Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Những viên đá quý



Chu Thập
22.8.15

Tiền Úc xuống giá thê thảm, cho nên  giấc mơ được làm một chuyến du lịch ở những nơi mình chỉ biết tên trên bản đồ như Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh...ngày càng trở thành chuyện viễn vông đối với tôi. Chính vì vậy mà năm nay, tôi quyết định làm một chuyến du lịch “bụi” trong nước. Úc Đại Lợi mênh mông. Có bỏ hết những năm tháng cuối đời để làm một vòng cũng không xong. Tôi đành khoanh vùng nhỏ lại để có thể nhìn ngắm và thưởng thức những gì trước đây mình chỉ nghe người khác kể lại. Đó là lý do tại sao tôi đã chọn một số thành phố của phía Bắc của tiểu bang Queensland.
Từ Sydney chúng tôi lấy xe lửa lên Brisbane để từ đó thuê xe trực chỉ hướng Bắc. Cùng đi “bụi” với chúng tôi lần này là một cặp vợ chồng Việt Nam rất “sính” chuyện sưu tầm đá quý. Chính vì vậy mà một trong những địa điểm chúng tôi nhắm đến là thành phố Emerald, thủ phủ của Trung nguyên Queensland. Hai bên đoạn đường dài từ Brisbane dẫn đến thành phố này toàn là những những cánh đồng nắng cháy khô cằn, báo hiệu những kho tàng quý giá nằm trong lòng đất mà có lẽ chỉ có những người ham làm giàu một cách nhanh chóng hoặc những người sành điệu mới hăm hở tìm đến. Sau bốn giờ lái xe từ thành phố biển Rockhampton, chúng tôi đến Emerald và từ đây, Paul, một người Úc địa phương, bạn của gia đình vợ chồng người bạn của chúng tôi đã tình nguyện làm hướng dẫn viên để đưa chúng tôi đi thăm Hội Chợ Đá Quý, một số địa danh đã từng có những hầm mỏ khai thác đá quý và nhứt là Bảo Tàng Viện tại thành phố Rubyvale. Chúng tôi được đưa vào lòng đất sâu đến vài chục thước để hiểu được đá quý đã được hình thành như thế nào và cách đây 200 năm, người ta đã khai thác đá quý như thế nào.
Đây quả là một khám phá lý thú đối với tôi. Úc Đại Lợi là một mảnh đất phì nhiêu. Phì nhiêu không những cho nông nghiệp, mà còn trù phú đến độ chỉ cần “đào lên bán mà ăn”.  Sắt, đồng, chì, kẽm, than đá, bauxit, khí đốt, dầu hỏa, uranium và các thứ đá quý như vàng, kim cương, các thứ Opal (mà tiếng Việt ngày nay gọi là “đá mắt mèo”)...thứ gì cũng có trong lòng đất Úc và có nhiều nữa. Đi đâu cũng thấy những chuyến xe lửa chất đầy quặng mỏ để chở đến các nhà máy thanh luyện hoặc đến các hải cảng. Đi đâu cũng thấy những cột khói cao từ các nhà máy chạy bằng than đá.
Tôi cảm thấy sung sướng và hãnh diện về đất nước mình đã chọn làm quê hương thứ hai. Nhưng niềm vui của vợ chồng người bạn “sính” đá quý thì thú thật tôi chưa có được. Họ ngây ngất trước đủ loại đá quý được trưng bày trong các gian hàng của Ngày Hội Chợ và các cửa tiệm mỹ phẩm. Riêng người chồng còn thử thời vận bằng cách mua một bao cát đá vụn với hy vọng về nhà đãi được một viên đá quý.
Hai ngày “thăm thú” tại vùng mỏ đá quý nổi tiếng tại miền Trung nguyên Queensland không những đã mang lại cho tôi một số kiến thức sơ đẳng về kỹ nghệ đá quý của Úc Đại Lợi mà còn giúp tôi thấm thía những cơ cực, nguy hiểm mà người ta đã đánh đổi để có thể mang lên mặt đất những viên đá quý. Có lẽ vì suốt đời chưa một lần đeo trên người bất cứ một thứ đá hay kim loại quý hiếm nào, ngoại trừ chiếc nhẫn cưới rẻ tiền, tôi thấy mình không được “bình thường” cho lắm bởi vì vẫn tỏ ra dửng dưng trước sức hấp dẫn của các loại đá quý.
Nếu có một thứ đá quý mà tôi thực sự trân quý thì đó là tấm lòng quảng đại và tử tế của những người mà tôi đã gặp gỡ trong chuyến đi. Trước hết phải nói đến Paul, người đã bỏ ra suốt một ngày để đưa chúng tôi đi thăm vùng Emerald. Người đàn ông trung niên này hiện đang làm chủ một nông trại rộng 2000 mẫu tây chuyên trồng lúa mì và canh tác theo lối hữu cơ, nghĩa là không sử dụng bất cứ loai phân hóa học hoặc thuốc trừ sâu nào. Chính vì vậy mà trước cửa nông trại, anh cho đề tấm bảng ghi hàng chữ “L’Organic”. Ngoài việc tự tay canh tác nông trại, mỗi năm Paul còn đi Việt Nam, đặc biệt là Ban Mê Thuột để cùng với người con gái của vợ chồng người bạn của tôi, thực hiện một dự án giúp cải tạo đất, bởi vì theo lời anh, lâu nay người Việt Nam đã hủy hoại môi trường do việc lạm dụng các loại phân hóa học và thuốc trừ sâu. Nhìn cung cách nhã nhặn, từ tốn, nhiệt thành, quảng đại của Paul, tôi nghĩ đến một nhà  “trí thức đội lớp nông dân” mà sự tôn trọng và yêu thương đối với môi trường sống cũng được trải dài đến người khác qua tấm lòng tử tế, vị tha.
Paul cũng làm cho tôi nhớ lại một “viên đá quý” khác mà chúng tôi đã có được ngay từ ngay đầu tiên của chuyến đi “bụi”. “Bụi” mà tôi hiểu ở đây là từ bỏ nếp sống tiện nghi có sẵn để đón nhận những điều kiện sống đơn giản, có khi thiếu thốn, bất tiện và theo chủ trương “tay làm hàm nhai”, một cách cụ thể tự câu cá lấy mà ăn, bởi vì đây là sở trường của tôi. Do đó, trong ngày đầu tiên, trước khi đến thành phố Gympie, cách Brisbane về hướng Tây Bắc khoảng 200 cây số, chúng tôi dừng lại bên một dòng sông để thả câu. Tôi tin chắc đây là một nơi câu cá lý tưởng, bởi vì cách chỗ chúng tôi đang cấm cần không xa, có một “ngư dân” đang quăng chài. Sau hơn một tiếng đồng hồ miệt mài làm việc, chúng tôi mất không biết bao nhiêu chì và lưỡi câu mà chẳng bắt được con cá nào. Chiều mùa đông cũng xuống sớm. Thôi đành ăn mì gói vậy. Tôi nghĩ bụng như thế. Nhưng vừa lúc chúng tôi thu dọn cần câu để ra xe, người ngư dân quăng chào tiến đến chào hỏi và mời tôi đến xem chiến lợi phẩm của anh: ba con cá chai và một con cá cam (trevally) không dưới một ký!  Tôi trầm trồ và hỏi bí quyết. Anh cho biết mình đang sống bên cạnh bờ sông và cá con anh quăng chài bắt được là để làm mồi câu cá lớn. Nghĩ đến buổi tối sẽ phải ăn mì gói cầm hơi, tôi ngỏ ý với nhà tôi nên thử tài ngoại giao đến gạ gẫm người ngư dân để xem anh có chịu bán bớt cho mình một ít cá không. Không ngờ nhà tôi đã chinh phục được người ngư dân quăng chài: không những anh biếu không hai con cá chai mà còn vào nhà lấy từ trong tủ lạnh ra hai con cua lớn đã được luộc chín và đông lạnh. Nhưng lòng quảng đại của người ngư dân không dừng lại ở đó. Thấy chúng tôi có bốn người, sợ hai con cá chai và hai con cua không đủ cho bữa ăn tối, anh lại biếu thêm một con cá chai lớn nữa. Chưa bao giờ chúng tôi có được một bữa ăn tối với đồ biển thịnh soạn như thế. Và dĩ nhiên, trong suốt những ngày rong chơi còn lại, không có ngày nào chúng tôi không nhắc đến tấm lòng tử tế và quảng đại của một người mà chúng tôi chỉ thoáng quen bên một bờ sông.
Hình ảnh của Paul và người ngư dân bên dòng sông ở Gympie đã in đậm trong ký ức của tôi. Con sông uốn khúc, đồng ruộng mênh mông...tôi tin rằng cuộc sống thôn dã đã ảnh hưởng đến tâm tánh của con người: bầu không khí tĩnh mịch không những mang lại an bình mà còn thúc đẩy con người sống quảng đại, tử tế với người đồng loại hơn.
Không biết suy nghĩ của tôi có đúng không, nhưng tôi nhận thấy những đứa trẻ lớn lên ở đồng quê dường như cũng cư xử lương thiện và tử tế hơn với người khác. Đó là trường hợp của cậu bé khoảng 10 tuổi mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc tại một vùng quê gần bãi biển Airlie Beach, cách thành phố Prosepine không xa.
Lâu nay tôi cứ tưởng tại miền Bắc Queensland, trái cây nhiệt đới được bày bán khắp nơi. Nhưng vào các siêu thị, tìm được trái cây nhiệt đới đã khó, giá cả lại còn đắt hơn ở Sydney. Tìm cho được một tiệm tạp hóa có bán đủ hàng hóa và nhứt là trái cây nhiệt đới là chuyện trần ai. Đem theo một ít bò khô, chúng tôi cứ tưởng đến miền Bắc Queensland sẽ tha hồ được ăn gỏi đu đủ. Ai dè đi suốt mấy ngày, chẳng thấy bóng dáng cây đu đủ ở đâu cả. Chính vì vậy mà khi đi ngang qua một ngôi vườn gần bãi biển Airlie Beach, chúng tôi mừng hết lớn khi nhìn thấy một cây đu đủ. Chúng tôi lại dở cái trò “ngoại giao” cũ. Nhưng ghé vào ngôi vườn có cây đu đủ, chúng tôi chẳng thấy bóng dáng người lớn nào cả mà chỉ có một cậu bé và đứa em gái nhỏ đang đạp xe đạp trên con đường đất phía trước nhà. Sau vài câu chào hỏi và gợi ý của chúng tôi, không ngờ cậu bé đã sốt sắng vào vườn hái cho chúng tôi hai trái đu đủ xanh và cho biết đây là vườn của bà nội cậu. Cậu còn tỏ ra rất tự tin để cho biết sẽ “nói lại” với bà nội và thế nào bà cũng hài lòng vì trao tặng “món quà” này.
Lại thêm một “viên đá quý” nữa tỏa sáng lên trong bữa gỏi khô bò của chúng tôi ngay buổi chiều hôm đó. Câu chuyện của chúng tôi trong suốt bữa ăn hôm đó dĩ nhiên xoay quanh tấm lòng tử tế của cậu bé ấy. Và cho tới nay, khi tôi ngồi ghi lại những dòng này, hình ảnh của cậu bé ấy lại hiện ra để nhắc nhở tôi rằng, cho dầu thế giới này vẫn còn đầy dẫy những kẻ bất lương, những người gian ác, tàn bạo...nhưng tấm lòng tử tế vẫn còn hiện hữu. Hình ảnh của cậu bé cũng cho tôi thấy được ý nghĩa đích thực của lòng quảng đại.
Tôi tin rằng cũng giống như sự vận động cơ thể, cách ăn uống lành mạnh và “gen” di truyền tốt, lòng quảng đại giúp cho con người sống khỏe và gia tăng tuổi thọ. Đây là kết quả của một cuộc nghiên cứu do trường đại học Michigan, Hoa Kỳ thực hiện hồi năm 2003. Cuộc nghiên cứu đã cho thấy lòng quảng đại gia tăng sức khỏe thể lý và tinh thần cũng như kéo dài tuổi thọ của con người. Lý do thật đơn giản: lòng quảng đại hạ giảm sự căng thẳng, củng cố hệ thống miễn nhiễm và giúp mang lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho tôi biết rằng lòng quảng đại cũng giúp cho con người biết ra khỏi bản thân, biết “quên mình” để  thoát ra khỏi xiềng xích của những tình cảm tiêu cực như cay đắng, muộn phiền và nhứt là hận thù.
Các chuyên gia tâm lý còn bảo rằng lòng quảng đại mang lại sự tự tin cho con người. Khi chúng ta biết sống quảng đại, nghĩa là biết quan tâm và sống cho người khác, chúng ta cũng sẽ tỏ ra nhạy cảm hơn đối với bản thân và nhận ra giá trị của mình (PsychologyToday online, Generosity-What’s in it for you 24/11/2010).
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Chuyến đi nào cũng giúp tôi nghỉ ngơi, thư giãn. Chuyến đi nào cũng để lại trong ký ức tôi những kỷ niệm đẹp. Về phong cảnh đã đành, nhưng về tình người nhiều hơn. Nếu có những bài học quý giá hay những viên đá quý cần được cất giữ thì tôi nghĩ đó là tấm lòng quảng đại và tử tế của những người mà tôi đã gặp gỡ trong chuyến đi. Chuyến đi nào cũng làm cho tôi được giàu có hơn. Giàu có không phải vì bỏ tiền ra mua được những viên đá quý mà nhiều người đã bỏ ra bao nhiêu mồ hôi nước mắt để tìm kiếm, chắt lọc, mài dũa mới có được. Tôi cảm thấy giàu có hơn vì tấm lòng quảng đại và tử tế của những người tôi gặp gỡ trong chuyến đi đã thúc đẩy tôi cũng phải cố gắng sống quảng đại và tử tế hơn với người khác. Tôi cảm thấy giàu có hơn vì đã được mở mắt để thấy được đâu là những viên đá quý thực sự trong cuộc sống.




Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Bắc Hàn nhìn từ vệ tinh


22.8.15

Dù chúng ta đang đứng ở đâu, trên trái đất này không có bất cứ đất nước nào cách xa chúng ta cho bằng Bắc Hàn. Những hình ảnh chụp được từ vệ tinh vào lúc ban đêm cho thấy quốc gia cộng sản bưng bít nhứt hành tinh này hoàn toàn chìm ngập trong tăm tối bên cạnh hai lân bang sáng chói là Trung Cộng và Nam Hàn.
Thiên đàng cộng sản này thiếu ánh sáng vì thiếu điện. Bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng, hầu như về đêm, quốc gia cộng sản này không còn hiện hữu với thế giới bên ngoài nữa. Đây là hình ảnh cho thấy thiên đàng cộng sản Bắc Hàn hoàn toàn bị hoặc tự cắt đứt với toàn thế giới. Trong thời đại mà chúng ta có thể thấy hầu như mọi góc cạnh của trái đất, khi chúng ta có thể thông tin và liên lạc  hầu như với mọi người, khi nguồn thông tin trở thành hầu như vô tận, thì Bắc Hàn vẫn còn là một “lỗ đen”. Đó là một “lỗ đen” mà không một thứ gì và không một người dân nào có thể thoát ra được.
Kể từ năm 1953, khi Bán đảo Triều Tiên bị chia đôi thành  Nam Hàn Quốc Gia  và Bắc Hàn Cộng Sản, đã có hàng ngàn người liều mạng sống để thoát ra khỏi cái “lỗ đen” ấy. Hầu hết đều đến Trung Quốc. May lắm thì được đặt chân vào Nam Hàn. Một số đã rời bỏ thiên đàng cộng sản Bắc Hàn để trốn thoát khỏi cuộc bách hại chính trị dã man vốn đã trở thành chuyện cơm bữa trong cuộc sống của người dân trong chế độ độc tài chuyên chính mà lãnh tụ Kim Nhật Thành đã thiết lập và được “cha truyền con nối” trước hết cho người con trai của ông là Kim Chính Nhất và nay cho người cháu nội của ông là Kim Chính Vân.
Ngoài lý do chính trị, nhiều người dân Bắc Hàn cũng tìm cách trốn thoát khỏi thiên đàng cộng sản vì nạn đói kém đã bắt đầu từ thập niên 1990 và tiếp tục cho tới ngày nay. Ở lại thì chết đói, mà ra đi thì hiểm nguy khôn lường. Nhưng thà chết vì ra đi hơn ở lại để chết đói.
Đã từng trốn thoát khỏi chế độ, tác giả Joseph Kim đã viết trong hồi ký “Under the Same Sky:From Starvation in North Korea to Salvation in America” (Dưới cùng một bầu trời: từ chết đói ở Bắc Hàn đến tự do ở Hoa Kỳ), rằng “Nạn đói xảy  đến, mọi sự đều từ từ biến mất như thể bị bốc hơi”.
Hồi ký trên đây của tác giả Kim được xem là một trong ba cuốn sách hay nhất về Bắc Hàn được phát hành trong mùa hè này tại Hoa Kỳ.
Tác giả thứ hai là cô Hyeonseo Lee với hồi ký có tựa đề “ The Girl With Seven Names: A North Korean Defector’s Story” (Người con gái với 7 tên: câu chuyện của một người trốn thoát khỏi Bắc Hàn).
Cuốn sách thứ ba có tựa đề “A Thousand Miles to Freedom: My Escape from North Korea” (Vượt qua hàng ngàn dậm để đi tìm tự do: cuộc đào thoát khỏi Bắc Hàn của tôi). Đây là tác phẩm của cũng của một nữ tác giả là cô Eunsun Kim.
Ngoài ba cuốn hồi ký trên đây, các cuộc đào thoát khỏi thiên đàng cộng sản Bắc Hàn cũng là đề tài cho nhiều hồi ký khác sẽ ra mắt độc giả Mỹ vào mùa Thu tới đây. Trước đây, độc giả Mỹ cũng đã có trong tay một số quyển hồi ký được xếp vào loại bán chạy nhất như hai cuốn “The Aquariums of Pyongyang” (Những hồ nuôi cá kiểng của Bình Nhưỡng) và “Escape From Camp 14” (Đào thoát khỏi Trại 14). Đây là những câu chuyện ly kỳ về những hòn đảo “Gulag” ở Bắc Hàn. Về “Vương Quốc” hoàn toàn bưng bít với thế giới bên ngoài này, bất cứ câu chuyện nào cũng đều hấp dẫn. Chính vì vậy mà ngay cả những chuyện hư cấu có tựa đề “The Orphan Master’s Son” (Người con trai của ông chủ mồ côi) do tác giả Adam Johnson sáng tác cũng thu hút độc giả không kém và đã mang về cho tác giả giải thưởng cao quý “Pulitzer Prize”.
Riêng hai tác giả Joseph Kim và Hyeonseo Lee đã có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng độc giả Mỹ.
Những câu chuyện về sự sống sót trong các ngục tù cộng sản không phải là điều mới mẻ. Văn hào Nga Aleksandr Solzhenitsyn đã từng được trao tặng Giải Nobel Văn Chương hồi năm 1970 nhờ tác phẩm “Quần đảo Gulag” viết về hệ thống tù ngục của Chế độ Cộng sản Liên Xô. Riêng tác giả Lưu Hiểu Ba, người Trung Quốc hiện đang ngồi tù, cũng đã được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 2010 vì đã phơi trần được bộ mặt độc ác dã man của Chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Nhưng ngay cả những chế độ độc tài cộng sản, ở vào giai đoạn tồi tệ nhất của chúng, như Liên Xô, Trung Quốc, Khờ me Đỏ ở Cam Bốt, cũng vẫn không bí hiểm như Bắc Hàn hiện nay. Ngoài bộ mặt mà bộ máy tuyên truyền của Bắc Hàn cố gắng tô vẽ và trưng bày trước thế giới, chỉ có những người đào thoát khỏi thiên đàng cộng sản này mới có thể cung cấp cho người bên ngoài những thông tin đích thực về cuộc sống tại đây. Họ là nguồn ánh sáng duy nhất có thể soi rọi vào cái “lỗ đen” Bắc Hàn.
Các tác giả viết hồi ký về Bắc Hàn đều thuộc giới trẻ. Khác với những người Bắc Hàn đã từng viết hồi ký trước đó, họ không trực tiếp là nạn nhân của chế độ. Những năm đầu đời của họ, nếu không đầy đủ tiện nghi, thì ít nhất cũng an toàn; gia đình họ không bị bách hại; họ được cho ăn mặc đầy đủ. Họ được vào rạp chiếu bóng để xem xi nê hoặc ngồi ở nhà để theo dõi  những phim truyện truyền hình được sản xuất trong nước và mỗi ngày chỉ  được “phát sóng” vào đúng vào 8:45 phút tối. Tác giả Joseph Kim mỉa mai: “Nếu bạn muốn xâm chiếm Bắc Hàn, thì đây là lúc thuận tiện nhất để làm, bởi vì một nửa dân số Bắc Hàn đang tụ tập tại nhà của một người hàng xóm nào đó để chờ xem một chương trình truyền hình”. Dân chúng hít thở sự tuyên truyền của dòng họ Kim cũng như hít thở không khí xung quanh họ.
Về phần mình, nữ tác giả Hyeonseo Lee kể lại chuyện người dượng ghẻ của cô đã liều mạng sống để bảo vệ chân dung của hai cha con lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhất được treo trong nhà khỏi ngọn lửa khi xảy ra cháy nhà. Theo cô, “đây là một hành động anh hùng để một công dân có thể được tuyên dương”.
Riêng cô Eunsun Kim thuật lại cơn lên đồng thập thể của dân chúng giữa cơn mưa gió ngày 8 tháng Bảy năm 1994, khi lãnh tụ vĩ đại Kim Chính Nhất qua đời. Trên đài truyền hình, những người đọc tin loan báo rằng ngày hôm đó bầu trời cũng khóc thương cái chết của Lãnh tụ Vĩ đại. Cô viết: “Tôi đã thực sự tin điều đó”.
Nhưng cuộc sống và một niềm tin như thế đã chấm dứt khi nạn đói xảy ra. Cũng như với bất cứ điều gì xảy ra tại Bắc Hàn, chẳng ai biết được chính xác những con số liên quan đến nạn đói trong thập niên 1990. Nhưng việc Liên Xô ngưng viện trợ sau Chiến Tranh Lạnh và một loạt những thiên tai, bão lụt cũng như sự bất lực hoàn toàn của chính phủ, đã khiến cho nền nông nghiệp vốn yếu kém của Bắc Hàn hoàn toàn bị phá sản. Các chuyên gia quốc tế ước tính có đến hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu người chết đói trong nạn đói này.
Giá trị thực sự của những hồi ký trên đây chính là lột tả được cuộc sống của người dân Bắc Hàn trong một trong những thảm họa khủng khiếp nhất mà thế giới chưa từng biết tới và đó cũng là một trong những thảm họa bí mật nhất. Mỗi một tác giả trên đây đều đã từng biết thế nào là đói. Mỗi người đều đã chứng kiến những người thân trong gia đình của họ chết đói. Như nhân vật Oliver Twist trong một truyện của văn hào Anh Charles Dickens (1812- 1870), để sống còn, có người đã phải gia nhập vào một băng đảng thiếu niên để đi trộm cắp, mặc dù biết rằng một hành động nhỏ như ăn cắp một nắp đậy ống cống cũng đủ để bị kết án tử hình.
Trong một thế giới trong đó vẫn còn có đến 800 triệu người mỗi buổi tối đi ngủ với cái bụng đói, thì đói vẫn còn được xem là chuyện thường tình. Nhưng đối với người dân Bắc Hàn là những người thực sự tin rằng các nhà lãnh đạo của họ luôn luôn bảo vệ họ, thì nạn đói quả là một thảm họa vừa tâm lý vừa thể lý. Khi nạn đói xảy ra, Chính phủ Bắc Hàn đã tung ra khẩu hiệu: “Mỗi ngày chỉ nên ăn hai bữa”, trong khi đó thì giới lãnh đạo vẫn uống rượu Cognac với tôm hùm. Nhiều người đã mở mắt ra nhờ hình ảnh ấy.
Năm 1996, cậu bé Joseph Kim đã lén lên xe lửa  để trốn sang Trung Quốc. Tại đây cậu được các tín hữu Kitô đón tiếp trước khi được nhận sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Về phần mình, hai tác giả Eunsun Kim và Hyeonseo Lee cũng trốn sang Trung Quốc và được Nam Hàn đón nhận. Eunsun Kim đã phải trải qua một cuộc hành trình kéo dài 9 năm trước khi tìm được tự do tại Nam Hàn. Hyeonseo Lee vượt thoát khỏi Bắc Hàn năm cô 17 tuổi. Nhiều năm sau, cô đã liều lĩnh làm một cuộc trở về đầy nguy hiểm để tìm kiếm và gặp lại gia đình hiện vẫn còn sống tại  Bắc Hàn. Hiện cô đang sống tại thủ đô Seoul, Nam Hàn.
Joseph Kim không được may mắn như hai nữ tác giả này. Toàn bộ gia đình anh đã chết trong nạn đói. Là một người sống sót từ nạn đói, anh viết: “Tâm hồn bạn được nhào nặn bằng những cách thế mà bạn chỉ biết được nhiều năm sau này”.
Hơn 60 năm kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, 25 triệu người dân Bắc Hàn vẫn còn sống trong một chế độ có toàn quyền trên họ nhưng chẳng làm cho họ được no cơm ấm áo, không bảo đảm cho họ được an ninh và cũng chẳng mang lại cho họ bất cứ hy vọng nào về thay đổi.
Kể từ khi thay cha lên cầm quyền, cậu ấm Kim Chính Vân có làm một số thay đổi. Trong khi ông nội và cha cậu chẳng bao giờ cho ai thấy bóng dáng hiền thê hoặc thê thiếp của họ, thì Kim Chính Vân đã không ngần ngại “trình diện” cô vợ Ri Sol-ju của cậu. Hầu như lúc nào người đàn bà này cũng có mặt bên cạnh chồng mình trong những chuyến công cán của ông.
Ông vua đời thứ ba của triều đại Kim này cũng có một thay đổi “ngoạn mục” khác là mời một số danh thủ Bóng Rổ nổi tiếng như Dennis Rodman đến thăm Bắc Hàn. Nhưng đáng chú ý hơn cả vẫn là việc Kim Chính Vân gia tăng cường độ tàn ác trong việc thanh trừng nội bộ. Về chuyện này, cậu đã hoàn toàn qua mặt ông nội và cha cậu. Cậu cũng cho gia tăng kiểm soát biên giới kỹ hơn để người dân không thể đào thoát ra sang các nước láng giềng. Dạo tháng 6 năm 2013, một nhóm người gồm 9 người, trong đó có một thiếu niên 13 tuổi, đã bị bắt tại biên giới Lào. Họ đã được mang trả về Bắc Hàn. Họ đã được cho xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước để “bày tỏ” niềm hân hoan được trở về tổ quốc. Nhưng sau đó cả 9 người đều bị mang ra hành quyết.
“Vua” Kim của “Vương Quốc” bí mật nhất thế giới này đã không làm bất cứ thay đổi nào như người dân Bắc Hàn mong đợi.
Dạo tháng 6 vừa qua, người đứng đầu Tổ chức Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc công bố một bản báo cáo theo đó Bắc Hàn một lần nữa đang đứng bên vực thẳm của hạn hán và nạn đói.
Bóng tối chẳng có biên giới trong thiên đàng cộng sản này.

(Theo  Bryan Walsh “The Long Journey from North Korea to Freedom”, Time 17/8/2015)

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Khắc khoải khôn nguôi


Chu Thập
7.8.15

Khoa học ngày càng làm được những bước dài trong khám phá và tìm hiểu vũ trụ.
Ngày 14 tháng 7 vừa qua, sau một cuộc hành trình kéo dài 9 năm, vượt qua đoạn đường gần 5 tỷ cây số, phi thuyền New Horizons của cơ quan không gian NASA, Hoa Kỳ,  đã đến gần Pluto, hành tinh xa nhứt trong thái dương hệ, để có thể gởi về trái đất của chúng ta một số hình ảnh về hành tinh này. Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, có lẽ không ai dám nghĩ tới khám phá này.
Rồi cũng trong những ngày vừa qua, cơ quan NASA lại tuyên bố đã tìm thấy một hành tinh mới mà sự cấu tạo , điều kiện địa chất và khí hậu  giống với trái đất của chúng ta đến ni họ đã đặt cho nó cái tên là “Earth 2.0” (Trái đất 2), một “chị em song sinh” của trái đất chúng ta. Quay xung quanh một mặt trời khác, “Earth 2.0” cách trái đất chúng ta đến gần 1500 năm ánh sáng, nhưng lại không quá nóng và cũng không quá lạnh. Yếu tố này khiến cho các khoa học gia tin rằng rất có thể có sự sống trên “chị em song sinh” của trái đất này.
Ngoài trất đất của chúng ta, liệu trong vũ trụ bao la này có thể có một “loài người” khác, tức những con người cũng có trí khôn như chúng ta không? Trung tâm  Điện ảnh Hollywood đã từng đưa ra giả thuyết ấy qua nhiều cuốn phim về người ngoài hành tinh. Nay đến lượt khoa học lại cũng muốn “làm việc” với một giả thuyết như thế.
Với sự khuyến khích của nhà vật lý học người Anh nổi tiếng của thế kỷ là ông Stephen Hawking, một tỷ phú người Nga là ông Yuri Milner đã sẵn sàng bỏ ra 100 triệu Mỹ kim để tìm cho ra được trong vũ trụ rộng đến 92 tỷ năm ánh sáng không những sự sống nói chung mà còn cả sự sống của một hay vô số những “loài người” khác giống như chúng ta. Với dự án trị giá 100 triệu này ở khởi đầu, các khoa học gia sẽ “thám thính” và dò xét đến cả triệu ngôi sao và 100 giải ngân hà gần nhất, mỗi cái có thể chứa đựng đến hàng trăm tỷ ngôi sao mà họ cho là biết đâu lại chẳng cưu mang một sự sống nào đó. Người ngoài hành tinh “E.T” (extraterrestrial) có thể cũng bay nhảy như loài người chúng ta. Còn nếu họ cũng nói chuyện ồn ào như chúng ta, thì họ không thể ln trốn đi đâu được. Nói cách khác, từ nơi họ ở hẳn phải có những tín hiệu được phát ra. Những cố gắng của khoa học là làm sao tiếp nhận được những tín hiệu ấy. Còn không thì về phía loài người chúng ta, cứ bắn tín hiệu đi khắp nơi và càng xa càng tốt. Biết đâu ở một nơi nào đó, người ngoài hành tinh lại chẳng nhận được tín hiệu của loài người chúng ta và sẽ tìm cách đáp trả.
Giả thuyết về sự hiện hữu của một hay nhiều “loài người” khác ngoài trái đất không chỉ thu hút sự chú ý của các khoa học gia hay những người tiền rừng bạc b, mà cũng trở thành một mối quan tâm đặc biệt của các tôn giáo, cách riêng của Giáo hội Công giáo mà Vatican là cơ quan đại diện. Cách đây 4 thế kỷ, dựa trên tường thuật “thi vị” của Kinh Thánh về vị trí trung tâm của trái đất trong vũ trụ, Giáo hội Công giáo đã xem Galileo Galilei (1564- 1642) như một người “lạc đạo”, khi ông tuyên bố ngược lại với Kinh Thánh rằng trái đất quay xung quanh mặt trời chớ không phải ngược lại. Từ đó, nhiều người thường nhìn vào Giáo hội Công giáo như một thứ lực cản hủ lậu, ngăn chận bước tiến của khoa học. Công bình mà nói, vụ án Galilei quả là một sai lầm đáng tiếc của Giáo hội Công giáo. Giáo hội này đã không biết bao lần lên tiếng nhìn nhận sai lầm và đấm ngực sám hối. Nay không những khuyến khích nghiên cứu khoa học, Giáo hội Công giáo cũng dấn thân vào công cuộc nghiên cứu ở nhiều địa hạt khác nhau. Với mục đích đó, Tòa Thánh Vatican đã cho thiết lập một Hàn Lâm Viện Khoa Học để đích thân tham gia vào công cuộc nghiên cứu khoa học. Điển hình nhứt là sự kiện ngay từ thế kỷ 18, Tòa Thánh Vatican đã có cả một Đài Thiên Văn. Liên quan đến giả thuyết về sự hiện hữu của một loài người khác ngoài hành tinh, mới đây Tòa Thánh Vatican đã cho tổ chức một hội nghị qui tụ trên 30 nhà khoa học gồm các nhà thiên văn học, vật lý học và sinh học, trong đó có những người ngoài công giáo.
Về giả thuyết của sự sống ngoài hành tinh, giám đốc Đài Thiên Văn của Tòa Thánh Vatican, Linh mục Jose Gabriel Funes, một nhà thiên văn học, đã tỏ ra rất tích cực. Với nhà thiên văn học này, một giả thuyết như thế xem ra chẳng có gì trái ngược với niềm tin tôn giáo và dĩ nhiên cũng chẳng phủ nhận được sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa mà các tín đồ của các tôn giáo độc thần như Do Thái giáo, Hồi giáo và Ki Tô giáo hằng tin tưởng và tuyên xưng.
Tôi là một trong vô số những tín đồ như thế. Với tôi, điều đáng suy nghĩ không phải là sự hiện hữu của một hay nhiều loài người bên ngoài trái đất của chúng ta, mà chính là cái khả năng hiểu biết và khám phá hầu như vô tận của loài người trên trái đất này. Ngày 12 tháng Tư năm 1961 là một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử nhân loại khi phi hành gia Nga Yuri Gargarin trở thành người đầu tiên được phóng lên không gian trong phi thuyền Vostok 1. Không đầy một tháng sau đó, chuyện đi vào không gian đã trở thành bình thường khi phi hành gia Mỹ đầu tiên là ông Alan Shepard cũng thực hiện được một chuyến đi như thế. Nhưng năm 1968, cả thế giới đã phải sửng sốt và thán phục khi Hoa Kỳ cho phi hành gia của họ đổ bộ xuống mặt trăng và cm cờ của họ ở đó. Ngày nay, chuyện đi vào không gian không còn là độc quyền của Nga hoặc Mỹ nữa. Thế giới đang tính đến chuyện đưa người lên “lập nghiệp” trên Hỏa Tinh hoặc ngay cả sẽ du lịch đến những nơi có người ngoài hành tinh đang sinh sống.
Thám hiểm không gian, tìm hiểu vũ trụ...khả năng hiểu biết và khám phá của con người xem ra không có giới hạn. Kể từ khi Isaac Newton (1642- 1726) công bố định luật về sức hút của vũ trụ, kế đó James Clerk Maxwell (1831-1879) đưa ra Phương trình Điện từ trường, rồi Albert Einstein (1879-1955) khai sinh Thuyết Tương đối...dường như những bí ẩn của vũ trụ đều có thể giải thích được bằng những công thức toán học chắc nịch như định lý mà Pythagoras (570-495 BC) đã suy diễn từ những định đề của Euclides (300 BC).
Sinh thời, có lần nhà bác học Einstein tâm sự rằng điều khiến cho ông quan tâm nhiều nhứt là liệu “Thiên Chúa” có một chọn lựa nào không khi tạo dựng vũ trụ này. Nói cách khác, liệu con người có thể đi vào “đầu óc” của “Thiên Chúa” để hiểu được “tư tưởng” của Ngài khi Ngài tạo dựng vũ trụ này không? Dĩ nhiên, nhà bác học này không hề sử dụng từ “Thiên Chúa” theo ý nghĩa tôn giáo quen thuộc của các tôn giáo độc thần. Với ông, từ “Thiên Chúa” chỉ là một ẩn dụ để nói đến những câu hỏi sâu sa về sự hiện hữu của vũ trụ mà thôi. Nỗi thao thức của cha đẻ thuyết tương đối đã được nhiều nhà khoa học ngày nay chia sẻ. Họ tin rằng con người có thể đi vào “đầu óc” của “Thiên Chúa”, nghĩa là có thể tìm ra được câu trả lời cho mọi bí ẩn của vũ trụ. Cụm từ “Lý thuyết của mọi sự” (Theory of Everything) thường được dùng để nói đến cái khả năng của con người có thể giải thích được mọi sự. Mọi sự đều có thể cân đo đong đếm một cách chính xác theo các phương trình toán học.
Tôi tin ở sự tiến bộ không ngừng của khoa học. Tôi tin ở khả năng tuyệt vời của trí khôn con người. Tôi tin rằng rồi đây bức màn của không biết bao nhiêu bí ẩn của vũ trụ sẽ được vén mở. Nhưng với tôi, dù cho khả năng hiểu biết của con người có vô tận đi nữa, “mầu nhiệm”, nghĩa là sự hiện hữu của những điều không thể giải thích được, vẫn mãi mãi bao trùm lấy chỗ đứng và sự hiện hữu của con người trong vũ trụ này.
Một linh mục công giáo người Đức ở thế kỷ 17 tên là Johann Angelus Silesius có để lại những bài thơ và thánh ca nổi tiếng. Có một bài thánh ca trong đó vị linh mục này viết: “Con người có hai con mắt. Một con mắt chỉ thấy những gì chuyển động trong thời gian. Một con mắt lại nhận ra điều vĩnh cửu và thần linh”. Linh mục Silesius có lẽ muốn nhắc nhở rằng con người không chỉ bước đi bằng con mắt khoa học để chỉ nhìn thấy những gì có thể cân đo đong đếm được, mà còn cần phải tỉnh thức để nhận ra những thực tại vĩnh cửu và thần linh trong cuộc sống.
Thời trung học, tôi rất say mê những “tư tưởng” (Penseés) của nhà toán học, vật lý học, nhà phát minh và đồng thời cũng là một triết gia người Pháp là Blaise Pascal (1623-1662). Tôi vẫn nhớ mãi những suy tư của ông về điều thường được gọi là “nỗi khắc khoải của Pascal” (L’angoisse pascalienne). Ông viết: “Khi thấy sự mù quáng và nỗi khốn khổ của con người, khi nhìn vào vũ trụ câm lặng và con người không có ánh sáng, bơ vơ một mình và như thể lạc lõng trong gốc vũ trụ này, mà không biết ai đã đặt mình vào đó, mình đến đó để làm gì, mình sẽ như thế nào khi chết, không có khả năng hiểu biết...tôi cảm thấy run sợ như một người đang ngủ bỗng bị mang đến một đảo hoang đáng sợ và khi thức giấc không biết mình đang ở đâu và không có phương tiện để ra khỏi đó. Tôi thán phục và không hiểu tại sao người ta không hề thất vọng khi lâm vào môt hoàn cảnh khốn khổ như thế. Tôi thấy xung quanh tôi có những người cũng có một bản tính như tôi: tôi hỏi họ liệu họ có hiểu biết hơn tôi không. Họ trả lời không. Những con người lạc lõng đáng thương này, khi nhìn xung quanh mình và nhận thấy có vài đồ vật có thể “mua vui” được, đã lăn xả vào đó và gắn bó với chúng” (Blaise Pascal, Les Penseés, Section XI, Les prophéties)
Bơ vơ, lạc lõng giữa vũ trụ như mọi người, nhưng Pascal đã chạy đến với niềm tin tôn giáo. Với ông, chỉ có niềm tin tôn giáo mới có thể xoa dịu được nỗi khắc khoải khôn nguôi của con người.
Cũng như triết gia Pascal và vô số những tín đồ tôn giáo, những lúc hụt hẫng, chao đảo trong cuộc sống, tôi chỉ biết dựa vào niềm tin tôn giáo.Tôi nghĩ rằng đó là thân phận chung của con người trên trái đất này. Ngay cả những người đấm ngực tự xưng là “vô thần” cũng không tránh khỏi những giây phút hụt hẫng, chao đảo như thế và muốn hay không họ cũng bám víu vào một “niềm tin” hay “tín ngưỡng” nào đó, dù là niềm tin hay tín ngưỡng “vô thần”.
Trong tôn giáo của tôi cũng như nhiều tôn giáo khác, nhiều người bên ngoài nhìn vào có lẽ chỉ thấy những điều “vớ vn” hoặc ngay cả “phi lý”. Làm sao hiểu hay cảm được sự kiện hàng năm có đến 30 triệu tín đồ Ấn Giáo đổ xô đến dòng sông Hằng để tắm gội và thanh tẩy trong dòng nước dơ bẩn thiếu vệ sinh nếu không phải là một tín đồ Ấn Giáo? Làm sao hiểu hay cảm được lòng thành tín của hàng triệu triệu người hàng năm tìm đến dòng nước suối Lộ Đức mà chỉ có những người có lòng thành tín mới “nhìn thấy” và cảm nhận được hiệu năng chữa trị?
Dù có “vớ vn” hoặc “phi lý” cách mấy dưới cái nhìn luận lý hay khoa học, với tôi, niềm tin tôn giáo vẫn mãi mãi cần thiết cho cuộc sống, bởi vì chỉ có niềm tin tôn giáo mới có thể giúp tôi xoa dịu được nỗi khắc khoải khôn nguôi trong tôi và đưa tôi đi vào “mầu nhiệm” của cuộc sống mà khoa học, dù có tiến bộ đến đâu, cũng không thể giải thích được. Mãi mãi tôn giáo vẫn là chiếc phao cứu hộ cho con người đang bơ vơ lạc lõng giữa đại dương của cuộc đời. Dù là Niết Bàn hay Tây Phương cực lạc trong đó con người sẽ hoàn toàn được giải thoát khỏi kiếp sống khổ đau, dù  là Thiên Đàng trong đó con người sẽ được “hưởng mặt Chúa sáng láng vui vẻ vô cùng”, niềm tin tôn giáo nào cũng đều là động lực thúc đẩy con người ăn ngay ở lành. Con người cần có niềm tin tôn giáo để được sống an bình và góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh.




Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

El Salvador: vùng tử địa của Châu Mỹ La Tinh



 7.8.15
Khi các “tân binh”  gia nhập vào băng Mara Salvatrucha tại El Salvador, các thành viên kỳ cựu của băng này đón chào họ bằng một nghi thức khai tâm rất tàn bạo. Cuộc đánh đập thô bạo này được cho là một biểu trưng của sự cam kết mà những người mới được thu nhập vào băng muốn bày tỏ với gia đình mới của mình. Nghi thức khai tâm này cũng là một cách để chuẩn bị cho các thành viên mới đảm nhận hai vai trò của họ: vừa là nạn nhân vừa là kẻ đi hành hạ người khác. Rất nhiều người tại El Salvador đã chết vì đóng một lúc hai vai trò như thế.
Marvin Gonzalez, 32 tuổi, là người đã từng đứng đầu một “chi bộ” của đảng Mara Salvatrucha tại Ilopango, cách thủ đô San Salvador vài cây số về hướng Đông. Anh kể lại: “Từ lúc nhỏ, chúng tôi đã chứng kiến những cảnh (chém giết) như thế. Những cảnh này diễn ra mỗi ngày, không bao giờ hết. Có những cảnh người chết bị chặt đầu, thân thể vứt đi một nơi”. Cựu thành viên của băng đảng này nói: “Những người nghèo chúng tôi tàn sát lẫn nhau. Đây là một cuộc chiến vô nghĩa”.
Gonzalez đã sa lưới pháp luật. Anh được trả tự do năm 2012. Kể từ đó, anh quyết tâm chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này, bằng cách bắt liên lạc và “hưu chiến” với một băng khác tên là Barrio 18. Trong hai năm liền, thỏa hiệp giữa anh và băng này đã làm giảm đi phần nào con số người chết. Nhưng trong năm vừa qua, những cuộc giao chiến lại tái phát, một phần vì lãnh tụ của các băng đảng không thể hoàn toàn kiểm soát được các thành viên của mình.
Tỷ lệ sát nhân tại El Salvador hiện được cho là cao nhất trong vài thập niên gần đây. Chỉ nội trong tháng 6 vừa qua, trong một quốc gia chỉ có 6 triệu dân, số người bị giết lên đến 677 người. Nếu tỷ lệ này tiếp tục cho đến hết năm nay, El Salvador sẽ là nước có số người bị sát hại cao nhất bên ngoài một vùng đang có chiến tranh. Trước đây, Honduras, một quốc gia Trung Mỹ khác, đã đứng đầu danh sách. Nay El Salvador đã qua mặt nước này về số người bị sát hại.
Nhiếp ảnh viên người Ý, Patrick Tombola, người đã theo dõi những cuộc thanh toán bên trong và giữa các băng đảng tại El Salvador cho biết ông đã từng gặp gỡ với nhiều thành viên của các băng đảng, gia đình của họ cũng như giới cảnh sát. Tombola đã từng có mặt tại Syria, Dải Gaza và Libya là những nơi đã và đang diễn ra những cuộc chiến được cho là tàn khốc nhất. Nhưng ông cho rằng những cảnh chém giết tại những nước này chẳng là gì so với những cảnh đẫm máu tại El Salvador. Tại đây, nhiều thành viên băng đảng trẻ đã tỏ ra “khát máu” hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo nhiếp ảnh viên Tombola, có cả một thế hệ trẻ đang bị cuốn hút vào con đường tội phạm khát máu như thế.
Barri 18 và Mara Salvatrucha là hai băng đảng đang giao chiến với nhau để giành quyền kiểm soát lãnh thổ hầu có thể “khuếch trương” các vụ tống tiền, buôn bán ma túy và những hình thức tội phạm có tổ chức khác. Cuộc chiến không chỉ diễn ra giữa các băng đảng. Các thành viên của mỗi băng đảng cũng luôn sẵn sàng thanh toán đồng đội đối thủ của mình để leo lên những bậc thang trong tổ chức nội bộ. “Cuộc chiến vô nghĩa” tại El Salvador như Gonzalez đã nói, quả là một cuộc chiến không có lối thoát.
Có điều đáng suy nghĩ là băng Mara Salvatrucha đã không phát sinh tại El Salvador, mà đã thành hình trong các đường phố tại Los Angeles, Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1980. Lúc bấy giờ, El Salvador đang phải trải qua một cuộc nội chiến tàn khốc. Các nhóm du kích quân khuynh tả chiến đấu chống lại một chế độ độc tài được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Trong cuộc nội chiến, đã có hàng ngàn thanh niên El Salvador rời bỏ xứ sở để sang tỵ nạn tại tiểu bang California. Để chống đỡ trước các băng đảng gốc Mễ Tây Cơ và Phi Châu vốn đã có chân đứng trong xã hội Mỹ, giới trẻ tỵ nạn El Salvador đã thành lập băng Mara Salvatrucha. “Mara” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “nhóm thân hữu”. Còn “Salvatrucha” là một từ được kết hợp từ hai tiếng “Salvador” và “Trucha” có nghĩa là “bụi đời khôn lõi”.
Năm 1992, khi các nhóm du kích buông khí giới, chính phủ Hoa Kỳ đã trục xuất nhiều tù nhân thuộc băng Mara Salvatrucha về lại El Salvador. Ngoài ra cũng cần phải ghi nhận là trong cuộc nội chiến, nhiều người tỵ nạn El Salvador tại Hoa Kỳ cũng đã gia nhập băng Barrio 18. Khi bị Hoa Kỳ trục xuất về El Salvador, các cựu tù nhân thuộc băng Mara Salvatrucha và băng Barrio 18 đã đưa các cuộc chém giết tại Los Angeles về đất nước của họ.
Những cuộc chém giết giữa hai băng đảng này, mặc dù diễn ra tại El Salvador, cũng trở thành một vấn đề lớn cho chính phủ Hoa Kỳ. Các cuộc bạo động giữa các băng đảng đã khiến cho nhiều người trẻ tại Trung Mỹ rời bỏ xứ sở của họ và tìm cách chạy sang Hoa Kỳ. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã phải bắt giữ con số kỷ lục các thanh thiếu niên và trẻ con vượt biên giới Mễ Tây Cơ sang Hoa Kỳ. Một số thành viên băng đảng cũng tiến về hướng Bắc để gia nhập vào các băng đảng của El Salvador hiện vẫn còn đang hoạt động tại một số thành phố Mỹ.
Tổng thống El Salvador, ông Sanchez Cerén, đã hứa sẽ mở chiến dịch càn quét các băng đảng. Chính phủ El Salvador thành lập một số tiểu đoàn mới với các binh sĩ được huấn luyện đặc biệt để chiến đấu chống lại các băng đảng tội phạm. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều cuộc chiến đẫm máu hơn tại El Salvador. Chính vì đã quá thất vọng về cuộc chiến vô nghĩa của các băng đảng mà nhiều người dân El Salvador xem ra không muốn ủng hộ chiến dịch chống băng đảng tội phạm của chính phủ. Nếu chiến dịch này của chính phủ không thành công, các băng đảng sẽ giành quyền kiểm soát rộng rãi hơn tại Trung Mỹ và sẽ có nhiều người tìm đường trốn sang Hoa Kỳ hơn (x. Tạp chí Time, The Kill Zone, 3/8/2015).
Mara Salvatrucha và Barrio 18 hiện có tổng cộng 70 ngàn thành viên. Với một lực lượng hùng hậu như thế, mới đây, để làm tê liệt cuộc sống của người dân, hai băng đảng này đã cưỡng bách các tài xế xe buýt phải tham gia một cuộc đình công. Cuộc đình công đã khiến cho các sinh hoạt bình thường tại thủ đô San Salvador phải hầu như tê liệt, vì người dân buộc phải đi bộ đến các sở làm.
Với các cuộc đình công này, các băng đảng muốn được thương thảo với chính phủ và đòi hỏi phải được có mặt trong một ủy ban có trách nhiệm tìm kiếm những giải pháp cho việc chận đứng bạo động trong các thành phố mà phần lớn thủ phạm là chính họ.
Nhưng Tổng thống Cerén đã bác bỏ đề nghị trên đây của các băng đảng. Ông đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội đóng chốt tại các trạm xe buýt ở thủ đô San Salvador và các vùng phụ cận. Nơi nào xe buýt chưa hoạt động trở lại thì người dân di chuyển bằng xe tải. Đây là một trong những hình ảnh rất quen thuộc tại El Salvador.
Cộng Hòa El Salvador là quốc gia nhỏ bé nhất và có mật độ dân số đông nhất tại Trung Mỹ. Hầu hết dân số nước này là những người lai giữa người Âu Châu và người thổ dân. El Salvador, “Đấng Cứu Thế” là tên gọi mà nhà chinh phục Pedro De Alvarado đã đặt cho vùng đất mới này.
El Salvador đã bị đế quốc Tây Ban Nha chiếm đóng vào năm 1525 và cho sát nhập vào tiểu vương quốc Tân Tây Ban Nha do một phó vương tại Mễ Tây Cơ cai trị. Năm 1821, El Salvador được độc lập khỏi đế quốc Tây Ban Nha, nhưng lại trở thành một phần của đế quốc Mễ Tây Cơ và kế đó gia nhập vào Cộng Hòa Liên Bang Trung Mỹ. Năm 1841, Cộng Hòa Liên Bang này tan rã, El Salvador mới thực sự trở thành quốc gia có chủ quyền, nhưng sau đó lại liên hiệp với hai nước khác trong vùng là Honduras và Nicaragua để thành lập Đại Cộng Hòa Trung Mỹ. Liên hiệp này chỉ kéo dài từ năm 1895 đến năm 1898.
Kể từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, El Salvador đã không ngừng trải quả những cuộc đảo chính, nổi loạn và nhiều chế độ độc tài chuyên chế. Những bất bình đẳng về kinh tế-xã hội và tình trạng mất an ninh đã dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1979 đến năm 1992. Cuộc chiến giữa các nhóm du kích quân thiên tả và chính phủ quân phiệt chỉ chấm dứt sau khi hai bên đã đạt được một thỏa hiệp để thiết lập một nền cộng hòa đa đảng. Hai đảng chính tại El Salvador hiện nay là Liên Minh Cộng Hòa Quốc Gia gọi tắt là ARENA và Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia Farabundo Marti gọi tắt là FMLN. Đương kim tổng thống, ông Sanchez Cerén, thuộc Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia Farabundo Marti.
Kinh tế El Salvador tập trung vào nông nghiệp. Cây chàm, được trồng trong thời kỳ thực dân và hiện nay cây cà phê là hai nông sản quan trọng nhất của nước này. Đầu thế kỷ 20 vừa qua, cà phê chiếm đến 90 phần trăm sản lượng xuất cảng của El Salvador. Nhưng sau đó, nước này đã tìm cách hạ giảm sự lệ thuộc vào việc xuất cảng cà phê để chuyển sang thương mại và kỹ nghệ chiến biến. Bên cạnh kỹ nghệ chế biến, El Salvador cũng rất chú trọng đến kỹ nghệ du lịch. Trong năm 2014, đã có khoảng gần một triệu rưỡi khách du lịch đến viếng thăm nước này. Kỹ nghệ du lịch mỗi năm mang về cho El Salvador khoảng gần một tỷ Mỹ kim và chiếm khoảng 3,5 phần trăm Tổng sản lượng quốc gia. Trong năm 2013, theo ước tính, ngành du lịch đã trực tiếp tạo được trên hai trăm ngàn công ăn việc làm cho người dân, nghĩa là chiếm đến 8,1 phần trăm lực lượng lao động tại El Salvador. Du khách, đặc biệt là du khách từ Bắc Mỹ và Âu Châu thường tìm đến những bãi biển và cuộc sống về đêm tại nước này. Về tiền tệ, kể từ năm 2001, El Salvador đã bỏ đồng tiền “Colón” có từ thời thực dân để chuyển sang đồng Mỹ kim. Nhờ việc sử dụng đồng Mỹ kim cũng như những chuyến bay trực tiếp từ El Salvador đến hầu hết những thành phố lớn của Hoa Kỳ là những yếu tố thu hút du khách Mỹ đến nước này.
Năm 2010, El Salvador được xếp hạng 12 trong khối Châu Mỹ La Tinh về Chỉ số Phát triển Nhân bản và đứng hàng thứ 4 tại Trung Mỹ, chỉ sau Panama, Costa Rica và Belize, nhờ mức phát triển kỹ nghệ nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay nước này vẫn tiếp tục chiến đấu với tình trạng nghèo đói cao, sự bất bình đẳng xã hội và nhất là tội phạm do các băng đảng gây ra.
Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã đặc biệt chú ý đến những nhiều vụ bắt giữ các viên chức cảnh sát vì những vụ hạ sát bất hợp pháp. Một số vấn đề khác cũng khiến cho Tổ Chức này lo ngại là trong 10 năm qua, tại El Salvador đã xảy ra nhiều vụ trẻ con mất tích, nhưng không được điều tra thấu đáo.
Cũng như nhiều nước nghèo khác trên thế giới, El Salvador cũng bị nạn tham nhũng tác hại một cách trầm trọng. Tuy nhiên, theo sự đánh giá của dân chúng về tình trạng tham nhũng trong năm 2014, El Salvador xếp hạng 80 trong tổng số 175 nước trên thế giới, khá hơn Việt nam đến 34 hạng.



Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Một cách thể hiện lòng yêu nước


Chu Thập
31.7.15
Tôi là người dốt đặc về nền tân nhạc của Úc Đại Lợi, quê hương mới của tôi. Theo dõi chương trình “Who wants to be a millionnaire” trên Đài số 9, cứ mỗi lần có câu hỏi liên quan đến các ca nhạc sĩ hay các ca khúc, dù nổi tiếng cách mấy, tôi cũng đều “ngọng”. Một phần vì tiếng Anh của tôi thuộc loại ăn đong, có nghe đến năm lần bảy lượt, tôi thấy mình chẳng khác nào vịt nghe sấm. Một phần vì tuổi tác chăng, tôi thấy  mình “bị bỏ lại đàng sau” đối với các trào lưu nhạc mới.
Nhưng mới đây, tôi lại bị thu hút bởi một ca sĩ mà tôi nghĩ tên tuổi có lẽ cũng rất sáng giá trong nền tân nhạc Úc. Nghe đâu ông đang có chuyến lưu diễn tại một số tiểu bang. Tên ông là Jimmy Barnes trong ban kích động nhạc Cold Chisel. Sở dĩ tôi chú ý đến ông trước hết là vì ông có hát một ca khúc nghe rất Việt Nam mang tên là “Khe Sanh”.
Trước năm 1975, có lẽ không có người Việt Nam nào mà không nghe nói tới thung lũng “Khe Sanh” ở tỉnh Quảng Trị này. Nó là cơn ác mộng trong ký ức của nhiều binh sĩ Việt Nam, bên này hay bên kia, cũng như của các chiến binh trong quân đội Đồng minh. Úc Đại Lợi tham gia vào trận chiến với hai phi đoàn thuộc Không Lực Hoàng Gia đặc trách việc yểm trợ quân đội Đồng minh. Nơi đây, vào năm 1968,  đã diễn ra một trận đánh ác liệt giữa quân đội Đồng minh và bộ đội Cộng sản Bắc Việt. Hoa Kỳ cho là đã có tới 15 ngàn cán binh Việt Cộng bỏ xác tại trận. Nhưng phía Hà Nội, nhân dịp vừa mới kỷ niệm đúng 45 năm trận đánh vào đầu tháng 7 vừa qua thì vẫn cho đó là một chiến thắng với “11.900 “tên địch” bị giết chết, 480 chiếc máy bay bị bắn rơi, 120 xe quân sự bị thiêu hủy, hàng trăm khẩu pháo cùng nhiều vũ khí trang bị quân sự khác bị thu hay phá hủy”. Nhưng dù nhìn từ bên nay hay bên kia, nói như cố thủ tướng Anh Winston Churchill, “chẳng có gì buồn cho bằng chiến thắng”. Dù cho bên nào có chiến thắng đi nữa, chiến thắng ấy cũng vẫn là một thứ vinh quang được đếm bằng xác người.
Năm 1978, cảm hứng từ trận chiến ấy, nhạc sĩ dương cầm Úc Don Walker đã sáng tác ca khúc “Khe Sanh” để diễn tả tâm trạng của một cựu chiến binh Úc trở về từ chiến trường Việt Nam và cố gắng hội nhập vào đời sống dân sự. Bên kia chấn thương của hầu hết các chiến binh thuộc quân đội Đồng minh đã từng tham gia vào cuộc chiến Việt Nam, ca khúc cũng cố gắng bày tỏ lòng yêu nước nồng nàn của người cựu chiến binh Úc.
Tôi chú ý đến ca sĩ Jimmy Barnes bởi vì tiếng hát của ông trong ca khúc “Khe Sanh” đã gợi lại cho tôi bao nhiêu biến cố đau thương mà cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn do những người Cộng Sản Miền Bắc chủ xướng đã tạo ra cho dân tộc. Nhưng cũng có một lý do khác khiến tôi dành nhiều thiện cảm và ngưỡng mộ đối với ca sĩ Jimmy Barnes là vì mới đây ông đã lên tiếng yêu cầu những người thuộc Phong trào có tên là “Reclaim Australia” (Đòi lại Úc Đại Lợi) hãy ngưng sử dụng ca khúc này trong các cuộc biểu tình của họ.
Theo tin tức, tôi biết được là trong cuối tuần cách đây hai tuần, đã có những cuộc biểu tình do hai phe nhóm kình chống nhau tổ chức cùng một lúc tại một số thành phố của Úc. Một bên là nhóm “Reclaim Australia” với một số khẩu hiệu có nội dung chống người Hồi Giáo và xã hội đa văn hóa.  Bên kia là  nhóm chống kỳ thị chủng tộc. Cũng may, nhờ sự can thiệp của cảnh sát, đã không có cuộc đụng độ đáng tiếc nào xảy ra giữa hai nhóm.
Riêng về tổ chức “Reclaim Australia”, tôi đọc được một bài phóng sự khá lý thú của ký giả gốc Do Thái John Safran. Hình ảnh đầu tiên được ông ghi nhận và đưa lên Facebook là cảnh một người phụ nữ da trắng lên phía sau của một chiếc xe tải nhỏ đậu trước tòa nhà Nghị viện Tiểu bang Victoria. Bà là người đầu tiên lên tiếng phát biểu trong cuộc biểu tình của tổ chức “Reclaim Australia” mà mục đích là chống lại người Hồi Giáo và xã hội đa văn hóa. Đây là câu nói mở đầu mà ký giả Safran cho là “nghe rất lạ” của bà: “Trước hết tôi muốn bày tỏ sự kính trọng đối với dân tộc Wurundjeri, những người đã từng làm chủ mảnh đất này”. Đã có vài trăm người có mặt để ủng hộ phong trào “Reclaim Australia”. Họ được cảnh sát dàn ngang để bảo vệ chống lại hàng ngàn người đang hô những khẩu hiệu ủng hộ chính sách đa văn hóa.
Nhưng lạ lùng hơn cả là trong nhóm người chống lại xã hội đa văn hóa, ký giả Safran lại thấy có một người di dân gốc Sri Lanka. Anh này cũng leo lên một chiếc xe tải nhỏ để hô lớn  “Aussie! Aussie! Aussie! Oi! Oi! Oi” rồi lên tiếng cảnh cáo về việc luật Hồi Giáo Sharia đang xâm nhập vào Úc Đại Lợi. Người đàn ông gốc Sri Lanka này nói rằng người Hồi Giáo đến Úc nhưng không chịu hội nhập vào xã hội Úc.
Người đàn ông gốc Sri Lanka này không phải là người di dân duy nhất trong đám đông biểu tình ủng hộ tổ chức “Reclaim Australia”. Ký giả Safran cũng điểm mặt được rất nhiều người gốc Á Châu, Ấn Độ và Phi Châu. Theo ông, những người da mầu này cũng đã từng là nạn nhân của nạn kỳ thị chủng tộc của người da trắng.
Lẫn trong đám đông, nhưng ký giả Safran cũng bị một người da trắng nhận diện được. Biết ông là người gốc Do Thái, ông ta hô lớn: “Hãy cho mở bình ga”. Người này có ý ám chỉ đến lò hơi ngạt mà Đức Quốc Xã đã từng dựng lên để sát tế người Do Thái trong thời Đệ Nhị thế chiến. Ký giả Safran hỏi vặn lại: “Ông nói đùa chứ?” Người đàn ông da trắng tỉnh bơ trả lời: “Không”, để khẳng định mối thù đối với người Do Thái rồi bỏ đi. Ký giả Safran viết: “Tôi đã từng gặp những người phủ nhận cuộc sát tế người Do Thái. Nhưng đây là người phủ nhận đầu tiên mà tôi phải đối đầu”.
Một cảm tình viên khác của Đức Quốc Xã cũng tiến đến gần ông và hét vào mặt: “Mày là tên Do Thái ăn bám” và nhiều lời lẽ đe dọa khác.
Bài phóng sự của ký giả Safran có nhắc đến ca khúc “Amazing Grace” quen thuộc của Kitô Giáo, cách riêng của các cộng đồng Tin Lành, được những người trong tổ chức “Reclaim Australia” cất hát một cách thành tín, nhưng lại không đá động đến ca khúc “Khe Sanh” của ca sĩ Jimmy Barnes (x.ABC, John Safran reports from “Reclaim Australia” rally 22/7/2015)
Thật ra, chính vì tiếng hát thu âm của người ca sĩ này được cho phát ra trong ít nhất một vài  đám biểu tình của nhóm “Reclaim Australia” mà ông đã phải lên tiếng. Ông yêu cầu tổ chức này đừng bao giờ sử dụng tiếng hát của ông trong các cuộc biểu tình nữa.  Trong một thông báo, người ca sĩ đã từng là một di dân đến từ Tô Cách Lan và có vợ Thái này viết: “Tôi được biết một số nhóm người đã sử dụng giọng hát, các bài hát của tôi như “khúc hoan ca” trong các cuộc biểu tình của họ. Không có bất cứ người nào trong các nhóm này đại diện cho tôi và tôi không hề ủng hộ họ. Tôi chỉ muốn nói một điều là nước Úc Đại Lợi mà tôi là công dân và tôi hằng yêu mến là một Úc Đại Lợi khoan nhượng. Đây là một nơi cởi mở và trao ban. Đây là một nơi ôm trọn lấy mọi hạng người khác biệt nhau. Thật vậy, đây là một nơi được làm cho vững mạnh hơn nhờ tính đa dạng của người dân” (x.ABC online 22/7/2015).
Có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước. Những lời trên đây của ca sĩ Jimmy Barnes là một trong những cách đáng trân trọng nhứt. Tôi cũng muốn lập lại những lời trên đây của người ca sĩ này: “Nước Úc Đại Lợi mà tôi là công dân và tôi hằng yêu mến là một Úc Đại Lợi khoan nhượng”. Thỉnh thoảng trong những giao tiếp hàng ngày, tôi cũng gặp một vài “tên” kỳ thị chủng tộc. Nhưng nhìn chung, đây là một đất nước khoan nhượng. Sự kiện có đủ mọi sắc dân đang sống trên đất nước này chứng tỏ tinh thần ấy. Đất nước này trước tiên là của người thổ dân và kế đó là người di dân chớ không phải chỉ riêng của người da trắng. Tuyệt đại đa số người dân Úc đều có nguồn gốc di dân. Nếu đất nước này có phát triển và lớn mạnh là nhờ ở sự thành công của chính sách đa văn hóa mà cốt lõi là tinh thần khoan nhượng. Như vậy, nếu có “đòi lại Úc Đại Lợi” thì tiên vàn hãy đòi cho bằng được tinh thần khoan nhượng ấy. Lòng yêu nước mà tôi thấy cần phải bày tỏ đối với Úc Đại Lợi của tôi chính là sống tinh thần khoan nhượng, chấp nhận những khác biệt về mầu da, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của nhau.
Mới đây, tại Hoa Kỳ ứng cử viên đang lên của Đảng Cộng Hòa trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc là tỷ phú Donald Trump, vốn quen phát ngôn bừa bãi, đã chối bỏ công trạng của các cựu chiến binh Mỹ như thượng nghị sĩ John McCain chẳng hạn, người cựu phi công đã từng bị Cộng Sản Việt Nam giam trong nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội. Đây là một hành động xúc phạm nặng nề nhứt, bởi vì không có tấm lòng yêu nước nào cao quý bằng hành động xã thân hy sinh trong chiến tranh.
Nhưng bên cạnh tấm lòng yêu nước của các chiến sĩ ấy, tôi thấy còn có một cách thể hiện khác cũng đáng được đề cao không kém: đó là cố gắng sống tinh thần khoan nhượng vốn là một trong những đức tính cao quý nhứt của một dân tộc. Mỗi khi đi du lịch ở nước ngoài, tôi thường đánh giá về một quốc gia không chỉ qua sự phát triển kinh tế, trật tự kỷ cương hay trình độ dân trí, mà qua cách cư xử của người dân nước đó. Với tôi, nếu người dân nước đó tỏ ra lịch sự, tử tế, hiếu khách, khoan nhượng và nhứt là không có thái độ kỳ thị...đó chính là lúc họ thể hiện lòng ái quốc. Họ thực sự yêu mến đất nước của mình bởi vì họ muốn chứng tỏ cho người ngoại quốc thấy bộ mặt tốt đẹp thực sự của đất nước họ.
Thời Đệ nhị Thế chiến, nhiều người dân Đức đã chạy theo Đức Quốc Xã để chứng tỏ cho thế giới thấy bộ mặt “siêu nhân” của dân tộc Đức. Người Do Thái và nhiều dân tộc khác đã phải điêu đứng vì thứ ái quốc mù quáng và tàn bạo ấy. Đó không phải là lòng yêu nước đích thực, bởi vì nó chỉ cho thế giới thấy bộ mặt của một nước Đức độc ác, đồi bại. Gia nhập vào “Trục” do Đức Quốc Xã lãnh đạo để đi khắp Đông Nam Á cày xéo các dân tộc khác, người Nhựt Bổn cũng đã từng chuốt lấy sự oán hận và nguyền ra của thế giới. Người ta không thể bày tỏ lòng yêu nước bằng cách đi chém giết và cướp của của các dân tộc khác.
Ngày nay, thế giới cũng đang nói đến chủ nghĩa “Đại Hán” của chế độ cộng sản Trung Quốc. Họ càng giương cao ngọn cờ bá quyền thì càng phô bày bộ mặt xấu xa của đất nước và càng bị thế giới thù ghét và nguyền ra. “Người Trung Quốc xấu xí” không chỉ vì, khi đi du lịch ở nước ngoài, họ tỏ ra vô lễ, thiếu lịch sự, mà còn vì thái độ hung hãn xem trời bằng vung của họ khi xem thường các dân tộc khác để ngang nhiên lấn chiếm Biển Đông. Người Nga cũng bị cả thế giới nguyền rũa và oán ghét khi đưa quân sang chiếm Crimea của Ukraine và gây xáo trộn trong vùng. Chủ nghĩa dân tộc và lòng ái quốc mù quáng nào cũng đáng bị lên án bởi vì nó đi ngược lại một trong những đức tính cốt lõi làm nên nhân cách là tinh thần khoan nhượng.
Tôi đã chọn Úc Đại Lợi làm quê hương mới. Tôi yêu mến đất nước này. Và để bày tỏ lòng yêu nước ấy, tôi thấy không gì xứng hợp bằng cố gắng sống tinh thần khoan nhượng đối với mọi thành phần sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo làm nên đất nước này. Xét cho cùng, cũng chính tinh thần ấy giúp tôi nên người lương thiện và tử tế hơn.





Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Còn Biết Xấu Hổ, Tôi Còn Là Người


Chu Thập
8.11.11




Tôi luôn hãnh hiện được làm một công dân Úc. Dĩ nhiên, tôi có lý do của tôi. Trước hết, tôi không thể không hãnh diện được làm công dân của một đất nước rộng lớn, có bốn mùa đầy đủ, nhưng không quá khắc nghiệt,với mọi thứ cây trái và nhứt là lại được xếp vào hạng giàu có nhứt nhì thế giới về khoáng sản. Tôi biết mình không quá chủ quan khi hãnh diện về quê hương mới của mình, bởi vì mới đây Úc đại lợi lại được xếp vào hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Na Uy, về những điều kiện tốt nhứt để chọn làm nơi sinh sống. Nhưng cũng đáng nở mày nở mặt hơn khi Úc đại lợi được bầu chọn là quốc gia mà dân chúng được xem là giàu nhứt thế giới. Giàu nhứt thế giới ở đây không có nghĩa là Úc đại lợi có người giàu nhứt thế giới, có nhiều người giàu nhứt thế giới hoặc có số ngoại tệ nhiều nhứt thế giới, mà là có khoảng cách ngắn nhứt giữa giàu và nghèo. Theo một bản báo cáo mới đây của Ngân hàng tín dụng Thụy sĩ, tài sản trung bình của người dân Úc hiện nay là 221.701 Mỹ kim. Đây là mức trung bình cao nhứt thế giới. Bản báo cáo nói rằng sở dĩ Úc có mức tài sản trung bình cao nhứt thế giới một phần là nhờ một hệ thống an sinh xã hội và y tế cao.
Tôi cũng hãnh diện được làm công dân của một quốc gia hiện đang là thành viên của câu lạc bộ gồm 20 nước giàu mạnh nhứt thế giới. Tuần vừa qua, tại cuộc họp Thượng Đỉnh của Khối G 20 được tổ chức tại Cannes, Pháp quốc, nhái giọng của một cựu chủ tịch nhà nước Việt nam chuyên làm trò hề cho người ta cuời, tôi thấy nữ thủ tướng Julia Gillard của Úc “cũng ăn nói ngang hàng như người ta”.
Nếu tôi nói rằng tôi cũng hãnh diện về vị nữ thủ tướng của tôi, thì có lẽ nhiều người cũng sẽ nhạo cười tôi như khi nghe chủ tịch Nguyễn Minh Triết của Việt nam phát biểu. Tôi vẫn biết: vị nữ thủ tướng đầu tiên của Úc đại lợi này có lẽ không có tài cao, đức trọng như nhiều vị tiền nhiệm của bà và bà hiện đang không được đại đa số dân Úc ủng hộ. Nhưng nhìn dưới một khía cạnh khác, tôi thấy không thể không khâm phục bà. Trong mắt tôi, bà là một con người dám làm và dám sống thực với lòng mình. Trong một đất nước có truyền thống Kitô giáo cao và có đa số người di dân đều có tín ngưỡng, bà dám công công khai tuyên bố mình là một người vô thần và sống theo niềm xác tín vô thần của mình. Trong một xã hội vốn cũng còn đề cao đời sống hôn nhân và gia đình, bà hiên ngang sống với một người bạn tình. Bà lại càng hiên ngang hơn nữa khi “cặp bồ” với một người thợ hớt tóc chắc chắn chẳng có môn đăng hộ đối chút nào so với học vị và địa vị của bà.
Có thể bà là một người tham vọng sẵn sàng thỏa hiệp để bám lấy quyền lực. Nhưng ít ra, tôi chưa từng thấy bà khóc lóc hoặc rủa sả đối thủ của mình thậm tệ như bà Hilary Clinton khi ra tranh cử tổng thống. Có người còn kể rằng lần nọ, ông Tim Mathieson, người thợ hớt tóc đang là bạn tình của bà, đã o ép mái tóc của bà như thế nào đó khiến bị nhiều người cười chê. Vậy mà, trong khi ông Mathieson ốm lên ốm xuống vì bị trầm cảm, bà vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Có thể bà lạnh lùng và khô cứng đến độ gần đây có dư luận nói rằng bà phải rước thày về dạy học nói và học cười. 
Nhưng điều khiến tôi nể phục nhứt nơi người đàn bà quyền lực nhứt nước này là trong một nước Úc mà tham nhũng là một từ ngữ hầu như xa lạ với đại đa số chính trị gia, tôi thấy có thể xem bà như một biểu tượng của sự trong sạch và lý tưởng tranh đấu cho người nghèo. Khác với đa số các chính trị gia, ngay cả chính trị gia thuộc Đảng Lao động, như trường hợp cựu nữ dân biểu Reba Meagher, bà “Mẹ Ghẻ” của dân Lao động, đại diện cho dân nghèo ở Cabramatta nhưng lại sống trong một căn nhà sang trọng ở phía Đông Sydney, bà Gillard vẫn sống giữa người Lao động trước khi dọn vô tòa nhà The Lodge ở Canberra của thủ tướng. Là một luật sư nổi tiếng, một dân biểu lâu năm và nhứt là một phó thủ tướng, bà Gillard vẫn ở trong một ngôi nhà khiêm tốn ở ngoại ô Altona, miền Tây Nam Melbourne.
Tôi hãnh diện được làm công dân của một đất nước có một nhà lãnh đạo như thế. Nhưng càng trông người thì lại nghĩ đến ta. Mang quốc tịch Úc, hãnh diện khi đi ra nước ngoài với sổ thông hành Úc, tôi cũng không sao che dấu được cái bộ mặt da vàng mũi tẹt của mình. Nhưng càng ý thức mình là người Việt nam, tôi càng thấy buồn và xấu hổ.
Dĩ nhiên, buồn và xấu hổ không phải vì là người Việt nam, mà vì đất nước đang bị cai trị bởi một bọn người mà nhiều người trong nước thường mỉa mai rằng giây thần kinh xẩu hổ đã bị đứt.
Trong chuyến đi Việt nam vừa qua, mỗi lần đối mặt với một người ngoại quốc hoặc phải đi chung một chuyến xe với người ngoại quốc, càng tự nhận mình là người Việt nam, tôi càng thấy xấu hổ. Tôi còn nhớ: trên chuyến mini bus từ Hà nội đi Vịnh Hạ long, vợ chồng tôi là người Việt duy nhứt. Hướng dẫn viên du lịch hôm đó là một thanh niên “nổ” thuộc loại đại bác chứ không phải súng ngắn. Bằng một thứ tiếng Anh “gẫy gọng” (broken) chứ không phải “gẫy gọn”, anh khoe rằng giáo sư Anh văn của anh là một người Úc chính hiệu, anh chỉ đọc hai tạp chí lớn trên thế giới là Time (cũng may, anh không phát âm thành “ti-me”) và Newsweek, anh cũng chỉ xem hai đài truyền hình nổi tiếng trên thế giới là CNN và BBC (cũng may anh không đọc thành Cờ Nờ Nờ và Bờ Bờ Cờ). Đến lúc mời hành khách trên chuyến xe cho biết họ là người nước nào, người hướng dẫn viên du lịch lại càng khoác lác một cách vô duyên hơn. Nói với dân Miệt Dưới, anh thao thao bất tuyệt về Kangaroo. Với dân Mỹ, anh lại nói về nhà văn Ernest Hemingway. Với bốn hành khách người Áo, anh làm như thể mình là một nhà nghiên cứu về nhạc sĩ Mozart.Với mấy cô gái người Singapore, Nhựt Bản hay Đại hàn, anh cũng thủ sẵn một câu chào bằng tiếng nước họ. Riêng đến lúc chúng tôi tự giới thiệu là người Việt nam và không xác định đến từ nước nào, thì xem ra anh chàng có vẻ ú ớ và lúng túng.
Thật ra, tôi thấy cũng chẳng có gì để “phiền trách” người hướng dẫn viên du lịch này. Chẳng qua, đây cũng chỉ là một cái nghề kiếm sống. Chỉ tiếc một điều là bộ mặt của một đất nước đã không được hiển thị một cách đứng đắn hơn qua những người lẽ ra phải được huấn luyện nhuần nhuyễn để làm công tác giới thiệu đất nước của mình cho người ngoại quốc.
Nhưng buồn nhứt đối với tôi có lẽ là chuyến xe buýt từ Hội An về Đà nẵng. Hôm đó, sau một ngày lang thang ở Cửa Đại và Phố Cổ, tôi cố gắng bắt kịp chuyến xe buýt để về lại Đà nẵng trước khi chiều xuống. Vừa bước lên xe, tôi nhận thấy một cặp vợ chồng du khách ngoại quốc đang mặc cả và kỳ kèo như thế nào đó với một chú nhóc lơ xe khoảng 14, 15 tuổi.  Sau đó hai người không chịu lên xe mà lại bỏ đi. Nhưng một lát sau, chú lơ xe chạy theo nói gì đó, và lôi kéo họ trở lại. Cuối cùng, họ cũng lên xe và ngồi bên cạnh tôi. Nghe họ nói chuyện với nhau, tôi biết đây là một cặp vợ chồng người Pháp. Đến lúc thu tiền xe, chú nhóc lơ xe lại dở trò “tống tiền”. Buổi sáng, tôi thấy tất cả mọi hành khách, bất kể Việt nam hay ngoại quốc đều trả cùng một giá là 20 ngàn đồng. Vậy mà giờ đây, chú đòi cặp vợ chồng người Pháp này mỗi người 50 ngàn. “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, tôi liền nhảy vô can thiệp để tranh đấu cho họ. Thấy bên cạnh có một người đàn ông ăn mặc bảnh bao ra dáng là cán bộ, đảng viên, tôi liền lớn tiếng lên lớp cậu bé lơ xe và gián tiếp nhắn gởi với ông cán bộ. Đại khái, tôi nói rằng “nhà nước ta đang mời du khách nước ngoài đến thăm đất nước mình, mà mình lại giở trò gian manh, lừa gạt, bằt chẹt người ngoại quốc như thế, chẳng phải là bôi bẩn bộ mặt đất nước sao?” Có lẽ trong cậu bé giây thần kinh xấu hổ vẫn còn hoạt động cho nên cậu đã ngồi thừ ra một lúc rồi tính giá đúng với cặp vợ chồng người Pháp. Hai người phân trần với tôi rằng một hai đô Mỹ chẳng là bao, nhưng họ muốn đâu phải ra đó cho sòng phẳng rõ ràng. Không hiểu tại sao lúc đó tôi lại buột miệng nói với họ: “Tôi cảm thấy xấu hổ là người Việt nam”.
Nói câu đó, tự nhiên tôi thấy mình có bổn phận phải xin lỗi bao nhiêu du khách ngoại quốc nạn nhân của những trò lừa bịp gian manh của người Việt nam xã hội chủ nghĩa. Trong chuyến đi Việt nam trước tôi một tháng, một người  bạn tôi kể lại rằng tại Hà nội anh có gặp ba người thanh niên “balô” người Hòa lan đang méo mặt mà không biết tỏ cùng ai. Chuyện họ bị gạt mới đau: tưởng xích lô là phương tiện di chuyển rẻ và có tính “du lịch” nhứt ở giữa Hà nội, ba chàng liền nhảy lên ba chiếc làm một vòng thành phố. Các bác tài lại còn tỏ ra hào phóng hơn khi cho ba anh được ghé chơi bất cứ nơi nào các anh muốn và sẵn sàng chờ đợi. Chiều đến, mỗi anh nhận được một cái bill “bất thành văn” là 300 Mỹ kim. Chẳng biết cầu cứu ai, ba chàng xứ hoa Tulip đành bóp bụng trả tiền và ghi nhớ mãi bài học ấy để còn chia sẻ với bạn bè năm châu trên mạng.
Vợ chồng tôi cũng bị một vố đau như thế ở Vũng Tàu. Đi bách bộ dọc theo Bãi Sau, thấy một anh đạp xích lô ế khách réo gọi, tôi thích đi bộ nhưng nghĩ thôi thì làm một vòng cho vui. Ngoài cái giá rẻ như bèo là 20 ngàn cho một cuốc xe, người tài xế “tốt bụng” còn hứa sẽ ngồi chờ trong khi chúng tôi đi chợ. Vậy mà khi trở về chỗ cũ, anh đòi 80 ngàn! 4 Úc kim thì chẳng là bao. Vả lại, tôi cũng đã định bụng trả thêm cho anh. Nhưng nghĩ tức trong bụng, bởi vì mình bị lừa một cách quá dễ dàng!
Tôi không trách cậu bé lơ xe trên chuyến xe buýt Hội An-Đà nẵng. Em đã lớn lên trong một xã hội mánh mung dối trá mà để sống còn người ta phải lưu manh mà thôi.Tôi cũng chẳng giận cái anh đạp xích lô nghèo ở Vũng Tàu: nghèo túng quá gạt được người nào hay người đó. Tôi cũng chẳng thù ghét gì ba cái anh đạp xích lô ở Hà nội đã lừa được mấy người thanh niên Hòa lan ngây ngô: chắc chắn họ cũng nhiều lần từng là “nạn nhân” của sự lừa bịp vì đang sống dưới một chế độ bịp bợm mà người ta thường mỉa mai là thời kỳ đồ đểu.
Điều làm cho tôi buồn và cảm thấy xấu hổ cho quê hương là chính những kẻ đang lãnh đạo đất nước chẳng còn biết thế nào là xấu hổ nữa. Trong khi thủ tướng của một đất nước giàu có như Úc đại lợi chỉ có một căn nhà bình dân thiếu điều thua cả những căn nhà của người Việt tỵ nạn, thì tại Việt nam, lãnh đạo của một chính phủ tự xưng là của người nghèo và tất cả những người tự xưng là đầy tớ nhân dân thì lại có những cơ ngơi sang trọng và sống trên đầu trên cổ người dân. Chính trị gia và giới cầm quyền chính trị ở đâu cũng đều tuyên bố lấy dân làm “gốc” cả. Nhưng ít ra, họ không lố bịch và vô liêm sỉ đến độ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa áp bức vừa ra rả tự xưng là đầy tớ của nhân dân.
Trong khi đất nước còn bao nhiêu vấn đề sinh tử như Hoàng Sa, Trường Sa, Bô-xít, Vinashin, Dân oan khiếu kiện, nạn kẹt xe, thiếu bệnh viện,  thiếu cả nhà vệ sinh...chưa giải quyết được thì mới đây tại Quốc hội, mấy ông dân biểu công cụ của Đảng chứ không phải đại diện của dân, lại đề nghị đưa luật “nhà thơ, nhà văn” ra mà thảo luận. Đây quả là tận cùng của sự lố bịch.
Như những người Việt lưu vong, tôi luôn mơ ước nhiều điều tốt lành cho đất nước. Nhưng bây giờ, tôi hết dám “mơ mộng cao xa” mà chỉ còn một điều ước: mong một phép lạ xảy ra để những người cộng sản Việt nam được nối lại giây thần kinh xấu hổ.
Nhà toán học kiêm triết gia người Pháp là René Descartes đã nói một câu để đời: “Tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu.” (Cogito, ergo sum). Tôi cũng muốn tập tành làm triết gia để nói: “Còn biết xấu hổ, tôi còn là người”. Dĩ nhiên, tôi cũng luôn xem đây như một phương châm sống và hành động của tôi. Có ai tránh khỏi sai phạm? Tôi chỉ mong được mãi mãi làm một con người bình thường để biết nhận ra những sai trái của mình và nếu không hổ thẹn với lương tâm thì ít ra cũng không trơ mặt ra trước những sai phạm của mình.