Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

Khuôn vàng



Chu Thập
19/5/19

Mới đây, báo The New York Times đã cho phổ biến tình trạng tài chính của Tổng thống Donald Trump từ năm 1985 đến năm 1994. Theo tài liệu, trong gần một thập niên này, tỷ phú địa ốc Trump đã thua lỗ hơn một tỷ Mỹ kim. Nhưng chỉ vài năm sau đó, với ngòi bút của “văn sĩ chuyên viết mướn” (ghostwriter) Tony Schwartz, ông đã cho xuất bản cuốn sách bán chạy như tôm tươi “The Art of the Deal” (Nghệ thuật Mặc cả). Trong cuốn sách nổi tiếng này, nhà địa ốc được bầu làm tổng thống khẳng định rằng, đúng như cái tên “Trump” tiền định của ông, hễ ông tung “lá bài chủ” ra tố, nghĩa là mặc cả và ngã giá thì lúc nào ông cũng thắng. Tự nhận mình là “chuyên gia đánh thuế” (tariff man), ông “tả xung hữu đột” với mọi thứ hàng hóa nhập cảng vào Mỹ, từ Gia Nã Đại, qua Mễ Tây Cơ đến Liên Âu và gần đây nhứt là Trung Cộng. Cuộc chiến thương mại mà ông cho là “tốt và dễ thắng” (trade wars are good and easy to win) hiện chưa kết thúc, nhưng trước mắt Trung Cộng đang liểng xiểng. Ai mà chẳng mừng khi thấy quốc gia cộng sản khổng lồ này bối rối và biết đâu nay mai chẳng sụp đổ kéo theo sự giải thể của đàn em cộng sản  Việt Nam.
Tổng thống Trump quả thực là người hễ đụng tới đâu là đẻ ra tiền tới đó. Mới đây, theo đài CNN, dựa theo báo cáo tài chính của ông được Tòa Bạch Ốc cho công bố, chỉ trong năm 2018, các cơ sở kinh doanh của ông, hiện do 2 người con trai của ông điều hành, đã kiếm sơ sơ cũng được 434 triệu Mỹ kim.
Tổng thống Trump lúc nào cũng tự hào về sự giàu có của mình. Lúc ra tranh cử tổng thống, ông tuyên bố tài sản của mình trị giá 10 tỷ Mỹ kim, mặc dù tạp chí Forbes, tờ báo chuyên điều tra về tài sản và xếp hạng các tỷ phú, lại chỉ đếm được khoảng 3 tỷ mà thôi. Hãnh diện về tài kinh doanh của mình, trong một tuýt bắn ra hồi năm 2014, ông viết như sau: “Tôi chưa bao giờ thấy một điều như thế: bất cứ điều gì nó đụng tới đều biến thành vàng”. Hay quá! Đây là một câu nói của Fred C. Trump về con trai Donald của ông (tức là tôi) (I’ve never seen anything like it, everything he touches turns to gold!” So nice, a quote by Fred C. Trump about his son Donald (me!)
Hư thực như thế nào tôi không biết, nhưng cái tuýt trên đây không thể không gợi lại cho tôi chuyện thần thoại về vua Midas, người hễ đụng tới đâu cũng biến thành vàng tới đó. Theo thần thoại, Midas là vua của vương quốc Phrygia, Tiểu Á. Ông có tất cả mọi sự mà bất cứ bậc vua chúa nào cũng đều mơ ước. Ông sống trong nhung lụa trong một tòa lâu đài vĩ đại. Chỉ khác với các vua chúa khác một điều: vua Midas sống một mình với cô công chúa. Mặc dù giàu có chẳng ai bằng, nhưng ông nghĩ rằng chỉ có vàng mới thực sự mang lại hạnh phúc cho ông. Suốt ngày ông chỉ biết ngồi đếm những đồng tiền vàng! Thỉnh thoảng ông còn dùng vàng để đắp lên người. Vàng lúc nào cũng là nỗi ám ảnh duy nhứt của vua Midas.
Ngày nọ, vị thần của rượu và yến tiệc là Dionysus đi rảo qua vương quốc của vua Midas. Silenus,người đồng hành của thần Dinonysus cảm thấy mệt mỏi cho nên đã dừng lại nghỉ chân trong ngôi vườn hồng cạnh cung điện của vua Midas. Tình cờ đi ngự uyển, vua Midas bắt gặp có người lạ mặt trong vườn hồng của mình. Ông liền mời Silenus vào cung điện, tiếp đãi tử tế và vài ngày sau đó, ông được hướng dẫn đến gặp thần Dionysus. Cảm kích trước lòng hiếu khách của vua Midas, thần Dionysus hứa sẽ cho ông bất cứ điều gì ông muốn. Không cần phải vò đầu bứt tóc, vua Midas liền xin: “Tôi muốn rằng bất cứ điều gì tôi đụng tới đều biến thành vàng”. Thần Dionysus hỏi ông đã suy nghĩ cẩn thận chưa, vua Midas vẫn tỏ ra cương quyết trong ước muốn của mình.
Ngày hôm sau, vừa thức giấc, vua Midas nhận thấy ước nguyện của mình đã thành sự thật: cái bàn nhỏ trong phòng ngủ vừa được ông chạm tới đã biến thành vàng! Ông chạy khắp nơi trong cung điện để xem điều ước muốn của mình có thật sự ứng nghiệm cho tất cả mọi thứ khác không. Tất cả mọi sự hễ được ông đụng tói đều biến thành vàng!.
Nhưng vua Midas không bao giờ nghĩ rằng ước nguyện cũng là một lời nguyền. Thật vậy, trong bữa ăn sáng, hễ ông đưa tay chạm đến bất cứ thức ăn nào, nó cũng đều biến thành vàng. Hoa hồng là loại hoa ông yêu thích nhứt. Nhưng khi ông vừa cầm một cánh hồng đưa lên mũi để ngửi mùi thơm của nó, cánh hoa cũng biến thành vàng. Vua Midas bắt đầu cảm thấy lo sợ. Vừa thấy cô con gái rượu đến gần, ông ôm chầm lấy cô, cô gái tức khắc biến thành một khối vàng.
Thần Dionysus nghe biết chuyện. Ông liền nói với vua Midas hãy đi ra sông Pactobus để rửa tay. Nhà vua làm theo và nhận thấy vàng tuôn chảy ra khỏi bàn tay của mình. Ông trở về cung điện và sờ vào bất cứ những gì đã bị hóa vàng. Mọi thứ đều trở lại bình thường. Niềm vui lớn nhứt của ông là ôm hôn cô con gái và thấy cô cũng trở lại trạng thái bình thường. Kể từ đó, vua Midas quyết định chia sẻ tài sản của mình cho dân chúng. Khi ông băng hà, dân chúng nhắc tới ông không chỉ như một “ông vua đụng tới đâu biến thành vàng tới đó”, mà  như một  người tử tế, quảng đại và luôn biết ơn về mọi thứ mình có.
Tôi không biết tổng thống Trump có biết câu chuyện thần thoại về vua Midas không. Nếu như bất cứ điều gì tôi đụng tới đều biến thành vàng cả thì còn gì khốn khổ bằng! Giấc mơ vàng có khác gì một cơn bệnh đâu.
Năm 1519, nhà thám hiểm Hernan Cortès và đoàn quân chinh phục của ông đặt chân lên đất Mễ Tây Cơ. Lúc bấy giờ, Mễ Tây Cơ vẫn còn là một hòn đảo biệt lập đối với thế giới bên ngoài. Người thổ dân Aztec nhanh chóng nhận thấy một điều là: những người khách lạ có một niềm ham mê kỳ lạ đối với một thứ kim loại màu vàng. Dĩ nhiên, người Arztec cũng đã từng biết sử dụng thứ kim loại này để làm đồ trang sức. Nhưng để mua bán hay đổi chác, họ lại dùng hột cocoa hay vải vóc mà thôi. Họ không thể hiểu nổi tại sao người Tây Ban Nha lại thích vàng đến thế. Khi người thổ dân Arztec hỏi ông Cortès tại sao người Tây Ban Nha thích vàng như thế, nhà thám hiểm này liền trả lời: “Bởi vì tôi và những người đồng hành của tôi mắc phải một chứng bệnh trong trái tim mà chỉ có vàng mới chữa được” (Yuval Noah Harari, Sapiens, a brief history of Humankind, Penguin Random House, London, 2011, trg 193).
Bài học tôi rút ra được từ câu chuyện của vua Midas là: người ta chỉ có thể chữa được những chứng bệnh trong trái tim bằng cách chia sẻ tài sản và của cải cho người khác mà thôi!
Cố thủ tướng Úc Bob Hawke vừa mới qua đời. Ông được tưởng nhớ như một người Úc vĩ đại nhứt. Về cuộc đời của ông, tôi đặc biệt nhớ đến một chi tiết: ông đã sinh ra và được giáo dục trong một gia đình Tin Lành. Cha ông là một mục sư. Thủ tướng Hawke kể lại rằng lúc nhỏ  ông thường được người cha nhắc nhở: “Con ơi, nếu con tin Chúa là Cha thì cũng hãy xem mọi người là anh em”. Lớn lên, ông nổi loạn, từ bỏ niềm tin tôn giáo, nhưng lúc nào cũng nhớ lời cha dặn “hãy xem mọi người là anh em”. Thay cho bài quốc ca “God save the Queen”, ông đã trao cho Úc Đại Lời một bản quốc ca mới có những lời như: “For those who’ve come across the seas, we have boundless plains to share, with courage let us combine to advance Australia Fair” (Với những người đến đây từ bốn biển, chúng ta có những bình nguyên bao la để chia sẻ, với lòng quả cảm tất cả chúng ta hãy kết hợp để tiến tới ngày Hội của Úc Đại Lợi). Những lời lẽ như thế chắc chắn phản ảnh tâm nguyện của thủ tướng Hawke là “xem mọi người là anh em”.
Cũng bằng thừa để nói rằng vàng bạc chẳng mang lại hạnh phúc đích thực cho con người. Trái lại nếu tôi  sống theo khuôn vàng “xem mọi người là anh em” để biết quảng đại, chia sẻ và cảm thông...chắc chắn tôi sẽ hạnh phúc hơn là “đụng đâu cũng biến thành vàng tới đó”.






Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

Vi nhân nan!


Chu Thập
12/05/19
Một ông bạn ở Marrickville, Sydney, mỗi lần thư đi tin lại với tôi đều ghi thêm một địa chỉ nghe rất nặng mùi kiếm hiệp là “Ma Cốc”. Bắt chước ông, tôi cũng gọi nơi tôi đang sống là “Cùng Cốc”. Chưa hẳn là “thâm sơn”, nhưng phía sau nhà tôi là cả một dãy núi thuộc lâm viên quốc gia. Không làm vua một cõi thì ít ra cũng hơn cả “quận công”, muốn làm gì thì làm mà chẳng sợ bị ai dòm ngó. Một cuộc sống như thế dĩ nhiên mang lại cho tôi nhiều cái thú, những cũng kéo theo nhiều thua thiệt. Phần lớn những người hàng xóm của tôi là dân Úc rặc. Gặp nhau cũng “Hello”, nhưng không dễ gì có được một quan hệ thân tình với họ. Có lúc tôi thèm gặp bạn bè ở miền Tây Sydney để bù khú và chén chú chén anh.
Nhiều người bảo: sống như thế thì thà chơi với chó còn hơn! Mà đúng vậy. Hiện tôi sống và  “chơi” với cậu chó trong nhà nhiều hơn với ai hết. Sáng sớm thức dậy đã thấy cậu đứng chờ ở cửa sau. Suốt ngày, ngoài những lúc lim dim ngủ ngày, cậu luôn có mặt bên cạnh tôi. Chiều đến, làm gì thì làm, cũng phải bỏ ra một giờ đề đưa cậu đi chơi ngoài công viên. Thân thiết với tôi như vậy cho nên cậu “dạy” cho tôi rất nhiều điều. Đúng hơn tôi học nơi cậu chó nhiều điều hơn tôi dạy cậu. Một trong những điều đó là: chó chẳng cần phải học làm chó mà vẫn sống được như chó! Dĩ nhiên, ở với người cho nên chó cũng được dạy dỗ, huấn luyện để làm theo một số mệnh lệnh của người như canh nhà, đuổi gà. Nhưng có rất nhiều điều, chẳng cần học mà cậu chó nhà tôi vẫn làm được.
Quan sát các sinh hoạt của cậu chó nhà tôi, tôi nghiệm ra một sự thật rất hiển nhiên là: thú vật chẳng cần phải học để làm thú vật! Tôi thấy rõ điều này nơi giống gà lôi rừng (bush turkey). Giống gà này sinh hoạt hoàn toàn khác với bất cứ loài có cánh nào. Cứ đến mùa sinh sản, chú gà trống bỏ ăn bỏ ngủ để dùng lá cây đắp một cái ụ cao có khi to bằng một chiếc xe hơi nhỏ. Sau đó chú moi vài cái lỗ sâu. Mấy chị gà mái nào muốn chọn chú làm cha của bày con của mình đều đến đẻ trứng vào đó. Sau đó, nhiệm vụ canh giữ “lâu đài tình ái” thuộc về chú gà trống. Chú canh phòng cái ổ trứng rất cẩn mật. Thỉnh thoảng chú thăm dò và điều chỉnh nhiệt độ trong ổ. Đủ ngày đầy tháng, mấy chú gà con mới nở phải tự mình tìm đường để ngoi ra khỏi cái ổ khổng lồ đó và ngay lập tức, chẳng cần cha mẹ dẫn dắt, chúng vẫn có thể bương chải đi kiếm ăn một mình. Con nào vượt qua được cái hành trình đầu đời đó thì “sống mạnh sống hùng”, không thể nào bị chó vật hay xe cán. Đây là hình ảnh rõ ràng nhứt cho tôi thấy thú vật chẳng cần học hành mà vẫn làm thú một cách đầy đủ. Có lúc bực tức khi thấy vườn tược của mình bị đám gà lôi rừng này phá nát, tôi chửi đổng: cái đám gà “mất dạy”! Chợt thấy mình vô lý quá: gà hay thú vật nói chung đâu có cần học hành hay được dạy dỗ đâu mà “mất dạy”!
Tôi ý thức về chân lý này hơn qua một giai thoại về Đức Khổng Tử. Một hôm, trên đường sang nước Tần, ngài và một số môn sinh gặp một số thiếu nhi đang chơi đùa giữa đường. Ngồi trên xe quan sát đám trẻ, ngài thấy một cậu bé không nô đùa với chúng bạn mà lại cặm cụi lấy cát đắp một cái thành nhỏ.
Đức Khổng Tử mới tiến lại gần và hỏi cậu bé: “Này cậu bé, cớ sao cậu không chơi đùa với mấy đứa trẻ kia?”  Cậu bé đáp: “Đùa giỡn thì vô ích, vì có thể bị rách áo quần, nhọc công mẹ vá, lại buồn lòng cha, nên tôi không đùa giỡn”. Nói xong, cậu lại tiếp tục đắp thành. Đức Khổng Tử lại hỏi: “Cậu không tránh đường cho xe của ta đi sao?” Cậu bé thản nhiên đáp: “Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chứ có bao giờ thành phải tránh xe đâu?” Nghe câu trả lời thật bất ngờ, Đức Khổng Tử liền xuống xe, tiến lại gần cậu bé và hỏi nhiều điều. Câu hỏi nào cũng được cậu bé trả lời vanh vách.
Đức Khổng Tử mới thắc mắc: “Năm nay cháu được bao nhiêu tuổi?” Cậu bé lịch sự đáp: “Thưa phu tử, cháu lên 6 ạ!”  Ngài ngạc nhiên: “Cháu mới 6 tuổi mà sao biết nhiều điều thế?” Câu bé liền giải thích: “Thưa phu tử, cháu nghe nói con cá nở ra 3 ngày đã bơi tung tăng từ hồ nọ đến hồ kia. Con thỏ 6 ngày đã chạy khắp đồng cỏ. Cháu sinh ra 6 năm mới được như thế!”
Không rõ có phải do được gợi hứng từ cuộc gặp gỡ trên đây không mà sau này Đức Khổng Tử đã nói một câu để đời: “Vi nhân nan” (làm người thì khó).  Và không biết có phải do thấm nhuần lời dạy của Đức Khổng Tử không, người Việt Nam kéo dài câu nói trên đây thành: làm người thì khó, làm chó thì dễ!  Câu ca dao rõ ràng có hàm ý khinh miệt  đối với loài chó. Câu chửi “đồ chó” là một lời mắng nhiếc thậm tệ. Mà đâu có riêng gì người Việt Nam, người Tây Phương, dù nuôi chó như thú cưng, cũng đâu có xem chó ra gì. Chê mắng ai thì bảo người đó là “con của chó cái!” Nghĩ cho cùng, chó đâu có đáng bị khinh bỉ như thế đâu. Bởi lẽ chó không làm điều xấu, chó không biết phân biệt phải trái và thiện ác. Nói cho cùng, chó đâu có ý thức về đạo đức.
Theo một định nghĩa cổ điển nhứt, người là “một con vật có lý trí”. Chính lý trí là làn ranh phân biệt rõ ràng giữa thú và người; người khác thú vì có lý trí. Chính lý trí mách bảo cho con người phải biết phân biệt điều ngay lẽ trái, điều thiện và điều ác. Chính lý trí luôn thúc đẩy con người phải sống theo những giá trị đạo đức. Chính lý trí luôn nhắc nhở con người phải sống cho ra người. Và sống cho ra người, từ cổ chí kim, lúc nào cũng được ghi khắc trong trái tim con người thành một quy luật mà người được tôn làm “Vạn Thế Sư Biểu” (Bậc Thày của Muôn Đời) đã tóm tắt bằng câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Cũng quy luật muôn đời ấy lại được Chúa Giêsu đề ra dưới một hình thức tích cực hơn: “Điều gì ngươi muốn người khác làm cho ngươi, hãy làm cho họ” (Mt 7,12).
Vi nhân, làm người, sống cho ra người chính là sống theo quy luật muôn đời ấy. Bất cứ ai biết hồi tâm, tỉnh táo một chút để nhìn lại cuộc hành trình làm người của mình, cũng đều phải thú nhận rằng làm người khó vô cùng. Bậc thánh hiền như Đức Khổng Tử mà còn phải đấm ngực thú nhận điều đó huống hồ là tôi.
Gừng càng già thì càng cay. Còn tôi, càng già càng thấy mình yếu nhược, bất lực và ngu dốt, nhứt là trong chuyện học làm người và sống cho ra người. Chỉ biết mượn tâm sự của nhà văn Nguyễn Đức Lập (1945-2016) để tự an ủi. Trong một bài tự truyện viết có lẽ cũng vào cái tuổi quá “thất thập cổ lai hi” như tôi, ông thú nhận: “Đức Phật là người đi mà không đến. Cái học của tôi cũng vậy, học thầy, học bạn, học sách, học báo, học đường, học chợ, học chỉ để mà học. “Dủ học dủ ngu”.
Ngày xưa thầy Tử Lộ hỏi Đức Không Tử khi nào thì chấm dứt sự học. Vị Vạn Thế Sư Biểu đã trả lời: “Khi huyệt đã đào nhẵn nhụi rồi, đất đã đắp chắc chắn rồi, người đi đưa đã quay chưn lui gót rồi, lúc đó mới hết học”. Và cái học khó nhứt vẫn là học làm sao sống cho ra con người”.







Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Tiếng chuông Nhà Thờ Đức Bà Ba Lê



Chu Thập
2/5/19
Có một thời, không biết có phải do Hội chứng Stockholm không, tôi “yêu” cuồng nhiệt  Pháp quốc, cái đế quốc thực dân đã từng giẫm gót giày lên đất nước tôi và đày đọa dân tộc tôi đến cả trăm năm. Có lẽ do niềm tin tôn giáo và văn hóa mà tôi đã hấp thụ được từ các nhà truyền giáo người Pháp, tôi thấy cái gì của Pháp cũng nhứt cả: từ bánh mì, phó mát (fromage), rượu vang, bơ sữa, xe hơi, nhà lầu...đến thời trang, điện ảnh, văn chương, nghệ thuật, tư tưởng và ngôn ngữ...cái gì của Pháp cũng đều số một hết!
Tôi say mê nước Pháp đến độ chỉ đeo đuổi một ước mơ: đến Ba Lê rồi chết cũng được!  Trong thời gian chờ đợi trong trại tỵ nạn, mặc cho ai có bảo rằng đảng cầm quyền tại Pháp hồi đầu thập niên 1980 là đảng “xã hội”, tức có bà con giây mơ rễ má với cộng hòa “xã hội chủ nghĩa” Việt Nam mà mình đã trốn chạy khỏi, tôi vẫn quyết chí đeo đuổi giấc mơ của mình là được trở thành công dân của “mẫu quốc”.
Tôi đến Pháp vào cuối tháng Mười năm 1982. Tuy vẫn còn sống trong một trại tạm trú ở ngoại ô Ba Lê, tôi thấy mình cũng đâu có thua gì ông Phán thời Pháp thuộc: “tối (cũng) sâm banh, sáng (cũng) sữa bò” như ai!  Sau vài ngày ăn uống ngủ nghê để lấy lại sức, tôi mới mon men tìm đường lên “Kinh thành Ánh sáng”. Đường trên lỗ miệng. Vả lại, hệ thống hỏa xa và xe điện ngầm ( Metro) ở Ba Lê thật thuận tiện. Chỉ cần trình độ “thoát nạn mù chữ” như tôi cũng đủ để khỏi bị lạc đường.
Bước ra khỏi xe điện ngầm, tôi bước đi những bước thật chậm rãi dọc theo bờ sông Seine, như người đang mơ một giấc mơ đẹp mà không muốn bị ai đánh thức. Nhưng điểm đến của chuyến thăm thú “Kinh thành Ánh sáng” của tôi dĩ nhiên là Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris). Là một người công giáo, tôi xem đây là một địa điểm hành hương. Với niềm tin tôn giáo được tiếp nhận và nhào nặn từ các nhà truyền giáo Pháp, muốn hay không tôi thấy mình đã bị ràng buộc vào cả một truyền thống “đạo” lâu đời của người Pháp. Với tôi, vào Nhà Thờ Đức Bà là đi lại cuộc hành trình tôn giáo của cả dân tộc Pháp từ gần hai ngàn năm qua!
Nhưng ở cái nước được xem là “Trưởng Nữ của Giáo Hội” này, mặc dù kể từ năm 1905 đã có sự phân biệt rạch ròi giữa Nhà Thờ và Nhà Nước, niềm tin tôn giáo và văn hóa vẫn tiếp tục quyện chặt lấy  nhau. Nhà Thờ Đức Bà là biểu trưng của sự phân biệt ấy. Di tích lịch sử đã có từ hơn 800 năm này không chỉ là một nơi thờ phượng hay địa điểm hành hương, mà cũng là một điểm du lịch thu hút mỗi năm trên cả chục triệu du khách. Không cần phải có niềm tin tôn giáo để bước vào nơi tôn nghiêm này. Tôi đã hòa mình vào dòng người qua lại trong đó không chỉ như một người hành hương, mà còn như khách thưởng lãm một công trình nghệ thuật.
Với tôi là một “con dân” thuộc địa của Pháp, có lẽ văn hào Victor Hugo (1802-1885) là người đã có công lớn nhứt để quảng bá cho công trình nghệ thuật này. Thật vậy, tôi biết đến Nhà Thờ Đức Bà qua các tác phẩm của đại văn hào này và dĩ nhiên tác phẩm nổi tiếng nhứt của ông về ngôi thánh đường này chính là “Nhà Thờ Đức Bà Ba Lê” (Notre Dame de Paris).
Bước vào ngôi thánh đường cổ kính này là đi lại từng bước của chính văn hào Victor Hugo. Phải nhiều lần chiêm ngắm lối kiến trúc cổ của ngôi thánh đường này ông mới tìm được nguồn cảm hứng để viết một cuốn tiểu thuyết có tính chất lịch sử với bối cảnh là kinh thành Ba Lê thời Trung Cổ.
Văn hào Victor Hugo đã đưa tôi đi một vòng trong nhà thờ  để rồi cuối cùng dừng lại ở một địa điểm được ông đưa vào vị trí trang trọng và quan trọng nhứt của nơi linh thiêng là gác chuông nhà thờ. Tôi đứng nhìn lên gác chuông thật lâu để sống lại những ngày khốn khổ của nhân vật chính của quyển tiểu thuyết của văn hào Victor Hugo là Quasimodo, được tài tử Mỹ Anthony Quinn hồi sinh trong cuốn phim nổi tiếng  có tựa đề “The Hunchbach of Notre Dame” được đạo diễn Pháp Jean Delannoy thực hiện và cho trình chiếu năm 1956. Lưng đã còng, gương mặt lại dị dạng, Quasimodo được người Việt Nam gọi một cách khinh bỉ là “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà”. Kỳ thực, đàng sau những dị tật bẩm sinh bị xã hội khinh bỉ và ruồng rẫy ấy, người kéo chuông của Nhà thờ Đức Bà là một con người có  tâm hồn cao thượng luôn biết xả thân hy sinh vì người khác. Lẽ ra phải gọi ông là một người hùng hơn là một “thằng gù”!
Tôi chiêm ngắm vẻ đẹp thẩm mỹ của ngôi thánh đường Gothic là Nhà Thờ Đức Bà, nhưng văn hào Victor Hugo dường như muốn lôi kéo tôi đến một vẻ đẹp khác đáng được tìm kiếm và trân trọng hơn: đó là vẻ đẹp của tâm hồn con người. Đó là vẻ đẹp mà dao kéo thẩm mỹ và mỹ phẩm không thể tạo ra được. Đó là vẻ đẹp ẩn hiện đàng sau những bất toàn và ngay cả những dị tật thể hình mà con người cho là xấu xa gớm ghiếc nhứt. Đó là vẻ đẹp mà văn hào Victor Hugo luôn tìm kiếm và đề cao khi ông nói: “Có một quang cảnh vĩ đại hơn đại dương, đó là bầu trời. Có một quang cảnh vĩ đại hơn bầu trời, đó là nội tâm con người”.
Từ ngàn xưa, dường như người Nhật đã muốn nhấn mạnh đến vẻ đẹp ấy qua điều thường được gọi là “Triết lý Wabi Sabi”. “ Wabi Sabi là một triết lý thẩm mỹ cổ xưa bắt nguồn từ Thiền Tông, đặc biệt là trà đạo, một nghi lễ thuần khiết và đơn giản trong đó các bậc thày đánh giá cao cái chén được làm thủ công và hình dạng bất thường, với men không đồng đều, vết nứt và vẻ đẹp hư hỏng trong sự không hoàn hảo có chủ ý của người tạo ra cái chén” ( x. Mai Thanh Truyết, Wabi Sabi - Triết lý của sự bất toàn https://www.tvvn.org/wabi-sabi-triet-ly-cua-su-bat-toan-mai-thanh-truyet/)
Đứng nhìn lên gác chuông Nhà Thờ Đức Bà, nghe văng vẳng tiếng chuông được kéo lên từ bàn tay của người gù Quasimodo, tôi cũng nghe vọng lại tiếng hát của ca sĩ Leonard Cohen (1934-2016) “Hãy rung lên những tiếng chuông khi chúng  còn có thể rung. Hãy quên đi của lễ dâng hoàn hảo của bạn. Trong mọi thứ đều có vết rạn nứt. Đó là cách thế mà ánh sáng len lỏi vào” (Ring the bells thay still can ring. Forget your perfect offering. There’s a crack in everything. That’s how the light gets in).
Nhà Thờ Đức Bà đã trải qua một trận hỏa hoạn chưa từng thấy. Nhưng dường như xuyên qua ngọn lửa cao ngút ấy, người gù Quasimodo vẫn tiếp tục kéo chuông để đưa ra một sứ điệp: vẫn có ánh sáng ở cuối đường hầm! Ông nhắc nhở tôi phải luôn tỉnh táo và lạc quan để tìm thấy vẻ đẹp thâm sâu trong nội tâm của mỗi người, nhứt là những người khốn khổ thường bị xã hội đẩy ra bên lề. Có lẽ ông cũng muốn lập lại một câu đáng ghi nhớ nhứt trong cuốn phim “Tiếng âm nhạc” (The sound of music): “Khi Chúa đóng một cánh cửa chính, thì ở một nơi nào đó Ngài mở ra một cánh cửa sổ” (When the Lord closes a door, somewhere He opens a window).