Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Hạnh phúc trong tầm tay



Chu Thập
04.06.13

Mỗi sáng khi chạy bộ tôi đều có được một niềm vui nhỏ. Đó là trao đổi một câu chào hỏi và một nụ cười thân thiện với một nhóm bốn bà cụ người Úc mà tôi đoán đã ngoài tuổi bát tuần. Tôi không biết nhóm “tứ nhân bang” này đã bắt đầu sinh hoạt thể dục từ lúc nào. Chỉ biết là từ hơn 2 năm nay, ngoại trừ những ngày mưa to gió lớn, không trừ một ngày nào và lúc nào cũng đúng giờ, các cụ luôn có mặt trên lối đi quen thuộc dành cho người đi bộ xung quanh bờ hồ gần chỗ tôi ở. Tôi có cảm tưởng như các cụ là những thiên thần luôn có mặt bên cạnh người khác để mà nâng đỡ, cổ võ và khuyến khích người khác rèn luyện thân thể, giữ gìn sức khỏe. Mỗi lần gặp tôi, các cụ trở thành những ủng hộ viên thể thao luôn miệng hô hào “gắng lên, nhanh lên”. Hẳn các cụ phải vui lắm, vì lúc nào tôi cũng nói rằng các cụ là niềm cảm hứng của tôi. Lần nọ, sau câu chào hỏi thông thường, tôi dừng lại nói chuyện lâu hơn. Tách riêng một cụ lúc nào cũng cười nói huyên thuyên, tôi hỏi bí quyết nào giúp cụ lúc nào trông cũng khỏe mạnh và yêu đời. Cụ đáp gọn: “Hãy tận hưởng mỗi giây phút hiện tại”. Thì ra thế! Tôi tin rằng cụ bà không nói theo sách vở mà từ chính kinh nghiệm của bản thân. Ở tuổi già, có người chỉ biết sống với những kỷ niệm của tuổi thơ. Có người lại hoài niệm những thành tựu mình đã đạt được ở tuổi trưởng thành. Nhưng khôn ngoan hơn cả có lẽ là những người luôn biết tận hưởng giây phút hiện tại.
Ngoài lợi ích thể dục, giờ chạy bộ mỗi buổi sáng của tôi cũng trở thành một giờ “tâm niệm” về hạnh phúc của đời người. Mỗi bước đi của tôi đều là một quyết tâm “sinh ra là để được hạnh phúc”. Bất hạnh lớn nhứt trong đời người là gì nếu không phải là không muốn sống hạnh phúc. Tôi tin rằng hạnh phúc nằm ở trong tầm tay mỗi người. Trong các thứ tài sản thì hạnh phúc là tài sản riêng tư nhứt không thể mang ra trao đổi hay mặc cả với bất cứ ai khác. Nếu mình không hạnh phúc thì chẳng có ai có thể hạnh phúc thay mình.
Trong những ngày vừa qua, ý tưởng trên đây lại càng “nung nấu” tôi hơn khi tôi đọc được một tin vui: Úc Đại Lợi là quốc gia hạnh phúc nhứt thế giới! Từ năm 2011 đến nay, lúc nào Úc Đại Lợi cũng được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (gọi tắt là OECD) xếp đầu danh sách những nước “hạnh phúc” nhứt trong các nước kỹ nghệ phát triển nhứt trên thế giới. Có một thời, hai nước Thuỵ Điển và Gia Nã Đại lúc nào cũng đứng đầu danh sách. Vậy mà nay Úc Đại Lợi “của tôi” đã qua mặt những nước ấy!
Theo chỉ số được gọi là “Cuộc sống tốt đẹp hơn” (Better Life) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đề ra, Úc Đại Lợi của tôi bóp còi qua mặt những nước khác về những yếu tố tạo nên hạnh phúc cho con người như: mức thất nghiệp thấp (tại Úc Đại Lợi số người thất nghiệp chỉ chiếm có 5,5 phần trăm; tại các nước trong khu vực Đồng Euro, tỷ lệ này lên đến 12,1 phần trăm), mức thu nhập trung bình của một người Úc sau khi đã trừ thuế và nợ nhà là 28.884 Úc kim (trong khối các nước có kỹ nghệ phát triển, thu nhập trung bình chỉ có khoảng 23.047 Úc kim). Từ 21 năm qua, tăng trưởng kinh tế của Úc Đại Lợi chưa một lần suy giảm, kể cả trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi năm 2009. Điều đáng kể hơn cả là khí hậu và môi trường sống của Úc Đại Lợi. Về điểm này thì chắc chắn người dân các nước khác phải ghen với dân Úc mà thôi! Tuổi thọ trung bình hiện nay của người Úc là gần 82 tuổi. Trong khối các nước có kỹ nghệ phát triển, tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 80 (VL, 31/5/2013).
Đọc xong bản tin này, tôi thấy thật hãnh diện được làm công dân Úc. Nhưng liệu  tất cả mọi người dân Úc có thực sự “cảm thấy” hạnh phúc như cụ bà trong nhóm đi bộ “tứ nhân bang” mà tôi gặp mỗi ngày không? Bài bình luận của ký giả Michael Pascoe trên báo Brisbanetimes số ra ngày 28 tháng 5 vừa qua cho rằng Úc Đại Lợi là “một đất nước tương đối tốt đến nỗi dân chúng không nhận ra điều đó”. Tôi cũng không tin rằng vì Úc có những chỉ số “hạnh phúc” hàng đầu thế giới mà đương nhiên số người Úc cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn các nước khác. Các cuộc thăm dò ý kiến thường cho thấy con số người dân tại một số nước nghèo cảm thấy hài lòng với cuộc sống có khi lại nhiều hơn các nước có chỉ số hạnh phúc cao. Tại “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa, độc lập-tự do-hạnh phúc” chẳng hạn, số người nghèo mạt rệp nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc đâu phải là ít.
Hạnh phúc là điều rất tương đối và chủ quan, bởi vì nó là một tâm trạng cá nhân có khi không lệ thuộc vào những thước đo được gọi là chỉ số hạnh phúc.
Theo phân tách của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, có ba yếu tố có thể góp phần làm cho con người cảm thấy hạnh phúc. Ba yếu tố đó là: tiền của, sức khỏe và tình bạn.
Tiền của hay điều kiện vật chất dĩ nhiên ảnh hưởng đến hạnh phúc của con người. Chỉ có người ngu mới chối bỏ tầm quan trọng của những yếu tố vật chất đối với hạnh phúc hay phúc lợi của con người. Ngay cả một vị ẩn sĩ giam mình trong một hang động trên núi cao cũng cần phải có quần áo và thức ăn. Không có những điều kiện vật chất tối thiểu, con người khó có thể sống xứng với phẩm giá của mình. Nhưng tiền của không những không bao giờ thỏa mãn được lòng tham của con người, mà thường lại là nguyên nhân gây ra tranh chấp, giành giựt ngay cả trong cùng một gia đình. Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định: “Tiền của không bảo đảm cho hạnh phúc”. Ngài cho biết không thiếu những người giàu có, ngay cả tỷ phú, mà Ngài đã gặp gỡ tâm sự rằng họ không cảm thấy hạnh phúc. Tiền của tạo ra một thứ tổ kén để giam hãm con người vào nỗi cô đơn.
Còn sức khỏe thì sao? Chắc chắn sức khỏe là một yếu tố quan trọng góp phần vào hạnh phúc của con người. Phần lớn trong chúng ta, ai cũng đã một lần cảm nghiệm được rằng khi đau đớn bệnh tật triền miên, giữ được một thái độ tích cực hay an nhiên vui sống không phải là điều dễ dàng. Ai cũng nhận thấy là để có thể vui sống cần phải ăn ngon, ngủ kỹ và vận động cơ thể. Tuy nhiên, sức khỏe thể lý không phải là yếu tố duy nhất mang lại hạnh phúc cho con người. Thiếu gì những người có thân hình lực sĩ, sức khỏe không chê vào đâu được, vậy mà vẫn có thể cảm thấy không hạnh phúc. Thiếu gì những người đói ăn, ốm yếu tại những nước kém phát triển vẫn cảm thấy hạnh phúc. Ngay cả những người già cả, ho hen, đi đứng không vững biết đâu vẫn cảm thấy hạnh phúc. Sức khỏe thể lý là điều cần thiết cho hạnh phúc nhưng chắc chắn không phải là yếu tố tối hậu. Hạnh phúc đích thực nằm ở nội tâm, mà nội tâm có khi lại chẳng lệ thuộc vào sức khỏe thể lý.
Sang đến yếu tố thứ ba góp phần mang lại hạnh phúc cho con người là tình bạn, ai trong chúng ta lại chẳng thấy “ấm lòng” khi có bạn hữu để trò chuyện, để chia sẻ kinh nghiệm hay chỉ để hiện diện bên nhau. Là những con vật có tính xã hội, mối quan hệ với người khác là điều thiết yếu cho hạnh phúc của chúng ta. Tuy nhiên, bạn hữu cũng có trăm thứ bạn hữu. Có người chỉ có “bè” mà không có “bạn”, nghĩa là không có những người tâm giao mà mình có thể tin tưởng và chia sẻ. Bạn theo kiểu “còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết ông tôi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm), chỉ mang lại trống rỗng và  cay đắng hơn là hạnh phúc. Một tình bạn đích thực chỉ có thể được xây dựng trên sự tin tưởng và lòng cảm mến. Hai thứ tình cảm này lại chỉ xuất phát từ nội tâm của mỗi người hơn là sự hiện diện của người khác. Do đó, ngay cả khi ở một mình, con người cũng vẫn có thể cảm thấy tràn đầy tin tưởng và yêu mến đối với người khác. Cô độc không đương nhiên làm cho con người cô đơn. Như vậy, tình bạn, nếu hiểu như là sự hiện diện của người khác, chưa hẳn là điều thiết yếu để mang lại hạnh phúc cho con người (x.His Holiness The Dalai Lama, Beyond Religion, Ethics for a Whole World, Rider, Sydney, 2012 trg 31-38).
Được bậc thày về hạnh phúc như Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích, tôi càng xác tín rằng hạnh phúc nằm trong tâm trạng con người hơn là xuất phát từ những điều kiện khách quan bên ngoài. Nghèo mà vẫn thấy hạnh phúc. Sống xa chốn phồn hoa, ít được người đời biết đến mà vẫn cảm thấy hạnh phúc. Và nhứt là và ngay cả khi bệnh hoạn ốm đau, cũng vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma đề nghị: hãy thử tưởng tượng hai người cùng một lúc được chẩn đoán bị ung thư trong giai đoạn cuối. Một người sẽ tỏ ra giận dữ khi nhận được tin ấy và cho rằng đời “bất công”. Người kia có thể tỏ ra bình thản và chấp nhận. Trong cả hai trường hợp, điều kiện vật chất, tức sức khỏe thể lý và sự đau đớn, đều như nhau. Nhưng người thứ nhứt lại có thêm nỗi đau tâm lý và cảm xúc, trong khi người thứ hai vì có tâm trạng bình thản cho nên được trang bị tốt hơn để chấp nhận cuộc sống và tiếp tục thụ hưởng những gì mà cuộc sống có thể mang lại. Sự khác biệt giữa hai người nằm trong tâm trạng hơn là điều kiện khách quan. Với lòng quả cảm, sự cương quyết, ngay cả trong những hoàn cảnh nghiệt ngã, con người vẫn có thể duy trì được hạnh phúc. Nói cách khác, nếu không có nội lực thì không có bất cứ một sự thỏa mãn nào có thể làm cho chúng ta cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Nhưng cũng theo nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, “nếu sự an bình nội tâm là thuẩn đỡ đầu tiên giúp chúng ta chống lại những khó khăn và đau khổ, thì cũng có những yếu tố khác góp phần mang lại hạnh phúc và niềm vui đích thực. Những cuộc nghiên cứu khoa học gần đây cho rằng yếu tố quan trọng nhứt là ý thức về mục đích (của cuộc sống) vốn vượt qua quyển lợi trước mắt và cảm nhận được mối liên kết với người khác hay với một cộng đồng. Cội rễ của những yếu tố đó, theo tôi nghĩ, là sự cảm thông hay nhiệt tâm” (sđd trg 39).
Bây giờ thì tôi hiểu được tại sao lúc nào Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nở nụ cười trên môi. Đã từng là một nguyên thủ quốc gia phải bỏ nước ra đi lưu vong và trong hơn 50 năm qua đã phải chứng kiến không biết bao nhiêu nỗi khổ đau mà Trung Cộng giáng xuống trên dân tộc của mình, thì dù có là “Phật sống”, bản thân ngài hẳn cũng đã nếm trải khổ đau và dĩ nhiên cũng đã từng biết thế nào là thương khóc. Nhưng trong tất cả những lần xuất hiện trước công chúng, dường như lúc nào Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đều có sẵn nụ cười trên môi. Chắc chắn đó chỉ có thể là một nụ cười của hạnh phúc và hạnh phúc vì lúc nào cũng biết cảm thông với người khác, ngay cả với kẻ thù mà ngài luôn xem như “nạn nhân” của tham lam, của quyền lực, của hận thù. Họ cũng cần được giải thoát như bất kỳ con người nào.

Tôi đang sống trong một quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhứt thế giới. Tôi luôn cảm nhận được điều đó. Tôi hãnh diện được làm công dân của đất nước này. Nhưng nếu tôi không có sự cảm thông trong tâm hồn, nếu tâm tình ấy không được tôi trau dồi và nuôi dưỡng mỗi ngày, thì dù có hưởng được mọi chỉ số hạnh phúc tốt nhứt trên thế giới này, tôi sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc đích thực.

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Nga: Cộng sản và Tôn giáo


23.12.16
Mặc dù trên danh nghĩa chế độ cộng sản đã chính thức cáo chung tại Nga, ngày 7 tháng 11 vừa qua, vẫn có hàng chục ngàn người tập trung tại Thủ đô Mạc Tư Khoa để kỷ niệm biến cố thường được mệnh danh là cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga. Biến cố này sẽ tròn 100 tuổi vào năm tới.
Chế độ cộng sản đã bị khai tử. Chủ nghĩa cộng sản đã chết ngay tại cái nôi khai sinh ra nó. Nhưng Đảng Cộng sản Nga thì vẫn tồn tại. Ngoại trừ Bắc Hàn, những nước cộng sản còn rơi rớt lại trên thế giới đã chạy theo chủ nghĩa tư bản “đang dẫy chết” để bảo vệ chế độ độc tài. Riêng tại Nga, đảng cộng sản còn tỏ ra “cách mạng” hơn khi ve vãn tôn giáo. Sau nhiều thập niên lấy chủ nghĩa vô thần làm quốc giáo và đè bẹp mọi niềm tin tôn giáo, nay những người cộng sản Nga lại quay về với Giáo hội Chính thống. Đây là tôn giáo của phần lớn người dân Nga hiện nay.
Có mặt trong cuộc biểu dương lực lượng nhân ngày kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga tại Thủ đô Mạc Từ Khoa vừa qua, cụ bà Tamara Lavrischeva, một tín đồ chính thống giáo thuần thành, đã nói với phóng viên của Đài Aljazeera: “Chúa Giêsu Kitô là người Cộng sản đầu tiên trên thế giới”.  Theo bà, Chúa Giêsu đã dạy: “Người chớ tích lũy của cải trần thế. Sau khi chết, ngươi sẽ chẳng mang chúng theo được đâu!” Cố gắng nói to giữa những bài ca thịnh hành thời Cộng sản cùng với rừng biểu ngữ có hình búa liềm và chân dung của các “thánh” cộng sản như đồ tể Joseph Stalin và ngay cả đương kim Tổng thống Vladimir Putin, bà Lavrischeva nói: “Và những người cộng sản cũng nghĩ như thế”, nghĩa là cũng có cùng một suy nghĩ như Chúa Giêsu.
Vừa nhún vai vừa cười mỉm, cụ bà 78 tuổi này phủ nhận tất cả những vụ tàn sát, giam tù và bách hại đối với hàng triệu giáo sĩ và tín hữu chính thống giáo dưới thời Cộng sản.
Theo phóng viên của Đài Aljazeera, những gì  bà Lavrischeva vừa nói không chỉ là ý kiến của một người phụ nữ già nua muốn hòa giải niềm tin tôn giáo của mình với những lý tưởng của thời tuổi trẻ trong chế độ vô thần. Sự kiện bà Lavrischeva chối bỏ những cuộc bách hại dã man đối với Giáo hội Chính thống phản ảnh xu hướng hiện nay của Đảng cộng sản Nga.
25 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Đảng cộng sản Nga đã chính thức ve vãn Giáo hội Chính thống. Ông Gennady Zyuganov, đương kim bí thư Đảng cộng sản Nga, đã nhiều lần gọi Chúa Giêsu là người “Cộng sản đầu tiên” trên thế giới!
Trong một tài liệu dài về tôn giáo được soạn thảo hồi năm 2012, ông Zyuganov khẳng định: “Cộng sản và Giáo hội Chính thống phải liên kết với nhau. Đây là một nghĩa vụ thánh thiêng”. Theo ông, Cộng sản và Giáo hội Chính thống đều “có chung mục tiêu và kẻ thù”. Những mục tiêu mà ông Zyuganov cho rằng Cộng sản và Giáo hội Chính thống chia sẻ với nhau là kiểm duyệt “thói đồi trụy và bạo động” trong các phương tiện truyền thông, bứng tận gốc rễ chủ nghĩa tự do và “quan niệm về nhân quyền” của Tây Phương, đồng thời sử dụng hệ thống thông tin và giáo dục tính dục của chính phủ trong các trường học.
Dân số Nga hiện nay có khoảng 143 triệu người. Trong số này hai phần ba theo Chính Thống Giáo. Theo các cuộc thăm dò, hầu hết chỉ là tín đồ chính thống trên danh nghĩa. Tuy nhiên, họ vẫn tạo thành một lực lượng mà không một đảng phái chính trị nào có thể làm ngơ.
Cho tới nay,  trong bất cứ cuộc biểu tình nào, Đảng cộng sản Nga cũng vẫn có thể dễ dàng tập trung được hàng chục ngàn ủng hộ viên từ Giáo hội Chính thống. Ông Zyuganov đã bốn lần tranh cử tổng thống và lần nào ông cũng về nhì. Kể từ năm 1993, Đảng cộng sản vẫn luôn chiếm được 10 phần trăm số ghế trong viện Duma, tức Hạ viện Nga. Với số ghế này, Đảng cộng sản Nga hiện đang là lực lượng chỉ đứng sau đảng cầm quyền.
Trong thực tế, theo nhận định của phóng viên của Đài Aljazeera, Đảng cộng sản Nga chỉ là một tên khổng lồ với hai bàn chân bằng đất sét. Từ nhiều năm nay, sự ủng hộ của dân chúng Nga dành cho đảng này ngày càng phai nhạt. Con số những thành phần  trung thành với đảng ngày càng già nua. Tuổi trung bình của các đảng viên hiện nay là 56. Số đảng viên chính thức chỉ còn 155.000 người. So với thời Liên Xô, đây chỉ là một con số không, bởi vì cho đến năm 1989, số đảng viên cộng sản lên đến 19.5 triệu người. Những bài diễn văn của ông bí thư Zyuganov, vốn dài dòng , sáo ngữ và rỗng tuếch như các bài phát biểu của hầu hết các lãnh tụ cộng sản, không đủ sức thu hút giới trẻ hoặc giai cấp trung lưu tại các đô thị.
Đảng Cộng sản Nga muốn mở rộng hàng ngũ và được dân nghèo ủng hộ. Đảng này đã đánh bóng lại hình ảnh của đồ tể Stalin, người mà tên tuổi đã bị bộ chính trị kết án  năm 1956. Họ đã đưa sự hiện diện của ông lên các trang mạng . Họ đã chiêu mộ nhà vật lý học đã từng được tặng giải Nobel, một phi hành gia và một tướng về hưu lên hàng đầu trong danh sách các ứng cử viên tranh cử vào Quốc hội Nga dạo tháng 9 vừa qua.
Nhưng lá bài quan trọng hơn cả lại là tôn giáo: Đảng Cộng sản Nga đã quay 180 độ lại với Giáo hội Chính thống. Đây là cuộc vận động mà các nhà xã hội học gọi là “dân túy”. Ông Denis Volkov, thuộc Trung tâm Levada, viện thăm dò dư luận độc lập cuối cùng tại Nga, giải thích rằng “một cách nào đó, các tín đồ mộ đạo nhất phần lớn đều là các phụ nữ có tuổi, những người lãnh trợ cấp...họ là những cử tri chính dồn phiếu cho Đảng cộng sản”.
Về phẩn mình, Giáo hội Chính thống cũng đáp trả lại thái độ cởi mở của Đảng cộng sản một cách lịch sự và tích cực. Năm 2014, được Hãng Thông tấn Interfax của Nga trích dẫn, Thượng phụ giáo chủ Chính thống Nga Kirill nói rằng “tất cả mọi lực lượng chính trị cần phải liên kết với nhau để bảo vệ những giá trị của đức tin, luân lý, văn hóa và sự thống nhất của quốc gia”. Nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga đã đưa ra lời tuyên bố trên đây khi trao huy chương cao quý nhất của Giáo hội có tên là “Vinh quang và Danh dự” cho ông Zyuganov nhân dịp sinh nhật thứ 70 của ông này.
Dạo tháng 2 vừa qua, đến lượt ông Zyuganov lại chúc mừng Thượng phụ Kyrill nhân dịp kỷ niệm 5 năm nhà lãnh đạo tôn giáo này nhậm chức thượng phụ. Lãnh tụ cộng sản Nga đã nói với Thượng phụ Kyrill: “Một trong những sai lầm lớn nhất của các vị tiền nhiệm của tôi là đã xa lìa Giáo hội”.
Thật ra, các lãnh tụ cộng sản không chỉ xa lìa Giáo hội. Trước ông Mikhail Gorbachev, tất cả mọi lãnh tụ cộng sản đều đã tìm cách nhổ tận gốc tôn giáo, dù đó là Do Thái Giáo, Phật Giáo hay bất cứ niềm tin tôn giáo nào. Kinh Thánh và các di tích thánh của các tôn giáo đều bị phá hủy, các cơ sở tôn giáo đều bị san bằng, chà đạp hoặc biến thành chuồng súc vật, trường học hay nhà kho.
Lenine đã từng ấn định con số các linh mục chính thống giáo phải bị hành quyết. Ông ra lệnh: “càng nhiều càng tốt”. Bộ chính trị đã ủng hộ chính sách lấy chủ nghĩa vô thần làm quốc giáo. Tôn giáo vô thần này tuyên xưng rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ toàn thắng trên khắp thế giới. Bên cạnh chủ nghĩa vô thần, người cộng sản còn đưa Lenine lên hàng thần thánh để thay thế các vị thánh và các vị tử đạo của các tôn giáo.
Ý thức hệ này được áp đặt xuyên qua một bộ máy tuyên truyền nhằm kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống người dân và tẩy não trẻ con ngay từ lúc chập chững bước vào trường học. Một trong những tổ chức giới trẻ cộng sản đầu tiên có tên gọi là “Quỷ đỏ nhỏ”.
Nhận thấy không thể tiêu diệt được tôn giáo, các chính quyền cộng sản Nga đành phải kiểm soát các tổ chức tôn giáo bằng cách chiêu dụ và biến một số giáo sĩ thành nhân viên KGB (Komitet Gosudarstvennoi Bezopanosti: cơ quan mật vụ Nga)
Đầu thập niên 1990, một ủy ban quốc hội do Linh mục kiêm chính trị gia Gleb Yakumin làm chủ tịch đã cho phổ biến một số tài liệu của KGB. Tài liệu này cho thấy một số nhân vật thuộc hàng giáo phẩm của Giáo hội Chính thống Nga, trong số này có cả đương kim Thượng phụ Kyrill, đã từng là điểm chỉ viên của KGB.
Giáo hội Chính thống Nga đã bác bỏ những cáo buộc do Linh mục Yakumin cho phổ biến. Linh mục này không những bị bãi nhiệm mà còn bị Giáo hội ra “vạ tuyệt thông”, nghĩa là trục xuất ra khỏi Giáo hội. Ông đã gia nhập vào một giáo phái. Nhiều lần ông đã bị những kẻ lạ mặt tấn công và đánh đập tàn nhẫn.
Nhưng ngày nay, chính người cộng sản lại cho rằng vì vô thần mà Liên Xô đã sụp đổ. Dạo tháng 7 vừa qua, ông Vadim Potomsky, Tỉnh trưởng Tỉnh Oryol, miền Tây Nga, thuộc đảng cộng sản, đã tuyến bố: “Chủ nghĩa vô thần đã tiêu diệt Liên Xô”.
Về phần mình, thỉnh thoảng Bí thư Zyuganov cũng nhắc đến Hồi giáo và Phật giáo. Tuy chỉ là thiểu số, hai tôn giáo này cũng có một chỗ đứng đáng kể trong xã hội Nga. Ông Zyuganov cho rằng “nếu Chúa Giêsu, Tiên tri Mahomet và Đức Phật Thích Ca không phải là những vị tiên tri, thì các ngài cũng đã từng là những người cộng sản một trăm phần trăm”.
Quay 180 độ với các tôn giáo, Bí thư Zyuganov vẫn giữ nguyên cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản. Ông cam kết sẽ quốc hữu hóa kỹ nghệ đầu khí của Nga, tái lập chính sách bao cấp và chống lại “chủ nghĩa tư bản thối rữa” của Tây Phương.
Tuy nhiên, thay vì kêu gọi giai cấp vô sản trên toàn thế giới đứng lên, Đảng Cộng sản Nga lại đề cao chủ nghĩa dân tộc và khai thác niềm nhung nhớ của dân Nga về một thời quá khứ huy hoàng của Đế quốc Liên Xô. Dĩ nhiên, không thể có một đế quốc Nga hùng mạnh nếu không có Giáo hội Chính thống!
Thật ra, với một chủ trương hổ lốn, tức pha trộn ý thức hệ cộng sản với tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc, Đảng Cộng sản Nga hiện cũng chỉ là một thứ công cụ của Đảng cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin, tức Đảng Thống Nhất Nga. Trong những năm qua, Đảng Cộng sản Nga luôn ủng hộ tất cả những chính sách gây tranh cãi nhất của Tổng thống Putin như đem quân xâm chiếm Crimea của Ukraine, ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad của Syria và cho không quân oanh tạc vô tội vạ xuống Syria. Đảng Cộng sản Nga cũng luôn đứng đàng sau những cuộc cải tổ đầy bất công của Tổng thống Putin như cắt giảm an sinh xã hội.
Đảng Cộng sản Nga phải o bế Giáo hội Chính thống thôi, bởi vì Đảng Thống Nhất Nga mà Đảng cộng sản hiện đang là một công cụ hiện cũng đang ve vãn Giáo hội này. Được ve vãn đến độ Thượng phụ Kyrill đã không tiếc lời để gọi thời của Putin là một “phép lạ của Chúa”. Lãnh tụ Giáo hội này đưa ông Putin lên chín tầng mây là phải, bởi vì hồi năm 2012, khi 3 cô ca sĩ của nhóm “Pussy Riot” vào một nhà thờ để thực hiện một ca khúc trong đó có lời cầu xin Đức Mẹ hạ bệ ông Putin, chính phủ đã ra lệnh tống giam 3 cô này. Ngoài ra, chính phủ còn bỏ ra hàng tỷ đồng Nga để tài trợ cho việc trùng tu các thánh đường của Giáo hội.
Đảng Cộng sản Nga là công cụ của Đảng Thống Nhất Nga hay Đảng Thống Nhất Nga là tên gọi khác của Đảng cộng sản? Điều đáng suy nghĩ là trong các cuộc biểu tình kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga, dĩ nhiên với sự tham dự của nhiều tín hữu chính thống, người ta lại thấy hình ảnh của ông Putin bên cạnh các lãnh tụ cộng sản như Lenine và Staline.
(nguồn:http://www.aljazeera.com/indepth/features/2016/12/russia-communist-party-turns-orthodox-church)






Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Giáng Sinh đại đồng






Chu Thập
23.12.16
Cái xóm nhỏ của tôi, nằm giữa hai con đường cụt, với vỏn vẹn trên dưới 30 nóc nhà, vậy mà mùa Giáng Sinh nào cũng làm sáng rực lên cả một góc trời. Hầu như nhà nào cũng giăng đèn kết hoa và bày tỏ dấu hiệu cho biết họ đang mừng Giáng Sinh. Chỉ có điều: người ta mừng Giáng Sinh, nhưng xem ra không nhắc tới câu chuyện Giáng Sinh. Nhìn kỹ vào bất cứ ngôi nhà nào trong xóm tôi, tôi chẳng thấy có hình tượng nào của Hài Nhi Giêsu, nhân vật chính của câu chuyện Giáng Sinh. Những nhân vật khác như Thánh Giuse và ngay cả Mẹ Maria cũng không thấy xuất hiện. Tôi cũng chẳng thấy bóng dáng của một vị thiên thần hay một chú mục đồng nào cả. Ngay cả biểu tượng thơ mộng nhứt của lễ Giáng Sinh là hang đá Bê lem hay máng cỏ và mấy chú bò, lừa cũng biến đâu mất. Thay vào đó là ông già Noel, mấy con sơn dương Bắc Âu, cây thông Giáng Sinh và như trên ban công nhà của người hàng xóm gần nhứt của tôi, tôi lại thấy có một chú vịt Donald và hình thù một con thú khác mà tôi không thể xác định được chủng loại. Nói chung, người ta mừng lễ Giáng Sinh mà không màng hay cũng có thể hoàn toàn mù tịt về câu chuyện Giáng Sinh. Tôi không biết trong cuộc kiểm tra dân số vừa qua, những người hàng xóm của tôi đã ghi như thế nào vào mục tôn giáo. Riêng tôi đã âm thầm làm một cuộc thăm dò về sinh hoạt tôn giáo trong xóm tôi. Kết quả cuộc điều tra bỏ túi của tôi cho thấy ngoài gia đình tôi và một bà góa người Phi Luật Tân, hầu như chẳng có cư dân nào trong xóm của tôi đến nhà thờ hay một nơi thờ phượng vào mỗi ngày chúa nhựt cả. Vậy mà theo cuộc kiểm kê dân số vừa qua, có đến 61 phần trăm người Úc tự nhận là tín hữu Kitô.
Tôi không ngạc nhiên tại sao cư dân của xóm tôi không màng hay không có hiểu biết nào về câu chuyện Giáng Sinh. Cách đây không lâu, trong chương trình đố vui có thưởng “The Chase” được chiếu trên Đài số 7, người điều khiển cuộc thi đấu có ra câu đố: người chồng của Mẹ Maria, tức người phụ nữ đã sinh ra Chúa Giêsu, tên gì? Nếu câu hỏi này được đặt ra trong một chương trình thi giáo lý cấp vỡ lòng dành cho các thiếu nhi công giáo người Việt Nam ở Úc, thì chắc chắn chẳng có em nào mà chẳng trả lời được. Vậy mà một người “Chaser”, tức người được xem là bất cứ chuyện gì “trên trời dưới đất” cũng đều thông biết cả, lại ú ớ.
Lễ Giáng Sinh ở Úc hay tại nhiều nước Tây Phương khác và khắp nơi trên thế giới ngày nay có thể là lễ Giáng Sinh không có câu chuyện Giáng Sinh. Tôi biết có nhiều vị lãnh đạo của Kitô Giáo và nhứt là nhiều chính trị gia “sùng đạo” hơn cả giáo hoàng, không hài lòng về cách mừng lễ Giáng Sinh như thế. Như đương kim Tổng trưởng Di trú Úc, ông Peter Dutton chẳng hạn. Ông tổng trưởng thích đưa ra những lời tuyên bố gây tranh cãi này đã tỏ ra rất khó chịu khi người ta mừng Giáng Sinh mà chẳng chịu hát bài thánh ca Giáng Sinh nào. Lên tiếng trong một buổi hòa nhạc nhân dịp cuối năm tại một trường trung học của Tiểu bang Queensland, ông Dutton đã thắc mắc tại sao không nghe người ta hát bài thánh ca Giáng Sinh nào cả. Còn lời cầu chúc quen thuộc “We Wish You A Merry Christmas” thì lại được chế thành “we wish you a happy holiday”. Câu chuyện Giáng Sinh đã biến mất, mà ngay cả hai tiếng “Giáng Sinh” cũng chỉ còn là “Lễ nghỉ” mà thôi!
Có lẽ điên tiết chăng, ông tổng trưởng di trú mới lên lớp để nhắc lại cho cử tọa biết rằng “đại đa số dân Úc muốn nghe các bài thánh ca Giáng Sinh”.
Viết trên báo The Sydney Morning Herald, số ra ngày 17 tháng 12 vừa qua, một nhà bình luận ký tên là Duncan Fine cho rằng thái độ của Tổng trưởng Di trú Dutton gợi lại điều thường được gọi là “cuộc chiến về Giáng Sinh” (the war on Christmas) tại Hoa Kỳ. Từ một thập niên qua, cứ mỗi dạo Giáng Sinh về, người ta lại thấy nhiều người đứng ra hô hào phải chống lại hay bài trừ khuynh hướng muốn dẹp bỏ nội dung tôn giáo của ngày lễ. Mới đây, trước một đám đông ủng hộ viên tại Tiểu bang Wisconsin, tổng thống tân cử Donald Trump đã đứng trước một hàng cây thông Giáng Sinh để hô hào chống lại khuynh hướng tục hóa lễ Giáng Sinh. Ông nói rằng ông có mặt trong cuộc biểu tình là để nói “Merry Christmas” chớ không phải “Happy Holidays”. Cùng với ông, những người tuyên chiến với phong trào tục hóa lễ Giáng Sinh cho rằng chỉ xem lễ Giáng Sinh đơn thuần như “một ngày lễ nghỉ” là một hành động xúc phạm đến Kitô Giáo.
Bình luận gia Duncan Fine viết rằng ông rất ngạc nhiên tại sao Tổng trưởng Di trú Dutton đã tỏ ra rất quan tâm đến ý nghĩa của lễ Giáng Sinh, nhưng lại tỏ ra dửng dưng và tàn bạo khi đối xử với những người tầm trú tại Nauru và Manus Island. Và tôi cũng vậy.
Theo ký giả này, “Giáng Sinh thuộc về tất cả mọi người chúng ta, mang lại niềm hy vọng cho tất cả mọi người chúng ta, bất luận có tôn giáo hay không. Bởi lẽ, chúng ta dừng lại, quan tâm và nối lại các mối quan hệ tầm thường nhưng sâu xa trong cuộc sống. Đó là những mối quan hệ làm cho chúng ta trở nên nhân bản hơn”.
Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm trên đây của nhà bình luận Duncan Fine. Giáng Sinh là di sản chung của nhân loại. Mọi người có mặt trên trái đất này đều có quyền mừng lễ Giáng Sinh theo cách thế của họ. Cho dẫu câu chuyện Giáng Sinh không được nhắc đến, cho dẫu tên gọi “Giáng Sinh” cũng bị chối bỏ và ngay cả cho dẫu nhân vật chính của câu chuyện Giáng Sinh là Hài Nhi Giêsu cũng không được màng tới đi nữa, cho dẫu cuối cùng Kitô Giáo có biến khỏi mặt đất này, nhưng bao lâu cốt lõi của sứ điệp mà ngày lễ này gợi lên là tình người vẫn còn đó thì mãi mãi lễ Giáng Sinh sẽ chẳng bao giờ bị xóa bỏ khỏi ký ức chung của nhân loại.
Xét cho cùng, bao lâu điều quan trọng nhứt trong cuộc sống con người là tình người còn thì lễ Giáng Sinh, dù có gọi bằng bất cứ danh hiệu nào, vẫn còn đó. Và dĩ nhiên, được kể lại một cách khác, câu chuyện Giáng Sinh cũng vẫn còn đó.
Tôi không biết chủ bút của Tạp chí Time, bà Nancy Gibbs, có cùng một ý nghĩ như tôi không. Trong bài giới thiệu số kép ra cuối năm nay và đầu năm tới, Chủ bút Tạp chí Time viết rằng “trong cuộc đời của một người phụ nữ, ít có những giây phút nào đáng sợ hơn cho bằng khi người phụ nữ sinh con, đưa vào đời người lữ hành mà chị đã cưu mang 9 tháng trời và sau đó lần đầu tiên trực tiếp gặp gỡ người ấy”.
Đó là cuộc vượt cạn bình thường của bất cứ một người mẹ nào. Còn khi người mẹ phải vượt biên để đứa con của mình phải chào đời nơi đất khách quê người, Chủ bút Nancy Gibbs, người có lẽ chưa một lần cảm nghiệm được thế nào là vượt biên, đã  viết rằng bà không thể hiểu được một tình cảnh như thế. Đúng là đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Chưa một lần vượt biên thì làm sao hiểu được tâm trạng của người tỵ nạn. Chưa một lần vượt cạn thì làm sao hiểu được nỗi đau đớn của người đàn bà khi sinh con và nhứt là khi phải cho con chào đời nơi đất khách quê người.
Chính vì muốn đánh động thế giới về thảm kịch của người tầm trú và tỵ nạn, nhứt là các thai phụ mà  tạp chí Time đã đặt tựa đề cho số báo ra cuối năm nay và đầu năm tới là “đi tìm một ngôi nhà” (finding home). Và cùng với tựa đề này, Tạp chí Time cho đăng ở trang bìa hình của một bé gái Syria tên là Heln, chào đời trong một trại tỵ nạn tại Hy Lạp ngày 13 tháng 9 vừa qua.
Sở dĩ tạp chí Time muốn đánh động thế giới về thảm kịch của người tỵ nạn và tầm trú là bởi vì, như Chủ bút Nancy Gibbs đã trích dẫn lời của Đức Phanxicô, sự dửng dưng của con người trước thảm kịch người tỵ nạn hiện đang bị toàn cầu hóa (globalization of indifference).
Hình ảnh của người phụ nữ phải bỏ nhà cửa để ra đi và sinh con nơi đất khách quê người, như được Chủ bút Nancy Gibbs gợi lên, không thể không làm cho tôi liên tưởng đến câu chuyện Giáng Sinh. Theo câu chuyện này, cách đây hơn 2000 năm, người phụ nữ tên là Maria, đang bụng mang dạ chửa, đã phải lên đường đi đến một vùng xa xôi và tại đây bà và chồng bà đã đi gõ cửa mọi khách trọ, nhưng đều nhận được câu trả lời “hết chỗ rồi”. Và chính vì “hết chỗ rồi” cho nên họ không còn một chọn lựa nào khác là chui vào một chuồng súc vật. Hài Nhi Giêsu đã chào đời tại đó. Sinh con trong một chuồng súc vật chắc chắn không phải là một cảnh thi vị như các tín hữu Kitô thường tượng tượng mỗi khi nhìn ngắm hang đá và máng cỏ dưới ánh đèn mầu.
Câu chuyện Giáng Sinh như đã từng xảy ra cách đây hơn 2000 năm có lẽ cũng được lập lại trong cảnh vượt biên và vượt cạn của những người phụ nữ tỵ nạn của thời hiện đại. Hài Nhi Giêsu một cách nào đó cũng nhập thể lại trong bất cứ một thơ nhi nào chào đời trong một hoàn cảnh tương tự hay còn tệ hơn. Và như vậy, không nhứt thiết phải chờ đến ngày 25 tháng 12, chuyện Giáng Sinh đã và đang xảy ra hàng ngày và lễ Giáng Sinh cũng có thể được cử hành mỗi ngày.
Người ta có thể mừng Giáng Sinh mà không biết hoặc vì một lý do nào đó không màng tới câu chuyện Giáng Sinh. Nhưng lễ Giáng Sinh ngày nay sẽ hoàn toàn vô nghĩa và niềm vui Giáng Sinh cũng sẽ chỉ là một niềm vui giả tạo nếu câu chuyện Giáng Sinh của thời đại, như được Tạp chí Time muốn gợi lên, không được lắng nghe bằng tình liên đới và sự cảm thông. Và dĩ nhiên, cùng với câu chuyện Giáng Sinh của thời đại, còn có biết bao nhiêu câu chuyện Giáng Sinh khác xảy ra trong cuộc sống mỗi ngày.
Tôi không có thói quen trưng bày trong nhà hay ngoài ngõ  bất cứ biểu tượng nào của lễ Giáng Sinh. Ngay cả có khi tôi cũng chẳng đến nhà thờ trong ngày lễ Giáng Sinh. Còn thánh ca thì từ lâu rồi, tôi cũng chẳng còn hát nữa. Tôi có thói quen chào hỏi mọi người dù quen hay lạ mỗi ngày khi chạy bộ. Thế nhưng mấy hôm nay, tôi có thể tự cảm thấy được ánh mắt tôi sáng hơn, cái bắt tay của tôi cũng siết chặt hơn và lời chào mừng một ngày mới của tôi với những người tôi gặp khi chạy bộ trong mùa Giáng Sinh này cũng chân thành hơn bao giờ hết. Tôi thấy mình càng lúc càng thật sự muốn sống tinh thần Giáng Sinh hơn là “mừng” Giáng Sinh. Giáng Sinh năm nay, tôi thêm một tuổi, tôi “già đầu” hơn nhưng tôi vẫn cần đang phải học để làm một người trưởng thành. Trưởng thành để sống tinh thần Giáng Sinh và chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với tất cả mọi người bất kể họ là ai.
Câu chuyện Giáng Sinh như được Kinh Thánh ghi lại thì dĩ nhiên, tôi đã thuộc làu. Rất nhiều người cũng thuộc làu. Tôi thấy mình không những nên suy niệm câu chuyện của 2000 năm trước mà cần phải thao thức và đồng cảm với những câu chuyện Giáng Sinh của hôm nay. Câu chuyện những hài nhi vượt biên, câu chuyện những hài nhi chết trôi, những hài nhi mất cha mẹ trên con đường tìm một mái nhà.
Giáng Sinh đã trở nên đại đồng thì sự thương cảm chẳng lẽ không đại đồng.







Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Một năm dối trá


Chu Thập
16.12.16

Tạp chí Time có một thế giá đặc biệt trong việc hướng dẫn dư luận trên thế giới. Cứ mỗi dịp cuối năm, khi tạp chí này chọn “người của năm” thì cả thế giới đều chú ý đến người đó. Tốt xấu, tài ba đức độ hay vĩ cuồng, độc ác đều có cả. Năm nay, tất cả mọi con mắt trên thế giới đều hướng về tổng thống tân cử của Hoa Kỳ, ông Donald Trump. Ban biên tập của tạp chí Time có lẽ đã không phải bù đầu bứt tóc trong việc chọn người của năm 2016. Còn ai nổi bật và xứng với vinh dự hay lời nguyền rủa này cho bằng ông Trump. Có ngày nào mà truyền thông thế giới không nhắc đến tên ông.
Nhưng bên cạnh việc tạp chí đã chọn ông Trump làm người của năm này, tay bỉnh bút cũng rất có thế giá của tạp chí này là nhà bình luận Joel Klein lại muốn đặt tên cho năm 2016 là “năm của dối trá”. Khi ra tòa để làm chứng hoặc cung khai, người Mỹ nào cũng giơ tay tuyên thệ “nói sự thật, toàn bộ sự thật và chỉ nói sự thật”. Tuyên thệ như thế mà “nói dối” thì phạm phải tội “bội thề”. Tội này bị xem là một hành vi phạm pháp nặng theo luật pháp của Hoa Kỳ. Có lẽ đã liên tưởng đến lời tuyên thệ này mà ông Klein đã đặt tựa đề cho bài bình luận của ông thành “Năm 2016, nói dối, toàn là nói dối và chỉ nói dối” (In 2016, lies, the whole lies and nothing but the lies)
Về những dối trá trong năm 2016, Tác giả Klein chỉ kể ra một vài sự kiện nổi bật tại Âu Châu và Hoa Kỳ. Trước hết tại Vương quốc Anh thống nhứt. Trong suốt cuộc vận động trưng cầu dân ý về “Brexit”, tức về việc nước này có nên rút ra khỏi Liên Âu hay không, bên hông của rất nhiều chuyến xe buýt, ai cũng đọc được câu quảng cáo theo đó Anh quốc đã phải đóng góp mỗi tuần 350 triệu bảng Anh cho Liên Âu và kêu gọi lấy lại số tiền này để sử dụng vào các dịch vụ y tế tại Anh. Dĩ nhiên, đây là chuyện hoàn toàn bịa đặt do phe ủng hộ “Brexit” phịa ra. Hầu hết mọi người dân Anh đều biết rằng đây là một lời dối trá trắng trợn. Vậy mà cuối cùng, phe “Brexit” đã chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý. Dĩ nhiên trước sự ngỡ ngàng và hối tiếc của đa số dân Anh.
Quay sang Hoa Kỳ, Nhà bình luận Klein nhắc đến việc bà Hillary Clinton, lúc còn làm Ngoại trưởng Mỹ, đã sử dụng địa chỉ điện thư cá nhân để gởi đi một số thông tin liên quan đến  an ninh và quốc phòng. Cơ quan Điều tra Trung ương FBI của Mỹ đã mở cuộc điều tra và kết luận rằng đây là một hành động bất cẩn hơn là phạm pháp đáng bị truy tố và “bỏ tù” như ông Trump đã từng đe dọa. Nhưng khốn nỗi, khi sự việc đổ bể, bà Clinton đã sử dụng cả một mạng lưới để che đậy hành động bất cẩn này. Bà che đậy đến độ chẳng ai hiểu được bà đã làm gì, kể cả bà. Hình ảnh của một người “lươn lẹo” đã chết cứng với hành động che đậy này và dĩ nhiên đã góp phần làm cho bà Clinton, mặc dù đã chiếm đa số phiếu phổ thông, nhưng lại thua ông Trump về phiếu cử tri đoàn.
Đó là một trong những chuyện đại sự đáng nói trong năm dối trá 2016. Chuyện nhỏ cũng ở Mỹ, nhưng được Ký giả Klein chú ý tới, vì người có liên hệ đến chuyện này là một nhân vật tiếng tăm trong giới thể thao của Mỹ. Người này chính là lực sĩ bơi lội Ryan Lochte, một trong những kình ngư đã mang nhiều huy chương vàng về cho Hoa Kỳ trong kỳ Thế vận hội tại Rio de Janeiro, Ba Tây   vừa qua. Vừa mới thi đấu và đoạt huy chương vàng, lực sĩ này phao ra một tin động trời: anh đã bị một số nhân viên có mang phù hiệu hẳn hoi dùng súng huy hiếp và trấn lột ngay tại Rio de Janeiro. Bị bể mặt, Chính quyền Ba Tây mới cho mở cuộc điều tra. Và kết quả cuộc điều tra đã cho thấy rằng sở dĩ người lực sĩ này phịa ra câu chuyện trên đây là vì trước đó tại một trạm xăng, anh đã bị một nhân viên mắng vào mặt vì đã vẽ bậy trong một phòng vệ sinh.
Chuyện của Lực sĩ Ryan Lochte thật ra cũng chỉ là chuyện nhỏ trong năm dối trá 2016. Lớn hơn, đáng chú ý hơn dĩ nhiên phải là chuyện của “người của năm 2016”, tổng thống tân cử Donald Trump. Theo nhà bình luận Klein, The National Enquirer là một tờ báo lớn ở Mỹ được ông Trump góp mặt từ nhiều năm qua. Sở dĩ báo này được ông Trump đóng góp bài vở là vì được điều hành bởi một người bạn của ông. Báo này tung tin rằng ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton đã từng mắc chứng xơ cứng động mạch, trầm cảm và nghiện rượu. Chủ bút của tờ báo là ông Alex Jones, người cũng có một chương trình hội thoại truyền thanh rất được ông Trump ủng hộ,  khẳng định rằng việc các phi hành gia Mỹ đổ bộ lên mặt trăng hồi năm 1969 chỉ là chuyện bịa đặt, cuộc khủng bố ngày 9 tháng 11 cũng là chuyện bịa đặt và ngay cả cuộc thảm sát tại trường tiểu học ở Sandy Hook, Tiểu bang Connecticut ngày 14 tháng 12 năm 2012 cũng là chuyện bịa đặt.
Nhưng theo ông Klein, “sư phụ” của nghệ thuật nói dối chính là ông Trump. Trong cuộc vận động bầu cử, ông đã tuyên bố rằng chính ông đã thấy người Hồi giáo tại Tiểu bang New Jersey nhảy múa ăn mừng khi chứng kiến Tòa Tháp Đôi sụp đổ. Ông tỉnh bơ khẳng định rằng không phải ông mà  chính bà Clinton mới  là người đã khai sinh phong trào phủ nhận việc Tổng thống Barack Obama chào đời tại Hoa Kỳ. Trắng trợn và ngay cả thô bỉ hơn, ông không cảm thấy ngượng miệng chút nào khi tuyên bố rằng chính Tổng thống Obama là người đã sáng lập ra tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” (IS). Về các chính sách để làm cho “Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”, ông cam kết sẽ mỗi năm tiết kiệm cho ngân quỹ quốc gia 300 tỷ Mỹ kim từ chương trình mua thuốc có toa của bác sĩ. Thật ra, chương trình này hiện chỉ tốn mỗi năm có 78 tỷ Mỹ kim mà thôi. Sau khi ông  đắc cử, khi lãnh tụ Đảng Xanh, bà Jill Stein tung ra chiến dịch yêu cầu cho đếm phiếu lại tại một số tiểu bang, ông lại nói một cách ngon ơ rằng sở dĩ ông thua bà Clinton 2 triệu phiếu phổ thông là bởi vì đó là những phiếu bất hợp lệ. Nhà bình luận Klein nhận định về năm 2016: “Đó là năm mà bạn có thể nói dối rằng mình đã bị lừa đảo sau khi bạn đã đắc cử”.
Mỗi năm Tạp chí Time chọn một nhân vật  làm “người của năm”. Riêng năm nay quả là một năm đặc biệt. Dường như tạp chí này còn muốn tạo ra một thông lệ khác là đặt tên cho năm. Và như nhà bỉnh bút Joel Klein đã điểm mặt, tên của năm nay là “năm của dối trá”.
Riêng các quyển tự điển Anh ngữ cũng đua nhau chọn một từ tiêu biểu cho mỗi năm. Với từ điển mạng “Dictionary.com”, thì từ nổi bật của năm 2016 là “bài ngoại” (xenophobia). Từ này được ghép bởi hai từ Hy lạp: xénos có nghĩa là “người lạ” và phóbos có nghĩa là sợ. Nếu chỉ “sợ” thôi thì chẳng có gì đáng nói. Đàng này, “xenophobia” còn bao hàm cả thái độ khinh ghét và thù nghịch. Ít hay nhiều, từ “Brexit” bên Anh quốc đến chiến thắng của ông Trump tại Hoa Kỳ và nhiều phong trào dân túy đang trổi dậy hay hồi sinh tại nhiều nước Âu Châu, “bài ngoại” hiện đang là trào lưu nổi bật trong sinh hoạt chính trị. Ít hay nhiều, “ông thày” của dối trá Trump đã góp phần đưa trào lưu này đi  lên.
Trong khi từ điển “Dictionary.com” dành danh dự của năm cho từ “xenophobia” thì một trong những từ điển Anh ngữ có uy tín nhứt là “Oxford Dictinonaries” lại chọn từ “post-truth” (hậu sự thật) làm từ của năm 2016. Trước đây, chữ “hậu” cũng đã từng được ghép vào một số từ để đánh dấu một số thời kỳ như hậu hiện đại, hậu chiến tranh lạnh và ngay cả hậu Kitô giáo...Theo từ điển Oxford, từ “hậu sự thật” đã tăng thêm đến 2000 phần trăm so với năm 2015. Theo giải thích của từ điển này, từ “hậu sự thật” là một tĩnh từ được dùng để chỉ “những hoàn cảnh trong đó những sự kiện khách quan không ảnh hưởng đến dư luận của công chúng cho bằng những lời kêu gọi đánh thẳng  vào cảm xúc và niềm tin cá nhân” của con người . Điều này đã được chứng minh một cách rõ ràng qua cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tại Anh quốc và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Cả ông Nigel Farage của Anh, người chủ xướng phong trào “Brexit” và tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đều nắm vững chiến thuật vận động quần chúng. Hai “lãnh chúa của dối trá” (Lords of the lie) này biết rõ dân chúng không màng đến sự thật khách quan cho bằng cảm xúc, nhứt là cái bụng của họ. Bụng đói không có tai. Khi con người đã rơi vào bất mãn và nhứt là bất mãn vì nghĩ rằng “nồi cơm” của mình đang bị người khác đe dọa và rình rập cướp lấy, họ không màng đến sự thật nữa.
Thật ra, trong lịch sử nhân loại, dường như ai cũng hiểu ngầm rằng đã làm chính trị thì đương nhiên phải nói dối. Có chính trị gia nào mà không có cái lưỡi rắn. Có chính trị gia nào mà không có cái mũi dài của Pinocchio. Khác nhau ở cường độ dối trá và sự trơ trẽn mà thôi. Có người nói dối mà còn biết xấu hổ. Có người bị đặt vào thế chẳng đặng đừng phải quanh co dối trá. Có người bị lột mặt nạ dối trá đã có đủ can đảm và khiêm tốn để rút lui. Nhưng có những kẻ lì lợm và trơ trẽn đến độ lấy dối trá làm chính sách và xem dối trá là sự thật. Thời Đệ nhị Thế chiến, người ta thường nhắc đến Joseph Goebbels (1897-1945), Bộ trưởng Bộ tuyên truyền trong Chính phủ Hitler. Ông này mới thực sự là “sư tổ” của dối trá. Ông đã từng truyền dạy cho đạo quân Đức quốc xã: “Nếu bạn nói một lời nói dối khá lớn và bạn cứ lập đi lập lại lời nói dối đó thì dân chúng sẽ tin. Sự dối trá có thể được duy trì trong thời gian mà nhà nước muốn bảo vệ dân chúng khỏi những hậu quả của dối trá về chính trị, kinh tế hay về quân sự. Có như thế thì nhà nước mới có thể sử dụng mọi quyền hạn của mình để đè bẹp những người bất đồng chính kiến, bởi vì sự thật là kẻ thù không đội trời chung của dối trá và như vậy cũng là kẻ thù lớn nhất của nhà nước”. Đây là bản tuyên ngôn không những của Đức Quốc Xã mà còn là kinh tin kính của tất cả mọi chế độ cộng sản. Điều đáng buồn là với sự cáo chung của các chế độ cộng sản ở Đông Âu và khi Chủ nghĩa Cộng sản đã bị Nghị viện Âu Châu quăng vào sọt rác của lịch sử thì nay thời “hậu sự thật” lại đang được hồi phục.
Bước vào thời “hậu sự thật” và cuối “một năm  dối trá”, tôi thấy mình cần phải tự vấn lương tâm về sự dối trá. Tôi không sợ như trẻ con Tây Phương, mỗi lần dối trá cái mũi sẽ dài ra như mũi của Pinocchio hay sẽ bị chó sói ăn thịt. Điều tôi thường cảm nghiệm được trong bản thân là mỗi lần dối trá, lừa gạt người khác hay không dám sống thật với lòng mình, tôi thấy mình đã đánh mất đi một phần con người của mình. Không biết sang năm mới, tôi có đủ can đảm để sống như cụ Nguyễn Trãi: “Ung dung ta nói điều ta nghĩ, cúi ngửa theo người quyết chẳng theo” không?




Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Lối Đi An Bình




Chu Thập
4.12.12

Trong xã hội, bác sĩ là hạng người được tôi tin tưởng nhứt. Bác sĩ “phán” sao, tôi tin vậy. Tuy nhiên, nại đến quyền của bệnh nhân không buộc phải dùng thuốc, nhiều lần tôi đem “toa” của bác sĩ về và...cất kỹ trong ngăn kéo. Trong việc chữa bệnh, tôi luôn chủ trương “còn nước còn tát”;  thuốc men chỉ là phương tiện cuối cùng khi không còn một chọn lựa nào khác. Chẳng hạn cách đây gần một năm, qua một cuộc thử máu, tôi bị tuyên án mắc bệnh tiểu đường loại 2 và được chính phủ cấp cho cái thẻ hội viên của Hội những người mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ cho toa mua thuốc. Tôi mua thuốc về, nhưng lại bỏ đó. Biết rõ ràng nguyên nhân của bệnh tiểu đường loại 2 là cách sống thiếu kỷ luật và lối dinh dưỡng không được lành mạnh của mình, tôi liền bắt tay vào việc tập thể dục mỗi ngày và khép mình vào việc ăn uống kiêng khem và điều độ. Thêm vào đó, đọc được dược tính thần diệu của trái khổ qua (mướp đắng) trong việc chữa bệnh tiểu đường, tôi liền mua về, lớp thì canh xào chua mặn đủ món, lớp thì xắt phơi khô uống như trà. Chỉ một tuần lễ sau, phép lạ đã diễn ra: lượng đường trong máu của tôi xuống lại mức bình thường của một người không bị tiểu đường.
Mới đây, tôi lại có thêm một kinh nghiệm về việc tự chữa bệnh. Số là huyết áp của tôi cũng bắt đầu trở chứng. Sau ba lần khám, bác sĩ lại cho toa mua thuốc hạ huyết áp. Lần này cũng thế, tôi mang toa về cất kỹ trong hồ sơ bệnh lý của tôi. Tôi bỏ nhiều ngày để tìm hiểu tác dụng của nhiều loại trái cây và rau quả trong việc trị huyết áp cao. Tổng hợp lại, tôi thấy dầu Ôliu và cây cần Tây là hai loại được nhắc đến nhiều nhứt trong việc trị chứng huyết áp cao. Hai loại “dược thảo” này lại rẻ và cũng dễ tìm. Tôi liền thử nghiệm trong một tuần lễ. Kết quả thật khả quan: tuy chưa xuống thấp như tôi mong muốn, nhưng huyết áp của tôi đã giảm đi rất nhiều, nẳm trong “tiêu chuẩn lý tưởng” của những người trên sáu bó.
Ngoài dầu Ôliu được trộn trong rau xà lách và cà chua vốn không thiếu trong vườn của tôi cũng như một nhánh cần Tây được tôi nhai ngấu nghiến sau mỗi buổi cơm trưa, tôi nghĩ có lẽ việc giảm ăn mặn của tôi mới là yếu tố chính góp phần vào việc hạ huyết áp.
Đây có lẽ là một trong những hy sinh lớn nhứt trong đời tôi. Tôi đã bỏ được thuốc lá.Tôi đã tập được thói quen uống cà phê không đường. Tôi cũng đã quên hẳn bia rượu. Tôi cũng đã không màng đến hương vị thơm ngon của ớt. Nhưng bắt tôi phải bớt ăn mặn thì chẳng khác nào cướp đi một bản năng trong tôi. Ông “thần nước mặn” như tôi, có sống được cho tới ngày hôm nay là nhờ muối. Tôi nhớ những năm thiếu ăn của thời thập niên 1950, món ăn khoái khẩu nhứt trong nhà tôi vẫn là bắp rang ngào với nước muối. Tôi cũng không thể nào quên được những ngày trốn học đi theo đám chăn trâu: bữa ăn trưa chỉ có cơm vắt chấm với muối hột đâm nhuyễn với ớt xiêm chín đỏ, vậy mà cho tới giờ này, vị giác của tôi vẫn còn nhớ rõ cái mùi vị “ngon ngọt” của muối. Hôm nào bắn được một con chim, săn được một con chuột, hay cắm câu được một con cá trầu (cá lóc)... đem nướng trui và chấm với muối ớt, nó ngon đến độ tôi sẵn sàng đánh đổi với những lần bị các bà xơ mang ra giữa lớp học cho đấu tố vì tội trốn học. Sau 1975, nước mắm chỉ toàn là muối, vậy mà nó cũng đã giúp tôi cầm cự và sống còn được hơn 5 năm trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa!
Người tôi đầy muối. Muối là một cái gì huyền hoặc trong tôi. Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên được tiếp xúc với nước biển. Làng tôi cách biển không đầy 15 cây số. Nhưng phải đợi đến lúc lên tiểu học, tôi mới được “xuống” biển. Hôm đó là một ngày “du ngoạn” do trường tổ chức. Mẹ tôi mua cho tôi một ổ bánh mì và chuẩn bị cho tôi một cục thịt trâu “hon”, tức thịt trâu ướp với sả và um cho đến lúc khô. Đây là một một món ăn đặc sản của người miền Trung Trung Việt. Vừa xuống đến bờ biển, tôi ngấu cho hết ổ bánh mì và cục thịt trâu hon. Cứ tưởng nước biển cũng như nước sông, tôi nhào xuống nước đưa tay vốc một bụm và đưa lên miệng cho đỡ khát. Trời ơi, sao lại có cái thứ nước mặn chát như thế này! Đây là lần đầu tiên tôi biết có nước mặn và biết muối từ đâu ra. Sau này, được sống ở thành phố biển, da thịt tôi lại càng thấm muối hơn. Đi đâu rồi cũng nhớ biển, nhớ những ngọn gió biển có mùi mằn mặn.
Kiêng mặn, tức bớt lại lượng muối trong thức ăn là cả một cuộc chiến cam go trong tôi. Mà cuộc chiến đâu chỉ diễn ra trong bản thân tôi. Mới đây, trên nguyệt san Reader’s Digest, số ra tháng 10 vừa qua và trong phụ trương Good Weekend (GW) của báo The Sydney Morning Herald số ra cuối tuần 1, 2 tháng 12 vừa qua, tôi cũng thấy diễn ra một cuộc chiến về muối trong giới khoa học.
Trong bài báo có tựa đề “Salt: health demon? Or not” (Muối: có phải là kẻ thù của sức khỏe không?) tác giả  Helen Signy cho biết hiện đang có hai phe kình chống nhau về lượng muối cần có trong thức ăn của con người. Phe chống việc ăn nhiều muối cho rằng ở khởi thủy con người ít dùng muối; những người sống bằng săn bắn và hái lượm có lẽ mỗi ngày tiêu thụ không quá một gram muối. Thế rồi cách đây 6 ngàn năm, người Trung Hoa mới bắt đầu sử dụng muối để bảo quản thức ăn và kể từ đó, muối mới trở thành một thành phần chính trong dinh dưỡng của con người trên khắp thế giới. Ngày nay, mặc dù lượng muối trung bình mỗi ngày được các nhà chuyên môn khuyên nên có chỉ có khoảng 4 gram, nhưng các thức ăn chế sẵn thường tăng lượng muối lên đến 8 gram. Giáo sư Bruce Neal, giám đốc Viện George về Y tế công cộng kiêm chủ tịch phân bộ Úc về Muối và Y tế nói rằng ngay cả lượng muối 4 gram mỗi ngày cũng đã là cao rồi.
Theo tác giả bài báo, ăn nhiều muối khiến huyết áp gia tăng, đó là điều không ai chối cãi. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có một giải thích rõ ràng nào về tương quan giữa huyết áp cao và muối. Có thể muối khiến cho cơ thể gia tăng chất lỏng và như vậy cũng gia tăng sức ép trong các mạch máu và huyết áp cao dẫn đến nguy cơ đau tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy thận...
Những người chống lại việc ăn muối nhiều nói rằng ngày nay con người ăn nhiều muối đến độ hầu như không thể hãm lại được nữa. Cùng với Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nhiều chính phủ cũng đã bắt đầu thông qua luật pháp yêu cầu các hãng chế biến thức ăn phải giảm thiểu số lượng muối trong thức ăn. Tại Phần Lan chẳng hạn, nhờ một chiến dịch kéo dài trong 30 năm, nay lượng tiêu thụ muối của người dân đã giảm được một phần ba. Kết quả là huyết áp trung bình của người dân nước này cũng giảm xuống và nguy cơ chết vì các thứ bệnh về tim mạch cũng giảm đến từ 75 đến 80 phần trăm.
Phe ủng hộ việc dùng nhiều muối, tuy nhìn nhận rằng dùng nhiều muối gia tăng huyết áp và kéo theo các thứ bệnh về tim mạch, nhưng lại trích dẫn một loạt những nghiên cứu mới đây để nói rằng giảm muối trong thức ăn không những có ít tác dụng hay hoàn toàn không có tác dụng đối với tỷ lệ tử vong mà còn gia tăng nguy cơ chết sớm là khác.
Bài báo có tựa đề “Salt Wars” (những cuộc chiến về muối) của Ký giả Mark Whittaker, được đăng trên phụ trương Good Weekend của báo The Sydney Morning số ra cuối tuần qua, trích dẫn kết quả nghiên cứu của Giáo sư George Jerums và sinh viên tiến sĩ nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của ông là Bác sĩ Elif Ekinci. Hai chuyên gia này đã theo dõi lượng muối của 638 người già bị tiểu đường loại 2 được điều trị tại dưỡng đường  Heidelberg’s Austin Health, ở Melbourne. Kết quả cho thấy những người ăn quá ít muối chết sớm hơn những người dùng nhiều muối hơn.
Bài báo cũng nhắc đến 4 cuộc nghiên cứu khác với kết quả tương tự. Chẳng hạn như một cuộc nghiên cứu về 3681 người Âu Châu không hề có vấn đề về tim mạch. Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong của những người sử dụng quá ít muối là 4.1 phần trăm. Trong khi tỷ lệ tử vong của những người dùng nhiều muối hơn lại chỉ có 0.8 phần trăm.
Dạo tháng 11 năm ngoái, một cuộc nghiên cứu tại Gia nã đại cũng tìm thấy một kết quả tương tự.
Trở lại với bài báo trên Tạp chí Reader’s Digest. Với cuộc chiến về muối chưa hoàn toàn ngã ngũ, tác giả Helen Signy cho rằng “có nhiều thứ gây ra bệnh tật và cái chết chứ không chỉ một mình muối. Có thể những người dùng ít muối lại cảm thấy đói nhiều hơn hay ăn chất béo đã được bão hòa chẳng hạn hoặc cũng có thể họ hút thuốc. Những người khỏe mạnh vận động nhiều hơn và ăn nhiều hơn, do đó lượng muối họ cần cũng cao hơn”.
Tác giả trích dẫn giải thích xem ra rất hợp lý của Bác sĩ Rob Grenfell, Giám đốc Toàn quốc về những vấn đề “lâm sàng” tại Heart Foundation. Bác sĩ này nói rằng giảm muối trong thức ăn vẫn còn là một thông điệp có giá trị. Theo ông, muối cũng giống như thuốc lá. Ai cũng biết rằng có những người hút thuốc suốt đời mà vẫn sống tới 85 tuổi. Đây là trường hợp của cha tôi: ông hút cho đến chết năm 95 tuổi! Nhưng con số này ít đủ để có thể coi như một thứ kỷ lục. Việt Luận số thứ Ba 20/11 vừa qua đã ghi lại “4 phát minh hủy diệt nhiều người nhất thế giới”, trong đó đứng đầu là thuốc lá. Mỗi năm trên thế giới có 1.1 triệu người chết vì ung thư phổi, trong số này có 85 phần trăm do hút thuốc lá.
Theo dõi “cuộc chiến về muối” trên đây, tôi cũng cảm thấy bị giao động. Nhưng kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy rằng giảm ăn mặn đã giúp tôi kiểm soát được phần nào huyết áp của tôi. Chọn lựa nào cũng đòi hỏi hy sinh. Muốn kiểm soát được huyết áp, tôi phải bớt lượng muối trong thức ăn hàng ngày, bởi vì ngoại trừ rau luộc, chắc chắn không có món ăn Việt nam nào mà lại có lượng muối ít thích hợp với việc kiêng mặn. Đây quả là một hy sinh lớn đối với người quen “ngã mặn” như tôi. Tôi nghĩ đến câu nói của một người thân trong gia đình, vốn có nhiều hiểu biết về y tế: “Trên đời, hễ cái gì ngon thì cũng đều độc hại cả”. Tôi đã nếm được cái “ngon” của thuốc lá. Tôi cũng đã cảm được cái “ngon” của bia rượu và dĩ nhiên biết bao nhiêu lần, tôi đã không kháng cự nổi trước sức hấp dẫn của những món bánh ngọt thơm phức hay thức ăn chiên dòn mặn mòi đầy gia vị.
Khốn một nỗi, thấy cái gì ngon tôi cũng thèm. Thỉnh thoảng, tôi cũng bắt chước triết gia Pháp René Descartes để triết lý...cùn “Tôi còn thèm, vậy tôi hiện hữu”. Chính vì còn thèm mà cứ phải chiến đấu liên tục.
Mùa Giáng Sinh đã bắt đầu trên nước Úc. Có lễ là có lạc. Tôi thấy người Úc đã bắt đầu “ăn nhậu”. Không biết có phải do hậu quả của ăn nhậu không, nhưng tôi thấy cảnh sát và xe cứu thương cũng đã bắt đầu làm việc rối rít.
Trong những ngày chuẩn bị lễ Giáng Sinh, đến nhà thờ, tôi thường nghe các linh mục nhắc lại sứ điệp của vị tiên tri trong Cựu Ước: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Tâm hồn tôi thì vẫn còn đầy dẫy những lối đi gồ ghề của đủ mọi thứ tham sân si. San bằng chỗ này thì gồ ghề lại nổi lên chỗ khác. Thôi thì ít nhứt mỗi năm một lần, không làm được việc lớn thì cũng cố gắng có một vài “kế hoạch nhỏ”. Theo đề nghị của “xấp nhỏ” gia đình tôi sẽ không sắm quà Noel cho nhau mà dùng tiền đó cho người nghèo. Vừa đỡ tốn thì giờ vừa đỡ tốn kém không cần thiết.
Trong khi khép chính mình vào kỷ luật để giữ gìn sức khỏe, tôi “tái khám phá” ra một “chân lý”: sức khỏe thể xác góp phần rất lớn vào sự bình an trong tâm hồn. Cắt giảm tiền thuốc tôi bớt áy náy lương tâm, bởi vì phần tôi trả thì ít nhưng  phần Medicare thì quá nhiều. Vận động và ăn uống lành mạnh giúp tôi bớt đi những đêm mất ngủ và những buổi sáng phờ phạc. Ngày nào khỏe tôi thấy phấn chấn yêu đời. Và nhứt là khi vượt qua được lối sống ích kỷ thì tôi thấy mình dễ tìm đến và thông cảm hơn với người khác trên những lối đi bình an.






Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Những hầm mỏ nguy hiểm nhất thế giới



16.12.16

Trong hơn một thập niên qua, nhiếp ảnh gia người Úc, Hugh Brown, đã đi thăm hầu hết những hầm mỏ được xem là nguy hiểm nhất thế giới. Ông đã liều mạng sống để chụp ảnh, phỏng vấn những người thợ mỏ thuộc mọi lứa tuổi và phái tính đang làm việc trong những điều kiện tồi tệ nhất. Bên cạnh những nguy hiểm chết người trong các hầm mỏ, Nhiếp ảnh gia Hugh Brown còn phải đối đầu với cả những tổ chức tội phạm và những tên khủng bố. Những hình ảnh và tường thuật của ông đã được Ký giả Monique Ross ghi lại trên trang mạng của Đài ABC trong số ra ngày 11/ 12/ 16 vừa qua.
Mới đây, nhiếp ảnh gia này  đã đến thăm mỏ bạc Cerro Rico, thuộc  Cao nguyên Nam phần của Bolivia, quốc gia nằm ở miền Trung Tây  Châu Mỹ La Tinh. Ngọn núi cao 4.824 thước này là một trong những mỏ bạc lớn nhất thế giới. Ông ghi nhận về mỏ bạc này bằng một câu ngắn gọn: “Theo đúng nghĩa, ở đâu cũng có mùi tử khí”. Được khai thác từ 471 năm qua, mỏ bạc Cerro Rico này đã nuốt trửng không dưới 8 triệu mạng con người. Cerro Rico có nghĩa là “ngọn núi giàu có”. “Giàu có” về tài nguyên thiên nhiên đã đành, ngọn núi này cũng giàu về xác người.
Potosi là thành phố nằm dưới chân núi Cerro Rico và sống nhờ mỏ bạc trong ngọn núi này. Dân số chỉ có khoảng 150.000 người. Nhưng, theo lời kể của người tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch của Nhiếp ảnh gia Hugh Brown, “bất cứ một cư dân nào cũng có liên hệ với  một người nào đó đã chết trong hầm mỏ”.
Theo mô tả của nhiếp ảnh gia này, núi Cerro Rico cũng giống như một “bánh phó mát Thụy sĩ”. Ông có ý ám chỉ đến vô số lổ hổng trong núi. Nhưng bởi vì không có lỗ hổng nào đã được định vị trên bản đồ cho nên chẳng có ai biết được để mà tránh né. Ngoài ra, ngọn núi này cũng được bao trùm bởi một mạng lưới dày đặc những khí độc. Nếu không té ngã từ thang xuống thì người thợ mỏ cũng chết vì những vụ nổ của khí độc. Ngoài ra còn có vô số những tai nạn không ngờ trước được. Chẳng hạn, hai người thợ mỏ phải đẩy hai “wagon” chất đầy quặng mỏ nặng đến cả hai tấn. Có nơi họ phải đẩy thật nhanh để có trớn đi tới. Chỉ cần một chút sơ sảy, cái chết sẽ đến một cách dễ dàng. Những người may mắn còn sống sót thì lại mắc phải những chứng bệnh về đường hô hấp.
Nhiếp ảnh gia Hugh Brown cho biết: “Cách đây 8 năm, trên ngọn núi này, mỗi ngày có từ 3 đến 5 người bị thiệt mạng. Khi tôi đang có mặt ở đó thì người ta ước tính mỗi tháng vẫn còn từ 3 đến 5 người chết”. Tâm trạng chung của người thợ mỏ bạc tại Cerro Ricco là mỗi ngày khi thức giấc để lên núi làm việc, họ không biết mình có ra khỏi núi này không.
Những người thợ mỏ  tại Cerro Ricco là một số nhỏ trong khoảng 30 triệu người gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con đang làm việc trong những điều kiện thô sơ nhất tại vô số hầm mỏ trên khắp thế giới.
Lần đầu tiên, Nhiếp ảnh gia Hugh Brown đã tiếp xúc với các thợ mỏ “tiểu thủ công nghệ” khi đi xuyên qua một số vùng hẻo lánh tại Ghana, Phi Châu, năm 2006, tức cách đây đúng 10 năm.
Đã từng nghe nói tới những điều kiện làm việc nghiệt ngã nhất của người công nhân Úc trong những mỏ vàng vào thập niên 1850 của Thế kỷ 19, người ký giả này không thể tưởng tượng được rằng vào Thế kỷ 21, người thợ mỏ tại Ghana vẫn còn phải làm việc bằng những phương tiện có khi còn thô sơ hơn.
Sau khi đã đi xuyên qua vùng Tây Phi Châu 20 lần, Nhiếp ảnh gia Hugh Brown đã tìm đến Á Châu, đặc biệt là những vùng xa xôi hẻo lánh và nguy hiểm tại Ấn Độ, Pakistan và Nam Dương.
Tại miền Đông đảo Java, Nam Dương, ông đã trải qua 3 tuần lễ bên cạnh núi lửa Ljen. Nơi ông dừng chân chỉ cách miệng núi lửa khoảng 100 thước. Vào thời điểm ông đang có mặt tại nơi này, núi lửa Jjen được báo động có thể phun bất cứ lúc nào. Vậy mà những người thợ mỏ Nam Dương vẫn phải ngày ngày leo vào miệng núi lửa để nhặt đá lưu huỳnh. Bên cạnh những viên lưu huỳnh này là một lớp vẻ lưu huỳnh còn nóng trên 120 độ C, có thể gây bỏng đến chết người.
Tại miền Đông Ấn Độ, Nhiếp ảnh gia Hugh Brown đã thu hình được những người thợ mỏ bất hợp pháp thuộc nhóm thổ dân Adivasi. Theo những số liệu thống kê năm 2011, người thổ dân Adivasi chiếm khoảng 8.6 phần trăm dân số Ấn Độ, tức khoảng 104 triệu người. Phần lớn đều có gốc gác từ Nepal. Khi nhiếp ảnh gia Úc này có mặt tại đây thì vùng này đang sôi sục vì cuộc nổi dậy của các phiến quân theo cộng sản Mao. Trong cuộc chiến chống lại phiến quân cộng sản, Chính phủ Ấn Độ đã thẳng tay đàn áp người Adivasi hoặc cưỡng bách họ phải rời bỏ nhà cửa làng mạc của họ để đi lánh nạn. Bị bứng ra khỏi quê hương của mình, để có thể sống còn, nhiều người không còn một chọn lựa nào là lăn xả vào việc khai thác mỏ một cách bất hợp pháp.
Ngoài cuộc sống cơ cực của những người thợ mỏ bất đắc dĩ thuộc sắc dân Adivasi, Nhiếp ảnh gia Hugh Brown còn phải chứng kiến một mối nguy khác mà nạn nhân thường là người ngoại quốc: đó là trở thành miếng mồi ngon của những cuộc bắt cóc để đòi tiền chuộc.
Từ những hầm mỏ ở miền Đông, để có thể đến một vùng mỏ khác, Nhiếp ảnh gia Hugh Brown đã phải bỏ ra 3 ngày để móc nối với tổ chức tội phạm chuyên hoạt động tại các nơi khai thác quặng  mỏ. Mặc dù không rõ đường đi nước bước của những tổ chức này, ông vẫn ý thức được là cần phải luôn tỏ ra rất khôn khéo, cẩn thận và nhất là tế nhị. Theo ông hầm mỏ là một nơi rất “nhạy cảm”, bởi vì quặng mỏ có nghĩa là tiền, mà tiền lại là “sức bật” của không biết bao nhiêu lãnh vực khác. Chính vì vậy mà những người đang làm chủ và làm mưa làm gió ở những nơi khai thác quặng mỏ không thích các nhiếp ảnh gia lượn qua lượn lại xung quanh hay bên trong các hầm mỏ. Nhiếp ảnh gia Hugh Brown đã phải giải thích cho họ hiểu rằng ông không đến để chụp hình vì lý do chính trị, mà chỉ muốn nghiên cứu về một vấn đề có một tầm quan trọng đặc biệt về mặt lịch sử trong những năm sắp tới.
Ấn Độ là một trong những nước mà kỹ nghệ khai thác than đá là một lãnh vực nguy hiểm nhất. Theo thống kê, trung bình cứ 3 ngày là có một tai nạn nghiêm trọng và cứ 7 ngày là xảy ra một tai nạn chết người. Làm việc trong các mỏ than là nghề nguy hiểm nhất tại Ấn Độ. Những tai nạn chết người xảy ra như thế không những không giảm sút mà còn trên đà gia tăng so với năm ngoái.
Giá của than đá tại Ấn Độ quả là mắc mỏ. Trong năm 2015, để khai thác được 100 triệu tấn than đá, trung bình  Ấn Độ đã phải trả bằng giá của 7 mạng người. Nếu nhân lên thành 700 triệu tấn, số thợ mỏ bị thiệt mạng có thể lên đến gần 50 người. Phần lớn những tai nạn chết người đều xảy ra do mái và tường của hầm mỏ sập đổ.
Hiện tại Ấn Độ sản xuất 89 loại khoáng sản khác nhau từ 569 mỏ than, 67 mỏ dầu và khí đốt, 1770 mỏ khác, sử dụng khoảng một triệu công nhân. Kỹ nghệ hầm mỏ đóng góp khoảng 5 phần trăm vào tổng sản lượng nội địa của nước này. Tuy nhiên cái giá về nhân mạng phải trả cho kỹ nghệ này lại quá cao. Bên cạnh những cái chết vì tai nạn trong hầm mỏ, người thợ mỏ Ấn Độ còn phải gánh chịu nhiều hậu quả khác về sức khỏe mà sự đền bù không bao giờ được xem là cân xứng.
Nhiếp ảnh gia Hugh Brown có lẽ đã không có đủ thời giờ để đi sâu vào kỹ nghệ hầm mỏ tại quốc gia rộng lớn này. Ông chỉ đến những nơi mà người dân, vì không còn một kế sinh nhai nào khác, đành phải lao vào việc khai thác bất hợp pháp.
Rời Ấn Độ, ông đến dãy núi Karakorum, miền Bắc Pakistan. Vùng núi cao này hiện đang chứa đựng loại đá quý đẹp và có giá trị nhất thế giới. Vào cuối chuyến đi, trong khi tìm cách chụp ảnh những người đang đãi vàng trên Sông Indus, ông đã bị các cơ quan tình báo Pakistan bắt giữ để  thẩm vấn. Họ đang điều tra về một  nhóm người trong vùng để xem họ có liên hệ với tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” và phong trào cực đoan Taliban hay không.
Nhiếp ảnh gia Úc chính hiệu này đã cười khi bị điều tra về mối liên hệ ấy. Cuối cùng, khi biết rõ ông không có bất cứ giây mơ rễ má  nào với các tổ chức khủng bố này, viên chức tình báo mới hỏi ông có bao giờ nghĩ đến việc cải đạo sang Hồi giáo không. Viên chức này nói rằng đây là một điều tốt cho ông. Nhiếp ảnh gia Hugh Brown kể lại cuộc gặp gỡ và nói rằng: “Thật là buồn cười!”
Sợi chỉ xuyên suốt nối liền tất cả những nơi mà nhiếp ảnh gia Hugh Brown đã đi qua là một chuỗi những tệ nạn như buôn người, nô lệ hóa trẻ con, khủng bố, chiến tranh du kích, hủy hoại môi sinh.
Nhưng nhiếp ảnh gia này lại không muốn đưa ra một lời kết án nào. Với cái nhìn của triết lý Á đông, ông gọi đó là một sự kết hợp “âm dương”. Theo ông, từ những tiêu cực luôn xuất phát những điều tốt đẹp. Ông giải thích: “Họ (những người thợ mỏ) kiếm được nhiều tiền hơn là làm việc đồng áng hay trong làng mạc”. Từ những nhọc nhằn cơ cực, sức mạnh tinh thần của con người thường sáng chói. Ở đâu cũng vậy, con người luôn biết hy sinh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại các nước Tây Phương, làm việc văn phòng hay làm hai việc một lúc không phải là một điều thích thú đối với nhiều người. Nhưng vì muốn có thêm tiền để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc để có nhiều tiện nghi vật chất hơn, ai cũng có thể hy sinh. Với những người thợ mỏ tại những vùng nguy hiểm nhất cũng thế thôi: người ta sẵn sàng hy sinh, ngay cả mạng sống của mình, là để có một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân hoặc người thân.
Nhiếp ảnh gia Hugh Brown nói rằng ngay cả công việc của ông cũng là một việc làm nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn nữa vì ông phải làm việc một mình. Nhưng theo ông, cuộc sống ở đâu mà chẳng có nguy hiểm và bất trắc. Ở Úc Đại Lợi này, người ta cũng có thể thiệt mạng một cách dễ dàng vì một tai nạn giao thông.
Là một người thích mạo hiểm, Nhiếp ảnh gia Hugh Brown không chỉ muốn ghi lại những nỗi cơ cực của những người thợ mỏ trên khắp thế giới. Ông còn muốn thử nghiệm để xem mình có thể đương đầu với nỗi sợ hãi đến mức độ nào. Theo ông, càng trải nghiệm nhiều nguy hiểm, cuộc sống càng được phong phú. Ông nói: “Chính trong những lúc khó khăn mà bạn học được nhiều điều nhất. Ngoài ra với những hình ảnh về những nỗi cơ cực của người thợ mỏ trên khắp thế giới, nhiếp ảnh gia này hy vọng sẽ tìm được một chỗ đứng trong loại sách lịch sử về người thợ mỏ.


(Nguồn:http://www.abc.net.au/news/2016-12-10/photographing-worlds-most-dangerous-mines-hugh-brown)