Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Bài học ngày Tết


Chu Thập
Tết Đinh Dậu 2017
Người già thường lội ngược dòng thời gian để  trở về  với tuổi thơ bởi vì tuổi thơ có nhiều kỷ niệm đẹp và đáng nhớ hơn cả. Một trong những kỷ niệm đẹp nhứt trong tuổi thơ của tôi dĩ nhiên là ba ngày Tết. Chỉ có đến Tết, trẻ con nhà nghèo như tôi mới được mỗi năm một lần mặc quần áo mới. Chỉ có Tết, trẻ con đói ăn như tôi mới được ăn no và no đến cành hông “phát ách”. Chỉ có Tết, trẻ con với cái túi quần quanh năm ngày tháng trống rỗng như tôi mới có rủng rỉnh chút đỉnh vài đồng bạc cắc để “bầu cua cá cọp” với bạn bè. Nhưng đáng ghi nhớ nhứt về ba ngày Tết đối với tôi chính là những bài học vỡ lòng về đối nhân xử thế.
Tôi vẫn còn nhớ như in cứ mỗi sáng sớm ngày đầu năm, sau khi được cho mặc quần áo mới, tôi được mẹ bắt phải ôn lại câu chào hỏi và “mừng tuổi”, tức chúc Tết, mà tôi phải đọc làu làu trước mặt tất cả những người lớn tuổi trong họ hàng nội ngoại. Mẹ tôi dặn phải khoanh tay và cúi đầu chào như thế nào, phải khoan thai đọc rõ từng lời chào, câu chúc. Mẹ tôi còn bảo đảm rằng cái túi của tôi có căn phồng tiền lì xì hay không là tùy tôi “trả bài” có xuôi chảy hay không. Và quan trọng hơn cả, mẹ tôi dặn di dặn lại rằng sau khi nhận tiền lì xì, phải cúi đầu và thưa “con cám ơn” cho thật rõ ràng. Chỉ cần đi một vòng các gia đình nội ngoại từ đầu trên xuống xóm dưới trong không quá một tiếng đồng hồ trong ngày mùng Một Tết là tôi đã thuộc nằm lòng công thức chào hỏi, chúc Tết và cám ơn mà mẹ tôi đã dạy. Tôi vốn là một đứa trẻ ngổ ngáo và “mất dạy”. Vậy mà cái bộ nhớ thơ dại của tôi vẫn còn đủ mềm mại để được uốn nắn và ghi lại bài học vỡ lòng ấy. Một cách nào đó, tôi đã học làm người ngay từ cái tuổi thơ dại ấy.
Nhưng người ta đâu chỉ học làm người từ tuổi thơ. Tuổi thơ cũng dạy cho người lớn rất nhiều bài học. Khi nói đến “người thày” tuổi thơ, tôi thường nghĩ đến sự trong trắng, hồn nhiên, chân thành, vui tươi, vô tư và lạc quan của trẻ con. Nhưng còn có một bài học  khác quan trọng hơn trong cách đối nhân xử thế mà trẻ con có thể dạy cho tôi, đó là tấm lòng quảng đại và vị tha.
Đây là bài học mà tôi đã học được từ đứa cháu ngoại 3 tuổi của bà chị của tôi. Cứ mỗi lần thấy người lớn bận bịu với công việc nhà như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa hay làm vườn, nó thường đến gần và nói bằng tiếng Anh: “I want to help!” hay “I am happy to help!” (Con muốn giúp đỡ. Con thích giúp đỡ). Lần đầu tiên, khi nghe một câu nói như thế xuất phát từ miệng của một đứa trẻ 3 tuổi, tôi cứ tưởng như đó là tiếng nói của một vị thiên thần nào đó. Tôi cứ đinh ninh rằng  bà chị tôi đã khéo dạy đứa cháu ngoại như thế. Nhưng chị tôi nói rằng nó đã học được bài học đó từ màn ảnh truyền hình và nhứt là ở nhà trẻ. Tôi nghiệm ra một điều: trẻ con có thể  học làm người từ lúc bập bẹ biết nói và nhứt là từ lúc đi đến nhà trẻ là môi trường xã hội đầu tiên của nó.
Lâu lắm rồi, tôi có đọc một  cuốn sách có tựa đề “All I Really Need to Know, I learned in Kindergarten” (Tất cả những gì tôi thực sự cần biết, tôi đã học được trong trường mẫu giáo). Cuốn sách này đã được một mục sư tin lành người Mỹ là ông Robert Fulghum viết cách đây  đã 30 năm. Cuốn sách đã cũ, những có giá trị vượt thời gian.
Tôi không được may mắn như Mục sư Fulghum, vì tôi đã chẳng bao giờ có cơ hội để học được những bài học vỡ lòng như thế ở trường mẫu giáo. Tôi không thể nào quên được ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Đó là một buổi sáng khi tôi vừa mới được 5 tuổi. Mẹ tôi mua cho tôi một cuốn vần rồi dắt tôi đến “trường mẫu giáo” của làng tôi. “Trường mẫu giáo” của làng tôi thật ra chỉ là một cái phản bằng tre nằm bên chái của  một ngôi nhà tranh thấp lè tè. Học sinh mẫu giáo trong làng tôi gồm khoảng 20 đứa trẻ. Tất cả đều ngồi xếp bằng trên chiếc phản đó. Còn cô giáo là một người đàn bà độc thân mà chúng tôi quen gọi là “Cô Sáu Thay”. Không biết cô đã bao nhiêu tuổi. Nhưng miệng cô không còn một cái răng nào cả. Vậy mà lúc nào cô cũng ngậm một điếu thuốc rê. Mỗi buổi sáng, sau khi cho lũ trẻ yên vị trên phản và bắt đầu “tụng” a, á, ớ, bê, xê, dê, đê...cô lủi ra vườn để xắt chuối nấu cháo heo. Thỉnh thoảng, những lúc bầy ve trên phản im tiếng hay hò hét, cãi cọ hoặc đánh nhau, cô liền cầm cây roi bằng tre chạy vào và đập liên hồi xuống một khoảng trống trên phản. Trật tự được vãn hồi, lũ ve bắt đầu lại bài trường ca “a,á, ớ, bê, xê, dê, đê...” và cô lại tiếp tục đi xắt chuối...Vậy mà như một phép lạ, sau một năm mài mấy cái quần trên phản của nhà Cô Sáu Thay và xé không dưới 5 cuốn vần, tôi tốt nghiệp trường mẫu giáo; không biết chữ nghĩa đã chui vào đầu tôi như thế nào mà tôi đã có đủ trình độ để lên tiểu học. Chỉ có điều, ngoài 24 chữ cái ra, Cô Sáu Thay chẳng dạy cho tôi bài học làm người nào cả.
Trẻ con ngày nay may mắn hơn. Văn minh đích thực cũng đồng nghĩa với tử tế. Ngay từ trường mẫu giáo, học sinh đã học được một số bài học về làm người tử tế như được Mục sư Fulghum ghi lại trong cuốn sách của ông: “Chia sẻ mọi sự, chơi đúng luật, không đánh người khác, lấy chỗ nào thì phải trả lại chỗ đó, dọn dẹp cho ngăn nắp, không lấy của người khác, hãy xin lỗi nếu xúc phạm đến người khác, rửa tay trước khi ăn, kéo nước sau khi đi vệ sinh....” Tôi nghĩ đây là “thập tự giới” trong đạo đức làm người không những  cần phải dạy cho học sinh mới cắp sách đến trường, mà cả người lớn, nhứt là những người có địa vị trong xã hội, cũng phải mang ra tụng niệm và thực hành mỗi ngày nếu muốn sống cho ra người trưởng thành, văn minh và tử tế.
Giáo sư Karlyn Crowley, giám đốc của Trung tâm “Cassandra Voss”, Hoa Kỳ  (chuyên về giáo dục và gây ý thức về giới tính) có lẽ đã nghĩ đến chuyện học làm người mà chẳng có ai dám tự phụ vỗ ngực cho rằng mình đã tốt nghiệp, cho nên nhân ngày tân Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Sáu 20 tháng Giêng vừa qua, bà mới viết trên báo mạng “Psychology Today” một bài với tựa đề: “Gởi tân Tổng thống của chúng ta: lời khuyên từ những đứa trẻ 5 tuổi” (To Our New President: Advice From 5-year Olds). Tác giả có nhắc đến cuốn sách của Mục sư Fulghum và kể lại rằng  cô giáo của trường mẫu giáo nơi con gái bà đang học đã hỏi các học sinh chỉ mới 5 và 6 tuổi như sau: “Các em muốn khuyên gì cho tân tổng thống của chúng ta?” Và lời khuyên mà các em học sinh mẫu giáo đã nhắn gởi cho tân tổng thống Mỹ có nội dung như sau: “Hãy tử tế với mọi người. Hãy biết nghĩ đến người khác. Hãy biết tôn trọng người khác. Hãy cố gắng hết sức. Hãy giúp đỡ người khác. Hãy chia sẻ. Hãy tỏ ra lịch sự tử tế trong lời nói. Hãy biết cộng tác. Hãy tỏ ra công bình. Hãy lắng nghe người khác khi họ đang nói. Đừng bao giờ tỏ ra đê tiện. Muốn được người khác đối xử như thế nào thì cũng hãy đối xử với họ như vậy...”
Giáo sư Crowley viết: “Tôi đã khóc khi đọc danh sách (những lời khuyên trên đây). Chúng đơn sơ. Nhưng thật là thiết yếu. Những học sinh mẫu giáo này nắm bắt được điều mà người lớn không nhận ra. Các em đưa chúng ta trở về với những nguyên tắc nền tảng (trong cuộc sống). Đó là những nguyên tắc mà chúng ta cần phải có để đối thoại với người khác...”
Tôi không biết những lời khuyên từ các em học sinh mẫu giáo trên đây có đến tay tân Tổng thống Donald Trump không và liệu ông có muốn đón nhận những lời khuyên từ miệng của những người cần được lắng nghe hơn cả là những đứa trẻ 5, 6 tuổi này không.
Tổng thống Trump đã được chính dân chúng Mỹ bầu lên. Đây không chỉ là chiến thắng riêng của ông, mà là của dân chúng Mỹ và của nền dân chủ Mỹ. Ông quả là một người tài ba. Nhưng theo dõi những cử chỉ, lời ăn tiếng nói, những phản ứng của ông  trong suốt cuộc vận động bầu cử và ngay cả trong 2 tháng chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức, cứ dựa theo những bài học vỡ lòng như Mục sư Fulghum đã ghi nhận và lời khuyên của các em học sinh mẫu giáo trên đây, tôi e rằng ứng cử viên Trump dường như hoặc chưa từng cắp sách đến trường mẫu giáo hoặc chẳng bao giờ học những bài học vỡ lòng về học làm người hoặc có học mà chẳng bao giờ muốn mang ra áp dụng cả.
Trật tự thế giới có lẽ đã thay đổi liền sau khi Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức. Và Hoa Kỳ cũng đã thay đổi, như ông đã nói trong bài diễn văn nhậm chức, “tại đây, lúc này” ngay khi ông vừa tuyên thệ. Tốt hay xấu thì tôi không biết, nhưng chắc chắn đã có sự thay đổi trong nước Mỹ kể từ giây phút Tổng thống Trump nhậm chức. Và tôi cũng hy vọng rằng những lời khuyên nền tảng của các em học sinh mẫu giáo sẽ giúp chính ông thay đổi và trưởng thành hơn. Và như một trong 18 phụ tá đã từng làm việc trong Tòa Bạch Ốc dưới hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama đã so sánh: thắng cử cũng giống như những cuộc thi đấu bóng rổ ở địa phương nhỏ thôi, còn làm việc tại Tòa Bạch Ốc mới thực sự là những trận đấu cấp quốc gia. Viên phụ tá này khuyên: “Bạn không thông minh như bạn nghĩ đâu...Hãy tỏ ra hết sức khiêm tốn, bởi vì bạn sẽ chóng nhận ra rằng sẽ có những điều bất trắc không lường được và làm những quyết định là một việc rất phức tạp” (x. Time 22/1/2017 trg 25).
Đầu năm Âm Lịch, khi ôn lại bài học vỡ lòng về làm người trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc và đọc được lời khuyên của các em học sinh mẫu giáo Mỹ gởi cho tân Tổng thống Trump, tôi thấy phải luôn tự nhủ: mình đã thêm tuổi và già đầu, nhưng cũng vẫn chưa bao giờ dừng lại trong sự trưởng thành. Còn sống là còn phải cố gắng để trưởng thành hơn. Trưởng thành hơn, nhứt là trong cách cư xử với người khác.
Ở tuổi thơ, khi đi “mừng tuổi” người lớn, tôi được lì xì. Tôi xem đó như một phần thưởng dành cho những cố gắng học làm người của tôi. Ngày nay, tôi không còn trông đợi một phần thưởng như thế nữa. Có chăng là mỗi lần cố gắng sống tử tế với người khác, tôi cảm thấy mình bước thêm một bước trong tiến trình trưởng thành vốn không bao giờ có điểm đến. Phải chăng đó không phải là phần thưởng đáng mong đợi sao?







Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Cây ngay không sợ chết đứng



Chu Thập
23.06.13


Thời buổi văn minh này, đi đâu, lúc nào cũng thấy mình bị theo dõi.
Tôi có quen một sinh viên đang dọn tiến sĩ. Ngành chuyên môn cô chọn là thu thập các dữ kiện về cá hồi để giúp tạo một giống cá mới ít béo hơn giống cá hiện có tại Úc Đại Lợi. Trong thời gian đi thu thập tài liệu để viết luận án, cô phải đến các trại nuôi cá hồi để lấy dữ liệu và đem về thí nghiệm tại Tiểu bang Tasmania. Cô kể rằng ngày nọ cô phải đến một nơi thật hoang vắng giữa trời nước mênh mông. Nhằm lúc phải giải quyết nhu cầu “nước thải”, cô đi tìm mãi mà không thấy có một nhà vệ sinh nào. Với cánh đàn ông thì chẳng có vấn đề gì. Ở đâu họ cũng xoay xở được. Nhưng với phái nữ thì thật là nan giản. Cô phải đi thật xa, tìm một nơi thật khuất và tin chắc là chẳng có ánh mắt nào theo dõi mình. Vậy mà giữa lúc chập choạng tối, sau khi giải quyết vấn đề, ngước mắt nhìn lên cô mới tá hỏa tam tình, cảm thấy mặt mình nóng bừng lên khi thấy có một cây trụ kề bên, trên đó có đặt một máy thu hình tự động.
Đây là kinh nghiệm mà tôi cũng thường có khi đi câu cá. Có những nơi mình tưởng chỉ “mình ta với ta” giữa trời đất. Vậy mà có lúc sau khi trút bầu tâm sự, chợt nhìn thấy có một máy thu hình đâu đó, chỉ muốn độn thổ mà thôi.
Những lúc như thế tôi thấy thèm được trở về sống ở nhà quê của tôi. Ở đó mình luôn cảm thấy thoải mái vì biết chắc chẳng có ma nào theo dõi mình. Ở đó, mọi người đều sống như thể một cuốn vở trắng được mở ra, chẳng có gì phải giấu diếm. Thật ra, trong cuộc sống thôn dã, người ta không có hoặc không quá đặt nặng về cuộc sống riêng tư. Họa hiếm lắm mới có một ngôi nhà kín cổng cao tường. Làng tôi không đến nỗi nghèo để chỉ có nhà tranh vách đất. Nhưng ban ngày hầu như chẳng có nhà nào chịu đóng cửa nẻo. Trẻ con như tôi muốn chạy vào nhà nào hay xông vào buồng nhà ai cũng được. Nói chung, ít có ai màng tới chuyện bị hàng xóm dòm ngó, bởi lẽ nhà nào cũng trống hoắc cho nên có muốn bảo vệ cuộc sống riêng tư cũng khó. Nhờ vậy mà trong quan hệ giữa người với người, tôi dễ cảm thấy thoải mái.
Thỉnh thoảng xem một vài chương trình truyền hình về cuộc sống của một số bộ lạc mà thế giới văn minh cho là còn bán khai tại rừng già Amazone bên Nam Mỹ, tôi cũng cảm nhận được sự thoải mái đó. Nhất là trong những bộ lạc còn ăn lông ở lỗ theo đúng nghĩa, nghĩa là vẫn còn mặc y phục của ông bà Adong và Evà, tôi lại càng thấy người ta chẳng phải bận tâm đến đời sống riêng tư. Chẳng có ai sợ bị người khác dòm ngó. Chẳng có ai lo bị người khác theo dõi. Mà cũng chẳng có gì đáng để theo dõi hay dòm ngó.
Kể từ lúc làm người tỵ nạn, hội nhập vào văn hóa mới của quốc gia cưu mang mình, tôi mới thực sự bắt đầu quan tâm đến cuộc sống riêng tư của người khác. Có những câu hỏi mà một người biết tự trọng và có văn hóa ở Tây Phương không bao giờ được phép hỏi. Có những cử chỉ không được phép làm vì xâm phạm đến đời tư của người khác. Cũng là điều tốt thôi. Ai mà chẳng cảm thấy khó chịu khi người khác xoi mói vào đời tư của mình.  Làm một người tỵ nạn, nếu có cuộc đổi đời thấy được, thì tôi thấy mình biết sống lịch sự hơn, tế nhị hơn, nhứt là lúc nào cũng sợ phải xâm phạm vào đời tư của người khác.
Nhưng mặt khác, tôi lại thấy mình ít thoải mái hơn. Cuộc sống càng văn minh, con người càng bị dòm ngó và theo dõi. Tôi không ngạc nhiên chút nào khi mới đây Edward Snowden, một cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ CIA đã trốn sang Hong Kong và tiết lộ rằng Cơ quan An ninh NSA đang theo dõi nhứt cử nhứt động của mọi công dân Mỹ. Sở dĩ Snowden đã dám “thổi còi” báo động về tình trạng này là bởi vì chính anh đã từng phải làm công việc theo dõi này. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho một tờ báo xuất bản tại Anh Quốc, anh nói: “Tôi không muốn sống trong một thế giới mà tất cả những gì tôi làm và nói đều bị ghi lại”. Người cựu nhân viên CIA này dám tuyên bố: “Tôi không thể cho phép chính phủ Hoa Kỳ phá hủy cuộc sống riêng tư và những tự do cơ bản”.
Chuyện này chẳng có gì mới mẻ cả. Kể từ lúc xảy ra cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, thế giới, nhứt là thế giới Tây Phương và Hoa Kỳ, không còn là một nơi an toàn nữa. Với cuộc chiến chống khủng bố, người dân bị theo dõi, những quyền tự do cơ bản bị hạn chế. Đó là điều không thể phủ nhận được. Lại nữa, các kỹ thuật truyền thông ngày càng tinh vi cũng góp phần vào việc theo dõi và dòm ngó vào đời sống riêng tư của con người. Con người bị theo dõi, truy lùng dấu vết và trở thành một thứ “dữ kiện” trên máy điện toán (databased). Đúng là chạy trời không khỏi nắng!
Ngày nay, ngoại trừ những bộ lạc sống giữa khu rừng già hoàn toàn khuất lấp khỏi ánh sáng văn minh hay những vị ẩn sĩ không còn muốn tiếp xúc với bất cứ người nào, 7 tỷ người đang sống trên mặt đất này đều là những con số hay những dữ kiện không hơn không kém trong các hệ thống Internet.
Có rất nhiều cách qua đó con người thời đại, cách riêng tại các nước văn minh, đang bị theo dõi. Trước hết là hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Những con “chip” của hệ thống này xuất hiện hầu như trên mọi thứ từ sổ thông hành, điện thoại di động đến xe hơi…Mua một thẻ Sim để gắn vào điện thoại cầm tay, gọi một cú điện thoại là chấp nhận tự phơi bày ra trước một con mắt vô hình nào đó đang theo dõi mình. Nói gì đến chuyện các công ty theo dõi công nhân của mình và mọi hình thức điều tra khác.
Nhưng dĩ nhiên, hệ thống Internet mà chúng ta xử dụng hầu như mọi lúc, mọi ngày lại là kẻ phản bội chúng ta nhiều nhứt. Nên nhớ rằng mỗi một cử động của chúng ta trên mạng lưới này đều được ghi lại.
Cũng đừng quên rằng các thẻ tín dụng chúng ta đang xử dụng cũng là những ngôi nhà với cửa nẻo mở toang hoác mà chúng ta cho phép người khác có thể xâm nhập vào bất cứ lúc nào. Ngay cả những thứ thẻ “hội viên” được giảm giá của các cửa tiệm cũng là một lời tự thú “thưa ông tôi ở bụi này” mà chúng ta vô tình trao gởi cho họ. Nói gì các thứ thẻ khác như bằng lái xe, thẻ An sinh Xã hội (SSN) tại Mỹ hay thẻ Medicare tại Úc Đại Lợi. Với những người cứ phải thường xuyên trình diện trước văn phòng Centrelink thì có chi tiết nào về cuộc sống của mình mà chính phủ không biết. Ngày nay, hồ sơ y tế “ehealth” của mỗi người tại Úc Đại Lợi này lại cũng được phơi bày ra cho bất cứ viên bác sĩ nào. Tại Hoa Kỳ chẳng hạn, trong cuộc chiến chống khủng bố và tin tặc, chính phủ còn lấy cả dấu DNA của mọi công dân. Đâu cần phải bị công an cộng sản Việt Nam rình rập hay mời đi “làm việc”, người dân ở những nước văn minh đã tự khai báo hầu như mọi sự cho chính phủ của mình cả rồi!
Tại những nơi công cộng, dù muốn hay không, chúng ta cũng bị đủ loại máy thu hình và ngay cả thu tiếng nói theo dõi. Nói chung, ngày xưa giữa một đám đông, chúng ta có thể tin tưởng mình chỉ là một thứ tiểu tốt vô danh. Ngày nay chuyện ấy đã qua rồi. Cứ có đám đông tụ tập là có thu hình. Hãy thử nhìn vào một đám động khán giả đang theo dõi một trận thể thao hay một đoàn người biểu tình. Ở một go1c bị khả nghi nào đó, ống kính thu hình có thể rọi thẳng vào từng khuôn mặt. Kỹ thuật tân tiến ngày nay cũng thu thập rất nhiều dữ liệu từ những hình ảnh trên trang mạng xã hội Facebook để khi hữu sự có thể rà lại và tìm ra những gì người ta cần muốn biết. Theo ước tính, các máy vi tính có độ chính xác đến 93 phần trăm về nơi tôi đang ở, ngay cả trước khi tôi làm bất cứ động tác nào.
Chúng ta đang bị dòm ngó, theo dõi, truy lùng và trở thành một dữ liệu trong thế giới văn minh nhưng đầy bất ổn hôm nay. Chúng ta có thể đổ lỗi cho nạn khủng bố đang hoành hành hầu như trên khắp thế giới. Tôi rất thông cảm với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khi ông giải thích về việc chính phủ bị bắt buộc phải theo dõi cuộc sống của người dân Mỹ. Nhân việc cựu nhân viên tình báo CIA Snowden tiết lộ về việc chính phủ Hoa Kỳ đang vi phạm cuộc sống riêng tư của người dân, tổng thống Obama nói rằng đó là cái giá chúng ta phải trả để có được sự an toàn. Muốn được an toàn, chúng ta phải chấp nhận việc hạn chế một số tự do. Hãy thử tưởng tượng mới đây, nếu không có máy thu hình đặt tại những nơi công cộng làm sao có thể truy tìm được hai thủ phạm trong vụ đặt bom khủng bố trong cuộc chạy việt dã tại Boston, Hoa Kỳ dạo tháng Tư vừa qua.
Bị dòm ngó, theo dõi, truy lùng và trở thành một dữ liệu trong thế giới ngày nay cũng là cái giá mà chúng ta phải trả để hưởng được các tiện nghi vật chất tân tiến, nhứt là các phương tiện truyền thông. Còn gì sung sướng hơn khi đi đâu, ở đâu chúng ta cũng có thể theo dõi từng biến cố đang diễn ra trên khắp thế giới. Cách xa cả vòng trái đất, chúng ta vẫn có thể liên lạc với người thân như thể đang ở trước mặt. Ngồi ở nhà chúng ta vẫn có thể “mua bán” và trao đổi hàng hóa. Thanh toán tiền bạc mà không cần phải ôm theo cả bao bố tiền giấy.  Không cần có bom đạn trong tay, chúng ta cũng có thể thực hiện được những cuộc cách mạng lật đổ các chế độ độc tài. Các chính phủ theo dõi chúng ta, nhưng chúng ta cũng có thể theo dõi, kiểm soát và có quyền hạch xách các chính phủ.
Tôi không có ý biện minh cho việc một số chính phủ tại các nước văn minh ngày nay, vì lý do an ninh, phải thiết lập hệ thống theo dõi người dân. Nhưng với một cái nhìn lạc quan, tôi nghĩ rằng, bên kia việc hạn chế một số tự do cơ bản, sự kiện tôi bị theo dõi liên tục có thể là một nhắc nhở về thái độ tự giác mà tôi nghĩ mình phải luôn có, nhứt là trong quan hệ với người khác và trách nhiệm đối với xã hội. Kỷ luật không phải là điều bẩm sinh hay tự nhiên có, mà đòi hỏi phải tập luyện và trau dồi mới có thể trở thành một bản năng thứ hai. Kinh nghiệm cho thấy ở chỗ đậu xe có ghi hàng chữ “coi chừng, có người đang theo dõi bạn”, xe ít bị mất cắp hơn. Cũng dễ hiểu, ít có ai muốn làm chuyện phi pháp giữa thanh thiên bạch nhựt hay biết có người khác đang theo dõi mình. Trong một số xã hội, như Tân Gia Ba chẳng hạn, chính vì không ngừng được nhắc nhở về việc tuân giữ kỷ luật và mối đe dọa bị trừng phạt mà người dân ít vi phạm luật pháp hơn những nơi khác. Một số tự do có bị hạn chế thật, nhưng chính nhờ tuân giữ kỷ luật dưới con mắt theo dõi vô hình của các phương tiện kỹ thuật mà con người mới đạt được sự tự giác, nghĩa là tuân hành luật pháp không phải vì sợ hãi cho bằng vì ý thức tôn trọng công ích và người khác.
Xét cho cùng, cây ngay không sợ chết đứng. Nếu tôi không có ý đồ mờ ám, và lúc nào cũng muốn tỏ ra “trong suốt” trong mọi hành động, tôi thấy chẳng có gì phải sợ hãi hay khó chịu khi bị theo dõi.  Và để có được một cuộc sống “trong suốt”, tôi cần phải để cho ánh mắt lương tâm của tôi theo dõi để hướng dẫn tôi tiến tới trên con đường ngay thẳng và nhắc nhở tôi nếu tôi sa cơ lỡ bước, bởi lẽ lầm lỡ là chuyện thường tình của con người.






Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Lại quyết tâm đầu năm!


Chu Thập
20.01.17
Năm nào cũng như năm nào, cứ bước vào năm mới là tôi lại có những quyết tâm mới và năm nào cũng như năm nào, tôi thấy mình chẳng thực hiện được quyết tâm nào cả. Nhìn lại thấy ngao ngán, nhưng rồi nhìn qua ngó lại, tôi cũng cảm thấy an ủi vì thấy xung quanh mình, cũng có khối người giống mình: biết bao nhiêu người cũng bỏ cuộc trên con đường của những quyết tâm đầu năm!
Theo một cuộc nghiên cứu, tại Hoa Kỳ, trong số những người có quyết tâm đầu năm, khoảng 32 phần trăm đi được một đoạn đường  không quá  2 tuần lễ, 42 phần trăm bỏ cuộc sau một tháng và 56 phần trăm chỉ cố gắng lê lết được 6 tháng. Còn tại Úc Đại Lợi, một cuộc điều tra cũng cho thấy có đến 80 phần trăm chào thua chỉ sau 3 tháng  (x. Psychology Today 9/1/2017).
Không hơn ai, nhưng cứ theo tâm lý thông thường,  thấy người ta chẳng hơn gì mình thì cũng đủ thấy vui rồi. Không thực hiện được các quyết tâm đầu năm xem ra cũng  là chuyện bình thường thôi. Vậy mà từ cổ chỉ kim, dường như ở đâu và thời nào, cứ mỗi dịp đầu năm là con người lại làm một số quyết tâm. Thời Đế quốc Babylone, vào Thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, người ta cũng đã biết đến sụp lạy trước bàn thờ của các thần minh để đoan hứa sẽ hoàn trả lại những đồ vật họ mượn của người khác. Còn trong Đế quốc La Mã, cứ ngày đầu năm, người dân cũng đến khấn hứa trước bàn thờ của thần Janus rằng họ sẽ thanh toán nợ nần với người khác. Truyền thống làm quyết tâm đầu năm này tiếp tục sống mãi cho tới thời Trung Cổ ở Âu Châu. Tại lục địa chịu ảnh hưởng của văn minh Kitô giáo này, mỗi năm các hiệp sĩ cũng lập lại cam kết sẽ sống hết mình tinh thần võ sĩ đạo. Riêng  trong cuộc sống tâm linh, có tôn giáo nào mà không khuyến khích các tín đồ hồi tâm, sám hối về những lồi lầm của quá khứ và quyết tâm đổi mới trong năm mới. Trong các Cộng đồng Công giáo Việt Nam ở Úc Đại Lợi này chẳng hạn, cứ mỗi dịp lễ Tết, tôi nhận thấy các tín hữu cũng đi “hái lộc” và mỗi lá “lộc” là một câu Kinh Thánh có nội dung khuyên nhủ họ canh tân đổi mới trong năm mới.
Nói chung, làm quyết tâm đầu năm là chuyện bình thường và không thực hiện được các quyết tâm đầu năm xem ra cũng là chuyện bình thường. Nhưng xuyên qua thiện chí và thất bại trong các quyết tâm đầu năm, con người luôn mong muốn được làm người tốt hơn ở một khía cạnh nào đó. Tôi vẫn luôn tin tưởng rằng dù có vấp ngã, con người vẫn muốn đứng dậy và bước tới. Động lực đàng sau những cố gắng ấy là niềm tin vào khả năng có thể thay đổi của con người.
Không biết tại sao tôi lại có ý nghĩ lạc quan ấy khi theo dõi những biến chuyển trong tình hình chính sự tại Hoa Kỳ, kể từ khi tỷ phú địa ốc Donald Trump bắt đầu làm mưa làm gió tại đệ nhứt siêu cường này. Rõ ràng là tôi đang bị ám ảnh bởi nhân dạng, điệu bộ, nhứt cử nhứt động và nhứt là những lời tuyên bố bốc đồng của ông. Mỗi sáng, vừa mở mắt, động tác đầu tiên của tôi là mở máy vi tính, lướt qua tất cả những tin tức liên quan đến ông và những gì ông tuyên bố. Tuy tôi không phải là dân Mỹ, nhưng cuộc bầu cử vừa qua tại Mỹ đã lôi kéo tôi vào một cuộc chiến chẳng đặng đừng. Bạn bè tôi bên Mỹ chia làm 2 phe rõ ràng: phe ủng hộ bà Hillary Clinton, phe hết mình vì ông Donald Trump. Riêng tôi chẳng ưa gì bà Clinton, nhưng lại càng không thể đứng về phía ông Trump. Trong bất cứ một cuộc bầu cử nào, dĩ nhiên tôi xem trọng tài năng của các ứng cử viên. Nhưng tôi vẫn lấy tư cách và đức độ làm tiêu chuẩn hàng đầu để chọn mặt gởi vàng. Với tôi, sức mạnh đích thực của một xã hội không chỉ được xây dựng trên sự phồn vinh về kinh tế hay giàu có về tiện nghi vật chất. Một xã hội thực sự lành mạnh còn cần phải phát huy và cổ võ những giá trị tinh thần, nhân bản và đạo đức.  Một người bạn thân của tôi bên Mỹ, biết tôi không mặn mà với ông Trump vì thái độ ngạo mạn, hung hăng, lỗ mãng và ngay cả xem thường những giá trị đạo đức của ông, đã tìm cách biện hộ cho ông và giải thích với riêng tôi rằng “nước Mỹ chúng tôi không bầu một vị giáo hoàng” mà chỉ chọn một người có khả năng mang lại phồn thịnh cho xứ sở và làm cho xứ sở “vĩ đại trở lại”.
Với lời biện hộ dành cho ông Trump, ông bạn thân của tôi dường như cũng muốn lôi kéo tôi vào một cuộc chiến. Do “bất đồng chính kiến”, quan hệ giữa những ông bạn của tôi bên Mỹ đã sứt mẻ không ít. Trên “meo đàn”  của những người đã từng học chung dưới cùng một mái trường, họ choảng nhau chí chóe. Dù không công khai đứng về bên nào, có lúc tôi cũng thấy mình bị lôi vào cuộc chiến. Nhưng cuối cùng, dù có “bất đồng chính kiến” với nhau cỡ nào, tôi vẫn muốn đặt tình bạn lên trên hết. Với tôi, tình bạn chính là lửa thử vàng của sự trưởng thành.
Tôi không biết rồi đây mối quan hệ giữa ông bà Clinton và tân Tổng thống Donald Trump sẽ như thế nào. Hồi năm 2005, ông bà Clinton đã được ông Trump mời tham dự đám cưới của ông với bà Melania. Đây là cuộc hôn nhân thứ 3 của ông. Ông Trump cũng đã từng đứng ra giúp ông bà Clinton vận động thành lập Quỹ Clinton. Phải là bạn bè thân thiết  lắm ông Clinton mới choàng vai ông Trump và ông Trump mới đưa tay vòng qua eo bà Clinton. Trong tiệc cưới, họ cũng đã không ngừng áp má vào nhau. Những hình ảnh ấy chỉ có thể là bằng chứng cho thấy họ là bạn thân với nhau. Nhưng ai cũng nhận thấy rằng những lời nói thô lỗ cộc cằn, nhứt là từ phía ông Trump, mà họ đã xối xả tuôn vào nhau trong cuộc vận động bầu cử vừa qua, chỉ có thể là biểu hiện của sự thù hận mà thôi. Tôi hy vọng rằng tân Tổng thống Trump cũng như ông bà Clinton sẽ “trưởng thành” hơn để hàn gắn những vết thương do cuộc bầu cử tạo ra và nối lại tình bạn với nhau.
Phải nói dứt khoát rằng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, tôi chẳng đứng về phe nào cả. Nhưng ít ra, tôi phục tư cách của bà Clinton. Trong khi ông Trump tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bầu cử và sẽ “quậy” cho tới bến theo kiểu “được làm vua thua làm giặc” nếu ông thất cử, thì bà Clinton đã lên tiếng chấp nhận thua cuộc. Ít ra tôi thấy bà đã cư xử như một người trưởng thành. Và dù có ngậm đắng nuốt cay cỡ nào, sự hiện diện của bà trong lễ tuyên thệ  nhậm chức của ông Trump cũng cần được đón nhận như  thiện chí của một người muốn xí xóa chuyện cũ và biểu hiện của một tư cách trưởng thành.
Tôi không biết ý niệm “trưởng thành” có trong đầu của tân Tổng thống Trump không. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CNN ngày 6 tháng Giêng vừa qua , khi nhận định về những lời tuyên bố bừa bãi và “thiếu suy nghĩ” của ông Trump trên trang mạng Twitter, Phó tổng thống Joe Biden nói rằng đã đến lúc ông Trump cần phải trưởng thành. Ông trực tiếp nhắn nhủ tân tổng thống Mỹ: “Donald, hãy trưởng thành. Hãy trưởng thành. Đã đến lúc phải làm một  người lớn”.
 (x.http://edition.cnn.com/2017/01/05/politics/vice-president-joe-biden-donald-trump-grow-up/).
Tôi không có đủ khả năng để luận bàn về di sản của Tổng thống Barack Obama. Nhưng ít ra, dưới mắt tôi, lúc nào ông cũng cố gắng tỏ ra mình là một người trưởng thành, nhứt là trong lời nói. Ngay cả những giọt nước mắt mà người ta thường thấy rơi lã chã trên má ông mỗi khi ông xúc động, nhứt là khi nói về những thảm cảnh do nạn chém giết bừa bãi bằng súng ống trong xã hội Mỹ, tôi cũng xem đó như biểu hiện của một con người trưởng thành. Trưởng thành vì còn biết  xúc động trước khổ đau của người đồng loại. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống, tóc ông đã bạc hẳn đi và ông cũng già dặn, chín chắn và trưởng thành hơn. Trong bài diễn văn từ giã dân chúng Mỹ, ông cám hơn họ vì đã làm cho ông trở thành một tổng thống tốt hơn. Đúng hơn, một con người tốt hơn, nghĩa là trưởng thành hơn. Khẩu hiệu “Yes, we can” (Chúng ta có thể làm được) mà ông đã chọn cho chiến dịch vận động bầu cử cũng như suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống của ông, có lẽ trước tiên cần được hiểu như niềm hy vọng và tin tưởng của  ông vào khả năng có thể thay đổi của bản thân ông. Con người có thể thay đổi và thay đổi theo chiều hướng tốt. Tôi nghĩ có thể đó là sứ điệp mà qua sự vươn lên của chính bản thân ông, Tổng thống Obama muốn để lại cho hậu thế. Tôi cũng hy vọng và cầu mong rằng ở cuối nhiệm kỳ của ông, tân Tổng thống Trump cũng sẽ để lại một sứ điệp như vậy.
Ở mỗi dịp đầu năm, khi làm những quyết tâm cho năm mới, tôi luôn  tin tưởng như thế: con người có thể thay đổi!  Mới đây, các chuyên gia tâm lý thuộc trường Đại học Bremen, Đức quốc và trường Đại học Lisboa, Bồ Đào Nha đã phối hợp với nhau để thực hiện một cuộc điều tra để xem đâu là nét nổi bật nhứt trong tư cách con người. Đã có gần 42 ngàn người thuộc 30 quốc gia tham gia cuộc nghiên cứu. Kết quả cuộc điều tra cho thấy, nhìn chung, con người xem sự tha thứ là một trong những nét nổi trội nhứt trong tư cách con người. Các chuyên gia tâm lý đã đưa ra kết luận: “Tha thứ xem ra là một yếu tố then chốt trong việc bẽ gẫy những vòng lẩn quẩn của bạo động trong các xã hội sau thời kỳ xung đột”. Nói cách khác, tha thứ có thể dẫn đến hàn gắn và hòa giải giữa các dân tộc. (x.www.psychologytoday.com/blog/fulfillment-any-age/201608/4-reasons-give-someone-second-chance) .
Con người có thể và phải tha thứ cho nhau là bởi vì con người ai cũng có lúc sai phạm và con người có thể thay đổi. Ai cũng có thể học được một bài học từ những sai lầm của mình. Do đó quà tặng tốt nhứt dành cho một người chính là cho họ một cơ hội thứ hai để giúp họ chứng tỏ điều đó.
Con người có thể và cần phải tha thứ cho nhau là bởi vì ai cũng muốn được người khác tha thứ. Thành ra khi tôi tặng cho người khác một cơ hội thứ hai để thay đổi cũng chính là lúc tôi  tự dành cho mình một cơ hội để bắt đầu làm lại.
Sống là một cuộc bắt đầu làm lại không ngừng. Sang năm giờ này, khi nhìn lại đoạn đường đã đi qua, tôi biết chắc là mình sẽ thất vọng không ít vì không thực hiện được những quyết tâm đầu năm. Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng tôi sẽ là người trưởng thành hơn nếu tôi biết ra khỏi bản thân để đến với người khác nhiều hơn, để biết quên mình hơn, để sống tử tế hơn và nhứt là để biết cảm thông và tha thứ nhiều hơn. Nghịch lý của cuộc đời là thế đó: khi tôi dành cho người khác một cơ hội thứ hai để thay đổi cũng chính là lúc tôi thay đổi chính mình.









Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Tôi tập lắng nghe



Chu Thập
11.06.13

Thuở còn sống với cha mẹ, tôi vẫn cứ thắc mắc tại sao cứ nửa đêm hay về sáng, ông già tôi thường thức dậy pha trà uống rồi mới đi ngủ lại. Bây giờ khi bước vào tuổi của ông thì tôi mới hiểu tại sao. Cứ mồi lần thức dậy đi uống nước tôi lại nhớ cha tôi. Và âm thanh tôi vẫn còn nghe rõ mồn một là tiếng nước trà mà cha tôi rót vào tách. Như một nghi thức, cha tôi lấy nước nóng từ bình thủy, pha vào ấm trà, rồi đưa cao ấm lên để rót vào tách. Khi bốn bề đều yên lặng, tiếng nước trà từ trên cao đổ vào tách tạo ra một âm thanh mà tôi nghĩ chỉ có cha tôi mới hiểu hết ý nghĩa. Có người bảo đó là thói quen đặc trưng của người miền Trung. Cứ nhìn vào người nào đưa cao cái ấm lên để rót nước vào tách là biết ngay đó là dân miền Trung.
Dạo đó, tuy đã trên 6 bó rưỡi, cha tôi vẫn còn là một nông dân ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đêm nằm ngủ, có lúc ông thức dậy nhìn trời. Nhà nông nào cũng có lúc mong cho trời nắng, có ngày chờ một cơn mưa. Gặp lúc lúa thần nông vừa được viện IRI (viện nghiên cứu lúa do Liên Hiệp Quốc thành lập) tại Phi Luật Tân tạo giống và du nhập vào Việt Nam, rầy (một loại thiêu thân) không biết từ đâu sinh ra hằng hà sa số. Chúng lờn với các thứ thuốc trừ sâu. Chỉ còn cách lấy bánh xe hơi cũ đốt lên sáng cả một cánh đồng, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Những lúc như thế, tôi chỉ còn nghe cha tôi thở dài. Giữa đêm thức giấc uống trà để gọi là dỗ lại giấc ngủ, có lẽ cha tôi muốn gởi gấm vào tiếng nước trà rót vào tách tất cả những hy vọng, niềm mơ ước cũng như bao nỗi lo của một nhà nông.
Tuy nay đã bước vào tuổi của cha tôi, tôi lại không có những trăn trở đến độ phải thức dậy uống trà như cha tôi. Nhưng ngủ trọn giấc là điều mà tôi biết mình sẽ chẳng còn có được nữa. Sống trong một khung cảnh yên ắng đến độ ban đêm hầu như không còn nghe bất cứ một thứ tiếng động nào, tai tôi lại trở nên thính hơn bao giờ hết. Hai ba giờ sáng, tôi nghe được tiếng xe tải đang rướn mình trên xa lộ F3 cách nhà tôi có lẽ không quá một cây số đường chim bay. Âm thanh nghe không ồn ào, gây hấn hay bực dọc, mà trái lại như làm toát ra một chút nhẹ nhõm, phấn khởi của những tài xế phải suốt một đêm nhọc nhằn trên con đường dài từ Queensland về Sydney. Nghe tiếng máy nổ đều đều của những chiếc xe tải, tôi tưởng tượng ra niềm vui của những người sắp trút bỏ được gánh nặng để về với gia đình hay tìm được giấc ngủ sau một đêm mỏi mệt vì phải tập trung vào tay lái để không gây ra tai nạn.
Trời chưa sáng, nhưng những con chim “kookaburra” đã cất tiếng chào bình minh inh ỏi cả núi rừng. Giống chim này bình thường im như thóc, mỗi con đứng một góc cả buổi như một triết gia chẳng biết đang ngẫm nghĩ chuyện gì. Nhưng cứ gần sáng thì chúng lại ồn ào hơn ai hết. Lúc mới về ở gần rừng, tôi hơi bực bội vì bị đánh thức vào lúc mình chưa muốn dậy. Nhưng bây giờ nghe mãi tôi lại đâm ra ghiền cái bản hợp ca hỗn loạn ấy. Cứ tưởng tượng núi rừng mà không có thứ âm thanh ấy thì buồn biết chừng nào!
Chỉ có mấy chị gà mái của tôi là biết điều. Phải đợi có một chút ánh sáng luồn vào chuồng, các chị mới thức giấc và bắt đầu rên rỉ. Nghe mãi, tôi hiểu được lúc nào các chị muốn đòi ăn, lúc nào các chị bày tỏ niềm vui vì được ăn quà vặt, lúc nào các chị gắt gỏng và dĩ nhiên lúc nào các chị muốn chửi nhau vì “mắc đẻ” mà không tìm được ổ.
Hiểu được tiếng gà, thưởng thức được âm thanh của núi rừng, nghe được nỗi niềm từ động cơ máy nổ, tôi cũng bắt đầu hiểu được tiếng nói của chính cơ thể mình. Có những đêm cái bụng của tôi làm reo, phản đối vì trong ngày tôi đã ăn những thứ mà lẽ ra tôi phải kiêng. Có lúc thì ngón chân cái bên phải của tôi báo động. Thì ra, vui với bạn bè, tôi đã rước vào người một lượng rượu vang đỏ vượt quá mức cho phép hoặc một miếng “bít tết” quá cỡ. Đó là những thứ “xúc tác” giúp cho bệnh “gút” (gout) vùng dậy. Nhưng đáng sợ nhất là những lúc tim tôi đập loạn xà ngầu, báo hiệu một điều mà tôi chẳng đoán được là gì, nhưng ít ra tôi cũng đón nhận đó như một thông tin về một triệu chứng đáng lo ngại. Quả thật, cơ thể của tôi lúc nào cũng đòi quyền được phát biểu. “Thương người như thể thương thân” mà không chịu lắng nghe, chăm sóc, yêu thương cái thân này quả là một thiếu sót đáng tội. Nói gì đến tiếng nói sâu thẳm từ lương tâm. Có những đêm thức giấc thấy vui vì mình đã sống tử tế hơn hay đã làm được một vài nghĩa cử nhỏ với người xung quanh. Nhưng cũng chẳng thiếu những lúc cứ trằn trọc hay bị “cắn rứt” vì đã không làm được một việc thiện lẽ ra phải làm hay đã vô tình hay hữu ý xúc phạm đến một ai đó.
Tiếng nói của lương tâm ấy không chỉ thúc đẩy tôi phải luôn biết nhìn lại bản thân, mà cũng mời gọi tôi lắng nghe người khác nhiều hơn. Dĩ nhiên, nghe với thái độ nhẫn nhục và cảm thông.
Tôi chưa bị trầm cảm hay mắc phải một chứng bệnh tâm lý nào trầm trọng đến độ phải đi gặp một cố vấn tâm lý. Nhưng tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành một cố vấn tâm lý cho người khác, bởi vì ai cũng có nhu cầu cần trút bầu tâm sự và cần có một ai đó biết lắng nghe mình. Cái xóm nhỏ của tôi có nhiều người có nhu cầu ấy.
Tôi nghĩ đến trước tiên cái bà gốc Hồng Kông ở cách nhà tôi hai căn. Tôi đã hầu như thuộc lòng “câu chuyện” của bà. Có lẽ biết tôi là người Á Đông dễ cảm thông chăng, cho nên cứ hễ gặp tôi là bà chận lại cho bằng được và tuôn ra đủ chuyện trên đời này. Thường thì bà than phiền về người con trai đang sống với bà. Người thanh niên mang hai dòng máu này quả thật chẳng giống ai. Anh hiện đang dọn tiến sĩ về vật lý học tại một đại học nào đó trên Sydney. Từ nhà ra ga xe lửa đi bộ phải mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Vậy mà anh thà đi bộ hơn là học lái xe để tiết kiệm được thì giờ đi lại. Hơn nữa, gặp lúc người mẹ cần đi đâu anh có thể đỡ đần phần nào. Nhưng anh dứt khoát không chịu tự tay xử dụng cái phương tiện đi lại tối thiểu ở Úc Đại Lợi này. Người mẹ than phiền về chuyện này đã đành. Bà cũng buồn vì anh ít khi động đến ngón tay để giúp đỡ bà trong việc nhà.
Ngoài người con trai khác thường này, bà ta cũng rất bực mình vì chuyện người đưa thư cứ tỉnh bơ lái chiếc xe hai bánh cán lên thảm cỏ mà bà cưng hơn bất cứ thứ gì trên đời. Chưa hết, người “đồng hương Á đông” duy nhứt trên con đường cụt này là tôi còn phải nghe bà kể lể về thái độ kỳ thị chủng tộc của gia đình người hàng xóm sát vách với bà hay chuyện một bà Úc khác cứ thản nhiên thả chó “ị” những bãi to tổ bố trên thảm cỏ của bà.
Không biết tôi có “thiên hướng” làm cố vấn tâm lý không mà cách đây mấy hôm, trong lúc chạy bộ quanh bờ hồ gần nhà, bà Ba Lan ở cách nhà tôi vài căn cũng chận tôi lại để tâm sự. Thôi thì bà kể đủ điều về cái bà Úc láng giềng của bà. Bà nói rằng bà đã đến cư ngụ trong cái xóm này đã 27 năm. Vậy mà cái bà Úc mới dọn về có 2 năm lại kiếm chuyện với bà. Chuyện có gì đâu. Bà Ba Lan đã xin được phép của hội đồng thị xã để che thêm một cái chái phía sau nhà để mỗi tuần tổ chức họp mặt gia đình. Dĩ nhiên, họp mặt gia đình thì làm sao tránh khỏi tiếng ồn. Cho nên cái bà hàng xóm của bà Ba Lan mới nói xa nói gần đủ điều. Hai bên cứ kèn cựa nhau. Tôi chẳng biết lỗi phải về ai. Nhưng nghe và “chịu trận” để nghe thì tôi biết mình có thừa kiên nhẫn. Tôi cũng nghĩ thầm: mình không được huấn luyện để làm cố vấn tâm lý, nhưng được dịp lắng nghe người ta tâm sự thì không những không mất mát mà lại giúp mình biết cảm thông với người khác hơn.
Tôi thích cái ông hàng xóm mới dọn về được vài tháng nay. Có lẽ vì đang là giám đốc hành chánh của một bệnh viện ở địa phương, nghĩa là người thường xuyên phải giải quyết những vấn đề về quan hệ giữa người với người cho nên lúc nào ông cũng thích trao đổi, lắng nghe và hầu như lúc nào cũng kết thúc câu chuyện bằng một câu “life is good” (đời vẫn đẹp). Tôi muốn học cái thái độ lạc quan ấy để biết lắng nghe và cảm thông với người khác nhiều hơn.
Cứ tưởng lắng nghe là chuyện ai cũng làm được và làm được mà chẳng cần học hỏi hay trau dồi. Thật ra, lắng nghe là cả một nghệ thuật. Thời thanh niên, chương về “lắng nghe” trong cuốn sách gối đầu giường là “Đắc nhân tâm” của ông Dale Carnegie, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, đã được tôi đem ra nghiền ngẫm mỗi ngày. Vậy mà cho tới giờ này, khi xảy ra chuyện, có khi mình lại quên áp dụng bài học sơ đẳng mà ông Carnegie đã đề ra: người biết lắng nghe là người nói chuyện hay nhứt!
Nhìn vào thời đại thông tin toàn cầu này, tôi thấy ái ngại cho giới trẻ ngày nay. Cái thế hệ mà nhà bác học vĩ đại nhứt của thế kỷ 20 là Albert Einstein đã từng tiên báo sẽ đến quả là một thế hệ “ngu ngốc”. Với những phương tiện truyền thông mỗi lúc một tối tân và tinh vi, họ lại co cụm trong bản thân hơn là lắng nghe người khác. Họ thích nói về mình hơn là nghe người khác nói. Họ thích nói với mình hơn là nói với người khác.
Trong cuốn sách có tựa đề “Absolute Happiness” (Hạnh phúc tuyệt đối), tác giả Michael Domeyko Rowland có kể lại một bữa cơm mà ông đã chia sẻ với một nhóm người mà ông gọi là những “Narcisse” của thời đại. Có mặt trong bữa cơm là một người vừa làm một chuyến đi Chile, Châu Mỹ La Tinh về. Ông ngỏ ý xin người này kể lại chuyến đi. Nhưng cứ hễ người này vừa mở miệng thì đã có một bà giành “micro” để thao thao đủ chuyện về Chile. Tác giả kể lại rằng có ít nhứt ba bà “nhiều chuyện” như thế. Rốt cục, tác giả bảo rằng ông chẳng nghe được bất cứ một câu chuyện nào từ miệng của người vừa mới thực hiện một chuyến du lịch tại Chile.
Theo thần thoại Hy Lạp, Narcisse là một chàng thanh niên có nhân dáng đẹp. Ngày nọ, anh ra đứng bên một bờ ao. Nhìn xuống mặt nước im như tờ, anh thấy thân hình đẹp của mình hiện ra như trong gương. Kể từ đó, chàng ta say mê chính mình. Ngày ngày anh cứ ra đứng bên bờ hồ để chiêm ngắm dung nhan của mình đến độ quên ăn mất ngủ và qua đời. Từ nơi anh chết đã mọc lên một loài hoa đẹp được đặt tên là Narcisse (Thủy Tiên). Dĩ nhiên, từ đó, người ta thường mượn hình ảnh của nhân vật thần thoại này để nói về những người chỉ biết say mê và yêu mình. Người mắc chứng “Narcisse” thường chỉ biết có mình. Họ tự giam mình trong tổ kén được chính họ tự dệt lên. Chính vì co cụm trong bản thân và không muốn ra khỏi chính mình, cho nên người mắc chứng “Narcisse” sẽ không muốn lắng nghe người khác.
Thật ra, ít hay nhiều, ở những mức độ khác nhau, tôi nghĩ có lẽ ai cũng mắc chứng bệnh này. Chỉ có thái độ lắng nghe với cảm thông mới có thể giúp tôi ra khỏi bản thân. Mà kỳ thực, nghịch lý lớn nhứt trong cuộc đời mà lẽ thường luôn mách bảo tôi là: càng cố gắng ra quên mình để đến với người khác và lắng nghe họ nhiều hơn, tôi lại càng tìm lại được chính mình.
Và hầu như điều gì cùng tùy vào cảm nhận và cái nhìn của chính mình. Từ chỗ cố gắng lắng nghe vì lịch sự đến lắng nghe vì thương cảm tôi thấy mình không còn thấy việc lắng nghe những chuyện “một ngày như mọi ngày”, chẳng đi đến đâu của người khác như cực hình nữa. Tôi nhận thấy rằng, cũng như thời tiết, câu chuyện của họ cũng có những tình tiết nho nhỏ đủ để nói lên những tâm tư sâu kín cần được lắng nghe và chia sẻ. Rõ ràng không mấy ai cần một giải đáp nhưng chắc chắn ai cũng cần có một cái tai biết nghe.
Và tôi cũng không ngoại lệ.







Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Tôi sợ nên tôi hiện hữu



Chu Thập
28.05.13


Bức tranh của thế giới mà chúng ta nhìn thấy hầu như mỗi ngày không chỉ có mây mù của thiên tai, tai nạn, chiến tranh và khủng bố, mà còn được tô điểm bằng vô số những gương anh hùng luôn được đề cao và mang lại cảm hứng cho mọi người.
Là người Việt Nam, tôi thật hãnh diện khi Đài truyền hình CBS của Mỹ ca ngợi gương hy sinh anh dũng của cô giáo gốc Việt Jennifer Đoàn, người đã lấy thân mình để che chở cho các em học sinh trong trường tiểu học Plaza Tower khi cơn lốc xoáy đổ xuống thị trấn Moore, nằm ở ngoại ô Oklahoma City chiều thứ Hai 17 tháng 5 vừa qua.
Một phụ nữ khác cũng được cả thế giới ca ngợi là bà Ingrid Loyau-Kennett, người đã dám đương đầu với tên khủng bố đã sát hại một binh sĩ Anh tại khu Woolwich, London, Anh Quốc hôm thứ Tư 22 tháng 5 vừa qua. Trước một tên sát nhân vừa mới giết người và đang cầm khí giới trong tay, người đàn bà này vẫn hiên ngang nói chuyện và thách thức hắn. Đặt vào hoàn cảnh của người phụ nữ này, tôi không biết mình có đủ can đảm để “nói chuyện” với một tên khủng bố như thế không?
Nhưng đâu cần phải đương đầu với một tên khủng bố, ngay cả chuyện đánh nhau với chó để cứu người, không biết tôi có dám làm như trường hợp ông Chris Thompson, người đã anh dũng chiến đấu chống lại 3 con chó dữ để cứu một người đi bộ tại Ashcroft, miền Tây Sydney hôm Chúa Nhựt vừa qua hay không.
Ba người trên đây hẳn phải là những người can đảm. Can đảm chứ không liều lĩnh. Liều lĩnh là người không biết sợ, bởi vì không thấy hay đoán trước hậu quả của việc mình làm. Người can đảm thì trái, dẫu nhìn thấy những nguy hiểm và bất trắc cho thể xảy ra, vẫn không lùi bước trước khó khăn. Họ là người biết sợ. Xét cho cùng, ngoại trừ loại người “điếc không sợ súng” hay người vô ý thức hoặc mộng du, có ai mà không biết sợ. Ngoài những nỗi sợ chung, hình như ai cũng có thêm một nỗi sợ cho riêng mình. Đã nói đến sợ thì chẳng có cái sợ nào là vô lý cả. Sợ trong tiếng Tây phương là “Phobia”. Nếu nối từ này với một từ khác, người ta đọc được không dưới 60 loại sợ khác nhau, từ sợ tắm rửa (ablutophobia) đến sợ đi máy bay (aviatophobia). Cứ mỗi người là một nỗi lo sợ.
Lúc nhỏ có hai thứ làm cho tôi sợ. Một là ma, hai là rắn. Ở nhà quê, đêm đến tối om, cây cối lại um tùm, nhìn đâu mà chẳng thấy ma, nhứt là chuyện ma và thấy ma thì mẹ tôi kể không bao giờ hết. Có đứa nhỏ nào mà không sợ ma. Vậy mà bước vào tuổi thanh niên, tự nhiên tôi được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi này. Nhưng rắn thì lại tiếp tục đeo đuổi tôi cho tới ngày hôm nay. Ở gần rừng, mỗi khi ra vườn hay mạo hiểm lên núi, ý nghĩ đầu tiên đến với tôi lúc nào cũng là rắn. Nhiều lúc trong giấc ngủ, tôi cũng mơ thấy mình bị rắn rượt.  Không biết có phải do câu chuyện ông Adong và bà Evà bị con rắn cám dỗ không mà hễ cứ thấy rắn là tôi rùng mình, nhiều lúc gần như bị tê liệt. Cách đây không lâu, vào một ngày nắng nóng, một con rắn có màu xanh lợt không rõ từ đâu trườn người trên hàng rào gỗ bên hông nhà tôi. Cầm một cây gậy trong tay mà tôi vẫn run cho nên gọi nhà tôi ra tiếp sức mới dám “đương đầu” với nó. Thì ra, nó chỉ là một thứ rắn hiền (tree snake). Tội nghiệp cho con vật, chỉ vì nỗi sợ hãi của tôi mà nó phải bị giết oan! Nhưng dù có là rắn hiền đi nữa, mỗi lần nhìn thấy cái lớp vẩy bóng bẩy, trơn chùi của nó là tôi thấy lạnh xương sống rồi, chớ đừng nói tới chuyện uống rượu có pha huyết rắn hoặc ăn các món nhậu làm bằng thịt rắn.
Thỉnh thoảng tôi có xem chương trình “Fear Factor” (Yếu tố sợ hãi) của Mỹ được chiếu lại trên truyền hình Úc. Như người hướng dẫn chương trình là ông Joe Rogan thường giải thích: “Đây là một cuộc thi đua vô cùng nguy hiểm cho nên không phải ai cũng nên tham dự bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào”. Có những cảnh khủng khiếp đến độ một người có giây thần kinh không được vững như tôi không dám nhìn. Có những cảnh trong đó người thi đấu phải bị chôn sống trong một đống giun. Nhưng khiếp nhứt đối với tôi là phải nằm trong một quan tài chung với đủ loại rắn!
Đọc trên Wikipedia tiếng Việt, tôi thấy nỗi sợ hay sợ hãi được định nghĩa như là “cảm xúc đau buồn xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. Đây là một cơ chế tồn tại cơ bản xảy ra trong phản ứng với một kích thích cụ thể chẳng hạn như đau hoặc đe dọa nguy hiểm đe dọa. Nói ngắn gọn, sợ là khả năng nhận ra nguy hiểm và chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại”.
Đã từng sống dưới chế độ cộng sản, tôi hiểu được thế nào là sợ và cảm thông với rất nhiều người. Nếu không khủng bố, tức làm cho người dân sợ hãi, chế độ cộng sản không thể nào tồn tại. Nhà văn Nguyễn Tuân, người đã “can đảm” nhìn nhận rằng mình đã có thể sống còn trong chế độ cộng sản là vì còn biết sợ, đã diễn tả đúng tâm trạng của rất nhiều văn nghệ sĩ và trí thức tại Việt Nam. Tri thức, sự hiểu biết có thể giải thoát con người khỏi ngu muội, cuồng tín, nhưng lại tỏ ra bất lực trước nỗi sợ hãi. Có khi người biết nhiều lại là kẻ lo sợ hơn người ít học.
Gần đây tôi đã phải ngả mũ chào hai bạn trẻ Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vừa bị nhà nước cộng sản Việt Nam kết án tù vì đã kêu gọi chống lại Trung Quốc xâm lăng. Là những người trẻ đang đứng trước một tương lai tương đối tươi sáng hơn rất nhiều người khác, chắc chắn họ đã thấy trước rằng bước vào con đường tranh đấu là có thể mất tất cả, ngay cả mạng sống của mình. Vậy mà họ đã hiên ngang làm điều mà lý trí và lương tâm mách bảo với họ là điều đúng đắn và tốt đẹp phải làm. Thay cho một tương lai sáng sủa là những ngày đen tối trong nhà tù cộng sản. Có thể họ đã mất hết, nhưng vẫn còn lại niềm hy vọng. Có thể họ đã chào thua họng súng, dùi cui và nhà tù, nhưng họ đã chiến thắng được nỗi sợ hãi của mình. Kẻ chiến thắng trong lúc này không phải là cả chế độ cộng sản Việt Nam, mà là chính họ, bởi vì cả thế giới hiện đang đứng về phía họ. Chiến thắng được nỗi sợ hãi của mình quả là chiến thắng lớn nhứt. Chế độ cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ nếu ngày càng có nhiều người “vô úy” như hai người bạn trẻ này và rất nhiều bạn trẻ khác hiện đang bị giam tù.
Mới đây, một trong những người Úc nổi tiếng nhứt là Nick Vujicic, người không tay không chân, đã đến Việt Nam để chia sẻ thông điệp về sức mạnh của ý chí nơi anh. Trong buổi nói chuyện kéo dài 40 phút đồng hồ tại Sài Gòn hôm thứ Tư 22 tháng 5 vừa qua, anh tâm sự: “Nhiều người cho rằng tôi sẽ sống rất chật vật bởi bị khuyết tật, nhưng tôi có gia đình và tình yêu thương để vượt qua những khó khăn. Tôi không có ý định so sánh khuyết tật của người này với người khác. Bạn không ngồi xe lăn nhưng có thể bạn đang sống trong nhiều nỗi sợ hãi: lo sợ về tương lai, sợ thất bại, sợ ai đó nghĩ gì không tốt về mình…Tôi cho rằng ai đó cứ sống mãi trong sợ hãi thì đó đã là bị khuyết tật.” (Tuổi trẻ online 28/5/2013).
Sở dĩ Nick Vujicic đã có thể mang lại niềm cảm hứng cho nhiều người trên khắp thế giới là bởi anh là người đã vượt qua được số phận chứ không phải vì anh là người không biết sợ hãi. Dù không bị khuyết tật, dù có suốt đời chỉ gặp toàn may mắn, ai cũng có một nỗi lo sợ nào đó để đương đầu. Sợ hãi nằm trong DNA của mỗi người đến độ người không biết thế nào là sợ hãi khó có thể là một người bình thường.
Cuốn phim có tựa đề “Fearless” (không sợ hãi) được thực hiện tại Hoa kỳ năm 1993, với sự góp mặt của những tài tử nổi tiếng như Jeff Bridges và Isabella Rossellini, đã làm nổi bật dung mạo bất thường của một người không còn biết thế nào là sợ hãi. Chuyện kể về một người, sau một tai nạn máy bay, đã trở thành một con người hoàn toàn khác hẳn. Ông không thể nhớ lại cuộc sống của mình trước khi tai nạn xảy ra. Ông cũng chẳng còn biết người đàn bà đã từng là vợ của mình. Ông thấy mình giống như thần linh và chẳng còn sợ hãi bất cứ điều gì nữa. Bó tay trước một trường hợp lạ lùng, chuyên gia tâm lý đành cho ông gặp gỡ với một người phụ nữ còn sống sót sau tai nạn. Đứa con nhỏ của bà qua đời trong tai nạn, người đàn bà đau khổ đến độ tưởng chừng như không gì có thể xoa dịu được. Nhưng một tia hy vọng đã bừng dậy cho người đàn bà cũng như cho người đàn ông “không còn biết sợ hãi”. Sự cảm thông đã xoa dịu được nỗi đau tột cùng của người đàn bà và đưa người đàn ông trở lại bình thường, nghĩa là biết vui, biết buồn, biết khóc và nhứt là biết sợ hãi.
Trong câu chuyện chia sẻ với giới trẻ Việt Nam, Nick Vujicic đã nói một điều đáng suy nghĩ: “Điều tốt nhất trong cuộc sống của tôi là những điều tốt đẹp tôi nhận được khi giúp đỡ ai đó. Có thể phép mầu không xảy ra với bạn, nhưng bạn hoàn toàn có thể trở thành phép mầu của một người khác”.
Thì ra một trong những phương cách để thắng vượt sự sợ hãi của mình chính là ra khỏi bản thân và giúp đỡ người khác. Có ai nghèo nàn đến độ không có gì để trao tặng cho người khác. Có ai bất lực đến độ không thể làm gì để phục vụ người khác. Một cánh tay lực lưỡng thì không, nhưng chắc chắn một lời nói, một nụ cười hay một ánh mắt thì ai mà chẳng có dư đầy trong mình.
Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi thước phim về thái độ của hai người khủng bố trong vụ thảm sát người lính Anh tại Woolwich, London. Tôi không nhìn thấy cảnh hai người này đã chém giết và toan chặt đầu người lính Anh. Nhưng thước phim được người qua đường ghi lại sau vụ sát nhân cho thấy một trong hai người vẫn hiên ngang đứng bên lề đường để lớn tiếng “giải thích” về hành động giết người của mình. Khủng bố đang mang một bộ mặt mới. Trong cuộc đánh bom tại Boston ngày 14 tháng 4 vừa qua, ít ra sau khi cho bom nổ, hai anh em Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev đều bỏ chạy. Có thể chạy đi để tiếp tục đánh bom ở New York như người em còn sống sót đã khai với cảnh sát điều tra, nhưng ít ra những kẻ sát nhân vẫn muốn giấu mặt. Trong khi đó, tại London, hai kẻ khủng bố không cần phải mất giờ để chế tạo và lén lút cài bom nữa. Họ xử dụng dao và mã tấu là những thứ có sẵn trong tay. Họ lại thực hiện hành động sát nhân ngay giữa thanh thiên bạch nhựt. Không những thế họ còn để cho người qua lại chứng kiến hành động dã man của mình. Họ chẳng cần phải giấu mặt hay bỏ chạy. Họ chẳng tỏ ra bất cứ một sự sợ hãi nào cả.
Với tôi, đây là tột cùng của sự khủng bố, bởi vì những kẻ khủng bố không còn biết sợ hãi bất cứ thứ gì trên đời này nữa. Đây là điều khủng khiếp nhứt đã xảy ra: dù cho Danh Đấng Allah có được kêu cầu đến đâu đi nữa, khi con người không còn phân biệt được thiện-ác, phải-trái, thì đây mới thật sự là sự khuyết tật tột cùng của con người. Làm điều ác với người vô tội mà lương tâm vẫn có thể chai lì như thể không có chuyện gì đã xảy ra thì quả thật chẳng còn có thứ thuốc gì có thể chữa trị được nữa.
Kinh Thánh đã viết rằng “Kính sợ Chúa là khởi đầu của khôn ngoan” (Tv 111, c.10). Người có niềm tin tôn giáo nào có lẽ cũng luôn xem đó như khuôn vàng thước ngọc cho cuộc sống. Nhưng sự sợ hãi đích thực của người có niềm tin không dừng lại ở thái độ của người nô lệ. Xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh, sứ điệp không ngừng được lập lại vẫn là “đừng sợ”. Một Thiên Chúa là Tình Thương chắc chắn không muốn con người sống trong sợ hãi đối với Ngài. Nếu có một nỗi sợ hãi đích thực cần được nuôi dưỡng để cho con người tiếp tục hiện hữu như con người thì nỗi sợ hãi đó hẳn chỉ có thể là sợ không còn phân biệt được thiện ác, phải trái, sợ mình bị chai lỳ và vô cảm trước nỗi khổ đau của người đồng loại và nhứt là không sợ xấu hổ khi làm điều xấu. Đó là điều đáng sợ nhứt trong cuộc đời!