Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

“Sức Khỏe là Vàng”



                                                                 Chu Thập, 18.5.2010

Tin ông bạn chí cốt của tôi bị đưa vào bệnh viện để mổ tim khẩn cấp quả là “tin đâu như sét đánh ngang” đối với tôi. Ông bạn tôi là người lạc quan. Nhìn cách ông ăn uống thì chẳng ai dám bảo rằng ông có vấn đề về tim mạch: ông chẳng kiêng bất cứ một món nào; thứ gì ông cũng ăn và ăn một cách ngon lành; thuốc lá ông hút liên tu, rượu ông cũng không từ. Ông thường tuyên bố: “Chỉ có thịt người là tôi không ăn thôi.” Ông cũng tự hào: “Ai đi nhà thương thì đi, chứ tôi thì không.”
Tôi tin rằng có một lần bị “quật ngã” như thế, ông mới nhận ra sức người có hạn và nhứt là ngẫm nghĩ về câu người ta thường nói: “Sức khỏe là vàng”. Những ngày “cấm cung” và “tịnh khẩu” của ông bạn tôi cũng là một cảnh cáo và là dịp để tôi nhìn lại cách sống của mình.
So sánh sức khỏe với vàng là điều chí lý. Vàng là thứ quý hiếm không phải ai cũng có và có như nhau. Có người tự nhiên trời cho bắt được “chum vàng”. Có người được ông bà để lại gia tài toàn là vàng. Có người phải chắt chiu từng đồng để mua vàng cất giữ. Có người phung phí và có người biết xử dụng để hộ thân và giúp đỡ người khác. Sức khỏe cũng vậy.
Ông già tôi là một trong số những người bắt được “chum vàng” sức khỏe. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy ông bệnh đến độ phải bị đưa vào nhà thương hay nằm liệt giường một ngày. Ông không bao giờ tốn một viên thuốc tây. Cùng lắm, ông dùng cao Lô Hội mua trong các nhà thuốc đông y về vo thành viên và uống sau bữa ăn. Từ lúc có trí khôn, tôi đã thấy cha tôi hút thuốc lá và ông hút cho đến lúc nằm liệt vào năm cuối đời và thanh thản ra đi khi gần 95 tuổi.
Cái chum vàng sức khỏe của cha tôi vẫn mãi là một ẩn số đối với tôi. Không biết có phải do một lời nguyền “độc” nào không, mà từ đời ông sơ, ông cố tôi cho đến đời cha tôi, những người con trai trong gia đình đều chết yểu. Nhưng một người duy nhứt còn sống sót luôn là người “hưởng thọ”: nếu không 80, 90 thì cũng vượt qua cái ngưỡng cửa “lục thập nhi nhĩ thuận”.
Tìm cách “lý giải” về sức khỏe và tuổi thọ của cha tôi, tôi thường nghĩ rằng chính do cuộc sống nông dân lam lũ và kham khổ mà cha tôi đã được trường thọ như thế. Có lẽ đây cũng là trường hợp những cây đa cây đề như hai ông thi sĩ “thượng thọ” ngoài Bắc là Nguyễn Hữu Loan và Hoàng Cầm. Bị trù dập và sống kiếp lầm than khốn khổ, vậy mà hai nhà thơ này vẫn cứ phây phây sống cho đến tuổi 90.
Nhưng đáng bái phục nhứt hẳn phải là trường hợp nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh hiện đang sống tại Hoa kỳ. Dạo đầu tháng Giêng vừa qua, ông cho ra mắt tác  phẩm “Tâm Pháp Khí Công”  để trình bày “bí quyết” sống lâu của ông. Trong một trang sách, ông tâm sự: “Tôi tuổi Tân Dậu (1921), năm nay gần 90, nhưng tinh thần và thể xác vẫn còn khang kiện, làm việc bình thường 6,7 tiếng một ngày, trừ Chủ nhật, tôi chỉ làm 4 tiếng. Và như vậy liên tục gần 7 năm nay, không ngày nào nghỉ. Nhiều bạn bè thân thuộc mến tôi thường hỏi đùa tôi có “bí quyết” gì không mà tuổi già được như vậy?” (Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Tâm Pháp Khí Công, trg 122) Ông trả lời rằng nhờ tập luyện khí công. Ông còn tuyên bố rằng nhờ tập luyện khí công, không những ông không phải kiêng cữ trong ăn uống, mà còn hút thuốc dài dài.
Tôi nghĩ rằng trường hợp của cụ nhà báo này cũng là một ngoại lệ. Ở tuổi ấy mà vẫn còn khỏe mạnh để làm việc như người bình thường thì quả là một phép lạ. Có người nhờ hưởng được một “bản đồ di truyền” thông suốt, không có vấn đề. Có người sinh ra dưới một “ngôi sao xấu”, bịnh hoạn liên miên. Ngày nay, khoa học ngày càng soi sáng được nhiều bí ẩn về sức khỏe. Các cuộc nghiên cứu về tế bào gốc đều nhằm tìm ra phương cách sửa chữa những trục trặc trong bản đồ di truyền ấy.
Tôi cũng nghĩ rằng chẳng có định mệnh nào là bất biến. Không bắt được chum vàng sức khỏe, nhiều người vẫn có thể vận dụng ý chí để thắng vượt những bất hạnh của mình. Tôi đặc biệt nghĩ đến nhà vật lý học nổi tiếng nhứt thế giới hiện nay là ông Stephen William Hawking. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Oxford, Anh Quốc, ông ghi danh vào trường đại học Cambridge để dọn luận án tiến sĩ về thiên văn và vũ trụ học. Nhưng vừa đến đây, ông đã bắt đầu thấy xuất hiện những triệu chứng của bệnh mà người Mỹ gọi là “Lou Gehrig”, một loại tê liệt thần kinh khiến con người không thể điều khiển được các cử động. Mặc dù bị bại liệt, ông vẫn hoàn tất luận án tiến sĩ và đưa ra những phám phá mới trong ngành vật lý. Năm 1974, ông không còn có thể tự mình ăn uống hay ra khỏi giường. Giọng nói của ông mờ đục đến độ chỉ có người thân mới hiểu ông muốn gì. Năm 1985, sau một lần bị sưng phổi, ông hoàn toàn mất khả năng nói. Một chuyên gia tại đại học Cambridge đã sáng chế ra một thiết bị đặc biệt để giúp ông viết trên máy điện toán bằng những cử động của thân thể và cũng chỉ có thể “nói” bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt nhờ máy điện toán.
Nghĩ đến tình trạng bại liệt của nhà vật lý nổi tiếng nhứt thế giới này, tôi cảm thấy xấu hổ mỗi khi muốn than phiền về những lần đau đầu, sổ mũi, đứt tay, nhức mỏi… của mình.
Tôi cũng cảm thấy rất cảm kích khi đọc được gương vượt khó phi thường của một cô gái người Chilê tên là Daniela Garcia như được thuật lại trong tạp chí Reader’s Digest, ấn bản Úc Châu, trong số ra ngày 23 tháng 10 năm vừa qua. Năm 2002, một tai nạn xe lửa đã chặt đứt toàn bộ tứ chi của cô sinh viên y khoa 22 tuổi. Nhưng chỉ một năm sau, sau khi được hồi phục và gắn tay chân giả, cô đã trở lại đại học và quyết định hoàn tất chương trình y khoa. Cô sẽ là bác sĩ không có tứ chi đầu tiên trên thế giới.
Những người như cô Daniela Garcia đang mang lại một nguồn cảm hứng phong phú cho biết bao nhiêu người lành mạnh trên thế giới này.
Nhưng phải nói rằng nguồn cảm hứng lớn lao nhứt của tôi trong thời gian gần đây là một người Úc tên là Nick Vujicic. Khi anh chào đời, cha anh đã bị sốc nặng đến độ đã phải bỏ ra ngoài phòng hộ sản để nôn. Người mẹ suy sụp đến độ không dám bế đứa con cho đến khi anh tròn 4 tháng tuổi, bởi vì Nick sinh ra không có tay, không có chân. Mặc dù sợ con bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ anh vẫn nhứt quyết gởi anh đến trường. Nhờ vậy mà sau này anh cũng có được một mảnh bằng về kế toán tài chính và bất động sản. Anh kể lại: năm lên 8 tuổi, anh cảm thấy rất chán nản và chỉ muốn chết. Lên 10 tuổi, anh đã cố tự dìm mình trong phòng tắm nhưng không chết. Nhưng rồi, nhờ ý chí sắt đá, anh đã vượt qua hoàn cảnh và trở thành một biểu tượng của phấn đấu và chiến thắng. Anh có một bàn chân nhỏ bên phía hông trái giúp anh giữ thăng bằng và đi. Anh dùng bàn chân đó để đánh máy, cầm bút và cầm mọi thứ khác giữa các ngón chân. Tóm lại, mặc dù không có tứ chi, anh vẫn sinh hoạt như một người bình thường. Anh cũng chơi golf và trượt sóng. Hiện anh đi khắp nơi để diễn thuyết và khích lệ người khác. Anh tâm sự: “Khi lên 13 tuổi, tôi đã đọc một bài báo viết về một người đàn ông khuyết tật rất thành công và làm những thứ phi thường để giúp đỡ người khác. Qua bài báo, tôi nhận ra rằng, Chúa đã làm ra chúng tôi như thể này để tạo ra hy vọng cho những người khác. Điều đó đã truyền cảm hứng cho tôi và tôi quyết định sẽ dùng cuộc đời mình để khích lệ người khác. Tôi khuyên mọi người hãy đứng dậy khi vấp ngã và luôn yêu chính bản thân mình. Nếu tôi có thể khích lệ dù chỉ một người thôi thì tôi đã hoàn thành công việc của mình rồi.”
Năm 1990, Nick được trao tặng tước hiệu “Công dân Úc trẻ tuổi  của năm” vì sự dũng cảm và tính kiên cường của anh (theo báo The Daily Mail).
Tôi không biết đã có bao nhiêu người nhận được cảm hứng từ người thanh niên khuyết tật trên đây. Riêng tôi, kể từ khi đọc được tấm gương về ý chí kiên cường này, tôi thấy mình chẳng còn gì để than phiền về sức khỏe của mình nữa. Mặc dù mọi người sinh ra không có một sức khỏe như nhau, nhưng do ý chí, con người có thể thắng vượt được những khuyết tật hay bất hạnh của mình.
Quan tâm và chăm sóc sức khỏe là một điều tốt, nếu không muốn nói là một nghĩa vụ “thiêng liêng” cao quý. Sức khỏe của tôi không chỉ là của riêng tôi mà cũng liên hệ đến người khác. Một con ngựa đau thì cả tàu bỏ ăn mà. Khi tôi đau yếu, tôi cũng làm cho những người xung quanh phải khổ lây. Do đó, nếu tôi có chăm sóc sức khỏe của tôi cũng là điều tự nhiên mà thôi.
Tuy nhiên, lo lắng thái quá cũng là điều không tốt. Kinh nghiệm riêng của tôi cho thấy rằng tôi “đau” vì lo lắng hơn vì bệnh tật. Mới đây, nghi ngờ tôi có vấn đề về “lục phủ ngũ tạng”, bác sĩ gia đình giới thiệu tôi đi làm siêu âm. Trước ngày đi siêu âm, tôi thấy mình mất ngủ vì lo. Càng không ngủ được, tôi càng “nghe” được những “chộn rộn” trong cái bụng đầy “bí ẩn”. Trong khi chờ đợi kết quả, tôi lại càng lo hơn. Nhưng sau khi bác sĩ mở phòng bì có kết quả thử nghiệm và tuyên đọc: “Mọi sự bình thường”, tôi thấy mình như đang đi trên mây: mọi thứ bệnh “tưởng” của tôi đều tan biến.
Tôi nghĩ: nhiều người có lẽ cũng có cùng những bệnh “tưởng” như tôi. Tôi tin như thế là bởi vì những cuộc thăm dò tại Hoa kỳ đều cho thấy rằng có đến 70 phần trăm những bệnh nhân đi gặp bác sĩ đều mắc bệnh tâm lý hơn là thể lý. Dĩ nhiên, con người là một thực thể gồm có tinh thần và thể xác: hai yếu tố này tác động hỗ tương lên nhau. Tinh thần không lành mạnh thì đương nhiên tạo ra những chứng bệnh thể lý và ngược lại, thể lý không lành mạnh cũng làm cho tinh thần bạc nhược.
Do đó, một tâm hồn lành mạnh hay đúng hơn một ý chí cương quyết cũng giúp chữa lành được nhiều bệnh tật. Trước kia, xét nghiệm thử máu, thấy chất mỡ trong máu tôi cao, bác sĩ bắt tôi phải uống thuốc. Tôi thử vài tháng. Sau nhận thấy tiền thuốc quá đắt, tôi ngưng uống thuốc và khép mình vào việc tập thể dục hằng ngày. Chỉ vài tháng sau, kết quả xét nghiệm cho thấy tôi đã “đốt” sạch mỡ xấu trong máu. Đúng như người Tây phương nói “mỗi ngày một trái táo thì khỏi cần đến bác sĩ”.
Mới đây, kết quả thử máu lại bảo tôi bị tiểu đường. Bác sĩ cho tôi gia nhập “câu lạc bộ” những người tiểu đường tại Úc và bắt tôi phải uống thuốc. Thay vì ra tiệm thuốc tây mua thuốc, tôi ép mình vào chế độ ăn uống kiêng khem, lao mình vào tập thể dục mỗi ngày 30 phút và dùng máy đo đường để tự kiểm tra mỗi ngày như bác sĩ chỉ dẫn. Sau ba tháng, xem kết quả thử máu, bác sĩ khen tôi đã “kiểm soát” được căn bệnh quái ác này. Cũng nhờ thời gian này, tôi có dịp “thưởng thức” các thức ăn nhẹ, ít đường và nhận ra rằng có nhiều món ăn ngon mà không cần chế biến cầu kỳ.
Thì ra, với sự phấn đấu và ý chí kiên cường, tôi cũng tìm lại được chum vàng sức khỏe tưởng đã mất. Dĩ nhiên, tôi không lạc quan đến độ tin rằng với ý chí sắt đá và kiên cường, tôi có thể phòng chống được mọi bệnh tật. Sinh lão bệnh tử, sức người có hạn, tôi không thể tránh được mọi bất trắc trong cuộc sống. Tôi tin như đinh đóng cột rằng sẽ có lúc tôi cũng phải nằm một chỗ để hoàn toàn sống lệ thuộc vào người khác như các cụ già trong các viện dưỡng lão. Nghĩ đến cảnh sống ấy, tôi thấy lo sợ. Nhưng đời là thế. Tôi phải luôn chuẩn bị tinh thần để đón nhận thực tế ấy.
So sánh với nhiều người khác, tôi không có được chum vàng sức khỏe. Nhưng như tác giả Dale Carnegie đã khuyên trong cuốn sách “Quẳng Gánh Lo Đi” của ông, nếu “định mệnh chỉ cho ta một trái chanh, hãy làm thành một ly nước chanh ngon ngọt” (Dale Carnegie, Quẳng Gánh Lo Đi, chương 17)
Sức khỏe là vàng, nhưng vàng là thứ không phải để đắc thủ và cất giữ hay phung phí, mà phải được xử dụng để mưu cầu cuộc sống. Tôi tin rằng nếu tôi biết trau dồi sức khỏe để sống cho đời, để phục vụ tha nhân, nghĩa là để sống có ý nghĩa, tôi phải được hạnh phúc ngay trong cõi đời này.







Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Còn một chút gì để nhớ để quên…



    
                                                                     Chu Thập 30.11.2009
   
Có lần, trong một lễ cưới, tôi nghe một vị linh mục mở đầu bài giảng với câu chuyện như sau:
“Có cặp vợ chồng già lụm khụm kia sống bên nhau một cách tình tứ. Tối tối, cụ ông thường có thói quen nhâm nhi một tách trà. Một đêm, trước khi xuống bếp, ông âu yếm hỏi bà:
-Bà có muốn ăn thêm một chút gì không? Tui pha trà rồi dọn cho bà luôn.
Bà vui vẻ trả lời trong lúc tay không ngừng đan:
-Tui thèm một ly kem ông à. Mà ông nhớ bỏ chút đậu phọng rang vào cho thơm.
-Được, tui sẽ lấy kem có đậu phọng cho bà.
Bà nói thêm giọng có chút “nhõng nhẽo”:
-Tui muốn có vài trái dâu vào nữa cho đẹp, được không ông?
-Có gì khó đâu mà không được?
-Nhưng ông có nhớ hết không đó? Hay ông ghi xuống đi. Hôm nọ, bác sĩ dặn ông từ nay cái gì cần nhớ thì phải ghi xuống chứ thôi sẽ quên hết.
-Ôi, bà  nghe lời ông bác sĩ làm chi. Ổng coi tui như con nít vậy, dặn dò đủ thứ lẩm cẩm. Tui chứng minh cho bà coi, năm phút nữa, tui sẽ đem lên cho bà một ly kem dâu với đậu phọng.
Ông đi xuống nhà năm phút rồi mười phút rồi hai mươi phút. Cuối cùng ông cũng trở lên sau nửa tiếng. Ông mang lên một ly cà phê đá cho mình và một… dĩa trứng ốp-la với thịt heo muối cho bà. Ông hý hửng đặt trước mặt bà. Bà nhìn qua rồi đẩy ra, giọng hờn dỗi:
-Tui nói rồi mà ông không nghe tui. Ông không biên xuống nên có nhớ gì đâu. Tui muốn bánh mì nướng trét bơ với mứt mận chứ có muốn trứng ốp-la với thịt muối đâu!!!”
Bầu khí trang nghiêm của lễ cưới vui nhộn hẳn lên. Câu chuyện thêm một chút mắm muối cho chủ đề “chung thủy lứa đôi” mà hầu như linh mục nào cũng muốn gợi lên trong các lễ cưới.
Thật ra, đó không hẳn là một câu chuyện cười, mà là một thực tế rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày của chúng ta: cụ ông và cụ bà trên đây là “đại biểu” của một cộng đồng cư dân rất quan trọng nhưng xem ra ít được biết đến hay không muốn biết đến trong xã hội ngày nay. Nhưng họ có mặt như để nhắc nhớ chúng ta về một chứng bệnh “hồng phúc”: bệnh quên!
Thật vậy, trong khi con người luôn quay cuồng, căng thẳng và lắm khi đau khổ với lo âu, nghĩ ngợi mà chúng ta chỉ mong quên “phứt” đi trong chốc lát thì lại có những người, ngày qua ngày, quên dần  đi hiện tại, mù mờ với tương lai và sau cùng mất luôn cả ký ức. Cộng đồng “Vô tri” là cái tên mà tôi đặt tạm cho họ trong khi chờ đợi một “Hàn lâm viện Việt nam” nào đó tìm cho danh từ “Dementia” trong tiếng Anh một tên gọi chính xác. Trước đây, chúng ta hay nói người già bị “lú lẫn” nhưng thực ra lú lẫn kiểu lẩm cẩm nói đi nói lại một chuyện, nói trước quên sau vẫn chỉ là “chuyện nhỏ” so với việc không còn biết xử dụng cái chén, cái ly, thậm chí không còn biết  đói biết khát. Vì vậy, có lẽ từ “lú lẫn”  không đủ ý nghĩa để nói lên hội chứng Dementia. 
Cộng đồng “Vô Tri”, nơi mà ai trong chúng ta cũng có “tiềm năng” trở thành thành viên, là nơi mà trong đó, người ta dần dần không còn trí nhớ, không còn lo nghĩ. Một trong những người nổi tiếng của thế giới, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, cũng đã từng là thành viên của cộng đồng “Vô Tri” trong những ngày cuối đời. Ở đó người ta không cần tập thiền hay yoga gì cả mà vẫn có thể quên đi mọi thứ, từ chỗ quên những động tác nhỏ nhặt hằng ngày như giờ giấc, thói quen, ăn uống, tắm rửa…cho đến quên cả đường đi lối về, quên cả tên họ bản thân…Ngày qua ngày, diễn tiến “quên” cứ tiến triển cho đến khi người ta không còn khả năng bộc lộ chính mình qua ngôn từ cử chỉ với thế giới bên ngoài. Khả năng nhận thức về thế giới chung quanh cũng giảm theo. Chuyện này kéo theo những hệ quả khác cho đến khi những người này không thể sống mà không có sự trợ giúp toàn phần của người khác. Những hiện tượng trên đây cho chúng ta một cái nhìn về một hiện trạng đang tăng nhanh nơi người già và gần đây, những người ở cuối tuổi trung niên cũng đang “góp một bàn tay”. Đó là sự hoại tử trí não, một hệ quả của nhiều chứng bịnh khác nhau như đột quỵ, tiểu đường, nghiện rượu và dược chất, Parkinson…và là con đẻ của căn bệnh mà Anh ngữ gọi là Alzheimer.
Tôi luôn chủ trương rằng tạp ghi lăng nhăng như vầy không phải là nơi để bàn những chuyện thuộc về chuyên môn. Lại càng không phải là nơi để đi sâu vào những khía cạnh “thực tại phũ phàng” của đời thường. Tôi chỉ muốn nhìn những con số, những dữ kiện thực tế vui buồn qua một lăng kính khác và dưới một chiều hướng khác.
Thật vậy, thử tưởng tượng một ngày xấu trời nào đó, vào giữa lúc tâm trí vẫn tôi còn ghi nhận được tất cả mọi thứ hỷ, nộ, ái, ố, thì bỗng nhiên một ông “Đốc” nào đó quả quyết rằng chỉ một thời gian ngắn nữa tôi sẽ bị như vầy, như vầy…Rồi ông ta liệt kê: Tôi sẽ đi đến chỗ không nói được một chữ cho ra hồn chứ đừng hòng chửi lộn, thậm chí tôi sẽ dùng bàn chải đánh giày để đánh…răng. Tôi cũng không thể tìm được lối về dù chỉ còn cách nhà có vài căn. Rồi tôi cũng trở thành “Từ Thức” về trần: xa lạ với tất cả, kể cả với chính mình. Nếu ông “Đốc” còn “thành thật” báo cho biết rằng sau khoảng năm bảy năm sống “phất phơ”  trong bàn tay “bà phước” của người khác, cuối cùng tôi cũng sẽ… chuyển sang từ trần, thì có…đáng buồn không? Buồn quá đi chứ! 
Với một viễn ảnh đen tối như vậy, còn ai có thể nhìn thấy chút giá trị gì nơi những con người tội nghiệp ấy?
Riêng tôi, tôi vẫn thấy sự hiện diện của cộng đồng những người “vô tri” ấy  là một “hồng ân” cho đời, cho người.
Ngay từ giây phút đầu tiên tiếp xúc với họ, cảm giác bình an, vô tư và “buông xả” là những điều tốt đẹp và quan trọng nhất mà tôi nhận được nơi họ. Một sự thanh thản và an nhiên khó tìm thấy ở người khác và nơi khác. Nụ cười luôn nở trên môi là điều đảo lộn mọi thành kiến trong tôi trước đây về họ.Vô hình chung, họ giúp cho tôi nhìn thấy giá trị lớn lao khi tâm trí không còn bị vướng bận.
Ở Úc, những người bị Dementia thường được cung cấp một chỗ ở thoải mái, rộng rãi, một môi trường yên bình như một cộng đồng nhỏ với đầy đủ các sinh hoạt gia đình và xã hội. Người ta cố gắng duy trì mọi sinh hoạt và thói quen cho người bị Dementia một cách nhứt quán như chúng ta thường làm cho các em bé hai ba tuổi trở xuống. Nơi họ, bạn có thể phải trả lời hoài một câu hỏi, nghe hoài một đĩa nhạc cổ lỗ sĩ, coi hoài một cuốn phim thời trắng đen, đi hoài đến một bãi biển, ăn hoài một loại kem…Trong khi bạn ngấy lên tận cổ thì họ lại thích thú ra mặt. Khả năng cảm nhận của họ chỉ còn giới hạn đến đó.
Sự thích thú với những niềm vui thật nhỏ của họ là một điều đáng để suy nghĩ. Đang là những người có kiến thức, địa vị, chức phận, tiền tài…trong xã hội, giờ đây họ trở nên…bình đẳng và “vô tư” với những người khác. Họ “cóc” cần biết “mình là ai” và cũng không “care” người khác có biết “ai là mình” hay không. Họ vui vẻ sống hoà đồng bên nhau. Một đời sống buông bỏ và đơn giản. Với một thể lực tương đối tốt, không quá đau đớn về thể lý, họ có thể vui hưởng những thú vui dành cho người già. Nhìn họ ăn bận tưom tất, đi du ngoạn với nhau, không ai có thể nhận ra họ là những người “có vấn đề” về trí não. Ở điểm này, họ hơn hẳn những người già luôn phải chịu đựng các chứng bịnh “già” như: bán thân bất toại, đau tim, yếu thận, tiểu đường hay thấp khớp. Nhứt là họ cũng không còn thấy buồn tủi vì những lời “nặng nhẹ” của con cái.
Não của họ như cục than hồng phủ một lớp tro bên ngoài. Nếu như tro bụị bay đi, than lại hồng lên (dù rằng cục than rồi sẽ nhỏ đi). Mỗi “lớp tro” trí não bên ngoài bay đi thì những gì thuộc về hiện tại cũng “bay” theo trong khi những ghi nhận trong quá khứ xa xưa sẽ hiển hiện lên. Họ nhớ lại những chuyện xa xưa một cách sống động. Điều đó giải thích được cảnh một đêm trăng tròn, một bà lão chín mươi chợt thức giấc, nhớ đến cái hẹn với người yêu “hồi nẳm”, thay áo đẹp, xịt nước hoa, tô son trét phấn, xỏ giày “cao cao”, không quên xách theo cái bóp đầm, hì hục tìm cách leo rào…viện dưỡng lão để gặp người yêu.
Tôi thật sự thích thú trước những câu chuyện “ngày xưa” của họ. Những ký ức “đội mồ sống lại” của họ có thể được coi như những dấu tích mà các nhà “khảo cổ” về ngôn ngữ và văn hoá, lịch sử muốn tìm kiếm: Hễ thấy người nào chuyên môn dấu thức ăn trong ngăn tủ là biết ngay họ là  di dân đến từ các nước từng trải qua nạn đói; ông bà cụ di dân từ các nước Cộng sản Đông Âu và Liên Xô thì rất nghiêm nhặt trong việc sử dụng giấy vệ sinh: không quá hai “khấc” giấy cho chuyện đi tiểu và bốn “khấc” cho đi…tiêu! Có người còn “chơi” luôn giấy báo! Họ cũng thích nói tiếng mẹ đẻ trở lại. Thần dân của vương quốc Anh thì cứ hễ nghe bài “God save the Queen” thì ngay lập tức nghiêm trang đứng dậy, không cần biết đang làm gì, kể cả đang thiu thiu ngủ. Đã hơn một lần tôi chứng kiến cảnh một loạt con cháu nữ hoàng đứng lên ngồi xuống rồi lại đứng lên ngồi xuống liên tục chỉ vì cái máy hát bị “mát”, chơi đi chơi lại cái bài ca đó. Vừa thấy tức cười vừa thấy thương. Còn nữa, bạn muốn nghe những thành ngữ cổ xưa hay những chuyện thời tiền bán thế kỷ trước thì chỉ cần khơi mào một chút là xong ngay, nhưng nhớ đừng tin hoàn toàn vì chuyện nọ xọ chuyện kia là thường.
Có lẽ không có an ủi nào lớn hơn cho chúng ta, những người có cha mẹ lớn tuổi, khi nhìn thấy họ còn được sống vui dù phải nhờ vào người khác. Thật vậy, trong khi những chăm sóc hằng ngày như tắm rửa, mặc quần áo, thay băng vết thương…hầu như chỉ tăng thêm đau đớn cho những người già khác thì với hội chứng Dementia, sự chăm sóc của chúng ta thường mang cho họ nụ cười. Niềm vui của họ chính là phần thưởng vô giá cho chúng ta.
Chứng kiến tiến trình đi vào thế giới “vô tri” của người già giúp tôi đặt lại giá trị của trí não, một bộ phận cơ thể không thể thay thế và là cái xác định “cái tôi” trong mỗi người. Trí não thường phải làm việc quá nhiều vì những lo âu đa mang không cần thiết. Trí não cũng thường bị “hành hạ” vì rượu và dược chất. Đã có tiên đoán một nước Nga phải đối diện với “đại dịch” Dementia. Việt Nam với “văn hoá nhậu” chắc cũng sẽ nối gót đàn anh.
Quan sát cách người ta chăm sóc cho những người Dementia giúp tôi tái khẳng định: đời sống càng đơn giản thì tinh thần càng thoải mái và thể chất càng lành mạnh.
Chỉ  có điều, một cách vô tình theo bản năng của con người, có hai câu hỏi mà một người già dù có “vô tri” cách mấy cũng thường xuyên đặt ra cho mình và cho người khác: “Tôi là ai?” và “Tại sao tôi lại hiện diện nơi đây?”
Tội nghiệp! Họ không còn đủ ý thức đề hiểu rằng, không riêng họ, những người bị Dementia, mà cả những con người bình thường như chúng ta và bao nhiêu nhà hiền triết, học giả cũng luôn băn khoăn tự đặt ra cho mình những câu hỏi nghìn đời ấy. Chưa ai có câu trả lời thoả đáng. Dù sao, họ vẫn “sướng” hơn chúng ta, họ hỏi chỉ để hỏi; còn chúng ta hỏi để…điên cái đầu.
  
   



Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Muốn rớt nước mắt



Chu Thập, World Cup 2014
Theo dõi hầu hết các cuộc thi đấu của Mùa Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay, tôi thường liên tưởng đến câu nói nổi tiếng được gán cho thủ tướng Anh Winston Churchill (1874-1965): Không gì buồn thảm cho bằng chiến thắng”. Có lẽ vị thủ tướng Anh này đã thốt lên câu nói trên đây khi nhìn thấy cảnh chết chóc, hoang tàn sau ĐNhị thế chiến tại Âu Châu. Còn nếu chứng kiến cảnh bình địa của hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản sau khi lãnh hai trái bom nguyên tử của Hoa Kỳ, thì cho dù có say men chiến thắng đến đâu, những ai còn có một trái tim biết rung động và thổn thức trước nỗi khổ đau của người đồng loại, dù thuộc phía bên nào, có lẽ khó mà nhắm mắt bịt tai để hát lên bài ca chiến thắng được.
Không biết áp dụng câu nói trên đây của thủ tướng Churchill vào những cuộc thi đấu của Mùa Giải Túc Cầu Thế Giới có quá khập khnh không, nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy một đội banh phải buồn bã giã từ Ba Tây để lên đường “hồi hương”, tôi cũng thấy buồn buồn. Dẫu biết trong thể thao thắng thua là chuyện thường tình, nhưng cứ thấy một đội banh bị hạ gục, tôi lại buồn. Buồn nhứt là khi theo dõi trận bán kết giữa đội Đức và đội Ba Tây sáng Thứ Tư tuần qua. Đã có lúc, ngay từ hiệp đầu, khi thấy đội Ba Tây bị đè bẹp đến 4 không, tôi đã tắt máy TV để khỏi phải chứng kiến cơn hấp hối kéo dài quá lâu của đội banh mà, sau khi danh thủ Neymar bị chấn thương không thể tiếp tục thi đấu và thủ quân Silva bị treo giò, tôi tin chắc không thể nào cầm cự được với một đối thủ hùng mạnh như Đức.
Trước đó, một ông bạn già của tôi, sau khi theo dõi trận tứ kết giữa Ba Tây và Colombia hôm 5 tháng 7 vừa qua, đã email chia sẻ rằng bạn tôi đã muốn “rớt nước mắt” khi nhìn thấy cảnh các cầu thủ Ba Tây đã an ủi, choàng vai, đổi áo với các cầu thủ Colombia. Với tôi, đó là một trong những khoảnh khắc đẹp và hào hùng nhứt trong mùa thi đấu năm nay. Nhưng tôi tin rằng cả tỷ người trên thế giới có lẽ đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh thủ quân David Luiz của đội Ba Tây khóc đến đỏ mắt sau khi đội tuyển nhà bị đội Đức nghiền nát với tỷ số 7-1. Nếu phải bầu chọn một hình ảnh đẹp nhứt của Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay, chắc chắn tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ tiếng khóc, những giọt nước mắt và lời nói của danh thủ này. Thực vậy, liền sau chiến bại thê thảm nhứt trong lịch sử túc cầu Ba Tây , trong tiếng khóc nức nở, anh đã lập lại hai lần: “Tôi xin lỗi mọi người dân Ba Tây”. Nhìn thấy anh khóc và nghe lời “xin lỗi” này, tôi cũng muốn “rớt nước mắt” như ông bạn già của tôi.
Thắng thua trong thể thao là chuyện thường tình. Vả lại, ai cũng phải nhìn nhận rằng, dù có bị Đức nghiền nát trong trận bán kết và bị Hòa Lan đè bẹp trong trận tranh hạng ba, các cầu thủ Ba Tây đã chơi hết mình và chơi đẹp nữa. Vậy mà thủ quân David Luiz vẫn thấy mình có lỗi với dân tộc của mình.
Suy gẫm về câu nói của thủ tướng Churchill,  rồi nhìn những giọt nước mắt và nghe lời “xin lỗi” của thủ quân David Luiz, tự nhiên tôi lại nghĩ đến quê nhà. Trong một đất nước say mê túc cầu như Việt Nam, chắc chắn không thiếu những người như tôi, vì mộ mến đội tuyển Ba Tây, cũng đã khóc. Bên cạnh đó, hẳn cũng không thiếu những người đã khóc chỉ vì thua cá cược. Cũng may, vì không mê cờ bạc và cũng chẳng “bắt” đội banh nào, cho nên tôi không phải khóc vì thua cá độ hoặc vì thất vọng về một danh thủ hay một đội banh nào đó. Nếu tôi có mủi lòng là vì tiếng khóc và hai tiếng “xin lỗi” của danh thủ David Luiz. Nếu có một bài học mà tôi có thể rút ra được từ cử chỉ cao đẹp của danh thủ này thì bài học đó là: cách này hay cách khác, lúc nào ta cũng mắc nợ với tha nhân và luôn sẵn sàng để thốt lên hai tiếng “xin lỗi”.
Tôi có ý nghĩ trên đây khi nhìn về quê hương sau 70 năm quằn quại dưới ách đô hộ của những người cộng sản. Tôi không tin rằng cộng sản là người biết khóc. Ai mà chẳng biết rằng những tiếng tru tréo của văn nô Tố Hữu khi đồ tể “Xít Ta Lin” đi chầu các “thánh tổ” cộng sản Karl Marx và Lenine, có khác gì những giọt nước mắt cá sấu của toàn dân Bắc Hàn trước cái chết của “lãnh tụ vô vàn kính yêu” Kim Chính Nhật. Ngay cả trước đó, khi Hồ Chí Minh có khóc sướt mướt về những cái  chết oan nghiệt trong những cuộc đấu tố man rợ dưới thời Cải Cách Ruộng Đất, tất cả cũng chỉ là một màn kịch vụng về. Với tôi, đã là cộng sản thứ thiệt, thì sự tiến lên “thú tính” và “ác tính” mãnh liệt đến độ đã làm khô cạn tuyến nước mắt chân thực trong con người.
Càng lúc, sự thật về Hồ Chí Minh càng được phơi bày. Có lẽ không ai cho tôi cái nhìn đúng đắn về con người của Hồ Chí Minh cho bằng triết gia Trần Đức Thảo, người, trong 40 năm bị bắt làm con tin và nô lệ dưới chế độ cộng sản Miền Bắc và ngay cả giữa thủ đô ánh sáng Paris, đã phải giả điên để sống còn và trước khi ra đi, đã để lại những lời trăn trối đáng tin cậy nhứt. Với cái nhìn và sự phân tách sắc bén của một triết gia và nhứt là với những kinh nghiệm sống bên cạnh Hồ Chí Minh, ông Trần Đức Thảo đã gọi đây “là một con người sắt đá đến mức vô cảm, vô tình, sẵn sàng chụp bắt mọi cơ hội để thành đạt...Đấy là một Tào Tháo muôn mặt, một con người không có tình bạn, không có tình yêu gia đình, tình yêu con cái, một bộ óc nung đúc cuồng vọng, với một ưu tư duy nhất là phải leo lên tột đỉnh quyền lực để đạt tới mục tiêu của mình...” (x. Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Những lời trăng trối).
Tôi thấy buồn và muốn khóc cho dân tộc khi một tên Tào Tháo “vô cảm, vô tình” như thế lại được đưa lên thành mẫu mực về đạo đức. Không lạ gì xã hội Việt Nam ngày nay đã rơi vào tận đáy vực sâu của điều mà ông Hà Sĩ Phu đã gọi là “tổng khủng hoảng về nhân cách”.
Tôi tin chắc rằng Hồ Chí Minh đã không bao giờ biết khóc và cả cái đám xưng tụng ông là “mẫu mực đạo đức” cũng không phải là những con người còn biết khóc nữa. Nếu họ đã biết khóc thì đương nhiên cũng phải nói lên hai tiếng “xin lỗi” về không biết bao nhiêu khổ đau mà dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu kể từ khi con người “vô cảm, vô tình” và tráo trở “muôn mặt” như Tào Tháo ấy đã rước cái thứ chủ nghĩa không có tính người về áp đặt lên dân tộc và hô hào sát hại người đồng bào ruột thịt của mình để vinh danh những tên đồ tể Lenin và Mao Trạch Đông.
Tôi tin chắc rằng kể từ khi Phạm Văn Đồng, dưới sự điều động của Hồ Chí Minh, đã bán nước cho Trung Quốc và nhứt là kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam, chẳng có một người cộng sản nào đã khóc. Cũng như “mẫu gương đạo đức Tào Tháo Hồ Chí Minh”, họ không những chỉ biết đến quyền lợi của Đảng và cá nhân, mà còn cười ngay trên chính nỗi khổ đau của dân tộc.
Qua những người cộng sản Việt Nam, nếu phải đi tìm một nét đặc trưng về những người không biết khóc, tôi nghĩ chẳng gì chính xác hơn câu nói mà người ta chỉ có thể trích dẫn để nói về những người cộng sản: “chỉ có súc vật mới quay mặt làm ngơ trước nỗi khổ đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ da riêng của mình”.
Lúc nhỏ, cũng như mọi đứa trẻ, dù nổi tiếng nghịch ngợm, tôi cũng biết thế nào là khóc nhè. Ở tuổi thanh niên, tôi cứ nghĩ rằng người có “chí khí” là người không biết khóc, mà phải là người sắt đá đến độ có thể kìm hãm được cảm xúc của mình, dù là sự thương cảm đối với người khác. Ngày nay, khi tuổi đời đã chồng chất, tôi lại thấy mình dễ mủi lòng hơn, nhứt là khi đứng trước nỗi khổ đau của người đồng loại. Tôi đã có thể thổn thức một cách dễ dàng. Tôi nghĩ đó là thể hiện của một bước tiến trong hành trình “nên người” hơn của tôi. Có lẽ những tiếng thổn thức và những giọt nước mắt, dù có khi chưa kịp tuôn trào thành dòng lệ, làm cho tôi cảm thấy gần gũi hơn với người đồng loại.
Cám ơn danh thủ David Luiz đã nhắc nhở tôi điều đó. Tôi nghĩ may mắn lớn nhứt trong đời tôi là chưa bao giờ chọn Hồ Chí Minh làm “mẫu gương đạo đức” để không hề biết khóc trước nỗi khổ đau của người đồng loại.
Từ 10 năm nay, mỗi năm tạp chí Reader’s Digest, ấn bản Úc Châu, đều lập danh sách 100 người Úc được người dân Úc tin tưởng nhứt. Năm nay đứng đầu danh sách là bác sĩ giải phẫu thần kinh người gốc Hoa Charlie Teo. Ông là một trong những nhà khoa học hàng đầu của Úc về thần kinh học và ung thư não bộ. Lý do ông được bầu chọn là người đáng tin tưởng nhứt, như báo Reader’s Digest giải thích, là vì “ông là người luôn giúp đỡ người khác khi bao nhiêu người khác đã bỏ cuộc”.
Người thứ hai trong danh sách 100 người đáng tin tưởng nhứt nước Úc là nữ bác sĩ chuyên về việc chữa trị da bị bỏng là giáo sư Fiona Wood. Người phụ nữ hầu như lúc nào cũng đứng đầu danh sách này được ca ngợi như một con người “tận tâm”, “vô vị lợi”.
Người thứ ba được tạp chí Reader’ s Digest vinh danh là giáo sư Ian Fraser, một nhà nghiên cứu về miễn dịch đã từng tìm ra  thuốc chủng ngừa chống lại vi khuẩn gây ung thư tử cung. Ông được đề cao vì “luôn làm việc vì phúc lợi của người khác”.
Sau giáo sư Fraser là linh mục Chris Rilley, người sáng lập tổ chức “Youth off the Streets”(cứu vớt giới trẻ đường phố). Trong 40 năm qua, vị linh mục này đã mang lại niềm hy vọng cho những người trẻ không còn một nơi nương tựa. Tạp chí Reader’s Digest gọi linh mục này là “người đi tìm kiếm những người mà xã hội muốn quên đi”.
Người Úc thứ năm được dân chúng tin tưởng nhiều  nhứt là tài tử Hugh Jackman. Ông được tin tưởng vì “có cuộc sống trung thực và nhứt là biết dấn thân cho đại cuộc”.
Năm người trên đây đều được nối kết trong một mẫu số chung: họ là những người  cố gắng quên mình vì tha nhân. Tôi chưa từng chạy hay tôn thờ bất cứ thần tượng nào. Nhưng tôi có vô số thày dạy. Họ là bất cứ người nào mà cuộc sống gợi lên cho tôi sự cần thiết phải biết quên đi quyền lợi và danh vọng cá nhân để, nếu không thể sống hết mình vì tha nhân, thì ít ra cũng biết khóc, biết đau vì nỗi khổ đau của người đồng loại.
Suy nghĩ về nỗi thổn thức và tiếng khóc trước nỗi khổ đau của người đồng loại, tôi thường nghiền ngẫm về câu nói của bà Elizabeth Gilbert, tác giả của cuốn nhựt ký nổi tiếng đã được dựng thành phim với cùng một tựa đề “Eat, Pray, Love” (Ăn, cầu nguyện, yêu thương): “Đừng xin lỗi vì đã khóc. Nếu không có cơn cảm xúc này, chúng ta chỉ là người máy”.









Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

"Angelina"

                                         “Angelina”

                                                                      



“Angelina” chẳng có ăn nhập gì với tên cô đào nổi tiếng Angelina Jolie. Đó chỉ là cái tên của con chó “què” của chúng tôi.

Hai chữ “khuyết tật” nghe lịch sự, nhưng không diễn tả hết cái cảnh khốn khổ của con Angelina. Phải nói nó “què” thì mới thấy thương nó, mỗi khi nó lê lết đôi chân sau để đi nghiêng ngả, xiêu quẹo, lắc lư hay trèo lên té xuống mỗi khi bước lên một bậc cấp; ngay cả những lúc nó vui vẻ cố “rượt bắt” một con gián, khi gần chộp được thì lại ngã lăn ra.Vậy mà con vật này đã trở thành một “thiên thần” luôn gợi lên cho tôi nhiều ý nghĩ và cảm hứng về cuộc đời, về con người.

Tôi nghĩ: yêu thương súc vật không phải là một bản năng. Điều này ít nhứt đúng cho trường hợp của tôi. Nếu không được dạy dỗ bằng cách này hay cách khác thì xem ra chẳng ai thực sự yêu thương súc vật.

Lúc nhỏ, tôi ít được dạy dỗ về những bài học cơ bản trong cuộc sống mà lẽ ra con người phải học ngay từ lúc còn ngồi trên gối mẹ.Tác giả Robert Fulghum trong cuốn sách có tựa đề “Những gì tôi cần học, tôi đã học trong vườn trẻ”, đã có lý để viết rằng trẻ con cần học những chân lý nền tảng của cuộc sống ngay từ thuở nhỏ. Có lẽ cũng vì vậy mà ông bà chúng ta thường dạy con cháu phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Thuở nhỏ, không rõ có chịu ảnh hưởng của quan niệm “nhân chi sơ tính bản thiện” của ông Mạnh Tử hay triết lý giáo dục của triết gia Jean Jacques Rousseau của Pháp không mà cha mẹ tôi  cứ để cho tôi “lêu lổng” suốt ngày. Ngoài thành tích vô địch về trốn học, tôi còn đoạt giải quán quân về “phá xóm phá làng”. Đầu trên xóm dưới, vườn nhà ai bị mất trái cây hay mái nhà ai có bể ngói, thì cứ réo gọi tên tôi và ông anh kề của tôi ra mà chửi.

Ngoài chiếc cần câu ra thì chúng tôi còn có một khí giới độc hại nữa là cái ná bắn chim. Cứ mỗi ngày thứ năm được nghỉ học là anh em tôi và bọn trẻ trong xóm lên đường đi tảo thanh. Chim chóc là đối tượng chính của cuộc hành quân. Những con chim bị bắn đứt đầu, bể ruột đều được chúng tôi nhổ lông, xát muối ớt, nướng ăn tại chỗ. Ở vào cái thời mà thịt gà, thịt heo, thịt bò hay thịt trâu chỉ được ăn mỗi năm một lần vào ngày Tết hay những dịp lễ đặc biệt thì chất đạm của chim quả là cần thiết cho lứa tuổi mới lớn của chúng tôi.

Bắn hạ chim mà chẳng thấy có chút xót xa, thì phá tổ chim cũng được chúng tôi xem như một cái thú. Thông thường chúng tôi phá tổ chim để lấy trứng. Nếu trứng đã nở, thì chúng tôi giữ lại những con chim nhỏ để nuôi.

Tôi đã nuôi đủ loại chim: từ manh manh, áo già, giồng giọc, sáo cưỡng, két, cu cho đến cú mèo. Ngay cả chồn “đèn”, chồn hương, tôi cũng đã thử nuôi qua. Cũng giống như chim cu, mấy thứ này nuôi lớn là bỏ trốn. Chỉ có sáo, cưỡng, két là biết hót và ở lại với con người. Dù vậy, tôi vẫn không sao có thể “trìu mến” đối với thú vật. Tàn nhẫn nhứt là đối với dế. Con dế nào “thua trận”, liền bị tôi xẻ trên đầu một lỗ nhỏ, nhét thuốc lá vào cho nó say và nó sẽ tự động gáy cho đến chết.

Tàn nhẫn như thế đối với thú vật mà lương tâm tôi chẳng có chút áy náy. Ngày nay, theo dõi “văn hóa ăn uống” bên nhà, khi thấy bất cứ con thú nào cũng đều có thể là “đồ nhậu”, tôi cứ rùng mình nghĩ: nếu còn “kẹt” lại trong nước, chưa bao giờ tiếp cận với văn hóa Tây phương, tôi cũng chẳng hơn gì.

Đặc biệt tôi nghĩ đến món “sống trên đời”. Tuy không phải là người “xuống tới âm phủ vẫn còn tiếc nuối vì chưa thưởng thức món dồi chó” trên dương gian, tôi cũng đã từng vào các quán “sống trên đời” hay “nó đây rồi”. Nhưng ở miền Trung của tôi, dường như người ta có lối “ăn” thịt chó khác với người Bắc. Người Bắc “thèm” thịt chó đến độ không có chó thì phải làm các món “giả cầy”. Người miền Trung thì thường phải ướp, nấu như thế nào để “báng” đi mùi của chó, rồi mới thưởng thức. Chính vì vậy mà mấy ông Tây dễ bị đánh lừa. Thấy món ngon cứ ăn ngấu nghiến, đến lúc phát giác ra mình bị lừa, phải nôn tháo ra, trông thật tội nghiệp.

Tuy chẳng có chút máu tây nào trong người và ngày ba bữa vẫn xem cơm gạo và nước mắm là thành tố không thể thiếu được của bữa ăn, nhưng ngày nay, mỗi khi nói đến thịt chó, tôi lại cũng thấy buồn nôn.

Nói như thế không có nghĩa là tôi lên án việc ăn thịt chó. Ngạn ngữ Latinh có nói “luận về sở thích (khẩu vị, hay ăn uống), chớ nên tranh cãi”. Thật vậy, ăn uống là cái gì gắn liền với văn hóa và bản sắc của một dân tộc. Tôi không thể vì thuộc văn minh “muỗng nĩa” hay “đôi đũa” mà nhạo báng cái lối “ăn bốc” mà đã có một thời tôi xem là “mọi rợ” của hơn một tỷ người Ấn Độ, của cả vùng Trung Đông, của Indonesia, Malaysia, Phi luật tân và Nam Thái Bình Dương hay cả lục địa Phi Châu.Tôi không thể vì ăn thịt bò thịt heo, mà chê cười người Ấn độ vì họ không ăn thịt bò hay người Hồi giáo vì họ không ăn thịt heo.Tôi cũng chẳng vì “ăn chay” mà lên án những người ăn “mặn” hay ngược lại. Tôi cũng chẳng vì cái lối ăn uống “ít ồn ào” của người Tây phương mà khó chịu trước cái cách ăn “kêu to ầm ĩ” cho hết dạ thỏa thích của người Tàu.

Về chuyện này, xem ra người Tây phương thường thiếu thái độ “khoan nhượng”. Còn nhớ, hồi năm 1996, khi Thế vận hội mùa Hè diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nhiều người Tây phương đã kêu gọi nước này phải đóng cửa các quán thịt cầy, vốn là món quốc hồn quốc túy ngang hàng với củ sâm.Văn minh Tây phương, vốn bắt nguồn từ Kinh Thánh Do thái giáo và Kitô giáo, quên rằng theo Kinh Thánh thì thú vật được Đấng Tạo Hóa làm ra là để cho con người “hưởng dùng”. Hưởng dùng ở đây không chỉ có nghĩa là nuôi nấng trong nhà mà còn nếu cần “xẻ thịt” để làm thức ăn nữa.

Người Tây Phương không những thiếu “khoan nhượng” mà cũng thiếu “nhứt quán” nữa. Cứ nhìn vào hai thí dụ sau đây để thấy rõ thái độ ấy: giống heo “mọi” đen của Việt nam vốn chạy rông ngoài đường bụi đất ở làng quê hay dầm mình trong “bùn lầy” nhơ bẩn, vậy mà khi “đi Tây” lại được nâng như trứng, hứng như hoa và đưa vào phòng khách, thậm chí cả phòng ngủ của con người. Biết đâu, một ngày nào đó, có người lại chẳng kêu gọi chính phủ ra luật cấm ăn giống heo này như đã từng có luật cấm ăn thịt chó.

Thí dụ thứ hai cho thấy thái độ thiếu nhứt quán của người nhiều người Tây Phương là lập trường ủng hộ phá thai. Cũng chính những minh tinh màn bạc hay người mẫu phá thai như cơm bữa, xem thai nhi trong lòng mẹ như rơm rác, lại là những người sẵn sàng cởi bỏ quần áo, xuống đường để chống lại việc sử dụng da thú làm quần áo hay để tranh đấu cho điều được gọi là quyền súc vật!

Nhưng nói qua thì cũng phải nói lại, tôi đã tiếp thu rất nhiều điều từ nền văn minh tinh tế của Tây Phương. Tôi học được sự tôn trọng dành cho người tàn tật. Người Việt nam chúng ta “cái gì cũng cười, hay cũng cười, mà dở cũng cười”. Nhưng đáng trách hơn cả là đem sự tàn tật của người khác ra chế nhạo làm trò cười. Lúc nhỏ, tôi chẳng hề được cha mẹ hay bất cứ thày giáo nào dạy dỗ về điều này. Nghe một người nói ngọng thì nhại lại giọng của người đó. Thấy một người mù thì tìm cách dắt đi cho lạc hướng. Gặp một người tàn tật thì cố tình “nhại” lại cách đi đứng hay cử chỉ bất cập của người đó. Không riêng gì trẻ con, mà ngay cả những người lớn cũng xem việc chọc phá người tàn tật như một chuyện bình thường.

Kể từ ngày “đổi đời” ở Tây Phương, tôi đã học được bài học vỡ lòng là tôn trọng người khuyết tật. Trong bãi đậu xe, người khuyết tật là người ưu tiên có chỗ tốt.Trong nhà vệ sinh công cộng, người khuyết tật cũng có một chỗ đặc biệt. Người ta có thể sửa cả một trường học chỉ vì một em khuyết tật được nhận. Tựu trung, ở đâu cũng có lời kêu gọi tôn trọng người khuyết tật.

Bài học vỡ lòng thứ hai mà tôi phải học lại trong xã hội Tây phương là lòng yêu thương đối với thú vật. Trẻ em Tây Phương xem ra tự nhiên biết yêu thương thú vật. Còn tôi, tôi phải “học” mới thực sự biết yêu thương chúng.

Sự hiện diện của con “Angelina” trong gia đình tôi là một phần trong chương trình “tự học” ấy của tôi. Nó là một “thiên thần” khơi gợi và hướng dẫn những cảm xúc tốt lành trong tôi.

Tôi không phải là một Phật tử. Tôi không hiểu gì về thuyết luân hồi. Nhưng nhiều lúc nhìn ánh mắt của Angelina, tôi thấy nó không chỉ là một con chó và nhứt là một con chó “què”. Nếu với những vật vô tri mà thi sĩ Pháp Lamartine đã tự hỏi: liệu chúng có một “linh hồn” không để khiến cho ông phải cảm thấy quyến luyến, thì với con Angelina của chúng tôi, có lúc tôi thấy nó có những phản ứng như thể có một thứ “linh hồn” để cảm nhận, để hiểu biết như một con người. Mỗi khi chúng tôi nhắc đến tên nó, nó cũng biết vểnh tai để lắng nghe. Mỗi khi chúng tôi ra một cái lệnh “trái tai” nó, nó làm như không nghe biết. Mỗi khi nằm một mình, nó cũng nói như thể đang trò chuyện với ai đó. Và nhứt là mỗi khi chúng tôi ra vườn, dù nắng mưa, dù có phải té ngả nghiêng, nó vẫn lẽo đẽo chạy theo.

Nhờ con Angelina mà tôi hiểu được tại sao mỗi năm người Tây Phương và nhứt là người Úc đã phải tốn một số tiền quá lớn vì những con thú nuôi trong nhà. Tôi cảm thông với những người phải sống cảnh neo đơn trong cái xã hội quá lạnh nhạt tình người này: họ cần có những con thú để ít nhứt còn biết mình đang sống!

Chúng tôi cũng thấy cần có Angelina. Thấy nó ốm yếu, tàn tật và có lẽ cũng đau đớn vì “tuổi già”, đã có lúc chúng tôi có ý nghĩ đem ra một bệnh viện thú y để gọi là cho nó “đi ngủ”, nghĩa là giúp nó  chấm dứt cái kiếp làm chó khốn khổ này. Nhưng chúng tôi lại không đủ can đảm cộng tác vào hành động “trợ tử” ấy. Dù có tàn tật và già yếu, nó cũng đáng sống hơn là phải chết. Ngay cả những ngày “trở bịnh” không đứng dậy nổi, nó vẫn tỏa “sức sống” trong ánh mắt. Đó là chưa nói đến sự hiện diện đầy cảm hứng mà nó có thể gợi lên cho tôi.

Riêng tôi, nhớ lại bài thơ “lão Tiều phu và Thần Chết”* của thi sĩ Pháp La Fontaine, tôi cũng thấy “thà đau khổ hơn chết”. Sự sống của con người ở giai đoạn nào, tuổi nào, hoàn cảnh nào cũng đều đáng sống cả.



*Câu chuyện về người Tiều phu già, khốn khổ muốn gọi thần Chết đến để kết liễu đời mình. Nhưng khi thần Chết xuất hiện hỏi ông cần gì thì ông lại cảm thấy muốn sống nên nói “trớ” rằng chỉ muốn nhờ Thần Chết chất bó củi lên vai.

Chu Thập 11.2009

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Không chỉ là túc cầu



Chu Thập, Wolrd Cup 2014
Dòng sông Amazon
Tôi có nghe nói rằng trong các viện dưỡng lão, nơi mà bộ nhớ của phần lớn cư dân đều quay về tuổi thơ hơn là sống với hiện tại, người ta thường tổ chức các cuộc du lịch “trên xe lăn”. Trong các “chuyến đi” như thế, mỗi cụ cũng được cấp cho một “sổ thông hành”. Trước khi lên “máy bay”, sổ thông hành cũng được đóng dấu “nhập cảnh” vào nước sẽ được viếng thăm. Kế đó mỗi cụ cũng nhận được một vé lên tàu (boarding pass) hẳn hoi. Sau đó, màn ảnh truyền hình được mở ra và theo lời của hướng dẫn viên du lịch, các cụ được thả hồn đi vào một miền đất nào đó mà về sau có gặp lại đến cả chục lần các cụ cũng vẫn luôn thấy như hoàn toàn mới lạ. Nhờ vậy, dù ngồi một chỗ, các cụ cũng thấy mình “đi mây về gió” ào ào.
Mỗi lần ngồi trước màn ảnh truyền hình để theo dõi các cuộc thi đấu của Giải Túc Cầu Thế Giới, tôi thấy mình cũng đang làm một chuyến du lịch như thế. Với tôi, Giải Túc Cầu Thế Giới không chỉ để giải trí, cá độ hay thể hiện tinh thần dân tộc hoặc lòng yêu nước, mà còn để tìm hiểu, học hỏi hoặc ôn lại các bài học về sử ký, địa lý, văn hóa, chính trị, nhứt là các vấn nạn xã hội...của những nước có đội tuyển tham gia thi đấu và nhất là quốc gia chủ nhà.
Với quả địa cầu nhỏ trước mặt, tôi đưa mình xuống tận miền Tây Nam Phi Châu để “thám hiểm” những nước có đội tuyển túc cầu tương đối mạnh như Côte d’Ivoire, Ghana, Cameroun, Nigeria. Nhìn lại màn  danh thủ “Dracula” Luiz Suarez “cắn” vai cầu thủ Ý Giorgio Chiellini, tôi không thể không lặn lội xuống tận phía Nam của lục địa Châu Mỹ La Tinh để gặp cho bằng được cái ông tổng thống nổi tiếng  nghèo nhứt thế giới, José Mujica, nhưng lại phát ngôn cũng bạo mồm bạo miệng  chẳng kém “dân anh chị” khi gọi ban lãnh đạo của FIFA (Liên Hiệp Túc Cầu Thế Giới) là một lũ “chó đẻ”, chỉ vì Ủy ban kỷ luật của Liên Hiệp đã ra lệnh treo giò Suarez 4 tháng và phạt một số tiền.
Khi danh thủ Arjen Robben, người có  bàn chân trái lừa banh tuyệt vời của đội tuyển Hòa Lan, đã khéo léo tạo ra một màn té ngã trong vùng cấm địa của đội tuyển Costa Rica để hưởng được cú phạt đền, tôi lại bay lên mãi tận Trung Mỹ để tìm hiểu cái đất nước nhỏ bé đã sản sinh được một đội tuyển chẳng kém ai. Nếu không có “bàn chân Chúa” “ăn vạ” của Robben thì biết đâu “lời nguyền” Conchita (như tác giả Vũ Tứ Lang đã báo trước) đã chẳng bao giờ được thực hiện và đội tuyển Costa Rica, mà tất cả các cầu thủ chưa từng thi đấu trong bất cứ một Câu lạc bộ nào ở Âu Châu, biết đâu lại chẳng được lọt vào vòng bán kết. “Chuyến đi” Costa Rica cho tôi thấy rằng đâu phải cứ đông dân, giàu mạnh là đương nhiên đã có một đội banh mạnh.
Nhìn các đội tuyển của một số nước Âu Châu, tôi không thể không thấy hiện ra những dấu chân chinh phục và thực dân ở những thế kỷ trước. Không có “di sản” của chủ nghĩa thực dân của các nước Âu Châu thì làm gì có những cầu thủ đủ mọi mầu da trong các đội tuyển của Pháp và Anh. Ngay cả những người gốc Surinam mãi bên Châu Mỹ Latinh cũng có mặt trong đội tuyển Hòa Lan. Riêng với đội tuyển Đức, mỗi lần nhìn thấy danh thủ Mesut Ozil, tôi không thể không đi ngược lên dòng lịch sử để tìm hiểu mối quan hệ đậm đà giữa Đế quốc Thổ, Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ trong thời Đệ nhứt thế chiến và Đức là nơi hiện đang có một cộng đồng Thổ rất lớn.
Nhưng dĩ nhiên, trong chuyến “du lịch” của  mùa Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay, Ba Tây là nơi tôi dừng chân lâu nhứt. Nếu chỉ còn lại một ước mơ cuối đời để thực hiện thì có lẽ tôi chỉ mơ được một lần lênh đênh dọc suốt dòng sông Amazon. Sinh ra và suốt tuổi thơ hầu như ngày nào cũng được dầm mình trong dòng sông gần nhà cho nên người có “mạng thủy” như tôi lúc nào cũng mơ về những dòng sông lớn. Tôi đã có dịp thả hồn theo dòng nước của một số con sông lớn trên thế giới, nhưng có lẽ chẳng có con sông nào hấp dẫn tôi cho bằng sông Amazon. Không chỉ có những loài thủy ngư đặc biệt, dòng sông này còn là linh hồn của nhiều bộ lạc cho tới nay vẫn chưa muốn hòa nhập hay đúng hơn chưa muốn để mình bị lung lạc bởi ánh sáng văn minh, mà chỉ để được sống giữa thiên nhiên, thụ hưởng không khí trong lành và hài lòng với cuộc sống đơn giản nhứt.
Với tôi, Ba Tây không chỉ là bóng tròn, là điệu nhạc Lambada, là Lễ hội Carnaval hay ngay cả tượng Chúa Giêsu cao chất ngất ở Rio de Janeiro, mà còn là “ước mơ”. Ước mơ được đi thăm dòng sông Amazon của tôi đã đành, mà còn là ước mơ của không biết bao nhiêu người Ba Tây được có một cuộc sống tốt đẹp hơn hay cụ thể như ước mơ của hai cậu bé tại khu ổ chuột ở Rocinha: được một lần trong đời vào tận một vận động trường để xem một cuộc thi đấu của Giải Túc Cầu Thế Giới. Mặc dầu sống dưới cái bóng của sân vận động vĩ đại Macarana, hai cậu bé này không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội được vào bên trong sân vận động để xem một cuộc thi đấu. Giá vé của một trận thi đấu là từ 20 đô đến 20 ngàn đô. Trong một nước mà lương trung bình hàng tháng chỉ có 300 đô, thì đương nhiên cầm trong tay một vé vào sân vận động vẫn là niềm mơ ước đối với nhiều người, nhứt là trẻ em. Như được Đài SBS phỏng vấn, hai cậu bé của khu ổ chuột này cho biết: chỉ mong được thấy những danh thủ như Neymar, Paulinho và Hulk của đội tuyển quốc gia. FIFA cho biết đã dành 50 ngàn vé tặng không cho người nghèo và các cộng đồng thổ dân cũng như chỉ bán nửa giá vé cho sinh viên và người cao tuổi. Nhưng 50 ngàn vé ấy thì thấm vào đâu với đám dân nghèo Ba Tây.  Hai cậu bé của khu ổ chuột Rocinha đã thấy ước mơ của mình thành sự thật chỉ vì hãng Coca Cola đã tặng vé miễn phí vào cửa sân vận động Macarana để xem trận đấu giữa Pháp và Đức.
Ước mơ đã thành sự thật của hai cậu bé trên đây gợi lại cho tôi một giai thoại về tổng thống Lula da Silva, người tiền nhiệm của đương kim tổng thống Dilma Rousseff. Như được ghi lại trên trang mạng  “History stories” (những câu chuyện lịch sử), Lula da Silva sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Ngay từ năm 4 tuổi, cậu bé đã phải đi bán đậu phụng ngoài đường. Khi cậu lên bậc tiểu học, gia đình dọn lên thủ đô Rio de Janeiro. Tại đây, tan học cậu bé thường cùng với hai người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đầu đường. Hôm nào không có khách, các chú bé đánh giày coi như nhịn đói. Năm Lula được 12 tuổi, vào một buổi xế chiều, có một người khách, vốn là chủ tiệm giặt và nhuộm áo quần, chiếu cố. Cả ba cậu bé đều chạy lại “chào hàng”. Ông chủ tiệm nhìn ba cặp mắt van xin khẩn khoản của 3 cậu bé. Không biết phải chọn người nào, ông liền ra bài toán: “Ai trong 3 em cần tiền nhứt, tôi sẽ cho em đó đánh giày và sẽ trả 2 đồng”. Đó là một món tiền lớn đối với những đứa trẻ lúc nào bụng cũng đói. Một em nói: “Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả. Nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!”. Em thứ hai cho biết: “Nhà cháu đã hết thức ăn từ ba ngày nay. Mẹ cháu đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay. Nếu không, có thể cháu sẽ ăn đòn”.
Đến phiên mình phải lên tiếng, cậu bé Lula nhìn 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm giặt, nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Nếu cháu được ông cho làm và kiếm  được hai đồng này, thì cháu sẽ chia cho hai bạn của cháu mỗi người một đồng”. Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhứt của cháu. Hai đứa nó đã nhịn đói một ngày rồi. Còn cháu thì hồi trưa này có ăn được một ít đậu phụng nên thừa sức để đánh giày hơn hai đứa nó. Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng”.
Dĩ nhiên, ông chủ tiệm giặt không thể không chọn Lula để đánh giày cho ông. Đúng như lời hứa, ông đã trao cho cậu bé hai đồng. Và cũng đúng như lời hứa, Lula đã chia cho hai người bạn của mình mỗi đứa một đồng.
Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã trở lại tìm Lula, nhận cậu đến học nghề sau mỗi buổi tan trường và cho ăn cả bữa cơm tối. Tuy không là bao nhiêu, nhưng tiền lương của thời học nghề thợ giặt và thợ nhuộm vẫn cao hơn so với nghề đánh giày nhiều.
Từ đó, mỗi khi có dịp và tùy khả năng của mình, Lula luôn tìm cách giúp đỡ những người túng thiếu hơn mình.
Về sau, Lula  nghỉ học để đi làm thợ trong một nhà máy. Để có thể bênh vực quyền lợi của các công nhân, anh đã tham gia vào nghiệp đoàn. Năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng “Lao Động”. Năm 2002, khi ra ứng cử tổng thống, có lẽ nhớ lại tuổi thơ khốn khổ của mình, ông đã đề ra khẩu hiệu: “Ba bữa cơm no cho tất cả mọi người dân trong quốc gia này”. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 8 năm của ông, tổng thống Lula da Silva đã thực hiện đúng lời ông đã hứa: 93 phần trăm trẻ em và 83 phần trăm người lớn ở nước này đã được no ấm. Ba Tây đã trở thành nền kinh tế đứng hàng thứ 10 trên thế giới.
Ba Tây là đất nước của những giấc mơ. Có bao nhiêu đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những khu ổ chuột là có bấy nhiêu giấc mơ. Mơ  trở thành những danh thủ túc cầu nổi tiếng như Pélé, như Romario, như Ronaldo, như Ronaldinho, như Kaka, như Neymar...trong một quốc gia đã năm lần vô địch thế giới, đó là giấc mơ thường tình. Nhưng Ba Tây đâu chỉ là túc cầu. Bên cạnh giấc mơ làm người hùng trên sân cỏ, người Ba Tây hiện nay còn mơ nhiều thứ khác nữa. Tôi hiểu được sự bất mãn của những người nghèo đã xuống đường trước khi khai mạc Giải Túc Cầu Thế Giới. Gần 14 tỷ Mỹ kim được chính phủ Ba Tây bỏ ra để chuẩn bị Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay được xem là kinh phí lớn nhất cho một giải túc cầu thế giới. Chính phủ của bà Rousseff có lẽ cũng muốn đánh bóng cho bộ mặt của đất nước để chuẩn bị cho Thế Vận Hội năm 2016. Trong khi bệnh viện, trường học, đường sá, nhà ở...nói chung các hạ tầng cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người nghèo thì khi bỏ ra một kinh phí quá lớn để chuẩn bị cho Giải Túc Cầu Thế Giới, chính phủ của bà Rousseff có lẽ đã không còn muốn đeo đuổi giấc mơ của người tiền nhiệm của bà. Người dân nghèo có biểu tình là cũng chỉ để được nói lên giấc mơ của cậu bé Lula. Bộ mặt của một đất nước sẽ chẳng bao giờ sáng sủa hơn nếu giấc mơ của người nghèo không thành hiện thực, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, những quyền cơ bản nhứt của con người không được nhìn nhận và tôn trọng. Có bỏ ra đến 40 tỷ Mỹ kim để tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông ở Sochi như người muốn làm tổng thống mãn đời là ông Vladimir Putin đã làm, thì bộ mặt của nước Nga cũng chẳng tốt đẹp hơn.
Trong các giấc mơ, tôi cho rằng  mơ được chia sẻ cho những người khốn khổ hơn mình vẫn là giấc mơ đáng đeo đuổi nhứt. Tôi không nghĩ rằng cậu bé 12 tuổi Nguyễn Tấn Dũng khi vào bưng đã có giấc mơ ấy. Nếu không thì đất nước Việt Nam của tôi ngày nay đâu đến nỗi khốn khổ như ngày hôm nay.
Ba Tây, đất nước mà tôi được làm quen trong mùa Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay, hẳn gợi lên cho tôi giấc mơ ấy. Bên cạnh những giá trị như  tinh thần thượng võ, sự liên đới, tình huynh đệ đại đồng...Giải Túc Cầu Thế Giới được tổ chức ở Ba Tây còn hâm nóng trong tôi giấc mơ được chia sẻ với những người nghèo nàn  khốn khổ. Tôi không được làm siêu sao trên sân cỏ. Nhưng tôi biết rằng tôi chỉ thực sự sống an bình và hạnh phúc khi tôi biết chia sẻ cho người khác mà thôi.