tôi cũng nhìn lại cuộc hành trình của tôi nơi xứ người. Mỗi năm, cứ bước vào Tháng Tư Đen, tôi đều nhìn lại bản thân. Trong các bài học về làm người tôi đã học được, quan trọng nhứt đối với tôi vẫn là tinh thần vị tha và phục vụ vô vị lợi. Nhân cách của tôi có lớn thêm hay không là tùy ở thái độ ấy.
Úc Đại Lợi không phải là đất nước mà cứ ra ngõ là gặp anh hùng như cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của mấy ông cộng sản. Dĩ nhiên, mỗi năm đến ngày Quốc Khánh, cũng có một số người được tuyên dương công trạng vì những đóng góp trổi vượt của họ cho xã hội. Nhưng nhìn chung, ở quốc gia “miệt dưới” này, tôi chẳng bao giờ thấy có hiện tượng thi đua lập thành tích trong bất cứ lãnh vực nào. Dù vậy, cứ ra đường là tôi bắt gặp tấm lòng tử tế được thể hiện qua những cử chỉ rất nhỏ nhặt và âm thầm như một nụ cười thân thiện, một  lời cám ơn, một tiếng xin lỗi, một sự nhường bước...Ở đất nước này, không có những khẩu hiệu đưc giăng mắc khắp nơi để đề cao sự “Vĩ Đại” của ai đó mà những chú bé trong phim “Chuyện tử tế” do đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện hồi năm 1985, bảo là “có nghe nói đến (sự tử tế) nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy”. Ở Úc Đại Lợi thì trái lại, tôi không bao giờ nghe người ta rêu rao về sự “Vĩ Đại”, nhưng tôi lại cảm nhận được sự vĩ đại qua không biết bao nhiêu cử chỉ tử tế mà tôi chứng kiến mỗi ngày.
Với tôi, bất cứ ai làm được những cử chỉ tử tế nhỏ bé ấy đều là “anh hùng”. Họ là thày tôi. Họ chẳng bao giờ mong được đưa lên bệ thờ hay được đúc thành tượng đài. Nhưng họ đã dạy cho tôi bài học lớn nhứt và căn bản nhứt không những trong thuật xử thế, mà còn và trước tiên đối với sự thành toàn nhân cách. Bài học đó là sự khiêm tốn và tinh thần phục vụ vô vị lợi.

Nửa đời người sống ở xứ sở tự do sẽ phí đi nếu tôi không lớn thêm chút nào trong sự quên mình và tinh thần phục vụ vô vị lợi ấy.