Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Thuyền to sóng lớn


Chu Thập
25/01/19
Mới đây một số người quen rủ tôi đi câu tàu. Lâu nay tôi chỉ biết quăng câu từ trong bờ. Bờ là bờ hồ hay bờ sông. Tìm một góc yên tĩnh, quăng câu, ngồi chờ, ngắm cảnh...không gì yên bình và thanh thản bằng! Đã có nhiều người chết vì đứng câu trên những gềnh đá: biển Úc “tính khí” bất thường, sóng lớn bất thần ập phủ xuống, kéo người đứng câu ở ghềnh ra xa rồi đập vào bờ đá là chuyện thường xảy ra. Thành ra tôi không bao giờ chỉ vì mấy con cá mà liều mạng đứng câu ở những gềnh đá. Đi tàu ra biển khơi lại còn là điều tối kỵ hơn đối với tôi. Nhớ lại cuộc vượt biên, cứ mỗi lần lên tàu là tôi thấy run. Thỉnh thoảng nghe tin có người đi câu bị đắm tàu, bỏ mạng giữa biển khơi, tôi lại càng thấy có đủ lý do để không ra khơi đùa giỡn với tử thần.
Tuy nhiên lần này, tôi thấy không thể từ chối được lời mời mọc của mấy người bạn trẻ. Họ cho biết chiếc tàu họ mới mua rất lớn, còn mới toanh, lại được trang bị đầy đủ và rất an toàn. Nhưng chuyến “ra khơi” đã không diễn ra như ý muốn. Khi tàu thả neo, giây neo vướng vào một sợi giây thừng. Phải mất hơn cả tiếng đồng hồ để tháo gỡ sợi giây thừng. Ai cũng phải góp một tay để giải quyết vấn đề. Hơi nước biển không đủ thấm vào đâu dưới cái nắng hừng hực của mùa hè “đỏ lửa” của Úc. Sau khi kéo được neo lên, tưởng sẽ tìm được một chỗ để quăng câu. Nào ngờ, anh bạn chủ tàu lại là người say sóng. Ra khỏi bờ không bao xa, nhưng gặp sóng lớn, cảm thấy sắp cho chó ăn chè, anh đành phải cho tàu quay đầu vào bờ. Tìm được một chỗ an toàn thì cái máy rà cá (fishfinder) lại chẳng tìm thấy một mống cá nào cả. Mọi người đành tự an ủi: cứ coi  lần ra khơi này như một chuyến đi hóng gió biển hơn là câu cá!
Nhưng vận xui không dừng lại ở đó. Chiều về, do không rành đường cho nên anh lái tàu lại đưa tàu vào chỗ mắc cạn. Rong biển quấn vào chân vịt dầy đặc khiến chiếc tàu không di chuyển được. Đến khi thoát được chỗ mắc cạn thì cần lái lại có vấn đề: tàu cứ quay mòng mòng một chỗ. Chỉ còn một cách là liên lạc với tàu cứu hộ (Marine Rescue) để xin được kéo vào bờ. Nhưng không rõ do một phép lạ nào đó, cuối cùng cần lái hoạt động bình thường trở lại. Mọi người thở ra nhẹ nhõm. Tàu về tới bến an toàn.
Trên đường về, tôi giở giọng triết lý với mấy người bạn trẻ: thuyền to thì sóng lớn! Nghĩ mình là một người có tuổi đã trải qua nhiều sóng gió trong cuộc đời cho nên tôi mới nói xa nói gần với những người bạn câu của tôi điều mà lúc nhỏ mẹ tôi thường mang ra  dạy anh em tôi: trèo cao thì té nặng, càng cao danh vọng càng đầy gian nan!
Ở những dịp cuối năm và đầu năm, tôi cũng thường nhớ lại lời mẹ dặn để tự vấn lương tâm: đâu là những giá trị cần đeo đuổi để có được cuộc sống an bình và hạnh phúc thực sự?
Năm 1962 không riêng nước Anh mà toàn thế giới chứng kiến một hiện tượng âm nhạc chưa từng có trong lịch sử: 4 người thanh niên tại thành phố Liverpool đã họp nhau lại để thành lập một ban nhạc lấy tên là The Beatles, được dịch sang tiếng Việt một cách chính xác là “Ban Tứ Quái”. Từ tóc tai đến cách ăn mặc, trông 4 chàng thanh niên thật là “quái”. Nhưng nhạc của họ, từ ca từ đến giai điệu thật là tuyệt vời.
4 chàng trai này là: John, ca sĩ và là người viết nhạc chính của ban; Paul, tay chơi guitar bass có khuôn mặt búng ra sữa; George, người chơi guitar chính của ban nhạc.
Người thứ tư là tay trống của ban nhạc. Trong đám “Tứ Quái”, anh là người trông đẹp trai nhứt. Các cô nàng mê anh như điếu đổ. Khuôn mặt của anh thường xuất hiện trên các tạp chí. Xét về tài nghệ, có lẽ anh là người chuyên nghiệp nhứt trong ban. Anh lại không uống rượu và cũng không đụng tới  ma túy. Nghiêm trang đứng đắn cho nên anh chỉ có độc một người bạn gái. Nhiều nhà phê bình âm nhạc cho rằng anh mới thực sự là “gương mặt” của ban “Tứ Quái” chớ không phải John hay Paul.
Tên của tay trống này là Pete Best. Ai cũng tưởng mọi sự sẽ diễn ra một cách tốt đẹp cho Pete Best. Vậy mà năm 1962, chỉ sau một thời gian ngắn nổi danh, 3 thành viên khác của ban đã lặng lẽ đi gặp ông bầu của họ là Brian Epstein để yêu cầu sa thải Pete Best. Ông bầu như muốn chết lặng trước đề nghị này. Ông thích tay trống của ban nhạc cho nên không chìu theo ý muốn của họ. Ông hy vọng họ sẽ thay đổi ý kiến.
Tuy nhiên, vài tháng sau đó, chỉ vài ngày  trước khi hợp đồng thu băng bắt đầu, ông Epstein đã gọi Pete Best đến văn phòng và bảo anh phải “ra đi” để ban nhạc tìm một tay trống khác. Ông không đưa ra một lý do hay một lời giải thích nào và cũng chẳng nói một lời “chia buồn” nào với người bị sa thải. Ông chỉ nói rằng 3 thành viên khác của ban không muốn thấy mặt anh trong ban nữa!
Ringo Starr được mời thế chỗ cho Pete Best. So với các bạn trẻ kia, Ringo là người lớn tuổi hơn cả, lại có cái mũi lớn trông rất buồn cười. Ringo chấp nhận để tóc dài ra cho giống John, Paul và George.
Chỉ trong 6 tháng sau khi Pete Best ra đi, ban “Tứ Quái” đã trở thành những khuôn mặt nổi tiếng nhứt trên trái đất. Về phần mình, dĩ nhiên Pete Best vừa chìm trong quên lãng vừa rơi vào trầm cảm. Năm 1965, anh đâm đơn kiện ban “Tứ Quái”. Mọi hoạt động âm nhạc của anh đều thất bại thê thảm. Năm 1968, anh toan tự tử, nhưng được mẹ anh kịp thời cứu thoát.
Không giàu có, không tiếng tăm, nhưng sau đó Pete Best lại có được một cuộc sống hạnh phúc hơn các thành viên của ban “Tứ Quái”. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1994, anh nói: “Nếu còn ở lại trong ban “Tứ Quái” có lẽ tôi sẽ không được hạnh phúc như ngày nay”. Anh giải thích rằng sau khi bị sa thải khỏi ban nhạc, hoàn cảnh đã đưa đẩy anh gặp được người bạn đời của mình. Anh đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Anh đã có được một cuộc sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc.
Sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng, anh bắt đầu đo lường cuộc sống của mình bằng những giá trị mới. Ai mà chẳng muốn giàu có, danh vọng và tiếng tăm. Nhưng Pete Best khẳng định rằng những gì anh đang có, một cách cụ thể, một người vợ hiền, những đứa con ngoan, một cuộc hôn nhân bền vững, một cuộc sống đơn giản...đó chẳng phải là những điều quan trọng hơn tiền của, danh vọng và tiếng tăm sao? Thật ra, mãi cho đến thập niên 2000, Pete Best vẫn còn tiếp tục chơi trống, đi lưu diễn tại Âu Châu và thu băng. Có thể anh không được thế giới biết đến như John, Paul và George. Nhưng điều anh có được quan trọng hơn nhiều: anh đã  có được một cuộc sống hạnh phúc! (x. Mark Manson, The Art of Not Giving a f*ck, Pan MacMillan Australia Pty Ltd, 2016, trg 89-91)
Câu chuyện của Pete Best cho tôi thấy rằng trong cuộc sống có những giá trị và thước đo mang lại hạnh phúc cho con người hơn những giá trị và thước đo khác.
Trước hết phải nói đến tiền bạc. Tôi thuộc loại không giàu có cũng chẳng dư dả. Nhưng với tôi, tiền bạc vẫn là một trong những  điều kiện cần thiết để có được hạnh phúc. Bần cùng sinh đạo tặc là chuyện thường xảy ra trong xã hội. Khi túng quẫn, con người dễ bị cám dỗ làm điều bất chính. Tuy nhiên, như đề tài của bài nghị luận luân lý mà các giáo sư thời trung học trước năm 1975 thường cho học sinh làm đã nhắc nhở tôi: “Tiền bạc là tên đày tớ tốt mà cũng có thể là một ông chủ xấu”. Thời nào cũng vậy, con người dễ bị tiền bạc bắt làm nô lệ. Không nói tới chuyện làm giàu bằng cướp của giết người, lường gạt người khác, buôn gian bán lận hay trốn xâu lậu thuế. Giàu có nhưng “dửng dưng trước nỗi khổ của người đồng loại để chỉ chăm sóc cho bộ da riêng của mình” cũng đủ là một thái độ bất lương và ác đức rồi!
Nói cho cùng, tiền bạc không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho con người. Tiền có thể mua “Tiên”, nhưng lại không mua được rất nhiều thứ. Tôi có một người bạn thời tỵ nạn hiện rất thành công. Tiền bạc vô như nước, nhà cao cửa rộng. Nhưng mới đây, cả hai vợ chồng đều lâm bệnh một lúc. Bạn tôi than thở: trước kia anh lấy sức khỏe mua tiền bạc, ngày nay anh lấy tiền bạc để mua sức khỏe. Nhưng liệu tiền bạc có mua lại được sức khỏe ở tuổi già hay không?
Trong vùng tôi ở cũng có một cặp vợ chồng Việt Nam khác hiện đang làm ăn rất phát đạt. Họ làm việc mỗi ngày 8 tiếng, mỗi tuần 7 ngày, mỗi năm chỉ nghỉ được một hai ngày. Cứ gặp tôi là họ than thở: không còn giờ để đi đây đi đó hay nghỉ ngơi nữa! Họ luôn tự nhủ rằng bây giờ tiền đang vô nên rán làm, mai sau chắc chắn sẽ bỏ giờ đi chơi. Nhưng mỗi buổi chiều sau một ngày làm việc, họ lê chân lên căn biệt thự của họ một cách khó nhọc và đêm thì không ngủ được vì đau nhức khắp người. Tôi không biết với sức khỏe đó làm sao mà đi chơi. Có thể họ đặt niềm vui đếm tiền lên trên sức khỏe và những thú vui khác trong cuộc đời.
Tôi phục một ông bạn của tôi. Ở tuổi 53, đang phất lên trên thương trường, nhưng nhìn thấy một số người quen, người thì lăn ra chết trong một đêm, người phải chiến đấu với đủ thứ bệnh tật...bạn tôi quyết định bán cơ sở làm ăn để “về vườn” và thụ hưởng cuộc sống. Tính đến nay cũng đã hơn 20 năm. Bạn tôi đúng là một người biết sống.
Song song với tiền bạc là quyền lực và danh vọng. Tôi chưa từng có quyền lực trong tay, nhưng nhan nhản trên thế giới, tôi thấy vô số những người bị quyền lực hủ hóa. Chính trị gia kiêm nhà văn Anh Lord Acton (1834-1902) đã từng cảnh cáo: “Quyền lực hủ hóa (người ta). Quyền lực tuyệt đối thì hủ hóa một cách tuyệt đối”. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865) cũng đã đưa ra một nhận xét chí lý: “Hầu như tất cả mọi người đều có thể đứng vững trước nghịch cảnh. Nhưng nếu bạn muốn trắc nghiệm tính tình của một người nào đó, hãy trao cho họ quyền lực”.
Quyền lực dễ làm cho con người tha hóa đã đành, mà danh vọng cũng trói buộc con người trong vòng nô lệ không kém. Sự kiện rất nhiều người có tiếng tăm trên thế giới, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ, tìm đến cái chết cho thấy danh vọng không đương nhiên mang lại hạnh phúc và an bình cho con người.
Nhưng khoái lạc thì sao? Khoái cảm, trên nguyên tắc, là điều cần thiết cho cuộc sống. Ngày nay, khi nói đến khoái lạc, người ta thường liên tưởng đến những khoái lạc giả trá không mang lại lợi ích cho sức khỏe như bia rượu, dược chất hay những hoạt động tính dục, cờ bạc vô độ. Bất cứ cuộc nghiên cứu nào cũng đều cho thấy rằng những người chỉ biết dồn mọi năng lực vào việc săn tìm những khoái lạc trên đều là những người bất ổn về tâm lý và dễ rơi vào trầm cảm. Ngược lại, những khoái lạc chính đáng của con người như ăn ngon ngủ ngon thường là kết quả tự nhiên của một cơ thể lành mạnh và một tinh thần an lạc. Khi chăm lo cho bản thân có thói quen tốt trong việc ăn ngủ và thể dục và quân bằng giữa làm việc, nghỉ ngơi và vui chơi, vô hình chung, người ta cũng mang lại những khoái lạc và hạnh phúc cho bản thân.
Nhìn xung quanh và ôn lại kinh nghiệm bản thân, tôi tin rằng những giá trị đạo đức, tinh thần và nhân bản là những yếu tố chính mang lại hạnh phúc đích thực cho con người. Tôi có thể kỷ luật với bản thân để có một sức khỏe thể lý nhưng chính những giá trị tinh thần và nhân bản như biết sống, quan tâm và chia sẻ với người khác...mới là điều tạo ra hạnh phúc cho tôi. Xét cho cùng, khi quan hệ của tôi với mọi người, nhứt là người thân trong gia đình, luôn được xây dựng trên sự biết ơn, lòng khiêm tốn và thái độ cảm thông, tôi không thể không cảm thấy hạnh phúc.







Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Ấn Độ: Phụ nữ Vùng lên!



25/01/19
Vào lúc 3 giờ sáng ngày 2 tháng Giêng vừa qua, bà Bindu Ammini, một giáo sư luật 40 tuổi và bà Kanakadurga Koylandi, một nhân viên chính phủ 39 tuổi, đã bước chân vào bên trong đền thờ Ấn giáo thờ thần Ayyappa tại Sabarimala, Tiểu bang Kerala, miền Nam Ấn Độ. Hai người đàn bà này đã trở thành những người phụ nữ đầu tiên chính thức bước chân vào một đền thờ Ấn Giáo sau khi Tối cao Pháp viện đã đảo ngược luật cấm đàn bà trong tuổi kinh nguyệt, nghĩa là từ 10 đến 50 tuổi, vào trong đền thờ.
Được xây cất vào Thế kỷ 12, với mỗi năm có trên 5 triệu người kính viếng, đền thờ Ayyappa là một trong những trung tâm hành hương lớn nhất thế giới. Trước khi đi chân không vào trong đền thờ, khách hành hương bị buộc phải kiêng cữ việc giao hợp, tránh ăn thịt và da để tôn kính vị thần độc thân Ayyappa.
Kể từ khi Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết, chính quyền của Tiểu bang Kerala cho biết đã có khoảng 4.200 phụ nữ ghi danh đến kính viếng đền thờ Ayyappa. Theo tin chưa được kiểm chứng, kể từ ngày đầu năm đến nay, đã có tất cả 8 người phụ nữ đã đặt chân vào trong đền thờ.
Dĩ nhiên, nhiều nam tín đồ Ấn Giáo đã phẫn nộ. Họ xem cử chỉ của các phụ nữ trên đây như một hành động thách thức. Họ đe dọa sẽ đánh đập các phụ nữ và đuổi họ ra khỏi đền thờ. Sau khi hai bà Bindu và Kanakadurga vào đền thờ, vị giáo sĩ trưởng đã cho đóng lại các cánh cửa của đền thờ như một nghi thức thanh tẩy.
Trên khắp Tiểu bang Kerala, các tín đồ tự cho là bị xúc phạm bởi hành động của các phụ nữ đã xuống đường, đập phá các chiếc xe buýt, đốt các tượng ảnh, ném đá và ngay cả đánh bom vào các ngã đường. Các cuộc bạo động đã làm cho một người chết và hàng trăm người bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ gần 6000 người.
Nhiều người Ấn Giáo xem phụ nữ đang có kinh nguyệt như những người dơ bẩn. Tuy nhiên hầu hết mọi đền thờ Ấn Giáo đều cho phép họ vào trong đền thờ với điều kiện họ không ở trong thời kỳ kinh nguyệt. Đền thờ Ayyappa tại Sabarimala là một trong số ít đền thờ tuyệt đối không cho phép phụ nữ còn trong tuổi kinh nguyệt được vào bên trong.
Năm 2006, đáp lại thỉnh nguyện thư của các nữ luật sư, Tối cao Pháp viện Ấn Độ đã tuyên bố rằng đền thời Ayyappa tại Sabarimala đã vi phạm quyền bình đẳng như đã được ghi trong Hiến pháp. Nhưng nhiều nam tín đồ cho rằng 2 bà Bindu và Kanakadurga đã làm hoen ố đền thờ. Trong khi đó chính quyền Tiểu bang Kerala, vốn đang được Đảng Cộng Sản lãnh đạo, thì lại xem 2 bà như những anh hùng.
Tại Ấn Độ, cuộc chiến cho quyền bình đẳng của người phụ nữ diễn ra trên nhiều mặt trận. Năm 2012, sau khi một nữ sinh viên y khoa bị hãm hiếp và tàn sát một cách dã man tại Thủ đô Delhi, rất nhiều người đã tham gia một cuộc biểu tình để yêu cầu chính phủ bảo vệ an toàn cho phụ nữ cũng như ban hành những luật khắt khe hơn về tội hãm hiếp. Năm ngoái, phong trào #MeToo đã lan đến Ấn Độ: các phụ nữ làm việc trong ngành truyền thông, giải trí và học đường yêu cầu chính phủ phải bảo đảm an toàn cho phụ nữ tại nơi làm việc. Nhận ra tầm quan trọng của vấn đề, Thủ tướng Ấn, ông Narendra Modi đã tung ra các chương trình quảng cáo để cam kết nâng cao giáo dục cho phụ nữ và đẩy mạnh việc chăm sóc y tế cho phụ nữ có kinh nguyệt. Tuy nhiên, sau khi một nữ tu tại Kerala lên tiếng tố cáo hành động hãm hiếp của một linh mục công giáo và nhất là sau những biến cố xảy ra tại đền thờ Ayyappa, những người tranh đấu cho quyền của người phụ nữ hiện đang lâm vào trận chiến diễn ra trên một trong những mặt trận cam go nhất là tôn giáo.
Tổng tuyển cử tại Ấn Độ sẽ diễn ra vào tháng Tư và tháng Năm tới đây. Đảng đang cầm quyền hiện nay là Đảng Quốc gia Ấn Giáo Bharatiya Janata gọi tắt là BJP. Trong lịch sử, Đảng này ít có ảnh hưởng tại Tiểu bang Kerala, vốn được xem là một trong những vùng có dân số biết đọc biết viết cao nhất Ấn Độ. Tại tiểu bang này từ lâu nay ba tôn giáo lớn là Ấn Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo đều “đề huề” với nhau. Nhưng cho rằng việc các phụ nữ đi vào đền thờ Ayyappa là một hành động vi phạm truyền thống Ấn Giáo, những người ủng hộ Đảng BJP đã tìm cách chính trị hóa biến cố này và tìm cách gây ảnh hưởng trong tiểu bang.
Tình hình tại Tiểu bang Kerala có thể sẽ căng thẳng trong những ngày sắp tới. Đảng Cộng sản hiện đang cầm quyền tại tiểu bang. Thống đốc tiểu bang, ông Pinarayi cam kết sẽ triệt để thi hành phán quyết của Tối cao Pháp viện và ra lệnh cho cảnh sát phải bảo vệ các nữ tín đồ đến kính viếng đền thờ Ayyappa. Các đảng liên minh với chính quyền cộng sản, vốn đã từng bị tố cáo là pháo đài của nam tín đồ Ấn Giáo, nay cũng ra mặt ủng hộ phong trào tranh đấu cho quyền của phụ nữ. Ngày mùng Một tháng Giêng vừa qua, chính quyền cộng sản và các đảng trong liên hiệp đã tổ chức một cuộc biểu tình rộng lớn quy tụ khoảng 5 triệu phụ nữ để làm thành một “bức tường phụ nữ”. Đoàn người biểu tình cũng dự trù sẽ tổ chức 2 ngày để khẳng định rằng kinh nguyệt không phải là một điều “dơ bẩn mà là trong sạch”.
Bị cuốn xoáy vào cơn lốc chính trị trong Tiểu bang Kerala, 2 người phụ nữ đã bước chân vào đền thờ Ayyappa bị buộc phải đi lẩn tránh. Sau hai ngày chạy trốn, bà Bindu mới dám gọi điện thoại về thăm chồng và con gái. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Time, chồng bà Bindu nói rằng ông rất hãnh diện về vợ mình. Ông nói rằng vợ ông và bà Kanakadurga đã mở đường cho nhiều người phụ nữ khác để họ bày tỏ niềm tin của mình. Tuy nhiên, về phần mình, bà Kanakadurga lại không được gia đình ủng hộ. Họ đã không nói chuyện với bà kể từ ngày 24 tháng Mười Hai vừa qua khi bà toan bước chân vào đền thờ. Một cảnh sát viên có phận sự canh gác nhà của bà Kanakadurga cho biết gia đình của bà đã nhận được nhiều lời đe dọa giết chết. Họ đã phải đến trú ẩn tại nhà của một người thân. Nhưng cũng như bà Bindu, người nữ viên chức chính phủ này không hề hối hận vì hành động của mình.
Những người chống lại việc người phụ nữ trong tuổi kinh nguyệt được vào đền thờ cũng tìm đủ mọi lý lẽ để biện minh. Sandeep Wachaspati, người điều hành các phương tiện truyền thông của Đảng BJP tại Tiểu bang Kerala, cho rằng phong trào đòi cho phụ nữ trong tuổi kinh nguyệt được vào đền thờ muốn đạp đổ đền thờ và những giá trị của Ấn Giáo mà đền thờ là một biểu tượng.
Dĩ nhiên, không chỉ có những người theo Đảng BJP mới chống lại việc cho phụ nữ trong tuổi kinh nguyệt được vào đền thờ. Nhiều phụ nữ tại Tiểu bang Kerala cũng muốn giữ nguyên trạng, nghĩa là tuân thủ luật cũ trước khi Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết phủ quyết luật này. Chẳng hạn như tổ chức phụ nữ có tên là “Sẵn sàng Chờ đợi (Ready to Wait). Nhóm phụ nữ này chủ trương chờ đợi cho lúc hết thời kỳ kinh nguyệt để được đặt chân vào đền thờ. Họ nói rằng các tòa án không nên can thiệp vào các vấn đề tôn giáo, bởi vì theo họ, “không được đặt chân vào đền thờ chẳng tạo ra bất cứ thiệt hại nào cho thân xác, tinh thần hay ngay cả những mục đích thiêng liêng của người phụ nữ”. Bên cạnh “Sẵn sàng Chờ đợi”, còn có nhiều nhóm phụ nữ khác có chủ trương chống lại việc cho phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt được vào đền thờ. Một nhóm có tên là “Vì Dharma” đã gởi thỉnh nguyện thư lên Tối cao Pháp viện đề yêu cầu duyệt xét lại phán quyết.
Cuộc tranh luận về việc nên hay không nên cho phụ nữ trong tuổi kinh nguyệt được vào đền thờ không chỉ diễn ra trên truyền hình và Quốc hội mà còn trên các phương tiện di chuyển công cộng cũng như trong phòng khách của các gia đình trong Tiểu bang Kerala. Nhiều người phụ nữ không ngừng lập lại rằng rồi đây hình phạt mà bà Kanakadurga phải gánh chịu là bị chồng bỏ. Nhiều người đã chất vấn bà Bindu và Kanakadurga tại sao họ đã liều mạng sống vì quyền của người phụ nữ và tại sao 2 bà đã không dám ngang nhiên sánh bước cùng với các tín đồ khác và nhất là những người chống đối mình để đi vào đền thờ.
Cũng không thiếu người cho rằng 2 người phụ nữ này là công cụ của chính quyền cộng sản trong Tiểu bang Kerala. Người ta đặt vấn đề về động lực hành động của họ. Người ta nghi ngờ về tình trạng sức khỏe tinh thần của họ.
Thật ra, tranh đấu cho người phụ nữ đang trong tuổi kinh nguyệt được quyền đi vào đền thờ không chỉ là đòi sự bình đẳng trong vấn đề tôn giáo. Cuộc tranh đấu chỉ là một trong những khía cạnh của một phong trào rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy sự cải tổ xã hội tại Ấn Độ. Trước kia người ta thấy có phong trào tranh đấu cho quyền bình đẳng của những người thuộc giai cấp cùng đinh Dalit. Trong những năm gần đây, người ta bắt đầu đòi hỏi quyền bình đẳng cho người phụ nữ nói chung. Việc tranh đấu cho người phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc đi vào đền thờ tại tại Sabarimala không chỉ mới diễn ra vào đầu năm nay. Năm 2016, tức cách đây 3 năm, đáp trả thỉnh nguyện thư của một nhà tranh đấu cho nữ quyền, Tòa án Tối cao tại Bombay đã chấm dứt một lệnh cấm đã có từ 400 năm qua để cho phép phụ nữ được đi vào đền thờ Shani Shingnapur. Cũng trong năm đó, sau khi các nhà tranh đấu và phụ nữ Hồi Giáo mở một chiến dịch toàn quốc lấy tên là “Quyền Được Cầu Nguyện”, tòa án đã chấm dứt một lệnh cấm đã có từ lâu để cho phép phụ nữ được vào cung thánh của đền thờ Haji Ali Dargah tại thành phố Mumbai. Trên khắp Ấn Độ, phụ nữ đang đẩy lùi các biên giới xuyên qua các phong trào xã hội và nhất là các cuộc tranh đấu về mặt pháp lý.
Hai bà Bindu và Kanakadurga đã đi lẩn tránh vì hành động tiên phong của họ trong việc đòi hỏi bình đẳng trong việc thực hành đạo. Họ không mong gì hơn là được về nhà, trở lại làm việc và chờ đợi nhiều phụ nữ khác cũng sẽ đi theo bước chân của họ. Bà Kanakadurga nói: “Trong một quốc gia dân chủ như Ấn Độ, ý tưởng cho rằng đàn ông và đàn bà không bình đẳng, cho dù chỉ trong một thời gian nào đó, ở những nơi nào đó hay trong tình huống nào đó, là một điều rất nguy hiểm. Các con trai của tôi - tất cả mọi con cái của chúng ta - đang theo dõi sự việc. Tôi cần phải được về nhà. Chúng cần được lắng nghe câu chuyện của tôi”

(theo:Rohini Mohan, Sacred Mission, tạp chí Time, January 21,2019)

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Thông điệp đầu năm




Chu Thập
18/01/19
Tennis không phải là một môn thể thao tôi ưa thích. Lũ trẻ nghèo  chuyên đá banh bưởi trên những gò đất khô cằn nứt nẻ như tôi nhìn vào những sân “quần vợt” như một thế giới hoàn toàn xa lạ. Có ngủ cũng không dám mơ được làm người trưởng giả, mặc quần sọt trắng, áo thun trắng, mang giày ba ta trắng để gọi là đi đánh Tennis. Cho tới ngày nay, tôi cũng chưa một lần bước vào một sân quần vợt nào. Vậy mà bất cứ trận thi đấu nào có mặt danh thủ Roger Federer, tôi luôn thấy mình bị thôi thúc phải xem cho bằng được. Tôi say mê danh thủ này vì lối chơi điệu nghệ của anh. Nhưng chính tư cách của anh mới là điều thu hút tôi nhiều nhứt. Dù chỉ đáng tuổi con của tôi, anh vẫn xứng đáng để tôi tôn lên bậc thày trong trường học làm người. Anh đã dạy tôi nhiều điều. Năm nay anh nhắc lại cho tôi về tầm quan trọng của lòng biết ơn.
Mới đây, nhân dịp đến Melbourne để tham dự Giải Australian Open, danh thủ người Thụy Sĩ này đã dành cho Đài truyền hình CNN của Mỹ một cuộc phỏng vấn qua đó anh đã không cầm được nước mắt khi nhắc đến tên của ông Peter Carter, một huấn luyện viên người Úc đã dẫn dắt anh khi anh mới chập chững bước vào sân đấu.
Ông Carter đã khám phá ra tiềm năng của Federer khi ông đến chơi tại câu lạc bộ Tennis ở Basel, Thụy Sĩ. Federer cho biết chính người thày này đã dạy cho anh kỹ thuật mà dần dần anh đã phát huy thành ngón nghề riêng của anh. Rất tiếc là năm 2002, khi Federer được đưa lên đỉnh cao của nghệ thuật chơi tennis và danh vọng, Carter đã qua đời trong một tai nạn giao thông tại Nam Phi.
Nói chuyện với phóng viên của đài CNN, Federer đã không cầm được nước mắt khi nhớ lại người huấn luyện viên đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời và sự nghiệp của anh. Anh nói: “Peter (Carter) thực sự là một người quan trọng trong cuộc đời của tôi. Nếu tôi phải nói lên lòng biết ơn vì kỹ thuật mà tôi có được ngày hôm nay, thì người tôi mang ơn chính là Peter”. Federer cho biết khi hay tin thày mình qua đời, anh xem đó như một “tiếng gọi” thôi thúc anh phải gia tăng tập luyện. Cứ có dịp là anh nhắc lại công ơn của người thày của mình.
Khi đến Úc tham gia Giải Australian Open hồi năm 2017, Federer đã khẳng định: “Về kỹ thuật của tôi, Peter Carter là người có ảnh hưởng lớn nhứt.” Anh giải thích rằng chính anh là người đã kiện toàn kỹ thuật và lối chơi nhẹ nhàng uyển chuyển của anh. Nhưng theo anh, Peter Carter mới là người đặt nền móng cho kỹ thuật ấy.
Để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với người đã từng dẫn dắt mình ở bước đầu, cứ mỗi lần đến Úc để thi đấu, Federer đều mời cha mẹ của người quá cố đến tham dự. Anh nói rằng cha mẹ của Peter Carter là những người rất quan trọng đối với anh.
Trên sân đấu cũng như trong đời thường, Federer lúc nào cũng cư xử đẹp. Khi bày tỏ lòng biết ơn, anh cũng thể hiện một nét cao đẹp khác trong nhân cách là sự khiêm tốn. Thật vậy, biết ơn không chỉ có nghĩa là biết mình mắc nợ với người khác, mà chính là nhận biết những giới hạn của mình. Ngày xưa khi chập chững cắp sách đến trường, có học sinh nào mà không học thuộc lòng câu “không thày đố mày làm nên”. Dù có là thiên tài đi nữa, có ai mà không cần một hay nhiều người thày trong cuộc đời. Biết ơn và khiêm tốn là đôi cánh giúp con người bay lên trong sự trưởng thành nhân cách. Tôi học được điều đó qua cách cư xử của danh thủ Federer.
Vào khoảng thập niên 1960, tại Hoa Kỳ, người ta thấy rộ lên trong tâm lý học một trào lưu kêu gọi nuôi dưỡng và phát huy lòng tự tin. Các cuộc nghiên cứu trước đó đã khám phá ra rằng những người có lòng tự tin, nghĩa là nghĩ “cao” và nghĩ “tốt” về mình thường thành công trong cuộc sống và ít gặp vấn đề hơn người khác. Thời đó, nhiều nhà nghiên cứu và hoạch thảo chính sách tin rằng nâng cao lòng tự tin của dân chúng sẽ giúp tạo ra được nhiều lợi ích về mặt xã hội như giảm bớt tội ác, kết quả học tập tốt, có việc làm tốt, ít thiếu hụt tài chính v.v...
10 năm sau, tức thập niên 1970, trào lưu thúc đẩy và nuôi dưỡng lòng tự tin được dạy cho các bậc phụ huynh, được các nhà tâm lý trị liệu, các chính trị gia và các nhà giáo dục nhìn nhận và biến thành một chính sách giáo dục. Người ta khuyến khích các nhà giáo dục bằng mọi cách phải xiển dương lòng tự tin nơi học sinh. Nếu học sinh do lười biếng hoặc vì những lý do nào đó mà không đạt được điểm cao, hãy nâng điểm của các em lên. Làm như thế sẽ giúp cho các học sinh dở cảm thấy ít mặc cảm hơn. Học sinh cũng được khuyến khích để nêu lên những lý do tại sao các em cảm thấy mình là người đặc biệt. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo tinh thần cũng không ngừng rao giảng cho các tín hữu rằng trong con mắt của Thiên Chúa, họ là những con người độc nhứt vô nhị, được mời gọi để trở thành những con người xuất chúng phi thường, chứ không chỉ là hạng trung bình. Người ta đua nhau tổ chức các cuộc hội thảo để rêu rao câu “thần chú”: bất cứ ai cũng đều có thể là một người ngoại hạng và thành công vượt bực!
Phát huy và nuôi dưỡng lòng tự tin đã trở thành một phong trào trong xã hội Mỹ. Nó đã trở thành gần như một niềm tin tôn giáo và một phần của văn hóa Mỹ: ai cũng phải tin rằng mình có thể là một người ngoại hạng xuất chúng. Những người có tiếng tăm trong xã hội đều kêu gọi như thế. Những nhà tài phiệt cũng nhắn nhủ như thế. Các chính trị gia cũng không ngừng rêu rao điều đó. Ngay cả nữ hoàng hội thoại Oprah cũng lập lại điều đó: mỗi người đều có thể là một người phi thường. Tất cả mọi người đều xứng đáng để trở thành vĩ đại (x. Mark Manson, The Subtle Art of Not Giving a F*CK, Pan Macmillan Australia Pty Ltd 2016, trg 41-60).
Khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) cũng gợi lên cho tôi trào lưu ấy. Tự nhận mình là người bị bắt nạt nhiều nhứt trên thế giới, đệ nhứt phu nhân Melania Trump cũng đã tung ra một chiến dịch lấy tên là “Be Best” với mục đích khuyến khích trẻ em Mỹ hãy xem mình là “nhứt”, là ngoại hạng trong con đường riêng của mình.
Quả thật, Hoa Kỳ là một quốc gia vĩ đại. Nước này có rất nhiều người vĩ đại. Nhưng kể từ thập niên 60 đến nay, đâu phải mọi người Mỹ đều là những Bill Gates, những Martin Luther King...Thật ra nếu ai cũng đều là ngoại hạng, phi thường và “nhứt” (best) hết thì  ai sẽ là hạng “trung bình”.
Thời trai trẻ, tôi cứ tưởng mình “phải có công gì với núi sông”. Thế rồi, tuổi đời càng chồng chất, thất bại muôn mặt trong cuộc sống ập phủ xuống...tôi càng hiểu và chấp nhận những giới hạn và bất toàn của mình. Sức khỏe của tôi ngày càng giảm sút. Não bộ của tôi là một bộ máy kém hữu hiệu nhứt. Nhớ trước quên sau. Lý luận không tới nơi tới chốn. Làm những quyết định hời hợt thiếu suy nghĩ. Nhìn người và nhận định về cuộc sống một cách chủ quan hoặc đầy thành kiến. Ngày nay, ngay cả khi thế giới đang cung cấp cho tôi tất cả mọi phương tiện để trở thành phi thường hay ngoại hạng, tôi vẫn thấy mình hoàn toàn bất lực. Mạng lưới Thông tin Toàn cầu, Google, Facebook, YouTube và hàng trăm hệ thống truyền thông hiện đại trước mắt có vẻ dễ như trở bàn tay với ngay cả những đứa bé chưa thực sự cắp sách đến trường lại là những vũ trụ bí hiểm của tôi. Sự tập trung và chú ý của tôi cũng có giới hạn. Tôi không thể tiêu thụ hay tiêu hóa tất cả mọi thức ăn được bày ra trước mặt. Nói chung, kỹ thuật của thời đại chỉ làm cho tôi cảm thấy choáng ngợp và ý thức hơn về những giới hạn và bất toàn của mình. Tôi biết rằng dù cho có sống thêm nhiều năm nữa thì tôi cũng không thể nào bắt kịp những tri thức được coi như thông thường của thời đại này. Mỗi lần cái máy vi tính tôi dùng để viết bài hay cái băng tầng “internet” trở chứng là những lúc tôi “thấm thía” cái giới hạn của mình. Xét cho cùng, tôi chỉ là một thứ ốc đảo bơ vơ ngày càng lùi vô quá khứ. Không nói đến nỗi cô đơn hiện sinh mà ai cũng đang gậm nhấm trong sâu thẳm của cõi lòng, có lúc nào mà tôi không cảm thấy mình cần có người khác. Có ai mà một cách nào đó không là thày của tôi. Tôi mang ơn biết bao nhiêu người.
Mỗi dịp đầu năm, tôi thường lắng nghe các thông điệp của các nhà lãnh đạo chính trị và nhứt là tôn giáo. Thường họ cũng chỉ lập lại những lời sáo rỗng. Năm nay, tôi đón nhận việc danh thủ Federer bày tỏ lòng biết ơn với người huấn luyện viên cũ của mình như một thông điệp đầu năm.
Ở khởi đầu một năm mới, người ta thường làm một số quyết tâm. Hơn ai hết có lẽ hầu như nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng có những quyết tâm đầu năm. Chính vì vậy mà nhà viết bỉnh bút nổi tiếng của tạp chí Time là ký giả Ian Bremmer mới ngồi nghĩ ra một số quyết tâm của các nhà lãnh đạo thế giới. Chẳng hạn, trong số ra ngày 14 tháng Giêng vừa qua, Ian Bremmer đã viết giùm cho Tổng thống Donald Trump những lời quyết tâm như: “Tôi quyết tâm phải thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Cộng là nước đang giở trò gian lận với chúng ta, sẽ xóa bỏ chính sách y tế Obamacare, sẽ xây một bức tường biên giới lớn và đẹp, sẽ cắt giảm thuế cho mọi người....sẽ ký sắc lệnh hoàn toàn ngăn cấm không cho người Hồi giáo được vào Hoa Kỳ...sẽ không đi nghỉ, sẽ không chơi golf, sẽ nói với mọi người rằng không hề có Toa rập (Collusion với Nga), sẽ làm cho Nước Mỹ vĩ đại trở lại và sẽ xuống 3 cân Anh. Cũng như năm ngoái thôi”.
Cũng như mọi người, năm nào tôi cũng làm một số quyết tâm và cũng như mọi năm, lần nào tôi cũng lập lại câu “cũng như năm ngoái thôi”.
Không biết năm nay tôi có nên lập lại danh sách những quyết tâm đầu năm của những năm trước không. Nhưng ngẫm nghĩ về “thông điệp đầu năm” của  “ông thày” Federer, năm nay có lẽ tôi chỉ xin quyết tâm một điều: cố gắng mỗi ngày nuôi dưỡng và nói lên lòng biết ơn với mọi người. Biết ơn mọi người để ý thức hơn về những giới hạn, bất toàn và khuyết điểm của mình. Biết mình hơn để khiêm tốn hơn và khiêm tốn hơn để dễ dàng cảm thông hơn với người khác. Và cảm thông hầu mới mong có được cuộc sống an bình và hài hòa với mọi người như nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Mã từng dạy: “Cảm thông là yêu thương. Cảm thông mang lại an bình và cùng với an bình là sức khỏe. Hãy trân quý sự cảm thông”.






Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

2019: lịch sử đang trở lại!



18/01/19
Nhà văn Mỹ đã từng đoạt giải Nobel Văn Chương là ông Eugene Gladstone O’Neill (1888-1953) có để lại một câu nói nổi tiếng: “There is no present or future, only the past happening over and over again” (không có hiện tại hay tương lai, mà chỉ có quá khứ cứ lập đi lập lại không ngừng).
Nếu nhìn vào những gì đang diễn ra trên thế giới trong năm 2019 này, người ta sẽ thấy lời tiên tri của nhà văn O’Neill đang trở thành hiện thực.
Bóng ma của những cuộc chiến tranh khủng khiếp trong quá khứ như đang nhập thể trở lại. Hãy nhìn vào mối đe dọa của Bắc Hàn. Quốc gia Cộng sản này hiện đang có trong tay một kho vũ khí hạt nhân đủ để nhận chìm một phần thế giới vào biển lửa. Hỏa tiễn của nước này có đủ khả năng để bay tới Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi. Sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, một cuộc gặp gỡ vốn được 2 bên rêu rao như một biến cố lịch sử chưa từng có, Bắc Hàn không những giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân của mình, mà còn tiếp tục phát triển những vũ khí mới kèm theo những lời đe dọa đáng sợ hơn.
Nhưng có lẽ mối đe dọa của quốc gia cộng sản côn đồ Bắc Hàn vẫn không đáng sợ cho bằng cuộc chạy đua vũ trang hiện nay của hai siêu cường nguyên tử là Nga và Hoa Kỳ: một cuộc chiến tranh lạnh mới đã thực sự bắt đầu!
Thế giới đang bị đe dọa không chỉ vì cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và Mỹ hay kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Tình hình thế giới cũng bấp bênh không kém vì mối căng thẳng giữa một số nước đang có vũ khí hạt nhân ở Á Châu. Năm 2017 vừa qua, hai nước cựu thù là Ấn Độ và Trung Cộng, 2 quốc gia có đông dân số nhất thế giới, đã từng lăm le tấn công nhau vì xích mích tại một biên giới ở Bhutan. Không riêng với Trung Cộng, mối quan hệ của Ấn Độ và Pakistan, một quốc gia láng giềng hiện cũng đang có trong tay vũ khí hạt nhân, cũng căng thẳng không kém.
Tại Trung Đông, cuộc chiến ở Syria vẫn đang tiếp diễn. Viễn ảnh hòa bình xem ra ngày càng mờ mịt. Các trại tỵ nạn đã không còn chỗ để chứa người di tản. Cũng như người Việt Nam đã trốn chạy chế độ cộng sản sau năm 1975, người dân Syria cũng liều mạng trèo lên những chiếc thuyền mong manh để vượt biển khơi với hy vọng tìm được an toàn ở bất cứ bến bờ nào họ trôi dạt tới.
Cuộc xung đột tại Syria ngày càng tồi tệ, nhưng cuộc chiến tại Yemen lại càng thê thảm hơn. Bị xâu xé giữa hai cường quốc Hồi giáo là Iran và Á Rập Saudi, Yemen đã biến thành một bãi chiến trường dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, trong 3 năm vừa qua, đã có khoảng 85.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói! Hình ảnh của những đứa trẻ chỉ còn da bọc xương không thể không gợi lại nạn đói khủng khiếp tại Ethiopia hồi thập niên 1980. Ngày đó, cả thế giới đã rúng động trước những hình ảnh khủng khiếp của nạn đói. Các ca sĩ thượng thặng của thế giới đã góp giọng để kêu gào và đánh động trái tim của nhân loại. Các chính phủ đã bắt tay nhau và quyết tâm không để cho một thảm kịch như thế tiếp diễn.
Nhưng lịch sử cứ lập lại một cách tàn nhẫn. Ngay lúc này đây, Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng Yemen hiện đang phải đối diện với thảm họa nhân đạo lớn nhất của Thế kỷ 21: 14 triệu người đang có nguy cơ chết đói!
Bên cạnh nạn đói do chiến tranh tạo ra, thế giới lại còn phải đương đầu với một cuộc chiến khác dường như không bao giờ kết thúc là cuộc chiến chống khủng bố. Đã hơn 18 năm kể từ cuộc khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng Chín năm 2001, nay cuộc chiến chống khủng bố như chỉ mới bắt đầu. Chẳng còn nơi nào trên thế giới này được xem là an toàn. Từ London, Brussels, Paris...đến Nairobi ở Phi Châu, Jakarta ở Nam Dương và Sydney ở Úc Đại Lợi,  nơi nào cũng đều có thể là điểm nhắm của các tổ chức khủng bố.
Không bị khủng bố trực tiếp đe dọa, nhưng Ukraine cũng không ở yên trước sự đe dọa trắng trợn của Nga. Thế giới tự do đã tỏ ra hoàn toàn bất lực trước những hành động ngang tàng và bạo ngược của Nga.
Đệ nhứt Thế chiến đã chấm dứt cách đây vừa đúng 100 năm và Đệ nhị Thế chiến cũng đã kết thúc hơn 70 năm qua. Nếu tính từ Đệ nhị Thế chiến đến nay, mặc dù có chiến tranh lạnh và cuộc chiến đẫm máu có diễn ra tại một vài nơi trên thế giới,  nhưng có lẽ chưa bao giờ nhân loại hưởng được một nền hòa bình lâu dài như thế. Nhưng nay dường như lịch sử đang trở lại. Bóng dáng của chiến tranh đang lấp ló ở đâu đó.
Với cuộc chạy đua vũ trang hiện nay, Hoa Kỳ và Nga đang đi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng nỗi lo sợ lớn nhất hiện nay vẫn là một cuộc chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào giữa hai siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Cộng. Bất cứ một cuộc đụng độ nào giữa 2 siêu cường này cũng đều là một đại họa cho toàn thế giới. Mặc dù hai bên đều tuyên bố sẽ bằng mọi cách tránh chiến tranh, nhưng trong thực tế hiện nay cả hai bên đều chuẩn bị tư thế sẵn sàng ứng chiến.
Hồi năm 2015, tổ chức phi lợi nhuận “The Rand Corporation”, chuyên nghiên cứu về chiến lược toàn cầu, đã gởi cho Quân đội Mỹ một bản phúc trình có tựa đề “War with China. Thinking Through the Unthinkable” (Chiến tranh với Trung Cộng. Suy nghĩ về điều không thể ngờ được). Bản phúc trình kết luận rằng nếu chiến tranh xảy ra chắc chắn Trung Cộng sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bản phúc trình lại cảnh cáo rằng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng và cải tiến, Trung Cộng có thể tạo ra một cuộc chiến hủy hoại lâu dài.
Ngày nay, ai cũng nhận thấy rằng nếu chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng có xảy ra thì bãi chiến trường chính chỉ có thể là Biển Đông.
Kể từ năm 1974 đến nay, sau khi đã ngang nhiên chiếm lấy Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Cộng áp đặt chủ quyền của mình lên toàn bộ Biển Đông và xem đây như ao nhà của mình. Nhiều đảo trong vùng biển này, vốn trước đây đã từng là vùng tranh chấp giữa nhiều nước Đông Nam Á, nay đã bị Trung Cộng quân sự hóa. Nhiều phi đạo dành cho Không lực của Trung Cộng đã được thiết lập. Các loa phóng thanh được bắt dày đặc trên các đảo này lúc nào cũng phóng ra những lời cảnh cáo đối với các tàu bè nước ngoài nào đi gần những hòn đảo đã được quân sự hóa ấy.
Trong năm 2018 vừa qua, đã có lúc thế giới gần như đứng tim khi tàu chiến của Hoa Kỳ và Trung Cộng tiến đến tư thế gần như muốn đụng độ nhau trên Biển Đông.
Trung Cộng hiện đang củng cố sức mạnh quân sự của họ. Ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Cộng đứng hàng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Hiện quốc gia cộng sản khổng lồ này đang phát triển phi cơ chiến đấu có khả năng tấn công các tiềm thủy đĩnh và  hỏa tiễn liên lục địa. Trung Cộng cũng đang cho thiết lập điều mà họ gọi là “Vạn lý Trường thành dưới biển”.
Chuyên gia phân tách lão thành của Học viên Chính sách Chiến lược của Úc là ông Malcolm Davis khẳng định rằng với những tiến bộ khoa học và kỹ thuật hiện nay, Trung Cộng “khiến cho quân lực của Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn mỗi khi muốn can thiệp vào một cuộc khủng hoảng trong Biển Đông”.
Chuyên gia này cảnh cáo rằng về khả năng quân sự, Trung Cộng có thể “cỡi lên lưng Hoa Kỳ”. Hoa Kỳ đã nhận ra mối đe dọa ấy. Năm ngoái, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã cập nhật chiến lược quốc phòng và nêu đích danh Trung Cộng và Nga là hai mối đe dọa lớn nhất cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Bộ Quốc Phòng Mỹ khẳng định: “Ngày càng có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Cộng và Nga muốn hình thành một thế giới phù hợp với mô hình độc tài của họ”. Với chiến lược mới, Bộ Quốc Phòng Mỹ kêu gọi thay vì chú tâm vào cuộc chiến chống khủng bố, hãy dồn mọi nỗ lực vào việc đối đầu với mối đe dọa của Trung Cộng và Nga. Tướng Jim Mattis, người vừa đệ đơn từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã từng kêu gọi phải “cấp tốc thay đổi” chiến lược để sẵn sàng ứng chiến.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang cai trị Trung Cộng chẳng khác nào một hoàng đế. Sau Mao Trạch Đông, họ Tập được xem là người quyền thế nhất tại Trung Cộng. Thật ra, Tập Cận Bình còn tỏ ra nhiều quyền lực hơn cả Mao Trạch Đông, bởi vì ông hiện đang lãnh đạo một quốc gia, theo một số thước đo nào đó, có thể là nền kinh tế mạnh nhất thế giới.
Là con của một đảng viên Cộng sản, họ Tập luôn đặt Đảng lên trên mọi sự. Ông đàn áp mọi nhà bất đồng chính kiến, giam tù các đối thủ chính trị, bịt miệng mọi cơ quan truyền thông và các nhà tranh đấu cũng như tìm cách tiêu diệt sắc tộc Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Năm vừa qua, với lời hứa hẹn sẽ hoàn thành “Giấc mơ Trung hoa”,  ông đã tự phong cho mình làm chủ tịch mãn đời. Trong lịch sử nhân loại, có lẽ chưa có nhà độc tài nào đáng sợ cho bằng Tập Cận Bình.
Nhìn vào các diễn tiến trên thế giới hiện nay, có lẽ cũng như nhà văn Eugene O’Neill, các sử gia đều cho rằng quá khứ đang trở lại.
Vào năm 1914, có ai nghĩ rằng Đệ nhứt Thế chiến sẽ xảy ra. Đức và Anh đang là những đối tác thương mại quan trọng. Quốc vương Anh và Thủ tướng Đức là anh em cô cậu hay chú bác với nhau. Có ai ngờ rằng chiến tranh sẽ xảy ra. Nhìn lại Đệ nhứt Thế chiến, sử gia Úc Sir Christopher Clarke đã gọi các lãnh tụ của thời đó là “Những Kẻ Mộng Du”. Chỉ vì cái chết của một hoàng tử kế vị trên ngai vàng Áo-Hung mà “cuộc chiến để chấm dứt mọi cuộc chiến” đã bùng nổ, sát hại cả 50 triệu người trên thế giới.
Ngày nay, với tham vọng không đáy của một Tập Cận Bình, với sự hung hãn của một Putin, với thái độ côn đồ của một Kim Jong-un và dĩ nhiên với sự bốc đồng và không lường trước được của một Donald Trump, chuyện gì cũng có thể xảy ra cho thế giới. Biển Đông hiện đang là nơi dậy sóng với một bên là Trung Cộng và bên kia là Hoa Kỳ, các nước còn lại bị buộc phải theo bên này hay bên kia.
Kịch bản cho cục diện thế giới có lẽ đã được kịch tác gia Hy Lạp Thucydides viết ra năm 400  trước Công nguyên. Đây là thời điểm xảy ra cuộc chiến giữa Athens và Sparta. Ngày nay rất nhiều nhà chiến lược quân sự cảnh cáo về điều mà họ gọi là “Chiếc Bẫy sập của Thucydides”: một cường quốc đang lên muốn đối đầu với sức mạnh của một cường quốc đang đi xuống và sẵn sàng gây chiến để làm bá chủ. Sự vươn lên của một Athens đã tạo ra nỗi lo sợ cho Sparta. Và đó chính là điều khiến cho chiến tranh không thể tránh được.
Năm 1989, tức cách đây 30 năm, khi chứng kiến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu và kế đó là sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản tại cái nôi của nó là Nga, một nhà chính trị học Mỹ nổi tiếng là ông Francis Fukuyama đã viết một cuốn sách với tựa đề “The End of History and the Last Man” (Lịch sử đã kết thúc và Người cuối cùng). Trong tác phẩm, ông Fukuyama biện luận rằng các chế độ độc tài đã bị đánh bại, nền dân chủ tự do, chủ nghĩa tự bản và kinh tế thị trường là điểm đến tất yếu trong sự tiến hóa văn hóa xã hội của nhân loại. Theo ông, “Lịch sử đã kết thúc”, “chiến tranh” sẽ chỉ còn là một phạm trù của quá khứ.
Nhưng liệu những gì đang diễn ra trong năm 2019 có cho phép thế giới chia sẻ niềm lạc quan của ông Fukuyama không? Phải chăng lịch sử đã không kết thúc, mà đang trở lại với bộ mặt còn đẫm máu hơn?

(Theo:https://www.abc.net.au/news/2019-01-01/stan-grant-2019-the-end-of-history/10675572)