Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Chechnya dưới thời “Nga hoàng” Vladimir Putin



26.6.15
Ngày nay, đến Chechnya, đi đâu người ta cũng thấy hình bóng của Nga hoàng Vladimir Putin. Từ mặt tiền của các trường học đến các khu chung cư, ở đâu người ta cũng thấy đôi mắt của ông “thần” Putin theo dõi. Tại phi trường nội địa, du khách đến trên những chuyến bay hàng ngày từ Moscow đều nhìn thấy chân dung vĩ đại của ông được treo ở các cổng đến. Mặt ông lúc nào cũng được tân trang như thể ông không bao giờ già thêm tuổi nào kể từ khi ông xâm chiếm được vùng cao nguyên nằm ở  mạn Nam nước Nga cách đây 15 năm.
Năm 2000, năm đầu tiên khi ông Putin lên làm tổng thống, Chechnya là một trong những tỉnh bất trị nhất của Nga, do các lãnh binh cai trị. Chechnya chỉ đầu hàng sau khi ông Putin đưa máy bay sang bình địa các thành phố của nước này. Hàng chục ngàn người dân Chechnya đã bị giết chết. Thủ đô Grozny của Chechnya được mô tả trong một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc hồi năm 2003 như “thành phố bị tàn phá nhất trên trái đất”. Vậy mà ngày nay, Chechnya đã trở thành nơi duy nhất của Nga nơi ông Putin được công khai tôn sùng. Con đường chính tại thủ đô Grozny mang tên V.V.Putin và các lực lượng an ninh địa phương, gồm hầu hết những người đã từng là những phiến quân nổi loạn, hiện đang cam kết thi hành mọi mệnh lệnh của ông hoặc ngay cả sẵn sàng chết vì ông.
Lãnh tụ hiện nay của Chechnya, ông Ramzan Kadyrov, đã từng dõng dạc thề thốt: “Chúng tôi tuyên bố trước thế giới rằng chúng tôi là bộ binh của ông Vladimir Putin. Chúng tôi sẽ thi hành bất cứ mệnh lệnh nào của ông tại bất cứ nơi nào trên thế giới”.
Lời tuyên thệ trên đây của nhà lãnh đạo Chechnya cho thấy Nga hoàng Putin đã thực sự thay đổi bộ mặt của Chechnya. Không những ông đã khuất phục được các phiến quân Hồi giáo, mà còn biến họ thành những thần dân trung thành nhất của ông. Họ đã tỏ ra rất tích cực trong cuộc chiến do ông Putin phát động tại phía Đông Ukraine. Chính họ là những người đã giúp cho những thành phần ly khai tại Ukraine xâm chiếm một phần lớn lãnh thổ của nước này. Ngày nay, sau khi Hoa Kỳ và các nước đồng minh  áp đặt những cuộc trừng phạt lên Nga vì hành động xâm lăng này, quân đội Chechnya đã xuất hiện như một trong những lực lượng nguy hiểm và khó tiên đoán nhất trong cuộc đối đầu giữa Phương Tây và Nga.
Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ dạo mùa Xuân năm 2014, Hoa Kỳ đã nhìn thấy mối đe dọa từ Chechnya cho nên đã áp đặt các cuộc trừng phạt lên lãnh tụ Kadyrov và các thống soái của ông. Riêng Liên Âu, sau khi ngăn cấm không cho ông đặt chân đến bất cứ nước nào trong Khối cũng như niêm phong tài sản của ông, đã ghi nhận sự có mặt của 74 ngàn quân Chechnya trong cuộc chiến tại Ukraine. Về phần mình, Ukraine cũng cho mở cuộc điều tra về tội ác của ông Kadyrov vì đã ra lệnh cho quân đội bắt cóc nhiều nhà lập pháp của Ukraine và đưa về Chechnya. Ngay cả tại Kremlin, nhiều cố vấn Nga cũng lên tiếng cảnh cáo và yêu cầu ông Putin hãy kìm hãm con ngựa chứng 38 tuổi này. Nhưng ông Putin không những không tìm cách kiểm soát các hành động của ông Kadyrov, mà còn trao cho ông này nhiều tự do hơn để tấn công bất cứ nhà đối lập nào của mình trong nước cũng như ở nước ngoài. Ông Putin đã leo lên một thứ lưng cọp mà ông nghĩ rằng chỉ có mình ông mới có thể thuần hóa được.
Đầu thập niên 1990, ba nước Ukraine, Georgia và Armenia đã gia nhập vào nhóm không dưới một tá quốc gia đã tìm cách tách lìa khỏi Nga một cách ôn hòa và giành lại độc lập của mình. Nhưng ông Boris Yeltsin, tổng thống Nga đầu tiên của thời hậu Sô Viết, đã vạch một làn ranh cho riêng Chechnya: nước này không được phép tách lìa khỏi mẫu quốc Nga!
Kể từ thời Đại đế Peter vào Thế kỷ 18, thống trị được một vùng chiến thuật giữa Hắc Hải và Biển Caspian, là một niềm hãnh diện lớn lao đối với các nhà lãnh đạo Nga. Để mất Chechnya sẽ dẫn đến một giây chuyền những cuộc nổi loạn có thể chấm dứt sự cai trị của Nga trên toàn vùng Bắc Caucasus, là nơi có nhiều dân tộc theo Hồi giáo. Chechnya là một phần của vùng này. Chính vì thế mà năm 1994, Tổng thống Yeltsin đã ra lệnh cho xe tăng đến đè bẹp những thành phần ly khai của Chechnya. Nhưng Nga cũng đã trả một giá đắt: hàng ngàn lính Nga thuộc thành phần thi hành nghĩa vụ quân sự bị các phiến quân Chechnya giết chết. Năm 1996, Tổng thống Yeltsin đành cầu hòa và cho Chechnya được độc lập.
Năm 1999, được nước làm tới, một số lãnh binh cực đoan của Chechnya đã quyết định đưa quân sang xâm chiếm một vùng Dagestan của Nga. Đây là một cái cớ và là cơ hội mà Nga luôn chờ đợi để đưa quân sang tước đoạt nền độc lập của Chechnya. Ông Putin, lúc bấy giờ đang làm thủ tướng Nga, đã dốc toàn không lực của Nga xuống các du kích quân Chechnya. Chechnya thất thế vì không có không quân. Do đó, đầu năm 2000, khi ông Putin lên làm tổng thống Nga, người Chechnya biết rõ rằng số phận của họ đã được định đoạt.
Nội bộ Chechnya bắt đầu lủng cũng. Các tướng lãnh chia năm xẻ bảy. Thừa dịp này, ông Putin liền nhào vô và chìa cành ô liu cho lãnh tụ tôn giáo của Chechnya lúc bấy giờ là ông Akhmad Kadyrov, người có đầu óc ôn hòa hơn nhiều lãnh tụ khác. Ông Putin đã đặt ông này trước hai điều để chọn lựa: một là chứng kiến sự tiêu diệt của dân tộc mình, hai là đứng về phía Nga để dẹp tan những thành phần nổi loạn. Dĩ nhiên, ông Kadyrov không còn một chọn lựa nào khác là đứng về phía Nga.
Nhưng với quyết định này, ông Kadyrov đã phải trả một giá đắt: trong một cuộc duyệt binh tại một sân vận động ở thủ đô Grozny năm 2004, một trái bom cực mạnh đã nổ ngay dưới ghế của ông; ông và hàng chục người khác bị thiệt mạng. Người con trai của ông, Ramzan Kadyrov, lúc bấy giờ mới 27 tuổi, đã trốn sang Moscow và khóc lóc van xin “quan thày” Putin can thiệp để lấy lại quyền hành.
Với sự yểm trợ ào ạt của Nga, không mấy chốc, Ramzan Kadyrov không những đã lấy lại quyền hành, mà còn thuyết phục được nhiều thành phần ly khai trở về hợp tác với mình để tùng phục “mẫu quốc” Nga. Năm 2009, Nga ra lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Chechnya. Những người đã từng là phiến quân nay được xung vào lực lượng cảnh sát địa phương. Những thành phần chống đối kịch liệt nhất cũng gia nhập vào quân đội Chechnya, luôn tuân lệnh lãnh tụ Kadyrov để phục vụ mẫu quốc Nga.
Năm ngoái, vài ngày trước Tết dương lịch, tướng Apti Alaudinov, tư lệnh quân đội Chechnya, ra lệnh cho hàng ngàn binh sĩ dưới quyền ông phải đến trình diện tại một sân vận động túc cầu ở giữa thủ đô Grozny, với đày đủ vũ khí và quân trang. Trong bài nói chuyện với các binh sĩ được cho trực tiếp truyền hình, lãnh tụ Kadyrov nói rằng mẫu quốc Nga có thừa quân đội và khí giới để đẩy lui bất cứ cuộc xâm lăng nào. Nhưng theo ông, một số cuộc hành quân cần phải có sự yểm trợ của những binh sĩ chí nguyện và chỉ có quân đội Chechnya mới có thể hoàn thành công tác này. Khi ông dứt lời, toàn thể binh sĩ “thiện nguyện” có mặt trong sân vận động đều đồng thanh hô “Allahu akbar” (Thượng Đế Vĩ Đại!)
Sau đó, Tư lệnh Alaudinov hỏi xem 15 ngàn binh sĩ “thiện nguyện” có mặt trong sân vận động hôm đó có muốn đi về nhà nghỉ ngơi trước khi tham gia chiến dịch bảo vệ mẫu quốc không. Ông tướng này hỏi như thế là chỉ để thử lòng binh sĩ của mình, xem họ có sẵn sàng sang Ukraine để chiến đấu không thôi.
Thật ra, đây chỉ là một “chiến thuật” của ông Putin nhằm để chối bỏ bất cứ sự can thiệp hay xâm lăng nào của Nga tại Ukraine. Ông luôn giải thích trước thế giới rằng những người lính Nga bị bắt hoặc bị giết tại Ukraine không phải là “quân đội” Nga chính thống, mà chỉ là những thành phần thiện nguyện. Thiện nguyện nhưng sẵn sàng chết cho mẫu quốc, cho ông Putin. Tướng Alaudinov đã hãnh diện tuyên bố rằng cuộc tập họp các binh sĩ “chí nguyện” những ngày cuối năm vừa qua là để “chứng tỏ cho toàn thể dân Nga và thế giới biết rằng (người dân Chechnya) sẽ luôn đứng đằng sau hai ông Kadyrov và Putin trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Ông còn khẳng định: “Chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng chết, bởi vì đối với chúng tôi, chết chẳng là gì cả, nếu chết trong danh dự”.
Tuy nhiên, lòng hăng say gần như mù quáng của quân đội Chechnya không thể không khiến cho chính người Nga cũng phải lo ngại. Một biến cố đáng lo ngại đã xảy ra hồi đầu tháng Ba vừa qua khi Nga đã bắt giữ một người Chechnya tên là Zaut Dadaev. Ông này là chỉ huy phó của một tiểu đoàn thiện chiến của Chechnya. Ông bị bắt giữ và cáo buộc đã ám sát ông Boris Nemtsov, một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất tại Nga và lãnh tụ của phe đối lập tại Moscow. Ông đã bị bẳn gục trước điện Kremlin khi cùng người bạn gái đi bộ về nhà ngày 27 tháng 2 vừa qua. Trước đây, nhiều tay giết mướn người Chechnya cũng đã từng bị tố cáo đã sát hại một số nhà bất đồng chính kiến như ký giả Anna Politkovskaya hồi năm 2006 và nhà tranh đấu cho dân chủ Natalia Estemirova năm 2009. Nhưng nay, kẻ đứng ra hạ sát ông Nemtsov lại là một nhân vật quan trọng trong quân đội Chechnya. Mặc dù ông này đã bác bỏ các lời cáo buộc, nhưng lãnh tụ Kadyrov vẫn ca ngợi hành động được xem là “ái quốc” của ông này.
Trước lòng “ái quốc” cựa đoan của quân đội Chechnya đối với mẫu quốc Nga và cách riêng đối với nga hoàng Putin, nhiều nhà bất đồng chính kiến Nga hiện đang lo sợ cho mạng sống của họ.
Thật ra, không chỉ những nhà bất đồng chính kiến mới sống trong lo sợ, mà có lẽ ngay cả nga hoàng Putin cũng không ngồi yên được. Ông đã tạo ra một con quái vật mà chính ông không thể hoàn toàn kiểm soát được. Ngày 19 tháng 4 vừa qua, quân đội Nga đã tiến vào Chechnya để bắt giữ một tội phạm. Một cuộc chạm súng đã diễn ra giữa lực lượng an ninh Nga và tên tội phạm này. Dĩ nhiên người này đã bị hạ sát. Nhưng lãnh tụ Kadyrov của Chechnya đã nổi giận. Trong một phiên họp khẩn cấp sau đó, ông Kadyrov đã ra lệnh cho quân đội Chechnya nổ súng vào bất cứ lực lượng an ninh nào của Nga đặt chân vào Chechnya mà không xin phép ông trước.
Lệnh trên đây của lãnh tụ Kadyrov đã làm lộ ra thế tiến thoái lưỡng nan của ông Putin tại Chechnya. Ông đã leo lên lưng của một con cọp do chính ông tạo ra và hiện không thể làm chủ được.
Lợi dụng quyền hạn mà nga hoàng Putin dành cho mình, ông Kadyrov hiện đang cực đoan hóa Hồi giáo tại Chechnya. Ông giới hạn việc buôn bán rượu, cho phép đa thê và ra lệnh cho phụ nữ phải “phục sức chỉnh tề” theo truyền thống Hồi giáo. Bên cạnh đó, ông vơ vét của cải vào túi mà ông bảo là do Đấng Allah ban tặng và không một ai được phép chúi mũi vào. Ông Kadyrov hiện đang làm mưa làm gió tại Chechnya là nhờ được sự chúc lành và che chở của nga hoàng Putin.
Nhưng dĩ nhiên, Kadyrov lúc nào cũng là một con dao hai lưỡi trong tay ông Putin. Là một sát thủ đối với những nhà bất đồng chính kiến Nga, là một con cờ khó tiên liệu đối với các nước Tây Phương, Kadyrov cũng là một thứ ong tay áo đối với chính ông Putin.

(theo tạp chí Time số ra ngày 29/6/2005)



Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Khủng bố chống khủng bố!



Chu Thập
19.6.15

Cha tôi qua đời năm ông 95 tuổi. Ông được xếp vào hàng những người có tuổi thọ cao nhứt nhì trong làng. Bí quyết sống thọ mà cha tôi thường cổ súy là: đừng bao giờ đi gặp bác sĩ và do đó cũng đừng đụng tới thuốc tây! Suốt đời, ông chỉ biết có mỗi một thứ thuốc trị bá bệnh là cây lô hội (nha đam) và các phó sản của nó. Về điểm này tôi thấy cha tôi không sai, bởi vì ngày nay, y học đã khám phá và chứng nhận dược tính của loại cây này. Nhưng chỉ có một điều mà cha tôi đã không bao giờ có thể thuyết phục được tôi: đó là sự công hiệu của một số độc dược được ông pha chế và sử dụng theo niềm tin dân dã của ông là “dĩ độc trị độc”. Trong các thứ thuốc nam được dùng theo phương pháp “dĩ độc trị độc” của cha tôi, tôi thấy có hột mã tiền. Đây là loại hột cực kỳ độc, thường được cha tôi pha chế để trị các thứ bệnh đau nhức. Lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến không ít trường hợp bệnh nhân được mấy ông bà lang bâm trong làng chữa trị bằng thuốc được pha chế với hột mã tiền hoặc ngay cả cà dược bị tẩu hỏa nhập ma, có đưa đến nhà thương cấp cứu thì cũng đã muộn. Chính vì vậy mà tôi vẫn nghi ngờ về phương pháp chữa bệnh “dĩ độc trị độc” của cha tôi. Tôi cho rằng nếu chẳng may  độc dược trị được một số bệnh tật là do hiệu ứng “Placebo” (thuốc giả, nhưng có công hiệu nhờ lòng tin của con người. Bởi lẽ, trong một số trường hợp, cứ tin là được!) mà thôi.
Nghi ngờ về phương pháp “dĩ độc trị độc” của Đông y,  tôi cũng không tin ở tính công hiệu của nguyên tắc này trong các lãnh vực khác, nhứt là trong cuộc chiến chống khủng bố. Tôi liên tưởng đến điều này khi lướt qua tin về việc Úc Đại Lợi đứng ra tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh chống khủng bố trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần vừa qua. Tôi đặc biệt để ý đến các nước tham dự cuộc họp thượng đỉnh này. Trong 24 nước tham dự cuộc họp, tôi thấy có Việt Nam, Trung Cộng và Nga. Trong tuyên ngôn được đưa ra ở cuối phiên họp, ngoài việc đối đầu với việc quảng bá ý thức hệ khủng bố của Quốc gia Hồi giáo IS, các tham dự viên còn kêu gọi chống lại mọi hình thức khủng bố. Các cơ quan truyền thông không đưa tin nhiều về biến cố này. Cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” thôi. Do đó, không cần theo dõi cuộc họp tôi cũng có thể tưởng tượng được rằng Việt Nam cũng như hai ông anh cả Trung Cộng và Nga hẳn phải to mồm hơn cả để lên án chủ nghĩa khủng bố và đưa ra các biện pháp chống khủng bố. “Dĩ độc trị độc” thành ra “ dĩ ác trị ác”. Những chế độ cai trị bằng khủng bố có khi còn độc ác hơn cả tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” lại lên giọng kêu gọi chống khủng bố.
Trước hết, hãy thử nhìn về Việt Nam để xem nhà nước cộng sản này có phải là một nhà nước khủng bố không? Khủng bố quá đi thôi, bởi vì trong quốc gia cộng sản này, khủng bố đã được hệ thống hóa và hợp pháp hóa ngay trong điều 4 của Hiến Pháp. Không khủng bố là gì khi chỉ cần mở miệng chống lại cái ý thức hệ quái gở này là đủ để bị ghép vào tội hình sự và đi tù mọt gông? Không khủng bố là gì khi mạng lưới công an chằng chịt lúc nào cũng rình rập, bố ráp và hành hung người dân. Tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” chỉ hùng cứ tại một số thành phố hay vùng cướp được từ Syria và Iraq ở Trung Đông. Tổ chức này cũng chỉ gieo rắc khủng bố tại một số nước Tây Phương. Trong khi đó khủng bố cộng sản Việt Nam hàng ngày, từng giây từng phút và trên toàn lãnh thổ, đe dọa và hành hung đến gần 100 triệu con người Việt Nam. Tôi tin rằng trước sau gì thế giới cũng sẽ dẹp tan được tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo”, như đã từng dứt điểm cái đầu của Al-Qaeda là trùm khủng bố Osama bin Laden. Nhưng tôi vô cùng bi quan khi nhìn về Việt Nam, bởi vì khủng bố của cộng sản Việt Nam dường như đã được thế giới nhìn nhận và đỡ đầu!
Nhìn sang Trung Cộng, tôi thấy bộ mặt khủng bố còn đáng khiếp sợ hơn. Khiếp nhứt là vì ngày nay cả thế giới đều biết đây là một chế độ khủng bố, nhưng dường như chẳng ai dám lên tiếng chống lại nó, trái lại còn ve vãn để làm ăn. Trong nước thì chế độ cộng sản này khủng bố người dân, bên ngoài thì nó gieo rắc khủng bố bằng đủ mọi mánh khóe và mưu chước tàn độc. Thế giới không chết vì bao nhiêu thứ nọc độc được con khủng long đỏ này phun đi khắp nơi thì cũng sẽ chết vì tham vọng bá chủ của nó. Viễn ảnh của một cuộc chiến tranh khủng khiếp tại Biển Đông và sau đó trên khắp thế giới hẳn sẽ không chỉ là điều chỉ có trong một cơn ác mộng. Sự tàn ác của tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” là điều có thật. Nhưng so với sự khủng bố mà Trung Cộng đang gieo rắc tại Biển Đông và trên khắp thế giới, sự tàn bạo dã man của tổ chức khủng bố Hồi giáo này chỉ là giọt nước trong đại dương.
Nói gì đến cuộc khủng bố mà Nga hoàng của thời đại là Vladimir Putin đang cố tình gieo rắc tại Ukraine, Âu Châu và ngay cả trên toàn thế giới. Trong nước, người dân Nga sợ ông đã đành, mà bên ngoài xem ra Âu Châu và cả thế giới cũng sợ ông như cả cái làng Vũ Đại của nhà văn Nam Cao sợ Chí Phèo.
Cả hai chế độ khủng bố ở Trung Cộng và Nga chỉ lợi dụng sự khủng bố “cá kèo” của một vài tổ chức cực đoan trong nước để biện minh, gia tăng và củng cố hệ thống khủng bố của họ. Tại Trung Cộng, 10 triệu người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương, dù có quá khích và gây khủng bố đến đâu, cũng không dám rục rịch trước sự khủng bố và đàn áp dã man của chế độ cộng sản. Có chăng họ chỉ còn là một thứ bung xung mà có khi Trung Cộng muốn nuôi dưỡng và dùng như một cái cớ để khủng bố không những các dân tộc thiểu số mà cả hơn một tỷ người đang sinh sống trong đế quốc đỏ này.
Bên Nga cũng diễn ra một sách như thế mà thôi. Ngày nay, Nga xem người Hồi giáo Chechen không chỉ như một phong trào ly khai mà còn như một tổ chức khủng bố. Kỳ thật, so sánh giữa Nga của thời Sô Viết cũng như ngày nay và Chechen, ai mới thực sự là kẻ khủng bố? Ai đã đem quân đi chiếm một đất nước đã từng có độc lập, nếu không phải là Nga cộng sản và Nga cộng sản đội lớp dân chủ? Cũng như số phận của người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ tại Trung Cộng, người Hồi giáo Chechen cũng chỉ là một vật tế thần được Nga hoàng Putin sử dụng để củng cố chế độ khủng bố của ông mà thôi. Một chút khủng bố của người Ngô Duy Nhĩ hay người Chechen chẳng là gì so với cơ chế khủng bố toàn diện và thâm độc của Trung Cộng và Nga cộng đội lớp dân chủ.
Chuyện tương tự xem ra cũng đã từng xảy ra trong lịch sử trước đó. Người Ba Lan có lẽ sẽ không bao giờ quên được cuộc tàn sát dã man 22 ngàn người Ba Lan tại khu rừng Katyn, Nga năm 1940 cho chính đồ tể Stalin chủ xướng. Dưới thời Liên Xô, người Nga vẫn chối bỏ trách nhiệm và đổ tội cho Đức Quốc Xã. Mọi thứ tội lỗi cứ trút lên đầu Hitler là xong. Dĩ nhiên, trong lịch sử nhân loại, chưa từng có chế độ nào đã phạm tội diệt chủng khủng khiếp cho bằng Đức Quốc Xã. Nhưng sau khi Liên Xô đã góp phần giải phóng Âu Châu khỏi chế độ khủng bố của Đức Quốc Xã, thì điều gì đã xảy ra cho các nước Đông Âu và toàn thế giới, nếu không phải là tan thương chết chóc mà các chế độ cộng sản đã gây ra. Đệ nhị Thế chiến do Đức Quốc Xã gây ra đã giết hại trên 60 triệu sinh linh. Chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô áp đặt khắp thế giới đã cướp đi mạng sống của trên 100 triệu con người và hiện đang tiếp tục gây khủng bố và tang tóc cho trên cả tỷ con người.
Đó là sự thật lịch sử đã được cả thế giới nhìn nhận. Không những nhìn nhận sự thật lịch sử ấy, thế giới cũng đã quăng vào sọt rác lịch sử cái chủ nghĩa đồi bại ấy. Chỉ có điều đáng buồn là ngày nay dường như thế giới vẫn âm thầm nhìn nhận, đỡ đầu và làm ăn với các chế độ khủng bố cộng sản ấy. Mới đây, ở cái xứ Úc tự do và trong suốt này, một ông thượng nghị sĩ gốc Trung Cộng thuộc Đảng Palmer Thống Nhất là ông Dio Wang lại ngang nhiên chối bỏ chủ nghĩa khủng bố của Trung Cộng để bảo rằng “mẫu quốc” của ông đã hành động một cách đúng đắn khi đưa xe tăng thiết giáp đến quảng trường Thiên An Môn để cày xéo lên thân thể của không biết bao nhiêu người tham gia cuộc biểu tình ôn hòa dạo tháng 6 năm 1989.
Mà có riêng gì cái ông thượng nghị sĩ Úc gốc Trung cộng này đâu. Kể từ năm 1971, khi Hoa Kỳ bắt tay với Trung Cộng và bán đứng Miền Nam Việt Nam đến nay, cái chế độ khủng bố này đã được cả thế giới o bế. Cái ác đã lên ngôi. Cái ác lớn có được chính danh để không những đè bẹp những cái ác nhỏ, mà còn bóp nghẹt cái thiện.
Xét cho cùng, trong cuộc chiến giữa thiện và ác đang diễn ra trên thế giới, dường như cái ác đang thắng thế. Những giá trị đạo đức mà lẽ ra trên đó các chế độ dân chủ cần được xây dựng, lại được thay thế bằng những lợi ích chỉ được đánh giá theo những tiêu chuẩn chính trị và pháp lý. Trong thế giới tự do ngày nay, bất cứ điều gì được các chính trị gia và các luật gia bảo đúng là đúng, bảo sai là sai. Hãy lấy thí dụ về luật cho phép phá thai tại rất nhiều nước trên thế giới ngày nay. Sinh mạng của các thai nhi, tức những thành phần dễ bị tổn thương và vô phương tự vệ nhứt trong xã hội, nằm trong tay của các chính trị gia và các nhà làm luật. Chỉ có các bà mẹ, dù có vô tâm đến đâu để sát hại đứa con trong dạ mình, mới cảm nhận được thế nào là sự sống con người và thế nào là giá trị đạo đức mà thôi.
Chủ nghĩa cộng sản đã được áp đặt lên đất nước Việt Nam đúng 70 năm. Miền Nam Việt Nam đã bị nhuộm đỏ đúng 40 năm. Nỗi buồn lớn nhứt của một người tỵ nạn như tôi chính là nhìn thấy cái chế độ khủng bố, vô đạo, không tôn trọng bất cứ một giá trị đạo đức và nhân bản nào ấy vẫn cứ tồn tại, vẫn cứ tỉnh bơ khủng bố và đàn áp người dân trong nước và vẫn cứ được thế giới o bế. Mỉa mai hơn nữa là khi chứng kiến cái chế độ khủng bố ấy hăng say tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố.
Ngẫm nghĩ về những gì đang diễn ra trong chế độ khủng bố ở quê nhà, tôi thực sự ngưỡng mộ những con người dám đứng thẳng lên để nói không với cái ác. Họ luôn nhắc nhở tôi về một trong những nguyên tắc đạo đức nền tảng nhứt trong cuộc sống con người: cứu cánh không bao giờ có thể biện minh cho phương tiện!



Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

...NẾU...


Chu Thập
16.9.11


Tôi thích chương trình “Man vs Wild” (chống chọi với thiên nhiên) được chiếu trên đài truyền hình SBS trong thời gian gần đây.Tập phim tài liệu này do Kênh truyền hình Discovery của Anh thực hiện. Kịch bản của các đoạn phim đều giống nhau: nhân vật chính và duy nhứt trong tập phim là Bear Grylls được trực thăng vận đến một vùng đất xa lạ nào đó, thường là một khu rừng rậm, một dòng thác cuồng cuộng, một vùng sa mạc khô cằn hay một triền núi hiểm trở. Tại đây, anh phải tận dụng mọi kỹ năng để tồn tại và tìm đường trở về với đời sống văn minh. Dụng cụ duy nhứt anh được phép mang theo là một hộp quẹt và một con dao. Nhưng cũng có khi, anh chỉ đi hai tay không. Từ leo núi, băng rừng, vượt thác đến bắt rắn, đánh bẫy heo rừng...Grylls chỉ được phép xử dụng những gì anh tìm thấy tại chỗ. Trong nhiều cảnh, anh tự làm lửa và nướng thịt của những con thú bắt được. Cũng có khi anh phải ăn sống các thứ côn trùng. Trong một tập phim được thực hiện tại Việt nam, anh đã phải nhai nguyên một con ếch sống.
Dĩ nhiên, dù là một phim tài liệu, kịch bản của tập phim vẫn là chuyện được dàn dựng, nghĩa là bên cạnh diễn viên vẫn có đoàn quay phim. Mỗi một tập phim thường được quay từ một tuần lễ đến 10 ngày. Trước khi quay, có một đoàn thám thính đi thăm dò trận địa. Kế đó diễn viên chính cũng đến nơi quan sát địa hình địa vật. Sau đó Grylls lại phải trải qua hai ngày liền để tập dượt.
Khi xem phim, khán giả có thể nhận ra ngay là, mặc dù tưởng Grylls bị lạc mất và đơn thương độc mã trong một nơi thâm sơn cùng cốc nào đó, trong thực tế bên cạnh anh vẫn có đoàn làm phim. Dù vậy, những pha nguy hiểm nhứt vẫn do Grylls thực hiện chứ không phải do người khác đóng thế. Xuyên qua những màn gay cấn nhứt, anh chỉ muốn chứng minh rằng trong những điều kiện sinh tồn nguy ngập nhứt, con người vẫn có đủ sức để chống chọi với thiên nhiên.
Sở dĩ Grylls đã được chọn để thực hiện tập phim là vì anh đã từng là binh sĩ thuộc Lực lượng nhảy toán đặc nhiệm của Quân đội Hoàng gia Anh gọi tắt là SAS.
Trên tạp chí Reader’s Digest, số ra tháng 8 vừa qua, Grylls  cho biết anh đã luyện được các kỹ năng và sức chịu đựng ngay từ nhỏ. Grylls kể lại rằng mỗi tuần một lần, mẹ anh đưa anh đến một sân tập thể dục mà huấn luyện viên tên là Sturgess điều khiển. Ông Sturgess là người đòi hỏi các học viên tí hon chỉ mới  6 tuổi  phải khép mình vào kỷ luật sắt của quân đội. Các cậu bé phải tập đu vào một giây bằng kim loại cao khoảng 3 thước và lên xuống như thế cho đến khi nào huấn luyện viên cho phép mới được dừng lại. Nhiều em bỏ cuộc. Nhưng Grylls vẫn kiên trì cho đến cùng.
Trong thời gian huấn luyện trong Lực lượng nhảy toán đặc biệt, Grylls đã hầu như trải qua tất cả mọi thử thách nguy hiểm nhứt như: leo núi (anh đã từng leo đến đỉnh núi Everest trong dãy Himalaya), nhảy ra khỏi máy bay và rơi tự do, lặn xuống dưới các tảng băng và nhứt là chiến đấu để sống còn trong những điều kiện nguy hiểm nhứt trong rừng rậm.
Tập phim “Man vs Wild” của anh thật ra cũng chỉ là một phiên bản từ chính những kinh nghiệm sống mà Grylls đã trải qua.
Xem tập phim, không những tôi có dịp làm một chuyến du lịch đến nhiều nơi trên thế giới, chiếm ngắm cảnh núi rừng bao la hùng vĩ, biết thêm những giống vật kỳ lạ, mà còn học được nhiều bài học thực tế để có thể sống còn trong những điều kiện khó khăn hiểm nghèo. Dĩ nhiên, so với cuộc chiến cam go giữa sự sống và cái chết mà nhiều người Việt nam đã phải trải qua trong cuộc vượt biển hay vượt biên đi tìm tự do, thì các cuộc mạo hiểm của nhân vật Grylls trong “Man vs Wild” chẳng thấm vào đâu. Nhưng tập phim vẫn là nguồn cảm hứng cho óc mạo hiểm và tinh thần chiến đấu của con người.
Ngày nay, tôi thực sự nể phục sự gan dạ của người Tây Phương. Càng lúc càng có nhiều môn thể thao “chết người”. Ngày xưa, thời Hoa kỳ tham chiến tại Việt nam, thỉnh thoảng được xem một buổi biểu diễn nhảy dù, tôi đã phục lăn những người nhào ra khỏi máy bay, không cho bung dù tức khắc, mà nhào lộn vài giây. Ngày nay, tung người ta khỏi máy bay, để rơi tự do cho đến gần mặt đất, bay lượn như trên sóng nước một hồi, có khi xếp thành một đội hình, hoặc ngay cả chơi Skateboard trên không trung...là chuyện thường. Nhìn các cuộc thi đấu trong Thế vận hội Mùa đông, những cuộc đua xe hơi, những cuộc nhào lộn bằng xe đạp hay Skateboard...tôi không thể không thấy lạnh người.
Con người thời đại dường như lúc nào cũng muốn vượt qua những giới hạn thể lý, sự dẻo dai và sức chịu đựng của mình. Nhưng dĩ nhiên, đàng sau những màn biểu diễn vẫn là tham vọng của thành tích và chiến thắng. “Citius, Altius, Fortius” (nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn), khẩu hiệu của Thế vận hội mà ta thường thấy trong các vận động trường nói lên sự khao khát thành tích và chiến thắng ấy. Tựu trung, giới trẻ Tây phương ngày nay  xem ra thích làm người hùng và sẵn sàng tham gia những trò chơi “chết người” để được làm người hùng. Chuyện cô Jessica Watson, 16 tuổi, muốn lập thành tích là người trẻ tuổi nhứt thực hiện thành công chuyến đi vòng quanh trái đất bằng thuyền buồm là một điển hình.
Việt nam là quốc gia ít có thành tích về thể thao nhứt, nhưng lại là nước thích lập thành tích và tự hào về những thành tích ảo nhứt.
Trong bài viết có tựa đề “Bệnh Anh hùng”, được đăng trên trang mạng Talawas dạo tháng 10 năm 2005, tác giả Đinh từ Thức đã so sánh hai ngày lễ cùng được cử hành trong tháng 8 tại Việt nam và Singapore: Việt nam mừng 60 năm ngày cướp chính quyền 19 tháng 8, Singapore kỷ niệm 40 năm ngày độc lập 9 tháng 8.
Tác giả viết rằng theo dõi Việt nam kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng 8, người ta thấy hai chữ “anh hùng” được nhắc tới nhiều hơn cả. Trước hết là diễn văn của chủ tịch nước Trần đức Lương tại quảng trường Ba Đình sáng 2 tháng 9. Ông nói: “Nhìn lại những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt nam 60 năm qua, chúng ta vô cùng tự hào về dân tộc ta, một dân tộc anh hùng...Truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt nam chính là những nhân tố cơ bản, cốt lõi làm nên sức mạnh vô địch của nhân dân Việt nam trong thời đại mới”. Rồi ông kết luận: “Dân tộc Việt nam anh hùng, nêu cao truyền thống tự tôn dân tộc, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới”.
Báo Nhân dân trong số ra ngày 2 tháng 9 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng 8 cũng viết: “Trải qua 60 năm chiến đấu bảo vệ tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà nội đã vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là thủ đô Anh hùng của nước Việt nam Anh Hùng”.
Sài gòn, mặc dù mất tên, cũng được trao tặng danh hiệu “anh hùng”. Tự ca tụng mình chưa đủ, mạng lưới chính thức của Đảng cộng sản Việt nam cũng mượn lời báo Mỹ để ca bài anh hùng: “Ngay ở Mỹ, Báo Bưu điện Washington, một trong những tờ báo có đông độc giả, cũng vừa có bài khẳng định: chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt nam trong cuộc chiến tranh giải phóng này đã khích lệ và tạo nguồn cho hàng triệu người trên khắp địa cầu, kể cả tại Mỹ, đấu tranh chống lại chiến tranh và cường quyền”.
Tự hào về những thành tích anh hùng, Việt nam cũng thích tạo kỳ tích. Những “kỳ tích” mà chủ tịch Trần đức Lương đã báo trước Việt nam sẽ lập nên là gì nếu không phải những chiếc bánh chưng dài nhứt thế giới nhưng lại độn bằng nhân giả, những hàng hóa dỏm và đểu đầy đường, những ông tiến sĩ giả đứng đầu mọi cơ quan. Việt nam ngày nay quả thực cái gì cũng nhứt, kể cả vô văn hóa và vô liêm sỉ cũng nhứt.
Khác với Việt nam, một quốc gia ở Á châu có nhiều thành tích nhứt để tự hào là Singapore lại không bao giờ tự hào.
Theo ghi nhận của tác giả Đinh từ Thức, nhân dịp kỷ niệm 40 năm lập quốc, Singapore đã không nhắc đến bất cứ một thành tích “anh hùng” nào. Thay vì hy sinh con người vì “lý tưởng cách mạng” để làm “anh hùng” như Việt nam, Singapore đã cố gắng chăm sóc và xây dựng người dân của mình để xây dựng một quốc gia tiến bộ. Có biết bao nhiêu cái nhứt để Singapore tự hào như sạch sẽ nhứt, an ninh nhứt. Nhưng trong bài diễn văn đọc nhân dịp kỷ niệm 40 năm độc lập, thủ tướng Lý Hiển Long đã không hề nhắc đến bất cứ thành tích nào.
Có lẽ trên thế giới chẳng có nơi nào tinh thần phục vụ của người dân cao cho bằng ở Singapore. Chẳng hạn thu ngân viên ở các cửa hàng lúc nào cũng niềm nở, kính cẩn đối với khách hàng. Vậy mà thủ tướng Lý Hiển Long còn than rằng Singapore thiếu văn hóa phục vụ tự nhiên. Ông nói: “Singapore chúng ta không có một văn hóa phục vụ tự nhiên...Chúng ta còn phải cố gắng nhiều để đạt trình độ thế giới”. Ông kêu gọi dân chúng hãy xem phục vụ như một danh dự và quyết định nâng cao phẩm chất phục vụ lên hàng quốc sách.
Nếu có đề cao những bậc anh hùng thì thủ tướng Singapore lại nêu gương của một bà cựu thư ký nọ. Vì hoàn cảnh, người phụ nữ 63 tuổi này phải đổi nghề nhiều lần. Và cuối cùng, bà nhận việc lau chùi nhà vệ sinh công cộng để kiếm thêm tiền cho con ăn học. Nhận thấy đứa con không hài lòng về nghề mới của mẹ, bà nói: “chùi nhà vệ sinh không làm mất nhân phẩm”. Kể xong câu chuyện này, thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi mọi người hãy “biết và tin rằng phục vụ là việc làm danh dự, chứ không phải là việc thấp hèn.” (x. Đinh từ Thức, Bệnh Anh hùng, Talawas 25/10/2005)
Theo cái nhìn của thủ tướng Lý Hiển Long, người ta có thể là anh hùng mà không cần phải lập bất cứ một kỳ tích nào. Âm thầm làm những công việc nhỏ bé nhứt, nhưng với tất cả ý thức trách nhiệm và danh dự, một việc làm như thế không phải là dễ dàng. Những chiến công hiển hách nơi chiến trường, những thành công trong chính trị hay kinh doanh, những kỷ lục trong thể dục thể thao, những vượt khó giữa thiên nhiên...không là gì so với những chiến thắng âm thầm trong cuộc sống mỗi ngày trong gia đình, bởi lẽ cuộc chiến chống lại những kẻ thù trong chính bản thân mới là cuộc chiến cam go nhứt. Thành tựu lớn nhỏ hoặc ngay cả kỳ tích thì ai cũng muốn đạt và có thể đạt được ít nhứt một lần trong đời. Nhưng những “kỳ tích” nhàm chán như đi cày, nội trợ bếp núc...mà đời sống hằng ngày luôn có thì ai cũng ngao ngán. Người ta không chết trên lưng ngựa mà lại gục ngã trong xó bếp.
Trong bài thơ có tựa đề “If” (nếu), văn hào Anh viết:
“Nếu con có thể ngẩng cao đầu khi mọi người xung quanh chán nản và trách móc con;
Nếu con có thể tin tưởng nơi chính mình khi mọi người đều nghi ngờ con...
Nếu con có thể chờ đợi và không cảm thấy mỏi mệt vì chờ đợi, hay nếu bị lừa dối mà không lừa dối hay bị thù ghét mà vẫn không thù ghét...thì lúc đó, con ơi, con mới thực sự nên Người”.
Cái mà tôi học được nơi Bear Grylls qua loạt phim của anh là: nếu luôn có sự chuẩn bị chu đáo về tinh thần lẫn thể chất, nếu luôn chấp nhận đối đầu mọi nghịch cảnh với ước muốn sống còn, nếu luôn tìm hiểu thu thập kiến thức về môi trường bên ngoài và cả môi trường bên trong tâm hồn thì chuyện chiến thắng những “kẻ thù” trong nội tâm là điều có thể thực hiện được.
Không có cái can đảm vượt thắng thiên nhiên như Bear Grylls, tôi đóng cửa ở nhà tập thắng cái “thằng tôi”. Nếu có kiếp sau tôi sẽ bước qua giai đoạn “tề gia”. Như vậy “chỉ” cần thêm ba kiếp nữa tôi sẽ vượt qua được chuyện “trị quốc” để bước vào “bình thiên hạ”!!








Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Trung Quốc và Vạn Lý Tường Lửa


19.6.15

Trung Quốc là một quốc gia rất thích xây tường đắp lũy. Họ đã từng có Vạn Lý Trường Thành. Họ đang bày tỏ tham vọng muốn xây một vạn lý trường thành như thế trong Biển Đông. Còn trong nước thì hiện nay người dân đang được bao bọc bởi Vạn Lý Tường Lửa, do nhà nước thiết lập và kiểm soát nhằm ngăn chận mọi nguồn thông tin từ bên ngoài.
Trong quốc gia có nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới này, một người dân bình thường cũng hưởng được mọi tiện nghi nhờ việc sử dụng hệ thống Internet như bất cứ một người dân bình thường nào tại các nước văn minh. Mỗi buổi sáng khi vừa thức dậy, họ cũng dùng điện thoại di động tinh khôn “Xiaomi” để nối mạng và gởi điện thư. Ngồi vào bàn ăn sáng, một tay họ cầm muỗng ăn cháo, một tay sử dụng điện thoại để mua hàng. Ở sở làm, họ vào “Baidu” để đọc thư hay tìm kiếm thông tin hoặc mua vé máy bay. Giờ cơm trưa, để gọi là giải trí, họ vào mạng “Weibo” để theo dõi những tin tức mới nhất về tài tử Yao Chen, người hiện có trên 78 triệu người hâm mộ (fan). Muốn tìm một tiệm ăn ngon để mời một người bạn, họ chỉ cần lướt qua “Dianping” để được hướng dẫn. Gọi Taxi để về nhà, họ chỉ cần liên lạc với “Didi Dache”. Còn muốn hẹn hò với một người đẹp, họ tìm đến địa chỉ “Momo” v.v. Nhìn chung, với một cuộc sống đầy tiện nghi như thế, người dân Trung Quốc hiện nay xem ra chẳng còn mơ ước một thiên đàng nào khác.
Trong quốc gia có trên một tỷ dân này, hiện có 649 triệu người đang “nối mạng”. Con số này cao gấp hai lần công dân mạng tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, họ đang sống trong một thế giới mạng hoàn toàn khác với thế giới bên ngoài. Tất cả những trang mạng quen thuộc đối với thế giới bên ngoài như Google, Twitter, Facebook, Instagram, YouTube, Wikipedia, đều bị cấm ngặt tại Trung Quốc, bởi vì chế độ cộng sản “toàn trị” tại nước này không chấp nhận bất cứ hình thức tự do ngôn luận và phát biểu nào. Một hệ thống mạng vĩ đại thường được thế giới bên ngoài đặt cho cái tên “Vạn Lý Tường Lửa” (Great Firewall) hiện đang chận đứng bất cứ tài liệu nào bị xem là nguy hiểm cho Nhà Nước. Kể từ sau cuộc Cách Mạng Mùa Xuân, Nhà Nước Cộng sản Trung Quốc đã gia tăng kiểm soát hệ thống thông tin mạng, dẹp tan mọi mối đe dọa có thật hay chỉ tưởng tượng đối với Đảng và Nhà Nước.
Mặc dù tự cô lập với hệ thống mạng của thế giới bên ngoài, các công ty kỹ thuật nội địa của Trung Quốc vẫn phát triển mạnh. Người dân Trung Quốc nối mạng xuyên qua các công ty nội địa. Một số có thị trường mạnh hơn cả những công ty nước ngoài mà họ đã sao chép.
Vấn đề được đặt ra cho kỹ nghê thông tin mạng của Trung Quốc là: tình trạng tự cô lập này sẽ kéo dài bao lâu? Đây là một điều bình thường hay trước sau gì Trung Quốc cũng phải hội nhập vào thế giới?
Kể từ khi lên cầm quyền tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã không ngần ngại công khai bày tỏ tham vọng của ông là tái lập một Trung Quốc vĩ đại. Và một trong những lãnh vực để đưa Trung Quốc đi lên và đồng thời bảo vệ đất nước này khỏi ảnh hưởng của Tây Phương chính là hệ thống thông tin mạng. Hồi năm ngoái, sau khi đã cam kết biến Trung Quốc thành một “cường quốc mạng”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đích thân đứng ra lãnh đạo một Ủy ban mới đặc trách về việc quản lý mạng lưới thông tin. Kể từ đó, các chiến sĩ mạng của Trung Quốc đã xông xáo đi khắp nơi, nhất là Hoa Kỳ, để “quậy phá”. Hoa Kỳ đã có đủ bằng chứng để lên tiếng tố cáo những cuộc tấn công “mạng” do Trung Quốc chủ xướng. Công dân mạng Trung Quốc đã có lần lên tiếng tố cáo hai tệ nạn “nhạy cảm” tại Trung Quốc là tham nhũng và ô nhiễm. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng nói của những công dân mạng này đã bị bóp nghẹt. Một số còn bị bắt giam tù. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số luật mới theo đó các công dân mạng phải đăng ký và khai lý lịch rõ ràng với tên tuổi đầy đủ chứ không được phép sử dụng tên giả hay biệt hiệu.
Hiện Chính phủ Trung Quốc đang sử dụng ít nhất 2 triệu “công an” mạng chuyên làm công việc là kiểm soát và theo dõi các hoạt động trên mạng của người dân cũng như tấn công bất kỳ mạng lưới ngoại quốc nào xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc. Hồi năm ngoái, lần đầu tiên Gmail đã bị ngăn chận. Kế đó “Outlook” của Microsoft bị tin tặc Trung Quốc tấn công. Do đó, thông tin từ Trung Quốc hay đến Trung Quốc đều không đáng tin cậy. Ông Lu Wei, người đã từng điều khiển bộ máy tuyên truyền của Nhà nước và hiện đang quản lý hệ thống mạng của Trung Quốc, đã biện minh cho việc kiểm soát của Nhà nước như sau: “Internet cũng giống như một chiếc xe. Nếu nó không có thắng, chẳng ai biết được nó sẽ chạy làm sao. Một khi ra xa lộ, bạn sẽ thấy kết quả như thế nào”. Chính vì muốn “hãm”lại tốc độ của chiếc xe Internet của từng cá nhân, mà chính phủ đã quyết định: bất cứ công dân mạng nào có Blog riêng mà được hơn 500 người chia sẻ, thì trên nguyên tắc đều có thể bị phạt tù 3 năm vì tội gọi là “phao tin đồn trên mạng”.
Dù vậy, đối với nhiều người Trung Hoa hiện nay, “lên mạng” đàng sau “Vạn Lý Tường Lửa” vẫn là điều tốt, bởi vì họ có thể mua hàng hóa, dịch vụ bằng điện thoại tinh khôn. Nếu cứ bám vào hệ thống mạng của Nhà nước thì tốc độ truy cập nhanh đã đành mà giá cả mua bán cũng rẻ hơn nhiều so với tại Hoa Kỳ. Thu nhập hàng năm của kỹ thuật thông tin và thị trường viễn thông của Trung Quốc lên tới 465 tỷ Mỹ kim, nghĩa là chiếm đến 40 phần trăm thị trường thế giới. Theo ước tính, vào khoảng năm 2018, những mua bán và giao dịch trên mạng sẽ diễn ra tại Trung Quốc nhiều hơn cả thế giới. Ông QinYujia, một người bán xe hơi tại Thượng Hải giải thích: “Bạn chỉ cần nhấp con chuột là có thể mua được bất cứ thứ gì bạn muốn mua”. Trong 4 năm vừa qua, ông Yujia đã bán được trên mạng hơn 30 ngàn chiếc xe. Không ai ngạc nhiên tại sao trong đất nước có trên cả tỷ con người này, những công ty bán lẻ trên mạng như Alibaba và Tencent đều có doanh số hơn cả IBM của Hoa Kỳ.
Có lẽ không có nơi nào, các công ty kỹ thuật lại có nhiều triển vọng tăng trưởng cho bằng tại Trung Quốc. Hiện vẫn còn một nửa dân số Trung Quốc, tức trên dưới 600 triệu người, chưa biết đến Internet. Điều đó có nghĩa là cánh cửa thị trường Trung Quốc vẫn còn mở rộng, mặc dù chen chân vào Trung Quốc và vượt qua được “Vạn Lý Tường Lửa” của nước này không phải là chuyện dễ dàng đối với các công ty ngoại quốc. Facebook, vốn đã bị ngăn chận tại Trung Quốc từ năm 2009, tức sau các cuộc bạo loạn tại Tân Cương, vẫn không chịu bỏ cuộc. Mark Zuckerberg, người sáng lập ra công ty này, đã tìm đủ mọi cách để ve vãn chính phủ Trung Quốc hầu tìm đường trở lại. Hiện Facebook đã có trên 1.35 tỷ người trên khắp thế giới sử dụng. Nhưng với “Giấc Mơ Trung Quốc” mà chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra, việc Facebook trở lại nước này xem ra còn rất xa vời.
Thời Internet mới chào đời, những người lạc quan hy vọng rằng cơn thác lũ của nguồn thông tin tự do sẽ tràn qua mọi biên giới các quốc gia và việc dân chủ hóa các xã hội đang sống dưới các chế độ độc tài sẽ đương nhiên xảy đến. Nhưng những gì đang xảy ra tại Trung Quốc đã chứng tỏ rằng cả hai điều kỳ vọng trên đây đều sai. Cũng như thời Internet mới khai sinh, Đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện vẫn đang kiểm soát chặt chẻ tất cả mọi trang mạng. Và cho dẫu mọi ảnh hưởng từ bên ngoài và các công ty ngoại quốc đều bị ngăn chận, hệ thống Internet của Trung Quốc vẫn tiến mạnh. Có người cho rằng người Trung Hoa có thể không muốn bị cắt đứt khỏi Facebook, nhưng họ cũng chẳng muốn được giải thoát khỏi sự kìm kẹp của Nhà nước. Nhưng theo một số khác, thì cũng như mọi công dân mạng trên thế giới, người Trung Hoa cũng thèm khát thông tin và họ cũng chẳng muốn bị xem như những công dân mạng “hạng hai”, nghĩa là phải sống trong sự kìm kẹp của Nhà nước.
Một sinh viên của trường đại học IT ở Zheijiang đã nói với phòng viên Hannah Beech của tạp chí Time rằng “cô lập Internet của Trung Quốc khỏi thế giới là điều không thích hợp”. Việc ngăn chận các công ty ngoại quốc như Google, Twitter, Facebook, Gmail...khiến cho các sinh viên cũng như các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn và bị giới hạn trong việc truy cập các cuộc nghiên cứu của nước ngoài. Ngay cả các hãng xưởng muốn mua hàng hóa của nước ngoài cũng gặp nhiều trở ngài. Về phía các công ty ngoại quốc, một cuộc thăm dò do Phòng Thương Mại của Liên Hiệp Âu Châu tại Trung Quốc đã cho thấy rằng có đến 86 phần trăm trong 106 công ty bị chính sách kiểm soát Internet của Trung Quốc làm tổn hại. Chủ tịch của cơ quan này nói rằng làm ăn tại Trung Quốc rất tốn kém.
Trước tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình muốn biến Trung Quốc thành một “cường quốc mạng”, vấn nạn được đặt ra vẫn là: liệu việc Nhà nước Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hệ thống Internet có là một lợi điểm để giúp nước này vươn lên trên các bậc thang kinh tế không? Nhật Bản và Đại Hàn đã chứng minh rằng chính xã hội tự do mới là động lực thúc đẩy sự sáng tạo và đẩy mạnh kinh tế. Dĩ nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng. Nhờ mướn được những bộ óc sáng tạo của nước ngoài vào làm việc, các phòng thí nghiệm của nước này cũng sẽ đạt được nhiều sáng chế ngoạn mục. Các chế độ độc tài vẫn đạt được những thành tích vĩ đại về nhiều mặt: Hệ thống hỏa tiễn của Liên Xô vẫn được xếp vào hạng nhất nhì thế giới; kỹ thuật “laser” của Trung Quốc cũng không thua ai.
Nhưng cần phải phân biệt những thành tựu cá nhân với môi trường thuận lợi cho suy nghĩ và phát minh. Trong một cuộc tiếp đón dành cho các phái đoàn Trung Quốc muốn học hỏi thêm để tiến từ nhãn hiệu “Made in China” (làm tại Trung Quốc) sang “Created in China” (sáng chế tại Trung Quốc), ông Robert Atkinson, chủ tịch của Sáng Hội “Information Technology&Innovation Foundation” (Sáng hội về kỹ thuật thông tin và sáng tạo) có trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ, đã nói: “Quý vị cần phải cho phép phê bình và lối suy nghĩ với óc phê phán”. Điều đó nghĩa là, theo ông Atkinson, phải từ bỏ lối cai trị độc đảng. Bao lâu còn độc tài độc đảng thì không thể có suy tư cá nhân và óc phê phán. Và bao lâu không có suy tư với óc phê phán thì không có cạnh tranh và không có cạnh tranh thì đương nhiên cũng chẳng có sáng tạo. Như vậy, bao lâu vẫn còn độc đảng thì đương nhiên sẽ chẳng bao giờ có sáng tạo.
Nhưng có lẽ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra tại Trung Quốc.  Bởi lẽ Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng như Đảng Cộng Sản Việt Nam và bất cứ chế độc độc tài toàn trị nào, tỏ ra thích thú và “tự sướng” trong việc kiểm soát và kìm kẹp người dân hơn là canh tân và sáng tạo.


(x. Hannah Beech, The other side of the Great Firewall, Time, June 22, 2015)



Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Đạo hạnh



Chu Thập
12.6.15


Hồi tuần trước, trên một con đường chính ở Luân Đôn, Anh Quốc, một người đi xe đạp 55 tuổi bị kẹt dưới bánh xe của một chiếc xe buýt hai tầng.  Một đám đông khoảng 100 người đã tụ tập lại và trong một hành động vị tha phi thường, đã nhấc bổng chiếc xe buýt lên để cứu thoát người đàn ông. Theo một nhân viên cứu thương được gọi đến cấp cứu nạn nhân, hành động của đám đông là một “phép lạ” đã cứu sống người đàn ông (Steve Taylor Ph.D, The Kindness of Strangers. Psychology Today online 6/6/2015)
Theo Tiến sĩ Steve Taylor, giảng sư tại Đại học Leeds Metropolitan, Anh Quốc, vị tha và hy sinh dường như là một sự đáp trả bình thường của con người khi đứng trước những hoàn cảnh hay biến cố đau thương. Giáo sư Taylor cũng kể lại một trường hợp khác xảy ra tại Tô Cách Lan dạo tháng 11 năm 2013: một chiếc máy bay trực thăng đã đâm vào một quán rượu khiến cho 10 người thiệt mạng. Liền sau tai nạn, cư dân và người qua lại đã tuốn đến hiện trường. Cùng với khách hàng của quán rượu, họ đã nối vòng tay để tạo thành một “giây chuyền” và đưa những người bị thương và bất tỉnh ra khỏi nơi xảy ra tai nạn.
Theo giải thích của các chuyên gia tâm lý, nhìn theo quan điểm tiến hóa, con người thường hành động vị tha vì lợi ích riêng của bản thân. Vốn mang trong mình hàng ngàn “gen” di truyền mà mục đích duy nhất là sống còn và truyền giống, con người không thực sự hy sinh cho người khác hay ngay cả giúp đỡ người khác. Xét dưới khía cạnh di truyền học, một số chuyên gia tâm lý cũng cho rằng nếu có hy sinh hay giúp đỡ người khác, thì chúng ta cũng chỉ làm điều đó cho người thân hay họ hàng mà thôi, bởi vì những người này  mang cùng một thứ “gen” giống như chúng ta, cho nên giúp đỡ họ cũng co nghĩa là  giúp cho “gen” của chúng ta được tồn tại.
Nhưng phải giải thích như thế nào về việc chúng ta giúp đỡ những người chẳng có giây mơ rễ má nào với chúng ta hoặc ngay cả súc vật? Các  nhà tâm lý học cho rằng chẳng hề có điều được gọi là vị tha “thuần túy”. Khi chúng ta giúp đỡ người lạ hay súc vật là vì chúng ta nhắm tới một lợi ích nào đó cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta không hề ý thức về điều đó. Bất cứ một nghĩa cử nào cũng mang lại cho chúng ta một cảm xúc tích cực. Chúng ta được người khác tôn trọng hơn hoặc ngay cả niềm hy vọng được lên “Thiên Đàng” nơi chúng ta cũng lớn lên. Cũng theo cái nhìn “duy lợi”, nghĩa là làm việc tốt để được nhìn nhận hay thưởng công, chúng ta thực thi những nghĩa cử cho người khác với hy vọng một ngày nào đó họ sẽ đền ơn báo đáp cho chúng ta, nhứt là khi chúng ta phải lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Cũng có người thực thi nghĩa cử để chứng tỏ cho người khác thấy hoặc mình là người giàu có hoặc mình không phải là người vô dụng. Cũng không thiếu những người làm những cử chỉ “đẹp” để trở nên hấp dẫn hơn đối với người khác phái.
Nhìn lại cuộc sống, tôi nhận thấy dường như rất nhiều nghĩa cử tôi làm cho người khác đều xuất phát từ những động lực “duy lợi” được các chuyên gia tâm lý ghi nhận trên đây. Nhưng tôi phải nhìn nhận rằng cũng có rất nhiều hành động tốt được tôi thực thi cho người khác hầu như một cách tự động, nghĩa là chẳng có tính toán hơn thiệt. Tôi cũng có thể hành động như Lục Vân Tiên của ông Đồ Chiểu: “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”. Đó thực sự là những hành động mang lại cho tôi một niềm vui sâu xa. Những lúc như thế, tôi cảm thấy cái phần “người” trong tôi lớn thêm. Tôi tin rằng cũng như tôi, rất nhiều người thực thi những nghĩa cử vì một động lực duy nhứt là muốn giúp cho người khác bớt đau khổ hơn mà thôi. Con người được thúc đẩy để xoa dịu nỗi khổ đau của người khác vì họ cảm thấy nỗi khổ đau của người khác như một phần của chính họ. Nói theo triết gia Đức Arthur Schopenhauer (1788-1860), “nội tâm sâu thm của tôi hiện hữu trong mọi sinh vật...Đây chính là nền tảng của sự cảm thông từ đó phát xuất lòng vị tha được biểu hiện trong mỗi nghĩa cử”.
Nói cách khác, theo Giáo sư Taylor, vị tha là một trong những khía cạnh cao thượng nhứt trong bản tính con người.
Nếu cái “nội tâm sâu thm của tôi” hiện hữu trong mọi sinh vật”, nhứt là trong  mỗi một sinh linh, thì dĩ nhiên tôi không thể không đau khổ trước bất cứ nỗi khổ đau nào của người khác đã đành, mà có lẽ tôi cũng không được phép vui trước nỗi bất hạnh của ngay cả một kẻ gian ác.
Trong một bài viết mới đây, ông Bùi Bảo Trúc, tác giả của những bài tạp ghi “Thư gởi bạn ta” có nhắc đến một trong niềm vui của ông Kim Thánh Thán, một nhà phê bình văn học Trung Hoa sống hồi Thế kỷ 17: một buổi sáng nọ, nghe gia nhân xôn xao bàn tán, ông hỏi chuyện mới biết thì ra trong đêm qua, một kẻ quỉ quyệt, độc ác nhứt, bị nhiều người trong thành ghét nhứt vừa lăn cổ ra chết. À thì ra thế. Mọi người vui vẻ là vì thế. Nghe xong, ông cũng thốt lên: “Chẳng khoái ư?”
Tác giả của “Thư Gởi Bạn Ta” cũng ghi lại chuyện đắm tàu mới xảy ra trên sông Dương Tử, bên Tàu cách đây hơn một tuần. Có trên 434 người chết và hiện còn 8 người bị xem là mất tích. Tác giả viết rằng  “kỳ lạ là tôi chẳng thấy xúc động gì về tai nạn chìm tàu này cả”. Bởi lẽ theo ông, “biết đâu trong số những người chết ấy lại chẳng có vài ba người đi chơi lần cuối trước khi lên đường ra Trường Sa, Hoàng Sa, lên tàu hải giám để xịt nước, húc vào những tàu đánh cá của các ngư dân Việt Nam từ Quảng Nam ra bắt cá. Cũng có thể trong những hành khách ấy lại có cả những người từng đánh sang Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn...hồi năm 1979, thẳng tay bắn giết, cướp phá, hãm hiếp...và nay lên tàu đi du lịch trên sông Dương Tử”.
Nghe tin những kẻ gian ác lâm nạn và ngay cả chết tất tưởi, nhiều người, trong đó có tôi, dễ có phản ứng tự nhiên là thốt lên “cho đáng đời, đáng kiếp!” hoặc triết lý hơn thì bảo “trời trả báo!” Nói cách khác, đã không mảy may xúc động trước nỗi bất hạnh của họ, có khi tôi lại còn thấy vui là khác.
Nhưng nghĩ đến cái “nội tâm sâu thm” của mình cũng hiện hữu nơi người khác, bất luận người hiền đức hay kẻ gian ác, tôi lại thấy cái phản ứng của mình quả là “độc ác”. Hóa ra mình cũng chẳng hơn gì những kẻ làm điều gian ác!
Hôm Chúa nhựt 7 tháng 6 vừa qua, nhiều người Việt ở Úc đã đổ xô đến Blue Mountains, tiểu bang New South Wales, để lắng nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, thuyết pháp hoặc chỉ để chiêm ngắm nụ cười nhân hậu, từ bi, cảm thông của ngài. Mặc dù không tham dự các buổi thuyết pháp của nhà lãnh đạo tôn giáo này, nhưng từ lâu, khi theo dõi các sinh hoạt và nghiền ngẫm những điều ngài giảng dạy từ mấy chục năm qua, tôi nhận thấy cốt lõi giáo lý được ngài quảng bá đều được tóm gọn trong hai chữ “cảm thông”. Và dĩ nhiên, đã cảm thông thì đương nhiên lúc nào cũng tha thứ. Tôi chưa từng nghe nhà lãnh đạo tinh thần này có bất cứ cử chỉ hoc lời nói thóa mạ hoặc căm thù nào đối với những kẻ thù của mình, đặc biệt là những người cộng sản Trung Hoa, kể từ thời ông Mao Trạch Đông cho tới nay. Với Đức Đạt Lai Lạt Ma, bất cứ một con người nào, ngay cả những kẻ gian ác, cũng đều có nỗi khổ riêng của họ. Và dĩ nhiên, khi người ta đau khổ thì mình phải tỏ ra cảm thông.
Trong cuốn sách “An open heart” (một trái tim rộng mở) ghi lại những bài nói chuyện và thuyết phát của ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng “sự cảm thông của chúng ta đối với người khác càng lớn mạnh khi chúng ta biết nhận ra nỗi đau khổ của họ”. Theo giáo lý Phật Giáo mà ngài quảng bá, đã là con người thì có ai mà thoát khỏi đau khổ. Có khi càng giàu có và càng quyền thế con người lại càng nhiều đau khổ hơn. Nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng giải thích: “Khi chúng ta thấy có người đang hưởng sự thành công và giàu sang phú quí, thay vì cảm thông với họ vì biết rằng tất cả những thứ đó rồi cũng sẽ qua đi khiến cho họ phải cảm thấy thất vọng vì sự mất mát đó, phản ứng của chúng ta thường lại là ngưỡng mộ và đôi khi còn ganh tỵ nữa. Nếu chúng ta hiểu được sự đau khổ và bản chất của nó, chúng ta sẽ nhận ra rằng danh vọng và của cải chỉ là những thứ tạm bợ và khoái lạc mà những thứ đó mang lại đều sẽ qua đi khiến cho con người phải đau khổ” (An Open Heart, Practicing Compassion in Everyday Life, by The Dalai Lama, edited by Nicholas Vreeland).
Bên kia mọi “tôn giáo”, “Đạo” mà Đức Đạt Lai Lạt Ma rao giảng chỉ đơn giản có thế: nhận ra nỗi khổ đau của từng người và cảm thông với họ. “Đi Đạo” hay sống “đạo hạnh” có lẽ cũng chỉ đơn giản có thế.
Tôi không có được vinh dự của tài tử gạo cội Richard Gere để làm đệ tử và tháp tùng Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng với cuộc sống “chân tu” và nụ cười nhân ái và cảm thông của ngài, nhà lãnh đạo tôn giáo này quả là thày tôi.
Trong một bài thơ trào lộng, thi sĩ Trần Tế Xương(1870-1907) có mỉa mai cái “thói đời” của một số nhà tu thời ông qua câu: “công đức tu hành sư có lọng”. Nhiều người đã nhắc lại câu thơ này để ám chỉ đến hiện tượng một thiền sư Việt Nam nổi tiếng ở nước ngoài, trong một lần về thăm quê hương, đã khoác vào người áo mão lộng lẫy, lại để cho một số để tử mang lọng đến công kênh. Từ lâu, tôi đã cố gắng vượt qua những khác biệt về chính kiến để chỉ tiếp nhận những lời giảng dạy thâm hậu của vị thiền sư này. Tôi chưa một lần tôn ông lên hàng thần tượng. Nhưng hình ảnh của một nhà sư “có lọng” đã làm sứt mẻ không ít sự kính trọng tôi đã dành cho ông.
Tôi vốn dị ứng với bất cứ áo mão, gậy gộc nào trên người của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Với tôi, đó là những di tích thừa thãi, rơi rớt từ một thời huy hoàng giả tạo của một tôn giáo, không phản ảnh được tinh thần đích thực của bất cứ tôn giáo nào. Đây chính là lý do tại sao lúc nào tôi cũng bái phục Đức Đại Lai Lạt Ma. Ngài luôn luôn xuất hiện trước công chúng như một tỳ kheo đơn sơ, hiền lành, khiêm tốn, không tự mang hay để cho người khác khoác lên người bất cứ hào quang giả tạo nào. Ít nhứt tôi nhận ra đó như biểu hiện đích thực của lòng vị tha vô vị lợi: quên mình để chỉ nghĩ đến người khác!
Với tôi, Đức Đạt Lai Lạt Ma quả là mẫu mực của một người “đạo hạnh”. Nơi ngài, “Đạo” và “Hạnh” luôn đi đôi với nhau. “Hạnh” nơi ngài chính là buông bỏ, gột rửa tất cả những thứ râu ria phù phiếm không cần thiết của “thói đời”.
Tôi là người “có đạo” và “đi đạo” ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ. Nhưng không phải vì thế mà tôi đương nhiên là người “đạo hạnh”. “Đạo hạnh” thực sự, như tôi được nhìn thấy qua con người của nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, chính là không ngừng từ bỏ chính mình để biết cảm thông và sống vị tha một cách vô vị lợi.



Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Em có Ba, Em có Má...


Chu Thập
8.9.11




Mỗi ngày, mở “meo đàn” tôi thích đọc một chuyện cười. Cầm trong tay tạp chí Reader’s Digest, tôi mở ngay trang “cười là liều thuốc tốt nhứt”. Xem văn nghệ, tôi thích hài kịch hơn ca nhạc. Âm vang của một nụ cười lành mạnh giúp tôi có được một ngày vui, vượt qua được những giây phút căng thẳng trong cuộc sống.
Vì thích hài kịch cho nên cứ có một cuốn băng Vân Sơn, Asia hay Thúy Nga Paris, tôi đều lướt nhanh qua các mục khác và dừng lại ở mục hài kịch để có được một trận cười trước đã.
Nhưng không phải hài kịch và danh hài nào tôi cũng thích cả đâu. Tôi mê Hoài Linh giả gái. Và dĩ nhiên, tôi không bỏ qua màn kịch nào của cặp danh hài Quang Minh-Hồng Đào. Họ không chỉ mang lại những nụ cười, mà còn khiến tôi phải suy nghĩ về một số giá trị nền tảng trong cuộc sống như gia đình, sự chung thủy, tình nghĩa xóm giềng...
Tôi thích cặp danh hài này. Nhưng tôi luôn thấy ái ngại mỗi khi danh hài Quang Minh phải đóng vai một người đồng tính. Mà dường như các bản kịch do chính họ biên soạn hay ai đó là tác giả, lại quá bị ám ảnh về chuyện đồng tính. Quả tình Quang Minh, vì sánh vai người đồng tính quá xuất sắc, đã tạo ra những nụ cười nắc nẻ nơi khán giả. Nhưng cứ mỗi lần anh xuất hiện trong vai này, tôi lại thấy nụ cười của mình méo hẳn đi. Khi ống kính quét một vòng xuống khán giả, tôi tin chắc rằng cũng có nhiều người đồng tính có mặt trong đám đông ấy. Nếu có cười thì hẳn những người đó chỉ có thể cười gượng mà thôi, bởi vì còn gì bị xúc phạm bằng khi người ta đưa mình ra làm trò cười.
Tôi thích cười. Không biết đười ươi có thật sự biết cười không. Nhưng tôi tin chắc rằng cười là đặc điểm của con người và làm nên con người.  Chỉ có con người mới thực sự biết cười mà thôi. Ngạn ngữ nước nào cũng có những câu về ý nghĩa và giá trị của nụ cười. Ngạn ngữ Latinh nói: “Castigat ridendo mores” (sửa trị tật xấu bằng tiếng cười). Triết gia Pháp Henry Bergson chuyên nghiên cứu về “cái cười” cho rằng “liều thuốc duy nhứt để chữa trị tính khoe mẻ kiêu căng là nụ cười và cái lỗi duy nhứt đáng cười là tính kiêu căng”. Riêng trong nhân loại, thì người Việt nam nổi tiếng là một dân tộc “cái gì cũng cười. Hay cũng cười mà dở cũng cười”. Lạc quan như thế thì còn gì bằng. Chỉ có điều, bởi cái gì cũng cười cho nên người Việt nam xem chuyện cười trên đau khổ của người khác như một điều tự nhiên và còn đáng khuyến khích là khác.
Tôi thực sự biết ơn nền văn hóa Tây phương. Nhờ tiếp xúc với nền văn hóa này mà tôi mới nhận thức được rằng cười trên đau khổ của người khác là hành vi xúc phạm nặng nề nhứt. Chính vì thế mà kể từ khi ra khỏi Việt nam, ngoài những người khuyết tật, còn có một hạng người khác mà tôi thấy phải tỏ ra tôn trọng và cư xử tế nhị hơn cả là những người đồng tính. Chẳng ai chọn cha mẹ để sinh ra. Cũng chẳng ai chọn phái tính để sinh ra. Ông Trời cho người này làm đàn ông, người khác làm đàn bà. Có người lại sinh ra với một khuynh hướng tính dục chẳng phải nam mà cũng chẳng phải nữ. Và có người lại có một khuynh hướng tính dục hoàn toàn ngược lại với hình thức bên ngoài.
Thật ra, cũng phải ra khỏi nước, tôi mới mở mắt ra để hiểu biết thêm về cái cộng đồng này. Mãi cho đến năm 1981, lúc còn trong nước, thỉnh thoảng tôi chỉ thấy một vài người mà chúng tôi gọi là “lại cái”. Còn đàn bà giống đàn ông hay muốn làm đàn ông thì tôi chưa từng thấy. Những người “lại cái” này, mặc dù bị mọi người chế diễu, vẫn sống hiên ngang, vui vẻ và nhứt là cũng có vợ có con như mọi người.
Mãi cho đến khi đến Pháp, tôi mới nhận thấy thế giới đồng tính phức tạp hơn nhiều. Có những người “chuyển giống”, tức không muốn chấp nhận phái tính của mình. Có những người, bề ngoài trông giống mọi người, nhưng lại chỉ có thể bị hấp dẫn hay chỉ thích người cùng phái. Có những người có gia đình hẳn hoi, nhưng vẫn thích nhảy rào để quan hệ tính dục với người cùng phái.
Đến đây thì thú thật, dù vẫn biết phải tôn trọng và cư xử tế nhị với cộng đồng đồng tính, tôi vẫn không thể hiểu được tại sao ông Trời lại tạo nên một giống người nam không ra nam, nữ không ra nữ để họ chỉ có thể cảm thấy hấp dẫn bởi những người cùng phái mà thôi. Một “tai nạn” thiên nhiên không chỉ xảy ra cho con người mà cả các loài vật. Lần đầu tiên, tôi bị một cú sốc nặng là khoảng cuối thập niên 80. Tôi vẫn nhớ mãi cái hình ảnh mà tôi cho là “kỳ quái” không thể hiểu được. Số là trên một chuyến bay từ Cincinnati, Ohio về San Francisco, California, tôi ngồi bên cạnh một thanh niên da trắng mà tôi nghĩ chưa quá 30 tuổi. Phải nói đây là một thanh niên đẹp trai. Ngồi bên cạnh nhau đến cả 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi không thể không trao đổi với nhau cho qua giờ. Anh tỏ ra là một người lịch lãm, có thể góp ý về đủ mọi vấn đề. Nhưng đến khi tôi hỏi chuyện gia đình, vợ con thì anh ta nói thẳng rằng anh là “gay” (đồng tính); anh không thích đàn bà con gái. Kể từ lúc đó, tôi thấy mình phải dè dặt hơn. Đến lúc về đến phi trường San Francisco, trong lúc chờ người thân đến rước về nhà, tôi chứng kiến một cảnh tượng mà vào thời điểm đó tôi cho là “khủng khiếp”: vừa ra khỏi phi trường, người bạn đồng hành của tôi đã chạy ùa tới một bậc “mày râu” khác theo đúng nghĩa, nghĩa là râu ria, vạm vỡ và họ đã trao cho nhau một cái hôn dài và sâu theo kiểu Tây (French kiss). Tôi cảm thấy choáng váng, muốn bật ngửa ra sau. Bấy giờ tôi mới biết San Francisco là thủ đô của những người đồng tính. Chuyện họ sống chung với nhau như hai người phối ngẩu, công khai hôn hít nhau hay quan hệ tính dục với nhau chẳng còn làm cho ai phải ngạc nhiên cả.
Nhưng  phải thú thật là sau 30 năm cố gắng hội nhập vào xã hội Tây phương, tập nhìn đời với con mắt khoan nhượng,  tôi vẫn chưa hiểu được chuyện hai người đồng phái lại có thể quan hệ tính dục với nhau. Có lần xem cuốn phim có tựa đề “Priest” (linh mục), khi chứng kiến cảnh hai người đàn ông trong y phục Adam, quấn quít lấy nhau, làm những động tác của vợ chồng, tôi đã nhắm mắt lại vì muốn “nôn mửa”. Tôi biết rằng mình vẫn không thể nào “xỏ chân vào giày của họ” được.
Quả thật, có những điều tôi không hiểu nổi. Những chuẩn mực đạo đức truyền thống lại càng không cho phép tôi chấp nhận những điều mà hiện nay người ta đang tranh đấu để biến thành một thứ “quyền của con người”. Chẳng hạn như quyền được “kết hôn” giữa những người đồng tính.
Mới đây, báo chí Úc đã đăng tải hình của bà Penny Wong, tổng trưởng tài chính, chụp chung với người phụ nữ bạn tình của bà. Kèm theo bức hình là bản tin cho biết họ đang chờ đợi một đứa con mà người phụ nữ sống chung với bà Wong đang cưu mang. Có tin còn cho biết các chính trị gia Úc đã lần lượt gởi lời chúc mừng đến cặp đồng tính này.
Năm 2001, Hòa lan đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nhìn nhận hôn phối của những người đồng tính. Kể từ đó, nhiều nước khác như Argentina, Bỉ, Canada, Băng Đảo, Na uy, Bồ đào nha, Tây ban nha, Nam Phi và Thụy điển đều chính thức cho phép những người đồng tính được kết hôn với nhau. Tại Hoa kỳ đã có tới 6 tiểu bang cũng đã định nghĩa lại hôn nhân và nhìn nhận hôn phối của những người đồng tính. Một số quốc gia, tuy chưa chính thức ban hành luật nhìn nhận hôn phối đồng tính, vẫn công nhận giá trị của hôn phối đồng tính được cử hành tại một số nơi khác.
Những người ủng hộ hôn phối đồng tính lập luận rằng chối bỏ quyền của những người đồng tính được kết hôn và hưởng mọi quyền lợi xuất phát từ hôn phối là một hành động kỳ thị dựa trên khuynh hướng tính dục. Một số khác cho rằng hôn phối mang lại những phúc lợi về tài chính, tâm lý và thể lý cũng như bảo đảm cho con cái được những cặp đồng tính nuôi dạy được hưởng những dịch vụ của các tổ chức xã hội.
Cho tới nay, tại Úc đại lợi, hôn phối đồng tính vẫn chưa được luật pháp liên bang nhìn nhận. Luật hôn nhân năm 1961 đã được tu chính và chính thức tuyên bố rằng hôn phối đồng tính được cử hành tại các nước khác vẫn không được nhìn nhận như hôn phối tại Úc đại lợi.
Dù vậy, tại tất cả mọi tiểu bang và lãnh thổ Úc, việc sống chung của những cặp đồng tính vẫn được thừa nhận như mọi cặp phối ngẫu (de facto couples) và họ cũng được hưởng mọi quyền lợi như những cặp bạn tình khác phái đang sống chung với nhau.
Năm 2004, Luật giám sát về hưu bổng trong kỹ nghệ đã được tu chính để cho phép các cặp đồng tính cũng được hưởng những quyền lợi như những người khác phái chung sống với nhau.
Tháng 11 năm 2008, chính phủ Lao động đã thông qua luật nhìn nhận các cặp đồng tính và cho họ được hưởng những quyền lợi như các cặp bạn tình khác phái chung sống với nhau về thuế, bảo hiểm xã hội và y tế, tuổi già và công ăn việc làm. Điều này có nghĩa là những cặp đồng tính nào có thể chứng minh được rằng họ đang chung sống với nhau như vợ chồng đều hưởng được hầu hết các quyền lợi của các cặp vợ chồng.
Tháng 8 năm 2009, một thành viên của Đảng Xanh đã đệ trình một dự luật kêu gọi nhìn nhận hôn phối đồng tính. Luật đã bị thượng viện bác bỏ. Đảng Xanh mà lãnh tụ là Bob Brown hiện đang công khai sống với một người bạn tình đồng phái, vẫn cương quyết tranh đấu cho hôn phối đồng tính được luật pháp liên bang Úc đại lợi nhìn nhận. Nhưng cho tới nay, thủ tướng Gillard đã nhiều lần tuyên bố rằng bà chống lại hôn phối này. Tuy nhiên, trong một xã hội mà “hợp pháp” hay “hợp thức về phương diện chính trị” (politically correct) được xem là chuẩn mực bắt người dân phải tuân thủ, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nếu phá thai, tức sát hại một con người vô phương tự vệ còn trong lòng mẹ, được xem là “hợp pháp”, thì có chuyện gì mà các nhà làm luật và các chính trị gia không làm được. Trong trường hợp nào, lý của kẻ mạnh vẫn luôn thắng.
Tôi không phải là một nhà thông luật, lại càng không phải là một chính trị gia để tranh luận về luật pháp. Trong mọi sự, lương tâm lúc nào cũng mách bảo tôi về khía cạnh đạo đức. Đúng hơn, là con người, tôi vẫn luôn bị lương tâm chất vấn về trách nhiệm, nhứt là trách nhiệm đối với người khác. Tự do chọn cách sống là chuyện của mỗi người nhưng một khi điều đó ảnh hưởng đến “người khác” thì vấn đề cần được đặt lại. “Người khác” mà tôi muốn nói ở đây là những “đứa con”.
Khi tôi nhìn tấm ảnh chụp chung của bà Penny Wong với người phụ nữ bạn tình, kèm với “tin vui” có con được họ công bố, tôi không thể không nghĩ đến tương lai của đứa bé. Chưa ra đời, nó đã bị kết án phải làm một đứa trẻ mồ côi, bởi lẽ, dù phải có một người đàn ông hiến tặng tinh trùng để nó được hình thành, nó vẫn không được người cha “đẻ” nhìn nhận. Không nhìn nhận đứa con của mình là một hành động chỉ có thể gọi là “vô trách nhiệm” mà thôi. Lại càng vô trách nhiệm hơn nữa khi người ta cố tình tước đọat quyền được có cha của đứa bé.  Nó sẽ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến hai bà mẹ, nhưng lại không có lấy một người cha hoặc ngược lại. Con không cha như nhà không nóc. Đối với một đứa con trai, điều ấy lại càng hiển nhiên hơn: thiếu một đàn ông “mẫu mực” trong gia đình, trưởng thành nhân cách là điều không phải dễ dàng đối với một đứa trẻ. Con không mẹ thì lại càng thê thảm hơn.
Thời đại này, người ta nói đến đủ mọi thứ quyền, kể cả quyền của thú vật. Nhưng một trong những quyền cơ bản nhứt là quyền được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha và có mẹ lại bị chối bỏ. Tranh đấu cho đủ mọi thứ quyền nhưng lại chối bỏ quyền này là một thái độ vô trách nhiệm và giả nhân giả nghĩa.
Tôi nhớ: trước năm 1975, trong các buổi sinh hoạt đoàn thể, các em thiếu nhi thường vỗ tay hát: “Em có ba, em có má...” Hãy thử tưởng tượng: còn niềm vui nào lớn hơn đối với một đứa trẻ khi được sinh ra, lớn lên trong một gia đình có một người cha và một người mẹ.
Tôi tin rằng chỉ trong một gia đình như thế, đứa trẻ mới cảm nhận được tình yêu thương thực sự, học được những bài học vỡ lòng về làm người và lớn lên trong tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.