Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Phú quý và lễ nghĩa



Chu Thập
24/2/20
Cuối tuần qua, cái xóm nhỏ của tôi ồn không chịu nổi: 4 người hàng xóm, trong đó có một bà góa, đua nhau cắt cỏ. Sau trận mưa vừa rồi, cỏ lên như thổi. Mấy cái máy nổ bốn thì mở hết công suất, nghe đinh tai nhức óc. Thỉnh thoảng mấy cái máy cắt cỏ rìa lại tru lên những tiếng não nuột. Cụ ông Bruce, một người hàng xóm khác của tôi, đứng nhìn một cách thèm thuồng. Đám cỏ trước nhà cụ trồng toàn loại cỏ mịn thường thấy trong các sân cù (Golf). Loại cỏ “nhà giàu” này đòi hỏi một sự chăm bón rất kỹ. Trong những ngày nắng hạn vừa qua, cụ Bruce đã lỡ tay rắc quá nhiều phân nhưng lại không tưới đủ thành ra một phỉnh lớn của đám cỏ cháy nám. Cụ thấy người ta thi nhau cắt cỏ mà thèm là phải! Suýt soát gần cửu thập, cụ ông cụ bà xem đám cỏ trước nhà như một thứ “nhà thờ”: ngày nào cũng tẩn mẩn tỉ mỉ khòm lưng nhổ từng cây cỏ dại.  Khổ nỗi, cái giống cỏ dại mà nhiều người Việt đặt cho cái tên là “cỏ cộng sản” không phải là thứ dễ diệt trừ: nhổ ngày hôm trước, ngày hôm sau lại thấy xuất hiện! Cứ nhìn cảnh vợ chồng cụ Bruce chăm sóc đám cỏ trước nhà mà thấy thương!
Trong cái xóm không đầy  20 nóc nhà này, nhà tôi được bạn bè bà con Việt Nam đến thăm cho là chẳng giống ai. Ngoài cái “quê hương bỏ túi” được nhét đầy những cây cối nhiệt đới, vườn nhà tôi chẳng có nơi nào đáng gọi là bãi cỏ cả. Là dân nhà quê thứ thiệt, tôi quý đất hơn vàng. Không có tham vọng “trồng cỏ” để làm giàu một cách bất chính đã đành, nơi nào còn trống là tôi trồng cây ăn trái và rau xanh. Có hoa quả để ăn mà cũng chẳng phải quá mất giờ để chăm sóc và cắt cỏ. Cũng may, ở Úc này không có quy định nào về chuyện phải có sân cỏ và chăm sóc cỏ cả!
Nghe nói hồi năm 2016, tại thành phố có tên là Cahokia ở Tiểu bang Illinois bên Mỹ, một người phụ nữ bị cho vào nhà pha bóc lịch. Tội của bà ư? Vì không chịu cắt cỏ. Năm 2019, một người đàn ông ở tiểu bang Florida bị thành phố Dunedin phạt 30 ngàn Mỹ kim vì tội để cho cỏ lên cao quá 10 inches, tức 20.45cm.
Nước Mỹ “vĩ đại” và xem ra cái gì cũng khác người. Một cuộc nghiên cứu được thực hiện hồi năm 2005 ước tính trên toàn nước Mỹ có trên 40 triệu mẫu Anh (mỗi mẫu Anh rộng khoảng 4000 thước vuông) được dùng làm sân cỏ, công viên, vận động trường v.v. Nhưng đáng nói hơn, người Mỹ bỏ ra mỗi năm 60 tỷ Mỹ kim để chăm sóc vườn cỏ.
Theo Bộ Nông Nghiệp Mỹ, các bãi cỏ của các gia đình người Mỹ ngốn hết một nửa lượng nước tiêu dùng và phần lớn lại bị phí phạm. Ngoài ra, mỗi năm người Mỹ còn sử dụng đến 80 triệu cân Anh phân hóa học và thuốc trừ sâu cho các bãi cỏ. Điều đáng quan ngại là phân hóa học và thuốc trừ sâu là nguồn chính của đủ các loại độc tố và chất gây ung thư được thải ra trong nước và bầu khí quyển.
Không hiểu sao mỗi lần nhìn ngắm một bãi cỏ trong các gia đình ở các nước Tây Phương, tôi lại nghĩ đến câu nói quen thuộc của người Việt Nam: “phú quý sinh lễ nghĩa”. Trong tác phẩm Homo Deus (Người-Thượng Đế), sử gia Israel, ông Yuval Noah Harari giải thích rằng “cái ý tưởng trồng một bãi cỏ trước cửa nhà bắt nguồn từ các lâu đài của giới quý tộc ở Pháp và Anh vào thời Trung Cổ”. Điều đó có nghĩa là phải giàu có và quý phái người ta mới trồng một bãi cỏ trước nhà. Như vậy bãi cỏ được xem như biểu tượng của giai cấp và địa vị cao trong xã hội. Chỉ có người giàu mới có đủ điều kiện để trồng và chăm sóc cái biểu tượng của sự giàu sang ấy!
Ngày nay, bãi cỏ trước hay sau nhà đã nghiễm nhiên trở thành biểu tượng và thước đo của sự thành công, giàu có và ổn định. Càng giàu sang phú quý thì bãi cỏ càng lớn! Nếu như “phú quý sinh lễ nghĩa” thì trong một ý nghĩa nào đó, bãi cỏ cũng là một thứ “lễ nghĩa” xem ra không thể thiếu được trong xã hội văn minh và giàu có.
Ở Việt Nam, do điều kiện đất hẹp người đông, bãi cỏ chưa được xem là một thứ “lễ nghĩa” cần phải có. Nhưng kể từ khi mở cửa đi theo “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, có biết bao nhiêu thứ “lễ nghĩa”mới được du nhập từ nước ngoài  hay hồi sinh. Tôi còn nhớ cách đây không lâu, lần đầu tiên về Việt Nam để làm một chuyến gọi là “xâm nhập thực tế” từ Nam ra Bắc, trên con đường từ Hà Nội ra Vịnh Hạ Long, ở một ngôi làng nào đó tôi thấy nhà cửa khang trang mọc lên như nấm và điều đập vào mắt tôi nhiều nhứt là hầu như trên nóc nhà nào cũng có một cái tháp y chang như trong các lâu đài cổ bên Pháp hay Âu Châu. Kể từ đó, đi khắp nước, tôi mới thấy quả thật “phú quý sinh lễ nghĩa”. Người ta bày ra hay làm sống lại mọi thứ “lễ nghĩa”. Không riêng đám cưới, mà ma chay cũng được tổ chức một cách rình rang với đủ mọi thứ “lễ nghĩa”. Mà đâu có riêng trong nước, cứ thử quan sát một đám cưới hay đám ma của người Việt Nam ở hải ngoại chẳng hạn, người ta cũng sẽ thấy đủ mọi thứ “lễ nghĩa”.
Những cái tháp trên các nóc nhà ở một số địa phương miền Bắc Việt Nam dĩ nhiên gợi lên tính biểu tượng của kiến trúc “mà các nhà cai trị độc đoán cũng sử dụng để tạo nên ánh hào quang của sự vĩ đại”. Theo giáo sư Nina L.Khrushcheva, giáo sư về ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học The New School, New York, “kiến trúc là một trong những công cụ như vậy. Từ các pharaoh Ai Cập đến các hoàng đế La Mã hay các nhà độc tài đương thời như Kim Jong Un của Triều Tiên, tất cả các nhà lãnh đạo độc đoán thường sử dụng (hoặc lạm dụng) kiến trúc để thao túng nhận thức của công chúng, bằng cách tạo ra những không gian công cộng hùng vĩ phản ảnh hình ảnh lộng lẫy của họ”. Giáo sư Khrushcheva cũng nhắc đến sự kiện “chính quyền của Tổng thống Trump đang cho lưu hành một dự thảo sắc lệnh hành pháp có tên là “Làm cho các tòa nhà liên bang đẹp trở lại”. Dự thảo sắc lệnh này yêu cầu các kiến trúc sư tuân thủ các thiết kế kiến trúc “cổ điển”, lấy cảm hứng từ truyền thống Hy Lạp và La Mã”. Theo giáo sư Khrushcheva, “có lẽ điều này không gây ngạc nhiên. Rất lâu trước khi trở thành tổng thống, Trump đã sử dụng kiến trúc để khẳng định quyền lực và đặc quyền của mình. Chẳng hạn, các công trình mạ vàng lòe loẹt đặc trưng cho nhiều tòa nhà của ông có nhiều điểm tương đồng với cách bài trí xa hoa được lựa chọn bởi những nhà lãnh dạo chuyên quyền hiện tại như Tập Cận Bình của Trung Quốc, Vladimir Putin của Nga hay Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỹ”
Tôi không rành chữ Hán. Nhưng trong ngũ thường “nhân nghĩa lễ trí tín”, tôi thường được ông bà cha mẹ dạy rằng lễ và nghĩa được xem là hai “nhân đức” quan trọng làm nên nhân cách. Lễ là phải cư xử hòa nhã với mọi người. Còn nghĩa đòi hỏi phải biết tôn trọng công bình theo lẽ phải. Tôi cũng được dạy rằng không cần phải chờ cho đến lúc “phú quý” mới thực thi hai “nhân đức” nghĩa và lễ. Đã là nhân đức thì giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay ngu dốt,  lãnh tụ hay dân đen...ở bất cứ địa vị nào trong xã hội, ai cũng phải “tu nhân” và sửa tánh để biết đối nhân xử thế và sống cho ra người tử tế.








Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

Tiếng kêu cứu của Mẹ Đất!


Chu Thập
15/2/20
Ông bạn hàng xóm của tôi là người “nhiều chuyện”. Dân Úc rặc trong xóm tôi thường kiệm lời. Gặp nhau “hello” hay hỏi một cách xã giao “How are you?” là cùng. Nhưng ông bạn hàng xóm của tôi thì lúc nào cũng có chuyện để kể. Gần đây ỗng đã trở thành một nhà khí tượng đáng tin cậy của tôi. Hễ cứ gặp nhau là ổng tuôn ra đủ thứ dự báo về thời tiết. Mà cũng lạ, dự báo nào của ổng cũng đều trúng phóc. Ổng báo mưa thì có mưa. Ổng nói sẽ có giông là có giông. Ổng thích đưa ra những nhận xét về sự thay đổi của thời tiết. Một buổi sáng cách đây không lâu, ông gọi tôi đến gần chiếc xe đậu trước nhà, chỉ vào tấm kính rồi bày tỏ sự ngạc nhiên: “Mùa hè năm nay thật khác lạ: đêm nóng chảy mỡ, vậy mà sáng ra lại thấy có một lớp đá đóng trên kính xe!”  Tôi mới dò hỏi: “Vậy ông có tin có khí hậu thay đổi không?” Không biết câu hỏi có đánh đúng tim đen của ông không, ngập ngừng một lúc ông mới trả lời: “Về khí hậu thay đổi, tôi chỉ bán tín bán nghi”.
Gần đây, tôi sợ đụng đến quan điểm chính trị và bởi khí hậu thay đổi cũng là một vấn đề chính trị “nhạy cảm” cho nên tôi luôn cố gắng tránh né để khỏi tranh cãi và đụng độ một cách vô ích. Về hiện tượng khí hậu thay đổi và thay đổi vì hoạt động của con người, tôi tin các nhà khoa học hơn các chính trị gia. Bao nhiêu hội nghị thượng đỉnh và hiệp định về khí hậu thay đổi cho tới nay cũng chẳng đi tới đâu. Trái đất vẫn tiếp tục bị hâm nóng, bầu khí quyển và nguồn nước vẫn tiếp tục bị ô nhiễm.
Không tin các chính trị gia đã đành, tôi cũng nghi ngờ thiện chí của những người giàu có khi họ hô hào cuộc chiến chống lại khí hậu thay đổi. Đứng đầu danh sách các tỷ phú hào sảng nhứt trong cuộc chiến chống lại khí hậu thay đổi, tôi nghĩ đến trước tiên ông chủ của hãng máy bay dân dụng Virgin Blue là Sir Richard Branson. Vào năm 2006, ông này cam kết bỏ ra 3 tỷ Mỹ kim để nghiên cứu và tìm cho bằng được một thứ nhiên liệu khả dĩ thay thế được dầu và khí đốt là hai thủ phạm chính hâm nóng trái đất và làm cho khí hậu thay đổi. Một năm sau, ông còn bỏ ra 25 triệu Mỹ kim để treo giải thưởng cho người đầu tiên tìm ra được phương pháp khả dĩ mỗi năm có thể loại trừ được một tỷ tấn khí thải ra khỏi bầu khí quyển. Nhưng đào đâu ra tiền để nhà tỷ phú này tỏ ra hào sảng như thế? Thưa từ việc hãng máy bay của ông tiếp tục nhả khí thải vào bầu khí quyển! Có người bảo tỷ phú Branson chống lại ô nhiễm bằng cách gây ô nhiễm!
Trong hàng ngũ những người giàu có luôn hăng say hô hào chống lại khí hậu thay đổi có lẽ cũng phải kể đến tên của ông Warren Buffett. Không ai chối cãi được tấm lòng quảng đại của tỷ phú giàu nhứt nhì thế giới này trong các công tác từ thiện. Ông Buffett không ngừng lên tiếng cảnh cáo về những hậu họa của khí hậu thay đổi. Nhưng ai cũng biết rằng ông tỷ phú này đã và đang đầu tư rất nhiều trong các công ty chuyên gây ô nhiễm trong đó có công ty dầu khí ExxonMobil.
Nhắc đến những người giàu có hô hào chống lại khí hậu thay đổi có lẽ cũng phải kể đến tên của tỷ phú Michael Bloomberg, người hiện cũng đang lăm le nhảy vào cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc dưới lá cờ của Đảng Dân Chủ. Tỷ phú này đã đóng góp rất nhiều cho các tổ chức bảo  vệ môi sinh như Sierra Club và EDF. Lúc còn làm thị trưởng New York, ông cũng đã được ca ngợi vì các chính sách bảo vệ môi sinh. Nhưng nhiều người vẫn đặt vấn đề về nguồn gốc của khối tài sản kết xù của ông, bởi vì ông đã làm giàu phần lớn nhờ vào công ty luật Willett Advisers chuyên cố vấn về dầu khí.
Tên tuổi của nhà từ thiện Buffett cũng thường gắn liền với một tỷ phú nổi tiếng khác là Bill Gates. Mặc dù rất được biết đến vì những nỗ lực chống lại khí hậu thay đổi, tính đến năm 2012, Sáng hội Gates Foundation của vợ chồng ông lại đầu tư ít nhứt là 1.2 tỷ Mỹ kim vào hai công ty dầu khí khổng lồ là BP và ExxonMobil (x.Naomi Klein, This Changes Everything, Capitalism vs.The Climate, Alfred A.Knoff,Canada, 2014, trg 230-238).
Mới đây, tôi cũng chú ý đến tên tuổi của một người nổi tiếng khác là danh thủ quần vợt Roger Federer. Trên sân thể thao, tư cách của danh thủ này lúc nào cũng sáng chói. Tuy nhiên, gần đây, triệu phú thể thao này lại trở thành điểm nhắm của  Greta Thunberg, cô thiếu niên người Thụy Điển hiện đang nổi tiếng vì cuộc tranh đấu chống lại khí hậu thay đổi. Sở dĩ đã có lời qua tiếng lại giữa hai người nổi tiếng này là vì Federer hiện đang đầu tư rất nhiều vào Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ, mà kể từ năm 2016,  Ngân hàng này lại cho các công ty khai thác dầu khí vay đến 57 tỷ Mỹ kim.
Sở dĩ Federer đã bị Thunberg và những nhà tranh đấu cho môi sinh chiếu cố đến là bởi vì danh thủ này đến Úc Đại Lợi để tham dự Giải Australian Open vào giữa lúc nạn cháy rừng đang nhận chìm quốc gia miệt dưới này trong khói lửa. Trong một tuyên ngôn được đưa ra khi đến Úc, Federer nói rằng ông biết ơn những nhà tranh đấu trẻ vì họ nhắc nhở ông về trách nhiệm của một nhà thể thao và kinh doanh đối với hiện tượng khí hậu thay đổi.
Khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì Úc Đại Lợi đang trải qua những ngày mưa tầm tã. Nhiều nơi bị ngập lụt, cúp điện. Suốt ngày bó chân bó cẳng lẩn quẩn trong nhà, không ra vườn được, không đi câu được và cũng chẳng có bạn bè để “nhậu nhẹt” bù  khú cho hết cái khối thời giờ của một “tỷ phú thời gian”, có lúc tôi thấy buồn. Nhưng nghĩ lại mới thấy đó là một nỗi buồn ích kỷ. Tại sao không vui khi mưa giúp dập tắt và ngăn ngừa lửa rừng, khi nhà nông có nước để gieo trồng, khi mực nước trong các đập nước dâng cao bảo đảm việc cung ứng nước cho mọi người và nhứt là khi cây cối và rau xanh trong vườn của tôi được tưới tẩm.
Tự vấn lương tâm trong mấy ngày mưa, tôi thấy rõ ràng mình là người đầu tiên đáng bị đem ra chỉ trích. Người ta thường có khuynh hướng nhìn vào người khác kể cả những người giàu có , nổi tiếng để chỉ trích mà quên mất là chính bản thân cũng cần bải bị “tự kiểm”. Đâu cần phải làm điều ác, đâu cần chỉ nghĩ đến lợi ích, quyền lợi, niềm vui và hạnh phúc riêng của mình mà không màng đến niềm đau nỗi khổ của người khác, nhứt là những người đang phải hứng chịu những hậu quả khốc liệt của khí hậu thay đổi cũng đã là một cái tội rồi. Lại phải để cho ông tổ của chủ nghĩa Marxit nhắc nhở: “Chỉ có súc vật mới quay lưng trước nỗi khổ của đồng loại để chăm sóc cho bộ da riêng của mình”!
Tôi còn nhớ, cách đây 13 năm, trong một bài diễn văn đọc trong Hội nghị Thượng đỉnh Toàn quốc được tổ chức tại Quốc hội Liên bang ở Canberra, thủ tướng Úc lúc bấy giờ là ông Kevin Rudd đã tuyên bố rằng khí hậu thay đổi là “thách đố luân lý lớn nhứt của thế hệ chúng ta”. Là một nhà lãnh đạo quốc gia, có lẽ thủ tướng Rudd nghĩ đến trước tiên trách nhiệm của các chính phủ đối với khí hậu thay đổi. Nhưng nếu trái đất là ngôi nhà chung của mọi người thì bảo vệ môi sinh, chống lại khí hậu thay đổi phải là nghĩa vụ luân lý của mỗi người, chớ không chỉ là trách nhiệm của các chính phủ, của những người giàu có hay của một đảng xanh nào đó.
Dựa trên các bản tường trình của các chính phủ, một cuộc nghiên cứu được đăng trên báo Environmental Research Letters (Thư tín về Nghiên cứu Môi sinh), chứng minh rằng trong cuộc chiến chống lại khí hậu thay đổi, người dân không nên mong đợi quá nhiều nơi chính sách và hành động của các chính phủ. Cuộc nghiên cứu khẳng định: “Đảo ngược khí hậu thay đổi bắt đầu từ chính bạn”   
Cách sống của tôi, ít hay nhiều, đều ảnh hưởng đến sự thay đổi của khí hậu và sự gia tăng hay giảm bớt sự ô nhiễm của môi sinh. Khói thuốc lá tôi nhả ra mỗi ngày và một tàn thuốc lá tôi vứt bừa bãi xuống đất chắc chắn đã góp phần vào việc làm cho môi sinh bị ô nhiễm. Nói gì đến khói từ xe hơi của tôi! Nghĩ cho cùng, có biết bao nhiêu hành động phung phí thiếu trách nhiệm của tôi làm cho trái đất thêm hâm nóng và ô nhiễm. Trái lại, một cố gắng nhỏ của tôi như giảm thiểu tối đa việc sử dụng bao bị ni lông chẳng hạn cũng có thể giúp giảm được không biết bao nhiêu khí thải! Thật là thiếu đạo đức khi biết giữ cho nhà mình sạch sẽ mà lại không màng gì tới rác rến trong ngôi làng toàn cầu.
Tôi đã và đang làm gì trước tiếng kêu thảm thiết của Mẹ Đất? Có lẽ  đó phải là câu hỏi buộc tôi phải tự vấn lương tâm, buộc tôi phải cân nhắc trong việc sử dụng mọi thứ chung quanh mình mỗi ngày hơn bao giờ hết.







Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

Ngày Không Nên Quên...



Chu Thập
03/02/20
Tháng Giêng năm 2020 được đánh dấu bằng nhiều biến cố khó quên như Vương quốc Anh thống nhứt chính thức rút ra khỏi khối Liên Âu, dịch bệnh do vi khuẩn Corona đang đặt toàn thế giới vào tình trạng khẩn trương và dĩ nhiên chuyện tổng thống Mỹ Donald Trump bị luận tội. Riêng về trường hợp tổng thống Mỹ thứ 45 này, dù có trắng án đi nữa, ông cũng sẽ mãi mãi được nhắc đến như vị tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị mang ra đàn hặc. Có những biến cố lịch sử không bao giờ có thể bị xóa khỏi ký ức tập thể của nhân loại. Với tôi, một trong những biến cố khó quên ấy chính là cuộc sát tế người Do Thái do Đức Quốc Xã chủ trương trong thời Đệ nhị Thế chiến.
Ngày 27 tháng Giêng vừa qua kỷ niệm đúng 75 năm ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng trại tập trung Đức Quốc Xã tại Auschwitz. Ba Lan. Mặc dù sinh sau biến cố này gần 2 năm, với ký ức tập thể của nhân loại, tôi cũng vẫn cảm thấy như thể chính mình đã trải qua biến cố đau thương ấy. Rải rác khắp Âu Châu, đã có tới 6 triệu người Do Thái bị sát hại bằng nhiều cách khác nhau bởi bàn tay của chế độ Đức Quốc Xã và những người hợp tác với chế độ đồi bại này. Để cho mọi thế hệ ở khắp mọi nơi trên thế giới này đừng quên biến cố đau thương chung của toàn thể nhân loại ấy, ngày Mùng Một tháng Mười Một năm 2005, trong phiên khoáng đại lần thứ 42, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết lấy ngày 27 tháng Giêng hàng năm làm Ngày Thế Giới Tưởng Niệm Cuộc Sát Tế.
Một người sinh sau đẻ muộn như tôi và chẳng có giây mơ rễ má nào với người Do Thái ở Âu Châu trong thời Đệ nhị Thế chiến mà vẫn cảm được nỗi đau chung của nhân loại thì huống chi những người còn sống sót trở về từ các trại tập trung và hậu duệ của họ. Nhưng hận thù có khi không phải là thuốc chữa cho vết thương tưởng chừng như không bao giờ khép lại ấy. Chính vì vậy mà ngày 27 tháng Giêng hàng năm, con cháu của những người còn sống sót và chính họ muốn nhắn gởi cho thế giới một thông điệp có giá trị hơn bao giờ hết cho thế giới ngày nay.
Chia sẻ trên trang mạng Psycholigy Today, Tiến sĩ Mona S Weissmark cho biết: cha mẹ của bà là những người sống sót trở về từ các trại tập trung Auschwitz, Dachau và Buchenwald.  Trong trại tập trung, mẹ của bà được đóng dấu lên cánh tay với con số 47021 và cha của bà mang số 184879. Những con số được xâm lên người này không bao giờ có thể được tẩy xóa. Chúng đã trở thành hình ảnh sống động của tính vô nhân đạo của con người trong cuộc sát tế người Do Thái.
Theo Tiến sĩ Weissmark, chỉ trừ một số ít anh chị em bà con, hầu như mọi người trong đại  gia đình của cha mẹ bà đều đã bị Đức Quốc Xã tàn sát. Trong bức hình của đại gia đình mà cha bà vẫn luôn giữ trong người, số người sống sót không đếm đủ trên đầu ngón tay!
Dù đã trải qua tận cùng của đớn đau và hãi hùng, cha mẹ của Tiến sĩ Weissmark vẫn quyết định không để cho con gái mình phải sợ hãi vì những ký ức của họ. Ông bà chỉ kể lại cho cô con gái nghe kinh nghiệm của họ khi được hỏi mà thôi. Họ đã cương quyết  chôn chặt quá khứ để cho con gái của họ có được một tuổi thơ hồn nhiên và hạnh phúc.
Tiến sĩ Weissmark chào đời tại một nông trại ở Vineland, Tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Cha mẹ của bà đã gặp nhau  và lấy nhau tại Đức sau Đệ nhị Thế chiến và di dân sang New York, rồi định cư tại Vineland. Vineland là quê hương thứ hai của nhiều người Do Thái sống sót từ các trại tập trung Đức Quốc Xã. Mặc dù cố gắng  chôn chặt quá khứ, cha mẹ của Tiến sĩ Weissmark cũng không thể tránh khỏi những câu hỏi nhức nhối của cô con gái như: tại sao cánh tay của họ bị xâm với những con số không thể tẩy xóa được? Cô dì, chú bác và ông bà nội ngoại của cô đã chết như thế nào? Các cai tù Đức Quốc Xã đã đối xử với họ ra sao? Làm thế nào để người Đức biết được họ là người Do Thái?
Tiến sĩ Weissmark thú nhận rằng bà hận người Đức và chỉ mong thấy họ đau khổ và bị trừng phạt vì những  tội ác họ đã gây ra cho người Do Thái. Có lúc người con gái đặt thẳng câu hỏi với mẹ mình: “Mẹ có thù ghét người Đức không?” Tiến sĩ Weissmark kể lại: lúc đó, mẹ bà mới nhìn thẳng vào mắt con gái  và chậm rãi nói từng tiếng một như thể muốn nhắn gởi cho mọi người một sứ điệp: “Mẹ không thù ghét người Đức. Hận thù cũng giống như bệnh ung thư. Nó đầu độc và lan ra toàn thể con người của con. Và chính con sẽ trở thành điều con thù ghét. Những người Đức Quốc Xã đã không chiến thắng bởi vì mẹ đã giữ được tình nhân đạo trong mẹ. Họ đã không thể và sẽ không thể cướp đi nó (tình nhân đạo) khỏi mẹ”.
Tiến sĩ Weissmark thú nhận rằng lúc đó bà không hiểu được hoàn toàn cái nhìn của mẹ mình. Làm sao mẹ bà không thể không thù ghét người Đức?
Thế rồi vài tháng trước khi qua đời, mẹ bà được một người thuộc Sáng Hội Shoah (Sáng hội Tưởng niệm cuộc sát tế) hỏi: “Bà có muôn nhắn gởi điều gì với thế giới về nỗi đau khổ mà bà đã trải qua tại Auschwitz không?” Mẹ bà im lặng một lúc rồi nói: “Tôi muốn thế giới biết rằng đừng có ai phải đau khổ như tôi đã từng đau khổ”.
Câu trả lời của người mẹ khiến cô con gái phải ngạc nhiên. Thì ra bà đã sống mỗi ngày nỗi đau mà bà đã từng nếm trải trong trại tập trung Auschwitz. Dù vậy, bà vẫn cương quyết không để cho hận thù gậm nhấm tâm hồn mình và chỉ mong sao không có ai phải đau khổ như mình. Tiến sĩ Weissmark kết luận: “Đây là một hành động cảm thông”
Trong một bài diễn văn đọc tại Tòa Bạch Ốc, Elie Wiesel (1928-2016) một người cũng sống sót trở về từ một trại tập trung Đức Quốc Xã và được trao tặng Giải Nobel Văn Chương năm 1986, đã nhấn mạnh rằng sự vô cảm của con người trước nỗi khổ đau của người đồng loại là mối nguy hiểm lớn nhứt đối với nhân loại.
Hitler đã không có ba đầu sáu tay để một mình có thể sát tế 6 triệu người Do Thái. Đa số người Đức đã bỏ phiếu để chuẩn nhận tư cách đồ tể của ông. Sát cánh bên ông còn có rất nhiều người rải rác khắp Âu Châu. Cái chết của 6 triệu người Do Thái là thước đo của chính sự vô cảm của con người. Quả thật điều nguy hiểm nhứt cho nhân loại không phải là bệnh tật hay chiến tranh mà chính là sự vô cảm. Đó là bài học có tính thời sự hơn bao giờ hết mà ngày 27 tháng Giêng hàng năm vẫn tiếp tục nhắc nhở cho thế giới.