Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Nhân đạo, quảng đại, khoan nhượng!



Chu Thập
22.12.15
Tạp chí Time đã bầu chọn Nữ thủ tướng Angela Merkel của Đức làm người của năm 2015. Không hiểu sao mỗi lần nhìn vào gương mặt của người phụ nữ quyền lực nhứt thế giới này tôi luôn luôn nghĩ đến hai chữ “Phúc Hậu”. So sánh bà với Nữ thủ tướng  Margaret Thatcher (1925-2013), người được mệnh danh là “bà đầm sắt” của nước Anh, tôi thường nghĩ rằng trong khi bà Thatcher cai trị với sự cứng rắn của bàn tay sắt, thì đương kim nữ thủ tướng Đức lại nhấn mạnh đến đức độ của một hiền mẫu hơn. Các lý thuyết gia về chính trị học luôn cho rằng “tài” vẫn là yếu tố quan trọng trong nghệ thuật trị quốc. Nhưng cái lẽ thường lại luôn mách bảo tôi rằng có tài mà không có đức, như lịch sử đã chứng minh, dễ đưa các lãnh tụ chính trị đến chỗ độc tài. Dĩ nhiên trong một quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ chẳng hạn, có lẽ sẽ chẳng bao giờ có đất sống cho bất cứ một nhà độc tài nào. Tuy nhiên, theo dõi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc hiện nay, tôi cứ thấy lo nếu tỷ phú Donald Trump, người thích tuyên bố vung vít với giọng điệu nghe rất “phát xít” mà xem ra chẳng màng đến bất cứ giá trị nhân bản và đạo đức nào, chẳng may trở thành tổng thống thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Lo quá khi nhận thấy hiện nay ông tỷ phú này lại dẫn đầu trong hàng ngũ các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa. Chợt nghĩ đến lời ta thán của Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939): “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn, cho nên quân nó dễ làm quan”. Người dân Đức đã có một thời “ngu muội” cho nên mới bầu một người như Adolf Hitler lên cai trị đất nước.
Ngày nay, tôi ngưỡng mộ trình độ dân trí của người dân Đức khi chọn một người và nhứt là một người đàn bà đến từ một nước cựu cộng sản làm thủ tướng. Cộng Hòa Dân Chủ Đức, tức Đông Đức Cộng Sản, nơi bà Angela Merkel đã lớn lên không hề là nước dân chủ và lại càng không phải là một “Cộng Hòa” theo đúng nghĩa. Như chủ bút của tạp chí Time, bà Nancy Gibbs đã mô tả, Đông Đức là “một màn trình diễn kinh dị theo kiểu Orwell (tức như được mô tả trong các tác phẩm của Tiểu thuyết gia Anh George Orwell (1903-1950), đặc biệt là cuốn “Trại súc vật” (Animal Farm). Đây là nơi mà Bức Màn Sắt đã được diễn tả theo từng chữ qua Bức Tường Bá Linh”. Là con của một vị mục sư tin lành, lại ly dị chồng và nhứt là gia nhập một Đảng chính trị trong đó phần đông đảng viên là người Công giáo, bà Merkel đã được người dân Đức tín nhiệm đến độ trao trách nhiệm cai trị đất nước liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ. Trong khi Đức Quốc đã trải qua 70 năm để thử nghiệm đủ mọi liều thuốc chống lại chủ nghĩa dân tộc, quân phiệt và diệt chủng, thì bà Merkel lại đề ra một con đường khác. Đó là con đường mà chủ bút tạp chí Time đã tóm tắt trong ba chữ: Nhân đạo, quảng đại và khoan nhượng” (humanity, generosity, tolerance). Chính cái kinh nghiệm của ích kỷ, hận thù, độc ác trong Chế độ Cộng sản Đông Đức đã mang lại cho bà niềm xác tín về những giá trị ấy. Nắm quyền lực trong tay, đối nội cũng như đối ngoại, bà luôn hành động và cư xử theo những giá trị ấy. Chỉ cần nhìn vào cách bà đối phó với cuộc khủng hoảng người tầm trú trong thời gian vừa qua cũng đủ để thấy được sức mạnh mà những giá trị trên đây mang lại cho riêng bà và toàn thể dân Đức.
“Nhân đạo, quảng đại và khoan nhượng” là nét nổi bật trong dung mạo của người phụ nữ quyền lực nhứt thế giới hiện nay. Và nét nổi bật ấy lại được chiếu sáng trong đôi mắt của bà. Đây cũng chính là nhận xét của Tạp chí Time. Thật vậy, theo bà Nancy Gibbs,  chân dung của bà Merkel qua nét vẽ của Họa sĩ Anh Colin Davidson, như được in ở trang bìa của tạp chí Time số ra ngày 21 tháng 9 vừa qua, được tóm gọn trong ánh mắt của bà. Nếu như chúng ta thường nói, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn và nếu như “Nhân đạo, quảng đại và khoan nhượng” là những giá trị làm nên tòa nhà nhân cách và đường lối lãnh đạo của bà Merkel thì có lẽ chỉ cần nhìn vào đôi mắt của bà để nhận ra điều đó. Có lẽ bà Merkel có đôi mắt “biết nói”. Bà nói nhiều bằng đôi mắt của bà hơn bằng lời nói. Và những lời nói toát ra từ đôi mắt ấy chỉ có thể là “nhân đạo, quảng đại và khoan nhượng”.
Tôi không biết có họa sĩ nào đã lột tả được đôi mắt của ông Hồ Chí Minh chưa. Nhưng nếu như đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn thì chú mục cho thật kỹ có lẽ người ta chỉ có thể nhìn thấy ở đó sự gian dối, dã man và độc ác mà thôi. Tôi mường tượng ra đôi mắt ấy khi đọc đoạn mô tả của Triết gia Trần Đức Thảo về một cuộc đấu tố trong thời cải cách ruộng đất mà ông đã tham gia với tư cách là một thành viên của một đội cải cách (Tri Vũ - Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Những Lời Trăng Trối, Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ 2014 trg 133-134). Theo ông Trần Đức Thảo, buổi đấu tố lần đầu tiên đã thất bại vì các đội viên cải cách chưa tỏ ra “quán triệu” đường lối cải cách do quan thày Trung Cộng vạch ra. Do đó, trong một buổi họp “kiểm điểm”, một cố vấn Trung Quốc đã được mời đến để “dạy dỗ”. Và thông qua một người thông ngôn, viên cố vấn  Trung Quốc về cải cách ruộng đất này đã yêu cầu “đội cải cách” phải triệt để noi gương ông Hồ Chí Minh để tích cực thực hiện “công cuộc” cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh đã tỏ ra tích cực ở chỗ vừa ra lệnh giết bà Nguyễn Thị Năm, một ân nhân đã tặng cho “Cách Mạng” cả trăm cây vàng, vừa cải trang để tận mắt chứng kiến vụ hành quyết bà và sau đó đã  khóc lóc thảm thiết cho số phận của người đàn bà này. Ai cũng biết rằng những giọt nước mắt cá sấu của ông Hồ Chí Minh có lẽ chỉ tuôn trào để che đậy nhân cách giả dối, độc ác, tàn bạo của ông mà thôi. Chỉ tội nghiệp cho các “cháu ngoan Bác Hồ”. Ánh mắt đơn sơ, hồn nhiên, trong trắng của các em đã bị vẩn đục khi nhìn vào đôi mắt ấy.
Trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là một Hài Nhi. Mỗi dịp Lễ Giáng Sinh tôi thường chiêm nghiệm về đôi mắt của trẻ thơ. Với tôi, trẻ em nào, dù thuộc màu da, chủng tộc nào, cũng đều là thiên thần cả. Trẻ em là hiện thân của lương tâm chưa hề bị che khuất bởi bất cứ áng mây nào của dối trá và độc ác. Hài Nhi Giêsu đẹp cỡ nào thì cũng chỉ có trong trí tưởng tượng của tôi. Nhưng hằng tuần trước mắt tôi, hài nhi đẹp nhứt mà tôi không ngừng chiêm ngắm là cô cháu 2 tuổi của một người bạn của tôi. Tôi không biết tại sao giữa tôi và cô bé này lại có một mối thâm tình đặc biệt. Tôi thích nhìn đôi mắt cháu. Cháu thích ngồi bên tôi và chơi đùa với tôi. Giữa hai bên sự tri giao diễn ra không bằng  ngôn ngữ bình thường của người lớn. Tôi nghĩ đây là một phép lạ: trẻ con dạy rằng con người có thể thông tin liên lạc, cảm thông mà không cần phải nói nhiều hay phải thông qua lời nói.
Năm 1995, tâm lý gia Mỹ Gary Chapman đã cho xuất bản một cuốn sách nổi tiếng với tựa đề “The Five Love Languages: How to Express Heartfelt Commitment to Your Mate” (Năm ngôn ngữ của tình yêu: làm cách nào để nói lên tình yêu thâm sâu của bạn với người bạn tình). 5 ngôn ngữ tình yêu được tác giả Chapman phân tích là : quà tặng, thời giờ dành cho nhau, những lời nói chân tình, những hành động phục vụ và sự gần gũi thân mật. Theo ông, không phải tất cả mọi người đều nói cùng một ngôn ngữ của tình yêu. Và có lẽ mỗi nền văn hóa cũng có ngôn ngữ tình yêu riêng.
Lúc nhỏ, không hiểu tại sao tôi cứ thắc mắc trong khi tôi gọi bậc sinh thành của tôi là “cha mẹ” còn một số bạn bè của tôi lại gọi cha mẹ họ là “ba má”. Tôi cứ nghĩ rằng “ba má” là hai tiếng gọi “nhõng nhẽo” chỉ dành cho con nít. Tôi có lối suy nghĩ như thế là bởi vì trong ký ức của tôi dường như chưa có lần nào cha mẹ tôi đã dành cho tôi một sự âu yếm đặc biệt nào. Có lẽ vì vậy mà lớn lên một chút, khi được mấy ông anh bà chị tìm cách vuốt ve, “nựng nịu” là tôi chống trả kịch liệt. Có lẽ anh chị tôi đã có một ngôn ngữ tình yêu khác với cha mẹ tôi. Tôi không bao giờ nghi ngờ về tình thương của cha mẹ tôi đối với tôi. Cha mẹ tôi thương tôi cũng như anh chị em tôi mà chẳng cần phải nói những lời ngọt ngào của tình thương. Cũng như hầu hết các bậc cha mẹ Á Châu ngày xưa, tình thương của cha mẹ tôi đối với chúng tôi không được bộc lộ bằng lời nói, mà được diễn tả qua những cử chỉ chăm sóc và nhứt là cuộc sống hy sinh. Có lẽ tôi đã trưởng thành trong thứ trường học về tình yêu ấy và ngôn ngữ tình yêu chính của tôi có lẽ là sự hiện diện, những cử chỉ phục vụ hơn là lời nói. Tôi luôn cảm thấy vụng về khi phải nói lên những lời chia buồn về sự mất mát mà người khác đang phải chịu đựng.Tôi cũng cảm thấy lúng túng khi phải cố gắng dùng lời nói để diễn tả những cảm xúc chân thực của mình. Đối lại, tôi cũng luôn cảm nhận được tình thương của người khác qua sự hiện diện thinh lặng và cảm thông cũng như những cử chỉ quan tâm và săn sóc của họ.
Cô cháu của người bạn tôi dường như cũng muốn dạy tôi điều đó chăng. Cháu không nói bằng lời nói cho bằng ánh mắt và sự hiện diện của cháu.
Ngôn ngữ tình yêu thật kỳ diệu. Người Do Thái tin rằng Thượng Đế chỉ nói với dân tộc của họ và Ngài chỉ nói bằng tiếng Hy Bá Lai. Còn với người Hồi Giáo, Đấng Allah cũng chỉ nói bằng tiếng Á Rập mà thôi. Tôi tin có một Thượng Đế và tên gọi đúng đắn nhứt của Ngài chỉ có thể là Tình Yêu. Ngài không chỉ nói bằng tiếng Do Thái hay Á Rập. Ngài cũng chẳng nói chỉ bằng 5 ngôn ngữ tình yêu như chuyên gia tâm lý Chapman đã phân tích. Ngài nói bằng đủ mọi loại ngôn ngữ nhưng có lẽ tất cả mọi ngôn ngữ tình yêu của Ngài đều qui về 3 chữ: “nhân đạo, quảng đại và khoan nhượng”. Nếu như Thượng Đế có “con mắt” thì có lẽ con mắt ấy luôn chiếu sáng bằng 3 chữ ấy.
Giáng Sinh năm nay, nhìn chân dung của Thủ tướng Đức Angela Merkel được tạp chí Time bầu chọn làm “Người của Năm 2015” và chiêm ngắm ánh mắt cô cháu gái của người bạn của tôi, tôi thấy như nghe được lời nhắn gọi thiết yếu của ngày lễ này: sức mạnh đích thực của thế giới ngày nay không nằm trong vũ khí hay những phát minh khoa học ngày càng tinh vi, mà chính là biết thực thi lòng “nhân đạo, quảng đại và khoan nhượng”. Đó cũng chính là bí quyết của bình an và hạnh phúc đích thực của con người. Lời chúc mừng Giáng Sinh “Merry Christmas” sẽ sáo rỗng và ngoài môi mép nếu “thiện tâm” muốn sống “nhân đạo, quảng đại và khoan nhượng” chưa trở thành ngôn ngữ đích thực của tình yêu.










Quà Giáng Sinh 2015



Chu Thập
18.12.15



Thời trung học, mỗi dịp Giáng Sinh, tôi thích nghe bài “Petit Papa Noel” (Ông già Noel thân thương) qua giọng hát của ca sĩ Pháp Tino Rossi (1907-1983). Ông già Noel trong ca khúc không đến từ một nước Bắc Âu nào đó trên một chiếc xe được kéo bởi một bày sơn dương, mà từ “trời cao”. “Trời cao”, trong cái nhìn tôn giáo của tôi, gợi lên món quà tặng cao quý mà Thiên Chúa Giáng Sinh Làm Người mang đến cho nhân loại. Trong cái nhìn ấy, lâu nay tôi cứ nghĩ rằng thói quen tặng quà trong mùa Giáng Sinh đương nhiên chỉ có thể bắt nguồn từ lễ Giáng Sinh mà thôi. Nhưng mới đây trên báo Le Point của Pháp, số ra ngày 2 tháng 12 vừa qua, tôi lại đọc được một lối giải thích khác.
Theo báo “Le Point”, Đông Chí là một ngày vui lớn trong thời La Mã cổ. Đây là ngày người ta mừng thần Saturne, thần của nông nghiệp và gieo trồng. Đây cũng là ngày người ta reo mừng sự trở về của Ánh Sáng mặt trời sau những ngày mùa Đông âm u lạnh giá. Trong ngày lễ hội này, người ta ăn uống, ca hát và tặng quà cho nhau. Quà tặng thường là những nông sản có sẵn như mật ong, trái vả, chà là. Với những món quà ấy, người ta cũng cầu chúc nhau một năm mới thịnh vượng và “ngọt ngào” như hương vị của những món quà được trao tặng cho nhau. Trao tặng cho nhau những món quà như thế người ta cũng chẳng mong muốn gì hơn là có được một năm mới tràn đầy sức khỏe. Chính vì thế mà năm mới luôn được cử hành dưới sự bao bọc chở che của nữ thần Sức khỏe “Strenia”. Có lẽ xuất phát từ tên của nữ thần này cho nên trong Pháp ngữ, từ “etrennes”có nghĩa là “quà tặng”. Xét cho cùng, sức khỏe không phải là món quà quý giá nhứt mà người ta muốn trao tặng cho nhau sao?
Thời Đế quốc La Mã, không rõ vì một lý do nào đó, thần Nông nghiệp Saturne đã nhường chỗ cho thần Mặt trời Mithra được người dân trong toàn đế quốc mừng vào ngày 25 tháng 12. Đây là ngày mà Ánh Sáng đã chiến thắng trên Bóng Tối. Thế rồi vào khoảng giữa Thế kỷ thứ Tư, khi toàn Đế quốc La Mã được “rửa tội”, ngày lễ của thần Mặt trời Mithra đã trở thành Ngày Sinh của Chúa Giêsu. Kitô Giáo đã làm được một công hai việc khi “chiếm hữu” ngày lễ của thần Mặt trời Mithra: vừa vĩnh viễn cho thần Mithra đi vào bóng tối, vừa gắn liền ngày Đông chí với Ngày Sinh của Chúa Giêsu, Mặt trời công chính. Dĩ nhiên, khi tiếp thu ngày lễ thần mặt trời của Đế quốc La Mã, các tín hữu Kitô cũng giữ nguyên truyền thống tặng quà cho nhau.
Giữa Thế kỷ 19, tại Âu Châu, thói quen tặng quà vào dịp Giáng Sinh đã lên đến cao điểm do sự xuất hiện trên sân khấu xã hội một giai cấp mới: giai cấp trưởng giả. Như người Việt Nam ta thường nói, trưởng giả học làm sang hoặc phú quý sinh lễ nghĩa. Những người giàu có biến ngày Giáng Sinh thành một trong những cuộc họp mặt gia đình. Với sự xuất hiện của giai cấp trưởng giả, gia đình và cuộc sống riêng tư cũng như mái ấm gia đình đã trở thành nguồn hạnh phúc quí báu không thể thay thế được. Bên trong gia đình, con cái cũng chiếm một chỗ đứng ưu tiên, việc giáo dục con cái trở thành một bận tâm chính.  Giáng Sinh nghiễm nhiên trở thành đại lễ của gia đình và ngày sinh của Chúa Giêsu đã biến thành lễ của trẻ con, gạch nối giữa mọi người trong gia đình và việc tặng quà cho nhau và cho trẻ con đã trở thành một yếu tố không thể thiếu được trong lễ Giáng Sinh.
Với sự ra đời của các cửa tiệm lớn, việc tặng quà cho nhau lại càng được khuyến khích và “khuyến mãi” kỹ  hơn. Và dĩ nhiên, người ta không còn tặng quà một cách trơn tru như ngày xưa nữa. Quà cáp cần phải được gói ghém một cách tinh vi và nghệ thuật. Từ đó đã xuất hiện “nghệ thuật” tặng quà. Sách vở dạy phép lịch sự bắt đầu tràn ngập các nhà sách. Người ta chỉ vẽ cách tặng quà. Phải tùy người mà tặng quà và gói ghém món quà như thế nào cho đẹp lòng người nhận. Nói chung, đã là một nghệ thuật cho nên xã hội loài người càng tiến bộ thì nghệ thuật tặng quà cũng ngày càng tinh vi.
Nhưng gặp thời buổi kinh tế khó khăn, con người lại có óc thực tế hơn. Chẳng hạn trong một cuộc thăm dò về sự chờ đợi của người Pháp trong mùa Giáng Sinh 2015 này, người ta thấy có đến 45 phần trăm dân Pháp tuổi từ 18 đến 64 mong ông già Noel lén bỏ vào “bít tất” của họ không phải bất cứ quà tặng nào, mà phải là tiền mặt mới được. Thật ra, đâu phải trong thời đại tiêu thụ và thực dụng này con người mới mong nhận được tiền mặt. 15 năm sau Công nguyên,  thi sĩ La Mã Ovide đã phải than phiền rằng khi được tặng quà, dân La Mã thời đó thích nhận được một đồng bạc hơn là mật ong.
Đọc lại diễn tiến trong truyền thống tặng quà ở Âu Châu như được báo Le Point ghi lại trên đây, tôi chợt nhớ đến cách trao đổi quà cáp tại một làng quê ở Bình Định như được cụ Võ Phiến nhắc đến trong truyện ngắn có tựa đề “Xóm nhỏ” (Võ Phiến Tuyển Tập, Người Việt tái bản, 2006, trg 849-858). Trong truyện ngắn, tác giả viết về một truyền thống “trao đổi” ở quê ông như sau: “Bữa ăn đặc biệt là những bữa cơm đãi khách, những bữa cúng quải, cũng có khi vào ngày mùa những hôm gặp gánh bún gánh sứa vào làng bán dạo, nhiều nhà cao hứng đem lúa đổi lấy bữa ăn quà. Vào những dịp như thế, mâm cơm của một gia đình lại bốc lên cái thơm tho của hương liệu cả xóm.
Bà con xóm giềng sống bên nhau thật là mật thiết. Cây chanh, cây khế, thậm chí ớt, nghệ, gừng, ngò...những thứ ấy quí báu hiếm hoi gì đâu? Sao mỗi nhà không trồng lấy mà ăn, lại cứ quấy quả nhau mãi vậy? Trong làng vườn nọ có cây cam ngọt, vườn kia có giống mít ngon, cũng không mấy ai nghĩ tới việc lấy hột về trồng nơi vườn mình. Cứ đến mùa, kẻ “chạy” qua người “chạy” lại, trao đổi lẫn nhau mà dùng chung.”
Nhà văn Võ Phiến thắc mắc không biết việc trao đổi quà cáp ấy có phải là một tập quán riêng của địa phương của ông hay là một phong tục chung của cả dân tộc. Đem chuyện hỏi các cụ già trong làng, các cụ trả lời rằng tục lệ này đã có từ “Thời ông Lép Đép”, nghĩa là “từ thuở khai thiên lập địa. Theo các cụ, cung cách nọ là tự nhiên nó thế, tục lệ nọ là phép tự nhiên phải thế. Ngay từ đầu.”
Thì ra ở làng quê của tôi người ta cũng đã từng biết cư xử như thế. Ngoài những cao điểm như Tết nhứt hay lễ lạc, người dân quê của tôi thực thi việc trao đổi quà tặng quanh năm ngày tháng. Tôi vẫn nhớ mãi những lần mẹ tôi sai tôi qua nhà hàng xóm khi thì xin một trái đu đủ về nấu canh, khi thì một vài trái xoài xanh về làm gỏi, khi thì một mụt măng về xào ếch...Đối lại trong vườn nhà tôi có thứ gì, hàng xóm cũng tự nhiên đến để được “chia sẻ”.
Phong tục trao qua đổi lại không chỉ là “độc quyền” của người Việt Nam. Trong những năm sống và làm việc tại Phi Luật Tân, tôi cũng đã nhận thấy một phong tục tương tự. Về chuyện trao đổi này, có khi người dân Phi ở thôn quê còn “tự nhiên” hơn người Việt Nam. Thật ra, tôi nghĩ rằng ở bất cứ thôn quê nào trên thế giới, con người ta cũng đều cư xử với nhau như thế. “Ngay từ đầu”, Đấng Tạo Hóa đã “cài đặt” trong trái tim con người một cách cư xử như thế.
Tính cách phổ cập của việc trao đổi của người dân làng trên khắp thế giới không thể không gợi lên cho tôi hình ảnh của “ngôi làng toàn cầu” ngày nay. Thế giới ngày càng trở thành một “ngôi làng” trong đó tình liên đới và sự trao đổi quà cáp đã trở thành luật căn bản.
Tình liên đới và sự trao đổi ấy đã được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết qua thỏa thuận lịch sử về việc “hạ nhiệt” trái đất đạt được trong Hội nghị Thượng đỉnh COP21 vừa qua tại Paris, Pháp Quốc. Nghe nói nhiều người đã khóc vì cảm động khi thấy thế giới đã đạt được một thỏa thuận như thế. Vui mừng nhứt có lẽ là những nước chậm tiến, đặc biệt các nước “tí hon” đang có nguy cơ chìm ngập trong Thái Bình Dương, được các nước phát triển cam kết giúp đỡ để đương đầu với những hệ lụy của hiện tượng thời tiết thay đổi và trái đất hâm nóng. Rõ ràng là trong “ngôi làng toàn cầu” ngày nay, thật là lỗi thời khi muốn tiếp tục sống theo chủ trương “đèn nhà ai nấy sáng, chuyện nhà ai nấy tỏ”. Chẳng có chuyện tốt hay xấu nào xảy ra cho một người mà không ảnh hưởng đến người khác trong cùng một ngôi làng.
Với tôi, món quà Giáng Sinh ý nghĩa nhứt mà thế giới đã trao tặng cho nhau chính là thỏa thuận về việc hạ giảm khí thải nhà kính. Thế giới đã được thu tóm thành một ngôi làng. Trái đất đã trở thành mái nhà chung của mọi người. Khi mái nhà chung ấy bị xiêu vẹo hay dột nát, mọi người trong làng đều xúm lại để chống đỡ. Mái nhà được tu sửa, mọi người được cảm thấy an toàn và vui sống. Đó là món quà mà dân cư của ngôi làng toàn cầu muốn trao tặng cho nhau. Nhưng quan trọng hơn, tình liên đới và trao tặng cho nhau mà thế giới ngày nay vẫn tiếp tục nuôi dưỡng, đó mới thực sự là món quà quí giá nhứt. Bởi lẽ, như sứ điệp Giáng Sinh “hòa bình dưới thế cho người thiện tâm” năm nào cũng được lập lại, chính thiện tâm muốn tỏ tình liên đới và chia sẻ mới mang lại an bình cho con người và hòa bình cho thế giới.
Từ vài năm nay, cứ mỗi dịp Giáng Sinh, mọi người trong gia đình tôi đã quyết định không tặng quà cho nhau nữa. Cây Giáng Sinh, dù là cây thông nhựa đi nữa, cũng đã biến khỏi phòng khách. Thay cho quà cáp và các thứ trang trí, chúng tôi dành số tiền mua sắm ấy để tặng cho các tổ chức từ thiện, nhứt là những tổ chức đang hoạt động tại những nơi bị tàn phá vì thiên tai và “nhân tai”. Chúng tôi không có một ngày “Boxing Day” để mở quà. Nhưng bù lại chúng tôi nhận được một món quà lớn: đó là có được niềm vui và sự an bình vì biết rằng mình đang cố gắng sống tình liên đới và chia sẻ.
“Bản năng” trao tặng và chia sẻ đã được Đấng Tạo Hóa đặt để trong mỗi tâm hồn. Thói quen tặng quà trong mùa Giáng Sinh chính là một thứ  “kích hoạt” để khơi dậy và giữ cho bản năng trao tặng và chia sẻ ấy được sống mãi trong tâm hồn con người.
Cũng như Tết Nguyên đán, Giáng Sinh thường gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm và kỷ niệm càng lùi xa trong ký ức thì càng đẹp. Thành ra, cứ mỗi dịp Giáng Sinh, tôi thường nhớ lại những kỷ niệm của thời thơ ấu trong làng quê của tôi. Thời đó, tôi chưa từng nghe nói đến “Ông già Noel”. Nhưng dường như trong cuộc sống hằng ngày, người người đều cư xử với nhau như “Ông già Noel” để không ngừng trao tặng và chia sẻ cho nhau. Ngày nay, dưới chế độ cộng sản, cũng như tất cả mọi ngôi làng ở Việt Nam, làng tôi cũng biến thành một “làng văn hóa”. Tôi buồn mỗi khi nghĩ về làng tôi, bởi vì ngày nay hình như hai chữ “văn hóa” cũng đồng nghĩa với “vô cảm” và “mạnh ai nấy sống”.
“Bao giờ cho đến ngày xưa” để  bản năng trao tặng và chia sẻ được sống lại trong làng tôi và trên toàn cõi Việt Nam ngày nay. Đó là món quà mà tôi cầu mong “Ông già Noel” sẽ mang đến cho dân tộc tôi trong mùa Giáng Sinh này.






Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Gambia: “Quốc gia Hồi giáo” Phi Châu



18.12.15
“Quốc gia Hồi giáo” (IS) không phải danh xưng độc quyền của tổ chức khủng bố Hồi giáo hiện đang kiểm soát một phần lãnh thổ của hai nước Syria và Iraq cũng như đang gieo rắc khủng bố khắp nơi trên thế giới.
Mới đây, Tổng thống Gambia, ông Yahya Jammed đã tuyên bố rằng kể từ nay nước ông là “một Quốc gia Hồi giáo”, nhưng nhấn mạnh rằng quyền của cộng đồng thiểu số Kitô giáo vẫn được tôn trọng và các phụ nữ không bị bắt buộc phải phục sức theo luật Hồi giáo.
Là một cựu thuộc địa của Anh Quốc nằm ở miền Tây Phi Châu, giáp giới với một số quốc gia như Senegal và Guinea-Bissau, Gambia là một nước nghèo nhưng nổi tiếng với những bãi biển cát trắng. 90 phần trăm của dân số khoảng 2 triệu người theo Hồi giáo và đa số người Hồi giáo tại Gambia theo hệ phái Sunni. Tại nước này hiện cũng có một cộng đồng Hồi giáo thuộc hệ phái Shiite, phần lớn đến từ Liban hoặc là di dân nói tiếng Á Rập trong vùng. Cộng đồng Kitô giáo tại Gambia chỉ chiếm khoảng 8 phần trăm, phần lớn theo Công giáo.
Tổng thống Jammeh, năm nay 50 tuổi, vốn là sĩ quan và cựu võ sĩ đô vật xuất thân từ một vùng quê. Ông đã cai trị Gambia với bàn tay sắt kể từ khi lên nắm chính quyền sau một cuộc đảo chính năm 1994. Trong hơn 20 năm qua, ông đã không biết bao nhiêu lần thay đổi hội đồng nội các và chỉ giữ lại một số tay chân thân tín. Trước mặt dân chúng Gambia, ông luôn chứng tỏ mình là một tín đồ Hồi giáo nhiệt thành, lúc nào trên tay cũng có quyển kinh Coran hay tràng chuỗi. Ông cũng không ngừng đổ lỗi cho chế độ thực dân về những tệ nạn của đất nước. Dạo tháng 3 năm 2014, ông tuyên bố sẽ dẹp bỏ Anh ngữ như ngôn ngữ chính, nhưng không xác định ngôn ngữ địa phương nào sẽ thay thế Anh ngữ.
Việc Tổng thống Jammeh quyết định biến Gambia thành một “Quốc gia Hồi giáo” đã gặp chống đối mãnh liệt của phe đối lập. Họ nói rằng quyết định này không có nền tảng pháp lý. Theo phe đối lập, lời tuyên bố của ông Jammeh là một hành động vi hiến. Ông Ousainou Darboe, Tổng bí thư của Đảng Dân chủ Thống nhất nói rằng cứ mỗi lần muốn đánh lừa dư luận về những gì đang xảy ra trong đất nước, ông Jammed lại quay ra tấn công chế độ thực dân.
Mới đây, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền “Human Righs Watch” đã gọi Chế độ Jammed tại Gambia là một trong những chế độ áp bức nhất trên thế giới. Tổ chức này lên án các đơn vị bán quân sự và mật vụ được chính phủ sử dụng để thực hiện những vụ tra tấn, thủ tiêu và giết người bên ngoài tòa án.
Năm 2013, Tổng thống Jammed đã rút Gambia ra khỏi Khối Thịnh Vượng Anh “Commonwealth”. Ông cho rằng tổ chức này là một nối dài của chế độ thực dân.
Gambia là một vùng đất được lần đầu tiên nhắc đến trong các ký sự của các lái buôn Á Rập vào Thế kỷ thứ 9. Vào thời kỳ này, các lái buôn Hồi giáo và các học giả đã thiết lập các cộng đồng tại nhiều trung tâm thương mại ở miền Tây Phi Châu. Con đường di chuyển nô lệ, vàng bạc và ngà voi xuyên qua sa mạc Sahara cũng được thiết lập. Vào khoảng Thế kỷ 11 hay 12, các lãnh chúa cai trị vùng này cải đạo sang Hồi giáo và chỉ bổ nhiệm làm cận thần những người Hồi giáo nào thông thạo tiếng Á rập. Vào đầu Thế kỷ 14, phần lớn lãnh thổ ngày nay có tên là Gambia là một phần của Đế quốc Mali. Đặt chân đến đây vào giữa Thế kỷ 15, người Bồ Đào Nha bắt đầu kiểm soát thương mại bằng đường biển.
Năm 1588, Bồ Đào Nha bán quyền kiểm soát Sông Gambia cho các thương lái người Anh. Cuối Thế kỷ 17 và xuyên suốt Thế kỷ 18, hai đế quốc hùng mạnh nhất là Anh và Pháp  không ngừng tranh nhau về quyền bá chủ trong những vùng dọc theo hai con sông Senegal và Gambia. Nhưng năm 1783, Thỏa ước Versailles đã nhìn nhận quyền sở hữu của Anh Quốc đối với sông Gambia. Pháp chỉ còn giữ lại một phần nhỏ ở phía Bắc của dòng sông và năm 1856 lại giao trọn quyền kiểm soát vùng này cho Anh.
Trong 3 thế kỷ liền kể từ khi người da trắng đặt chân đến vùng này, đã có ít nhất 3 triệu người nô lệ da đen đã bị bắt đi khỏi vùng này. Một số bị chính người Phi Châu săn bắt và bán cho người Âu Châu. Một số khác bị bắt làm tù binh trong những cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc. Một số bị bắt đem đi bán vì không thể trả nợ.
Lúc đầu, những kẻ buôn người bán dân nô lệ sang Âu Châu để làm “đy tớ” cho người giàu. Về sau do đòi hỏi của thị trường lao động, người nô lệ được mang sang Bắc Mỹ. Năm 1807, Vương quốc Anh bãi bỏ việc buôn bán nô lệ trên toàn Đế quốc.
Trong những năm sau đó, Gambia được đặt dưới quyền cai quản của Tổng toàn quyền Anh tại Sierra Leone. Đến năm 1888, Gambia mới trở thành một thuộc địa riêng của Anh.
Gambia được Anh Quốc trao trả độc lập ngày 18 tháng 2 năm 1965. Và cũng  như Úc Đại Lợi, Gambia tiếp tục là thành viên của khối Thịnh Vượng Chung, xem nữ hoàng Elizabeth II như Nữ hoàng Gambia. Không bao lâu sau đó, Chính phủ Gambia đã cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc thành lập cộng hòa. Nhưng cuộc trưng cầu dân ý đã thất bại: 2 phần 3 dân chúng vẫn không muốn thay đổi hiến pháp và vẫn yêu cầu được ở lại trong khối Thịnh Vượng Chung. Dù vậy, với cuộc trưng cầu dân ý này, Gambia đã được thế giới chú ý tới vì đã tổ chức được một cuộc đầu phiếu kín, minh bạch cũng như tôn trọng các quyền tự do dân sự.
Nhưng vào tháng Tư năm 1970, tiếp theo một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, Gambia đã tuyên bố trở thành một nước cộng hòa, tuy nhiên vẫn xin được tiếp tục làm thành viên của khối Thịnh Vượng Chung. Thủ tướng lúc bấy giờ là Sir Dawda Kairaba Jawara trở thành tổng thống đầu tiên của Gambia. Ông đã liên tục tái cử 5 lần. Năm 1981, vì  kinh tế yếu kém và nhất là vì tham nhũng, quân đội đã làm một cuộc đảo chính. Cuộc đảo chính do Hội đồng Cách mạng Quốc gia gồm hai Đảng Xã hội và Lao động thực hiện đã diễn ra vào giữa lúc Tổng thống Jawara đang thăm viếng Anh Quốc. Do yêu cầu của Tổng thống Jawara, nước láng giềng Senegal đã gởi quân đội sang để dẹp tan quân nổi loạn. Đã có từ 500 đến 800 người bị giết chết trong các cuộc bạo động.
Năm 1982, hai nước Senegal và Gambia đã ký một thỏa ước tiến tới thành lập một liên bang để thống nhất quân đội cũng như kinh tế và tiền tệ. Nhưng 7 năm sau, Gambia đã rút ra khỏi liên bang.
Năm 1994, một trung úy tên là Yahya Jammeh đã tổ chức một cuộc đảo chính. Chính phủ Jawara từ chức. Mọi lực lượng đối lập bị cấm hoạt động. Là chủ tịch của Hội đồng Quân nhân, Trung úy Jammeh trở thành nguyên thủ quốc gia và cai trị quốc gia với bàn tay sắt cho đến ngày nay.
Cuối năm 2001 và đầu năm 2002, ông cho tổ chức các cuộc bầu cử các cấp từ tổng thống, quốc hội đến các chính quyền địa phương. Mặc dù không phải là hoàn hảo, nhưng các cuộc bầu cử đã được các quan sát viên ngoại quốc đánh giá là tự do và minh bạch. Đảng cầm quyền của ông Jammeh vẫn chiếm đa số ghế trong Quốc hội và như vậy bảo đảm chế độ độc tài của ông Jammeh cho đến ngày nay.
Ngày 2 tháng 10 năm 2013, Bộ trưởng Nội vụ Gambia loan báo rằng Gambia quyết định ra khỏi khối Thịnh Vượng Chung, sau 48 năm là thành viên của khối. Chính phủ Gambia giải thích rằng Gambia sẽ không giờ là thành viên của bất cứ một tổ chức tân thực dân” nào nữa cũng như sẽ không bao giờ tham gia vào bất cứ một tổ chức nào nối dài chủ nghĩa thực dân.
Là một trong những nước nhỏ nhất của lục địa Phi Châu, sau khi được Anh Quốc trao trả độc lập, Gambia có được ổn định chính trị tương đối lâu so với các nước láng giềng tại miền Tây Phi Châu. Tuy nhiên ổn định không đương nhiên đồng nghĩa với phồn thịnh. Mặc dù được sông Gambia chảy xuyên qua, chỉ có một phần sáu đất đai của Gambia được canh tác. Phần còn lại khô cằn cho nên chỉ có được một mùa gieo trồng mỗi năm. Nông sản chính của Gambia là đậu phụng. Đây là nguồn thu nhập chính của nước này. Nhưng việc sản xuất và giá cả trên thị trường lại lên xuống bất thường cho nên thu nhập từ đậu phụng cũng bấp bênh. Do đó, Gambia sống lệ thuộc rất nhiều vào ngoại viện. Từ năm 2006 đến năm 2012, kinh tế Gambia tăng trưởng mỗi năm từ 5 đến 6 phần trăm.
Về giáo dục, hiến pháp Gambia đòi hỏi phải có giáo dục cưỡng bách và miễn phí ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, vì thiếu tài nguyên và hạ tầng cơ sở, việc thực hiện nền giáo dục cưỡng bách và miễn phí ở bậc tiểu học tại Gambia không thành công. Năm 1995, tỷ lệ trẻ em ghi danh ở bậc tiểu học chỉ được 77 phần trăm. Một trong những lý do khiến nhiều trẻ em Gambia không được cấp sách đến trường là học phí. Năm 1998, Tổng thống Jammeh ra lệnh bãi bỏ việc thu học phí ở bậc tiểu học.
Tình trạng y tế tại Gambia cũng không mấy sáng sủa. Y phí trong các bệnh viện công chỉ chiếm có 1.8 phần trăm tổng sản lượng quốc gia. Trong khi đó phí tổn tại các bệnh viện tư lại cao gần gp 5 lần. Tính cho đến đầu thiên niên kỷ mới, trung bình 100 ngàn dân mới có 11 bác sĩ. Tuổi thọ của người dân Gambia không quá 60.
Ngoài ra, Gambia hiện đang phải đối đầu với một tệ nạn gắn liền với việc thực hành tôn giáo. Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), vẫn còn khoảng gần 80 phần trăm trẻ em gái và phụ nữ Gambia phải chịu cắt âm vật. Năm 2010, tỷ lệ phụ nữ chết khi sinh con vẫn còn cao: trung bình cứ 100 ngàn lần sinh nở có đến 400 người chết. Tử xuất của trẻ con dưới 5 tuổi vẫn còn cao. Ở Gambia, chỉ có 5 nữ hộ sinh cho 1000 thai phụ và nguy cơ chết khi mang thai cũng rất cao.
Nhưng nhìn chung, dưới chế độ của Tổng thống Jammeh, nền y tế công cộng của Gambia đã được cải thiện. Quốc gia này đã làm được nhiều bước đáng kể trong việc chủng ngừa cho một số bệnh như đau màng óc, đậu mùa v.v
Cai trị với bàn tay sắt cho nên Tổng thống Jammeh không chấp nhận tự do ngôn luận. Năm 2002, chính phủ đã thông qua một đạo luật để qua đó thành lập một ủy ban với quyền hạn được cấp phát giấy phép hành nghề ký giả cũng như giam tù các ký giả. Hai năm sau, chính phủ lại ban hành thêm một sắc luật khác cho phép giam tù bất cứ ký giả nào mạ lỵ hoặc dèm pha chính phủ. Với sắc luật này, chính phủ cũng có thể rút lại giấy phép in ấn và hoạt động phát thanh truyền hình. Sắc luật này cũng buộc các cơ quan truyền thông phải tái đăng ký với phí tổn cao gấp 5 lần phí tổn ban đầu.
Mới đây, sau một cuộc đảo chính bất thành, đã có 3 ký giả bị giam tù vì lên tiếng phê bình chính sách kinh tế của chính phủ.
Tổ chức “Các ký giả không biên giới”  đã tố cáo tổng thống Jammeh đang biến Gambia thành một nhà nước công an trị vì sử dụng đủ mọi cách xách nhiễu đối với các ký giả kể cả đe dọa giết chết.


Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Một cõi vĩnh hằng


Chu Thập
12.12.18

Lá thư của vợ chồng nhà tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg và Priscilla Chan gởi cho cô con gái mới chào đời của họ khơi dậy nơi tôi nhiều cảm xúc. Giữa lúc thế giới tràn ngập tin tức về chiến tranh, khủng bố, thiên tai, nghèo đói và bệnh tật, lá thư mang lại một làn gió mát giúp hạ nhiệt phần nào những căng thẳng và thổi vào một chút hy vọng. Thật vậy, trong lá thư gởi cho con, vợ chồng người đồng sáng lập và chủ tịch của công ty Facebook tuyên bố “sẽ cho đi 99% số cổ phiếu của họ, ước tính khoảng 45 tỷ  Mỹ kim”. Họ gọi đây chỉ là “một chút đóng góp nhỏ bé so với nguồn lực và tài năng của những người khác”. Những người khác mà hai vợ chồng này nhắc tới và mang lại nguồn cảm hứng cho họ về lòng vị tha không ai khác hơn là hai tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett. Hai người giàu nhứt nhì trái đất này đã hiến tặng hầu hết tài sản kết xù của họ cho các tổ chức từ thiện.
Với hai vị này và nhiều nhà hảo tâm khác, thế giới đã chẳng bao giờ đặt vấn đề về tấm lòng vị tha. Vậy mà với vợ chồng tỷ phú Zuckerberg, tôi không hiểu tại sao lại có nhiều lời ra tiếng vào về động lực trao tặng của họ. Một số nhà bình luận cho rằng khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn “Chan-Zuckerberg Initiative” để quản lý khoản tiền họ định trao tặng, hai vợ chồng tỷ phú trẻ này muốn tránh số thuế có thể được đánh trên số tiền thu được từ việc bán cổ phần. Hư thực thế nào, tôi nghĩ với đòi hỏi minh bạch trong thế giới ngày nay, trước sau gì người ta cũng sẽ biết rõ về hoạt động từ thiện của vợ chồng tỷ phú trẻ này. Nhưng cứ như mục tiêu mà hai vợ chồng tỷ phú này đề ra trong lá thư gởi cho con gái của họ là “thúc đẩy tiềm năng con người và cải thiện sự bình đẳng cho tất cả trẻ em trong thế hệ tiếp theo”, thì đây quả là một chương trình đầy tham vọng. Nói cách khác, với sự trao tặng và đóng góp của họ, hai vợ chồng tỷ phú Zuckerberg muốn góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho con gái của họ. Còn  động lực nào cao quý khi trao tặng cho bằng muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn!
Tôi không có nhiều tài sản để trao tặng hay để lại. Nhưng thỉnh thoảng, khi “lòng từ bi chợt đến bất ngờ”, tôi cũng phải  bóp bụng mở hầu bao để chia sẻ. Mỗi lần như thế, tôi đều lùi lại một bước, không phải để “tự chụp ảnh” (selfie) để xem mình sung sướng hay hạnh phúc cỡ nào, mà là để phân tách xem động lực nào thúc đẩy mình trao tặng hay nói chung, tỏ ra vị tha. Liệu tôi có thực sự vô vị lợi khi sống vị tha không? Có thể có lòng vị tha thuần túy không? Đàng sau sự trao tặng hay những nghĩa cử biết đâu lại chẳng có cái đuôi của sự ích kỷ. Chẻ sợi tóc làm tư, một số chuyên gia tâm lý cho rằng ngay cả những hành động được xem là vô vị lợi nhứt thường cũng bị thúc đẩy bởi một động lực ích kỷ.
Người nữ tu đã từng phục vụ người nghèo tại Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới, được trao tặng giải Nobel Hòa Bình và được biết đến với danh hiệu “Mẹ Têrêxa Calcutta” có lẽ là người lúc nào cũng “quên mình” để xả thân hy sinh vì những người kém may mắn. Nhưng chắc chắn, hơn ai hết, cuộc sống vị tha của bà luôn làm cho bà cảm thấy hài lòng và hạnh phúc. Giải thích về động lực thúc đẩy mình làm việc thiện, bà nói: “Phép lạ không phải là công việc chúng ta làm, mà chính là chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi làm việc đó”.
Dường như ai cũng có một lý do “ích kỷ”, theo nghĩa nghĩ đến một “lợi ích” nào đó của mình, khi làm việc thiện. Có rất nhiều người được quốc gia Israel tôn vinh như những vị anh hùng và được tưởng nhớ trên điều được gọi là “Đại lộ của những người Công Chính” nằm trong Bảo tàng viện Yad Vashem về cuộc sát tế người Do Thái do Đức Quốc Xã chủ xướng trong thời Đệ Nhị thế chiến. Những vị anh hùng này muốn giúp người Do Thái thoát khỏi bách hại và chết chóc. Nhưng họ cũng làm nghĩa cử ấy chỉ vì chống lại và mong muốn cho chế độ Đức Quốc Xã của Hitler chóng bị tiêu diệt. Ngoài ra, quan trọng hơn cả, khi ra tay cứu thoát người Do Thái, những vị anh hùng này cũng cảm thấy phấn khởi, hài lòng và hạnh phúc khi làm được việc thiện. Chuyên gia tâm lý và triết gia người Anh Neel Burton cho rằng “mọi hành động vị tha đều vị kỷ”. Theo ông, bất cứ hành động vị tha nào, nếu không làm giảm bớt sự căng thẳng, nỗi lo lắng, thì ít nhứt cũng mang lại niềm tự hào và sự thỏa mãn. Đó là chưa kể đến niềm vinh dự hay sự đáp trả của người khác mà những hành động vị tha có thể mang lại.
Dưới khía cạnh tôn giáo, hành động vị tha lại càng mang tính vị kỷ hơn. Chúa Giêsu có nói một câu được nhà tư tưởng đầu tiên và lỗi lạc nhứt của Kitô giáo là thánh Phaolô ghi lại: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Hiến tặng, trao ban, chia sẻ hay làm bất cứ hành động vị tha nào cũng đều mang lại hạnh phúc cho con người. Chúa Giêsu còn hứa hẹn với các môn đệ của Ngài rằng việc hiến thân hy sinh của họ sẽ mang lại cho họ một phần thưởng lớn lao ngay từ cuộc sống tại thế này.
Tôi không rành về giáo lý Phật Giáo. Nhưng đến Thái Lan, một trong những quốc gia có đa số dân theo Phật Giáo, tôi hiểu được động lực khiến cho người dân nước này sống lịch sự, hiền hòa, tử tế, quảng đại và vị tha: họ muốn gieo cái “nhân” của nhân ái để gặt cái “quả” của phúc đức. Có lẽ cũng trong ý nghĩa ấy mà ông bà tổ tiên chúng ta thường ăn ngay ở lành và làm việc thiện để gọi là “để đức lại cho con cháu”.
Tôi chưa từng đến Miến Điện, một trong những nước cũng có đa số dân theo Phật Giáo tại Á Châu. Nhưng tôi không ngạc nhiên tại sao năm nay viện thăm dò Gallup và Sáng hội “Charites Aid Foundation” lại xếp Miến Điện đứng đầu thế giới trong  danh sách 10 quốc gia hiến tặng nhiều tiền nhứt cho các hoạt động từ thiện và thiện nguyện. Theo chỉ số “The world giving index 2015” (chỉ số hiến tặng), người dân Miến Điện dẫn đầu trong việc quyên góp và làm từ thiện trong năm 2015.
Thật ra, không chỉ có các phật tử Thái Lan và Miến Điện mới tỏ ra nhân ái và từ bi. Lâu lắm rồi, tôi nhớ có một vị giám mục Việt Nam đã không tiếc lời để ca ngợi lòng quảng đại của các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Xét cho cùng, có tôn giáo nào mà không xem từ bi, bác ái như cốt lõi của mình. Và nếu có khuyên dạy con người ăn ngay ở lành và làm việc thiện là bởi tôn giáo nào cũng hướng con người đến cuộc sống mai hậu. Niết Bàn, Thiên Đàng, Nơi Cực Lạc hay cuộc sống vĩnh hằng...vẫn là phần thưởng của cuộc sống vị tha mà tôn giáo nào cũng hứa hẹn cho các tín đồ. Nhưng ngoại trừ “72 trinh nữ” được hứa hẹn cho những tên khủng bố ôm bom tự sát để giết hại người khác, cuộc sống vĩnh hằng ấy như thế nào thì chẳng có ai từ bên kia thế giới về để kể lại cho tôi nghe cả. Vậy mà suốt cuộc đời, một người có tôn giáo như tôi lúc nào cũng hướng về cõi vĩnh hằng ấy.
Người dân Sydney có lẽ khó quên được cảnh đốt pháo bông ở cầu Sydney Harbour để đánh dấu năm mới 2000. Mấy chữ “Eternity” (cõi vĩnh hằng) đã chiếu sáng cầu Sydney Harbour. Giây phút ấy cũng được lập lại trong nghi thức khai mạc Thế Vận Hội Sydney 2000 và được hằng tỷ người trên khắp thế giới theo dõi.
Có lẽ ít có người biết rằng mấy chữ “Eternity” được chiếu sáng trong hai biến cố quan trọng ấy trong năm 2000 lại là “công trình” của một người thất học tên là Arthur Malcolm Stace (1885-1967). Arthur chào đời tại Redfern, nội thành Sydney. Cả cha lẫn mẹ của Arthur đều là những người nghiện ngập. Lớn lên trong cảnh nghèo nàn, để sống còn Arthur chỉ biết đi ăn cắp bánh mì và sữa cũng như lục lạo các thùng rác. Năm 12 tuổi, vì chưa một ngày được cắp sách đến trường, Arthur đã phải đi làm việc trong một mỏ than. Chỉ trong một thời gian ngắn, người thiếu niên cũng rơi vào nghiện ngập như cha mẹ mình và năm 15 tuổi đã phải vào tù. Vài năm sau, khi ra tù, Arthur làm nghề “hướng dẫn viên” cho các nhà thổ. Mãi đến năm 32 tuổi, anh mới nhập ngũ. Cuộc sống gian khổ trong quân đội, cộng với nghiện ngập, đã khiến cho anh mang đủ thứ bệnh và được giải ngũ.
Một buổi tối năm 1930, sau khi nghe một bài giảng của một vị mục sư về cuộc sống vĩnh cửu, Arthur bị đánh động đến độ đã xin gia nhập Kitô giáo. Về sau Arthur kể lại: “(tiếng) Eternity vang dội trong óc não tôi. Bất thần tôi khóc và cảm thấy có  tiếng Chúa gọi tôi phải viết “Eternity”. Mặc dù không biết đọc biết viết, ngay cả đọc và viết tên Arthur của mình, tự nhiên anh lại thấy chữ “Eternity” với nét viết kiểu cách hiện ra; và ông có thể viết y như vậy. Liền sau đó, trong 35 năm liền, từ sáng tinh mơ, Arthur đã đi rảo khắp thành phố Sydney và dùng phấn để viết những chữ “Eternity” tuyệt đẹp bất cứ nơi nào có thể viết được, trên các con đường dành cho bộ hành cũng như tại các trạm xe lửa. Trong 35 năm, theo ước tính, Arthur đã viết chữ “Eternity” đến 500.000 lần. Huyền thoại về “người viết Eternity” bắt đầu được quảng bá khắp thành phố Sydney. Người ta có thể đọc được chữ ấy, nhưng không biết tác giả là ai trong một thời gian rất lâu.
Hiện nay, ở Sydney, chữ “Eternity” duy nhứt do chính tay Arthur viết vẫn còn được giữ nguyên trên đồng hồ của Nhà Bưu Điện chính. Chữ “Eternity” do Arthur viết trong 35 năm liền không những đã trở thành bất tử, mà có lẽ chính tác giả cũng đã đi vào cõi vĩnh hằng. Thật ra, đâu cần phải qua ngưỡng cửa của sự chết, mà ngay từ cuộc sống tại thế này người viết chữ “Eternity” cũng đã cảm nếm được và đã đi vào cõi vĩnh hằng.
Đó là ý nghĩ đã đến với tôi khi đọc lại câu chuyện về “người viết Eternity”. Liên kết với những chuyện quanh ta, tôi chợt nghĩ đến những người anh hùng trong cuộc thảm sát mới đây tại quận San Bernadino, Hoa Kỳ, đặc biệt là người đàn ông tên là Shannon Johnson được người phụ nữ đồng nghiệp Denise Peraza mô tả như “một người đàn ông kỳ diệu, vô vị lợi”. Bị kẹt trong làn đạn, anh đã đưa tay ôm lấy người phụ nữ để che chở cho cô. Anh đã bị bắn chết khi làm bia đỡ đạn cho người phụ nữ. Với tôi, hành động này đã biến anh thành một người bất tử. Anh đã thực sự đi vào cõi vĩnh hằng ngay từ giây phút anh dám hy sinh mạng sống để bảo vệ người khác.
Là người có tôn giáo, tôi tin có cuộc sống vĩnh hằng. Nhưng trong khi chờ đợi để đi vào cuộc sống vĩnh hằng ấy thì ngay trong cuộc sống trần thế này, tôi không ngừng tự nhủ phải tìm kiếm và cảm nếm thực tại vĩnh hằng ấy. Có nhiều cách để đi vào cuộc sống vĩnh hằng ấy, nhưng với tôi, niềm vui và hạnh phúc đến từ bất cứ một hành động vị tha nào cũng cho tôi nếm được thực tại vĩnh hằng. Bởi lẽ xét cho cùng, mọi thứ, kể cả tổ chức tôn giáo, niềm tin tôn giáo mà tôi tuyên xưng...tất cả đều tương đối và rồi cũng sẽ qua đi. Duy chỉ có những điều tốt đẹp mà chúng ta làm cho nhau mới vĩnh viễn tồn tại và làm cho con người bất tử.







Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Bình an dưới thế cho người thiện tâm



Chu Thập
13.12.11



Mùa Giáng Sinh hàng năm, dù có cố gắng làm “ẩn sĩ” đến đâu, tôi cũng không thể bỏ qua một số cuộc gặp gỡ, nhứt là với bạn bè thân thiết. Với tôi, Tết Nguyên đán là ngày của gia đình, còn Giáng Sinh không những là ngày của gia đình mà còn là ngày của quan hệ xã hội. Ngày lễ này nhắc nhở tôi về tầm quan trọng “sinh tử” của quan hệ xã hội trong cuộc sống con người.
Tôi có ý nghĩ như thế về lễ Giáng Sinh khi đọc một bài báo của ký giả Ross Gittins trên báo The Sydney Morning Herald trong số ra ngày 7 tháng 12 vừa qua. Trong bài báo, ký giả Gittins nhắc đến tiến sĩ Michael Schluter, sáng lập viên của Sáng Hội “Relationships Foundation” tại Anh quốc. Tiến sĩ Schluter nói rằng con người thiết yếu là những “con vật xã hội”, do đó điều quan trọng nhứt trong cuộc sống chúng ta chính là quan hệ với người khác như bạn bè, láng giềng, đồng nghiệp và nhứt là những người thân trong gia đình.
Theo ký giả Gittins, cho dẫu chúng ta có tránh nói đến họ trong nhiều năm đi nữa, ngay cả khi họ đã qua đời, chúng ta không thể không nghĩ đến họ. Nếu chúng ta có cắt đứt liên lạc với gia đình, thì chúng ta cũng vẫn tìm cách lấp đầy chỗ trống ấy bằng những quan hệ khác. Liệu chúng ta có thể sống còn nếu không có quan hệ với người khác không?
Sự thành công trong cuộc sống thiết yếu được đo lường không phải bằng tiền của, quyền lực, danh vọng và tiếng tăm, mà bằng các mối quan hệ của con người với người khác. Ngày nay, ngoài chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient), các chuyên gia tâm lý còn nói đến một thứ thông minh khác gọi là EQ (Emotional Quotient), tức chỉ số tình cảm giúp con người thiết lập những quan hệ tốt đẹp với người khác và nhờ đó đạt được thành công cũng như tạo được hài hòa với người xung quanh và mang lại an bình cho chính bản thân. Có chỉ số thông minh cao chưa hẳn đã mang lại thành công và hạnh phúc cho con người. Trường đời cho chúng ta thấy có biết bao nhiêu người thông minh xuất chúng, nếu không thất bại trong giao tế thì cũng chẳng nắm giữ được vai trò lãnh đạo nào trong xã hội. Trái lại, có những người, tuy không phải là học sinh xuất sắc hoặc có khi phải dở dang trong việc học hành, lại trở thành những nhà lãnh đạo tài ba. Không thiếu những chuyên gia lỗi lạc trong phòng thí nghiệm, trên bục giảng, trong lãnh vực nghiên cứu hoặc ngay trong quản lý...lại là những người chồng, người cha “tồi” trong gia đình hay những người cô đơn vì không có bạn bè.
Dĩ nhiên, cô đơn là phần số chung của mọi người trên trái đất này. Chẳng có ai, trong một lúc nào đó trong cuộc sống, lại không từng trải qua những lúc trống trải và cô đơn. Có khác chăng là có người chỉ biết ngồi đó mà bắt chước Tuấn Vũ để ca bài “đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”, trái lại cũng có người biết cố gắng ra khỏi bản thân để tìm đến với người khác và nhận ra rằng cô đơn không phải là một định mệnh bất di dịch, mà là một thách đố để vươn tới người khác và nhờ đó tìm được ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc sống.
Ý tưởng trên đây mang lại cho tôi nhiều khích lệ và an ủi. Tôi không phải là người có IQ cao để đỗ đạt trong học vấn và trở thành bác sĩ, luật sư. Nhưng tôi tin chắc rằng “cảm xúc” vốn là điều tôi có thể tập luyện để làm chủ được và như vậy có thể phát triển để có một EQ cao hơn hầu cải thiện các quan hệ của tôi với người khác. Và một khi tôi đã có thể xây dựng được các quan hệ tốt đẹp và hài hòa với người xung quanh, thì đương nhiên phần thưởng dành cho tôi sẽ chỉ có thể là niềm hạnh phúc và an bình mà thôi.
Trong hầu hết các ngày chúa nhựt trong năm và đặc biệt trong Lễ Giáng Sinh, tôi thường cùng với mọi người hiện diện đọc hay hát lên lời ca của các thiên sứ trong Đêm Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Là một tín hữu Kitô, tôi tin rằng Thiên Chúa ban “bình an” cho tất cả mọi người, nhưng chỉ có những ai có “thiện tâm”, người đó mới cảm nhận được bình an mà thôi. Bình an quả là quà tặng thiết yếu của Lễ Giáng Sinh. Có được mọi sự mà không có bình an thì coi như chưa thực sự mừng Lễ Giáng Sinh.
Tôi nhận thấy trong các cánh thiệp và lời cầu chúc Giáng Sinh trong hầu hết các ngôn ngữ Tây phương, dường như người ta nghĩ đến “vui chơi” hơn là bình an. Từ “Merry Christmas” trong Anh ngữ đến “Joyeux Noel” trong tiếng Pháp, lời cầu chúc nhấn mạnh đến niềm vui hơn là bình an. Mùa Giáng Sinh, cứ đi rảo một vòng các siêu thị hay xem các màn quảng cáo trên truyền hình, chúng ta chỉ nghe thấy những mời mọc hưởng thụ. Dĩ nhiên, niềm vui luôn đa dạng. Nhưng ngày nay, đa số những niềm vui được quảng cáo trong các siêu thị hay trên màn ảnh truyền hình thường chỉ là những niềm vui nếu không chóng qua thì cũng giả tạo: vui vì có nhiều hàng hóa hạ giá để mua sắm, vui vì nhận được nhiều quà, vui vì được ăn uống nghỉ ngơi, vui vì những buổi tiệc tùng thâu đêm suốt sáng...
Vui là điều chính đáng trong cuộc sống. Một cuộc sống chỉ đáng sống khi mang lại niềm vui cho con người. Một tôn giáo chỉ rao giảng sự buồn thảm là một tôn giáo “đáng buồn”. Nhưng vui thì cũng có 36 vạn niềm vui khác nhau. Có những niềm vui bồi bổ và làm cho con người được thêm phong phú. Trái lại cũng có những niềm vui chỉ tạo ra sự trống rỗng trong tâm hồn con người. Điều được gọi là “hội chứng của ngày thứ hai” luôn nhắc nhở chúng ta về vô số những niềm vui giả tạo trong cuộc sống.
Giáng Sinh chỉ thực sự là một Mùa Lễ Vui bởi vì mang lại an bình cho con người. Đây chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại. Ngài không ngừng rao giảng sự bình an và hứa ban sự bình an cho các môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, bình an thì cũng có nhiều thứ bình an. Bình an trong men rượu, ma túy hay nhục dục chắc chắn không phải là thứ bình an mà Chúa Giêsu mang đến. Ngay cả sự bình an được thiết lập bằng lò thuốc súng và được duy trì bằng dùi cui, báng súng hay nhà tù cũng không phải là thứ bình an mà Chúa Giêsu muốn nói đến. Ngài đã có lần nói với các môn đệ rằng Ngài không đến để mang lại bình an, mà là gươm giáo và chiến tranh. Với những hình tượng ấy, Con Người suốt một đời chỉ biết yêu thương và tha thứ và tha thứ cho đến cùng như Chúa Giêsu chỉ muốn nói rằng thứ bình an mà Ngài ban tặng chính là thành quả của một cuộc chiến đấu cam go. Cuộc chiến ấy không diễn ra ở đâu xa mà ngay chính trong tâm hồn con người. Chỉ khi nào chiến thắng được các sức mạnh của tăm tối và sự dữ trong tâm hồn, con người mới thực sự có bình an. Đây chính là sự “thiện tâm” mà trong bài ca Giáng Sinh, các thiên sứ đã xem như một điều kiện của bình an: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Chỉ có ai chiến thắng được bản thân, người đó mới có được sự bình an đích thực trong tâm hồn.
Về điểm này, tôi rất tâm đắc với bài viết có tựa đề “Thông điệp mùa Giáng Sinh: Bỏ mác lê xuống là thành phật” của nhà văn, thi sĩ Trần Mạnh Hảo trong nước, được đăng trên báo mạng Đàn Chim Việt số ra ngày 10 tháng 12 vừa qua. Trước Chúa Giêsu 600 năm, Đức Phật dạy rằng chỉ cần bỏ gươm giáo xuống là thành phật. Lập lại lời Đức Phật dạy, tác giả Trần Mạnh Hảo viết rằng chỉ cần “bỏ mác lê xuống là thành phật”. Ông muốn nhắn gởi lời Phật dạy trước tiên đến các môn đệ của hai ông tổ “Mác Lê”. “Mác” là giáo mác. “Lê” là lưỡi lê. Đây là hai thứ dụng cụ tiêu biểu của hận thù, chiến tranh và chết chóc. “Mác Lê” cũng là tên gọi quen thuộc của người Việt nam dành cho hai ông Karl Marx và Lenin. Chủ nghĩa Mác Lê hay cộng sản là chủ nghĩa rao giảng hận thù và đấu tranh giai cấp.  Nhân Mùa Giáng Sinh mà ngày nay chế độ vô thần Việt nam cũng “vui vẻ” cử hành như mọi người trên khắp thế giới, nhắn gởi với những người cộng sản Việt nam là những người vẫn còn bám vào cái thây chết của chủ nghĩa “Mác Lê”, nhà văn Trần Mạnh Hảo kêu gọi hãy từ bỏ “Mác Lê”, nghĩa là hãy buông bỏ gươm giáo của hận thù trong lòng để thực sự trở về với dân tộc.
Tác giả kết thúc bài viết: “Các thiên sứ vẫn hát và nói trong nhạc mừng Noel rằng: hỡi các đồng chí Caesar Việt nam, hãy bỏ các vũ khí của bạo lực cách mạng là mác, lê, búa liềm xuống, để nhận lấy tinh thần từ bi của Phật, nhận lấy tình thương yêu bác ái Thiên Chúa, lấy phúc của muôn dân làm phúc của mình, các vị còn có cơ may thành phật, thành thánh...Amen.” (Trần Mạnh Hảo, Thông điệp mùa Giáng Sinh: Bỏ mác lê xuống là thành phật, Đàn chim việt info 10/12/2011)
Tôi không phải là một tín đồ Phật Giáo. Tôi không ăn chay trường. Tôi không cúng giường. Tôi vẫn còn nặng tham sân si. Nhưng nói như nhà văn Dương thu Hương, tôi là “một phật tử theo cách thế riêng của tôi”.Trong cuộc sống, tôi luôn cảm nhận được lời dạy của Đức Phật: “Bỏ gươm xuống là thành phật”. Tôi chưa hiểu được “phật tánh” là gì. Tôi cũng chưa một lần thấy được hào quang “thánh thiện” trên đầu mình. Nhưng tôi biết chắc một điều là sau mỗi lần chiều theo cơn giận của mình để tấn công, xúc phạm, miệt thị hay khước từ người khác, nhìn vào trong gương tôi thấy khuôn mặt của mình như thể có dấu ấn của Quỉ Sứ. Bất cứ một mối quan hệ nào bị cắt đứt cũng đều để lại một vết sẹo trong tâm hồn tôi. Bất cứ một tình nghĩa nào bị sứt mẻ cũng đều làm cho tâm hồn tôi bị giao động. Làm sao tôi có thể có được bình an khi tôi co cụm và tự giam hãm trong tù ngục của bản thân?
Hòa bình vẫn mãi mãi là một vấn đề lớn của nhân loại, bởi lẽ chiến tranh lúc nào cũng rình rập thế giới. Sau hai cuộc đại chiến rồi chiến tranh lạnh, thế giới vẫn tiếp tục sôi sục vì hận thù và đố kỵ. Tại sao nhân loại không bao giờ thực sự hưởng được hòa bình?
U Thant là một người Miến Điện rất nổi tiếng trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Ông đã từng giữ chức Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Năm 1965, trong một hội nghị qui tụ 67 học giả và nguyên thủ quốc gia của 19 nước trên thế giới để thảo luận về những điều kiện để xây dựng hòa bình thế giới, ông U Thant đã nêu lên những câu hỏi như sau: “Tại sao với tất cả những kỹ năng và kiến thức đang có, chúng ta vẫn còn sống mãi trong thung lũng tối tăm của bất hòa và thù nghịch?  Điều gì khiến chúng ta không thể cùng nhau tiến tới để hưởng hoa trái của những nỗ lực của chúng ta và gặt hái những thành quả từ kinh nghiệm của chúng ta?  Tại sao với tất cả những lý tưởng luôn được đề cao, với tất cả những niềm hy vọng và kỹ năng chúng ta đang có, hòa bình trên trái đất vẫn còn là một đối tượng xa vời chỉ được nhìn thấy một cách mờ nhạt xuyên qua giông bão và xáo trộn của những khó khăn hiện tại?”
Có lẽ cứ mỗi độ Giáng Sinh về, các thiên sứ lại phải gào thét lên câu trả lời: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Nếu thế giới không bao giờ hưởng được hòa bình là bởi còn có vô số những người chưa chịu “bỏ gươm để thành phật” hay chưa có được cái tâm an bình nhờ biết xây dựng những quan hệ hài hòa với người khác.
Hòa bình thế giới quả là chuyện đại sự. Nhưng tôi tin rằng, dù chỉ là một giọt nước mưa rót vào đại dương, những cố gắng “bỏ gươm để thành phật” hằng ngày của tôi trong quan hệ với những người thân trong gia đình, với những người láng giềng, với bạn bè quen biết, với bất cứ người nào tôi gặp gỡ, cũng không phải là vô ích.