Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Chết mới được ra lời




Chu Thập
2.10.16

Cha mẹ tôi không viết nổi một chữ “chi” trong Hán văn, nhưng lại rất thích “xổ” nho. Trong những khuôn vàng thước ngọc mà ông bà hay dạy cho con cái, tôi vẫn nhớ mãi câu “Nghĩa tử nghĩa tận”. Qua cách xử sự của cha mẹ tôi, tôi hiểu được rằng khi sống người ta có gây thù oán đến đâu, đến lúc họ chết mình cũng phải hỉ xả bỏ qua để làm việc nghĩa cuối cùng đối với họ như cúng bái, tiễn đưa và chia buồn với gia đình họ. Khi con người nằm xuống, họ chẳng có gì để ta phải kèn cựa hơn thua hay thù oán nữa.
Người Tây phương có lẽ không biết thành ngữ này, nhưng cách họ đối xử với người chết cho thấy họ cũng xem việc tôn trọng người chết như một nghĩa vụ thánh thiêng. Có độc ác và gây thù chuốc oán ngút ngàn như trùm khủng bố Osama Bin Laden đi nữa, khi nằm xuống cũng được người Mỹ tống táng, dù có vội vàng và kín đáo đến đâu, theo đúng nghi thức tôn giáo của ông.
Chính vì người chết nào cũng vẫn còn có một phẩm giá đáng được tôn trọng mà cả thế giới đã phẫn nộ trước hình ảnh của 4 thủy quân lục chiến Mỹ đứng “tè” lên tử thi của ba người Taliban tại Afghanistan hồi đầu tháng Giêng vừa qua. Bỉ ổi hơn nữa khi cử chỉ này được thu hình và phát tán đi khắp nơi.  Đó là một cử chỉ man rợ không xứng đáng trong một thế giới văn minh ở thế kỷ 21 này.
Mới đây, không riêng các chính trị gia, mà có lẽ cả nước Úc cũng cảm thấy “hổ thẹn” lây khi một ký giả lão thành nổi tiếng của đài phát thanh 2GB là ông Alan Jones đã quên mất cái nghĩa vụ thánh thiêng đối với người chết ấy để xúc phạm đến ông Gillard và “xỉa xói” con gái của ông là thủ tướng Julia Gillard. Trong một cuộc gặp gỡ của một nhóm thành viên Đảng Tự Do, ông Jones đã tuyên bố một cách trắng trợn rằng ông Gillard “chết vì xấu hổ” bởi tính dối trá của con gái ông. Không ai chối cãi rằng bà Gillard đã nhiều lần thất hứa hay ngang nhiên nuốt lời đến độ được tặng cho hỗn danh “Juliar” (Julia dối trá), nhưng trong những giờ phút đau thương tột cùng khi phải chịu tang cha mà bị mang ra “chửi bới” như vậy thì quả là một hành động xúc phạm không thể tha thứ được.
Tôi nghĩ sở dĩ thời nào và ở đâu nhân loại cũng ý thức được nghĩa vụ phải tôn trọng người chết là bởi vì người chết nào, bất luận ra đi trong hoàn cảnh nào, cũng đều muốn nhắn gởi một thông điệp cho người còn sống. Dù không hề quen biết cô Jill Meagher, nhưng tại Ái nhĩ lan cũng như ở Úc đại lợi này, có ai mà không mủi lòng xúc động khi hay tin cô đã bị hãm hiếp và sát hại một cách dã man. Nhưng cái chết của người nữ nhân viên của Đài ABC này không chỉ gợi lại sự thương cảm, xót xa mà còn tố cáo bộ mặt của sự Dữ vốn vẫn còn ẩn hiện trong xã hội Úc ngày nay. Bày tỏ những tình cảm cao đẹp nhứt với người đã ra đi, người Úc cũng không thể không nhìn vào bóng tối của sự Dữ đang rình rập đâu đó.
Người ra đi một cách tất tưởi có một thông điệp để nhắn gởi đã đành, mà thông điệp của người tự nguyện nằm xuống lại càng rõ ràng hơn. Tôi vẫn còn nhớ dạo tháng 5 năm 1967, một nữ phật tử tên là Phan Thị Mai, tự Nhất Chi Mai, đã tự tưới xăng lên người mình và châm lửa tự thiêu trước sân chùa Từ Nghiêm, quận 10, Sài gòn. Trước khi tự thiêu, người phụ nữ 33 tuổi này đã để lại 10 bức di thư với nội dung kêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Chuyện bà đứng ở bên nào trong cuộc chiến để tự thiêu, chỉ có lịch sử mới có thể phán xét. Nhưng ít nhứt bà đã để lại một câu nhớ đời. Trong bài thơ có tựa đề “chấp tay tôi quỳ xuống”, Nhất Chi Mai viết: “Sống mình không thể nói, Chết mới được ra lời”.
“Chết mới được ra lời”: đó cũng là mục đích của cuộc tự thiêu nổi tiếng của Hòa Thượng Thích Quảng Đức để phản đối chính phủ của cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Động cơ, chủ đích, hoàn cảnh của cuộc tự thiêu chắc chắn còn nhiều bí ẩn cần được lịch sử làm sáng tỏ. Nhưng xét về giá trị “thông điệp” thì cuộc tự thiêu này đã thực sự tạo ra một chấn động mạnh chưa từng có. Tháng 6 năm 1963, liền sau khi phóng viên Malcolm Browne gởi những bức hình của cuộc tự thiêu về Mỹ, cả Tòa Bạch Ốc như bị rung chuyển. Sự thể cố tổng thống Ngô đình Diệm và ông cố vấn Ngô đình Nhu, bào đệ của ông, bị thảm sát trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, tiếp theo là cuộc đổ quân ào ạt của người Mỹ vào Miền Nam Việt nam và cuối cùng phần đất tự do của Việt nam rơi vào tay cộng sản năm 1975...trực tiếp hay gián tiếp, tất cả đều xuất phát từ ngọn lửa bùng cháy lên trong cuộc tự thiêu ấy. Hình ảnh và tiếng nói của sự chết quả là mãnh liệt! Người ta cũng đã thấy rõ tác động của cái chết của người Việt cộng tên là Nguyễn văn Lém bị tướng Nguyễn ngọc Loan xử bắn năm 1968. Người cộng quân này đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác trước đó. Nhưng chẳng có hình ảnh giết chóc nào của ông đã được ghi lại. Vậy mà khi tướng Loan cầm súng lục xử bắn ông ngay giữa đường phố Sài gòn, hành động này đã được ông Võ Sửu, một chuyên viên thu hình của Đài NBC và nhiếp ảnh gia Eddie Adams của hãng thông tấn AP thu được. Thước phim và tấm hình lịch sử ấy đã gây chấn động tại Hoa kỳ. Đây có lẽ là một trong những hình ảnh “định mệnh” ảnh hưởng đến cuộc chiến tại Việt nam và vận mệnh của Miền Nam.
Thật ra, sự chết chỉ có một tiếng nói mãnh liệt đối với những ai còn có một lương tâm có thể bị cắn rứt mà thôi. Trái lại, khi lương tâm đã chai lì, thì một cái chết, dù có bi thảm đến đâu, cũng chẳng có sức đánh động. Thế giới văn minh đã lên án tính man rợ của 4 chiến binh Mỹ khi họ đứng “tè” lên xác chết của 3 người lính Taliban ở Afghanistan. Nhưng có lẽ cũng man rợ không kém khi người ta nhân danh một luật pháp hay đạo pháp nào đó để được tự do sát hại người vô tội. Thế giới vẫn còn đầy dãy những người hoàn toàn câm điếc, đui mù trước cái chết của người vô tội.
Ngày 6 tháng 5 năm 1998, một người Pakistan, 66 tuổi, đã bước vào một tòa án tại tỉnh Punjab, đưa súng lên đầu và bóp cò. Tên của người tự sát này là John Joseph, tổng giám mục Faisalabab. Sở dĩ vị giám mục công giáo này đã làm hành động bất thường như thế giữa tòa án là để gây sự chú ý của các quan tòa, mọi người dân Pakistan và cả thế giới về điều được gọi là “luật chống phạm thượng”. Trong bao năm trời, vị giám mục này đã tranh đấu để Pakistan bãi bỏ luật này. Ông đã mở chiến dịch vận động để cứu những người như một thanh niên tên là Christian Ayub Masih, 27 tuổi, bị kết án tử hình chỉ vì khuyến khích người khác đọc tác phẩm “The Satanic Verses” (những vần thơ ác quỷ) của văn sĩ Salman Rushdie để hiểu rõ sự thật về Hồi giáo.
Tổng giám mục John Joseph đã không sống để thấy anh Masih được trả tự do vài năm sau đó. Nhưng cuộc tự sát của vị tổng giám mục này đã không thay đổi được tình hình tại Pakistan. Vẫn còn hàng ngàn người bị bắt giữ và kết án vì tội  phạm thượng như báng bổ tiên tri Mahomet hay xúc phạm đến Kinh Coran. Các thẩm phán nào tìm cách tha bổng cho những người bị tố cáo cũng đều bị ám sát. Những người được tha bổng cũng bị các nhóm “nhân dân tự phát” săn lùng và sát hại. Các chính trị gia nào tranh đấu để bãi bỏ luật chống phạm thượng cũng đều bị mưu sát như trường hợp ông Salman Taseer, tỉnh trưởng tỉnh Punjab hay ông Shabbaz Bhatti, bộ trưởng đặc trách các nhóm thiểu số.
Tháng trước, một bé gái 14 tuổi mắc bệnh chậm trí (bệnh Down) đã bị bắt giữ vì bị tố cáo xé kinh Coran. Một cuộc điều tra lại cho thấy chính một giáo sĩ hồi giáo đã dàn dựng chuyện này để sát hại em. Những trường hợp lợi dụng luật chống phạm thượng để giải quyết tranh chấp, tư thù hay để loại trừ các nhóm tôn giáo thiểu số vẫn tiếp tục xảy ra như cơm bữa tại quốc gia hồi giáo này (x. The Australian, 26/9/2011).
Trong những ngày vừa qua, ngoại trừ một nhóm người Lybia đã bày tỏ sự biết ơn và lòng cảm thương đối với một người bạn đã từng ủng hộ và giúp đỡ họ lật đổ nhà độc tài Gaddhafi là đại sứ Christopher Stevens, làn sóng những người hồi giáo quá khích trên khắp thế giới biểu tình gây bạo động, khích động hận thù quả là chuyện buồn của thế kỷ! Cuộc tự sát của tổng giám mục John Joseph ở Pakistan và cái chết thảm thương của đại sứ Stevens tại Lybia xem ra vô ích, bởi vì với những lương tâm chai lì, những cái chết như thế vẫn chưa thành “lời”.
Cái chết thành “lời” thế nào được với những người đã tự bóp nghẹt tiếng nói lương tâm của mình như các nhà lãnh đạo độc tài trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Đối với những đồ tể như Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot...cả trăm triệu người vô tội có bị sát tế trong lò sát sinh, các quần đảo Gulag, các trại tập trung hay các cánh đồng giết người cũng chẳng gây được một sự xúc động nào. Nếu cách đây 2 ngàn năm, bạo chúa Nero đã có thể cười một cách sung sướng khi nhìn cảnh thành Roma bị đốt cháy để có cớ bách hại các tín hữu Kitô tiên khởi, Mao Trạch Đông cũng muốn “chứng tỏ một trái tim sắt thép qua tất cả những hành động trong đời sống thường ngày, theo gương những hoàng đế Trung Hoa tồi tệ nhất. Chẳng hạn như Trụ vương đời nhà Thương, vị hôn quân thích trưng bày cái xác bị tùng xẻo của các nạn nhân, đổ đầy rượu vào hồ bơi, có hàng ngàn nàng hầu vây quanh. Hoặc Tùy Dạng Đế (Sui Yangdi), một trong những bạo chúa tệ hại nhất trong lịch sử Trung Hoa, đã bắt những cô gái trẻ đẹp phải kéo thuyền rồng đi ngược gió bằng những giải lụa.
Một bằng chứng cho thấy sự tàn bạo của Mao Trạch Đông, lịch sử đặc biệt ghi nhận câu trả lời của ông ta với ông Nehru (thủ tướng Ấn độ): “Chúng tôi chẳng việc gì phải sợ bom nguyên tử cả. Nếu ai tấn công tôi bằng bom nguyên tử, thì tôi có thể trả đũa tương tự. Mười triệu hay hai chục triệu người chết cũng chẳng ăn nhằm gì đối với chúng tôi”.  Nehru không phải từ bi hỉ xả gì, nhưng cũng phải dựng tóc gáy khi nghe câu nói của Mao, coi mạng người như ngóe” (Mao Trạch Đông và hàng ngàn thê thiếp, Người sưu tầm, Đàn Chim Việt online 30/9/12, trích từ “Tình dục, dối trá và chính trị” của Pierre Lunel, NXB L’Archipel, Paris 2012).
Người cộng sản trước sau vẫn thế. Nếu có một Đặng Tiểu Bình đã không tỏ ra chút cảm xúc, áy náy, xao xuyến khi ra lệnh cho xe tăng ủi bừa vào các sinh viên biểu tình ôn hòa tại quảng trường Thiên an Môn dạo đầu tháng 6 năm 1989, thì ngày nay các lãnh tụ cộng sản thế hệ thứ 4, thứ 5 hay thứ mấy đi nữa của Trung cộng cũng vẫn trơ như đá trước các cuộc tự thiêu của các tăng lữ hay tín đồ phật giáo Tây Tạng.
Với người cộng sản Việt nam hiện nay cũng thế thôi. Mặc cho bà Đặng Thị Kim Liêng có tự thiêu để phản đối việc giam giữ con gái bà là nhà bất đồng chính kiến Tạ Phong Tần, cái chết ấy cũng sẽ mãi mãi là một tiếng kêu trong sa mạc và sa mạc ở mãi đâu đâu, chớ không phải tại Việt nam. Chính những người vỗ ngự tự xưng là “lương tâm của nhân loại” lại là những kẻ đã bóp nghẹt tiếng nói của lương tâm để không còn phải nghe thấy bất cứ một tiếng than thở khổ đau nào của người khác.
Như vậy, rõ ràng tiếng nói của người chết luôn đáng được lắng nghe nhưng người sống có muốn lắng nghe hay không thì còn tùy vào chính họ và cái xã hội đã tạo ra họ nữa.
Văn hào Pháp Francois Rabelais vào thế kỷ 16 đã để lại một câu thường được các giáo sư Việt nam mang ra làm đề tài nghị luận cho học sinh trung học ở Miền Nam trước năm 1975. Ông nói: “Tri thức không có lương tâm chỉ là sự hủy hoại của tâm hồn” (Science sans conscience n’est que ruine de l’âme). Trừ những người mắc bệnh tâm thần, tâm thần phân liệt hay hoang tưởng như trường hợp Anders Behring Breivik, kẻ đã sát hại gần cả trăm người Na uy vô tội dạo tháng 7 năm 2011 mà vẫn không tỏ ra chút hối hận nào, có ai mà không được Thượng Đế phú bẩm cho một lương tâm để lắng nghe mệnh lệnh “làm lành tránh dữ”. Có nhiều cái chết, nhưng cái chết của lương tâm vẫn là cái chết đích thực và cuối cùng của con người. Cái chết ấy xảy đến khi, vì quyền lực, tiền của, danh vọng...con người bóp nghẹt tiếng nói của lương tâm để không còn phải nghe thấy nỗi khổ đau của người đồng loại.







Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Người Yazidi và tội diệt chủng của Quốc gia Hồi giáo


24.6.16
 Mới đây Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc về Syria cho biết tổ chức khủng bố Quốc gia Hồi giáo (IS) đang phạm tội ác diệt chủng đối với cộng đồng người Yazidi đang sống tại Iraq và Syria.
Theo một bản phúc trình được Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc về Syria cho công bố hôm thứ năm 16 tháng 6 vừa qua, hiện vẫn còn trên 3200 người gồm phụ nữ và trẻ em Yazidi bị các chiến binh của Quốc gia Hồi giáo cầm giữ làm nô lệ tình dục tại Syria.
Ông Paulo Pinheiro, chủ tịch của Ủy ban có trụ sở tại Genève khẳng định: “Tội diệt chủng đã và đang diễn ra”.
Theo bản phúc trình nói trên, Quốc gia Hồi giáo đã tiêu diệt người Yazidi trong các cuộc tàn sát tập thể khi các chiến binh của tổ chức đặt căn cứ tại Iraq và Syria tấn công vào vùng Sinjar ở Iraq dạo tháng 8 năm 2014. Theo bản phúc trình của Ủy ban Điều tra về Syria, cho tới nay đã có ít nhất 30 mồ tập thể đã được tìm thấy. Bản phúc trình cũng nói rằng các phụ nữ Yazidi bị mang ra chợ bán như súc vật. Một số được bán lại cho gia đình của họ với giá từ 10 đến 40 ngàn Mỹ kim sau khi đã bị giam giữ và hãm hiếp.  Các chiến binh của Quốc gia Hồi giáo còn đưa tên tuổi của các phụ nữ Yazidi lên mạng để bán đấu giá. Chưa từng có nhóm thiểu số nào trong các vùng bị Quốc gia Hồi giáo” chiếm đóng bị tàn sát và tiêu diệt như người Yazidi.
Dựa trên các cuộc phỏng vấn với những người còn sống sót, bản phúc trình ghi nhận rằng Quốc gia Hồi giáo đã tìm cách tiêu diệt người Yazidi qua các cuộc tàn sát, bắt làm nô lệ tình dục, nô lệ hóa, tra tấn và đối xử vô nhân đạo. Bất cứ phụ nữ nào, dù là trẻ con hay đàn bà đang mang thai, cũng đều bị hãm hiếp. Những người sống sót còn kể lại rằng các cuộc hãm hiếp diễn ra ngày đêm. Các chiến binh của Quốc gia Hồi giáo cũng tìm cách không cho phụ nữ Yazidi được sinh con, bằng cách chia cách đàn ông với đàn bà và xách nhiễu tình dục tất cả mọi phụ nữ. Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc nói rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên đề ra những biện pháp quân sự hoặc kinh tế để chận đứng những tội ác như thế.
Trước khi Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc công bố bản phúc trình trên đây, hồi đầu năm nay, Hoa Kỳ và Liên Âu cũng đã tố cáo tội diệt chủng của Quốc gia Hồi giáo đối với các nhóm thiểu số tại Iraq và Syria.
Theo ước tính hiện tổng số người Yazidi rải rác tại nhiều nơi trên thế giới chỉ còn khoảng 700.000 người, phần lớn tập trung tại và xung quanh vùng Sinjar, Bắc Iraq.
Người Yazidi thuộc sắc tộc Kurd, nhưng có truyền thống tôn giáo riêng. Mặc dù phải qua nhiều năm bị áp bức với đe dọa bị tiêu diệt, người Yazidi vẫn cương quyết giữ lấy truyền thống tôn giáo của họ.
Dưới cái nhìn của người bên ngoài, tôn giáo của người Yazidi đã được một giáo sĩ Hồi giáo trên là Ummayyad thành lập vào khoảng thế kỷ thứ 11. Đây là một thứ tôn giáo được tổng hợp từ tôn giáo cổ xưa của người Ba Tư là Zoroastra cũng như Kitô Giáo và Hồi Giáo. Do đó, trong tôn giáo của người Yazidi người ta cũng thấy có phép rửa tội của Kitô Giáo, có việc cắt da qui đầu của phái nam như trong Hồi Giáo và  xem lửa như một hiển linh của Thượng Đế theo truyền thống của đạo Zoroastra. Cũng dưới cái nhìn từ bên ngoài, người Yazidi không chấp nhận Kinh Thánh Cựu Ước của người Do Thái.
Những người bên ngoài cũng cho rằng tâm điểm của niềm tin nơi người Yazidi chính là tôn thờ một Thiên Thần sa đọa có tên là Melek Tawwus hay Thần Công (Peacok), một trong 7 thiên thần cột trụ trong niềm tin của họ. Khác với Quỷ Satan hay Lucifer mà truyền thống Do Thái và Kitô Giáo xem như kẻ nổi loạn chống lại Thiên Chúa cho nên bị trừng phạt “đời đời kiếp kiếp” trong Hỏa ngục, Thiên Thần Melek Tawwus của người Yazidi đã được Thiên Chúa tha thứ và cho trở lại Thiên Đàng. Chính vì tôn thờ Thiên Thần Tawwus mà người Yazidi đã bị người Hồi Giáo xem như những kẻ tôn thờ Ma Quỷ và như vậy bị liệt kê vào hàng ngũ những kẻ “ngoại đạo” đáng bị giết chết.
Chỉ trong hai thế kỷ 18 và 19, dưới thời Đế quốc Thổ, người Yazidi đã phải trải qua tổng cộng 72 vụ tàn sát có tính diệt chủng. Gần đây, vào năm 2007, hàng trăm người Yazidi cũng đã bị giết hại bằng những vụ tấn công bằng bom tự sát tại Sinjar. Theo tổ chức “Lưỡi Liềm Đỏ” của Iraq, con số người chết có thể lên đến 800 người. Đây là cuộc tàn sát dã man nhất kể từ khi quân đội Hoa Kỳ tiến chiếm Iraq hồi năm 2003.
Trước khi trở thành mục tiêu tàn sát của Quốc gia Hồi giáo, người Yazidi cũng đã từng là điểm nhắm của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, tiền thân của Quốc gia Hồi giáo. Al-Qaeda đã từng ra lệnh tiêu diệt tất cả mọi người Yazidi.
Thật ra, người Hồi Giáo, nhất là những người Hồi Giáo thuộc hệ phái Sunni và ngay cả thế giới bên ngoài đều ngộ nhận về niềm tin tôn giáo của người Yazudi. Những người Hồi giáo cực đoan thuộc hệ phái Sunni cho rằng người Yazidi xuất phát từ Yazid ibn Muawiya (khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên). Đây là quốc vương Hồi Giáo thứ hai thuộc Triều đại Umayyad. Tuy nhiên, các cuộc nguyên cứu mới cho thấy tên “Yazidi” hoàn toàn không ăn nhập gì với đô thị sa đọa Yazid của thời Ba Tư cổ, mà xuất phát từ tiếng “Ized” trong ngôn ngữ Ba Tư hiện đại và “ Ized”  có nghĩa là thiên thần hay thần linh. Như vậy Yazidi hay Izidis chỉ có nghĩa là “những kẻ thờ phượng thần linh”. Đây chính là ý nghĩa mà người Yazidi hiểu mỗi khi tự giới thiệu với người khác.
Tên chính thức mà người Yazidi sử dụng để nói về mình là “Daasin” (số nhiều là “Dawaaseen”). Danh xưng này xuất phát từ hệ phái Nestorius của Kitô Giáo thời cổ tại Đông Phương. Do đó, người Yazidi không những tin nhận Kinh Coran của người  Hồi Giáo mà cũng đặt niềm tin của họ dựa trên Kinh Thánh của Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Có lẽ do việc hành đạo “bí mật” của họ mà niềm tin của người Yazidi bị gắn liền với tôn giáo cổ của người Ba Tư là Zoroastra, là tôn giáo tôn thờ thần mặt trời. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, mặc dù các đền thờ của người Yazidi thường được trang hoàng bằng mặt trời và mộ người chết hướng về phía đông, họ cũng chia sẻ nhiều yếu tố của Kitô Giáo và Hồi Giáo.
Ngoài việc rửa tội cho trẻ em, người Yazidi cũng có nghi thức bẻ bánh khi cử hành hôn phối. Cô dâu mặc áo đỏ và đi viếng các giáo đường của Kitô Giáo. Trong tháng 12, người Yazidi ăn chay 3 ngày, trước khi uống rượu với vị linh mục của họ. Từ ngày 15 đến 20 tháng 12, người Yazidi đi hành hương đến mộ của giáo sĩ Adi, miền Bắc Mosul, Bắc Iraq, là nơi mà họ xuống sông để thanh tẩy cho nhau. Trong một số nghi lễ, họ cũng tế sát súc vật.
Đấng Tối Cao mà người Yazidi tôn thờ là “Yasdan”. Vì “Yasdan” là Đấng Tối Cao mà thụ tạo không thể đến gần được cho nên con người không thể trực tiếp thờ phượng Ngài. “Yasdan” được xem như một Sức Mạnh thụ động. Ngài là Đấng sáng tạo vũ trụ, nhưng không phải là Đấng gìn giữ vũ trụ. Thiên thần Melek Tawwus mà người Yazidi tôn kính là một trong 7 thần linh xuất phát từ Đấng Yasdan. Thiên thần Malak Tawwus được tượng trưng bởi một con công. Trong Kitô Giáo thời cổ, con công là biểu tượng của sự bất tử, bởi vì thịt công được cho là không bị phân hủy. Người Yazidi  cũng tin rằng thiên thần Melek Tawwus là một hiện thân bất khả phân ly của Thiên Chúa Tạo Hóa Yasdan. Về phương diện nay, tôn giáo của người Yazidi là một độc thần giáo.
Họ cầu nguyện với thiên thần Melek Tawwus mỗi ngày 5 lần. Thiên thần này cũng có một tên khác là Shaytan, trong tiếng Á Rập có nghĩa là Ma Quỷ. Chính vì vậy mà người Yazidi bị người Hồi Giáo xem như những kẻ tôn thờ Ma Quỷ.
Người Yazidi tin rằng linh hồn con người luân hồi liên tục qua nhiều hình thể khác nhau và họ được thanh luyện xuyên qua việc tái sinh. Do đó, người Yazidi không tin có Hỏa Ngục “đời đời”. Số phận tệ hại nhất dành cho một người Yazidi chính là bị trục xuất ra khỏi cộng đồng của mình. Điều đó có nghĩa là linh hồn của người đó không thể nào thanh luyện được. Và như vậy, cải đạo sang một tôn giáo khác là điều không thể chấp nhận được đối với người Yazidi. Chính vì vậy mà người Yazidi nổi tiếng về điều thường được gọi là “giết người vì danh dự” tôn giáo và gia đình (honor killing), nhất là đối với những phụ nữ nào tìm cách lấy một người đàn ông khác đạo.
Tuy nhiên, trong bản chất, Yazidi vốn là một tôn giáo cởi mở và đề cao lòng quảng đại. Người Yazidi luôn tỏ ra hiếu khách và niềm nở đối với những ai đến viếng thăm linh địa của họ là Đền Thờ Lalish, gần thành phố Dohuk, Đông Bắc Sinjar. Hiện đền thờ này đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền tự trị của người Kurd. Tại đây, các tín đồ Yazidi treo lên những tấm khăn choàng do chính tay họ thêu. Trên mỗi tấm khăn choàng, họ viết lên những ước nguyện của họ. Kể từ tháng 8 năm vừa qua, nhiều người Yazidi đã đến đây để trú ẩn. Một số đến đây để rửa sạch nỗi đau và sự nhục nhã mà họ đã trải qua trong những năm tháng bị Quốc gia Hồi giáo giam giữ.
Hiện nay nhà lãnh đạo tinh thần của người Yazidi là ông Baba Sheikh. Ông đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi thế giới quan tâm đến số phận của dân tộc ông. Trong một bài thuyết giảng trước các tín đồ, ông kêu gọi mọi người hãy xem việc cưỡng bách phải cải đạo sang Hồi Giáo trong thời kỳ bị Quốc gia Hồi giáo giam giữ như không có giá trị và mở rộng vòng tay để đón nhận những người phụ nữ bị tổ chức khủng bố này bắt làm nô lệ tình dục.
Tại những vùng hẻo lánh ở mạn Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, tức gần biên giới Syria và Iraq, một số người Yazidi đã bắt đầu trở về làng cũ của họ. Những ngôi nhà mới được cộng đồng người Yazidi xây cất cho họ. Nhờ được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận và tôn trọng, số người Yazidi  hồi cư ngày càng đông. Mặc dù đã trải qua hàng bao thế kỷ bị bách hại, người Yazidi vẫn trung thành với niềm tin tôn giáo của họ. Chính niềm tin ấy làm nên bản sắc và sức mạnh của họ. Bị Quốc gia Hồi giáo tìm cách tiêu diệt tại Iraq và Syria, họ tìm đến miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, vì họ tin rằng tại đây họ được an tâm thực hành niềm tin tôn giáo của mình.
Với sự giúp đỡ của lực lượng tự trị của người Kurd tại miền Bắc Iraq, một số lãnh thổ của người Yazidi đã được giải phóng. Tuy nhiên, một phần lớn của Thành phố Sinjar, nơi có đông người Yazidi sinh sống, vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Quốc gia Hồi giáo.
Có thể nói, số phận của những người Yazidi đang sống trong những vùng do “Quốc gia Hồi giáo” còn chiếm đóng vẫn còn rất bi đát.
https://www.theguardian.com/world/2014/aug/07/who-yazidi-isis-iraq-religion-ethnicity-mountains)

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Danh Dự Đích Thực




Chu Thập
25.9.12

Mặc dù được xem là phần thánh thiêng nhứt trong con người, tình cảm tôn giáo lại là thứ thường bị xúc phạm và miệt thị. Đây là điều hiển nhiên nhứt trong chế độ cộng sản vô thần.
Tôi còn nhớ, liền sau khi thôn tính Miền Nam, những người cộng sản đã cho phổ biến một pháp lệnh tôn giáo có tên là Nghị quyết 297/CP. Được ban hành kể từ khi cướp chính quyền ở Miền Bắc, sắc lệnh vẫn được người cộng sản Việt nam cho áp dụng nguyên si ở Miền Nam. “Tiếu lâm” nhứt vẫn là đoạn viết rằng “tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo đều được phép, nhưng phải xin phép”. Có khờ khạo đến đâu, người dân Miền Nam nào cũng hiểu rằng dưới chế độ cộng sản “được phép nhưng phải xin phép” có nghĩa là “bị cấm”.
Có một đoạn khác cũng nói lên cái trò bịp bợm của những kẻ chuyên nói dối như Vẹm. Đại khái, chính quyền cộng sản không cho phép cán bộ các cấp được “xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của người dân”. Nghe như thể cái chính quyền vô thần này là chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo và bảo vệ tôn giáo nhứt hành tinh vậy. Kỳ thực, trong chế độ cộng sản, những thứ càng được rêu rao và đề cao là những thứ chẳng bao giờ có cả.
Bên cạnh vô số những sắc lệnh hạn chế, xách nhiễu và bách hại công khai, chế độ cộng sản còn xử dụng cả một guồng máy văn nô bồi bút chuyên môn bôi nhọ các tôn giáo. Riêng đối với Kitô giáo, trong rất nhiều tác phẩm ngây ngô rẻ tiền nhằm triệt hạ tôn giáo này, tôi thấy bỉ ổi nhứt có lẽ là cuốn “Tây dương Gia tô bí lục” được các cán bộ cộng sản tụng niệm như sách gối đầu giường. Cuốn sách được xem như “công trình biên khảo dưới dạng văn nghị luận và truyện ký phong thần của một tập thể tự xưng là giáo sĩ Thiên Chúa giáo gồm hai ông giám mục Phạm Ngô Hiền, Nguyễn Hòa Đường và hai thày cả Nguyễn Bá Ám và Trần Đình Hiên biên soạn vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19...Hai tác giả có chức “giám mục” trên đây cho biết đã đi Tây Dương”(Âu châu) và được một vị giáo hoàng cho đọc các “bí pháp” nên chợt giật mình tỉnh ngộ, khi về nước làm ra sách cất kín trong tráp chờ thời. Các tác giả hẳn muốn áp dụng binh pháp Tôn Vũ “biết người biết ta trăm trận trăm thắng” cho nên, ngoài sự hiểu biết về đạo “Gia Tô”, cuốn sách còn là một kế sách hiến cho “các bậc thánh nhân ở ngôi cao, các bậc tài giỏi giúp nước” để diệt trừ tả đạo, “cái đạo làm đồi phong bại tục, thương tổn luân thường, làm ngu dân để chiếm nước, thật chưa có giặc nào hung ác cho bằng giặc Tây Dương”. Cái nhìn của tác giả là đồng hóa Tây Dương với đạo “Gia Tô” mà Giê su là thủ phạm chính tạo ra mối đạo ấy (x. Antôn Nguyễn, Tôi đọc Tây Dương Gia Tô bí lục, Mạng Lưới Dũng Lạc).
Vào thời Tàn Lê thế kỷ 18, khi dân trí người Việt nam còn thấp, một tài liệu như thế có thế đánh lạc hướng người dân, gieo vào đầu óc họ một hình ảnh lệch lạc về Kitô giáo và chính con người của Chúa Giêsu để khích động lòng yêu nước là điều có thể hiểu được. Nhưng kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước, khi trình độ dân trí của người Miền Nam đã được nâng cao một cách đáng kể,  xử dụng một tài liệu như thế để bôi nhọ và tuyên truyền chống Kitô giáo là trò lố bịch không thể tưởng được. Không có ở đâu kẻ bôi nhọ tôn giáo lại bị “bôi nhọ” cho bằng trong chế độ cộng sản Việt nam.
Nhưng bôi nhọ tôn giáo và xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của người khác không phải là độc quyền của người cộng sản vô thần. Ngày nay, trong các xã hội dân chủ, nhân danh tự do ngôn luận và phát biểu ý kiến, nhiều người cũng tự cho mình quyền được báng bổ, lăng mạ các tôn giáo. Làn sóng phản đối của thế giới Hồi giáo về một cuốn phim có nội dung xúc phạm đến tiên tri Mahomet trong những ngày vừa qua đã tố cáo phần nào điều thường được nại đến như sự tự do trong quảng cáo, báo chí và nghệ thuật, mặc dù như ai đó đã nói, “tự do của bạn sẽ chấm dứt khi ngón tay bạn chạm đến mũi tôi”.
Nhựt báo “Le Monde” của Pháp, trong số ra ngày 20 tháng 9 vừa qua, đã duyệt lại một số hình ảnh mà báo này nói là “Thiên Chúa cũng phải sửng sốt”. Trước hết là bức hình quảng cáo của hãng may mặc thời trang “United Colors of Benettton” nổi tiếng của Ý. Trong bức hình quảng cáo, người ta thấy đức  đương kim giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI và giáo sĩ hồi giáo Ahmed Al Tayeb của Ai cập  hôn môi nhau một cách “mùi mẫn”. Tòa thánh Vatican đã xem đây là một hành động xúc phạm, bởi vì xử dụng hình ảnh của một vị giáo hoàng, người vốn được người công giáo xem như vị đại diện của Chúa Giêsu trên trần gian, vào mục đích thương mại.
Tại Tây phương, những biểu tượng của niềm tin Kitô giáo bị mang ra chế diễu hay lăng mạ là chuyện hầu như đã trở thành “thời thượng”. Dạo tháng 4 năm 2011, một bảo tàng viện tại thành phố Avignon, Pháp quốc, đã cho trưng bày một tác phẩm nghệ thuật của ông Andres Serrano, một họa sĩ Mỹ gốc Cuba. Tác phẩm được đặt tên là “Piss Christ”. Nghe cái tựa thôi cũng đã thấy có mùi xúc phạm rồi chớ đừng nói tới chuyện đứng nhìn bức ảnh. Trong bức ảnh, người ta thấy một cây thánh giá bị nhúng vào một bình nước tiểu. Người ta đã đo lường được mức xúc phạm của bức ảnh qua sự phản ứng của một số tín hữu Kitô tại Pháp: họ đã kéo nhau đến trước bảo tàng viện và một số đã len lỏi vào bên trong để phá hủy bức hình.
Xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của các tín hữu ki tô không kém là một bức hình quảng cáo cho một loại kem của Ý tại Anh quốc. Với tựa đề “Được thai nghén một cách không tỳ vết” (Conçue de manière immaculée), bức hình quảng cáo lại cho thấy một nữ tu có mang!  Vì có nhiều người phản đối cho nên Cục qui định về quảng cáo tại Anh quốc đã yêu cầu tháo gỡ các bức hình này.
Có lẽ các bức hình quảng cáo có nội dung tôn giáo có sức “bắt mắt” nhiều chăng mà các hãng quảng cáo tại Tây phương lại tranh nhau xử dụng các hình ảnh trong Kinh Thánh. Chẳng hạn như hãng thời trang “Marithé et Francois Girbaud” của Pháp đã lấy lại bức tranh “Bữa Tiệc Ly” nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci và thay vì hình ảnh của Chúa Giêsu và các tông đồ, hãng này lại đặt vào đó những kiều nữ “chân dài”. Bên cạnh đó có cảnh một thanh niên mình trần đang ôm một thiếu nữ trong một tư thế rất mờ ám. Hiệp hội có tên là “Croyances et libertés” (tín ngưỡng và tự do) đã lôi hãng thời trang này ra tòa. Và tòa đã phán quyết rằng đây là một bức hình xúc phạm đến các tín hữu Kitô.
Chuyện các biểu tượng của Kitô giáo bị giới nghệ thuật, quảng cáo và truyền thông mang ra chế diễu thật kể không xuể. Có lẽ có tính xúc phạm và gây xôn xao nhứt là cuốn phim có tựa đề “Je vous salue Marie” (Kính mừng Maria) do đạo diễn Pháp Jean Luc Godard thực hiện năm 1985. Câu chuyện “Thiên Chúa nhập thể làm người”, vốn là tín điều căn bản nhứt của Kitô giáo, lại bị một nhà đạo diễn có thế giá của Pháp dung tục và mang ra chế diễu, là điều không thể tha thứ được.
Ba năm sau, tức năm 1988, một nhà đạo diễn nổi tiếng của Mỹ là ông Martin Scorsese cũng đáng bị sỉ vả không kém khi thực hiện cuốn phim có tựa đề “The last temptation” (cơn cám dỗ cuối cùng). Cuốn phim dựa trên quyển tiểu thuyết cùng tên của văn hào Hy lạp Nikos Kazantzaki. Mặc dù cả nhà văn lẫn nhà đạo diễn đều biện minh rằng họ chỉ muốn trình bày khía cạnh nhân tính của Chúa Giêsu, một con người cũng trải qua bao thử thách, cám dỗ như mọi người, nhưng đặt Đấng Cứu Thế của Kitô giáo vào quan hệ tình ái với bà Ma-đa-lê-na và cho Ngài “sa chước cám dỗ” quả là một hành động xúc phạm tột cùng đối với tình cảm tôn giáo của hàng tỷ tín hữu Kitô trên toàn thế giới.
Mùa hè năm 1985, khi cuốn phim “Je vous salue Marie” của đạo diễn Jean Luc Godard được trình chiếu khắp Âu châu, tôi đang có mặt tại Roma. Tôi nhận thấy đông đảo người công giáo “dàn chào” trước các rạp chiếu bóng ở thủ đô Ý để, một mặt phản đối cuốn phim vô đạo, mặt khác ngăn cản không để cho những người hiếu kỳ phải xem những hình ảnh có tính mạ lỵ và xúc phạm đến Đức Trinh Nữ Maria. Nhớ lại những năm tháng sống dưới chế độ cộng sản Việt nam, tôi mới thấy rằng ở đâu tình cảm tôn giáo của con người cũng có thể bị xúc phạm và ở đâu cũng thế, càng xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng cao quý của người khác, con người cũng càng để lộ bộ mặt lố bịch của mình.
Xét cho cùng, xúc phạm đến người khác, cách này hay cách khác, bằng lời nói hay bằng hành động, là một hành động thiếu tự trọng và xúc phạm đến chính phẩm giá và danh dự của mình.
Trong những ngày này, khi theo dõi làn sóng phản đối “ bạo động” của nhiều người hồi giáo trên khắp thế giới về cuốn phim có nội dung mạ lỵ đối với tiên tri Mahomet, tôi chợt nhớ đến một người chưa từng được gặp mặt và quen biết hiện còn ở Việt nam. Một người bạn của tôi vừa đưa tin anh đã qua đời cách đây hơn một tuần lễ. Là một người khiếm thị, anh “nhìn” con người và thói đời bằng trái tim hơn bằng đôi mắt. Có lẽ vì vậy mà anh “thấy” những điều cả đời tôi chẳng nhìn ra. Sở dĩ tôi nhớ đến anh là bởi vì anh đã nói một câu mà tôi luôn đem ra tâm niệm, nghiền ngẫm. Có khi trong một cơn say, con người mới dám sống thực với lòng mình. Như trường hợp nhà văn Nguyễn Tuân: trong một cơn say lúy túy, nhà văn đã một thời cúc cung hạ mình để làm bồi bút cho chế độ cộng sản, đã thốt lên với bạn bè: “Tao sống được cho tới ngày hôm nay là nhờ biết sợ”. Bọc bạch điều đó xong, ông mới để cho những giọt nước mắt tuôn trào, giọt rơi xuống đất, giọt thấm vào lòng.
Trong một cơn say, người mà tôi vừa nhắc đến cũng đã nói một câu mà tôi không biết có ai đó đã nói chưa hay do chính anh chắt lọc được từ những trải nghiệm của bản thân. Đại khái anh nói: “Ông Trời công bằng lắm. Ổng cho mỗi người một danh dự. Không ai cho ai được mà cũng không ai có thể chà đạp, tước đoạt hay cướp lấy của ai được. Cũng không ai làm mất danh dự của ai được. Chỉ có mình mới tự mình làm mất danh dự của mình mà thôi”.
Giờ này, khi trở về lòng đất mẹ, hẳn anh mới nghiệm thấy câu nói mà anh đã để lại ít nhứt cho một người là tôi, thật sự ứng nghiệm. Người chết không màng đến “danh dự”, một thứ trở nên hão huyền.Thế mà người sống cứ phải “sống chết” tranh nhau để tìm kiếm, để mua cho bằng được hay đòi phải trả lại cho bằng được, dù có khi chỉ với giá một “đồng” (danh dự). Trong nghĩa trang, dù tôi có lớn tiếng ca ngợi, chúc tụng, người chết cũng chẳng “ừ hử” gì cả. Nhưng ngay cả khi tôi có la hét, lăng mạ hay “đào mồ cuốc mả” lên mà chửi bới, người chết cũng vẫn một mực im lặng. Bên kia biên giới của sự sống, phản ứng của loài người là như thế. Nói gì đến thần thánh và Thượng Đế. Dù tôi có vào trong thánh thất, giáo đường, chùa chiền hay đền thờ để kêu tên các Đấng ra mà chửi bới, tôi cũng chỉ nhận được tiếng vọng lại trong tâm hồn tôi mà thôi: tôi chửi rủa chính tôi, tôi mạt sát chính tôi, tôi tự hạ phẩm giá của tôi, tôi chà đạp và vứt bỏ danh dự của tôi. Tôi chẳng khác nào cậu bé được bà mẹ dẫn vào rừng sâu và bảo nói thật lớn “tôi yêu người”. Lập tức cậu nghe vọng lại ba chữ “tôi yêu người”. Nhưng khi cậu hét lên “tôi ghét người”, lập tức cậu cũng nghe vọng lại “tôi ghét người”.
Suy nghĩ như thế cho nên tôi cho rằng xúc phạm đến tình cảm tôn giáo hay áp đặt quan niệm, cảm tính của mình vào tôn giáo người khác của cũng có nghĩa là đem danh dự của chính mình ra mà bán đứng. Ngược lại, để gọi là bênh vực đạo giáo, bênh vực danh dự của Đấng sáng lập hay vì tình cảm tôn giáo thánh thiêng của mình mà tôi cũng ăn miếng trả miếng bằng bạo động, thì chính tôi lại cũng chẳng tôn trọng gì danh dự của mình và cũng chẳng thực sự bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình, bởi vì niềm tin tôn giáo đích thực của tôi không thể dung thứ cho tôi được phép lấy oán báo oán.
Xin cám ơn một người bạn chưa hề quen biết và không bao giờ còn cơ hội gặp mặt đã dạy tôi bài học về Danh Dự đích thực.




Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Những hình thức nô lệ mới của thời đại

17.6.16

Điều 4 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948 khẳng định: “Không ai bị cưỡng bức làm nô lệ hay tôi đòi. Chế độ nô lệ và buôn bán nô lê dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm”.
Mặc dù rất nghiêm nhặt, lệnh cấm này không hề được tôn trọng. Người lớn cũng như trẻ em vị thành niên đều có thể là nạn nhân của những hình thức nô lệ mới, dù ở đâu, thuộc tôn giáo hay thuộc giai cấp xã hội nào. Cách đây không lâu, thế giới đã sửng sốt trước tin của một thiếu nữ Áo tên là Natasha Maria Kampusch đã bị một người đàn ông bắt giữ làm nô lệ trong hơn 8 năm trời. Đây là điều đã xảy ra trong một đất nước tự do và dân chủ tại Tây Phương. Câu chuyện thương tâm của cô Kampusch là một điển hình của rất nhiều câu chuyện về nô lệ vẫn đang tiếp tục xảy ra trong thế giới hiện đại ngày nay. Thật vậy, theo một bản phúc trình về “Chỉ số nô lệ toàn cầu” (Global Slavery Index) được tổ chức Walk Free Foundation công bố, trên thế giới hiện có khoảng 38,5 triệu người đang là nạn nhân của chế độ nô lệ mới tại 167 quốc gia trên thế giới. Những hình thức nô lệ mới bao gồm việc buôn người, khai thác tình dục, cưỡng bách lao động, bị bắt làm tôi đòi vì nợ nần, ép buộc thành hôn v.v.
Có 5 quốc gia chiếm đến 61 phần trăm tổng số người bị bắt làm nô lệ trên toàn cầu. Đứng đầu danh sách là Ân Độ: đây là nơi mà người ta có thể thấy tất cả mọi hình thức nô lệ mới của thời đại, với 14,3 triệu nạn nhân. Đứng hàng thứ hai trong danh sách là Trung Cộng với 3,2 triệu nạn nhân. Kế đó là Pakistan với 2,1 triệu nạn nhân. Đứng hàng thứ tư là Ouzbekistan với 1,2 triệu. Cuối cùng là Liên bang Nga với 1,1 triệu nạn nhân. Ngoài ra, một số quốc gia khác như Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Dương, Bangladesh và Thái Lan cũng là những nơi có đủ mọi hình thức nô lệ mới.
Nhưng cũng chú ý không kém khi nói về những hình thức nô lệ mới là Mauritania là nơi có đến 4 phần trăm dân số bị cưỡng bách làm nô lệ dưới hình thức này hay hình thức khác. Đây là tỷ lệ nô lệ cao nhất thế giới hiện nay. Theo bản phúc trình được tổ chức Walk Free Foundation phổ biến, “nô lệ đã cắm rễ sâu trong xã hội Mauritania. Tại đây, những người “Maure đen”, hậu duệ của những người da đen bị người Á Rập Berbere đến Mauritania vào thế kỷ thứ 11 bắt làm nô lệ, vẫn tiếp tục làm tôi đòi cho người “Maure trắng” từ thế hệ này  sang thế hệ khác. Theo Walk Free Foundation, “tư cách nô lệ có tính cha truyền con nối”.
Tại Ouzbekistan, bản phúc trình cho thấy có đến 3,97 phần trăm dân số bị bắt làm nô lệ dưới những hình thức mới. Tại đây, cứ mỗi mùa thu, hàng triệu người Ouzbek, bất luận đàn ông, đàn bà hay trẻ con, đều bị chính phủ cưỡng bách phải tham gia vào việc thu hoạch bông vải: Ouzbekistan được xem là một trong những nước sản xuất bông vải nhiều nhất thế giới.
Nói đến những hình thức nô lệ mới của thời đại, cũng phải kể đến Haiti là nơi mà trẻ con nghèo phải đi “ở đợ” cho những gia đình giàu có.
Riêng tại Qatar, hàng trăm ngàn nhân công từ Á Châu hiện đang bị bóc lột trong các xưởng thợ hoặc phải làm “người ở đợ” trong các gia đình giàu có.
Ngoại trừ “thiên đàng cộng sản” Bắc Hàn, tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều có những luật lệ để ngăn cấm một số hình thức nô lệ mới. Tuy nhiên, theo bản phúc trình được tổ chức Walk Free Foundation phổ biến, chỉ có ba chính phủ trên thế giới là Hoa Kỳ, Ba Tây và Úc Đại Lợi đã đưa ra những biện pháp nghiêm nhặt để ngăn chận những hình thức nô lệ mới.
Những hình thức nô lệ mới không chỉ có tại các nước nghèo hoặc đang phát triển. Theo tổ chức Walk Free Foundation, ngay cả tại một số nước Tây Phương, thỉnh thoảng người ta vẫn khám phá được một số nạn nhân của nô lệ. Như mới đây chẳng hạn, tại Anh Quốc, việc khám phá và giải phóng 3 phụ nữ bị bắt làm nô lệ trong suốt 30 năm đã khiến cho thế giới phải sửng sốt. Anh Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng thấp, sự kỳ thị đối với phụ nữ cũng không đáng kể, quyền con người và luật chống lại nô lệ luôn được tôn trọng. Nhờ vậy, nguy cơ xảy ra nô lệ dưới hình thức mới được xem là thấp.
Cũng như Anh Quốc, nước Pháp cũng được kể vào số những nước có tỷ lệ nô lệ mới rất thấp. Trong số 162 nước được tổ chức Walk Free Foundation khảo sát, Pháp quốc đứng hàng thứ 139. Dù vậy, theo ước tính tại Pháp  cũng có đến 8500 người bị bắt làm nô lệ dưới những hình thức mới. Nhìn chung, trong tổng số 38,5 triệu người là nạn nhân của những hình thức nô lệ mới trên thế giới, Âu Châu chỉ có 1,82 phần trăm (http://www.huffingtonpost.fr/2013/11/22/esclavage-moderne-formes-diverses-toujours-bien)

Trong số 38,5 triệu nạn nhân của những hình thức nô lệ mới, trẻ em cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Theo Tổ chức Lao Động Quốc Tế, trong năm 2010, đã có khoảng 215 triệu trẻ em tuổi từ 5 đến 17 bị cưỡng bách lao động. Năm 2014,  theo Quỹ Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc, vẫn còn khoảng 150 triệu trẻ em bị cưỡng bách lao động. Theo ước tính, hiện có trên 250 ngàn trẻ em bị cưỡng bách cầm súng trong 30 vùng đang có xung đột trên khắp thế giới. Rất nhiều trẻ em gái bị bắt cóc và biến thành binh sĩ cũng như nô lệ tình dục. Mỗi năm trên khắp thế giới, có không dưới một triệu trẻ em, mà phần lớn là trẻ em gái bị cưỡng bách phải làm gái điếm. Những em này bị bán làm gái điếm hoặc “sử dụng” trong các kỹ nghệ khiêu dâm trẻ con tại những nước đã cũng như đang phát triển (www.humanium.org/fr/lesclavage-moderne-les-enfants-esclaves-du-21eme-siecle/)
Cộng đồng thế giới đã đưa ra một số công ước về nô lệ, nhất là nô lệ trẻ con. Tuy nhiên, các hình thức nô lệ mới vẫn không chận đứng được tệ nạn này. Thật vậy, không phải tất cả mọi quốc gia đều ký tên và phê chuẩn các công ước. Một cách cụ thể, công pháp quốc tế không có tính cách cưỡng bách. Chỉ có những quốc gia nào nhìn nhận các công ước và cho áp dụng trên lãnh thổ của họ mới bị khiển trách!
Có nhiều lý do đưa đẩy con người thời đại vào vòng nô lệ dưới những hình thức mới và dĩ nhiên cũng có những dấu hiệu để nhận biết những hình thức nô lệ mới. Một trong những chướng ngại trong cuộc chiến chống lại những hình thức nô lệ mới của thời đại là tệ nạn này thường không dễ nhận diện được. Một số chuyên gia đã phân tích được một số dấu hiệu giúp nhận diện được những hình thức nô lệ mới.
Trước hết,  rất nhiều nạn nhân của những hình thức nô lệ mới đều là những người bị đánh lừa. Người ta thường đưa ra một miếng mồi ngon để nhử họ vào rọ mà họ không hay biết. Nhiều thiếu nữ từ những nước nghèo được hứa hẹn sẽ kiếm được một công việc béo bở tại một nước Tây Phương. Nhưng một khi đến nơi, họ mới vỡ lẽ rằng không những không có việc làm mà “người chủ” hứa cung cấp việc làm cho họ chỉ là một tên ma cô. Nhiều thiếu nữ đã bị hãm hiếp, đánh đập và cưỡng bách phải làm gái điếm.
Một khi đã sập bẫy của những kẻ buôn người, nạn nhân của những hình thức nô lệ mới thường bị cô lập, bị cưỡng bách phải làm việc ở những nơi xa xôi hẻo lánh hay bị ngăn cấm không được liên lạc với bạn bè, gia đình hoặc bất cứ ai nói được ngôn ngữ của họ.
Không những các nạn nhân bị cô lập, sổ thông hành của họ cũng bị tịch thu. Tịch thu sổ thông hành hoặc các giấy tờ tùy thân quan trọng khác là một cách cưỡng bách để các công nhân phải chấp nhận làm việc trong những điều kiện làm việc và sống rất tồi tệ. Không có sổ thông hành, các nạn nhân không thể trở về xứ sở của mình cũng như không thể gặp cảnh sát vì sợ bị bắt giữ.
Nhưng khốn khổ nhất đối với các nạn nhân vẫn là tình trạng nợ nần. Vì nợ nần mà đành phải chịu làm nô lệ cho chủ nợ. Đây là tình trạng thường xảy ra tại một số nước ở Nam Á. Câu chuyện của một người Pakistan là điển hình: người này đã bị bắt buộc phải làm nô lệ sau khi đã vay chỉ 200 Mỹ kim. Mặc dù người này đã trả hết 150 Mỹ kim, người chủ nợ vẫn nói rằng số nợ đã tăng lên cả vốn lẫn lời đến 400 Mỹ kim. Vì không thể chứng minh được rằng người chủ nợ đã gian lận, người này đành phải đi làm trong một hầm mỏ trong những điều kiện tồi tệ với hy vọng sẽ trả hết món nợ nói trên.
Bị cưỡng bách phải làm việc, các nạn nhân thường được hứa hẹn một đồng lương hậu hĩ nhưng không phải lúc nào cũng nhận được lương. Các chủ nhân thường cố tình giữ lương của các nạn nhân để buộc họ phải làm việc trong những điều kiện không xứng hợp hoặc để ngăn cản họ thay đổi công việc. Đây là một trong những dấu hiệu của lao động cưỡng bách.
Ngoài ra, các nạn nhân không chỉ không được trả lương mà còn phải làm thêm nhiều giờ. Một thanh niên Bangladesh kể lại rằng anh phải làm việc 19 giờ mỗi ngày nhưng những giờ phụ trội lại không được trả lương. Trên nguyên tắc, nếu một công nhân bị bắt buộc phải làm việc hơn số giờ được luật pháp qui định và nhất là phải chịu một hình thức đe dọa nào đó, thì đây là một hình thức cưỡng bách lao động.
Lao động trong những điều kiện tồi tệ, các nạn nhân đương nhiên cũng sống trong những điều kiện không xứng hợp với phẩm giá con người. Tại Ba Tây, một thanh tra lao động cho biết ông đã từng gặp các công nhân trong một đồn điền. Họ phải sống trong những túp lều lụp xụp, phải uống nước bị nhiễm độc.
Dĩ nhiên, trong tình trạng bị giam giữ như nô lệ, các công nhân bị cưỡng bách lao động thường bị chủ nhân đe dọa .Vì giấy tờ không hợp lệ, các nạn nhân của những hình thức nô lệ mới dễ bị chủ nhân đe dọa tố cáo với chính quyền địa phương.
Bị cô lập và đe dọa đã đành, các nạn nhân của những hình thức nô lệ mới còn bị giam giữ như tù nhân. Đây là trường hợp của một thiếu nữ người Kazakhstan, 16 tuổi bị bán làm nô lệ tình dục tại Nga. Người thiếu nữ này kể lại rằng cô bị giam trong một căn phòng có song sắt. Cô không thể nào trốn thoát được. Trong hai tháng liền, cô bị người chủ bắt đi tiếp khách liên tục và luôn có người canh giữ bên cạnh khiến cô không thể trốn thoát được.

Trong các nhục hình mà các nạn nhân của những hình thức nô lệ mới phải trải qua, bị hành hung là điều không bao giờ thiếu trong thân phận nô lệ. Bạo động thể lý là một phương pháp thường được giới chủ nhân sử dụng để khống chế các nạn nhân hoặc buộc họ phải làm những việc trái với ý muốn của họ, như phải quan hệ tình dục với mình hoặc làm việc mà không được trả lương. Một thiếu nữ Cambốt 22 tuổi kể lại rằng ngay từ khi đến Mã Lai, cô đã bị người chủ nhà hành hạ, đánh đập. Càng ở lâu cô càng bị hành hạ nhiều hơn (x. http://50forfreedom.org/fr/home-stories/10-moyens-pour-reconnaitre-esclavage-moderne/).

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Tôi là ai mà kết án họ!


Chu Thập
17.6.16

Giáo sĩ Hồi giáo người Anh Farrokh Sekaleshfar đã phải  rời khỏi Úc Đại Lợi, vì như Thủ tướng Malcolm Turnbull đã nói “đất nước này tuyệt đối không dung thứ cho những người đến Úc để rao giảng sự thù hận”. Thủ tướng Úc đã dựa vào điều 501 của Luật Di Trú để rút lại chiếu khán nhập cảnh dành cho vị giáo sĩ Hồi giáo này. Ông Sekaleshfar đã được một đền thờ Hồi giáo ở miền Tây Sydney mời đến thuyết giảng trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.
Giáo sĩ Sekaleshfar đã nổi tiếng sau vụ thảm sát tại một hộp đêm của người đồng tính tại Thành phố Orlando, Tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, bởi vì trong một bài thuyết giảng trước đó ông đã tuyên bố rằng cần phải tuyên án tử hình cho những người đồng tính. Theo ông, đây là một bản án “đầy cảm thông”. Khi đưa ra lời thuyết giảng trên đây, giáo sĩ Sekaleshfar nói rằng tuyên án tử hình cho người đồng tính là điều hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Kinh Coran.
Không rõ hung thủ Omar  Mateen, người mà nhiều nhân chứng cho biết đã thường xuyên tìm đến hộp đêm Pulse của người đồng tính, có nhận được cảm hứng từ những lời rao giảng của giáo sĩ Sekaleshfar không. Ông Seddique Mateen, cha của hung thủ, khẳng định rằng con ông không phải là một người đồng tính. Theo ông, sở dĩ Omar Mateen đã có hành động khủng bố với người đồng tính như thế là vì trước đó hai tuần anh đã chứng kiến cảnh hai người đàn ông hôn nhau.
Đây là một chi tiết khiến tôi cũng phải nhìn lại tiến trình chuyển hóa trong cái nhìn của tôi về người đồng tính. Trong giáo dục gia đình và đạo giáo mà tôi đã thụ hưởng được ngay từ thuở nhỏ, hôn hít giữa hai người khác phái, dù là vợ chồng đi nữa, nếu diễn ra giữa thanh thiên bạch nhựt, là một điều cấm kỵ. Tôi chưa từng thấy cha mẹ hay các anh chị của tôi làm điều đó giữa ban ngày bao giờ. Thập niên 1950, tôi làm quen với nghệ thuật thứ bảy qua các phim ảnh của Ấn Độ và Phi Luật Tân. Phim Ấn Độ nào cũng toàn là ca vũ. Mà ca vũ lại rất “lành mạnh”. Cứ xáp lại gần nhau đến hồi “gay cấn” nhứt thì cô cậu lại buông tay chạy ra xa. Cứ như mèo vờn chuột. Còn trong các phim Phi Luật Tân, hình như quỷ nhập tràng “quậy” quá, cho nên những người hùng chẳng bao giờ dám hó hé để hôn hít lăng nhăng cả. Mãi gần cuối thập niên 1950, tôi mới bắt đầu thấy cảnh hôn hít trong các phim “cao bồi” viễn Tây của Mỹ. Nhưng do giáo dục gia đình và đạo giáo kìm hãm, cộng với sự trong trắng của tuổi thơ, cứ mỗi lần thấy cảnh hôn hít là tôi nhắm mắt lại. Đến tuổi dậy thì, khi tâm hồn và thể xác của tôi  đã có chút rạo rực và rung cảm  mỗi lần được xem những cuốn phim có vài cảnh gây cấn, người chiếu phim thường phải lấy tay để che những cảnh ấy lại. Tôi cứ thắc mắc: hôn hít công khai là điều xấu xa hay tôi còn quá non dại để được phép nhìn xem cảnh ấy!
Cứ thế, bên cạnh “giáo điều” nam nữ thọ thọ bất thân là vô số những cấm kỵ liên quan đến tính dục khiến tôi cứ bị đè nặng bởi mặc cảm mỗi khi nghĩ đến tính dục. Mãi cho đến năm 1982, khi đặt chân đến Pháp, không những được giải phóng khỏi chế độ độc tài cộng sản, tôi cũng cảm thấy được giải thoát khỏi nhiều thứ cấm kỵ liên quan đến tính dục. Thật vậy, ở cái đất nước mà cứ hễ có một tấm bảng có ghi chữ “cấm” như cấm xả rác, cấm đái bậy chẳng hạn, người ta lại thêm vào một chữ “cấm” nữa để bảo “không được phép cấm”. Thành ra, có những điều được xem là cấm kỵ ở Việt Nam thì ở đây người ta “xả láng”. Cụ thể nhứt là chuyện hôn hít. Ngày đầu tiên sử dụng xe lửa ngầm Metro để đi thám thính “kinh thành ánh sáng” Paris, tôi không cảm thấy bị choáng ngợp vì cảnh xe cộ tấp nập hay các cao ốc, mà vì những cảnh hôn hít diễn ra hầu như ở bất cứ một nơi công cộng nào. Ở đâu dân Pháp cũng hôn hít. Còn ra đến bãi biển hay vào các hồ tắm công cộng, những người tỵ nạn như tôi tha hồ “rửa mắt”: rất nhiều thiếu nữ và “bà đầm” chỉ mặc độc một mảnh! Không những tôi “rửa mắt” mà cũng được “rửa tội” lại để tập làm quen với những hình ảnh mà trước kia tôi được dạy bảo là điều cấm kỵ. Nhưng trong cố gắng vượt qua những điều cấm kỵ, điều quan trọng hơn cả là lần đầu tiên trong đời tôi được tiếp xúc với xã hội đồng tính và có được một ý niệm rõ rệt về thế giới này. Tôi xem đó như một tiến bộ trong tiến trình hội nhập vào xã hội Tây Phương. Ngày nay, tôi xem việc tiếp xúc và làm quen với người đồng tính là một điều bắt buộc phải có trong đời sống xã hội. Trước kia, tôi không hề có bất cứ khái niệm nào về đồng tính. Bây giờ, xung quanh tôi nhan nhản người đồng tính.
Trước đây tôi có thái độ không những đố kỵ, ngờ vực, khinh rẻ đối với người đồng tính. Ngày nay, tôi mới hiểu thế nào là sự cảm thông mà mình phải có đối với họ. Mới đây, một ông bạn của tôi từ Mỹ đến thăm. Hiện ông là một luật sư đang hành nghề. Với cách nói chuyện mà tôi nghĩ chỉ có giới luật sư mới có, lúc nào ông cũng đóng vai “  luật sư của quỷ” (Devil’s advocate). Nói đi rồi lúc nào ông cũng nói lại. Kết thúc câu chuyện hay nhận định về bất cứ một người nào, ông cũng đều kết luận: họ cũng là con người!
“Họ cũng là con người” có nghĩa trước tiên là họ không chọn lựa để sinh ra. Họ cũng chẳng chọn cha mẹ để vào đời. Họ cũng chẳng chọn phái tính để có mặt trên trái đất này. Chẳng có ai tự mình quyết định về định hướng tính dục của mình. Nó như vậy thì phải chấp nhận thôi. Tôi hiểu được nỗi đau khổ của những bậc cha mẹ, nhứt là cha mẹ Việt Nam, khi sinh ra một đứa con đồng tính. Tôi lại càng hiểu được những dằn vặt của không biết bao nhiêu người phải vật lộn khi bị khủng hoảng về căn tính giới tính của mình. Thành ra, sự hiện diện và xuất hiện công khai của người đồng tính và xã hội đồng tính trong thế giới Tây Phương ngày nay là một thách đố trong tiến trình “làm người” của chính tôi. Tôi có thật sự là người, nghĩa là biết sống tử tế hay không là tùy cách tôi có chấp nhận và tỏ ra cảm thông với những người đồng tính không. Là một tín hữu Kitô, tôi xem cách xử sự của Đức Phanxicô về vấn đề này là mẫu mực. Trong một cuộc họp báo năm 2013, khi được hỏi về quan điểm của ngài đối với người đồng tính, ngài trả lời “Tôi là ai để đoán xét họ?” (Who am I to judge them?”) hàm ý: họ cũng là con người có tất cả phẩm giá cao trọng như tôi, tôi lấy tư cách nào để kết án họ.
Tôi cảm thấy phấn khởi trước phản ứng của Thủ tướng Turnbull và dân Úc về những lời kêu gọi thù hận của giáo sĩ Hồi giáo Sekaleshfar: Úc Đại Lợi mà tôi đã chọn làm quê hương thứ hai là một đất nước của khoan nhượng trong đó sự thù hận đối với người đồng tính hay bất cứ thành phần xã hội nào dựa trên văn hóa, chủng tộc và nhứt là tôn giáo sẽ không bao giờ có chỗ đứng!
Tôi xác tín rằng chỉ có sự khoan nhượng mới có thể làm cho xã hội được hài hòa và con người mới cảm thấy hạnh phúc thực sự.
Hạnh phúc quả là điều mơ hồ. Nhưng điều cụ thể trước mắt mà con người có thể cảm nhận được là mối quan hệ xã hội của họ. Ai cũng muốn được người khác tôn trọng và quý mến. Ai cũng muốn có bạn. Ai cũng muốn sống hài hòa với người khác.
Cách đây vài năm, chuyên gia tâm lý Steven C. Hayes Ph.D có thực hiện một cuộc nghiên cứu qua đó ông nhận thấy rằng con người chỉ có thể sống hài hòa với người khác và cảm thấy hạnh phúc với hai điều kiện. Trước hết, chúng ta cần phải “xỏ chân vào giày của người khác”, nghĩa là phải nhìn thế giới xuyên qua chính con mắt của người đó. Kế đó, chúng ta cần phải biết chia vui sẻ buồn với người khác. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể vui hưởng sự hiện diện của người khác và yêu thương họ nếu chúng ta biết cảm thông với họ. Trong hầu hết các ngôn ngữ Tây Phương, hai chữ “cảm thông” luôn gợi lên sự “cùng chịu đựng, cùng đau khổ” với người khác (x. Psychology Today, 13/6/2013).
Theo các chuyên gia tâm lý, nếu chúng ta không chấp nhận “cùng chịu đựng, cùng đau khổ” với người khác, nếu chúng ta không chấp nhận cái nhìn của họ, nếu chúng ta không cảm thông hay hiểu được những cảm xúc của người khác, chúng ta dễ có khuynh hướng kết án và thù hận họ.
Nếu đúng như giải thích của ông Seddique Mateen, cha của hung thần đã gây ra cuộc thảm sát làm cho 49 người chết và trên 50 người bị thương, thì chính vì không chấp nhận cảnh hai người đàn ông hôn hít nhau mà anh đã có hành động dã man như thế. Với anh, người đồng tính không phải là những con người cần được tôn trọng và cảm thông, bởi vì họ cũng là người như anh, mà chỉ là những đối tượng của hận thù cần phải, theo lời dạy của giáo sĩ Sekaleshfar, “tuyên án tử hình” và xử tử.
Ngày nay, sau bất cứ một cuộc thảm sát nào, thế giới cũng đều có một phản ứng như nhau: đó là chia sẻ nỗi đau của gia đình các nạn nhân và lên án sự thù hận. Những bó hoa được đặt tại những nơi xảy ra các cuộc thảm sát, những đêm thắp nến để cầu nguyện, để bày tỏ sự thương tiếc và để tỏ tình liên đới...cũng nói lên quyết tâm của nhân loại trong cuộc chiến chống lại thù hận. Có những người như hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump đã nhấn mạnh đến quyết tâm phải chống lại các tổ chức khủng bố, đặc biệt là “khủng bố Hồi giáo” ISIS hoặc hạn chế hay phải rất nghiêm nhặt trong việc cho người Hồi giáo nhập cư vào Hoa Kỳ. Có lẽ ai cũng nghĩ đến cuộc chiến chống lại khủng bố. Cần phải đứng lên và chiến đấu chống lại khủng bố. Nhưng thật ra, nếu có một cuộc chiến thật sự thì  cuộc chiến đó cần phải khởi sự ngay từ bên trong mỗi người. Đây là cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa hận thù và tình yêu. Đã là người, không ai thoát khỏi một cuộc chiến như thế.
Nói đến cuộc chiến giữa hận thù và tình yêu, tôi liên tưởng đến hai nhân vật thường được nhắc đến ở Việt Nam trong những ngày vừa qua: một là ông Bob Kerry, người vừa được chính phủ Hoa Kỳ đề cử giữ chức chủ tịch của Hội đồng Tín Thác (Board of Trustee) của trường đại học Fullbright vừa được cấp giấy phép thành lập tại Việt Nam, hai là bà Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà trí thức cộng sản nổi tiếng của Việt Nam. Bà Ninh đã lên tiếng kịch liệt phản đối việc bổ nhiệm ông Kerry vào một chức vụ quan trọng trong đại học Fullbright chỉ vì năm 1969, ông đã chỉ huy một toán quân Mỹ đột nhập vào làng Thanh Phong, quân Thanh Phú, tỉnh Bến Tre, vốn là một địa điểm được đánh giá là vùng khai hỏa tự do. Khi tiến vào làng, toán đặc nhiệm của ông Kerry đã bị du kích núp trong nhà dân bắn ra nên họ đã khai hỏa xối xả vào làng. Sau khi ngưng tiếng súng, lục soát khắp làng, ông Kerry và toán quân của ông chỉ thấy khoảng 14 xác chết của những thiếu niên trẻ chừng 18 tuổi và phụ nữ nằm rải rác trong làng...Sau chiến tranh, ông Kerry đã bày tỏ sự ân hận; lương tâm ông luôn bị dằn vặt vì cảnh chết chóc do mình gây ra. Từ đó ông đã nỗ lực tối đa trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh bằng những hành động thúc đẩy, xây dựng quan hệ ngoại giao Mỹ Việt, xóa bỏ lệnh cấm vận. Nơi ông, chắc chắn đã diễn ra một cuộc chiến dai dẳng giữa hận thù và tình thương. Nhưng nơi ông, cuối cùng  tình thương đã chiến thắng trên hận thù.
Chiến tranh đã kết thúc. Nhưng tôi nghĩ, trong lòng bà Tô Nữ Thị Ninh và rất nhiều người cộng sản Việt Nam khác, có lẽ chiến tranh vẫn còn tiếp diễn và hận thù vẫn đang thắng thế. Đó là điều đáng buồn cho đất nước và dân tộc Việt Nam!





Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”



Chu Thập
10.6.16

Mới đây, câu chuyện tình kèm với hình ảnh của một cặp vợ chồng lực sĩ bơi lội khuyết tật mắc chứng “Đao” (Down Syndrome) ở Tiểu bang Queensland đã được trên 12 triệu lượt người xem trên các trang mạng xã hội.
Cả hai hiện đang tập luyện để tham dự giải vô địch bơi lội dành cho người khuyết tật sẽ được tổ chức tại Florence, Ý Đại Lợi. Trong thước phim được phát tán trên các trang mạng xã hội, cảm động nhứt có lẽ là giây phút người chồng tên là Michael Cox  chỉ vào cô vợ Taylor Anderton và nói: “Đây là huy chương vàng mà tôi đã chiếm được”.
Nhưng với riêng tôi, cảm động hơn cả chính là sự tôn trọng và quý mến mà mọi người đã dành cho cặp vợ chồng lực sĩ này. Thật vậy  những câu chuyện tình như thế không phải là điều hiếm thấy. Ý chí và sự cương quyết của họ cũng không phải là điều ít xảy ra trong thế giới của những người khuyết tật. Điểm nổi bật trong câu chuyện này chính là sự quan tâm và trân trọng mà nhiều người trên khắp thế giới đã dành cho họ. Qua chuyện tình của hai người lực sĩ khuyết tật này, những người đang sống trong những xã hội dân chủ và tự do thực sự muốn khẳng định một điều: “Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” như đã được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ ngày 4 tháng 7 năm 1776 và được “cha già dân tộc” của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam “cóp” nguyên si trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Giá trị nền tảng nhứt làm nền móng cho các xã hội tự do chính là sự bình đẳng. Và không gì thể hiện sự bình đẳng ấy cho bằng sự tôn trọng đối với những người khuyết tật, những người kém may mắn và những thành phần dễ bị tổn thương nhứt trong xã hội.
Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là “tín điều” mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama muốn “rao truyền” cho nhân dân Việt Nam và cách riêng với các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong chuyến viếng thăm vừa qua. Nói xa nói gần trong các bài diễn văn đã đành, Tổng thống Obama cũng muốn chứng tỏ sự bình đẳng ấy qua chính cung cách của ông trong 3 ngày viếng thăm Việt Nam. Người ta có thể không màng đến những hợp đồng được ký kết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Người ta cũng có thể không để ý đến những bài diễn văn của ông. Nhưng có lẽ người ta khó quên được một số hình ảnh của ông. Ông nói về sự bình đẳng và về các lý tưởng gắn liền với bình đẳng là tự do và dân chủ không bằng các bài diễn văn hùng hồn cho bằng cung cách của ông.
Tôi đặc biệt ghi nhận bức ảnh chụp Tổng thống Obama đứng bên cạnh Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ông Trần Đại Quang. Trong bức ảnh, tôi thấy nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nở một nụ cười rạng rỡ. Cứ như các phó nhòm, đặc biệt các phó nhòm ngoại quốc, ra hiệu nhắc ông ”cheese” ( cười lên đi nào!). Cười khi chụp hình là chuyện bình thường. Có gì mà phải thắc mắc. Nhưng trường hợp đứng chụp hình chung với một nhà lãnh đạo của nhà nước cộng sản độc tài Việt Nam, nụ cười của Tổng thống Obama hẳn phải có một ý nghĩa đặc biệt. Nụ cười của ông là nụ cười thoải mái, nụ cười của một con người đến từ một nước tự do và dân chủ. Có lẽ Tổng thống Obama muốn nhắc khéo với các nhà lãnh đạo cộng sản của Việt Nam rằng cười là đặc điểm của xã hội dân chủ và tự do.
Trong bức ảnh, đáp lại với nụ cười thật dễ thương của Tổng thống Obama là sắc mặt lạnh lùng, vô cảm, đằng đằng sát khí của ông chủ tịch nước đã từng là Bộ trưởng Bộ Công an, tức Bộ gồm toàn những con người không biết cười, mà chỉ biết nói chuyện bằng dùi cui và báng súng. Bộ Công an chính là bộ mặt lạnh lùng và độc ác của chế độ cộng sản. Kể từ năm 1975, Bộ này đã làm cho nụ cười hoàn toàn héo hắt trên khuôn mặt người dân Việt Nam. Có muốn cười thì cũng chỉ cười mếu máo trong những câu chuyện tiếu lâm “bộ đội” mà thôi. Như vậy, cái chết của nụ cười cũng đồng nghĩa với sự vắng bóng của giá trị nền tảng làm nên dân chủ và tự do là sự bình đẳng. Tổng thống Obama đã cười một cách chí tình để nhắn gởi điều đó: cười là một khẳng định về bình đẳng!
Sợ Chủ tịch Trần Đại Quang và các lãnh tụ cộng sản Việt Nam không có đủ thông minh và nhứt là cảm xúc để hiểu được ý nghĩa của nụ cười “bình đẳng” của mình chăng, Tổng thống Obama đã làm thêm một bước “bình đẳng” táo bạo khác khi  đi vào một tiệm bún chả cá ở Hà Nội, ngồi trên một chiếc ghế đẩu bình dân, ăn uống và trò chuyện với người đối diện một cách tự nhiên “như người Hà Nội”. Có người bảo đó là một màn trình diễn. Quả vậy, đó là một cử chỉ đầy biểu tượng mà Tổng thống Obama đã cố tình làm để nói lên rằng trong một đất nước dân chủ và tự do như Hoa Kỳ, mọi người, kể cả tổng thống, đều bình đẳng với nhau; tổng thống có vào quán ăn ngồi xổm để thưởng thức những món ăn bình dân thì cũng chẳng có ma nào thắc mắc cả.
Có đâu như trong Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: các quan lớn đời nào chịu xuống hàng bình đẳng với người dân! Như nhà báo Ngô Nhân Dụng đã ghi lại trên báo Người Việt (x. Người Việt 27/5/2016), các quan cộng sản, ngay cả các “quan nhỏ” cũng bắt người dân phải “khom lưng” cho mình cỡi lên. Đây không chỉ là một cách nói bóng gió, mà là một bức ảnh chụp được ngày 25 tháng 5 vừa qua tại Việt Nam. Trong bức ảnh được tải lên trên mạng, người ta thấy “một ông “quan nhỏ” bước ra khỏi xe hơi, trong lúc mặt đường ngập lụt. Một anh quân hầu vội vác chiếc ghế tới cửa xe cho quan bước lên, rồi một anh khác khom lưng cõng ông vào bậc thềm, cách cửa xe hai mét”.
Xem bức ảnh này, nhà báo Ngô Nhân Dụng nêu lên câu hỏi: “Tại sao người ta khom lưng?” Theo ông, chính cái chế độ độc ác tàn bạo của người cộng sản đã khiến cho người dân phải sợ và sợ run đến nỗi phải khom lưng, cúi đầu trước các “quan lớn nhỏ”, chẳng khác gì dưới thời phong kiến hay thực dân Pháp.
Người ta thấy rõ sự khác biệt giữa một nước dân chủ tự do và chế độ cộng sản độc tài qua thái độ sợ hãi, khom lưng và khúm núm của người dân. Ngay cả giữa một nền dân chủ còn non dại như Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, sự khác biệt cũng một trời một vực.
Có người gởi cho tôi hai bức ảnh. Dĩ nhiên cũng liên quan đến chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua của tổng thống Obama. Một là bức ảnh chụp cảnh khúm núm “ngã ngớn” đến tội nghiệp của một cô giáo Hà Nội được chọn làm người tặng hoa cho Tổng thống Obama. Đối lại với bức ảnh này là hình cũng của một cô giáo cách đây 50 năm: cô giáo này chào đón Tổng thống Richard Nixon trong tư thế đứng thẳng, chững chạc và tự tin. Người cúi mình không phải là cô gái mà chính là Tổng thống Nixon.
Sự khác biệt giữa hai bức ảnh đã nói lên tất cả: người cộng sản đã cướp đi của người dân ý thức về sự bình đẳng! Trong chế độ cộng sản, ý niệm về sự bình đẳng đã hoàn toàn bị đánh tráo và bóp méo. Đây là điều mà nhà văn Anh George Orwell (1903-1950) đã diễn tả rất chính xác  trong cuốn tiểu thuyết giả tưởng có tựa đề “Trại súc vật” (Animal Farm) được xuất bản hồi năm 1950. Trong chương 10 của cuốn sách, tác giả đã nói đến một trong 7 “giới luật” (commandments) được ghi trên các bức tường của trại và được giới chỉ huy trong trại giải thích như sau: “Tất cả mọi súc vật đều bình đẳng, nhưng có một số súc vật bình đẳng hơn những con khác” (All animals are equal, but some animals are more equal than others). Đây chính là lối giải thích về câu đầu tiên trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ mà “cha già dân tộc” họ Hồ đã đưa ra kể từ khi áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên Miền Bắc Việt Nam: “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, nhưng những người cộng sản bình đẳng hơn người khác”! Muốn biết câu nói này có đúng thực tế không hãy nhìn vào những gì đã diễn ra tại Miền Bắc Việt Nam kể từ khi cộng sản “cướp” chính quyền và trên toàn cõi Việt Nam kể từ năm 1975. Chính vì người cộng sản bình đẳng hơn người khác cho nên mới có cảnh người phải cúi đầu khom lưng để cõng người khác.
Cám ơn Tổng thống Obama là vị nguyên thủ quốc gia, qua một số cử chỉ cụ thể, đã giúp cho người dân Việt Nam của tôi hiểu được thế nào là bình đẳng. Tôi không hy vọng rằng những cái đầu “Ma dzê” (đọc theo cách phát âm chữ “Made in” của đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc x. Lê Tùng Châu, Thực chất việc Mỹ xóa lệnh cấm vận vũ khí cho Hà Nội, Việt Báo 31/5/2016) trong “trại súc vật” ở Việt Nam có đủ trình độ để nắm bắt được bài học về bình đẳng của Tổng thống Obama.
Thứ Hai 13 tháng 6 tới đây, thần dân Úc tôi sẽ mừng sinh nhựt thứ 90 của Nữ hoàng Elizabeth II. Tiếp tục xem bà như nguyên thủ quốc gia hay trở thành một nước cộng hòa, với tôi điều đó chẳng có khác biệt bao nhiêu. Ngày nay Hoàng gia Anh chỉ còn là một biểu tượng của một quá khứ huy hoàng của Anh Quốc. Có hoàng gia hay không, Anh Quốc cũng vẫn là một quốc gia dân chủ và tự do. Mọi việc đều được Quốc hội do dân bầu lên quyết định cả. Nữ hoàng Elizabeth có lẽ chỉ làm những cử chỉ tượng trưng mà thôi. Nhưng theo tôi, bà nữ hoàng này xem ra biết làm những cử chỉ tượng trưng rất có ý nghĩa. Chẳng hạn, cách đây không lâu, trong một chuyến đi “thăm dân cho biết sự tình”, nhằm một ngày trời mưa, bà đã tự tay cầm dù che thân, chớ chẳng có “thần dân” nào bị cưỡng bách hay tự nguyện đến cầm dù cho bà cả. Tôi nghĩ vị nguyên thủ quốc gia này đã hiểu được thế nào là bình đẳng trong một đất nước dân chủ và tự do. Đó là chưa nói đến vị trí “thủ lãnh” của bà trong Giáo hội Anh Giáo. Ngay cả với tư cách này, bà cũng chẳng được một “tín đồ” nào đến hầu hạ cả!
Nhìn “thủ lãnh” của Giáo hội Anh giáo tự tay cầm dù che thân, tôi lại buồn bã nghĩ đến cái cảnh nhiều chức sắc tôn giáo ở Việt Nam, mỗi khi hành lễ trong các cuộc biểu dương tôn giáo, thường để cho “tín đồ” cầm lọng rước xách. Ngay cả một vị thiền sư Việt Nam nổi tiếng được nhiều người ngoại quốc trọng nể, trong một lần về Việt Nam thuyết pháp, đã tỉnh bơ để cho các môn đồ cầm lọng đi theo hầu hạ. Tôi không rành giáo lý của Phật Giáo, nhưng trong Kinh Tân Ước của Kitô Giáo, tôi biết Chúa Giêsu có dạy: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,27).
Nói về sự bình đẳng, sở dĩ tôi liên tưởng đến tôn giáo là bởi vì bình đẳng hẳn phải là một ý niệm phát xuất từ Kinh Thánh. Bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ có lẽ đã nhìn nhận điều đó khi viết rằng “Tạo Hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được”. Sở dĩ mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng là bởi vì mọi người ai cũng là “hình ảnh của Đấng Tạo Hóa”.
Ngày nay, ý niệm và ý thức về sự bình đẳng đã trở thành gia sản chung của nhân loại. Dù thuộc tôn giáo hay văn hóa nào, ai cũng phải nhìn nhận  rằng “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Dĩ nhiên, đó là một ý thức cần phải được nuôi dưỡng. Dù không nhứt thiết phải nhận ra hình ảnh của Đấng Tạo Hóa nơi người khác, ít ra tôi cũng phải tự nhủ rằng tôi phải luôn nhận ra chính mình trong tha nhân. Có như thế tôi mới có thể tôn trọng và yêu mến phẩm giá cao cả của mỗi một con người.