Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Sardinia: một bí quyết sống thọ!

23/02/18
Antonio Todde là người đàn ông đầu tiên trên thế giới đã sống đến 110 tuổi. Người đàn ông có tuổi thọ cao nhất thế giới này sống tại Tiana, một ngôi làng trên Đảo Sardina, miền nam Ý Đại Lợi.
Cụ Todde sinh vào khoảng cuối thập niên 1880 và qua đời hồi năm 2002. Như vậy cuộc sống của cụ đã trải rộng ra 3 thế kỷ. Cụ ông Tonino, con trai của cụ, hiện cũng đã 84 tuổi, đã cho biết như thế. Cụ ông này cũng hy vọng sống đến 100 tuổi.
Tiana chỉ là một ngôi làng thuộc một vùng trong đó tỷ lệ của những người sống đến 100 tuổi được xem là cao gấp 3 lần so với những vùng khác của Đảo Sardinia và toàn nước Ý.
Mặc dù di truyền, cách dinh dưỡng và sự vận động thể lý thường được xem là những yếu tố nòng cốt trong bí quyết sống thọ của người dân làng Tiana, nhưng các cuộc nghiên cứu về tuổi thọ của người dân tại Địa Trung Hải nói chung thường chỉ ra rằng quan hệ xã hội mới là chìa khóa giải thích về tuổi thọ. Theo kết quả của những cuộc nghiên cứu về tuổi thọ của người dân Địa Trung Hải, sự quan tâm và chăm sóc của gia đình cũng như mối giây liên kết trong cộng đồng giúp duy trì được sức khỏe tinh thần của con người. Và đây mới chính là điều quan yếu cho sức khỏe thể lý cũng như tinh thần của con người.
Vào đầu thập niên 2000, Tiến sĩ Giovanni Pes, một bác sĩ kiêm chuyên gia về dân số học người Ý, đã nhận thấy rằng tử xuất của người dân tại nhiều làng thuộc miền trung Đảo Sardinia rất thấp, trong khi đó tuổi thọ của họ lại rất cao.
Cách đây gần 20 năm, Tiến sĩ Pes đã viếng thăm hầu như tất cả 377 thị xã trên Đảo Sardinia. Qua những chuyến viếng thăm này, nhà khoa học này muốn chứng minh rằng có một số vùng trên đảo có rất nhiều người đã có một tuổi thọ đặc biệt. Mỗi khi tìm thấy một thị xã nào đạt được một số tiêu chuẩn và có đông người sống thọ, Tiến sĩ Pes đánh một dấu xanh. Những dấu xanh như thế đã được ông gọi là Vùng Xanh (Blue Zone) của Đảo Sardinia.
Những dấu xanh như thế không chỉ dành riêng cho bản đồ của Đảo Sardinia. Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy một số những vùng xanh như thế tại một số nơi khác trên thế giới như Đảo Okinawa ở Nhật Bản, Đảo Nicoya ở mạn Tây Bắc Costa Rica và Đảo Ikaria của Hy Lạp. Đây là những vùng có rất nhiều người có tuổi thọ cao.
So sánh các đảo này với nhau, các nhà khoa học nhận thấy có một số điểm chung. Trước hết, vì địa lý hay vì một số lý do khác, hầu hết dân số của những đảo trên đây đều sống biệt lập trong một thời gian dài. Do tách biệt với đất liền cho nên đã có những cuộc hôn phối giữa những người bà con xa. Theo  các nhà khoa học, có thể đây là một trong những yếu tố giúp cho một số “gen” sống thọ được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng do bị biệt lập cho nên những vùng xanh này chậm phát triển về kinh tế và xã hội, do đó cũng tương đối nghèo hơn so với những vùng khác và cũng tiếp cận với chủ nghĩa tư bản trễ hơn. Tuy nhiên, mặc dù nghèo và do đó không có nhiều lương  thực, nhưng những vùng xanh như thế lại có cách dinh dưỡng lành mạnh hơn. Ngoài ra, một mẫu số chung khác của những vùng xanh này là người dân có cuộc sống đòi hỏi nhiều vận động thể lý hơn, đồng thời thiên về lối sống tập thể hơn là cá nhân chủ nghĩa. Có lẽ đây là lý do khiến cho người dân trong các vùng xanh ít bị căng thẳng hơn. Cuối cùng, điểm nổi bật của những vùng xanh chính là mối quan hệ xã hội khắng khít của người dân. Đây là yếu tố cho phép người già của những vùng này vẫn còn cảm thấy mình là một phần quan trọng của xã hội.
Nhưng điều độc đáo của riêng Đảo Sardinia chính là số đàn ông sống thọ tại đây cao hơn mức trung bình rất nhiều so với nhiều vùng khác trên thế giới. Theo Tiến sĩ Pes, tại phần lớn các nước Tây Phương, trong 4 người sống đến 100 tuổi, chỉ có một người thuộc nam giới. Trong khi đó, tại Sardinia, số đàn ông và đàn bà sống đến 100 tuổi lại ngang ngửa nhau!
Để tìm hiểu hiện tượng này, thoạt tiên Tiến sĩ Pes đã phân tách hệ di truyền của người dân Đảo Sardinia. Nhà khoa học này cho rằng vì sống tách biệt với đất liền cho nên người dân đảo này thừa hưởng được hệ di truyền đặc biệt giúp họ sống thọ. Tuy nhiên, thật ra theo Tiến sĩ Pes, hệ di truyền chỉ đóng góp được từ 20 đến 25 phần trăm vào tuổi thọ của con người. Ông đã phỏng vấn các cụ già trên đảo cũng như nghiên cứu các dữ kiện lịch sử của  đảo. Kết quả cho thấy rằng các yếu tố tâm lý và xã hội mới thực sự là chia khóa của tuổi thọ của người dân Sardinia.
Luigi Corda, tác giả của tập sách “100 x 100: Thế kỷ 20 xuyên qua chân dung của 100 cụ 100 tuổi tại Sardinia”, đã bỏ ra 2 năm để chụp hình và phỏng vấn các cụ 100 tuổi tại nhiều vùng trên đảo. Trong tập sách, ông Corda khẳng định  rằng “gia đình đóng một vai trò quan trọng đối với tuổi thọ”. Theo ông, ngoài những yếu tố như di truyền, cách dinh dưỡng và niềm tin tôn giáo, các cụ già luôn tỏ ra tích cực và ham sống khi cảm thấy được gia đình chăm nom săn sóc và cảm thấy mình vẫn còn là cột trụ của gia đình.
Tác giả Corda cũng ghi nhận rằng tất cả những cụ già 100 tuổi mà ông đã gặp gỡ đều khỏe mạnh: họ vẫn còn tỏ ra rất sáng suốt và không dùng bất cứ loại thuốc nào; các cụ cũng đọc sách báo mà không cần kiếng lão và vẫn tiếp tục làm việc như mọi người.
Theo bà Maria Chiara Fastame, một chuyên gia tâm lý thuộc trường Đại học Cagliaria ở miền nam Sardinia, khác với nhiều nơi  ở Bắc Ý, các cụ già tại Sardinia không phải bị đưa vào các viện dưỡng lão. Thân nhân và láng giềng chăm sóc các cụ, biến mỗi ngôi nhà thành một nơi gặp gỡ giữa người già và người trẻ. Các thế hệ già không bị xem như một gánh nặng, mà trái lại như những người chuyển tải những giá trị và sự hiểu biết. Giáo sư Fastame khẳng định: “Họ (người già) là một kho tàng của cộng đồng”.
Claudio Cabiddu, một thanh niên sinh ra tại Sardinia và hiện đang là sinh viên theo học về tâm lý của người 100 tuổi tại Đại học Cagliaria chia sẻ: “Nơi tôi lớn lên, tôi đã được các cụ già đã từng làm việc và nuôi súc vật bao bọc. Nếu chúng tôi không thể học được từ các cụ và truyền lại kiến thức cho con cái chúng tôi, chúng tôi sẽ bị mất mát rất nhiều”.
Trong làng của Cabiddu, người già được đón nhận về nhà và được gia đình chăm sóc. Người sinh viên này giải thích rằng khi có người già trong gia đình, mọi người sẽ tiếp tay với nhau để giúp cho họ không cảm thấy cô đơn.
Ngoài tình gia đình, người già cũng liên kết với cộng đồng xuyên qua các sinh hoạt xã hội như lễ hội, thi đấu thể thao, đánh cờ v.v
Nhờ được tham gia vào các sinh hoạt xã hội trong làng, người già cũng có được một vai trò tích cực trong cộng đồng. Nhờ hoạt động, đầu óc của người già luôn tỏ ra minh mẫn.
Theo Giáo sư Fastame, “nhìn dưới khía cạnh tâm lý, môi trường xã hội là một yếu tố nền tảng giúp cho người già được sống khỏe mạnh về thể lý lẫn tinh thần”
Sarah Harper, một giáo sư chuyên về tuổi già tại đại học Oxford, Anh Quốc, cũng nhìn nhận rằng môi trường xã hội là một yếu tố quan trọng giúp sống thọ. Theo bà, môi trường xã hội cũng quan trọng không kém  nếp sống lành mạnh, cách dinh dưỡng tốt trong việc sống thọ.
Paul Hitchcott, một giáo sư tâm lý học cũng thuộc trường Đại học Cagliari ghi nhận rằng rất hiếm thấy những triệu chứng về trầm cảm nơi những người già tại miền trung Đảo Sardinia. Người ta ít thấy nơi họ dấu hiệu của những chứng bệnh mà người già tại những nơi khác thường trải qua trong những năm cuối đời.
Theo Tiến sĩ Pes, mặc dù là một vùng có thu nhập thấp, nhưng Sardinia lại là một nơi ít có những chứng bệnh truyền nhiễm.
Cụ bà Maria Tegas là một trong những cụ bà 100 tuổi của làng Tiana. Mồ côi năm chỉ mới được một tuổi, cụ bà lúc nào cũng nhớ lại thế nào là đói. Khi lập gia đình, bà đã phải đi bộ mỗi ngày 24 cây số trên một con giốc đầy sỏi đá để mang thức ăn về cho 6 đứa con nhỏ. Với giọng nói nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng, bà Tegas nói: “Chúng tôi đã sống như chim trên trời”. Ý bà muốn nói đến cuộc sống thiếu thốn qua ngày. Phải đợi đến năm 50 tuổi, khi nhận được chút trợ cấp xã hội, cuộc sống của bà mới dễ thở hơn.
Tuổi thọ của bà Tegas cũng như ông Todde và hằng trăm cụ ông cụ bà 100 tuổi trên Đảo Sardinia quả là một ẩn số y khoa kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu đánh dấu xanh vào một số thị xã trên đảo này: tại sao người dân tại những điểm xanh trên đảo có tuổi thọ cao hơn những nơi khác trên đảo? Trung bình, cứ 100.000 dân trên toàn Đảo Sardinia mới có khoảng 24 người sống đến 100 tuổi, trong khi đó tại những điểm xanh trên đảo, tỷ số này là 3 trên 5, nghĩa là cứ 5 người thì đã có đến 3 người sống đến 100 tuổi.
Có nhiều lý thuyết được các nhà khoa học đưa ra để giải thích về tuổi thọ đặc biệt tại một số vùng xanh của Đảo Sardinia. Nhưng  qua cuộc sống hàng ngày của họ, người ta có thể học được một số nguyên tắc cụ thể. Trước hết, người dân Sardinia tin rằng không gì quan trọng cho bằng gia đình và tình bằng hữu. Họ luôn trân quý và nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh này. Kế đó, cười là một bí quyết để sống thọ của người Sardinia. Người Sardinia nổi tiếng về óc khôi hài của họ. Tiếng cười giảm bớt sự căng thẳng và ngay cả hạ giảm nguy cơ về các bệnh tim mạch.
Nhưng được người dân Sardinia đánh giá cao hơn cả vẫn là sự tôn trọng đối với người già. Họ tin rằng thế hệ người già đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại tình thương, sự hướng dẫn và lẽ khôn ngoan. Đây là bằng chứng cho thấy rằng cảm thấy được yêu thương và trân trọng sẽ giúp cho con người sống thọ hơn hay ít nhất mang lại cho con người cảm hứng và động lực để sống lâu hơn.
Nhìn vào cuộc sống hàng ngày của người Sardinia, một cảnh tượng sẽ  tức khắc đập vào mắt của du khách: họ đi bộ rất nhiều! Đảo Sardinia, nhất là miền Trung, là một vùng đất sỏi đá, nắng cháy khiến cho việc canh tác ở một quy mô lớn rất khó khăn. Tuy nhiên, đây là một vùng lý tưởng cho việc chăn nuôi và đi bộ mỗi ngày không dưới 10 cây số là chuyện thường ngày đối với những người chăn nuôi súc vật. Ngày nay ai cũng biết rằng đi bộ là phương cách tốt nhất giúp điều hòa tim mạch và làm cho giãn gân giãn cốt.
Cuối cùng, cách dinh dưỡng của người Sardinia thật đơn giản: thức ăn chính của họ là bánh mì “nguyên hạt” (whole grain), rau quả hoa trái trong vườn và đậu. Riêng những người mục tử thì lại dùng loại phó mát “pecorino” được làm bằng sữa dê. Người Sardinia chỉ ăn thịt vào ngày chủ nhật hoặc những dịp đặc biệt mà thôi.

(nguồn:
-https://edition.cnn.com/2018/02/06/health/sardinia-centenarian-village-tiana/index.html

-https://www.theguardian.com/world/2016/aug/12/ethical-questions-raised-in-search-for-sardinian-centenarians-secrets)

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Nhà tôi có nuôi một con chó!






Chu Thập 
Xuân 2018

Tôi sinh năm Bính Tuất 1946. Trong gia đình chỉ có cha tôi và tôi cầm tinh con chó. Tôi thừa hưởng một số tính tốt và vô số tật xấu của cha tôi. Còn chuyện vì “tuổi con chó” mà rước vào người những  đặc tính của chó thì tôi chẳng tin chút nào. Có lẽ một phần vì quan hệ giữa tôi và chó không được tốt đẹp lắm.
Tôi đã sống với chó ngay từ thuở nhỏ. Ở nhà quê có nhà nào mà không nuôi chó. Nhà giàu thì nuôi chó “bẹt rê” (berger). Nhà tôi nghèo chỉ nuôi toàn chó cỏ và nuôi chó không phải để “cưng” mà chỉ để chó lo việc nhà. Sành điệu hơn, có nhà nuôi giống chó có “đeo” (móng thừa) ở chân. Đây là giống chó có biệt tài săn chuột.
Nhà tôi chỉ nuôi chó để lo việc nhà. Việc nhà đầu tiên được giao cho chó dĩ nhiên là giữ nhà. Nhà trống trước hở sau phải có chó để canh nhà là chuyện đương nhiên thôi. Kể từ thập niên 1960, khi mấy ông Việt Cộng đêm đêm mò về làng để kiếm ăn, bắt người dẫn lên núi hoặc khủng bố, chó luôn là hệ thống báo động chính xác nhứt.  Việc thứ hai mà giống chó cỏ ở nhà quê tôi lúc nào cũng tỏ ra đắc lực để làm là vệ sinh. Mấy bà chị của tôi, dù đã có chồng, vẫn tiếp tục sống với cha mẹ và hầu như ông chồng nào của các bà chị  của tôi cũng đều phải ở rể một thời gian. Trong nhà lúc nào cũng có con nít. Con nít nhà quê như mấy đứa cháu nhỏ của tôi được chó tận tình chăm sóc. Bất cứ lúc nào, nhứt là buổi sáng, khi mấy bà chị tôi ẵm con ra sân “xi xi” là mấy chú chó bu lại để làm công tác vệ sinh.
Đâu chỉ có canh nhà và làm công tác vệ sinh, chó cỏ còn phải làm một hành động cao cả là “hy sinh mạng sống” để mang lại chút thịt thà cho bữa ăn vốn thường thiếu chất đạm ở nhà quê hoặc giúp cho lễ lạc được thêm phần long trọng. Không biết có phải do một thứ mặc cảm nào đó không, ở quê tôi người ta không ăn thịt chó khi còn mùi thịt chó. Người ta phải tìm cách khử cho hết mùi của nó. Tôi vẫn nhớ mãi cái món “chó đùm”: thịt chó được bằm cho nát, trộn với bún tàu, đậu xanh, đậu phọng và nấm mèo rồi gói trong lá chuối và chưng cách thủy.  Mấy ông tây bà đầm có bị lừa để thưởng thức món “chó đùm” này cũng không thể nào ngửi ra tông tích của chó! Nhưng dù có báng mùi cỡ nào, một khi đã đi vào máu thịt của con người thì nó vẫn ám vào người suốt đời. Tôi tin như thế bởi vì bất cứ ai đã từng nhúng tay vào máu chó hoặc đã ăn thịt chó thì ra đường gặp chó thế nào cũng bị nó sủa. Chó quả đánh hơi rất giỏi. Tôi không ngạc nhiên tại sao người ta dùng chó để ngửi ma túy hoặc ngay cả bệnh ung thư.
Năm 1954, với làn sóng người Bắc di cư vào Nam, chó lại càng sủa bạo hơn. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh mấy ông Bắc Kỳ di cư, mặc quần áo màu chàm, tay cầm một sợi giây thòng lọng, cỡi chiếc xe đạp phía sau có gắn một chiếc cũi. Mấy ông rảo qua các làng quê để truy lùng đám chó cỏ. Quê tôi đua nhau nuôi chó để bán. Các quán nhậu với những bảng hiệu nghe rất “Bắc Kỳ” như “Nó đây rồi”, “Sống trên đời”, “Mộc tồn” hay “Nai đồng quê”...cũng mọc lên như nấm. Cùng với người Bắc di cư, chó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt ẩm thực của Miền Nam.
Sau năm 1975, chó lại càng gắn liền với vận mệnh đất nước hơn. Chó được dùng để làm làn ranh phân chia rõ rệt hai thời kỳ trước và sau khi cộng sản xâm chiếm Miền Nam. “Thời chó đẻ” đã nhường chỗ cho “thời chó chết”. Hiểu theo nghĩa bóng hay nghĩa đen đều đúng cả. Cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác, chán cái “thời chó chết”, tôi cũng đã bỏ nước ra đi.
Năm 1982, tưởng đã chôn chặt vào ký ức hình ảnh của chó, sang Pháp tỵ nạn, tôi lại phải “đấu tranh tư tưởng” vì chó. Sở dĩ có cuộc “đấu tranh” như thế là vì ở Paris, thủ đô ánh sáng của “mẫu quốc”, đi đâu tôi cũng thấy chó. Đến Pháp vào giữa mùa thu, mưa lất phất, đường sá ướt nhẹp, tôi lại càng bực tức hơn nữa vì cứ phải đạp cứt chó. Không biết ngày nay thủ đô ngàn năm văn vật của của Pháp có sáng sủa và sạch sẽ hơn không, chớ thời tôi chọn “mẫu quốc” làm quê hương thứ hai, nếu có ai hỏi tôi “Paris có gì lạ không em?”, hình ảnh đầu tiên tôi có về thành phố này vẫn là chó và cứt chó. Hơn 30 năm cuộc đời ở trong nước, tôi xem chó...là chó không hơn không kém, nghĩa là giống thú vật nuôi để giữ nhà, làm công tác vệ sinh và để “thịt”. Đến Paris, trong tôi bỗng nhiên nẩy sinh tâm tình thù hận đối với chó. Tôi ghét chó bởi vì cứ phải đạp cứt chó. Nhưng tôi ghét chó hơn nữa vì nó được cưng chìu và yêu thương còn hơn cả người đồng bào ruột thịt của tôi đang sống dưới “thời chó chết” ở Việt Nam. Trong khi bao nhiêu người Việt Nam không có đủ vải để che thân thì mấy cô cậu chó được mặc quần áo hẳn hoi và nhởn nhơ giữa phố phường Paris. Trong khi ở quê tôi dưới “thời chó chết”, nhiều người vẫn còn đi ngủ với cái bụng trống rỗng thì tại “mẫu quốc”, ngày nào tôi cũng phải nhìn trên màn ảnh truyền hình những màn quảng cáo thực phẩm cho chó. Chó nhà giàu lên ngôi, còn người Việt Nam chúng tôi xuống hàng chó, bảo tôi không bực tức sao được!
Đã vậy, chó ở các nước giàu dường như cũng biết kỳ thị nữa. Tôi nhớ trong một lần chạy bộ, một chú chó “bẹt rê” to tổ chảng của một người chạy đối diện chận đường tôi. Nó không tấn công, mà chỉ gầm gừ không chịu tránh đường. Tôi nói với người chủ rằng tôi có làm gì nó đâu mà nó lại có thái độ thù nghịch như vậy. Người chủ, một anh chàng Úc rặc, tỉnh bơ đùa: “nó kỳ thị đó!”.
Đã gần 40 năm rồi, tôi không còn đụng đến miếng thịt chó và dĩ nhiên, tôi cũng không thể tưởng tượng nổi một ngày nào đó, ngay cả ở Việt Nam, tôi sẽ vào một quán nhậu nào đó để ngửi lại mùi thịt chó. Nhưng có lẽ cái mùi thịt chó đã ăn vào da thịt tôi tự thuở nào cho nên chó tây đã ngửi được và tỏ thái độ kỳ thị.
Có lẽ cũng như nhiều người tỵ nạn Việt Nam khác, tôi đã bị kỳ thị cách này hay cách khác. Nhưng tôi luôn xem kỳ thị như một thách đố trong tiến trình hội nhập vào xã hội Tây phương. Nhập gia tùy tục. Sống ở xứ người, không đánh mất bản sắc của mình, nhưng cũng phải cố gắng thích nghi với văn hóa của họ và bước đầu của thích nghi là phải chấp nhận và tôn trọng văn hóa của người ta. Tôi luôn tự nhủ như thế. Lúc chân ướt chân ráo mới đến xứ người, tôi cảm thấy khó chịu vì một số  thói tục của họ. Ngày đầu tiên đặt chân xuống các trạm Metro (xe lửa ngầm) ở Paris, thấy người ta ôm nhau hôn hít trước mặt mình, tôi thấy kỳ cục quá. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, tôi thấy chẳng có gì phải khó chịu và thắc mắc nữa. Chuyện người ta cưng chó cũng vậy thôi. Thoạt tiên tôi thấy “ngứa gan” trước cái cảnh người ta ôm hôn và nựng con chó. Bây giờ tôi xem đó là chuyện thường tình.
Càng lúc tôi càng hiểu và cảm thông được tình cảm người tây phương dành cho thú cưng, nhứt là chó. Tôi thích xem chương trình “The Supervet” của bác sĩ thú y Noel Fitzpatrick được chiếu trên đài SBS. Tôi vẫn nhớ mãi cảnh một cặp vợ chồng già đưa con chó cưng của mình đến trung tâm giải phẫu của Bác sĩ Fitzpatrick. Hai chân trước của con chó bị cong đến độ không thể cử động được. Bác sĩ Fitzpatrick hỏi ông bà có phải đây là con chó mồ côi (rescue) được ông bà đem về nuôi không. Người vợ gật đầu giải thích: không phải chúng tôi “cứu vớt” nó mà chính nó “cứu vớt” chúng tôi! Sau khi chẩn đoán và chụp hình, viên bác sĩ thú y cho biết cuộc giải phẫu rất tốn kém. Bà nhìn ông cầu cứu và ông trả lời không do dự: bao nhiêu chúng tôi cũng sẵn sàng chịu! Không rõ bao nhiêu, nhưng chắc chắn phí tổn của  cuộc giải phẫu có khi còn cao hơn cả số tiền phải bỏ ra để chữa bệnh cho một người.
Tôi hiểu được tại sao người ta cưng và thương chó như thế. Tôi cũng hiểu được tại sao có khi người ta yêu thương và chăm lo cho chó còn hơn cả con người. Kết quả của một cuộc thăm dò tại Hoa Kỳ khiến tôi phải sửng sốt. Những người được thăm dò ý kiến bị đặt trước một câu hỏi: nếu xảy ra trường hợp  con chó cưng của bạn và một người khác cùng bị xe đụng sắp chết, bạn sẽ cứu ai? Kết quả cuộc thăm dò cho thấy có đến một phần ba những người được hỏi ý kiến đều đặt ưu tiên vào việc cứu con chó cưng của mình (x.https://www.psychologytoday.com/blog/canine-corner/201711/why-people-sometimes-care-more-about-dogs-humans).
Theo các chuyên gia tâm lý, hầu như mọi gia đình Tây phương  có nuôi chó cưng  đều xem nó như một thành phần thân thiết của gia đình. Giáo sư John Archer, thuộc trường Đại học Central Lancashire, Anh quốc, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về mối quan hệ giữa chó và người theo quan điểm tiến hóa. Cuộc nghiên cứu của Giáo sư Archer cho thấy khoảng 40 phần trăm những người nuôi chó cưng xem chó như một phần tử của gia đình.
Chó là loài thú rất nhạy cảm. Nó có khả năng dự đoán điều mà chủ nó sẽ làm, dù là chuẩn bị thức ăn cho nó hay đưa nó đi chơi. Các cuộc thí nghiệm cho thấy chó rất bén nhạy trong việc đọc được ngôn ngữ thân xác của con người. Chó có thể hiểu được ý chủ xuyên qua ánh mắt hay một cử chỉ nhỏ của họ. Không những đọc được cảm xúc của chủ, chó còn biết bày tỏ sự “hối hận” nếu người chủ tỏ ra bực bội, khó chịu.
Sở dĩ giữa chó và người có một mối quan hệ đặc biệt như thế là vì cho là giống thú vật đầu tiên đã được con người thuần hóa từ hơn một trăm ngàn năm qua. Chó là bạn đồng hành trong sinh hoạt săn bắn của chủ. Chó luôn có mặt bên cạnh con người như một hệ thống báo động nhờ đó con người có thể tránh được hiểm nguy. Chó canh chừng trẻ con và cũng là bạn chơi của chúng. Đối lại, con người cung cấp thức ăn cho chó và bảo đảm an toàn cho chúng. Tóm lại, con người đã thuần hóa chó, nhưng chính chó cũng đã thuần hóa con người, nghĩa là cảm hóa con người để biết đối xử “nhân đạo” hơn với chó và với súc vật nói chung.
Đó là kinh nghiệm của chính tôi. Một cách nào đó, tôi đã được chó thuần hóa và cảm hóa.  Lúc còn ở trong nước và ngay cả một năm trước đây, tôi xem  chó như một loài thú chỉ để được sở hữu và nuôi vì một mục đích hoàn toàn vụ lợi. Nhưng cách đây vài tháng, chó đã làm thay đổi cách suy nghĩ của tôi và quan hệ giữa tôi và chó cũng thay đổi. Tất cả diễn ra một cách bất ngờ. Cách đây vài tháng, một người cháu nuôi của tôi mua lại một con chó của một người Đại Hàn. Ông này sợ con chó lẻ loi cho nên tặng thêm cho người cháu của tôi một con khác. Dư một con, người cháu nuôi mới nhường lại cho tôi một con. Lúc đầu tôi lưỡng lự và nghĩ bụng: đã không thích chó thì rước của nợ về nhà để làm gì? Nhưng trời xui đất khiến, tôi muốn thử thời vận một lần xem sao. Kể từ đó, sự hiện diện của chó và tiếng chó sủa làm thay đổi hẳn bộ mặt của ngôi nhà. Bài ca trẻ thơ cách đây hơn 60 năm vọng lại: “nhà em có nuôi một con chó. Trông nó to như con bò. Sáng nó kêu gấu gấu gấu. Trưa nó kêu gâu gâu gâu. Tối nó kêu gầu gầu gầu...”
Cũng may, con Trumpy nhà tôi không phải là loại sủa nhiều và sủa sảng. Nó chỉ sủa khi có đám gà lôi rừng (bush turkey) xâm nhập gia cư bất hợp pháp hoặc có cô cậu mèo hàng xóm nào đó léng phéng trước cửa nhà. Thông thường, nó chỉ ứ ứ bằng thứ ngôn ngữ mà chỉ sau một vài tuần lễ tôi và nhà tôi hiểu được một cách dễ dàng. Nó muốn chơi, nó muốn được ăn, nó muốn được dẫn đi dạo mỗi buổi chiều hay được vuốt ve...lúc nào chúng tôi cũng hiểu được ngôn ngữ của nó. Và dĩ nhiên, nó cũng hiểu được tiếng nói, ánh mắt và cử chỉ của chúng tôi. Nó thuộc thời khóa biểu của chúng tôi chỉ trong vòng vài ngày. Không được vào trong nhà nhưng chỉ cần lắng nghe và nhớ thói quen của chúng tôi, nó có thể biết được chúng tôi đang ở đâu và làm gì. Tựu trung, giữa nó và chúng tôi đã có một sự giao cảm lạ lùng. Tôi hiểu được tại sao người ta thương con chó như vậy: có thể nói chó lắm khi còn nhớ mọi thói quen và sinh hoạt của chủ hơn người ở chung nhà.
Nhưng với riêng tôi, con chó đã dạy tôi nhiều bài học. Chó luôn tỏ ra biết ơn và trung thành. Tuổi con chó như tôi không đương nhiên là người luôn biết ơn và trọng chữ tín. Năm 2018 không là năm “đáo tuế” và nhưng cứ mỗi khi Năm Chó trở lại, tôi luôn được gợi nhớ để học và trau dồi 2 đức tính căn bản trong nhân cách là lòng biết ơn và sự trung tín. Thiếu 2 điều đó, con người khó có thể sống cho ra người tử tế được. Con Trumpy nhà tôi luôn nhắc nhở tôi điều đó.
Bên cạnh 2 đức tính ấy, sự thính tai và thính mũi của con chó nhà tôi cũng gợi lên cho tôi một cách cư xử mà tôi cho là rất quan trọng trong cuộc sống: đó là sự nhạy cảm. Nhạy cảm để không tỏ ra dửng dưng trước nỗi khổ của người khác. Nhạy cảm để biết cảm thông với người khác.
Tựu trung, dù là chó nhưng con Trumpy nhà tôi lại dạy cho tôi nhiều bài học làm người.
Ở mỗi dịp đầu năm, tôi có thói quen làm một số quyết tâm. Thôi thì đầu năm nay, năm con chó, xin được quyết tâm trau dồi lòng biết ơn, chữ tín và sự cảm thông vậy.








Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Xách nhiễu tình dục: trái bom đã nổ tung trong năm 2017!


Tất niên 2017
Dạo tháng Mười năm 2017 vừa qua, tiếp theo những tai tiếng về xách nhiễu tình dục của nhà đạo diễn nổi tiếng Harvey Weinstein, chiến dịch có tên “#MeToo” (Tôi cũng vậy) đã nở rộ trên các trang mạng xã hội, lôi kéo phụ nữ trên khắp thế giới ra khỏi bóng tối và sợ hãi để lên tiếng tố cáo các hành vi xách nhiễu tình dục của những người có quyền lực trên thế giới, từ kỹ nghệ giải trí, thể thao, truyền thông, tài phiệt đến chính trị.
Chiến dịch “#MeToo” do nhà hoạt động xã hội Tarana Burke khai sinh và đưa lên trang mạng xã hội MySpace (Không gian của tôi) vào năm 2006 và được nữ tài tử Alyssa Milano tiếp tay quảng bá. Cùng với những nhân vật nổi tiếng trong nhiều lãnh vực khác nhau, phụ nữ khắp nơi trên thế giới đã mạnh dạn lên tiếng tố cáo những hành vi xách nhiễu tình dục mà họ là nạn nhân.

Thế nào là xách nhiễu tình dục?

Bất cứ người phụ nữ nào ở bất cứ nơi nào, cũng đều có thể rơi vào hoàn cảnh sau đây: đi dạo trên đường phố một mình, trước mặt một nhóm đàn ông đi qua đi lại mà không biết sẽ đi về đâu. Nhiều điều có thể xảy ra khi người phụ nữ đi qua trước mặt họ. Có thể những người đàn ông này sẽ lên tiếng trêu ghẹo bằng câu chào: “Ê, người đẹp!”. Cũng có thể họ sẽ có thái độ táo bạo hơn như chạy lại chận đường với hy vọng sẽ được người phụ nữ đáp trả. Cũng có thể họ sẽ tỏ ra hung hãn hơn bằng cách đưa tay sờ vào thân thể, nhất là những nơi nhạy cảm của người phụ nữ.
Cuộc tấn công có khi không dừng lại ở đó mà có thể  kết thúc bằng những hành vi bạo động hơn như hãm hiếp.
Theo bà Rachel Jewkes, Giám đốc của chương trình “What Works to Prevent Violence Against Women and Girls” (Phải làm gì để ngăn ngừa hành vị bạo động đối với phụ nữ và trẻ em gái), “hãm hiếp là hậu quả tột cùng của xách nhiễu tình dục”. Nhưng theo bà Jewkes, có cả ngàn loại hành vi được xem là xách nhiễu tình dục. Xách nhiễu tình dục đối với nữ giới nói chung là một phần của cuộc sống hàng ngày, nhất là tại những nơi công cộng. Nó được sử dụng trước hết để hạ giảm hay tước đoạt tự do của người phụ nữ. Từ Hollywood, New York, Washington, London đến Mumbai hay Lagos, bất luận xứ sở hay văn hóa nào, những câu chuyện mà phụ nữ khắp nơi trên thế giới đã đáp trả lại chiến dịch “#MeToo” nói lên đều giống nhau. Có đến 35 phần trăm phụ nữ trên toàn thế giới đã từng là nạn nhân của bạo lực hay xách nhiễu tình dục. Dĩ nhiên, mức độ có khác nhau tùy mỗi lục địa và mỗi quốc gia.

Á Châu

Chương trình “What Works to Prevent Violence Against Women and Girls” đặt trụ sở tại Nam Phi, nhưng đặc biệt nghiên cứu về hành vi bạo lực của nam giới tại Á Châu và Thái Bình Dương.
Theo bà Jewkes, giám đốc của chương trình, xách nhiễu tình dục do nam giới chủ động là một hiện tượng đáng lo ngại tại Á Châu, nhất là tại Nam Á. Các nơi công cộng là “lãnh địa” của nam giới. Họ nghĩ mình là chủ nhân của những nơi ấy. Theo bà Jewkes, các chuẩn mực xã hội cho phép đàn ông có lối suy nghĩ như thế và ngay cả quyền được xách nhiễu nữ giới. Người ta viện cớ đường phố và các nơi công cộng không an toàn để giữ phụ nữ và các trẻ em gái trong nhà cũng như để kiểm soát họ.
Năm 2012, một vụ hãm hiếp tập thể một nữ sinh viên trên một chuyến xe buýt tại New Delhi, Ấn Độ, đã khiến cho cả nước này phải quan tâm đến vấn đề. Một cuộc nghiên cứu do tổ chức từ thiện có tên là ActionAid (Hành động và trợ giúp) thực hiện năm 2014 cho thấy có đến 44 phần trăm phụ nữ Ấn Độ được thăm dò cho biết đã từng bị sờ mó nơi công cộng.
Các số liệu của Cơ quan “Bình đẳng Giới tính và Thăng tiến Phụ nữ” của Liên Hiệp Quốc cho thấy cứ 10 người phụ nữ có đến 4 người đã từng là nạn nhân của bạo hành hay lạm dụng tình dục do người bạn tình hay phối ngẫu gây ra.
Các cuộc thăm dò cho biết tại Bangladesh, tỷ lệ phụ nữ bị xách nhiễu tình dục là 57 phần trăm. Tại Cam Bốt, tỷ lệ này là 77 phần trăm. Tại Ấn Độ, số phụ nữ bị xách nhiễu tình dục là 79 phần trăm. Riêng tại Việt Nam, các số liệu cho thấy tỷ lệ này lên đến 87 phần trăm. Tại Việt Nam và Cam Bốt, hơn 40 phần trăm phụ nữ không cảm thấy được an toàn trong những chỗ có đông thanh niên tụ tập. Còn tại những nước như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, tình trạng bất bình đẳng giới tính lại càng rõ rệt hơn. Cách riêng tại Bangladesh, nhiều phụ nữ làm việc trong các công ty may mặc thường không thể tránh được những hành vi xách nhiễu của giới chủ nhân và quản lý. Đây là lý do khiến cho nhiều người chồng không muốn để cho vợ mình đi làm trong các công sở.

Trung Đông và Bắc Phi

Vùng mà chiến dịch “#MeToo” xem ra ít được hưởng ứng hơn cả là thế giới Á Rập. Các chuyên gia cho rằng tính nghiêm trọng của xách nhiễu và lạm dụng trong vùng này cũng chẳng kém hơn so với những nơi khác trên thế giới. Chỉ có điều tiếng nói của các nạn nhân của xách nhiễu tình dục tại đây ít được nghe thấy mà thôi.
Bà Lina Abirafeh, giám đốc của Viện “Institute for Women’s Studies in the Arab World” (Viện Nghiên cứu về Phụ nữ trong thế giới Á Rập) có trụ sở tại Liban nói rằng có quá nhiều lý do đàng sau sự thinh lặng này. Theo bà, người phụ nữ trong vùng sợ đến độ không dám lên tiếng nói. Dĩ nhiên, ở đâu cũng vậy, ngay cả trong thế giới tự do và một nơi được xem là biểu tượng của tự do như trung tâm điện ảnh Hollywood, các nạn nhân của xách nhiễu tình dục thường giữ thinh lặng. Nhưng riêng trong thế giới Á Rập, vì sợ mất việc làm và ngay cả mất gia đình mà hầu hết các nạn nhân của xách nhiễu tình dục không dám lên tiếng. Một số gia đình còn giết cả con gái nếu họ không còn trinh. Bà Abirafeh khẳng định: “Chế độ phụ hệ còn rất mạnh tại đây”. Nhiều người đàn ông xem hành vi xách nhiễu tình dục là chuyện bình thường, nghĩa là chẳng có gì sai trái cả!
Theo bà Abirafeh, trong thế giới Á Rập,  nhóm phụ nữ dễ bị xách nhiều tình dục nhất là di dân và những người giúp việc nhà. Đây là nhóm người không có tiếng nói. Nếu họ có lên tiếng tố cáo thì tòa cũng chẳng muốn xét xử.
Tại Ai Cập, theo một bản phúc trình do Cơ quan “Bình đẳng Giới tính và Thăng tiến Phụ nữ”của Liên Hiệp Quốc phổ biến, có đến 99 phần trăm phụ nữ được thăm dò xuyên qua 7 vùng trên toàn quốc cho biết họ đã từng bị xách nhiễu tình dục.
Theo bà Abirafeh, những lý do phụ nữ tại 22 quốc gia Á Rập bị xách nhiễu tình dục rất khác nhau. Một số quốc gia vẫn còn đeo đuổi tập tục cắt âm hộ phụ nữ. Một số nơi khác phải bị chiến tranh và xung đột triền miên tàn phá . Đó là những hoàn cảnh khiến cho người phụ nữ dễ trở thành nạn nhân của xách nhiễu tình dục hay hãm hiếp.
Nạn tảo hôn cũng rất thịnh hành tại một số quốc gia Á Rập như Somalia và Yemen. Chỉ mới gần đây một số quốc gia như Jordan đã dẹp bỏ một số lỗ hổng trong luật pháp và nhờ vậy những kẻ hãm hiếp không còn được tha bổng để cưới chính nạn nhân của mình. Liban cũng loan báo sẽ theo chân Jordan trong vấn đề này. Nhưng hiện còn 8 quốc gia Á Rập vẫn tiếp tục duy trì các khoản luật tha bổng cho những kẻ hiếp dâm với điều kiện họ phải cưới nạn nhân của họ.

Tây Phi Châu  và Hạ Sahara

Xách nhiễu tình dục là chuyện rất phổ biến tại Phi Châu. Tại lục địa này, có hàng triệu triệu phụ nữ bị xách nhiễu tình dục. Nhưng riêng tại Tây  Phi và Hạ Sahara, tỷ lệ phụ nữ bị xách nhiễu tình dục còn cao hơn. Theo một bản phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có trên 50 phần trăm phụ nữ tại Tanzania cho biết họ đã từng bị chồng hay bạn tình xách nhiễu tình dục. Riêng tại Ethiopia, tỷ lệ này lên đến 71 phần trăm.
Tại Nigeria, tỷ lệ trẻ em bị tảo hôn lên đến trên 43 phần trăm và cứ 10 trẻ em thì có đến 6 em dưới 18 tuổi bị lạm dụng tình dục. Tại Nam Phi, chỉ trong năm vừa qua, cứ 4 phụ nữ thì 3 người đã chịu một hình thức lạm dụng nào đó. Riêng tại Zimbabwe, nơi đã từng bị Tổng thống Robert Mugabe cai trị với bàn tay sắt trong 37 năm qua, tình trạng nghèo đói cùng cực đã xô đẩy vô số thiếu nữ vào nghề mãi dâm hoặc chấp nhận một cuộc hôn nhân ngoài ý muốn để mang chút đỉnh tiền còm về cho gia đình. Trong tình trạng này, trẻ em mồ côi được đại gia đình chăm sóc cũng dễ làm mồi cho cho những người đàn ông thất nghiệp ru rú suốt ngày trong nhà. Ngoài ra, đối với một đứa trẻ gái hay một thiếu nữ, lên tiếng tố cáo hành vi xách nhiễu tình dục cũng là một điều nguy hiểm: nếu đang sống với người thân, nạn nhân có thể bị tống ra khỏi nhà; nếu nguyên cáo là cần câu cơm bị giam tù, gia đình sẽ gặp khốn đốn về tài chính. Nếu đứa trẻ bị xách nhiễu và lên tiếng tố cáo, nó thường bị đánh đập và bị ngược đãi. Nếu có mang, nó thường bị cưỡng bách phải phá thai, thường là trong những điều kiện khủng khiếp.
Thành ra, chiến dịch “#MeToo” đã chẳng tạo ra được âm hưởng nào tại Zimbabwe. Một phần vì phần lớn phụ nữ tại đây không nghe nói đến chiến dịch và nếu có biết đi nữa, nhiều người cũng không dám tham gia vì những hậu quả mà họ không thể lường trước được.

Bắc Mỹ

Tại các nước Tây Phương, kể từ khi nổ ra những vụ tai tiếng về xách nhiễu tình dục của những người có thế lực trong xã hội, xã hội ngày càng ý thức hơn về thực trạng này. Theo ông Ted Bunch, đồng sáng lập viên của tổ chức “A Call to Men” (một lời kêu gọi gởi đến đàn ông), chuyện xách nhiễu tình dục không chỉ xảy ra trong thủ đô điện ảnh Hollywood. Xem phụ nữ như một sự vật để chiếm hữu và ít có giá trị hơn đàn ông là điều mà tất cả mọi người đàn ông đều đã được nhồi nhét vào đầu, ngay cả những thành phần có học thức.
Theo một cuộc nghiên cứu do tổ chức phi vụ lợi “Stop Street Harassment” (Hãy chấm dứt việc xách nhiễu trên đường phố) thực hiện, có đến 65 phần trăm phụ nữ Mỹ đã phải chịu một hình thức xách nhiễu nào đó, 23 phần trăm bị xách nhiễu tình dục và 37 phần trăm không cảm thấy an toàn khi ra khỏi nhà vào lúc ban đêm.
Dĩ nhiên, nếu so với những vùng khác trên thế giới, xách nhiễu tình dục và hãm hiếp ít xảy ra hơn. Xách nhiễu thường chỉ xảy ra trong những lần hẹn hò hoặc trong quan hệ vợ chồng. Theo trang mạng “Sex Assault Canada” (Tấn công tình dục tại Gia Nã Đại), 80 phần trăm những vụ tấn công tình dục thường xảy ra trong nhà và chỉ có một hay hai phần trăm những vụ hãm hiếp khi hẹn hò mới được trình báo với cảnh sát mà thôi.

Âu châu

Một cuộc điều tra do Cơ quan Quyền Căn Bản của Liên Âu thực hiện hồi năm 2012 cho thấy, nếu so với Bắc Mỹ, tỷ lệ phụ nữ bị xách nhiễu tình dục tại Âu Châu cao hơn. Riêng tại Vương quốc Anh, có đến 64 phần trăm phụ nữ từng bị xách nhiễu tình dục tại những nơi công cộng. Theo một bản phúc trình của tổ chức “Stop Street Harassment”, 35 phần trăm phụ nữ cho biết họ bị sờ mó ngoài ý muốn của mình.

Châu Mỹ Latinh

Về xách nhiễu và lạm dụng tình dục, Châu Mỹ Latinh hiện cũng đang phải đối phó với cùng một thách đố như Á châu. Nhiều người xem đó như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhiều người, kể cả cảnh sát, sẽ cười cợt về những vụ xách nhiễu và lạm dụng tình dục, khiến cho phụ nữ không thể hoặc không dám lên tiếng tố cáo. Phụ nữ không dám trình báo, người qua lại cũng không muốn can thiệp.
Các cuộc nghiên cứu do tổ chức ActionAid tại Ba Tây cho thấy 86 phần trăm phụ nữ được thăm dò nói rằng họ đã từng bị xách nhiễu hoặc bạo hành ở nơi công cộng. Điều đáng quan ngại hơn, tác giả của nhiều vụ xách nhiễu lại chính là cảnh sát.
Tỷ lệ phụ nữ bị xách nhiễu tại Mễ Tây Cơ còn cao hơn Ba Tây. Tại đây, cứ 10 phụ nữ, có đến 8 hay 9 người bị xách nhiễu. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tệ nạn này: hạ tầng cơ sở yếu kém, các phương tiện di chuyển đông nghẹt người, đàn bà lại phải đi làm đêm hoặc vào những giờ giấc bất thường. Ngoài ra, văn hóa Mễ Tây Cơ vẫn còn trọng nam khinh nữ. Hệ thống pháp lý lỏng lẻo, người dân lại ít được gây ý thức về tệ nạn xách nhiễu. Đó là những yếu tố khiến cho tỷ lệ phụ nữ bị xách nhiễu tại Mễ Tây Cơ cao hơn nhiều nơi khác. Tại thủ đô Mễ Tây Cơ, 96 phần trăm phụ nữ được thăm dò cho biết họ bị xách nhiễu tình dục ở nơi công cộng và 58 phần trăm nói rằng họ đã từng bị sờ mó.

Úc Đại Lợi và Thái Bình Dương

Mặc dù có những khác biệt về văn hóa và trình độ phát triển, Úc Đại Lợi, Fiji và Papua New Guinea đều có tỷ lệ xách nhiễu tình dục cao.
Theo các số liệu, bị xách nhiễu trên đường phố là một vấn đề lớn đối với Úc Đại Lợi: 87 phụ nữ được Viện Úc Đại Lợi thăm dò nói rằng trên đường phố hay tại những nơi công cộng họ đã từng bị xách nhiễu, bạo hành trên thân xác hay bằng lời nói. 40 phần trăm không cảm thấy an toàn khi phải đi bộ một mình trong khu vực sinh sống của họ vào lúc ban đêm.
Tại Papua New Guinea, 77 phần trăm phụ nữ đã trải qua một hình thức bạo hành tình dục trên xe buýt hoặc khi đứng chờ xe buýt. Còn tại Fiji, thông tin về tệ nạn này không được nhiều. Tuy nhiên theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc, có đến 64 phần trăm phụ nữ nước này là nạn nhân của những bạo hành tình dục mà tác giả là người phối ngẫu hay người tình. Hãm hiếp là chuyện thường xảy ra trong những nơi công cộng tại Papua New Guinea. Cũng như tại một số nước kém phát triển khác, tình trạng nghèo đói cùng cực, hệ thống giáo dục tồi tệ là những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn này. Hệ thống an ninh kém cỏi, người phụ nữ lại ít được bảo vệ: bị hãm hiếp khi đi vào rừng một mình là điều rất dễ xảy ra.
Bức tranh toàn cảnh về xách nhiễu tình dục trên khắp thế giới có thể không đầy đủ. Bên kia những yếu tố như tình trạng phát triển, hệ thống an ninh, hạ tầng cơ sở...mẫu số chung của tất cả những vụ xách nhiễu tình dục và hãm hiếp vẫn là quan niệm trọng nam khinh nữ và nhất là quyền lực. Xách nhiễu hay hãm hiếp tựu trưng vẫn là một cách thể hiện quyền lực của đàn ông.
Trong thời kỳ tranh cử tổng thống tại Mỹ hồi năm 2016, một người anh em họ của Tổng thống George W.Bush là ông Billy Bush đã tung ra một đoạn băng  ghi lại cuộc đối thoại giữa ông và ứng cử viên Donald Trump. Trong một đoạn, ông Trump nói rằng cứ gặp bất cứ người đẹp nào là ông xáp tới ngay. Ông nói: “Tôi bắt đầu hôn hít họ. Nó giống như thỏi nam châm vậy. Hôn thôi. Tôi không cần phải chờ đợi”. Và người sẽ làm tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ khẳng định: “Khi bạn là một ngôi sao, họ (tức phụ nữ) để cho bạn làm điều đó. Bạn có thể làm bất cứ điều gì”. Ở một đoạn sau, ông còn nói đến một hành vi tục tĩu hơn nữa như “Grab’em by the pussy” (sờ vào chỗ kín của họ(x.https://www.nytimes.com/2016/10/08/us/donald-trump-tape-transcript.html).
Xét cho cùng, quyền lực của đàn ông, dù trong lãnh vực nào, chính là thứ ma mãnh thúc đẩy những hành vi xách nhiễu tình dục.


(nguồn:http://edition.cnn.com/2017/11/25/health/sexual-harassment-violence-abuse-global-levels/index.html)

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Cách mạng từ bản thân


Chu Thập
Xuân 2018
Suốt mùa đông và hai tháng đầu của mùa xuân vừa qua, Tiểu bang New South Wales, Úc Đại Lợi đã trải qua một cơn hạn hán mà có người cho là cả trăm năm mới có một lần. Trong suốt mấy tháng trời mà không có lấy một giọt mưa quả là chuyện lạ ở Úc Đại Lợi, nhứt là tại Tiểu bang New South Wales.  Nhìn cỏ cây bị nắng đốt cháy vàng khè, lòng tôi cũng héo hon. Những lúc cầm vòi tưới vườn, tôi chỉ còn biết ngước mắt lên trời và mượn ca từ trong bài hợp xướng “Cóc Quân” của cố Nhạc sĩ Hải Linh (1920-1988) để mà than trời: “Ta lên ta hỏi Ông Trời, làm sao nắng mãi nắng hoài mà chẳng mưa. Cỏ cây muôn vật ...thôi đành chết khô. Mà trời thì lơ đễnh để mưa đi đàng nào”. Dĩ nhiên nắng mưa là chuyện của trời. Có trách ông trời thì cũng phải lẽ thôi. Nhưng ngày nay, nhiều bằng chứng do khoa học cung cấp cho thấy nắng mưa đâu còn là chuyện của riêng một mình ông trời nữa. Con người cũng góp phần không ít vào việc làm cho trái đất bị hâm nóng và thời tiết thay đổi bất thường khiến xảy ra nhiều thiên tai như hạn hán, bão lụt, cháy rừng. Bằng chứng khoa học hẳn phải có sức thuyết phục lắm cho nên cả thế giới mới họp nhau lại để nhìn nhận vai trò của con người đối với hiện tượng trái đất bị hâm nóng và tìm cách đối phó với hiện tượng này. Ngày 12 tháng Mười Hai năm 2015, tại một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Paris, Pháp quốc, đại diện của 196 quốc gia đã ký tên vào một Thỏa ước nói lên quyết tâm đối phó với hiện tượng thời tiết thay đổi. Từ ngày 6 đến ngày 17 tháng Mười Một năm 2017, đại diện các nước lại tập trung về thành phố Born, Đức quốc để bày tỏ quyết tâm thực hiện Thỏa ước Paris. Sự kiện đáng chú ý là Hội nghị Thượng đỉnh Born trao quyền chủ tọa cho Fiji, một quốc gia nhỏ bé nghèo nàn trong Thái Bình Dương đang bị mực nước biển dâng cao đe dọa nhận chìm.
Nhưng bằng chứng khoa học về hiện tượng trái đất hâm nóng xem ra chẳng có giá trị gì đối với một số người. Như Tổng thống Mỹ Donald Trump chẳng hạn. Dạo tháng Sáu vừa qua, ông đã chính thức loan báo rằng Hoa Kỳ rút tên ra khỏi Thỏa ước Paris để trở về “thời kỳ đồ ...than đá”. Mặc cho cả thế giới có phản đối đến đâu, Hoa Kỳ vẫn cứ thản nhiên sử dụng tối đa than đá và tha hồ nhả khí thải. Với ông tổng thống thích làm ngược đời này, hiện tượng thời tiết thay đổi và trái đất hâm nóng chỉ là một “cú lừa” (hoax) của Trung Cộng mà thôi. Với ông, con người chẳng có ăn nhập gì với chuyện nắng mưa cả. Mới đây, trong một bản phúc trình hàng năm về những hậu quả của sự thay đổi thời tiết, Ủy ban Khoa học Liên bang Hoa Kỳ về Khí hậu đã khẳng định rằng hoạt động của con người là “nguyên nhân nổi bật” làm cho nhiệt độ của trái đất gia tăng trong lịch sử hiện đại dẫn đến mực nước biển lên cao, cộng với những đợt nóng thường xuyên và bầu khí quyển ngày càng bị ô nhiễm vì khí thải. Nhưng Tổng thống Trump và bộ sậu của ông vẫn nhắm mắt làm ngơ và  cương quyết bảo vệ lập trường của ông.
Bên Úc Đại Lợi của tôi, cựu Thủ tướng Tony Abbott cũng thích chơi nổi  không kém khi công khai tuyên xưng rằng nắng mưa là chuyện của trời, con người chẳng có trò trống gì trong chuyện làm cho thời tiết thay đổi cả. Trong một bài diễn văn đọc tại London, Anh quốc dạo đầu tháng Mười vừa qua, ông đã so sánh những nỗ lực đối phó với hiện tượng trái đất hâm nóng với việc “người tiền sử giết dê để tế các vị thần núi lửa”. Ông khẳng định: cả trăm năm nay có thấy mực nước biển ở Bondi dâng lên chút nào đâu mà bảo trái đất bị hâm nóng khiến mực nước biển lên cao! Giá như ông cựu thủ tướng này chịu khó đi thăm các nước nhỏ trong Thái Bình Dương hay Đảo Maldives trong Ấn Độ Dương thì có lẽ ông phải rùng mình thôi! Các vị nguyên thủ của các nước nhỏ này đã không bắc thang lên hỏi ông trời và cũng chẳng than trời đâu. Họ đang gào thét kêu cầu cả thế giới hãy  nghĩ đến họ, vì đất nước của họ sắp bị nhận chìm xuống đại dương rồi đó!
Không biết có phải do ông Abbott xúi bẫy không mà đương kim Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng muốn đưa cả nước quay về thời kỳ “ đồ...than đá”. Lấy lý do giá điện ngày càng cao ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình Úc, Thủ tướng Turnbull cho gác qua một bên chương trình năng lượng sạch và khuyến khích các công ty sản xuất điện sử dụng tối đa than đá. Theo ông, nhờ điện năng từ than đá, giá điện sẽ hạ và mỗi năm mỗi gia đình Úc tiết kiệm được khoảng 115 Úc kim. Vừa đủ để đổ xăng một tuần hay hút thuốc một tuần!
Có lúc tôi cũng muốn làm “trạng sư của quỷ” để biện hộ cho lập trường của những người phủ nhận hiện tượng thời tiết thay đổi và trách nhiệm của con người trong việc làm cho trái đất bị hâm nóng. Thiên tai như hạn hán, bão lụt, cháy rừng... thì thời nào mà chẳng có, chớ có phải mới bắt đầu từ cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Anh quốc đâu. Thương hải biến vi tang điền là chuyện xưa như trái đất mà!
Tôi không phải là một nhà khoa học để có thể đo lường được lượng khí thải và ảnh hưởng của khí thải đối với hiện tượng trái đất bị hâm nóng và mực nước biển dâng cao cỡ nào. Tôi chỉ biết và cảm nghiệm được mỗi một điều là: khí thải hay cụ thể là khói bốc lên từ đủ loại máy móc của con người thời đại thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi. Chỉ cần về Sài Gòn, xuống đường đi bộ vài tiếng đồng hồ mà không cần mang khẩu trang sẽ  tức khắc thấy được khí thải tác động lên sức khỏe như thế nào rồi! Đó là chưa nói đến bầu trời lúc nào cũng xám xịt, u ám đến nghẹt thở tại Bắc Kinh. Tôi hiểu được tại sao người dân Trung Quốc đổ xô đi mua nhà ở Úc Đại Lợi khiến cho  giá nhà tại những thành phố lớn như Sydney, Melbourne lên vùn vụt. Giàu có nhưng suốt ngày phải hít khói như ở Bắc Kinh và nhiều thành phố khác ở Trung Cộng, dại gì không đi mua nhà ở các nước khác để chuẩn bị hạ cánh an toàn và hít thở không khí trong lành. Tôi nghĩ đó là cách bỏ phiếu bằng chân để xác nhận hiện tượng trái đất bị hâm nóng và ô nhiễm do con người tạo ra. Nếu không đeo khẩu trang thì tốt nhứt là “đào vi thượng sách”: trốn chạy để khỏi phải hít thở không khí đó là xong!
Ở Úc này, ngoại trừ một số người bị bệnh suyễn hay sợ lây cúm cho người khác, ít có ai ra đường phải đeo khẩu trang để chống lại không khí ô nhiễm cả. Nhưng điều đó không có nghĩa là cái đất nước may mắn (lucky country!) này không hề bị ô nhiễm. Khó tin nhưng có thật, mỗi năm ô nhiễm tại Úc Đại Lợi khiến cho nhiều người bị tử vong hơn là ung thư vú, tai biến mạch máu não hay các thứ bệnh về phổi.
Trong năm 2015, đã có gần 10 ngàn người Úc chết yểu vì không khí bị ô nhiễm, vì nguồn nước và đất đai bị nhiễm độc cũng như vì các hóa chất độc hại như asbestos và silicon.
Trên toàn thế giới, cứ 6 người thì có một người chết vì ô nhiễm. Đây là kết quả của một cuộc điều tra do 40 chuyên gia hàng đầu của thế giới về ô nhiễm và sức khỏe thực hiện và được cho phổ biến trên tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet dạo trung tuần tháng Mười vừa qua.
Một trong những chuyên gia của nhóm điều tra là Giáo sư Peter Sly, thuộc trường Đại học Queensland, cảnh cáo rằng ô nhiễm hiện đang là một vấn đề lớn đối với sức khỏe của dân chúng trên toàn thế giới, nhưng lại ít được chú ý tới.
Theo cuộc điều tra, có đến gần 90 phần trăm dân số thế giới sống trong các đô thị phải hít thở một loại không khí mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho là không đủ lành mạnh.
Ngay cả như tại  Úc Đại Lợi này, dù so sánh với các nước đang phát triển như Ấn Độ và nhứt là Trung Cộng vẫn còn may mắn hơn, nhưng khí hậu thay đổi hiện cũng đang làm cho không khí ngày càng bị ô nhiễm.
Theo Giáo sư Sly, “ai cũng biết rằng không khí tại những nơi như Bắc Kinh và Mexico đang bị ô nhiễm, nhưng họ lại không ý thức đủ về những vấn đề sức khỏe trong các thành phố của họ như Brisbane, Sydney và Melbourne”. Dù với một lượng tương đối nhỏ, nhưng không khí bị ô nhiễm tại những thành phố này cũng có ảnh hưởng đến việc phát triển của các thai nhi, dẫn đến vô số những bệnh tật như suyễn, tim mạch và tai biến.
Trong một cuộc nghiên cứu hồi năm 2008, các chuyên gia đã nhận thấy rằng các phụ nữ tại Brisbane sống gần những con đường lớn  đều mang những bào thai nhỏ hơn bình thường. Những giai đoạn đầu trong thời kỳ thai nghén rất quan trọng đối với sự phát triển các cơ phận của thai nhi và những bào thai nhỏ thường có chỉ số thông minh IQ thấp và dễ bị bệnh tim và tiểu đường khi trưởng thành. Theo Giáo sư Sly, sự phát triển não bộ của đứa bé và tính tình của nó tùy thuộc trực tiếp vào mức độ ô nhiễm lúc chúng còn nhỏ, nhứt là khi chúng còn trong lòng mẹ.
Theo các chuyên gia về ô nhiễm và sức khỏe, tại Úc Đại Lợi không khí ô nhiễm làm cho những người bị bệnh tim giảm tuổi thọ 6.8 phần trăm, những người bị tai biến mạch máu não giảm tuổi thọ 4 phần trăm và những người bị bệnh phổi  giảm 5.5 phần trăm. Tổng cộng, trong 17 người chết tại Úc, có một người là nạn nhân của tình trạng  ô nhiễm.
Không khí ô nhiễm là điều dễ cảm nhận được hơn cả  ở các thành phố lớn. Nhưng ở các vùng quê, người dân Úc cũng không tránh khỏi ô nhiễm. Theo Giáo sư Sly, bên ngoài các thành phố lớn, nhiều người Úc sống nhờ nước giếng. Tự nó, nước giếng cũng có thể bị nhiễm độc. Nhưng mức độ ô nhiễm của nguồn nước giếng lại càng bị kỹ nghệ như các nhà máy khai thác khí đốt tự nhiên làm cho tồi tệ hơn.
Không lạ gì tại nhiều nơi, dân chúng Úc luôn đứng lên chống lại việc khai thác than đá, khí đốt tự nhiên và các nhà máy điện chạy bằng than đá. Cái lợi trước mắt không thể bù đắp được những thiệt hại về lâu về dài. Theo ước tính, cái chết và đủ các loại bệnh tật do ô nhiễm tạo ra mỗi năm  ngốn đến 33.9 tỷ Úc kim, tức 2.4 phần trăm tổng sản lượng quốc gia của Úc Đại Lợi (x. http://www.huffingtonpost.com.au/2017/10/20/we-are-literally-polluting-ourselves-to-death-and-its-only-getting-worse).
Tôi được may mắn sống xa các thành phố lớn, tương đối ít bị ô nhiễm. Nhưng trong tình liên đới nhân loại, thời tiết thay đổi và trái đất bị hâm nóng là một cuộc khủng hoảng chung của toàn thế giới. Không riêng các chính phủ hay các vị nguyên thủ quốc gia, mà mọi người đều chia sẻ trách nhiệm trong việc đối đầu với cuộc khủng hoảng này. Mẹ Đất, Mẹ Thiên Nhiên là Mẹ của mọi người. Ai cũng có bổn phận giảm bớt nỗi đau của Mẹ Đất. Trước khi các chính phủ đưa ra các chính sách và biện pháp giảm bớt khí thải, một trong những bước hữu hiệu nhứt mà mỗi một công dân của thế giới có thể làm được, theo tôi, chính là thay đổi cách dinh dưỡng của mình, bởi vì chính thực phẩm con người tạo ra và sử dụng hiện đang tiêu hủy sự cân bằng sinh thái của trái đất.
Có một số sự kiện đáng suy nghĩ. Hoa Kỳ, nơi có một ông tổng thống đang phủ nhận hiện tượng trái đất bị hâm nóng, hiện đang dành khoảng một nửa đất đai của mình cho nông nghiệp. Phần lớn đất đai này lại được dùng để nuôi súc vật như bò, heo, gà hoặc sản xuất nông phẩm chỉ để nuôi súc vật. Một cách cụ thể, Hoa Kỳ sử dụng trên 90 triệu mẫu Anh (mỗi mẫu Anh tương đương với khoảng 4.000 thước vuông) để trồng bắp mà phần lớn được dùng để nuôi súc vật.
Nông nghiệp hướng về chăn nuôi không chỉ là sở trường của Hoa Kỳ. Tại nhiều nơi khác trên thế giới, đất đai cũng được khai thác tối đa để chăn nuôi. Phần lớn rừng Amazone tại Châu Mỹ La Tinh bị phá hủy  là để trồng cỏ và đậu nành mà 80 phần trăm thu hoạch đều được dùng để nuôi súc vật (x. https://www.psychologytoday.com/blog/buddhist-economics/201709/how-your-diet-can-save-you-and-the-planet).
Ngoài lượng khí thải do phân súc vật tạo ra, kỹ nghệ chăn nuôi gắn liền với nông nghiệp cũng sử dụng đủ loại thuốc sát trùng và phân hóa học. Nói chung, kỹ nghệ nông nghiệp làm ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí cho nên cũng gây nguy hại cho sự sống của thú rừng và nhứt là của con người.
Ngoài ra, một vấn đề lớn khác không thể né tránh được trong kỹ nghệ sản xuất và tiêu thụ thực phẩm là có trên 30 phần trăm thực phẩm được sản xuất bị phung phí. Những sản phẩm thường được gọi là “không hoàn hảo”, tức không đúng tiêu chuẩn của các siêu thị hay người tiêu thụ thường bị bỏ đống trên các cánh đồng hoặc bị ném đi trên đường di chuyển đến các siêu thị hoặc kho chứa. Vô số thức ăn tồn kho bị hư hỏng. Phần lớn bị ném vào các hố rác để rồi từ đó bị phân hủy và tạo ra khí thải.
Với 7.6 tỷ con người hiện đang có mặt trên trái đất, nhu cầu thực phẩm ngày càng gia tăng và dĩ nhiên lượng thực phẩm bị phung phí cũng ngày càng nhiều. Riêng tại Úc Đại Lợi này, thức ăn là một trong những thứ bị phí phạm nhứt. Mỗi năm, số thực phẩm bị người dân Úc ném đi trị giá không dưới 8 tỷ Úc kim. Trung bình mỗi năm mỗi gia đình Úc ném vào sọt rác khoảng 950 Úc kim vì số thực phẩm bị phung phí.
Gia đình tôi hiện chỉ có “hai con khỉ già”, vậy mà cái thùng nhỏ chứa thức ăn thừa như cơm thừa canh cặn, xương cá và vỏ trái cây, rau cỏ ...ngày nào cũng đầy. Thay vì ném vào thùng rác, chúng tôi cho vào các “trại nuôi giun” (worm farm) đặt rải rác trong vườn. Giun sẽ ăn các thứ cặn bã ấy và thải “trà phân” (worm tea) ra để bón cho đất đai được mầu mỡ. Sạch nhà mà cũng xanh vườn. Thùng rác cũng nhẹ đi hơn phân nửa và không bị hôi vì thức ăn hư thối. Ít ra tôi thấy biện pháp này hữu hiệu cho nơi cư ngụ của chúng tôi.
Đó chỉ là một kế hoạch nhỏ để gọi là góp phần vào cuộc chiến chống lại ô nhiễm, thời tiết thay đổi, hiện tượng trái đất bị hâm nóng. Nhưng tôi nghĩ: quan trọng hơn cả vẫn là thay đổi cách ăn uống của mình.
Nếu so sánh với đậu nành, thịt bò đỏi hỏi nhiều đất canh tác gấp 20 lần và đồng thời cũng nhả ra lượng khí thải gấp 20 lần so với cùng một lượng chất đạm từ đậu nành. Theo các chuyên gia, nếu mỗi ngày tôi chỉ ăn khoảng 100 gram thịt thôi, thì cách dinh dưỡng này đòi hỏi phải tạo ra khoảng 7.2 ký khí thải. Ăn chay, theo nghĩa chỉ ăn thực vật, sẽ giảm đi lượng khí thải rất nhiều!.
Thịt cũng có nhiều loại thịt. Thịt bò tạo ra khí thải gấp 2 lần thịt heo và gần gấp 4 lần thịt gà. Thịt trừu lại còn tệ hại hơn cả thịt bò. Trong khi đó, trái cây, rau xanh và các loại hạt tạo ra không bằng một phần ba khí thải do gà tạo ra và chỉ bằng một phần 12 so với thịt bò.
Mới đây tôi có xem một cuốn phim tài liệu về Bộ lạc Kogi tại Colombia, do Phóng viên Simon Reeve của Đài BBC thực hiện. Kogi là một bộ lạc sống giữa một khu rừng già thuộc vùng núi  Sierra Nevada de Santa Marta của Colombia. Kể từ 500 năm qua, nghĩa là sau khi người Tây Ban Nha chiếm Colombia, bộ lạc này vẫn tiếp tục sống biệt lập với thế giới bên ngoài và tự nhận có sứ mệnh  bảo tồn thiên nhiên mà họ cho rằng thế giới văn minh đang tiêu hủy. Trái đất hay thiên nhiên đối với họ là một người Mẹ.
Năm 1990, cũng xuyên qua một cuốn phim tài liệu của Đài BBC, người Thổ dân Kogi đã liên lạc với thế giới bên ngoài để cảnh cáo các xã hội kỹ nghệ hóa về nguy cơ hủy hoại của trái đất nếu loài người không chịu thay đổi cách sống của họ.
Trong một cảnh được Đài CNN ghi lại năm 2006, người Kogi đã đi bộ hàng bao nhiêu cây số để phản đối việc tháo nước làm khô cạn các hồ nước để xây dựng một hải cảng lớn. Theo họ, việc xây dựng hải cảng này ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái trong toàn vùng.
Trong cuốn phim tài liệu mới đây của Phóng viên Simon Reeve cũng thế, những người đại diện của bộ lạc này cũng lập lại cùng một sứ điệp: hãy thay đổi cách sống để cứu trái đất!
Khác với những bộ lạc khác vốn chỉ biết săn bắn và hái lượm,  tất cả mọi người dân Kogi đều mặc sắc phục trắng như tín đồ của một giáo phái và nhứt là ăn chay: thức ăn của họ gồm toàn trái cây như chuối, bắp, khoai tây, trái bơ (avocado), đu đủ, đậu, cà chua...và nhiều loại đặc sản khác của Châu Mỹ La Tinh do chính họ tự trồng lấy.
Không biết mình có giây mơ rễ má gì với Bộ lạc Kogi không, tôi thèm cuộc sống của họ. Giấc mơ cuối đời của tôi là được một lần đến những khu rừng già bên Châu Mỹ La Tinh để chiêm ngưỡng cuộc sống đơn giản, lành mạnh và gần gũi với thiên nhiên của các bộ lạc bán khai. Càng lúc tôi càng nhận thấy rằng càng đơn giản hóa cuộc sống, càng gần gũi với thiên nhiên con người càng có được thân tâm an lạc hơn.
Gần đây tôi có cơ duyên được làm quen với một số cặp vợ chồng trẻ người Việt ở Sydney. Thỉnh thoảng tôi cũng được mời đến chia sẻ một bữa ăn trong vòng bạn bè thân quen. Điều khiến tôi phải suy nghĩ là hầu hết các cặp vợ chồng trẻ này đều ăn chay. Nếu không cả hai thì người vợ cũng ăn chay. Vì lý do tôn giáo, vì một ước nguyện nào đó hay vì sức khỏe, có người ăn chay trường, có người ăn chay mỗi tuần vài ngày, có người mỗi năm ăn chay vài tháng. Nhìn chung, tôi thấy những người ăn chay thường có gương mặt đỏ hồng, tươi tắn ít bịnh. Nhưng quan trọng hơn, theo nhận xét của tôi, người nào cũng nói năng từ tốn, biết lắng nghe và luôn tỏ ra ân cần quan tâm đến người khác.
Tôi còn quá nhiều tham sân si. Không biết chừng nào mới ăn chay được. Nhưng tôi tin rằng một trong những giải pháp cho cuộc khủng hoảng về thời tiết thay đổi và đồng thời cũng là một bài thuốc hiệu nghiệm chữa được nhiều thứ bệnh tật trong thể xác cũng như tâm hồn con người là thay đổi cách ăn uống. Ăn uống lành mạnh không những có lợi cho sức khỏe thể lý và tinh thần mà còn là một đóng góp cho việc bảo tồn thiên nhiên, chống lại hiện tượng thời tiết thay đổi.
Đơn giản hóa cách sống, ăn uống lành mạnh, tôn trọng và bảo tồn thiên nhiên, không phung phí thực phẩm và để dành tài nguyên cho thế hệ tương lai...tôi tin rằng mình không quá ngây thơ để nghĩ rằng một chút thay đổi của tôi sẽ làm cho trái đất này bớt bị hâm nóng, mực nước biển sẽ rút xuống ở một số nơi. Bởi vì cách đây hơn 45 năm, cố Nhạc sĩ John Lennon của Ban the Beatles, trong nhạc phẩm Imagine đã mơ mộng:
“Hãy thử tưởng tượng một thế giới đại đồng trong đó bạn không còn cảm thấy tham lam hay đói khát.
Hãy thử tượng tượng một thế giới huynh đệ trong đó mọi người đều cùng chia sẻ mọi sự cho nhau.”
(Imagine no possessions
I wonder if you can
No need for greed or hunger
A brotherhood of man
Imagine all the people sharing all the world, you)
Và vì tin đó là một giấc mơ có thể thực hiện được cho nên cố nhạc sĩ này mới kêu gọi:
“Có thể bạn sẽ bảo rằng tôi là một kẻ mơ mộng
Nhưng tôi không phải là người duy nhứt
Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó
Bạn cũng sẽ liên kết với chúng tôi
Và thế giới này sẽ nên Một”
(You may say I'm a dreamer
But I'm not the only one
I hope some day you'll join us
And the world will be as one
)

Tôi cũng tin và cũng mơ mộng như John Lenon. Bởi vì khi thay đổi cách sống phù hợp với thiên nhiên, tôi tin chắc rằng sẽ có sự thay đổi trong chính bản thân tôi: khi sống hòa hợp với thiên nhiên hơn thì tôi cũng hài hòa với người đồng loại hơn. Và dĩ nhiên, phần thưởng lớn nhứt dành cho tôi chính là thân tâm tôi được an lạc. Xét cho cùng, cuộc cách mạng chân chính nào cũng bắt đầu từ chính bản thân của mỗi người.