Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Những cô gái đánh bom tự sát của Boko Haram



27.05.16

Một buổi sáng nọ, vừa thức giấc, Fatima nghe có tiếng xầm xì của một số phụ nữ đang đi gần đến phía cô. Đứa bé mới được vài tuần tuổi đang ngủ trong vòng tay của cô. Cô chưa kịp phản ứng thì những người phụ nữ đã túm lấy cô và kéo ra ngoài. Cô có la khóc cách mấy cũng vô ích. Cô biết rõ những người phụ nữ này đang muốn gì, bởi vì cô đã từng nhìn thấy tận mắt cảnh những cô gái trẻ như cô đã bị bắt dẫn đi, cho đeo những giây nịt có gắn chất nổ và đưa lên những chiếc xe tải để chở đến các khu ngoại ô của thành phố. Những cô gái này đã không bao giờ được thấy trở lại.
Fatima được coi là một trái bom lý tưởng: vì cô đang có con nhỏ cho nên chẳng ai có thể nghi ngờ rằng cô có thể là một người sẽ đánh bom tự sát.
Khi bị những người phụ nữ lôi kéo đi, Fatima đã la khóc: “Tôi sẽ không làm điều đó”. Nhưng họ cứ lôi cô đi và dọa: “Họ sẽ giết mày”. Fatima lại càng la lớn: “Tôi không sợ. Cứ giết tôi đi. Tôi đã thấy không biết bao nhiêu người đã bị giết rồi”.
Người chỉ huy của trại do dự trước phản ứng của Fatima. Ông đã từng là một người bạn của cha cô và sống ở làng bên cạnh. Ông bảo những người phụ nữ hãy tha cho cô gái, bởi vì cô có thể cho nổ bom ngay trong trại.
Trên đây là câu chuyện được chính Fatima kể lại sau khi đã trốn thoát khỏi bàn tay thô bạo của tổ chức khủng bố Boko Haram. Hiện cô đang sống trong một trại tỵ nạn gần Thành phố Maiduguri, phía Đông Bắc Nigeria.
Câu chuyện của cô gái mà người ta ước đoán chỉ mới 15 tuổi này đã mở ra một cánh cửa để nhìn vào một thế giới vốn vẫn còn đầy bí ẩn đối với thế giới bên ngoài. Thế giới này chỉ nằm cách Thành phố Maiduguri khoảng 60 cây số.
Có lẽ từ trước đến nay, chưa từng có tổ chức khủng bố nào, kể cả Al-Qaeda và “Quốc gia Hồi giáo”, đã sát hại nhiều người vô tội cho bằng Boko Haram. Kể từ năm 2009 đến nay Boko Haram đã cướp đi mạng sống của không dưới 27 ngàn người.
Mới đây, quân đội Chính phủ Nigeria do tân Tổng thống Muhammadu Buhari lãnh đạo, đã chiếm lại được một số lãnh thổ do Boko Haram kiểm soát. Một liên minh quân sự gồm các nước Cameron, Niger, Chad và Benin đã đạt được những thành công đáng kể trong cuộc chiến chống lại Boko Haram. Quân đội Nigeria cho biết một lãnh tụ quan trọng của tổ chức này đã bị bắt giữ và hàng trăm con tin đã được giải thoát. Người đứng đầu của tổ chức dân quân tại Nigeria nói rằng có đến 70 phần trăm thành viên của Boko Haram đã tan rã.
Tuy nhiên, tổ chức Hồi giáo quá khích này vẫn chưa hoàn toàn bị đánh tan. Boko Haram đã xâm nhập sâu vào trong Nigeria cũng như lan dần đến các nước láng giềng. Tổ chức này cũng đã thay đổi chiến thuật. Gặp nhiều thất bại về mặt quân sự, Boko Haram đã tìm được một chiến thuật hữu hiệu hơn để khủng bố: sử dụng các cô gái trẻ để làm bom tự sát!
Làng của Fatima đã bị Boko Haram tấn công. Nhiều người đàn ông, trong đó có người anh lớn của Fatima đã bị bắn chết. Các cô gái như Fatima đã bị chúng bắt đi. Kể từ đó, cô hoàn toàn bị cắt đứt liên lạc với gia đình.
Các chiến binh của Boko Haram đã đưa các thiếu nữ và trẻ con lên xe và đưa vào rừng. Tại đây, Fatima phải ngủ dưới một gốc cây bên cạnh các cô gái khác. Tất cả đều được Boko Haram xem như “nô lệ”. Fatima kể lại rằng tất cả các cô gái đều bị buộc phải uống một thứ nước màu đỏ. Thừa lúc nhiều người không để ý, cô đã nhổ nước ra khỏi miệng. Các cô gái khác không biết gì về thứ nước ấy. Nhưng Fatima đã từng thấy hậu quả của thứ nước ấy đối với một người bạn của cô. Vừa nuốt thứ nước màu đỏ này, cô gái đã sùi bọt mép và ngã xuống đất. Các chiến binh đã đặt một khẩu súng vào tay cô gái, bảo cô phải gắn vào đầu của một người dì của Fatima, bởi vì người đàn bà này đã không chịu lấy một cán binh của họ. Viên đạn từ khẩu súng trên tay cô gái đã đi xuyên qua sọ của người cô của Fatima.
Vì Fatima  cương quyết không chịu xem các cảnh hành quyết như thế cho nên những người phụ nữ của Boko Haram đã trói cô vào một gốc vây và buộc cô phải theo dõi cảnh họ dạy các cô gái khác bắn súng. Cô cũng bị cưỡng bách phải xem cảnh các phụ nữ chuẩn bị đưa các cô gái đi đánh bom.
Cứ mỗi lần thua một trận, Boko Haram lại đưa một cô gái ra làm bom tự sát. Những người là thành viên của tổ chức tự nguyện làm công tác này. Một số khác, nhất là những thiếu nữ bị bắt làm con tin và nô lệ, xem đây như một cơ hội để trốn thoát. Họ sẽ bị lột khỏi người những chiếc áo đen và cho mặc vào những chiếc áo đủ mầu sặc sỡ. Họ gắn vào eo họ một giây nịt có gài chất nổ. Họ được ra lệnh: “Hãy đến những nơi có đông người và bấm nút. Đây là một cuộc “thánh chiến”. Các cô đang làm việc cho Đấng Allah”.
Sau đó họ chở các cô gái đi và viết tên các cô vào sổ vàng. Chiến thuật sử dụng các cô gái để đánh bom tự sát đã chứng tỏ rất thành công. Ở chỗ đông người, chẳng ai có chút ngờ vực nào về những cô gái ăn mặc sặc sỡ.
Tháng 3 năm vừa qua, hai cô gái đã đánh bom tự sát gần Thành phố Maiduguri. Họ đã làm cho trên 20 người thiệt mạng. Vài ngày sau, một cô gái khác đã cho nổ bom ngay trước một đồn lính. Một cô khác bỏ chạy nhưng đã bị bắn chết. Trong năm 2015 vừa qua, đã có ít nhất 89 vụ tấn công như thế. Phần đông những kẻ đánh bom tự sát là phụ nữ.
Trong các cuộc đụng độ trong các làng mạc, nhiều nhóm phụ nữ đã chạy nhào đến các binh sĩ chính phủ và cho nổ bom. Dạo tháng 6 năm ngoái, hai vụ đánh bom tự sát do các thiếu nữ thực hiện đã xảy ra tại một chợ cá ở Maiduguri. Một em bé gái mới 7 tuổi có gắn chất nổ trong người, đã may mắn được cảnh sát cứu thoát.
Tháng 2 vừa qua, tại trại tỵ nạn Dikwa, hai thiếu nữ khác đã sát hại trên 70 người. Một cô khác đã từ chối bấm nút bom khi nhận ra cha mẹ của mình trong đám đông.
Maiduguri, chiếc nôi khai sinh của tổ chức Boko Haram, là một thành phố đầy bụi bặm. Hiện nay quân đội đã cho dựng lên các trạm kiểm soát tại những cửa ngõ dẫn vào thành phố. Các khu dân cư và các trại tỵ nạn đều được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai, trông chẳng khác nào nhà tù.
Trước đây, dân số Maiduguri chỉ có một triệu người. Nay thành phố này đã có gần 3 triệu dân. Nhiều người đã trốn chạy khỏi làng mạc của họ. Nhưng rất ít người chịu sống trong các trại tỵ nạn. Và dĩ nhiên họ cũng không thể trở về quê quán vì Boko Haram vẫn còn hoạt động ở đó.
Không riêng các cô gái mới là điểm nhắm của Boko Haram. Họ cũng tìm cách bắt cóc hoặc chiêu dụ trẻ con. Gbenga là một thiếu niên 12 tuổi. Một buổi sáng thứ bảy trong tháng chay Ramadan, các chiến binh Boko Haram đã về làng, bắt em và một người anh em họ khác mang đi. Họ nói với Gbenga: “Chúng tôi sẽ cho em thấy con đường dẫn đến Đấng Allah”. Và con đường đó chính là sát hại những kẻ mà Boko Haram xem như người “ngoại đạo”.
Vì quá còn nhỏ để trở thành chiến binh, Gbenga và người anh em họ của em được giao công tác để chăm sóc trẻ con. Ngày nọ, khi được sai đi kiếm nước, hai cậu bé đã tìm đường tẩu thoát.
Hiện nay, Gbenga đang sống với người anh của em tại Maiduguri. Gần  nơi Gbenga đang sinh sống là khu đường rầy xe lửa. Các bức tường tại đây lỗ chỗ bom đạn. Gần đó có một đền thờ Hồi giáo. Nhưng nay nơi thờ phượng này đã bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Chính tại đây mà một giáo sĩ Hồi giáo tên là Mohammed Yusuf đã lập ra Boko Haram. Ông lên án tất cả những gì gắn liền với nền văn minh Tây Phương và dẹp bỏ di sản của thực dân Anh tại Nigeria. Ngay cả những người Hồi giáo ôn hòa cũng bị ông xem như những kẻ phản bội Hồi giáo. Ông hứa sẽ mang lại công lý và sức mạnh cho người dân ở miền Bắc Nigeria, vốn đã không bao giờ hưởng được bất cứ lợi lộc nào từ những giếng dầu trù phú của đất nước.
Tại Thành phố Yola, cách Maiduguri 300 cây số về phía Nam, Adisa, một cô gái 15 tuổi xinh đẹp đã kể lại những tháng ngày bị Boko Haram bắt làm nô lệ. Khi các chiến binh Boko Haram tấn công vào làng của Adisa, cô đã bỏ chạy vào một ruộng bắp, nhưng đã không thoát khỏi họ. Cô đã bị dẫn vào một khu rừng. Có lẽ  276 nữ sinh tại Chibok bị Boko Haram bắt cóc cách đây 2 năm cũng đã bị đưa đến khu rừng này.
Ngày nọ, một nhóm chiến binh của Boko Haram xuất hiện trước túp lều nơi Adisa bị giam giữ. Một người trong bọn họ nói rằng anh ta muốn cưới cô làm vợ. Người đàn ông bịt mặt này nói với cô rằng nếu cô không chịu lấy anh ta làm vợ, họ sẽ giết cô. Vài ngày sau, họ bắn súng lên trời để tỏ dấu ăn mừng vì đã ép được cô lấy chồng. Quà cưới dành cho cô là 6 bộ quần áo. Adisa cho biết: chồng cô đã đến ở với cô ba ngày và hãm hiếp cô. Dù cho cô có la hét cỡ nào, chẳng có ai đến cứu giúp cô. Vài tuần lễ sau đó, chồng cô đi vắng. Thế là một chiến binh khác lại đến thế chỗ. Cô lại bị hãm hiếp. Anh ta đọc lớn vài đoạn Kinh Coran và bắt cô phải lập lại. Mỗi lần cô từ chối lập lại những lời kinh này, cô lại bị đánh đập tàn nhẫn.
Adisa nghĩ rằng chồng cô còn rất trẻ. Có thể anh ta cũng chỉ là một trẻ con như cô. Thỉnh thoảng cô nghe các chiến binh Boko Haram nói rằng họ đi theo tổ chức khủng bố này là để chiến đấu chống lại chính phủ tham nhũng, nhất là cảnh sát. Cũng có người đi theo Boko Haram để có tiền túi.
Tại các phi trường ở Nigeria, người ta thấy có dán các biểu ngữ với nội dung ra giá treo đầu các chiến binh Boko Haram. Các chuyên gia cho rằng tổ chức khủng bố này không thể bị đánh bại chỉ bằng quân sự. Thật vậy tổ chức khủng bố này hiện đã đi sâu vào quần chúng và đã xây dựng được một hạ tầng cơ sở vững chắc mà họ có thể sử dụng để chiêu mộ chiến binh. Nghèo đói, thất học và tình trạng bị chính phủ bỏ rơi là những yếu tố đã tạo thành một mảnh đất mầu mỡ để Boko Haram dụng võ.
Fatima và Adisa đã có được may mắn thoát khỏi bàn tay của Boko Haram. Cả hai đều mang theo những giọt máu rơi của các chiến binh của tổ chức này. Vết thương của những tháng ngày bị bắt làm nô lệ tình dục và nỗi lo sợ phải làm bom tự sát để giết hại người khác vẫn tiếp tục ám ảnh những cô gái như các cô.

(Nguồn: http://www.spiegel.de/international/world/the-boko-haram-tactic-of-using-girls-as-suicide-bombers)


Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Dối trá và độc ác


Chu Thập
20.05.16
Tôi cảm thấy vui và hãnh diện được làm một công dân Úc khi ca sĩ gốc Nam Hàn Dami Im đoạt giải nhì trong cuộc thi Eurovision năm nay. Có lẽ Tổng trưởng Di trú Peter Dutton đã không  theo dõi cuộc thi này và cũng chẳng hãnh diện chút nào về vinh dự mà người ca sĩ gốc di dân này mang về cho Úc Đại Lợi cho nên mới đây đã tuyên bố một câu khiến tôi cứ liên tưởng đến thái độ hằn học và ngu si của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump khi nói về người Mễ Tây Cơ. Đây là nguyên văn câu nói của ông Dutton: “Họ (tức những người tỵ nạn) không biết đếm và biết đọc ngay cả trong ngôn ngữ của họ, chứ đừng nói đến Anh Ngữ. Những người này sẽ cướp công ăn việc làm của người Úc. Đó là vấn đề không thể chối cãi được”. Tổng trưởng Di trú giải thích rằng nhiều người tỵ nạn sẽ thất nghiệp, sắp hàng dài để xin trợ cấp thất nghiệp, hưởng trợ cấp y tế...và như vậy tạo ra phí tổn lớn lao cho đất nước.
Nhận định của ông Tổng trưởng Di trú có thể đúng, nhưng chỉ đúng một phần rất nhỏ thôi. Hãy nghe Hội đồng Tỵ nạn Úc (Refugee Council) nói: “Nghiên cứu cho thấy rằng những người tỵ nạn, một khi có cơ hội ổn định cuộc sống, đã có những đóng góp quan trọng cho xã hội Úc về kinh tế, dân sự và xã hội. Người tỵ nạn và di dân nhân đạo tại Úc đã thành công trong mọi lãnh vực, kể cả nghệ thuật, thể thao, truyền thông, khoa học, nghiên cứu, kinh doanh cũng như trong đời sống dân sự và cộng đồng.” (x.The Sydney Morning Herald 18/5/2016).
Không biết có phải do chủ quan và vì tự ái không, tôi cho là thiển cận và “ngu si” khi đang giữa chiến dịch vận động bầu cử, Tổng trưởng Di trú lại đưa ra một lời tuyên bố đầy xúc phạm như thế. Ông đã cố tình chối bỏ bức tranh toàn cảnh về sự đóng góp lớn lao của người di dân và tỵ nạn tại quốc gia vốn có nguồn gốc di dân này. Ông đã không dám nhìn thẳng vào sự thật.
Tôi vui và hãnh diện về vinh dự mà ca sĩ gốc di dân Dami Im đã mang về cho Úc Đại Lợi. Nhưng trong giải Eurovision năm nay, tôi vui hơn nữa khi giải nhứt được trao cho ca sĩ Jamala của Ukraine. Tôi hiểu được tại sao ban giám khảo và cử tọa đã dồn phiếu cho người nữ ca sĩ này khi lắng nghe ca khúc có tựa đề “1944” do chính cô sáng tác và trình bày. Với câu hát mở đầu “Khi những người lạ đến, họ đi vào nhà các bạn, họ giết tất cả các bạn và nói “chúng tôi không có lỗi gì, không có lỗi gì” (When strangers are coming, They come to your house, They kill you all and say We’re not guilty, not guilty), ca sĩ Jamala đã nói lên số phận đau thương của dân tộc Tartar của cô tại đảo Crimea hồi năm 1944. Cho đến cuối Thế kỷ 19, Tartar là sắc dân lớn nhứt sống tại đảo Crimea. Nhưng liền sau khi Crimea được giải phóng khỏi sự cai trị khát máu của Đức Quốc Xã, tháng 5 năm 1944,  đồ tể Stalin đã ra lệnh trục xuất toàn bộ sắc dân Tartar ra khỏi Crimea và lưu đày họ đến vùng Trung Á, đặc biệt là Uzbekistan. Rất nhiều người đã thiệt mạng trong cuộc lưu đày này. Mãi cho đến năm 1967, một số nhỏ người Tartar mới được phép trở về Crimea và năm 1989, Quốc hội Liên Xô mới thông qua nghị quyết lên án hành động dã man vô nhân đạo của Stalin. Nhưng mới đây, do phản ứng của thế giới về việc Nga ngang nhiên đem quân sang xâm chiếm Crimea của Ukraine hồi năm 2014 và nhứt là sự kiện giải nhứt của Eurovision được trao cho một ca sĩ Ukraine vì đã nói lên sự thật về số phận của người Tartar, Nga lại lên tiếng phản đối vì cho rằng ca khúc này  ám chỉ đến hành động xâm lăng Crimea của họ.
Với tôi, chiến thắng lớn nhứt tại giải Eurovision năm nay chính là chiến thắng của sự thật: sự thật về hành động vô nhân đạo của đồ tể cộng sản Stalin đối với sắc dân Tartar hồi năm 1944 và sự thật về việc Nga ngang nhiên đem quân xâm chiếm Crimea của Ukraine. Qua giải Eurovision năm nay, thế giới đã cùng với ca sĩ Jamala nói lên sự thật ấy. Dù cho Nga ngày nay đã vứt bỏ màu cờ sắc áo của Cộng sản, bản chất dối trá và độc ác vẫn còn đó. Càng chối bỏ sự thật bao nhiêu, Nga càng để lộ bộ mặt tàn ác và thô bạo bấy nhiêu đối với người dân trong nước cũng như đối với người ngoài.
Dối trá và độc ác luôn đi đôi với nhau. Tôi luôn nghĩ như thế về mọi chế độ cộng sản, cách riêng Trung Cộng và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nếu ca sĩ Jamala sẽ không bao giờ quên tháng 5 năm 1944, thì cả thế giới và rất nhiều người dân Trung Quốc ngày nay cũng không thể nào quên được tháng 5 năm 1966. Sau khi đã gặp thất bại ê chề trong “Bước nhảy vọt vĩ đại” về kinh tế, tháng 5 năm 1966, tức cách đây đúng 50 năm, Mao Trạch Đông đã phát động chiến dịch được gọi là “Cách mạng Văn hóa”. Người cộng sản ở đâu cũng thế: cứ gặp thất bại là tìm một con dê tế thần để trút bỏ mọi tội ác của mình lên nó. Dê tế thần mà Mao Trạch Đông muốn trút đổ lên trách nhiệm về sự thất bại của “Bước nhảy vọt vĩ đại” chính là giai cấp trung lưu mà ông gọi là “bọn trưởng giả” đã thâm nhập vào chính phủ và xã hội để tái lập chủ nghĩa tư bản. Ông đã cho lập ra Hồng vệ binh gồm toàn thanh niên thiếu nữ để đi truy lùng, bách hại và ngay cả tàn sát giai cấp trung lưu và trưởng giả.  Hàng triệu người, kể cả những thành phần cộng sản cốt cán như Lưu Thiếu Kỳ, như Đặng Tiểu Bình và ngay cả thân phụ của đương kim chủ tịch Tập Cận Bình, đều bị thanh trừng và bách hại dã man. Không thể kể xiết những thiệt hại về nhân mạng, văn hóa và lịch sử do Cuộc Cách mạng Văn hóa  của Mao Trạch Đông gây ra.
Vậy mà cho tới nay, Trung Cộng vẫn giữ thinh lặng về sai lầm và tội ác này của đồ tể Mao Trạch Đông. Khi Cuộc Cách mạng Văn hóa được phát động, bà Luo Zhi vừa tròn 18 tuổi và đang học năm cuối bậc trung học. Bà đã chứng kiến cảnh các nữ học sinh cùng lớp với bà đánh chết vị hiệu trưởng 50 tuổi. Các trường học trở thành những tòa án nhân dân trong đó các thày cô giáo bị mang ra đấu tố.
Nay đã 68 tuổi, bà Luo Zhi đang là thành viên của một nhóm nhỏ muốn đưa ra ánh sáng về những gì đã xảy ra trong Cuộc Cách mạng Văn hóa, bởi vì theo bà, “ngày nay giới trẻ hầu như không biết gì về Cuộc Cách mạng Văn hóa”. Bà nói: “Dân chúng không muốn lắng nghe khi chúng tôi nói về biến cố này. Họ bảo: “cuộc sống hiện nay hài hòa tốt đẹp, tại sao lại đặt vấn đề?”
Sở dĩ dân chúng Trung Quốc ngày nay không biết hay không muốn quan tâm đến sai lầm và tội ác của Mao Trạch Đông là bởi vì chính phủ cộng  sản đã và đang tìm đủ mọi cách để chối bỏ và che đậy tội ác của ông. Trong một tuyên ngôn được đưa ra hồi năm 1981, tức 5 năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chính thức nhìn nhận rằng Cuộc Cách mạng Văn hóa do ông phát động là một đại họa, nhưng lại bào chữa rằng “Mao đúng đến 70 phần trăm và chỉ sai có 30 phần trăm thôi”. Đây là một kiểu nói huề vốn và tuyệt đối chối bỏ sự thật về tội ác của Mao Trạch Đông. Theo Giáo sư David Zweig, một chuyên gia về Hoa học tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hong Kong, những người cộng sản Trung Quốc coi như đã giải quyết vấn đề và họ không muốn nhắc tới nó nữa. Không những thế mới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cuộc Cách mạng Văn hóa, chính phủ vẫn cho tổ chức những buổi ca nhạc tại Đại Sảnh đường Nhân dân để đề cao chiến dịch này (xem http://www.abc.net.au/news/2016-05-16/china-silent-on-50th-anniversary-mao-zedong-cultural-revolution)
Đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình, mặc dù cha mình đã từng là nạn nhân của Cuộc Cách mạng Văn hóa, vẫn không muốn nhìn nhận tội ác của Mao Trạch Đông. Không những thế, với ông đồ tể Mao Trạch Đông vẫn mãi mãi là một chỗ dựa chắc chắn cho tính chính danh của  chế độ độc tài và nhứt là cho tham vọng bá chủ thế giới của ông. “Bác Tập ta đó chính là Bác Mao”! Tin hay không, nhưng có lẽ Mao Trạch Đông đã đầu thai thành Tập Cận Bình: cũng dối trá, cũng che đậy tội ác, cũng chối bỏ sự thật, cũng tham vọng bá quyền và nhứt là cũng tàn bạo độc ác như nhau!
Thật ra, dối trá và độc ác là cặp bài trùng. Có độc ác mới tìm cách dối trá và chối bỏ sự thật. Kể từ khi Hồ Chí Minh được nhận diện “Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao” thì thói dối trá và sự độc ác của người cộng sản cũng trở thành DNA trong máu của người cộng sản Việt Nam. Cứ nhìn vào những sự kiện xảy ra liên quan đến hiện tượng cá chết tại các tỉnh Miền Trung Việt Nam cũng đủ để thấy rõ sự dối trá và độc ác của người cộng sản Việt Nam hiện nay. Một mặt họ ra lệnh đàn áp dã man người dân trong các cuộc biểu tình ôn hòa. Một mặt họ che đậy sự thật và chối bỏ trách nhiệm bằng cách biểu diễn tắm biển và ăn hải sản.
Đó là chuyện đang xảy ra trước mắt. Nhìn lại phía trước, cũng y chang như người cộng sản Trung Quốc, người cộng sản Việt Nam đã không bao giờ nhìn nhận bất cứ một tội ác nào trong quá khứ, từ Cải cách Ruộng đất đến Tết Mậu Thân, từ cuộc chiến huynh đệ tương tàn cho quan thày Liên Xô và Trung Cộng đến cuộc “giải phóng” chỉ mang lại bất công, nghèo đói, khốn khổ, lạc hậu và tình trạng vô đạo của xã hội hiện nay...Tất cả mọi tội ác đều được trút lên đầu con dê tế thần là các thế lực thù địch. Bao lâu những người cộng sản Việt Nam không có đủ  lương thiện và can đảm để gọi là “thanh tẩy ký ức”, tức sám hối về những sai lầm và tội ác trong quá khứ, như Giáo hội Công giáo đã từng làm hồi năm 2000, thì mãi mãi họ vẫn tiếp tục là đồ tể đối với chính người đồng bào ruột thịt của mình. Bao lâu sự thật vẫn tiếp tục bị chối bỏ và chà đạp thì bấy lâu họ vẫn còn bị giam hãm trong hận thù và độc ác. Như Chúa Giêsu đã dạy:  chỉ có sự thật mới mang lại sự giải phóng đích thực cho con người mà thôi (x. Tin Mừng theo Gioan 8:32)
Ngẫm nghĩ cho cùng, tôi nhận thấy đó là định luật của cuộc sống. Đạo đức là chiều kích bao trùm lấy toàn bộ cuộc sống con người. Đó là giá trị và đòi hỏi mà con người không thể tránh né. Mà nền tảng của đạo đức chính là sự thật. Chối bỏ sự thật cũng chính là chối bỏ chính mình. Và một khi đã chối bỏ chính mình thì con người cũng chối bỏ người khác. Độc ác luôn dẫn đến dối trá và ngược lại.
Với tôi người lương thiện và đạo đức đích thực trước tiên là người luôn ý thức về sự thật của bản thân, sự thật về những giới hạn, lầm lỡ, sai phạm và yếu đuối của mình. Nhờ vậy họ mới có thể đối xử với người khác bằng sự tôn trọng, cảm thông và nhứt là tha thứ.









Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

“Một nơi an toàn và nhân ái hơn”



Chu Thập
27.6.12
 



Mỗi lần mở máy vi tính tôi thường ngẫm nghĩ: thời buổi thông tin toàn cầu này sướng thiệt! Thông tin và kiến thức thì hàng hà sa số. Muốn biết điều gì và ngay cả muốn làm điều gì, cứ nhấp con chuột, hỏi thăm ông Google là ra ngay. Tôi nghĩ:  về kiến thức và khả năng truy cứu, một nhà bác học cách đây nửa thế kỷ có lẽ cũng phải chào thua một em học sinh tiểu học ngày nay. Thông tin và kiến thức thì như thế, nhưng nếu xét về “bài học làm người” thì dường như con người thời đại chưa chắc đã hơn con người ngày xưa, ngay cả chưa chắc hơn con người còn sống trong những bộ lạc bán khai mà ánh sáng văn minh chưa rọi tới.
Tôi thường suy nghĩ về một nghịch lý: về kiến thức, tôi học được trên ghế nhà trường, tôi tìm tòi trong sách sở, tôi tra cứu trên Internet, nhưng về “học làm người” tôi lại học được nhiều điều trong thiên nhiên. Thiên nhiên quả là một cuốn bách khoa “học làm người” toàn hảo nhứt đối với tôi. Tôi không có được cái rủi ro hay may mắn như nhân vật Mowgli trong “Cuốn sách rừng xanh” (Jungle Book) của văn hào Anh được giải Nobel văn chương Rudyard Kipling (1865-1936), để được thú rừng nuôi dưỡng và nhờ đó hiểu được tiếng nói của thú vật. Nhưng lâm viên quốc gia bên cạnh nhà và nhứt là cái “trại chăn nuôi” nhỏ bé của tôi cũng đủ là một cuốn sách để tôi học được rất nhiều điều. Thú vật quả có nhiều điều để “dạy” cho con người.
Một ông bạn vừa chuyển đến cho tôi một câu chuyện mà ông nói là có thực một trăm phần trăm đã xảy ra tại Nhựt Bản. Có một người muốn sửa nhà cho nên đã dỡ tường ra; tường nhà theo kiến trúc của người Nhựt thường để một tấm gỗ ở giữa, hai bên trát xi măng, nhưng thực chất bên trong thì để rỗng. Khi cho dỡ tường ra, người chủ nhà mới ngạc nhiên vô cùng khi thấy có một con thằn lằn đang ngủ trong đó. Quan sát thật kỹ, ông mới khám phá ra một điều lạ lùng: con vật đáng thương đã bị đóng đinh vào trong tường cách đây đã 10 năm. Vậy mà nó vẫn còn sống. Thấy chuyện bất thường cho nên thay vì tiếp tục tháo gỡ bức tường, ông mới ngừng tay lại và tiếp tục theo dõi để xem con thằn lằn sống như thế nào. Ông không thể tưởng tượng được, bởi vì có một con thằn lằn khác đã xuất hiện, miệng nó ngoặm một miếng thức ăn và mớm cho con vật đồng loại đang bị đóng đinh. Chuyện “thăm nuôi” hàng ngày này đã diễn ra từ 10 năm qua.
Chuyện thú vật “tỏ tình” liên đới với nhau, chuyện con thú của một chủng loại này “cứu trợ” hay nuôi dưỡng những con thú thuộc một chủng loại khác không phải là chuyện hiếm có. Và dĩ nhiên, chuyện thú cứu sống và nuôi dưỡng con người cũng không phải là chuyện hoang tưởng. Chính vì vậy mà ngay cả nguồn gốc của một trong những kinh thành nổi tiếng nhứt trong lịch sử nhân loại là Roma đã được xây dựng trên huyền thoại chó sói mẹ nuôi dưỡng cập song sinh Romulus và Remus. Theo huyền thoại thì cập song sinh Romulus và Remus đã bị người cậu là Amulius, vì sợ tiếm vị, sai người cho quăng xuống dòng sông Tevere. Nhưng may mắn thay, hai cậu bé đã được nước sông chuyên chở vào bờ, được một con chó sói mẹ cho bú mớm và được cả một con chim gõ kiến mang mồi đến nuôi. Về sau, một người chăn cừu và vợ ông đã đưa hai cậu bé về nuôi dạy cho thành người. Romulus làm nên sự nghiệp và xây dựng một thành phố mới lấy tên là Roma.
Thú vật thường dạy cho tôi nhiều bài học về “làm người”. Một trong những bài học đó là sự khoan nhượng. Tôi chưa hề chứng kiến một cuộc “chiến tranh” nào giữa gà và vịt tôi nuôi chung trong một chuồng. Điều lạ lùng hơn nữa là tôi cũng chưa từng thấy có bất cứ dấu hiệu nào của sự “kỳ thị chủng tộc” trong đám gà của tôi. Số gà tôi hiện có phần lớn đều do tôi tự tay ấp lấy. Số trứng tôi cho vào lồng ấp lại có nhiều xuất xứ khác nhau, cho nên khi nở ra, bầy gà của tôi thuộc đủ mọi “sắc tộc”. Chân vàng, chân chì, chân trắng...lông nâu, lông đen, lông trắng...loại cao cẳng, loại nhỏ con và ngay cả loại có mào trên đầu (silkie), thế giới gà của tôi thật sự đa chủng. Vậy mà tất cả đều sống chung hòa bình với nhau. Cứ sáng dậy, sau khi ăn “điểm tâm”, cả bầy kéo nhau lên rừng và lúc nào cũng “sát cánh” bên nhau. Tất cả đều là “con bà xơ” hết. Vậy mà chẳng bao giờ có cảnh “gà cùng một mẹ đá nhau” hay loại trừ nhau chỉ vì mầu lông hay mầu da.
Nhìn đàn gà rồi nghĩ đến chuyện xảy ra như cơm bữa trong thế giới loài người thấy mà ngán ngẫm. Như chuyện mới xảy ra tại Ukraina hay Balan hôm khai mạc giải túc cầu Âu Châu vừa qua chẳng hạn: nơi thì khán giả Á châu hay da mầu bị tấn công một cách tàn bạo, nơi thì cầu thủ da đen bị chế nhạo như khỉ. Chuyện kỳ thị chủng tộc xảy ra hằng ngày đó đây trên khắp thế giới không khỏi gợi lại thảm cảnh bi đát nhứt trong lịch sử nhân loại hồi Đệ nhị thế chiến: 6 triệu người Do thái bị mang ra sát tế chỉ vì họ là người Do thái. Chiến tranh diệt chủng hay thanh lọc chủng tộc lấp đầy các trang sử của nhân loại. Ngay cả như người Do thái, trên đường về Đất Hứa, vì tự cho mình là “dân riêng” được Thiên Chúa tuyển chọn cho nên đã chẳng tỏ ra chút xót thương nào đối với những dân tộc bị xem là “ngoại đạo” hay thấp hèn khác. Trên đường đi thực dân chiếm đất, người da trắng đã tiêu diệt không biết bao nhiêu giống dân bị xem là man di mọi rợ và thấp kém. Phải mất hằng bao nhiêu thế kỷ người da trắng mới chấm dứt (dĩ nhiên trên nguyên tắc) việc buôn bán người nô lệ da đen và kỳ thị đối với người Phi Châu và da mầu. Nhưng trong thực tế, dường như óc kỳ thị vẫn còn đó, có khi hiển hiện một cách trơ tráo, có khi tiềm ẩn trong những hành xử vô ý thức.
Thực ra, xét cho cùng, có dân tộc nào mà không có máu kỳ thị. “Trung hoa vĩ đại” vẫn mãi mãi tự xem mình là cái đinh “ở giữa” thế giới. Không ra mặt kỳ thị như người Việt nam, nhưng có người ngoại quốc nào mà không bị chúng ta “nhìn xuống” bằng nửa con mắt; có người ngoại quốc nào mà không bị chúng ta gọi một cách khinh bỉ là “thằng”. Hễ không phải là người Việt nam thì là “thằng” hết. Nhưng đâu phải chỉ có cái dân tộc tự hào hơn “bốn ngàn năm văn hiến” như Việt nam mới xem thường và kỳ thị người khác. Lạc hậu như mấy anh thổ dân Úc mà cũng xem người người sắc tộc khác có ra gì đâu. Một nhà truyền giáo người Việt nam làm việc lâu năm với người thổ dân ở Bắc Úc có lần kể rằng mỗi lần chửi nhau, người thổ dân thường chê nhau: “Đồ ngu như người da trắng”.
“Ngu” là mẫu số chung của loài người chớ chẳng phải của riêng một dân tộc nào. Chẳng có dân tộc nào thông minh hơn dân tộc khác. Không phải chỉ có người da trắng mới là bác học, khoa học gia hay thần đồng. Mới đây, bên Mỹ, có một người thanh niên cha Nhựt Bản, mẹ Đại Hàn đã tốt nghiệp bác sĩ khi chỉ mới 21 tuổi. Thần đồng gốc Á châu này đã vào đại học năm 9 tuổi, lấy bằng tiến sĩ năm 18 tuổi. Thần đồng như thế thì chắc chắn ở đâu và thời đại nào cũng có cả.
Bàn về “sắc đẹp” thì đâu phải hễ có da trắng,  tóc vàng, mắt sâu, mũi cao mới là đẹp. Văn minh Âu Tây thắng thế cho nên mới áp đặt những tiêu chuẩn về đẹp xấu theo cái nhìn của họ. Kỳ thực, như người Việt nam chúng ta thường viết trong các trang “Tìm bạn bốn phương”, “Đẹp xấu là tùy người đối diện”. Thật vậy, đẹp hay xấu thường là do con mắt chủ quan. Nếu người Tây phương vẽ “Con quỷ” đen thủi đen thui, thì đối với người Á châu, như người Việt chúng ta chẳng hạn, quỷ sứ toàn là loài trắng bóc hết! Ngày xưa, ông bà chúng ta đã chẳng gọi mấy “thằng tây” trắng thực dân là “bạch quỷ” đó sao!
Kỳ thị ở trong máu con người. Nó là một thách đố để con người cố gắng vươn lên và biết sống khoan nhượng, hài hòa hơn. Với sự mở rộng của hệ thống thông tin toàn cầu, với các phương tiện giao thông ngày càng tối tân,  con người càng mở to con mắt của mình hơn để nhận ra rằng thế giới là một ngôi làng, nhân loại là một gia đình trong đó chẳng có chủng tộc nào hơn chủng tộc nào cả và trong đó mọi người đều được mời gọi sống khoan nhượng và hài hòa với nhau. Giải Túc Cầu Âu Châu hiện nay là một lời mời gọi sống khoan nhượng. Không những trong các vận động trường người ta thấy nhan nhản những khẩu hiệu chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, mà ngay sự pha trộn màu da trong từng đội tuyển cũng đủ là một biểu tượng kêu gọi tinh thần khoan nhượng.
Nhìn vào dân số Úc ngày nay tôi cũng cảm thấy lạc quan. Trong phần điểm tin “News Review” số ra cuối tuần vừa qua, báo The Sydney Morning Herald đã trích dẫn kết quả của cuộc điều tra dân số lần thứ 16 được thực hiện ngày 9 tháng 8 năm ngoái. Các con số thống kê cho thấy Úc đại lợi không còn là đất nước của riêng người da trắng nữa. Bộ mặt của người Úc hiện nay, nhìn chung, được tô vẽ bằng đủ mọi màu sắc của các lục địa. Với tôi, Úc đại lợi hiện không chỉ là một xứ sở “may mắn” nhờ tài nguyên dồi dào “chỉ cần đào lên bán mà ăn”. Đất nước này còn may mắn là bởi vì ở đây bất cứ ai, dù thuộc chủng tộc nào, cũng đều có cơ hội để vươn lên, thành đạt và có cuộc sống hạnh phúc. Một đất nước, cũng như Hoa kỳ, tuy chưa hoàn toàn gột rửa mọi vết tích của kỳ thị chủng tộc, vẫn là một nơi mà mọi thành phần xã hội đều có thể sống khoan nhượng và hài hòa.
Được sống trong một đất nước thanh bình như thế cho nên mỗi ngày tôi mới có thể đứng hàng giờ để chiêm ngắm cánh rừng, ngôi vườn và nhứt là bầy gia súc của tôi. Rồi mỗi ngày, chạy bộ dọc theo bờ hồ gần nhà để được hầu hết những người chạy ngược chiều chào lại và mỉm cười, tôi cũng đủ cảm thấy cuộc đời là đáng sống rồi. Tôi tin rằng Úc đại lợi, nhìn chung, là một nơi an toàn và nhân ái.
“Một nơi an toàn và nhân ái hơn”. Đây là niềm mong ước mà bà Aung San Suu Kyi đã bày tỏ trong bài diễn văn đọc tại Oslo, Na uy, hôm 16 tháng 6 vừa qua, 20 năm sau khi được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa bình. Bà giải thích về hai chữ “nhân ái” như sau: “Trong những cái may của cơn hoạn nạn và xin nói ngay chúng không nhiều đâu, cái may nhất, quí giá nhất đối với tôi là bài học rút ra về giá trị của sự nhân ái. Mọi nghĩa cử nhân ái tôi nhận được, lớn hay nhỏ, đã thuyết phục tôi rằng sự nhân ái dù nhiều bao nhiêu cũng vẫn không đủ trong thế giới của chúng ta. Nhân ái là đáp lại một cách nhạy cảm và với tình người những khát vọng và nhu cầu của người khác. Một thoáng nhân ái thôi cũng làm nhẹ bớt một tầm hồn u uất. Nhân ái có thể làm đổi đời” (bản dịch của Đỗ Tuyết Khanh, Việt Luận 22/6/2012).
Đọc những lời trên đây tôi nghe như bà Aung San Suu Kyi muốn mách bảo rằng “nhân ái” là một tên gọi của hòa bình. Nhân ái cũng là hòa bình. Thật vậy, cuộc sống chung hòa bình và nhứt là niềm an bình chỉ có thể có khi con người biết vượt qua những rào cản trong bản thân như màu da, ngôn ngữ, văn hóa, chính kiến, địa vị và ngay cả tôn giáo để đến với người khác bằng tất cả tấm lòng nhân ái, cảm thông, khoan nhượng, bao dung và tha thứ...







Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Giới thượng lưu Bắc Hàn


20.05.16

Họ rất thích các thứ hàng hiệu của Zara và H&M. Họ cũng thích đi dạo và tập thể dục. Họ cũng uống Cappucino để tỏ ra mình là dân sành điệu. Một số cũng sửa mắt sửa mũi để giống người Tây Phương.
“Họ” chính là giới thượng lưu hiện chỉ chiếm một phần trăm dân số của thiên đàng cộng sản Bắc Hàn. Du khách thường chỉ bắt gặp họ tại khu phố sang trọng thường được gọi là “Pyonghattan”, tức khu “Manhattan” của Thủ đô Bình Nhưỡng.
Cách đây 18 tháng, người thiếu nữ 24 tuổi tên là Lee Seo-hyeon đã từng sống tại khu phố sang trọng này. Cô nói rằng ở Bắc Hàn dân chúng thường phải ăn mặc rất kín đáo. Cho nên muốn khoe mình có một thân hình hay một làn da đẹp người ta thường đến các trung tâm thể dục.
Nhưng hiện nay, giới thượng lưu và chỉ có giới thượng lưu Bắc Hàn mới được phép chạy theo thời trang. Phụ nữ rất thích dùng các hàng hiệu của Elle. Còn đàn ông thì chạy theo Adidas và Nike. Khi đi du lịch tại Trung Cộng, giới trẻ thượng lưu Bắc Hàn thường mang theo cả một danh sách hàng hiệu do các bạn của họ đặt mua.
Tại một trung tâm giải trí nằm giữa Bình Nhưỡng, họ vừa tập chạy trên máy treadmill vừa xem phim hoạt hình của hãng phim Disney hoặc tập Yoga.
Trong trung tâm giải trí nói trên cũng có một nhà hàng sang trọng trong đó có cả những phòng rộng lớn để tổ chức đám cưới; tiền thuê phải trả mỗi giớ có thể lên đến 500 Mỹ kim. Bên cạnh tiệm ăn cũng có một quán cà phê trong đó một ly cà phê đá có giá từ 4 đến 9 Mỹ kim.
Andray Abrahamian, một công dân Anh hiện đang điều khiển một trung tâm huấn luyện về tài chính cho người dân Bắc Hàn, nói về trung tâm giải trí trên đây: “Đây là một tụ điểm sang trọng. Một khi đã vào đó bạn cũng cảm thấy như đang ở tại bất cứ nơi nào trên thế giới”.
Mặc dù đang tìm cách phô trương đủ loại vũ khí hạt nhân của mình, Bắc Hàn vẫn còn là một trong những nước nghèo nạn, lạc hậu nhất thế giới. Kinh tế hầu như đang trên đà sụp đổ. Lương tháng  chính thức của một viên chức vẫn chưa tới 10 Mỹ kim. Nhưng trong những năm gần đây từ từng đáy địa ngục đã xuất hiện một giai cấp thượng lưu chuyên ăn trên ngồi trước và cỡi trên đầu trên cổ tuyệt đại đa số dân nghèo.
Giai cấp thượng lưu này thường được gọi là “Donju”, tức “những ông bà chủ có tiền”. Họ xuất hiện cách đây khoảng 15 năm, sau khi Bắc Hàn bắt đầu theo Trung Cộng và Việt Nam để xây dựng nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kể từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm 2011, nhà lãnh đạo mặt búng ra sữa Kim Jong Un đã đẩy mạnh nền kinh tế có cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” quái đản này.
Vừa tròn 33 tuổi, cậu ấm thuộc thế hệ thứ ba của triều đại Kim này đã xem việc cải thiện đời sống của dân chúng Bắc Hàn như một ưu tiên hàng đầu trong các chính sách cai trị độc tài của mình. Cậu đã ra lệnh xây dựng những công viên giải trí và hồ nước cũng như các trung tâm trượt tuyết. Ở giữa Thủ đô Bình Nhưỡng, người ta còn thấy có cả một hồ cá heo. Xung quanh thủ đô, giới trẻ đã có thể tập trung đến các sân bóng chuyền và quần vợt để vui chơi giải trí.
Trong một chuyến đi Bình Nhưỡng dạo tháng trước, ba phóng viên của báo The Washington Post đã tìm đến một tiệm ăn của Đức gần tòa tháp Juche trên đó người ta thấy có quảng cáo đến 7 loại bia khác nhau của Bắc Hàn. Một màn ảnh lớn cũng cho thấy cảnh trượt băng trong nhà.
Trên thực đơn, ba ký giả của báo The Washington ghi nhận rằng giá một đĩa thịt bò kèm với khoai tây nghiền là 48 Mỹ kim. Hầu hết khách Bắc Hàn vào tiệm ăn đều chọn các món ăn địa phương với giá rẻ hơn.
Tại trung tâm có tên là “Sunrise” có một tiệm ăn Nhật Bản và một nhà hàng chuyên về các thứ đồ nướng. Giá một đĩa thịt nướng cộng với một chai rượu “Soju” đặc sản của Bắc Hàn dành cho một khẩu phần có thể lên đến 50 Mỹ kim. Khi thấy có khách hàng ngoại quốc đi vào, người Bắc Hàn thường kéo lên bức màng tre để tránh cái nhìn của họ. Dù có chạy theo lối sống sang trọng của người Tây Phương, giới thượng lưu Bắc Hàn vẫn tìm cách che đậy, không muốn bị người ngoài dòm ngó.
Ngoài người da trắng vốn dễ nhận diện qua làn da và sóng mũi cao, giới thượng lưu Bắc Hàn cũng được phân biệt với người Nam Hàn qua các thứ huy hiệu họ mang trên áo kề bên trái tim của họ: họ luôn mang trên áo huy hiệu có hình của hai lãnh tụ vĩ đại và kính yêu Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhất.
Mặc dù lương chính thức hàng tháng không quá 10 Mỹ kim, một bữa ăn bình thường tại các tiệm ăn dành cho giới thượng lưu giá từ 20 đến 30 Mỹ kim. Ngoài chuyện ăn uống và giải trí, một trong những dấu hiệu khác của giới thượng lưu là chó kiểng. Đây là điều mà du khách khó thấy được cách đây vài năm.
Riêng phụ nữ thuộc giới thượng lưu xem cách chưng diện thời trang của đệ nhất phu nhân Ri Sol Ju như một thứ đèn xanh được bật lên cho phép họ được chạy theo thời trang.
Theo ước tính, trong dân số 25 triệu hiện chỉ có khoảng 3 triệu người Bắc Hàn có điện thoại di động, kể cả điện thoại “tinh khôn” Arirang. Nếu được hỏi chuyện, người Bắc Hàn nào cũng sẽ chìa điện thoại cầm tay ra và khoe hình con cái của họ.
Bước vào một siêu thị hạng sang ở Bình Nhưỡng, du khách sẽ thấy bày bán các hàng hóa nhập cảng như thịt bò Úc, cá hồi Na Uy, các loại dầu ăn và bia từ các nước Tây Phương, dĩ nhiên với giá cắt cổ. Cứ 8 giờ tối thứ bảy thì các siêu thị hầu như trống trơn. Vậy mà người ta vẫn cứ thấy khách hàng Bắc Hàn đi qua đi lại.
Cho đến năm ngoái, người thiếu nữ tên là Lee Seo-hyeon và anh trai của cô là Lee Hyeon-seung, vẫn còn thuộc về giới trẻ của giới thượng lưu Bắc Hàn. Họ đã từng sống tại Trung Cộng và theo học tại một đại học ở đó. Cha của họ, một viên chức cao cấp của Bắc Hàn đang làm việc tại Trung Cộng. Nhiệm vụ của ông là tìm kiếm ngoại tệ cho chế độ. Dĩ nhiên cả gia đình đều được đi lại tự do giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
Kể lại tuổi thiếu niên sống ở Bình Nhưỡng, Lee Hyeon-seung cho biết anh đã từng nghe các ca khúc của Britney Spears và Backstreet Boys trước khi làn nhạc kích động và các phim tình cảm nhiều tập của Nam Hàn xâm nhập vào Bắc Hàn.
Người thanh niên này nói rằng hầu như cô chiêu cậu ấm nào của giới thượng lưu Bắc Hàn cũng đều chạy theo các hàng hiệu. Anh cho biết: bạn bè của anh sống ở ngoại quốc; cứ mỗi lần về nước họ đều mang theo các món hàng thời trang.
Nhưng dĩ nhiên, trong một chế độ mà ngay cả kiểu tóc của đàn ông cũng phải rập khuôn theo mái tóc không giống ai của lãnh tụ Kim Jong Un, thời trang cũng phải có giới hạn của nó. Chẳng hạn không ai được phép nhuộm tóc hay ăn mặc hở hang. Nếu quần áo không phù hợp với truyền thống cộng sản Bắc Hàn, cảnh sát có thể ghi tên khổ chủ và cho đọc trên đài phát thanh.
Năm 2014, Lee Seo-hyeon đã cùng với anh trai và cha mẹ cô đào tẩu sang Nam Hàn. Hiện nay họ đang sống tại tiểu bang Bắc Virginia, Hoa Kỳ. Lee Seo-hyeon và anh cô hy vọng sẽ được theo học tại một đại học ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào mùa Thu tới đây.
Chuyện giải phẩu thẩm mỹ, vốn đã rất thịnh hành tại Nam Hàn, cũng đã xâm nhập vào Bắc Hàn. Sửa cho mũi cao, cắt cho mắt được hai mí như người Tây Phương hiện đang là thời trang tại Bắc Hàn. Tùy theo tài khéo léo của chuyên gia thẩm mỹ, một lần cắt mí mắt có thể tốn từ 50 đến 200 Mỹ kim.  Lee Seo-hyeon giải thích rằng người dân Bắc Hàn có thể xin chiếu khán xuất cảnh để đi chữa bệnh. Nhưng giải phẩu thẩm mỹ không phải là một lý do chữa bệnh chính đáng, mà chỉ được xem như một việc “làm đẹp”.
“Làm đẹp” không chỉ là chuyện của cá nhân trong bất cứ xã hội nào. Hơn ai hết,các chế độ cộng sản rất quan tâm đến “bộ mặt” bên ngoài. Dù có chủ trương tự đóng kín và cô lập đến đâu, Bắc Hàn cũng vẫn thích khoe “bộ mặt” đẹp của mình. Đây là một trong những lý do khiến gần đây chính phủ cộng sản này cho xây dựng rất nhiều cao ốc ở Thủ đô Bình Nhưỡng. Nhìn từ xa, du khách rất dễ bị choáng ngộp vì các tòa nhà chọc trời gần Quảng trường Kim Nhật Thành giữa thủ đô. Nhưng nhìn kỹ, chỉ sau chưa đầy một năm, người ta đã thấy  gạch ngói  bắt đầu rơi, điện thì chỉ đủ để soi sáng các tầng trệt. Muốn lên tầng 20, chỉ có nước đi bộ.
Sau khi tòa nhà tại đại lộ “các nhà khoa học” được hoàn thành, Chủ tịch Kim Jung Un ra lệnh xây con đường lấy tên là “Ryomyong”, nghĩa là nơi mà “bình minh của cuộc cách mạng Đại Hàn ló dạng”. Tại đây, ông sẽ cho xây cất “những tòa nhà chọc trời rực rỡ” nhất. Theo kế hoạch do ông đề ra, sẽ có một tòa nhà cao 70 tầng, được trang bị bằng năng lượng mặt trời và nhà kiếng.
Năm 1787, Nga hoàng Catherine thực hiện một chuyến viếng thăm lịch sử đến vùng Crimea. Để tạo một ấn tượng mạnh nơi bà, giới lãnh đạo địa phương đã cho xây cất một ngôi làng “di động” có tên là Potemkin. Một số sử gia hiện đại cho rằng kiến trúc sư Grigory Potemkin đã cho dựng lên một ngôi làng giả tạo dọc theo bờ sông Dniper để đánh lừa Nga hoàng Catherine. Dù giải thích cách nào đi nữa về nguồn gốc của ngôi làng giả tạo này, ngày nay trong chính trị và kinh tế học, “làng Potemkin” dùng để ám chỉ bất cứ công trình xây dựng nào dùng để khoe khoang về một thành tích hão.
Phóng viên Anna Fifield của báo The Washington Post viết rằng công trình xây dựng hiện đại của Bắc Hàn tại Thủ đô Bình Nhưỡng là một phần của một “ngôi làng Potemkin”. Bởi lẽ dù có hào nhoáng và “hoành tráng” đến đâu, những công trình xây dựng cũng vẫn chưa đủ cao và bề thế đến độ có thể che lấp được sự nghèo đói và lạc hậu  của thiên đàng cộng sản đóng kín này.
Trong khi chỉ có một phần trăm dân số Bắc Hàn sống trong nhung lụa và chạy theo lối sống phù phiếm của Tây Phương thì phần lớn dân chúng tại nước này phải sống trong cùng cực nghèo đói. Dù thế giới bên ngoài chưa có được những số liệu thống kê chính xác do sự kiểm soát chặt chẽ cũng như sự lèo lái của truyền thông nhà nước, sự nghèo đói là một thực tế gắn liền với hai chữ “Bắc Hàn”. Điều không thể chối cãi được là cuối thập niên 1990, quốc gia cộng sản này đã trải qua nhiều nạn đói khủng khiếp. Nguyên nhân của nghèo đói dĩ nhiên chỉ có thể là đường lối cai trị độc tài của chế độ cộng sản mà thôi.
Để che đậy sự nghèo đói của đất nước, Bắc Hàn đã qua mặt Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Trung Cộng trong nghệ thuật “sân khấu”: năm 2014, tức sau khi lên “làm vua” theo chế độ cha truyền con nối tại nước này, mặc dù tài sản riêng được gởi trong các ngân hàng ngoại quốc có thể lên đến 4 hay 5 tỷ Mỹ kim, Kim Jung Un đã thú nhận rằng ông không thể ngủ yên vì cuộc sống đói nghèo của dân chúng. Có khác gì những giọt nước mắt của  Hồ Chí Minh sau khi đã ra lệnh hành quyết vị ân nhân của “Cách mạng” là bà Nguyễn Thị Năm!

Nguồn https://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/north-koreas-one-percenters-savor-life-in-pyonghattan/2016/05/14


Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Không chỉ là sắt hay cá


Chu Thậ
13.05.16

Tôi mê câu cá. Đúng hơn phải nói tôi nghiện câu cá. Tôi nghiện câu cá cũng như người ta nghiện cờ bạc, nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện thuốc lào...Treo cần lên vài ngày, tôi lại kéo xuống.  Tôi câu cá trước hết là để thư giãn, để “giải trí” theo đúng nghĩa và cũng để tập làm “triết gia” suy nghĩ vớ vẩn về đủ thứ chuyện trên trời dưới dất... Nhưng thiết thực hơn, tôi đi câu là để có cá ăn. Tôi thèm ăn cá cũng như nghiện câu cá. Cá là một phần của da thịt và biết đâu cũng là một phần của não bộ và tâm trí của tôi.
Ngày của Mẹ vừa qua, cũng như mọi ngày của Mẹ, tôi nhớ đến mẹ tôi. Hình ảnh tôi thường có về mẹ tôi vẫn là hình ảnh của “bà già trầu”, ngay cả lúc mẹ tôi còn là một bà mẹ trẻ. Lúc nào tôi cũng thấy bà nhai trầu. Và tôi tin chắc rằng chính cái miệng nhai trầu đó cũng đã từng nhai cơm có trộn với cá để mớm cho tôi. Chỉ  mới gần đây, sau một lần đi soi ruột và bao tử, bác sĩ chuyên khoa mới cho tôi biết tôi bị dị ứng với sữa (lactose intolerant). Hèn chi lâu nay cứ uống sữa vào là tôi thấy đau bụng. Lọt lòng mẹ chỉ biết sữa mẹ, vài tháng tuổi đã được mẹ mớm cơm có trộn với cá thì dị ứng với thứ thực phẩm xa xí là sữa bò là chuyện đương nhiên. Có thể cơ thể tôi không chấp nhận sữa bò là bởi vì từ nhỏ tới lớn chỉ biết có cá mà thôi. Tôi hiểu được sự phẫn nộ của đa số người Việt  trong nước khi nhìn hàng loạt cá chết trong vùng biển ở Miền Trung, bởi vì cũng như tôi,  từ nhỏ tới lớn họ chỉ biết sống bằng cá.
Từ nhỏ, ngoại trừ cá đuối và cá nhám, bất cứ loại cá nào cũng đã góp phần  kiến tạo và bồi đắp thân xác của tôi. Nhà tôi ở gần sông và chỉ cách biển khoảng 10 cây số. Cho nên hết cá sông lại đến cá biển, hầu như ngày nào tôi cũng được nuôi bằng cá. Cá nước ngọt do tôi và mấy ông anh đi câu được. Mới 6,7 tuổi tôi đã có thể câu cá đủ cho cả nhà ăn. Còn cá biển thì do mấy bà bán cá dạo mà quê tôi gọi là “bà rổi” cứ bán ế là gọi mẹ tôi đến mà bán “xa cạ” hay bán đổ bán tháo. Ăn không hết mẹ tôi ướp muối phơi khô dành cho mùa mưa biển động. Thành ra nhà tôi không bao giờ thiếu cá.
Rất có thể ngày nay tôi được lên hàng “tiểu thọ” là nhờ cá. Tôi tin lời các nhà khoa học: cá có chứa Omega-3 bổ cho tim mạch, chống lại béo phì. Cùng có một tác dụng khác của cá mà các nhà khoa học cũng thường nói đến: trẻ con sẽ thông minh nếu ăn nhiều cá! Tôi không cảm thấy được thuyết phục về điều này mấy. Tôi suốt đời ăn cá mà có thấy mình  “thông minh như người” đâu!
Dù sao, trong bối cảnh của chuyện cá chết tại Miền Trung Việt Nam và nhân nói đến chuyện ăn cá, tôi thấy mình không đến nỗi “ngu” để tuyên bố những điều ngu xuẩn như ông Chu Xuân Phàm, trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội. Tôi nghi là ông này ít ăn cá.  Sáng ngày 25 tháng Tư vừa qua (đúng là Tháng Tư Đen!),  ông này đã nói một câu “ngu” để đời: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi”. Nói rõ hơn, giữa sắt và cá, ông đã chọn sắt. Ông đã chọn phát triển và làm giàu bằng mọi giá, ngay cả phá hủy môi trường sống của con người.
Câu nói ngu để đời của ông Chu Xuân Phàm không thể không làm tôi liên tưởng đến cái ngu của một đồ tể của không riêng Trung Quốc mà còn của cả nhân loại là Mao Trạch Đông. Không có một từ nào khác chính xác bằng chữ “ngu” để nói về đồ tể này khi ông phát động chiến dịch được gọi là “Bước nhảy vọt vĩ đại” của Trung Cộng. Ngu là bởi chưa đi được mà đã đòi chạy nhảy và nhảy cao nữa!
Tháng 11 năm 1957, để đánh dấu 40 năm cuộc cách mạng Tháng Mười  Nga, lãnh tụ các đảng cộng sản trên khắp thế giới đã tề tựu về Moscow. Đệ nhứt Bí thư của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Nga lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev đã đưa ra một mục tiêu: trong vòng 15 năm Liên Xô sẽ qua mặt Hoa Kỳ về kỹ nghệ! “Hồ hởi” trước lời “tiên tri” không tưởng này, Mao Trạch Đông về nước và cũng đề ra một mục tiêu: trong vòng 15 năm Trung Cộng phải qua mặt Anh Quốc về kỹ nghệ! Chiến dịch “Bước nhảy vọt vĩ đại” của Trung Động đã ra đời trong một cơn ngẫu hứng ngu xuẩn như thế. Đặc biệt, Mao Trạch Đông cho tổ chức điều thường được gọi là “Những lò luyện kim sau hè”. Không có một chút hiểu biết và kinh nghiệm gì về kỹ nghệ luyện kim, Mao Trạch Đông ra lệnh cho nông dân phải gom góp và nộp tất cả bất cứ thứ gì có chất sắt lại để nung ra thành sắt! Dĩ nhiên, ngu xuẩn cộng với hãnh tiến chỉ dẫn đến thất bại và khốn khổ mà thôi!
Chiến dịch “Bước nhảy vọt vĩ đại” ngu xuẩn do Mao Trạch Đông phát động năm 1958 đã kết thúc năm 1961 với cái chết của từ 18 đến 45 triệu người Trung Hoa. Đây là một trong những cuộc sát hại tập thể lớn nhứt trong lịch sử nhân loại.
Nhưng cho tới nay, các tài liệu chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn cứ viết rằng “Bước nhảy vọt vĩ đại” của Mao Trạch Đông là một thành công vĩ đại vì đã mở ra cuộc cách mạng kỹ nghệ ngày nay.
Một trong những ngón nghề của mấy ông cộng sản là che đậy và đóng kịch. Cuối tháng Tư vừa qua (lại cũng Tháng Tư Đen!), trước phản ứng của dân chúng về hiện tượng cá chết tại 4 tỉnh Miền Trung, từ phó thủ tướng đến một số bộ trưởng các bộ hữu trách và viên chức chính quyền của một số địa phương như Đà Nẵng, Hà Tĩnh đã ra biển  tắm và ăn hải sản để cho báo giới quay phim, chụp ảnh nhằm chứng minh rằng biển đã sạch.
Những cái bụng phệ và tấm thân béo phì của các “quan chức” cộng sản này, một lần nữa, lại khiến cho tôi cũng nhớ đến một cảnh tương tự của đồ tể Mao Trạch Đông. Thật vậy, những hậu quả tàn khốc của “Bước nhảy vọt vĩ đại” của Mao Trạch Đông đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ và chống đối rộng rãi trong dân chúng. Mao Trạch Đông liền dàn dựng một “vở kịch vĩ đại”: ngày 16 tháng 6 năm 1966, ông rời Bắc Kinh để đến sông Dương Tử, cạnh cầu Vũ Hán. Để chứng tỏ mình vẫn còn trẻ trung, khỏe mạnh và thừa sức để làm bất cứ “bước nhảy vọt vĩ đại” trong bất cứ lãnh vực nào, ông đã tuột đồ nhảy xuống sông và bơi liên tục. Mặc dù ông đã bước vào tuổi 70, những người dàn dựng vở kịch vẫn rêu rao rằng ông đã bơi gần 15 cây số trong vòng 65 phút. Nếu quả đúng như thế thì đây là một kỷ lục thế giới về bộ môn bơi lội. Với màn kịch “cuộc bơi vĩ đại” này, Mao Trạch Đông muốn kêu gọi các thế hệ trẻ hãy bơi vào “dòng sông chính trị” để chống lại các phần tử phản cách mạng.
Màn kịch của Mao Trạch Đông có lẽ đã có một tác dụng mạnh nơi giới trẻ Trung Quốc thời bấy giờ: vô số giới trẻ đã gia nhập Hồng vệ binh và nhiều đoàn thể khác để đi tiêu diệt bất cứ thành phần “hữu khuynh” hay chống đối nào trong xã hội. Cũng như “Bước nhảy vọt vĩ đại”, cuộc “Cách mạng văn hóa” của Mao Trạch Đông cũng đã sát tế vô số người dân vô tội trên bàn thờ vô sản.
Nhưng dù có đóng kịch và khủng bố để che đậy đến đâu, sự thật lịch sử cũng vẫn được phơi bày: thế giới không thể nào quên được những tội ác tày đình mà Mao Trạch Đông đã gây ra cho người đồng bào ruột thịt của mình vì sự ngu xuẩn và thói hãnh tiến của ông.
Thời Cải cách Ruộng đất và nhứt là trong suốt cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, người cộng sản Việt Nam đã có thể bắt chước quan thày Trung Cộng để đóng kịch và che đậy tội ác của mình. Trong một thời gian dài, họ đã thành công trong việc bưng bít, lừa dối, ngu dân và vô cảm hóa người dân. Nhưng ngày nay, kể từ những cuộc biểu tình chống Trung Cộng những năm trước đây, những cuộc biểu tình về vụ cá chết tại Hà Nội, Sài Gòn và nhiều thành phố khác trong ngày 1 tháng 5 vừa qua cho thấy đã đến lúc người cộng sản không còn nại đến bất cứ lý do nào, kể cả bí mật quốc gia để che đậy tội ác nữa. Nhiều người Việt Nam đã bắt đầu thức tỉnh khỏi cơn mê ngủ của sự vô cảm. Dĩ nhiên, số người tham gia các cuộc biểu tình chưa đủ đông để làm nên “sức mạnh quần chúng” như thế giới đã chứng kiến tại Phi Luật Tân hồi năm 1986 hoặc gần đây qua Mùa Xuân Á Rập ở Trung Đông. Nhưng ít ra, bên cạnh hiện tượng cá chết, phải nói đến hiện tượng người Việt Nam bắt đầu ra khỏi cơn mê của sự vô cảm.
Trong nhiều biểu ngữ được trương lên trong các cuộc biểu tình, tôi đặc biệt chú ý đến câu “Chúng tôi muốn sống” với ngay cả phụ đề bằng tiếng Anh “We want to live”. Câu biểu ngữ không chỉ gợi lại cuốn phim có cùng tựa đề làm sống lại cuộc di cư trốn chạy cộng sản của người dân Miền Bắc hồi năm 1954. Nó nói lên những đòi hỏi thâm sâu của người dân Việt Nam hiện nay.
Qua các cuộc biểu tình, người Việt Nam hiện nay không chỉ yêu cầu truy tố tội ác của Công ty Formosa, nghi phạm chính của hiện tượng cá chết tại Miền Trung. Những người biểu tình cũng không chỉ đòi hỏi phải “Trả lại Việt Nam Biển Trong Xanh, ngừng xả thải ra biển”. Họ cũng không chỉ nói lên quyết tâm “Tôi yêu môi trường biển và tôm cá” hoặc thẳng thừng lên án “Bỏ mặc môi trường bị đầu độc là rước kẻ cướp vào nhà”...Còn hơn cả cá, tôm và ngay cả một môi trường sạch, người Việt Nam hiện nay bày tỏ quyết tâm “muốn sống” như những con người có tự do, có quyền biết sự thật, có quyền được bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa, muốn được góp phần xây dựng một xã hội nhân bản, công bằng, liên đới. Tựu trung, một đất nước Việt Nam được xây dựng trên những giá trị nhân bản, tinh thần và đạo đức, chớ không chỉ trên sắt, trên sự vô đạo: đó là điều mà người Việt Nam muốn hét lớn vào tai của những người cộng sản khi tham gia các cuộc biểu tình.
Đó cũng là ước mơ tôi thường có mỗi khi ngồi câu cá và thiền niệm bên cạnh một bờ biển hay ao hồ của quê hương mới Úc Đại Lợi này. Đất nước này chưa phải là một nền kinh tế hàng đầu của thế giới như Trung Cộng. Nhưng trong đất nước này, đi đâu tôi cũng được hít thở không khí trong lành, uống được nguồn nước sạch, được sống như một người tự do và nhứt là hầu như mỗi ngày đều có cá tươi để ăn. Quan trọng hơn đối với tôi, đất nước này không chỉ bảo đảm cho tôi một cuộc sống ấm no, an bình  mà còn luôn nhắc nhở tôi phải yêu mến thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống. Nói tóm lại, quê hương mới này không ngừng mời gọi tôi hãy sống như một con người có trách nhiệm đối với bản thân và với xã hội.







Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Đi đâu mà vội mà vàng



Chu Thập
17.7.12

Tôi không làm sao quên được cái “bản mặt” của người đàn bà lái xe ở phía sau tôi hôm Chúa nhựt vừa qua. Lái xe mà có lỡ lấn đường, sang “len” một cách bất cẩn khiến cho người khác phải lách kịp thời mới tránh khỏi tai nạn, là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có cẩn thận cách mấy cũng không sao tránh khỏi sơ sót. Chính vì vậy mà mỗi lần cầm tay lái, tôi thường tự nhủ phải luôn “cảm thông” với người khác. Cảm thông là bởi vì khi lái xe, mình cũng đã từng có những lúc vô ý hay thiếu sót làm cho người khác khó chịu. Vậy mà trưa Chúa nhựt vừa qua, dường như cái “quỹ” cảm thông của tôi hầu như đã cạn kiệt. Đoạn đường Centenary Drive nối liền Hume Highway với Epping, Hornsby, cứ vài trăm thước lại có một ngã tư, lúc nào cũng nhộn nhịp, kể cả ngày Chúa nhựt. Biết lúc nào cũng có người ở phía trước mình muốn sang “len” cho nên, dù có cảnh nối đuôi nhau dày đặc, tôi cũng vẫn cố gắng giữ một khoảng trống vừa đủ ở phía trước mặt. Vậy mới có chuyện. Người đàn bà ở phía sau tôi lại làm “dữ”. Thiếu điều bà “ủi” vào đít xe tôi. Nhìn trong kiếng chiếu hậu, tôi đoán người đàn bà ở độ tuổi đáng làm bà ngoại bà nội. Hay tại bà giận dữ quá mà tôi thấy bà già thêm vài tuổi chăng. Chẳng khác nào “gà mót đẻ”, bà thò đầu ra bên ngoài, la lối bằng những lời mà tôi đoán chỉ có thể là tiếng chửi thề mà thôi. Miệng bà hoạt động liên tục. Hai tay bà run rẩy như người mắc bệnh Parkinson. Tội nghiệp cho cái “vô lăng”, chẳng có tội tình gì mà cứ bị bà đập liên hồi. Thấy tôi vẫn bình chân như vại, bà liền sang “len”  để lấn tới phía trước. Nhưng đã kẹt xe thì dù có lấn đến trước cũng chẳng chạy nhanh hơn được. Tôi vẫn cứ thắc mắc: hơn thua một đoạn đường vài chục thước để được gì?
Cứ nhớ đến gương mặt “khó ưa” của người đàn bà này, tôi lại nghĩ miên man đến cái bằng lái xe và chiếc xe. Ở đâu và thời nào cũng vậy, lấy được cái bằng lái xe cũng là một thành tựu đáng ghi nhớ trong cuộc đời. Cứ nghĩ lại lúc mình mới lấy bằng lái xe và được một mình điều khiển chiếc xe mà coi! Nói theo ngôn ngữ  thời thượng ở Việt nam hiện nay, có bằng lái xe và được lái xe là một bước “tự khẳng định”, là “tự thể hiện” chính mình. Cứ như cái phần bị dấu kín trong mình nay nhờ cái bằng lái xe và chiếc xe mới được tỏ hiện ra bên ngoài để nói với người khác rằng mình cũng là “ta đây”, là “ai đó” chứ không phải là đứa vô danh hay một kẻ vô tích sự luôn phải “dựa” vào người khác. Không riêng gì những người di dân hay tỵ nạn như đa số người Việt định cư tại Úc, nhìn những cô cậu choai choai với cái bằng P đỏ chói lạng qua lạng lại ngoài đường thì cũng đủ hiểu cái “giá trị” mà chuyện lái xe mang lại cho người cầm lái. Xét cho cùng, có được bằng lái xe và có chiếc xe là có thêm “quyền lực”. Mà quyền lực càng nhiều thì càng muốn lấn lướt và đàn áp kẻ khác. Tôi thường nghĩ đến điều này mỗi lần leo lên bất cứ một chiếc xe “đò” nào ở Việt nam. Đa số những ông tài xế của những chiếc xe lớn này xem những chiếc xe nhỏ hay người đi bộ như không có mặt trên đường. Mà nói đâu xa, ở Úc này, cứ thấy xe tải là tôi phải lẻn qua chỗ khác như tránh cùi hủi. Ngay cả mấy chiếc xe 4W cũng ỷ mạnh lấn đường, “ăn hiếp” xe nhỏ là chuyện thường.  
Ở đời, như ai đó đã nói, quyền lực thường hủ hóa con người. Muốn biết rõ một con người, chỉ cần trao cho người đó một chút quyền lực là xong ngay. Thật vậy, cá tính con người thường được “khẳng định” hay “thể hiện” qua một chút quyền lực. Điều này có lẽ đúng hơn cả khi người ta được trao cho tay lái. Ai hiếu thắng hay thiếu tự chủ, ai hiền lành hay có tính khoan nhượng... đều hiện nguyên hình khi ngồi vào ghế tài xế.
Dĩ nhiên, không phải ở đâu người ta lái xe cũng giống nhau. Ở tỉnh lẻ như nơi tôi đang ở, tôi thấy rất thoải mái khi lái xe. Thỉnh thoảng cũng có những tay “ba trợn” hay bị ma men dẫn lối đưa đường để chạy loạn xa ngầu, nhưng phần lớn đều tỏ ra hòa nhã và lịch sự nhường đường cho nhau. Chạy ẩu cũng không phải là không có nhưng hình như cái còi xe của tỉnh lẻ nó không nhạy như xe thành phố. Năm thì mười họa mới nghe một tiếng còi “chửi nhau”. Trái lại, mỗi lần về Sydney hay những nơi đông dân như ở miền Tây Sydney, tôi luôn hồi hộp, vì biết chắc thế nào cũng bị “bóp còi” chửi xéo mà chẳng biết mình phạm bất cứ lỗi đi đường nào cả. Đôi khi vì cẩn thận và lịch sự với xe trước cũng bị xe sau chửi mới lạ. Nếu cách lái xe thể hiện tính tình hay tâm trạng con người thì chẳng cần phải là một nhà xã hội học cũng biết rằng môi trường sống ảnh hưởng đến tâm lý con người.
Án Anh là một đại phu nổi tiếng của nước Tề thời Đông Châu Liệt Quốc. Ông nổi tiếng là một người ứng xử rất nhanh nhẹn. Lần nọ, Án Anh đi sứ sang nước Sở. Vua Sở thấy dáng vóc nhỏ bé của ông, cho nên có ý khinh miệt mới hỏi: “Bộ nước Tề hết người rồi sao mà lại phái một người như ông sang nước Sở?” Án Anh ung dung đáp: “Nước Tề đã có quy định, căn cứ vào ông vua của từng nước mà phái người đi sứ; người hiền minh thì phái đi nước có ông vua hiền minh; người ngu đần thì phái đi sứ đến nước có ông vua ngu đần. Án Anh là kẻ tối ư ngu đần, cho nên được phái sang sứ nước Sở”. Vua Sở không còn biết mở mồm ra được đành im lặng. Nhưng ông ta vẫn không chịu thua cho nên mới xử dụng một chiêu khác độc hơn. Vào giữa lúc đang mở tiệc khoản đãi sứ nước Tề, vua Sở ngầm sai bọn vệ sĩ dắt một người bị trói đến trước mặt. Vua Sở hỏi: “Hắn là ai thế?” Vệ sĩ nói: “Người nước Tề”. Vua Sở lại hỏi: “Hắn mắc tội gì? Vì sao mà trói hắn?” Vệ sĩ giải thích: “Hắn là một tên cướp”. Vua Sở liền đưa mắt nhìn Án Anh và hỏi: “Người nước Tề hay trộm cướp như thế sao?” Án Anh mới từ tốn đáp: “Nghe nói quả quất sinh ở Hoài Nam thì gọi là quả quýt, sinh ở Hoài Bắc thì gọi là quả chấp. Do nguyên nhân nào vậy? Là vì thủy thổ khác nhau. Người này ở nước Tề thì hiền lành lương thiện, đến nước Sở thì thành trộm cướp.  Phải chăng không vì thủy thổ của nước Sở mà lương thiện hóa thành trộm cướp sao?” (x. Khổng Tử truyện, Khúc Xuân Lễ, bản dịch Ông văn Tùng, nhà xuất bản Văn học, trg 164).
Từ ngàn xưa, người ta đã có thể nhận ra ảnh hưởng của môi trường sống đối với tính tình và cách ứng xử của con người. Ngày nay, xã hội càng phát triển, cuộc sống ngày càng “căng thẳng”, các quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, cho nên cách ứng xử của con người cũng bị ảnh hưởng. Chỉ cần so sánh cuộc sống nhàn nhã lành mạnh ở thôn quê với nhịp sống chụp giựt và căng thẳng ở chốn thị thành để thấy sự khác biệt trong cách ứng xử của con người. Cung cách lái xe là một trong những thể hiện của cách ứng xử ấy. Người “thành thị” dễ cáu giận và hung hãn hơn người dân tỉnh lẻ. Một chút sai sót của người khác cũng đủ làm bùng nổ một cơn giận phi lý.
Tôi nhớ khoảng đầu thập niên 1990 có xem cuốn phim có tựa đề “Falling down” (té ngã) do tài tử gạo cội Michael Douglas thủ diễn. Cuốn phim kể lại chuyện kẹt xe tại thành phố Los Angeles, tiểu bang California, Hoa kỳ. William Foster (do Douglas sắm vai) là một kỹ sư làm việc cho Bộ quốc phòng vừa bị cho nghỉ việc. Thêm vào đó, anh cũng vừa mới ly dị vợ và phải xa đứa con gái duy nhứt của anh. Chuyện kẹt xe xảy ra vào lúc Foster đang trên đường đến thăm con nhân ngày sinh của nó.
Trước đoàn xe dài ngút ngàn bất động trên một đoạn đường dài, vì sợ trễ hẹn với con, Foster phải bỏ xe và vào một tiệm tạp hóa, mua một ít vật dụng với hy vọng lấy một ít tiền lẻ để gọi một cú điện thoại tại một trạm công cộng. Nhưng người Đại hàn làm chủ tiệm tạp hóa không chịu thối tiền. Hai bên lời qua tiếng lại và cuộc cãi vã nóng lên khiến người Đại hàn phải quớ cây gậy bóng chày và đuổi Foster ra khỏi tiệm. Thế là người cha đang nóng lòng gặp con gái yêu của mình mới nổi cơn tam bành. Anh chụp lấy cây gậy trên tay của người chủ tiệm và đại náo một lúc cho tan tành cái tiệm rồi mới chịu bỏ đi. Nhưng vừa ra khỏi tiệm, anh lại bị hai tên du đãng chận đường đòi lấy cái cặp da của anh. Foster đã lẹ tay khống chế được hai tay du đãng. Chúng bỏ chạy và rủ thêm hai đồng bọn khác đến tiếp viện. Lần này bọn du đãng không những có xe mà còn có cả súng nữa. Nhưng một lần nữa, Foster lại cũng hạ được bọn du đãng một cách dễ dàng. Anh tước lấy khẩu súng và bắn hạ một tên.
Anh lang thang vào một tiệm ăn. Nhưng tiệm ăn đã không dọn đúng cái món như được trình bày trên thực đơn. Với khẩu súng trên tay, Foster bắn loạn xà ngầu lên trần nhà khiến cho thực khách cũng như nhân viên tiệm ăn phải một phen hồn vía thất kinh. Dĩ nhiên, câu chuyện không dừng lại tại đó. Một viên cảnh sát sắp hồi hưu được phái đi điều tra về những vụ lộn xộn do Foster gây ra. Lúc này thì Foster đã trở thành một kẻ trốn chạy nguy hiểm. Anh có thể chống cự và gây thương tích cho bất cứ người nào. Cuối cùng, khi anh đến được nhà của vợ cũ để gặp đứa con thì cũng là lúc viên cảnh sát vừa xuất hiện. Foster giải thích với viên cảnh sát rằng sở dĩ anh phải tỏ ra hung hãn như thế là vì bị xã hội đối xử một cách bất công. Viên cảnh sát không chấp nhận lời biện hộ ấy. Trong một cuộc dằng co cuối cùng với sự can thiệp của người vợ cũ, viên cảnh sát đã bắn gục Foster, kết thúc một cuộc trốn chạy náo loạn chỉ vì một vụ kẹt xe.
Chuyện hư cấu nhưng chắc chắn không xa lạ với thực tế hằng ngày mà chúng ta vẫn nghe trên báo đài: một chút cọ quẹt hay ngay cả một cái nhìn khiêu khích cũng đủ để châm ngòi cho một cuộc chạm súng. Có khi chỉ vì một chút vội vã mà cả một đời hối hận, đau khổ vì bị lương tâm trách móc. Tôi vẫn thường tự vấn lương tâm mỗi khi lắng nghe lời kêu gọi của chính phủ trong màn quảng cáo trên truyền hình: cùng với hình ảnh của một người phụ nữ phải ngồi xe lăn hay một người đàn ông cụt giò với lời cảnh cáo “Don’t rush” (đừng vội vàng). Tôi thường cười khoái chí mỗi khi thấy có người cố gắng qua mặt tôi để lên phía trước. Tưởng hơn thua được gì, lên phía trước gặp đèn đỏ cũng phải đứng lại chờ thôi!
Thỉnh thoảng về Sydney vào một ngày Chúa nhựt, khi đến ngã tư giao nhau của hai đường Arthur và Centenary ở gần Flemington Market, tôi thường thấy một người Á đông râu tóc bay trong gió đứng “chỉ đường”. Nhìn kỹ gương mặt, tôi đoán có thể ông là một người Việt nam đã từng là cảnh sát giao thông tại những “bùng binh” của những thành phố lớn ở Việt nam trước năm 1975. Tay ông làm điệu bộ chỉ đường rất thuần nhuyễn. Nhưng dĩ nhiên, mặc dù ông đứng ở một vị trí rất dễ nhìn thấy, tôi nghĩ chẳng có người nào quan tâm đến sự chỉ đường của ông. Đèn xanh đèn đỏ vẫn là những dấu hiệu đáng tin cậy hơn sự “hướng dẫn” của người Á đông mà chắc chắn mọi người đều cho là không bình thường  này. Riêng tôi, mỗi lần dừng xe lại ở ngã tư trên đây, tôi không thể không chú ý đến ông. Ông và con chó nhỏ của ông hớn hở vui vẻ ở một ngã tư đông đúc và nổi tiếng kẹt xe là một hình ảnh trái ngược đáng chú ý. Không cần biết hàng xe dài trước mặt đang khổ sở vì chờ đèn, ông cứ múa may quay qua quay lại cho mọi người cũng thấy cái bảng to tổ bố ông đang đeo: một cái miệng cười toe toét mà từ xa đã có thể nhận ra. Tôi nghĩ có lẽ người đàn ông Á đông này đang làm một công tác “thiện nguyện” cao quý và rất hữu ích. Thông điệp mà ông muốn nhắn gởi với tất cả những người lái xe qua lại là “hãy cười” với nhau. Cười với nhau để có thể cảm thông với nhau nếu có ai vô tình vi phạm một lỗi giao thông nào đó. Cười với nhau để sẵn sàng nhường đường cho nhau. Cười với nhau để không vội vàng và gây ra tai nạn.Và dĩ nhiên cười với nhau để “thư giãn” bởi vì không lúc nào cần thư giãn cho bằng khi lái xe và thư giãn là sự thể hiện của một nhân cách lớn.