Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Al-Qaeda và IS


27.11.15

Có cùng một tham vọng và tính man rợ giống nhau, hai tổ chức khủng bố “Al-Qaeda” và “IS” (Quốc gia Hồi giáo) lại có những chiến thuật khác nhau.
Năm 1989, khi hai trùm khủng bố Osama Bin Laden và Abu Moussab Al-Zarkaoui gặp nhau trong những vùng núi ở Afghanistan là nơi họ đã đến để chiến đấu chống lại kẻ thù Liên Xô, chắc chắn họ không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày họ sẽ nắm giữ những vai trò khác nhau trong việc gieo rắc ý thức hệ Hồi giáo cực đoan. Osama Bin Laden, người Á Rập Saudi, mơ tưởng đến tương lai của một Hồi giáo bá chủ thế giới. Còn Abu Moussab Al-Zarkaoui, người Jordan thì lại chỉ muốn thiết lập một vương quốc Hồi giáo tại Cận Đông. Một người mơ mộng viễn vông, một người luôn tỏ ra chính xác và cụ thể. Giấc mơ của họ đã dẫn đến sự hình thành của hai tổ chức khủng bố Al-Qaeda và IS hiện nay.
Đứng đầu một tổ chức khủng bố đã có mặt khắp thế giới có tên là “Jamaat Al-Tawhid Wal-Jihad”, Abu Moussad Al-Zarkaoui quyết định di chuyển các hoạt động của tổ chức từ Jordan sang Iraq sau khi Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq năm 2003. Ông đã nhận được sự ủng hộ của người bạn chiến đấu Osama Bin Laden. Càng căm thù Mỹ, ông càng tỏ ra hung hãn và càng đưa ra nhiều sáng kiến hơn trong các chiến thuật bạo động: ngoài những kỹ thuật truyền thống của thời chiến tranh lạnh như ám sát nhắm vào một số người hoặc sử dụng xe có cài bom, Abu Moussad Al-Zarkaoui còn sử dụng những phương pháp khác như cho người ôm bom tự sát và chặt đầu các con tin. Mục tiêu khủng bố của ông gồm có các binh sĩ Mỹ và Đồng minh, tòa đại sứ Jordan, chính phủ Iraq, các giếng dầu, các con tin ngoại quốc, các đám đông nơi phố chợ, Tổ chức Liên Hiệp Quốc, Hội Hồng Thập Tự...
Năm 2004, chấp nhận sự lãnh đạo của trùm Osama Bin Laden, tổ chức khủng bố do Abu Moussad Al-Zarkaoui lãnh đạo đã  trở thành chi nhánh “Al-Qaeda” tại Iraq. Năm 2006, ông bị quân đội Mỹ hạ sát. Nhưng chỉ 4 tháng sau, trong tình trạng hầu như hoàn toàn tê liệt, tổ chức khủng bố của ông đã biến thành “Quốc gia Hồi giáo tại Iraq”  với một lãnh tụ mới   tên là Bakr Al-Baghdadi. Ông này đã từng có mặt bên cạnh “Fatah Al-Islam”, một tổ chức khủng bố đã từng hoạt động tại miền Bắc Liban năm 2007 và là lãnh tụ đã từng hợp tác với Al-Zarkaoui trong cuộc ám sát một nhà ngoại giao Mỹ là ông Laurence Foley tại Thủ đô Amman, Jordan năm 2002.
Cuộc nội chiến tại Syria là một yếu tố quyết định trong sự hình thành và bành trướng của tổ chức IS. Mùa thu năm 2011, tổng thống Syria, ông Bashar A-Assad đã làm một quyết định sai lầm khi trả tự do cho hàng trăm người Hồi giáo cực đoan. Nhiều người trong nhóm này đã tức khắc gia nhập hàng ngũ thánh chiến. Đây là một cơ hội ngàn vàng của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo tại Iraq”. Lúc bấy giờ người ta thấy xuất hiện một tổ chức mới lấy tên là “Mặt Trận Al-Nosra”, nghĩa là “Mặt trận chiến thắng”.
Năm 2013, lãnh tụ Al-Baghdadi của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo tại Iraq” loan báo thống nhất tổ chức của ông với “Mặt trận Al-Nosra”. Tuy nhiên, được sự hậu thuẫn của Al-Qaeda, “ Mặt trận Al-Nosra” đã không chấp nhận liên kết với “Quốc gia Hồi giáo tại Iraq” dưới quyền lãnh đạo của Al-Baghdadi. Do đó, Al-Baghdadi mới tuyên bố đoạn tuyệt với Al-Qaeda và nới rộng tổ chức của mình thành “Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Syria” hay gọi tắt là “Quốc gia Hồi giáo” (IS). Điều mà Bin Laden không dám nghĩ tới, Al-Baghdadi xem như mục tiêu tối hậu của “Quốc gia Hồi giáo”: đó là thành lập một đế chế Hồi giáo (Caliphate). Tháng 5 năm 2011, Bin Laden bị Hoa Kỳ cho về “chầu” Đấng Allah. Chỉ còn lại Al-Baghbadi một mình một chợ để tung hoành. Ngày nay, ông tự nhận là lãnh tụ tối cao của cộng đồng Hồi giáo, người kế vị của tiên tri Mohammed, có toàn quyền trong lãnh vực trần thế lẫn thiêng liêng.
Hiện hữu song song với nhau, cùng nhau kêu gọi thánh chiến, vượt qua mọi biên giới xã hội, quốc gia, văn hóa và ngôn ngữ, nhưng Al-Qaeda và IS vẫn có những khác biệt.
Al-Qaeda được khai sinh từ  tình huynh đệ được thắt chặt giữa các thánh chiến quân của những vùng núi của miền “Hindu Kuch” ở Afghanistan, vùng Hadramaout ở Yemen hay vùng Adrar Ifoghas ở Mali, Phi Châu. Tình huynh đệ này chỉ giới hạn trong một số cộng đồng.
Trong khi đó tình huynh đệ của IS được mở rộng cho tất cả mọi người. Phong trào này có tham vọng qui tụ không những mọi người Hồi giáo, mà còn muốn liên kết cả những người ngoài Hồi giáo nếu họ cải đạo sang Hồi giáo và sẵn sàng tử đạo. Trong khi Al-Qaeda chỉ phổ biến nhỏ giọt thông điệp của các lãnh tụ từ các hang động xuyên qua những băng hình được thực hiện một cách thô sơ, thì IS lại sử dụng những kỹ thuật tinh vi nhất để chuyển tải các lời hiệu triệu của mình.
Trong khi các chi nhánh của Al-Qaeda tại Bắc Phi, tại bán đảo Á Rập, tại Afghanistan hay tại Somali đều hoạt động dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ tối cao Bin Laden hoặc những người kế vị ông, Al-Baghdadi, mặc dù vẫn tự đề cao vai trò lãnh đạo của mình, lại qui tất cả về Đấng Allah. “Allahu Akbar” (Đấng Allah vĩ đại) là khẩu lệnh đặc thù của IS. Bên cạnh đó là lá cờ đen và ngón tay đưa lên: điều quan trọng đối với IS không phải là lãnh tụ mà chính là phong trào! IS đã thực hiện được điều mà Bin Laden đã đề ra trong danh hiệu “Al-Qaeda”. Thật vậy, “Al-Qaeda” có nghĩa là “cơ sở”. IS là một phong trào “cơ sở”: cơ sở (từ) quần chúng, cơ sở (từ) địa phương, cơ sở quân sự.. Khác với những hành động rời rạc và lẻ tẻ của Al-Qaeda tại New York, Bombay, Madrid hay Bali, không được liên kết với một dự án cụ thể, IS luôn thực hiện các cuộc khủng bố với một mục tiêu rõ rệt: chinh phục thế giới và thiết lập đế chế Hồi giáo!
Để đạt được mục tiêu này, IS không ngừng biến báo để thích nghi. Chiến thuật của IS khác với chiến thuật của Al-Qaeda về 4 điểm căn bản.
Trước hết IS nhắm đến việc thiết lập một lãnh thổ trường kỳ để ổn định phong trào về mặt địa lý. Điểm thứ hai cho thấy có sự khác biệt với Al-Qaeda là IS luôn tìm cách gây bất ổn trong một lãnh thổ để  thiết lập chủ quyền trên lãnh thổ đó, trong khi Al-Qaeda chỉ biết gây bất ổn chứ không tìm cách đặt quyền cai trị. Kế đó, những lãnh thổ mà IS chiếm được như Rakka, Tikrit, Mossoul...đều có tính tượng trưng cao độ đối với Hồi giáo. Cùng với việc đập phá những di tích lịch sử nghìn đời tại những nơi này, IS muốn xóa bỏ trật tự cũ để xây dựng một thế giới mới. Cuối cùng, cuộc chiến do IS mở ra là một cuộc chiến địa phương, liên tục với những mọi phương tiện, từ khủng bố đến xây dựng lực lượng quân sự, thiết lập hành chính.
Chiến thuật của IS có mục đích rõ rệt là áp đặt sự thống trị trên tất cả mọi người: những người Hồi giáo Sunni ôn hòa, người Hồi giáo Shiite, người Hồi giáo Alawi, các tín hữu Kitô, người Do Thái...Trong khi Al-Qaeda chỉ xây dựng trên sự hận thù đối với Tây Phương, thì IS xem việc loại trừ người Hồi giáo Shiite, cuộc chiến chống lại người Kurd “vô đạo” và các tôn giáo khác...là nền tảng ý thức hệ của họ.
Tính man rợ của IS nói lên một nguyên tắc rất rõ ràng: tổ chức khủng bố này không nhân nhượng! Trong khi Al Qaeda tìm kiếm nguồn tài chính từ tiền chuộc của các con tin được trả tự do, thì IS chỉ biết công khai hành quyết và cắt cổ các con tin. Oái oăm thay, đây lại chính là chiến thuật rất hữu hiệu để chiêu mộ “binh sĩ”. Những kẻ đến với IS đều là những người không chấp nhận bất cứ một sự chung sống hòa bình nào với thế giới. Trong khi các thánh chiến quân của Al-Qaeda đôi khi phải sống chui nhủi trong những xã hội mà họ kết án, thì những người gia nhập IS đều tẩy chay các xã hội của mình để đến sống trong đế chế Hồi giáo của họ. Đây chính là thế giới đại đồng mới trong đó tất cả mọi vết tích không xuất phát từ Hồi giáo Sunni đều phải được xóa bỏ!
Thật ra, đây không phải là một ý tưởng mới mẻ và riêng của IS. Al-Qaeda cũng đã từng mơ mộng về một thế giới Hồi giáo như thế. Nhưng kể từ sau cuộc khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001, tổ chức khủng bố này đã không còn ghi được một “dấu ấn” nổi bật nào khác. Lãnh tụ Bin Laden đã biến khỏi mặt đất, trung tâm của tổ chức đã từ Afghanistan dời qua Pakistan, Al-Qaeda đã bắt đầu để lộ những dấu hiệu mỏi mệt sau những cuộc hành quân truy lùng liên tục của Hoa Kỳ và đồng minh.
Sự xuất hiện của IS là một sự hồi phục của phong trào thánh chiến Hồi giáo đối với những người chưa từng biết đến cuộc khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Đa phần các chiến binh ngoại quốc gia nhập IS đều không biết đến sự hiện hữu của Al-Qaeda trước năm 2001. Hoặc vì họ còn quá trẻ (một thanh niên 20 tuổi chỉ mới 7 tuổi khi diễn ra cuộc khủng bố năm 2001).Hoặc họ chỉ biết đến Hồi giáo cực đoan xuyên qua các kỹ thuật thông tin tinh vi ngày nay, nhờ các thánh chiến quân của IS đã đành, mà còn ngay cả nhờ các đối thủ của mình nữa. Chính các kỹ thuật thông tin tinh vi ngày nay đã giúp IS chiêu mộ được nhiều thành viên mới từ các nước Tây Phương. Trong hàng ngũ các chiến binh của IS có cả chục ngàn người đến từ các nước Tây Phương. Al-Qaeda cũng đã rao giảng về vinh quang của người tử đạo, nhưng chỉ lôi kéo được một số tín đồ từ Bắc Phi, vùng Sahel, Bán đảo Á Rập, Cận Đông, Pakistan, Ấn Độ, Đông Nam Á. Trong khi đó IS chiêu mộ được tín đồ trên khắp thế giới. Trong thập niên 1990, có lẽ các thanh niên Bắc Âu hay Trung Quốc chẳng bao giờ có ý nghĩ đến Afghanistan hay Bắc Phi để chiến đấu bên cạnh các thánh chiến quân hoặc ngồi nghe các “đạo sĩ” thuyết giảng về Hồi giáo cực đoan để lên đường tham gia chiến đấu. Nhưng nay, có biết bao nhiêu người trẻ từ Âu Châu, Bắc Mỹ, từ Úc Đại Lợi đã lên đường sang Syria hay Iraq để gia nhập hàng ngũ các thánh chiến quân của IS, để chiến đấu cho việc thành lập đế chế Hồi giáo và nhất là trở lại quê hương để khủng bố, như thế giới đã chứng kiến qua cuộc khủng bố vừa qua tại Pháp.
Al-Qaeda, qua chi nhánh “Al-Shabab”, vừa mới thực hiện cuộc khủng bố tại một khách sạn ở Mali, Phi Châu. Dù thủ lãnh tối cao Bin Laden không còn nữa, tổ chức khủng bố này vẫn tiếp tục hoạt động. Người ta có cảm tưởng như Al-Qaeda đang “chạy đua” với IS để xem ai sẽ thắng ai trong khủng bố và tính man rợ. Thật ra, IS hay Al-Qaeda, ai sẽ nắm quyền lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo cực đoan, chỉ là vấn đề phụ. Bởi lẽ, mặc dù có những phương pháp và mục tiêu khác nhau, hai tổ chức khủng bố này vẫn đang hoạt động song song với nhau trong cùng một mục tiêu. Đó là điều đáng lo ngại nhất cho thế giới ngày nay.

(Theo Le Monde Diplomatique)

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Hãy tưởng tượng một thế giới không có tôn giáo!


Chu Thập
20.11.15


Nhân danh Đấng Allah, Đấng Từ Bi Vô Cùng, Đấng Thiện Hảo Vô Biên. Đấng Allah đã phán: “Chúng nó nghĩ rằng thành lũy của chúng sẽ bảo vệ chúng khỏi Đấng Allah, nhưng Đấng Allah đã đến những nơi chúng không ngờ và Người đã gieo rắc kinh hãi vào trái tim chúng để chúng dùng bàn tay của chính mình và bàn tay của các tín đồ để phá hủy nhà cửa của chúng...

Đấng Allah đã chúc lành cho những người anh em của chúng tôi và ban thưởng cho họ những gì họ đã mong ước. Họ đã cho nổ bom trong đám đông của quân ngoại đạo...Chúng tôi nguyện xin Đấng Allah đón nhận họ vào hàng ngũ các vị tử đạo và cũng cho chúng tôi được  bước theo chân họ...
Pháp Quốc và tất cả những quốc gia đi theo con đường của nước này hãy nhớ rằng chúng sẽ tiếp tục đứng đầu danh sách trong mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo và mùi tử khí sẽ không bao giờ rời khỏi lỗ mũi của chúng bao lâu chúng tham gia vào chiến dịch “thập tự chinh”, bao lâu chúng dám nguyền rủa Đấng Tiên Tri và bao lâu chúng khoe khoang về cuộc chiến chống lại Hồi Giáo tại Pháp và ném bom xuống người Hồi Giáo tại những vùng đất của vương quốc Hồi Giáo...
Chúc tụng Đấng Allah Tối Cao!”
Trên đây là một vài trích đoạn trong bản “tuyên ngôn” được Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” cho công bố liền sau cuộc khủng bố tại Paris, Pháp Quốc hôm 13 tháng 11 vừa qua. Tôi đọc bản tuyên ngôn mà thấy lạnh người. Đây quả là một cuộc chiến tranh tôn giáo và cuộc chiến tranh tôn giáo này không chỉ diễn ra tại một số nơi mà đã mang chiều kích “toàn cầu”. Bất cứ “kẻ ngoại đạo” nào trên trái đất này cũng đều có thể là mục tiêu của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi Giáo”. Khiếp quá! Bước vào thế kỷ 21 rồi mà chiến tranh tôn giáo vẫn tiếp diễn và với một cường độ man rợ, khủng khiếp hơn bao giờ hết.
Lịch sử thế giới được viết bằng chiến tranh và chiến tranh tôn giáo có lẽ lại là những trang chính. Đọc lại Kinh Thánh Cựu Ước của Do Thái Giáo và Kitô Giáo, tôi thấy đó là lịch sử của một cuộc chiến triền miên giữa một dân tộc theo độc thần giáo và những dân tộc theo đa thần giáo. Khi Kitô Giáo vừa chớm nở trong đế quốc La Mã, tôn giáo này cũng đã bị bách hại dã man chỉ vì bị xem như một thứ tà đạo trái với quốc giáo của đế quốc là đa thần giáo. Thời Trung Cổ, tuy không còn là một cuộc chiến giữa độc thần và đa thần, những cuộc thập tự viễn chinh do các nước Tây Phương phát động trong thực chất lại càng mang bộ mặt chiến tranh tôn giáo hơn. Và dĩ nhiên, ngay tại Âu Châu, chiến tranh tôn giáo lại càng dã man hơn khi chính những người cùng tuyên xưng một Chúa Kitô là Tin Lành và Công Giáo lại chém giết lẫn nhau. Trên một phương diện nào đó, những cuộc bách hại tôn giáo trong các chế độ cộng sản vô thần cũng là những cuộc chiến tranh tôn giáo: khi chủ nghĩa vô thần được tuyên xưng như một tôn giáo, thì các tín đồ của tôn giáo này lại càng tỏ ra hung hãn và độc ác hơn. Ngay như trong thời cấm đạo và bắt đạo ở Việt Nam, các tín hữu Kitô bị bách hại dã man chỉ vì cái nhãn hiệu “theo Tây”.  Thật ra “theo Tây” chỉ là một cái cớ. Nguyên cớ chính vẫn là tôn giáo bị các vua chúa Việt Nam xem như  “tà đạo” đi ngược lại với truyền thống văn hóa và tôn giáo của dân tộc.
Ôn lại một chút về lịch sử và nhìn vào cuộc khủng bố vừa mới xảy ra ở Pháp Quốc, tôi cảm thấy ngao ngán và tự hỏi: giả như không có tôn giáo, thì bộ mặt của thế giới này có tốt đẹp hơn không? Bất giác tôi lại nghĩ đến ca khúc  “Imagine” (hãy thử tưởng tượng) nổi tiếng của cố nhạc sĩ John Lennon (1940-1980) của ban nhạc The Beatles. Đây là “tuyên ngôn” hòa bình của người nhạc sĩ tài ba nhưng yểu mệnh này. Trong ca khúc, tôi đặc biệt chú ý đến câu: “Hãy thử tưởng tượng cũng chẳng có tôn giáo...mọi dân tộc sống trong hòa bình”. Tôi dễ bị cám dỗ để nghĩ rằng tôn giáo chính là giềng mối làm phát sinh ra đố kỵ, chia rẽ, hận thù, chiến tranh. Tôi tin chắc rằng có rất nhiều người, tuy không theo chủ nghĩa vô thần, cũng có cùng một cơn cám dỗ như tôi để nghĩ về tôn giáo như thế. Chiến tranh tôn giáo thường xảy ra khi con người cho mình “độc quyền” chiếm hữu chân lý để sẵn sàng “ra vạ tuyệt thông” cho những ai không có cùng niềm tin với mình. Sự tôn trọng, lòng yêu thương, sự cảm thông và khoan nhượng vốn là cốt lõi của mọi tôn giáo, dễ bị đặt xuống hàng thứ yếu để đưa “chân lý”độc quyền lên địa vị độc tôn và sẵn sàng ăn thua đủ và ngay cả chết để bảo vệ “chân lý”.
Theo chương trình “The Drum” của Đài ABC Úc, kết quả của một cuộc nghiên cứu mới đây do Trường Đại học Chicago, Hoa Kỳ thực hiện cho thấy tôn giáo khiến cho trẻ em trở nên ích kỷ và ít thông cảm với người khác hơn. Cuộc nghiên cứu đã được thực hiện với 1.170 trẻ em tuổi từ 5 đến 12 thuộc 6 quốc gia. Trong số các em tham gia cuộc nghiên cứu, 23.9 phần trăm tự nhận là Kitô hữu, 43 phần trăm theo Hồi Giáo và 27.6 phần trăm thuộc những gia đình không theo tôn giáo nào.
Trong cuộc thử nghiệm, các em được đặt vào một không gian không đủ rộng cho mọi người. Mục đích của cuộc thử nghiệm là để xem các em có biết “chia sẻ” với nhau không. Ngoài ra, các em cũng được cho xem những hình ảnh cho thấy cảnh xô đẩy giành giựt để dò xét phản ứng của các em.
Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Chicago nói rằng kết quả của cuộc thử nghiệm “chứng minh một cách hùng hồn rằng trẻ con xuất thân từ những gia đình thuộc hai tôn giáo lớn (Kitô Giáo và Hồi Giáo) tỏ ra ít vị tha hơn các em thuộc những gia đình không theo tôn giáo nào”. Kết quả này lại càng rõ nét hơn nơi những em nhiều tuổi hơn và đã từng tham gia các sinh hoạt tôn giáo.
Ngoài ra, khi so sánh các em thuộc các gia đình Kitô Giáo với các gia đình Hồi Giáo, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng trẻ em Hồi Giáo tỏ ra ít cảm thông hơn: cứ thấy người phạm lỗi, các em này yêu cầu phải trừng phạt cho thích đáng. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ em thuộc những gia đình không theo tôn giáo nào tỏ ra hòa hoãn và ít có thái độ “lên án” hơn.
Là một người có tôn giáo và “thực hành đạo” từ tuổi thơ cho đến lúc đầu bạc răng long như hiện nay, tôi cảm thấy bối rối khi đọc kết quả của cuộc nghiên cứu của Trường Đại học Chicago trên đây. Nếu mỗi ngày tôi có cố gắng sống cho ra người tử tế hơn là bởi đã được tưới tẩm và nhào nặn bằng đạo lý của tôn giáo mà tôi đang thực hành. Xét cho cùng, tôn giáo của tôi luôn dạy tôi phải cố gắng sống cho ra người tốt hơn. Nhưng kinh nghiệm hàng ngày lại cũng nói với tôi rằng con người ta cũng có thể là người tốt mà chẳng cần phải theo một tôn giáo nào cả. Tôi có một người bạn trẻ hơn tôi. Vợ anh là người đồng đạo với tôi. Riêng anh đã có lần tâm sự với tôi: anh chẳng tin có Thượng Đế và cũng chẳng theo tôn giáo nào cả. Nhưng với tôi, anh không chỉ là một người bạn tốt, mà còn là một niềm cảm hứng để tôi biết sống vị tha, cảm thông và khoan nhượng. Dưới con mắt của tôi, anh là người “có đạo” hơn tôi.
Tôi cũng nhận thấy như thế nơi một số thanh thiếu niên Úc, Việt mà tôi quen biết. Họ cũng sinh ra và được giáo dục trong một gia đình “có đạo” như tôi. Nhưng đến một lúc nào đó, họ bước chân ra khỏi nhà thờ và chẳng bao giờ trở lại nữa. Vậy mà trong cuộc sống hàng ngày, tôi thấy họ tỏ ra tôn trọng người khác, tuân thủ luật pháp, ý thức về công bằng và nhứt là quảng đại để chia sẻ với người khác hơn tôi nhiều. Sống như thế mà không “có đạo” sao?
Tôi cho rằng kết quả của cuộc nghiên cứu của Trường Đại học Chicago phản ảnh phần nào một thực tế đáng buồn về ảnh hưởng của tôn giáo đối với cuộc sống và cách hành xử của con người. Nhưng nói qua thì cũng phải nói lại. Trong cuốn sách có tựa đề “American Grace. How Religion Divides and Unites Us” (Hồng ân Mỹ Quốc. Tôn giáo chia rẽ và liên kết chúng ta) xuất bản năm 2010, tác giả Robert Putnam ghi nhận rằng những người Mỹ có tôn giáo là những người làm việc thiện nguyện tích cực nhứt; họ là những  nhà từ thiện vị tha và quảng đại hơn những người không có tôn giáo. Cũng theo tác giả, những người Mỹ có tôn giáo là những người láng giềng tốt, biết nghĩ đến cộng đồng và sẵn sàng làm việc thiện nguyện hơn người khác, chớ không chỉ biết đến nhà thờ; họ luôn sẵn sàng hiến máu, chia sẻ tiền bạc cho những người vô gia cư, giúp đỡ tài chính cho gia đình hay bạn bè, nhường chỗ cho người lạ mặt và dành thời giờ để “ngồi xuống” với những ai đang gặp thử thách. Theo tác giả, nói chung Hoa Kỳ là một quốc gia quảng đại. Nhưng về lòng quảng đại có sự khác biệt rõ ràng giữa những người có tôn giáo và những người không theo tôn giáo nào.
Riêng về Úc Đại Lợi, một cuộc thăm dò được công ty “Roy Morgan” chuyên nghiên cứu về thị trường, kỹ nghệ và tiêu thụ, thực hiện năm 2014 cho thấy rằng trung bình một người Úc tặng cho các công cuộc từ thiện tính cho đến tháng 6 năm 2014 là 288 Úc kim. Nhưng cũng tính trung bình, một người có tôn giáo tặng 331 Úc kim trong khi một người không theo tôn giáo nào chỉ tặng 221 Úc kim.
Trong cuốn sách có tựa đề “Disconnected” xuất bản năm 2010, tác giả Andrew Leigh, tốt nghiệp tiến sĩ về xã hội học tại đại học Harvard, cựu giáo sư kinh tế tại trường Đại học Quốc gia Canberra, hiện đang là dân biểu liên bang thuộc Đảng Lao Động, mặc dù vẫn luôn tự nhận là một người vô thần, đã nói đến những lợi ích không thể chối cãi được của niềm tin tôn giáo. Ông cho biết: trong số những người “thực hành đạo”, tức đến nhà thờ mỗi ngày chúa nhựt, có 25 phần trăm tham gia vào công tác cộng đồng hay một hiệp hội dân sự. Trong khi đó, với những người không thực hành đạo, tỷ lệ này chỉ được 12 phần trăm. Theo ông, những người có tôn giáo dễ xây dựng tình thân hữu với những người không thuộc giai cấp xã hội của mình và như vậy cũng dễ tạo được sự tin tưởng nơi người khác.
Với tôi, sinh hoạt tôn giáo không phải là một cuộc thi đua hay tranh tài để chứng minh tôn giáo của mình tốt hơn tôn giáo của người khác hay người “có đạo” tốt hơn người “không có đạo”. Nếu có so sánh thì tôi lại thấy mình “kém xa” người đồng đạo và có khi còn tệ hơn cả những người “không có đạo”. Tôi chỉ biết chắc một điều: tôn giáo mà tôi cho là tốt nhứt đối với tôi luôn thúc đẩy tôi phải cố gắng không ngừng để sống tử tế hơn và thế giới này chắc chắn sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nhờ sự đóng góp của tôn giáo.
Xét mình tận căn, tôi thấy nếu không có một ý thức rõ ràng, tôi dễ rộng rãi trong việc từ thiện bác ái trong cộng đồng tôn giáo của tôi, nhưng lại do dự suy tính khi thực hiện cùng một việc bác ái đối với “người ngoài”. Sự rộng rãi trong hành động của tôi cũng không thường đi đôi với sự cởi mở trong suy nghĩ. Vì thực hành chia sẻ là “bản năng thương cảm” đã cắm rễ sâu trong trái tim trong khi ý thức cởi mở bao dung lại đòi hỏi tôi suy xét dựa trên lẽ phải. Tôi thấy mình dễ mở rộng hầu bao nhưng lại chưa sẵn sàng tiếp nhận, cảm thông và đối thoại với những khác biệt.
“Hãy tưởng tượng một thế giới không có tôn giáo”. Nếu còn sống và được làm người “thường trú” trong thiên đàng cộng sản như ở Liên Xô, Trung Cộng hay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cố nhạc sĩ John Lennon sẽ thấy được bộ mặt của một thế giới không có tôn giáo. Có thể tôi sẽ không tuyên xưng đức tin theo Kinh Tin Kính tôi phải đọc mỗi ngày chúa nhựt, nhưng tôi tin rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu người có đạo xác tín rằng cốt lõi của bất cứ một tôn giáo hay đạo lý nào chính là tình thương vô vị lợi, thái độ khoan nhượng, lòng cảm thông và sự tha thứ. Nếu cái cốt lõi ấy được hiểu, được thực thi, được truyền dạy...thì làm gì có khủng bố nhân danh Thượng Đế hay chiến tranh tôn giáo.








Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Tôi tập làm “MẸ”


Chu Thập
8.5.12
Trong cái thế giới nhỏ bé và âm thầm của tôi, chuyện gì xem ra cũng quan trọng cả. Như chuyện con gà con vịt nuôi đàng sau nhà chẳng hạn. Với tôi, đây không phải là chuyện “cà kê dê ngỗng” mất giờ, mà là chuyện nói hoài không hết và không chán!
Cách đây mấy tuần, tôi có ý định ấp thêm một mớ gà vịt để nuôi. Định đến cuối năm chúng sẽ lớn kịp để làm quà biếu cho bạn bè. Mấy chị gà ở nhà tôi vì suốt đời “không biết đến (người) nam” nên tôi phải đi hỏi bạn bè nuôi gà trong vùng mua lại ít trứng có cồ để bỏ vô lồng ấp. Xui một nỗi, năm nay mưa nhiều, gà không có hứng để sản xuất hay sao mà hỏi ai cũng không có. Còn một người cuối cùng thì tôi lại làm mất số điện thoại. Đến nhà thì nhằm lúc chẳng có ai. Muốn viết miếng giấy để lại thì lại không có sẵn viết trong xe. Hỏi nhờ người hàng xóm bên cạnh thì lại gặp thằng thanh niên Úc cà chớn, nói rằng không có sẵn trong người và cũng không có “giờ” để vào nhà lấy, dù hắn ta đang đứng hút thuốc tán dóc với bạn ngay trước cửa nhà. Phải mất thêm cả chục ngày sau, nhân có việc đi ngang nhà thì tôi mới thảy được mẩu nhắn tin của tôi vào thùng thư của họ. Ngay hôm sau, tôi nhận được sự trả lời. Họ nói rằng họ không có trứng chưa ấp nhưng lại cần nhờ tôi “chữa cháy” gấp vì chị gà mái đang nằm ổ, khi nhìn thấy hai chú gà con chui ra, tự dưng bỏ mười mấy cái trứng còn lại, dắt con đi chơi. Họ không có lồng ấp cho nên đang phải dùng bóng đèn ấp tạm hai hôm nay. Nếu tiếp tục e rằng không cứu nổi lứa gà.
Khi tôi đến thì ôi thôi lủ khủ có con đã nở kêu chíp chíp chạy tới chạy lui, có con đen thui lui đang la lối om sòm vì bị dính một mảng lông vào cái vỏ trứng do bóng đèn quá nóng. Trứng còn lại chưa nở thì lớn nhỏ đủ cỡ và đủ màu. Họ nhờ tôi đem về ấp tiếp, không lấy đồng xu cắc bạc nào. Coi như tự nhiên tôi đi nhận “trẻ mồ côi” về nuôi.
Từ hôm đó đến nay, nhà tôi không khác gì bệnh viện sản khoa. Hóa ra người chủ cũ không có giờ kiểm soát nên trong khi chị gà đang ấp thì lại có mấy chị gà vịt khác nhảy vô đẻ thêm. Đâm ra mười mấy trứng không có trứng nào bằng tuổi trứng nào và cũng chẳng thể biết được con cái nhà ai. Lúc nào ngồi làm việc tôi cũng có thể nghe tiếng kêu chíp chíp trong lồng ấp. Và ngày nào tôi cũng làm công việc của một bà mẹ kiêm bà mụ bất đắc dĩ. Từ chuyện nhớ trở trứng mỗi ngày hai lần, đến kê tai vô trứng để nghe coi trứng nào sắp khẻ mỏ, tôi còn phải kiêm thêm việc chuyển “hài nhi” qua “dưỡng đường” để tránh cảnh kẹt chân kẹt cổ trong lồng ấp. Rồi lại ra sân lo cho cái đám đã biết ăn biết mổ từ miếng ăn nước uống đến che đậy để khỏi bị chim cắp chuột tha. Tuy mệt thật nhưng mỗi ngày được chào đón những con gà bé tí dễ thương, thuộc đủ mọi “sắc dân” tôi thấy cũng đáng công. Tuy nhiên, không phải lúc nào chuyện “đỡ đẻ” của tôi cũng xuôi lọt. Sáng nào thức dậy mà thấy cái trứng đêm trước đã khẻ mỏ nhưng vì lý do gì đó chết trước khi được góp mặt nhìn đời, tôi cũng thấy buồn buồn, tiêng tiếc.
Những tưởng ‘sứ mạng’ làm “mẹ” của tôi chỉ đơn giản được nâng niu, chào đón và chăm chút cho những sinh vật bé bỏng dễ thương. Vậy mà cũng có những chuyện làm tôi xúc động thực sự. Số là trong cái mớ trứng lộn xộn mà tôi nhận được có lẫn một ít trứng vịt trong đó. Khi cái trứng vịt đầu tiên khẻ mỏ thì đám gà con đã bắt đầu đi “nhà trẻ” nên chú vịt con không thể nhập bọn được. Thế là tôi phải dành cho nó một “qui chế” riêng. Chắc vì không chịu nổi sự “cô đơn” nên dù có đầy đủ “chăn ấm nệm êm” chú ta vẫn cứ la lối om xòm. Chỉ khi nào thấy tôi thì nó liền “đổi giọng” và thật thú vị, nó ngúc ngoắc cái đuôi vẫy mừng tôi chẳng khác nào một chú chó con bên cạnh chủ. Buồn cười nhất là khi thả ra sân cho chơi, chú vịt nhỏ tuy bận thăm thú ngọn cỏ cọng rác nhưng vẫn nhất định theo tôi cho bằng được. Có lúc vì cố chạy nhanh chú té lộn mấy vòng rồi lồm cồm chạy tiếp. Con vịt nhỏ đã đem đến cho tôi những giây phút thật thú vị và xúc động. Thú vị là vì tôi chưa bao giờ thấy một con vịt con quyến luyến chủ như vậy. Xúc động là vì cả đời tôi chưa từng được ai...“săn đuổi” một cách nhiệt tình như nó. Trộn lẫn trong sự thú vị và xúc động, tôi cũng thấy mình “quan trọng” hẳn ra. Cũng may là vài ngày sau khi mấy cái trứng vịt khác khẻ mỏ thì chú vịt con không còn cô đơn nữa. Mới thấy trong khi ban phát thương yêu mà nhận được sự đáp trả thì không còn niềm vui và hạnh phúc nào lớn hơn.
Những tưởng chăm gà con vịt con là chuyện thái bình hạnh phúc nhứt trên đời vậy mà cũng có chuyện “đất bằng dậy sóng”. Số là một hôm tôi phải đi ra ngoài, khi về thì thấy chú vịt vừa mới nở hôm trước biến đi đâu mất. Lúc đó lòng tôi thật sự thấy lo sợ. Ở sát khu lâm viên, dầu biết rằng không có thú dữ nhưng chuyện rắn rết thì chắc chắn phải có. Tôi có nhiều lý do để lo và sợ. Tôi “hy vọng” là con vịt bị chuột tha hơn là bị rắn vào nhà bắt. Bởi vì chuột thì tôi còn trừ được chứ rắn thì chịu thua. Vừa lo tôi lại vừa thấy mình có lỗi. Tôi trách mình dù đã đóng cửa nhưng lại không che đậy cho kỹ càng. Nó còn quá nhỏ bé để có thể chạy trốn. Cứ tưởng tượng ra cảnh con vịt nhỏ vừa sợ hãi vừa phải chiến đấu với con chuột to hay một con rắn là tôi đã thấy “đau khổ” rồi. Nhưng “giả thuyết” của tôi bị nhà tôi bác bỏ. Vì theo sự quan sát “hiện trường” thì không có dấu tích của một cuộc “ác chiến” nào cả. Vậy chỉ có thể là chú ta nổi máu phiêu lưu muốn thấy trời cao đất rộng nên nhảy ra sân rồi bị chim hay quạ tha mất. Nếu vậy thì tôi lại thắc mắc là bằng cách nào mà một chú vịt mới nở lại có thể nhảy ra khỏi cái thùng cao gấp năm bảy lần chiều cao của nó được. Lo lắng và ray rứt chỉ chấm dứt hành hạ tôi khi nhà tôi tìm ra chú đang co ro vì lạnh và ướt cạnh bên con lạch nhỏ sau nhà. Dù biết rằng không bao giờ tôi có thể biết được toàn bộ câu chuyện “vịt con phiêu lưu ký” của nó nhưng ít ra nỗi ân hận ray rứt vì đã không “chu toàn trách nhiệm” làm “mẹ” không còn đè nặng trong tôi nữa.
Chắc chắn tôi sẽ bị chê là lẩm cẩm khi loay hoay với mấy cái chuyện con cà con kê chẳng ra đâu vào đâu như thế này. Không có con vịt con này thì tôi cũng còn nhiều con vịt con khác. Thế nhưng vấn đề không phải ở chỗ mất con này còn con khác, mà là qua những giây phút lo lắng này, tôi mới thật sự cảm nhận được thế nào là “lòng mẹ”. “Cảm” một chút thôi, bởi vì “lòng mẹ bao la như biển thái bình”
Cảm nhận được “lòng mẹ”, tôi cũng hiểu được sự cô đơn và nỗi khao khát của con người được ôm ấp trong lòng mẹ.Tôi nghĩ đến câu chuyện của cậu bé người Phi Châu được tác giả Steve Madden kể lại trong bài viết “Boy on a Bike” (cậu bé cỡi xe đạp) được đăng trong tạp chí Reader’s Digest, ấn bản Úc châu số tháng 5 này. Steve Madden, người Mỹ, đồng sáng lập viên của tổ chức từ thiện có tên là “BikeTown Africa”. Đây là tổ chức chuyên cung cấp xe đạp cho người dân nghèo Phi Châu. Ông Madden không chỉ ngồi tại Mỹ để kêu gọi quyên góp. Ông đích thân sang tận Phi Châu, tự tay ráp những chiếc xe đạp để tận tay trao cho người nghèo. Chính trong thời gian công tác tại Rwanda mà ông đã gặp và làm quen với cậu bé nói trên. Mỗi ngày cậu thiếu niên, tuy đã 16 tuổi, nhưng trông như mới lên 10, 12, đến giúp ông ráp xe đạp. Hai bên chỉ có thể liên lạc với nhau bằng ánh mắt, nụ cười và những cái siết tay. Tác giả nói rằng cậu bất hạnh đến độ không có nổi một tên gọi này lại dạy cho ông một bài học quý giá nhứt trên đời: cậu bé “có tất cả mọi lý do để hận thù, nhưng nó lại dạy cho ông vô số bài học về yêu thương”. Như rất nhiều thiếu niên trong vùng, em là kết quả của những cuộc hãm hiếp. Mẹ em, một thiếu nữ thuộc bộ lạc Tutsi, đã bị hiếp tập thể trong cuộc diệt chủng do những người Hutu chủ xướng hồi năm 1994, trong đó có đến cả triệu người Rwanda bị tàn sát. Sau khi đã giết ba người anh của cô, một nhóm dân quân Hutu đã hãm hiếp cô. Biết mình có mang, người thiếu nữ định phá thai, nhưng cuối cùng đã giữ lại giọt máu của mình. Quyết định này đã khiến cô đau khổ còn hơn cả khi bị hãm hiếp: cả gia đình cô đều “từ” và xua đuổi cô. Phải chăng đây là lý do khiến cô không dám đặt cho đứa con của mình ngay cả một cái tên.
Quả thực, “lòng mẹ” là một huyền nhiệm mà lý trí con người không thể hiểu thấu hết. Nói như văn hào Pháp Antoine de St Exupéry trong “Le Petit Prince” (hoàng tử tí hon), “có những điểu chỉ có thể thấy được bằng con tim chứ không bằng đôi mắt”.
Tôi không thể không liên tưởng đến câu chuyện của luật sư khiếm thị Trần Quang Thành tại Trung Quốc hiện nay. Có lẽ đây là câu chuyện mà tính thời sự đã vượt qua hẳn các biến cố chính trị khác trên thế giới. Câu chuyện được thế giới bàn tán đến nhiểu nhứt trong lúc này bởi vì nó liên quan đến mối quan hệ giữa hai người khổng lồ của thế giới là Trung Quốc và Hoa kỳ. Nó cũng phơi bày bộ mặt giả nhân giả nghĩa của hai người khổng lồ này. Một bên thì lúc nào cũng bằng mọi giá và mọi  cách giữ cái “thể diện” vốn chẳng còn “mặt mũi” nào vì những thành tích vi phạm nhân quyền trắng trợn. Một bên thì lúc nào cũng ra rả trên môi miệng hai chữ “nhân quyền”, nhưng hễ đụng tới quyền lợi của mình thì mọi giá trị khác đều bị dẹp qua một bên. Chẳng khác nào thái độ của lãnh tụ cộng sản gốc “hoạn lợn” Đỗ Mười  khi phán bảo các cán bộ cộng sản chẳng chút ngượng miệng rằng “các anh có quyền tự do ngôn luận, nhưng tự do ngôn luận để chửi Mỹ thôi”.
Về luật sư Trần Quang Thành, có lẽ thế giới chỉ chú ý đến phần hai của câu chuyện, tức chuyện anh bị quản thúc tại gia và đang đêm đào thoát khỏi nhà để vượt qua hàng 300 cây số và vào được tòa đại sứ Hoa kỳ ở Bắc Kinh. Thật ra đáng chú ý hơn phải kể đến “tấm lòng” và sự quả cảm của anh khi dám đơn thân độc mã đứng ra tranh đấu cho quyền của những người phụ nữ Trung Quốc bị chà đạp khi bị cưỡng bách phá thai và triệt sản. Một trong những người phụ nữ được luật sư Thành giúp đỡ kể lại rằng chị đã bị công an cột vào một chiếc giường, chích thuốc độc vào bụng chỉ hai ngày trước khi con chị chào đời. Vài giờ sau, thai nhi bị trục ra khỏi lòng mẹ. Sau đó công an còn trấn nước đứa bé cho nó thực sự chết (x.Tạp chí Time 14/5/2012)...
Những người cộng sản, nhứt là giới lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ thấy rằng đây là một hành động ác đức, vô nhân đạo. Tuy khiếm thị từ lúc nhỏ, luật sư Thành đã “thấy” được tính vô nhân đạo của chính sách “mỗi gia đình một con” của nhà nước cộng sản Trung Quốc và nhứt là “thấy” được phẩm giá và thiên chức cao cả của người phụ nữ là được làm mẹ cũng như nhân phẩm của con người từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ.
Năm nay, tạp chí Time đã đưa luật sư Trần Quang Thành vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhứt trên thế giới hiện nay. Lẽ ra tên tuổi của anh phải được đặt ở đầu danh sách này, bởi vì anh đã “thấy” được điều mà rất nhiều người trên thế giới ngày nay không thấy hay không muốn thấy.
Luật sư khiếm thị Trần Quang Thành không chỉ “thấy” điều trước mắt. Với con mắt của trái tim, có lẽ anh cũng báo trước tương lai của nhân loại: tương lai ấy thuộc về “lòng mẹ”. Chỉ có tấm lòng như lòng của mẹ với những nhân đức như nhân ái, rộng lượng, hy sinh, bao dung, cảm thông, tha thứ...mới có thể cứu vãn thế giới khỏi nanh vuốt của quyền lực thống trị, bạo động, độc ác, dã man, vô nhân đạo...và mang lại cho con người bình an và hòa bình đích thực.
“Lòng Mẹ” không nhất thiết chỉ thuộc về những người mẹ mà có lẽ ai cũng cần phải có. Dù sao tôi cũng phải cám ơn đám gà vịt mồ côi nhỏ bé của tôi. Nhờ phải lo lắng cho chúng mà tôi mới thật sự có dịp để tập làm MẸ.




Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Người Hồi giáo tại Miến Điện


20.11.15


Kết quả cuộc bầu cử tại Miến Điện ngày 8 tháng 11 vừa qua cho thấy Tự Do và Dân Chủ đã chiến thắng tại nước này. Đảng Liên Minh Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã chiếm được đa số phiếu trong Quốc Hội. Tuy nhiên, con đường tiến tới dân chủ tại nước này vẫn còn đầy chông gai.
Trước hết, sau 50 năm cầm quyền bằng bàn tay sắt với một đường lối cai trị  bị lên án như một trong những chế độ đàn áp nhất thế giới, nay giới lãnh đạo quân phiệt Miến Điện cam kết sẽ chuyển giao quyền hành một cách ôn hòa và biến đất nước thành một “nền dân chủ thịnh vượng”. Tuy nhiên, với một Hiến Pháp không giống ai được chế độ quân phiệt vẽ ra, một phần tư số ghế trong Quốc Hội phải được dành cho quân đội và các chức vụ cao trong chính phủ cũng phải được quân đội nắm giữ.
Riêng về số phận của bà Aung San Suu Kyi, người đã bị tước đoạt chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1990 và bị quản thúc tại gia trong 15 năm qua, Hiến Pháp Miến Điện cũng do nhà cầm quyền quân phiệt viết ra lại quyết định rằng bà sẽ không bao giờ được làm tổng thống.
Nhưng con đường tiến tới dân chủ tại Miến Điện còn gập ghềnh hơn nữa vì những căng thẳng do các nhóm sắc tộc thiểu số tạo ra. Theo thống kê, có đến một phần ba trong tổng số 51 triệu dân Miến Điện thuộc các sắc tộc thiểu số. Một số vẫn còn bị bách hại một cách dã man. Mặc dù đã có lệnh ngưng bắn, nhưng quân đội Miến vẫn tiếp tục đụng độ với các dân quân của các sắc tộc thiểu số. Tại một số vùng đang có giao tranh, người dân không thể đến các thùng phiếu. Riêng sắc tộc Rohingya, sinh sống ở cuối miền Tây Miến Điện, lại phải chịu đựng một số phận hà khắc hơn: họ không được nhìn nhận như người Miến Điện và dĩ nhiên không thể tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua. Trước áp lực của các tu sĩ Phật Giáo cực đoan vốn đang mở chiến dịch bài Hồi giáo, bà Aung San Suu Kyi đã bị chỉ trích vì đã không dám đứng ra bênh vực quyền của người Rohingya.
Không những người Rohingya, mà người Hồi Giáo tại Miến Điện nói chung, vẫn chưa có được một tiếng nói trong quốc gia có đa số theo Phật Giáo này. Kết quả cuộc bầu cử vừa qua cho thấy không có bất cứ một người Hồi giáo nào được đắc cử vào Quốc Hội. Không những các dân biểu Hồi Giáo thất cử, mà không một ứng cử viên Hồi Giáo nào đắc cử trong cuộc bầu cử vừa qua.
Theo thống kê chính thức của chính phủ Miến Điện, người Hồi Giáo chỉ chiếm khoảng 4 phần trăm dân số. Trong cuộc bầu cử vừa qua, người Hồi Giáo đã trở thành mục tiêu bị chống đối và ngay cả bị thù ghét. “Ma Ba Tha”, Phong trào có tên là  “Bảo vệ Chủng tộc và Tôn giáo” do các tu sĩ Phật Giáo cực đoan thành lập đã không ngừng tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn quốc để cảnh cáo dân chúng rằng “Hồi Giáo là một mối đe dọa cho Phật Giáo”. Ngoài ra, trước ngày bầu cử, Ủy ban Bầu cử cũng tìm cách loại bỏ các ứng cử viên Hồi Giáo bằng cách đưa ra tiêu chuẩn: “phải được sinh đẻ tại Miến Điện mới có thể ra tranh cử”. Vài tuần trước ngày bầu cử, Ủy ban Bầu cử đã xét “lý lịch” của các ứng cửa viên và loại trừ trên 100 người, phần lớn thuộc sắc tộc thiểu số người Rohingya theo Hồi Giáo.
Giám đốc Phân bộ Nam Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
là bà Meenakshi Ganguly cho biết: trong 6.074 ứng cử viên được phê chuẩn, có 5.130 tín đồ Phật Giáo, 903 là tín hữu Ki Tô, nhưng chỉ có 28 người Hồi Giáo. Theo bà Ganguly, sở dĩ tỷ lệ ứng cử viên Hồi Giáo thấp như thế là vì những tiêu chuẩn có tính cách kỳ thị được Ủy ban Bầu cử đề ra. Và dĩ nhiên, sở dĩ có những tiêu chuẩn kỳ thị như thế là do áp lực của Phong trào “Ma Ba Tha”. Từ Đảng “Liên Minh Liên Đới và Phát Triển”, tức Đảng đang cầm quyền, không có bất cứ người Hồi Giáo nào ra ứng cử. Ngay cả lãnh tụ Aung San Suu kyi và Đảng Liên  Minh Dân Chủ của bà, do áp lực của Phong trào “Ma Ba Tha”, cũng yêu cầu người Hồi Giáo đừng ra tranh cử. Phong trào này đã tung ra một chiến dịch nhằm liên kết bà Aung San Suu Kyi với người Hồi Giáo và dán lên Đảng của bà nhãn hiệu “Hồi Giáo”. Đầu tháng 10 vừa qua, Phong trào này đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại Thủ đô Yangon để ăn mừng việc chính phủ quân phiệt đã thông qua một loạt những luật về gia đình và ngừa thai, nhưng trong thực tế nhắm vào việc đa thê, sinh đẻ nhiều của người Hồi Giáo cũng như ngăn cản đàn ông Hồi Giáo cưới vợ Phật Giáo. Trước đó, tại một hội nghị qui tụ khoảng 1.300 tu sĩ Phật Giáo từ các tu viện trên toàn quốc, Phong trào này cũng đã đưa ra một loạt những đề nghị nhằm giới hạn sự hiện diện của người Hồi Giáo trong xã hội. Một trong những đề nghị đó là cấm nữ sinh Hồi Giáo mặc “Burqa” hoặc khăn trùm đầu cũng như chống lại việc người Hồi Giáo sát sinh trong ngày lễ nghỉ của họ. Các tăng sĩ Phật Giáo thuộc Phong trào “Ma Ba Tha” cho rằng văn hóa Hồi Giáo hoàn toàn đi ngược lại văn hóa của đại đa số dân Miến Điện. Một trong những lãnh tụ của Phong trào là nhà sư Pamaukkha giải thích như sau: “ Khi họ (người Hồi Giáo) sống tại Miến Điện, họ cần phải tuân thủ luật pháp và qui định của xứ sở. Chúng tôi không nhắm đến hoặc tấn công tôn giáo của họ”. Mặc dù tuyên bố không tấn công Hồi Giáo, trong thực tế Phong trào “Ma Ba Tha” không ngừng sử dụng các trang mạng xã hội để bôi nhọ Hồi Giáo bằng cách tung ra điều mà họ gọi là “tội ác của những người ngoài Phật Giáo”. Phong trào này đã được thành lập dạo tháng 6 năm 2013, khi xảy ra các vụ bạo động tại Tiểu bang Rakhine. Do có những lời tố cáo về việc người Hồi Giáo hãm hiếp các phụ nữ Phật Giáo trong tiểu bang cho nên các nhóm Phật Tử cuồng tín đã nổi lên tấn công vào cộng đồng người Hồi Giáo. Những cuộc tấn công này đã khiến cho người Rohingya phải lâm vào cảnh tỵ nạn ngay trong vùng đất của họ. Theo ông David Mathieson, một nhà nghiên cứu về Miến Điện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong thực chất, Phong trào “Ma Ba Tha” là một lực lượng chính trị xây dựng trên chủ nghĩa cực đoan về tôn giáo và xã hội. Họ sử dụng Phật Giáo để phục vụ cho những ý đồ chính trị và quyền lợi kinh tế.
Cho tới nay, rất nhiều tu sĩ Phật Giáo Miến, nhất là thuộc Phong trào “Ma Ba Tha”  vẫn được chính quyền quân phiệt nâng đỡ. Về phần mình, chính phủ cũng lợi dụng phong trào chống Hồi Giáo để tấn công vào Đảng Liên Minh Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi. Nấp đàng sau Phong trào “Ma Ba Tha” là lập luận cho rằng “Đảng Liên Minh Dân Chủ là một Đảng Hồi Giáo. Nếu Đảng này thắng cử thì Miến Điện sẽ biến thành một nước Hồi Giáo”. Chiến dịch chống Hồi giáo của Phong trào này đặt bà Aung San Suu Kyi trước một tình thế khó xử: nếu bà lên tiếng chống lại phong trào này, các đối thủ của bà sẽ xem đó như một khe hở để tấn công bà. Chính vì vậy mà trong suốt cuộc vận động bầu cử, bà đã tỏ ra rất thận trọng: trong một tuyên ngôn, bà than phiền về những biến cố xảy ra tại tiểu bang Rakhine, nơi có đông người Hồi Giáo Rohingya sinh sống, nhưng lại tránh né những vấn đề có liên quan đến họ.
Người Miến Điện thường cho rằng đất nước họ đã bị người Anh đánh cướp để rồi sau đó trao lại cho những tên cướp khác như người Ấn Giáo, người Hồi Giáo Ấn Độ, người Do Thái, người Trung Hoa và người Âu Châu khác. Người Anh còn bị người Miến Điện tố cáo đã xách động những sắc tộc thiểu số như người Shan và các dân tộc miền núi khác. Điều này có phần đúng, bởi vì đế quốc Anh đã từng có dự án thống nhất tất cả các tiểu bang và sắc tộc thiểu số dựa trên căn bản của bình đẳng. Điều này hoàn toàn đi ngược lại tham vọng bá quyền của người Miến đối với các sắc tộc thiểu số.
Theo kết quả bầu cử, Đảng “Liên Minh Dân Chủ” của bà Aung San Suu Kyi đã chiếm được 390 ghế, tức trên 80 phần trăm số ghế trong Quốc Hội. Đảng đương quyền “Liên Minh Liên Đới và Phát Triển” chỉ còn giữ được 41 ghế. Đảng Hồi Giáo lớn nhất Miến Điện có tên là “Quốc Đại Thống Nhất” đã thừa nhận không chiếm được bất cứ ghế nào.
Cuộc bách hại đối với người Hồi Giáo tại Miến Điện được xem là rõ ràng và tàn bạo nhất trong Tiểu bang Rakhine, miền Tây Miến Điện. Đây là nơi hiện có trên 140 ngàn người Rohingya đang phải sống trong các trại tỵ nạn. Họ đã bị bắt buộc đi tỵ nạn tiếp theo những cuộc bạo động chủng tộc hồi năm 2012. Một số đã dùng thuyền bè để chạy qua các nước Đông Nam Á khác. Số còn lại bị xem là “vô tổ quốc”.
Những người thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya đã được phép tham gia vào các cuộc bầu cử bổ túc hồi năm 2010 và 2012. Nhưng trong cuộc bầu cử vừa qua, vì không được nhìn nhận như công dân “trọn vẹn” của Miến Điện, không dưới một triệu người Rohingya đã không được quyền bỏ phiếu chỉ vì họ đã không chứng minh được rằng gia đình của họ đã là dân cư lâu đời trên đất Miến Điện. Các viên chức đặc trách bầu cử chỉ cho họ bỏ phiếu với điều kiện họ phải tự tuyên bố là người “Bangladesh” chứ không phải là người Miến Điện.
Trước ngày bầu cử, khi được các ký giả phỏng vấn, bà Aung Suu Kyi nói rằng “đừng có phóng đại vấn đề”. Dù vậy, một số người Hồi Giáo sinh sống tại Thủ đô Yangon nói với báo The Guardian rằng họ dồn phiếu cho Đảng “Liên Minh Dân Chủ” của bà Aung San Suu Kyi. Một cựu chiến binh Hồi Giáo nói rằng ông thích bà Aung San Suu Kyi, vì muốn thấy có một nhà lãnh đạo được thế giới trọng nể. Ông này nói rằng ông không màng đến chuyện có người Hồi Giáo ra tranh cử hay không.
Mặc dù trong chiến dịch bầu cử, lãnh tụ Đảng “Liên Minh Dân Chủ” không đặt việc tranh đấu cho quyền của người Hồi Giáo lên ưu tiên hàng đầu, nhưng bà đã hứa hẹn sẽ bảo vệ họ và truy tố tất cả những ai kích động hận thù đối với họ.
Các quan sát viên thuộc Liên Âu theo dõi cuộc bầu cử vừa qua tại Miến Điện nhìn nhận rằng cuộc bầu cử đã diễn ra tốt đẹp, tuy nhiên bày tỏ quan ngại về việc loại trừ người Hồi Giáo. Một nghị viên Âu Châu là bà Ana Gomes hy vọng rằng chính phủ mới sẽ canh tân đường lối cai trị tại Miến Điện và cổ võ một xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo hơn bằng cách loại trừ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và tác động của nó đối với một số sắc tộc thiểu số, đặc biệt là người Hồi Giáo và cách riêng người thuộc sắc tộc Rohingya. Nhưng liệu chính phủ mới do Đảng Liên Minh Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo có thể xây dựng được một nền dân chủ thực sự không?
Nhiều người cho rằng bao lâu chủ nghĩa dân túy bá quyền của người Miến được chính phủ quân phiệt nuôi dưỡng từ 50 năm qua không bị đánh đổ thì hy vọng có được một nền dân chủ thực sự tại Miến Điện xem ra vẫn còn mong manh.
(Theo báo The Guardian)




Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Làm người đứng thẳng


Chu Thập
13.11.15

Đầu thập niên 1950, tôi biết được có hai giống người không phải là người Việt Nam và cũng chẳng phải là người Kinh. Trước hết là mấy ông lính “Lê Dương” Tây đen, mặt mũi đen như lọ nghẹ, tay chân như cột nhà cháy. Kế đó là những người mà vì chưa hề có một ý niệm nào về nhân quyền, nhân phẩm và bình đẳng, lũ trẻ chúng tôi bắt chước người lớn gọi là “bọn mọi”. Đó là những người từ trên núi xuống. Đàn ông thì đóng khố và để ngực trần. Phụ nữ thì quấn xà rông, nhưng vú mớm lòng thòng. Cùng với sự xuất hiện của hai giống người này, người lớn trong làng tôi cũng muốn bày tỏ sự hiểu biết về nhân chủng học cho nên mới nói đến một loại người khác là “mọi có đuôi”. Mấy ông Tây đen thì lũ trẻ chúng tôi chỉ biết kính nhi viễn chi. Nhưng với “bọn mọi”, mỗi khi họ xuống làng, mang những sản phẩm như củi, gạo, heo, gà để đổi lấy muối, chúng tôi thường lân la đến gần chỉ để xem họ có cái đuôi sau đít không mà thôi. Thất vọng vì không thấy cái đuôi nào của “bọn mọi” cả cho nên riêng tôi chỉ còn biết nhìn vào bức ảnh “chết dữ” được mẹ tôi treo gần bàn thờ giữa nhà để kích thích óc tưởng tượng của mình. Thật vậy, trong bức ảnh mà mẹ tôi thường mang ra để hù dọa con cái trong nhà về hỏa ngục, mấy tên quỷ đen thui lui, có sừng, có đuôi là hình ảnh tôi thường nghĩ đến mỗi khi có ai nói đến “mọi có đuôi”.
Hỏi người lớn “mọi có đuôi” ở đâu thì họ thường chỉ tay lên núi cao. Từ Thành Diên Khánh, mỗi khi nói đến núi cao, tôi thường chỉ nghĩ đến Đá Đen, nằm ở mút chân trời về hướng Tây, quá khỏi Đồng Trăng, Đất Sét. Đây là nơi mà chỉ có trọng pháo từ trong Thành do lính Tây nã ra may ra mới tới.  Thành ra mơ ước được thấy “mọi có đuôi” của tôi không bao giờ thành sự thật. Và tôi cứ tưởng rằng hình ảnh của “mọi có đuôi” cũng sẽ bị những hiểu biết về “khoa học thường thức”, cộng với tuổi đời, làm cho tàn phai trong trí tưởng tượng của tôi.
Vậy mà sau năm 1975, khi những người Cộng sản từ trên núi xuống làng cướp chính quyền, cướp đất đai, cướp quyền sống của người dân, cướp “tất tần tật” bất cứ thứ gì có thể cướp được, hình ảnh của “mọi có đuôi” lại hiện về trong trí óc của tôi. Chuyện “Trại súc vật” (Animal Farm) của văn sĩ Anh George Orwell (1903-1950) xuất bản hồi năm 1945, cứ tưởng là chuyện huyễn tưởng, nào ngờ lại là bức tranh sống động lột tả chi ly chân dung của “mọi có đuôi”.
Cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” mọc đến đâu thì ở đó chỉ có chết chóc, khổ đau mà thôi. Trong tùy bút có tựa đề “răng đen mã tấu” viết dạo tháng Tư vừa qua, tác giả Khuất Đẫu, hiện còn sống trong nước, đã ca tụng không hết lời hàm răng đen của người xưa. Ông kể lại: “Mẹ tôi, nhuộm răng đen. Như cô tôi, bà tôi. Một màu đen như tóc mọc trên đầu, như áo quần họ mặc. Chính hàm răng ấy đã nhai những hạt cơm trắng đầu đời mớm vào miệng tôi. Như chim cánh cụt mớm mồi cho con của nó. Nhớ về mẹ, tôi nhớ nhất hàm răng đen của bà”. Theo ông, răng đen “là hình ảnh tượng trưng bình dị nhất của dân tộc ta, cho dù chưa được văn minh như người nhưng không thể nói là man rợ. Lại càng không phải là ác độc, tàn bạo, nhất là với chính cha mẹ, anh em, xóm giềng, làng nước”. Vậy mà sau khi người cộng sản từ trên núi xuống, “cái màu đen ấy bỗng thêm một cái đuôi đáng sợ. Không còn đen nhánh sau tay áo, không còn mùa thu tỏa nắng, mà là răng đen mã tấu!”
Tại sao răng đen lại mọc thêm “cái đuôi” mã tấu? Tác giả Khuất Đẫu giải thích rằng những năm sau cuộc cướp chính quyền, “chính những người cộng sản đầu tiên, thời ấy hãy còn nhuộm răng đen, đêm đêm vác mã tấu đi chặt đầu những ai không cùng đảng với họ, những ai làm việc cho Pháp, Nhật. Chỉ cần gắn cho hai tiếng Việt gian là đi đứt sinh mệnh của một con người. Rồi cũng chính họ, mười năm sau, nhảy lên xác bà Nguyễn Thị Năm đạp cho lọt vào hòm, mở đầu cho những cuộc đấu tố kinh hoàng đến cả mấy chục vạn người chết vì hai tiếng địa chủ.”
Tác giả Khuất Đẫu kết luận: “Giờ họ (những người Cộng sản Việt Nam) văn minh không thua gì ai, nhưng cái bản năng “răng đen mã tấu” vẫn còn trong những đạo luật và nghị định mà họ đặt ra, làm chết dần chết mòn một thứ có màu đen muôn thuở là dân đen”.
Cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” nó dài và khủng khiếp đến độ chỉ cần bị nó quất một lần là đủ để phải sống với một cơn ác mộng triền miên. Trong tập truyện có nhan đề “Thằng người có đuôi”, được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1988, tác giả Thế Giang dường như muốn nói đến cơn ác mộng ấy. Những năm sống dưới chế độ cộng sản đã biến nhân vật xưng “tôi” trong chuyện “thằng người có đuôi” thành “kẻ thù của con người lúc nào không hay”, “thói đa nghi, đề phòng cảnh giác, luôn bắt tôi phải soi mói, phân tích và phê bình con người”. Tác giả kết luận: “Jean Paul Sartre (triết gia Pháp đã từng chạy theo chủ nghĩa cộng sản) sau khi phản tỉnh đã thố lộ: “Tôi ly khai chủ nghĩa...có nghĩa đã ghê tởm, phỉ nhổ nó, đoạn tuyệt hẳn với nó, nhưng mỗi sáng ngủ dậy đứng trước bồn tắm rửa mặt, tôi vẫn thấy một thằng cán bộ đang rình mò, xoi mói nhìn mình trong gương...”. Không biết ông đã đập vỡ bao nhiêu miếng gương, còn tôi, tôi luôn sống với cảm giác sau lưng mình có mọc một cái đuôi”.
“Cái đuôi” của tác giả Thế Giang có lẽ chỉ là nỗi ám ảnh về cuộc sống bị rình rập theo dõi và nhứt là “dấu ấn” của những thót tật “cộng sản” đã vô tình in sâu vào tiềm thức, ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và cách ứng xử. Riêng với Blogger Tạ Phong Tần, người vừa được trả tự do và đến Mỹ dạo tháng 10 vừa qua sau đúng 1.474 ngày bị giam tù, cái đuôi cộng sản chính là cái đám công an, đầu trộm đuôi cướp, ngày ngày theo dõi chị. Chị mở đầu hồi ký như sau: “Chuyện bình thường ở Việt Nam, tuy giờ không phải là thời nguyên thủy ăn lông ở lỗ, nhưng người Việt trong chế độ “thiên đàng” thường rất hay được “ bỗng dưng...mọc đuôi”. Đuôi “dài” hay “ngắn” tùy vào sự “hứng thú” của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam và tâm trạng “quan ngại” của họ. Tôi là một trong số những người được nhà cầm quyền Việt Nam “quan tâm đặc biệt” và có “đuôi”.
Cái “đuôi” mà Blogger Tạ Phong Tần ám chỉ đến là những “xe ôm có thẻ đỏ” hay “những thanh niên mặt mày bặm trợm, đen đúa, đeo kính đen và khẩu trang, đội nón sùm sụp nhìn không rõ mặt, ăn mặc bèo nhèo, đi xe máy số bề ngoài cà tàng, nhưng bên trong đã được “độ” thành xe tốc độ cao, sẵn sàng “bắn khói” khi cần đuổi theo ai đó, có quyền vượt đèn đỏ bất cứ lúc nào mà công an giao thông cũng không dám thổi, có thể chơi trò lưu manh, côn đồ, xã hội đen với bất cứ ai mà bọn công an áo xanh cứt nga cũng không dám có ý kiến...” (x. Báo Người Việt online, 4/11/2015).
Cái cảm nghiệm về “đuôi” được Blogger Tạ Phong Tần ghi lại, có lẽ bất cứ ai đã từng nếm mùi “xã hội chủ nghĩa” cũng đều đã trải qua. Tôi chỉ sống trong “thiên đàng” ấy trên dưới 5 năm. Dù không thuộc thành phần “ngụy quân, ngụy quyền”, cũng chưa từng có “nợ máu với nhân dân”, nhưng 5 năm nếm mùi “xã hội chủ nghĩa” cũng đủ để thấy mình “mọc đuôi”. Đuôi của công an chìm nổi là chuyện đương nhiên. Nhưng cũng phải kể đến cái đuôi của không biết bao nhiêu người, ngay cả bạn bè và người thân, mà vì một lý do nào đó, mình đâm ra nghi ngờ, “hồ nghi” không dám đến gần hay tin tưởng. Nói như tác giả Thế Giang, “cái thói đa nghi, đề phòng cảnh giác luôn bắt tôi phải soi mói, phân tích và phê bình con người...Tôi trở thành kẻ thù của con người lúc nào không hay. Những cố gắng đẽo gọt, cạo rửa bản thân mình trở nên vô ích, tôi là viên gạch vô tình nằm trong lò sát sinh và đã bị ám khói lửa thiêu người”.
Giải thưởng Nobel văn chương năm nay được trao tặng cho nữ văn sĩ người Belarus Svetlana Alexievich. Hầu hết các tác phẩm của bà là một khắc họa đầy đủ lối sống của con người Xô Viết trong chiến tranh và sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Bà đặt tên cho con người ấy là “Homo Sovieticus” (Con người Xô Viết). Cũng như con người “xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, con người Xô Viết cũng có cái đuôi dài thòng ở phía sau. Mặc dù đã quăng thẻ đảng hay đã ném chủ nghĩa cộng sản vào sọt rác của lịch sử, một Vladimir Putin, trong bản chất, vẫn còn giữ cái thói lưu manh, gian dối, côn đồ, tham lam của một người Xô Viết và dĩ nhiên, trên 80 phần trăm người Nga ủng hộ ông vì đã ngang nhiên chiếm vùng đất Crimea của Ukraine, thọc gậy bánh xe vào nội tình nước này và đem quân sang giúp cho ông Bashar al-assad củng cố chế độ độc tài tại Syria, mặc dù không tự nhận là cộng sản, nhưng trong thực chất, vẫn còn kéo lê cái đuôi “Xô Viết”.
Cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” nó khủng khiếp như thế. Nó là nỗi ám ảnh triền miên đối với những ai đã nếm mùi cộng sản. Sau 40 năm, cơn ác mộng vẫn còn đó đối với hầu như mọi người tỵ nạn cộng sản. Dĩ nhiên, cái đuôi “áo vàng”, côn đồ tự phát hay “an ten”...không còn nữa. Nhưng cái đuôi của những thót tật tồi tệ nhứt thuộc bản chất cộng sản như dối trá, lừa lọc, nghi kỵ, tham tàn, vô cảm, vô liêm s...thì dường như vẫn cứ bám vào người, dù cho chúng ta có sống ở nơi nào.
Là người tỵ nạn, tôi luôn ý thức về lập trường chống cộng của mình. Bao lâu còn là người tỵ nạn, tôi là người chống cộng. Nhưng dĩ nhiên, nếu chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là một thây ma, tôi dại gì phải nhọc công tốn sức để chém gió cho mệt. Có chống là chống lại cái đuôi, cái nọc độc nó đã cài vào con người tôi lúc nào không hay biết.
Tôi phục Blogger Tạ Phong Tần. Biết mình bị “mọc đuôi”, tức bị cái đuôi của công an, côn đồ bám sát để theo dõi, ngay cả khi vào trong một tiệm bán quần áo lót cho phụ nữ, vậy mà chị vẫn hiên ngang cương quyết “đứng thẳng làm người”, chớ không vì sợ hãi mà phải cúi đầu ngả rạp xuống làm người có đuôi “xã hội chủ nghĩa”.

Tôi tin ở thuyết tiến hóa. Tôi tin rằng con người “đứng thẳng” (Homo erectus) ngày càng hoàn thiện trong tư thế đứng thẳng của mình. Nhưng dĩ nhiên, với cá nhân tôi, đó không chỉ là kết quả của một sự tiến hóa tự nhiên, mà là cả một tiến trình “chống cộng”, nghĩa là chống lại sức trì trệ luôn kéo tôi ngả xuống làm người có đuôi để nằm rạt xuống trong vũng lầy của những thói tật tồi tệ nhứt như gian trá, xảo quyệt, ích kỷ và nhứt là vô cảm và vô liêm s. Tôi cho đó là thách đố lớn nhứt và cũng là cuộc chiến cam go nhứt trong cuộc đời. Nhưng như  Kịch tác gia Pháp Pierre Corneille hồi Thế kỷ 17 đã nói một câu mà tôi đã học được thời trung học,  “chiến thắng không nguy hiểm thì cũng chẳng có vinh quang trong khải hoàn”, phần thưởng và vinh dự cao cả nhứt dành cho một người chính là làm chủ và chiến thắng được con người của mình.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Lý lẽ của con tim



Chu Thập
1.5.12



Tôi thích các chương trình của Luke Nguyễn được chiếu trên Đài SBS. Làm gì thì làm, cứ đến giờ của Luke Nguyễn vào mỗi tối thứ năm hàng tuần, bằng mọi giá tôi phải xem cho bằng được. Một phần là để ủng hộ gà nhà, nhưng chính là vì so với các “chefs” dạy nấu ăn khác, tôi nhận thấy Luke Nguyễn có lối trình bày độc đáo và có sức thu hút hơn. Với tôi, Luke Nguyễn không chỉ dạy nấu ăn. Anh còn là một hướng dẫn viên du lịch có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhờ anh tôi biết được một số địa danh ở Miền Bắc Việt nam mà vì nhiều lý do, có lẽ tôi sẽ không bao giờ đặt chân đến. Nhưng mới đây, với loạt bài “Luke Nguyễn’s Greater Mekong”, tôi lại có dịp đi thăm thú một số nước dọc theo sông Mekong như Trung quốc, Miến Điện và Thái Lan. Đặc biệt, ở Miến Điện, quốc gia bị chế độ độc tài quân phiệt bưng bít từ mấy chục năm qua, tôi hiểu thêm về địa lý, lịch sử, phong tục và nhứt là về Phật  giáo, tôn giáo đã làm cho con người ở đây hiếu hòa dễ mến hơn bất cứ nơi nào.
Luke Nguyễn không chỉ cho tôi thưởng thức (dĩ nhiên bằng hình ảnh) các món ăn độc đáo của các dân tộc sống dọc theo dòng Cửu Long Giang. Anh cũng giúp tôi đi vào cái hồn tôn giáo của những dân tộc này. Ở Chiang Mai, Thái Lan, Luke Nguyễn đã làm một cử chỉ thật cảm động: anh dạy cách nấu một món đồ chay của người địa phương, sau đó chia thành hai phần, một phần để mang lên chùa và một phần dành cho các tu sĩ khất thực. Cử chỉ thành tín của anh khi cung kính trao phần ăn cho các tu sĩ đã thật sự đánh động tôi.
Tôi hiểu được cảm xúc của cố linh mục Gildo Dominici, dòng tên, người Ý (có tên tiếng Việt là Đỗ Minh Trí) đã từng truyền giáo tại Việt nam trước năm 1975 và sau đó giúp đồng bào tỵ nạn Việt nam tại Galang, Nam Dương và Bataan, Phi luật tân. Vị linh mục này đã say mê Việt nam và chọn Việt nam làm quê hương vì chính hình ảnh của các tu sĩ khất thực. “Những thày tì kheo mỗi sáng thường xếp hàng một đi hết nhà này đến cửa hàng khác để khất thực, màu áo vàng rực rỡ dưới nắng. Họ siêu thoát và loại bỏ hết lòng tự ái. Nói cách khác, họ khất thực nhưng không phải là đi ăn xin. Họ tìm Tuệ Giác và Chân Như của đời sống. Đó là hình ảnh của Việt nam, quê hương tôi.
Những phật tử, theo đạo pháp, không được sát sinh dù là giết một con muỗi, chỉ sống bằng đồ chay, hoa quả và rau, đặt triết lý sống trên nền tảng bất bạo động và tôn trọng quyền sống của người khác. Đó là hình ảnh Việt nam, quê hương tôi” (Linh mục Dominici Đỗ Minh Trí, Việt nam quê hương tôi, ấn bản Úc châu lần thứ hai 1991, trg 18).
Đối với người dân Thái lan, Miến Điện hay những nước có đa số dân theo Phật Giáo, chia sẻ một chút thức ăn cho các tu sĩ khất thực là một nghi thức được làm mỗi ngày cho nên có thể trở thành quen thuộc và máy móc. Nhưng với tôi, đây phải là cử chỉ có ý nghĩa và đẹp nhứt trong ngày. Chỉ cần làm một khách bàng quan đứng nhìn đoàn người tu sĩ khất thực đi qua giữa phố chợ và cử chỉ cung kính của các tín đồ cũng đủ để cảm thấy thanh thản trong tâm hồn. Xã hội có tôn giáo vẫn đẹp hơn một xã hội không tôn giáo.
Thật ra, bất cứ cử chỉ tôn giáo thành tâm nào cũng có sức đánh động tâm hồn con người. Trước đây, tôi thường ghé mua các vật dụng và mồi câu cá tại một tiệm do một người Liban theo Hồi giáo làm chủ. Chiều nào cũng vậy, mặc cho khách hàng có chờ đợi, ông vẫn cứ thản nhiên lấy một tấm giấy cạc-tông trải vào ngay cái lối cửa sau, hướng về phía Tây và sấp mình cầu nguyện. Dù có ác cảm hay thành kiến đối với những người hồi giáo cực đoan đến đâu, tôi cũng vẫn luôn cảm thấy bị “tra vấn” bởi thái độ thành tín này. Nói gì đến tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng chuông chùa hay chuông giáo đường. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của nhà văn Nguyễn Khải trong nước: “Sáng một hồi chuông, tối một hồi chuông, dù có chai lỳ đến đâu, tên cướp nào nghe mãi rồi cũng phải hồi tâm”.
Tôn giáo quả là một trong những nhu cầu cơ bản nhứt của con người. Chối bỏ nhu cầu ấy có thể là một xúc phạm đến cái phần sâu thẳm nhứt trong con người. Chính vì thế mà tôi cảm thấy hoang mang không ít khi đọc cuốn sách “The God Delusion” (Thiên Chúa là ảo tưởng) của tác giả nổi tiếng Richard Dawkins. Mới đây tạp chí “Prospect” (nguyệt san nổi tiếng chuyên về chính trị và thời sự của Anh quốc) đã đặt ông vào danh sách 3 nhà trí thức hàng đầu của thế giới. Là một giáo sư uyên bác của trường đại học Oxford, ông Dawkins không những tự nhận mình là một người vô thần, mà còn quảng bá chủ thuyết vô thần một cách rất tích cực, nếu không muốn nói là “hung hãn”. Dạo tháng trước, giáo sư Dawkins có sang Úc đại lợi và tham gia một cuộc tranh luận truyền hình với đức hồng y George Pell, tổng giám mục Sydney, người được xem là nhà lãnh đạo công giáo có thế giá nhứt tại Úc đại lợi. Cuộc tranh luận đã được rất nhiều người theo dõi. Kết quả cho thấy giáo sư Dawkins được đến 70 phần trăm khán thính giả ủng hộ, trong khi nhà lãnh đạo công giáo Sydney chỉ được 30 phần trăm.
Tuy là người công giáo, tôi chẳng thấy buồn phiền chút nào về sự đánh giá trên đây. Một nhà lãnh đạo tôn giáo không đương nhiên là một nhà trí thức uyên bác, lại càng không phải là một thứ “thày cãi” biết uốn lưỡi và xử dụng nhuần nhuyễn ngôn từ và luận lý như nhồi bóng. Hơn nữa, tôn giáo thường cũng chẳng phải là chuyện để mang ra tranh cãi.
Tôi ngưỡng mộ kiến thức uyên bác và lý luận sắc bén của giáo sư Dawkins. Những vấn đề về “Thiên Chúa”, đặc biệt về Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước hay thái độ cực đoan trong tôn giáo qua nhiều thời đại được ông nêu lên là cơ hội để tôi đào sâu niềm tin tôn giáo của mình.
Tôi chỉ hơi buồn một chút khi vị giáo sư này đòi dẹp bỏ mọi tôn giáo ra khỏi thế giới. Trong lời nói đầu của cuốn sách, giáo sư Dawkins đã trích dẫn ca khúc nổi tiếng “Imagine” (hãy thử tưởng tượng) của cố nhạc sĩ John Lennon, cột trụ của ban nhạc thời danh The Beatles. Ở tuyệt đỉnh danh vọng, người nghệ sĩ tài ba này đã có lúc tự cho mình nổi tiếng và có uy thế hơn cả Chúa Giêsu. Trong ca khúc được nhắc đến nhiều nhứt này, John Lennon đã kêu gọi: “Hãy thử tưởng tượng một thế giới không có tôn giáo”. Vẫn nghĩ rằng biên giới giữa các quốc gia và nhứt là khoảng cách giữa các tôn giáo là chướng ngại lớn nhứt cho hòa bình, Lennon không ngừng đưa ra thông điệp: “Hãy cho hòa bình một cơ hội”.
Lấy lại ý tưởng của nhạc sĩ Lennon, giáo sư Dawkins cũng kêu gọi hãy thử tưởng tượng “một thế giới không có tôn giáo”. Theo ông, một thế giới không có tôn giáo thì làm gì có “chuyện ôm bom tự sát, làm gì có cuộc khủng bố 9 tháng 11 năm 2001, làm gì có các cuộc thập tự viễn chinh, làm gì có sự chia cắt Ấn độ, làm gì có chiến tranh giữa Israel và Palestine, làm gì có những cuộc tàn sát giữa người Serbia, Croatia và Hồi giáo, làm gì có cuộc bách hại người Do thái vì họ là những kẻ “giết Chúa”, làm gì có những xáo trộn ở Bắc Ái Nhĩ Lan, làm gì có những cuộc giết người vì danh dự (trong các gia đình Hồi giáo và Ấn giáo)...làm gì có phong trào Taliban đặt bom làm nổ tung các bức tượng cổ, làm gì có chuyện chặt đầu những kẻ nói phạm thượng, làm gì có chuyện dùng roi đánh vào người phụ nữ chỉ vì họ để lộ một chút thịt da...” (Dawkins R, 2007, The God Delusion, Random House Australia, Sydney, pp1-2).
Nói đến những “lỗi lầm lịch sử” của các tôn giáo thì quả thực không xuể. Năm 2000, Giáo hội công giáo đã chính thực thanh tẩy ký ức bằng cách nhìn nhận những lỗi lầm của con cái mình trong suốt dòng lịch sử. Nói đến những lỗi lầm của Giáo hội công giáo, làm sao quên được vụ án Galileo, làm sao xóa bỏ được những Tòa Điều Tra (Inquisition) và các giàn hỏa thiêu dành cho những người “lạc giáo”, làm sao quên được những cuộc chiến đẫm máu giữa các nước theo Công giáo và những nước theo Tin lành, làm sao chối bỏ được sự kiện lưỡi gươm và thập giá sánh vai nhau hay chuyện vì nhiệt thành rao truyền niềm tin mà chà đạp văn hóa của các dân tộc hoặc cưỡng bách cải đạo...Tôn giáo nào cũng đầy dẫy những mảng tối đáng buồn. Nhưng cái cốt lõi của mọi tôn giáo theo đúng nghĩa đều giống nhau và được diễn tả qua câu nói quen thuộc của người Việt nam chúng ta: “Tôn giáo nào cũng dạy con người ăn ngay ở lành”. Và chính vì dạy con người ăn ngay ở lành mà tôn giáo nào cũng cần thiết cho xã hội. Chẳng có tôn giáo đích thực nào chủ trương tiêu diệt người khác đạo bằng cách này hay cách khác. Có những nhà lãnh đạo tôn giáo tham vọng và ngay cả độc ác, nhưng không có tôn giáo nào là độc ác. Có những nhà lãnh đạo chính trị lợi dụng tôn giáo cho mưu đồ cá nhân, nhưng không hề có tôn giáo nào xem quyền lực thống trị là cứu cánh.
Một thế giới không có tôn giáo hẳn sẽ là một thế giới không những lạc hậu mà còn buồn thảm là khác. Hãy thử tưởng tượng thế giới ngày nay sẽ như thế nào nếu Kitô giáo đã không xuất hiện cách đây 2 ngàn năm. Đã thực sự có một nền văn minh Kitô giáo: đó là điều mà dầu có tiến bộ đến đâu, thế giới cũng sẽ không bao giờ chối bỏ được. Không cần phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo tầm cỡ như đức giáo hoàng Gioan Phaolo II để tuyên bố rằng nhân loại không thể loại bỏ Chúa Kitô ra khỏi lịch sử. Và dĩ nhiên, người ta cũng có  thể nói như thế về Đức Thích Ca, Đức Khổng Tử, hay Đức Lão Tử...Loại bỏ khỏi Hồi giáo những thành phần cực đoan, cuồng tín và khủng bố, người ta cũng phải nhìn nhận rằng giáo lý của Tiên Tri Mahomet đã thực sự mang lại an lạc và hạnh phúc cho biết bao nhiêu người.
Một xã hội không có tôn giáo chỉ có thể là một xã hội băng hoại. Bằng chứng hiển nhiên nhứt là các chế độ lấy chủ nghĩa vô thần làm quốc giáo. Khi Thượng Đế, Thiên Chúa, thần thánh...bị loại bỏ thì con người buộc phải tôn thờ chính con người. Tưởng có thể xây dựng được một xã hội hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của Thiên Chúa và Giáo hội công giáo, những người thực hiện cuộc cách mạng Pháp năm 1789 cũng đành phải sáng tạo ra những vị thần mới và một tôn giáo mới.Thay cho Thượng Đế là Thần Lý Trí. Để tôn thờ Vị Thần ấy, con người lại  tàn bạo, độc ác và dã man gấp nghìn lần những kẻ mà họ đã hạ bệ. Nói gì đến cái thiên đường trần gian không có tôn giáo do những người cộng sản vô thần xây dựng. Tưởng cái thời lạc hậu bán khai khi con người giết người đồng loại để tế thần đã qua. Trong cái tôn giáo “vô thần” được những người cộng sản tuyên xưng, chỉ trong không đầy một thế kỷ, đã có trên cả trăm triệu người bị sát tế trên bàn thờ XHCN.
Tôn giáo chẳng khác nào một bản năng: càng xua đuổi, nó càng trở lại nhanh hơn. Tôi không dám làm “thầy bói” để “gieo quẻ” về tương lai của tôn giáo. Nhưng tôi tin rằng, dưới hình thức này hay hình thức khác, tôn giáo vẫn mãi mãi tồn tại. Tôn giáo tồn tại bởi vì khoa học, dù có tiến bộ đến đâu, cũng vẫn không thể giải đáp được những bí ẩn của kiếp người. Thực ra, tâm hồn con người là cả một bí ẩn mà chẳng có thứ khoa học nào có thể hiểu cho thấu đáo. Chẳng bao giờ khoa học có thể làm cho tâm người ta hoàn toàn an bình mà tôn giáo thì lại có thể làm được. Mãi mãi câu nói của nhà bác học kiêm triết gia Pháp Blaise Pascal vẫn đúng: “Con tim có những lý lẽ mà Lý Trí không biết được” (Le coeur a ses raisons que la raison ne connait point). Tôn giáo cũng có những lý lẽ mà khoa học không thể nào nghiệm chứng được.
Quả thật, khoa học sẽ chẳng bao giờ có thể thế chỗ hay loại trừ tôn giáo ra khỏi tâm hồn con người. Tôn giáo, với những niềm tin hay tín điều xem ra vô lý và ngay cả “ngu xuẩn” đi nữa, vẫn cần thiết cho con người và xã hội loài người. Không chỉ luôn dạy con người ăn ngay ở lành,  tôn giáo còn hiện hữu như một lời kêu gọi sống khoan nhượng. Xét cho cùng, một xã hội biết sống khoan nhượng chính là minh chứng hùng hồn nhứt cho sự cần thiết của tôn giáo trong xã hội hôm nay.