Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Thế giới cần những con người lương thiện tử tế


Chu Thập
03.11.03
Ngày đầu tháng 11 hàng năm, theo truyền thống Kitô giáo, tôi thường đến một nghĩa trang để tưởng nhớ người quá cố. Không có người thân ruột thịt nào của tôi yên nghỉ ở bất cứ nghĩa trang nào tại Úc Đại Lợi này cả, nhưng tôi vẫn tin tưởng và cảm nhận được sự hiện diện “như tại” của họ, như thể h đang ở trước mặt tôi, bên cạnh tôi để tôi có thể truyện vãn và hỏi han về bất cứ chuyện gì. Không riêng gì người thân, mà cả những người xa lạ không quen biết, cứ hễ đã là người “quá cố” thì đều trở thành thiết thân gần gũi với tôi. Trong số những người dưng nước lã” đã trở thành thân thiết ấy, năm nay tôi muốn đặc biệt tưởng nhớ và gặp gỡ một số nhân vật lịch sử.
Trước hết là cố tổng thống Ngô Đình Diệm, vị nguyên thủ quốc gia đã thành lập nền Đệ Nhứt Cộng Hòa và đã bị sát hại ngày 1 tháng 11 năm 1963, cách đây đúng 50 năm. Khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị các tướng lãnh đảo chính, lật đổ và giết chết một cách tàn bạo dã man, tôi đang chuẩn bị thi Trung học đệ nhứt cấp. Ở tuổi vị thành niên, nhận thức chính trị của tôi còn mù mờ non nớt. Lúc đó, cùng với các bạn học “di cư Bắc Kỳ”, tôi đã khóc khi hay tin tổng thống Diệm, người mà từ lúc có trí khôn tôi đã “suy tôn” khi hát bài “Ai bao năm vì đất nước quên thân mình…”, bị sát hại. Lúc đó, tôi không biết chính sách cai trị của tổng thống Diệm có độc tài không, ông có chủ trương bách hại tôn giáo không, chế độ của ông có phải là gia đình trị không. Óc quan sát và nhận định của tôi chỉ vừa đủ để nhận thấy rằng sự sụp đổ và cái chết của tổng thống Diệm đã dẫn đến sự phá sập các ấp chiến lược, mở ngõ cho Việt Cộng ào ạt tràn vào thôn làng và khắp mọi hang cùng ngõ hm của đất nước và kéo theo một giai đoạn đy xáo trn với sự đổ quân ào ạt của người Mỹ vào Việt Nam và cuối cũng dẫn đến sự sụp đổ quá nhanh của Miền Nam Việt Nam. Ngày nay, với sự giải mã của những tài liệu liên quan đến cuộc chiến tại Việt Nam mà tôi có dịp đọc được, tôi mới hiểu được rằng cái chết của tổng thống Diệm và ngay cả cái chết của cả Miền Nam Việt Nam dường như đã được người Mỹ “an bài” và định đoạt cả.
Đó là chuyện lịch sử. Mà nói như Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã là lịch sử thì có bàn luận hay tuyên bố thế nào đi nữa, cũng chẳng thay đổi được. Trong ngày hôm nay, khi “gặp” cố tổng thống Diệm để “hỏi chuyện”, tôi tin chắc rằng ông chẳng phải tự biện minh, trách cứ hay nuôi dưỡng bất cứ một sự thù hận nào nữa. Dù có đứng ở phía chống đối để chỉ trích hay lên án ông vì những lầm lỗi ông đã sai phạm trong chính sách cai trị của ông, tôi nghĩ rằng không ai có thể tìm được bất cứ một tài liệu lịch sử nào cho thấy ông không là một con người thanh liêm, chính trực và đạo đức. Tôi đã từng ca bài “suy tôn Ngô tổng thống” suốt gần 10 năm trời, nhưng tôi chưa hề tôn ông làm thần tượng. Với tôi, ông là một nhà lãnh đạo lương thiện và tử tế hiếm thấy trong thời đại nhiễu nhương. Thế giới vẫn luôn cần những con người như thế. Nếu có một tiếng nói mà tôi có thể nghe được từ cố tổng thống Ngô Đình Diệm thì tiếng nói đó là một lời mách bảo rằng thế giới cần những con người lương thiện, tử tế và đạo đức hơn những anh hùng.
Tưởng nhớ cố tổng thống Ngô Đình Diệm trong ngày 1 tháng 11 năm nay, tôi cũng liên tưởng đến một người mà lịch sử đã cho thấy có dính líu đến cái chết của tổng thống Diệm cũng như tương lai đen tối của đất nước. Người đó là cố tổng thống Hoa Kỳ, John F.Kennedy, người cũng đã ra đi trong một cái chết thảm thiết chỉ sau tổng thống Diệm đúng 21 ngày. Là một người trẻ đang đi tìm cho mình một mẫu người lý tưởng, tôi cũng đã có lúc say mê hình tượng của ông. Thời đó, người thanh niên nào mà chẳng thuộc nằm lòng câu nói để đời của ông khi ông ngỏ lời với thanh niên Mỹ: “Đừng hỏi đất nước phải làm gì cho các bạn, mà hãy tự hỏi các bạn phải làm gì cho đất nước”.
Nhưng ngày nay, nếu cố tổng thống Kennedy còn sống trong ký ức của tôi thì hẳn không phải là hình tượng của một chính trị gia trẻ trung, tài ba, có sức thu hút lạ thường, mà là một con người biết “sám hối”. Sau khi hay tin tổng thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát, nghĩa là chỉ vài tuần lễ trước khi chính mình cũng trải qua cùng một số phận, tổng thống Kennedy, mặc dù là người đã khai mở chính sách can thiệp thô bạo vào nội tình Việt Nam, “đã tỏ ra xúc động sâu xa và chưa bao giờ buồn rầu đến như thế kể từ khi xảy ra vụ (khủng hoảng và đối đầu với Liên xô tại) Cuba năm 1960. Ông nói: “Ông Diệm đã từng chiến đấu 20 năm trường cho quê hương ông, lẽ nào phải kết liễu như thế.”(M.Taylor, Swords and Plowshares, trg.301). Điều này đã làm cho tổng thống John F. Kennedy ray rức rất nhiều về phương diện tôn giáo và luân lý.” (Phạm văn Lưu, Biến cố chính trị Việt Nam hiện đại, Centre for Vietnamese Studies, 1994, trg 204).
Với tôi, con người thể hiện “tính người” nhiều nhứt khi họ biết hối tiếc, hối hận hay sám hối. Có lẽ ai vào nghĩa trang cũng đều thấy tự nhiên trào dâng trong tâm hồn nỗi niềm thương tiếc trước sự ra đi của người quá cố. Nhưng có lẽ người quá cố cũng sẽ nhắc nhở người còn sống rằng chỉ có một tình cảm đáng trân quý nhứt đó là sự hối tiếc và niềm hối hận khi mình đã gây thiệt hại, làm tổn thương người khác và nhứt là xúc phạm đến sự sống của họ. Tôi nghĩ đó là điều mà có lẽ cố tổng thống Kennedy muốn nói với tôi khi ông nghĩ đến cái chết thảm thiết của cố tổng thống Ngô Đình Diệm mà một cách gián tiếp ông đã gây ra khi chính phủ của ông đã “mua chuộc” các tướng lãnh Việt Nam để thực hiện cuộc đảo chính dẫn đến cái chết của tổng thống Diệm.
Nhìn bức tượng đồng “Thương tiếc” do thiếu tá điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu thực hiện và được dựng lên tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa trước năm 1975 và sau năm 1975, bị bạo quyền Việt Cộng giật sập và phá hủy, tôi thường nghĩ đến sự hối hận mà con người phải nuôi dưỡng trong cuộc sống. Bức tượng ấy dĩ nhiên gợi lên niềm tiếc thương đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, nhưng đồng thời cũng nhắc nhở về tính phi lý của một cuộc chiến mà do tham vọng hay mù quáng ý thức hệ, những người cộng sản Miền Bắc đã gây ra. Tiếc thương cho những người đã nằm xuống, dù ở bên nào của cuộc chiến, và hối hận vì đã gây ra cuộc chiến nồi da xáo thịt: đó là điều mà lẽ ra bất cứ ai còn có chút lương tri và biết tôn trọng lẽ phải, cũng đều phải có.
Tiếc thay, nhiều người cộng sản Miền Bắc, cho đến lúc chết, vẫn chưa có được thứ tình cảm bình thường ấy của con người. Trong ngày 1 tháng 11 năm nay, tưởng nhớ cố tổng thống Ngô Đình Diệm và cố tổng thống John F. Kennedy, tôi cũng không thể không nghĩ đến “nhất tướng công thành vạn cốt khô” Võ Nguyên Giáp. Rồi đây, mỗi khi tưởng niệm tổng thống Ngô Đình Diệm và tổng thống Kennedy, người ta cũng buộc phải liên tưởng đến ông Võ Nguyên Giáp, vì tên tuổi của ông  gắn liền với cuộc chiến phi lý tàn bạo mà cả hai vị tổng thống kia đều can dự vào. Nhắc đến cuộc chiến ấy, người ta cũng không thể không nghĩ đến 15 ngàn thanh niên thiếu nữ Miền Bắc bị ông đem nướng trong lòng chảo Điện Biện Phủ để được ông Hồ Chí Minh thăng cấp “đại tướng”. Nhắc đến ông người ta không thể không nghĩ đến 4 triệu đồng bào ruột thịt Nam Bắc bị ông mang ra tế sát trên bàn thờ xã hội chủ nghĩa trong cuộc chiến tương tàn để được mãi mãi mang danh hiệu “đại tướng huyền thoại”. Nhưng nhắc đến ông, thế giới cũng sẽ mãi mãi không bao giờ quên được thái độ “không chút mảy may” hối hận vì đã hy sinh đến hàng triệu triệu đồng bào ruột thịt để chỉ mang lại đau thương tang tóc và khốn khổ cho cả dân tộc.
Mới đây, sau khi ông Giáp đã nằm xuống, tác giả Stein Tonneson, một học giả có nhiều nghiên cứu về Việt Nam và hiện đang làm việc tại viện nghiên cứu hòa bình Oslo và chương trình nghiên cứu hòa bình Đông Á của Đại học Uppsalla, đã ghi lại hai cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara (1916-2009) với ông Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên hai cựu thù đã gặp nhau là năm 1995, sau khi chiến tranh chấm dứt được đúng 20 năm. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã có một ấn tượng khá đẹp về Việt Nam khi ông được đón tiếp không phải như kẻ thù mà như một người bạn. Ông tin tưởng và lạc quan đến độ nói với các nhà báo: “Tôi thực sự cảm động khi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nam đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh, nhưng quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi”. Với ấn tượng tốt đẹp như thế về ông Giáp sau lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 1995, hai năm sau, trong một dịp đến Việt Nam dự Hội thảo Việt Mỹ lần đầu tiên, ông McNamara lại bằng mọi giá cố gắng đến thăm ông Giáp khi chỉ còn vài tiếng đồng hồ trước khi lên máy bay trở về Mỹ. Nhưng lần này, ông đại tướng huyền thoại của cộng sản Việt Nam đã hiện nguyên hình của một tên hiếu sát và khát máu, miệng luôn tuôn ra sự tự mãn và hận thù (Vài suy nghĩ nhân đọc bài tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Tonneson, Đàn Chim Việt.Info 26/10/2013). Đây có lẽ cũng chính là giọng điệu mà người được thế giới nói đến như “đại tướng huyền thoại” và nhiều người trong nước vẫn tôn là thần tượng đã lập lại với hãng thông tấn AFP trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2005: ông không một chút mảy may hối hận nào về việc đã hy sinh đến 4 triệu đồng bào ruột thịt để gọi là đánh cho “Mỹ cút ngụy nhào”, nhưng thực tế là để tô điểm cho hào quang “đại tướng huyền thoại” của ông.
Cũng như tổng thống Kennedy, trước khi nằm xuống, đã bị dằn vặt ray rứt và dĩ nhiên hối hận vì đã bật đèn xanh cho cuộc đảo chính dẫn đến cái chết của cố tổng thống Ngô Đình Diệm, trước khi ra đi, cựu bộ trưởng quốc phòng McNamara có lẽ cũng nhìn nhận những sai lầm của cá nhân ông và của chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Việt Nam. Nghĩa trang ở đâu cũng luôn được xem là nơi yên nghỉ. Ở đó chẳng còn tranh chấp hận thù hay ngay cả thứ bậc giai cấp. Dù có nằm trong lăng tẩm hay bị chôn vùi ở một nơi chẳng còn ai biết đến, tất cả mọi người quá cố đều bình đẳng với nhau và có lẽ cũng đều chỉ có một thông điệp để nhắn gởi với người còn sống: hãy sống hòa bình với nhau và hãy biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác. Giờ này, tôi cũng cố gắng lắng nghe tiếng nói của ông Giáp và tưởng tượng ra cùng một thông điệp ấy. Còn nếu ông vẫn tiếp tục mang theo xuống mồ tâm tư thù hận và niềm kiêu hãnh bệnh hoạn vì đã xây dựng đài vinh quang giả trá của mình trên mạng sống của cả một dân tộc và như thế khó có thể “yên giấc ngàn thu”, thì tôi cũng  xin cầu chúc cho ông  được “yên nghỉ” như mọi người quá cố!
Vào thăm viếng nghĩa trang năm nay, tôi không thể không nhớ đến ông “đại tướng huyền thoại” và “thần tượng” của nhiều người Việt Nam trong nước. Cuộc sống đơn sơ, liêm khiết, chính trực và đạo đức của cố tổng thống Ngô Đình Diệm, nỗi niềm ray rứt của cố tổng thống Kennedy vì đã gây ra cái chết thảm thiết của tổng thống Diệm, thiện chí  hòa giải và xây dựng hòa bình của cố bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara...gợi lên cho tôi ý nghĩ: thế giới cần đến những con người lương thiện, tử tế, biết hối hận hơn là những “huyền thoại” và “thần tượng” vô cảm.



Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Caribê: nguồn cung cấp chiến binh cho “Quốc gia Hồi giáo”


26.05.17

Vùng Vịnh Caribê không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp hay bộ phim “Những tên cướp biển Caribê” (The Pirates of the Caribean) do tài tử Johnny Depp thủ diễn. Hiện nay, ba chữ Caribê còn gợi lên một điều khủng khiếp hơn: đây là nơi mà tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” đã đặt trụ sở để chiêu mộ chiến binh.
Cho tới nay đã có ít nhất 130 người Trinidad rời bỏ xứ sở êm ấm của mình để lên đường sang Syria và Iraq và chiến đấu cho “Quốc gia Hồi giáo”. Trinidad và Tobago là một trong những cộng hòa nằm trong vùng Vịnh Caribê. Quốc gia được tạo thành bởi 2 trong 700 đảo của vùng Vịnh Caribê này chỉ nằm cách bờ biển đông bắc của Venezuela 11 cây số và cách Grenada về hướng nam khoảng 130 cây số. Đã từng là một thuộc địa của Tây Ban Nha sau khi nhà thám hiểm Christopher Columbus đặt chân đến Châu Mỹ La Tinh vào năm 1498, Trinidad và Tobago chỉ dành được độc lập vào năm 1962 và trở thành một cộng hòa vào năm 1976.
Đây là một quốc gia giàu có. Nếu tính theo thu nhập đầu người tại Châu Mỹ, thì Trinidad và Tobago đứng hàng thứ 3, chỉ sau Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Khác với hầu hết các nước nói tiếng Anh trong vùng Vịnh Caribê, kinh tế của Cộng hòa Trinidad và Tobago tập trung vào kỹ nghệ, đặc biệt kỹ nghệ khai thác dầu hỏa và chế biến từ dầu hỏa. Sở dĩ có được nền kinh tế mạnh là vì cộng hòa này có trữ lượng dầu hỏa và khí đốt rất lớn.
130 người gia nhập hàng ngũ các chiến binh của “Quốc gia Hồi giáo” không phải là một con số đáng kể so với các nước khác. Tuy nhiên nếu nhìn vào tổng số dân chỉ có khoảng 1.3 triệu người thì đây là tỷ lệ cao nhất ở Tây Bán Cầu. Đây quả là một vấn đề đáng lo ngại cho Cộng hòa Trinidad và Tobago.
Trả lời cho câu hỏi tại sao quốc gia nhỏ bé này lại có đông người tham gia chiến đấu cho “Quốc gia Hồi giáo”, ông Yasin Abu Bakr, lãnh tụ của Tổ chức Jamaar al-Muslimeen, nói rằng một trong những lý do chính khiấn các thanh niên da đen gia nhập “Quốc gia Hồi giáo”, chính là thân phận bị đẩy ra bên lề xã hội của họ. Jamaat al-Muslimeen là một tổ chức qui tụ những người Trinidad da đen theo Hồi giáo. Theo kết quả của một cuộc kiểm tra dân số hồi năm 2011, có đến 60 phần trăm dân Trinidad theo Công giáo La Mã. Hồi giáo chỉ chiếm gần 5 phần trăm.
Dù chỉ là một thiểu số, năm 1990, Tổ chức Jamaat al-Muslimeen cũng đã thực hiện một cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính phủ đương thời. Trên 40 người đã bị giết chết trong cuộc đảo chính bất thành. Nhưng chỉ sau 2 năm bị giam tù, các lãnh tụ của cuộc đảo chính đã được ân xá và được trả tự do.
Với cuộc đảo chính này, Tổ chức Jamaat al-Muslimeen đã cho người Hồi giáo tại Trinidad và Tobago thấy được bộ mặt quân sự của họ.
Theo ông Yasin Abu Bakr, mục tiêu của cuộc đảo chính là chấm dứt nạn buôn bán ma túy tại Trinidad và Tobago, đồng thời cải thiện những điều kiện sống của người da đen tại nước này. Kể từ khi bị bắt và đưa sang Trinidad và Tobago để làm việc như người nô lệ, số phận của người gốc Phi Châu vẫn không thay đổi bao nhiêu. Theo lãnh tụ của tổ chức Jamaat al-Muslimeen, phần lớn người da đen vẫn đang thất nghiệp. Họ chỉ biết ngồi không trong các khu biệt lập. Thế rồi ma túy xuất hiện. Các khu biệt lập của người da đen trở thành miếng mồi ngon của những kẻ buôn bán ma túy. Nay bên cạnh ma túy, súng ống lại ào ạt đổ vào. Nạn cướp của giết người ngày càng leo thang.
Mỗi khi tường thuật về các cuộc chiêu mộ của “Quốc gia Hồi giáo”, hầu hết báo chí đều chú trọng đến các thanh niên da đen có liên hệ với các băng đảng. Trinidad và Tobago hiện đang nằm trên con đường ma túy giữa Châu Mỹ La Tinh và Hoa Kỳ, Âu Châu và Tây Phi Châu.
Enterprise, một trong những thành phố lớn của Trinidad và Tobago, hiện đang là trọng tâm của những cuộc bạo động giữa các băng đảng. Các thành viên trẻ của băng đảng có tên là “Muslim Gang” (Băng Hồi giáo), đã ám sát “bố già” của họ là ông Selwyn Alexis, người thường được mệnh danh là Robocop (cảnh sát viên người máy). Ông “bố già” này bị tố cáo không chịu chia phần cho các đảng viên.
Kể từ khi ông Alexis bị giết chết, một nhánh của băng “Muslim Gang” tách ra và thành lập một băng mới lấy tên là “Unruly ISIS” (“Quốc gia Hồi giáo bất tuân”). Bị tống ra khỏi nhiều đền thờ Hồi giáo tại Enterprise, băng đảng lấy tên là “Quốc gia Hồi giáo bất tuân” này hiện đang dùng vũ lực để tạo một danh nghĩa tôn giáo cho mình.
Một phụ tá của “bố già” Robocop là Giáo sĩ Mourland Lynch hiện đang cai quả một đền thờ chỉ nằm cách “tổng hành dinh” của băng “ Quốc gia Hồi giáo bất tuân” một con đường. Ông giáo sĩ này cho biết cảnh sát đã cho ông biết hiện tên ông đang nằm trong danh sách “phong thần” của băng đảng này.
Theo Giáo sĩ Mourland Lynch, các băng đảng hiện đang tìm cách lân la đến các đền thờ bởi vì họ tin rằng  “nếu họ vào đền thờ vào mỗi ngày thứ Sáu thì tội lỗi của họ đều được tẩy xóa”
Thật ra vấn đề không đơn giản như thế.  Sở dĩ  các thành viên của băng “Quốc gia Hồi giáo bất tuân” muốn trở lại đền thờ của Giáo sĩ  Mourland Lynch là vì trước đây họ đã từng sinh hoạt trong đền thờ này. Chính giáo sĩ này cho biết ông đã từng trục xuất họ ra khỏi đền thờ bởi vì họ tìm cách sử dụng cơ sở tôn giáo này làm chỗ buôn bán ma túy. Cảnh sát đã nhiều lần ập vào đền thờ nhưng không tìm thấy có dấu vết nào của ma túy.
Sở dĩ cảnh sát nhắm vào các đền thờ Hồi giáo là bởi vì tại một số nơi hình ảnh của Hồi giáo gắn liền với tội phạm và băng đảng. Nhiều lãnh tụ Hồi giáo đã từng có mặt trong đám tang của “bố già” Robocop. Chính vì vậy mà giới trẻ Hồi giáo không còn tin tưởng nơi các lãnh tụ tôn giáo hay chính trị. Hiện tượng này không chỉ giới hạn nơi các thanh niên da đen ở những khu phố nghèo. Ngay cả những thành phần khá giả và có học cũng tỏ ra bất mãn đối với các chính trị gia và các lãnh tụ tôn giáo.
Trong hàng ngũ những thanh niên đã rời bỏ xứ sở để lên đường theo tiếng gọi của “Quốc gia Hồi giáo” cũng có một luật sư trẻ vừa mới trải qua một cuộc sát hạch để lấy bằng luật sư, một lực sĩ đã từng đoạt huy chương tại Vận hội Thể thao của Khối Thịnh Vượng Chung và ngay cả những thanh niên xuất thân từ những gia đình doanh gia gốc Á Châu.
Fuad Abu Bakr là con trai của Lãnh tụ Yasim Abu Bakr, người đã từng lãnh đạo cuộc đảo chính chống chính phủ hồi năm 1990. Fuad đã đứng ra thành lập Đảng New National Vision (Viễn kiến mới cho quốc gia) để chống lại chính phủ mà nhiều người cho là rất tham nhũng. Giải thích lý do tại sao nhiều người Trinidad và Tobago gia nhập hàng ngũ chiến binh của “Quốc gia Hồi giáo”, Fuad Abu Bakr nói rằng “đôi khi các chính trị gia xem thường vấn đề. Họ nói rằng những người gia nhập “Quốc gia Hồi giáo” chỉ là một nhóm nhỏ những người có dính líu đến các hoạt động tội phạm”. Thật ra, theo Fuad Abu Bakr, vấn đề không đơn giản như thế. Lãnh tụ của Đảng New National Vision cho biết nhiều người không còn tin tưởng ở các cơ quan truyền thông . Ông giải thích: “Khi xem những băng hình ghi lại những vụ chặt đầu người trên bờ biển và nghe âm nhạc làm nền cũng như bao nhiêu cảnh đẫm máu khác, nhiều người Hồi giáo vẫn không tin những hình ảnh như thế. Họ nói: “Có ai kiểm chứng được những hình ảnh như thế không?”
Theo ông Fuad Abu Bakr, chính vì không còn tin các cơ quan truyền thông cho nên họ đã tự mình tìm hiểu và trực tiếp liên lạc qua các trang mạng xã hội. Và họ đã nhìn thấy được những gì nếu không phải là những hình ảnh về trường học, vườn trẻ, cách tổ chức xã hội của “Quốc gia Hồi giáo” được bạn bè từ Syria gởi về. Vì không hy vọng có bất cứ sự thay đổi nào trong đất nước của mình, cho nên họ đã tìm sang những nơi được “Quốc gia Hồi giáo” kiểm soát. Họ tin rằng chỉ có ở đó mới thực sự có thay đổi!
Nhưng dù được thúc đẩy bởi động lực nào và thuộc giai cấp xã hội nào, trước khi đặt chân đến Syria và Iraq, nhiều thanh niên Trinidad và Tobago đều đến Rio Claro, miền Nam nước này. Tại đây có một đền thờ Hồi giáo và một  cộng đồng Hồi giáo  hiện do Giáo sĩ Nazim cai quản.  Shane Crawford và Fareed Mustapha, hai nhân vật nổi tiếng thường xuất hiện trên các trang mạng xã hội của “Quốc gia Hồi giáo”  là hai chiến chinh đã từng dừng chân tại đây .
Tất cả những tín đồ Hồi giáo nào đã từng tham dự các buổi cầu nguyện do Giáo sĩ Nazim điều khiển đều nói rằng ông này luôn ca ngợi “Quốc gia Hồi giáo”. Các cơ quan an ninh, địa phương cũng như quốc tế, đều đã nhiều lần đến điều tra về những cáo buộc này. Nhưng Giáo sĩ Nazim luôn phủ nhận rằng ông là một người chiêu mộ chiến binh cho “Quốc gia Hồi giáo”. Tuy nhiên, điều ông không thể chối cãi là cho tới nay có tất cả 15 thành viên của gia đình ông, kể cả con gái, con dâu và cháu của ông đã lên đường sang Syria.
Nhưng tình thế đã thay đổi: biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã bị đóng cửa, khiến cho việc nhập cư vào lãnh thổ của “Quốc gia Hồi giáo” trở nên khó khăn. Các cuộc hành quân của liên minh chống “Quốc gia Hồi giáo” hiện đang đẩy các chiến binh của họ ra khỏi lãnh thổ đã từng được họ kiểm soát. Ngoài ra những hình ảnh do “Quốc gia Hồi giáo” tung ra trên các trang mạng xã hội để tự quảng cáo cũng không còn ăn khách nữa.
Nhiều người Trinidad và Tobago tham gia chiến đấu cho “Quốc gia Hồi giáo” được ghi nhận là đã chết hay bị thương, kể cả chuyên viên truyền thông của tổ chức là Shane Crawford, người đã tung ra thông điệp cuối cùng kêu gọi các cảm tình viên hãy mở những cuộc tấn công ngay chính trên đất nước mình.
Hiện nay không ai có thể tiên đoán điều gì sẽ xảy ra. Nhưng “Quốc gia Hồi giáo” là một tổ chức khủng bố rất thành công trong việc khai thác tình trạng bất công và tâm trạng bất mãn của một số người. Trinidad và Tobago hiện đang cập nhật hóa các luật chống khủng bố. Tuy nhiên để ngăn ngừa hoạt động chiêu mộ của “Quốc gia Hồi giáo”, các chính trị gia cần phải nhìn ra rằng chỉ có một xã hội công bằng mới có thể mang lại cho giới trẻ một tương lai và như vậy mới có thể chận đứng được hoạt động chiêu mộ của “Quốc gia Hồi giáo”.
Mới đây, trong bài diễn văn đọc trước đại diện của nhiều quốc gia Hồi giáo thuộc Hệ phái Sunni tại Á Rập Saudi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi phải tiêu diệt “Quốc gia Hồi giáo” mà ông gọi là một “Sự Dữ”. Ông tổng thống thích “nổ” bằng miệng cũng như bằng bom đạn này có lẽ đã nhấn mạnh đến giải pháp quân sự hơn là cải tạo xã hội để dẹp bớt bất công hầu mang lại cho giới trẻ niềm hy vọng và như vậy tận diệt mầm mống của “Sự Dữ”.


(Nguồn:http://www.aljazeera.com/blogs/americas/2017/05/isil-caribbean-trinidadians-fight-syria-iraq)

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Rác rưởi tâm hồn


Chu Thập
19/05/17

Tôi ghét đi ăn tiệm. Lúc nhỏ, ít khi được ngồi trên bàn ăn với người lớn, được đi “kéo ghế” (đi ăn tiệm) là một giấc mơ ít khi thành hiện thực. Ngày nay, bước vào tuổi già, đi ăn tiệm có khi là cả một cực hình. 10 lần thì có khi 9 lần thất vọng. Nhìn vào hình trong thực đơn thấy thèm “chảy nước miếng”, đến khi nếm thử “thực tế” không hợp khẩu vị, chỉ biết ngồi hối tiếc. Hơn nữa, phần ăn lại quá nhiều, bỏ thì tiếc mà ăn vào thì mang mặc cảm “tội lỗi” vì bắt cái bao tử quen tiết kiệm phải làm việc quá tải.
Ở Úc Đại Lợi này, mỗi khi bước vào một tiệm ăn hay ngồi chờ trước cửa, tôi thường làm một thống kê về số người ra vào, nhứt là trong những tiệm “ăn nhanh” (fast food). Trong 10 người thì ít nhứt cũng phải có 8,9 người nếu không béo phì thì cũng quá cân. Kích thước của cái bụng “phệ” phía trước thường tỷ lệ thuận với số lượng rác rưởi phía sân sau của ngôi nhà. Có lẽ chưa bao giờ Úc Đại Lợi lâm cảnh thừa mứa thực phẩm và bầy nhầy rác rưởi như ngày nay.
Vào thập niên 1960, Úc Đại Lợi được xem là một trong nước thành công nhứt trong việc hạn chế và tái chế đồ phế thải. Úc Đại Lợi đã từng đi tiên phong trong nhiều chương trình tái chế, đặc biệt là giấy báo. Cuối thập niên 1960 và thập niên 1970, chiến dịch “Giữ đẹp Úc Đại Lợi” (Keep Australia Beautiful) đã giúp cho rất nhiều người Úc ý thức được những vấn đề mà đồ phế thải có thể tạo ra.
Nhưng trong những thập niên gần đây, nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng, cộng với sự cạnh tranh của các hệ thống siêu thị đã khiến cho lượng phế thải tràn ngập. Mỗi năm lượng phế thải của Úc Đại Lợi tăng 8 phần trăm. Có đến hàng triệu triệu tấn đồ phế thải từ thức ăn, quần áo, đồ gia dụng được thải ra khiến cho Úc Đại Lợi trở thành một trong những nước phát triển phung phí nhứt thế giới.
Làm sao loại bỏ hay giảm thiểu lượng phế thải lúc nào cũng là ưu tư hàng đầu của các nhà tranh đấu bảo vệ môi sinh. Năm nay cũng vậy, tại Hội nghị Thường niên về Đồ phế thải (Annual Waste Conference) vừa được tổ chức hồi tuần trước  tại thành phố Coffs Harbour, phía Bắc tiểu bang New South Wales, các thuyết trình viên và tham dự viên cũng đều lập lại một mối ưu tư như thế. Hàng trăm  đại diện từ các nước đã có mặt tại Hội nghị. Song song với những ưu tư về việc bảo vệ môi sinh, các tham dự viên cũng chia sẻ những chiến thuật để làm thế nào giảm thiểu và tái chế một cách hữu hiệu đồ phế thải và rác rưởi.
Có 5 bài học được rút tỉa từ Hội nghị về Phế thải tại Coffs Harbour.
Một số đại diện từ thành phố Vancouver, Canada đã đề ra một mục tiêu đầy tham vọng là sẽ làm cho thành phố này trở thành một nơi  không có rác rưởi vào năm 2040. Điều này có nghĩa là sẽ chẳng có bất cứ đồ phế thải nào được quăng  vào các hố rác hay  đưa vào các lò hỏa thiêu  nữa.
Albert Shamess, giám đốc chương trình quản lý đồ phế thải của thành phố, cho biết dự án lớn này đã bước vào giai đoạn đầu. Tất cả rác rưởi đều sẽ được chế biến, nhứt là thành nhiêu liệu.Theo ông, rồi đây các hố rác tại Vancouver sẽ chỉ còn là di tích lịch sử.
Có thể dự án của thành phố Vancouver là một chương trình lâu dài đòi hỏi nhiều đầu tư và kỹ thuật. Một tham dự viên khác của Hội nghị về Phế thải tại Coffs Harbour là tay trượt sóng nổi tiếng Tim Silverwood đã đề ra một chương trình dễ thực hiện hơn vì nằm trong tầm tay của mọi người. Có mặt tại nhiều bãi biển trên thế giới, vận động viên trượt sóng này đã nhìn tận mắt những thiệt hại mà đồ phế thải, nhứt là đồ nhựa và cao su gây ra cho thiên nhiên, đặc biệt là biển khơi.  Chiến dịch có tên là “Take 3” (mỗi lần nhặt 3 đồ phế thải) được Tim Silverwood đề nghị thật đơn giản: mỗi lần đi biển, hãy cố gắng nhặt 3 vật phế thải trên bãi biển. Anh nói: “Hãy thử tưởng tượng: nếu mỗi người đi dạo trên bãi biển, trong một công viên hay một lối đi gần nước nhặt 3 vật phế thải...thì họ sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn lao như thế nào!” Đáp lại lời kêu gọi của Tim Silverwood, hiện trên thế giới đã có hàng trăm ngàn người đang làm công việc ấy. Theo anh, đồ nhựa trôi dạt trên đại dương là một triệu chứng của ô nhiễm trên đất liền. Với chiến dịch làm sạch hàng năm, Úc Đại Lợi có thể dẫn đầu trong việc đối phó với những vấn đề do đồ phế thải và ô nhiễm tạo ra. Vốn hay đi câu mỗi tuần có khi đến 3 lần, tôi cảm thấy phấn khởi trước chiến dịch “Take 3” của tay trượt sóng Tim Silverwood. Làm gì khó chớ cúi xuống lượm vài ba thứ đồ phế thải như bao ny long, ly nhựa...dọc theo bờ hồ hay bờ biển, tôi thấy dễ ợt!
Tại Hội nghị về Phế thải tại Coffs Harbour, một chuyên gia về chế biến đồ phế thải người Úc là ông Spyro Kalos cho biết một trong những biện pháp giải quyết đồ phế thải là tái chế điện thoại cũ. Ông Spyro Kalos cho biết trên khắp nước Úc hiện có khoảng 22.5 triệu chiếc điện thoại di động không còn sử dụng, nhưng vẫn còn nằm trong các ngăn kéo, tủ hay nhà xe. Vì không thể biến thành phân xanh, cho nên những chiếc điện thoại này không nên bị ném vào thùng rác. Theo ông Spyro Kalos, có đến 98 phần trăm những chiếc điện thoại cầm tay đều có thể tái chế. Điều này có nghĩa là tất cả vật liệu trong các chiếc điện thoại di động đều có thể trở về tình trạng nguyên liệu để đi vào giây chuyền sản xuất.
Trong những bài học được rút tỉa từ Hội nghị về phế thải tại Coffs Harbour, tôi thấy đánh động nhứt vẫn là lời khuyên mà hầu như diễn giả nào tại Hội nghị cũng đều đưa ra là: hãy thay đổi thói quen tiêu thụ. Theo ông Shamess, khó khăn lớn nhứt để tiến tới việc hạn chế và dẹp bỏ phế thải là một thách đố có tính xã hội. Ông kêu gọi “cần phải tiến từ một xã hội tiêu thụ sang một xã hội bảo tồn thiên nhiên”. Cơ cấu kinh tế của thế giới ngày nay đặt nền tảng trên sự tiêu thụ. Tất cả mọi thứ thước đo mà chúng ta quen sử dụng đều dựa trên mức độ tiêu thụ và tiền bạc được đẻ ra. Ông Shamess khẳng định: nếu chúng ta không thay đổi não trạng này, thì loại trừ được đồ phế thải vẫn tiếp tục là một vấn đề nan giải. Con người thời đại cứ mua sắm, tiêu thụ; hết dùng thì ném đi mà không hề đặt vấn đề những thứ mình ném đi sẽ đi về đâu. Cho nên mua sắm và tiêu thụ một cách có ý thức, theo tôi, không chỉ là chuyện túi tiền hay nói theo người Việt chúng ta “liệu cơm gắp mắm”, mà là vấn đề đạo đức. Đạo đức là bởi vì tất cả những gì tôi mua sắm và tiêu dùng đều ít hay nhiều có ảnh hưởng đến người khác. Mua sắm mà dùng không hết hay không bao giờ đụng đến, trong khi có biết bao nhiêu người đang túng thiếu, là thiếu đạo đức. Đó là chưa nói đến chuyện việc tiêu dùng bừa bãi có thể tác hại  đến sức khỏe thể lý và tinh thần của mình và ít hay nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác.
Cuối cùng, bài học thứ 5 mà Hội nghị về Phế thải tại Coffs Harbour đề ra và tôi cho là trực tiếp liên quan đến tôi là : đừng phung phí thức ăn! Một diễn giả chính tại Hội nghị là ông Richard Swannell, Giám đốc Phát triển của Tổ chức Từ thiện Wrapp bên Anh Quốc, nói rằng phung phí thức ăn hiện là một vấn đề lớn trên thế giới ngày nay. Ông Swannell cho biết: “Theo ước tính mỗi năm  có đến một phần ba thực phẩm được sản xuất trên trái đất bị phung phí...Trong khi 13 tỷ tấn thực phẩm bị phung phí thì trong 9 người có một người phải đi ngủ với cái bụng đói”. Theo ông, phải có một diện tích canh tác lớn bằng cả Trung Quốc để sản xuất số lượng thực phẩm bị phung phí như thế mỗi năm. Bức tranh đầy mâu thuẫn mà chúng ta đang nhìn thấy là trong khi thế giới thừa mứa thực phẩm thì tại rất nhiều nơi vẫn còn vô số những người đang đói và chết đói, nhứt là trẻ con.
Theo ông Swannell, nếu tại các nước phát triển, như Úc Đại Lợi chẳng hạn, ai cũng biết bớt đi một phần ăn thừa mứa của mình, thì trung bình mỗi năm mỗi gia đình có thể tiết kiệm được 1.200 Úc kim. Ngoài ra, số lượng thực phẩm thừa mứa cũng có thể nuôi sống được rất nhiều người đang túng đói.
Một vài số liệu thống kê về sự thừa mứa thực phẩm tại Úc Đại Lợi khiến tôi giựt mình. Chẳng hạn, mỗi tuần một gia đình Úc trung bình ném đi khoảng 20 phần trăm số thực phẩm họ mua sắm. Điều này có nghĩa là cứ 5 giỏ thực phẩm, người Úc ném đi một gỏi. Tổng cộng, trên toàn Úc Đại Lợi,  số thực phẩm bị phung phí mỗi năm lên đến 33 triệu tấn. Và số thực phẩm bị ném đi này chiếm đến 40 phần trăm các thùng rác. Nếu không được “tái sinh” để trở thành thức ăn cho giun và biến thành phân, số lượng thực phẩm bị phung phí này sẽ tạo ra khí methane. Đây là loại khí tác động đến môi trường sống mạnh gấp 25 phần thán khí (carbon dioxide).
Những số liệu trên đây luôn là một đề tài để tôi suy gẫm và tự vấn lương tâm. Thật ra, ngoài chuyện ăn cho đáng đồng tiền mỗi khi vào tiệm ăn, trùm sò như tôi dễ gì mua sắm cho nhiều để rồi phung phí. Rau cỏ trong nhà lúc nào cũng có thừa. Cá do tôi câu chẳng bao giờ thiếu. Từ nhiều năm nay, tất cả đồ ăn thừa đều được nhà tôi dùng để nuôi giun. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng giun là những anh hùng thầm lặng luôn cày xới để làm cho đất được hít thở không khí và như vậy mới làm cho cây cối được tươi tốt. Và dĩ nhiên vườn cây tươi tốt cũng mang lại cho tôi sự thanh thản và an bình.
Nghĩ về sự phung phí thực phẩm ở Úc Đại Lợi, tôi không thể không nhớ lại bữa ăn gia đình tại nhà một người bạn Úc gốc Hoa ở Melbourne mà tôi vừa mới đến thăm trong tuần vừa qua. Là một bác sĩ tốt nghiệp ở Úc từ hơn 30 năm qua, có nhà cao cửa rộng, nhưng gia đình ông vẫn giữ nếp sống thanh đạm. Trong bữa ăn khoản đãi do chính ông tự tay nấu lấy, mỗi người được một phần vừa đủ no. Tôi vẫn nhớ mãi lời cầu nguyện của ông trước bữa ăn theo thói quen của một tín hữu Tin lành. Ngoài lời tạ ơn, ông còn nhắc nhớ mọi người nhớ đến những người đang túng thiếu.
Với tôi, đó là một của ăn tinh thần đáng trân quý. Bên cạnh những thực phẩm phung phí là những rác rưởi trong tâm hồn như thái độ dửng dưng và sự ích kỷ trước sự thiếu thốn và nỗi khổ đau của người đồng loại. Thế giới xung quanh tôi sẽ tốt đẹp hơn nếu tôi biết dọn dẹp những rác rưởi ấy trong tâm hồn.





Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Xin cho tôi được thay đổi chính mình


Chu Thập
22.10.13
Đi lễ Chúa nhựt, tôi rất chăm chú lắng nghe bài giảng của vị linh mục. Đó là thức ăn tinh thần giúp tôi sống thêm một tuần. Hôm nào phải chịu trận một vị linh mục giảng “dở, dài, dai” thì coi như lỗ vốn. Có hôm không bắt hết ý nhưng nghe được một câu chuyện vui thì kể cũng như trúng lô an ủi! Như câu chuyện “tếu” được vị linh mục dùng để mở đầu bài giảng hôm vừa rồi, hễ cứ nhớ lại thì tôi cười một mình:
Một cậu bé thuộc loại tinh nghịch như tôi hồi nhỏ đã nghĩ ra một cách “bắt địa” Chúa thật độc đáo. Cậu có chiếc xe đạp đã đến lúc nên cho vào viện bảo tàng, nhưng vì gia đình nghèo nên không thể sắm cho cậu một cái mới. Nghe nói hễ xin thì sẽ được cho nên cậu liền lấy bút mực ra để viết thư cho Chúa. Cậu nắn nót được một lá thư với nội dung như sau: “Lạy Chúa, nội trong một tháng con hứa sẽ cố gắng tỏ ra “ngoan ngoãn”. Xin Chúa cho con một chiếc xe đạp mới”. Nhưng thấy một tháng là một thời hạn quá dài cho nên cậu liền sửa lại: “Lạy Chúa, nội trong hai tuần con hứa sẽ cố gắng tỏ ra “ngoan ngoãn”. Xin Chúa cho con một chiếc xe đạp mới”. Ngẫm nghĩ một lúc cậu lại thấy hai tuần lễ quá dài đối với một cậu bé ở tuổi cậu, cho nên cậu hạ thời gian sống “ngoan ngoãn” xuống còn hai ngày. Nhưng suy đi tính lại một lúc, cậu thấy dù chỉ phải cố gắng trong hai ngày cũng quá “mất công”. Nhìn quanh quẩn, cậu chợt thấy bức hình của Đức Mẹ Maria. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu. Cậu liền lấy bức ảnh nhét vào ngăn kéo, khóa lại, đút chìa khóa vô túi quần rồi viết tối hậu thư gởi cho Chúa: “Lạy Chúa, nếu Chúa còn muốn gặp lại Mẹ mình thì hãy cho con ngay tức khắc một chiếc xe đạp”.
Lúc nhỏ, trong quan hệ với bạn bè và xóm làng tôi tinh nghịch và ma mãnh đã đành, mà đối với Chúa có lẽ tôi cũng chẳng thua gì cậu bé trong câu chuyện trên đây. Cái lối cầu nguyện của cậu bé được vị linh mục gọi theo một kiểu nói rất “thời thượng” là “xách nhiễu” (harassment). Hồi giờ tôi chỉ nghe nói đến “xách nhiễu tình dục” và là chuyện chỉ xảy ra trong tương quan liên vị giữa người với người mà thôi. Dè đâu con người lại “xách nhiễu” cả Thiên Chúa và thần thánh nữa. Xét cho cùng, ngay cả khi đã bắt đầu bước xuống triền núi của cuộc đời, dường như tôi cũng vẫn còn là một cậu bé hay bắt địa Thiên Chúa. Cứ hễ gặp khó khăn hay lâm cảnh hoạn nạn, tôi lại nghĩ đến Ngài và d trò “thương lượng”: nếu tai qua nạn khỏi thì không xuống tóc đi tu con cũng xin chừa đủ thứ!
Nhiều lúc, nhìn lại quan hệ giữa tôi và Thiên Chúa, tôi cứ cười thầm một mình. Tôi đã tự tạo ra cho mình một Thiên Chúa mà tình yêu của Người có lẽ còn thua kém cả tình thương cha mẹ tôi dành cho tôi. Trên đời này, tình yêu vô vị lợi đầu tiên mà tôi cảm nhận được chính là tình yêu của cha mẹ tôi. Tôi được cha mẹ tôi yêu thương chẳng phải vì tôi thông minh đĩnh đạt hay là một đứa con ngoan. Tôi được chăm sóc, lo lắng và ngay cả được quà cáp mà chẳng cần phải mở miệng xin hỏi hay vòi vĩnh gì cả.
Vậy mà với một Thiên Chúa mà tôi luôn tuyên xưng như một Người Cha, tôi lại cứ phải mở miệng xin. Và tôi luôn coi Ngài như một cái kho báu vô tận. Xin hoài xin hủy mà vẫn chưa được thì tôi lại mang cái mặc cảm chưa sống “ngoan” như nhân vật cậu bé trong câu chuyện trên đây. Giữa cơn hoạn nạn, như gặp phong ba bão táp trong chuyến vượt biên chẳng hạn, bao nhiêu người bị chôn vùi giữa đại dương, còn tôi lại được sống sót. Tôi vẫn cứ tự hào rêu rao rằng vì tôi đã “kêu xin” và biết cách thương lượng cho nên Chúa đã nhậm lời và cứu lấy tôi. Tôi thành công và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống là do tôi “có đạo” và cố gắng sống đạo đức!
 Có thực sự Thiên Chúa đã thưởng công cho tôi không? Có thực sự vì tôi biết cách “xin xỏ” mà Thiên Chúa lúc nào cũng tra chìa khóa để mở kho tàng hồng ân và trao ban cho tôi không? Nhiều lúc trong thánh lễ, khi nghe trình bày những lời “cầu xin” , tôi lại thấy mình như người mộng du, chẳng biết mình đang ở đâu và làm gì. Đặc biệt trong mấy tuần lễ vừa qua, mặc dù tuổi trung bình của những thành phần tham dự thánh lễ có lẽ cũng trên 65, vậy mà lời cầu xin được lập lại nhiều lần vẫn được tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay. Tôi không biết có phải nhờ lời cầu xin này mà một số thí sinh sẽ đạt được điểm tối ưu không? Và tôi cũng chẳng biết tại sao một số thí sinh được chiếu cố rất nhiều trong những lời cầu xin này biết đâu lại chẳng đủ điểm để vào các phân khoa đại học mình mong đợi.
Tôi lại càng thấy mình bơ vơ hơn khi nghe những lời cầu xin cho tai qua nạn khỏi trong những trận cháy rừng đang xảy ra tại một số nơi trong tiểu bang New South Wales. Nhà tôi ở bên cạnh một lâm viên quốc gia. Tôi cũng đang canh cánh với một nỗi hiểm nguy thật sự cận kề (clear and present danger!). Mỗi ngày hướng nhìn lên đỉnh núi, nghe tiếng gió rít từng cơn trong khu rừng có thể bc cháy bất cứ lúc nào, tôi vẫn nghĩ đến Thiên Chúa Tạo Hóa. Thú thật tôi không biết từ trên cao Thiên Chúa đang nghĩ gì và dĩ nhiên, tôi cũng chẳng biết phải “cầu xin” như thế nào cho phải đạo. Chẳng lẽ tôi cầu xin cho nếu có cháy thì cháy ở nơi khác chứ đừng cháy ở sau nhà tôi?
Cứ nhìn lên trời cao thì con người lại thả lỏng cho óc tưởng tượng của mình muốn bay đi đâu thì bay. Có phải vì vậy mà từ ngàn xưa, người Hy Lạp đã có đủ chuyện thần thoại để kể cho chúng ta nghe không? Nhìn những ngọn lửa đang tàn phá từng mảnh rừng, từng dãy nhà và tài sản của dân chúng Úc trong những ngày này, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện của thần Prometheus, kẻ vì ăn cắp lửa trời để mang ánh sáng văn minh xuống cho trần thế, đã bị ngọc hoàng Zeus cho treo trên một ngọn núi và bị kên kên rút rỉa lá gan mà không chết. Theo chuyện thần thoại này thì ngọc hoàng Zeus nặn ra loài người, một sinh vật yếu đuối, không có khả năng để tồn tại và tự bảo vệ trước sóng gió, bão bùng, nhứt là trước sự đe dọa của bao loài thú to lớn, có sừng, có nọc độc, có nanh vuốt, biết bay, biết leo trèo, biết bơi dưới nước. Vì thương loài người cho nên thần Prometheus muốn tìm cách làm cho cuộc sống của họ bớt cơ cực khổ sở hơn. Ngày nọ, Prometheus giết được một con bò béo. Nhưng ông đã đánh lừa ngọc hoàng Zeus bằng cách chỉ dọn lên những thứ dở nhứt trong con bò và dành phần béo b nhứt cho loài người. Ngọc hoàng Zeus tức giận cho nên mới thề sẽ không bao giờ trao lửa cho loài người để họ phải sống trong tối tăm, ngu dốt, khổ cực. Biết được ý định độc ác này cho nên một hôm lúc thiên đình vắng vẻ, Prometheus mới châm một ngọn lửa, giấu kín trong ruột một cây sậy, rồi phóng như bay xuống hạ giới. Ông trao ngọn lửa thiêng cho loài người. Ngay đêm hôm ấy, ngọc hoàng Zeus thấy dưới mặt đất có những đốm lửa tỏa sáng như sao trời. Ngọc hoàng uất ức hét lên: “Thế là loài người đã có lửa, ta không thể tiêu diệt được chúng nữa. Có lửa, chúng sẽ trở thành ngang hàng với thần thánh”. Ông liền ra lệnh phải trừng trị Prometheus cho bằng được. Ông cho giải Prometheus đến một đỉnh núi cao chót vót hoang vu và ra lệnh cho thợ rèn đóng đinh và xiềng Prometheus vào núi đá. Ban ngày, bị mặt trời thiêu đốt, đêm đến Prometheus lại phải chịu rét buốt thấu đến xương tủy. Ngày ngày, một con đại bàng khổng lồ đến mổ bụng và ăn lá gan của Prometheus. Nhưng cứ đêm đến thì lá gan lại mọc ra. Mặc dù trải qua những cực hình vô cùng tận ấy, Prometheus vẫn không chịu khuất phục. Ông vẫn hiên ngang và không hề mở miệng van xin bất cứ điều gì.Cuối cùng thì chính ngọc hoàng Zeus đành chịu thua. Ông ra lệnh bắn hạ con đại bàng và phá tan xiềng xích trên núi. Prometheus được trải tự do.
Có lẽ đây là một trong những câu chuyện ý nghĩa nhứt trong bộ thần thoại Hy Lạp. Qua hàng bao thế kỷ, nhứt là vào thời kỳ Văn nghệ Phục hưng tại Âu Châu từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, Prometheus luôn được xem như biểu tượng của nền văn minh và tính bất khuất của con người.
Riêng tôi, tôi thường đọc lại câu chuyện này dưới nhãn quan tôn giáo. Nó đánh đổ những hình ảnh lệch lạc mà con người ở thời đại nào và ở đâu cũng đều tưởng tượng và thêu dệt về “thiên đình” hay thế giới vô hình trong đó thần thánh cũng có đủ mọi “ái, ố, hỉ, nộ, lạc, ai, dục” như loài người. Câu chuyện cũng gợi lên cho tôi câu nói quen thuộc của người Tây Phương: “bạn hãy tự giúp bạn, trời sẽ giúp bạn.” Tôi không chạy theo  chủ nghĩa khắc kỷ để bắt chước thi sĩ Pháp Alfred de Vigny (1797-1863) thốt lên: “rên r, khóc than đều là hèn nhát” (gémir, pleurer est également lâche). Cũng như nụ cười, tiếng khóc là thuộc tính của con người. Chỉ có con người mới biết thế nào là đau khổ cho nên mới khóc than. Và dĩ nhiên, cũng chính vì đau khổ mà con người chạy đến với một nguồn trợ lực mà họ không tìm thể tìm thấy được trong thế giới này. Gặp đau khổ tôi chạy đến với Đấng Tạo Hóa của tôi. Tôi không biết Ngài sẽ làm gì cho tôi. Nhưng tôi tin chắc rằng nếu Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu thì chắc chắn hơn bất cứ trái tim nào trên trần gian này, Ngài dành cho tôi một sự cảm thông mà tôi sẽ không bao giờ có thể cảm nhận được trên trần gian này.
Cố gắng suy nghĩ như thế cho nên tôi thấy mình phải không ngừng lột xác từ một cậu bé thích “xách nhiễu” và hay “mặc cả” để trở thành một con người trưởng thành hơn trong quan hệ với Đấng Tạo Hóa.
Tôi càng thâm tín với ý tưởng ấy khi bắt gặp trước cửa các siêu thị nhiều nhóm thiện nguyện đang quyên góp cho các nạn nhân của các vụ cháy rừng ở NSW. Đây chính là lúc tôi hiểu ra rằng mình phải “trưởng thành” hơn. Một phần nhỏ tôi đóng góp vào cuộc quyên góp chẳng là bao, nhưng nó cũng đủ để cho tôi cảm nhận được một sự thay đổi đang thực sự diễn ra trong tôi. Thế giới vẫn còn đy dẫy khổ đau. Một đồng xu nhỏ chia sẻ chỉ là một giọt nước trong đại dương bao la. Nhưng chính nhờ những giọt nước nhỏ ấy góp lại mà thế giới này mới có thể trở thành một nơi mát mẻ hơn, đáng sống hơn.
Cháy rừng, hỏa hoạn thiết yếu vẫn là một thiên tai. Có dự phòng đến đâu, Úc Đại Lợi vẫn không tránh khỏi thiên tai. Từ “trên cao”, Đấng Hóa Công mà chúng ta tưởng tượng với quyền năng vô song chỉ cần “phán” một lời là ngọn lửa hung tàn bị dập tắt ngay. Xem ra chẳng thấy Ngài nói hay làm gì hết. Nhưng nếu có một ý muốn, nếu có một lời Ngài muốn nói ra thì điều đó chỉ có thể là: loài người hãy lấy tình liên đới, lòng quảng đại, sự san sẻ chia sớt…mà đối xử với nhau trong cơn hoạn nạn.
Tôi tin có một Thiên Chúa như thế cho nên cũng như ai đó ở tuổi thanh niên đã luôn cầu xin cho mình thực hiện được cuộc cách mạng để biến đổi thế giới, thế rồi bước vào tuổi trưởng thành chợt nhận ra giới hạn của mình cho nên chỉ còn biết cầu xin cho được làm cho gia đình mình thành một nơi tốt đẹp hơn và cuối cùng khi bước vào xế bóng cuộc đời, khi thấy mình hoàn toàn bất lực, chỉ còn biết cầu xin cho được thay đổi chính con người của mình…tôi chỉ mong cho mình được biết mãi mãi cầu xin như thế.
Cám ơn vị linh mục đã chia sẻ cho tôi một ý nghĩ để sống một tuần: ông nói rằng một tín hữu trưởng thành phải là người chỉ xin một điều duy nhứt là biết thay đổi chính bản thân.









Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Colombia: khi điện thoại di động thế chỗ cho súng đạn!


19/05/17

Mỗi ngày, vào đúng 10 giờ sáng, giữa mật khu của các chiến binh thuộc phong trào kháng chiến quân có tên là FARC (Quân đội Cách mạng Colombia), máy phát điện được cho chạy, mang lại Internet cho các phiến quân vừa mới chấp nhận buông khí giới. Ngoài điện năng, Chính phủ Colombia còn cho gắn một đĩa vệ tinh để giúp đưa các cựu phiến quân trở lại với đời sống văn minh. Trong 5 thập niên vừa qua, họ sống trong mật khu chẳng khác nào một bộ lạc bán khai: không điện thoại, không Internet!
Khi máy phát điện vừa chạy, một bóng đèn nhỏ từ đĩa vệ tinh cũng báo hiệu làn sóng Wi-Fi đã tới và các cựu phiến quân có thể mở tất cả những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube v.v.
Cách đây đúng một tháng, họ không hề biết “Google” là gì. Bây giờ, hầu như mọi người đều ghiền “nối mạng”. Dĩ nhiên, quyền lợi luôn đi với trách nhiệm. Được tự do “nối mạng” và hưởng các phương tiện văn minh, họ cũng bị buộc phải từ bỏ khí giới. Trước kia trên tay họ lúc nào cũng có súng ống. Ngày nay, thay cho súng ống là những điện thoại di động. Họ bắt đầu say mê tiếng hát của các ca sĩ nổi tiếng và nhờ Facebook, họ cũng làm quen được với vô số những người bạn mới.
Kể từ khi ký kết thỏa ước hòa bình với Quân đội Cách mạng FARC, Chính phủ Colombia đã biến các mật khu của họ thành những trại cải huấn theo đúng nghĩa. Thách đố  được đặt ra cho cả chính phủ Colombia lẫn các cựu phiến quân FARC là: liệu những kẻ khủng bố hơn nửa đời người chạy theo chủ nghĩa Marxit Leninit chỉ biết bắn giết và trở thành kẻ thù của quốc gia có thể trở thành những công dân tốt không?
Bước đầu tiên trong chương trình “cải tạo” được Chính phủ Colombia thực hiện là gởi chuyên viên vào các mật khu của Quân đội Cách mạng. Ngày nay, mật khu nào cũng Quân đội Cách mạng cũng đầy các bác sĩ, y tá, giáo viên, chuyên gia tâm lý và nhân viên xã hội. Giờ đây, các phiến quân mới nhận thấy rằng để xây dựng hòa bình cũng cần có một đội quân như trong thời chiến tranh.
Đêm ngày làm việc với các cựu phiến quân, các bác sĩ nhận thấy họ mắc đủ thứ bệnh tật và thắc mắc không hiểu tại sao những con người ốm đau như thế lại có thể chiến đấu dai dẳng như thế. Về phẩn mình, các chuyên gia tâm lý cũng không thể giải thích được tại sao có những người “vào bưng” khi chỉ mới 14 tuổi và vẫn giữ được tinh thần để chiến đấu trong hàng chục năm trời. Xét cho cùng, các cựu phiến quân hiện đang được các chuyên gia xem như những đối tượng nghiên cứu chẳng khác nào các bộ lạc bán khai trong các khu rừng già dọc theo sông Amazone.
Tuy nhiên, phần quan trọng nhất trong dự án của chính phủ đối với các cựu phiến quân FARC chính là giáo dục. Và trong chương trình giáo dục, quan trọng nhất chính là hệ thống bầu cử của Colombia, nông nghiệp  và ngay cả các phương pháp ngừa thai.
Khi không “lang thang” trên mạng, các cựu du kích quân tập trung lại trong phòng hội. Một chuyên viên về nông nghiệp sẽ giải thích cho họ nghe các  phương pháp canh nông. Chuyên viên này nhấn mạnh: trong thời bình cày cuốc sẽ thay thế súng ống!
Hòa bình đã được vãn hồi tại Colombia vào một ngày Chúa nhật tháng 9 năm ngoái 2016. Tổng thống Colombia, ông Juan Manuel Santos và lãnh tụ Quân đội Cách mạng FARC, ông Tomoleón Jiménez, đứng trên một khán đài tại Thành phố Cartagena, một hải cảng nằm ở phía Bắc Colombia. Cả hai đều mắc áo thun trắng. Hai người bắt tay nhau và cùng ký tên vào một hiệp ước chấm dứt một cuộc chiến tranh đã kéo cả 5 thập niên qua mà không mang lại chiến thắng cho phe nào. Với hiệp ước này, Tổng thống Santos đã được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa Bình. Từng là bộ trưởng quốc phòng, ông Santos đã từng ra lệnh thả bom xuống các mật khu của Quân đội Cách mạng FARC. Về phần mình, Lãnh tụ Jiménez cũng đã từng bị tố cáo đã tổ chức hàng trăm vụ giết người.
Chiến tranh giữa Chính quyền Colombia và Quân đội Cách mạng FARC đã bùng nổ năm 1966. Đây là cuộc chiến tranh du kích dài nhất tại Châu Mỹ La Tinh. Các số liệu thống kê cho thấy: hơn 5 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, 200.000 người bị giết chết và 10.000 người hoặc bị mất tích hoặc bị bắt cóc. Tham chiến không chỉ có Chính phủ Colombia và Quân đội Cách mạng FARC, mà còn có cả các nhóm dân quân cực hữu, các tổ chức tội phạm và nhất là các tổ chức buôn bán ma túy.
Nhưng giờ đây tất cả đều đã lùi về quá khứ. Colombia đang bước vào một trang sử mới của hòa bình và hòa giải. Theo hiệp ước hòa bình đạt được giữa chính phủ và Quân đội Cách mạng FARC, khoảng 7000 chiến binh của họ phải trao nộp trọn bộ  khí giới vào tháng 6 tới đây. Cho tới nay đã có hàng trăm chiến binh đã tuân thủ đòi hỏi này. Tổng thống Santos hứa sẽ ân xá một cách quảng đại, cho các cựu phiến quân tham gia vào sinh hoạt chính trị cũng như giúp đỡ để hồi cư tất cả những ai muốn trở lại mái nhà xưa. Về phần mình, Lãnh tụ Jiménez nhấn mạnh rằng họ không những trao nộp khí giới mà cũng buông bỏ cả hận thù trong lòng. Chính phủ còn đưa ra nhiều hứa hẹn khác như cải cách ruộng đất, thành lập tòa án và ủy ban sự thật. Quân đội Cách mạng sẽ được đón nhận như một chính đảng và một khi ổn định cuộc sống, các cựu phiến quân cũng có thể ra tranh cử để trở thành dân biểu Quốc hội. Dĩ nhiên, cả thế giới đã hoan nghênh hiệp ước lịch sử này. Ai cũng mong thấy một hồi kết có hậu.
Nhưng với các cựu phiến quân, buông súng làm một công dân tốt không phải là chuyện dễ dàng. Đối với nhiều người, Quân đội Cách mạng và chiến tranh là cả cuộc sống của họ. Quân đội này có thể là một tổ chức khủng bố hay buôn bán ma túy, nhưng đó là nhà và gia đình của họ. Hơn bất cứ thứ gì khác, Quân đội Cách mạng mang lại cho họ một ngôi nhà. Họ đã chiến đấu bên cạnh và cho những kẻ cũng tham nhũng thối nát và ngay cả tội phạm. Nhưng phần lớn trong họ lúc nào cũng là những kẻ không còn đất sống mà cuộc sống phiến loạn vẫn còn là chọn lựa tốt nhất.
Edvin Cano là một trường hợp điển hình. Người thanh niên 30 tuổi này là một người nhút nhát. Khi nhân viên xã hội cho biết rằng sau này họ phải chọn một nghề để sống và hội nhập trở lại vào xã hội. Tuy nhiên, học nghề gì và làm gì, anh vẫn chưa tự mình quyết định được. Như một đảng viên cộng sản thứ thiệt, anh quả quyết: “Đảng sẽ quyết định cho tôi!”. Vào bưng và gia nhập Quân đội Cách mạng FARC khi chỉ mới 13 tuổi (y hệt như người y tá vườn Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam!), anh hoàn toàn lệ thuộc vào “tổ chức”. Tổ chức lo liệu và quyết định mọi sự cho anh. Tổ chức dạy anh biết đọc biết viết. Tổ chức cho anh ăn mặc và vá lại gương mặt bị rách vì trúng mìn của anh. Cha mẹ anh là những người nông dân nghèo. Họ đã đuổi anh đi chỉ vì không thể nuôi anh. Chính vì vậy mà anh hoàn toàn thuộc về Quân đội Cách mạng FARC.
Chiến tranh cũng giống như một bộ máy. Nó cần có nhiên liệu để chạy. Hận thù chính là nhiên liệu ấy. Nhưng với thời gian, thứ nhiên liệu này cũng mất đi hiệu năng của nó. Điều duy nhất còn lại có thể làm cho guồng máy chiến tranh tiếp tục chạy đều chính là tiền. Cuộc chiến chống Quân đội Cách mạng FARC có thể đã chấm dứt, nhưng cuộc chiến chống lại ma túy vẫn tiếp tục, bao lâu ở Hoa Kỳ và Âu Châu cũng như Úc Đại Lợi này vẫn còn có nhu cầu về ma túy.
Quân đội Cách mạng FACR có thể tự xưng là những người chiến đấu cho tự do và có thể tự xoa dịu lương tâm của họ bằng những lý tưởng cao đẹp. Nhưng trong thực tế, họ chính là một trong những tổ chức buôn bán ma túy lớn nhất thế giới. Nhiều người cho rằng họ kiểm soát đến 60 phần trăm kỹ nghệ ma túy của Colombia. Liên Âu đã từng xem họ như một tổ chức khủng bố mỗi năm có thể kiếm được hàng tỷ Mỹ kim.
Nếu thực sự Quân đội Cách mạng FARC không còn muốn nắm giữ thứ tiền bạc nhuốm máu ấy, thì ai đó sẽ nhảy vào để chiếm lấy. Mới đây có tin cho biết các cựu phiến quân nào không muốn hội nhập vào cuộc sống bình thường đã bỏ trốn. Các tổ chức buôn bán ma túy hiện đang tích cực hoạt động tại Colombia. Họ không cần đưa “Bản tuyên ngôn Cộng sản” ra để chiêu mộ “chiến sĩ”. Họ chỉ cần đưa tiền ra vẫy gọi là có khối người đi theo!
Ngoài các tổ chức buôn bán ma túy, giữa rừng già Châu Mỹ La Tinh còn có một “ông chủ” khác là Quân đội Giải phóng Quốc gia gọi tắt là ELN (Ejercito de Liberacion). Tổ chức này là một đàn em của Quân đội Cách mạng FARC. Chính phủ Colombia hiện cũng đang thương lượng với Quân đội Giải phóng Quốc gia, nhưng cho tới nay vẫn chưa đạt được kết quả tích cực nào, bởi vì tổ chức này hiện đang lăm le muốn chiếm đất của Quân đội Cách mạng FARC và một số phiến quân FARC vì không muốn trở lại cuộc sống bình thường rất có thể sẽ đi tìm đất dụng võ nơi Quân đội Giải phóng Quốc gia.
Nhưng điều đáng ngại nhất đối với chính phủ Colombia là hiệp ước hòa bình với Quân đội Cách mạng FARC dường như đã không làm cho kỹ nghệ ma túy Colombia suy suyển chút nào. Trái lại, chưa bao giờ Colombia lại sản xuất nhiều ma túy cho bằng lúc này. Các chuyên gia ước tính rằng kể từ năm 2012, mức sản xuất ma túy tại nước này đã tăng thêm một phần ba, nghĩa là mỗi năm lên đến 710 tấn. Trọn bộ 188.000 mẫu tây đất canh tác của Colombia hiện đang được trồng cây Coca, gấp 2 lần so với năm 2012.
Cho dẫu không ngả vào vòng tay của các trùm ma túy và ngay cả có trở lại cuộc sống bình thường để ra làm chính trị đi nữa, một số cựu phiến quân của Quân đội Cách mạng FARC cũng vẫn còn cảm thấy lo sợ. Đó là trường hợp của ông Willington Ortiz. Đây là bí danh của người đàn ông 50 tuổi này khi ông vào bưng đi theo tiếng gọi của con tim. Cha ông có một đồn điền cà phê. Một hôm ông gặp một có gái trẻ đẹp đến “rao giảng” về đấu tranh giai cấp, về cách mạng và giải phóng. Ông đã bỏ nhà đi theo cô. Không phải vì lý tưởng “huynh đệ đại đồng” Cộng sản cho bằng vì say mê người thiếu nữ xinh đẹp. Nhưng chỉ vài tuần sau, người yêu của ông ngã gục trong một cuộc bố ráp của quân đội chính phủ. Ông đã trở thành một chiến binh thực thụ từ giây phút ấy.
Dù có từ bỏ khí giới, ông vẫn còn tin tưởng ở những lý tưởng cao đẹp của Quân đội Cách mạng FARC. Ông đang nghĩ đến chuyện gia nhập vào một đảng chính trị thoát thai từ tổ chức này. Nhưng cái chết thường xảy ra cho những nhà tranh đấu cho môi sinh, cho nhân quyền và đại diện của nông dân khiến ông lo ngại.
Hòa bình là điều mà mọi người, dù ở phía nào, cũng đều mong mỏi. Nhưng hòa bình đích thực cũng là một cuộc chiến. Không phải là chiến đấu bằng bom đạn, mà chính là phải cố gắng vượt qua những khó khăn của cuộc sống trước mắt.

(nguồn:http://www.spiegel.de/international/world/colombia-seeks-to-turn-farc-guerillas-into-normal-citizens)