Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Giã từ bóng tối


Chu Thập
21/12/18
Mỗi năm, cứ bước vào tháng Mười Hai, tôi lại nhớ về trại tỵ nạn Kuku, bên Nam Dương. Chính trong trại này mà tôi đã mừng một lễ Giáng Sinh có ý nghĩa nhứt trong cuộc đời.
Tôi vượt biên vào cuối năm 1981. Khi được tàu dàn khoan vớt và đưa vào trại Kuku, tôi chỉ còn mang trên người mỗi chiếc quần đùi. Kuku là một trại tỵ nạn dã chiến. Người tỵ nạn chỉ dừng chân ở đó một thời gian ngắn. Dài nhứt như trường hợp của tôi là một tháng. Sở dĩ tôi được “may mắn” lưu lại ở đây lâu hơn nhiều người là vì cuối năm, chiếc tàu chuyên chuyển người tỵ nạn từ Kuku sang trại chính là Galang phải nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới. Tôi cho đây là một điều “may mắn”, bởi vì sau khi thoát khỏi địa ngục trần gian là Việt Nam dưới thời cộng sản, tôi nhìn Kuku chẳng khác nào thiên đàng. Ở đó, trong nguyên một tháng, suốt ngày tôi chỉ biết tắm biển, rong chơi. Cứ đêm đến lại mơ bị công an rượt đuổi, nhưng bừng tỉnh thấy mình đang sống trong thiên đàng. Chỉ có những ai trải qua những cơn ác mộng như thế mới cảm nhận được thế nào là tự do. Tự do để không còn phải nhìn trước ngó sau mỗi khi muốn phát biểu ý kiến. Tự do để không vì muốn tồn tại trong chế độ dối trá mà có lúc cũng phải bán linh hồn cho ma quỷ để móc ngoặc, mánh mung, lừa dối. Bước vào “thiên đàng” Kuku với một mảnh vải vừa đủ để giữ kín những gì cần phải che đậy trên thân thể, tôi cho đây là hình tượng đích thực của giải phóng và tự do. Bước vào “thiên đàng” Kuku tôi đã cởi bỏ xiềng xích của dối trá mà chế độ cộng sản đã buộc vào thân thể tôi hoặc chính tôi đã tự tròng vào người. Lễ Giáng Sinh năm 1981 trong trại Kuku, với tôi là lễ Giáng Sinh có ý nghĩa nhứt trong cuộc đời của tôi, bởi vì kể từ năm đó, cứ mỗi mùa Giáng Sinh trở về, tôi luôn tự nhắc nhở phải tái sinh không ngừng, phải sống chết cho hai chữ tự do đích thực mà mình đã phải mua lấy bằng chính sự sống của mình.
Giáng Sinh năm nay, khi đọc tạp chí Time với số ra cuối năm 2018, tôi lại càng hiểu và ý thức hơn về giá trị của hai chữ tự do. Thật vậy, sau khi cân nhắc trước một danh sách dài những người nổi tiếng và có một ảnh hưởng lớn, tốt cũng như xấu, đối với thế giới, cuối cùng ban biên tập của tạp chí Time đã chọn những người mà họ gọi là “những người bảo vệ” sự thật (The Guardians). Cũng như người được tạp chí Time bầu chọn làm nhân vật của năm vừa qua 2017 là “những người phá vỡ sự thinh lặng” (the silence breakers), tức những người đã dám lên tiếng nói lên sự thật, thì năm nay “những người bảo vệ” sự thật cũng chính là những người dám liều mạng sống của mình để chỉ nói lên sự thật. Một cách chính xác hơn, “những người bảo vệ” sự thật được tạp chí Time tuyên dương là 4 ký giả mà tên tuổi đã thường được thế giới nhắc tới trong năm 2018. Trước hết là ông Jamal Khashoggi, một ký giả người Á rập Saudi, cộng tác viên của báo The Washington Post đã bị sát hại một cách dã man ngay trong Tòa tổng lãnh sự của Vương quốc Á Rập Saudi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2 tháng Mười vừa qua. Những chi tiết của cuộc hành quyết như được ghi lại cho thấy chưa từng có một cuộc sát hại nào lại xảy ra trong một cơ sở ngoại giao và một cách độc ác dã man như thế. Như tạp chí Time đã nhận định, “cái chết của ông đã phơi trần bản chất đích thực của một thế tử luôn mỉm cười và tính vô luân cực độ của liên minh giữa Á rập Saudi và Hoa Kỳ”, một quốc gia đang được lãnh đạo bởi một ông tổng thống đặt tiền bán khí giới lên trên những giá trị đạo đức. Ký giả Kamal Khashoggi đã chết vì hai chữ tự do, tự do để nói lên sự thật.
Người thứ hai được tạp chí Time chọn vào nhóm nhân vật của năm 2018 là nữ ký giả người Phi Luật Tân 55 tuổi Maria Ressa. Bà Ressa đã sáng lập báo mạng lấy tên là Rappler. Rappler được ghép bởi hai từ tiếng Anh là “rap” nghĩa là thảo luận và “ripple” nghĩa là tạo nên những làn sóng. Kể từ khi chính trị gia dân túy Rodrigo Duterte được bầu làm tổng thống, Rappler đã theo dõi, tường thuật và vạch trần sự tàn độc dã man của cuộc chiến chống ma túy do ông Duterte khởi xướng. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, tính đến nay đã có khoảng 12.000 người bị giết chết trong cuộc chiến này, phần lớn trong những vụ thủ tiêu thường được gọi là “giết người không cần xét xử”. Dĩ nhiên, một người xem trời bằng vung trong quốc gia hải đảo Phi Luật Tân như ông Duterte không thể để yên cho bất kỳ một ký giả nào dám phơi bày sự thật về tội ác của mình. Chính vì vậy mà tháng Mười Một vừa qua, ông đã tố cáo báo mạng Rappler của bà Ressa mà ông không ngừng gọi là báo đưa tin giả (fake news) về tội trốn thuế. Với tội danh này bà Ressa có thể bị giam tù đến 10 năm. Nói về mối đe dọa tù đày vì nói lên sự thật, người ký giả đã từng làm phóng viên của Đài CNN, cho biết: “Tôi đã từng là một phóng viên chiến trường. So ra dễ hơn với những gì mà tôi đang đối phó”. 10 năm tù có thể là một bản án tương đối nhẹ trong một quốc gia được cai trị bởi một nhà lãnh đạo có khuynh hướng độc tài muốn cai trị bằng bàn tay sắt và muốn giết ai thì giết như ông Duterte. Nhưng có lẽ cũng như ký giả Kamal Khashoggi, bà Ressa dường như lúc nào cũng sẵn sàng sống chết cho tự do được nói lên sự thật.
Năm 2018 vừa qua, thế giới đã đặc biệt theo dõi thảm kịch của sắc dân Rohingya tại Miến Điện. Chính vì vậy mà tạp chí Time đã đưa lên hàng đầu danh sách “những người bảo vệ” sự thật 2 phóng viên của hãng thông tấn Reuters là Kyaw Soe Oo và Wa Lone. Hai ký giả này đã bị chính phủ do một người đã từng được trao giải Nobel Hòa Bình là Aung San Suu Kyi lãnh đạo, kết án 7 năm tù vì tội gọi là phơi bày sự thật về hành động diệt chủng của Chính phủ Miến đối với sắc dân Rohingya. Bà Chit Su Win, vợ của ông Kyaw Soe Oo nói rằng ông hăng say làm công việc, tức trình bày sự thật, đến nỗi bà không thể ngăn cản ông được. Nói cho cùng, cũng như ông Jamal Khashoggi và bà Maria Tessa, 2 nhà báo người Miến này, dù có biết những nguy hiểm đang chờ đợi mình, vẫn thách thức chế độ để nói lên sự thật.
4 ký giả trên đây là 4 nhân vật tiêu biểu của một danh sách dài những người mà tạp chí Time gọi là “những người bảo vệ” sự thật.
Tại Bangladesh, tạp chí Time nhắc đến nhiếp ảnh gia Shahidul Alam. Ông này bị giam tù hơn 100 ngày vì tội gọi là đưa ra những lời tuyên bố “giả hiệu” và “khiêu khích” sau khi đã phê bình Thủ tướng Sheikh Hasina trong một cuộc phỏng vấn về một cuộc biểu tình tại Thủ đô Dhaka. Tại Sudan, nhà báo tự do Amal Habani đã bị bắt giữ vì tường thuật những cuộc biểu tình phản đối về chính sách kinh tế của chính phủ. Trong 34 ngày bị giam giữ, nhà báo này đã bị đánh đập và tra tấn bằng điện. Tại Ba Tây, phóng viên Patricia Campos Mello bị đe dọa đến tính mạng sau khi tường thuật rằng những người ủng hộ tổng thống dân túy Jair Bolsonaro đã tài trợ cho một chiến dịch phổ biến những tin giả trên các trang mạng xã hội. Tại Hong Kong, chủ bút của báo The Financial Times, ấn bản Á Châu, đã bị buộc phải rời cựu thuộc địa của Anh này sau khi mời một nhà tranh đấu nói chuyện tại một câu lạc bộ báo chí, trái với ý muốn của Chính phủ Trung Cộng. Trong danh sách dài “những người bảo vệ” sự thật, tạp chí Time cũng không quên nhắc tên và in hình của nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người còn được biết đến với tên Mẹ Nấm. Năm 2017, nhà báo chuyên viết Blog này đã bị chế độ cộng sản kết án 10 năm tù vì tội gọi là “tuyên truyền chống nhà nước”. Tháng Mười vừa qua, Mẹ Nấm đã được trả tự do và được cho sang Mỹ. Trong một tuyên bố được tạp chí Time ghi nhận, “người bảo vệ” sự thật này chia sẻ: “Tôi sợ hãi vô cùng và quyết định giữ thinh lặng. Nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng...nếu tôi biết là tôi sợ vậy thì tôi phải đứng lên và làm đúng điều tôi muốn làm”. Mẹ Nấm là đại diện của vô số nhà báo tự do và những nhà bất đồng chính kiến hiện đang bị giam tù tại Việt Nam. Họ xứng đáng được gọi là “tù nhân lương tâm” bởi để sống theo lương tâm, họ sẵn sáng đánh đổi tất cả, ngay cả mạng sống của mình, để nói lên sự thật.
“Những người bảo vệ” sự thật được tạp chí Time vinh danh trong số ra cuối cùng của năm 2018 thật ra chỉ là một con số tượng trưng của vô số những nhà báo, những nhà chính kiến bị giết chết, bị giam tù, bị đe dọa...chỉ vì dám lên tiếng nói lên sự thật. Theo Ủy ban Bảo vệ Báo chí (Committee to Protect Jounalism), trong năm 2017, trên toàn thế giới có tất cả 262 ký giả bị giam tù.
Con số này chắc chắn phải cao hơn trong năm 2018, bởi vì trên thế giới ngày nay, sự thật ngày càng bị chối bỏ và chà đạp. Ông Can Dundar là chủ bút của một tờ báo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã bị buộc tội gọi là “tiết lộ bí mật nhà nước”. Suýt bị ám sát, ông đã trốn sang Đức để tiếp tục nói lên sự thật. Ông Dundar nhận định về tình hình tự do báo chí trong thế giới ngày nay: “Đây là thế giới của những nhà lãnh đạo có khuynh hướng độc tài; họ ghét tự do báo chí và sự thật”. Một cách nào đó, theo tạp chí Time, “thế giới hiện đang được lãnh đạo bởi tổng thống Mỹ là người ngưỡng mộ những nhà độc tài và tấn công báo chí”. Về đất nước đang được lãnh đạo bởi một người như tổng thống Donald Trump, bà Maria Ressa tự hỏi: “Đâu là những giá trị của Hoa Kỳ?”
Tôi không phải là một nhà báo chuyên nghiệp. Tuy chưa bị tù đày vì nói lên sự thật, tôi cũng có thể mất một số bạn bè vì nói lên sự thật. Nhưng sự kiện tạp chí Time vinh danh “những người bảo vệ” sự thật ở cuối năm 2018 này không thể không thúc đẩy tôi phải suy nghĩ về “những giá trị” làm nên con người mà nếu chối bỏ “những giá trị” ấy cũng đồng nghĩa với chối bỏ chính phẩm giá của mình. Đó là những giá trị mà  con người không thể mang ra thương lượng, đổi chác dưới bất cứ hình thức nào. “Những người bảo vệ” sự thật đã chứng tỏ điều đó. Họ đưa chính mạng sống của mình ra làm bảo chứng để nói lên sự thật, để “bảo vệ” sự thật. Họ là những con người tự do đích thực. Họ là những con người đáng ngưỡng mộ.
Mặc dù không hề quen biết và cũng chẳng tán thành những hành động “đen tối” của ông trong quá khứ, tôi cũng muốn dành sự ngưỡng mộ của tôi cho ông Michael Cohen, cựu luật sư của Tổng thống Trump. Trong lời phát biểu trước tòa án trước khi bị tuyên án hơn 3 năm tù hôm thứ Tư 12 tháng Mười Hai vừa qua, ông Cohen đã nhận ra “con đường đen tối” (a path of darkness) mà 12 năm cúc cung phục vụ ông chủ Donald Trump đã đưa đẩy ông vào. Ông nói rằng ông đã chọn đi theo con đường ấy thay vì nghe theo tiếng nói của lương tâm và kim chỉ nam đạo đức. Sau khi công khai thú nhận những hành động đen tối và dối trá của mình, cựu luật sư của Tổng thống Trump nói rằng “hôm nay là một trong những ngày ý nghĩa nhứt trong cuộc đời của tôi”. Một ngày ý nghĩa nhứt bởi vì ông đã thực sự cư xử như một người có tự do và nói lên sự thật.
Giáng Sinh là mùa của Hoa Đèn. Ánh Sáng lúc nào cũng là biểu tượng của sự thật. Giã từ bóng tối của dối trá để bước đi trong ánh sáng của sự thật: phải chăng đó không là sứ điệp mà tôi cần phải lắng nghe mỗi dịp Giáng Sinh về?


Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Giáng Sinh và cuộc chiến chống Giáng Sinh


21/12/18
Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc nào cũng tự hào rằng ông là người “tái lập” Lễ Giáng Sinh. Trong suốt tháng Mười Hai năm vừa qua, ông đã lợi dụng mọi cơ hội để xuất hiện trước một Cây Giáng Sinh. Lúc nào ông cũng hứa với những người ủng hộ ông rằng Hoa Kỳ sẽ lập lại câu chào chúc “Merry Christmas” (Chúc mừng Giáng Sinh) thay vì câu vô nghĩa “ happy holidays” (chúc những ngày vui) mà nhiều người dùng để chống lại Lễ Giáng Sinh.
Đàng sau những lời tuyên bố và hứa hẹn trên đây, Tổng thống Trump có ý chỉ trích người tiền nhiệm của ông là ông Barack Obama, người mà ông cho là không mấy mặn mà với truyền thống Giáng Sinh của dân tộc Mỹ. Thật ra, dưới thời Tổng thống Obama, năm nào mà Tòa Bạch Ốc không trưng bày cảnh Giáng Sinh và tổ chức một bữa tiệc mừng Giáng Sinh.
Năm nào cũng vậy, cứ tới tháng Mười Hai thì người ta lại nói đến “cuộc chiến” về Giáng Sinh tại Mỹ. Nói cho cùng, có khác biệt trong lời chào chúc hay cách mừng lễ, nhưng truyền thống Giáng Sinh thì lúc nào cũng cắm rễ sâu trong văn hòa Mỹ. “Cuộc chiến” chống Giáng Sinh thật sự chỉ diễn ra ở những nước chính thức tuyên bố nghiêm cấm mọi cử hành trong ngày lễ này mà thôi. Hiện nay trên thế giới vẫn còn có một số quốc gia trong đó mừng lễ Giáng Sinh có thể bị xem là một hành động liều lĩnh.
Vương quốc Á rập Saudi là một trong những nước nghiêm cấm việc cử hành lễ Giáng Sinh. Là một quốc gia theo thần quyền Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni, Á rập Saudi nghiêm cấm việc cử hành lễ Giáng Sinh. Vương quốc này cũng cấm cả việc mừng sinh nhật của Tiên tri Mahomet. Chính phủ nước này cho rằng những cuộc cử hành như thế là một phát minh hoàn toàn đi ngược lại với tôn giáo. Riêng với lễ Giáng sinh, Chính phủ Á rập Saudi cấm cử hành Giáng Sinh trong trường học, bệnh viện, ngay cả những nơi có các tín hữu Kitô.
Mecca và Medina là hai địa danh linh thiêng nhất của Hồi Giáo. Cả hai đều nằm trong lãnh thổ của Á Rập Saudi. Là những người quản thủ 2 linh địa này, Hoàng gia Á rập Saudi đã ra lệnh không cho bất cứ một tổ chức tôn giáo nào ngoài Hồi giáo được xây cất nơi thờ phượng trên lãnh thổ của vương quốc.
Dĩ nhiên, không phải ai sống ở Á rập Saudi cũng đều là người Hồi giáo. Hiện đang có hàng trăm ngàn người ngoại quốc đang sinh sống trong vương quốc này. Họ là những người đang dạy học trong các đại học, làm việc trong các công ty hoặc kỹ nghệ dầu hỏa. Ngoài ra còn có các ngoại giao đoàn của các nước và hàng ngàn người công giáo Phi Luật Tân  đang làm nhân viên, công nhân hoặc người giúp việc trong các gia đình người Á rập. Đó là chưa kể đến các quân nhân Mỹ đang trú đóng trong các căn cứ quân sự tại Á Rập Saudi. Tuy nhiên, ngay cả trong các căn cứ quân sự, các tuyên úy quân đội cũng không được phép dành riêng một phòng hay dựng lên một túp lều để làm một nơi thờ phượng.
Không những cấm xây cất nơi thờ phượng, cấm cử hành lễ Giáng Sinh, Vương quốc Á rập Saudi còn cấm cả việc chúc mừng Giáng Sinh. Trong một thông cáo được cho phổ biến trên  cơ quan ngôn luận của chính phủ là tờ Arab News (Tin tức Á Rập), chính phủ nước này lập lại khuyến cáo theo đó người Hồi giáo không được phép chúc mừng lễ Giáng Sinh, bởi vì chúc mừng Giáng Sinh, tức mừng sinh nhật của Con Thiên Chúa...có nghĩa là chấp nhận và quảng bá cho niềm tin Kitô Giáo.
Bên cạnh Á rập Saudi, Bắc Hàn cũng được kể vào danh sách những nước rất thù nghịch với Kitô Giáo và cách riêng với lễ Giáng Sinh. Bắc Hàn thù nghịch với lễ Giáng Sinh đến độ đã có lần đe dọa tấn công Nam Hàn bằng vũ khí nguyên tử vì Cây Giáng Sinh. Số là năm 2014, chính phủ Nam Hàn cho phép một tổ chức Kitô Giáo được dựng lên một Cây Giáng Sinh gần biên giới 2 nước. Bắc Hàn gọi đây là một thứ vũ khí chiến tranh tâm lý và đe dọa sẽ cho pháo kích vào biểu tượng này. Theo các cơ quan truyền thông của nhà nước Bắc Hàn, Cây Giáng Sinh cao như một ngọn tháp cháy sáng này không phải là một biểu tượng tôn giáo mà là một chỉ dấu qua đó Nam Hàn muốn gia tăng các mối căng thẳng giữa 2 nước.
Cuối cùng, Nam Hàn đành nhượng bộ và cho tháo gỡ Cây Giáng Sinh xuống.
Sau Á rập Saudi và Bắc Hàn, Vương quốc Hồi giáo Brunei tại Đông Nam Á cũng là nước nghiêm cấm các cuộc cử hành lễ Giáng Sinh. Quốc vương Hassanal Bolkiah của Brunei đã cảnh cáo thần dân của ông rằng bất cứ ai cử hành lễ Giáng Sinh cũng đều có thể bị phạt 5 năm tù.
Những người ngoài Hồi giáo tại Brunei được phép cử hành lễ Giáng Sinh, nhưng chỉ trong các cộng đồng của họ mà thôi. Họ không đươc phép chia sẻ chương trình cử hành của mình với những người dân Hồi giáo vốn chiếm 65 phần trăm dân số chưa đầy 500 ngàn người.
Bộ Tôn Giáo của Brunei giải thích rằng sở dĩ có những biện pháp hạn chế việc công khai cử hành lễ Giáng Sinh là vì lễ này có thể gây xáo trộn và thiệt hại cho niềm tin của người Hồi giáo.
Ngoài Á Rập Saudi, Bắc Hàn và Brunei, hiện cũng có một số nước không cho phép cử hành lễ Giáng Sinh. Tại Somalia chẳng hạn, chính phủ cho rằng các cuộc lễ như thế có thể đe dọa cho niềm tin Hồi giáo của dân tộc. Một viên chức của Bộ Tôn Giáo nói rằng mừng lễ Giáng Sinh là điều không phù hợp với Hồi giáo. Các lực lượng an ninh được chỉ thị phải túc trực để chận đứng mọi cuộc tập trung để cử hành lễ Giáng Sinh. Chính phủ Somalia cho phép người ngoại quốc được mừng lễ trong nhà riêng của họ, nhưng trong các khách sạn và những nơi công cộng, mọi cử hành đều bị nghiêm cấm. Các cuộc cử hành chỉ được phép tổ chức trong các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các căn cứ của Liên minh Phi Châu gìn giữ hòa bình. Đây là những lực lượng yểm trợ chính phủ Somalia trong cuộc chiến chống lại các chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Somalia. Chính phủ Somalia giải thích rằng sở dĩ có biện pháp cấm cử hành lễ Giáng Sinh là để tránh cho các tổ chức khủng bố có cớ để tấn công.
Cùng với Somalia, Cộng hòa Tajistan cũng là một trong nước cấm mừng lễ Giáng Sinh. Cách đây vài năm, chính phủ nước này cấm không cho trưng bày biểu tượng của lễ Giáng Sinh là Ông già Noel. Gần đây, đi thêm một bước nữa, nước này cũng cấm luôn cả việc dựng Cây Giáng Sinh và trao quà trong các trường học. Ngoài ra, Bộ giáo dục nước này cũng ra thông cáo không cho phép đốt pháo, tổ chức các bữa tiệc mừng, trao quà và quyên tiền trong dịp Tết Dương Lịch.
Trong quá khứ, hầu như chế độ cộng sản nào, nếu không cấm thì cũng tìm cách hạn chế việc mừng lễ Giáng Sinh. Tại Trung Cộng, kể từ khi Đảng Cộng Sản cướp chính quyền vào năm 1949, việc cử hành lễ Giáng Sinh luôn bị hạn chế. Lễ Giáng Sinh vẫn tiếp tục là một vấn đề gây tranh cãi tại quốc gia cộng sản khổng lồ này.
Người dân Trung Hoa tại Trung Cộng mừng lễ Giáng Sinh bằng nhiều cách, nhưng rõ nét hơn cả vẫn là xuyên qua các quảng cáo thương mại. Không ở đâu Giáng Sinh được cử hành tưng bừng cho bằng trong các trung tâm thương mại và các tiệm ăn trong những thành phố lớn.
Tuy nhiên, gần đây chính phủ cộng sản đã tỏ dấu muốn hạn chế việc cử hành lễ này trong các trường học. Một viên chức giáo dục của tỉnh Chiết Giang nói với Hoàn cầu Thời báo rằng đây là một biện pháp để giảm bớt ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương tại Trung Cộng. Viên chức này giải thích rằng Chính phủ Trung Cộng không bãi bỏ các cuộc lễ của Tây Phương, nhưng muốn cho các trường học giữ được sự quân bình: sinh viên học sinh có thể học biết các cuộc lễ của Tây Phương như không nên chạy theo các cuộc lễ ấy.
Trong quá khứ, có lẽ không có quốc gia cộng sản nào tỏ ra triệt để trong việc chống lại Kitô Giáo cho bằng Albania. Albania đã từng là quốc gia đầu tiên lấy chủ nghĩa vô thần làm quốc giáo. Do đó trong Hiến pháp năm 1967, nước này đã tuyên bố loại trừ Kitô Giáo và như vậy cũng nghiêm cấm việc cử hành lễ Giáng Sinh. Hiến Pháp của quốc gia cộng sản này qui định rằng bất cứ ai “tuyên truyền, sản xuất, phát tán hay tồn trữ văn chương tôn giáo (Kitô Giáo)” sẽ bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.
Chỉ kể từ năm 1990, khi chế độ cộng sản tại Albania sụp đổ, người dân mới được phép tham dự và cử hành lễ Giáng Sinh.
Tại Cuba, kể từ khi Chủ tịch Fidel Castro thực hiện cuộc cách mạng vô sản và lên cầm quyền từ năm 1959, bất cứ một hình thức cử hành Giáng Sinh nào cũng bị nghiêm cấm. Trong một đất nước mà tuyệt đại đa số theo Kitô Giáo, Giáng Sinh không còn là một ngày nghỉ lễ nghỉ, người dân bị buộc phải ra đồng làm việc. Nhưng kể từ ngày 20 tháng Mười Hai năm 1998, sau chuyến viếng thăm lịch sử của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Chủ tịch Castro mới chịu bãi bỏ lệnh cấm mừng lễ Giáng Sinh.
Cũng giống như đàn anh Trung Cộng, Việt Nam cũng đã từng tìm cách hạn chế việc mừng lễ Giáng Sinh, nhất là trước khi mở cửa để chạy theo kinh tế thị trường. Thời đó, Giáng Sinh không những không phải là ngày lễ nghỉ, mà học sinh thường phải đến trường để thi học kỳ. Dù vậy, chế độ cộng sản cũng không ngăn cản được người dân mừng lễ. Dù không phải là tín hữu Kitô, nhiều người vẫn thích đến các nhà thờ để tham dự thánh lễ trong Đêm Giáng Sinh hoặc tuốn ra các ngã đường để ăn mừng theo cách thế của họ. Ngoài ra, trong quốc gia cộng sản này, thương mại cũng đã góp phần không ít trong việc quảng bá các biểu tượng của lễ Giáng Sinh.
Nhật Bản là một trường hợp lạ thường. Việc mừng lễ Giáng Sinh không bị ngăn cấm tại Nhật Bản. Kitô Giáo chiếm không tới một phần trăm dân số nước này do đó người Nhật không thực sự cảm thấy có nhu cầu phải mừng lễ Giáng Sinh và chính phủ cũng không màng đến chuyện có nên tuyên bố Giáng Sinh là một ngày lễ nghỉ hay không. Phải đi làm trong ngày Giáng Sinh là điều mà có lẽ chẳng có người Nhật nào phải tỏ ra ngạc nhiên cả.
Đức Quốc là một nước có đông dân số theo Kitô Giáo. Mừng lễ Giáng Sinh phải là điều xem ra đương nhiên đối với người dân Đức. Tuy nhiên tại một số thành phố, như Solingen và Bá Linh chẳng hạn, người dân xem ra thờ ơ với ngày lễ này. Tại những thành phố này, bởi vì Giáng Sinh là một lễ tôn giáo và bởi vì đảng đang cầm quyền tại những thành phố này là Đảng Xanh, một đảng tự nhận là thế tục, cho nên người dân cho rằng không nên mừng lễ Giáng Sinh ở những nơi công cộng.
Điều đáng suy nghĩ là trong quá khứ một số nước Kitô Giáo lại cấm mừng Giáng Sinh. Như trường hợp của Anh Quốc vào giữa thập niên 1600. Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Oliver Cromwell, một tín đồ của giáo phái Thanh Giáo. Giáo phái này có chủ trương thanh luyện Giáo hội Anh khỏi những thực hành của Giáo hội Công Giáo. Ông thủ tướng này không ngăn cấm việc cử hành Lễ Giáng Sinh xét như là việc kỷ niệm sinh nhật của Chúa Giêsu. Ông chỉ chống lại việc dân chúng Anh tiệc tùng, ăn uống quá độ trong ngày lễ mà thôi.
Tại Hoa Kỳ, do ảnh hưởng của Thanh Giáo, cũng vào giữa thập niên 1600, một số tiểu bang ban hành lệnh phạt những ai bị bắt quả tang mừng Lễ Giáng Sinh. Dĩ nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, lệnh này đã bị bãi bỏ. Nhưng riêng tại Tiểu bang Massachusetts, phải gần 200 năm sau, nghĩa là năm 1869, người dân mới thực sự được tự do ăn mừng và tiệc tùng trong lễ Giáng Sinh.
Thực ra, “Merry Christmas” hay “Happy Holidays” cũng đều nói lên cốt lõi của lễ Giáng Sinh: đây là thời gian mà người ta nghĩ đến nhau và mong muốn chia sẻ và mang những điều tốt đẹp đến cho nhau.




Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

Khi Ông Già Nobel không còn tuần lộc để cỡi...



Chu Thập
14/12/18
Không biết có phải vì đã đến tuổi “gần đất xa trời” không, tôi thấy mình dễ mủi lòng và mủi lòng vì những chuyện xem ra chẳng ra gì. Chẳng hạn như mới đây khi phải dọn sạch một giàn thanh long bị gió mạnh làm ngã đổ.  So với nhiều nhà Việt Nam ở Sydney, tôi tự kể mình vào số những “nhà nông” có nhiều thanh long và đủ loại thanh long. Tôi đã sưu tầm được cũng đến 6,7 loại thanh long khác nhau. Và cứ hễ có chỗ trống là tôi nhét thanh long vào. Tính ra cũng có đến vài chục gốc. Mỗi gốc thanh long không những là một kỷ niệm, mà cũng là nơi tôi chôn chặt và gắn liền một phần cuộc sống của tôi. Thành ra khi cực chẳng đã phải gỡ bỏ một giàn thanh long bị ngã đổ, tôi cảm thấy bồi hồi xúc động như thể mình đang chà đạp hay xúc phạm đến một sự sống. Nói như thi sĩ Alphonse de Lamartine (1790-1869) của Pháp, vật vô tri (objets inanimés) cũng có một linh hồn khiến ta cứ phải gắn bó với chúng.
Dọn một giàn thanh long của mình bị ngã đổ, tôi bồi hồi xúc động đã đành, tôi cũng có một cảm xúc như thế khi nhìn người ta bày bán những cây thông Giáng Sinh. Cứ bước vào tháng Mười Hai, vào những buổi sáng thứ Bảy, không biết từ đâu đó, người ta chở những cây thông Giáng Sinh xanh tươi đến trước một Hội quán Hướng Đạo gần nhà tôi để bày bán. Lần nào cũng vậy, mỗi lần chạy bộ qua trước ngôi chợ trời  ấy, tôi lại thấy buồn khi nhìn vào những cây thông bị cắt ngang gốc không còn một chút rễ nào bám vào thân. Một số được rước về nhà để làm cây thông Giáng Sinh trong vài tuần lễ. Số phận của những cây thông Giáng Sinh này chắc chắn sẽ rất bi đát: sau lễ, người ta sẽ mang chúng đem quăng vào một xó rừng nào đó hoặc chờ cho chúng khô héo rồi sẽ nhờ thần lửa cho chúng hóa kiếp. Số phận của những cây không được ai rước về nhà có lẽ lại càng bi đát hơn: bị đốn ngã một cách tàn nhẫn, lại không được ai ngó ngàng tới và cuối cùng cũng bị quăng vào lửa!
Theo một ý nghĩa rất phổ biến, cây thông Giáng Sinh là biểu tượng của sự sống. Ở những xứ lạnh, trong mùa đông giá rét, trưng bày trong nhà một cây thông “sống”, nhứt là trên đó có treo lủng lẵng hoa đèn, là muốn thắp lên một ngọn nến của hy vọng và sự sống. Nhưng mỉa mai thay, biểu tượng của sự sống là cây thông Giáng Sinh lại bị cướp mất sự sống tận gốc rễ!
Với tôi, một cây thông Giáng Sinh “chết” trông chẳng khác nào Ông Già Noel không ngồi trên chiếc xe được kéo bởi những con tuần lộc (reendeer), mà lại đến bằng máy bay. Đây là cảnh mà thỉnh thoảng tôi thấy xuất hiện trong một màn quảng cáo trên truyền hình: Ông Già Noel của thời đại đến thăm dân tình bằng máy bay, nhưng chẳng may máy bay ngộ nạn; cảnh cuối của màn quảng cáo thật có hậu: sau khi tiếp cứu Ông Già Noel, đãi ông một bữa no nê, cư dân lại còn kiếm được nguyên một bày tuần lộc để kéo chiếc xe của ông hầu ông có thể tiếp tục sứ mệnh của mình.
Không biết tác giả của màn quảng cáo trên đây có nghĩ xa hơn không. Nhưng tôi nhìn vào đó như một thông điệp rất có ý nghĩa cho thời buổi đang có hiện tượng trái đất hâm nóng và khí hậu thay đổi hiện nay. Bão lụt và hỏa hoạn, với những hậu quả tàn khốc đối với trái đất và cuộc sống con người dưới nhiều khía cạnh khác nhau, là những biểu hiện khó chối cãi được của khí hậu thay đổi. Khắp nơi trên mặt đất đều đang hứng chịu hậu quả của hiện tượng này. Nhưng dường như một trong những nơi phải bị tàn phá nhiều nhứt vì khí hậu thay đổi có lẽ là quê hương của Ông Già Noel.
Lapland không chỉ là một địa danh chỉ có trong trí tưởng tượng của con người mỗi khi nói đến Ông Già Noel. Đây là một vùng đất có thật ở Bắc Cực, trải dài qua phía Bắc của 4 quốc gia Na Uy, Thụy Điễn, Phần Lan và Nga.
Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy Bắc Cực hiện đang là nơi phải gánh chịu những hậu quả của khí hậu thay đổi nhiều hơn bất cứ một nơi nào khác trên mặt đất. Tại Bắc Cực, nhiệt độ hâm nóng trái đất tăng nhanh gấp 2 lần mức độ trung bình ở những nơi khác. Do đó, hơn bất cứ cư dân nào trên mặt đất, người dân ở Lapland đã bắt đầu cảm nhận được những hậu quả của khí hậu thay đổi.
Rovaniemi, thủ phủ hành chánh của tỉnh Lapland thuộc Phần Lan, đã tự nhận là “Quê hương chính thức của Ông Già Noel”. Đây là nơi mà du khách có thể đến thăm nhân vật huyền thoại này bất cứ ngày nào trong năm, chớ không chỉ trong Mùa Giáng Sinh. Thật ra, Ông Già Noel chỉ chính thức đến cư ngụ tại thành phố Rovaniemi vào năm 1950, khi dinh thự của ông được xây cất.
Toàn vùng Lapland, trải dài từ Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan qua Nga, hiện đang là lãnh thổ của người thổ dân Sami. Nhờ hẻo lánh và nhiệt độ thấp, phần lớn vùng Lapland vẫn còn giữ nguyên vẹn nét hoang dã của nó. Chính tính hoang dã này đã cung cấp cho người thổ dân Sami đủ không gian để đeo đuổi nghề truyền thống của họ là chăn nuôi loài tuần lộc.
Tuy nhiên, ngày nay khi trái đất hâm nóng, nhiệt độ ngày càng tăng và bắt đầu làm đảo lộn sinh thái, cuộc sống và sự tồn tại của người thổ dân Sami cũng như của chính Ông Già Noel, đang bị đe dọa.
Tiến sĩ Stephanie Lefrere là một nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về loài tuần lộc. Bà đã đến tỉnh Lapland của Phần Lan từ 18 năm qua. Kể từ đó, bà đã quan sát những thay đổi đáng sợ của thời tiết trong vùng và ảnh hưởng của chúng đối với đời sống hoang dã. Bà cho biết khi mới đến vùng này, bà nhận thấy nhiệt độ trung bình trong vùng vào ngày 31 tháng Mười là 20 độ C dưới không. Nhưng nay một nhiệt độ trung bình như thế không còn nữa. Tiến sĩ Lefrere cho biết: gần đây, người dân ở đây nói đến “những mùa Giáng Sinh đen”: đen là bởi vì không còn cảnh tuyết trắng rơi ở phía Nam của Phần Lan nữa. Hơn ai hết, sau gần hai thập niên làm việc tại quê hương của Ông Già Noel, bà Lefrere lại càng xác tín hơn rằng khí hậu thay đổi đã tạo ra những hậu quả khốc liệt đối với sinh thái của vùng Lapland, ảnh hưởng đến đường di chuyển, môi trường sống và ngay cả động thái của loài chim thiên di.
Những thay đổi như thế lại càng có những hậu quả tàn phá hơn nữa đối với các thổ dân Sami, vốn là những người am hiểu về vùng Lapland hơn bất cứ ai. Toàn bộ văn hóa của họ đều xoay quanh thiên nhiên và nhứt là loài tuần lộc. Họ không chỉ sống bằng nghề chăn nuôi tuần lộc, mà còn bằng săn bắn, bắt cá và hái lượm. Nhưng tuần lộc vẫn là biểu tượng trọng tâm của xã hội Sami. Trước kia, hầu như người dân Sami nào cũng sống bằng nghề chăn nuôi tuần lộc. Nay tỷ lệ này chỉ còn là 10 phần trăm. Sở dĩ nhiều người phải bỏ nghề chăn nuôi tuần lộc vì khí hậu thay đổi khiến họ không thể giữ cho tuần lộc được an toàn và khỏe mạnh.
Thời tiết thay đổi bất thường và nhứt là mưa liên tục lại xảy ra trong những tháng lạnh nhứt khiến cho những tảng băng đá vỡ vụn trên đất. Tuần lộc là loài thú sống bằng cách đào tuyết để bới tìm loại rong rêu “lichen” chìm ngập dưới đất. Nay chúng không còn ngửi được mùi rêu này dưới đất nữa. Không đào được thức ăn dưới đá, dĩ nhiên tuần lộc bị kết án phải chết đói mà thôi.
Mà tuần lộc chết thì đương nhiên sự sống còn của người thổ dân Sami cũng bị đe dọa. Tuần lộc là loài thú duy nhứt ở Lapland đã nhào nặn ngôn ngữ cũng như những nghề tiểu công nghệ truyền thống của người dân Sami mà da và sừng của chúng là vật liệu cần thiết. Bà Jamie Staffansson, một nhà hóa học chuyên tranh đấu cho quyền của người thổ dân Sami nói rằng nền văn hóa của người Sami sẽ biến mất cùng với loài tuần lộc (https://www.independent.co.uk/environment/climate-change-lapland-santa-claus-father-christmas-reindeer-global-warming-a8113041.html).
Không những chỉ có người thổ dân Sami mới gánh chịu những hậu quả của khí hậu thay đổi. Tại miền Bắc Phần Lan, kỹ nghệ du lịch là cột sống của kinh tế. Nhưng nhiệt độ ngày càng gia tăng khiến cho vùng này không còn là đất của “mùa đông muôn thuở” nữa. Những môn thể thao mùa đông đang bị đe dọa khiến cho số người hâm mộ các môn thể thao mùa đông cũng thưa dần. Dĩ nhiên những “mùa Giáng Sinh đen” sẽ khiến cho du khách không còn muốn đến Rovaniemi để thăm Ông Già Noel nữa. Du lịch mùa Giáng Sinh đang xuống một cách thê thảm. Trước kia, được mệnh danh là Làng của Ông Già Noel, Rovaniemi mỗi năm trung bình thu hút được 300.000 du khách. Nay họ hướng về phía Bắc và phía Đông Phần Lan, bởi vì ở đây  tuyết vẫn còn nhiều hơn. Sẽ đến một lúc, ngay trên chính “quê hương” của mình, Ông Già Noel sẽ không còn trèo lên chiếc xe được một bày tuần lộc kéo nữa. Cũng như biểu tượng của sự sống là cây thông Giáng Sinh bị tước đoạt sự sống, Ông Già Noel không có đoàn tuần lộc đi hộ tống có lẽ sẽ chỉ còn là một Ông Già Noel què quặt, bệnh hoạn, thiếu sức sống. Tất cả cũng chỉ vì trái đất bị các hoạt động của chính con người hâm nóng và làm cho khí hậu thay đổi.
Bên kia niềm tin tôn giáo, nếu phải tóm tắt ý nghĩa của  Giáng Sinh thành một thông điệp ngắn gọn, tôi cho rằng đây là Mùa của Sự Sống. Sự sống của con người đã đành, mà còn là sự sống của chính trái đất. Thật ra, nếu sự sống của trái đất bị hủy hoại thì chính sự sống của con người cũng bị đe dọa. Tôi tin ở những lời cảnh cáo của các nhà khoa học. Trái đất bị hâm nóng và khí hậu thay đổi chắc chắn không phải là một “cú lừa của Trung Cộng” mà là một thực tế đang diễn ra trước mắt. Chỉ cần một chút thiện chí và  lương thiện để nhìn vào cuộc sống xung quanh cũng đủ để cảm nhận được thế nào là hiện tượng trái đất hâm nóng và khí hậu thay đổi.
Tôi tin lời nhà sinh vật học Richard Attenborough. Mới đây, trong bài nói chuyện tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu Thay đổi do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại thành phố Katowice, Ba Lan, nhà sinh vật kiêm nhà làm phim nổi tiếng này đã cảnh cáo: “Ngay bây giờ đây, chúng ta đang đối diện với một tai họa với qui mô toàn cầu do chính con người gây ra. So với nhiều ngàn năm qua, mối đe dọa lớn nhứt của chúng ta chính là Khí hậu Thay đổi. Nếu chúng ta không bắt tay hành động, thì không bao lâu các nền văn minh của chúng ta sẽ sụp đổ và phần lớn thế giới tự nhiên sẽ bị tiêu diệt”. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia: “Dân chúng trên toàn thế giới đã lên tiếng. Thông điệp của họ đã rõ ràng. Thời buổi đã cấp bách. Họ muốn quý vị, những người làm chính sách, hãy bắt tay hành động ngay” (https://www.bbc.com/news/science-environment-46398057).
Clive Blazey, sáng lập viên của The Diggers Club, người tiên phong trong việc bảo tồn và phân phối các loại cây và hạt giống không bị biến đổi, trong một bài viết gần đây đã khẳng định: “Rác rưởi là một “sáng chế” của con người...Trong thiên nhiên không có rác rưởi” (Waste is a human invention...There is no wast in nature). Theo ông, một người Úc trung bình tạo ra 2.7 tấn rác một năm hay 7.5 ký rác một ngày. Mặc dù mỗi người chỉ tiêu thụ khoảng 1 ký thức ăn bao gồm rau trái, ngũ cốc và thịt, vậy thì 6.5 ký rác còn lại là từ thức ăn dư thừa và các loại bao bì...Nếu chúng ta giảm được rác rưởi bằng cách dùng bao tái chế và thùng giấy, không mua thức ăn làm sẵn (processed food), không mua quá nhiều thực phẩm, dùng thức ăn thừa nuôi giun (worm farm) và tự trồng rau để ăn hay chí ít trồng một ít rau thơm thường dùng...theo ông Blazey, với một chút cố gắng thực hiện những điều trên, chúng ta có thể giảm được rất nhiều rác. Và ông kết luận: “Không còn thì giờ để phí phạm nữa!”.
Đối phó với hiểm họa trái đất hâm nóng và khí hậu thay đổi dĩ nhiên trước tiên phải là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo quốc gia. Trong phạm vi nhỏ bé của tôi, sự đóng góp của tôi có lẽ không bằng một giọt nước trong đại dương. Nhưng sống có trách nhiệm đối với môi trường sống của mình, một cách cụ thể tôn trọng và yêu mến thiên nhiên, sử dụng tài nguyên một cách có ý thức, không vứt rác bừa bãi...ít ra cũng mang lại cho tôi niềm vui và sự an bình, nhứt là trong mùa Giáng Sinh này.









Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Khí hậu Thay đổi: chuẩn bị đối phó với Đại nạn Hồng thủy!




14/12/18
Cách đây vài tuần, Ioane Teitiota, một cư dân của đảo quốc Kiribati, một quốc gia nhỏ bé trong Thái Bình Dương, đã cùng với 6 người đàn ông khác leo lên một chiếc thuyền đánh cá để đi thăm bà con của họ tại 3 ngôi làng có tên là “London”, “Paris” và “Ba Lan”. Phải mất 8 ngày nhóm ngư phủ này mới đến nơi. Nhưng khi đến nơi, họ mới biết 3 ngôi làng này đã hoàn toàn trống vắng.
Nằm trong rặng san hô ở phía đông Kiribati, 3 ngôi làng được nhà thám hiểm James Cook đặt tên theo 2 thành phố và một quốc gia nổi tiếng ở Âu Châu hiện đã ngập nước đến một nửa. Mặc dù đã cố gắng trồng cây đước cũng như dùng đá và xi măng để dựng lên một bức tường ngăn nước, nhưng cả 3 ngôi làng trên đây vẫn không tránh khỏi tình trạng ngập lụt ngày càng thêm trầm trọng. Dân làng đành bỏ mặc nhà cửa, đất đai và ruộng vườn của họ cho đại dương.
Kiribati là một đảo quốc nhỏ với dân số chỉ có vỏn vẹn 110.000 người sống rải rác trên các rặng san hô và một hòn đảo chính. Nhìn trên bản đồ, Kiribati chỉ là những chấm nhỏ li ti trong một đại dương rộng lớn bằng diện tích của cả nước Ấn Độ. Đây là một đất nước không có núi: độ cao trung bình cách mặt nước biển không quá 2 thước!
Cách chiếc thuyền đánh cá của ông Teitiota 14.000 cây số, ở bên kia thế giới là London, Paris và Ba Lan. Hai thành phố lớn và quốc gia Âu Châu này đều tọa lạc ở một độ cao cách mặt nước biển tương đối an toàn. Đây là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, dù ở Kiribati, London, Paris hay Ba Lan...ở đâu con người cũng được nối kết với nhau bằng biển. Biển là một và nước biển ở đâu cũng giống nhau. Giống nhau hơn nữa là bởi vì khắp nơi trên mặt địa cầu, hiện mức nước biển đang dâng lên. Không ai biết được mức nước biển sẽ dâng lên bao nhiêu. Nhưng có một điều chắc chắn là: dù ở đâu, ai cũng biết rằng mực nước biển đang dâng lên và sẽ từ từ dâng lên cao hơn!
Hôm thứ Hai mùng Ba tháng Mười Hai vừa qua, đại diện của hầu hết các nước trên thế giới đã tụ họp về Katowice, Ba Lan, để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu Thay đổi do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Mục đích của Hội nghị là để duyệt xét việc thi hành Thỏa Hiệp Paris mà các nước đã ký kết cách đây 3 năm. Điều đáng chú ý là Hội nghị đã diễn ra sau một mùa hè bị nhận chìm trong hỏa hoạn và bão lụt chưa từng thấy.
Cách đây 3 năm, tại Paris, cộng đồng thế giới đã thỏa thuận sẽ làm cho nhiệt độ trái đất giảm bớt 2 độ C như đã từng có trước cuộc cách mạng kỹ nghệ. Quả thật, hiện tượng trái đất ngày càng hâm nóng khiến cho các tảng băng tan rã và làm cho mực nước biển dâng lên là một thực tế không thể chối cãi được.
Dĩ nhiên có lẽ phải mất cả ngàn năm các tảng băng trên mặt đất mới hoàn toàn tan rã hoặc cũng có thể chúng sẽ không bao giờ biến mất khỏi mặt đất. Nhưng không thể phủ nhận sự kiện trái đất ngày càng hâm nóng và các tảng băng ngày càng tan rã.
Hiện tượng này diễn ra theo đúng các định luật vật lý: nước giãn nở khi nó bị hâm nóng. Kể từ cuộc cách mạng kỹ nghệ, trái đất đã nóng thêm khoảng một độ C. Trong những thập niên vừa qua, mức độ hâm nóng ngày càng gia tăng. Theo các tính toán của Cơ quan Không gian NASA của Hoa Kỳ, nếu cộng đồng thế giới có biện pháp tức khắc để giảm bớt khí thải nhà kính, trái đất sẽ hâm nóng thêm 1.5 độ C vào giữa thế kỷ 21 này. Nếu  nhiệt độ trái đất tăng thêm 3 độ C nữa thì mực nước biển có thể sẽ dâng lên đến 5 thước. Lúc đó, không riêng gì đảo quốc Kiribati nhỏ bé, mà tất cả mọi thành phố nằm dọc theo duyên hải các nước sẽ rơi vào nguy cơ bị ngập lụt. Nói cho cùng, trái đất là một, biển là một và tất cả mọi người đều đồng hội đồng thuyền theo đúng nghĩa!
Đảo quốc Kiribati đã từng là một thiên đàng. Nhưng ông Teitota vừa hì hục khiêng đá và cát để đấp tường xung quanh nhà, vừa trách biển như thể biển đang nổi giận. Ông nói: “Biển bắt chúng tôi phải nhịn ăn, nhịn khát và cuối cùng thì phải chết đuối”.
Ông cho biết vườn tược của ông đã bị nhiễm mặn. Nguồn nước uống cũng bị ô nhiễm và dĩ nhiên bao nhiêu bệnh tật vì truyền nhiễm cũng ùa tới. Ông chỉ tay về cái giếng phía sau nhà. Từ nhiều năm nay, giếng chỉ còn toàn là nước mặn. Rừng dừa được trồng dọc theo bờ biển, trước kia là nguồn lợi chính của gia đình, nay chỉ còn lại những tàu lá xơ xác và khô đét. Có lẽ cũng như nhiều người dân Karibati, ông Teitota không biết tại sao mực nước biển ngày càng lên cao và đe dọa nhà cửa, ruộng vườn và mạng sống của ông.
Nhưng các nhà khoa học thì biêt rõ nguyên nhân. Viện Nghiên cứu về Ảnh hưởng của Khí hậu ở Potsdam của Đức quốc (The Potsdam Institute for Climate Impact Research viết tắt PIK) là một trong những trung tâm nghiên cứu về Khí hậu Thay đổi hàng đầu của thế giới. Kể từ năm 1992, các nhà nghiên cứu tại Viện Potsdam đã từng cảnh cáo về những hậu quả của hiện tượng trái đất hâm nóng. Họ đã cảnh cáo Chính phủ Đức và gởi đến Ủy Ban Âu Châu và nhiều chính phủ khác những kết quả nghiên cứu của họ.
Tiếng nói của các nhà nghiên cứu của Viện Potsdam và nhiều nhà nghiên cứu khác trên khắp thế giới nay đã được lắng nghe. Hiện nay mỗi buổi sáng có khoảng 200 nhà nghiên cứu về khí hậu của Đức, hầu hết đều sử dụng xe đạp như phương tiện di chuyển, đến các trung tâm nghiên cứu của họ để làm việc hầu không những đưa ra những lời cảnh báo, mà còn gợi lên các giải pháp.
Những nước giàu có như Đức hay Hòa Lan có lẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với mực nước biển đang lên cao. Nhưng đối với những nước nghèo thì đây là cả một đại nạn. Bangladesh là một trong những nước nghèo ấy. Đây là đất nước mà diện tích không bằng một nửa của Đức, nhưng dân số lại đông gấp hai lần. Hai phần ba lãnh thổ của Bangladesh lại chỉ nằm cách mặt nước biển vài thước và phần lớn dân số lại sống dọc theo các vùng duyên hải.
Tại Thủ đô Dhaka, nhiều vùng không những không có hệ thống thoát nước mà các ống cống cũng nghẹt vì rác rưởi và các bao nhựa. Thành phố ngày càng bị lún sâu.
Mỗi năm, khi mùa mưa trở lại, một phần tư Bangladesh chìm ngập trong nước. Nếu ở một nơi nào đó có vỡ đê thì các làng mạc bị nhận chìm trong nước có khi vài năm. Đội sách vở trên đầu, lội nước sâu đến ngực để đến trường  là chuyện bình thường đối với học sinh Bangladesh.
Lũ lụt có thể mang cá về cho dân đánh cá. Lũ lụt cũng kéo phù sa về làm cho đất đai thêm mầu mỡ. Tuy nhiên bên cạnh đó lũ lụt lại làm sập cầu cống và nhà cửa cũng như nhận chìm trong nước bao nhiêu con người và thú vật. Chu kỳ và cường độ của lũ lụt tại Bangladesh lại ngày càng gia tăng. Hồi năm ngoái, đã có khoảng 150 người bị thiệt mạng vì mưa bão, hàng triệu người phải chịu bao nhiêu hệ quả của lũ lụt.
Khi mặt nước biển dâng cao, nhiều vùng có thể bị nhận chìm trong nước trong hàng 30 năm. Nông nghiệp thất thu, thực phẩm ngày càng khan hiếm khiến hàng triệu triệu người phải rời bỏ quê hương của họ.
Tại Thủ đô Dhaka hiện có Trung tâm Quốc tế về Khí hậu Thay đổi và Phát triển. Cơ quan này đã bắt đầu cố vấn cho các nông dân Bangladesh nuôi vịt thay vì nuôi gà, nuôi cá thay vì trồng lúa và trữ nước mưa bởi vì nguồn nước ngọt ngày càng trở nên quý hiếm. Cách đây vài năm, các nhà nghiên cứu cũng đã bắt đầu phát triển một loại lúa có thể sống trong nước mặn.
Trong vài năm vừa qua, Bangladesh đã xây cất được hơn 2000 trung tâm tạm trú dọc theo hàng ngàn cây số bờ đê. Người ta cũng đã thiết kế được những ngôi vườn nổi, bệnh viện nổi và nhà sàn. Tại nhiều vùng, người dân Bangladesh đã bắt đầu tập sống với lũ và dĩ nhiên với mực nước biển ngày càng cao.
Mực nước biển ngày càng dâng cao là bởi vì các tảng băng ở hai đầu trái đất hiện đang tan rã. Đây là hiện tượng thấy rõ nhất tại Nam Cực. Tính đến năm 2012, mỗi năm  Nam Cực có lẽ đã mất đi khoảng 76 tỷ tấn nước đá. Kể từ đó, theo một bản phúc trình mới đây được phổ biến trên tạp chí Nature, tiến trình này tăng tốc lên đến 219 tỷ tấn mỗi năm. Điều này có nghĩa là một khi đã tan chảy các tảng băng của Nam Cực góp phần làm cho mực nước biển trên toàn trái đất tăng thêm một phần tư. Nếu toàn bộ các tảng băng của Nam Cực đều tan chảy thành nước, mực nước biển sẽ dâng cao thêm hơn 3 thước.
Đây là một hiện tượng mà vào hai thập niên 1950 và 1960, các nhà nghiên cứu về các tảng băng không bao giờ nghĩ tới.
Mặt nước biển dâng cao không chỉ tác hại đến cuộc sống của người dân ở những nước nghèo. Thiên tai cũng không tha người dân của những nước giàu. Trong 30 năm vừa qua, nhà địa vật lý học Ernst Rauch chuyên theo dõi các thiên tai để cố vấn cho công ty bảo hiểm Munich Re của Đức. Một trong những thiên tai khiến ông phải bù đầu bứt tóc là trận bão Sandy. Khi trận bão Sandy rời khỏi Thành phố New York vào buổi chiều ngày 30 tháng Mười năm 2012 vừa qua thì mọi sự đều thay đổi. Phần lớn khu phố thương mại và kinh doanh nổi tiếng Manhattan đều bị ngập lụt, các đường hầm đều chìm trong nước và ngay cả viện bảo tàng tại khu tưởng niệm cuộc khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 cũng không tránh khỏi ngập lụt. Điện bị cắt, các chuyến xe lửa bị đình chỉ và Trung tâm tài chính Wall Street cũng ngưng hoạt động. Chỉ riêng tại New York, trận bão Sandy đã làm cho 43 người thiệt mạng, 90.000 nhà cửa bị ngập lụt; tổng số thiệt hại về vật chất lên đến 20 tỷ Mỹ kim.
Dĩ nhiên có nhiều yếu tố gia tăng cường độ hủy hoại của trận bão. Nhưng tai họa chỉ đạt được những kích thước khủng khiếp như thế là bởi vì mực nước biển đã dâng lên từ nhiều thập niên qua. Tại Công viên Battery Park ở phía nam Manhattan chẳng hạn, mực nước biển đã dâng lên 35 centimet trong vòng 93 năm qua và hiện mỗi năm vẫn còn tiếp tục cao hơn.
Giàu có và hùng mạnh như nước Mỹ mà vẫn không tránh khỏi thiên tai. Một bài học mà nhân loại có thể học được từ vô số thiên tai đang xảy ra trên thế giới hiện nay là: con người không thể bảo vệ được tất cả mọi sự! Nhưng bởi vì thiên tai lại cũng là nhân họa, nghĩa là do chính con người ít hay nhiều đã góp phần tạo ra, thì đã đến lúc con người cần phải ý thức hơn về trách nhiệm của mình.
Ioane Teitiota, người công dân của đảo quốc nhỏ bé Karibati, hoàn toàn bất lực trước hiện tượng mực nước biển ngày càng dâng cao. Có lẽ chỉ có một điều mà ông cảm thấy mình có thể làm được: đó là xin tầm trú tại Tân Tây Lan và tuyên bố trước thế giới rằng ông là người đầu tiên được nhìn nhận là tỵ nạn vì Khí hậu Thay đổi. Với hành động này, ông muốn cho thế giới biết rằng không chỉ ngôi nhà tồi tàn của ông, quốc gia nhỏ bé của ông, mà toàn thế giới đang có nguy cơ bị Đại nạn Hồng thủy hủy diệt, nếu không ý thức về trách nhiệm làm cho trái đất bị hâm nóng khiến cho mực nước biển ngày càng dâng cao.

(nguồn: http://www.spiegel.de/international/world/addressing-the-inevitable-how-to-prepare-for-the-climate-change-flood-a-1241890-2.html)


Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Quyền được ăn và nói



Chu Thập
7/12/18
Liền sau khi Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 13  của Khối G20 tại Á Căn Đình trong hai ngày 30 tháng Mười Một và mùng Một tháng Mười Hai vừa qua kết thúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng đã “ngồi lại” với nhau. Lần này cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong một yến tiệc kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Với tôi, bữa ăn tối này có một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì sau đó 2 nhà lãnh đạo của 2 siêu cường đã tuyên bố tạm ngưng cuộc chiến thương mại trong vòng 90 ngày. Ngồi đối diện với ông Tập trong một bàn tiệc dài, tổng thống Mỹ mô tả mối quan hệ giữa hai người là “đáng kinh ngạc” và dự đoán điều đó có nghĩa là “chúng ta có thể sẽ thực hiện được một thứ gì đó tốt đẹp cho Trung Quốc và tốt đẹp cho Hoa Kỳ”. Về phần mình, ông Tập Cận Bình cũng bày tỏ thiện chí: “Chỉ có sự hợp tác giữa chúng ta mới có thể phục vụ lợi ích của hòa bình và thịnh vượng  thế giới”. Đó là những lời tốt đẹp nhứt mà 2 bên “lâm chiến”, dù là trong chiến tranh thương mại,  đã có thể trao đổi cho nhau. Trong và sau bữa ăn, giọng điệu của 2 nhà lãnh đạo nghe lịch sự, “ngọt ngào”, chớ không còn hằn học hay hiếu chiến nữa. Ngồi ăn với nhau, người ta phải tỏ ra lịch sự, tử tế với nhau thôi. “Ăn” và “nói” lúc nào cũng đi đôi với nhau.
Theo dõi biến cố này, tôi lại nghĩ đến sự thâm thúy của “Tiếng Việt mến yêu” của tôi. Tôi không phải là một nhà ngữ học cho nên không hiểu được tại sao trong tiếng Việt của mình, từ xưa đến nay, người ta hay gắn hai động từ “ăn” và “nói” lại với nhau thành một thành ngữ.
Cùng xuất phát từ lỗ miệng, hai động từ này quan trọng đối với người Việt Nam đến nỗi trong những cái học, “học ăn học nói” là 2 cái học đầu tiên và quan trọng nhứt. Trước khi học bất cứ điều gì cần phải “học ăn học nói” đã. “Ăn không nên đọi, nói không nên lời”: ăn và nói mà còn chưa xong thì coi như “đồ bỏ”.
Thật ra, đâu riêng người Việt Nam mới xem trọng việc “học ăn học nói”, nhứt là “học ăn”. Ngày nay, tôi thấy trên các chương trình truyền hình các nước, như ở Úc Đại Lợi chẳng hạn, càng ngày càng có nhiều chương trình dạy nấu ăn. Một cách nào đó, dạy nấu ăn cũng là dạy “học ăn”. Tại Việt Nam hiện nay thì xem ra việc dạy nấu ăn ngày càng khẩn thiết hơn. “Người ta đua nhau viết sách dạy nấu ăn. Báo chí đăng tải những bài học cụ thể cho từng món ăn có thể chế biến tại nhà vào ngày nghỉ.” Tuy nhiên, “tuyệt không có những bài học dạy người ta cách ăn cả ở trường và ngoài xã hội. Đó không chỉ là một nửa mà thậm chí còn chiếm đến hai phần ba kiến thức ẩm thực của một dân phố bình thường. Thế cho nên sinh ra những “bún mắng”, “cháo chửi” cũng là lẽ thường. Vào hàng bún bung mà cứ đòi thêm hành  tây thì ăn mắng còn là rất nhẹ” (x.http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/902501/an-va-noi).
“Học ăn học nói” là 2 thứ học quan trọng nhứt trong cuộc sống, bởi lẽ “ăn” và “nói” là hai thứ nhân quyền căn bản nhứt và đồng thời cũng gắn liền với nhau.
Vào ngày Thứ Hai Mùng Mười tháng Mười Hai tới đây, thế giới sẽ kỷ niệm đúng 70 năm ngày Liên Hiệp Quốc công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Hai thứ quyền căn bản nhứt là “ăn” và “nói” đều đã được ghi rõ trong Bản Tuyên Ngôn này. Tôi không thể nghĩ đến cái ăn, cái nói trên thế giới mà không nhìn lại 70 năm thực hiện Bản Tuyên Ngôn này.
Trước hết, phải nhìn nhận rằng tình hình nhân quyền trên thế giới trong 7 thập niên qua đã đạt được nhiều thành tích tích cực đáng kể. Chưa bao giờ con người thời đại ý thức về nhân quyền cho bằng ngày nay. Tuy nhiên, bước vào Thế kỷ 21 này, có một thực tế mà tôi thấy không thể phủ nhận được: đó là thái độ bất khoan nhượng của con người  và tình trạng bất bình đẳng trên thế giới ngày càng gia tăng. Tình trạng của thế giới, mà cách đây 70 năm 58 quốc gia trên thế giới mong mỏi sẽ cải thiện được khi đặt bút ký tên vào Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, thì nay xem ra vẫn như cũ.
Theo phân tích của ông Kumi Naidoo, một người Nam Phi hiện đang làm Tổng thư ký của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), điều 2 trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền giải thích rằng Nhân quyền thuộc về tất cả mọi người, bất luận giàu nghèo, sống ở nước nào, thuộc phái tính hay màu da nào, nói ngôn ngữ nào hay tuyên xưng hoặc thực hành niềm tin tôn giáo nào.
Tuy nhiên, theo ông Tổng thư ký Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, tính phổ cập ấy của nhân quyền hiện đang bị tấn công một cách nghiêm trọng. Ông Naidoo đặc biệt chú ý đến khuynh hướng dân túy hiện nay trên thế giới. Đan cử một thí dụ, ông đề cập đến cuộc chiến thắng của ông Jair Bolsonaro tại Ba Tây trong cuộc bầu cử dạo tháng Mười vừa qua. Trong các chương trình hành động, ông tổng thống tân cử của Ba Tây này công khai chống lại nhân quyền. Người lãnh đạo của Tổ chức tranh đấu cho nhân quyền lo ngại rằng các chính sách của tân tổng thống Ba Tây sẽ là một hiểm họa lớn cho người thổ dân, các cộng đồng nông dân truyền thống, những người đồng tính và chuyển giới, giới trẻ da đen, phụ nữ, những người hoạt động và các tổ chức của xã hội dân sự.
Không những phổ cập, nhân quyền cũng liên kết bất khả phân ly với nhau. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền không phân biệt giữa quyền dân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Bản Tuyên Ngôn cũng không phân biệt sự cần thiết phải thực hiện quyền được ăn với quyền được tự do ngôn luận. Với Bản Tuyền Ngôn, 2 thứ quyền này, tức quyền được ăn và được nói, liên kết chặt chẽ với nhau.
Trong nhiều thập niên vừa qua, nhiều chính phủ, như tại các nước cộng sản,  đã cố tình tách biệt 2 quyền này. Kể từ khi mở cửa chạy theo kinh tế thị trường, Trung Cộng và Việt Nam đã ăn nên làm ra, kinh tế phát triển, nhiều triệu người đã được giải thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Nói chung, tại những nước cộng sản độc tài này, cuộc sống vật chất của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, quyền căn bản là được nói, tức tự do ngôn luận và phát biểu vốn gắn liền với quyền được ăn, vẫn không được nhìn nhận. Người dân trong những chế độ cộng sản độc tài no cái bụng, nhưng vẫn còn đói cái miệng.
Tại nhiều nước khác, dù không phải là độc tài chuyên chế, các chính phủ vẫn tìm cách tách biệt quyền được ăn khỏi quyền được nói và những quyền căn bản khác. Khi phải đối đầu với các cuộc khủng hoảng tài chánh chẳng hạn, các chính phủ thường đề ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Với những biện pháp này, người dân thường không hưởng được những nhu cầu cơ bản như y tế, nhà ở và thực phẩm.
Tổng thư ký của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế kể lại rằng một người đàn ông được tổ chức phỏng vấn cho biết ông đã phải chọn lựa giữa việc mua thức ăn và mua thuốc men, bởi vì phí tổn y tế quá cao. Ông nói: “Tôi không thể sống với sự đau đớn, tôi cần phải có thuốc. Hoặc là tôi có thuốc hoặc là tôi tự tử (vì quá đau đớn)...Tôi đành phải nhịn ăn bởi vì tôi cần phải mua thuốc”.
Tại một số nơi, tình trạng còn thê thảm hơn. Như tại Cộng hòa Chad, Phi Châu là nơi chính phủ ban hành những biện pháp thắt lưng buộc bụng: người dân ngày càng nghèo; không được chăm sóc y tế, họ cũng chẳng hưởng được một nền giáo dục căn bản. Khi người dân tổ chức đình công hoặc tham gia các cuộc biểu tình, chính phủ tìm cách bịt miệng họ. Bất cứ một tiếng nói bất đồng chính kiến nào cũng đều bị đè bẹp.
Đây là mô hình đang xảy ra trên khắp thế giới hiện nay, chớ không riêng gì trong các chế độ cộng sản hoặc độc tài. Khi cuộc sống trở nên khó khăn, người dân lên tiếng, họ liền bị bịt miệng ngay. Được ăn và được nói là 2 quyền gắn liền với nhau. Chính vì vậy mà trong suốt Mùa Xuân Á Rập hồi năm 2011, những biểu ngữ mà người dân trương lên không chỉ xoay quang quyền được phát biểu, tức quyền được nói, mà còn là quyền được có “cơm bánh, tự do và công lý” một lúc.
Gần đây cả thế giới đã chú ý theo dõi vụ án của ông Jamal Khashoggi, một ký giả người Á Rập Saudi đã bị giết chết một cách dã man ngay trong Tòa lãnh sự của Vương quốc Á Rập Saudi tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Mười vừa qua. Cũng như nhiều nhà tranh đấu cho nhân quyền trong vương quốc này, ông Khashoggi đã trở thành kẻ thù của Chính quyền Á Rập Saudi, bởi vì ông muốn thực thi quyền được công khai nói lên điều mình suy nghĩ. Trong một bài cuối cùng được đăng trên báo The Washington Post, ông đã đề cập đến những vấn đề nhức nhối mà những người đồng bào của ông đang phải đối đầu, nhưng lại không được phép công khai bày tỏ ý kiến, vì họ không hề được hưởng quyền tự do ngôn luận. Những vấn đề mà ký giả này đề cập tới là “nghèo đói, quản lý kém và giáo dục tồi tệ”(x. https://mondediplo.com/2018/12/04rights).
Ký giả Khashoggi không chỉ nói đến quyền được nói, tức tự do ngôn luận, ông cũng lên án tình trạng nghèo đói mà vì bất công, người dân Á Rập Saudi đang phải gánh chịu. Ông đã cho thấy rõ: mọi nhân quyền như được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đều liên kết chặt chẽ với nhau. Không thể chối bỏ và chà đạp quyền này mà không chối bỏ và chà đạp những quyền khác. Quyền được “nói”, được tự do báo chí, được tự do ngôn luận là cột sống trong tòa nhà nhân quyền, bởi vì nó tạo điều kiện cho con người đòi hỏi những quyền khác, nhờ đó con người mới có thể thể hiện trọn vẹn phẩm giá bất khả xâm phạm của mình.
Bước vào tháng Mười Hai, chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, hầu như ngày nào gia đình tôi cũng nhận được lời kêu gọi giúp đỡ từ các tổ chức từ thiện như Salvation Army, Caritas, Smith Family hay một tổ chức nào đó của Liên Hiệp Quốc...Hầu như đính kèm với lời kêu gọi lúc nào cũng là những câu chuyện về thảm cảnh chiến tranh hay gia đình mà nạn nhân đáng thương nhứt vẫn là trẻ em và nhu cầu khẩn thiết nhứt vẫn là cơm ăn, áo mặc hoặc quần áo, giày dép để cắp sách đến trường. Cũng không thiếu những lời kêu gọi đưa gia đình tôi đến một nơi nghèo cùng xa lạ nào đó ở tận cùng trái đất...
Lời kêu gọi chia sẻ cơm bánh và mọi thứ có thể chia sẻ được cho người nghèo đến với gia đình tôi vào giữa lúc cơn sốt mua sắm và tiêu xài đang lôi kéo mọi người đến phố chợ. Cứ mỗi lần nhìn hàng người nối đuôi nhau trong các cửa hàng buôn bán trong những ngày này, tôi không thể không nghĩ đến bức tranh của thế giới cách đây 70 năm, khi 58 quốc gia trên thế giới đặt bút ký tên vào Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Đó là bức tranh của bất bình đẳng và dĩ nhiên cũng là bất công trong xã hội. Nơi đây người ta ăn uống thừa mứa đến độ béo phì, nơi kia vô số người vẫn còn quằn quại trong đói khổ, bệnh tật hay bị đày đọa trong lao tù.
“Học ăn học nói” cũng như học làm người là trường học tôi thấy mình cứ học mãi mà không bao giờ tốt nghiệp. Nhưng cứ mỗi dịp Giáng Sinh về, nhứt là năm nay khi kỷ niệm 70 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, tôi thấy mình còn phải học thêm một bài học nữa là “học cho”. Hai chữ “từ thiện”, “bác ái” thường gợi lên trong tôi hành động “bố thí”, tức “cho đi”, “vứt di” những đồng tiền lẻ, những đồ thừa mứa, những thứ tôi không còn dùng tới nữa...Đào sâu hai chữ “nhân quyền”, tôi nghĩ đến phẩm giá của sự bình đẳng và mọi quyền căn bản của mỗi một con người có mặt trên trái đất này. “Học cho” là học chia sẻ và trao ban với cả tấm lòng với sự trân trọng chứ không phải là bố thí. Như vậy trước tiên phải nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của sự bình đẳng ấy. Cái phẩm giá ấy cao trọng đến độ bất cứ một hành động miệt thị, khước từ nào cũng đều là một xúc phạm đến toàn thể nhân loại.