Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Liên bang Nga trước cảnh đồng không nhà trống


24.02.17


Zharki là tên của một ngôi làng nhỏ thuộc vùng Pskov, cách Thủ đô Mạc Tư Khoa 600 cây số về hướng Tây. Ở đây, một người phụ nữ tên là Antonina Nikolaeva nói rằng làng của bà không cần có trường học hoặc ngay cả một cửa tiệm. Người phụ nữ góa chồng 75 tuổi này giải thích rằng trong làng hiện chỉ còn sót lại một số người già và trước sau gì họ cũng chết.
Ngôi nhà hiện bà Nikolaeva đang ở đã được cất từ khi bà mới chào đời. Lúc đó chỉ có vài chục nông dân sống và làm việc trong những nông trại tập thể. Nay chỉ còn 8 người còn sống lây lất trong làng này. Đây là cảnh đồng quê tiêu biểu trên toàn Liên bang Nga. Trong khi tổng thống Vladimir Putin đem quân đi đánh đông dẹp bắc, xâm chiếm Crimea và quậy nát Ukraine cũng như sang tận Syria để hậu thuẫn cho nhà độc tài Bashar al-Assad, thì vùng thôn quê của Nga, vốn đã từng là “xương sống” của bản sắc, văn hóa của dân tộc trong hằng bao thế kỷ, đang chết dần chết mòn.
Dĩ nhiên, đô thị hóa đang là hiện tượng diễn ra trên khắp thế giới. Nhưng với Nga, hiện tượng này đã và đang là một đại họa. Theo ước tính, trên toàn quốc hiện có khoảng 36.000 ngôi làng với dân số chỉ có khoảng 10 cư dân hoặc ít hơn. Theo một thống kê chính thức được thực hiện năm 2010, số làng bị bỏ trống đã lên đến 20.000. Ngày càng có ít người Nga sống ở thôn quê. Nếu so với thời Nga hoàng cách đây trên 100 năm, số người sống ở thôn quê ít hơn đến 3 lần.
Thê thảm nhất là tình trạng của vùng Pskov, nơi có làng Zharki của bà Nikolaeva. Vùng này nằm sát biên giới Latvia và Estonia, hai quốc gia thành viên của Liên Âu. Do bị ngập lụt triền miên, vùng này có rất ít đất canh tác. Ngày nay, trong tổng số 13.000 ngôi làng, hiện đã có 3.000 ngôi làng bị bỏ trống và 5000 ngôi làng khác chỉ có dân số trung bình không quá 10 người hoặc ít hơn. Rừng hoang, cỏ dại, cộng với mưa tuyết vào mùa đông và hỏa hoạn trong mùa hè khiến cho những ngôi nhà bị bỏ trống ra thê thảm hơn. Đây là những ngôi nhà mà người ta có thể thấy rõ nhất tại làng Zharki: tất cả nằm dọc theo một con đường vẫn còn mang tên của ông tổ chủ nghĩa Marxit Karl Marx. Cửa tiệm gần nhất của làng này nằm cách đó 2 cây số. Trong cửa tiệm này, ngoài bánh mì là thực phẩm bán chạy nhất, rượu vẫn còn là một món ưa chuộng của dân làng. Ngoài ra, mỗi tuần 3 lần, một chiếc xe tải được biến thành cửa tiệm lưu động cũng tiếp tế các loại thực phẩm rẻ tiền cho dân làng. Bà Nikolaeva rất thích cửa tiệm lưu động này, vì nó dừng ngay trước cửa nhà bà. Người láng giềng gần nhất của bà là một cụ bà mù lòa trên 90 tuổi cũng hưởng được sự tiếp tế của cửa tiệm lưu động này.
Trong làng Zharki, chỉ có một gia đình duy nhất có một thơ nhi 6 tháng tuổi và những người có đồng lương cao nhất là những người  đang làm việc trong một nông trại trồng khoai tây; mỗi ngày họ lãnh được 500 đồng Roubles, tương đương với 8 Mỹ kim.
Sau khi Liên Xô tan rã, chính sách hộ khẩu bị bãi bỏ, giới trẻ trong vùng Pskov đã bỏ làng quê để lên các đô thị sinh sống hay tìm việc làm. Con gái của bà Nikolaeva hiện đang sống tại Porkhov, một thành phố cách Zharki 13 cây số. Riêng con trai của bà thì tìm đến St.Petersburg, cách làng khoảng 250 cây số.
Vì người trẻ bỏ làng ra đi cho nên vùng Pskov là nơi có sinh xuất thấp nhất ở Nga. Theo thống kê của Chính phủ Nga, tại các đô thị, cứ có 14 người chết thì mới có 10 đứa trẻ chào đời. Trong khi đó tại các vùng quê, với 10 đứa trẻ sinh ra thì đã có 27 người chết.
Dân số hiện nay của Nga là 143 triệu người. Trong những năm gần đây, đã có dấu hiệu cho thấy dân số Nga gia tăng trở lại. Tuy nhiên,  kể từ sau khi Liên Sô sụp đổ hồi năm 1991, với dân số tổng cộng là 646.000 người, Pskov đã mất đi khoảng 200.000 người. Năm 2009, số phá thai trong vùng này bằng với số sinh. Dù vậy tỷ lệ này cũng đã là một dấu hiệu đáng mừng cho nhiều người, bởi vì trong những năm trước đó số phá thai luôn cao hơn số sinh.
Trong tiếng Nga, danh từ được dùng để chỉ “làng quê” là “Derevnya”. Từ này có nghĩa là “gỗ”. Trong hàng bao thế kỷ, người Nga đã đốn không biết bao nhiêu cây rừng, nhất là thông, để làm nhà và phá rừng để canh tác và trồng cỏ nuôi súc vật. Mất mùa, đói kém, hỏa hoạn và chiến tranh đã tàn phá và giết hại không biết bao nhiêu dân làng. Nhưng sinh xuất cao đã bù đắp cho những mất mát ấy. Nhờ đông dân, giá lao động lại rẻ, vùng quê dưới thời các Nga hoàng lúc nào cũng là vựa lúa của Nga. Vùng quê cũng cung cấp nhân lực và quân số cho quân đội Nga.
Nhưng những nhà cách mạng cộng sản Nga đã có một cái nhìn khác. Năm 1910, tức 7 năm trước khi thực hiện cuộc cách mạng Bolshevik để lật đổ Nga hoàng và hứa hẹn cho người nông dân nghèo đất đai và sự bình đẳng, cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản Nga Vladimir Lenin đã viết rằng ở vùng quê “không có gì khác hơn là ách thống trị, tình trạng nghèo đói triền miên, sự tàn phá và trì trệ”. Nhưng chính sách tập thể hóa và chủ trương tận diệt địa chủ do đồ tể Stalin đề ra đã hoàn toàn phá hủy nền nông nghiệp của Nga. Liên Xô dựa vào lúa mì nhập cảng từ Hoa Kỳ, trong khi sinh xuất ngày càng giảm và nạn xuất hành của giới trẻ ra các đô thị đã khiến cho các vùng quê của Nga ngày càng lâm vào cảnh đồng không nhà trống.
Năm 1991, sự sụp đổ của Liên Xô đã xóa sổ các nông trại quốc doanh. Trong khi đó, để gọi là cải tổ hành chính, chính phủ đã giảm số bệnh viện và trường học ở thôn quê. Ngay cả nỗ lực cải tổ nền nông nghiệp cũng không thể chận đứng được làn sóng người dân rời bỏ thôn quê để đổ xô về các đô thị. Năm ngoái, Nga đã trở thành nước xuất cảng lúa mì nhiều nhất thế giới. Mức sản xuất lúa mạch, dầu từ hạt hướng dương, đường từ củ cải...cũng gia tăng. Tuy nhiên, sở dĩ Nga đạt được một sự tăng trưởng nông nghiệp như thế là nhờ ở cơ giới hóa. Mà càng cơ giới hóa thì càng ít cần đến nhân lực. Anatoly Vishnevsky, giám đốc viện Dân số thuộc trường Đại học Mạc Tư Khoa giải thích rằng “người dân quê không có tương lai là bởi vì nền nông nghiệp (cơ giới hóa) không cần nhiều nhân lực nữa”.
Mặc dù phải đương đầu với nhiều vấn đề, nhiều người dân quê vẫn tỏ ra hài lòng với cuộc sống hiện tại của họ. Bà Nikolaeva là một điển hình. Bà nói: “Chúng tôi có tất cả mọi sự.Chúng tôi chẳng có gì để lo lắng”. Người đàn bà này chưa một lần ra khỏi Liên Xô và cũng chẳng màng đến hệ thống thông tin toàn cầu hay bất cứ nguồn thông tin nào khác ngoài các cơ quan truyền thông quốc doanh của Điện Cẩm Linh. Hiện nay bà đang hết mình ủng hộ ông Putin. Bà nói rằng tổng thống Nga đang lo cho dân chúng Nga, ông giúp đỡ mọi người. Bà cho biết bà vẫn nhận được hưu bổng hàng tháng  tương đương với khoảng 100 Mỹ kim. Tháng Giêng vừa qua, bà còn được chính phủ tặng thêm cho một số tiền trị giá khoảng 85 Mỹ kim. Thật ra số tiền chính phủ Nga “tặng” thêm cho người già ở thôn quê là để điều chỉnh nạn lạm phát vì khủng hoảng kinh tế do các cuộc trừng phạt mà các nước Tây Phương đã áp đặt lên Nga kể từ năm 2014 khi Nga xâm chiếm Crimea của Ukraine.
Vì chỉ biết có các thứ “loa” tuyên truyền của các cơ quan truyền thông quốc doanh được Chính phủ Nga kiểm soát và điều khiển cho nên một số người dân quê Nga tin rằng Mỹ là quốc gia gây ra bao nhiêu khó khăn và xáo trộn cho đất nước của họ. Trong cái nhìn của họ, chính Hoa Kỳ là nước đã làm cho Liên Xô và các nông trại quốc doanh tan rã và cũng chính Hoa Kỳ là nước làm cho Nga bị “nghẹt thở” vì các cuộc cấm vận. Một cụ giá 84 tuổi khẳng định rằng Tổng thống Barack Obama là người làm cho người Nga phải chết đói. Nhưng cụ già này vẫn hãnh diện nói: “Chúng tôi vẫn còn sống và hiện đang nuôi sống một nửa thế giới!”
Nhiều người dân quê Nga vẫn còn nuối tiếc thời Liên Xô. Mặc dù Stalin đã giam tù hay xử tử hàng triệu triệu người Nga trong thời kỳ thường được mệnh danh là “Cuộc thanh trừng vĩ đại”, ông vẫn còn được nhiều người Nga, nhất là ở thôn quê, tưởng nhớ với nhiều thương mến và luyến tiếc. Tình cảm này không suy giảm mà trái lại ngày càng gia tăng.
Svanidze là một đảng viên cao cấp tại Georgia dưới thời Liên Xô. Ông đã bị bắt giữ và đánh đập cho đến chết trong một cuộc hỏi cung năm 1937. Đây là cao điểm của “Cuộc thanh trừng vĩ đại”. Chỉ trong khoảng thời gian không đầy 18 tháng, đã có khoảng 720.000 chết vì bàn tay của mật vụ Nga. Hàng triệu người bị giam tù, xử tử, lưu đày, kể cả các nhóm thiểu số dưới “triều đại” của đồ tể Stalin từ năm 1927 đến năm 1953. Đó là chưa nói đến hàng triệu triệu người khác phải chết đói vì những chính sách nông nghiệp ngu xuẩn của Stalin.
Hơn 60 năm sau cái chết của ông nội mình, cháu nội của ông Svanidze là ông Nikolai Svanidze, hiện là một sử gia và bình luận gia trên truyền hình, phải kinh ngạc khi chứng kiến sự “trở về” của đồ tể Stalin: ngày càng có nhiều người Nga ngưỡng mộ và tôn thờ Stalin. Sử gia này nói đến “Hội chứng Stockholm” (tức hội chứng con tin ngưỡng mộ và bênh vực kẻ bắt cóc mình) hiện đang diễn ra tại Nga. Nhiều người cho biết toàn bộ gia đình họ bị Stalin tàn sát, nhưng lại bảo rằng họ vẫn tôn trọng ông.
Điều đáng lo ngại là dưới thời Putin, số người ngưỡng mộ và ủng hộ Stalin ngày càng gia tăng. Tất cả những ai dám lên tiếng phê bình những tội ác của chế độ độc tài đều bị truyền thông quốc doanh dán cho nhãn hiệu “nhân viên ngoại quốc”.
Ngay cả các nhà lập pháp, các viên chức cao cấp và nhất là các giáo sĩ của Giáo hội Chính thống Nga, Giáo hội đã từng bị bách hại dã man dưới thời cộng sản vô thần, nay lại tuyên bố ủng hộ Stalin.
Chủ nghĩa cộng sản đã bị khai tử ngay tại cái nôi sinh ra nó. Chế độ cộng sản cũng đã chính thức sụp đổ tại Nga. Tuy nhiên, với chế độ độc tài mà ông Putin đang áp đặt lên Nga hiện nay, chủ nghĩa cộng sản cũng đang thay hình đổi dạng để tái sinh tại nước này, nhất là tại các vùng quê.
Tuy nhiên, với một thôn quê ngày càng rơi vào tình trạng “đồng không nhà trống”, thì dù cho có nhiều người vẫn nuối tiếc thời Liên Xô và ngưởng mộ đồ tể Stalin, vẫn không thiếu người chỉ nhìn thấy khoảng không trước mắt.
Một cụ bà 89 tuổi ở vùng quê Pskov đã diễn ta đúng tâm trạng ấy như sau: “Chúng tôi chỉ còn biết trông vào nắp quan tài!”

(Nguồn:http://www.aljazeera.com/indepth/features/2017/02/death-throes-russia-iconic-countryside)



Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Sân chơi cuộc đời


Chu Thập
17.02.16
Tôi chưa từng tôn thờ bất cứ người nào trong bất cứ lãnh vực nào lên hàng thần tượng. Nhưng các bậc thày hay tôn sư thì tôi đếm không xuể và mỗi ngày danh sách ấy lại càng dài ra. Trong “trường đời”, hiểu theo nghĩa là một nơi mà sự “học hành” không bao giờ chấm dứt, hầu như ngày nào tôi cũng có thêm một bậc thày để thụ giáo. Và trong “trường đời”, bài học quan trọng nhứt đối với tôi lúc nào cũng là sự tử tế và bất cứ một người nào gợi lên cho tôi niềm cảm hứng để sống tử tế, người đó là thày tôi.
Trong các bậc thày về tử tế, gần đây tôi thường nghĩ đến danh thủ quần vợt người Thụy Sĩ Roger Federer. Trong các môn thể thao, túc cầu lúc nào cũng là “món tủ” của tôi. Lý do rất đơn giản: đó là môn thể thao duy nhứt mà lũ trẻ con nhà nghèo như tôi có thể “chơi” bất cứ lúc nào, nơi nào và cũng chẳng phải tốn đồng xu cắc bạc nào! Chỉ cần một khoảng trống ngoài đồng ruộng khô, trong sân trường, bên cạnh giáo đường hay ngay cả bên lề đường và một quả bưởi non hay một bó rạ được cuốn tròn như trái banh...là đủ để có một trận đấu. Luật chơi cũng đơn giản, ai cũng hiểu được cho nên bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành cầu thủ. Vì quá say mê túc cầu, tôi cảm thấy thờ ơ với những môn thể thao khác. Có lẽ do không hiểu luật chơi cho nên tôi không cảm thấy mặn mà với những môn như Rugby, “Túc cầu kiểu Úc” (AFL) và nhứt là những môn mà trước năm 1975 tôi vẫn cho là chỉ có nhà giàu mới “chơi” như Cricket, Golf và quần vợt. Nhưng mặc dù say mê túc cầu, tôi lại không tìm ra được nhiều “bậc thày” trên sân cỏ. Maradona quả là một phù thủy trên sân cỏ. Nhưng “bàn tay Chúa” của ông (trong trận chung kết Giải Túc Cầu Thế Giới giữa Á Căn Đình và Anh tại Mễ Tây Cơ năm 1986, Maradona đã dùng tay đánh banh vào khung thành Anh, nhờ đó Á Căn Đình đoạt chức vô địch. Maradona gọi bàn tay của mình là “bàn tay của Chúa” lại dính vào bùn nhơ của gian lận và đủ thứ tật xấu khác. Tôi vẫn tiếp tục ngưỡng mộ tài năng của Zinedine Zidane. Nhưng cú húc đầu của anh vào ngực cầu thủ Ý Marco Materazzi trong trận chung kết Ý-Pháp tại Đức năm 2006 đã khiến cho hình ảnh của một người hùng tử tế (nice guy) ít hay nhiều lu mờ trong tôi. Riêng đối với hai danh thủ túc cầu nổi tiếng nhứt thế giới hiện nay là Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, hầu như tôi không bỏ sót bất cứ trận đấu nào có hai anh tham dự. Nhưng tôi lại cảm thấy khó để tìm ra một người thày nơi một Ronaldo kiêu căng, tự phụ  và cũng thất vọng khi biết một Messi lại dính vào chuyện trốn xâu lậu thuế ở Tây Ban Nha. Riêng cái miệng “Dracula” thích cắn người của danh thủ Luiz Suarez, thì dù cho anh có đạt đến đỉnh cao của danh vọng đi nữa, vẫn cho thấy đối xử tử tế với nhau trên sân cỏ không phải là điều dễ dàng. Trên tất cả mọi “sân chơi”, chính trị cũng như thể thao, con người dễ để lộ cái bản chất thấp hèn của mình.
Điều này không chỉ xảy ra trong túc cầu là môn thể thao dễ có nhiều va chạm và  xô xát giữa các cầu thủ hơn cả. Ngay cả trong quần vợt, mặc dù hai đối thủ bị ngăn cách bởi một chiếc lưới, người ta vẫn có thể để lộ thái độ khiếm nhã và ngay cả hung hãn, nếu không đối với nhau thì cũng nhắm vào khán giả hay ngay cả trọng tài. Danh thủ nổi tiếng một thời như John McEnroe dường như chỉ có thể “chơi đẹp” mỗi khi tức giận, chửi mắng lung tung. Không biết có phải học theo cái thói này không mà danh thủ mới lên của Úc Nick Kyrgios cũng thích tỏ ra khiếm nhã trên sân chơi. Thể thao dễ làm cho con người thiếu tự chủ và đánh mất chính mình. Ngay cả danh thủ nữ số một thế giới hiện nay là Serena Williams, trong trận chung kết Giải Australian Open 2017 vừa qua với người chị ruột của mình là Venus Williams, cũng tỏ ra ăn thua đủ và “tức mình” đến độ đập gẫy chiếc vợt của mình.
Những thái độ như thế, tôi chưa bao giờ nhìn thấy nơi “ông thày”  Roger Federer của tôi. Tạp chí Time số ra ngày 13 tháng Hai vừa qua đã tặng cho danh thủ 35 tuổi này tước hiệu “Người vượt thời gian” (man out of time). Với tất cả 18 lần đoạt chức vô địch trong 4 giải lớn (Grand Slam) như Australian Open, Wimbledon, French Open, U.S Open, tên tuổi của tay vợt này đã được xếp vào hàng ngũ những huyền thoại thể thao như Pelé, Muhammad Ali, Tiger Woods, Michael Jordan. Nhưng báo Time đã nhận xét, khác với những huyền thoại thể thao khác, Federer “không bao giờ hy sinh sự nhã nhặn của mình trên bàn thờ của sự thành công”. Nói cách khác, không vì chiến thắng hay danh vọng mà Federer tỏ ra cộc cằn thô lỗ. Michael Jordan đã từng tỏ ra kẻ cả và khiếm nhã với các bạn đồng đội kém hơn mình.
Andre Agassi, người đã từng là một ngôi sao sáng chói trên sân quần vợt, khi nhận xét về tư cách của Federer đã nói rằng anh đã từng nói chuyện với rất nhiều danh thủ; họ xem người xung quanh chẳng ra gì. Nhưng với Federer thì Agassi cho rằng “bất cứ ai cũng muốn bắt chước tinh thần quảng đại của anh”. Theo Agassi, trước các trận đấu hầu hết các danh thủ đều không muốn tiếp xúc hay nói chuyện với ai. Federer thì trái lại vẫn tỏ ra bình thản và niềm nở với mọi người. Và sau mỗi trận đấu, dù thắng hay thua, anh vẫn không hết lời để ca ngợi các đối thủ của mình. Ngoài ra, như danh thủ James Riley Blake, tay vợt  đã từng được xếp hạng 4 thế giới, cho biết: năm 2004, khi anh bị chấn thương trong một lần tập dượt, Federer là người đã gởi thư chia buồn và nâng đỡ anh.
Federer không những là danh thủ đoạt nhiều chức vô địch nhứt trong những giải lớn. Với chiến thắng vừa qua tại Giải Australian Open, anh đã trở thành tay vợt  lớn tuổi nhứt đạt được thành tích này. Nhưng trong mắt tôi, kỳ tích của Federer chính là cung cách lịch sự, nhã nhặn, thanh lịch và nụ cười hiền hòa của anh trước, trong và sau mỗi một trận đấu. Tựu trung, với tôi, anh là một mẫu người tử tế đáng được tôn lên bậc thày để tôi thụ giáo.
Thật ra đâu phải chỉ có những ngôi sao chiếu sáng trong bầu trời thể thao như Federer mới được tôi chọn để thụ giáo. Trong “trường đời”, có khi một học sinh trung học cũng có thể là “bậc thày” của tôi. Đó là trường hợp của người học sinh Tân Tây Lan tên là Jake Bailey được nhắc đến trong chiến dịch gây quỹ nghiên cứu về bệnh  ung thư có tên là “Tour de Cure Snow Ball”. Nhân dịp này, bài diễn văn cuối năm của Jake hồi năm 2015 được ghi lại trong một băng hình đã được gần 1.7 triệu lượt người nghe trên mạng Youtube. Được biết trong những ngày chuẩn bị tốt nghiệp trung học, Jake được chẩn đoán bị ung thư bạch huyết cầu. Bác sĩ cho biết anh chỉ còn vài tuần lễ để sống. Sau một lần hóa trị, Jake xin phép bệnh viện cho về trường tuyển ở Christchurch để đọc bài diễn văn cuối niên học vì anh đã từng được chọn là “đại diện” (captain) của trường.
Trong bài diễn văn tưởng như là lời trăn trối của mình, Jake nhắn nhủ các học sinh khác: “Hãy tỏ ra lịch sự, cao thượng, tử tế và biết ơn vì những cơ may các bạn có được...Điều các bạn thực sự cần làm là hãy tỏ ra biết ơn với mọi người trong cuộc sống của bạn”. Tôi nghe lại những lời này như được nhắn nhủ cho riêng tôi. Ở tuổi nào, trong hoàn cảnh nào tôi cũng đều thấy mình phải cố gắng sống như thế. Không biết đó có phải là bí quyết để người học sinh trung học này vượt qua được thử thách của bệnh tật không. Nhưng đầu năm 2016, Jake cho biết, sau 3 tháng chữa bệnh, anh đã bình phục. Sự tử tế, nếu không có hiệu năng chữa lành bệnh tật, thì ít ra cũng mang lại sức mạnh để giúp con người đương đầu với bệnh tật và thử thách. Điều ấy có giá trị cho cá nhân cũng như trên bình diện xã hội. Tôi tin rằng thời nào và ở đâu cũng vậy,  chỉ có tấm lòng  sự tử tế mới có thể thực sự cải tạo xã hội.
Có lẽ đã nhìn thấy điều đó chăng mà năm 1985, ở Việt Nam Đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm một cuốn phim tài liệu mang tựa đề “Chuyện Tử Tế”. Bị chạm đến tận xương tủy, chế độ cộng sản Việt Nam đã ngâm tôm cuốn phim. Phải mất vài năm cuốn phim mới được trình chiếu và lương tâm của một số người Việt Nam đang phải sống trong một xã hội “tụt hậu” về mọi phương diện, nhứt là về đạo đức, mới sực tỉnh.
Mới đây, trong tác phẩm có tựa đề “Trong Đống Tro Tàn” được xuất bản tại Hoa Kỳ và được Đạo diễn Trần Văn Thủy, năm nay 73 tuổi, xem như “tạp ghi của một người già lẩn thẩn”, ông đã giải thích lý do tại sao ông dành cả cuộc đời để tranh đấu hầu trả lại cho xã hội Việt Nam điều mà ông gọi là đạo lý của sự tử tế. Trong chương 3 của tập tạp ghi, khi viết về thân phụ của mình, Đạo diễn Trần Văn Thủy ghi lại rằng sau khi chứng kiến cảnh người bạn thân của mình bị bắn chết trong cuộc đấu tố, thân phụ ông đã tập trung các con lại và nói một câu rất ngắn: “Hỏng hẳn rồi các con ạ” . Nhà đạo diễn của “Chuyện Tử Tế” viết rằng “ chắc chắn xuống mồ tôi cũng không thể nào quên được” câu nói đó. Hỏng ở đây là hỏng cả một nền đạo lý nghìn đời của dân tộc và hỏng cả đạo lý chung của cả nhân loại. Cái “hỏng” mà thân phụ ông đã báo trước đã được chính ông cảm nghiệm: “Ngày nay trong một chế độ nhân danh sự ưu việt, người ta lại thấy bao điều xót xa trong quan hệ giữa người với người. Tham nhũng, bè phái, cửa quyền. Đạo đức xuống cấp một cách khủng khiếp”. Nhưng một con người suốt đời đi tìm sự tử tế, cố gắng sống tử tế vẫn luôn tin tưởng và lạc quan cho nên muốn để lại chúc thư của mình: “Tôi xin chân thành cầu chúc cho mọi người được sống trong niềm vui, trong an bình và sự thanh thản của một xã hội lương thiện, tử tế hơn” (x.Phạm Phú Minh, Sách mới: Trong Đống Tro Tàn, Người Việt 7/2/2017).
Dù được gởi gắm cho những người Việt Nam đang sống trong một xã hội thiếu vắng sự tử tế, tôi cũng đón nhận như một lời nhắn nhủ cho riêng mình. Trong bất cứ xã hội nào, con người cũng luôn cần được nhắc nhở để sống lương thiện và tử tế hơn. Xét cho cùng, đó cũng là một bí quyết của hạnh phúc. Càng cố gắng sống lương thiện và tử tế, thân tâm con người càng được an lạc.
Với tôi “trường đời” cũng là một sân chơi. Kết thúc một trận đấu trong bất cứ một bộ môn thể thao nào cũng có người thắng kẻ thua. Trên sân chơi của cuộc đời thì trái lại, ai cũng có thể là người thắng cuộc và “bên thắng cuộc” thực sự chính là người biết sống lương thiện và đối xử tử tế với người đồng loại của mình. Tôi luôn xác tín điều đó và luôn biết ơn những bậc thày đã cách này hay cách khác mang lại cho tôi niềm cảm hứng để sống tử tế.






Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Quyền lực mềm



Chu Thập
16.07.13

Tôi yêu thích sự chân thật. Tôi nói thật chớ không nói như ông thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đâu. Nghe đâu trong một buổi nói chuyện trực tuyến với người dân trong nước, ông tuyên bố chắc nịch: “Tôi yêu nhứt sự trung thực và ghét nhứt sự giả dối”. Không biết năm 11 tuổi, vào bưng đi theo “cách mạng”, ông du kích con này có học được bài thơ “Lời mẹ dặn” của nhà thơ Phùng Quán thời Nhân Văn Giai Phẩm  không?  Nghe ông tuyên xưng “yêu nhứt sự trung thực và ghét nhứt sự giả dối”, tôi  cứ tưởng như chế độ cộng sản Việt Nam sắp sụp đến nơi rồi vì ít nhứt cũng còn có một lãnh tụ cộng sản biết tìm kiếm, tôn trọng và yêu mến sự thật. Nếu không nhìn thấy cờ đỏ sao vàng đang bao phủ lấy ông và nhắm mắt để quên đi bộ mặt đểu giả của ông thì tôi lại tưởng như nghe một nhà lãnh đạo tinh thần nào đó đang thuyết giảng.
Những lời như thế, tôi nghĩ chỉ nên được nghe thốt ra từ miệng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng mà thôi. Nhà lãnh đạo tôn giáo này đi đâu cũng được người ta kính nể, lắng nghe, bởi vì lúc nào trong con người của ngài cũng có sự trung thực, nghĩa là lời nói và hành động luôn đi đôi với nhau. Khuyên dạy người ta sống yêu thương, ngài luôn bày tỏ thái độ khoan nhượng và tha thứ, ngay cả đối với kẻ thù của mình. Khuyến khích người ta sống đơn giản, ngài xuất hiện trước công chúng một cách đơn sơ, từ cách ăn mặc, giày dép cho đến lời ăn tiếng nói.
Gần đây, tôi cũng nhìn thấy một hình tượng như thế nơi Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo của trên một tỷ người công giáo trên khắp thế giới. Nghe nói mới đây ngài đã gởi một thông điệp đầu tay cho mọi tín hữu trên khắp thế giới. Thông điệp nào của các vị giáo hoàng cũng thường dài, lý thuyết và trừu tượng. Vốn dị ứng với những lời thuyết giảng, tôi không biết có đủ can đảm để đọc hết bức thông điệp không. Nhưng theo dõi cuộc sống của vị giáo hoàng này thì quả thật, tôi thấy mình đang bị thu hút. Có nhiều thay đổi nhỏ nhưng đầy tính cách mạng nơi vị giáo hoàng người Á Căn Đình gốc Ý này.
Mới đây, ai đó đã đặt ngài ngồi bên cạnh bức chân dung của người tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđictô XVI và làm một cuộc so sánh. Có 7 điểm  khác biệt nhỏ nhưng đầy ý nghĩa giữa hai nhà lãnh đạo công giáo. Trước hết, Đức Phanxicô ngồi trên chiếc ghế bằng gỗ chớ không “ngự” trên một ngai vàng như vị tiền nhiệm của ngài. Ngài không mặc áo choàng ngắn màu đỏ và khăn quàng cổ có thêu chỉ vàng như các vị giáo hoàng trước ngài. Ngài vẫn mang đôi giày màu đen thường nhựt chớ không phải đôi giày màu đỏ vốn chỉ được đặt làm riêng cho các vị giáo hoàng. Ngài mang trên ngực một cây thánh giá bằng kim loại thường chớ không được cẩn đá quý hoặc kim cương. Nhẫn ngài đeo trên tay cũng bằng bạc chớ không phải bằng vàng như các vị giáo hoàng đi trước vẫn mang. Bên trong chiếc áo choàng trắng của giáo hoàng, ngài vẫn mặc chiếc quần đen chớ không phải một loại quần hiệu được may riêng cho các vị giáo hoàng. Điểm khác biệt cuối cùng giữa ngài và các vị tiền nhiệm là: bục ghế ngài đang ngồi vẫn để trơ trụi chớ không được trải thảm đỏ như vẫn thường thấy. Tôi không biết từ trên thiên đàng nhìn xuống, Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng sắp được phong thánh, sẽ nghĩ gì về người kế vị mình.
Gây sửng sốt hơn cả có lẽ là phản ứng của Đức Phanxicô khi thấy một bức tượng của mình đã được dựng lên trong ngôi vườn bên cạnh nhà thờ chính tòa Thủ đô Buenos Aires, nơi ngài đã từng làm tổng giám mục. Du khách chen nhau để được chụp hình trước bức tượng này. Vừa nghe tin như thế, ngài đã lập tức gọi điện thoại cho vị linh mục quản nhiệm nhà thờ chính tòa để yêu cầu tức khắc tháo gỡ bức tượng xuống. Ngài cho biết ngài không muốn người ta phát động “tệ nạn sùng bái cá nhân” đối với ngài.
Tôi cũng có nghe nói ngày 22 tháng 6 vừa qua, như thông  lệ, để vinh danh một vị tân giáo hoàng, Tòa thánh Vatican có cho tổ chức một buổi hòa nhạc “Beethoven” tại đại thính đường Phaolô VI. Vào giờ phút cuối, Đức Phanxicô đã không xuất hiện. Chiếc ghế dành cho ngài vẫn để trống. Nhiều người đã hiểu được tín hiệu mà đức Phanxicô muốn nhắn gởi: ngài muốn bãi bỏ “truyền thống” với những nghi lễ “hoành tráng” và quan cách vốn chỉ dành cho vua chúa, giới thượng lưu và quyền thế.
Thêm một cử chỉ đầy ý nghĩa khác: trái với thói quen của các vị giáo hoàng kể từ Thế kỷ thứ 17,  Đức Phanxicô quyết định sẽ không đi nghỉ hè tại biệt thự sang trọng ở Castel Gandolfo, một thành phố du lịch nằm ở mạn Nam Roma. Với con người khi còn là hồng y đã từng ngồi xe buýt công cộng và đi chợ nấu ăn lấy, đi nghỉ hè trong một ngôi biệt thự sang trọng thì có khác gì các bậc vua chúa, giới quyền thế và giai nhân tài tử.
Tôi tin là ngài sẽ còn làm nhiều cử chỉ “ngoạn mục” hơn nữa từ ngày 22 đến 29 tháng 7 tới đây, khi đến tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ diễn ra tại Rio de Janeiro, Ba Tây. Giới trẻ công giáo thế giới hẳn sẽ thấy một khuôn mặt lãnh đạo mới, một nhà lãnh đạo mà quyển lực không xuất phát từ chức vụ, dù có thánh thiêng đến đâu, cho bằng  từ tư cách khiêm tốn, siêu thoát và trung thực. Với tôi, đó mới thực sự là sức mạnh, là quyền lực. Một quyền lực như thế không cần phải giành giựt mà vẫn có, cũng chẳng cần ai trao cho và cũng chẳng phải sợ ai cướp lấy.
Lịch sử từ cổ chí kim luôn chứng minh rằng thứ quyền lực có được từ lò thuốc súng theo kiểu của Mao Trạch Đông hoặc cướp lấy từ tay người khác đều là thứ của thiên trả địa. Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô năm 1989 và đầu thập niên 1990 và gần đây cái chết tức tưởi của một Saddam Hussein, một Gaddafi là một bằng chứng hùng hồn về chân lý ấy. Ngay cả thứ quyền lực được trao tay một cách chính đáng qua lá phiếu của người dân cũng chỉ là một thứ bông hoa sớm nở tối tàn. Hôm nay dân chúng trao cho, ngày mai họ đòi lại.
Trong lịch sử nước Anh, liền sau Đệ nhị thế chiến, có ai được đón rước tưng bừng như một anh hùng dân tộc cho bằng Thủ tướng Winston Churchill. Vậy mà liền sau đó, người dân Anh đã hạ bệ và hất ông ra khỏi dinh thủ tướng không chút xót thương. Sau ông Churchill, còn ai được ca ngợi và tung hô cho bằng nữ Thủ tướng Margaret Thatcher, người đã được bầu làm thủ tướng Anh đến 3 nhiệm kỳ để rồi cuối cùng phải cuốn gói ra đi trong buồn thảm. Nhưng nhục nhã hơn có lẽ là số phận của cố Tổng thống Richard Nixon của Hoa Kỳ, người bị buộc phải từ chức ở đầu nhiệm kỳ hai chỉ vì nghe lén điện thoại của đối thủ. Dù sao, có lẽ ông Nixon cũng còn có chút liêm sỉ để ra đi chớ không đến nỗi bị mang ra trước công chúng để cung khai về những chuyện bê bối thầm kín nhứt của mình như ông tổng thống tài ba và đào hoa Bill Clinton. Còn Tổng thống George Bush Jr thì thật là tội nghiệp: chẳng có tổng thống Mỹ nào rời tòa Bạch Ốc mà bị dân chúng khinh thường và chán ghét như ông.
Số phận của các nhà lãnh đạo Úc của chúng ta cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Có ai như cựu Thủ tướng John Howard: 11 năm cầm quyền là một thành tích chẳng ai sánh kịp, vậy mà cuối cùng không những mất ghế thủ tướng, mà còn bị hất khỏi cả chiếc ghế dân biểu của mình, kết liễu cả một sự nghiệp chính trị . Nhưng ra đi như ông Howard kể ra cũng còn danh dự. Có đâu như bà Julia Gillard: vừa mới hùng hổ tuyên bố tử thủ, sau đó vài phút lủi thủi ra ghế sau ngồi trông thiệt là tội nghiệp! Trước bà, những người tài ba như các ông Bob Hawke, Paul Keating, Hewson…chẳng có vị nào ra đi trong tiếng vỗ tay đưa tiễn của người dân cả.
Chính trị quả là một nghề tàn bạo. Không bị thù ghét như các nhà độc tài, không bị sát hại dã man như cố Tổng thống Ngô Đình Diệm hay bị ám sát như cố Tổng thống John F.Kennedy hay như một số thủ tướng Ấn Độ,  Pakistan thì cuối cùng cũng chẳng ai tránh được cảnh lên voi xuống chó. Nhưng bã quyền lực là một thứ khó tiêu hóa. Ăn không được thì đạp đổ. Cho nên chẳng có ai học được bài học từ thất bại và nhìn nhận sai lầm của mình. Ai cũng đổ lỗi cho người khác về sự thất bại của mình. Hồi ký của bất cứ một chính trị gia nào hầu như đều tìm cách lèo lái không phải là một lời xưng thú “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” như ông thánh Augustinô ở Thế kỷ thứ năm của Kitô giáo, mà toàn là những lời biện minh và tự vinh danh.
Tựu trung, quyền lực, dù là quyền lực từ lò thuốc súng hay từ lá phiếu của người dân, thường làm cho con người ra hoang tưởng. “Đại tá Muammar Gaddafi là một điển hình. Nắm quyền lực tuyệt đối tại Lybia trong suốt 42 năm, ông đã phải sống những ngày cuối đời trong cảnh trốn chui trốn nhủi, cầm hơi bằng gạo sống và mì ống mà đám hầu cận nhặt được từ các nhà dân bị bỏ hoang. Bất chấp thực tế phũ phàng đó,  suốt gần hai tháng trốn chạy khỏi thủ đô Tripoli cho đến khi bị phát giác, ông vẫn quyết không chịu từ bỏ quyền lực vì một mực cho rằng người dân Libya vẫn còn yêu quý mình. Kết cục là ông đã bị đám chiến binh cuồng nộ hạ sát trong một cảnh tượng hỗn loạn, đầy bạo lực và khủng khiếp ngày 20 tháng 10 năm 2011. Sau đó, xác ông lại bị trưng bày trong kho lạnh của một hàng thịt ở Misrata như một “chiến lợi phẩm” cho đông đảo dân chúng “chiêm ngưỡng”.
Lúc còn ở đỉnh cao quyền lực, nhà độc tài này đã tự phong cho mình đủ mọi tước hiệu như “nhà lãnh đạo anh em”, “người dẫn đường cách mạng”, “người bảo vệ hơn 6 triệu dân Libya”, “vua của các vị vua Phi Châu” hay “lãnh tụ của thế giới hồi giáo” v.v
Đại tá Gaddafi thực ra không phải là trường hợp cá biệt mà là một hiện tượng phổ biến trong thế giới độc tài: đó là chứng hoang tưởng của những kẻ vốn quen với việc cướp lấy quyền lực và nắm giữ quyền lực chuyên chế và độc đoán. Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông…đều như thế cả.
Hoang tưởng là một chứng bệnh tâm thần rất khó chữa. Bởi lẽ, như Lord Acton, tác giả kiêm chính trị gia người Anh ở thế kỷ 19, đã nói: “Quyền lực dẫn tới tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối”. Sau những gì đã diễn ra trong thế kỷ 20 cũng như đầu thế kỷ 21 này, đặc biệt là “dấn ấn” đậm nét của các lãnh tụ cộng sản “lỗi lạc”, nhân loại có lẽ đã “ngộ” thêm một “chân lý” nữa về quyền lực, đó là: “Quyền lực dẫn tới hoang tưởng, quyền lực tuyệt đối thì dẫn tới hoang tưởng tuyệt đối.” (x. Lê Anh Hùng, Sự Hoang tưởng của Quyền lực, trên trang mạng Quan Làm Báo).
Về quyền lực, tôi vẫn nhớ mãi câu nói bất hủ của nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhứt dưới thời cộng sản Nga là văn hào Aleksandr Solzhenitsyn, tác giả của quyển tiểu thuyết “Quần đảo Gulag”: “Bạn chỉ có quyền trên dân chúng bao lâu bạn không tước đoạt bất cứ điều gì của họ. Nhưng một khi bạn đã cướp lấy tất cả mọi sự của một con người, bạn không còn quyền lực nào trên người đó nữa. Người đó đã được tự do trở lại”. Suy rộng ra, tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng có thể có một quyền lực riêng của mình nếu người đó không quỵ lụy trước quyền lực của người khác để đội trên đạp dưới đã đành, mà cũng chẳng lệ thuộc vào bã vinh hoa của quyền lực và nhứt là không chịu khuất phục trước sức mạnh của tiền bạc, danh vọng, tiếng tăm và những thứ phù du trong cuộc đời này.
Đó là quyền lực mà, ngoại trừ chính tôi tự tay đánh mất, không một ai có thể tước đoạt được.












Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

St. Petersburg: nơi vẫn còn có tiếng nói của đối lập ở Nga




17.02.16
Sergei Schnurov hiện đang là một ca sĩ nhạc Rock nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất tại Nga hiện nay. Nổi tiếng đến độ tạp chí Snob đã có lần viết về ca nhạc sĩ 43 tuổi này như sau: “Một ngày kia, người ta sẽ dựa vào các ca khúc của ban “Leningrad” để nghiên cứu về thời đại của (tổng thống) Putin”. “Leningrad” là ban nhạc do Schnurov sáng lập. Theo báo Snob, hiện nay tại Nga có lẽ tên tuổi của ca sĩ Schnurov chỉ đứng sau Tổng thống Vladimir Putin.
Ban nhạc  Leningrad thường trình diễn tại sân vận động khúc côn cầu được xây cất vào năm 2000 tại Thành phố St. Petersburg. Số người mua vé vào cửa để nghe ca sĩ Schnurov hát thường không dưới 15.000 người. Trên những chiếc áo thun của những người say mê nhạc của Schnurov hay thường được gọi tắt là “Schnur”, người ta có thể đọc được hàng chữ in: “Không có Schnur thì không có cuộc vui”. Khi người ca sĩ xuất hiện cũng trong chiếc áo thun trắng và chiếc quần Jeans, với sợi giây chuyền vàng trên cổ và bắt đầu lả lướt vài đường trên chiếc đàn guitar điện, thì ca khúc “Totshka ru” được cất lên. “Totshka ru” trong tiếng Nga  có nghĩa là “dot.com”, thuật ngữ quen thuộc trong thế giới truyền thông điện tử hiện nay. Đây là “thành phố ca” của St. Petersbug. Ca khúc mà người dân St Petersburg thích nghe được mở đầu như sau: “Tôi đã không còn nhớ mình đã đến đây lúc nào. Có lẽ lúc đó tôi đã say. Tôi không có số “đăng ký” và cũng không có địa chỉ trên đường phố. Địa chỉ của tôi là www.leningrad.saintpetersbug.totshka.ru”.
St. Petersburg, thành phố mang tên của Nga hoàng Peter Đại Đế, đã từng là thủ đô của Nga trong 200 năm liền. Trong thế kỷ vừa qua, thành phố này đã ba lần bị đổi tên. Chính từ thành phố này mà các nga hoàng đã cai trị đất nước. Cũng chính tại đây mà Lenine đã lật đổ Chính phủ Kerensky và khơi dậy cuộc cách mạng đẫm máu. Thế nhưng năm 1918, khi người cộng sản dời thủ đô về Mạc Tư Khoa thì St. Petersburg được lần lượt đặt tên lại là Petrograd, rồi Leningrad và trở thành một đô thị tỉnh lẻ.
Năm 1991, khi chủ nghĩa cộng sản cáo chung tại cái nôi đã sinh ra nó, thành phố này được trả lại tên lịch sử của mình là St. Petersburg. Mặc dù chưa khôi phục được vị trí của một thời huy hoàng, St. Petersburg vẫn giữ được một số kỷ lục. Với hơn một triệu dân, đây là thành phố lớn nhất của thế giới ở cực Bắc. Đây cũng là hải cảng quan trọng nhất của Nga trong vùng biển Baltic. Về đêm, St. Petersburg cũng sáng chói không thua gì Venezia của Ý Đại Lợi. St. Petersburg hiện có 342 cây cầu, trong số này có 9 nơi được mở ra cho tàu bè qua lại ban đêm. Riêng trung tâm lịch sử thành phố có đến 2.300 cung điện, lâu đài và nhiều dinh thự lộng lẫy khác. Với nhiều trung tâm văn hóa đáng xem nhất, St. Petersburg được trao tặng giải “The World Travel Award” (Giải du lịch thế giới) và được nhìn nhận là thủ đô du lịch của thế giới. Trong năm 2016 vừa qua, đã có 6.9 triệu du khách viếng thăm thành phố này.
Ngoài thành tích du lịch, St.Petersburg còn là “địa linh nhân kiệt” của Nga. Cả Tổng thống Vladimir Putin lẫn đương kim Thủ tướng Dmitry Medvedev đều chào đời tại thành phố này. Riêng Tổng thống Putin khởi đầu  sự nghiệp của mình trong cơ quan tình báo KGB tại Lenigrad, tức St. Petersburg vào thập niên 1970. Ngày nay, ông Putin luôn đón tiếp các lãnh tụ quốc gia tại Điện Konstantin ở St. Petersburg, đưa họ đi thăm các tác phẩm nghệ thuật tại Hermitage hoặc dự những buổi trình đầu tiên tại sân khấu Marlinsky. Ngoài ra, nhiều nhân vật trong “bộ sậu” của ông cũng xuất thân từ thành phố lịch sử này.
Với chỗ đứng lịch sử ấy, St. Petersburg muốn tạo cho mình một thế giới riêng hoàn toàn tách biệt với Mạc Tư Khoa. Ngoài lối kiến trúc quý phái của mình, thành phố này cũng muốn bảo tồn nền văn hóa riêng của nó. Ở Mạc Tư Khoa, do ảnh hưởng của 70 năm xây dựng thế giới cộng sản “huynh đệ và đại đồng”, cứ gặp nhau là người ta trao cho nhau “cái hôn xã hội chủ nghĩa”. Người dân St. Petersburg xem đó như một kiểu chào hỏi rẻ tiền. Họ cũng giữ được cho mình một thứ tiếng Nga thanh lịch chứ không hổ lốn như ở Mạc Tư Khoa.
Khinh thường thứ “văn hóa” bát nháo của Mạc Tư Khoa, người dân St. Petersburg cũng tỏ ra dửng dưng với những gì đang xảy ra ở thủ đô. Không viết xuống thành văn tự, nhưng dường như họ muốn nói với chính phủ Trung ương: “Hãy để cho chúng tôi yên và chúng tôi cũng để cho quý vị yên”. Trong khi ở thủ đô, quyền lực được tập trung vào ông Putin như hình kim tự tháp, thì ở St. Petersburg, người ta chẳng màng đến thứ phẩm trật của quyền lực ấy.
Ca sĩ Schnurov và ban nhạc Leningrad của anh đã xem Mạc Tư Khoa như không hiện hữu đối với họ. Với họ, Mạc Tư Khoa chẳng khác nào một cái xác chết. Trong một ca khúc, ca sĩ Schnurov đã hát: “Hôm qua, trong một giấc mơ kỳ diệu, tôi đã thấy Mạc Tư Khoa hoàn toàn cháy rụi. Lửa đã thổi qua Quảng trường Đỏ và thiêu rụi Ủy ban Bầu cử. Mọi người đều chết cháy...”
Cùng với ca sĩ Schnurov, người dân St. Petersburg chống lại chế độ độc tài ở Mạc Tư Khoa. Dạo tháng 9 vừa qua, khi Nga tổ chức bầu Quốc hội mới, không đầy một phần ba cư dân St. Petersburg đến các phòng phiếu và trong khi tại Chechnya, 91 phần trăm dân chúng ủng hộ ông Putin thì tại thành phố lịch sử này chỉ có 13 phần trăm cử tri dồn phiếu cho đảng của ông Putin. Có thể xem đây như một cuộc nổi dậy chống lại chế độ độc tài.
Kèm với việc tẩy chay các cuộc bầu cử, dạo tháng 2 năm 2015, đã có không dưới 15.000 người dân St. Petersburg xuống đường để lên án việc Chính phủ Putin sát hại nhà vật lý học bất đồng chính kiến Boris Nemtsov và bày tỏ sự phẫn nộ về việc xách nhiễu những người tranh đấu cho dân chủ tại Nga. Ngày nay, trong nước Nga của ông Putin, 15.000 người xuống đường phản đối là một con số đáng kể!
Ngoài ra, chẳng có nơi nào các chính quyền địa phương phải chịu nhiều sức ép của người dân cho bằng tại St.Petersburg. Kể từ khi Liên Xô tan rã, người đang lãnh đạo thành phố là vị đô trưởng thứ 5. Trước các cuộc biểu tình của người dân, người tiền nhiệm của vị đô trưởng này đã bị ông Putin cách chức và đưa về Mạc Tư Khoa.
Lev Lurye, sử gia, ký giả và nhà viết kịch nổi tiếng nhất của St.Petersburg đã nhận định như sau: “Ông Putin đưa quân đội vào Syria hay bắt giữ bộ trưởng kinh tế ư? Đó là việc của họ; chuyện ấy xảy ra trong thành phố của họ. Chúng tôi thường nói như thế ở St. Petersburg mỗi khi đề cập đến Mạc Tư Khoa. Điều đó chẳng ăn nhập gì đến chúng tôi cả”.
Thời nào, St. Petersburg cũng là một pháo đài của đối lập đối với Chính quyền Trung ương. Dưới thời cộng sản, St. Petersburg bị Mạc Tư Khoa xem như một ổ “phản động”. Trong thập niên 1930, đồ tể Stalin đã ra lệnh hành quyết hàng loạt những thành phần mà ông xem như một lực lượng thù địch và cuộc đàn áp kéo dài cho đến sau Đệ nhị Thế chiến. Năm 1950, Stalin ra lệnh xử tử toàn bộ lãnh đạo của thành phố vì ông cho rằng họ đang có “ý đồ” thành lập một đảng cộng sản thứ hai. Cuối thập niên 1970, Điện Cẩm Linh vẫn còn truy lùng các nhóm hoạt động bí mật tại St. Petersburg vì phát tán sách vở và tài liệu bị cấm.
Ngày nay, mặc dù dang củng cố chế độ độc tài, ông Putin vẫn không dám có hành động mạnh đối với St. Petersburg. Sử gia Lurye giải thích rằng tại thành phố này hiện vẫn có một nền báo chí tương đối cấp tiến và trong nghị viện vẫn có đảng đối lập. Sau khi Putin đem quân sang chiếm đóng Crimea của Ukraine, người dân St.Petersburg đã không tỏ ra mấy “hồ hởi”; người ta thấy rất ít  cờ Nga, tuy là biểu tượng của tinh thần ái quốc, được giăng lên ở St. Petersburg.
Ông Putin có thể làm mưa làm gió ở Mạc Tư Khoa và hầu như khắp nơi trên lãnh thổ Nga, nhưng dường như vẫn chấp nhận thua cuộc tại St.Petersburg. Chiến thắng lớn nhất của người dân St. Petersburg trong cuộc chiến chống lại độc tài là cuộc chiến chống lại công ty quốc doanh Gazprom. Ban giám đốc của công ty này muốn xây dựng một cao ốc cao 400 thước trong thành phố cổ. Dân chúng đã liên tục xuống đường. Sau 4 năm, công ty Gazprom đành nhượng bộ và dời dự án xây cất đến một nơi xa hơn.
Người dân St. Petersburg cũng không tỏ ra nhân nhượng ngay cả khi phải đương đầu với Giáo hội Chính thống Nga, vốn là một đồng minh rất thân cận của chính quyền Putin. Chuyện xảy ra liên quan đến một nhà thờ cổ có tên là Nhà thờ Chính tòa Thánh Isaac. Đây là một trong những bảo tàng viện được khách du lịch thăm viếng nhiều nhất. Mặc dù được đặt tên là “Nhà thờ Chính tòa”, nhà thờ này đã không bao giờ thuộc quyền sở hữu của Giáo hội hay bất cứ giáo xứ nào. Vậy mà Giáo hội Chính thống vẫn yêu cầu hoàn trả nhà thờ lại cho Giáo hội. Đã có trên 200.000 người ký tên vào một thỉnh nguyện thư chống lại ý muốn của Giáo hội Chính thống.
Tại Nga, không có nơi nào các nhà tranh đấu thành công trong việc giới hạn quyền lực của chính quyền cho bằng tại St. Petersburg. Ngay từ những ngày đầu khi Nga từ giã chế độ cộng sản để bước vào con đường dân chủ, St. Petersburg đã lập ra một qui chế đặc biệt: thành phố này có một nghị viện “chuyên nghiệp”. Tại Nga hiện chỉ còn 2 cơ chế lập pháp: một là Quốc hội bù nhìn ở Thủ đô Mạc Tư Khoa, hai là Nghị viện của thành phố St. Petersburg. Được gọi là nghị viện “chuyên nghiệp” bởi vì các nghị viên được trả lương và không được làm bất cứ một công việc nào khác. Chính nhờ vậy mà họ mới có thể để mắt theo dõi các đô trưởng do ông Putin bổ nhiệm.
Có một nghị viện chuyên nghiệp và đối lập để theo dõi và kiểm soát chính quyền địa phương, người dân St. Petersburg cũng muốn bày tỏ tiếng nói đối lập của họ xuyên qua những sinh hoạt khác mà âm nhạc là chính. Ca nhạc sĩ Schnurov là “nghị viên” không chuyên nghiệp của họ. Xuất thân là một tài xế xe tải, người nghệ sĩ này đã làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau như nhân viên bảo vệ trong nhà trẻ, thợ mộc và cả thợ rèn. Anh cũng đã từng theo học triết học trong một chủng viện chính thống giáo. Anh nói rằng tại Nga hiện nay có quá nhiều cấm kỵ. Theo anh, người ta chỉ có thể vượt qua được các cấm kỵ ấy bằng cách giữ một khoảng cách với chính trị và sử dụng ngôn ngữ chung của quảng đại quần chúng. Và âm nhạc chính là ngôn ngữ ấy. Như tên của ca khúc kết thúc buổi trình diễn của ca sĩ Shnurov gợi lên, “Muzyka dla muzhika”, âm nhạc là con đường. Người nghệ sĩ xé toạc chiếc áo thun của mình và bắt đầu nhảy múa trên khán đài. Cử tọa cũng nhảy theo anh. Khi mọi ánh đèn đều tắt, thì ánh sáng từ hàng ngàn chiếc điện thoại di động vẫn tiếp tục chiếu sáng. Thành phố St.Petersburg vẫn chiếu sáng trong đêm tối. Ca sĩ Schnurov tiếp tục hát: “Trên thế giới vẫn có những điều tốt và dĩ nhiên cũng có những điều xấu nữa. Hãy sống theo con đường ngay chính. Chỉ có âm nhạc mới giúp bạn làm điều đó”.
Putin có thể xem trời bằng vung, nhưng có lẽ ông phải sợ những lời như thế.

(Theo: http://www.spiegel.de/international/europe/saint-petersburg-the-city-of-rebels)


Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Sự thật là gì?



Chu Thập
10.02.17
Cuộc điện đàm giữa thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến số phận của những người tầm trú tại đảo Manus và Nauru đã trở thành đề tài thời sự nóng bỏng trong những ngày vừa qua. Nội dung cuộc nói chuyện kéo dài 25 phút đồng hồ giữa hai vị nguyên thủ đã bị “rò rỉ” và được báo The Washington  Post cho đăng tải. Theo tờ báo này, tân tổng thống Mỹ đã có thái độ thiếu ngoại giao, bất lịch sự,  lại còn lên giọng kẻ cả và hằn học đối với nguyên thủ của một nước khác. Báo này viết rằng Tổng thống Trump không những gọi thỏa thuận về người tầm trú đạt được giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Turnbull là một cuộc “ngả giá” ngu xuẩn nhứt, ông còn bảo rằng cuộc điện đàm giữa ông và thủ tướng Úc cũng là cuộc nói chuyện tệ hại nhứt. Ngoài ra, không biết có đúng không, cũng theo báo này, ông tổng thống vốn có thói quen chẳng xem ai ra gì còn “cúp” điện thoại ngay giữa cuộc nói chuyện. Trong chương trình “Saturday Night Live” của Đài NBC bên Mỹ hôm tối thứ Bảy 4 tháng 2  vừa qua , một lần nữa, tài tử gạo cội đã từng được đề cử giải Oscar Alec Baldwin lại đem chuyện này ra chế diễu. Trong vai Tổng thống Trump, tài tử này đã  mang lại cho khán thính giả một trận cười hả hê khi diễn lại thái độ và giọng điệu rất quen thuộc của ông tổng thống mà cả thế giới đều lo sợ vì tính khí bất thường và hành động khó đoán trước này.
Tại Úc Đại Lợi, dĩ nhiên câu chuyện lại còn nóng bỏng hơn. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả lão thành Laurie Oaks của Đài số 9 tối Chúa nhựt 5 tháng 2 vừa qua , giải thích về những đồn đãi cho rằng ông đã bị Tổng thống Trump cho “leo cây” và làm nhục trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Turnbull đã khẳng định rằng ông đã tỏ ra hoàn toàn khẳng khái trong cuộc nói chuyện với tổng thống Mỹ.
Ngoài ra, trước đó, không rõ có phải bị thúc ép không, Thủ tướng Turnbull đã lên tiếng ca ngợi ông Trump như một con người có “một nhân cách rất lớn” (a very big personality) và  cuộc trao đổi giữa ông và Tổng thống Trump đã diễn ra trong bầu khí “thân tình” (cordial). Nghe được lời này, Tổng thống Trump hả dạ đến độ liền lên mạng Twitter để cám ơn rối rít Thủ tướng Úc vì đã “nói lên sự thật”. Đây là nguyên văn lời cám ơn của ông Trump: “Cám ơn Thủ tướng Úc Đại Lợi vì đã nói lên sự thật về cuộc nói chuyện rất lịch sự giữa chúng ta, vốn đã bị giới truyền thông chuyên đưa tin vịt xuyên tạc. Thật là tốt đẹp!” (Thank you to Prime Minister of Australia for telling the truth about our very civil conversation that FAKE NEWS media lied about. Very nice!)
Lời cám ơn của Tổng thống Trump dành cho Thủ tướng Turnbull khiến tôi bối rối. Có thật sự cuộc điện đàm giữa hai ông đã diễn ra một cách “thân tình” không? Riêng ông Trump hiểu như thế nào về “sự thật” khi ông bảo Thủ tướng Turnbull đã “nói lên sự thật”? Có “sự thật khách quan” không hay “sự thật” chỉ có khi nó có ích lợi cho ông?
Sở dĩ tôi cảm thấy bối rối là bởi vì trong suốt cuộc vận động bầu cử, ứng cử viên Trump đã trơ trẽn đến độ có thể phịa ra bất cứ  chuyện gì. Từ chuyện ông bịa ra rằng Tổng thống Barack Obama không hề chào đời tại Hoa Kỳ và sau đó phủi tay để khẳng định rằng chính bà Hillary Clinton là người đã dựng lên chuyện này cho đến chuyện hàng ngàn người Hồi giáo tại Tiểu bang New Jersey nhảy múa ăn mừng vì cuộc khủng bố 11/9/2001 hoặc chuyện thân phụ của Thượng nghị sĩ Ted Cruz có nhúng tay vào việc ám sát Tổng tống JF Kennedy...chuyện gì ông cũng phịa ra được và phịa mà chẳng bao giờ thấy ngượng!
Rồi mới đây, vẫn chứng nào tật ấy, mặc dù đã lên cầm quyền, Tổng thống Trump lại khẳng định rằng trong cuộc bầu cử vừa qua, sở dĩ ông thua bà Clinton đến 3 triệu phiếu phổ thông là bởi vì có đến 3 triệu lá phiếu bất hợp lệ dồn cho bà. Dĩ nhiên, cũng như trong suốt cuộc vận động bầu cử, khi được hỏi dựa trên bằng chứng nào để khẳng định điều này, ông lại nói quanh co. Nhưng điều khiến tôi lo sợ hơn cả khi theo dõi những lời tuyên bố của ông sau khi tuyên thệ nhậm chức, đó là việc ông “nổ” về số người tham dự lễ nhậm chức của ông. Không rõ đứng nhìn từ góc cạnh nào, ông nói rằng số người có mặt ở Công trường National Mall hôm 20 tháng Giêng vừa qua lên đến cả triệu hay triệu rưỡi. Người của ông là ông Sean Spicer, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, còn “nổ bạo” hơn khi bảo rằng số người tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Trump “đông chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ”. Mà thôi, nhìn thấy một đám đông nhiều hay ít có khi còn  tùy thuộc ở vị trí của từng người. Đàng này, cả ông Spicer lẫn Tổng thống Trump đều muốn ăn thua đủ với giới truyền thông của Mỹ lẫn cả thế giới để khoe mẽ rằng số người tham dự lễ nhậm chức hôm 20 tháng Giêng vừa qua đông hơn nhiều so với số người có mặt trong Công trường National Mall trong ngày tuyên thệ của Tổng thống Barack Obama hồi tháng Giêng năm 2009. So sánh hai bức không ảnh chụp trong hai cuộc nhậm chức, chỉ có người đui hoặc mù mầu (color blind) may ra mới không thấy sự khác biệt về đám đông trong hai lần nhậm chức. Một bên là đám đông đen nghịt đứng chật trong công trường trong lễ nhậm chức của Tổng thống Obama, một bên là khoảng trống trắng xóa không thể chối cãi được trong ngày tuyên thệ của ông Trump. Vậy mà Tổng thống Trump và phe của ông vẫn chưa chịu thua và chấp nhận sự thật. Bà Kellyanne Conway, cố vấn của ông Trump, đã nhào vào ăn có và tặng cho giới truyền thông một từ mới là “những sự kiện khác” (alternative facts). Không hiểu vị nữ cố vấn này muốn nói gì khi, để bảo vệ lập trường cho rằng số người tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Trump đông hơn số người dự lễ nhậm chức của Tổng thống Obama, bà lại trưng ra “những sự kiện khác”. Khác như thế nào thì chẳng ai biết và cũng chẳng thấy bằng chứng nào cả.
Cho tới nay, tôi chẳng nghe nói có phản ứng nào của Tổng thống Obama hay của phe Dân Chủ. Có lẽ Tổng thống Obama và phe Dân Chủ cho rằng đây là chuyên nhỏ, hơi sức đâu mà ăn thua đủ với nhau. Nhưng với tôi thì đây không phải là chuyện nhỏ. Bởi lẽ Tổng thống Trump và phe của ông không nhắm vào cá nhân Tổng thống Obama hay phe Dân Chủ, mà chỉ muốn tuyên chiến  với giới truyền thông mà ông gọi là những người bất lương nhứt trên hành tinh (the most dishonest people). Cứ có bất cứ một tin nào được truyền thông loan tải mà bất lợi cho ông thì đó là “tin giả” (fake news). Trong bài diễn văn nhậm chức, ông đã tấn công tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm của ông. Người đến sau chê người đi trước là chuyện thường. Tôi không ngạc nhiên về điếu đó, nhứt là với một người như ông Trump, người lúc nào cũng rêu rao về vị trí số một của mình. Điều khiến  lo sợ là bởi vì ông hiện đang muốn phủ nhận và tiêu diệt một trong những sức mạnh nền tảng và thiết yếu cho việc xây dựng và bảo toàn một xã hội dân chủ là tự do báo chí. Sức mạnh và sự vĩ đại của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ từ thời lập quốc đến nay được thể hiện qua tự do báo chí.
Tôi hiện đang cảm nhận được sức mạnh ấy trong xã hội Úc. Một số cơ quan truyền thông của Úc như Đài ABC hay Đài SBS, mặc dù được chính phủ tài trợ, nhưng lại không phải là cơ quan ngôn luận hay là cái loa tuyên truyền của chính phủ Úc. Những cơ quan truyền thông này hoàn toàn có tự do báo chí để nếu cần, sẵn sàng  lên tiếng phê bình và chỉ trích đường lối hay các chính sách của chính phủ Úc. Chính nhờ thông tin và sự hướng dẫn của những cơ quan truyền thông như thế mà người dân như tôi mới có thể hiểu được các chính sách của chính phủ và nhờ vậy mới sử dụng lá phiếu của mình một cách có trách nhiệm và đóng góp hữu hiệu vào việc xây dựng đất nước.
Tôi hãnh diện được làm công dân của một quốc gia tự do và dân chủ nhờ có tự do báo chí được thực thi qua các cơ quan truyền thông độc lập. Ở tuổi già, mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên trong ngày của tôi lúc nào cũng là ngồi vào bàn máy vi tính, lên mạng lưới thông tin toàn cầu và theo dõi tin tức của Úc Đại Lợi cũng như khắp thế giới. Tôi xem việc theo dõi tin tức hàng ngày như trách nhiệm của một người công dân. Đó cũng là một thú vui không thể thiếu được trong cuộc sống. Ngoài ra, nguồn thông tin toàn cầu như được các cơ quan truyền thông tự do mang lại không những giúp tôi mở mang kiến thức, rèn luyện óc phán đoán mà còn  gây ý thức nơi tôi về tình liên đới và sự cảm thông đối với người đồng loại. Mỗi ngày, các cơ quan truyền thông của thế giới tự do mang tôi đến bất cứ một nơi nào đang có những người đồng loại phải đau khổ vì chiến tranh, vì nghèo đói, vì bị bách hại hay bị đẩy ra bên lề xã hội.
Tôi không thể nào được “hiện diện” trên khắp thế giới và cảm thông với người đồng loại như thế nếu phải sống trong một chế độ bưng bít, thiếu tự do báo chí. Kinh nghiệm của những năm sống trong chế độ cộng sản đã cho tôi hiểu được những mất mát không thể tưởng tượng được của những người dân suốt ngày chỉ biết nghe “loa phường” và đọc báo đảng.
Tôi không biết người Mỹ và nhiều người trên thế giới có lo sợ như tôi không khi Tổng thống Trump muốn bịt miệng hoặc ngay cả tiêu diệt tự do báo chí. Kể từ khi Tổng thống Trump tuyên chiến với báo chí và nhứt là kể từ khi nữ cố vấn Kellyanne Conway của ông đưa ra khái niệm “những sự kiện khác” (alternative facts), thì cuốn tiểu thuyết có tựa đề “1984” của nhà văn George Orwell được dân Mỹ tìm đọc nhiều hơn cả. Theo báo The Telegraph của Anh, tác phẩm được xuất bản hồi năm 1949 này hiện đang nằm trong danh sách 5 cuốn sách bán chạy nhứt trên mạng Amazon.com. Sở dĩ có một hiện tượng như thế là bởi vì tác phẩm này mô tả một cách chính xác bộ mặt của các chế độ toàn trị, đặc biệt là toàn trị cộng sản trong đó có “Cảnh sát Tư tưởng” (Thought Police) để kiểm soát tư tưởng của người dân và nhứt là có cả một “Bộ Sự Thật” (Ministry of Truth) để không những tuyên truyền cho chế độ mà còn định nghĩa thế nào là “sự thật” buộc người dân phải tin nhận. Liệu Tổng thống Trump, khi tuyên chiến với báo chí, có nghĩ đến chuyện thiết lập một “Bộ Sự Thật” như được mô tả trong cuốn sách “1984” của tác giả George Orwell không? Tôi không tin rằng trong đất nước của “Nữ Thần Tự Do”, một ý đồ như thế sẽ trở thành hiện thực. Điều khiến tôi cảm thấy bối rối và lo ngại là vị tổng thống này xem ra muốn áp đặt một ý niệm mới về “sự thật”. Với ông, “sự thật” phải là “sự thật định hướng” và có lợi cho ông. Còn tất cả những gì không có lợi hoặc chống lại ông đều là “tin vịt” (fake news!). Cứ đọc các “thông điệp” được ông đưa lên mạng Twitter vào lúc 4 giờ sáng mỗi ngày sẽ thấy rõ điều đó!
Tôi liên tưởng đến đến phiên tòa xử Chúa Giêsu trong dinh Tổng trấn Philatô. Khi Chúa Giêsu nói: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”, Tổng trấn Philatô liền hỏi: “Sự thật là gì?” Và Chúa Giêsu đã không trả lời. Với sự thinh lặng ấy,  có lẽ Chúa Giêsu muốn nói rằng  với những kẻ chối bỏ sự thật thì có giải thích bao nhiêu cũng vô ích. Ông tổng trấn này biết quá rõ rằng chỉ vì ghen tức mà người Do Thái đã trao nộp Ngài cho ông. “Sự thật” rõ ràng là Ngài hoàn toàn vô tội. Biết rõ như thế nhưng ông vẫn không có đủ can đảm để trả tự do cho Chúa Giêsu. Vì hèn nhát, Tổng trấn Philatô không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật và nhứt là hành xử dựa trên sự thật.
Kinh nghiệm ở đời thường dạy tôi rằng vì hèn nhát, vì danh vọng, quyền lực, tiền của hay vì bị xích xiềng của dục vọng  trói buộc, con người dễ trở nên mù quáng để không nhận ra sự thật, chối bỏ sự thật và ngay cả chỉ chấp nhận sự thật khi điều đó có lợi cho mình.