Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Công lý hay sự độc ác của con người?


28.10.16

Với biệt hiệu “Kẻ trừng phạt” (the Punisher) được người dân trao tặng, đương kim tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã trở thành nhà vô địch thế giới về việc xử bắn mà không cần xét xử đối với những người buôn bán cũng như các con nghiện ma túy. Chỉ không đầy 6 tháng sau khi ông Duterte nhậm chức, đã có trên dưới 3 ngàn người bị cảnh sát và các đội dân phòng hạ sát. Với thành tích này, tổng thống Phi đã bị cả thế giới lên án.
Thành tích “trừng phạt” những kẻ buôn bán và dân nghiện ma túy của Tổng thống Duterte quá nổi bật khiến cho thế giới quên đi những hình thức trừng phạt dã man đối với người dân hiện vẫn còn được thực hành tại nhiều nước khác. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, từ việc treo cổ, chặt đầu, ném đá, cho ngồi ghế điện cho đến việc xử bắn, đây là những hình thức trừng phạt mà nhiều nước vẫn còn áp dụng. Và theo các chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, dù dưới hình thức nào đi nữa, những cuộc xử tử công khai vẫn không có hiệu quả, nghĩa là vẫn xúc phạm đến phẩm giá con người, gia tăng bản chất độc ác và vô nhân đạo của hình phạt mà chẳng làm giảm bớt được tội ác. Ngoài hành vi phạm pháp có liên quan đến ma túy, người dân tại nhiều nước còn bị xử tử vì những hành động như ngoại tình, nói phạm thượng, tham nhũng, bắt cóc hoặc ngay cả “nói xấu” hay chống lại các chính sách của nhà lãnh đạo.
Hiện án tử hình vẫn còn được xem là hợp pháp tại 58 quốc gia. 5 nước đứng đầu thế giới về xử tử là Trung Cộng, Iran, Pakistan, Á Rập Saudi và Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, xét về tỷ lệ, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng không đứng xa 5 nước trên đây bao nhiêu.
Ngoài việc xử tử, một số hình phạt khác như cắt một phần thân thể, đánh đòn, thiến và những hình thức tra tấn khác vẫn còn được áp dụng tại một số quốc gia. Hồi tuần trước, Quốc hội Nam Dương đã thông qua một luật mới cho phép áp dụng những hình thức trừng phạt nặng nề hơn đối với những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em. Bên cạnh án tử hình, luật mới còn cho phép việc dùng hóa chất để thiến kẻ phạm pháp và gắn thiết bị điện tử vào người những tù nhân vừa mới được trả tự do.
Điểm qua các hình thức trừng phạt dã man hiện vẫn còn được áp dụng tại một số quốc gia, trước hết phải nói đến việc đánh đòn. Đây là hình thức trừng phạt vẫn còn “thịnh hành” tại Tân Gia Ba, Brunei, Nam Dương, Mã Lai và một số nước Phi Châu. Người dân có thể bị mang ra đánh đòn công khai vì một số hành vi phạm pháp như bắt cóc, trộm cướp, sử dụng ma túy, phá hoại tài sản của người khác hay của công, phá rối trật tự, lạm dụng tình dục, sở hữu khí giới. Ngay cả người ngoại quốc với chiếu khán nhập cảnh quá hạn 90 ngày cũng có thể bị mang ra đánh đòn.
Để tỏ ra “văn minh” và “nhân đạo” chăng, tại Tân Gia Ba và một vài nước khác, roi được sử dụng để đánh đòn được nhúng vào nước để tránh bị xơ tủa khi quất vào người kẻ phạm pháp. Thông thường, trước khi bị đánh đòn, tội nhân bị lột quần áo để được một bác sĩ khám. Số roi được quất vào mông tùy thuộc ở mức độ nặng nhẹ của hành vi phạm pháp. Cứ sau một cú quất, người cầm roi sẽ nghỉ 10 hay 15 giây.
Tội nhân phải chịu một nỗi đau khủng khiếp. Máu ra lai láng như người chảy máu cam. Phải mất cả tháng vết thương mới lành. Nhưng dĩ nhiên vết sẹo và chấn thương tâm lý thì không bao giờ biến mất.
Hồi năm ngoái, một người phụ nữ 20 tuổi ở  tỉnh Aceh, thuộc Đảo Sumatra, Nam Dương đã bị đánh đòn công khai vì tội gọi là “lân la đến gần” một người đàn ông không phải là chồng mình. Aceh là tỉnh duy nhất tại Nam Dương vẫn còn áp dụng luật Sharia của Hồi giáo để đánh đòn những phụ nữ nào phạm tội “kwalwat”, tức nói chuyện hay đến gần một người đàn ông không phải là chồng hay người bà con của mình.
Ngoài việc đánh đòn công khai, một số quốc gia như Á Rập Saudi, Sudan, Pakistan, Iran, Yemen, Somalia, Sudan, các Vương quốc Á rập Thống nhất, Nigeria...còn sử dụng một hình thức trừng phạt dã man gấp bội phần là ném đá.
Theo điều 102 của Luật Hình sự dựa theo luật Sharia, tại một số quốc gia, người bị xử tử bằng việc ném đá sẽ bị chôn sống: đàn ông bị lấp đất đến ngang hông, phụ nữ đến ngực. Một nhóm người được “tuyển chọn” sẽ dùng đá và gậy gộc để ném xối xả vào tội nhân, thường là những kẻ ngoại tình. Cũng theo luật Hồi giáo, tội nhân nào còn đủ sức để thoát ra khỏi lỗ sẽ được tự do. Do được chôn cạn hơn, đàn ông còn có hy vọng thoát ra khỏi lỗ tử thần. Đàn bà, vì bị chôn sâu hơn, khó có hy vọng sống sót.
Ném đá được xem như một hình thức xử tử của cộng đồng địa phương hơn là một sự trừng phạt dựa theo luật pháp quốc gia. Ngay cả một số giáo sĩ Hồi giáo cũng lên án hình thức trừng phạt dã man này.
Tại Somalia, một bé gái 13 tuổi đã bị chôn tới cổ và bị ném đá cho đến chết dưới bàn tay thô bạo của một nhóm 50 người đàn ông và trước sự chứng kiến của một đám đông cả ngàn người. Sau khi bé gái này bị xử tử như thế người ta mới khám phá ra rằng em đã bị 3 người đàn ông hãm hiếp và em đã bị bắt giữ chỉ vì tìm cách tố cáo hành vi hãm hiếp này với các chiến binh đang kiểm soát thành phố.
Nếu ném đá là một hình thức xử tử chỉ còn được duy trì tại một số ít quốc gia trên thế giới thì treo cổ lại là án tử hình thông thường nhất tại rất nhiều nước, kể cả tại những nước văn minh nhất thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn.
Dẫn đầu thế giới về xử tử bằng cách treo cổ là Cộng hòa Hồi giáo Iran, nơi trong riêng năm 2013 đã có tới 369 người bị hành quyết theo phương pháp này. Ngày 26 tháng Tư vừa qua, một tù nhân Iran đã bị công khai treo cổ sau khi bị kết án vì tội hãm hiếp. Một người đàn ông khác, bị kết án vì tội dùng dao để hạ sát một thanh thiếu niên hồi năm 2007, đã bị treo cổ ngày 15 tháng Tư.
Một hình thức xử tử khác hiện cũng rất thông dụng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Hoa Kỳ và Đài Loan, đó là xử bắn. Đây là phương pháp xử tử duy nhất tại các Vương Quốc Á Rập Thống Nhất. Tuy nhiên, tại đây án tử hình rất ít khi được thi hành. Riêng tại Belarus, trong thập niên vừa qua, số người bị xử bắn không quá 10 người. Tử tội thường bị bắn từ phía sau đầu và các cuộc xử bắn thường cũng chỉ diễn ra một cách kín đáo. Nam Dương là một trong những nước Á Châu vẫn còn sử dụng phương pháp xử bắn. Andrew Chan và Myuran Sukumaran là hai người Úc trong nhóm được mệnh danh là “Bali Nine” (9 tù nhân ở Bali); hai người này đã bị xử bắn hồi năm ngoái vì tội buôn ma túy.
Trong các phương pháp  xử tử, có lẽ chặt đầu là hình thức man rợ nhất. Hiện nay hình thức xử tử này vẫn còn được áp dụng tại Á Rập Saudi, Benin, Yemen và Qatar. Riêng tại Á Rập Saudi, dụng cụ được sử dụng để chặt đầu tội nhân là một thanh kiếm. Hồi tuần trước, tin mới nhất cho biết một hoàng tử tên là Turki bin Saud Al- Kabir đã bị xử trảm tại Thủ đô Riyadh. Bộ nội vụ nước này nói rằng ông hoàng này bị xử tử vì can tội bắn chết một công dân Saudi, nhưng không nói rõ tội nhân đã bị xử tử như thế nào. Hầu hết các vụ xử tử tại Á Rập Saudi đều được thực hiện bằng gươm. Năm 2013, một đội xử bắn đã hành quyết 7 tù nhân vì tội trộm cắp và ăn cướp có vũ trang. Báo chí tại vương quốc giải thích rằng vì không đủ gươm cho nên phải sử dụng đội xử bắn.
Chuyện một ông hoàng tại Á Rập Saudi bị xử tử là điều ít khi xảy ra. Một trong những trường hợp được nhắc đến nhiều nhất là vụ ông hoàng Faisal bin Musaid al Saud. Ông này bị xử tử vì can tội ám sát chú của mình là Quốc vương Faisal hồi năm 1975.
Hoàng gia đang cai trị tại Vương quốc Á Rập Saudi hiện có vài ngàn thành viên. Tất cả mọi thành viên này đều nhận được tiền trợ cấp hàng tháng và những ông hoàng cao niên nhất hiện đang nắm giữ trong tay nhiều tài sản cũng như quyền hành chính trị. Tuy nhiên chỉ có một số ít nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ trung ương. Sau vụ xử tử ông hoàng Turki bin Saud al-Kabir, bộ nội vụ Á Rập Saudi giải thích rằng chính phủ nước này luôn xem trọng việc gìn giữ an ninh trật tự và thi hành công lý bằng việc triệt để áp dụng luật pháp đã được Đấng Allah quy định.
Trong các phương pháp xử tử, kín đáo và “văn minh” hơn cả có lẽ là cho ngồi ghế điện. Hoa Kỳ có lẽ là nước duy nhất trên thế giới hiện vẫn còn sử dụng phương pháp này để thi hành án tử hình. Và dĩ nhiên, bên cạnh ghế điện và phương pháp treo cổ, Hoa Kỳ còn sử dụng cả việc tiêm thuốc độc vào người tử tội.
Cuối cùng, trong các phương pháp xử tử, phải kể đến một cách kết liễu cuộc sống của tội nhân hiện chỉ được sử dụng tại Cộng hòa Hồi giáo Iran, đó là xô tội nhân từ một ghềnh đá cao xuống đất hay một vực thẳm.
Dù dưới bất cứ hình thức nào, tử hình không những không phải là một biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tội ác, mà còn là một hành động vô nhân đạo và dã man, nhất là trong thế kỷ 21 này. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều nước đã bãi bỏ án tử hình. Hiện trên thế giới có đến 102 nước đã hoàn toàn bãi bỏ án này dù hành vi phạm pháp có nghiêm trọng đến đâu. 6 nước vẫn tiếp tục áp dụng án tử hình cho những trường hợp đặc biệt như tội ác chiến tranh, nhưng bãi bỏ án này đối với những tội ác thông thường. Trong số các nước còn duy trì án tử hình cũng đã có 32 nước không còn thi hành án này nữa.
Án tử hình hiện vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi tại nhiều quốc gia và lập trường có thể thay đổi tùy theo ý thức hệ chính trị hay văn hóa. Trong Liên Âu, điều 2 của Hiến chương về những quyền căn bản của Liên Âu cấm sử dụng án tử hình. Riêng Hội đồng Âu Châu gồm 47 nước thành viên cũng ngăn cấm việc sử dụng án tử hình.
Liên tiếp nhiều lần, trong những năm 2007, 2008, 2010, 2012 và 2014, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua các nghị quyết kêu gọi các nước đình hoãn việc xử tử để tiến tới việc hoàn toàn bãi bỏ án tử hình. Mặc dù phần lớn các nước trên thế giới đã bãi bỏ án từ hình, hiện vẫn còn 60 phần trăm dân số thế giới đang sống trong những nước tiếp tục thi hành án tử hình.
Úc Đại Lợi là một trong những nước đã bãi bỏ án tử hình sớm nhất. Tiểu bang Queensland đã bãi bỏ án này ngay từ năm 1922 và năm 1968 đến lượt tiểu bang Tasmania. Chính phủ Liên bang Úc đã chính thức bãi bỏ án này năm 1973. Hình thức trừng phạt nặng nhất đối với một tội nhân tại Úc Đại Lợi là bị chung thân và không được giảm án với bất cứ điều kiện nào. Án này chỉ dành cho những tội phạm nghiêm trọng nhất như giết người hàng loạt, sát nhân, hãm hiếp và lạm dụng tình dục trẻ em.
(theo http://www.news.com.au/world/worlds-most-extreme-punishments/news-story)



Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Người tốt


Chu Thập
21.10.16
Tôi có một người bạn họ “Lê”. “Lê” là  họ mà người Việt Nam ở Úc tự đặt cho người Liban. Chúng tôi quen nhau trên mạng Gumtree. Ông rao bán một số chim cút. Tôi muốn cho gia súc được đa dạng hơn và cho mấy chị gà mái của tôi  được làm quen với thế giới “đại đồng” nên rước về một chục chị chim cút. Chờ mãi mà không thấy mấy chị chim cút lao động sản xuất gì cả, sốt ruột quá tôi bèn mang đến khiếu nại với ông chủ cũ. Tưởng sẽ phải kì kèo qua lại, ông liền đổi cho tôi một lứa chim cút mới có thành tích mắn đẻ. Lần khác, quen thói khiếu nại, tôi cũng mang nguyên đàn chim cút xuống để ông họ “Lê” thay cho một lứa khác tốt hơn. Gặp hôm trời nắng nóng, bị nhốt trong cốp xe, cả chục chị chim cút đều quy tiên cả. Ông bạn họ “Lê” liền tặng không cho tôi một lứa chim cút mới.
Qua một vài lần thử thách sơ bộ như thế, quan hệ giữa chúng tôi ngày càng tốt đẹp và đậm đà hơn. Từ nguyên tắc sống nền tảng “có qua có lại mới toại lòng nhau”, chúng tôi đã đi thêm một bước nữa là trao tặng cho nhau mà không mong được đáp trả hoặc thả con tép để bắt con tôm nào cả. Từ hoa quả trong vườn cho đến “thủy sản” là cá tôi câu được, cứ mỗi lần ghé thăm ông bạn họ “Lê” tôi đều chia sẻ cho ông. Và dĩ nhiên, từ hoa trái trong vườn đến hạt giống và cây con, lần nào ông bạn họ “Lê” cũng luôn nài nỉ tôi mang về. Cho đến một hôm, có lẽ nhận thấy mối giao hảo đã đạt đến đỉnh điểm rồi chăng, ông mới trải rộng tấm lòng và nài nỉ vợ chồng tôi: “Bằng mọi giá ông bà phải ghé nhà tôi một hôm để dùng bữa”.
Mở đầu bữa ăn, ông giải thích rằng chỉ có những người thực sự thân quen mới được ông mời vào trong nhà. Thì ra lâu nay ông chỉ tiếp tôi ở ngoài vườn hoặc ở bộ bàn ghế gỗ đặt bên cạnh nhà. Tôi nghĩ đến những căn lều giữa sa mạc nắng cháy ở Trung Đông và lòng hiếu khách bẩm sinh của người dân du mục. Khách độ đường nào mà chẳng được chiếu cố và tiếp đãi tử tế.
Tôi vốn không quen với đồ ăn thức uống của người Trung Đông. Một lần cắn phải một miếng thịt trừu trên một chuyến bay của một hãng hàng không Á Rập khiến tôi bị dị ứng với thức ăn của người Trung Đông. Nhưng có lẽ tình bạn giữa chúng tôi đã đánh tan mọi mùi vị đặc thù của họ. Một chút rượu đặc sản của người Liban pha với nước, ngả sang màu trắng đục và có mùi đại hồi  từa tựa như rượu khai vị Pernod của Pháp khiến tôi thấy thức ăn nào người bạn họ “Lê” dọn ra cũng đều ngon cả.
Nhưng cao điểm của bữa ăn có lẽ là lúc ông long trọng tuyên bố: “Ông bà là người tốt” (You are good people!). Tôi cảm thấy lúng túng trước một lời khen tặng như thế.  Văn sĩ Pháp Francois de La Rochefoucauld (1513-1680) đã đưa ra một nhận xét về tâm lý con người khiến tôi cảm thấy áy náy: “khước từ một lời khen tặng là muốn được khen tặng một lần nữa”. Thật tình tôi nhận thấy mình không xứng đáng để được xếp vào hạng người tốt. Còn nếu tự cho mình là người tốt để lên mặt dạy đời hay khinh rẻ, kết án người khác lại là một cái bẫy mà những người “đạo đức” trong các tôn giáo có tổ chức thường mắc phải. Tôi không hiểu tại sao càng “đạo đức” con người lại càng thiếu cảm thông trước những bất toàn và yếu đuối của người khác.
Nhưng chữ “tốt” mà ông bạn họ “Lê” trao tặng lại đưa tôi đi xa hơn để về mãi bên Việt Nam, vào những ngày đầu khi Miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm và áp đặt lên chủ nghĩa cộng sản. Thật vậy, cho tới ngày nay, sau 35 năm ra khỏi thiên đàng xã hội chủ nghĩa, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi chữ “tốt” ngắn ngủn và cộc lốc lúc nào cũng có thể bật ra từ miệng của mấy ông cộng sản. Từ “học tốt”, “làm tốt”, “lao động tốt” đến “người tốt việc tốt”...ở đâu và lúc nào con người xã hội chủ nghĩa cũng nghe và bật lên chữ “tốt”, nhứt là kèm theo cái đuôi “theo gương đạo đức của Bác Hồ vĩ đại”.
Dĩ nhiên, cũng như một số thiếu nhi trong cuốn phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy, về sự vĩ đại của “Bác Hồ” hay của chế độ cộng sản, tôi cũng chỉ biết thốt lên: “Vĩ đại thì chúng cháu có nghe nói, nhưng chưa bao giờ thấy” mặt mũi nó ra làm sao cả. Còn “tốt” trong xã hội chủ nghĩa thì dù có nghe ra rả suốt ngày, có đốt đèn đi giữa ban ngày mà tìm kiếm, e cũng khó mà thấy được.
“Tốt”, với lỗ tai của tôi, nghe trừu tượng và mơ hồ. Tôi thích hai chữ “tử tế” và “lương thiện” hơn. Thật ra, với tôi, người “tốt” thiết yếu phải là người biết sống tử tế và lương thiện. Một xã hội, một chế độ hay một nền văn minh chỉ thật sự tốt đẹp khi có nhiều người biết sống hay cố gắng sống tử tế và lương thiện.
Khi suy nghĩ về tử tế và lương thiện trong thế giới ngày nay, cùng với các nước Âu Châu, với Liên Hiệp Quốc, với cả thế giới, ngoại trừ Trung Cộng và Nga...tôi cảm thấy lo sợ nếu chẳng may ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng 11 tới đây. Hãy thử tưởng tượng khi mật mã của chìa khóa mở kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ được trao cho ông Trump!  Lúc đó có lẽ cả thế giới chỉ còn biết run mà thôi!
Về mặt đạo đức, tôi thấy lo cho tương lai của chính nước Mỹ. Trên báo Người Việt xuất bản tại Hoa Kỳ số ra gần đây, tôi đọc được kết quả của một cuộc nghiên cứu cho thấy nhiều bậc cha mẹ ở Mỹ lo ngại rằng thế giới này không là môi trường tử tế cho con cái họ. Theo kết quả cuộc nghiên cứu, có đến 70 phần trăm cha mẹ ở Mỹ cho rằng thế giới ngày nay đã mất đi sự tử tế. Ý kiến của các nhà giáo Mỹ lại càng đáng quan ngại hơn. Có tới 80 phần trăm các “kỹ sư tâm hồn” cho rằng môi trường sống hiện nay không còn tử tế nữa. Tuy nhiên, nhìn dưới một khía cạnh khác, kết quả cuộc thăm dò cũng cho thấy rằng các bậc phụ huynh và nhà giáo ở Mỹ vẫn còn xem sự tử tế là điều quan trọng đối với trẻ em để thành công trong cuộc đời chớ không phải chỉ có học giỏi là đủ (x. Người Việt online 13/10/2016).
Tôi nghĩ đến Quốc vương Bhumibol Adulyadej của Thái Lan, người vừa mới băng hà hôm 13 tháng 10 vừa qua. Tin về sự ra đi của ông đã khiến cho hầu như mọi người dân Thái trong nước cũng như ngoài nước khóc thương thảm thiết. Tôi tin là họ khóc thương nhà vua của họ thật sự chớ không “khóc dối” như người dân Bắc Hàn  đã vật vã khóc lóc khi “lãnh tụ vô vàn kính yêu” Kim Jong-il của họ từ trần dạo tháng 12 năm 2011.
Vua Bhumibol của Thái Lan được thần dân khóc thương bởi vì ông là một “người tốt”. Có đến Thái Lan một lần người ta mới thấy được “lòng tốt” của nhà vua đối với thần dân của ông và mới hiểu được tại sao ông được họ thương kính.
Với tôi, ông là một bậc minh quân theo đúng nghĩa. Ông là hiện thân của tử tế và lương thiện. Thời buổi này, “đức trị” là một cách cai trị lỗi thời. Nguyên thủ quốc gia, nhà cai trị không thể cầm cân nẩy mực duy chỉ bằng tấm lòng hay  đức độ, mà còn phải bằng cả khối óc nữa. Tuy nhiên, sức mạnh và uy tín của một quốc gia không chỉ nằm trong sự thịnh vượng vật chất. Nguyên thủ quốc gia không chỉ là người mang lại no cơm ấm áo cho người dân, mà còn phải là người cổ võ, chấn hưng những giá trị đạo đức và nhân bản. Dân có giàu nước có mạnh không chỉ vì có nhiều của cải vật chất, mà còn phải giàu mạnh cả về những giá trị tinh thần nữa. Và nổi bật nhứt trong những giá trị tinh thần hẳn phải là sự tử tế và lương thiện.
Khẩu hiệu tranh cử của ứng cử viên Donald Trump là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America great again). Với tôi Hoa Kỳ lúc nào cũng vĩ đại. Vĩ đại không chỉ vì địa vị đệ nhứt siêu cường thế giới. Vĩ đại không chỉ vì sự thịnh vượng và thừa mứa của cải vật chất. Vĩ đại không chỉ vì vai trò “cảnh sát quốc tế” vốn lúc nào cũng cần thiết cho trật tự và an ninh của thế giới. Tóm lại, về văn minh, học thuật, kỹ thuật...Hoa Kỳ lúc nào cũng vĩ đại cả. Tuy nhiên, trong mắt tôi, Hoa Kỳ chỉ thực sự vĩ đại vì những giá trị nhân bản, tinh thần và đạo đức mà những nhà lập quốc đã đề ra như nền móng của sự phát triển và trường tồn của nước này. Liệu với thái độ hung hăng, lối  phát ngôn bừa bãi, lập trường bài ngoại và kỳ thị chủng tộc, một tổng thống Donald Trump có “ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” không?
Tôi biết mình hiện đang bị ám ảnh bởi ông Trump. Có ngày nào mà tôi không nghĩ đến ông! Mở mắt dậy, bật truyền hình, đọc bất cứ trang báo nào cũng đều nghe nói đến ông. Ngoài những lời nói tục tĩu xúc phạm đến nữ giới, mới đây lại có ngày càng nhiều phụ nữ xuất hiện để tố khổ ông vì những hành động sàm sỡ đối với họ. Trong chính trường, chuyện này chẳng có gì phải làm rùm beng lên. Chính ông Trump cũng đã moi móc thói trăng hoa của cựu Tổng thống Bill Clinton để tấn công bà Hillary Clinton kia mà!
Dĩ nhiên, ngoại trừ tại một số nước, như Pháp chẳng hạn, là nơi người dân xem như “nơ pa” chuyện tình ái lem nhem của các nguyên thủ quốc gia, người dân ở đâu cũng xem trọng tư cách đạo đức của các nhà lãnh đạo quốc gia.
Nhưng trong tòa nhà nhân cách, tôi xem sự lương thiện là yếu tố quan trọng hơn cả đối với một nhà lãnh đạo chính trị. Về phương diện này, kể từ lúc bắt đầu theo dõi những bước thăng trầm trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc của ông Trump, tôi e ngại rằng dường như với ông, tất cả mọi phương tiện đều tốt, nhứt là dối trá. Họ “Trump” của ông được một số người Việt Nam ở Mỹ đọc ra thành “Trùm”. Trong chuyện gì ông cũng đều là “trùm” cả. Riêng tôi phải tôn ông lên bậc “trùm dựng chuyện” và dựng chuyện không biết ngượng miệng. Bảo ông “nói dối như Vẹm” có lẽ nghe dễ hiểu hơn. Ông khẳng định rằng Tổng thống Barack Obama không sinh ra trên đất Mỹ và rêu rao rằng chính bà Clinton đã tung ra tin này. Nay thấy chuyện phịa này không còn đủ sức thuyết phục ai nữa, ông đành rút lời. Cũng liên quan đến Tổng thống Obama, ông bảo rằng ông này nói đến hiện tượng thời tiết thay đổi và trái đất hâm nóng là chỉ để làm tiền (it’s a money making industry!). Lúc mới ra tranh cử, vì thù ghét người Hồi giáo, ông tung tin rằng có cả hàng chục ngàn người Hồi giáo ở New Jersey đã ăn mừng khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Khi tấn công đối thủ Ted Cruz, ông lại phao tin một cách ngon lành rằng thân phụ của ông này đã từng đứng sau lưng Lee Harvey Oswald, tên sát nhân đã hạ sát cố Tổng thống John F. Kennedy hồi năm 1963 (x. Time 17/10/2016).
Tôi bị ám ảnh bởi ông “trùm” này, bởi vì ông cứ gợi lại cho tôi cái chế độ dối trá mà tôi đã trốn chạy. Tôi trốn chạy khỏi chế độ cộng sản không chỉ để đi tìm tự do và có được đầy đủ điều kiện để sống xứng với phẩm giá con người. Tôi có trốn chạy khỏi chế độ dối trá là cũng để cố gắng sống tử tế và lương thiện hơn hoặc, như ông bạn người họ “Lê” của tôi đã nhắc nhở và khuyến khích, để cố gắng làm “người tốt” hơn.









Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Trồng Cây, Trồng Người




Chu Thập
09.04.13

Người ta thường nói: tuổi đẹp nhứt của đời người là tuổi học trò. Điều đó cũng đúng thôi, vì đó là tuổi ăn chưa no lo chưa tới và nhứt là chưa biết sợ là gì. Thế nhưng, trong cái nhìn của tôi, dưới năm năm sống với Việt cộng sau ngày miền Nam thất thủ, tôi thấy câu nói đó thật là mỉa mai. Mỉa mai hơn khi chỗ nào cũng nhan nhản những tấm băng-rôn với “tư tưởng” Hồ chí Minh: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.  Không cần phải là một người có óc quan sát, ai cũng phải nhận thấy là người cộng sản có một cái tính chung là thích làm khổ người khác, bất luận già trẻ lớn bé. Nhìn cảnh những em học sinh ốm yếu, xác xơ với nét ngây thơ còn nguyên trên mặt mà phải bớt giờ chơi, giờ học hành để đi làm “lao động xã hội chủ nghĩa”, tôi thấy thật tội nghiệp. Bắt học trò đi trồng cây mà toàn lựa những chỗ xương rồng chưa chắc đã mọc nổi. Tôi còn nhớ cảnh các em phải trồng khoai lang khoai mì ở những đồi cát cạnh…bờ biển. Mỗi em na được vài lít nước tưới xuống cát dưới cái nóng và cái gió của bờ biển nhiệt đới. Khoai không đâm rễ lần này thì lại phải gầy lại lần khác. Cứ thế cho đủ số buổi đi lao động. Kết quả lợi ích trồng cây không bao giờ thấy được. “Chân lý” nông nghiệp của mấy ông Việt cộng, “với sức người sỏi đá cũng thành cơm” chẳng bao giờ được chứng minh. Còn lợi ích trồng người thì hầu hết những em học trò đó, ai có cơ hội, đều tự bứng gốc và đem trồng nơi hải ngoại.
Từ những gì đã nhìn thấy, tôi thấy chuyện trồng cây và trồng người chẳng có gì ăn nhập với nhau dưới chế độ cộng sản.
Thuở người Việt mới định cư ở nước ngoài, trồng trọt rau cải và cây nhiệt đới trở thành một nhu cầu. Trồng để có đủ các loại rau ăn như những ngày ở quê nhà. Nhìn cây cối để đỡ nhớ hay để nhớ quê hương nhiều hơn. Đi qua một ngôi nhà với cái vườn rau nhiệt đới nho nhỏ và những giống cây đặc thù trong món ăn Việt Nam thường cho tôi một cảm giác vui như gặp một người thân. Và cũng nhờ cái “tín hiệu” vườn rau đó mà kết quả là người Việt gặp lại bạn bè, đồng đội, hàng xóm, thân nhân và “nối vòng tay lớn”. Như vậy, chuyện trồng cây có thêm công dụng của những chiếc cầu.
Gần đây nhu cầu trồng rau và cây nhiệt đới giảm nhiều. Người ta “làm nông” chỉ còn như một thú vui. Rau cải tươi xanh và rẻ đầy các tiệm thực phẩm Việt Nam. Trái cây thì không còn thiếu một thứ gì. Miền Bắc Úc sản xuất trái cây nhiệt đới còn ngon hơn trái cây nhập cảng. Người trồng rau trái quanh nhà bây giờ có một cái khổ là gặp lúc “trúng mùa” phải năn nỉ nhờ người bà con cô bác ăn dùm. Cái “tín hiệu” vườn rau cũng không còn nhiều nữa. Thay vào đó là những sân xi măng xịt màu xanh, đỏ. So với những ngôi nhà người Việt cách đây vài thập niên, nhà cửa giờ đây đa số khang trang hơn, đẹp hơn, lớn hơn với những cấu trúc tân thời hơn, nhưng cũng bớt vẻ đặc thù hơn. Người ta không còn xác định vị trí một căn nhà theo kiểu nói “hễ thấy có bụi chuối, bụi mía hay cây ổi cây nhãn gì đó là thì đúng nhà của tui”.
Chọn về ở một nơi xa “đô hội”, xa đồng hương, tôi trở về sống cạnh vườn rau trái như ngày xưa nơi quê nhà. Mỗi ngày khi cuốc đất, nhổ cỏ chăm sóc cái “quê hương bỏ túi” của tôi, tôi thường ngẫm nghĩ đến chuyện trồng cây và trồng người mà tôi tin là có một sự liên hệ và tương tác mật thiết với nhau. Thực ra tư tưởng này không phải của cái ông “Bác Hồ” như ổng tự nhận mà là của ông Quản Trọng (Quản Di Ngô), một tướng tài của Tề Hoàn Công, thời Đông Chu Liệt Quốc, mất năm 645 trước Công nguyên. Nguyên văn câu nói của ông Quản Trọng như sau: “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc. Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc. Chung thân (hay bách niên) chi kế, mạc như thụ nhân”. Câu nói này nổi tiếng đến độ có dốt Hán văn cách mấy ai cũng hiểu được: “Kế hoạch một năm thì trồng ngũ cốc. Kế hoạch mười năm thì trồng cây. Kế hoạch cả đời hay trăm năm thì trồng người”.
Theo tôi, câu này chẳng có chứa đựng triết lý sâu xa nào cả. Nó chỉ nói lên cái óc thực dụng của người Tàu, dù ở đâu và thời đại nào. Có lẽ tin ở lời khuyên trên đây mà sau này, cũng thời Đông Chu Liệt Quốc, tên lái buôn người nước Triệu tên là Lã Bất Vi mới thuyết phục vua Triệu chuẩn bị cho một người nước Tề đang bị bắt làm con tin là Dị Nhân lên làm vua. Vua Triệu không biết rằng Lã Bất Vi đã “trồng” hạt giống của mình nơi nàng hầu Triệu Cơ. Sau khi Triệu Cơ có mang, Lã Bất Vi mới tìm cách gán cho Dị Nhân. Ông vua này bị cắm sừng mà không biết. Về sau nàng Triệu Cơ sinh ra một người con trai đặt tên là Triệu Chính. Triệu Chính chính là Tần Thủy Hoàng, một trong những hoàng đế đã có công thống nhứt đế quốc Trung Hoa, nhưng đồng thời cũng nổi tiếng là một trong những bạo chúa độc ác nhứt trong lịch sử Trung Hoa.
Rất nhiều người Việt Nam đã đọc truyện Đông Châu Liệt Quốc và biết tên của tể tướng Quản Trọng cũng như câu nói bất hủ trên đây của ông. Vậy mà chứng nào tật ấy, lúc còn bên Pháp thì Hồ Chí Minh đã ngang nhiên cướp tên “Nguyễn Ái Quốc” của một nhóm nhà cách mạng làm của riêng mình, về nước, ông lại cướp tập thơ “Ngục trung thư” của một tù nhân Trung Hoa làm của riêng mình. Cho nên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ông “cướp” câu nói của Quản Trọng làm của riêng mình.
Vấn đề cần nêu lên là: con người suốt đời dối trá như Hồ Chí Minh đã gieo trồng được gì trên mảnh đất quê hương? Trong nhiều giai đoạn lịch sử, người Việt Nam đã từng trải qua đói kém. Cái đói ở Miền Bắc năm Ất Dậu 1945 do người Nhựt Bổn gây ra quả là kinh hoàng. Nhưng sau năm 1975 thì trên toàn cõi Việt Nam, ai ai cũng cảm nghiệm được thế nào là đói. Một năm, năm năm hay mười năm, kế hoạch trồng bất cứ ngũ cốc hay cây trái nào của chế độ cộng sản cũng đều mang lại đói khổ cho người dân. Kể từ khi cộng sản lên cướp chính quyền tại Miền Bắc và thôn tính Miền Nam đến nay cũng đã gần 70 năm, kế hoạch trồng người của Hồ Chí Minh đã mang lại kết quả như thế nào thì đã rõ: chưa bao giờ con người Việt Nam sa sút về nhân cách và đạo đức cho bằng ngày nay! Cái nguyên mẫu dối trá “Hồ Chí Minh” đã được nhân lên và tràn lan trong xã hội. Người thì hóa ngợm, còn đất đai, tài nguyên, thiên nhiên để gieo trồng thì lại bị hủy diệt. Rừng bị phá hủy, nguồn nước bị ô nhiễm đến mức độ không thể dung thứ được: đây chính là kết quả của không phải mười năm mà là bảy chục năm trồng cây của kẻ đạo văn và đạo tặc Hồ Chí Minh.
Không có nơi nào người ta thấy rõ sự liên kết giữa sự tàn phá thiên nhiên và hủy hoại con người cho bằng tại Việt Nam. Thiên nhiên bị tàn phá, môi trường sống bị hủy hoại thì đương nhiên nhân tính cũng bị thui chột.
Chuyện ấy không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Hãy thử nhìn sang Bắc Hàn, quốc gia cộng sản nghèo đói đang gây hoang mang lo sợ cho toàn thế giới hiện nay. Sau 70 năm làm nông nghiệp theo các kế hoạch ngũ niên của mô hình kinh tế tập trung, những hình ảnh hiếm hoi được lọt ra khỏi Bắc Hàn chỉ cho người ta thấy cảnh đồng hoang cỏ cháy, kho lẫm trống trơn, trẻ con ốm đến độ chỉ còn da bọc xương. Bên cạnh một môi trường thiên nhiên ngày càng bị hủy hoại là một rừng người đằng đằng sát khí, xem vũ khí nguyên tử như “lẽ sống” và sẵn sàng chết mà cũng chẳng hiểu chết để làm gì. Trước khi hung hăng muốn ăn tươi nuốt sống người đồng loại, con người đã tác hại chính môi trường thiên nhiên.
Điều đó cũng đúng với một nước cộng sản khổng lồ sắp lên ngôi đệ nhứt cường quốc kinh tế của thế giới là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Để trở thành một cường quốc kinh tế, Trung Quốc phải trả một giá đắt. Chỉ cần nhìn lên bầu trời lúc nào cũng mịt mù hay xám xịt khói bụi ở Bắc Kinh hay những thành phố lớn của Trung Quốc cũng đủ để thấy không khí ở đất nước này bị ô nhiễm như thế nào. Chỉ cần đi dọc theo những dòng sông lớn ở Trung Quốc cũng đủ để thấy nguồn nước ở đây đã bị hoen ố như thế nào.
Dĩ nhiên, người Trung Quốc vẫn tiếp tục gieo trồng. Nhưng tại sao những sản phẩm nông nghiệp mà họ xuất cảng đi khắp thế giới đều bị thế giới tẩy chay? Thưa là bởi vì cũng như các hàng hóa của kỹ nghệ chế xuất, nông sản của họ được sản xuất không theo bất cứ một chuẩn mực luân lý và đạo đức nào. Những con người dối trá, vô đạo được chế độ cộng sản “trồng” từ hơn 70 năm qua chỉ biết làm giàu và làm giàu bằng mọi phương tiện vô đạo.
Ngày nay, kể từ khi Trung Quốc ló cái đuôi bá quyền muốn xâm chiếm toàn bộ Biển Đông, người ta không chỉ thấy một anh khổng lồ muốn lấy thịt đè người. Tôi cho rằng cũng như trường hợp Việt Nam và Bắc Hàn, sở dĩ những người cộng sản Trung Quốc luôn có thái độ hung hăng, hiếu chiến là bởi họ chỉ còn nhìn thấy tham vọng của mình và để đạt cho bằng được thì họ bất kể tất cả. Một chính quyền coi mạng dân như cỏ rác thì đếm xỉa gì đến phúc lợi của thế hệ tương lai để biết quý trọng thiên nhiên hay môi trường sống.
Tôi vẫn luôn xác tín điều đó. Khi con người không “sống chung hòa bình” được với thiên nhiên và môi trường sống là những thứ hiền hòa nhứt và luôn bao bọc họ, họ cũng không muốn và cũng không thể xây dựng hòa bình. Tôi vẫn còn nhớ nội dung Sứ điệp Hòa bình 2009 của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, người vừa từ nhiệm dạo cuối tháng Hai vừa qua. Trong sứ điệp, vị giáo hoàng này viết rằng hủy hoại môi sinh là đe dọa hòa bình và chính sự sống con người.
Nghe có vẻ trừu tượng và viễn vông. Nói đến hòa bình là nói đến chuyện buông khí giới để bắt tay làm hòa với kẻ thù chứ sao lại phải tôn trọng, bảo vệ và yêu thương thiên nhiên. Kỳ thực, nếu trước kia và hiện nay vẫn còn có những người tỵ nạn chính trị, phải rời bỏ đất nước để chạy trốn khỏi một chế độ độc tài, thì ngày nay chúng ta lại phải chứng kiến hiện tượng những người “tỵ nạn môi sinh”. Họ là những người phải rời bỏ đất đai, ruộng vườn, nhà cửa để đi lánh nạn vì đói kém, vì thiên tai do việc khai thác tài nguyên bừa bãi, hủy hoại môi trường sống gây nên. Thế giới luôn bất ổn và bất an mỗi khi có một làn sóng những người phải rời bỏ quê hương của mình để đi lánh nạn. Do đó, khi môi sinh bị hủy hoại thì hòa bình cũng đương nhiên bị đe dọa.
Hòa bình thế giới là chuyện đại sự mà những suy nghĩ hạn hẹp và nông cạn của tôi chẳng giúp giải quyết được gì. Nhưng trong cuộc sống âm thầm xa chốn phồn hoa đô hội này, tôi “ngộ” ra một điều: càng sống gần thiên nhiên, tôi càng thấy bớt cô đơn, bớt bạo động; càng yêu mến thiên nhiên, tôi càng thấy tâm hồn thanh thản; càng sống giữa thiên nhiên, tôi càng thấy dễ gần gũi với người đồng loại; càng tôn trọng và chăm sóc thiên nhiên, tôi càng thấy mình lớn lên thêm trong nhân cách.
Tôi “trồng cây” không chỉ để có được niềm vui thấy và hưởng hoa trái từ công lao mồ hôi của mình hay để bớt nhớ quê hương. Tôi “trồng cây” là để tự “trồng” chính mình. Cây cối mỗi ngày một lớn lên. Tôi  cũng tự nhủ phải lớn lên: lớn lên trong bình an, trong hiếu hòa, trong tình người, trong những gì làm cho tôi “nên người” hơn!




Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Thiên thần mũ trắng ở Syria


21.10.16
Cuộc nội chiến tại Syria, một lần nữa, đã rơi vào bế tắc. Lệnh ngưng bắn đạt được với sự thỏa thuận của Nga và Hoa Kỳ đã không kéo dài quá một tuần lễ. Và mới đây, cuộc họp thượng đỉnh tại Thụy Sĩ cũng rơi vào bế tắc. Nhìn từ bên ngoài, 5 năm rưỡi sau cuộc cách mạng ôn hòa và kế đó là cuộc nội chiến dường như chỉ sản sinh hay đúng hơn đã trở thành cơ hội để những con người độc ác như Tổng thống Bashar al-Assad và đồng minh Nga và nhất là tổ chức cực đoan và khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” xuất đầu lộ diện. Bên cạnh những khuôn mặt độc ác và vô cảm đó là nỗi đau tột cùng của không biết bao nhiêu người tỵ nạn cũng như vô số những thường dân phải ngày đêm sống dưới bom đạn và lưỡi hái tử thần của “Quốc gia Hồi giáo”.
Tuy nhiên, ở đâu còn có tình người thì ở đó vẫn còn có hy vọng. Giữa những đổ nát của chiến tranh và ở những nơi bị xem là nguy hiểm đến độ không còn ai dám đến, họ đã đến để thi hành một sứ mệnh hầu như “bất khả thi” là cứu người . Họ là những người cứu hộ mang những chiếc mũ cứu hộ trắng (White Helmets). Họ là thiên thần giữa địa ngục.
Mới đây cả thế giới đã biết đến một người của họ. Tên của anh là Khaled Omar. Hình ảnh của người cứu hộ mang mũ trắng này đã được phổ biến rộng rãi khắp thế giới khi anh kéo được một đứa bé 10 tuổi từ đống gạch vụn của ngôi nhà bị đổ nát vì những cuộc dội bom của quân đội Chính phủ Syria và không lực Nga. Nhưng số phận nghiệt ngã: tháng 8 vừa qua, chính Omar đã bị thiệt mạng trong một trận dội bom.
Người y tá đã bồng cậu bé Omran Daqneesh và đăt em ngồi trên xe cứu thương cũng là một thiên thần khác của đội cứu hộ này. Với những cuộc dội bom liên tục xuống Thành phố Aleppo do quân đội Chính phủ Syria và Đồng minh Nga thực hiện, người ta không biết được rồi ra số phận của người y tá này sẽ như thế nào.
Đứng đầu tổ chức “Mũ bảo hộ trắng” là ông Raed Saleh. Ông hiện đang làm việc bên cạnh Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ, nhưng vẫn luôn mong muốn được trở về nơi mà trên 140 đồng đội của ông đã hy sinh khi cứu người. Tính cho đến nay, đội thiên thần “mũ bảo hộ trắng” này đã cứu thoát được khoảng 60.000 người.
Tổ chức cứu người này hiện đang có mặt tại hầu hết những nơi mà quân đội Chính phủ Syria và Nga đang trút xuống đủ loại bom của họ. Nhưng trung tâm hoạt động của họ vẫn là Thành phố Aleppo, Đông Bắc Syria. Đây là nơi đã được quân nổi dậy kiểm soát từ những ngày đầu của cuộc cách mạng  và hiện đang là mục tiêu chính của những cuộc dội bom vô tội vạ của Chính phủ Syria và Nga. Hiện vẫn còn trên dưới 500.000 người đang bị vây hãm trong thành phố lớn nhất Syria này. Liền sau khi cuộc ngưng bắn hết hiệu lực, trong vòng 8 ngày liền, Không lực Syria và Nga đã thực hiện liên tục 1700 cuộc dội bom. Có ngày, cứ vài phút là có một cuộc dội bom. Chính trong cảnh dầu sôi lửa bỏng đó mà tổ chức “Mũ bảo hộ trắng” âm thầm làm việc và hy sinh mạng sống của mình.
Khi cuộc nổi dậy ôn hòa tại Syria bắt đầu, Ammar Salmo đang là giáo viên Anh ngữ tại Thành phố Safira, Đông Nam Aleppo. Năm 2011, anh gia nhập vào đoàn người biểu tình chống Chính phủ Assad. Và tháng 6 năm đó, sau một cuộc biểu tình, anh bị cảnh sát đến nhà bắt giữ. Anh bị giam tù khoảng một tháng. Sau đó cha anh đã lén lút trả cho các nhân viên nhà tù cả chục ngàn Mỹ kim để anh được tự do. Khi quân đội Chính phủ Syria rút khỏi thành phố, anh và một số người tranh đấu khác đã giúp tái lập các dịch vụ căn bản trong thành phố. Công việc của họ đã trở thành nền móng cho cuộc tự vệ của người dân trong thành phố. Con số ngươi tự nguyện tham gia công tác tự vệ ngày càng đông. Họ là giáo viên, thợ may và nhất là nhân viên cứu hỏa đã trốn khỏi cơ sở do chính quyền kiểm soát. Raed Saleh, người đứng đầu tổ chức “Mũ bảo hộ trắng” xuất thân là một nhân viên tiếp thị trong một tiệm điện tử. Ngay cả những người đã từng chiến đấu trong quân đội nổi dậy cũng từ bỏ khí giới để gia nhập tổ chức. Theo ước tính hiện tổ chức đã qui tụ được trên 3000 thiện nguyện viên. Họ đang có mặt tại những vùng do quân nổi dậy kiểm soát. Các cơ quan truyền thông của Chính phủ Syria và Nga tố cáo rằng tổ chức “Mũ bảo hộ trắng” đang chiến đấu bên cạnh quân nổi dậy, nhưng đại diện của tổ chức này khẳng định rằng tất cả nhân viên của họ đều là thường dân và tôn chỉ nền tảng của họ là không được phép cầm súng. Được sự yểm trợ tài chính của Hoa Kỳ, Anh Quốc và Nhât Bản, kể từ tháng Ba năm 2013, một tổ chức cố vấn có tên là ARK đã bắt đầu tổ chức các khóa huấn luyện cho các thiện nguyện viên của tổ chức “Mũ bảo hộ trắng” tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại trung tâm huấn luyện này, các thiện nguyện viên phải học một số kỹ năng để đối phó với một số tình huống nguy kịch như: làm thế nào để tìm người trong những tòa nhà đổ nát, làm thế nào để chữa lửa, để đề phòng những trái bom chưa nổ, phải phản ứng ra sao khi xảy ra một cuộc tấn công bằng hóa chất...Hình ảnh thường thấy nhất về những thiên thần “mũ bảo hộ trắng” này là liền sau một cuộc không kích, họ đều chạy thẳng để nơi bị đổ nát. Niềm xác tín của họ là một câu trích từ Kinh Coran của Hồi Giáo: “Bất cứ ai cứu một mạng người là cứu cả nhân loại”.
Salmo, 31 tuổi, hiện đang là người điều hành các hoạt động của tổ chức “Mũ bảo hộ trắng” tại Thành phố Aleppo. Văn phòng của anh đặt tại Thành phố Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, giáp giới với Syria. Các đồng nghiệp của anh hiện đang ngày đêm túc trực tại những địa điểm bị Chính phủ Syria và Nga oanh tạc. Hôm 23 tháng 9 vừa qua, 3 trong 4 trụ sở của những chiếc “Mũ bảo hộ trắng” tại Aleppo đã bị không lực của Chính phủ Syria hoặc của Nga oanh kích. Các nhân viên thiện nguyện đành phải đi tìm những nơi khác làm trụ sở. Họ cần phải thay thế những chiếc xe nhỏ và xe tải đã bị những cuộc không kích phá hủy. Trong một thành phố bị vây hãm như thế, nguyên liệu ngày càng hiếm. Tìm được xăng dầu cho xe để có thể chạy đến những nơi bi oanh tạc không phải là điều dễ dàng.
Tại trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ, Salmo vừa nhận được tin một người chú của mình đã bị thiệt mạng trong một vụ không kích. Anh đau đớn bày tỏ sự hối tiếc phải chi tối hôm trước anh có mặt bên cạnh chú mình. Một tuần lễ sau, có lẽ Salmo sẽ trở về Syria và dĩ nhiên anh sẽ phải đối diện với nhiều cái chết. Trong một đất nước với dân số khoảng 22 triệu người, tính đến nay đã có không dưới 400.000 người bị thiệt mạng vì nội chiến.
Tổ chức cứu người “Mũ bảo hộ trắng” đã được khai sinh từ cuộc nổi dậy của dân chúng Syria hồi năm 2011. Khi  những cuộc phản đối bắt đầu, Chế độ Assad đã đáp trả liền bằng vũ lực. Họ đã tra tấn những người phản kháng và bắn xối xả vào những người biểu tình. Chính vì vậy mà không bao lâu sau đó các cuộc biểu tình đã biến thành một cuộc nổi dậy có vũ trang. Các nhóm nổi dậy đã chiếm giữ một số thành phố. Chính phủ lại đáp trả bằng cách tấn công vào các hạ tầng cơ sở ở những nơi do phe nổi dậy kiểm soát. Ngay cả khi cuộc xung đột còn là một cuộc chiến đấu bằng “võ mồm”, Chính phủ Assad cũng đã tung ra một khẩu hiệu với lời đe dọa: “Hoặc là Assad hoặc là chúng tôi sẽ thiêu đốt xứ sở”. Và đó không chỉ là một lời đe dọa suông. Thật vậy, Assad đang cho thiêu hủy cả đất nước. Syria ngày nay chỉ còn là những tòa nhà đổ nát. Mọi hạ tầng cơ sở đều bị phá hủy.
Công tác của tổ chức thiện nguyện “Mũ bảo hộ trắng”, ngoài mục đích chính là cứu người, còn phải tìm cách lấp đầy cái lỗ trống khủng khiếp do chế độ độc tài tạo ra. Các thiện nguyện viên của tổ chức phải tự tay nối lại giây điện, cứu thương và chôn cất người chết. Họ phải ngày đêm hoạt động ngay trên vùng tử địa.
Trước chiến tranh, cánh tay mặt và dụng cụ chính của chế độ độc tài Assad là công an mật vụ. Họ có toàn quyền sinh sát đối với người dân. Chỉ cần một ánh mắt mà họ cho là khả nghi thì bất cứ người dân nào cũng có thể bị hỏi cung và tra tấn. Do sợ hãi, người dân chỉ còn biết cúi đầu vâng phục. Ngày nay, dụng cụ chính được chế độ độc tài và dã man này sử dụng chính là bom đạn và chất nổ được tuôn ra từ trực thăng hay chiến đấu cơ. Đáng nói nhất là mục tiêu của những vụ oanh tạc lại không phải là các vị trí đóng quân của phe nổi dậy hoặc ngay cả của “Quốc gia Hồi giáo” mà là các khu dân cư. Rõ ràng mục đích của những cuộc oanh tạc là để buộc người dân phải đầu hàng và chống lại các chiến binh của phe nổi dậy. Hoặc là quỳ gối xuống để quy hàng hoặc là bị đè bẹp. Đó là khẩu hiệu ngầm mà ai cũng có thể đọc được xuyên qua các cuộc không kích của Chính phủ Syria và Nga.
Bên cạnh  thường dân còn có một mục tiêu khác mà chính phủ Syria và Nga nhắm tới là các bệnh viện. Kể từ 30 tháng 9 vừa qua, đã có 4 bệnh viện bị oanh kích. Ngày 1 tháng 10 vừa qua, 7 cuộc oanh tạc liên tục đã nhắm thẳng vào bệnh viện lớn nhất của Thành phố Aleppo. Đã có 2 bệnh nhân bị thiệt mạng. Bệnh viện đành phải tạm thời đóng cửa. Ngày hôm sau, ngay cả một khu vực của bệnh viện đang được sửa chữa cũng bị trúng bom. Thật ra, ngay cả trước khi bị oanh tạc, hệ thống y tế tại miền Đông Aleppo đã hầu như sụp đổ.
Cùng với thường dân, các bệnh viện, tổ chức “Mũ bảo hộ trắng” cũng là mục tiêu của những cuộc oanh tạc. Cho tới nay đã có 141 thiện nguyện viên của tổ chức bị thiệt mạng trong các cuộc không tạc. Các thiện nguyện viên đành phải đắn đo từng bước trước khi chạy đến những địa điểm bị dội bom. Thời gian đưa những người bị thương đến bệnh viện cũng kéo dài.
Khi nổ ra cuộc nội chiến, Hoa Kỳ và các nước Tây Phương vẫn xem  “Quốc gia Hồi giáo” là tổ chức gây nhiều tộc ác nhất. Tuy nhiên, ngày nay, khi nhìn lại những cuộc sát hại đang diễn ra tại Syria, “Quốc gia Hồi giáo” chẳng là gì so với tội ác chiến tranh mà Chế độ Assad đã và đang gây ra. Trong năm 2015, các lực lượng của Chính phủ Syria và đồng minh của chế độ Assad đã sát hại nhiều gấp 8 lần so với tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”. Theo các quan sát viên, hầu hết các nạn nhân của Chế độ Assad đều là thường dân.
Chính người dân mới là kẻ thù đích thực của chế độ. Chính người dân mới là nạn nhân đang bị chế độ vây hãm. Và dĩ nhiên, cũng từ phía người dân đã phát sinh ra tổ chức những chiếc “Mũ bảo hộ trắng”. Nơi nào có tiếng bom đạn, nơi đó liền xuất hiện các thiền thần “mũ trắng” . Họ muốn chứng minh rằng cuối cùng chỉ có tình người mới có thể chấm dứt chiến tranh, hòa giải và thống nhất đất nước.

(theo: The White Helmets of Syria, tạp chí Time 17/10/2016)

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Tôi học lắng nghe


Chu Thập
14.10.16

Theo dõi cuộc tranh luận lần thứ hai của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ tối Chúa nhựt 9 tháng 10 vừa qua, tôi chỉ còn nhớ mỗi một chi tiết: bước lên diễn đàn, hai người chẳng thèm nhìn mặt  và bắt tay nhau. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, những người muốn trở thành nguyên thủ quốc gia và đại diện cho những giá trị cao quý nhứt của đệ nhứt siêu cường này như dân chủ và nhứt là văn minh, lại có một thái độ thiếu văn minh như thế. Được khai mở với một thái độ đằng đằng sát khí như thế cho nên cuộc tranh luận đã chẳng đá động gì đến quốc sách hay chính sách nào cả, mà chỉ còn là một cuộc đấu võ mồm về chuyện cá nhân của hai người. Riêng ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump, sau khi cuốn băng về những lời lẽ tục tĩu của ông đối với nữ giới cách đây 11 năm được tung ra, lại càng bọc lộ thái độ mà một số nhà bình luận cho là ấu trĩ. Trên tạp chí Time số ra ngày 10 tháng 10 vừa qua, nhà bỉnh bút nổi tiếng Joe Klein đã không ngần ngại gọi ông là “một ứng cử viên còn con nít” (the candidate who is still a child). Riêng tài tử Alec Balwin, trong một chương trình chọc cười trên đài CNN, được hóa trang  giống như đúc với nhà tỷ phú địa ốc, cộng với điệu bộ và giọng nói cũng gần y chang với ông, đã mang lại một trận cười nắc nẻ cho khán thính giả khi “biện minh” cho thái độ khiếm nhã của ông đối với phụ nữ: “Chuyện đã xảy ra cách đây 11 năm, lúc đó tôi chỉ là một đứa con nít 59 tuổi!”
Kể từ khi ứng cử viên Donald Trump tuyên bố ra tranh cử tổng thống, các chuyên gia tâm lý đã phải tốn khá nhiều thời giờ để phân tách và tìm hiểu về tư cách  của ông. Có lẽ  nét nổi bật trong dung mạo của nhà tỷ phú địa ốc này như được các chuyên gia tâm lý chỉ ra là: ông là một thứ “hoa thủy tiên” (Narcisse) chỉ biết say đắm dung nhan của mình được phản chiếu trong hồ nước, mà không hề quan tâm đến bất cứ một ai khác. Tựu trung đó là tâm lý của trẻ con: trẻ con luôn xem mình như trung tâm của vũ trụ và bắt mọi người phải quan tâm đến mình. Chỉ biết có mình và chỉ nghĩ đến mình cho nên trẻ con không có khả năng đối thoại và lắng nghe. Về một phương diện nào đó, trẻ con cũng là một nhà độc tài và dĩ nhiên nhà độc tài nào cũng là một thứ trẻ con.
Tôi không biết các vị lãnh đạo của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam có cùng một ý nghĩ như tôi không khi gián tiếp kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản lắng nghe và đối thoại. Trong một tài liệu được cho công bố mỗi năm và thường được  gọi là “thư chung” gởi cho người công giáo Việt Nam sau đại hội 13 vừa qua, các vị giám mục Việt Nam đã bày tỏ lo ngại sâu xa về hiện trạng đất nước như “đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, tệ nạn tham nhũng vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm”. Cũng đáng lo ngại không kém, theo các giám mục Việt Nam, đó là tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên, thảm họa môi trường biển tại các tỉnh Miền Trung...Phân tách các nguyên nhân, các nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam nói đến “nền giáo dục quá chú trọng đến bằng cấp, nặng hình thức mà không quan tâm đủ đến giáo dục nhân cách và tâm hồn”. Ngoài ra “chính sách kinh tế quá đề cao lợi nhuận và hiệu năng sản xuất mà không lưu ý đến môi trường sống của người dân” cộng với “tình trạng thiếu minh bạch và yếu tố năng lực trong quản lý kinh tế và điều hành xã hội” là những nguyên nhân “tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng và nhiều tệ nạn khác”.
Cuối cùng nhưng có lẽ đáng lo ngại hơn cả, theo các vị giám mục Việt Nam, đó là “khuynh hướng sử dụng bạo lực dưới nhiều hình thức để giải quyết vấn đề hơn là lắng nghe và đối thoại”.
Thật ra, bức tranh u ám của hiện tình đất nước như được các nhà lãnh đạo công giáo vẽ ra, ai mà chẳng biết và biết từ khuya. Nó đã  xuất hiện ngay từ đầu khi những người cộng sản cướp chính quyền ở miền Bắc năm 1945 và miền Năm năm 1975. “Thư chung” cũng là “thư chung chung”. Mỗi năm có sao lại bổn cũ và có vẽ lại cùng một bức tranh như thế thì cũng chẳng sai tý nào. Các nhà bất đồng chính kiến đã không ngừng lên tiếng cảnh cáo về tình trạng ngày càng tụt hậu ấy. Đám đông quần chúng có xuống đường biểu tình, như đã xảy ra mới đây tại Hà Tĩnh, là  cũng chỉ để nói lên tình trạng ấy. Vậy mà những người cộng sản có chịu lắng nghe đâu. Tôi không tin rằng lời kêu gọi “lắng nghe và đối thoại” theo kiểu “nói xa nói gần” trong thư chung của các nhà lãnh đạo công giáo Việt Nam rồi ra sẽ được chính quyền cộng sản đón nhận và lắng nghe, một khi một trong những thái độ quan trọng nhứt trong cuộc sống con người là lắng nghe đã hoàn toàn bị chối bỏ.
Kinh nghiệm thường ngày luôn cho tôi thấy rằng trong cuộc sống, một trong những thái độ khôn ngoan, lành mạnh và trưởng thành, nhưng khó thực hành hơn cả hẳn là biết lắng nghe người khác.
Lắng nghe là phần quan trọng nhứt trong nghệ thuật nói chuyện. Nếu tôi có ngồi xuống nói chuyện với người nào đó trong một tiếng đồng hồ thì, để tỏ ra tôi là một người trưởng thành, ít nhứt tôi phải ngậm miệng lại và mở tai ra để lắng nghe trong nửa tiếng đồng hồ.
Nhờ lắng nghe tôi được liên kết với người khác. Ngay cả khi tôi không thể đụng chạm hay nhìn thấy người khác, tôi vẫn có thể cảm thấy gần gũi với người đó khi nghe giọng nói của họ. Lắng nghe tạo được nhịp cầu thông cảm và thắt chặt quan hệ với người khác.
Về nghệ thuật lắng nghe, Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli (1804-1881) có nói: “Thiện ích lớn nhứt mà bạn có thể làm cho người khác không chỉ là chia sẻ sự giàu có của bạn, mà chính là giúp người đó thấy được sự giàu có của họ”. Cách tốt nhứt để hiểu người khác là lắng nghe họ. Đây là nghệ thuật mà dường như kỹ thuật ngày càng tân tiến và tinh vi đã khiến cho con người thời đại không còn muốn trau dồi nữa. Một trong những nghịch lý của thời đại là nhờ kỹ thuật tân tiến, tốc độ ngày càng gia tăng, thông tin ngày càng quá tải và thừa mứa, nhưng thời giờ con người bỏ ra để nghe và lắng nghe người khác lại càng ít hơn. Xem ra con người ngày càng đánh mất nghệ thuật lắng nghe.
Một trong những diễn giả nổi tiếng hiện nay là ông Jason Allan Scott cho rằng người nắm vững nghệ thuật lắng nghe nhứt trên thế giới hiện nay không ai khác hơn là Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo của Phật Giáo Tây Tạng. Theo tác giả, nơi vị Phật sống này , thiền niệm và lắng nghe là một. Ngài đã đề ra một số qui tắc mà bất cứ ai muốn trau dồi nghệ thuật lắng nghe cũng đều phải tuân thủ.
Một trong những qui tắc đó là: hãy luôn đối diện với người đang nói với mình và nhìn thẳng vào đôi mắt của người đó bởi vì mắt là cửa số của tâm hồn. Nói chuyện với người nào đó trong khi họ nhìn ngang liếc dọc đi chỗ khác chẳng khác nào ngồi trên lưng ngựa và cố gắng bắn tên vào một vật đang di chuyển. Trong hầu hết mọi nền văn hóa trên thế giới, ánh mắt vẫn luôn là cửa ngõ để đi vào trái tim của người khác.
Một qui tắc khác không kém quan trọng của sự lắng nghe là đừng bao giờ ngắt lời người khác. Về điểm này, ứng cử viên Donald Trump có lẽ vì lúc nào cũng muốn áp đảo người khác cho nên trong bất cứ cuộc nói chuyện nào ông cũng luôn luôn tìm cách ngắt lời người khác. Tạp chí Time đã ghi nhận: trong cuộc tranh luận đầu tiên với bà Hillary Clinton, ông đã “cướp micro” đến 55 lần, ngắt lời đối thủ của mình đã đành, mà cũng “chận họng”  người hướng dẫn cuộc tranh luận. Lúc nào ông cũng cho rằng mình là người luôn thành công trong kinh doanh và là người duy nhứt có giải pháp tốt đẹp cho mọi vấn đề cho nên trong tranh luận, ông không muốn lắng nghe, mà chỉ muốn nói và nói về cái tôi của mình.
Giá như ông Donald Trump và những người cộng sản Việt Nam nghe được lời khuyên của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Khi bạn nói, bạn chỉ lập lại những gì bạn đã biết. Trái lại khi bạn lắng nghe, bạn sẽ học được một điều mới mẻ”!
Thiếu lắng nghe, sự hiểu biết của con người bị giới hạn. Tôi tin như thế mỗi khi nghĩ về cha tôi. Cha tôi không những thất học mà còn điếc lác. Do một vài năm “cầm súng đánh giặc cho Tây”, như lời ông kể, cha tôi bị nặng tai. Về sau, không biết có phải do tài năng công đức hay tiền của, cha tôi “lên chức” xã trưởng và cũng được tặng “cửu phẩm” như ai. Kể từ đó, cha tôi chết với cái tên “xã điếc”. Vì điếc cho nên lúc nào cha tôi cũng to tiếng và dĩ nhiên cũng ít chịu lắng nghe. Sau này, kể từ sau năm 1975 và nhứt là sau khi mẹ tôi qua đời, cha tôi lại càng điếc nặng hơn. Những năm cuối đời có lẽ cha tôi tự giam mình trong thế giới riêng của ông. Nhưng theo chị tôi kể lại, cứ 4 giờ sáng mỗi ngày, cha tôi lại “mở loa phóng thanh” hết công xuất qua những lời cầu kinh của ông. Cả xóm cả làng hẳn phải phiền lắm, vì ngoài các loa phóng thanh của mấy ông cộng sản được giăng mắc khắp nơi, họ còn phải bất đắc dĩ thức dậy để cầu kinh với cha tôi.
Tôi tin chắc rằng vì tuổi già và vì điếc lác mà cha tôi chẳng biết mình có làm phiền người khác không. Nhưng chắc chắn, cha tôi hoàn toàn không có “ý đồ” hay ác ý nào cả. Còn mấy ông cộng sản, khi cho gắn các loa phóng thanh khắp mọi hang cùng ngõ hẻm và mở hết công xuất, họ chỉ muốn bịt miệng người dân và làm tê liệt khả năng lắng nghe của người dân. Kinh nghiệm ở những ngày đầu khi chế độ cộng sản được áp đặt ở Miền Nam cho thấy con người mới xã hội chủ nghĩa nếu có sử dụng đôi mắt là chỉ để theo dõi và nghi kỵ nhau. Còn hai lỗ tai, nhiều người chỉ muốn bịt lại để điếc như cha tôi hầu khỏi phải nghe những lời tuyên truyền và đe dọa của chế độ. Hoặc giả có bị buộc phải vểnh tai để nghe thì có lẽ để lắng nghe nhau và cảm thông với nhau thì ít mà để hóng chuyện và đi báo cáo là điều luôn có thể xảy ra.
Sau hơn nửa thế kỷ sống dưới chế độ cộng sản, “vô cảm” là hai tiếng thường được sử dụng nhứt để nói về thái độ dửng dưng của rất nhiều người Việt Nam hiện nay trước nỗi khổ đau của người đồng loại cũng như tình trạng ngày càng tụt hậu của đất nước. Nếu phải dùng một cách nói gợi hình hơn, tôi nghĩ “mất khả năng lắng nghe” có lẽ dễ hiểu hơn. Cộng sản là người đã mất khả năng lắng nghe. Họ cũng đã làm cho khả năng ấy tê liệt nơi người dân. Tê liệt đến độ không muốn lắng nghe tiếng nói của lương tri và lẽ phải cũng như nỗi khổ đau của người đồng bào ruột thịt của mình.
Thật ra, dù sống trong xã hội nào, một trong những nguy cơ lớn nhứt trong cuộc sống chính là đánh mất khả năng lắng nghe. Tôi tin rằng tôi chỉ có thể trưởng thành hơn và các quan hệ của tôi với người khác sẽ tốt đẹp hơn, thân tâm của tôi cũng nhờ đó mà an bình hơn hơn nếu tôi biết trau dồi khả năng biết lắng nghe.












Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Một sức mạnh cải tạo thế giới



Chu Thập
19.03.13
Tin Giáo hội công giáo có đức giáo hoàng mới đã trở thành thời sự nóng bỏng trong những ngày qua. Là người công giáo, tôi không thể không cảm thấy vui.
Kể từ lúc có trí khôn đến nay, tôi đã trải qua tất cả 7 “triều đại”giáo hoàng. Thập niên 1950, hình ảnh nghiêm nghị của một Đức Piô XII lúc nào cũng ngự trị trong tâm trí thơ dại của một tín hữu trẻ con như tôi.Vị giáo hoàng này đã phải đau khổ nhiều vì Thế chiến thứ hai. Nhưng đau khổ hơn cả có lẽ là do “làm ơn mà vẫn mắc oán”, bởi vì mặc dù hơn ai hết ngài đã đích thân cứu vớt không biết bao nhiêu người Do Thái khỏi bàn tay tàn bạo của Đức quốc xã, cho tới nay vị giáo hoàng này vẫn bị rất nhiều người Do thái trên khắp thế giới và ngay cả quốc gia Israel xem như một người “đồng lõa” của Đức Quốc Xã.
Năm 1959, một vị hồng y già được bầu làm giáo hoàng kế vị đức Piô XII lấy tên là Gioan 23. Giáo hội công giáo vẫn nhớ mãi quyết định lịch sử của ngài khi tuyên bố triệu tập Công đồng Vatican II để cải tổ Giáo hội. Nhưng riêng tôi, tôi chỉ nhớ về vị giáo hoàng này như một người cha hiền từ, nhân ái được ngay cả những người ngoài Giáo hội công giáo kính nể và thương mến. Về người kế vị của ngài là đức Phaolô VI, nếu phải kể đến một hành động lịch sử đáng ghi nhớ nhứt, có lẽ tôi phải nói đến cái hôn bình an mà năm 1964 ngài đã vượt qua hàng ngàn cây số để đến Giêrusalem trao ban với vị đại diện chính thống giáo lúc bấy giờ là Đức thượng phụ Athenagoras: cái hôn này đã xóa bỏ khoảng cách gần 1000 năm giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống.
Tôi vốn ít chú ý đến giáo lý cao siêu của các vị giáo hoàng cho bằng cuộc sống và những cử chỉ cụ thể của các ngài. Lý do đơn giản là tôi làm sao hiểu tới. Chính vì vậy mà mặc dù chỉ làm giáo hoàng có đúng 33 ngày, Đức Gioan Phaolô I, người kế vị đức Phaolô VI, đã để lại trong tâm khảm tôi một nụ cười không bao giờ tắt. 33 ngày là một thời gian quá ngắn để vị giáo hoàng này có thể làm nên “sự nghiệp”, nhưng chắc chắn nụ cười của ngài vẫn sống mãi và vẫn mang lại vui tươi, phấn khởi, an bình cho nhiều tâm hồn.
Về người kế vị của vị giáo hoàng “mỉm cười” này là Đức Gioan Phaolô II, người ta không thể tóm tắt trong vài hàng di sản quá lớn mà triều đại dài 27 năm của ngài đã để lại. Là một người đã từng sống dưới chế độ cộng sản như ngài, tôi luôn nghĩ về ngài như vị giáo hoàng đã góp phần làm sụp đổ các chế độ cộng sản tại Đông Âu và tại Nga là chiếc nôi khai sinh của chủ nghĩa cộng sản. “Đừng sợ hãi”: đó là sứ điệp đã được lập lại xuyên suốt triều đại của vị giáo hoàng người Ba Lan này.
Một cách nào đó, mỗi một vị giáo hoàng đều để lại một dấu ấn lịch sử riêng. Nói về Đức Bênêđictô XVI, vị giáo hoàng vừa mới từ nhiệm, có lẽ thế giới sẽ quên đi kiến thức uyên bác, lời giảng dạy thâm sâu của ngài để chỉ nhớ đến một hành động lịch sử của ngài là đã noi gương thánh Celestino cách đây 600 năm để từ nhiệm. Đây quả là một hành động lịch sử mở ra một chương mới cho Giáo hội Công giáo: giáo hoàng có thể và nên từ chức vì lợi ích của Giáo hội!
Có lẽ hành động lịch sử của Đức Bênêđictô XVI đã dọn đường cho những cải tổ Giáo hội mà Đức tân giáo hoàng Phanxicô I muốn đẩy mạnh và đẩy mạnh cho tới cùng. Những dấu hiệu cải tổ sâu rộng trong Giáo hội có lẽ đã được hé mở qua chính danh hiệu “Phanxicô” của Đức tân giáo hoàng. “Phanxicô” ở đây chỉ có thể hiểu là Phanxicô Assisi vào thời trung cổ tại miền Assisi, Trung Ý, vị thánh đã sống triệt để sự nghèo khó và nhờ đó đã giúp thực hiện một cuộc cải tổ lớn lao trong Giáo hội và xã hội lúc bấy giờ. Sở dĩ tước hiệu “Phanxicô” của Đức tân giáo hoàng gợi nhớ đến vị thánh này là bởi vì lúc còn làm tổng giám mục tại thủ đô Buenes Aires của Á Căn Đình, vị giáo hoàng này đã muốn sống như một người nghèo và cho người nghèo. Trái với phần lớn các vị giám mục công giáo trên khắp thế giới, ngài không sống trong một “tòa giám mục” nguy nga, sang trọng, mà chọn một chỗ ở đơn sơ. Trái với lối sống của hầu hết các vị “chủ chăn” trên khắp thế giới, ngài xử dụng các phương tiện di chuyển công cộng như phần đông dân chúng nghèo. Và nhứt là ngài tự đi chợ và nấu ăn lấy.
Một bản tin của Đài BBC đã ghi lại nhiều điều bất ngờ hơn nữa mà Đức Phanxicô đã làm trong 48 tiếng đồng hồ sau khi được bầu làm giáo hoàng. Nhắn gởi các đức giám mục Á Căn Đình, ngài khuyên các vị không nên lãng phí tiền để về Roma tham dự lễ đăng quang của ngài, mà hãy dành lại số tiền đó để trao cho người nghèo.
Tiếp tục cuộc sống đơn sơ như lúc còn ở quê nhà, thay vì lên chiếc xe Limousine sang trọng dành cho các nguyên thủ quốc gia để đi lại, Đức tân giáo hoàng đã lên xe buýt ngồi bên cạnh các vị hồng y để đi tham dự buổi cơm tối chung với các vị.
Vài giờ sau khi được bầu làm giáo hoàng, ngài đã lẻn ra khỏi điện Vatican trong một chiếc xe đơn sơ để đến cầu nguyện tại một vương cung thánh đường nơi thánh Inhaxiô Loyola, vị sáng lập Dòng Tên mà ngài là một thành viên, đã từng đến cầu nguyện. Sau đó, ngài yêu cầu tài xế dừng lại tại một khách sạn dành cho giáo sĩ, nơi ngài đã trú ngụ vài ngày trước khi vào mật nghị hồng y bầu giáo hoàng. Tại đây ngài đã trả tiền khách sạn và lấy lại đồ đạc cá nhân.
Ngày hôm sau, một lần nữa, ngài lại cũng “lẻn” ra khỏi điện Vatican để đi thăm một người bạn đang nằm nhà thương.
Một bình luận gia nổi tiếng của nhựt báo Ý “Corriere Della Sera” (người đưa tin chiều) là ông Massimo Franco đã tiên đoán rằng với Đức Phanxicô “thời đại của Giáo hoàng như là Vua và Tòa Thánh Vatican như một Triều đình đã chấm dứt”. Tôi tin chắc rằng hình ảnh của một đức giáo hoàng và của “giáo triều” Roma sẽ thay đổi dưới thời của vị giáo hoàng 76 tuổi này.
Tôi không cảm thấy thoải mái chút nào mỗi khi phải xử dụng một số danh xưng “nhà đạo”, đặc biệt trong ngôn ngữ Việt Nam, để nói về vị lãnh đạo của Giáo hội công giáo và các vị chủ chăn khác. Cách riêng tước hiệu “giáo hoàng” trong tiếng Việt. Không rõ danh xưng này đã đi vào ngôn ngữ nhà đạo của người công giáo Việt Nam từ lúc nào, nhưng chắc chắn nó phản ảnh một quan niệm hoàn tòan trái ngược với Tin Mừng của Chúa Giêsu. “Giáo hoàng” chỉ có thể hiểu là “ông hoàng” hay “hoàng đế” của một tôn giáo. Mà quả thật, kể từ thế kỷ thứ IV, khi hoàng đế Constantino của đế quốc La Mã gia nhập Kitô giáo, toàn đế quốc cũng bị “rửa tội” theo ông và vị giám mục Roma, người lãnh đạo của Giáo hội công giáo, cũng nghiễm nhiêm trở thành một thứ hoàng đế hay vua các vua trong đế quốc, với quyền được bổ nhiệm và tấn phong các ông vua trong đế quốc. Trong suốt hằng bao thế kỷ, rất nhiều vị giáo hoàng đã cư xử như những “ông hoàng” theo đúng nghĩa. Ngay từ thời hoàng đế Constantino còn sống, người ta cũng đã chứng kiến một điều nghịch lý. Trong khi chính hoàng đế Constantino ban hành chiếu chỉ Milano để nhìn nhận tự do tôn giáo trong toàn đế quốc, thì các đức giáo hoàng vào thời đó lại có chủ trương bách hại đối với bất cứ ai không tuyên xưng niềm tin Kitô giáo. Các Tòa Điều Tra và các dàn hỏa thiêu dành cho những người “lạc giáo” vẫn còn đó để làm chứng về một giai đoạn quả đáng hổ thẹn trong lịch sử của Giáo hội.  Cứ dựa theo cuộc sống và giáo huấn của Chúa Giêsu mà xét,  một khi quyền bính trong Giáo hội nhập nhằng với quyền bính thế trần, thì đây là một trong những giai đoạn đen tối nhứt trong lịch sử Giáo hội. Mãi cho đến thời tôi đã có trí khôn, nghĩa là thập niên 1950, tôi vẫn còn tuyên xưng rằng chỉ có một “đường rất chính rất thật để được lên thiên đàng” là Đạo của tôi; tất cả những người “ngoại đạo” đều phải sa hỏa ngục cả. Và cũng mãi cho đến thời tôi có trí khôn, mỗi khi xuất hiện trước công chúng, vị giáo hoàng vẫn còn được người ta khiêng trên một cái kiệu chẳng khác nào một ông hoàng đế. Có vị vẫn tỉnh bơ để cho người khác quỳ xuống hôn giày của mình. Có khác gì mấy ông cộng sản Việt Nam đâu. Mấy ông này tự xưng là “đầy tớ nhân dân” nhưng lúc nào cũng leo lên đầu lên cổ nhân dân mà cỡi. Còn đức giáo hoàng thì lúc nào cũng ký tên là “đầy tớ của các đầy tớ” (servus servorum) nhưng lại bắt người ta phải hầu hạ phục vụ mình.
Kể từ thời Đức Gioan 23, tức đầu thập niên 1960 cho đến nay, Giáo hội công giáo đã làm nhiều cuộc cải tổ trong cơ cấu tổ chức cũng như trong tinh thần sống Tin Mừng của Chúa Giêsu. Nhưng chắc chắn đức tân giáo hoàng Phanxicô I hẳn chưa hài lòng với tình trạng cơ cấu Giáo hội hiện nay. Ngài muốn làm một cuộc cách mạng và cách mạng theo tinh thần của vị thánh mà ngài đã chọn làm tước hiệu.
Tôi không biết vị giáo hoàng này có đọc quyển tiểu thuyết có tựa đề “The Poor Man of God” (Người nghèo của Chúa) của văn hào Hy Lạp Nikos Kazantzakis (1883- 1957) không. Đây là một quyển tiểu thuyết dã sử về thánh Phanxicô Assisi. Qua tác phẩm, vốn cũng gây nhiều tranh luận như cuốn “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Giêsu”, văn hào Kazantzakis dường như muốn đặt cuộc sống lên trên lý thuyết, và chứng tá lên trên lời rao giảng. Trong một bài ký sự, ông viết về các nhà thông thái người Đức rằng nếu cho họ chọn lựa giữa hai cánh cửa, cánh cửa thứ nhứt có viết “Thiên Đàng” và cánh cửa thứ hai lại ghi “Thuyết giảng về Thiên Đàng” thì họ chẳng ngần ngại chọn cánh cửa thứ hai.
Trong cuốn sách viết về thánh Phanxicô, Kazantzakis tưởng tượng ra cảnh thánh nhân giận dữ giựt lấy một cuốn sách mà một tu sĩ trẻ đang đọc và ném vào lửa, rồi giải thích với vị tu sĩ này rằng ngày Lễ Phục Sinh duy nhứt mà cộng đồng của ngài không nhìn thấy sự Phục Sinh đó là lần có một nhà thần học uyên bác từ Đại học Bologna đến thuyết giảng.
Cũng vị tu sĩ trẻ này được phép giảng, nhưng với điều kiện như sau: “Thày phải lên bục giảng và bắt đầu kêu “be be” như một con cừu. Chỉ có tiếng kêu đó thôi, chứ không có gì khác”.
Lần kia, một thày tên là Leo được chỉ định lên bục giảng để giải thích về Lề Luật do thánh Phanxicô đề ra. Vị tu sĩ này chỉ ấp úng nói được vài lời, rồi bật khóc. Nhưng thánh Phanxicô đưa ra nhận xét: “Không ai đã nói với tất cả sự khôn khéo và mãnh liệt như thế”.
Với một cuộc sống đơn sơ và khó nghèo lúc còn làm việc tại Buenos Aires và với những cử chỉ giáo đầu cũng đơn giản tối đa khi khởi đầu cuộc sống tại Roma, tôi tin chắc rằng đức thánh cha Phanxicô cũng sẽ tiếp tục xem cuộc sống chứng tá quan trọng hơn chính lời rao giảng hùng hồn mà ngài thừa có.
Tôi vốn sợ đọc các thông điệp khô khan và tràng giang đại hải của các đức giáo hoàng. Tôi cũng sợ rằng phần lớn các linh mục cũng chẳng có thời giờ và can đảm để đọc hết những thông điệp ấy. Tôi cũng phải thú nhận là tôi chẳng có đủ khả năng để lắng nghe cho trọn các bài giảng cao siêu của các vị giáo hoàng. Nhưng một nụ cười, một cử chỉ thân ái của các ngài thì tôi chẳng bao giờ quên.
Thánh Phanxicô Assisi không phải là một nhà tư tưởng uyên bác và thâm sâu. Ngài chỉ là một con người sống đơn sơ và khó nghèo cho đến cùng. Vậy mà Giáo hội và ngay cả xã hội vào thời đại ngài đã được cải tổ rất nhiều nhờ chính gương sáng của ngài. Gương của vị thánh mà ngày nay thế giới nhìn nhận như “sứ giả hòa bình” có sức thu hút và thuyết phục đến nỗi Lenin, cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản, đã phải nhìn nhận rằng chỉ cần 10 người như thánh nhân cũng đủ để cải tạo thế giới đầy bất công. Rất tiếc là Lenin đã không đi theo con đường “cách mạng” của thánh Phanxicô. Ông đã chọn con đường bạo động.
Kinh nghiệm xây dựng thiên đàng xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô, Đông Âu và ngày nay tại Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba cho thấy chỉ có cuộc cách mạng bằng cuộc sống chứng nhân như thánh Phanxicô đã đề ra vẫn mãi mãi còn giá trị.

Tương lai ra sao thì không ai có thể đoán được nhưng ít ra trong mấy ngày vừa rồi, nhiều tinh thần của thánh Phaxicô Assisi sống lại qua những cử chỉ bình thường của Đức tân giáo hoàng người Á Căn Đình chắc hẳn làm cho nhiều người,  trong đó có tôi, phải xét lại cách sống của mình.