Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Hiệu ứng Cánh bướm



Chu Thập
Thỉnh thoảng tôi cũng có xem chương trình The Voice của Úc Đại Lợi hiện đang được trực tiếp truyền hình trên Đài Số 9 trong tháng Sáu này. Để tỏ ra mình cũng “ngang tầm thời đại” như ai! Thật ra, theo đúng kiểu nói quen thuộc của người miền Nam, tôi “coi hát” hơn là “nghe hát”. Tiếng Anh vẫn còn ở trình độ ăn đong cho nên nghe các ca sĩ hát cũng như vịt nghe sấm. Hơn nữa, thời buổi này tôi có cảm tưởng  người ta “hét” hơn là “hát”. Dù vậy, chương trình The Voice tối thứ Ba 11 tháng Sáu vừa qua cũng đã tạo ra nhiều cảm xúc sâu đậm trong tôi.
Trong chương trình thi đấu, ca sĩ Delta Goodrem đã cho một nhóm thí sinh gà nhà của mình hát ca khúc có tựa đề “Let it be” của ban The Beatles. Nghe tiếng được tiếng mất cho nên tôi mới vào Google để đọc lại ca khúc. “Mỗi khi tôi gặp nguy nan khốn khó, Mẹ Maria hiện ra với tôi để nói những lời khôn ngoan “Let it be” (xin vâng!). Và trong giờ đen tối của tôi, mẹ đứng ngay trước mặt tôi để nói những lời khôn ngoan “Let it be”.
Ca khúc nổi tiếng trên đây đã được Paul McCartney sáng tác năm 1970. Ông giải thích rằng thập niên 1960, người mẹ quá cố của ông đã đến với ông trong một giấc mơ và nói với ông: “Mọi sự sẽ tốt đẹp. Hãy chấp nhận”. Mẹ ông tên là Maria. Nhưng điệp khúc “Let it be” (xin vâng) lại thường được gán cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Do đó, khi có người hỏi khi trích câu “Let it be”, ông muốn ám chỉ đến người mẹ tên Maria của ông hay Đức Trinh Nữ Maria, Paul McCartney trả lời rằng ai muốn hiểu sao cũng được.
Đứng trước thử thách, nghe ca khúc này có lẽ ai cũng cảm thấy xúc động. Cảm động nhứt là khi nhóm thí sinh gồm ba người Tây Tân Lan có tên là Koi Boys, trước khi hát, đã cho biết họ đã từng hát ca khúc này trong nhà thờ sau khi xảy ra vụ thảm sát trong một đền thờ Hồi giáo tại Christchurch dạo tháng Ba 2019 vừa qua trong đó có 51 người bị sát hại. Họ muốn hát lên ca khúc để tưởng nhớ các nạn nhân. Tiếng hát hay đúng hơn tiếng khóc của họ đã khiến cho 3 trong 4 giám khảo của cuộc thi tuyển đã rơi lệ. Riêng ca sĩ Delta đã xúc động đến nỗi đã phải chạy ra bên ngoài sân khấu khóc tức tưởi. Có lẽ tối hôm đó, cả hội trường cũng đều được nối kết với nhau trong cùng một cảm xúc.
Quả thật một ca khúc có ý nghĩa được cất hát lên đúng lúc đã tạo ra một chấn động giây chuyền khơi dậy trong lòng người một trong những tình cảm tốt đẹp nhứt là sự cảm thông. Bộ mặt thế giới có lẽ sẽ thay đổi biết chừng nào nếu những chấn động như thế được nhân lên khắp nơi!
Tôi cũng có một ý nghĩ như thế khi theo dõi cuộc biểu tình ôn hòa mới đây của người dân Hong Kong. Theo tường thuật của phóng viên Bill Birthes của Đài ABC (Úc), trong cuộc biểu tình, một người thanh niên 28 tuổi tên là Freeman Leung đã cất hát lên một bài thánh ca quen thuộc của Kitô Giáo là “Sing Halleluja To The Lord”. Người thanh niên này giải thích rằng khi anh cất tiếng hát lên bài ca, mọi người xung quanh anh, kể cả những người không đồng tôn giáo, cũng  đều hát theo và bầu khí trở nên bình lặng, thanh thản, nhờ vậy giữ cho các cuộc biểu tình lúc nào cũng diễn ra trong ôn hòa. Mặc dù chỉ là một thiểu số không quan trọng trong đám đông 2 triệu người biểu tình, các tín hữu Kitô Hong Kong lúc nào cũng tỏ ra tích cực; tiếng hát của họ là một vết dầu loang có sức đánh động mọi người và khơi dậy sự cương quyết cũng như tinh thần yêu chuộng hòa bình.
Suy nghĩ về tác động giây chuyền của những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm trong cuộc sống con người tôi thường liên tưởng đến điều thường được các nhà khoa học gọi là “hiệu ứng cánh bướm”: đừng xem thường sự vỗ cánh của một cánh bướm! Năm 1972, tại một cuộc hội thảo của Hiệp hội Phát triển Khoa học Hoa Kỳ, chuyên gia khí tượng học Edward Norton Lorenz đã nêu lên một câu hỏi: “Liệu một con bướm vỗ cánh ở Ba Tây có thể gây ra một cơn lốc ở Texas không?” Theo ông,  một cái đập cánh của một con bướm nhỏ bé cũng có thể gây ra sự thay đổi, dù rất nhỏ, trong điều kiện gốc của hệ vật lý, dẫn đến kết quả là những thay đổi lớn về thời tiết như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cánh hàng vạn cây số. Thật ra, tỉ lệ tác động của một cái đập cánh của một con bướm đối với toàn bộ cơn lốc là quá nhỏ: vai trò của con bướm không đáng kể trong những tính toán về những hỗn loạn trong thế giới vật lý. Giáo sư Lorenz giải thích rằng nếu một cái đập cánh của một con bướm có thể gây ra cơn lốc thì một cái đập cánh của một con bướm khác cũng có thể dập tắt nó. Chính vì thế mà dự báo thời tiết vẫn luôn luôn là dự báo vì không thể tính toán hết sự thay đổi khi xuất hiện một tác nhân nhỏ ảnh hưởng đến tiến trình thu thập thông tin. Điều này cho thấy sự đáng sợ của những sai số vô cùng nhỏ bé nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đối với  kết quả thực nghiệm (x. http://soha.vn/kham-pha/dung-bao-gio-xem-thuong-mot-canh-buom-2015112615194908.htm)
Trong tình liên đới nhân loại, dù không thấy và có khi cũng chẳng cảm nghiệm hay kiểm chứng được, tôi vẫn tin rằng bất cứ một hành vi nhỏ bé nào của tôi cũng đều có ảnh hưởng đối với cục diện thế giới. Như một viên đá cuội ném xuống một mặt hồ phẳng lặng lúc nào cũng tạo ra vô số những gợn sóng, mỗi một hành vi của tôi, dù nhỏ bé và xem ra vô nghĩa đến đâu, cũng đều ít hay nhiều ảnh hưởng đến những người xung quanh tôi và một cách nào đó như một vết dầu loang phủ lên một không gian rộng lớn hơn. Ai mà chẳng mong thế giới này ngày càng trở nên một nơi tốt đẹp hơn để sống. Và dĩ nhiên, dù chỉ là một thành phần vô danh tiểu tốt trong xã hội,  ai cũng có trách nhiệm góp phần thay đổi thế giới, bằng chính  những đóng góp âm thầm và nhỏ bé từng ngày của mình.
Trên báo mạng Psychology Today, tôi đọc được một số gợi ý rất cụ thể: “Khi bạn mua sắm một món hàng nào đó, hãy trao tặng một điều gì đó. Khi bạn nhặt được một đồng, hãy cho đi một đồng. Khi bạn cần một đồng, hãy xin được giúp đỡ. Khi bạn xin giúp đỡ, hãy đáp trả bằng sự giúp đỡ. Khi bạn nhận được một cử chỉ tử tế, hãy cư xử tử tế...Khi không phải là chuyện của mình, đừng xen vào. Còn nếu đó là việc của mình, hãy làm với sự cảm thông...Và nếu bạn cảm thấy mình chẳng là gì cả, hãy nói với một người khác rằng họ là người quan trọng. (Và như vậy), bạn vừa mới làm được một điều quan trọng vì bạn đã thay đổi thế giới”.


Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Chúng ta mắc nợ người tỵ nạn



Angelina Jolie
Khi nói đến một người tỵ nạn, bạn nghĩ đến ai trước tiên? Có lẽ bạn không tưởng tượng đó là một người Âu Châu. Nhưng nếu là một đứa trẻ sinh ra trong thời Đệ nhị Thế chiến và hỏi cha mẹ bạn ai là một người tỵ nạn, có lẽ họ sẽ mô tả đó là một người đến từ Âu Châu.
Hơn 40 triệu người Âu Châu đã bị ly tán vì chiến tranh. Cơ quan Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc đã được thành lập cho họ. Chúng ta quên bẵng điều đó. Ngày nay khi hô hào chống lại người tỵ nạn với những lời lẽ độc địa nhứt, một số lãnh tụ truy tìm những con đường dẫn về những quốc gia đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương về tỵ nạn và được cộng đồng thế giới giúp đỡ.
Hễ vừa chứng kiến xung đột vũ trang hay bách hại, phản ứng tự nhiên của con người là cố gắng bồng bế con cái chạy trốn khỏi hoạn nạn. Bị đe dọa bởi bom đạn, hãm hiếp tập thể hay các đội ám sát, dân chúng gom nhặt chút tài sản mà họ có thể mang theo và tìm nơi an toàn. Người tỵ nạn là những người đã chọn lựa chạy trốn khỏi một cuộc xung đột. Chính họ vượt thoát chiến tranh và cũng đưa gia đình thoát khỏi chiến tranh và họ cũng chính là những người thường giúp tái thiết xứ sở của họ. Đó là những đức tính cần được ngưỡng mộ.
Tại sao trong thời đại chúng ta, hai chữ “tỵ nạn” lại có những hàm ý tiêu cực như thế? Tại sao các chính trị gia lại đắc cử vì đã hứa hẹn đóng cửa biên giới và quay lưng lại với người tỵ nạn?
Ngày nay, làn ranh giữa tỵ nạn và di dân đã trở nên lu mờ và bị chính trị hóa. Tỵ nạn là những người bị buộc phải rời bỏ xứ sở của họ vì bị bách hại, vì chiến tranh hay bạo động. Di dân là những người đã chọn ra đi với mục đích chính là để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Một số lãnh tụ cố tình sử dụng hai từ tỵ nạn và di dân như nhau; họ dùng những lời lẽ thù nghịch để tạo ra sợ hãi đối với tất cả những người đến từ bên ngoài.
Ai cũng đáng được tôn trọng và đối xử một cách công bình. Nhưng chúng ta cần phải có một sự phân biệt rõ ràng. Theo công pháp quốc tế, giúp đỡ người tỵ nạn không phải là một chọn lựa, mà là một nghĩa vụ. Kiểm soát biên giới một cách chặt chẽ và tốt đẹp, đề ra những chính sách di dân nhân đạo mà vẫn thi hành trách nhiệm để giúp đỡ người tỵ nạn là điều hoàn toàn khả thi. Hơn một nửa số người tỵ nạn trên toàn thế giới là trẻ em và cứ 5 đứa trẻ tỵ nạn thì có tới 4 em sống trong một quốc gia có xung đột hay khủng hoảng khiến các em phải trốn chạy. Không có tới 1 phần trăm người tỵ nạn đã được tái định cư vĩnh viễn, kể cả trong các nước Tây Phương.
Người Mỹ quảng đại: điều đó có nghĩa là xứ sở của chúng ta là nước viện trợ nhiều nhứt thế giới. Nhưng hãy nhìn sang Lebanon. Đây là nơi mà cứ 6 người có một người là tỵ nạn. Hay Uganda là nơi một phần ba dân chúng sống trong nghèo khổ cùng cực, nhưng lại chia sẻ tài nguyên nghèo nàn của họ cho hơn một triệu người tỵ nạn. Trên khắp thế giới, nhiều nước nghèo nhứt lại trao tặng nhiều nhứt.
Khi tôi khởi sự làm việc cho Cơ quan Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc hay Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cách đây 18 năm, có khoảng 40 triệu người bị buộc phải di tản;  tôi đã hy vọng rằng con số này sẽ giảm bớt. Nhưng theo bản phúc trình toàn cầu mới nhứt của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, ngày nay con số người bị buộc phải di tản đã lên đến hơn 70 triệu và đang gia tăng nhanh chóng. Từ Miến Điện qua Nam Sudan, chúng tôi không thể giúp giải quyết các cuộc xung đột và đưa dân chúng trở về nhà. Và chúng tôi hy vọng Liên Hiệp Quốc sẽ tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo này.
Năm 1946, tại khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Truman đã nói đến trách nhiệm tiên quyết của các quốc gia thành viên là phải tạo dựng hòa bình và ổn định. Ông nói rằng Liên Hiệp Quốc  “không thể...chu toàn đầy đủ trách nhiệm của mình nếu...không có các thỏa thuận hòa bình và nếu các thỏa thuận này không tạo được một nền móng vững chắc để xây dựng một nền hòa bình vững chắc”.
Nhưng sự thật đáng buồn là: các quốc gia thành viên lại áp dụng các phương thế và chuẩn mực của Liên Hiệp Quốc theo cách thế riêng của mình. Các quốc gia thường đặt các quyền lợi kinh doanh và thương mại lên trên sự sống của người dân vô tội ở những nơi có xung đột. Chúng ta mệt mỏi hay thất vọng và từ chối những nỗ lực ngoại giao đối với một số quốc gia trước khi họ được ổn định. Chúng ta tìm kiếm những thỏa hiệp hòa bình, như tại A Phú Hãn chẳng hạn, mà không màng đến nhân quyền. Chúng ta không chịu nhìn nhận rằng ảnh hưởng của khí hậu thay đổi là một yếu tố chính gây ra xung đột và di tản.
Chúng ta dùng viện trợ để thay thế cho ngoại giao. Nhưng bạn không thể giải quyết một cuộc chiến bằng viện trợ nhân đạo. Nhứt là khi rất ít những lời kêu gọi trợ giúp nhân đạo trên thế giới không đạt tới 50 phần trăm kết quả. Liên Hiệp Quốc chỉ nhận được 21 phần trăm cho Quỹ 2019 vốn cần có cho các chương trình cứu trợ tại Syria. Tại Libya, tỷ lệ này chỉ đạt được 15 phần trăm.
Hồi năm ngoái, tỷ lệ di tản là: mỗi ngày có khoảng 37.000 người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Hãy thử tưởng tượng sẽ phải thất vọng biết chừng nào nếu không có đủ quỹ để giúp đỡ chỉ một nửa số người đó.
Chúng ta cử hành Ngày Tỵ Nạn vào ngày 20 tháng Sáu. Thật là một ảo tưởng khi  nghĩ rằng mỗi quốc gia có thể rút lui ra sau biên giới của mình và hy vọng rằng vấn đề sẽ biến mất. Chúng ta cần có một sự lãnh đạo và một nền ngoại giao hữu hiệu. Chúng ta cần chú trọng vào một nền hòa bình lâu dài đặt nền tảng trên công lý, nhân quyền và trách nhiệm để giúp cho người tỵ nạn được trở về nhà của họ.
Đây không phải là một giải pháp dễ dàng, mà đòi hỏi cương quyết hành động. Nhưng chỉ có một giải pháp như thế mới mang lại sự thay đổi. Khoảng cách giữa chúng ta và người tỵ nạn trong quá khứ ngắn hơn chúng ta tưởng.

(Angelina Jolie, diễn viên kiêm đạo diễn, đặc sứ của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, What We Owe Refugees, tạp chí Time 19/6/2019)


Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

Bóng của Đại Huynh



Chu Thập
11/6/19

Tháng Sáu năm nay (2019) có 2 cuộc kỷ niệm đáng ghi nhớ. Trước hết là  Ngày 6 tháng Sáu, kỷ niệm 75 Ngày D.Day, Ngày quân đội Đồng minh, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, đã đổ bộ lên bờ biển Normandie, miền Bắc nước Pháp, để giải phóng nước này và cả Âu Châu khỏi sự cai trị tàn bạo của Đức Quốc Xã. Các nhà lãnh đạo của các nước đã từng tham gia vào cuộc đổ bộ đã có mặt tại địa điểm của cuộc đổ bộ để bày tỏ lòng biết ơn với 175 ngàn binh sĩ đã hy sinh để chiến đấu cho Tự Do.
Ít được chú ý hơn, nhưng có lẽ đáng được ghi nhớ hơn, đó là cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Cộng: ngày 4 tháng Sáu năm 1989, Đảng cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch tối cao Đặng Tiểu Bình, đã ra lệnh cho quân đội đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa đòi Tự Do và Dân Chủ của sinh viên. Đã có không dưới 1000 người bị tàn sát!
Cách nhau 45 năm, nhưng hai biến cố đều được liên kết với nhau trong cùng một khát vọng chung của con người ở mọi thời đại: đó là được Tự Do! Người dân Âu Châu ngày nay đã hưởng được Tự Do: họ đã được giải phóng khỏi chế độ tàn bạo của Đức Quốc Xã, họ cũng đã thoát khỏi gông cùm của chủ nghĩa cộng sản!
Nhưng tại Trung Cộng, ngay tại Quảng trường Thiên An Môn, chân dung của đồ tể Mao Trạch Đông vẫn còn đang sừng sững ngự trị, bóng ma dối trá của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn đang phủ xuống không những trên toàn lãnh thổ Trung Cộng, mà hiện đang lan rộng ra rất nhiều vùng đất trên thế giới.
Cái bóng ma ấy đầy đặc đến độ có thể che đậy được một cuộc tàn sát dã man được cả thế giới chứng kiến. Nếu trong Thế kỷ 20 vừa qua, cần phải kể đến những hình ảnh có tính biểu tượng nhứt, chắc chắn thế giới không thể không nghĩ đến người thanh niên thường được mệnh danh là “Người chống xe tăng” (The Tank Man). Trong cuộc biểu tình ôn hòa của các sinh viên Trung Hoa hồi năm 1989, các phóng viên ngoại quốc có mặt trong biến cố đã ghi được thước phim mô tả cảnh một người thanh niên, đơn độc một mình, không một tấc sắt trong tay, đã xông ra chận đứng bước tiến của đoàn xe tăng! Cả thế giới đều nhìn thấy hình ảnh hào hùng ấy. Nó đã trở thành biểu tượng về sức mạnh của Lương Tâm, của Tự Do và nhứt là của Sự Thật!
Nhưng 30 năm sau, trong khi mỗi lần nhắc đến cuộc thảm sát Thiên An Môn, thế giới bên ngoài lúc nào cũng trưng dẫn hình ảnh của “Người chống xe tăng” thì tại Trung Cộng, hầu như toàn bộ giới trẻ Trung Cộng đều không hề biết tới người thanh niên ấy. Tất cả mọi phương tiện truyền thông đại chúng đều nằm trong tay Đảng Cộng Sản: tất cả mọi sự kiện và hình ảnh liên quan đến biến cố 4 tháng Sáu năm 1989 đều bị xóa sạch!
Phóng viên Bil Birtles của Đài ABC Úc đã phỏng vấn một số sinh viên ở Bắc Kinh về biến cố Thiên An Môn. Một sinh viên báo chí 24 tuổi nói: “Tôi nghĩ rằng tôi chỉ có một ấn tượng mơ hồ về biến cố 4 tháng Sáu. Biến cố này ít được nhắc đến ở Trung Hoa và tôi không hề học được (về biến cố) trong các sách giáo khoa về lịch sử. Tôi không biết biến cố đó xảy ra chính xác như thế nào cả. Tôi chỉ biết rằng có lẽ chính quyền Trung Cộng đã làm một điều gì đó khủng khiếp lắm đối với những người biểu tình”. Cũng như nhiều sinh viên khác mà phóng viên Birttles đã có dịp tiếp xúc, người sinh viên báo chí trên đây không hề thấy được bức hình nổi tiếng của “Người chống xe tăng”.
Nói chung, không những không được thông tin về biến cố, hầu hết giới trẻ Trung Hoa đều được nhồi sọ để tin rằng chính quyền cộng sản đã “làm đúng” trong biến cố “4 tháng Sáu”.
Đó là sự thành công của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong việc che đậy sự thật. Sách vở, báo chí ở Trung Cộng không hề đề cập đến cuộc tàn sát đã man tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989. Ngày nay, với địa vị của nền kinh tế thứ nhì thế giới, người dân Trung Cộng đã có cuộc sống khá sung túc. Họ cũng được sử dụng hầu hết các phương tiện thông tin hiện đại. Chỉ khác một điều với thế giới bên ngoài: mọi phương tiện truyền thông đều nắm dưới sự kiểm soát nghiêm nhặt của chính quyền. Mạng lưới thông tin lớn nhứt tại Trung Quốc hiện nay là Baidu. Nếu bạn gõ vào đó mấy chữ “4 Tháng Sáu” để tìm kiếm thông tin, bạn sẽ chỉ đọc được một loạt những bài viết của các phương tiện truyền thông quốc doanh.
Hình ảnh của “Người chống xe tăng” đã hoàn toàn bị xóa sạch. Danh tánh và số phận của anh cũng hoàn toàn không được biết tới. Một ký giả Úc đã gọi Trung Cộng là “Cộng hòa Nhân dân mắc bệnh quên” (The People’s Republic of Amnesia). Nói cho cùng, ở quốc gia cộng sản khổng lồ này Sự Thật không hề là một điều đáng ghi vào bộ nhớ của con người!
Ngày quân đội Đồng minh đổ bộ vào Normandie đã được 75 năm. Ngày sinh viên Trung Hoa bị tàn sát tại Quảng trường Thiên An Môn cũng đã được 30 năm. Trong tháng Sáu năm nay, còn có một kỷ niệm khác mà 2 biến cố trên đây buộc tôi phải nhớ đến: đó là kỷ niệm đúng 70 năm ngày cuốn sách nổi tiếng có tựa đề “1984” của nhà văn Anh George Well (1903-1950) chào đời. Thật vậy, ngày 8 tháng Sáu năm 1949, George Orwell đã cho trình làng cuốn tiểu thuyết giả sử viết về một chế độ độc tài không tưởng của ông. Cũng như trong cuốn “Trại Súc Vật” (The Animal Farm) xuất bản trước đó 4 năm, lời cảnh cáo mà tác giả Orwell muốn nhắn gởi cho thế giới sau Đệ nhị Thế chiến, vẫn tiếp tục có tính thời sự. Napoleon trong “Trại súc vật” hay “Đại Huynh” trong “1984” đều giống nhau: cả hai đều muốn xóa bỏ sự thật và đều muốn tuyệt đối kiểm soát tư tưởng của con người. Napoleon hay “Đại Huynh” không chỉ đã từng xuất hiện trong các đồ tể như Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông và ngay cả Tập Cận Bình. Napoleon và “Đại Huynh” hiện cũng đang lấp ló để tái sinh trong một số nhà lãnh đạo của thời đại.
Một trong những từ ngữ nổi bật thường được tác giả George Orwell lập lại trong cuốn sách “1984” của ông và luôn được các chế độ cộng sản tận dụng là “kẻ thù của nhân dân”. Báo chí Mỹ thường cho rằng đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là người rất ít đọc sách. Nhưng tôi không ngờ ông lại thuộc lòng và sử dụng rất “nhuần nhuyễn” thuật ngữ “kẻ thù của nhân dân”. Cứ mỗi lần nói đến báo chí tự do Mỹ hiện nay, ông đều gọi đó là “kẻ thù của nhân dân”. Gần đây nhứt, trong một “tuýt”được bắn đi ngày 26 tháng Năm 2019, ông viết: “Truyền thông dòng chính đang bị chỉ trích và khinh bỉ trên khắp thế giới vì bị hủ hóa và giả dối. Trong hai năm liền, họ cứ chúi mũi vào Ảo Tưởng Thông Đồng Với Nga mặc dù vẫn luôn biết rằng không hề có Thông Đồng. Họ thực sự là Kẻ Thù của Nhân Dân và là Đảng Đối Lập Thật Sự!”
Không ngờ Tổng thống Trump đã vô tình quảng cáo không công cho cuốn sách “1984” của nhà văn George Orwell, bởi vì trong tuần lễ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống, cuốn sách này lại bán chạy như tôm tươi.
Không biết tại sao người Mỹ lại tìm đọc cuốn sách ấy. Riêng tôi, không hiểu sao cứ nghe cụm từ “Kẻ Thù của Nhân Dân” là tôi thấy “run”. Năm năm sống trong chế độ cộng sản đã từng cho tôi chứng kiến cảnh không biết bao nhiêu người bị bắt giữ và bị kết án vì “có nợ máu với nhân dân” và nhứt là “kẻ thù của nhân dân”. Nay nghe khẩu hiệu sặc mùi cộng sản ấy từ một nhà lãnh đạo của thế giới tự do, tôi thấy “lo”. Lo là bởi vì câu nói ấy, với tôi, đơn thuần chỉ có nghĩa là một phủ định sự thật. Hãy thử dẫn chứng một sự kiện: phát ngôn viên đầu tiên của Tổng thống Trump là ông Sean Spicer nhấn mạnh rằng đám đông tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông đông chưa từng thấy, nhứt là lớn hơn đám đông đã tham dự lễ tuyên thệ của Tổng thống Barack Obama. Sự thật như được ghi nhận qua các hình ảnh vẫn còn lưu trữ được cho thấy một thực tế hoàn toàn khác. Thế nhưng khi xem lại những hình ảnh này, cố vấn thân cận của Tổng thống Trump là bà Kellyanne Conway lại chế ra một từ mới là “những sự kiện khác” ( alternative facts). Nghe đâu có khác gì chuyện được kể trong “1984”. Nhưng có lẽ đáng “lo” nhứt là lời biện hộ của luật sư riêng của ông là Rudy Giuliani khi ông tuyên bố: “Sự thật không phải là sự thật!”
Tôi cảm thấy “choáng váng”  khi nghe những lời tuyên bố như thế. Nó cứ gợi lại cho tôi những thảm kịch hãi hùng đã từng xảy ra trong các chế độ xây dựng trên sự dối trá.
Nhưng dù bị xóa sổ ở Trung Cộng, hình ảnh của “người chống xe tăng” lúc nào cũng hiện lên trong tâm trí tôi. Nó nhắc nhở tôi rằng: con người có thể chối bỏ sự thật, nhưng họ không thể bóp nghẹt được tiếng nói của lương tâm. Và một khi dám sống cho đến cùng mệnh lệnh của lương tâm, con người không còn phải lo sợ trước bất cứ một vũ lực nào!





Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Biết thì thưa thốt...


Chu Thập
04/06/19
Cuốn phim Aladdin, do đạo diễn Mỹ Guy Ritchie thực hiện và với sự góp mặt của tài tử gạo cội Will Smith trong vai ông thần đèn, hiện đang được trình chiếu tại Úc Đại Lợi. Lúc nhỏ, tôi đã được câu chuyện “Aladdin và cây đèn thần” đưa vào thế giới thần tiên. Nay ở tuổi già, ngoài những cảnh trí hùng vĩ ở Trung Đông mà có nằm mơ cũng sẽ không bao giờ được đặt chân đến, tôi “được” hay đúng hơn “bị” phim Aladdin bắt phải suy nghĩ miên man về một trong những vấn đề muôn thuở của con người là Quyền Lực. Trong các câu nói nổi tiếng về quyền lực, tôi không thể nào quên lời cảnh cáo của sử gia kiêm chính trị gia Anh John Dalberg-Acton hay gọi tắt là Lord Acton (1834-1902): “Quyền lực hủ hóa con người. Quyền lực tuyệt đối hủ hóa con người một cách tuyệt đối” (Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutety).
Dường như đạo diễn Guy Ritchie cũng muốn nhắn gởi một thông điệp như thế khi làm sống lại câu chuyện Aladdin vốn rất quen thuộc này. Cả Aladdin và tể tướng Jafar đều nghĩ rằng hễ nắm được trong tay ông thần đèn thì thế nào cũng chiếm được trái tim của công chúa Jasmine. Khi chiếm được ông thần đèn, Jafar bày tỏ ước muốn là thu tóm trong tay mọi quyền lực trong vũ trụ. Ông thần đèn đã trao vào tay của ông quyền lực đó và đó cũng chính là lúc ông bị một quyền lực như thế hủy diệt. Chiếm lại cây đèn thần, Aladdin chỉ còn lại một ước nguyện để xin. Với cây đèn thần, Aladdin có thể có tất cả mọi sự, nhứt là chiếm được trái tim của công chúa Jasmine. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, chàng thanh niên từ bỏ tất cả mọi tham vọng để chỉ xin một điều: giải phóng ông thần ra khỏi cây đèn để ông được trở thành một con người bình thường! Lời ước cuối cùng đã được thực hiện. Aladdin trở thành trắng tay và trở về nguyên trạng của một chàng thanh niên lang thang đầu đường xó chợ, chuyên ăn cắp vặt để sống qua ngày, nhưng lúc nào cũng có tấm lòng biết thương người. Đó chính là sức mạnh đích thực mà người thanh niên khố rách áo ôm lúc nào cũng có và đó chính là sức mạnh giúp chàng chiếm được trái tim của nàng công chúa.
Chuyện Aladdin không thể không làm tôi nhớ lại lợi dặn dò của ông chú Ben Parker với đứa cháu “Người Nhện” (Spider Man) của mình: “Quyền lực càng nhiều thì trách nhiệm càng nhiều” (With great power comes great responsibility). Chính vì thế mà “Người Nhện” đã sử dụng quyền lực của mình để cứu người hơn là đeo đuổi các tham vọng riêng của mình. Quyền lực và trách nhiệm luôn đi đôi với nhau. Và trách nhiệm, hiểu một cách đơn giản nhứt, chính là biết quên mình để chỉ nghĩ đến người khác.
Aladdin đã cư xử như thế khi nắm trong tay quyền lực. Anh đã đặt trách nhiệm đối với người khác lên trên quyền lực của mình. Anh thà trở về với con người thật trơ trụi, bất toàn hơn là sử dụng quyền lực cho riêng bản thân. Nói cho cùng, trách nhiệm đối với người khác đòi hỏi sự khiêm tốn. Đây là bài học mà tôi cũng học được trong đoạn cuối “có hậu” của phim Aladdin.
Tôi thấy thế giới cần sự khiêm tốn hơn bao giờ hết. Tổng thống Donald Trump, người được xem là có nhiều quyền lực nhứt trên thế giới hiện nay, đã nhiều lần tuyên bố rằng ông là “một thiên tài (với tâm lý) rất ổn định” (a very stable genius). Là thiên tài cho nên cũng có nghĩa là thông minh và thông minh nhứt thế giới. Bất cứ ai chống hay phê bình ông cũng đều được ông tặng cho nhãn hiệu “Kém thông minh” (Low I.Q).
Ở Mỹ, Tổng thống Trump có lẽ không phải là người duy nhứt tự hào về óc thông minh của mình. Tác giả Tom Nichols, một chuyên gia về an ninh quốc gia, cho rằng tại Mỹ hiện đang có rất nhiều người như Tổng thống Trump. Trong cuốn sách có tựa đề “The Death of Expertise” (cái chết của sự hiểu biết chuyên môn), ông mô tả mẫu người thông minh đó như sau: “Già trẻ, giàu nghèo, họ là những người có học. Một số chỉ cần được trang bị một chiếc laptop (vi tính di động) hay một thẻ thư viện. Nhưng tất cả đều chia sẻ một mẫu số chung: họ tin rằng họ đang có trong tay  cả túi khôn! Họ xác tín rằng họ có nhiều thông tin hơn các nhà chuyên môn, hiểu biết rộng rãi hơn các giáo sư và có cái nhìn sâu rộng hơn các đám đông mê muội” (https://www.psychologytoday.com/au/blog/out-the-ooze/201905/is-lack-intellectual-humility-what-ails-america)
Tôi luôn tự hỏi: điều gì sẽ xảy ra khi ai cũng nghĩ rằng mình “thông minh” hơn người khác? Có người cho rằng chuyện hay nhứt  của Trạng Quỳnh chính là cuộc đấu khẩu giữa ông và ông Tú Cát. Dù chỉ mới đỗ tú tài, ông Tú Cát vẫn thường nổ rằng mình là người thông minh, hay chữ, coi thiên hạ chẳng ra gì. Để thử tài Quỳnh, ông Tú Cát ra câu đối: “Trời sinh ông Tú Cát”. Quỳnh liền đối lại: “Đất nứt con bọ hung”.
Thiếu sự khiêm tốn, có lẽ con người cũng như giống bọ hung, suốt ngày chỉ biết vùi đầu trong đống phân mà vẫn nghĩ mình hơn người.
Khiêm tốn là khởi đầu của sự khám phá. Có lẽ đây là luận đề mà sử gia Yuval Noah Harrari muốn đưa ra khi giải thích về sự tiến bộ của Âu Châu sau thời Trung Cổ. Đó là thời kỳ người Âu Châu mở ra các cuộc thám hiểm đi tìm đất mới. Vào thời kỳ đó, Trung Hoa vẫn còn miên man ngủ vùi trong sự tự mãn rằng mình là trung tâm của thế giới, là cái rốn của vũ trụ. Trong khi đó, các nhà thám hiểm Âu Châu không chỉ hăm hở đi tìm đất mới để chinh phục. Cùng đi với họ lúc nào cũng có cả một đội ngũ các nhà khoa học như địa chất học, sinh vật học, nhân chủng học, khảo cổ học...Họ ra đi để khám phá, để học hỏi, bởi vì họ tự nhận rằng mình còn rất nhiều điều để học hỏi. Tác giả gọi các cuộc khám phá của các nhà thám hiểm và khoa học gia Âu Châu là “sự khám phá của sự ngu dốt” (The discovery of ignorance).
Biết mình và biết mình ngu dốt, phải chăng đó không là sự hiểu biết tối hậu mà con người cần đeo đuổi? Chỉ có một sự hiểu biết như thế may ra mới có thể mở mắt, mở trí, mở lòng để con người biết sống khiêm tốn hơn, tử tế hơn, cảm thông hơn trong cách đối nhân xử thế. Câu nói của người xưa lúc nào cũng đáng suy nghĩ và đem ra thực hành: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”.




Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

Thời Đại Mua Sắm





Yuval Noah Harari
Hoang Địa chuyển ngữ
Cũng như con cá mập, nếu không bơi thì sẽ bị nghẹt thở, nền kinh tế tư bản hiện đại cũng phải không ngừng gia tăng sản xuất. Nhưng sản xuất không thôi chưa đủ. Cần phải có người mua các sản phẩm. Nếu không các kỹ nghệ gia và các nhà đầu tư sẽ phá sản. Để tránh tai họa và bảo đảm rằng dân chúng sẽ luôn mua bất cứ sản phẩm mới nào được kỹ nghệ sản xuất, người ta phải tạo ra một loại “đạo đức” mới là chủ nghĩa tiêu thụ.
Xuyên suốt lịch sử nhân loại, hầu như mọi người đều đã sống trong những điều kiện thiếu thốn. Chính vì thế mà ai cũng cảm thấy phải biết tiết kiệm. Cuộc sống khắc khổ của những người theo giáo phái Thanh giáo (chú thích của người dịch: Thanh Giáo (Puritan) là tín đồ Tin Lành tại Anh Quốc trong 2 thế kỷ 16 và 17. Họ chủ trương sống khắc kỷ để thanh tẩy Giáo hội Anh khỏi những thực hành của Giáo hội Công Giáo) và những người Sparta (chú thích của người dịch: xã hội Sparta trong thời Hy Lạp cổ đề cao lối sống kỷ luật, đơn giản, đạm bạc và khắc khổ)  là 2 thí dụ điển hình. Theo những người này, người tốt là người biết tránh xa xí, không bao giờ phí phạm thức ăn và thà mặc chiếc quần rách hơn là mua cái mới. Chỉ có vua chúa và giới quý tộc mới tự cho phép mình được công khai từ bỏ những giá trị ấy và khoe khoang về sự giàu có của họ.
Chủ nghĩa tiêu thụ xem việc ngày càng tiêu thụ nhiều sản phẩm và dịch vụ là một điều tích cực. Chủ nghĩa này khuyến khích con người phải biết tự chiều chuộng, xả láng và ngay cả tự làm cho mình chết dần chết mòn bằng việc tiêu thụ quá đà. (Đối với chủ nghĩa tiêu thụ) cuộc sống thanh đạm là một căn bệnh cần phải chữa trị. Bạn không cần phải nhìn đâu xa để thấy tác động của nền “đạo đức” tiêu thụ. Chỉ cần đọc phía sau của một hộp thứ ăn bằng ngũ cốc. Sau đây là một hàng quảng cáo in trên hộp đồ ăn sáng bằng ngũ cốc ưa thích của tôi, được một công ty Israel là Telma sản xuất: “Đôi khi bạn cần phải “tự đãi” mình một bữa. Đôi khi bạn cần phải có thêm chút năng lực. Có lúc bạn cần phải xem xét trọng lượng của bạn và có lúc bạn thấy cũng phải cần có cái gì đó...ngay bây giờ đây! Telma cống hiến cho bạn đủ loại ngũ cốc...Hãy vui hưởng mà không phải hối hận!”
Hầu như thời nào con người cũng cảm thấy muốn tìm cách chống chế hơn là bị thu hút bởi những lời như thế. Họ xem đó như những lời dụ dỗ ích kỷ, đồi bại và hủ hóa về mặt đạo đức. Nhưng với sự tiếp tay của tâm lý học, chủ nghĩa tiêu thụ đã cố gắng thuyết phục được con người rằng tự chiều chuộng là một điều tốt cho bạn và sống thanh đạm là tự áp chế.
Và chủ nghĩa tiêu thụ đã thành công. Tất cả chúng ta đều trở thành những người tiêu thụ tốt. Chúng ta mua không biết bao nhiêu sản phẩm mà chúng ta thực sự không cần đến và mãi cho đến ngày hôm qua chúng ta cũng không biết là chúng hiện hữu. Các nhà sản xuất cố tình thiết kế những sản phẩm ngắn hạn và phát minh những mẫu sản phẩm mới vốn không cần thiết, nhưng lại hoàn toàn có sức thỏa mãn khiến chúng ta phải mua để tỏ ra “hợp thời”. Mua sắm đã trở thành một cái thú qua giờ được ưa chuộng và những sản phẩm tiêu thụ đã trở thành những trung gian cần thiết trong các quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa vợ chồng và bạn bè. Những ngày lễ nghỉ tôn giáo như Giáng Sinh đã trở thành những liên hoan mua sắm. Tại Hoa Kỳ, ngay cả Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, vốn khởi thủy là một ngày để tưởng nhớ các binh sĩ đã hy sinh, nay đã trở thành một dịp để hạ giá đặc biệt. Hầu hết mọi người đều đánh dấu ngày này bằng cách đi mua sắm, có lẽ để chứng minh rằng những người bảo vệ tự do đã không nằm xuống một cách vô ích.
Sự thăng hoa của chủ nghĩa tiêu thụ được thể hiện một cách rõ nét nhứt trong thị trường thực phẩm. Các xã hội nông nghiệp truyền thống đã từng sống dưới chiếc bóng hãi hùng của đói khát. Còn trong thế giới dư dật ngày nay, một trong những vấn đề sức khỏe hàng đầu lại là nạn béo phì mà nạn nhân là người nghèo (vốn phải thồn cho đầy bụng các thứ hamburger và pizza) hơn là người giàu (là những người chỉ ăn những món sà lách và trái cây “hữu cơ” (organic). Mỗi năm dân Mỹ chi cho thức ăn kiêng nhiều hơn số tiền cần để nuôi tất cả những người nghèo trên toàn thế giới. Béo phì đã tạo ra một chiến thắng đôi cho chủ nghĩa tiêu thụ: thay vì ăn ít, vốn sẽ làm cho kinh tế bị đình trệ, con người ăn quá nhiều và sau đó lại đi mua các loại thức ăn kiêng nhờ vậy mới giúp cho kinh tế găng gấp đôi.
Tại sao nền “đạo đức” tiêu thụ và nền “đạo đức” tư bản của các doanh gia cũng là một? Theo họ, lợi nhuận không nên bị phung phí, nhưng thay vào đó phải được đầu tư lại để sản xuất. Cũng như trong những thời kỳ trước, ngày nay lao động cũng được phân chia thành thành phần ưu tuyển và khối quần chúng. Ở Âu Châu vào thời Trung Cổ, giới quý tộc tiêu tiền một cách hoang phí trong các thứ xa xí phẩm, trong khi đó người nông dân sống thanh đạm, chắt chiu từng đồng xu nhỏ. Ngày nay, tình thế đảo ngược. Người giàu tính toán so đo trong việc quản lý tài sản và công cuộc đầu tư của họ trong khi người nghèo phải vay nợ để mua những chiếc xe và các thứ máy truyền hình mà họ thật sự không cần đến.
Nền “đạo đức” tư bản và tiêu thụ là 2 mặt của cùng một đồng tiền. Cả hai hợp lại thành một “giới điều”: với người giàu, giới điều tối cao là “hãy đầu tư”. Còn đối với chúng ta thì giới điều tối cao là “hãy mua sắm”.
Nhìn dưới một khía cạnh khác, nền “đạo đức” tư bản-tiêu thụ là một cuộc cách mạng. Trước kia, hầu hết các hệ thống đạo đức đều đề cao sự chiến đấu cam go. Con người được hứa hẹn sẽ vào thiên đàng, nhưng với điều kiện họ phải sống  cảm thông và khoan nhượng, chiến thắng sự tham lam và cơn giận dữ cũng như giới hạn các quyền lợi ích kỷ của mình. Điều ấy quả là quá khó khăn đối với hầu hết mọi người. Lịch sử của các nền đạo đức là một câu chuyện buồn của những lý tưởng cao đẹp mà không ai có thể thực hiện được. Hầu hết các tín hữu Kitô đều không thể bắt chước Đức Kitô, hầu hết các phật tử đều thất bại trong việc đi theo Đức Phật và hầu hết các môn đệ của Đức Khổng Tử đều có thể khiến cho Ngài phải nổi giận!
Trái lại, ngày nay hầu như mọi người đều có thể sống theo lý tưởng tư bản-tiêu thụ. Nền đạo đức mới này cũng hứa hẹn thiên đàng nhưng với điều kiện  người giàu phải tiếp tục tham lam và bỏ tiền ra để làm ra nhiều tiền hơn và đám đông quần chúng thì phải thả lỏng cho sự thèm khát và các đam mê của họ và ngày càng mua sắm nhiều hơn. Đây là thứ tôn giáo đầu tiên trong lịch sử trong đó các tín đồ sẵn sàng làm bất cứ điều gì họ được yêu cầu phải làm. Vậy thì làm thế nào để chúng ta biết rằng chúng ta sẽ được lên thiên đàng? Chúng ta đã thấy nó trên màn ảnh truyền hình rồi!

(Yuval Noah Harari, Sapiens, A Brief History of Humankind, Penguin Random House, UK 2011, trg 388-391)