Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Bảy Tỷ Câu Chuyện....



Chu Thập
1.11.11



Tuần qua, Quỹ Dân Số Thế Giới của Liên hiệp quốc đã cho công bố bản phúc trình về tình trạng Dân số thế giới trong năm 2011. Ở một nơi nào đó, có thể là Phi luật tân hay Ấn độ, vào lúc không giờ sáng thứ Hai 31 tháng 10 vừa qua, người thứ bảy tỷ trên thế giới đã chào đời. Trong năm nay, thế giới sẽ có thêm 135 triệu người xuất hiện trên trái đất và 57 triệu người trở về với cát bụi. Như vậy, lấy số sinh trừ cho số tử, dân số thế giới sẽ tăng thêm 78 triệu người.
Tôi vốn không thích những con số. Lúc còn học trung học, tuy không phải là một học sinh được xếp vào hạng dở toán, nhưng tôi lại thích “con chữ” hơn là “con số”. Học lịch sử, tôi thích những câu chuyện, nhưng lại ghét những niên biểu cần phải ghi nhớ. Học địa lý, tôi thích phong cảnh, văn hóa, con người hơn là những số liệu về dân số hay sản xuất kinh tế. Ngày nay, mỗi lần đi chợ, phải nhớ giá cả các mặt hàng ở các tiệm buôn hay trung tâm bán lẻ để so sánh và cân đo trước khi mua, tôi lại thấy nhức đầu. Nói gì đến những con số phải nhớ và viết xuống khi khai thuế. Còn với những con số như sổ ngân hàng, số điện thoại...bộ nhớ của tôi có cố gắng cách mấy cũng vô ích.
Với tôi, những con số thường vô cảm và không hồn. Nạn nhân của chiến tranh, của các chế độ độc tài, của thiên tai được tính bằng những con số. Những người đi tham dự một biến cố như biểu tình, biểu dương lực lượng, biểu dương tôn giáo cũng được đếm bằng con số; số người tham gia càng đông thì biến cố càng quan trọng, buổi lễ càng hoành tráng, lòng mộ mến đối với nhân vật được đón tiếp càng lớn, tổ chức càng có uy tín, tôn giáo càng mạnh...Chính vì vô cảm và không hồn mà con số cũng gia tăng sự tàn ác của con người: trong nhà tù hay trong trại tập tập trung chẳng hạn, tù nhân bị tước đoạt tên tuổi và phẩm giá để chỉ còn là một con số!
Dân số thế giới là một con số để các chuyên gia làm các phép tính cộng trừ nhân chia. Nhìn theo kinh tế thị trường, dân số chỉ còn là một thị trường để phân tách lợi hại. Thế giới Tây phương đã chẳng từng nhìn vào Trung quốc như một thị trường béo bở đó sao? Một tỷ người, mỗi người chỉ cần một viên Aspirin thì đủ thấy cái mối lợi to lớn biết chừng nào! Nhìn về điều được gọi là “Thế kỷ Á châu”, Úc đại lợi cũng chỉ xem các nước đang có triển vọng phát triển kinh tế nhanh chóng tại Á châu như một thị trường mà thôi. Mà đã là thị trường thì dĩ nhiên, càng nhiều người tiêu thụ thì càng bán được nhiều hàng hóa. Dân số như vậy thiết yếu cũng là một thị trường.
Nhưng cái nhìn thị trường đầy lạc quan đó cũng không đánh đổ được mối lo ngại của nhiều nhà dân số học về nạn nhân mãn. Người ta lại nại đến chủ thuyết của ông thày dòng Malthus bên Anh vào thế kỷ 16 để kêu gọi hạn chế sinh sản, bởi vì dân số gia tăng theo cấp số nhân trong khi thực phẩm lại gia tăng theo cấp số cộng. Nhiều người đã ca ngợi Trung quốc, quốc gia đầu tiên trên thế giới đã có dân số lên đến một tỷ người vào năm 1980, vì đã thành công trong việc hạn chế dân số bằng chính sách mỗi gia đình chỉ được phép có một đứa con. Ngày nay, có lẽ dân số trên một tỷ người của quốc gia cộng sản này đã có đủ ăn, đủ mặc và ngay cả giàu có hơn nhiều nước khác,  nhưng vì chính sách mỗi gia đình một đứa con ấy, trên 30 triệu thanh niên  đành phải lâm vào tình trạng “ế vợ” cho nên phải vượt  biên giới qua Việt nam hay đi mãi sang tận các nước Phi châu nghèo để “mua vợ”.Thời buổi này, không có cái cảnh “Vợ nhặt” như nhà văn Kim Lân đã mô tả về cơn đói năm Ất dậu 1945 ở Miền Bắc Việt nam, nhưng việc người Tàu, người Đài Loan, người Đại hàn...bỏ tiền ra đi mua vợ Việt nam là chuyện đang xảy ra như cơm bữa ở cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam.
Trong chuyến về thăm quê hương vừa qua, đi đâu tôi cũng thấy có khẩu hiệu với nội dung “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ” mà thôi. Rồi đây, với chính sách này và với tình trạng trọng nam khinh nữ, không biết con trai Việt nam sẽ đi nước nào để tìm vợ hay mua vợ.
Trong khi ở những nước đông dân, mỗi người dân là một gánh nặng cho guồng máy kinh tế và xã hội nên các chính phủ tìm cách hạn chế và kiểm soát sinh sản, thì tại những nước ít dân hay dân số già nua, người ta lại khuyến khích sinh sản, bởi vì người dân được xem như một thứ “vốn quý” cần thiết cho phát triển kinh tế và xã hội.
Nhưng dù có được xem là vốn quý cần gia tăng hay như một gánh nặng cần hạn chế, thì dân số hay đúng hơn mỗi một người trong xã hội vẫn là một con số, một thứ “vật chất” (vốn/gánh nặng) để tính toán trong bài toán kinh tế và xã hội. Trong cái nhìn nào thì con người dường như cũng chỉ là một con ốc trong một guồng máy. Guồng máy chạy đều thì con ốc còn lành lặn, guồng máy gặp trục trặc thì con ốc có thể bị nghiền nát. Người ta thường so sánh chế độ cộng sản với một “cỗ máy nghiền” là thế.
Dân số thế giới đã được bảy tỷ người. Tôi là một trong số bảy tỷ người này. Là một hữu thể có nhân vị và một phẩm giá độc nhứt vô nhị, chẳng giống bất cứ một người nào trong số bảy tỷ người này, tôi cương quyết không chấp nhận chỉ là một con số.
Tôi là con thứ 10 trong một gia đình 12 người con. Thế hệ “babyboomer” của tôi thường thuộc những gia đình đông con. Tôi vẫn không ngừng cám ơn cha mẹ vì đã không biết đến nạn nhân mãn, kế hoạch hóa gia đình, các phương tiện ngừa thai hay phá thai mà tôi mới có thể góp mặt với đời. Tôi cũng cám ơn anh chị em trong nhà mỗi người đã phải ăn bớt một chút để tôi cũng có phần. Cha mẹ tôi là những người thất học và chất phác. Nhưng tôi tin rằng cũng như mọi đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, tôi đã mang lại tiếng cười, niềm vui và hy vọng cho cha mẹ tôi và người xung quanh. Có lẽ tôi chưa làm được “trò trống” gì trên thế giới này. Nhưng sự xuất hiện của tôi trên cõi đời này đã mang lại thêm một lý do để hy vọng ít nhứt là cho cha mẹ, gia đình và người thân của tôi.
Tôi thích cái tựa đề của bài báo có đính kèm hình của một thơ nhi mới chào đời “Lại có thêm một trong 7 tỷ lý do để lạc quan”, trên báo The Sydney Morning Herald số ra cuối tuần qua. Đọc tựa đề bài báo, tôi thấy phấn khởi vì sự có mặt của tôi cũng như của bất cứ đứa trẻ nào trên trái đất này. Tôi không phải là một con số, nhứt là một số không. Tôi là một con người có thể mang lại niềm hy vọng cho người khác! Nghĩ như thế mà thấy vui và hãnh diện trong ngày dân số trái đất đã vượt qua ngưỡng cửa 7 tỷ người.
Năm 1995, danh ca Michael Jackson đã cho trình làng Album có tựa đề “HIStory”. Album này đã được đề cử là “Album của năm” cho giải Grammy. Tôi không phải là một “fan” của danh ca kích động nhạc này. Nhưng tựa đề của Album không thể không khiến tôi suy nghĩ. Đây chỉ là câu chuyện đời tư (his story) của một nghệ sĩ tài ba, nhưng lại có tham vọng trở thành “lịch sử” (History). Thực tế những sáng tác và tài nghệ của Michael Jackson đã không chỉ đi vào lịch sử thế giới, mà còn làm nên lịch sử thế giới. Tôi nghĩ một cách tự hào rằng không riêng những nhân vật lịch sử, mà cuộc đời của mỗi người có mặt trên thế giới này cũng đều là một phần của lịch sử thế giới.
Về điểm này, tôi thích cách quảng cáo của Đài SBS. Thỉnh thoảng, đài này cho chiếu lên câu “Six billions stories and counting...” (6 tỷ câu chuyện và còn đang tính thêm...) và kèm theo một chú thích bằng nhiều thứ tiếng, có khi bằng tiếng Việt nam như “đây là câu chuyện về gia đình tôi...” Con số của những câu chuyện nay hẳn đã vượt qua con số bảy tỷ.
Lịch sử của thế giới chúng ta được viết lên không chỉ bằng những biến cố lớn, những nhân vật danh tiếng hay những tin tức giựt gân được truyền đi trên các phương tiện truyền thông mỗi ngày, mà được cấu thành bởi 7 tỷ câu chuyện khác nhau. Mỗi người có mặt trên trái đất này đều có một lịch sử riêng và một câu chuyện riêng để kể. Có những câu chuyện được tự kể. Có những câu chuyện được người khác kể lại. Nhưng dù được kể lại hay âm thầm chôn chặt trong nội tâm sâu kín của cõi lòng, mỗi câu chuyện đều là một lịch sử độc nhứt vô nhị không bao giờ lập lại.
Bảy tỷ người có mặt trên trái đất là 7 tỷ câu chuyện khác nhau, bởi vì mỗi người là một thế giới riêng tư cần được tôn trọng, chiêm ngưỡng và nhứt là cảm thông. Thế giới có chiến tranh một phần có lẽ vì thiếu sự tôn trọng đối với cái thế giới huyền nhiệm riêng tư ấy.
Ngày dân số thế giới được bảy tỷ người, trong nhiều ý nghĩ vụn vặt, tôi thấy rằng khoan nhượng và cảm thông là thái độ quan trọng nhứt trong cuộc sống. Tôi cứ suy nghĩ về câu chuyện được ai đó sưu tầm và gởi đăng trên Việt luận số ra ngày thứ ba 25 tháng 10 vừa qua: một người đàn bà sống trong một chung cư hay bị quấy rầy vì tiếng đóng cửa mạnh của một cậu bé ở lầu trên. Nhưng cứ mỗi lần gặp người đàn bà, cậu bé đều xuýt xoa xin lỗi. Ngày nọ, tiếng dập cửa không còn nữa. Gặp lại người đàn bà, cậu bé mới giải thích rằng cậu không còn đóng sầm cánh cửa để tạo ra âm thanh nữa, vì mẹ cậu đã qua đời. Cậu nói rằng trong suốt thời gian nằm liệt giường, mẹ cậu cần nghe có tiếng đóng cửa mạnh để được an tâm là có người đang ở bên cạnh mình. Lời giải thích của cậu bé đã xóa tan mọi nghi ngờ và thành kiến nơi người đàn bà.
Kinh nghiệm bản thân thường cho tôi thấy rằng thành kiến và thái độ thiếu cảm thông dễ làm cho tôi bị co cụm và đóng kín trong bản thân để khước từ mọi giao cảm với người khác.
Trong đoản văn có tựa đề “Sư tử không ăn cỏ” được đăng trong tuyển tập “Yêu người ngóng núi” mà tôi đã mua trong chuyến đi Việt nam vừa qua, tác giả Nguyễn ngọc Tư đã kể lại một kinh nghiệm tương tự: “Đôi khi vô tình, người ta đòi hỏi ai đó (hay con gì đó) không được sống như chính họ (hay chính nó). Hồi nhỏ, mỗi lần thấy thầy giáo dắt con heo nọc đi bỏ giống là tôi thấy phiền lắm, tôi nghĩ thầy chỉ nên đọc sách, tỉa cây kiểng, nuôi chim sáo hoặc rung đùi ngồi đánh cờ chơi. Dù thầy nghèo xơ xác, dù vợ con thầy cực ăn ôm nhách, nhưng nếu cực chẳng đã phải kiếm tiền, thì thầy nên mở tiệm kẹo, xi rô đá bào hay bán sách báo...không lý nào xắn quần áo xắt chuối nấu cho heo, còn dắt nó đi lang lang khắp xóm những khi tan buổi dạy. Tôi nghĩ vậy.
Hồi đó, thầy sống như thầy có, lương thiện mưu sinh cho qua hồi cơ cực, nhưng lòng kính trọng thầy của tôi bị sứt mẻ lảng òm. Như người ta không chịu anh bác sĩ ăn mặc cù lần, xét nét ông kia tướng tá nông dân mà làm lãnh đạo, thất vọng khi trên mắt nhà thơ tình nổi tiếng lại dính...ghèn...
Nói về thành kiến thì ai cũng có một kho. Xưa tôi ghét mấy người mua bán ve chai, do đã gặp vài người tiện tay ăn cắp vặt...Những buổi trưa thấy mấy chị ve chai lầm lũi ngang qua, nắng mưa oằn cả hai cần xé, tôi bỗng nghĩ chẳng may tôi phải ra đường mưu sinh bằng cách đó, tôi cũng sẽ phạm lỗi, biết đâu chừng...Cực khổ cỡ nào tôi cũng chịu được, kể cả đói lạnh, nhưng con tôi thèm thịt đến nỗi đang sốt dầm dề mà được ăn cháo trắng với thịt nướng là tỉnh trân, thì tôi cũng sẵn sàng đánh cắp cái chảo, hay mớ sắt vụn, đoạn ống nước cũ...để đem về cho con một bữa ngon.” (Nguyễn ngọc Tư, Yêu người ngóng núi, nhà xuất bản Trẻ, tản văn tái bản lần thứ năm, 2011 trg 127-128)
Đọc tản văn trên đây của tác giả Nguyễn ngọc Tư, tôi cũng làm một cuộc “xét mình” như Đạo công giáo của tôi thường dạy làm. Tôi thấy mình rất nhiều lần muốn làm quan tòa để xét xử những người mà tôi cho là có lối sống hay hành xử không giống tôi và cũng chẳng giống ai. Tôi thấy mình muốn làm Đức Chúa Trời để đi sâu vào nội tâm sâu kín của người khác mà xét xử. Tôi quên mất rằng mỗi một con người trong số bảy tỷ người đang có mặt trên thế giới này là một “thế giới” đầy huyền nhiệm, cần được tôn trọng, chiêm ngưỡng và cảm thông hơn là “xếp loại”, tổng quát hóa và nhứt là kết án.










Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Kenya: quê nội của Tổng thống Barack Obama



24.7.15

Theo chương trình, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ khởi sự chuyến viếng thăm Kenya, miền Đông Phi Châu,  kể từ chiều Thứ sáu hôm nay (24/7/2015) giờ địa phương. Tổng thống Obama viếng thăm quê nội của mình nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Doanh nghiệp Toàn cầu (Global Entrepreneuship Summit ) được tổ chức tại thủ đô Nairobi của Kenya. Đây là lần thứ hai ông trở về thăm quê cha đất tổ. Ông viếng thăm Kenya lần thứ nhất vào năm 2006 khi vừa đắc cử thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Illinois.
Cách đây 9 năm, khi thượng nghị sĩ Obama lần đầu tiên đặt chân đến Kenya, đất nước này thiếu hẳn một hạ tầng cơ sở vững chắc để có thể thiết lập một hệ thống Internet với tốc độ nhanh. Tỷ lệ thất nghiệp lúc đó lên đến 40 phần trăm. Nay, phần lớn dân chúng Kenya đều có thể sử dụng Internet, tỷ lệ thất nghiệp giảm bớt đáng kể. Nhờ một số yếu tố như tinh thần kinh doanh và tháo vát của người dân, việc sử dụng Anh ngữ như một ngôn ngữ chính thức và trình độ dân trí tương đối cao. Nằm giữa miền Đông Phi Châu, Kenya được xem như một nước có mức độ phát triển và nhiều tiềm năng hơn cả tại vùng Hạ Sahara, chỉ sau Nam Phi.
Nhưng với chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama, vấn đề an ninh tại Kenya lại được đặt ra hơn bao giờ hết. Thị trưởng Nairobi, ông Evans Kidero xem chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama như một khẳng định về tình hình an ninh khả quan tại nước ông.
Nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì lại có một cái nhìn khác khi cảnh cáo rằng tấn công khủng bố là điều có thể xảy ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về Doanh nghiệp Toàn cầu.
Tổng thống Obama sẽ có mặt tại Thủ đô Nairobi chỉ vài ngày sau khi Trung tâm Thương mại Westgate vừa mở cửa trở lại. Cách đây gần hai năm, tổ chức khủng bố al-Shabab của những người Hồi giáo cực đoan Somalia đã xông vào trung tâm này và bắn giết 67 người. Nhiều người xem việc cho mở cửa trung tâm lại như một bằng chứng cho thấy tinh thần cương quyết của dân tộc, tình trạng an ninh được bảo đảm và theo lời Thị trưởng Kidero “tinh thần bất khuất của người Kenya”.
Nhưng một số người lại cho rằng việc cho mở cửa trung tâm lại chỉ gợi lên những kỷ niệm đau buồn về cuộc tấn công khủng bố vào trung tâm cũng như việc sát hại 147 sinh viên tại đại học Garissa dạo tháng Tư vừa qua, cũng do tổ chức al-Shabab chủ mưu.
Thành ra, bóng ma của các nạn nhân do tổ chức khủng bố al-Shabab sát hại vẫn còn ám ảnh chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama.
Tổ chức khủng bố này hiện vẫn còn là một mối đe dọa lớn tại miền Đông Phi Châu. Vì gặp nhiều trở ngại trong các hoạt động khủng bố tại Somalia, tổ chức al-Shabab hiện đang tìm cách thay đổi chiến thuật. Tại Somalia, al-Shabab đã từng bị làm cho suy yếu bởi Lực lượng Phi Châu được Hoa Kỳ yểm trợ. Mới đây, 30 thành viên của tổ chức này, kể cả một số lãnh tụ của tổ chức, đã bị giết chết trong một vụ oanh tạc của phi cơ không người lái của Hoa Kỳ tại Gedo, miền Nam Somalia.
Vì mất quân số cũng như thành viên cho nên al-Shabab đã tìm cách di chuyển địa bàn hoạt động sang Kenya và một số nước khác trong vùng.
Việc thay đổi chiến thuật của al-Shabab khiến cho cuộc chiến chống khủng bố tại miền Đông Phi Châu trở nên phức tạp hơn. Al-Shabab đã từng đe dọa trả đũa Kenya vì nước này đã đưa quân đội  sang hành quân trong lãnh thổ Somalia. Trước đây, tổ chức này chỉ có tham vọng áp đặt luật Hồi Giáo Sharia tại Somalia. Nhưng nay nó đã trở thành một mạng lưới có mặt trong toàn vùng. Lợi thế của việc thay đổi chiến thuật này là giúp cho tổ chức al-Shabab có thể tiếp cận với nguồn tài chính dồi dào dọc theo miền duyên hải Đông Phi Châu, đồng thời chiêu mộ thêm nhiều thành viên mới một cách dễ dàng. Trước đây, do việc thế giới theo dõi gắt gao các tổ chức yểm trợ khủng bố của người Somalia hải ngoại, al- Shabab đã gặp nhiều khó khăn trong  các hoạt động. Ngoài ra, do hiện tượng các thánh chiến quân từ nước ngoài đổ xô về Syria, tổ chức al-Shabab có phần lu mờ trên chính trường thế giới. Nay với chiến thuật mới, al-Shabab tung ra các cuộc tuyên truyền bằng tiếng Swahili là ngôn ngữ được nhiều sắc dân ở miền duyên hải Đông Phi Châu đang sử dụng, khiến cho việc chiêu mộ dễ dàng hơn.
Tại Kenya, sự hiện diện và hoạt động của tổ chức al-Shabab đã tỏ ra rất hữu hiệu vì đã có nhiều thành phần giới trẻ bị chiêu dụ. Tại nước láng giềng Tanzania, sự bất mãn ngày càng gia tăng của dân chúng đối với chính phủ cũng như xu hướng cực đoan có sẵn trong nước đã trở thành một mãnh đất mầu mở cho hoạt động của al-Shabab. Bên cạnh đó, một số tổ chức tội phạm cũng bắt tay với tổ chức này để kiếm ăn cho nên al-Shabab lại càng có đất sống hơn. Ngoài ra, vì miền Đông Phi Châu nổi tiếng là một con đường buôn lậu ma túy và khí giới từ Nam Á Châu sang Yemen cho nên al-Shabab cũng khai thác triệt để tình trạng này để gia tăng hoạt động.
Tình hình an ninh tại miền Đông Phi Châu, cách riêng tại Kenya, tùy thuộc rất nhiều vào tình hình nội bộ của al-Shabab. Hiện có hai khuynh hướng nổi bật trong tổ chức. Một khuynh hướng chỉ chủ trương củng cố tổ chức và hoạt động tại Somalia. Khuynh hướng thứ hai do lãnh tụ Godane đeo đuổi muốn biến al-Shabab thành một tổ chức thánh chiến quốc tế. Lãnh tụ Godane đã bị phi cơ không người lái của Hoa Kỳ oanh tạc giết chết hồi năm ngoái. Với sự vươn lên của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” IS, căng thẳng nội bộ của al-Shabab cũng gia tăng. Là một chi nhánh của al-Qaeda kể từ năm 2012, al-Shabab hiện đang được “Quốc gia Hồi giáo” ve vãn. Nhiều nguồn tin tình báo cho biết rất có thể al-Shabab cũng sẽ đầu quân và chiến đấu dưới lá cờ của “Quốc gia Hồi giáo”, mặc dù lãnh tụ hiện nay của tổ chức là trùm khủng bố  Abu Ubaldah hoàn toàn bác bỏ nguồn tin này.
Al-Shabab trong tiếng Á Rập có nghĩa là “Giới trẻ”. Thoạt tiên tổ chức này xuất hiện như một phong trào giới trẻ Somalia tranh đấu dưới lá cờ của tổ chức có tên là “Liên hiệp các Tòa án Hồi giáo”. Liên Hiệp này đã từng nắm quyền kiểm soát tại thủ đô Mogadishu của Somalia hồi năm 2006, nhưng sau đó đã bị quân đội Ethiopia đẩy lui. Nhưng sau khi Liên Hiệp các Tòa án Hồi giáo cáo chung, al-Shabab vẫn tiếp tục hoạt động.
Có nhiều nguồn tin cho biết hiện các thánh chiến quân từ các nước lân bang và ngay cả từ Hoa Kỳ và Anh Quốc đang tìm cách đến Somalia để yểm trợ cho al-Shabab. Cả Hoa Kỳ lẫn Anh Quốc đều đặt al-Shabab vào danh sách những tổ chức khủng bố. Hiện tổ chức này có từ 7 đến 9 ngàn thành viên.
Việc al-Shabab có đẩy mạnh hoạt động của họ sang các nước khác hay không là tùy ở khả năng của các chính phủ nước này trong việc đối đầu với họ cũng như các thành phần trong nước tự nhận là “tiếng nói của những người bị đẩy ra bên lề”. Xét cho cùng vấn đề mà các chính phủ nước này đang phải đương đầu chính là làm thế nào để xoa dịu được sự bất mãn của người dân do các bất công xã hội tạo ra.  Đây là một trong những vấn đề lớn hiện nay tại Kenya, quốc gia được xem là có mức độ phát triển nhanh nhất tại miền Đông Phi Châu. Các mối chia rẽ giữa các sắc dân, tệ nạn tham nhũng, bè phái, một hệ thống tư pháp lỏng lẻo...đây là những yếu tố thuận tiện cho sự phát sinh các tổ chức khủng bố trong nước và hoạt động của những thánh chiến quân Hồi giáo từ Somalia.
Chính phủ Hoa Kỳ đã có lý do để lo ngại về tình trạng an ninh của Kenya trong những ngày viếng thăm sắp tới của Tổng thống Obama. Mặc dù tất cả mọi mũi dùi đều chỉ thẳng vào tổ chức khủng bố al-Shabab, nhưng tổng thống Kenya, ông Uhuru Kenyatta luôn tìm cách bác bỏ điều đó. Trong một bài nói chuyện trên đài truyền hình, ông giải thích rằng tác giả của các cuộc tấn công khủng bố là những tổ chức nội địa muốn khai thác những căng thẳng và chia rẽ giữa các phe phái chính trị và sắc tộc. Tuy không nêu đích danh các tổ chức này, nhưng ông cảnh cáo các đối thủ chính trị của ông đừng tìm cách gây chia rẽ hoặc hận thù trong nước. Theo giải thích của phóng viên Andrew Harding của Đài BBC, an ninh quốc gia là một trong những lá bài mà Tổng thống Kenyatta luôn trưng ra để tìm cách tấn công các đối thủ chính trị cũng như các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Kenya. Một người tranh đấu cho nhân quyền đã cho ký giả Harding biết rằng 8 người trong tổ chức của ông đã bị đánh đập và bắt giữ vì tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa. Thượng nghị sĩ Hassan Omar, thuộc Liên minh Đối lập, cũng nói với ký giả Harding rằng ông vừa nhận được một cú điện thoại cho biết rằng ông đang bị cảnh sát điều tra vì đọc một bài diễn văn có nội dung khích động hận thù. Thượng nghị sĩ Omar tố cáo Tổng thống Kenyatta đưa người từ bộ lạc Kikuyu của ông vào các lực lượng an ninh quốc gia. Ông nói đến tình trạng khủng bố do chính chính phủ tạo ra.
Tổng thống Obama hẳn phải là người biết rõ hơn ai hết về tình trạng an ninh tại Kenya cũng như chế độ tham nhũng và độc tài của Tổng thống Kenyatta. Năm 2013, trong một chuyến viếng thăm Phi Châu, Tổng thống Obama viện lý do Tổng thống Kenyatta bị tố cáo trước Tòa án Quốc Tế vì các cuộc bạo động trong cuộc bầu cử năm 2008 để từ chối không đến Kenya. Nhưng sau đó các cáo buộc đã được tháo gỡ và lần này Tổng thống Obama chấp nhận đến Kenya và gặp gỡ ông Kenyatta.
Nhân dịp này, theo ông John Dimo, một thày bói nổi tiếng tại Kenya, cho biết Tổng thống Obama sẽ đến thăm làng Kogelo, miền Tây Kenya, nơi có mộ của cha ông và nhà của bà Sarah Obama, bà nội kế của ông. Thật ra, giữa Tổng thống Obama và phía nội của ông không có những quan hệ thân tình. Mẹ ông và cha ông chỉ sống với nhau đúng 3 năm.
Kể từ khi ông Obama trở thành thượng nghị sĩ và tổng thống Hoa Kỳ, bộ mặt của làng Kogelo hoàn toàn thay đổi: làng đã có điện, đường sá được tráng nhựa, nhiều trường học và bệnh viện mang tên ông và bà nội kế của ông đã được thiết lập.  Tên của bà đã được đặt cho một tổ chức chuyên chăm sóc các góa phụ và trẻ em mồ côi là những người đã mất người phối ngẫu hay cha mẹ vì bệnh liệt kháng HIV/AIDS. Sáng viện có tên “Obama Foundation” do người em cùng cha khác mẹ của ông thành lập hiện đang cung cấp nước sạch cho toàn làng. Gia đình Obama tại đây đã hiến tặng đất đai để xây cất trường học và các ân nhân quốc tế tài trợ để trường tiếp tục mở mang.
Kogelo nằm cách Thủ đô Nairobi khoảng 300 cây số. Ngay từ hôm thứ ba 21 tháng 7 vừa qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa nhiều trực thăng đến Kenya. Vì tình trạng an ninh của Kenya, Tổng thống Obama sẽ sử dụng trực thăng để về thăm quê cha đất tổ. Dân làng Kogelo đã cho đúc tượng của ông để tưởng niệm chuyến viếng thăm. Các viên chức địa phương đã cho tu sửa lại ngôi mộ của thân phụ ông. Và các chiếc áo thun và quần Jeans có in hình của ông được bày bán khắp nơi...
Thôi thì, Việt nam ta có câu, một người làm quan cả họ được nhờ. Còn ở Kenya, một người làm tổng thống đệ nhất siêu cường thì cả làng chỉ cần được có...điện nước là vui rồi.



Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Tan sương đầu ngõ...



Chu Thập
17.7.15
Nghe một người ngoại quốc nói hay hát tiếng Việt đã thích rồi. Nghe họ “ly Kiều” lại càng cảm động hơn. Như tối 7 tháng 7 vừa qua chẳng hạn, trong bài diễn văn đọc trong buổi tiếp tân tại Bộ ngoại giao dành cho ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam,  PTổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên một cách thích thú khi ông bất ngờ “xổ” Kiều: “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Nghe đâu hồi năm 2000, khi viếng thăm Việt Nam, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng đã được ai đó mớm cho hai câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa. Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Trong cả hai trường hợp “ly Kiều” trên đây, các nhà lãnh đạo Mỹ đều có ý mượn thơ của cụ Tiên Điền Nguyễn Du để nói đến mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo Mỹ vốn rất sành tâm lý người đối diện. Họ biết những gì người đối diện thích nghe. Còn nhớ trong chuyến viếng thăm lịch sử tại Trung Cộng hồi năm 1972, cố Tổng thống Richard Nixon đã không hề nhắc đến bất cứ lời giáo huấn nào của Đức Khổng Tử, mà luôn miệng ca ngợi những bài thơ của “thi sĩ” Mao Trạch Đông.
Tôi không phải là người “chống Mỹ cứu nước”. Nhưng tôi không phải là người “dễ tin” đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ lúc nào cũng rêu rao rằng chính sách đối ngoại của họ đặt nền tảng trên sự tôn trọng nhân quyền. Lâu nay tôi cứ ngây thơ tưởng rằng Hoa Kỳ là nhà vô địch bảo vệ nhân quyền và nước nào vi phạm nhân quyền, Hoa Kỳ sẽ, nếu không đánh cho một vố, thì cũng nghỉ chơi với họ.
Tôi thấy bẽ bàng khi nhìn lại lịch sử. Trong những thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước, hầu hết những nước bị đặt dưới sự cai trị của các chế độ độc tài quân phiệt ở Châu Mỹ La Tinh và Á Châu đều là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ. Ngay cả ngày nay, một số nước có thành tích nhân quyền tồi tệ nhứt thế giới cũng vẫn tiếp tục là đồng minh hầu như không thể thiếu được của Hoa Kỳ. Tôi nghĩ đến một số nước ở Trung Đông. Cứ thử đến vương quốc Á Rập Saudi và hành xử như một người Mỹ trên đất Mỹ để xem thử đồng minh của Hoa Kỳ này có vi phạm nhân quyền không.
Trong suốt dòng lịch sử của mình, các chính phủ Hoa Kỳ có nói một đàng và, vì quyền lợi của mình mà làm một no không? Tôi luôn nghi ngờ điều đó. Một người Việt tỵ nạn như tôi thấy thấm thía về điều đó lắm khi nhìn lại cái bắt tay lịch sử của cố Tổng thống Nixon với “đồ tể” Mao Trạch Đông hồi năm 1972.  Hoa Kỳ đã giải quyết chiến tranh Việt Nam hay đúng hơn “tháo chạy” khỏi đồng minh Miền Nam Việt Nam  như thế đó. Miền Nam Việt Nam đã bị bán đứng và Biển Đông của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á có lẽ cũng đã được bán đứng với cái bắt tay ấy. Ngay từ năm 1974, Trung Cộng hẳn đã không ngang nhiên đánh cướp Trường Sa của Miền Nam Việt Nam nếu không có cái bắt tay ấy và sự thinh lặng hầu như đồng lõa của Hoa Kỳ.
Vì quyền lợi của mình, Hoa Kỳ dường như sẵn sàng đi ngược lại với các nguyên tắc chỉ đạo mà họ luôn đề cao trong chính sách đối ngoại của mình. Cái bắt tay của Tổng thống Nixon với đồ tể Mao Trạch Đông cũng chẳng khác bao nhiêu so với cái bắt tay của Tổng thống Barack Obama với ông Nguyễn Phú Trọng khi ông đón tiếp “hung thần” của các quyền tự do căn bản của con người như một quốc khách. Khi đón tiếp ông Trọng như một quốc khách, Chính phủ Hoa Kỳ lại càng tạo điều kiện để ông công khai hóa chế độ độc tài đảng trị do ông lãnh đạo và như vậy mặc nhiên muốn tuyên bố  rằng, dù cho Tổng thống Obama có lên lớp để nói xa nói gần về thành tích nhân quyền của Việt Nam đi nữa, chính Hoa Kỳ cũng đồng lõa với ông trong việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Với cái nhìn đơn giản của tôi, người anh cả Hoa Kỳ lúc nào cũng có hai mặt. Đã hai mặt thì cũng có thể “trở mặt” bất cứ lúc nào. Tôi cứ nghe người ta bảo: làm kẻ thù của Hoa Kỳ dễ hơn làm bạn với nước này.  Nhưng dù sao, “hai mặt” của Hoa Kỳ xem ra không đến ni trơ trn như cái sĩ diện hão của mấy ông cộng sản Việt Nam. Được Chính phủ Hoa Kỳ tâng bốc và “ly Kiều” cho nghe, Tổng bí thư Trọng chắc chắn đã huênh hoang tự đắc hơn bao giờ hết và dĩ nhiên các cái loa tuyên truyền ở Việt Nam tha hồ mở hết công xuất để hát lên khúc khải hoàn ca. Bộ mặt của chế độ độc tài vừa được Hoa Kỳ vuốt ve đã sáng rỡ trên chính trường thế giới. Cùng với ông Trọng, những người cộng sản Việt Nam chỉ mong có thế. Nhưng với một người Việt tỵ nạn như tôi và nhứt là với những người Việt Nam đang bị chế độc độc tài đảng trị này tước đoạt mọi quyền tự do căn bản, thì có lẽ đối lại với câu “tan sương đầu ngõ” không gì chỉnh và đúng hơn là “tối đen trong nhà”. Đối lại với bộ mặt của một Việt Nam mà phó tổng thống Joe Biden đang cho “vén mây giữa trời” trong quan hệ với Hoa Kỳ, còn gì u ám bằng bóng tối đang bao trùm lên cuộc sống của người dân trong nước hiện nay. Lẽ ra, Hoa Kỳ phải lắng nghe cụ Trần Đĩnh “vén mây giữa trời” cho mặt trời công lý chiếu soi vào bóng tối của những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam mới phải. Buồn thay, Hoa Kỳ chỉ vuốt ve cái sĩ diện hão của người Cộng Sản Việt Nam mà thôi.
Cái sĩ diện hão mà những người cộng sản Việt Nam lúc nào cũng tô vẽ không thể nào che đậy được thực chất của một nước Việt Nam đang bị chế độ độc tài đảng trị làm cho lạc hậu và nghèo nàn về mọi phương diện. Những cung điện nguy nga và khối tài sản kết xù ăn cướp được của dân mà những người cộng sản ngang nhiên phô bày không thể nào che đậy được cuộc sống lầm than khốn khổ của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam. Những mảnh bằng đủ cấp đeo đầy mình trên người của các cấp lãnh đạo lại càng làm lộ ra cái hố sâu dốt nát mà đảng cộng sản Việt Nam đã nhận chìm cả dân tộc vào. Bộ mặt văn hóa và “đạo đức”, nhứt là đạo đức của cha già dân tộc tội đồ Hồ Chí Minh, lại càng làm rõ nét cái lỗ hổng đạo đức và tình trạng vô cảm hiện nay của xã hội Việt Nam.
Cái sĩ diện hão càng kệch cỡm thì càng để lộ sự trống rỗng bên trong.
Thời tôi còn ở bậc trung học, hầu hết các thày dạy của tôi đều là những “nhà giáo” theo đúng nghĩa. Các vị không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn dạy dỗ cho học sinh nên người, nghĩa là biết sống lương thiện, chân thật, tử tế và trung thực. Tôi vẫn còn nhớ mãi những bài học như thế của vị giáo sư Việt văn trong những năm cuối bậc trung học, đặc biệt khi thày nói đến một học giả người Tàu nổi tiếng vào thế kỷ 15 và 16 là ông Vương Dương Minh. Về học giả này, tôi không thể nào quên được một giai thoại theo đó, lúc còn nhỏ, có lần ông hỏi thày mình: “Thưa thầy, ở đời có việc gì là cao hơn cả?” Là người thấm nhuần Khổng Nho, ông thầy chỉ biết khẳng định: “Thi đậu ra làm quan để thờ vua, giúp nước, làm vẻ vang cho tổ tiên là cao hơn cả”. Nghe thế, người học trò Vương Dương Minh lắc đầu đáp: “Thưa thầy, con cho vậy là chưa cao, học làm được “ông thánh” mới là cao”.
Không biết ông Vương Dương Minh có chịu ảnh hưởng của triết lý Hy Lạp không, nhưng trước ông cả chục thế kỷ, triết gia Hy Lạp Plato (thế kỷ thứ Tư trước Công Nguyên) cũng đã từng nói rằng “làm vua cũng phải đồng thời là một nhà hiền triết”. Đây chính là lý tưởng mà Hoàng đế Marcus Aurelius (121- 180 sau Công Nguyên) của Đế quốc La Mã đã thực hiện trong suốt thời gian trị vì của ông. Qua cuộc sống và nhứt là tác phẩm ông để lại, Hoàng đế Aurelius đã chứng tỏ ông là một nhà hiền triết luôn đề cao những đức tính nhân bản cao quý cần được trau dồi.
Theo thày tôi, học giả Vương Dương Minh không chỉ muốn làm được “ông thánh”, ông còn xướng ra thuyết “nội thánh ngoại vương”. Đại khái thày tôi giải thích rằng theo thuyết này, con người phải sống như thế nào để lời nói và hành động luôn đi đôi với nhau (tri hành hợp nhất), sĩ diện phải luôn phù hợp với thực chất và nội tâm.
Có lẽ đồ tể Mao Trạch Đông không hề biết đến hoặc cố tình xóa bỏ một học thuyết như thế cũng như toàn bộ Khổng giáo ra khỏi thiên đàng xã hội chủ nghĩa của ông, cho nên ngày nay nền văn minh kỹ thuật và vật chất mà Trung Cộng đã xây dựng được ngày càng làm lộ ra hố thẳm tinh thần và đạo đức của mình. Trung Cộng đang muốn trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới. Trung Cộng đang muốn chiếm trọn Biển Đông và làm bá chủ thế giới. Ở quốc gia cộng sản này, cái gì cũng muốn đạt kích thước vĩ đại. Nhưng những giá trị tinh thần và đạo đức và “tính người” thì  ngày càng teo lại.
Ở Việt Nam cũng thế thôi. Cái gì cũng muốn được ghi vào cuốn sách của những kỷ lục thế giới “Guinness book”: chiếc bánh chưng lớn nhứt thế giới, tô hủ tiếu lớn nhứt thế giới, bức tượng bà mẹ anh hùng lớn nhứt Đông Nam Á, đất nước có nhiều bằng tiến sĩ nhứt thế giới...đủ thứ lớn nhứt thế giới! Nhưng “tan sương đầu ngõ” mà vẫn cứ “tối đen trong nhà”. Cái “ngoại vương” hoành tráng và giả tạo ấy không đủ sức để che đậy những lỗ hổng tối tăm trong nhà, bởi vì cái “nội thánh” đã hoàn toàn bị thói dối trá của người cộng sản bóp nghẹt.
Không biết sau khi Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được Chính phủ Mỹ long trọng đón tiếp, tình hình Biển Đông sẽ diễn biến như thế nào. Tôi chỉ biết rằng nếu cái bắt tay của Tổng thống Nixon với đồ tể Mao Trạch Đông vẫn còn ám ảnh người Việt tỵ nạn thì nay việc Chính phủ Obama  đón tiếp tổng bí thư của một đảng chính trị như một nguyên thủ quốc gia, nhứt là một đảng cộng sản đang cai trị đất nước bằng bàn tay độc tài khát máu của nó, tôi chẳng thấy có chút “hồ hởi phấn khởi” gì trong một giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Tôi lại càng chẳng có chút hy vọng gì vào những biến đổi sâu rộng có thể xảy ra tại Việt Nam sau chuyến đi Hoa Kỳ của ông Trọng.
Mặc dù với nhiều dè dặt, khi ông Trọng vừa bước xuống khỏi máy bay, Chính phủ Hoa Kỳ chỉ cho trải một tấm thảm đỏ ngắn dành cho một nghệ sĩ hay cô dâu chú rể chứ không phải loại thảm đỏ trong nghi thức ngoại giao dành cho quốc khách và nhứt là người đón tiếp ông Trọng chỉ là một viên phụ tá ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, nhưng báo chí công cụ ở Việt Nam vẫn cứ tỉnh bơ thổi phồng rằng ông Trọng đã được chính phủ Mỹ “trải thảm đỏ” theo đúng nghi thức ngoại giao. Vẫn là chuyện sĩ diện hão.

Việt Nam có thể mất vào tay Trung Cộng. Nhưng trước khi mất vào tay của Trung Cộng thì có lẽ Việt Nam đã mất vì thứ sĩ diện hảo ấy của người cộng sản. Lớp “sương tan  đầu ngõ” cũng chỉ là một thứ khăn tang che phủ một ngôi mộ tập thể trong nhà...Tôi nghĩ đến cái chết của tình người, của sự cảm thông, của lòng quảng đại, của tất cả những đức tính tốt đẹp trong bản tính con người...mà sự tham tàn, dối trá và thói sĩ diện hão của người cộng sản đã tạo ra cho xã hội Việt Nam.

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

“Hãy Tiếp Tục Khao Khát, Hãy Tiếp Tục Dại Khờ”



Chu Thập
12.10.11



“Hãy tiếp tục khao khát, Hãy tiếp tục dại khờ.”: Đây là lời khuyên mà ông Steve Jobs, đồng sáng lập viên và cựu giám đốc điều hành công ty Apple, đã mượn để kết thúc bài nói chuyện của ông với các sinh viên của trường đại học Stanford, California, Hoa kỳ dạo tháng 6 năm 2005. Thiên tài qua đời hôm 5 tháng 10 vừa qua này giải thích rằng câu nói trên đây được in ở bìa sau ấn bản cuối cùng của cuốn danh mục “The Whole Earth Catalog” xuất bản tại Hoa kỳ vào năm 1974. Ảnh chụp một con đường miền quê trong ánh bình minh, lọai đường quê mà người ta có thể đi chơi bằng cách quá giang xe nếu thích mạo hiểm. Bên trên là dòng chữ “Stay Hungry, Stay Foolish.” (Hãy tiếp tục khao khát. Hãy tiếp tục dại khờ)
Mấy hôm nay, cứ mỗi lần ngẫm nghĩ về cái chết của nhà độc tài Moammar Gadhafi, tôi lại nhớ đến thiên tài Steve Jobs và lời khuyên trên của ông. Cũng trong bài nói chuyện này, ông đã để lại những suy tư mà tôi không thể không nghiền ngẫm: “Chẳng có ai muốn chết. Ngay cả những nguời muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết để được lên đó. Thế nhưng cái chết vẫn là điểm hẹn mà tất cả chúng ta đều phải đến. Không có ai từng thoát khỏi điều đó. Và đó chính là chân lý cuộc đời, bởi vì dường như Cái Chết chính là sự sáng tạo tuyệt vời nhất của Cuộc sống. Nó là tác nhân cho những thay đổi trong Cuộc sống. Nó loại đi những người già để mở đường cho những người trẻ.” (Đào Trường Phúc, VL 14/10/2011). Tôi nghĩ đây mới thực sự là di sản mà Steve Jobs muốn để lại cho hậu thế.
Có lẽ nhà độc tài Gadhafi đã không kịp nghe lời khuyên trên của Steve Jobs nên mới phải ra đi một cách tức tưởi và “đáng thương” như các hình ảnh mà tôi được thấy tràn ngập trên các mạng truyền thông đã có thể gợi lên cho tôi.
Như hầu hết mọi người có cái nhìn và suy nghĩ bình thường trên thế giới này, tôi “ghét cay ghét đắng” những nhà độc tài. Trong lịch sử nhân loại, tôi nhớ tên các nhà độc tài hơn là những nhà hiền triết và các bậc vĩ nhân. Xa tắp trong mù khơi của lịch sử là cái tên Tần Thủy Hoàng. Cứ nhắc đến tên đó thì tôi lại thấy lòng dạ như sôi sục lên. Cách đây đến cả hai ngàn năm và ở mãi đâu bên trời Tây, vậy mà cái tên của bạo chúa Nero của đế quốc La mã vẫn cứ ám ảnh tôi. Nói chi đến những đồ tể trong lịch sử hiện đại như Hitler và nhứt là gắn liền với lịch sử dân tộc như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot...và dĩ nhiên, tội đồ dân tộc Hồ chí Minh.
Mới đây, trong chuyến về thăm quê hương, chỉ cần nghe hỏi “đã vào Ba Đình để viếng lăng Hồ chủ tịch chưa?” thì tôi đã muốn “điên tiết” lên rồi. Một trong những điểm mà các tour du lịch cố tình dẫn người ta đến chính là cái lăng thổ tả này. Đi qua các nẻo đường đất nước, bị “cưỡng bách” để nhìn thấy những khẩu hiệu ca ngợi, những tượng đài của tên tội đồ này chưa đủ sao, lại còn bắt tôi xếp hàng, nghiêm trang như vào một khu thánh địa để “chiêm ngưỡng” cái xác ướp thối tha ấy!
Quả thật, tôi “thù ghét” những kẻ gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc cho nhân loại, mà còn được đưa lên bệ thờ. Trái lại, đứng trước cái chết thảm thương, dù của một bạo chúa, tôi vẫn thấy dấy lên lòng thương hại và cảm thương. Với tôi, chẳng có gì thảm thương cho bằng sự ngã ngựa, dù là ngã ngựa của một đồ tể. Năm 2003, hình ảnh của một Saddam Hussein bị lôi kéo ra từ một hầm trú ẩn, bị tước đoạt mọi quyền lực giả tạo, bị nhục mạ và cuối cùng bị xử tử, không khỏi làm cho tôi đau lòng. Và mới đây, cái chết “đẫm máu” và tàn nhẫn của một kẻ đã từng hét ra lửa như đại tá Gadhafi trước khi bị chính những kẻ mà ông gọi là “chuột bọ” săn đuổi, phải trốn chui trốn nhủi như một con “chuột cống” lại càng làm cho tôi xót thương hơn.
Tôi xót thương cho đại tá Gadhafi, vì trong suốt 42 năm cai trị Libya bằng bàn tay độc tài khát máu và cuồng lọan, ông đã hoàn toàn sống trong “hoang tưởng”. Hoang tưởng vì nghĩ rằng cái đầu của ông đủ lớn để suy nghĩ thế cho bao nhiêu khối óc của dân tộc và cả thế giới. Hoang tưởng vì tin rằng mình sẽ vĩnh viễn ngồi trên quyền lực xây dựng trên lò vũ khí giết người hàng lọat và khủng bố. Hoang tưởng vì nghĩ rằng ông và gia đình ông sẽ nắm chặt trong tay tài sản gần 200 tỷ Mỹ kim mà ông đã cướp lấy của đất nước. Nhưng hoang tưởng nhứt có lẽ là ấp ủ giấc mộng sẽ “bất tử” trên trần gian này để mà cai trị và hưởng thụ quyền lực và tiền của. Hoang tưởng hơn nữa khi chính sự hoang tưởng của ông luôn được nuôi dưỡng bằng sự tung hứng của đám theo đóm ăn tàn xung quanh. Thật buồn cho cả một đất nước khi con người mà cố tổng thống Ronald Reagan đã không biết phải dùng một từ nào khác hơn để mô tả sự hoang tưởng và ngông cuồng cho bằng danh xưng “con chó điên của Trung Đông”, lại được tùng phục và xưng tụng trong suốt bao nhiêu năm trời.
Thật ra, dường như sự cai trị của nhà độc tài hay chế độ độc tài nào cũng đều được xây dựng trên hoang tưởng và sự hoang tưởng của họ, nói theo kiểu nói quen thuộc của người cộng sản Việt nam, lại được “hà hơi tiếp sức” bởi đám đông. Ai cũng biết rằng một mình Hitler không có đủ ba đầu sáu tay để tiêu diệt đến cả 6 triệu người Do thái. Ai cũng đủ hiểu biết và suy nghĩ để nhận ra rằng một mình Stalin, một mình Mao Trạch Đông, một mình Pol Pot không thể sát tế đến hàng trăm triệu đồng bào ruột thịt vô tội của mình để xây dựng “xã hội chủ nghĩa” không tưởng. Và dĩ nhiên, với cái chủ nghĩa vô nhân đạo ấy, một mình Hồ chí Minh cũng không thể “giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ”: suốt hơn 60 năm nay, có cả hàng hàng lớp lớp trí trức sẵn sàng làm con thiêu thân nhào vào cái lò lửa rực hận thù ấy và ngày nay còn biết bao nhiêu con diều hâu vẫn tiếp tục bám lấy cái xác chết thối tha của chủ nghĩa ấy để mà sống còn.
Trong chuyến về thăm quê hương vừa qua, điều khiến tôi buồn nhứt là thái độ mà tôi gọi là “hội chứng Stockholm” (yêu và bênh vực cho kẻ bắt cóc mình) nơi một số người Việt nam trong nước.
Năm 2009, tổ chức New Economics Foundation cho công bố kết quả một cuộc thăm dò về chỉ số hạnh phúc của các dân tộc trên thế giới. Quả là bất ngờ khi một nước chẳng phải là giàu nhứt và cũng chẳng có một hệ thống an sinh xã hội tốt nhứt thế giới như Costa Rica tại Trung Mỹ lại là nước có đến 85% dân số nói rằng họ rất hạnh phúc. Được chú ý không kém là Việt nam, đứng hàng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu Á châu về chỉ số hạnh phúc, với 65% dân số tuyên bố rằng họ “hạnh phúc và bằng lòng về cuộc sống”.
Dĩ nhiên, nếu ở Việt nam chỗ nào cũng có tiệm cà phê, hàng ăn và quán nhậu và nếu những người thực hiện cuộc thăm dò chỉ đi gợi chuyện với những người thuộc giai cấp nhà giàu mới hay những người có đồng nào “nhậu” đồng nấy...thì kết quả cuộc thăm dò chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Tôi đã có dịp làm thính giả cũng như hỏi chuyện với các tài xế xe ôm, xe xích lô, xe buýt, xe taxi hay những người đi bán vé số “có mặt trên tầng cây số”. Bức tranh xã hội Việt nam được giai cấp này phản ảnh hoàn toàn trái ngược: nếu không phải là những lời rủa sả thậm tệ thì cũng là một chuỗi những lời ta thán mà trời cao cũng không thấu nổi.
Nhưng ở Việt nam dường như nhiều người không có được cái tai thính đủ để nghe những tiếng “thở dài của những người bị áp bức” (nói theo ngôn ngữ của ông “tổ” Các Mác) hoặc có mắt mà không nhìn thấy hay không muốn nhìn thấy những nỗi khổ đau của đồng bào ruột thịt. Nhiều bạn bè của tôi nằm trong số những người có mắt có tai “có vấn đề” này. Dĩ nhiên, họ là thành phần tương đối khá giả trong xã hội Việt nam hiện nay. Một số là đại gia, một số ăn nên làm ra nhờ móc ngoặc với chế độ. Đây chắc chắn là những người mà tổ chức News Economics Foundation đã hỏi ý kiến về cuộc sống hiện nay trong xã hội XHCN Việt nam. Trong câu chuyện trao đổi, hầu như người bạn nào của tôi trong nhóm này cũng đều tỏ ra “hài lòng” với chế độ hiện tại. Họ bảo tôi: cứ nhìn những gì mà chế độ cộng sản đã và đang làm được! Từ một nước nghèo, Việt nam đã trở thành nước xuất cảng gạo lớn thứ hai trên thế giới! (Thế mà tôi không tìm được nhà hàng nào có gạo bằng như ở nhà) Những chiếc cầu treo vĩ đại và hệ thống đường “cao tốc” hiện nay không đủ làm bằng chứng cho sự phát triển vượt bực của Việt Nam hay sao?  Cuộc sống hiện tại của riêng họ không tốt hơn trước kia sao? Đi du lịch qua các nước láng giềng như cơm bữa mà không sướng sao?
Là “dân”công giáo, cho nên trong chuyến đi Việt nam vừa qua, tôi thường để mắt quan sát các thánh đường. Nói không ngoa, may ra chỉ có các thánh đường và cơ sở của Giáo hội mới mon men “tranh” nổi với các doanh trại quân đội nhân dân, công an, đảng bộ...về bề thế và sự hoành tráng. Tôi có ghé một người bạn nay là linh mục quản nhiệm một giáo xứ lớn ở Miền Trung. Ông đưa tôi đi một vòng ngôi thánh đường đồ sộ nguy nga và hiện đại mà có lẽ ông muốn xem như một công trình để đời. Chiều đến, ông chở tôi trên chiếc “Four Wheel” mới toanh đến một quán nhậu khuất giữa rừng xoài. Ở đây tôi lại chứng kiến “uy thế” của ông bạn tôi: tất cả những thực khách đang ngồi nhậu đều là công an, trưởng phòng, quan chức của chế độ. Họ chào vị linh mục chẳng khác chào một bạn nhậu quen thuộc!
Dĩ nhiên, với vị linh mục bạn tôi, có lẽ chẳng có thời nào “sướng” cho bằng thời này. Chưa bao giờ Giáo hội có nhiều nhà thờ lớn như thời này. Chưa bao giờ Giáo hội lại gởi người đi du học nước ngoài nhiều như lúc này.
Không nói đến gần 3 triệu đảng viên cộng sản và đủ loại quan chức lớn bé ở Việt nam hiện nay, những thành phần “hài lòng” với chế độ hiện nay không khỏi làm cho tôi liên tưởng đến những nạn nhân của “hội chứng Stockholm”. Nhưng gợi hình và dễ hiểu hơn, tôi nghĩ đến mấy chị gà vịt tôi nuôi trong chuồng. Lúc nào cũng được ăn uống đầy đủ, cho nên có lẽ chúng vẫn thích lẩn quẩn trong cái chuồng chật hẹp hơn là cái vườn thông thoáng nhưng phải bươi móc từng con sâu con bọ.
Con vật đi tìm no đủ cho bản thân như là bản năng sinh tồn. Con người hơn con vật vì không những tìm cho mình mà còn khao khát cho người khác. Khi người thanh niên Mohamed Bouazizi, người thanh niên Tunisia 26 tuổi nổi điên vì bị xử bất công đến nỗi tự thiêu. Người ta gọi là một hành động dại khờ, nhưng nhìn lại, nếu không có cái dại khờ đó, thì làm sao có được một loạt các cuộc cách mạng lật đổ các nhà độc tài ở Trung Đông, mà gần nhứt là cái chết của Gadhafi.
Khi đại tá Gadhafi nằm xuống, nhiều người xem đây là một hồi chuông báo tử cho các nhà độc tài ở Trung đông và xa hơn một chút là một số nước Á châu trong đó có Việt nam. Tôi không quá lạc quan để chờ đợi điều đó ở trên quê hương, bởi vì cái chế độ này hiện được chống đỡ không những bởi các đảng viên, quan chức và những tư bản mới sống nhờ “luật lệ" bẩn thỉu của chế độ, mà còn được nhiều người biện minh và ủng hộ  khi vô tình nhắm mắt làm ngơ trước vô số những vi phạm nhân quyền và những khốn khổ không thể tả xiết mà bao nhiêu đồng bào ruột thịt đang gánh chịu. Nhiều người bạn tôi còn cho rằng không lên tiếng, không tranh đấu là một thái độ khôn ngoan vì theo họ có làm thì cũng “chẳng đi đến đâu, chỉ thiệt thân”.
Trong khi tôi còn chưa hiểu Apple là cái gì thì trong túi mấy ông bạn tôi đều rủng rỉnh một cái iphone. Có không phải để xử dụng những tiện nghi của nó cho bằng để “có với người ta”. Tôi mong sao cho các bạn tôi và ngày càng có nhiều người ở Việt nam không chỉ biết chạy theo mấy cái “Tôi” (i: intelligent/I) mà thiên tài Steve Jobs đã sáng chế, mà còn biết lắng nghe lời khuyên của ông “Hãy tiếp tục khao khát. Hãy tiếp tục dại khờ” để khao khát những giá trị cao hơn một chút cơm thừa canh cặn của chế độ .Đó là khao khát suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình chứ không bằng cái đầu của người khác, khao khát nói lên điều mình suy nghĩ chứ không chỉ trở thành cái loa của những người đang hét ra lửa. Và sẵn sàng khờ dại để dám cuồng nộ đứng lên đạp đổ cái chế độ vô nhân đạo ấy.







Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Iran và mối thù truyền kiếp đối với Hoa Kỳ



17.7.15

Sau hơn một thập niên đàm phán gay go, cuối cùng Iran và 6 cường quốc là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh Quốc, Nga, Đức và Pháp đã đạt được một thỏa hiệp lịch sử về nguyên tử. Theo thỏa hiệp, các cuộc cấm vận do Hoa Kỳ và Liệp Hiệp Quốc áp đặt cho Iran sẽ được tháo gỡ. Đối lại Iran phải giảm mạnh chương trình nghiên cứu nguyên tử vốn bị nghi ngờ nhắm đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi Iran hân hoan chào mừng thỏa hiệp thì tại Hoa Kỳ, đảng Cộng Hòa cho rằng chính phủ Obama đã đầu hàng Iran. Riêng kẻ thù không đội trời chung của Iran tại Trung Đông là Israel thì cho rằng thỏa hiệp là một sai lầm. Và dĩ nhiên, những người Mỹ đã từng bị Iran bắt giữ làm con tin hồi năm 1979 xem ra cũng khó chấp nhận được một thỏa hiệp như thế. Nói chung nhiều người Mỹ khó quên được mối thù truyền kiếp của Iran đối với đất nước của họ.
Khi bộ lạc Houthi, thuộc Hệ phái Shiite và được hậu thun bởi Iran, nổi dậy chống chính phủ tại Yemen, người ta thường đọc được khẩu lệnh: “Death to America, death to Israel, damnation to the Jews” (hãy tiêu diệt Mỹ, tiêu diệt bọn Do Thái).
“Death to America” là một khẩu hiệu xuất phát từ Cộng Hòa Hồi Giáo Iran từ hơn 35 năm nay. Nó bắt nguồn từ những cuộc biểu tình dẫn đến điều thường được mệnh danh là cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 để lật đổ Quốc vương Reza Pahlavi.
Mohsen Sazegara, người đã từng là một phụ tá thân cận của lãnh tụ Ayatollah Ruhollah Khomeini và là người thành lập lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, cho rằng chính ông là người đã gieo mầm mng cho khẩu hiệu “Hãy tiêu diệt Hoa Kỳ”. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo The Financial Times năm 2009, ông cho biết muốn tìm một khẩu hiệu khả dĩ có thể quy tụ được đám đông. Lúc đầu, ông chỉ đưa ra khẩu hiệu “Nhà vua phải ra đi” (The Shah must go). Nhưng khi khẩu hiệu được cho “xuống đường” thì nó biến thành “Phải giết chết nhà vua” và cuối cùng thay vì đòi giết quốc vương của mình,  những người biểu tình lại chĩa mũi dùi sang Hoa Kỳ và hô lớn “Death to America” (hãy giết Hoa Kỳ).
Sở dĩ người Iran thù Mỹ là bởi vì Mỹ đã đứng sau một cuộc đảo chính để lật đổ một chính phủ Iran được dân chúng bầu lên hồi năm 1953. Mối thù lại càng mãnh liệt hơn bởi vì trong khi dân chúng Iran đã chán ghét chế độ quân chủ thì Hoa Kỳ lại o bế quốc vương của họ và sau khi ông bị hạ bệ, Hoa Kỳ còn rước ông về để chữa bệnh.
Thật ra, lúc đầu người dân Iran không hề tỏ ra thái độ “chống Mỹ cứu nước”. Sau khi lật đổ Quốc vương Pahlavi, những người lãnh đạo cuộc cách mạng Hồi Giáo vẫn còn muốn hợp tác với Phương Tây. Nhưng sở dĩ họ chuyển sang chống Mỹ là bởi vì họ muốn loại trừ những người Cộng sản ra khỏi cuộc cách mạng. Trước kia chỉ có người Cộng sản mới giương cao ngọn cờ “chống Mỹ cứu nước”, “chống đế quốc Mỹ”. Để loại bỏ ảnh hưởng của phe cộng sản, những người theo Cách mạng Hồi giáo muốn nắm độc quyền chống Mỹ.
Mối thù Mỹ của người Iran đã lên đến cao điểm trong điều được gọi là cuộc “khủng hoảng con tin” năm 1979, khi các sinh viên biểu tình chống Mỹ đã xông vào Tòa Đại sứ Mỹ tại Thủ đô Tehran và bắt giữ 52 người Mỹ làm con tin. Cuộc bắt giữ đã kéo dài đúng 444 ngày. Lãnh tụ của phong trào cách mạng Hồi Giáo, tức “ông đạo” Ayatollah Khomeini là người ra mặt ủng hộ cuộc bắt giữ con tin. Cuộc khủng hoảng con tin đã dẫn đến việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Iran. Khi được trả tự do, các con tin Mỹ bị bắt phải đi qua trước mặt các sinh viên biểu tình để nghe họ la hét vào mặt khẩu hiệu “Death to America”. Hiện nay, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ vẫn còn hiện diện như một thứ “đài kỷ niệm” về mối thù của Iran đối với Hoa Kỳ. Người Iran lại kéo cả người Việt Nam (Cộng Sản) về phe họ. Chẳng hạn, người ta vẫn còn đọc được khẩu hiệu viết bằng Anh Ngữ có nội dung như: “Hỡi CIA (cơ quan tình báo Mỹ), Ngũ Giác Đài, Chú Sam...Việt Nam đã làm cho chúng mày bị thương. Iran sẽ chôn vùi chúng mày”.
Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất bị Iran thù ghét và nguyền rủa. Giới trẻ Hồi giáo Iran không những hô những khẩu hiệu chống Mỹ, họ cũng không tha Liên Xô và Anh Quốc. Hai nước này cũng bị giới trẻ Iran thề nguyền tiêu diệt. Và dĩ nhiên, Do Thái cũng không thể lọt khỏi danh sách những nước bị Iran thù ghét. Hàng năm, cứ đến ngày quốc khánh, kỷ niệm sự khai sinh của Cộng Hòa Hồi Giáo, người dân Iran cũng bày tỏ tình liên đới với dân tộc Palestine và hô lớn khẩu hiệu “Hãy tiêu diệt Do Thái”.
Khẩu hiệu thù Mỹ không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Iran mà còn được du nhập vào một số nước thân Iran. Những người ủng hộ phong trào Hezbollah của những người Hồi Giáo thuộc Hệ phái Shiite tại Liban chẳng hạn, lúc nào cũng hô lớn khẩu hiệu “Death to America”. Theo Philip Smyth, một giáo sư thuộc Đại học Maryland, Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về các nhóm dân quân thuộc Hệ phái Shiite, khẩu hiệu thù Mỹ hiện rất thịnh hành trong những nhóm theo khuynh hướng cách mạng Hồi giáo Iran. Ngay cả tại Iraq, những nhóm dân quân thân Iran cũng hô khẩu hiệu này, nhưng thay vì “Hoa Kỳ” họ đổi thành “Đại Satan”.
Nhưng khẩu hiệu này không chỉ là độc quyền của những người Hồi giáo thuộc Hệ phái Shiite. Những người thuộc Hệ phái Sunni cũng sử dụng nó. Khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị quân đội Hoa Kỳ hạ sát tại một thành phố gần thủ đô Islamabad của Pakistan năm 2011, khẩu hiệu “Death to America” cũng được các nhóm thân phong trào khủng bố Taliban tại nước này hô lớn. Các nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan tại Sudan bên Phi Châu cũng sử dụng khẩu hiệu này. Dạo tháng Giêng vừa qua, sau khi tuần báo trào phúng “Charlie Hebdo” của Pháp cho đăng hình hí họa về tiên tri Mahomet ở trang bìa, người ta nghe khẩu hiệu này được hát lên như một ca khúc tại Afghanistan.
Bộ lạc Houthi tại Yemen đã từng hô khẩu hiệu này từ năm 2003, khi liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo xâm chiếm Iraq. Hussein al-Houthi, lãnh tụ của nhóm Giới trẻ Hồi giáo cực đoan tại nước này đã kêu gọi chống lại Tổng thống Ali Abdullah Saleh vì ông này ủng hộ Tổng thống George Bush trong cuộc chiến chống khủng bố và xâm chiếm Iraq. Sau khi ông Houthi bị lực lượng an ninh Houthi hạ sát, nhóm Giới trẻ Hồi giáo cực đoan do ông lãnh đạo đã phát động phong trào chống chính phủ và cướp chính quyền. Nhưng khẩu hiệu chống Mỹ vẫn tiếp tục được sử dụng. Lý do duy nhất để giải thích sự kiện này là phong trào này hiện được Iran tài trợ.
Thật ra khẩu hiệu này, dù có nói lên mối thù truyền kiếp của Iran đối với Hoa Kỳ và đã kéo dài từ 35 năm qua, cũng chẳng tạo được một mối đe dọa đáng sợ nào đối với nước này. Với Do Thái, trước một kẻ thù đang lăm le chế tạo vũ khí nguyên tử và đã có lần đe dọa xóa tên họ khỏi bản đồ thế giới, lời nguyền rủa ấy có thể là một mối đe dọa thật sự. Nhưng khẩu hiệu ấy, nếu so với tổ chức khủng bố al-Qaeda hoặc sự hung hãn hiện nay của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” IS,  chẳng tạo được bất cứ nỗi sợ hãi đáng kể nào đối với Hoa Kỳ.
Ngay cả chính Iran cũng tỏ ra lúng túng khi sử dụng và quảng bá khẩu hiệu chống Mỹ này. Chẳng hạn khi được dịch sang Anh Ngữ, thì khẩu hiệu “Hãy tiêu diệt Hoa Kỳ” chỉ còn là “Down with America” (đả đảo Mỹ!) mà thôi. Sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 và ngay cả sau khi Tổng thống Bush đưa Iran vào danh sách của “Trục Ác” (axis of Evil), các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Iran đã cho ngưng sử dụng khẩu hiệu này.
Một số cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Iran cho thấy phong trào “chống Mỹ cứu nước” của người dân nước này không mạnh như các viên chức chính phủ hằng tin tưởng. Phóng viên Jason Rezaian của báo The Washington Post viết rằng tại Iran đã từng nổ ra các cuộc tranh luận về việc có nên xóa bỏ khẩu hiệu “Tiêu diệt Hoa Kỳ” nữa không. Nhưng theo ký giả này, mặc dù không còn được sử dụng nhiều trong quần chúng, “khẩu hiệu này vẫn còn là một giá trị cốt lõi của cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran”.
Ngay cả tại Yemen hiện nay, mặc dù vẫn không ngừng hô khẩu hiệu “Tiêu diệt Hoa Kỳ”, bộ lạc Houthi vẫn không làm bất cứ hành động nào chống Hoa Kỳ hoặc Do Thái. Trong khi chi nhánh al-Qaeda tại Yemen bắt cóc và trong một số trường hợp sát hại người ngoại quốc, thì người Houthi tại tỏ ra “ôn hòa” hơn. Sau khi người Houthi đánh chiếm được Sana’a, thành phố lớn nhất của Yemen, Hoa Kỳ loan báo sẽ đóng cửa tòa đại sứ của mình tại nước này. Nhưng một đại diện của người Houthi lên tiếng trấn an rằng họ sẽ không tấn công bất cứ tòa đại sứ nào tại Yemen.
Iran đã đạt được thỏa hiệp nguyên tử với 6 cường quốc thế giới, cách riêng với Hoa Kỳ, nhất là sau khi nước này loan báo rút tên Iran ra khỏi danh sách những nước bảo trợ cho khủng bố. Rồi đây, sau khi các cuộc cấm vận được tháo gỡ, nước này sẽ mở cửa ra với các nước. Mối thù đối với Hoa Kỳ có lẽ đã dịu xuống. Nhưng như Ký giả Rezaian đã nhận xét “tiêu diệt Hoa Kỳ” vẫn mãi mãi là một giá trị cốt lõi của cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran. Như vậy, bao lâu Iran vẫn còn là một “Cộng Hòa Hồi Giáo” được đặt dưới sự cai trị của một lãnh tụ tôn giáo tối cao, thì khẩu hiệu chống Mỹ ấy vẫn còn sống mãi.

Hơn ai hết, người Việt Nam hiểu được hiện tượng ấy khi so sánh “Cộng Hòa Hồi Giáo Iran” với “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Mỹ và được chính phủ Mỹ long trọng đón tiếp. Nhiều lãnh tụ chóp bu Cộng sản Việt Nam cũng đã từng được vinh dự ấy. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lại còn tỏ ra “thân Mỹ” hơn ai hết, bởi vì hai người con của ông đã được ông dùng tiền ăn cướp của dân để gởi sang du học tại Mỹ và riêng con gái ông đã lấy một tên “Việt Kiều” con của “Ngụy quân” và nay đã nhập quốc tịch Mỹ. Vậy mà trong bài diễn văn đọc trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, ông vẫn ra rả lên tiếng “chống Mỹ cứu nước”. Hãy thử nghe lại một đoạn: “Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo Cách mạng miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở Miền Bắc. Chúng đã gây ra bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta”. Hãy thử đặt mình vào địa vị của cô con gái cưng vừa nhập quốc tịch Mỹ của ông, người con rể của ông, cháu ngoại của ông, gia đình thông gia của ông và nước Mỹ mà ông luôn tỏ ra muốn thân thiện với, để xem ông thủ tướng này có thật sự hiểu điều mình muốn nói không. Thì ra, với người Cộng Sản Việt Nam, miệng thì vẫn hô hào “chống Mỹ cứu nước”, nhưng bụng dạ và bao tử thì vẫn hướng về nước này.

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Mê Cung Hy Lạp


Chu Thập
10.7.15
Trong thời gian gần đây, Hy Lạp đã trở thành điểm nóng của thế giới. Tin tức hàng đầu thế giới hầu như lúc nào cũng hướng về Hy Lạp. Và kết thúc, hay đúng hơn khởi đầu của một cuộc khủng hoảng mới của nước này đã được xác định: kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được chính phủ cho tổ chức vào cuối tuần qua (4-5/7/2015) đã cho thấy dân chúng nước này đã nói “không” với những đề nghị thắt lưng buộc bụng như một điều kiện để được các chủ nợ Âu Châu tiếp tục cho vay mượn. Nói “không” với các biện pháp do các chủ nợ Âu Châu áp đặt có nghĩa là ra khỏi khối “Euro” (Âu Kim) gồm 19 nước Âu Châu và cũng có thể là từ giã liên hiệp chính trị gồm 28 nước Âu Châu khác. Ngoài ra, trở lại với đồng “Drachma” cũng có nghĩa là trở về với lạm phát, sử dụng “tiền mã” mà một thủ tướng cực tả và mị dân Alexis Tsipras tha hồ cho in ra. Ra khỏi khối  “Âu Kim” rất có thể cũng có nghĩa là rơi vào vòng tay của con chó sói Nga đang chờ đợi trước cửa nhà hoặc con bạch tuộc Trung Cộng với cái vòi lúc nào cũng vươn ra biển xa. “Không” hay “có”, ra đi hay ở lại trong khối “Âu Kim”...đàng nào Hy Lạp cũng rơi vào một thứ “mê hồn trận” không lối thoát.
Tôi thấy thương cho đất nước và dân tộc đã từng khai sáng cho thế giới về triết học, khoa học và ngay cả về dân chủ. Suy nghĩ về vận mệnh của đất nước này, tôi thường liên tưởng đến điều thường được gọi là “bi kịch Hy Lạp”.
Thời còn đi học, tôi có dịp tham gia diễn xuất trong vở kịch có tựa đề “Vua Oedipe” (Oedipe Roi), một phóng tác từ một bi kịch của kịch tác gia nổi tiếng của Hy Lạp Sophocles (496 - 406 trước Công nguyên). Theo câu truyện, Oedipe vừa lên ngôi tại thành Thebes, sau khi đã giết được Laios, vua thành này và cưới người vợ góa của ông. Không bao lâu sau khi vua Oedipe lên ngôi thì trong thành Thebes đã xảy ra một trận dịch sát hại dân chúng cũng như gây thiệt hại cho súc vật và mùa màng. Theo thần thoại Hy Lạp, người dân Thebes tin rằng chính thần Apollo đã gởi ôn dịch đến để trừng phạt dân chúng vì một tội ác tày đình đã xảy ra trong thành. Nhà vua sai người đến đền thờ Apollo để tìm hiểu lời sấm về vấn đề này và quyết tâm đưa ra ánh sáng về tội ác mà ai đó đã phạm. Để tiến hành cuộc điều tra, ông cho triệu vào hoàng cung một thày bói nổi tiếng tên là Tiresias. Lúc đầu, ông thày bói này do dự không muốn nói lên sự thật. Nhưng bị tra gạn tới cùng, ông mới tiết lộ rằng thủ phạm gây ra tội ác khiến thần Apollo phải thịnh nộ gởi ôn dịch đến không ai khác hơn là chính nhà vua. Theo dẫn giải của thày bói Teresias, khi Oedipe chào đời, vua Laios và hoàng hậu Jocaste đã nhận được một lời sấm cho biết sau này con trai của họ sẽ giết cha và cưới mẹ làm vợ. Sợ điều đó sẽ xảy ra, vua và hoàng hậu mới lén lút cho người đưa đứa con còn đỏ hỏn của mình lên một vùng núi và giao cho một mục tử. Riêng hoàng hậu Jocaste còn ra lệnh cho người mục tử phải ra tay giết đứa con của mình, nhưng người này đã lén lút trao cậu bé cho vua và hoàng hậu thành Corinthe  để nhận làm con nuôi. Được lớn lên trong hoàng cung, Oedipe vẫn tin tưởng rằng cha mẹ ruột của mình là vua và hoàng hậu thành Corinthe. Đến tuổi trưởng thành, hoàng tử Oedipe đã vâng lệnh vua cha mở cuộc chinh phạt sang thành Thebes và lời sấm đã được ứng nghiệm: chàng thanh niên đã giết vua Laios, tức cha mình và cưới hoàng hậu Jocaste, tức mẹ mình. Kết quả cuộc điều tra đã đặt vua Oedipe trước một sự thật phũ phàng. Biết không thể chạy trốn khỏi sự thật, Oedipe đã tự móc mắt và rời bỏ cung điện để đi lang thang, chấp nhận bị nguyền rủa bởi định mệnh nghiệt ngã của mình. Nó nghiệt ngã hơn nhiều so với thứ “mặc cảm Oedipe” mà cha đẻ của phân tâm học Sigmund Freud (1856-1939) nói đến khi ông giải thích về sự gắn bó và hướng chiều tự nhiên của con trai đối với mẹ.
Định mệnh của Oedipe quả là khắc nghiệt. Khắc nghiệt đến nỗi, dù có cố gắng “nhập vai” cách mấy, tôi cũng không thể nào có thể sống được bi kịch này. So với bi kịch của Thúy Kiều hay ngay cả Vi Cố trong sự tích Tơ Hồng, tôi vẫn thấy “bi kịch Hy Lạp” là một định mệnh khủng khiếp, vượt quá óc tưởng tượng và sức chịu đựng của con người. Nhưng đây lại là một trong những đề tài rất ăn khách của các kịch tác gia nổi tiếng của Hy Lạp vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên như Eschyles, Sophocles và Euripides. Thật ra các nhà tư tưởng này cũng chỉ diễn tả một niềm tin rất phổ biến của người Hy Lạp vào thời đó. Thuyết định mệnh, theo đó con người bị đè bẹp dưới sức nặng của một thứ số phận bất khả di dịch do thần linh áp đặt, là niềm tin rất phổ biến của người Hy Lạp thời cổ. Trước những biến cố không thể giải thích được, con người đi tìm một giải thích dễ dãi nhứt: cứ gán cho thần linh là xong chuyện!
Nhưng “bi kịch Hy Lạp” xem ra không chỉ có ở Hy Lạp. Qua Truyện Kiều, dường như cụ Tiên Điền Nguyễn Du cũng có cùng một niềm tin như thế khi cụ than thở: “Ngẫm hay muôn sự tại Trời. Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần, phải phong trần. Cho thanh cao, mới được phần thanh cao”.
“Muôn sự tại Trời”: đã “trót mang tiếng khóc vào đời”, hẳn ai cũng có một định mệnh hay số phận nào đó mà mình không thể thay đổi. Tôi đâu có được hỏi ý kiến để được sinh ra. Tôi đâu có chọn lựa cha mẹ để làm người. Tôi cũng đâu có quyền để chọn lựa phái tính. Tôi mang theo cả một “lộ đồ gen” di truyền khiến tôi không thể tránh khỏi một số bệnh tật. Tôi cũng chẳng được hỏi có muốn làm người Việt Nam hay không...Đó là định mệnh mà tôi không thể nào thay đổi hay đảo ngược được.
Tuy nhiên, khi nhìn lại cuộc hành trình và những cố gắng để sống cho ra người, tôi lại thấy mình là một người có tự do. Dĩ nhiên, có biết bao nhiêu lần trong cuộc đời tôi đã làm những quyết định nông nổi, thiếu suy nghĩ, thiếu tự do, cứ như thể tôi bị thúc đẩy bởi những “nội lực” mù quáng, hoàn toàn nằm bên ngoài sự kiểm soát của lý trí và ý chí. Nhưng bù lại, cũng có biết bao nhiêu lần, trước khi làm một điều gì đó, tôi thấy mình cũng đã suy nghĩ, đắn đo và cuối cùng nhận lấy tất cả trách nhiệm về hành động của mình. Tôi thấy mình là một con người có tự do. Tự do để suy nghĩ và chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Tự do để không chấp nhận đầu hàng trước nghịch cảnh và những thách đố trong cuộc sống.
Tôi không phải là người đơn độc trong việc sử dụng tự do và chấp nhận trách nhiệm về cuộc sống và việc làm của mình. Xung quanh tôi có biết bao nhiêu người, dù sinh ra dưới một ngôi sao còn xấu hơn ngôi sao của tôi nhiều, vẫn “vượt qua được số phận” để có một cuộc sống tốt đẹp và hữu ích cho xã hội. Ngoài ra, xã hội loài người cũng mặc nhiên chấp nhận thuộc tính cao quý nhứt của con người là tự do. Bất cứ một bản án hay nhà tù nào cũng đều là một bằng chứng về tự do và trách nhiệm của con người. Ai cũng chấp nhận một cách suy nghĩ thông thường: có làm có chịu chớ không đổ lỗi cho người khác hay trời gần trời xa nào cả!
Suy nghĩ về tự do và trách nhiệm của bản thân, tôi thấy những phạm trù như định mệnh và số phận không phải là một thứ an bài bất biến hay nghiệt ngã được sắp xếp bởi một ông Trời, một Thượng Đế hay thần linh nào đó nhằm để ân thưởng hay trừng phạt con người vì một tội ác nào đó. “Bi kịch” của người Hy Lạp, xuyên qua bi kịch của vua Oedipe, chính là lúc nào cũng cảm thấy có một bàn tay của thần linh hay thượng đế đè nặng trên mình vì tội ác của mình hoặc ngay cả tội ác của một người khác chẳng có liên hệ gì đến mình. Không biết đó có phải là một thứ tâm lý thông thường của con người từ cổ chí kim không. Ngay cả trong Kitô giáo mà tôi đã thấm nhuần từ tấm bé, dường như sự trừng phạt của Thượng Đế lúc nào cũng rình rập các tín hữu. Ngay từ thế kỷ thứ 5 sau công nguyên, khi vua Attila của người Hung từ miền Bắc Âu Châu tràn xuống phía nam, đe dọa đế quốc La Mã theo Kitô giáo, người ta đã bắt đầu có lối suy nghĩ như thế. Đoàn quân của Attila đi đến đâu reo giắc kinh hoàng đến đó. Truyền thống Kitô giáo xuyên qua các thời đại đã gọi ông là “tai họa do Đức Chúa Trời” (Fléau de Dieu) giáng xuống hoặc là “chiếc roi” (Rotin de Dieu) Đức Chúa Trời dùng để trừng phạt  đế quốc La Mã - Kitô giáo tội lỗi.
Khi đế quốc  cộng sản được thiết lập ở Nga và nhuộm đỏ hầu như toàn thế giới, cũng không thiếu người giải thích các biến cố theo nhãn quan ấy: Đức Chúa Trời đã dùng cộng sản để thanh luyện loài người! Gần đây, khi dịch bệnh liệt kháng AIDS/HIV lan tràn khắp thế giới, một lối giải thích như thế cũng được đưa ra: Đức Chúa Trời lại dùng thứ dịch bệnh khủng khiếp này để trừng phạt loài người vì sự sa đọa vô phương cứu chữa của nó!
Tôi thấy thần Apollo của thần thoại Hy Lạp quả là bất công và độc ác. Dĩ nhiên, trong thần thoại Hy Lạp, ông thần và bà thần nào mà không cư xử với đủ thứ hỷ nộ ái ố...của loài người. Ông thần này không những bắt Oedipe phải gánh chịu một định mệnh khắc nghiệt không lối thoát, lại còn buộc tội ông để trừng phạt thần dân của ông. Đức Chúa Trời của tôi, xuyên qua lịch sử của dân Do Thái và trong cách suy nghĩ của không ít tín hữu Kitô ngày nay, cũng đâu có kém gì. Để giải thoát “dân riêng” của Ngài, Ngài đã sai một vị sứ thần xuống tàn sát tất cả những đứa con đầu lòng của người Ai Cập. Tôi thấy thương cho những nạn nhân non dại ấy: chẳng có tội tình gì mà phải bị trừng phạt một cách dã man. Tôi cũng thấy thương cho không biết bao nhiêu trẻ em bên Phi Châu: chỉ  vì tội lỗi của loài người nói chung hay của người dân lục địa đen này nói riêng, mà phải bị “trừng phạt” để mang bệnh AIDS/HIV, phải mồ côi từ nhỏ và gánh chịu một định mệnh khắc nghiệt và tàn nhẫn!
Với những vị thần hay một Thượng Đế như thế, tôi tuyên xưng mình là một kẻ “vô thần”. Tôi không tin có một thần linh nào vì tội lỗi của loài người mà bắt một số người phải gánh chịu một định mệnh khắc nghiệt và tàn nhẫn như trong “bi kịch Hy Lạp”.
Trong cố gắng sống cho ra người tử tế, tôi biết mình có tự do. Tự do để suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình. Tự do để nói lên điều mình suy nghĩ chớ không trở thành cái loa của những người đã tước đoạt tự do của tôi. Tự do để sống thật với con người của mình. Tự do để không những cố gắng vượt qua vô vàn trở ngại trong cuộc hành trình làm người của mình đã đành, mà còn để chấp nhận trách nhiệm về các hành động của mình. Tự do để giúp người khác xoay đổi “định mệnh” để họ có thể có một cuộc sống tự do và tốt đẹp hơn. Đó là một cuộc chiến đấu cam go, nhưng hùng tráng.