Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Bụi Tro Trở Về Tro Bụi



                                                                               Chu Thập
Mùa Chay 2011


Thể thao cũng giống như ẩm thực. Trong ăn uống, mình thích món này, nhưng lại không ưa món khác. Về thể thao, mình có thể say mê môn này nhưng lại chê môn khác. Sở thích cũng như văn hóa ảnh hưởng đến khẩu vị và chọn lựa của mỗi người. Người dân cựu thuộc địa của Pháp thích bóng đá và chuộng bánh mì Tây. Người dân trong khối Thịnh Vượng Chung của Anh thì dĩ nhiên chỉ  ưa cricket và quen với bánh sandwich.
Tôi có thể thích nghi với mọi món ăn. Nhưng trong thể thao, có những môn tôi không thể “nuốt” được. Tôi có một kinh nghiệm “bi đát” về môn Golf. Đó là năm cuối của bậc trung học khi tôi theo học tại Đà lạt, thành phố mộng mơ mà trước năm 75 ai cũng mong được một lần đến thăm viếng. Với khí hậu ôn đới và với núi rừng trùng điệp, chỗ nào của thành phố này cũng là “danh lam thắng cảnh” đối với đôi mắt  nai vàng  ngơ ngác của một cậu học sinh nhà quê như tôi. Nhưng nơi mà những ngày nghỉ tôi thường đến nhứt là “Đồi Cù” nằm bên cạnh bờ hồ Xuân Hương. Được gọi là “đồi cù” vì đây là sân Golf, môn thể thao mà tôi chỉ biết được khi lên Đà Lạt. Lần đầu tiên khi thấy cái cảnh những người nhà giàu cầm gậy đánh banh, bên cạnh họ có cả một đoàn người “hầu hạ” mang bị chuyên đi lượm banh, máu “cách mạng” liền sôi sục khiến tôi nổi giận thốt lên với các bạn: “Đã chơi thể thao mà còn có người hầu hạ thì còn gì là thể thao nữa.” Để gọi là “trả thù”, bọn thanh niên chúng tôi chẳng biết làm gì hơn là bắt chước các đôi tình nhân, ngồi nép dưới mấy gốc thông, chờ cho trái banh cù rơi xuống là lượm cho vào túi hoặc ném đi một nơi khác cho bõ ghét. Chỉ tội cho mấy người đi theo hầu những tay thể thao “trưởng giả”, tìm mãi mà chẳng thấy trái banh cù đâu cả!
Tôi không những không ưa mà còn “ghét” cái môn thể thao ấy. Tôi còn nhớ: khi nhà độc tài quân phiệt Than Shwe của Miến điện sang thăm Phi luật tân và được nước chủ nhà “đãi” cho một chầu chơi Golf,  một ký giả nào đó đã viết rằng “không có một nhà độc tài nào có  thể chơi Golf với một lương tâm yên ổn”. Điều này thì chắc chắn đúng cho giới lãnh đạo và các nhà tư bản đỏ hiện nay tại Việt nam. Cách đây không lâu, tôi lại nhìn thấy cái cảnh bất công ấy trong một chương trình du lịch ẩm thực của Luke Nguyễn được chiếu trên đài SBS: vẫn cái cảnh bao nhiêu đất đai canh tác của người dân nghèo biến thành sân Golf và những nhà thể thao “trưởng giả” ăn mặc bảnh bao được một đám người nghèo hầu hạ đi theo bên cạnh để nhặt banh cho.
Cũng may, ở các nước Tây phương, tôi không còn thấy cái cảnh chơi thể thao trưởng giả ấy nữa: ai chơi thì chịu khó mà đi lượm banh chứ chẳng có ai đi hầu hạ mình cả. Dù vậy, cho dẫu cả thế giới có ngưỡng mộ tài nghệ của Tiger Woods đến đâu đi nữa, thì  cái ác cảm ban đầu của tôi đối với môn thể thao này cũng vẫn còn đó.
Ý thức về công bình khiến tôi “ghét” cái môn “banh cù” đã đành, mà sự thiếu hiểu biết về thể thao cũng làm cho tôi có thành kiến về một số môn khác. Một cách đặc biệt tôi không thể nào “thích” được cái môn Cricket mà người Úc đang say mê như điếu đổ. Ngày nào, tôi cũng theo dõi tin tức về thể thao trên truyền hình. Nhưng hễ đến cái mục “Cricket” là tôi muốn đóng máy lại. Đúng là “vô tri bất mộ”. Để tỏ ra “thức thời” và sành điệu như mọi người Úc, tôi cũng đã bỏ ra không biết bao nhiêu giờ để xem các trận đấu. Tôi cũng đã nhờ bao nhiêu người giảng giải tường tận cho tôi về cách chơi và luật chơi của bộ môn này. Nhưng với cái đầu có sạn của tôi thì nhà chuyên môn nào của cricket cũng đành chịu thua. Cho tới giờ phút này, tôi cũng vẫn mãi mãi là một tên “ngoại đạo” đối với bộ môn này. Không những tôi thấy cái môn thể thao này “boring”, nó còn làm cho tôi “bực mình” là khác. Nhứt là cuối năm vừa qua khi diễn ra cái giải “Ashes” giữa Anh và Úc nghe chẳng giống ai cả. Ngày nào tôi cũng bị bắt buộc phải theo dõi và chẳng hiểu gì về các trận đấu. Lại thêm cái tiếng Anh khập khiễng của tôi nữa. Đúng hơn, cái tiếng Anh của người Úc cũng chẳng giống ai. Ngoài cái giọng “oi oi” lại còn có những tiếng chẳng có trong tự điển. Hồi mới đến trại tỵ nạn, tôi nghe người ta gọi một số phụ nữ Úc “cao lớn” làm việc trong các bệnh xá là “sister”. Tôi cứ nghĩ đây là một từ tương đương với hai tiếng “ma xơ” dễ thương của người Việt nam để chỉ các nữ tu công giáo. Thì ra, cách đây 30 năm về trước, người dân Úc vẫn còn gọi các nữ y tá là “sister”. Cũng về y tế, người Úc gọi phòng mổ là “theatre” khiến cho báo chí ở Việt nam bé cái lầm, cứ đụng tới chuyện giải phẫu ở Úc là  nói đến “hí viện trong nhà thương”. Còn có một từ khác mà lúc mới đến Úc, tôi chẳng hiểu ra làm sao cả: ngày 26 tháng 12 được gọi là ngày “Boxing Day”. Với cái đầu thường bị “điều kiện hóa” bởi thể thao, tôi liền liên tưởng đến cái môn quyền Anh mà tôi cũng chẳng ưa thích được vì nó dã man còn hơn cả môn đá gà của người Việt nam, người Phi luật tân hay người Châu mỹ Latinh. Cũng may, tôi chưa từng dịch từ “boxing day” cho ai nghe cả chứ báo chí ở trong nước thì đã nhanh nhẩu rồi. Thiệt là quê độ!
Bây giờ đến cái chữ “Ashes” trong các trận thi đấu Cricket kéo dài hàng tháng giữa Anh và Úc. Cũng may, thời buổi “a còng” này, chuyện gì cũng có thể hỏi ông “Google” được. Sợ người ta cười vì sự dốt nát của mình, cho nên tôi đã âm thầm gõ chữ “Ashes” vào Google.  
Ông thày Google giải thích cho tôi như thế này: “Ashes” là tên của một loạt trận thi đấu Cricket giữa Anh và Úc. Đây là trận thi đấu quốc tế Cricket  nổi tiếng nhứt có từ năm 1882. Hiện nay, các trận thi đấu này diễn ra hai năm một lần, hoặc tại Vương quốc Anh hoặc tại xứ Úc miệt dưới.
Sở dĩ các trận đấu được gọi là “Ashes” tức “tro bụi” là do một bản cáo phó đầy châm biếm được đăng trên báo “The Sporting Times” xuất bản tại Anh quốc năm 1882. Sau một trận đấu tại sân “The Oval” trong đó lần đầu tiên Úc đánh bại Anh ngay trên sân nhà của Anh, Báo “The Sporting Times”  cho đăng một bản cáo phó với nội dung như sau:  “môn Cricket của Anh đã chết và thi hài sẽ được hỏa táng và tro cốt sẽ được mang về Úc”. Sau đó, báo chí Anh gọi chuyến thi đấu của Anh tại Úc là chuyến đi giành lại tro cốt. Nhân dịp này, một nhóm phụ nữ tại Melbourne đã trao cho thủ quân Ivo Bligh của Anh một bình đất nung trong đó có chứa đựng “tro” của một mảnh gỗ Cricket bị đốt. Kể từ đó, các trận thi đấu giữa hai nước đều gọi là “Ashes”.
Thật ra, cái bình đựng tro này không phải là một chiếc “cup” mà chỉ tượng trưng cho sự chiến thắng. Đội nào thắng sẽ giữ cái bình tro này và đội kia cố gắng giành lại cái bình ấy. Nhưng dù có giải thích như thế nào đi nữa, “Ashes” (tro bụi) vẫn là cái thứ mà hai đội tuyển Criclet Anh và Úc cố tranh cho bằng được trong các trận thi đấu 2 năm một lần này. Tự nhiên, tôi lại nghĩ đến cách suy nghĩ rất dễ thương của mấy cụ bà nhà quê khi nhìn một trận đấu bóng đá: tại sao không phát cho mỗi người một trái banh để họ khỏi nhọc công tranh giành một trái như thế?
Nghe thì buồn cười, nhưng ngẫm nghĩ thấy cũng có cái lý thâm sâu của nó. Phải chăng trong cuộc đời ô trọc này, lắm khi người ta lại chẳng tranh nhau “từ chết đến bị thương” vì những thứ phù phiếm?
Ý nghĩ này thường đến với tôi mỗi khi tham dự một nghi lễ an táng trong đó vị linh mục hay mục sư của Kitô giáo thường đọc cái công thức quen thuộc “Ashes to ashes” (Bụi tro trở về tro bụi) khi cho hạ quan tài xuống lòng đất. Cứ nghe văng vẳng bên tai câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”.  Năm nay, vào ngày 9 tháng 3, ngày mà Giáo hội công giáo gọi là Thứ Tư Lễ Tro bắt đầu Mùa Chay kéo dài 5 tuần lễ, ý nghĩ ấy cũng trở về với tôi, khi tôi đón nhận một chút tro được rắc trên đầu. Câu hát quen thuộc “người ơi, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro” nghe não nuột, nhưng lại nhắc nhở tôi cái chân lý sâu xa về kiếp người.
Là một tín hữu Kitô, tôi được học biết rằng tro bụi, trong các tôn giáo cổ xưa như Do thái giáo chẳng hạn, tượng trưng cho tội lỗi và kiếp sống mong manh của con người. Theo truyền thống Do thái giáo, trái tim của người tội lỗi cũng giống như tro bụi. Kẻ gian ác sẽ bị người công chính chà đạp dưới chân như tro bụi. Do đó, thời xa xưa, khi ngồi trên tro bụi hay trét tro bụi vào người, người Do thái muốn công khai xưng thú rằng mình là một người tội lỗi. Theo truyền thống ấy, Kitô giáo cũng nhìn nhận tro bụi như biểu trưng của tội lỗi và tính cách mong manh của kiếp người.
Nhưng dù hiểu như thế nào đi nữa, tro bụi cũng đều gợi lên sự mong manh, chóng qua và mỏng dòn của cuộc sống con người. Mọi sự đều qua đi như tro bụi. Của cải, quyền lực, tiền bạc, danh vọng, thành đạt, thất bại…tất cả đều đến rồi đi. Mọi sự đều có một khởi đầu và một kết thúc. Mỗi một kinh nghiệm tôi có rồi cũng qua đi. Mỗi ý nghĩ tôi có đều khởi sự và cũng biến mất. Mỗi sự nghiệp tôi đổ mồ hôi, xót con mắt để có rồi cũng có ngày chấm dứt. Mỗi cảm xúc tôi trải nghiệm cũng đều như lớp sóng vỗ vào bờ. Vui tươi, phấn khởi, hạnh phúc, buồn khổ, ganh tỵ, thất vọng, trầm cảm, giận dữ, yêu thương, tủi hổ, hãnh diện…tất cả những cảm xúc ấy cũng đến, ở lại trong tôi một thời gian rồi cũng tan thành mây khói. Khi tôi trở thành tro bụi thì tất cả những gì thuộc về tôi cũng thành tro bụi. Tiền tỷ tôi có trong ngân hàng cũng chỉ là tro bụi, bởi lẽ một khi tôi trở thành tro bụi nó cũng chẳng còn bám được vào tôi  một mẩy may nào. Ngay cả những bất động sản tôi chiếm hữu được xét cho cùng cũng chỉ là tro bụi đối với một kẻ trắng tay nằm trơ trơ trong ba tấc đất.
Không cần phải đợi một trăm năm sau để tự hỏi như cụ Nguyễn Du: liệu có ai còn khóc mình không? Mỗi một tiếng gõ của đồng hồ phải chăng không là hồi chuông báo tử cho từng giây phút, từng cảm nghiệm, từng tình huống của cuộc sống chóng qua này?
Thật ra, ý tưởng này không đến nỗi làm cho tôi bi quan và phó mặc cho dòng đời đưa đẩy. Đến từ tro bụi rồi lại trở về với bụi tro. Nhưng cái khoảng cách thời gian giữa hai lằn mức đó lại là một cái gì đáng nói. Nó có thể thoáng qua như một cơn gió thoảng hay lưu lại dấu ấn muôn đời. Khoảng cách từ tro bụi đến bụi tro của một bậc thánh hiền khác xa với một người gian ác. Mahatma Gandhi cũng đã từng xem cuộc đời này là tro bụi: ông sống tiết dục, ăn uống đạm bạc và ngay cả chay tịnh, phục sức một cách đơn giản hết sức có thể. Ông cũng ngã gục và trở về cát bụi như mọi người. Nhưng tên tuổi của ông vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Ấn độ và trong ký ức của nhân loại như một bậc thánh hiền. Bông hoa của tình thương, sự tha thứ vẫn mãi mãi trổ sinh trên cát bụi cuộc đời của ông. Từ “tro bụi trở về bụi tro” của Gandhi là một nước Ấn độ độc lập và ngày càng tiến bộ.
Những tay tổ Cộng sản như Lênin, Stalin, Mao trạch Đông, Hồ Chí Minh…cũng “từ tro bụi” mà đến, dù xác họ có được ướp và bảo quản một cách tốn kém hay được đặt vào lăng tẩm để kính viếng, thì cũng có khác gì “trở về bụi tro”. Nhưng giữa “Ashes to ashes” họ đã để lại những gì nếu không phải là tang tóc cho hàng trăm triệu con người và hơn hai tỷ người đau khổ gần suốt thế kỷ 20 và những cuộc chiến tranh tàn khốc liên lụy đến cả thế giới?
“Tro bụi trở về bụi tro”. Nhưng nếu được nhớ đến như là hình ảnh của tình thương, của an bình, của nhân ái…thì khi đó con người sinh ra không phải chỉ để chết nhưng để trở thành bất tử.





Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Trừ tịch


Chu Thập
Tết Ất Mùi 2015

Ngày 27 tháng Giêng vừa qua, thế giới kỷ niệm đúng 70 năm ngày trại tập trung Đức quốc xã Auschwitz tại Ba Lan được giải phóng. Từ lúc có trí khôn cho đến nay, ít nhất tôi cũng đã được nhìn thấy một số hình ảnh hoặc nghe những người còn sống sót từ trại Auschwitz trở về kể lại cuộc diệt chủng dã man mà Đức quốc xã đã thực hiện từ đầu năm 1942 đến năm 1944. Đã có ít nhứt 1.1 triệu người bị tàn sát, nhứt là trong các lò hơi ngạt và 90 phần trăm nạn nhân là người Do Thái. Trong trên dưới 6 triệu người Do Thái bị Đức quốc xã tế sát, đã có khoảng một triệu người bị giết tại Auschwitz.
Tôi tin đây là một sự thật lịch sử cũng như tin có những hành động độc ác trong suốt lịch sử con người. Tôi tin có tội ác của một bạo chúa Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên), nhứt là việc ông ra lệnh đốt sách và chôn sống các học giả Trung Hoa. Là một tín hữu Kitô, tôi lại càng tin hơn về việc bạo chúa Nero (37-68 sau Công nguyên) ra lệnh đốt thành La Mã và đổ lỗi cho các tín hữu Kitô tiên khởi để có cớ bách hại họ và sát tế họ bằng những “phát minh” mà có lẽ óc tưởng tượng của loài người không dám nghĩ tới. Sử sách và chứng cớ vẫn còn rành rành ra đó để cho thấy bộ mặt độc ác khó tưởng được của bạo chúa này.
Sử sách và những người còn sống sót từ những cuộc diệt chủng là những chứng từ không thể chối cãi được về sự độc ác của con người. Nếu chính mình được chứng kiến sự độc ác để kể lại cho người khác nghe, tôi nghĩ đó là một sự may mắn. Tôi cho rằng mình là một trong rất nhiều người tỵ nạn Việt Nam có được sự may mắn như thế. Tôi đã chứng kiến tận mắt sự độc ác của người cộng sản. Tôi đã nhìn thấy bộ mặt người của chủ nghĩa đồi bại có tên là cộng sản. Không cần phải đọc văn hào Nga Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008) để biết được tận đáy địa ngục cộng sản trong các quần đảo Gulag. Cũng chẳng cần phải có trong tay cuốn “Hắc thư của chủ nghĩa cộng sản” (Le Livre Noir du Commnisme) do một số cựu đảng viên cộng sản Pháp biên soạn, để hình dung ra những tội ác, sự đàn áp và khủng bố dã man mà các chế độ cộng sản trên khắp thế giới đã thực hiện kể từ năm 1917 cho đến nay. Một người Việt Nam như tôi, đã từng sinh ra và lớn lên trong giai đoạn kể từ khi cộng sản cướp chính quyền, đã từng trải qua chiến tranh do người cộng sản chủ xướng và nhứt là đã sống trong chế độ cộng sản, dù chỉ trong một thời gian tương đối ngắn so với rất nhiều người, vẫn dám vỗ ngực tự hào để nói với thế giới và giới trẻ ngày nay rằng tôi đã “sờ sẫm” được bộ mặt độc ác và dã man của con người được thể hiện trong người cộng sản.
Nhưng về sự tiếp cận với sự độc ác, tôi nghĩ con người thời đại xem ra lại may mắn hơn cha ông của mình nhiều. Với hệ thống thông tin toàn cầu ngày càng tinh vi, với những phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội có trong tầm tay của bất cứ ai đang sống ở bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào trên trái đất này, chỉ trong tích tắc đồng hồ, bất cứ biến cố nào xảy ra trên thế giới, nhứt là những hành vi tội ác, cũng đều được phổ biến. Có cố tình bưng bít như chế độ cộng sản Bắc Hàn, hầu như chuyện thâm cung bí sử và hành động gian ác nào của chế độ cha truyền con nối này cũng đều được phơi bày. Thời buổi này, câu châm ngôn “không có tin tức là tin tốt” (no news good news) xem ra có  giá trị hơn bao giờ hết. Tin tức thường đồng nghĩa với tin xấu, nhứt là khi những kẻ chủ trương gieo rắc khủng bố cố tình sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để phổ biến những hành động tàn ác dã man đến tận cùng của họ.
Thế giới đã một phen rúng động trước cuộc khủng bố mà tổ chức khủng bố Al Qaeda đã thực hiện tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nhưng nếu so với những hình ảnh về chặt đầu và thiêu sống mà tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” đã tung lên các trang mạng xã hội, thì có lẽ cuộc khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 chỉ là một góc tối. Tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” muốn đẩy mạnh cho đến tận cùng của sự độc ác khi cho toàn thế giới nhìn thấy việc họ hành quyết những người vô tội. Không có ngôn ngữ, không có hình dung từ và cũng chẳng có thước nào để đo lường mức độ độc ác của con người nữa. Nếu thực sự có một Hỏa ngục và Hỏa ngục có một tận đáy thì có lẽ không hình ảnh nào rõ nét  cho bằng cảnh chặt đầu và thiêu sống do tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” thực hiện.
Dĩ nhiên, xã hội tục hóa ngày nay không còn muốn sử dụng các ngôn ngữ và hình ảnh của tôn giáo, đặc biệt của Kitô giáo. Hỏa ngục, được các tín hữu Kitô và hầu hết những người có tôn giáo tin như nơi giam giữ ma quỉ và những người làm điều ác, có lẽ chỉ còn có trong các bức tranh thời Trung Cổ hoặc trong óc tưởng tượng của những người thất học. Nhiều tâm lý gia của thời đại còn đi đến chỗ phủ nhận sự hiện hữu khách quan của điều Ác. Một chuyên gia tâm lý nổi tiếng hiện nay là ông William Shakespeare cho rằng “chẳng có gì là thiện và ác cả. Nó chỉ có trong suy nghĩ của con người mà thôi”.
Kỳ thực, thực tế của điều Ác xem ra là điều không thể phủ nhận được. Chúng ta đối đầu với bộ mặt người của điều Ác trong cuộc sống hàng ngày. Giải đáp của một số chuyên gia tâm lý hiện đại vẫn không xoa dịu được nỗi khắc khoải triền miên của con người trước vấn đề sự Dữ, điều Ác.  Sự Dữ, điều Ác từ đâu mà đến? Đó vẫn mãi mãi là một trong những câu hỏi của nhân loại kể từ khi xuất hiện trên trái đất này. Từ thời xa xưa, triết gia Hy Lạp Plato ở thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 4 trước công nguyên, cho rằng sự Dữ, điều Ác được hiểu như sự vắng bóng của điều Thiện. Nhưng thực tế lại cho chúng ta thấy rằng sự Dữ, điều Ác không chỉ đồng nghĩa với vắng bóng của điều Thiện, mà còn là sự hiện diện của sự tàn phá và hủy diệt nữa.
Vào thế kỷ thứ ba sau công nguyên, một nhà tiên tri người Iran tên là Mani đã khởi xướng  chủ thuyết “nhị nguyên” theo đó thế giới này được đặt dưới sự cai trị của hai vị thần: thần thiện và thần ác. Con người luôn bị đặt vào tư thế bị xâu xé giữa hai vị thần ấy. Một số tôn giáo, khi giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của điều Ác, có lẽ cũng ít hay nhiều chịu ảnh hưởng của chủ thuyết nhị nguyên này.
Tôi không phải là một phật tử thuần thành để nói đến giáo lý của Phật Giáo về nguồn gốc của điều Ác. Là một tín hữu Kitô, tôi được dạy rằng ở khởi thủy, ông bà nguyên tổ loài người đã bị ma quỉ cám dỗ, đã sa ngã. Từ đó, tội lỗi và sự Dữ đã đi vào lịch sử con người đến độ nhà tư tưởng lỗi lạc nhất trong lịch sử Kitô giáo là thánh Phaolô, khi  nhìn vào nỗi bất lực ê chề của bản thân, đã phải thốt lên: “Điều Thiện tôi muốn làm, tôi không làm. Còn điều Ác tôi không muốn làm, tôi lại làm”(Rm 7,19).
Dù không muốn chấp nhận một số ý niệm của Kitô giáo như “tội lỗi” hay Ác thần, không ai mà không nhìn nhận rằng sự Dữ, điều Ác là một hiện tượng đang hiện hữu cũng như đã từng hiện hữu trong lịch sử con người và chỉ có trong lịch sử con người. Con người thường xem “thú tính” đồng nghĩa với những gì là thấp hèn nhứt trong con người. Nhưng nơi thú vật, chẳng có gì là đồi bại, thấp hèn hay xấu xa, ác độc cả. Thú vật cắn xé nhau, nhưng đây lại không phải là một hành vi độc ác vì chúng chỉ thực hiện như một bản năng sống còn. Sự Dữ, điều Ác chỉ có trong thế giới loài người. Nó hiển nhiên và phổ cập đến độ không có bất cứ hình thức tôn giáo, đạo đức hoặc cộng đồng nào mà không xem đó như một thực tế quan trọng. Và dĩ nhiên, khi sự Dữ, điều Ác trở thành một ý thức hệ làm nền tảng cho chủ trương tiêu diệt người đồng loại một cách có hệ thống, nó trở thành một thứ đế quốc của điều Ác. Cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan (1911-2004) đã gọi đích danh Liên Xô là Đế Quốc của sự Dữ (Evil Empire). Còn tổng thống George W.Bush, sau khi xảy ra cuộc khủng bố 11/9/2001,  thì gọi ba nước Iran, Iraq và Bắc Hàn là “Trục của sự Dữ” (Axis of Evil). Ông tổng thống xuất thân từ tiểu bang “cao bồi” Texas này tưởng mình được Thượng Đế ủy thác cho sứ mệnh phải bằng mọi giá tiêu diệt cái “Trục của sự Dữ” này. Hai năm sau cuộc khủng bố, Hoa Kỳ đã hạ bệ được tổng thống Saddam Hussein của Iraq và 10 năm sau cuộc khủng bố, Osama Bin Laden, biểu tượng đương thời của sự Dữ, cũng đã bị giết chết. Nhưng qua tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”, bộ mặt của sự Dữ lại càng tỏ ra hung tợn hơn và hầu như không thể tiêu diệt được.
Bên cạnh câu hỏi nghìn đời “Sự Dữ từ đâu đến?” con người cũng không ngừng đi tìm một giải pháp để tiêu diệt hay chống lại sự Dữ. Sau khi tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” thiêu sống một viên phi công bị họ bắt làm con tin, vương quốc Jordan đã thề thốt sẽ trả đũa một cách “long trời lở đất”. Luật “mắt đền mắt răng thế răng” của Do Thái giáo và Hồi giáo, vẫn được nhiều quốc gia và cá nhân xem như biện pháp hữu hiệu nhứt để đối phó với sự Dữ. Nhưng kinh nghiệm luôn cho thấy, lấy sự Dữ để đáp trả lại sự Dữ có khi giúp giải quyết được vấn đề, nhưng cũng thường dẫn đến những hậu quả khó lường trước được bởi vì bạo động lúc nào cũng làm phát sinh bạo động. Có phải vì vậy mà mới đây, sau khi đã hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình tại Ukraine, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ không nên châm thêm dầu vào lò lửa chiến tranh tại nước này chăng?
Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Suy nghĩ về thực tế của sự Dữ, điều Ác trên thế giới và trong cuộc sống con người, tôi liên tưởng đến đêm giao thừa, “trừ tịch” (trừ: đã qua; tịch: đêm). Đã từ lâu tôi không còn thói quen đi dự lễ giao thừa ở bất cứ nhà thờ nào. Thật ra, với tôi ngày Tết cũng chỉ còn là một ngày như mọi ngày mà thôi. Có khác chăng là ít nhứt tôi vẫn còn cố gắng sống cho bằng được ý nghĩa đích thực của thời khắc “giao thừa”, tức giây phút “bàn giao” giữa năm cũ và năm mới. Trong giây phút linh thiêng ấy, tiếng pháo nổ đì đùng một thời nhắc nhở tôi rằng cần phải xua đuổi bóng tối của sự Dữ và khử trừ Ác thần ra khỏi bản thân của tôi. Tết Nguyên Đán chỉ thực sự có ý nghĩa và thời gian trước mặt chỉ có giá trị nếu tôi biết cố gắng chiến đấu chống lại sự Dữ trong chính con người của tôi. Sự Dữ không chỉ hiện hữu ở đâu đó ở Trung Đông, trong bộ mặt độc ác của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”, ở Ukraine hay ở bất cứ nơi nào đang có chiến tranh. Nó đang thực sự ẩn hiện trong chính con người của tôi. Tôi chưa làm gì được để xây dựng hòa bình thế giới. Nhưng ít nhứt, tôi tin rằng mỗi lần tôi cố gắng chống lại sức mạnh của sự Dữ mà cụ thể là ích kỷ và hận thù trong tôi,  tôi luôn có được cái tâm an bình và như vậy cũng mang lại bình an cho người khác.





Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Mùa Xuân Đầu Tiên




Chu Thập
Xuân 2015

Mỗi dạo cuối năm, tôi thường ngồi xuống tính sổ...đời. Chưa một lần kinh doanh, lại thuộc loại trùm sò có hạng, cho nên tôi thấy “nợ tốt”, “nợ xấu” đều không có trong tự điển của tôi. Ngay cả cái thẻ tín dụng (credit card), từ nhiều năm nay, tôi cũng không còn biết mặt mũi nó ra sao, chớ đừng nói tới chuyện đụng đâu “cà” đó. Thành ra, về chuyện tiền bạc, tôi thấy mình chẳng cần phải bù đầu nhức óc hay động não cho mệt.
Không bận tâm về tiền bạc, của cải vật chất, nhưng tôi thấy mình không thể ăn ngon ngủ yên vì nợ ân tình. Thêm một ngày sống là thêm một nợ ân tình. Tuổi đời càng nhiều, nợ ân tình càng chồng chất. Sau khi đã kết toán, chiết tính và nhìn lại “cân bằng chi thu”, tôi không thể không tự hỏi: cái vốn hạnh phúc của mình hiện đang ở mức nào?
Mỗi lần nghĩ đến cái “vốn” hạnh phúc, tôi không thể không liên tưởng đến vương quốc Bhutan nằm ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi sức mạnh kinh tế của một quốc gia thường được lượng giá dựa trên tổng sản lượng quốc gia, thì tại đây một vị quốc vương đã đưa ra ý niệm “tổng sản lượng hạnh phúc”. Bhutan hẳn không phải là một quốc gia không màng đến tổng sản lượng kinh tế. Nhờ một trong những tài nguyên chính là thủy điện, tổng sản lượng quốc gia của nước này cũng gia tăng nhanh không kém những nước có nền kinh tế đang đi lên khác. Nhưng sở dĩ quốc gia này đặt ý niệm “tổng sản lượng hạnh phúc” lên trên tổng sản lượng quốc gia là bởi vì người dân ở đây biết xem trọng những giá trị tinh thần. Họ không chạy theo những tiện nghi mới, nhứt là trong lãnh vực truyền thông xã hội. Thiên nhiên ở đây lại được tôn trọng và bảo tồn tối đa. Nằm trên dãy Hi Mã Lạp Sơn và với 60 phần trăm diện tích đất nước là những nơi hoang dã chưa có người đặt chân đến, Bhutan hẳn phải có nhiều cảnh thơ mộng khiến cho người dân luôn cảm thấy thoải mái, thư giãn. Theo một cuộc khảo sát, có đến 2 phần 3 người dân Bhutan ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm. Ngủ nghỉ đầy đủ cho nên người Bhutan cảm thấy khỏe khoắn và hạnh phúc là chuyện đương nhiên. Nhưng theo tôi nghĩ, một trong những yếu tố góp phần gia tăng “tổng sản lượng hạnh phúc” của đất nước Bhutan chính là ảnh hưởng của Phật Giáo. Vốn chấp nhận Phật Giáo như quốc giáo, người dân Bhutan luôn biết sống tiết chế và từ bi. Luật nhân quả, cốt lõi của Phật Giáo, luôn thúc đẩy con người sống nhân ái, vị tha và làm việc thiện cho người khác.
Từ quốc gia Nam Á này, tôi đi lần xuống tới Việt Nam, quốc gia duy nhứt trên thế giới đưa hai chữ “hạnh phúc” vào trong tên gọi của đất nước. “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam  Độc lập -Tự do - Hạnh phúc” này có mang lại “hạnh phúc” đích thực cho người dân hay không thì đã rõ. Nhưng tôi không hề ngạc nhiên tại sao hiện nay người Việt Nam tự nhận là những người hạnh phúc nhứt nhì thế giới. Theo một cuộc khảo sát do một Trung tâm nghiên cứu của Mỹ có tên là “Pew Research Center” tiến hành từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 5 tháng 6 vừa qua, người Việt Nam được cho là những người lạc quan và tự nhận là hạnh phúc nhứt thế giới. Theo tôi, lý do thật đơn giản: cả đất nước tự xưng là “hạnh phúc” này chẳng khác nào một thứ nhà tù vĩ đại; có được ra khỏi nhà tù nhỏ là chỉ để bị giam vào trong nhà tù lớn. Những người đang ở trong nhà tù lớn hẳn phải cảm thấy hạnh phúc hơn những người đang bị nhốt trong nhà tù nhỏ. Nhưng cái nồi áp xuất cao có lẽ là hình ảnh chính xác hơn để nói về đất nước tự xưng là “hạnh phúc” này. Bị đè ở tận đáy nồi, nay được ngoi lên trên mặt để thở, dù phải đạp lên đầu lên cổ người khác, ai mà chẳng cảm thấy được thoải mái và hạnh phúc hơn. Mấy chục năm bị kìm kẹp, nay được một chút tự do để “làm ăn”, để đi đây đi đó, để mở miệng nói lên đôi điều mà trước kia mình phải giữ riêng trong lòng, người Việt Nam nào mà chẳng cảm thấy “hạnh phúc” hơn.
Niềm hạnh phúc hiện nay của người Việt xã hội chủ nghĩa giúp tôi xác tín rằng hạnh phúc chỉ là một ý niệm tương đối. Theo ý nghĩa ấy, có thể hiện nay tôi hạnh phúc hơn trước kia hay ngược lại. Và cũng theo ý nghĩa ấy, tôi hạnh phúc là bởi thấy mình được “hơn” người khác. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được sinh ra trong một đất nước giàu mạnh hơn người khác, không có chiến tranh lại không bị cai trị bởi một chế độ độc tài như người khác. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì giàu có hơn người khác, vì có ngôi nhà đẹp hơn người khác, vì có chiếc xe đắt tiền hơn người khác, vì có vợ đẹp con khôn hơn người khác, vì có thân hình tráng kiện hay bốc lửa hơn người khác, vì có học vị và địa vị cao hơn người khác...Cứ có dịp so sánh và thấy mình hơn người khác là tôi thấy hạnh phúc. Ngay cả một thứ sinh hoạt giải trí rất lành mạnh là câu cá cũng khiến cho tôi cảm thấy hạnh phúc hơn mỗi khi tôi kéo được nhiều cá hơn người khác. Nói cho cùng, tôi cảm thấy hạnh phúc chỉ vì cảm thấy “hơn” người ở bất cứ một khía cạnh nào đó. Đây là thứ hạnh phúc mà tôi thường cảm nhận được mỗi khi nhìn ngang liếc dọc. Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì hơn cả khối người. Đó là thứ hạnh phúc của “thằng chột được làm vua giữa xứ mù”. Đây có thể là quan niệm rất thịnh hành của con người thời đại. Xem ra càng văn minh tiến bộ, con người càng ganh đua và loại trừ người khác. “Nổi tiếng”, tức được nhiều người biết đến, là tên gọi khác của một thứ hạnh phúc khiến cho nhiều người cứ phải miệt mài chạy đua để được hơn người. Nhưng đó cũng là thứ hạnh phúc khiến cho con người thời đại bị căng thẳng, trầm cảm đến độ có khi  phải đi tìm cái chết.
Đây có thể là thứ hạnh phúc mà mỗi lần tính sổ đời vào dịp cuối năm, tôi thấy mình cũng đã từng chạy theo đến bở hơi tai. Nhưng càng chạy theo thì hạnh phúc vì hơn người chẳng khác nào một cái bóng luôn vượt khỏi tầm tay của tôi. Nhìn lại một năm săn đuổi thứ hạnh phúc ấy, tôi mới thấy mình trắng tay và dại khờ.
Bí quyết để được hạnh phúc, như các “đạo sĩ” trong tâm lý học chỉ ra, thường lại rất đơn giản. Một số “đạo sĩ” mách bảo tôi rằng chỉ cần “cố gắng” tưởng nghĩ mình đang hạnh phúc, thì dù có thua kém người khác bao nhiêu, tôi cũng có thể thực sự cảm thấy hạnh phúc. Đây là kết quả của những cuộc nghiên cứu được phổ biến mới đây trên báo “The Journal of Positive Psychology” (Tập san Tâm lý Tích cực).
Giáo sư Yuna L. Ferguson thuộc trường Knox College và giáo sư Kennon M.Sheldon thuộc trường đại học Missouri, Hoa Kỳ, đã thực hiện hai cuộc thí nghiệm mà kết quả đã khẳng định lời khuyên trên đây. Trong cuộc thí nghiệm đầu tiên, người ta mời 167 sinh viên lắng nghe ca khúc có tựa đề “Rodeo” của nhạc sĩ Aaron Copland. Đây là một ca khúc có lời lẽ kêu gọi sống “hạnh phúc”. Sau đó các sinh viên được chia thành 2 nhóm: một nhóm được hướng dẫn để cố gắng cảm thấy thực sự hạnh phúc hơn; nhóm khác được yêu cầu tránh bất cứ cố gắng nào để thư giãn, nhưng ngược lại chỉ ngồi thụ động để lắng nghe những phản ứng tự nhiên của mình.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng nhóm sinh viên được chỉ dẫn phải cố gắng cảm thấy như mình thực sự đang hạnh phúc, cảm thấy hưng phấn hơn sau khi lắng nghe bản nhạc. Theo các nhà nghiên cứu, điều này chứng tỏ rằng hạnh phúc nằm trong trái tim của mỗi người. Để được hạnh phúc, con người phải cố gắng cảm nhận mình đang thực sự hạnh phúc.
Cuộc nghiên cứu thứ hai của hai giáo sư Ferguson và Sheldon được thực hiện với sự tham gia của 68 sinh viên và kéo dài trong 2 tuần lễ. Cũng giống như trong cuộc nghiên cứu thứ nhứt, các sinh viên cũng được chia thành hai nhóm: một nhóm được khuyến khích cố gắng cảm thấy mình đang hạnh phúc, một nhóm chỉ ngồi nghe nhạc một cách thụ động. Cuộc thí nghiệm cũng mang đến một kết quả tương tự: những người cố gắng tập trung vào việc cảm thấy hạnh phúc đều tỏ ra hưng phấn hơn những người khác.
Hai cuộc thí nghiệm trên đây làm cho tôi nhớ lại bài ca sinh hoạt của các hội đoàn thiếu nhi khi tôi còn nhỏ. Bài ca đơn sơ không ngừng nhắc nhở trẻ con: “Con chim vàng bay trên cành, đời mà vui sướng là do chúng ta”. Bí quyết của hạnh phúc thật đơn giản: một đầu óc tích cực, một trái tim vui tươi lúc nào cũng mang lại hạnh phúc cho con người.
Mới đây, giáo sư Antony Grant, giám đốc trung tâm “Coaching Psychology” (tâm lý hướng dẫn) thuộc trường đại học Sydney, cũng đã tìm hiểu điều gì mang lại hạnh phúc cho con người trong loạt chương trình có tựa đề “Making Australia Happy” (Làm cho Úc Đại Lợi được hạnh phúc) được chiếu trên đài ABC. Những nhà làm phim đưa 8 người vào một khu phố trong nội thành Sydney. Tại đây, trong 8 ngày liền, họ được hướng dẫn thực hành điều được gọi là “tâm lý tích cực”. Chẳng hạn, họ được yêu cầu làm một số việc như: viết tiểu sử để được đọc trong đám tang của chính mình, bày tỏ lòng biết ơn với những người đã giúp đỡ mình và chữa trị những vết thương bằng cách viết thư nói lên quyết tâm tha thứ với những người đã từng làm cho mình bị tổn thương. Họ cũng được hướng dẫn ăn uống một cách lành mạnh.
Những nhà nghiên cứu đã đo não bộ của những người tham gia cuộc nghiên cứu và những thay đổi sinh lý của họ. Kết quả cho thấy các sinh hoạt trong 8 ngày đã ảnh hưởng tích cực đến não bộ và hoạt động của các kích thích tố.
Giáo sư Grant giải thích rằng một khi con người tập suy nghĩ một cách tích cực và xây dựng, các kỹ năng của họ được phát triển.
Bà Dianne Vella-Brodrick, giáo sư phụ khảo tại Trung tâm “Positive Psychology” thuộc trường đại học Melbourne, cũng đồng một quan điểm như thế. Theo bà, thay vì tập trung vào những triệu chứng, rủi ro, yếu đuối và những điều đáng tiếc, hãy nhấn mạnh đến sức mạnh,  tiềm năng, các giá trị và những niềm hy vọng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống con người.
Với phương pháp “tự kỷ ám thị” trên đây, giáo sư Grant khuyên nên làm điều mà tôi vẫn làm vào dịp cuối năm: đó là nhìn lại một năm qua và lượng giá cuộc sống của mình. Tôi có thực sự hạnh phúc không và tôi cần phải làm gì để thực sự cảm nhận được hạnh phúc?
Kế đó, ông khuyến khích gia tăng tinh thần trách nhiệm cá nhân. Không gì dễ cho bằng đổ lỗi cho người khác và xã hội về những khó khăn và tâm trạng không hạnh phúc của mình. Trái với thái độ ấy, hãy nhìn nhận những thiếu sót và khuyết điểm của mình và cố gắng thay đổi những điều đó.
Cuối cùng, theo giáo sư Grant, cần phải vạch ra những mục tiêu rõ ràng và phù hợp với những giá trị mà mình hằng trân quý và đeo đuổi những mục tiêu ấy bằng những bước nhỏ. Những bước nhỏ cụ thể mà giáo sư Grant gợi ý là: hãy làm những việc nhỏ cho người khác mà không mong được đền đáp như bày tỏ lòng biết ơn, nhường đường cho người khác khi lái xe, tỏ ra lịch sự và biết ơn với những người phục vụ trong các tiệm ăn...
Lần mò theo dấu chân của các “đạo sĩ” của tâm lý học để đi tìm một bí quyết đơn giản về hạnh phúc, tôi nhận thấy cái cốt lõi của bí quyết ấy vẫn là tấm lòng vị tha. Nghịch lý lớn nhứt của hạnh phúc vẫn là: càng đi tìm kiếm bản thân, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng vì người khác mà quên mình, con người sẽ tìm gặp bản thân và niềm hạnh phúc đích thực.
Vị tha, nghĩa là luôn biết tưởng nghĩ đến người khác và đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình, chính là bí quyết và bước quyết liệt đầu tiên trong việc đi tìm kiếm hạnh phúc. Tôi tin chắc rằng tất cả những ai biết sống vị tha đều cảm nhận được thế nào là hạnh phúc thực sự.
Tôi đã đọc được bí quyết trên đây qua câu chuyện của một người Hong Kong rất tích cực trong cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ vừa qua. Bên cạnh các lãnh tụ sinh viên, thế giới cũng nghe nói đến tên tuổi của ông Benny Tsang, 42 tuổi, một trong những người lãnh đạo phong trào “Chiếm Trung Tâm” ở Hong Kong. Nhà thiết kế nội thất giàu có này cũng là một người làm từ thiện nổi tiếng. Kể từ năm 2011, ông đã tổ chức rất nhiều đợt đi thăm và tặng quà cho người nghèo, người già neo đơn và người vô gia cư tại cựu thuốc địa Anh này. Điều nổi bật trong phong cách làm từ thiện của ông là không bao giờ sử dụng những từ như “làm phước, từ thiện” và nhứt là “bố thí”. Theo ông, những thuật ngữ “nhà đạo” này có thể tạo ra hố ngăn cách giữa người với người và gợi lên sự phân chia giai cấp. Ông giải thích: “Chúng tôi có những “người bạn” và chúng tôi đi thăm họ. Chỉ  đơn giản thế thôi”.
Theo đề nghị của ông, những ai muốn gia nhập tổ chức của ông để đi mua sắm quà cáp cho những “người bạn” nói trên nên tránh các siêu thị lớn, mà hãy vào các tiệm tạp hóa hoặc sạp tiểu thương, bởi vì đây là những cơ sở buôn bán thường bị bắt chẹt nhứt. Nhưng quan trọng hơn, khi vào các sạp tiểu thương này, nên tránh kỳ kèo trả giá, mà hãy tận dụng cơ hội để hỏi thăm, trò chuyện với các chủ nhân. Đây cũng là thái độ phải có đối với những “người bạn” nghèo.
Theo nhận xét của ông Tsang, xã hội ngày nay ngày càng xem trọng đồng tiền và coi thường các giá trị nhân bản. Chính vì thế mà con người thời đại ngày càng tỏ ra vô cảm. Họ chỉ biết chà đạp lên nhau để sống. Ông thú nhận rằng mình cũng đã từng sống vô cảm như thế.
Theo kinh nghiệm được ông kể lại, cách đây 4 năm, nhân sinh nhựt của ông, vợ chồng ông đi xem xi nê. Vào đến trung tâm thành phố, ông thấy hàng ngàn sinh viên đang biểu tình. Họ biểu tình để phản đối dự án xây đường cao tốc từ Quảng Châu đến Hong Kong. Mặc dù ngốn đến 65 tỷ tiền thuế của người dân Hong Kong, nhưng dự án này không mang lại lợi ích nào cho người dân ở đây, mà chỉ giúp người dân đại lục sang Hong Kong dễ dàng hơn mà thôi.
Nhìn thấy hàng ngàn người trẻ tham gia biểu tình trong trật tự và thinh lặng, cứ mỗi 26 bước lại quỳ rạp xuống theo kiểu “tam bộ nhứt bái” (cứ ba bước bái một cái), ông đã vỡ òa xúc động. Ông tự hỏi: “Tại sao còn trẻ mà họ đã biết suy nghĩ một cách sâu sắc như thế?”  Kể từ hôm đó, tỷ phú Benny Tsang đã hoàn toàn thay đổi cách sống của mình. Ông nghĩ đến mọi người xung quanh nhiều hơn cũng như quan tâm đến các vấn đề xã hội nhiều hơn. Và đây chính là động lực thúc đẩy ông lăn xả vào công cuộc từ thiện.
Tỷ phú đã từng là một người “vô cảm” nói một câu đáng suy nghĩ: “Thời buổi này, suy nghĩ như tôi là thiểu số. Nhưng bản thân tôi, tôi yêu thích những gì tôi đang làm và cuộc sống của tôi hiện giờ rất đẹp”.
Sống “cuộc sống đẹp” và có ý nghĩa như ông Tsang hiện nay chắc chắn phải là bí quyết mang lại hạnh phúc cho ông.
Ở cuối năm, khi ngồi xuống lượng giá cái “vốn” hạnh phúc của mình, tôi cũng nghe văng vẳng bên tai ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao mà cụ Trần Đĩnh có nhắc đến trong hồi ký Đèn Cù. Ca khúc này đã được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976), tức một năm sau điều được gọi là “thống nhất đất nước”. Nhưng chỉ vì có những câu như: “Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người”, mà ca khúc đã bị những kẻ xem “quê hương và dân tộc” như kẻ thù để đày đọa và chém giết trong suốt mấy chục năm chiến tranh, đã bị dìm mãi cho đến đầu thập niên 1990.
Tôi đọc được ý nghĩ thâm sâu của cố nhạc sĩ Văn Cao: chỉ có Mùa Xuân thật sự khi con người biết yêu thương nhau. Phải chăng niềm hạnh phúc và khang an mà người người chúc nhau mỗi độ Xuân về không gắn liền với tấm lòng vị tha, yêu người?








Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Trăm Tuổi Bạc Đầu Râu



                                                                                Chu Thập

Lúc còn nhỏ, mỗi năm đến dịp Tết, mẹ tôi thường dạy cho tôi một công thức phải học thuộc lòng để gọi là đi “mừng tuổi”. Được mặc quần áo mới, được mang giày hay xanh-đan ít nhứt một lần vào dịp đầu năm và nhứt là được lì xì, đứa trẻ nào mà chẳng thích đi “mừng tuổi”. Sau khi thực tập một vòng trong nhà với ông bà, cha mẹ, các anh các chị và dĩ nhiên với cái túi cũng tương đối được rủng rỉnh, chúng tôi mới bắt đầu đi “xông đất” những gia đình bà con, láng giềng. Người đầu tiên mà lũ trẻ xóm giáo chúng tôi phải làm nghĩa vụ “chúc tết” là cha mẹ đỡ đầu. “Cha mẹ đỡ đầu” là người được cha mẹ nhờ “cầm đầu” đứa bé sơ sinh khi nó được mang đến nhà thờ để chịu phép rửa và gia nhập vào Giáo hội Công giáo. Chúng tôi còn gọi cha mẹ đỡ đầu là “vú bõ”. Ông “bõ đỡ đầu” của tôi đi lập nghiệp ở xa cho nên tôi được miễn lễ. Nhưng ở trong cái thôn làng mà mọi người đều có giây mơ rễ má với nhau, đi làm nghĩa vụ “mừng tuổi” hết một vòng từ đầu trên đến cuối xóm có khi cũng mất cả ngày mùng Một Tết. Dĩ nhiên, mặc dù đi làm nghĩa vụ, nhưng lũ trẻ chúng tôi không cảm thấy bị bó buộc và khổ sở như khi phải cắp sách đến trường hay đi học giáo lý. Trái lại là khác. Ai cũng cảm thấy vui sau một lần vào xông đất và đọc xong cái công thức “mừng tuổi”. Lũ trẻ vui vì được lì xì, mà tôi cũng nghĩ rằng người lớn càng vui hơn vì được “mừng tuổi”.
Bây giờ, bước vào cái tuổi thích ôn lại những kỷ niệm của tuổi thơ và nhớ chuyện “đời xưa”, tôi mới nhận thấy ông bà trong cái thôn làng nhỏ ở miền Trung chúng tôi  có một triết lý thật thâm thúy khi nghĩ ra hai chữ “mừng tuổi”. Ngày nay, theo văn hóa Tây Phương, người Việt nam ngoài cũng như trong nước đều biết mừng “sinh nhựt”. Đến ngày sinh mà không nhớ là cả một thiếu sót lớn lao, có khi còn dẫn đến cả thảm kịch gia đình nữa. Nhưng ngày xưa, có lẽ cha mẹ tôi cũng chẳng biết các ngài sinh vào ngày nào. Cùng lắm họ chỉ nhớ mình cầm tinh con vật nào đó trong 12 con giáp mà thôi. Ngay cả như tôi, mỗi lần tôi hỏi ngày sinh tháng đẻ chính xác của tôi thì cha mẹ tôi chỉ nói một cách lờ mờ vào khoảng cuối năm con chó. Dựa vào “biên bản thế vì khai sinh” mà kiểm chứng thì cũng chẳng đi tới đâu, bởi vì cũng như người tự xưng là “Bác Hồ”, cha tôi cũng chế cho tôi một ngày sinh tháng đẻ đại khái gần với khoảng cuối năm chó cho xong chuyện.
Điều quan trọng đối với ông bà ngày xưa không phải là ngày sinh tháng đẻ, mà là cái tuổi mà mình phải nhớ mỗi dịp Tết đến. Ngày để nhớ không phải là ngày sinh mà là ngày Tết. Ngày Tết là “Ngày sinh nhựt chung” của mọi người. Cứ đến Tết là thêm một tuổi. Riêng tôi, vì sinh gần cuối năm, cho nên mới có mấy tháng mà tôi đã được những hai tuổi. Cho nên “mừng tuổi” là phải!
Người dân làng tôi “mừng tuổi” bởi vì người có tuổi lúc nào cũng được kính trọng. Bất kể giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay đần độn, quan quyền hay bần cố nông…hễ có tuổi là hơn người khác. Có lẽ vì vậy mà lúc nhỏ, cứ mỗi dịp Tết đến, tôi cũng thường đưa cái tuổi “nhảy vọt” đến hai bước của tôi ra mà hù dọa mấy đứa trẻ khác. Cứ như nhiều tuổi hơn là mạnh hơn, giỏi hơn, đáng nể hơn vậy. Mà thật vậy, trong cái làng quê của tôi, cứ càng thêm tuổi là càng được trọng nể. Vào cái thời mà tuổi thọ trung bình của người Việt nam chưa quá 40, có những người chỉ mới 60 đã lên hàng cụ ông cụ bà hay bậc tiên chỉ đáng kính trong làng. Chính vì vậy mà hình ảnh của các cụ già râu tóc bạc phơ và lời dạy “kính lão đắc thọ” vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi cho đến bây giờ. Ngày nay, dù sống trong xã hội nào, tôi vẫn luôn xem tuổi già là một giai đoạn “thánh thiêng” trong cuộc sống con người. Với tôi, không cần biết tư cách của người đối diện, hễ hơn tôi một tuổi là người đáng tôi kính trọng.
Mỗi lần cầm trên tay một tờ báo tiếng Việt, tôi thường mở xem trước tiên các trang cáo phó và phân ưu. Tôi xem để đồng cảm trong nỗi mất mát chung của người Việt xa xứ, nhưng cũng để “mừng tuổi thọ” ngày càng cao của người Việt. Và dĩ nhiên, mỗi dịp Tết đến, niềm vui vì tuổi già ngày càng thọ của người Việt cũng như niềm kính trọng đối với tuổi già cũng luôn được khơi dậy trong tôi. “ Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”, câu thơ này của ông Trần Tế Xương, dù có ý trào phúng đến đâu, cũng gợi lên niềm mong ước chân thực của người Việt nam: người Việt nam mong được sống thọ chứ không phải mong được “trường sinh bất tử” hay “cải lão hoàn đồng”.
Nhưng có lẽ không riêng gì người Việt nam, mà người Á đông nói chung cũng đều quý tuổi thọ hơn là sự trường sinh bất tử. Sự khôn ngoan mà tuổi già là một biểu tượng, được người Á đông tìm kiếm hơn là trường sinh bất tử. Có lẽ vì muốn đề cao sự minh triết ấy của tuổi già mà tác giả bộ “Tây Du Ký”, ông Ngô Thừa Ân, đã cho cái đám đệ tử “mất dạy” của Thày Tam Tạng là Tôn Hành Giả, Sa Tăng và Bát Giới “đại náo” tại Miếu Tam Thánh để quấy phá một nhóm đạo sĩ đang khấn vái cầu kinh để xin “nước trường sinh”. Nước “kim đơn để sống lâu” thì không thấy đâu, mà chỉ  toàn là “nước tiểu” của ba cái tên súc sinh này.
Nhưng thâm thúy hơn phải là câu chuyện cổ tích về “Suối Trường Sinh” của người Nhựt Bản. Chuyện kể rằng đảo Miya Jima của Nhựt Bản xưa kia là môt hòn đảo nổi tiếng linh thiêng. Dân ở đảo này hầu như không có quyền chết.
Trong số dân cư ngụ trên đảo có hai vợ chồng người tiều phu già, hết sức già. Họ được cả làng yêu mến và trọng nể. Ai nấy đều khen sự kiên nhẫn và lòng chung thủy của hai người. Cũng như mọi người, cuộc sống của cặp vợ chồng già này cũng được dệt bằng vô số niềm vui và nỗi khổ. Vui vì họ liên tiếp sinh được ba người con trai. Nhưng buồn khổ nhứt là cả ba người con trai này đều bị chết trong một ngày vì nghề đánh cá.
Trong tuổi già, hai người chỉ biết lấy sự kính yêu làm nguồn an ủi duy nhứt cho những ngày còn lại. Mỗi người đều muốn làm cho người kia bớt đau khổ. Dần dà tâm hồn họ được bình thản trở lại. Hai cụ già thường nghiền ngẫm câu nói quen thuộc của người Nhựt: “Khi hoa anh đào đã tàn, không phải lấy sự tiếc thương mà làm cho hoa nở lại được.”
Giờ đây, hai ông bà đã già lắm; họ già như những con đồi mồi cổ kính. Người chồng thì da nhăn nheo, chân tay run lẩy bẩy trong khi tóc và lông mày của người vợ cũng đã rụng nhẵn. Người dân trong đảo thường gặp hai ông bà bước đi chậm rãi, theo phong tục của người Nhựt, chồng đi trước vợ đi sau. Nhìn chung, mọi người trên đảo đều nhìn nhận rằng đây là một cập vợ chồng già hạnh phúc. Họ biết gác ra ngoài những nỗi khốn khổ của loài người để hưởng cuộc sống yên tĩnh, an bình và tình yêu đối với nhau.
Dù vậy, họ vẫn còn một mối sầu vương vấn trong tâm hồn. Ai cũng nghĩ rằng: nếu có một người phải ra đi trước thì kẻ ở lại phải đau khổ biết chừng nào. Nghĩ như thế cho nên họ mơ ước được còn trẻ để sống bên nhau lâu dài hơn; đời sống của họ sẽ trở nên thơ mộng biết bao!
Thế rồi, một ngày mùa Thu nọ, không rõ do một sự thôi thúc huyền bí nào đó, người chồng đi về phía rừng một mình. Đây là nơi mà trước kia ông đã từng làm nghề đốn củi. Giờ đây, ông chỉ muốn nhìn lại cây cối một lần trước khi nhắm mắt lìa đời. Nhưng khi đến nơi, ông không còn nhận ra phong cảnh ngày xưa nữa. Ngay cửa rừng, ông không còn thấy cây phong to lớn, với lá đỏ nổi bật giữa đám thông xanh mỗi khi mùa Thu đến nữa.
Sau một hồi đi bộ, ông lão cảm thấy khát nước. Thấy có dòng suối trong xanh ngay cạnh lối đi, ông liền đưa tay vốc nước lên và uống. Liền sau đó, nhìn bóng mình trong dòng suối, ông không còn nhận ra mình nữa: tóc ông trở nên đen nhánh, mặt không còn lấy một vết nhăn và các bắp thịt săn chắc lại. Ông thấy mình biến thành một chàng thanh niên tuổi đôi mươi. Thì ra, ông lão đã vô tình uống nước nơi nguồn suối “trường sinh”.
Khỏe mạnh, vui tươi, đầy nhựa sống, con người “cải lão hoàn đồng” hay “trẻ mãi không già” này cảm thấy thơ thới, yêu đời và vội vã trở về. Thấy có người thanh niên bất thần xuất hiện trong nhà, bà lão sợ hãi đến chết đứng.
Nhưng sau khi được người chồng giải thích, bà lão cảm thấy sung sướng hơn ai hết. Thế là ngày mai, bà cũng vào rừng để uống cho bằng được nước suối trường sinh ấy. Nhưng bà đi mãi mà không bao giờ trở về. Không biết điều gì đã xảy ra cho vợ, người chồng liền chạy vào rừng. Người thanh niên nghe thấy tiếng nước suối chảy, mà không thấy vợ mình đâu cả.  Bỗng có một tiếng rên nho nhỏ từ đâu vọng lại. Anh đi đến gần bờ suối và ngạc nhiên vô cùng khi thấy giữa một đám cỏ cao có một đứa bé con chừng vài tháng đang giơ tay về phía anh với vẻ thất vọng. Đôi mắt êm dịu của đứa bé cho anh biết đấy chính là vợ anh. Thì ra, đã được trẻ lại, người vợ còn muốn trẻ hơn chồng cho nên đã uống quá độ và biến thành một hài nhi.
Người chồng buồn bã bồng đứa bé lên và đưa về nhà. Nước suối trường sinh đã cướp mất người vợ của anh và cũng lấy đi niềm vui được sống bên nhau của đôi vợ chồng già. (xem Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Cái Cười của Thánh nhân)
Người nghĩ ra câu chuyện cổ tích trên đây có lẽ muốn nhắn gởi với chúng ta rằng tuổi nào cũng có cái vẻ đẹp và giá trị riêng của nó. Cách riêng, tuổi già là tuổi đáng “mừng” và trân quý nhứt.
Về điểm này, tôi rất tâm đắc với những suy tư của một người Á đông nổi tiếng là ông Lâm Ngữ Đường. Ông đưa ra nhận xét rằng Tây Phương và Đông Phương đều có quan niệm và thái độ giống nhau về một số vấn đề cơ bản như quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, về tự do cá nhân, về dân chủ, về quan hệ giữa nhà cầm quyền và dân chúng. Nhưng theo ông, quan niệm và thái độ của người Tây Phương và Đông phương đối với người già và tuổi già thì hoàn toàn khác hẳn. Ở Á đông, đặc biệt là tại các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, khi hai người mới quen nhau, sau khi hỏi tên họ nhau rồi, họ liền hỏi tuổi của nhau. Chắc chắn đây là một điều cấm kỵ đối với người Tây Phương. Sở dĩ người ta tránh hỏi tuổi nhau là bởi người ta sợ “tuổi già” và cũng sợ cả người già. Tại Trung Hoa, những ông lão hành khất, râu tóc bạc phơ cũng được đối đãi một cách đặc biệt. Càng thêm tuổi thì càng tổ chức “ăn mừng” trọng đại hơn.
Ông Lâm Ngữ Đường  còn đưa ra một nhận xét khác khá lý thú về xã hội Mỹ. Theo ông, sở dĩ người già ở Mỹ vẫn tiếp tục làm lụng hăng hái là vì họ theo chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá; họ muốn độc lập vì cho rằng nhờ vả con cái là một tủi nhục. Tác giả viết rằng trong rất nhiều quyền cơ bản của con người được ghi vào Hiến Pháp Hoa Kỳ, có một quyền không được nhắc đến đó là quyền “được con cái phụng dưỡng”. Ông lập luận rằng nếu cha mẹ đã làm việc để nuôi dạy con cái, đã mất ăn mất ngủ khi chúng đau ốm, đã phải nuôi nấng chúng trong một phần tư thế kỷ, thì tại sao khi về già họ lại không có quyền được con cái phụng dưỡng?
Ngày nay, nhứt là khi đang sống trong các xã hội Tây Phương,có lẽ nhiều người không đồng ý với quan niệm về “quyền được con cái phụng dưỡng” do ông Lâm Ngữ Đường đề nghị. Nhưng  cái nhìn về tuổi già của ông thì thật là thâm thúy: “Điểm quan trọng là ai cũng muốn sống lâu và nếu trời cho sống lâu thì sẽ tới một thời phải già…Ta phải tổ chức đời sống của ta như thế nào để thời kỳ vui vẻ nhất trong đời sẽ thuộc về tuổi già ở trước mặt ta, chứ không thuộc về tuổi thơ ở sau lưng ta…Đã không chống nổi với luật tự nhiên thì sao chẳng thuận theo tự nhiên mà hưởng lạc trong tuổi già?”(Lâm Ngữ Đường, Một Quan niệm về Sống Đẹp, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, trg 173)
Với quan niệm “kính lão đắc thọ”, tôi xin được trở lại làm đứa trẻ nhỏ như mấy chục năm trước, trông chờ ngày Tết, mang giày mới, áo mới, tóc tai sạch sẽ, theo “công thức” mẹ dạy, khoanh tay, cúi đầu “mừng tuổi” tất cả các vị cao niên Việt nam trong và ngoài nước: “Dồi dào sức khỏe, tâm hồn an lạc và sống lâu trăm tuổi.”
 Tết 2011







Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Tôi ăn Tết



                                                                        Chu Thập,Tết 2010



Từ ngày bỏ nước ra đi, do không được sống gần các cộng đồng người Việt hải ngoại, tôi ít có dịp “mừng” những ngày Tết  truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, mỗi dịp đầu năm Âm lịch, tôi cũng “ăn Tết” theo cách thế riêng của tôi.
Ngôn ngữ Việt nam thật độc đáo: chúng ta không “cử hành” hay “mừng” ngày đầu năm, mà lại nói “ăn tết”.
Ai cũng có quyền tự hào về ngôn ngữ của dân tộc mình. Mỗi ngôn ngữ đều có cái “hồn” và nét độc đáo riêng mà không một ngôn ngữ nào có thể thay thế được.
Một trong những nét độc đáo của tiếng Việt hẳn phải là “âm điệu” của nó. Với tai người ngoại quốc, thì người Việt nam nói nghe như “hát”. Lần đầu tiên ra chợ, nghe hai bà bán cá cãi nhau, người ngoại quốc tưởng họ đang hát là chuyện có thật! Ngay cả khóc lóc ở nghĩa trang mà cũng còn có vần có điệu nữa là!
Một tác giả (không rõ là ngoại quốc hay Việt nam) ký tên là Rene Pazzi đã viết một cuốn sách có tựa đề “Người Việt đáng yêu”, trong đó ông nói đến tinh thần uyển chuyển và tế nhị của ngôn ngữ Việt như sau: “Ngôn ngữ Việt nam là ngôn ngữ duy nhất trên thế giới có nhiều giọng điệu cung bậc…
Phải nghe người dân mỗi miền, người Bắc, hay Trung, hay Nam hát những dân ca quen thuộc với tiếng nói thuần túy và giọng thuần túy của họ, chúng ta mới thấy ý vị của giọng nói ấy đậm đà chừng nào.
Sự phong phú trong âm thanh lại được thay đổi qua nhiều miền đất của quê hương họ…
Nếu phải tô mầu các giọng nói ấy, người ta có thể vẽ một bản đồ Việt nam thật đẹp.Có miền mầu xanh, có miền mầu hồng, có miền mầu trắng, có miền mầu vàng, đấy là chưa nói mức độ đậm lợt khác nhau…” (x. Doãn Quốc Sỹ,  Người Việt đáng yêu)
Sau năm 75, nhiều người đã có lý để nói rằng tiếng Việt đã bị “hãm hiếp” vì bị o ép đến độ mất đi âm điệu của nó. Trước kia, người Việt đâu có nói cộc lốc như “ăn tốt”, “làm tốt”, “học tốt”…mà luôn đệm vào đàng sau chữ “tốt” cái âm thanh “lành” “đẹp” cho nó êm tai. Trước kia, người ta cũng chả nói “học sinh trai”, “học sinh gái”, “bộ đội gái”… “Nam sinh, nữ sinh, nữ quân nhân” nghe nó chẳng êm tai và tôn trọng hơn sao?
Về những từ hay âm điệu được ghép vào chữ “ăn”, thì quả thật chẳng có ngôn ngữ nào phong phú cho bằng tiếng Việt. Giở bất cứ quyển tự điển tiếng Việt nào, tôi cũng đếm được gần 60 từ kép có chữ ăn: từ “ăn chay, ăn chận, ăn chẹt, ăn chơi, ăn gian, ăn hại đến ăn mặc, ăn nằm, ăn sương, ăn nắng…”
Người Việt nam quả có óc sáng tạo trong ngôn ngữ. Ngày nay ở Việt nam, ở đâu cũng thấy có hai chữ “văn hóa”, từ khu phố văn hóa, làng văn hóa, nhà văn hóa đến văn hóa ứng xử, văn hóa ăn uống, văn hóa chửi…Ngay cả như chữ “ôm” cũng được cho “ôm” vào bất cứ những gì có thể “ôm” được. Trước năm 75, người Việt nam chỉ nghe nói đến “xe ôm” hay cùng lắm là “bia ôm”, nay lại có cả “thịt chó ôm”, “hớt tóc ôm”, “ngủ trưa ôm”…đủ thứ “ôm”.
Nhưng đó là những “sáng tạo” mới trong ngôn ngữ Việt nam. Riêng động từ “ăn” thì ngay từ ngàn xưa, ông bà tổ tiên chúng ta đã biết chế biến để nó có thể đi với bất cứ từ nào.
Trong bài viết có tựa đề “Miếng ăn trong văn hóa Việt nam” (xem Việt luận 20/10/09), nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nói rằng “hình như” “dân tộc Việt nam chỉ có một ám ảnh lớn: Ăn”. Theo tác giả, bảo rằng văn hóa Việt nam quá coi trọng miếng ăn thì có vẻ hơi kỳ nhưng không chừng đó lại là sự thật. Và tác giả đưa ra một số bằng chứng cho luận đề của ông như: muốn truyền ngôi cho con, vua Hùng đã cho tổ chức thi nấu ăn để xem người nào làm được món ăn ngon nhứt; ông Thánh Gióng nhờ ăn mà lớn như thổi để, từ một đứa bé, biến thành một trang thanh niên khôi ngô, dũng cảm; trong tín ngưỡng dân gian Việt nam, cúng, tức dọn món ăn cho người chết, là chuyện rất phổ biến; ông thần được chú ý tới nhiều nhứt là Vua Bếp, tức ông Táo…
Người Việt nam quả “coi trọng” miếng ăn.
Hình ảnh tôi vẫn giữ mãi trong ký ức của tuổi thơ đó là cảnh hàng hàng lớp lớp những bà mẹ quê ngay từ sáng sớm đã gánh gồng đi qua hằng bao nhiêu cây số đến chợ, trao đổi, mua bán để rồi mãi đến gần trưa mới trở về nhà lo miếng cơm cho chồng con. Suốt một ngày sinh hoạt, người mẹ quê chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Miếng ăn quả đã chiếm hầu hết thời giờ của người dân quê. Người dân quê làm để có cái ăn và ăn để có đủ sức làm. Lẩn quẩn trong cái vòng “ làm ăn” ấy cho nên có bảo rằng người Việt nam “xem trọng” cái ăn cũng chẳng phải là “cường điệu” chút nào.
Tuy nhiên, lo toan cho cái ăn, xem trọng cái ăn, nhưng người Việt nam vẫn luôn đề cao cảnh giác bởi vì “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Xung quanh bàn ăn, ông bà tổ tiên chúng ta đã phát huy được một thứ minh triết thật sâu sắc: chính xuyên qua cái ăn mà con người thể hiện tư cách làm người của mình. Cái ăn, như tác giả Nguyễn Hưng Quốc ghi nhận, chỉ “cách xử thế”. Chính vì thế mà chúng ta mới nói đến chuyện “ăn trên ngồi trốc, ăn cháo đá bát, ăn xổi ở thì hay cố đấm ăn xôi”. Vì tư cách con người và cách đối nhân xử thế được thể hiện qua cái ăn và cách ăn, mà ông bà tổ tiên chúng ta mới coi “học ăn” là bài học vỡ lòng quan trọng nhứt trong các thứ học: học ăn rồi mới tới học nói, học gói, học mở…Lớn lên thì cũng phải giữ ý tứ để biết “ăn coi nồi  ngồi coi hướng”.
Vì cái ăn thể hiện tư cách con người cho nên đối với ông bà tổ tiên chúng ta, bàn ăn, chỗ ăn, lúc ăn đều được xem là “thánh thiêng”. Trời đánh mà cũng phải tránh bữa ăn thì đủ biết cái ăn của người Việt nam đáng trân trọng như thế nào. Ngồi xếp bằng trên bộ ván gỗ, trên chõng tre, trên bàn ăn hay ngồi chồm hổm dưới đất, người Việt nam qui tụ trong bữa ăn là để “chia sẻ” cho nhau. Một nhà thừa sai ngoại quốc nọ nói rằng hình ảnh đẹp nhứt trong bữa ăn của người Việt nam chính là cái cảnh mọi người cùng chấm chung một chén nước mắm, cùng xẻ chung một con cá trong một dĩa, cùng chan chung một bát canh…Ăn thiết yếu là “ăn cùng”, “ăn với” người khác cho nên ăn cũng là chia sẻ. Như một phép lạ, thức ăn của người Việt nam xem ra chẳng bao giờ thiếu: một người khách lỡ độ đường ghé tạt vào nhà nhằm đúng bữa ăn ư? Chỉ cần dọn thêm một cái chén, một đôi đũa là giải quyết được vấn đề!
Ăn không chỉ là chia sẻ thức ăn, mà là chia sẻ niềm vui với nhau. Cơm không lành canh không ngọt là điều chẳng ai muốn. Người Việt nam thích vui vì được chia sẻ. Đi ruộng bắt được một con cá lóc, một con ếch, một con rắn hay một con chuột cũng đủ để làm một món nhậu và mời ông bạn láng giềng sang chung vui sau một ngày làm lụng vất vả. Kẹt lắm, một trái khế hay trái xoài xanh cũng đủ để lai rai vài xị.
Quả thật, người Việt nam thích sống vui. Cố linh mục Gildo Dominici, người Ý có tên Việt nam là “Đỗ Minh Trí”,đã từng làm việc tại Việt nam trước 75 và sau đó phục vụ trong các trại tỵ nạn Galang, Nam Dương và Bataan, Phi luật tân. Trong tác phẩm có tựa đề “Việt nam quê hương tôi”, vị linh mục này đã viết về Ngày Tết của người Việt nam như sau: “Ngày Tết, không một người nào có vẻ nghèo cả! Mọi người đều có một chút gì để mà “ăn Tết”. Người ta chấp nhận mang công mắc nợ để rồi sau đó sẽ vất vả làm lụng để trả nợ, nhưng vào Ngày Tết người ta cần phải tận hưởng. Mọi người đều có quyền  ăn Tết”, mọi người đều cảm thấy có bổn phận vui hưởng Tết.
Bị vây hãm bởi chiến tranh, nghèo nàn và đau khổ, người ta mong chờ ngày Tết để được sống thật sự vài ngày! Tết chính là cái khoảng thời gian kỳ diệu, chính là một thời kỳ mà tất cả mọi người có thể thưởng thức được một chút gì hấp dẫn của kiếp sống con người”.
Nêu lên câu hỏi: “Vậy, sự quyến rũ của Ngày Tết bắt nguồn từ đâu?” linh mục Dominici trả lời : “Câu trả lời rất dễ dàng. Vẻ duyên dáng quyến rũ của ngày Tết đã do chính người ta tạo ra! Ngày Tết rất dễ thương chính là vì người Việt nam rất dễ thương...Người Việt nam đã tạo ra một ngày lễ để diễn tả hình ảnh của chính con người họ. Không một điều gì khác hơn có thể diễn đạt được tinh thần của người Việt nam bằng ngày Tết cả!
Tất cả những người ngoại quốc đã từng sống ở Việt nam đều nhận thấy nơi con người Việt nam có một cái gì lôi cuốn họ: tốt bụng, lịch thiệp, nhã nhặn, lễ phép, dễ thương!”(x. linh mục Dominici Đỗ Minh Trí , “Việt nam quê hương tôi”)
Đọc những dòng trên đây, tôi cảm thấy hãnh diện, ấm lòng và nhứt là “vui như ba ngày Tết”. Thật vậy, chẳng có lúc nào vui cho bằng “ba ngày Tết”, nhứt là đối với trẻ con. Trong những kỷ niệm của tuổi thơ, tôi vẫn nhớ mãi những ngày Tết trước khi diễn ra cuộc đảo chánh sát hại cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Trước thập niên 60 và ngay cả những năm đầu của thập niên này, khi các hàng rào ấp chiến lược chưa bị phá vỡ, các làng quê đã thực sự hưởng cảnh thái bình: đêm đến không có giới nghiêm, người dân có thể vui chơi cả đêm. Người dân quê vẫn còn lấy cả tháng Giêng để “ăn chơi”. Cả tháng, cứ đêm đến, trẻ con chúng tôi đạp xe đạp đi từ làng này sang thôn khác để xem hát bài chòi. Có cả một tháng vui chơi như thế là để nhắc nhở con người Việt nam lam lũ quanh năm vì cái ăn rằng “con người được tạo dựng để thụ hưởng niềm vui và hạnh phúc, chứ không phải để đau khổ và bất hạnh. Cuộc sống của một dân tộc sẽ trở nên phong phú và nhân bản hơn nếu cái dáng dấp bi thảm của khổ đau được quân bình với hân hoan và hạnh phúc” (x. linh mục Dominici trong “Việt nam quê hương tôi”).
Quân bình giữa công việc và giải trí: đó là nét nổi bật trong cuộc sống của người Việt nam, mà Tết là một biểu trưng. Như linh mục Dominici giải thích: “Ngày xưa, trước lúc giao thiệp, tiếp xúc với người Tây Phương, người Việt nam không biết đến ngày Chúa Nhựt, nghĩa là một ngày nghỉ ngơi hằng tuần. Họ làm việc quần quật suốt 11 tháng mà không ngưng nghỉ.Và ở vào một thời kỳ mà kỹ thuật chưa đạt được những tiến bộ đáng kể, công việc lao động rất vất vả nhọc nhằn.Trong hoàn cảnh như thế, Tết chính là một khoảng thời gian cần thiết để nghỉ ngơi.Tết khôi phục lại sự quân bình trong cuộc sống và làm cho cuộc sống trở nên dễ chịu hơn”.
Chính nhờ thế quân bình giữa cuộc sống vất vả và việc vui hưởng cuộc sống mà người Việt nam xem ra có được một giây thần kinh rất vững chắc. Bất cứ người ngoại quốc nào phục vụ trong các trại tỵ nạn Việt nam tại các nước đông nam Á từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90 cũng đều kinh ngạc về số lượng rất thấp những người bị rối loạn tâm trí giữa một số lượng  đông đảo người tỵ nạn đang sống trong một tình cảnh bi đát. Linh mục Dominici tin rằng “sở dĩ có được điều này là do cái tâm tính vui vẻ và thơ thới của người Việt, được biểu lộ một cách đặc biệt vào dịp Tết”.
Năm nay, cũng như rất nhiều năm trong cuộc sống ly hương, tôi không biết thế nào là bánh chưng, bánh tét, hay kẹo mứt.Trong nhà tôi cũng không có mâm quả “cầu dừa đủ xài”. Tôi cũng chưa bao giờ một lần thưởng thức món “thịt mỡ dưa hành câu đối Tết”. Còn cảnh “sân trước một cành mai” thì chắc phải đến Tết Congo hay Maroc tôi mới có được ở nơi đất khách quê người này. Nhưng cũng như mọi năm, năm nay tôi cũng “ăn Tết” theo cách thế của tôi: tôi sẽ cố gắng tận hưởng từng khoảnh khắc hiện tại như một ân lộc Trời ban; tôi sẽ sống mỗi ngày như một ngày Tết… Tôi nghĩ đó là bí quyết hạnh phúc mà ông bà tổ tiên tôi muốn để lại cho con cháu khi “bày ra Tết Nhứt”.