Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Khi thằng người gỗ không muốn làm người

 




Chu Văn

Sự tàn bạo dã man của Vladimir Putin trong cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine đã khiến cho nhiều người cho rằng lương tâm nhân loại đã thức tỉnh. Thức tỉnh trước những hành động man rợ của tên đồ tể này đã đành, mà quan trọng hơn chính là thức tỉnh trước sự dối trá trắng trợn của hắn. Không gì bỉ ổi cho bằng biện minh cho tội ác bằng những lời dối trá và lật lọng mà không một người nào còn có chút lương tri có thể chấp nhận được.

Có người đã tóm tắt một cách rất chính xác những lời dối trá trâng tráo của Putin:

“Putin tuyên bố Ukraine muốn gia nhập NATO, đây là một đe dọa với sự ổn định của nước Nga nên...ĐÁNH.

Putin nói Ukraine có vũ khí nguyên tử nên...ĐÁNH

Putin giải thích muốn ủng hộ đám ly khai ở Donbass và XYZ nên...ĐÁNH

Putin lại nói rằng muốn diệt đám quốc xã ở Ukraine nên...ĐÁNH

Và vừa rồi hắn nói: Trước sau gì rồi cũng phải ĐÁNH Ukraine.

Dường như Putin và Trump có cùng dòng họ hoặc ít nhất là sở hữu một gen đột biến giống nhau - gen nói láo. Nói láo không biết xấu hổ, nói dối không cần một bằng chứng giả tạo.

Thật là trơ trẽn. Trước đây tôi chưa bao giờ có ác cảm gì với người Nga, tôi thấy họ hiền lành, bình thường, không tự cao tự đại. Tôi cũng chưa bao giờ nghe thấy chuyện phân biệt đối xử với người Nga ở châu Âu. Thế nhưng, bây giờ tôi mới biết là không chỉ bị phân biệt đối xử, mà người Nga còn sắp bị tiêu diệt như người Do Thái!

Ngày 3-4-2022, ở Berlin và nhiều thành phố khác trên nước Đức đã diễn ra một cuộc biểu tình bằng xe hơi của người Nga. Trên kính sau của một chiếc xe có biểu ngữ “No Fascism” (Nói không với chủ nghĩa phát xít) với biểu tượng NATO bị gạch chéo.

Theo tôi, nếu Putin và người Nga làm những chuyện này nhiều lần trước cuộc chiến Ukraine thì có lẽ hợp lý hơn. Nhưng cuộc biểu tình diễn ra vào ngày thứ 38, sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Và tôi đươc biết  thêm (qua một bài báo): Ở Nga việc sử dụng Holocaust (cuộc tàn sát người Do Thái do Hitler chủ xướng trong thời Đệ nhị Thế chiên) làm công cuộc cho chính trị đã mang tính truyền thống. Họ đang biến thủ phạm thành nạn nhân và ngược lại!” (1)

“Biến thủ phạm thành nạn nhân và ngược lại” cho nên những tên đồ tể cũng thường đảo ngược bậc thang các giá trị đạo đức. Họ trang điểm khuôn  mặt của mình  bằng một lớp phấn đạo đức giả.

Tôi không ngạc nhiên chút nào khi nhìn thấy Putin trong nhà thờ chính tòa Đấng Cứu Thế của Chính Thống Giáo ở Thủ đô Mạc Tư Khoa trong ngày Lễ Phục Sinh 24 tháng Tư vừa qua. Nhưng không gì bỉ ổi bằng vừa tàn sát người dân vô tội ở Ukraine lại vừa gởi đi một thông điệp Phục Sinh để đề cao “những lý tưởng và giá trị đạo đức cũng như niềm tin vào sự sống, lòng thiện hảo và công lý”. Riêng trong lời chúc mừng Phục Sinh dành cho Thượng phụ giáo chủ Chính Thống Nga Kirill, Putin viết: “Trong những ngày nghỉ lễ Phục Sinh, tâm hồn các tín hữu tràn ngập một niềm vui đặc biệt, một nỗi khao khát làm điều thiện và giúp đỡ những người túng thiếu”. “Làm điều thiện” như Putin đang hiểu và thực thi chính là giết người và giết người vô tội vạ!

Dường như Thượng phụ Kirill, người lúc nào cũng sát cánh bên Putin cũng hiểu như thế về “lòng thiện hảo và công lý” cũng như thế nào là “làm điều thiện”. Ông đã chúc lành cho các binh sĩ Nga trước khi họ lên đường xâm lăng Ukraine. Trong sứ điệp Phục Sinh năm nay, ông cũng chỉ lập lại những công thức sáo ngữ chứ không hề lên án hành động xâm lăng ngang ngược và tàn bạo của Putin tại Ukraine.

Tựu trung, Putin đã dối trá và Kirill, lẽ ra là tiếng nói của sự thật và lẽ phải rốt cục cũng phụ họa theo. Chỉ tội nghiệp cho người dân Nga. Họ cũng chỉ biết hòa nhịp với dàn đồng ca ấy mà thôi. Trong những ngày đầu khi Putin cho tiến quân xâm lăng Ukraine, đã có hàng chục ngàn người xuống đường phản đối chiến tranh. Nhưng trong những tuần lễ gần đây, những cuộc biểu tình như thế ngày càng trở nên hiếm hoi. Dĩ nhiên, dân chúng Nga có lý để sợ, bởi vì Putin đã ra lệnh giam tù 15 năm những ai dám lên tiếng phản đối cuộc xâm lăng Ukraine của hắn. Nhưng sự sợ hãi chỉ là một phần của câu chuyện. Thực tế cho thấy rất đông người Nga đang đứng đàng sau lãnh tụ đồ tể của họ. Trước cuộc xâm lăng, mức ủng hộ dành cho Putin chỉ có gần 70 phần trăm. Một tháng sau điều được gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, tỷ lệ ủng hộ dành cho hắn lên đến 83 phần trăm. Cuộc chiến không chỉ diễn ra ở Ukraine, mà cũng xâu xé người Nga không ít. Không thiếu người Nga hiện đang kết án và tố cáo bạn hữu, láng giềng, đồng nghiệp và ngay cả người thân của mình nếu họ không ủng hộ cuộc chiếm xâm lược của Putin. Trong một bài diễn văn, chính Putin đã khuyến khích và nuôi dưỡng cuộc “nội chiến” ấy khi ca ngợi những người biết phân biệt ai là “những người yêu nước thực sự và ai là những kẻ phản quốc”.

Dĩ nhiên, trong một chế độ độc tài khát máu như Nga hiện nay, tỷ lệ ủng hộ 83 phần trăm dành cho Putin có thể chỉ nói lên một nửa sự thật. Khi sự sợ hãi bao trùm cả nước thì những con số cũng phải rụt rè ít nói. Ai ủng hộ, ai phản đối cuộc xâm lược, khó mà nhận diện một cách chính xác. Chỉ có một điều chắc chắn mà người ta có thể khẳng định về tâm trạng hiện nay của người dân Nga là: rất đông người Nga, nếu không muốn nói là đa số, hiện đang tỏ ra dửng dưng và vô cảm trước những tội ác mà Putin đã và đang thực hiện tại Ukraine. Nói tóm lại, như ký giả Shadi Hamid đã nhận định trong một bài viết được đăng trên báo The Atlantic, “các chế độ độc tài vặn vẹo tâm hồn con người và bóp méo các định chế luân lý tự nhiên. Làm như thế, họ khiến cho người công dân, hay chính xác hơn những người dưới quyền họ, ít phải chịu trách nhiệm hơn về mặt đạo đức. Để hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt đạo đức, con người phải được tự do để chọn lựa giữa đúng và sai. Nhưng một sự chọn lựa như thế sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều trong một chế độ độc tài. Không phải ai cũng có thể can đảm và hy sinh mạng sống và cuộc sống của mình để làm điều đúng “(2).

Những nhận định trên đây của ký giả Shadi Hamid về thế đứng của người dân Nga trước cuộc chiến xâm lược của Putin tại Ukraine không thể không đưa tôi trở về với quê hương Việt Nam, nhứt là trong những ngày cuối tháng Tư hằng năm. Cuộc chiến tranh giữa Miền Nam tự do và Miền Bắc cộng sản thiết yếu là cuộc chiến giữa Sự Thật và Dối Trá. Giữa thập niên 1950, vừa bước vào tuổi khôn, không cần phải được tuyên truyền, thực tế của những vụ ám sát đã mang đến cho một đứa trẻ như tôi niềm xác tín sâu xa rằng cộng sản là những người “nói dối  như Vẹm”. Rồi khi cộng quân đã công khai xuất đầu lộ diện tại Miền Nam tôi lại càng thấy rõ hơn bộ mặt dối trá của người cộng sản. Cuộc chiến  mà các lãnh tụ cộng sản gọi là “thần thánh” dưới chiêu bài “giải phóng” Miền Nam mà thực chất là một cuộc xâm lược. Bao nhiêu người dân Miền Bắc đã bị lừa vì hai chữ “giải phóng”. Một “bộ đội” Dương Thu Hương đã ngồi bệt xuống vệ đường giữa Sài Gòn trong ngày “giải phóng” để ôm mặt khóc khi biết mình bị lừa. Chính ngày Miền Nam được “giải phóng”, một nghệ sĩ Ái Vân đã hăm hở mang theo 2 cân gạo để tặng cho bà con ở Sài Gòn, vì người dân Miền Nam phải đói khổ trong hàng bao nhiêu năm trời dưới sự đô hộ của Mỹ.

Cùng với ý thức hệ cộng sản mà “bên thắng cuộc” đã áp đặt lên Miền Nam, mặc dù chính họ cũng chẳng hiểu và cũng chẳng tin, họ cũng bao trùm lên cả nước sự dối trá. Những kẻ thống trị dối trá. Người bị trị cũng phải dối trá. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người sau khi ra tù đã viết quyển tiểu thuyết tự thuật nổi tiếng “Chuyện kể năm 2000”, đã lột tả triết lý sống rất sinh động của người Việt Nam trong chế độ cộng sản hiện nay: “muốn tồn tại và vinh thăng trong cái xã hội ấy thì phải biết vờ, vờ nói, vờ nghe, nghĩa là khi nói, biết mình nói dối nhưng vẫn phải vờ nói dối một cách thành thật, khi nghe, biết mình không muốn nghe những vẫn phải vờ nghe một cách thành khẩn”(3).

Tôi chỉ sống trong chế độ dối trá ấy hơn 5 năm. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần để sống trong chế độ ấy, tâm hồn tôi cũng đã bị vặn vẹo, nhân cách của tôi cũng bị thui chột. Tôi cũng đã chạy theo “dòng chảy” người ta sao tôi vậy, nghĩa là cũng “vờ” để sống. Thoát khỏi chế độ dối trá ấy là để sống tự do. Và tự do luôn đi với trách nhiệm. Trách nhiệm mà tôi cho là quan trọng và ý nghĩa nhứt đối với một người tỵ nạn như tôi là phải cố gắng thật. Người ta có thể thoát khỏi một chế độ độc tài dối trá mà vẫn mang theo sự dối trá như một thứ “bửu bối”. Tôi nghĩ đến không ít những người đồng bào ruột thịt của tôi, những người đã trốn khỏi chế độ cộng sản dối trá, nhưng lại sùng bái những lãnh tụ dối trá.

Dối trá là một bản năng tự nhiên của mọi sinh vật. Các chuyên gia tâm lý và các nhà sinh vật học theo thuyết tiến hóa cho rằng lừa dối đã được khắc ghi trong bản chất của mọi sinh vật. Để sinh tồn, cây cỏ  biến dạng để trông  giống côn trùng và côn trùng cũng biết biến dạng để trông giống cây cỏ. Thú vật cũng biết dùng đủ mọi “thủ đoạn” để thu hút “bạn tình” hay đánh lừa kẻ thù. Dù có tiến hóa đến đâu, con người vẫn còn duy trì cái bản năng dối trá ấy. Nếu chúng ta không nói dối liên tục thì chắc chắn chúng ta cũng thường xuyên nói dối. Một cuộc nghiên cứu cho biết: cứ trong một cuộc trò chuyện kéo dài 10 phút, chúng ta nói dối 3 lần và ngay cả nhiều hơn nữa khi chúng ta sử dụng email hay gởi lời nhắn qua các phương tiện truyền thông hiện đại (4). Kinh Thánh của Do Thái và Kitô giáo đã khẳng định: “Mọi người đều dối trá” (Thánh Vịnh 116, 11). Nhưng cũng chỉ có con người mới ý thức được bản năng dối trá của mình và biết rằng họ chỉ có thể trưởng thành nhờ cố gắng sống thật. Sống lúc nào cũng là một cuộc chiến đấu giữa sự thật và dối trá. Cũng như cậu bé người gỗ Pinocchio của nhà văn Ý Carlo Collodi (1826-1890), con người sẽ không bao giờ là một con người có nhân cách nếu lấy dối trá làm lẽ sống.

 

Chu Văn

  

1.Lê Thanh Nhàn, thủ phạm và nạn nhân, sự lật lọng, báo Tiếng Dân 17-4-2022

2.Shadi Hamid, Why the Russian people go along with Putin’s war, The Atlantic 23/ 04/2022

3.Nguyễn Giụ Hùng, Vờ, Việt Báo 25/04/2022

4.Dallas G. Denery II, The Devil Wins, Princeton University Press, 2015, trg 4.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Can Đảm để Sống

 Thi Văn

Sau khi ra trường, bắt đầu sự nghiệp và đối diện với thực tế, con tôi rơi vào một cơn khủng hoảng lớn. Trong một phút tuyệt vọng, con tôi thổ lộ với tôi: "Mẹ ơi, con không muốn sống nữa!". Tôi rùng mình. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại. Thay vì tìm cách trấn an như một bản năng theo kiểu, "không sao đâu con, tất cả rồi sẽ ổn thôi!", tôi đánh một nước cờ liều. "Con không muốn sống thì con có thể chết nếu như con muốn." Con tôi trả lời: "nhưng con lại không có can đảm để chết!". "Vậy thì con phải có can đảm để sống!" tôi trả lời. Và may thay, cho tới bây giờ con tôi vẫn chưa có "can đảm để chết".

Nói với con "phải có can đảm để sống", tôi lại tự giật mình. Sống quả không phải là dễ. Tôi hiểu ý của con tôi. Sống không chỉ là ăn uống ngủ nghỉ làm việc vui chơi. Sống lại càng không phải chỉ là làm sao cho vừa lòng xếp, vui lòng những người xung quanh, dĩ hòa vi quý, ai chết mặc ai, sao cũng được miễn sao không ảnh hưởng đến mình. Sống thật ra là một hành trình tìm kiếm hạnh phúc ít ra cho chính mình. Đó là một hành trình nhiêu khê mà không sách vở nào có thể giúp ích được. Chiếc la bàn chỉ là lương tâm và lẽ phải. Một hành trình mà ta phải chiến đấu với ta qua mỗi suy nghĩ, mỗi quyết định. Đưa một thí dụ: có những nơi, người ta không được quyền nói hay làm điều mình nghĩ là đúng. Ngược lại có những nơi, người ta được quyền nói hay làm điều mình nghĩ là đúng nhưng họ lại làm những điều ngược lại. Một áp lực "bên ngoài" nào đó kiềm giữ họ lại. Nên cái Tôi bị dập! Và cái tôi biến thành cái Tồi. Sống trong cái tồi thì rất dễ. Ai sao mình vậy, người ta bậy mình cũng theo. Còn sống trong một cái Tôi viết hoa thì quả thật phải rất can đảm. Can đảm trong mọi giây phút làm người.

Cách đây mấy hôm, Tổng thống Zelensky của Ukraine được trao giải thưởng John F Kennedy dành cho những người can đảm. Theo ban tổ chức, ông Zelensky được chọn vì "ông đã hun đúc tinh thần yêu nước và hy sinh không mệt mỏi của người dân Ukraine trong cuộc chiến sinh tử cho đất nước họ" (1).

Với tôi, ông là người có can đảm để chết và thừa can đảm để Sống. Ông can đảm để chết vì ông chấp nhận ở lại và chiến đấu. Ông can đảm để sống vì ông không ngừng nói lên lẽ phải và sống cho lẽ phải. Dù ông sống hay chết, ông sẽ thành bất tử cho rất nhiều người. Những người muốn học cái "can đảm để sống" của ông.

Ông chưa qua tuổi tri thiên mệnh mà dám nói dám làm những điều những người quá tuổi tri thiên mệnh như tôi không dám nghĩ đến. 

Ai tri thiên mệnh hơn ai?

Thi Văn 25/04/2022

(1)https://www.thenational.wales/news/20084903.ukraines-volodymyr-zelensky-gets-john-f-kennedy-award-defending-democracy/



Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Đằng Sau Tiếng "Mẹ Ơi!"


Thi Văn




"Mẹ ơi! 

Lá thư này là món quà con gởi Mẹ nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3...Cám ơn Mẹ vì 9 năm đẹp nhất đời con. Cám ơn đã cho con tuổi thơ. Mẹ là người Mẹ tốt nhất trên đời. Con sẽ không bao giờ quên Mẹ! Con mong Mẹ được may mắn trên trời. Con mong Mẹ đến được thiên đàng. Con sẽ cố gắng sống thật đàng hoàng để cũng được đến thiên đàng. 

Hôn Mẹ,

Tolya của Mẹ" (1)

Đây là lá thư của một bé trai 9 tuổi người Ukraine được đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Em đã viết lá thư này cho người mẹ đã chết trong cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine. Em là một trong cả ngàn đứa trẻ bị mồ côi mà không biết số phận sẽ đi về đâu.

Tôi đọc mà không cầm được nước mắt. Tôi quả là một người con may mắn. Ở tuổi này mà tôi chưa phải viết một lá thư ngây thơ nhưng đầy đau khổ như vậy. Ngay cả con trai tôi cũng thật may mắn. Ở tuổi 30, con tôi chắc chắn chưa bao giờ nghĩ đến cái ngày phải dùng những lá thư viết tay để nói chuyện với mẹ mình. Tôi vẫn có mẹ và con tôi vẫn còn tôi.

Người ta nói cái hạnh phúc lớn nhất của mỗi một con thú hay con người trên trái đất này là ai cũng có một người mẹ. Một người mẹ mà dù cho hoàn cảnh thế nào cũng thương yêu con mình trên hết mọi sự. Một người mẹ mà dù cho con mình ở tuổi nào cũng không bao giờ muốn rời bỏ chúng. Vậy mà bây giờ cả ngàn đứa bé bị kẹt trong cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đã bị mất đi cái hạnh phúc quý báu nhất đời mình. Tôi không hiểu người ta đã nhân danh cái gì để có thể làm điều đó. Ai cũng cần hạnh phúc. Ai cũng cầu hạnh phúc. Tại sao người ta có thể tước đi hạnh phúc của những đứa trẻ vô tội? Biện minh như thế nào đây? Chẳng có hạnh phúc nào, chẳng có "thiên đường" nào có thể xây dựng trên cái nền là sự bất hạnh của người khác. Cũng chẳng có cách nào để biện minh cho sự làm ngơ hay "vô tư" của chúng ta trước cái khổ của những đứa trẻ. Ai cũng từng là trẻ thơ. Ai cũng biết là trẻ thơ cần gì nhất. Hãy trở về trẻ thơ để đồng cảm với chúng. Ai cũng có con cháu. Hãy nhìn những đứa trẻ này như con cháu của mình. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nhủ lòng thương là một thứ tình cảm "tiểu tư sản" cần che dấu. Chính vì che dấu mà chúng ta đang trở nên vô cảm. Chúng ta không còn mạnh dạn để bảo vệ người cô thế hay lẽ phải.

Vì vậy, hãy nhắm mắt lại. Hãy để lòng rung động. Hãy để tim thổn thức. Hãy để nước mắt rơi. Hãy để môi mấp máy nói lên lời thương yêu... 

Vì, chúng ta đã được đưa vào đời bằng tình thương yêu của một người Mẹ, thì chỉ có tình thương yêu mới có thể tiếp tục làm đẹp cuộc sống này.


Chú thích:

1. https://news.yahoo.com/un-security-council-hears-russian-001238699.html



Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Giải oan cho Thượng Đế

 

Chu Văn





Năm nào cũng vậy, những ngày trước lễ Phục Sinh của Kitô giáo, ra đường nhìn thiên hạ lũ lượt kéo nhau đi nghỉ, đến phố thị nghe ồn ào  nhộn nhịp hẳn ra, tự nhiên tôi cũng thấy vui. Cùng với niềm vui tự nhiên ấy, là một tín hữu Kitô, năm nào tôi cũng cố gắng tìm hiểu, đào sâu và sống sao cho phù hợp hơn với sứ điệp của lễ Phục Sinh.

Năm nay, các Giáo hội Tin Lành và Công giáo La mã mừng lễ Phục sinh vào ngày chủ nhựt 17 tháng Tư tới đây, trong khi đó ngày lễ lại được các Giáo hội Chính thống cũng như các cộng đồng tín hữu công giáo theo nghi lễ Đông Phương  cử hành vào một tuần lễ sau, tức ngày 24 tháng Tư. Nhưng dù có khác ngày và theo những nghi thức riêng, sứ điệp Phục Sinh, như được các vị lãnh đạo của Kitô giáo trên khắp thế giới dẫn giải vẫn là một. Đó là sứ điệp của Hòa Bình. Đó là sứ điệp của Tình Thương chiến thắng Hận Thù và những cái đuôi của Hận Thù là chiến tranh và chết chóc.

Trong bối cảnh của “chiến dịch quân sự đặc biệt” hay nói trắng ra là cuộc chiến xâm lược do Nga gây ra tại Ukraine, tôi đặc biệt chờ đợi “sứ điệp Phục Sinh” từ miệng của nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga là Thượng phụ Kirill. Sở dĩ tôi chú ý đến nhà lãnh đạo tôn giáo này là bởi vì tiếng nói của ông chắc chắn đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine.

Trong thời gian gần đây đã có rất nhiều người Nga xuống đường để phản đối cuộc chiến xâm lược do Vladimir Putin chủ xướng. Trong số những người phản đối cuộc chiến, người ta thấy có nhiều linh mục, giới trí thức và nghệ sĩ. Đã có hàng ngàn người bị bắt giữ vì tham gia các cuộc biểu tình. Tuy nhiên theo một cuộc thăm dò do hãng thăm dò độc lập duy nhứt tại Nga là Levada thực hiện, có đến hơn 80 phần trăm dân chúng Nga ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược do Putin phát động (1).

Dĩ nhiên, trong một chế độ độc tài như Nga, nơi mà hiện nay mọi thành phần bất đồng chính kiến cũng như các cơ quan truyền thông độc lập đều bị bịt miệng, những con số dường như cũng không còn “biết nói” nữa. Tuy nhiên, trình tự được chính Putin rêu rao trước khi mở cuộc chiến xâm lược vào Ukraine, cộng với những lời phát ra từ bục giảng của Thượng phụ Kirill, không cho phép tôi phớt lờ trước ảnh hưởng của nhà lãnh đạo tôn giáo này đối với nhận thức của người dân Nga về cuộc chiến hiện nay.

Trong nhiều tuần lễ qua, các nhà lãnh đạo tôn giáo trên khắp thế giới đã không ngừng van nài Thượng phụ Kirill lên tiếng chống lại cuộc chiến xâm lăng Ukraine do Putin điều động. Nhưng trong các bài giảng hằng tuần được truyền đi trên Đài Truyền Hình, dĩ nhiên của nhà nước Nga, vị thượng phụ này lúc nào cũng giữ nguyên một giọng: lúc nào ông cũng mặc cho cuộc chiến xâm lược của Putin một sứ mệnh cao cả là chiến đấu chống lại những sức mạnh của sự Dữ đang tìm cách hủy diệt sự hiệp nhứt mà Thượng Đế đã ban cho “Nước Nga Thánh Thiêng”.

Một ngày trước khi quân đội Nga tràn vào Ukraine, thượng phụ Kirill đã đăng đàn để ca ngợi các binh sĩ Nga như những người bảo vệ tổ quốc. Ông nói: “Họ (các binh sĩ Nga) không hề nghi ngờ rằng họ đã chọn một con đường rất đúng đắn trong cuộc sống của họ”. Rồi không đầy 2 tuần lễ sau khi quân đội Nga xâm chiếm lãnh thổ Ukraine, Thượng phụ Kirill biện hộ rằng cuộc xâm lược có một “ý nghĩa siêu hình” và cảnh cáo “đàn chiên” của ông rằng cái giá mà họ phải trả khi mở rộng vòng tay đón nhận văn minh tiêu thụ của thế giới Tây Phương và “tự do” mà thế giới này mang đến thật là khủng khiếp: đó là phải đứng ra tổ chức những cuộc diễu hành của những người đồng tính!

Trong một bài giảng hàng tuần khác để biện minh cho cuộc chiến xâm lược của Putin, Thượng phụ Kirill nói đến “sự thật của Thượng Đế”. Và theo “sự thật” đó thì người Nga, người Ukraine và người Belarus đều chung  chia  một gia sản tinh thần và dân tộc  cho nên cần phải được liên kết với nhau như một dân tộc. Đây chính là nội dung bài hiệu triệu  của Putin trước khi đưa quân sang xâm chiếm Ukraine (2). Với Putin và Kirill, xâm chiếm Ukraine, ngay cả bằng vô số tội ác chiến tranh và diệt chủng, biến quốc gia độc lập này thành một phần của Đại Nga là một nghĩa vụ thiêng liêng được chính Thượng Đế ủy thác!

Từ lâu Thượng phụ Kirill và Putin đã là 2 đồng minh rất thân cận với nhau. Họ gần gũi và đồng hóa với nhau như bóng với hình. Thượng phụ Kirill đã có lần mô tả 12 năm cầm quyền đầu tiên của Putin là “một phép lạ của Thượng Đế”. Về phần mình, Putin tiết lộ rằng chính thân phụ của Kirill, lúc làm một linh mục quản xứ tại một giáo xứ ở Leningrad đã rửa tội “chui” cho ông vào năm 1952. Hai người thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhau trong những ngày lễ quan trọng, đặc biệt mỗi dịp lễ Phục Sinh, những lần thăm viếng các tu viện và hành hương đến những linh địa. Gắn kết với nhau hơn có lẽ là cái quá khứ KGB của cả hai. Putin đã từng là một điệp viên KGB. Còn Kirill, theo một số tài liệu trong Văn khố Nga, cũng đã từng là một điệp viên KGB trước khi xuất gia vào tu viện. Dạo đầu tháng Ba vừa qua, báo The Guardian của Nga có phỏng vấn một số người Ukraine. Được hỏi ý kiến về Thượng phụ Kirill, một số đã dựa vào Văn khố Nga để khẳng định rằng ông ta đã từng là một điệp viên  KGB và chính vì quá khứ này mà ông đã ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Putin tại Ukraine (3).

Trong những năm gần đây, Putin ngày càng tỏ ra mình là một tín hữu rất “đạo đức”. Ông đeo trên cổ một sợ giây chuyền có gắn một cây thánh giá bằng bạc. Ông hôn kính các tượng ảnh. Đáng chú ý nhứt là lần ông để mình trần trầm người xuống một hồ nước lạnh trước các ống kính truyền hình. Theo Chính Thống giáo, đây là nghi thức qua đó một nam tín hữu bày tỏ sự trưởng thành và nam tính của mình trong ngày lễ Hiển Linh (tức lễ Ba Vua).

Putin là một tín hữu thuần thành hay là một ma đầu chính trị? Với vô số tội ác đã từng xảy ra tại Nga cũng như ngay cả ở hải ngoại và nhứt là những  tội ác chiến tranh đã và đang diễn ra tại Ukraine trong hơn một tháng qua, tôi không tin rằng Putin là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào.

Còn ông giáo chủ Kirill, mỗi lần nhìn ông giương cây trượng dát vàng lên để giảng dạy, tôi không nhìn thấy thánh giá của Chúa Giêsu đâu cả, mà chỉ là lưỡi lê của cuồng vọng và hận thù, nhứt là khi nhìn thấy vô số tội ác do Putin đã và đang gây ra tại Ukraine, ông vẫn có thể muối mặt để cổ võ các binh sĩ tiếp tục tham gia vào tội ác, vì Nga là một “nước yêu chuộng hòa bình” (4).

Nhìn Thượng phụ Kirill múa gậy của bạo lực để tôn vinh Thượng Đế, tôi không thể không liên tưởng đến câu thần chú “Allahu Akbar” (Thượng Đế Vĩ Đại) được một số lãnh tụ Hồi giáo và những kẻ khủng bố hô lớn để sát hại những người vô tội.

Tội nghiệp Thượng Đế! Cứ bị người ta nhân danh để làm điều ác. Ngay cả một người nhân ái và từ bi như Đức Phật cũng cùng chung một số phận. Có một dạo thế giới nói đến rất nhiều về một nhà sư Miến Điện tên là Wirathu. Ông không ngần ngại tự nhận mình là một “Osama Bin Laden” của Miến Điện. Lãnh đạo một cộng đồng tu sĩ với hơn 2500 tăng sĩ, Wirathu đã qui tụ được hàng trăm ngàn khán thính giả qua các bài thuyết giảng của ông được truyền đi trên Facebook và YouTube. Nội dung của các bài thuyết pháp của nhà sư này lúc nào cũng xoay quanh sự thù hận đối với người Hồi Giáo, đặc biệt là người Hồi giáo thuộc sắc tộc Rohingya. Sự khích động của nhà sư Wirathu đã khiến cho hàng trăm người Rohingya bị giết chết và trên cả trăm ngàn người phải đi lánh nạn (5). Tạp chí Time đã có lý để gọi nhà sư này là “bộ mặt khủng bố của Phật Giáo”.

Nhìn chung, hình như lịch sử của bất cứ một tôn giáo có tổ chức nào cũng có những trang đẫm máu. Không bị bách hại vì niềm tin hay đạo pháp thì cũng nhân danh niềm tin hay đạo pháp để bách hại người khác.

Lịch sử của Kitô giáo của tôi đầy những trang như thế. Mỗi dịp lễ Phục Sinh, tôi thường nhìn lại những trang sử đó. Gần đây, tôi hay bị dằn xóc vì một câu chuyện trong Kinh Thánh mà Giáo Hội cho tôi nghe trong Đêm Vọng Phục Sinh. Đó là câu chuyện về cuộc xuất hành của người Do Thái ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai Cập. Theo câu chuyện, để tạo sức ép buộc vua Pharaoh của Ai Cập phải để cho người Do Thái được tự do ra đi, Thượng Đế đã giáng xuống đất nước này không biết bao nhiêu tai họa. Nhưng vua Pharaoh vẫn cứ cứng lòng. Cuối cùng, trong đêm tối, Thượng Đế đã sai sứ thần xuống giết chết  tất cả các con trai đầu lòng của người Ai Cập và với quyền lực của Ngài, người Do Thái đã vượt qua được Biển Đỏ mà vẫn “ráo chân” (Sách Xuất Hành 12,29-42). Người Do Thái xem đây là một biến cố lịch sử. Kitô giáo xem câu chuyện như Lời Chúa. Vì là Lời Chúa cho nên sau khi lắng nghe câu chuyện, cộng đồng tín hữu đã cùng hòa tiếng trong ca khúc khải hoàn để chúc tụng Thượng Đế vì đã thực hiện một kỳ công vĩ đại như thế.

Mỗi năm, khi nghe lại câu chuyện Xuất Hành của người Do Thái, tôi hay nghĩ vẩn nghĩ  vơ: liệu có một Thượng Đế, vì chọn một dân tộc làm dân riêng mà tàn sát những đứa trẻ vô tội của một dân tộc khác không? Tôi sợ phải tuyên xưng một Thượng Đế như thế và dĩ nhiên tôi lại càng sợ hơn khi có người tự xưng mình là người được Thượng Đế “tuyển chọn” và được vô số người tung hô và sùng bái. Với tôi, thực tế là một trái ngược: con người đã “tuyển chọn” Thượng Đế theo ý muốn của họ.

Lễ Phục Sinh, Giáo Hội của tôi mời gọi tôi tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã thực sự sống lại. Trong suốt hơn 70 năm của cuộc hành trình đức tin, tôi chưa một lần “thấy” hay cảm nhận được Chúa Phục Sinh. Điều tôi chỉ có thể thấy được đó là Thập Giá và trên Thập Giá Ngài đã tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài. Với cái chết trên Thập Giá, Ngài muốn chứng tỏ rằng chỉ có tình yêu, sự khoan nhượng, tấm lòng cảm thông và nhứt là sự tha thứ mới có thể chiến thắng được hận thù. Có lẽ đó mới thực sự là ý nghĩa của Phục Sinh. Với cái chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã muốn giải oan cho Thượng Đế, bởi lẽ Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì vậy, tôi tin rằng chỉ có những ai, ngay cả những kẻ tự xưng là vô thần, biết sống yêu thương mới thực sự cảm nhận được sự hiện hữu của Thượng Đế và giải oan cho Thượng Đế vì vô số tội ác mà con người đã gán cho Ngài hay nhân danh Ngài để thực hiện.

 

Chu Văn

 

 

 

Chú thích

1. Who are the everyday Russians rallying behind Putin’s war? https://www.aljazeera.com/news/2022/4/6/the-russians-who-rally-behind-putins-special-operation

2. Deborah Netburn, A spiritual defense of the war in Ukraine? Putin’s patriarch is trying, https://www.latimes.com/world-nation/story/2022-03-29/russian-orthodox-patriarch-offers-a-spiritual-defense-of-the-war-in-ukraine

3. Patriarch Kirill of Moscow, wikipedia

4. Patriarch urges soldiers to defend “peace-loving” Russia amid Ukraine campaign https://www.reuters.com/world/europe/patriarch-urges-soldiers-defend-peace-loving-russia-amid-ukraine-campaign-2022-04-03/

5. Buddist monk uses racism and rumours to spread hatred in Burma https://www.theguardian.com/world/2013/apr/18/buddhist-monk-spreads-hatred-burma

 

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

Những ván cờ

 Thi Văn 




Tôi không biết chơi cờ vua. Thế nhưng mỗi lần đi chợ ở phố Việt hay phố Tàu, tôi thích nhìn cảnh người ta tụ tập quanh bàn cờ. Tôi tin đây là một trong những sinh hoạt đặc trưng ở những khu phố Á Đông ở nước Úc. 

Mù tịt về chơi cờ. Với tôi, các quân cờ chỉ khác nhau giữa trắng và đen, còn lại thì lô nhô như những con dấu. Vì vậy dưới con mắt của tôi, chẳng con nào quan trọng hơn con nào. Tôi thích quan sát cảnh chơi cờ chỉ vì tôi thích nhìn những biến chuyển của mỗi con người chung quanh bàn cờ. Nhìn họ tôi có thể đoán được diễn tiến thắng thua qua thái độ của họ.

Trước hết, với hai kỳ thủ, tôi có thể thấy họ hết sức nghiêm túc và tập trung ngay khi ván cờ vừa bắt đầu. Với họ, kể từ phút ấy, mọi sự trên đời không có gì là quan trọng nữa. Khuôn mặt của họ chỉ có sự tập trung và tinh thần quyết thắng. Bằng mọi giá, phải giữ được quân Vương. Tất cả mọi quân cờ khác có thể bị ra rìa nhưng quân Vương vẫn phải trụ được trên bàn cờ. Như vậy họ mới có thể chiến thắng.

Những người chung quanh cũng thường chia làm hai phe. Họ cũng nín thở theo dõi sự di chuyển của những quân cờ và đôi khi không kiềm được sự tán thưởng trước những nước cờ cao. Nước cờ càng cao, mồ hôi càng tuôn. 

Khi ván cờ kết thúc, họ chia nhau những lời khen chê bàn luận. Và lại bày những bàn cờ khác. Những quân cờ lại được đặt vào vị trí. Tiếp tục vai trò của mình. Một bàn cờ với đầy đủ quân cờ tôi thấy dễ thương hơn một bàn cờ cuối mùa. Chúng trông thật thảm hại với vài con chơ vơ trên bàn cờ. Có khi tôi tự hỏi: các kỳ thủ có cảm nghĩ gì không khi họ loại một quân cờ. Trong sự tưởng tượng của tôi, tôi tin là chúng cũng buồn khi bị loại.

Nhiều năm qua tôi thường tự hỏi tại sao tôi bị mất nước một cách đau đớn "khi Đồng Minh tháo chạy". Người thì bảo tại vì chính phủ Miền Nam VN thối nát, tham nhũng. Tôi tin là có nhưng nếu so với chính phủ VN hiện nay thì sao? Tệ hơn ngàn lần, nhưng chẳng ai lung lay được. Người thì bảo phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ khiến chính phủ Mỹ phải rút quân. Tôi cũng tin như vậy vì với hơn 50 ngàn quân nhân tử trận, người dân Mỹ có quyền đau xót. Thế nhưng tại sao phải rút luôn cả việc viện trợ quân sự? Thế giới tự do đã chẳng từng cho rằng Miền Nam VN là tuyến đầu chống cộng cho cả vùng Đông Nam Á đó sao? Vì cảm thấy bị phản bội, cha tôi đã từ chối định cư ở Mỹ. Ông tin đã là đồng minh thì muôn đời là đồng minh.

Tôi ngây thơ mà cha tôi cũng ngây thơ. Tôi tiếc rằng cha tôi đã không sống cho đến ngày tôi thấm thía được cái "chân lý" của những người làm chính trị: "Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi quốc gia là vĩnh viễn" (Winston Churchill). Tôi thấy đau thật là đau vì "đến khi tôi hiểu thì tôi đã..." mất nước!

Thêm vào đó, khi nghe tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine phát biểu: "Tôi không bao giờ muốn Ukraine trở thành một cái mảng trên bàn cờ thế giới để cho những tay chơi hạng gộc đẩy qua đẩy lại, hay dùng như một tấm bình phong, hoặc như một phần trong sự mặc cả" (1), tôi càng hiểu thêm rằng VN thân yêu của tôi chỉ là một quân cờ trên bàn cờ thế giới. Bàn cờ mà những tay chơi là những cường quốc. Và con chốt VN đã bị cho ra rìa, bị bức tử. VN trở thành con chốt thí.

Bàn cờ thế giới xoay chuyển không hiền lành như ván cờ nơi cuối phố, nơi mà người ta chỉ hao tốn mồ hôi và thời gian. Nơi đó, mỗi quân bài là một quốc gia, một dân tộc hoặc một nhóm người. Nơi đó, mỗi quân bài là cả một tập thể với cả một chiều dài lịch sử, gắn bó trên một vùng đất, một không gian. Nơi đó, khi một quân bài bị loại, là cả một dân tộc, một quốc gia phải giãy chết. Hãy nhìn cuộc chiến Ukraine đang xảy ra. Bạn sẽ thấy cái thống khổ của cả một dân tộc. Ukraine đang chiến đấu trong chết chóc, đau đớn và tuyệt vọng để tồn tại trong ván cờ. Ván cờ máu! Ván cờ mà Putin đã không ngần ngại tiêu diệt tất cả, từ nhân mạng đến tài sản. Giống như trên ván cờ, tất cả có thể bị loại. Cho dù “quân địch chết ba quân ta chết hết”. Miễn sao quân Vương vẫn trụ lại. Đúng là như Nguyễn Du đã viết "phơi thây trăm họ nên công một người". Công hay Tội?



Zelensky trong diễn văn nhậm chức của mình vào năm 2019 đã khẳng định: "Mỗi chúng ta (người dân Ukaine) là một tổng thống...và đây cũng là cơ hội mà chúng ta gánh vác chung trách nhiệm". (2).

Hãy làm tổng thống như Zelensky!

Thi Văn 6/4/2022 

Chú thích:

(1) https://www.politico.eu/article/zelenskiy-airs-his-grievances-with-trump/

(2) https://vnexpress.net/bai-phat-bieu-nham-chuc-gay-chu-y-cua-tan-tong-thong-ukraine-3928444.html