31.03.17

Năm 2014, một nhà
đạo diễn đã muốn thực hiện một cuốn phim tài liệu về vấn đề này. Nhưng một đại
diện của tổ chức “Bons Secours” khẳng định rằng không hề có bất cứ một ngôi mồ
tập thể nào như thế cả. Đại diện của
“Bons Secours” còn nói rằng ngay cả cảnh sát địa phương cũng đã đến tận nơi để
điều tra và họ cũng chỉ tìm thấy một vài nắm xương của một số nạn nhân của nạn
đói đã từng xảy ra trong vùng. Tuy nhiên lời giải thích này của tổ chức “Bons
Secours” đã không thuyết phục được Ủy ban được Chính phủ Ái Nhĩ Lan thành lập để
điều tra về những vụ lạm dụng xảy ra trong các cơ sở công giáo.
Đối với nhiều người Ái Nhĩ Lan, việc khám phá những mồ
chôn tập thể các thơ nhi tại Tuam đã khơi dậy những kỷ niệm
đau buồn về cách đối xử đối với các thiếu nữ có mang ngoài hôn nhân.
Năm 1961, các nữ tu cho đã đóng cửa trung tâm dành cho
các thiếu nữ có mang ngoài ý muốn tại Tuam. Nhưng mãi cho đến năm 1988, Louise
Gallagher là một trong số rất nhiều thiếu nữ bất hạnh vẫn còn sống trong một trung
tâm tương tự như thế. Khi hay tin ngôi mồ tập thể có chứa đựng xương cốt của
800 hài nhi được khám phá tại Tuam, người thiếu phụ 44 tuổi này nói rằng chị sẽ
không bao giờ quên được những gì đã diễn ra trong trung tâm nơi chị đã từng tá
túc.
Là một thiếu nữ sống tại một miền quê Ái Nhĩ Lan, năm 16
tuổi Louise lâm cảnh “không chồng mà chửa”. Vào thời điểm đó, đối với Giáo hội
Công giáo và xã hội Ái Nhĩ Lan nói chung, “không chồng mà chửa” là một vết nhơ
không thể tha thứ được. Với sự dàn xếp
giữa mẹ cô, một bác sĩ ở địa phương và “Cura” (Chăm sóc), một tổ chức của Giáo
hội Công giáo chuyên đối phó với nạn chữa hoang, Louise đã được gởi đến một trung tâm có tên là “Ngôi
nhà của Mẹ và Con” (Mother and Baby Home) do các nữ tu tại Thành phố Dunboyne,
Quận Meath County, điều khiển. Cô đã sống ở đó 2 tháng. Cô cho biết khi cô đặt
chân đến đó thì trung tâm đã đầy người. Vì không có đủ giường, cô đã phải ngủ
trên sàn nhà.
Trung tâm “Nhà của Mẹ và Con”, tuy do các nữ tu công giáo
điều khiển, nhưng vẫn nhận được sự tài trợ của Chính phủ Ái Nhĩ Lan. Để tránh lời
ra tiếng vào và nhất là sự nguyền rủa của cộng đồng, các bậc phụ huynh thường
đem những cô con gái bất hạnh của mình đến gởi ở đó.
Những người mẹ trẻ bị đối xử tàn tệ bao nhiêu thì những đứa
con của họ càng khốn khổ bấy nhiêu. Và nỗi đau của những người mẹ bất hạnh và những
đứa con không được Giáo hội và xã hội thừa nhận ấy đã kéo dài trong cả một thế
kỷ tại Ái Nhĩ Lan. Vì thiếu dinh dưỡng cũng như không được chăm sóc đầy đủ, đã
có hàng ngàn thơ nhi qua đời. Người ta mang xác của chúng vùi xuống những ngôi
mồ tập thể trong những mảnh đất do Giáo hội Công giáo sở hữu.
Nhiều thiếu nữ được gởi đến các trung tâm của Giáo hội
khi còn là vị thành niên. Bị cưỡng bách phải trao con của mình cho các cha mẹ
nuôi, họ phải ký giấy tờ trước mắt các nữ tu và nhân viên xã hội.
Bà Louise kể lại thời gian sống trong trung tâm “Nhà của
Mẹ và Con” tại Thành phố Dunboyne. “Họ dùng chúng tôi để làm tiền” bằng nhiều
việc làm khác nhau. Ngay cả khi con của những cô gái này bị bắt mang đi, các nữ
tu xem đây như một thứ ân huệ và các cô gái phải tỏ ra biết ơn. Riêng về việc
“kinh doanh từ thiện”, bà Louise kể lại rằng các nữ tu thương lượng với chính
phủ để “ngã giá” về số phận của những cô gái lỡ thì này. Một cô gái nằm cùng
phòng với bà Louise cho biết cha mẹ cô đã phải tặng một số tiền lớn cho các nữ
tu và những cặp vợ chồng nào nhận con nuôi cũng phải làm như thế.
Câu chuyện của bà Louise gợi lại vô số những thảm cảnh mà
các thiếu nữ và thiếu phụ đã phải trải qua trong các trung tâm do Giáo hội Công
giáo điều khiển. Theo ước tính có đến 30.000 phụ nữ và thiếu nữ vị thành niên
đã bị giam giữ trong các trung tâm như thế vì nhiều lý do khác nhau, nhất là vì
mang thai ngoài hôn nhân. Họ đã bị cưỡng bách phải làm việc dài giờ trong những
điều kiện tồi tệ mà không nhận được một đồng lương nào. Đây là một sự bóc lột sức lao
động tàn nhẫn chẳng khác nào thời kỳ nô lệ.
Một số phụ nữ đã phải lao động như thế ngay từ khi bị đẩy
vào các trung tâm này. Rất nhiều phụ nữ khác, một khi đã rời khỏi các trường dạy
nghề, liền được gởi đến các cơ sở làm ăn của các nữ tu, mà giặt ủi là điển hình
nhất.
Một trong những cơ sở giặt ủi được chú ý tới nhiều nhất
là xưởng giặt ủi “Magdalene Laundries”. Năm 2011, một nhóm bênh vực cho những
người còn sống sót từ xưởng giặt ủi này đã đệ đơn tố cáo lên Ủy ban chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc (UNCAT: United Nations
Committee Against Torture). Trong một phiên xử sau đó, Chính phủ Ái Nhĩ Lan đã
biện hộ cho các xưởng giặt ủi này với lý do là hầu hết các phụ nữ làm việc tại
các cơ sở này đều là những người tình nguyện hoặc được sự đồng ý của cha mẹ họ.
Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu cho mở một cuộc điều tra
toàn diện về những xưởng giặt ủi này. Năm 2013, sau cuộc điều tra, Ủy ban Chống
Tra tấn của Liên Hiệp Quốc đã cho công bố một bản phúc trình đầy đủ về những lạm
dụng và bất công xảy ra trong các xưởng giặt này. Một tổ chức đại diện cho các
nạn nhân đã yêu cầu chính phủ Ái Nhĩ Lan xin lỗi các nạn nhân. Nhưng Thủ tướng
Enda Kenny đã từ chối lời yêu cầu này.
Các nạn nhân của những xưởng giặt ủi này nói rằng họ đã
phải làm việc như những người nô lệ. Nhiều người Ái Nhĩ Lan, bất mãn và mất niềm
tin đối với một Giáo hội Công giáo đã bị hoen ố vì các hành động ấu dâm của
hàng giáo sĩ, đã tổ chức những cuộc xuống đường để bày tỏ sự nâng đỡ và ủng hộ
đối với các nạn nhân. Báo chí cũng tiếp tay phanh phui và lên án các hành động
lạm dụng trong các xưởng giặt ủi. Thủ tướng Kenny đã phải lên tiếng xin lỗi và
nhận một phần trách nhiệm trong việc đối xử tàn tệ đối với các phụ nữ trong các
xưởng giặt ủi này. Tuy nhiên, 3 năm đã trôi qua, một sự đền bù cân xứng cho các
phụ nữ nạn nhân trong các xưởng giặt ủi này vẫn chưa được thực hiện như chính
phủ đã hứa.
Về phần mình, mặc dù ngôi mồ tập thể các thơ nhi tại Tuam
đã được khám phá, các hành vi lạm dụng đã được phơi bày ra ánh sáng và mặc dù Bộ
Y Tế Ái Nhĩ Lan đã có một lập trường cứng
rắn về vấn đề này, các dòng nữ tu Ái Nhĩ Lan vẫn chưa chịu đền bù cân xứng cho những người phụ nữ có con bị chết
hay bị mang đi để được nhận làm con nuôi. Theo ước tính, số tiền bồi thường vì
những hành vi lạm dụng này có thể lên đến khoảng 1.6 tỷ Mỹ kim. Nhưng cho tới
nay, số tiền bồi thường do các dòng nữ chấp nhận đóng góp chỉ mới được khoảng
207 triệu Mỹ kim. Theo một dân biểu độc lập trong Quốc hội, cả Giáo hội Công
giáo lẫn chính phủ Ái Nhĩ Lan đều tìm
cách phủi tay trong vấn đề bồi thường.
Ngoài việc lẩn tránh trách nhiệm phải bồi thường cho cân
xứng, các dòng nữ cũng bị tố cáo đã tìm cách bịt miệng những ai dám lên tiếng về
những vụ lạm dụng trong các trung tâm dành cho các cô nhi và con cái của những
người mẹ “không chồng mà chửa”.
Tom Wall, một cô nhi xuất thân từ một trung tâm dành cho
các cô gái mang thai ngoài ý muốn, đã được gởi đến một trường dạy nghề do dòng
“Các Sư huynh Công giáo” (Christian Brothers) điều khiển. Tom Wall được gởi đến
trung tâm dạy nghề này sau khi một thẩm phán đã ký lệnh giao cậu cho Giáo hội
chăm sóc. Tom Wall đã ở trong trung tâm dạy nghề này từ năm 1952 đến năm 1965.
Đó là năm cậu được 16 tuổi. Trong suốt 13 năm này, Tom Wall cho biết cậu đã bị
lạm dụng tình dục và đánh đập tàn nhẫn. Nay Tom Wall đã viết một cuốn sách về
giai đoạn này và hiện đang mở một trận chiến pháp lý với “Các Sư huynh Công
giáo”, vốn đang tìm cách che đậy các vụ lạm dụng. Tom Wall cho biết: năm 1973,
các “Sư huynh Công giáo” đã rời khỏi Thành phố Glin, nơi có trung tâm dạy nghề
được Tom Wall theo học. Anh đã được Sư huynh Bề trên tại đây yêu cầu phải đốt hết
tất cả mọi tài liệu mà ông đã trao cho anh. Dù vậy, Sư huynh này cũng nói rằng
anh có thể giữ lại tài liệu nào anh thấy cần giữ. Năm 2015, Tom Wall đã trao xấp
tài liệu anh còn giữ cho Đại học Limerick.
Tom Wall là người thiếu niên cuối cùng được gởi đến trường
dạy nghề của các Sư huynh Công giáo. Nhưng cuộc chiến pháp lý giữa anh và các
tu sĩ này hiện vẫn chưa kết thúc.
Các Sư huynh Công giáo khẳng định rằng hồ sơ và thư từ của
thân nhân gởi cho các thiếu niên thuộc quyền sở hữu của họ và Giáo hội Công
giáo chứ không thuộc về văn khố của các đại học. Đây là thái độ mà Tom Wall,
nay đã 67 tuổi, không thể hiểu được: một mặt các Sư huynh Công giáo bị tố cáo
đã có những hành vi bạo hành và lạm dụng tình dục đối với trẻ em, mặt khác họ lại
đòi quyền sở hữu những tài liệu ghi lại cuộc sống của những trẻ em này!
Giáo hội Công giáo tại Ái Nhĩ Lan mà các dòng nữ, các Sư
huynh Công giáo cũng như hàng giáo sĩ là những thành phần cốt cán, là một trong những tổ chức tôn giáo đang phải
đối phó với rất nhiều tai tiếng về lạm dụng tình dục đối với trẻ em, nhưng lại
tỏ ra rất ít dấu hiệu cho thấy có sự hối tiếc. Cùng với việc khám phá mồ chôn tập
thể thơ nhi tại Tuam, những tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em của các Sư
huynh Công giáo và nhất là hàng giáo sĩ Ái Nhĩ Lan đã làm rung chuyển Giáo Hội
có tỷ lệ công giáo lớn nhất tại Âu Châu. Và dĩ nhiên, không đâu niềm tin của
các tín hữu đối với Giáo hội bị xói mòn cho bằng tại Ái Nhĩ Lan. Mồ chôn tập thể
800 thơ nhi tại Tuam cũng chính là mồ chôn niềm tin của họ.
(nguồn:
http://www.aljazeera.com/indepth/features/2017/03/mass-graves-ireland-long-history-church-abuse)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét