Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Phần thưởng của hòa bình


Chu Thập
23.10.15

Cứ vào tháng 10 mỗi  năm,  đến mùa Giải Nobel Hòa Bình, tôi lại nôn nao đón đợi kết quả. Có khi cũng hồi hộp chẳng khác nào theo dõi Giải Túc Cầu Thế Giới. Cũng có kẻ thắng  người thua. Chỉ khác một điều là trong Giải Nobel Hòa Bình, tôi tin chắc rằng những con người yêu chuộng hòa bình đích thực chẳng tỏ ra buồn bã hay ganh  tức, mà trái lại còn vui mừng khi thấy vinh dự được dành cho một người khác. Nhưng một người phàm phu tục tử như tôi thì thường không có được một phản ứng như thế. Không những thất vọng mà có lúc tôi còn bực tức và phẫn nộ là khác. Chẳng hạn như chuyện xảy ra hồi năm 1973 khi Ủy ban Nobel Hòa Bình trao giải thưởng cao quý này cho hai ông Henry Kissinger, ngoại trưởng Mỹ và bộ trưởng ngoại giao cộng sản Hà Nội lúc bấy giờ là ông Lê Đức Thọ (1911-1990) vì điều được gọi là “ có công trong việc thương thuyết để đạt được cuộc ngưng bắn trong cuộc chiến Việt Nam”. Cuộc ngưng bắn nào thì thế giới đã rõ. Như tạp chí Time lúc bấy giờ đã ghi nhận, có cả một làn sóng phẫn nộ đã dấy lên khi Giải Nobel Hòa Bình được trao cho hai nhân vật mà người ta cho là đã tạo ra và tiếp tục đeo đuổi chiến tranh. Một độc giả của tạp chí này ví von rằng “trao giải Nobel Hòa Bình cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ thì chẳng khác nào trao giải thưởng cho tú bà “Xaviera Hollander” (một cô gái điếm Hòa Lan nổi tiếng) vì “nhân đức cao cả” của bà”. Ông Lê Đức Thọ đã từ chối giải thưởng này, bởi vì sợ “há miệng mắc quai”. Làm sao dám nhận một giải thưởng như thế khi chữ ký trong Hiệp Định Paris chưa ráo mực, quân đội cộng sản Bắc Việt đã ngang nhiên xé bỏ hiệp định và ào ạt tràn xuống Miền Nam. Ông Lê Đức Thọ không trơ trn đến độ đến Oslo để nhận tấm bằng tưởng thưởng cùng với một món tiền hậu hĩ và đăng đàn thuyết pháp về hòa bình trong khi vẫn còn giắt dao găm trong bụng.
Đó là lần trao tặng Giải Nobel Hòa Bình khiến tôi buồn bã và thất vọng nhứt về Giải này. Tôi cứ tưởng tượng cái cảnh mấy vị trong Ủy ban vừa ngủ gật vừa bỏ phiếu. Hoặc tệ hại hơn, các vị nhảy múa và đùa giỡn trên chính sự chết chóc và đau khổ của cả một dân tộc. Với tôi, chính cái giải Nobel Hòa Bình “chết tiệt” ấy đã góp phần làm cho Miền Nam Việt Nam bị bức tử và đày đọa cả một dân tộc vào khốn khổ triền miên. Nhìn lại quyết định oái oăm ấy, tôi sợ rằng rồi đây biết đâu Ủy ban Nobel Hòa Bình lại chẳng trao tặng giải thưởng này cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vì “ đã có công giúp ổn định tình hình tại Syria” sau khi đưa quân đội vào nước này để bóp nghẹt mọi khát vọng tự do và dân chủ của người dân và củng cố chế độ độc tài của ông Bashar al-Assad. Hoặc giả biết đâu, nếu sự thể diễn ra đúng như tin đồn trong mấy ngày vừa qua, thủ tướng Việt Cộng Nguyễn Tấn Dũng sẽ giải thể Đảng Cộng Sản Việt Nam để tiến tới độc tài cá nhân và Ủy ban Nobel Hòa Bình lại chẳng trao giải cho ông. Lúc đó, có lẽ tôi không chỉ thất vọng hay phẫn nộ, mà chỉ còn biết cười ra nước mắt.
Nếu tôi đã phẫn nộ khi Giải Nobel Hòa Bình được trao tặng cho hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ hồi năm 1973, thì năm 2009, khi giải này được trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng như ông này, tôi rất đỗi “ngạc nhiên”. Trước khi ra tranh cử tổng thống, ông thượng nghị sĩ chỉ mới có vài ba năm tham gia chính trường, đã chẳng có bất cứ một thành tích nào trong sự nghiệp mưu cầu hòa bình cho thế giới. Rồi sau một năm lên lãnh đạo quốc gia hùng mạnh nhứt trái đất, ông cũng chẳng làm nên trò trống gì cho hòa bình thế giới. Không biết Ủy ban Nobel có ngủ gật nữa không khi bỏ phiếu chọn ông. Còn như quyết định trao tặng giải thưởng cao quý này cho ông Obama để hy vọng ông sẽ tỏ ra tích cực hơn trong việc mưu cầu hòa bình thế giới, thì như ông Geir Lundestad, đương kim chủ tịch của Ủy ban đã nói với hãng thông tấn AP, ông hối tiếc vì đã trao giải thưởng cho ông Obama. Bên kia nấm mồ,  Alfred Nobel (1801-1872), người đã muốn xóa bỏ danh hiệu “ông vua chất nổ” mà người ta đã gán cho mình  khi lập di chúc dành tài sản kết xù của mình để lập ra giải này, hẳn phải hối tiếc hơn, nhứt là khi giải này được trao tặng cho những kẻ nhân danh hòa bình để ngồi xổm trên sự chết chóc và nỗi khổ đau của cả một dân tộc như hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ.
Tôi đã thất vọng, phẫn nộ và ngạc nhiên về một số Giải thưởng Nobel Hòa Bình. Nhưng ít ra năm nay, dù có chút ngạc nhiên, tôi vẫn cảm thấy phẩn khởi khi giải này được trao cho 4 người Tunisia đã có công trong việc góp phần xây dựng nền dân chủ tại nước này sau cuộc cách mạng Hoa Lài hồi năm 2011. Cuộc cách mạng Hoa Lài đã mang lại một luồng gió dân chủ cho quốc gia Bắc Phi này. Nhưng con đường dân chủ có nguy cơ bị tắt nghn sau khi liên tục xảy ra những vụ ám sát chính trị, khủng bố và tình trạng xã hội ngày càng bất ổn. Chính vì muốn đứng ra làm trung gian hòa giải và tạo động lực để thúc đẩy nền dân chủ còn non nớt của Tunisia mà năm 2013, 4 người đại diện cho 4 tổ chức là Liên Đoàn Lao Động, Liên Đoàn Kỹ nghệ, Thương mại và Thủ công cùng với Liên minh Nhân quyền và Luật sư đoàn, đã thành lập một tổ chức chung để đề ra một giải pháp chính trị ôn hòa. Chỉ trong hơn một năm, nhóm 4 tổ chức này đã giúp thiết lập được hệ thống chính quyền có khả năng bảo đảm được những quyền căn bản cho người dân.
Thông thường, từ trước đến nay, Giải thưởng Nobel Hòa Bình  chỉ đề cao nỗ lực của các chính trị gia, những nhà tranh đấu cho nhân quyền bằng còn đường bất bạo động, các nhà từ thiện, các cá nhân hoạt động cho quyền dân sự hoặc các tổ chức quốc tế. Với chiến tranh và bạo động diễn ra khắp nơi và như cơm bữa, dường như những lời kêu gọi hòa bình đã trở thành tiếng sáo rỗng đối với hàng triệu triệu người mà tiếng nói đã bị bom đạn, dùi cui, báng súng và nhà tù bóp nghẹt.
Năm nay, khi Ủy ban Nobel Hòa Bình đã quyết định trao tặng Giải thưởng cao quý này cho nhóm mà thế giới gọi là “Bộ Tứ Đối Thoại Quốc Gia” (The National Dialogue Quartet) ở Tunusia, trong đó đáng chú ý nhứt là các công đoàn, sức mạnh của tiếng nói tập thể của người dân đã được thế giới nhìn nhận. Giải Nobel Hòa Bình năm nay đã thực sự nhìn nhận sức mạnh của tiếng nói ấy trong việc xây dựng một xã hội hài hòa, hòa bình và ổn định.
“Bộ Tứ Đối Thoại Quốc Gia” tại Tunisia thật ra chỉ là đại diện của vô số tiếng nói thầm lặng trong xã hội nước này. Sở dĩ “Bộ Tứ” này thành công trong việc góp phần xây dựng một xã hội dân chủ và ổn định là nhờ có bàn tay góp sức của không biết bao nhiêu người thiện chí khác không thiếu trong xã hội. Tất cả những cuộc cách mạng bất bạo động trong lịch sử gần đây đã thành công là nhờ sức mạnh của vô số những tiếng nói và sự góp công âm thầm ấy.
Tôi vẫn luôn cố gắng nuôi dưỡng tinh thần lạc quan mỗi khi nhìn vào thế giới. Và điều giúp tôi lạc quan chính là sức mạnh của vô số những tiếng nói âm thầm trong xã hội. Tin một viên cảnh sát Úc bị một thiếu niên cuồng tín bắn gục trước đồn tại Parramatta quả là một tin buồn. Nhưng tôi cũng cảm thấy thật phấn khởi khi các nhà lãnh đạo tôn giáo trong đó có vị Đại giáo trưởng Hồi giáo, Tiến sĩ Ibrhim Abu Mohammed, đã đồng thanh lên án hành động man rợ này cũng như mọi hình thức khủng bố khác. Các vị này chắc chắn đã nói lên tiếng nói của đám đông âm thầm, dù thuộc chủng tộc, văn hóa hay tôn giáo nào tại Úc Đại Lợi này.
Thế giới đang theo dõi những cuộc bạo động vừa mới bùng nổ tại Israel trong những ngày vừa qua. Những cuộc bạo động đẫm máu như thế đã trở thành tin hàng đầu của các cơ quan truyền thông trên thế giới. Nhưng theo tôi, đáng chú ý và đáng được đưa lên tin tức hàng đầu hơn phải là sự kiện có hàng  ngàn người gồm Do Thái và Á Rập đã sát cánh bên nhau trong một cuộc biểu tình tại Jerusalem để kêu gọi cả hai phía Israel lẫn Palestine hãy chấm dứt các cuộc bạo động và mở lại các cuộc hòa đàm. Đoàn biểu tình đã trưng lên biểu ngữ:Do Thái và Á Rập không chấp nhận là kẻ thù của nhau”. Một giáo viên Do Thái  đã nói với các phóng viên rằng ông tham gia cuộc biểu tình là để chứng minh rằng người Do Thái và người Á Rập, người Israel và người Palestine, có thể đứng chung với nhau vì hòa bình của hai dân tộc. 2000 người có mặt trong cuộc biểu tình không phải là một đám đông đáng kể, nhưng cũng đủ để đại diện cho số đông thầm lặng mong muốn được sống yên ổn, hòa bình hơn là phải triền miên lo sợ vì bạo động.
Xét cho cùng, ngoại trừ những kẻ cuồng trí, những tên đồ tể hay những lãnh tụ có đầu óc bá quyền, dù thuộc chủng tộc, văn hóa hay tôn giáo nào, ai cũng mong được sống trong hòa bình. Chế độ nào cũng dễ tồn tại bằng đường lối cai trị hòa bình hơn là chiến tranh. Niccolò Machiavelli (1469-1527), sử gia, chính trị gia và triết gia người Ý với tác phẩm để đời “Il Principe” (quân vương) và tên tuổi đồng nghĩa với “gian trá, xảo quyệt”, lại nói một câu đáng ngạc nhiên: “Đám đông dễ được cai trị bằng tình nhân đạo và lòng tử tế hơn là bằng thái độ ngạo mạn và sự tàn bạo”. Lý do thật dễ hiểu: con người ta, tự bản chất, ai cũng mong được sống yên ổn. Hiawatha, một lãnh tụ Thổ dân Bắc Mỹ, được tưởng nhớ như một nhà lãnh đạo tinh thần và là một nhà tiên tri của bộ lạc Huron, đã có một câu nói thật chí lý: “ Phàm là người ai cũng khao khát hòa bình”. Hiến Pháp Hoa Kỳ nói đến quyền được tự do theo đuổi hạnh phúc. Thực vậy, hạnh phúc là điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng hạnh phúc lại là một ý niệm trừu tượng và mông lung. Có khi mỗi người đeo đuổi một hạnh phúc theo quan niệm riêng của mình. Kỳ thực, con người chỉ thực sự hạnh phúc khi họ có được bình an trong tâm hồn. Và dĩ nhiên, một trong những điều kiện tiên quyết để có được sự bình an đích thực là phải xây dựng được hòa bình với người khác. Làm sao có được cái tâm an bình nếu không có được quan hệ hài hòa và tốt đẹp với người khác. Bất cứ một sự đổ vỡ trong quan hệ nào cũng làm cho chúng ta khổ sở và bất an. Nói gì đến những toan tính ích kỷ và sự thù hận.
Cũng như bất cứ con người nào trên cõi đời này, tôi khao khát hạnh phúc và mong được sống an bình. Là người của đám đông thầm lặng, có ngây ngô và lạc quan tếu lắm tôi mới  mong được trao giải Nobel Hòa Bình. Nhưng tại sao tôi lại mơ tưởng xa xôi như thế? Còn phần thưởng nào lớn lao và cao quý bằng sự bình an trong tâm hồn mà tôi chỉ có được khi xây dựng các mối quan hệ hài hòa với người xung quanh, nhứt là người thân của tôi.


Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Không ai là một hòn đảo



Chu Thập
10.1.12

Vốn chủ trương “ăn cây nào rào cây ấy”, cho nên hễ có dịp là tôi “quảng cáo” tối đa cho cái vùng của tôi. Nhắc đến Central Coast, thì phần lớn người Việt nam, nhứt là dân câu cá, chỉ nói đến The Entrance. Tôi cũng đã một vài lần đến thử thời vận ở cái nơi “đô hội” này. Nhưng cứ nhìn cái cảnh dân câu, mà đa số là di dân, chen chúc nhau để quăng cần loạn xà ngầu và nhứt là sự rình rập đêm ngày của nhân viên kiểm soát hải sản là tôi thấy “oải” rồi.  Kỳ thực, cái vùng mà người dân Úc chỉ biết đến vì có một số dân biểu “nổi tiếng” vì tai tiếng như bà Belinda Neal hay ông Craig Thompson, có rất nhiều thứ khác đáng được biết đến hơn. Tôi không quá chủ quan, bởi vì  tạp chí Time, trong số ra ngày 6 tháng 12 năm vừa qua, cũng đã dành cho vùng Central Coast của tôi một trang quảng cáo rất  “rôm rả”. Hầu như ai ở đây cũng dễ dàng có điều kiện để sống gần sông nước, rừng núi, nông trại hoặc bãi biển mà không cần phải là triệu phú. Là một “peninsula” (bán đảo) cho nên bãi biển rải rác khắp nơi. Những cái tên như Avoca, Terrigal, Ettalong, Pearl Beach, Patonga dễ dàng gợi lên cho người ta những bãi biển đẹp sạch, thưa người và còn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên. Gần nhà tôi nhứt có hồ Brisbane Water. Đây là nơi dân chơi Yatch thường tập trung lại để giương những cánh buồm trắng xóa. Riêng dân câu cá như tôi thì nhìn đâu cũng chỉ thấy cá. Tôi thích nhìn cảnh cá nhảy trong cảnh hoàng hôn trên mặt hồ mỗi khi đổi con nước. Thật bình yên và thanh thản.
Không biết có phải do tôi “nổ” quá hay vì muốn gặp lại tôi mà những ngày đầu năm dương lịch vừa qua, nhiều “phái đoàn" từ Sydney, không “quản ngại đường xá xa xôi trắc trở”, đã kéo nhau đến thăm. Đây là những món quà đầu năm quý giá nhứt và có ý nghĩa nhứt đối với tôi. Cho tới nay, mỗi lần ra ngõ gặp hàng xóm, tôi vẫn thấy mình có đủ lý do để “ngất cao đầu lên” như ai vì cũng được bạn bè xa gần chiếu cố đến. Tôi phải ngẩng đầu lên là vì cách đây không lâu, mỗi lần ra khỏi nhà, tôi cứ như phải cúi đầu mà đi chớ không dám nhìn ánh mắt mà tôi nghĩ là hơi soi mói của cư dân trong xóm, bởi vì báo chí địa phương đưa tin 9 vụ “trồng cỏ” trong vòng hơn một tháng bị cảnh sát phát giác mà trong đó có đến 6 vụ liên quan đến những người mang những họ rất phổ thông như Nguyễn, Lê, Trần v.v.
Dân cư trong cái xóm nhỏ và yên ắng của tôi hẳn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của một nguyên một chiếc xe buýt đầy người cố gắng uốn éo trên con đường nhỏ để rồi đậu xuống trước nhà tôi ngay buổi sáng ngày đầu năm dương lịch. Phải khen và cám ơn anh tài xế bạn tôi. Nhờ anh mà tôi đã có thể gặp lại thật nhiều người thân quen trong cùng một lúc và có được một ngày đầy ắp tình người ở một nơi mà có đốt đèn giữa ban ngày cũng khó tìm được một người đồng hương.
Tối chúa nhựt vừa qua, nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn đã trào dâng trong tôi khi xem cuốn phim tài liệu “Once upon a time in Cabramatta” được trình chiếu trên đài SBS. Vui vì được nhìn thấy những hình ảnh sinh hoạt của nơi được xem là thủ đô tỵ nạn của người Việt nam tại Úc. Buồn vì phải theo dõi lại những cảnh đời đầy nước mắt của nhiều gia đình tỵ nạn.
Xa quê hương, được sống gần nhau, nói cùng một tiếng nói, ăn cùng một thức ăn, chia sẻ cùng một tâm tình của người xa xứ...đây là điều mà ai chẳng mong muốn. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy là bao nhiêu những buồn phiền khổ lụy do cuộc sống trong các cộng đồng người Việt có thể mang lại. Tôi hiểu được tại sao, để tránh những hệ lụy xã hội và nhứt là vì tương lai của con cái, nhiều người đành phải hy sinh niềm vui được sống với người đồng hương để đi lập nghiệp ở một nơi xa lạ.
Đó là một mất mát lớn. Tôi hoàn toàn chia sẻ sự mất mát ấy. Cũng may, thời buổi này, nhờ các phương tiện giao thông và nhứt là kỹ thuật truyền thông “số” (digital), gặp nhau không phải là điều bất khả thi nữa. Chỉ cần cầm điện thoại, bấm vài cái là đã có thể nghe được tiếng nói của người ở xa. Ở cái xứ sở văn minh này, lái xe 2,3 tiếng đồng hồ để đi câu còn được, huống chi là đi gặp những người thân và bạn bè. Thành ra, ở nơi “thâm sơn cùng cốc” mà tôi vẫn có thể tiếp tục gặp gỡ với bạn bè và người thân bằng rất nhiều cách. Tôi vẫn xem các quan hệ ấy là điều tối quan trọng cho cuộc sống. Càng tiến về “bóng xế” của cuộc đời, tôi lại càng thấy nhu cầu phải duy trì hay thiết lập những quan hệ lành mạnh với mọi người.
Mới đây, Bronnie Ware, một nữ y tá người Úc chuyên chăm sóc những bệnh nhân vào giai đoạn cuối, đã ghi lại những điều ước muốn của họ trong một cuốn sách có tựa đề “The top five regrets of the dying” (5 điều hối tiếc lớn nhứt của những người sắp qua đời). Lớn nhứt trong những điều hối tiếc này là “không có đủ can đảm để sống cho mình thay vì sống theo ước muốn của người khác”. Nhưng quan trọng không kém đó là hối tiếc vì đã không giữ được “liên lạc với bạn bè”. Theo tác giả, nhiều người không thực sự biết đựơc giá trị của tình bạn cũ cho tới những tuần cuối đời và nhiều khi không còn kịp tìm lại bạn cũ nữa. Đời sống bận bịu, ai cũng có lúc bỏ bê bè bạn. Đến cuối đời, ai cũng nhận ra rằng chỉ có bạn bè và người thân là quan trọng.
Tôi không có nhiều “Bè Bạn Gần Xa” như nhà văn, ký giả Lô răng Phan Lạc Phúc. Tôi cũng chưa tham gia các văn đàn đủ lâu để có thể viết về “Bạn văn, một thuở” như nhà văn Nguyễn Mộng Giá hoặc có đủ quen biết để “Viết về bè bạn” như tác giả Bùi Ngọc Tấn của “Chuyện kể năm 2000”.
Bạn thân của tôi và “bè bạn” của tôi đa số là những người vô danh. Có những người bạn chí cốt quen nhau từ lúc còn mặc quần thủng đáy trên ghế trường làng. Có những người bạn chỉ mới quen trong thời gian gần đây. Có những người bạn tri kỷ và có vô số những người bạn chỉ mới gặp gỡ trong một lần đi câu. Có những người bạn đồng chí hướng, có cùng một sở thích mà cũng có vô số những người bạn hễ gặp nhau là cãi nhau inh ỏi...Với tôi, dù thân quen hay xa cách, dù hợp khẩu hay khắc khẩu, người bạn nào cũng làm cho đời tôi thêm phong phú hơn mà thôi.
Lúc nhỏ, cha mẹ và thày cô cứ dặn bảo phải “chọn bạn mà chơi”. Cha mẹ tôi hẳn phải buồn lòng không ít vì bên cạnh những đứa bạn “phá xóm phá làng”, tôi có rất nhiều bạn chăn trâu chuyên rủ tôi trốn học. Với những người bạn này thì câu nói “học thày không tày học bạn” xem ra đã ứng dụng một cách rất chính xác. Tôi học ở trường lớp thì ít, mà học được ở những người bạn chăn trâu thì nhiều. Ngoài những kinh nghiệm sống, cách ứng xử khôn lanh, những bài học “cách trí”, tôi còn học được ở những người bạn chăn trâu những điều rất cơ bản về giáo dục giới tính đầy dẫy trong thiên nhiên.
Tôi cũng được cái may mắn tiếp xúc và kết thân với rất nhiều bạn bè “bên lương”. Cái xóm giáo nhỏ của tôi có óc “biệt phái” rất cao. Lúc tôi còn nhỏ, dân “có đạo” cứ nhìn người “ngoại” như “vô đạo” và ngăn cấm không cho lũ trẻ chúng tôi giao du với những đứa trẻ “ngoại đạo”, vì sợ chúng tôi bị lung lạc “mất đức tin” và ngay cả “mất dạy” nữa.
Về tình bạn, nhiều người vẫn trích câu nói: “Bạn hãy nói cho tôi biết bạn chơi với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai”. Dĩ nhiên, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Tự nhiên ai cũng thích tìm đến những người giống mình. Ai cũng muốn gặp gỡ những người có cùng sở thích, cái nhìn về cuộc sống, quan điểm và nhứt là chính kiến. Kỳ thực, một tình bạn đích thực có khi đòi hỏi con người phải vượt qua và đón nhận những khác biệt của nhau, nhờ đó mới có thể chia sẻ và làm giàu cho nhau.
Trong tình bạn, người ta cũng thường ứng xử theo nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn của ta”. Xử sự như thế là gia tăng tinh thần cục bộ, đầu óc phe phái cũng như chối bỏ vai trò trung gian và hòa giải thường rất cần thiết cho các quan hệ giữa người với người. Dĩ nhiên, trong cuộc sống, có ai mà không có kẻ thù. Có được thương mến bao nhiêu thì cũng không tránh khỏi những kẻ ghen ghét. Nhưng sống mà nhìn đâu cũng thấy “thù địch” hay cứ phải bận tâm phân biệt “ bạn thù” thì chắc chắn không thể nào có được cái tâm an bình. Tôi luôn ngưỡng mộ Đức Đạt Đai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Ngài luôn nhìn mọi người bằng ánh mắt của cảm thông. Với Ngài, tất cả những nhà độc tài, ngay cả những người đang đày đọa dân tộc và quê hương của Ngài, Ngài đều xem họ như những “nạn nhân” cần được giải thoát và thương yêu hơn là thù ghét.
Những ngày đầu năm, cùng với vô số những quyết tâm mà năm nào tôi cũng muốn lập lại, tôi thấy trước hết cần phải trau dồi tâm tình cảm thông đối với mọi người, bởi vì tôi biết rằng tôi sẽ chẳng bao giờ có được cái tâm an bình nếu tôi vẫn còn cưu mang cừu hận trong lòng.
Sự hiện diện của bạn bè và người thân trong những ngày đầu năm vừa qua mang lại cho tôi một niềm vui lớn và cũng nhắc nhở tôi điều đó: tôi không thể sống an bình nếu không xây dựng những quan hệ hài hòa với mọi người. Dù có muốn sống ẩn dật đến đâu, tôi cũng vẫn không thể cắt đứt liên hệ với người khác. Quả thực, “không ai là một hòn đảo”.
Cách đây 3 thế kỷ rưỡi, khi linh mục, thi sĩ và luật sư John Donne người Anh viết: “Không ai là một hòn đảo”, thì đảo vẫn còn bị xem là một phần đất hoàn toàn bị cô lập với thế giới. Cách đây không lâu, một khoa học gia đặt chân đến một hòn đảo còn trinh nguyên nằm trong Thái bình dương. Hòn đảo này nằm cách một hòn đảo gần nhứt và có người ở khoảng 500 cây số và cách đất liền khoảng 5000 cây số. Nhà khoa học ngạc nhiên vô cùng bởi vì trên bãi biển của hòn đảo tưởng chưa có một vết tích nào của văn minh nhân loại chạm tới, ông lại thấy có nhiều vỏ chai và các túi ni lông.
Ngày nay, hơn cả thời của John Donne, với sự phát triển của các phương tiện giao thông và truyền thông, có lẽ chẳng còn hòn đảo nào là chưa có người đặt chân tới nữa. Hình ảnh ấy giúp chúng ta hiểu được câu hỏi thời danh của John Donne “không ai là một hòn đảo”. Ngày nay, dù dân số thế giới đã vượt qua 7 tỷ người, không còn có người nào trên mặt đất này còn bị xem là đứng chơi vơi giữa trời biển nữa. Không cách này thì cách khác, mọi người đều liên hệ với nhau và mỗi người đều liên hệ với mọi người. Như một viên đá cuội ném vào đại dương, cách hành xử thiếu trách nhiệm ở một xó xỉnh nào đó trên mặt đất cũng đều tạo ra một âm vang nào đó đối với những nơi khác. Ngược lại, một nghĩa cử, dù được làm trong âm thầm, cũng vẫn ảnh hưởng đến người khác. Tất cả chúng ta đều là công dân của một công đồng rộng lớn là nhân loại. Trách nhiệm liên đới ấy luôn mời gọi tôi xem niềm vui của người khác cũng là của mình và nỗi khổ của bất cứ một ai đó, dù xa lạ đến đâu, cũng phải là nỗi khổ của riêng tôi.



















                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Bangladesh và Hồi giáo cực đoan


23.10.15
Vào buổi trưa ngày thứ Sáu 7 tháng 8 vừa qua, Niladry Chattopadhya đang ở trong căn phòng thuê của mình tại thủ đô Dhaka thì có một tiếng gõ cửa. Chattopadhya là một nhà báo mạng và hiện đang là tổng thư ký của một tổ chức có tên là “Hiệp hội Khoa học và Duy lý Bangladesh” (Bangladesh Science and Rationalist Association). Tổ chức này qui tụ khoảng một ngàn người trẻ có đầu óc cởi mở. Họ dùng một tiệm buôn ở Dhaka làm văn phòng và thư viện. Tại đây, các thành viên của tổ chức thường gặp nhau để đọc và thảo luận về những cuốn sách của một số tác giả như Richard Dawkins, một nhà sinh vật học Anh theo chủ nghĩa vô thần và Taslima Nasreen, một nữ bác sĩ Bangladesh. Vì các tác phẩm trong đó bà trình bày quan điểm chống tôn giáo của mình, bà Nasreen đã phải bỏ nước ra đi từ năm 1994.
Là một người vô thần, Chattopadhya cũng đã viết nhiều bài chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và kêu gọi xây dựng nhà nước thế tục tại Bangladesh.
Giành được độc lập vào năm 1971, Bangladesh là một nước Nam Á giáp giới với Ấn Độ về phía nam. Với 160 triệu dân, Bangladesh được xem như một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới. 90 phần trăm người dân nước này theo Hồi giáo.
Ngày thứ sáu hôm đó, Chattopadhya, người thường ký tên với bút hiệu Niloy Neel, đang làm việc trong phòng ngủ của mình. Khi có tiếng gõ cửa, vợ anh, chị Moni, đã hỏi danh tánh người khách không được mời. Từ bên ngoài, có tiếng trả lời của một người thanh niên tự xưng là một nhân viên được người chủ nhà phái đến để xem xét căn phòng do vợ chồng Chattopadhya đang thuê. Trong khi đi rảo qua hai căn phòng, người thanh niên không rời mắt khỏi Chattopadhya. Sau đó, người thanh niên đi vào nhà bếp và dùng điện thoại cầm tay để nhắn gởi điều gì đó. Và mặc dù công tác đã hoàn tất, người thanh niên vẫn không chịu ra khỏi phòng. Khi Chattopadhya lên tiếng yêu cầu anh rời khỏi nhà mình thì có 3 người đàn ông lạ mặt xông vào. Một trong 3 người dùng mã tấu chém xi xả vào người Chattopadhya.
Nhà báo mạng vô thần 27 tuổi này đã chết tại chỗ. Anh là nạn nhân thứ tư của một cuộc tấn công tàn bạo như thế trong năm nay và nạn nhân mới nhất của cuộc đụng độ đầy bạo động giữa các lực lượng Hồi giáo cực đoan và những người theo chủ trương xây dựng một quốc gia Bangladesh thế tục như những nhà lập quốc đã đề ra hồi năm 1971.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1947, khi Thực dân Anh rời bỏ Ấn Độ. Từ những nét phác thảo vội vàng của một luật sư Anh, hai nước độc lập là Ấn Độ và Pakistan đã được khai sinh. Riêng Pakistan với tuyệt đại đa số dân theo Hồi giáo lại gồm  2 phần, tức Tây Hồi và Đông Hồi, bị chia cách bởi Ấn Độ. Dân số Đông Hồi thuộc sắc dân Bengali, trong khi Tây Hồi hay còn gọi là Pakistan gồm đa số dân thuộc  sắc tộc Punjab. Mối giây liên kết lỏng lo giữa hai phần đất của cùng một nước theo cùng một tôn giáo này đã dẫn đến những cuộc xung đột đẫm máu. Lý do tạo ra những cuộc xung đột là bởi người Bengali ở Đông Hồi luôn bị đối xử như công dân hạng hai; quyền lợi kinh tế, văn hóa và ngay cả ngôn ngữ của họ cũng bị Tây Hồi xem thường. Được sự hậu thuẫn của Ấn Độ, Đông Hồi đã ni dậy đánh đuổi các lực lượng của Tây Hồi Pakistan và thành lập quốc gia Bangladesh.
Tuy nhiên, nền độc lập mà Bangladesh đã giành được vẫn còn mong manh. Một số thành phần ở miền đông nước này vẫn tiếp tục chống lại việc ly khai với Tây Hồi Pakistan. Đối với nhóm người này, tôn giáo mới là yếu tố chính làm nên dân tộc tính. Họ chống lại độc lập và dĩ nhiên cũng chống lại cả tinh thần thế tục mà các nhà lập quốc đã đề ra hồi năm 1971.
Sau 4 thập niên rưỡi, những căng thẳng giữa những thành phần cực đoan này và những người có chủ trương thế tục hóa quốc gia vẫn tiếp tục cày xéo Bangladesh. Chỉ vài giờ sau khi nhà báo mạng vô thần Chattopadhya bị thảm sát, một tổ chức cực đoan có tên là Ansar al-Islam đã nhận trách nhiệm về hành động sát nhân này. Tổ chức này tự nhận là một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Ấn Độ. Trên các trang mạng xã hội, họ tung ra những lời đe dọa với lời lẽ như: “Nếu bạn muốn chủ trương tự do ngôn luận vô giới hạn, bạn hãy mở rộng lồng ngực cho những chiếc mã tấu tự do”.
Dạo cuối tháng 9 vừa qua, trang mạng có liên hệ với “Quốc gia Hồi giáo” đã nhận trách nhiệm về việc sát hại ông Cesare Tavella, một người Ý làm việc cho một tổ chức viện trợ có trụ sở tại Dhaka. Vài ngày sau đó, một người đàn ông Nhật Bản 66 tuổi tên là Kunio Hoshi cũng đã bị bắn chết khi đang ngồi trên một chiếc xe kéo. Rồi đầu tháng 10 vừa qua, một vị mục sư người Bangladesh 52 tuổi tên là Luke Sarkar cũng bị một nhóm ba người cầm dao cắt cổ, nhưng được may mắn thoát chết.
Thật ra, hiện nay Chính phủ Bangladesh vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận liệu những tên sát nhân có liên hệ với các tổ chức khủng bố al-Qaeda và “Quốc gia Hồi giáo” không. Tuy nhiên, nếu hiện nay “Quốc gia Hồi giáo” đang muốn vươn dài cánh tay ra khỏi Trung Đông và al-Qaeda đang tìm cách tái tổ chức tại Đông Á, thì Bangladesh có thể là mnh đất phì nhiêu để vun trồng các lực lượng cực đoan. Năm vừa qua, cảnh sát Bangladesh đã bắt giữ 15 người bị tình nghi có liên hệ với “Quốc gia Hồi giáo”.
Dạo tháng 2 năm vừa qua, người ta đã tìm thấy thi thể của một nhà báo mạng khác tên là Ahmed Rajib trên một trong những con đông nghẹt người ở thủ đô Dhaka. Cũng như Chattopadhya, Rajib đã viết bài chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Tháng 2 vừa qua, Avijit Roy, một nhà báo mạng Bangladesh có quốc tịch Mỹ, cũng đã bị một nhóm người dùng mã tấu chém đến chết. Ông Roy cũng là một người nổi tiếng có những bài viết phê bình tôn giáo. Trong bài viết có tựa đề “Vi khuẩn của Niềm Tin”, được cho phổ biến tại Hoa Kỳ sau khi ông qua đời, ông Roy viết rằng “chủ nghĩa khủng bố dựa trên niềm tin tôn giáo cũng giống như vi khuẩn: nếu được phép lây lan, chúng sẽ tàn phá xã hội chẳng khác nào một cơn dịch bệnh”. Nhận định về cuộc khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001, ông Roy cho rằng chính niềm tin tôn giáo đã khiến cho Mohamed Atta và 18 người khác tin rằng cuộc tắm máu mà họ đã gây ra cho người khác không chỉ là một hành động luân lý mà còn là một nghĩa vụ thiêng liêng.
Một tháng sau khi ông Roy bị sát hại, một nhà báo mạng khác tên là Washiqur Rahman cũng đã bị chém chết tại Dhaka. Sau đó, vào khoảng tháng 5, những kẻ sát nhân có đeo mặt nạ và cầm mã tấu đã hạ sát một nhà báo mạng khác tên là Ananta Bijoy Das tại thành phố Sylhet, miền Đông Bắc Bangladesh. Người cha của nạn nhân nói rằng ông đã đoán trước số phận của con mình, nhưng ông không bao giờ nghĩ rằng con mình lại bị sát hại một cách man rợ như thế.
Tất cả những nhà báo mạng bị giết chết bằng mã tấu trên đây đều tham gia vào một phong trào có tên là Shagbag. Nhiều thành viên trong phong trào này là những người Hồi giáo thuần thành. Nhưng họ chống lại chủ nghĩa cực đoan và mong muốn xây dựng một nước Bangladesh thế tục.
Các nhà báo mạng, các ký giả và các nhà phân tích nói rằng đáp lại hoạt động của phong trào Shahbag, những người có chủ trương Hồi giáo hóa Bangladesh tung ra chiến dịch qua đó họ tố cáo tất cả những thành viên của phong trào là người vô thần và chống Hồi giáo. Mục đích của chiến dịch là tố cáo trước công luận rằng phong trào này không chỉ chống lại chủ nghĩa cực đoan, mà còn bài xích niềm tin tôn giáo của đại đa số người Hồi giáo Bangladesh. Dạo tháng vừa qua, hàng chục ngàn người Bangladesh đã xuống đường hô to những khẩu hiệu như: “Allah vĩ đại. Hãy treo cổ những tên làm báo mạng vô thần”.
Mặc dù đeo đuổi chủ trương tục hóa nhà nước Bangladesh và đã có những biện pháp nghiêm nhặt chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan, thủ tướng nước này bà Sheikh Hasina vẫn cảnh cáo nhóm các nhà báo mạng và những người tự xưng là vô thần. Bà nói: “Cá nhân tôi không chấp nhận điều đó. Bạn cần phải có niềm tin tôn giáo. Còn nếu bạn nghĩ rằng bạn không có tôn giáo, đó là chuyện cá nhân của bạn...Nhưng bạn không có quyền viết hay nói chống lại bất cứ tôn giáo nào”.
Dĩ nhiên, lập trường trên đây của Thủ tướng Hasina rất được những người có chủ trương Hồi giáo hóa Bangladesh tán thành. Bà Hasina là con gái của ông Sheikh Mujibur Rahman, thủ tướng và tổng thống đầu tiên của Bangladesh. Ông Rahman và Liên Minh Awami của ông đã có công trong việc xây dựng Bangladesh thành một cộng hòa thế tục sau khi nước này giành được độc lập. Nhưng ông đã bị sát hại trong một cuộc đảo chính hồi năm 1975. Quân đảo chính đã tấn công vào tư gia của ông và giết hết mọi người trong nhà trừ hai cô con gái là Rehana và Hasina đang ở nước ngoài.
Sau khi ông Rahman bị thảm sát, Bangladesh trải qua nhiều cuộc đảo chính và chỉnh lý. Song song với tình hình bất ổn ấy, phong trào phục hồi các lực lượng tôn giáo phát sinh và ngày càng xa rời với lý tưởng thế tục được các nhà lập quốc đề ra sau khi giành được độc lập. Kể từ đầu thập niên 1990 đến nay, Liên Minh Awami của bà Hasina đã cùng với Đảng Quốc Gia Bangladesh thay phiên nhau cai trị đất nước. Trong khi Liên Mihh Awami theo đuổi việc xây dựng một nhà nước thế tục thì Đảng Quốc gia Bangladesh lại tìm cách liên minh với Đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami. Đảng này luôn chống lại việc ly khai với Pakistan. Nhiều lãnh tụ của Đảng này vướng vào một số tội ác chiến tranh.
Mặc dù truy tố những thành phần có chủ trương hồi giáo hóa Bangladesh, chính phủ của Thủ tướng Hasina lại không dung tha các nhà báo mạng và văn sĩ…Chính các nhóm có chủ trương Hồi giáo hóa Bangladesh đã nộp cho chính phủ danh sách các nhà báo mạng và văn sĩ mà họ cho là có hoạt động chống phá Hồi giáo và tôn giáo nói chung. Chỉ cần bị tố cáo có hành vi nhục mạ tôn giáo cũng đủ để bị giam giữ. Chính phủ hành động như thế vì sợ mất lá phiếu của các cử tri bảo thủ.
Đây là điều đáng lo ngại cho giới làm báo mạng tại Bangladesh. Một tuần sau khi Chattopadhya bị sát hại, một nhà báo mạng khác mà tuần báo Time đặt tên là “Jebtik” đang ở nhà với mẹ và 2 đứa con gái nhỏ thì chuông điện thoại reo. Nhân viên bảo vệ chung cư gọi lên cho biết có 3 người muốn gặp để quyên góp cho các trường Hồi giáo. Mặc dù nhân viên bảo vệ từ chối không cho gặp, nhưng 3 người đàn ông này vẫn không chịu đi. Mẹ của Jebtik lo sợ cho con trai mình, vì tên của anh chỉ đứng sau Chattopadhya trong danh sách các nhà báo mạng. Có lẽ những người đàn ông chỉ đứng nán lại vì trời mưa. Nhưng thời gian đó cũng đủ để làm cho Jebtik và gia đình anh đứng tim. Anh nói với tạp chí Time: “Cuộc sống của chúng tôi (những nhà báo mạng) tại Bangladesh hiện nay là như thế”.
(theo Kikhil Kumar, “Fatal Speech”, Tạp chí Time số ra 26/10/2015)


Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Đời vẫn đẹp


Chu Thập
16.10.15

Tôi không phải là người “ưu thời mẫn thế” đến độ phải mất ăn mất ngủ vì tình hình thế giới. Tuy nhiên, theo dõi tin tức hằng ngày, có lúc tôi cũng phải tự hỏi: “Không biết thế giới này rồi sẽ đi về đâu?” Kết thúc chiến tranh lạnh, các chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cáo chung, cứ tưởng Trung Cộng sẽ sụp đổ, cứ tưởng “Đồng sẽ khô, Hồ sẽ cạn”  và thế giới sẽ ra thái bình. Nhưng nhìn vào thế giới ngày nay, dù cho thần kinh có vững đến đâu, tôi thấy thật khó lòng mà lạc quan. Ở Á Châu, đồ tể Tập Cận Bình ngang nhiên chiếm trọn Biển Đông, đe dọa nuốt trửng Việt Nam và nhiều nước trong vùng. Còn tên đàn em mất dạy Kim Jung-un, ỷ mình đang có võ khí hạt nhân trong tay, muốn  xoá cả tên Hoa Kỳ trên bản đồ thế giới.   Tại Âu Châu, tên côn đồ Vladimir Putin hết quậy nát Ukraine, nay lại đưa quân sang Syria để làm cho tình hình Trung Đông ngày càng thêm hỗn loạn.  Bên cạnh đó, xem ra thế giới đành bó tay trước sự bành trướng và khủng bố giữa ban ngày của “Quốc gia Hồi giáo”. Tại các nước Tây Phương và ngay cả tại Úc Đại Lợi này, con số thanh niên và ngay cả vị thành niên bị dụ dỗ vào con đường cực đoan và khủng bố ngày càng nhiều. Bên cạnh chiến tranh và khủng bố là vô số những dịch bệnh và căn bệnh mới của thời đại mà xem ra y học cũng đành chào thua.
Dường như ngày nay thế giới đã trở thành một nơi nguy hiểm hơn cả thời của hai cuộc thế chiến, của thời diễn ra những cuộc đối đầu về võ khí hạt nhân trong chiến tranh lạnh hoặc ngay cả thời kỳ xảy ra những cuộc xung đột đẫm máu tại Phi Châu khiến cho hàng triệu người bị thiệt mạng.
Thật ra bức tranh thế giới mà chúng ta có trước mắt và được mang vào ngay tận phòng ngủ của chúng ta là do các cơ quan truyền thông đủ loại và đủ cỡ đưa ra. Đó là một bức tranh sống động và có thật. Nhưng nhìn  kỹ, chúng ta sẽ thấy đó là một bức tranh không đầy đủ. Tin tức mà các cơ quan truyền thông mang đến cho chúng ta xoay quanh những gì đang xảy ra, chớ không phải những gì không xảy ra. Chúng ta chưa bao giờ nghe có một phóng viên nào tường thuật: “Tôi đang sống trong một đất nước không có chiến tranh hay một thành phố chưa từng bị dội bom hoặc một trường học không bị đóng cửa”.
Tạp chí Reader’s Digest, trong số ra tháng 10 này, muốn gởi đến độc giả một cái nhìn mới về tình hình thế giới, một cái nhìn khác với cái nhìn mà giới truyền thông mang đến cho chúng ta mỗi ngày. Trong bài viết có tựa đề “The World is not falling apart” (Thế giới không sụp đổ), hai tác giả Steven Pinker và Andrew Mack đã so sánh tình trạng thế giới ngày nay với thế kỷ trước để mời gọi độc giả nên có một cái nhìn bình thản và lạc quan hơn về thế giới.
Trước hết hãy thử nhìn vào tình trạng sát nhân hiện nay. Trên toàn thế giới, nhứt là tại hầu hết các nước đã kỹ nghệ hóa, tỷ lệ giết người đã giảm đi nhiều. Trong 88 nước cung cấp những dữ kiện đáng tin tưởng, có 67 nước cho thấy tỷ lệ sát nhân đã giảm sút trong 15 năm vừa qua. Năm 2003, cứ 100 ngàn người có khoảng 7.1 người bị sát hại. Năm 2012, tỷ lệ này xuống còn 6.2.
Dĩ nhiên, tại một số vùng, như Châu Mỹ Latinh và vùng Hạ Sahara chẳng hạn, con số những người bị sát hại vẫn còn cao. Nhưng ngay cả trong những vùng này, những số liệu được cung cấp cũng có thể đánh lừa dư luận. Chẳng hạn, những vụ giết người trong cuộc chiến tranh ma túy tại Mễ Tây Cơ có thể tạo ra cảm tưởng rằng nước này là một nơi không có luật pháp. Thật ra, tỷ lệ giết người tại Mễ Tây Cơ đã giảm đi rất nhiều trong hai năm vừa qua. Tại các nước nổi tiếng về những vụ giết người, tỷ lệ này cũng đã giảm đi rất nhiều. Tại Colombia, tỷ lệ này đã giảm đến 85 phần trăm, Brasil giảm 70 phần trăm. Ngay cả tại Nga, trong vòng 6 năm qua, tỷ lệ sát nhân cũng đã giảm đi 46 phần trăm. Riêng tại Nam Phi, tỷ lệ này chỉ còn một nửa. Nhiều chuyên gia về tội ác tỉn rằng trên toàn thế giới, tỷ lệ sát nhân sẽ giảm 50 phần trăm trong vòng 3 thập niên tới như Liên Hiệp Quốc đã đề ra trong các Mục tiêu Phát triển của Thiên niên kỷ.
Về chuyện bạo hành đối với phụ nữ, hai tác giả Pinker và Mack của tạp chí Reader’s Digest cho rằng các phương tiện truyền thông quá chú ý đến sự kiện các lực sĩ nổi tiếng tấn công và hành hung người phối ngẫu hay bạn tình của họ hoặc những cuộc hãm hiếp trong các đại học. Những tin tức như thế dễ khiến cho người ta nghĩ rằng nạn bạo hành đối với phụ nữ đang gia tăng. Trong thực tế, như những cuộc thăm dò do Phòng Thống kê của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thực hiện cho thấy, tỷ lệ hãm hiếp hay tấn công tình dục và bạo hành đối với người phối ngẫu hay bạn tình đã và đang giảm đi từ nhiều thập niên qua. Dĩ nhiên, như tại Úc Đại Lợi chẳng hạn, nơi mà chính phủ mới dành ra một ngân khoản lớn để đối phó với nạn bạo hành trong gia đình, những hành động tội ác ghê tởm vẫn còn xảy ra, nhưng dân chúng ngày càng ý thức hơn về tệ nạn này.
Năm 1993, Liên Hiệp Quốc đã thông qua một Tuyên cáo chung về việc loại trừ bạo hành đối với người phụ nữ. Từ đó, ngày càng có nhiều dữ kiện cho thấy quyền của người phụ nữ được tôn trọng hơn.
Bên cạnh bạo hành đối với phụ nữ, việc bắt cóc, bắt nạt trên mạng và lạm dụng tình dục và thể lý đối với trẻ con cũng ngày càng được thế giới chú ý đến. Các bản phúc trình về những tệ nạn này có thể tạo ra cảm tưởng rằng trẻ con ngày nay đang sống trong một thời kỳ ngày càng nguy hiểm. Nhưng các dữ kiện thu thập được lại cho thấy tệ nạn này đã giảm đi nhiều.
Gần đây, những hành động tàn bạo dã man chưa từng thấy của “Quốc gia Hồi giáo” với những hành ảnh sống sượng được đưa lên các trang mạng xã hội về những cuộc hành quyết người dân thường tại Syria, Iraq và Trung Phi, đã khiến cho nhiều người nghĩ rằng thế giới đang phải chứng kiến một cuộc diệt chủng dã man nhứt trong lịch sử. Kỳ thực, nếu nhìn lại quá khứ, những hành động lẻ tẻ của “Quốc gia Hồi giáo” chẳng là gì so với những cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã, của Nhựt Bổn, của Liên Xô, của Trung Cộng...Vào thời đó, cứ 100 ngàn người, có đến 350 người bị sát hại. Riêng đầu thập niên 1960, hai đổ tể Stalin và Mao Trạch Đông đã vô địch trong việc giết người vô tội. Nhưng nếu nhìn vào những cuộc diệt chủng tại Biafra từ năm 1966 đến năm 1970, tại Sudan từ năm 1983 đến năm 2002, tại Afghanistan từ năm 1978 đến năm 2002, tại Nam Dương từ năm 1965 đến năm 1966, tại Rwanda năm 1994 và tại Bosnia từ năm 1992 đến năm 1995...con số những người bị sát hại ở mỗi nơi không dưới 200 ngàn người; tại một vài nơi, con số nạn nhân lên đến hàng triệu người. So với những con số này, dĩ nhiên những người bị sát hại tại Iraq và Syria, tuy cao, nhưng thua xa. Chặt đầu hay đóng đinh như “Quốc gia  Hồi giáo” đã và đang thực hiện quả là những hành động dã man. Nhưng những hành động tra tấn và giết người trong các cuộc diệt chủng xảy ra ở thế kỷ trước cũng không thua kém về sự tàn bạo và độc ác. Có khác chăng là bởi “Quốc gia Hồi giáo” đã dám tung những hành động man rợ của họ lên các trang mạng mà thôi.
Các cuộc diệt chủng ở kỷ nguyên mới này đã giảm đi nhiều và chiến tranh nói chung cũng ít xảy ra hơn. Các nhà nghiên cứu về chiến tranh và hòa bình thường phân biệt chiến tranh với xung đột võ trang. Được gọi là xung đột võ trang khi chỉ có khoảng 25 binh sĩ bị thiệt mạng và thường dân bị mắc kẹt giữa hai làn đạn. Trong khi đó, khi nói đến chiến tranh là phải nói đến con số tử vong lên đến hàng ngàn người. Các chuyên gia về chiến tranh và hòa bình cũng phân biệt các cuộc xung đột giữa các quốc gia với những cuộc xung đột trong cùng một quốc gia. Kể từ năm 1945 đến nay, xung đột giữa các quốc gia, tức chiến tranh, nhứt là giữa các cường quốc, đã giảm đi nhiều. Nhứt là kể từ sau chiến tranh lạnh đến nay, thế giới không còn phải chứng kiến nhiều cuộc xung đột võ trang đủ loại như trước kia.
Theo hai tác giả Pinker và Mack của tạp chí Reader’s Digest, sở dĩ thế giới ngày nay mang một bộ mặt nguy hiểm và đáng sợ hơn bao giờ hết là bởi sự hướng dẫn sai lầm của giới truyền thông, của các chính trị gia, giới quân sự và ngay cả các nhà luân lý. Theo hai tác giả này, chúng ta nên có một cái nhìn lạc quan và hy vọng về thế giới ngày nay.
Sống lạc quan, nhìn vào thế giới, nói chung nhìn vào cuộc sống, với cái nhìn đầy hy vọng, đó là điều tôi luôn cố gắng học và tập mỗi ngày, kể từ lúc thức giấc mỗi buổi sáng. Với cố gắng ấy, trong những ngày này, tôi miên man nghĩ đến nhà văn Võ Phiến, người vừa mới từ giã cuộc đời tại tiểu bang California, Hoa Kỳ hôm 28 tháng 9 vừa qua, hưởng thọ 90 tuổi. Đã có nhiều nhà phê bình văn học viết về ông. Riêng tôi thích nhận xét của nhà văn Nguyễn Hiến Lê: “Võ Phiến là một cây bút độc lập ai cũng nhận là có tài phân tích tâm lý “chẻ sợi tóc làm tư và tài tả cảnh vật”. Ông không chỉ nhìn sự vật trong toàn cảnh. Không có bất cứ cảnh vật hay chi tiết nào trong cảnh vật có thể qua mắt ông. Như nhà văn Bùi Vĩnh Phúc đã ghi nhận trong buổi lễ tưởng niệm ông mới đây, cảnh chim én bay lượn trên trời không, tiếng cây gãy trong khung cảnh u tịch của rừng núi, những đụn khói, những làn khói đốt rẫy lờ đờ, những hạt bọt trà, những giọt mưa, những đêm trăng, mùi thơm của hoa lá, mấy cái gò đất ở gần nhà, một con chim te te lỏng không, một đám chuối sau vườn, tiếng con cu cườm hay mấy mớ cỏ khô xác xơ...không có cảnh vật nào, chi tiết nào thoát khỏi cái nhìn của ông. Ông nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy hay không muốn thấy. Nghĩ về nhà văn đa dạng này, tôi liên tưởng đến một câu nói của ai đó rằng “người ta chỉ nghe tiếng cây rừng ngã đổ, mà không nghe được tiếng thì thào của những mầm non đang nhú lên”. Nhà văn Võ Phiến dường như đã nghe được tiếng thì thào ấy. Ông có cái nhìn xa và sâu vào những thực tại dấu ẩn. Tôi nghĩ nhà văn Võ Phiến phải là một người luôn sống lạc quan và hy vọng.
Ở tuổi già, khi nhìn lại cuộc sống, như báo “The Business Insider” tại Hoa Kỳ ghi nhận, (x.Những người già hối tiếc điều gì nhất trong đời, Việt Luận 6/10/2015), tôi “hối tiếc vì đã lo sợ quá mức về tất cả mọi thứ”. Lo sợ quá mức cho nên dễ nhìn vào thế giới và cuộc sống của mình với cái nhìn bi quan. Đã đến lúc tôi thấy cần phải buông bỏ, chấp nhận cuộc sống, hưởng thụ từng giây phút hiện tại và lúc nào cũng có thể thốt lên “đời vẫn đẹp”. Nhìn đời như thế thì không lý gì không cảm thấy bình an và hạnh phúc.
Mỗi ngày theo dõi tin tức trên ti vi, tôi hay bỏ dở nếu không có tin gì đáng chú ý. Nhưng từ nay, với tôi: “No news is good news”.





Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Anh là ai, Tôi là ai?



Chu Thập
21.2.12

Tôi là người không có khiếu về nhạc. Một mớ nhạc lý bị nhồi nhét vào đầu thời trung học và học lóm từ bạn bè chỉ vừa đủ để tôi có thể xướng âm và hát u ơ vào câu cho vui. Trừ thánh ca là loại nhạc mà tôi thường xuyên hát trong nhà thờ và hát với tất cả tâm tình, tôi chẳng thuộc được một bài tình ca nào cho trọn. Có cố gắng cách mấy, tôi cũng chỉ nhớ được một câu đầu hoặc một vài câu tâm đắc. Sở thích âm nhạc của tôi cũng lên xuống theo tuổi tác và thời kỳ.
Vào tuổi thanh niên, dĩ nhiên, tôi thích hát nhạc tình, bất kể là tình ca nhạc trẻ hay nhạc “sến”. Ở cái tuổi mò mẫm đi tìm một lý tưởng, tôi cũng đã say mê ca khúc của Lê Hựu Hà: “Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên,
Tôi muốn sống như loài hoa hiền.
Tôi muốn làm một thứ cỏ cây.
Vui trong gió và không ưu phiền.
Tôi muốn mọi người biết thương nhau.
Không oán ghét không gây hận sầu.
Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau.
Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu...
Tôi muốn thành loài thú đi hoang.
Tôi muốn sống như loài chim ngàn.
Tôi muốn cười vào những khoe khoang.
Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn...”  
Lạ thật, có lẽ đây là ca khúc duy nhất vẫn còn in đậm trong trí nhớ kém cỏi của tôi. Ngày nay, khi chăm sóc cây cối, hoa cỏ, ao cá hay gia cầm, tôi vẫn thấy những lời khuyên ý vị của nhạc sĩ Lê Hựu Hà như những con sóng nhẹ nhàng cuộn lên, giục tôi cứ mãi yêu đời, dù có lúc phải“hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua” (Bài không tên số 5 của Vũ Thành An).
Đầu thập niên 80, bắt đầu kiếp ly hương trong trại tiếp cư, đêm ngày tôi chỉ biết nằm ôm cái máy cassette để nghe Nguyệt Ánh thương khóc “Sài gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên”.
Những năm Việt nam bắt đầu mở cửa, thấy người ta nườm nượp kéo nhau về thăm nhà, nỗi nhớ quê hương trong tôi lại càng thúc bách hơn. Dạo đó, tôi đã hát theo ca sĩ Nini đến gần như thuộc lòng ca khúc của Linh Giang:
“Tôi muốn làm cánh chim trời.
Bay về quê cũ thăm quê hương tôi.
Nơi đó, tôi có bạn bè.
Có giòng sông cũ có lũy tre xanh.
Tôi muốn thành cánh chim trời.
Bay về quê cũ thăm quê hương tôi.
Nơi đó tôi có mẹ già.
Có người yêu dấu có trời Việt nam”.
Tôi gần như muốn khóc khi hát theo:
“Quê hương ơi,
Tôi đã khóc khi chiều về,
Mơ thật nhiều ôm muộn phiền cho kiếp người.
Quê hương ơi,
Tôi sẽ chết trên quê người,
Không bạn bè không một người thân bên mình...”
Ở vào cái tuổi không còn mộng mơ, lãng mạn hay tình tứ nữa, tôi lại thấy tình cảm quê hương ngày càng đậm đà hơn. Bất cứ điều gì gợi nhớ quê hương cũng đều có thể tạo ra cảm xúc trong tôi. Chẳng hạn như dạo năm 2006, khi nhạc sĩ người Bỉ Marc Lavoine sáng tác bài “Bonjour Viet Nam” (Thân Chào Việt nam) và được cô gái Bỉ gốc Việt Phạm Quỳnh Anh, trình bày, tôi nghe đến gần như thuộc lòng từng lời trong ca khúc. Người nhạc sĩ ngoại quốc này đã diễn tả đúng tâm trạng của một người Việt nam sinh ở hải ngoại, ước mong được một lần về thăm quê cha đất tổ để “được nhìn bằng đôi mắt của mình, được trở về cội nguồn” của mình, chứ không chỉ biết qua phim ảnh. Làm sao không cảm động khi nghe cô gái Bỉ gốc Việt bày tỏ:
Ước mong về thăm đất nước tôi.
Mong sao quê hương dang tay đón tôi.
Tôi sẽ thăm những dòng sông, đồng quê xanh mát Việt nam. Ước mong về thăm chốn thiêng.
Mong sao quê hương dang tay đón tôi.
Mong ước đến ngày về thăm.
Lòng tôi yêu mến Việt nam.
Lòng tôi vang tiếng Việt nam.
Lòng tôi xin chào Việt nam.”
Quả thật, tình tự “quê hương” nào cũng có sức làm bật lên trong tôi những bồi hồi xúc động. Có khi là sự phẫn nộ. Chẳng hạn như gần đây, khi nhạc sĩ Việt Khang trong nước sáng tác ca khúc “Anh là ai?” để phản đối việc nhà nước cộng sản Việt nam không những cấm, đàn áp dã man mà con bắt giam tù những ai tham gia biểu tình chống Cộng sản Trung quốc cướp đất, cướp biển...tình yêu quê hương trong tôi sôi sục đến độ biến thành phẫn nộ. Nghe tiếng hát của người nhạc sĩ trẻ và hay tin chính anh cũng  bị giam tù vì sáng tác ca khúc này, có chai lì và “vô cảm” đến đâu, có trái tim nào mà không biết phẫn nộ.
Tôi đã nghe chính Việt Khang diễn tả tâm tình của anh. Tôi đã nghe nhiều ca sĩ Việt nam hải ngoại hát lên ca khúc. Tôi cũng đã nghe ca sĩ Pháp Antoine Figali trình bày. Nhưng tôi đã xúc động và cười ra nước mắt khi nghe tiếng hát của một cậu bé trai 2 tuổi trên YouTube. Chắc chắn YouTube này đã được thực hiện ở hải ngoại. Nếu ở trong cái nước cộng hòa XHCN Việt nam thì người thân hay có lẽ chính cậu bé này cũng bị tù rục xương thôi. Trong YouTube, người ta thấy cậu bé hát theo một cuốn băng ghi sẵn. Có lúc cậu bé cũng vò đầu, bứt tóc và gào thét như thể để bày tỏ những cảm xúc và sự phẫn nộ của mình.
Tuổi thơ quả là tuổi đặt những câu hỏi và thường là những câu hỏi mà người lớn hoặc không thể trả lời, không muốn trả lời hoặc muốn tránh né. Trên môi miệng của trẻ thơ, “Anh là ai,  sao đánh tôi không một chút nương tay” quả là một câu hỏi nhức nhối. Câu hỏi ấy nhức nhối là bởi vì xuất phát từ chính hiện thân của sự trong trắng, ngây thơ, hồn nhiên, lương thiện và của chính lương tri con người.
Dĩ nhiên, câu hỏi ấy trước tiên được đặt ra cho những người công an trong chế độ cộng sản Việt nam. Trong bài bình luận với tựa đề “Chế độ lấy ghế che mặt”, đăng trên báo Người Việt hôm 17 tháng 2 vừa qua, nhà báo Ngô Nhân Dụng đã ghi lại “cảnh một anh công an chìm nâng chiếc ghế lên mặt khi kỹ sư Đỗ Nam Hải đưa tay chụp hình khiến người coi phải động lòng trắc ẩn. Nó chứng tỏ người công an này biết xấu hổ”. Theo ông, “ghế là đồ dùng để ngồi lên, đem ghế che mặt là vạn bất đắc dĩ, cũng không khác gì lấy cái đũng quần mà che lên mặt. Mạnh Tử coi tính biết xấu hổ là một dấu hiệu của tính Thiện bẩm sinh trong mỗi người. Biết xấu hổ là một trong bốn đầu mối của các đức tính Nhân Nghĩa Lễ Trí”.
Ở Việt nam ngày nay, có lẽ cũng còn có những người công an biết xấu hổ như anh công an chìm lấy ghế che mặt trên đây. Thật ra, họ cũng chỉ là những công cụ của chế độ. Có người vì một chút bã vinh hoa. Có người vì chén cơm manh áo. Họ cũng là những con người đáng thương. Vì chấp nhận làm công cụ cho chế độ mà đành phải ra tay đàn áp, hãm hại những người đồng bào ruột thịt của mình. Thời buổi mà có lẽ chẳng có chế độ nào còn có đủ phù phép để kiểm soát hoàn toàn hệ thống Internet, chắc chắc tiếng gào thét của cậu bé 2 tuổi trong YouTube đã về tới Việt nam và cũng đã được chính những người công an lắng nghe. Mong họ cũng còn có đủ tỉnh táo để cho tiếng gào thét ấy đi sâu vào lương tri và nhận biết mình là ai đối với người đồng bào ruột thịt của mình.
Liệu tiếng gào thét của cậu bé 2 tuổi trên đây có thấu đến tai của những “thượng đế” nắm quyền sinh sát trong đất nước Việt nam ngày nay không? Tôi tin chắc là họ đã nghe được tiếng gào thét ấy.
“Xin hỏi anh là ai, sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai.
Xin hỏi anh là ai, sao đánh tôi, chẳng một chút nương tay.
Xin hỏi anh là ai, không cho tôi xuống đường để tỏ bày?” Nhưng câu hỏi như thế không phải chỉ dành cho những người công an ra tay hành hạ đồng bào ruột thịt của mình như những cái máy, mà chính là được nhắn gởi đến những ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng...và cái nhóm 13 người trong ban bí thư Trung ương Đảng, những người đang tự cho mình có quyền sinh sát đối với cả dân tộc.
Vua Louis XIV của Pháp vào thế kỷ thứ 17, người thường được hay tự mệnh danh là “ông vua mặt trời” (Roi soleil) đã từng vỗ ngực tuyên bố: “Nhà nước là chính Ta” (l’Etat c’est moi). Ông dám tuyên bố như thế vì cho rằng quyền lực của ông do Thượng Đế ủy thác. Do đó, hễ ông muốn là Trời muốn. Mà đã Trời muốn thì thần dân phải cúi đầu vâng phục, ngay cả khi phải gánh chịu bất công và cái chết.
Ở thế kỷ 21, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều theo thể chế dân chủ, những ông vua cộng sản Việt nam có lẽ vẫn còn muốn sống ở thế kỷ 17 khi không ngừng đưa ra những lời tuyên bố tương tự. Chính vì “tổ quốc là Đảng, Nhà nước là Đảng”, mà Đảng là một nhóm nhỏ những người thu tóm mọi quyền lực và của cải trong tay, cho nên người dân bị đối xử chẳng khác nào đàn cừu trong tay của thiểu số đó. Tựu trung, Đảng chẳng khác gì một thứ “Thượng Đế” của cả dân tộc.
“Anh là ai?” Giả như những Nguyễn Phú Trọng, những Nguyễn Tấn Dũng...biết lắng nghe tiếng gào thét của cậu bé 2 tuổi, để cho tiếng nói của lương thiện, của lương tri, của Tính Thiện bẩm sinh trong trái tim được dâng trào, thì có lẽ họ sẽ không còn tiếp tục đối xử với người đồng bào của mình như thế nữa.
Đã làm người thì một lúc nào đó trong đời, ai cũng phải tự hỏi: “Tôi là ai?” trong tương quan với người đồng bào và đồng loại của mình. “Tôi là ai?” để xem người khác như thú vật, cỏ cây? “Tôi là ai?” để chối bỏ những quyền cơ bản nhất của người khác, để chà đạp phẩm giá của người khác? “Tôi là ai?” để thu tóm mọi quyền lực, của cải và có thể tỏ ra vô cảm, vô tâm trước nỗi khổ đau của người đồng loại? “Tôi là ai?” để có thể ngồi trên nỗi khổ đau của người khác mà vui hưởng cuộc sống?
Cách chúng ta trên hai mươi mấy thế kỷ, ở mặt tiền của Đền thờ thần Apollo ở Delphi, người Hy lạp đã biết nhắc nhở những người qua đường: “Hãy tự biết mình”. Lời khuyên này đã trở thành khởi đầu của minh triết đối với nhiều nhà hiền triết Hy lạp và quyết tâm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Trong các thứ hiểu biết, thì biết mình vẫn là điều quan trọng nhất. Ngay cả biết mình ngu dốt cũng đã là một sự hiểu biết cao siêu nhất.
Nhưng có lẽ tôi sẽ không biết tôi là ai nếu không đặt mình vào tương quan với người khác.
Trong cuốn sách “Wer bin Ich? Wenn ja, dann wieviel? Eine kleine Reise in die Philosophie” (Tôi là ai? Nếu đúng là tôi, thì có mấy tôi? Một cuộc du ngoạn vào Triết học, bản dịch của Phạm Hồng Lam), tác giả người Đức Richard David Precht, kể lại rằng trong một đài phát thanh mà ông thỉnh thoảng đến cộng tác, có một bà giữ cửa luôn có vẻ mặt hốc hác. Bà nổi tiếng về thái độ bất thân thiện của mình. Thay vì tỏ ra vui vẻ và dễ tính, bà làm cho mọi người khó chịu vì tính bướng bỉnh của bà. Nhưng ông Precht nói rằng mỗi khi thấy đứa con trai nhỏ của ông thì bà hoàn toàn thay đổi thái độ. Mắt bà long lanh, khuôn mặt bà rạng rỡ. Bà ôm lấy đứa bé hôn lấy hôn để. Xem ra không gì có thể cản được niềm vui của bà khi nhìn thấy đứa bé. Khi ông và đứa bé ra về, hạnh phúc vẫn còn tràn ngập trong con người bà. Theo ông, người đàn bà này hẳn phải là một người rất cô đơn, vì không có bạn bè và người quen xung quanh.
Tác giả liên tưởng tới triết gia Pháp Jean Jacques Rousseau. Ông triết gia sống vào giữa thế kỷ 18 này cho rằng con người tự bản chất hoàn toàn là tốt, nhưng bị văn minh, khoa học và xã hội làm cho ra đồi bại. Có lẽ do chủ trương đó mà ông sinh con đẻ cái một cách bừa bãi, bỏ rơi chúng hay đưa chúng vào các viện mồ côi và tự giam mình trong một lâu đài để gậm nhấm cô đơn, thất vọng, buồn phiền và cay đắng.
Theo tác giả, “sẵn sàng trao đổi với người khác và lo lắng cho người khác là lối thoát ra khỏi sự tự giới hạn của mình. Làm một cái gì cho tha nhân là điều quan trọng cho tâm linh của mình. Chẳng hạn đi tìm một món quà đẹp và thấy ra được niềm vui của người nhận quà, người đó đồng thời cũng đang tặng quà cho chính mình”.
“Anh là ai?”  Câu hỏi của Việt Khang có lẽ không chỉ dành cho những người cộng sản Việt nam. Tôi cảm thấy chính mình cũng bị tra vấn. Tôi sẽ là gì? Tôi có còn là con người không, tôi có còn là tôi không nếu tôi không nhìn nhận, tôn trọng, yêu thương và sống cho người khác?
Tự nhiên, tôi nghe vang vọng đâu đó lời kêu gọi của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà: “Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu.”