Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Anh hùng vô danh


Chu Thập
22.9.17

Mới đây các cơ quan truyền thông thế giới có nhắc đến tên của một người Nga đã từng cứu thế giới khỏi một cuộc Đệ tam Thế chiến. Người Nga này là ông  Stanislav Petrov, một viên trung tá trong quân đội Liên Xô đã qua đời ngày 19 tháng Năm vừa qua tại một vùng ngoại ô Thủ đô Mạc Tư Khoa.
Ngày 26 tháng Chín năm 1983, theo dõi trên đài Radar, ông Petrov  là người đã tận mắt chứng kiến việc Hoa Kỳ cho phóng một hỏa tiễn vào Liên Xô. Đây là cao điểm của chiến tranh lạnh. Một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào và dĩ nhiên sẽ tiêu diệt thế giới. Nhưng với tất cả sáng suốt và bình tĩnh, viên trung tá này nghi ngờ rằng đây có thể chỉ là một báo động giả cho nên đã không báo cáo về tổng hành dinh của trung tâm phòng không Liên Xô để từ đó các tướng lãnh sẽ tham khảo ý kiến của tổng bí thư Yuri Andropov. Theo diễn tiến bình thường có thể dự đoán được, chuyện Liên Xô cho “nhấn nút đỏ” để trả đũa và như vậy châm ngòi cho một  thế chiến trong đó vũ khí nguyên tử chắc chắn sẽ được mang ra sử dụng là điều khó tránh khỏi.
Cũng như cuộc khủng hoảng tại Cuba hồi năm 1962 đã không dẫn đến một cuộc chiến tranh nguyên tử, hành động can đảm của Trung tá Petrov đã ngăn chận được một Đệ tam Thế chiến. Tuy nhiên, dưới thời Liên Xô, hành động của ông Petrov không bao giờ được tuyên dương. Mãi cho đến lúc Liên Xô tan rã, chủ nghĩa cộng sản cáo chung tại chính cái nôi chào đời của nó và các tài liệu quân sự được giải mã hồi năm 1998, người ta mới nhận ra được hành động anh hùng của viên trung tá này. Ngay cả người vợ của ông Petrov là người đã qua đời năm 1997, cũng không hề biết được ông đã làm gì trong đêm  26 tháng Chín năm 1983.
Câu chuyện được giải mã của ông Petrov cho thấy: hôm đó đồng hồ vừa điểm 12 giờ đêm khi ông ghi nhận được một tiếng động bất thường trên màn ảnh Radar. Cùng với âm thanh này, máy vi tính của viên sĩ quan cũng nói với ông rằng vật thể xuất hiện trên đài Radar chính là một hỏa tiễn của Hoa Kỳ đang hướng thẳng về Liên Xô.
Vào thời điểm đó, bầu khí căng thẳng của chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã đạt đến cao điểm. Hành động của viên trung tá 44 tuổi này chỉ xảy ra 6 tháng sau khi Tổng thống Ronald Reagan vạch mặt chỉ tên Liên Xô như một “đế quốc quỷ dữ” và chỉ mới 3 tháng sau khi các chiến đấu cơ của Nga đã bắn hạ một phi cơ  hàng không dân dụng của Nam Hàn đang bay từ New York đến Alaska khiến cho tất cả 279 hành khách thiệt mạng.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn RT của Nga hồi năm 2010, ông Petrov kể lại: “Khi tôi vừa thấy báo động, tôi liền đứng dậy khỏi ghế. Tất cả các binh sĩ thuộc cấp của tôi đều bấn loạn, cho nên tôi yêu cầu họ đừng hoảng hốt. Tôi biết rằng quyết định của tôi sẽ có nhiều hậu quả”.
Liền sau đó, đài Radar do Trung tá  Petrov điều khiển lại cung cấp thêm một tín hiệu đáng sợ nữa: trên màn ảnh chính lại hiện lên dấu hiệu cho thấy có thêm 4 hỏa tiễn nữa vừa mới được phóng đi.
Trung tá Petrov có 15 phút đồng hồ để quyết định liệu có nên báo cáo về trung ương rằng kẻ thù không đội trời chung đã phóng hỏa tiễn có mang đầu đạn nguyên tử không và liệu có nên yêu cầu trả đũa không. Nhưng ông đã không làm quyết định đó vì nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ có tấn công Liên Xô thì hẳn họ đã bắn hàng loạt hỏa tiễn chứ không phải chỉ lẻ tẻ vài cái. Biết mình đã làm một quyết định đúng đắn giúp tránh được một cuộc Đệ tam Thế chiến, Trung tá Petrov đã ăn mừng bằng nửa lít rượu Vodka và ngủ vùi 28 tiếng đồng hồ liền.
Kể lại những giây phút quyết liệt và đầy thử thách đó, ông Petrov nói rằng lúc đó chiếc ghế bành ông đang ngồi nóng lên như một chảo dầu đang sôi và chân ông hoàn toàn bất động; ông cảm thấy mình không thể đứng dậy nổi nữa.
Thật ra, như trong cuốn phim có tựa đề “The man who saved the world” (người đã cứu thế giới) do tài tử gạo cội Kevin Costner thủ diễn và được trình chiếu hồi năm 2004, tài liệu lịch sử cho thấy rằng vào thời điểm đó, Hoa Kỳ không hề cho phóng đi bất cứ hỏa tiễn nào nhắm vào Liên Xô. Tất cả những âm thanh và hình ảnh báo động mà Trung tá  Petrov ghi  nhận được trên màn ảnh Radar chỉ là những tia sáng mặt trời phản chiếu xuyên qua các đám mây.
Sau khi Liên Xô sụp đổ và các tài liệu được giải mã, viên trung tá hồi hưu của Nga đã được cả thế giới ca ngợi và trao tặng nhiều giải thưởng. Ông Heidrun Hannusch, một viên chức của Hội đồng Giải Dresden Peace Prize (Giải Hòa Bình Dresden) nói rằng hành động anh hùng của ông Stanislas Petrov sẽ được lịch sử ghi nhớ như một trong những biến cố ý nghĩa nhứt của những thập niên vừa qua trong việc bảo vệ hòa bình.
Trong khi cả  thế giới ca ngợi hành động anh hùng của ông Petrov thì Mạc Tư Khoa lại rất kiệm lời đối với ông. Quân đội Nga vẫn cho rằng dù cho ông Petrov có “phát hiện” ra hỏa tiễn của Mỹ trên màn ảnh Radar và có giải thích thế nào đi nữa, ông chẳng can dự gì vào quyết định tự chế của trung ương lúc bấy giờ (x. https://www.washingtonpost.com/local/obituaries/stanislav-petrov-soviet-officer-credited-with-averting-nuclear-war-dies-at-77/2017/09/18 ).
Với cả thế giới, ông Petrov là một vị anh hùng đáng ca ngợi. Nhưng tại Liên Xô và ngay cả tại Nga thời hậu cộng sản, ông vẫn mãi mãi là một người vô danh. Cái chết của ông, cũng như hành động can đảm của ông, hầu như đã không được nhắc đến.
Lịch sử thế giới thường được viết lên bằng vô số những anh hùng vô danh như thế. Trong một số ra dạo tháng Hai vừa qua, báo The Telegraph của Anh có liệt kê 5 vị anh hùng tuy không hề được nhắc đến, nhưng đã thực sự góp phần hình thành lịch sử thế giới.
Trước hết có lẽ phải nhắc đến một người phụ nữ có tên là Enheduanna. Người phụ nữ này là một thi sĩ Sumeri đã sống vào Thế kỷ thứ 23 trước Công nguyên, tức cách đây trên 4000 năm. Theo các sử gia chính bà là người đầu tiên đã viết lên những ca khúc và thánh thi mà sau này các tác giả Do Thái đã đưa vào Kinh Thánh.
Vị anh hùng vô danh thứ hai được báo The Telegraph đề cao là ông Thomas Clarkson, một người da đen đã có công trong việc tranh đấu để bãi bỏ chế độ nô lệ. Nói đến việc Anh quốc bãi bỏ chế độ nô lệ, người ta thường chỉ nhắc đến ông William Wilberforce. Thật ra ông Clarkson mới là linh hồn của cuộc tranh đấu bãi bỏ chế độ nô lệ. Trong những năm trước khi việc buôn bán nô lệ bị bãi bỏ, chính ông Clarkson là người đã thu thập bằng chứng cho thấy những điều kiện dã man trong các chiếc tàu chở người nô lệ. Những lái buôn nô lệ đã tìm cách ám sát ông và chận đứng chiến dịch của ông. Chỉ sau khi ông Clarkson vận động được một số dân biểu trong Quốc hội Anh, lúc bấy giờ ông Wilberforce mới thực sự dấn thân vào cuộc tranh đấu giải phóng người nô lệ. Dù vậy, sau khi ông Wilberforce qua đời, công trạng của người da đen Clarkson không hề được nhắc đến. Các con ông Wilberforce xem ông Clarkson chỉ như một thứ thư ký được cha họ thuê đi thu thập bằng chứng mà thôi.
Nhưng có lẽ chẳng có vị anh hùng nào “vô danh” cho bằng ông Tenzing Norgay, một người Nepal  đã từng sát cánh bên cạnh ông Edmund Hillary trong cuộc chinh phục đỉnh núi Everest trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Ngày 29 tháng Năm năm 1953, sau khi ông Hillary, một người Tân Tây Lan và một người Anh lãnh đạo của cuộc thám hiểm là ông John Hunt đã đặt chân đến đỉnh Everest, cả hai đều được trao tặng tước hiệu “hiệp sĩ”. Còn ông Tenzin Norgay chỉ nhận được một huy chương danh dự. Chẳng ai nhắc đến ông như một người đã hướng dẫn cuộc thám hiểm và đã đặt chân lên đỉnh Everest!
Nhưng số phận của một vị anh hùng vô danh khác là ông Alan Turing lại còn tệ hơn. Alan Turing là một nhà toán học tài ba. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, ông là người đứng đầu một nhóm các chuyên gia đã chế tạo ra máy Enigma. Đây là tiền thân của máy điện toán có khả năng giải mã được các tín hiệu mật của Đức quốc xã. Phát minh của ông Turing đã giúp cho Anh quốc có thể hiểu được chiến thuật của Đức, nhờ đó mà thế chiến đã kết thúc sớm hơn và hàng triệu triệu người được cứu thoát. Nhưng sau chiến tranh, phát minh và chiến công của ông Turing vẫn bị tiếp tục xếp vào loại “tuyệt mật”. Tệ hại hơn, năm 1952, ông Turing, vốn là một người đồng tính, đã  bị kết án vì “tội công xúc tu sĩ”. Thay vì bị giam vào tù, ông chấp nhận chịu thiến và năm 1954, đã tự vận. Mãi đến năm 2013, nữ hoàng Elizabeth II mới hồi phục danh dự cho ông và nhìn nhận công trạng của ông.
Vị anh hùng vô danh thứ năm được báo The Telegraph vinh danh là ông Bayard Rustin. Ông này là một người Mỹ gốc Phi Châu đã từng mang lại cảm hứng và hướng dẫn hầu hết những nhà lãnh đạo trong các phong trào tranh đấu cho các quyền dân sự tại Hoa Kỳ, trong đó có cố Mục sư Martin Luther King. Lớn lên trong thời kỳ Đại Khủng hoảng kinh tế tại Hoa Kỳ hồi thập niên 1930, ngay từ lúc còn là một thanh niên, ông Rustin đã đứng lên tranh đấu để đòi hỏi quyền tự do cho người da đen. Chính ông là người đã khởi xướng cuộc tranh đấu bất bạo động tại Hoa Kỳ. 13 năm trước khi bà Rosa Park đã làm hành động thách thức khi ngồi vào ghế xe buýt dành cho người da trắng, ông Rustin đã từng làm một hành động như thế. Cảm hứng từ cuộc tranh đấu bất bạo động của Mahatma Gandhi, năm 1956, ông Rustin đã thuyết phục Mục sư Martin Luther King rằng tranh đấu bất bạo động là phương pháp duy nhứt để đạt được quyền bình đẳng. Khi phong trào lớn mạnh, một đối thủ chính trị, vốn biết rõ khuynh hướng đồng tính của ông Rustin, đã đe dọa tố cáo mối quan hệ của ông với lãnh tụ Martin Luther King. Để bảo vệ chính nghĩa, ông Rustin đã rút lui vào bóng tối và trở thành một người hoàn toàn vô danh trong cuộc tranh đấu bất bạo động cho quyền bình đẳng của người da đen tại Hoa Kỳ.
Ít ra cuối cùng tên tuổi và sự nghiệp của 5 con người lỗi lạc trên đây cũng đã được biết đến. Nhưng lịch sử của thế giới không chỉ được viết lên bằng tên tuổi của những người như thế, mà bởi vô số những anh hùng vô danh thực sự mà tên tuổi không bao giờ được nhắc đến. Vào lúc này đây, tôi nghĩ đến vô số những anh hùng như thế trong các thảm họa xảy ra trên thế giới, nhứt là những thiên tai như bão lục và động đất mới đây. Chỉ có một số rất ít được nhắc nhớ. Tuyệt đại đa số vẫn là những người vô danh. Chính họ mới là những người anh hùng đích thực. Họ sống và làm điều mà lương tâm và lý trí mách bảo phải làm mà không màng đến danh vọng, tiếng tăm hay bất cứ một phần thưởng nào. Hòa bình thế giới không chỉ đến từ bàn hội nghị của các nhà lãnh đạo thế giới. Hòa bình thế giới cũng chẳng đến từ một số ít những người được trao Giải Nobel Hòa Bình, mà chính nhờ vô số những người một cách âm thầm cố gắng sống tình người, mối giây liên đới, sự cảm thông và hy sinh quên mình cho người đồng loại. Xét cho cùng, chính lúc cố gắng làm người tử tế, con người thực sự trở thành anh hùng.





Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Bắc Hàn: trại súc vật của thời đại



22.9.17
Hiện nay, hầu như ngày nào Bắc Hàn cũng được thế giới nói đến. Nhưng cuộc sống bên trong thiên đàng cộng sản này vẫn là một bí ẩn.
Dạo tháng Bảy vừa qua,  ba phóng viên của Đài CNN là Will Ripley, Tim Schwarz và Justin Robertson đã viếng thăm Bắc Hàn. Mặc dù lúc nào cũng bị theo dõi, nhưng sau chuyến đi kéo dài 15 ngày, các phóng viên này đã tiếp xúc được với hầu hết mọi hạng người tại Bắc Hàn và ghi lại một bức tranh sống động về cuộc sống, cách suy nghĩ và phát biểu của người dân đang sống dưới chế độc tài gia đình trị của dòng họ Kim.
Trước tiên tại Wonson, một thành phố ở miền đông duyên hải Bắc Hàn, các phóng viên của đài CNN đã nhìn thấy một điều khá bất ngờ. Đó là cảnh trẻ con Bắc Hàn cũng biết chơi các trò chơi điện tử  (video games). Nhưng dĩ nhiên không giống như các thiếu niên ở tuổi 14-15 tại các nước Tây Phương, trẻ em Bắc Hàn không chỉ “chơi” các trò chơi điện tử trong thế giới ảo, mà là chuẩn bị cho cuộc sống thực tế. Hầu hết các trẻ nam và rất nhiều bé gái, đều trải qua một thời gian huấn luyện quân sự. Cũng như cha mẹ và ông bà của chúng.
Được một phóng viên của đài CNN hỏi: em thích trò chơi nào nhất, một em đã trả lời một cách ngắn gọn và dứt khoát: thích giết kẻ thù. Và khi được hỏi ai là kẻ thù, câu trả lời của người thiếu niên khiến cho phóng viên của đài CNN phải rùng mình: kẻ thù là người Mỹ!
Cuộc sống ở Bán đảo Triều Tiên đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi Triều Tiên bị chia cắt thành Nam Hàn, quốc gia được Hoa Kỳ yểm trợ và Bắc Hàn được các nước cộng sản đỡ đầu. Người dân Bắc Hàn đã bắt đầu “thù Mỹ” kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên hồi thập niên 1950. Cuộc chiến tranh chỉ kéo dài 3 năm nhưng đã làm cho 3 triệu  người, phần lớn là thường dân, thiệt mạng.
Kể từ đó, Bắc Hàn không ngừng dạy cho dân chúng rằng chính Hoa Kỳ là nước gây ra chiến tranh.
Người thiếu niên mang khăng quàng đỏ được phóng viên của đài CNN phỏng vấn cho biết em và các bạn em sẽ “đi lính” để đánh Mỹ, “kẻ thù không đội trời chung”. Bởi vì theo lời cậu bé, Mỹ đã xâm lăng đất nước, đã sát hại đồng bào, đã chôn sống họ. Khi người phóng viên bảo  rằng nếu chính anh là người Mỹ thì sao, các thiếu niên Bắc Hàn liền đồng loạt tuyên bố “cũng giết luôn”. Tuy nhiên, sau đó, tất cả đều cười giả lả và “tha chết” cho người phóng viên.
Theo người phóng viên, tất cả những gì mà các thiếu niên được Chính phủ cộng sản Bắc Hàn dạy là phải “căm thù sâu sắc” nước Mỹ và người Mỹ cũng như tuyệt đối trung thành với triều đại Kim. Đi đâu cũng thấy hình tượng của ông nội, cha và đương kim lãnh tụ Kim.
Hiện nay, Bắc Hàn có khoảng 5 triệu thiếu niên dưới 14 tuổi. Tất cả đều sinh ra và lớn lên như trong một “trại súc vật” của nhà văn Anh George Orwell. Ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, giải trí...tất cả mọi thứ đều diễn ra trong tập thể. Và tất cả các thiếu niên Bắc Hàn đều cố gắng học tập để được tuyển vào “Trại Thiếu Nhi Quốc Tế Songdowon”. Đây là ngôi trường danh giá nhất của Bắc Hàn.
Điều đầu tiên đập vào mắt các phóng viên của đài CNN là tượng những đứa trẻ vui vẻ quây quần quanh hai lãnh tụ quá cố Kim Il Sung và Kim Jong Il. Khắp mọi nơi, cuộc sống của người dân Bắc Hàn luôn diễn ra dưới ánh mắt của các nhà lãnh đạo “vô vàn kính yêu”.
Các phóng viên được dịp chứng kiến một bữa tiệc sinh nhật của một em. Ngỏ lời với những người có mặt trong bữa tiệc, người thiếu niên mừng sinh nhật nói rằng lãnh tụ Kim Jong Un đối xử với em còn hơn cả cha em nữa, bởi vì ông yêu thương em còn hơn cả cha mẹ ruột của em!
Trẻ em Bắc Hàn là tương lai của đất nước. Nguyên một thế hệ được dạy dỗ phải tôn thờ lãnh tụ một cách tuyệt đối.
Wonsan cách Thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 200 cây số, nhưng phải mất gần 5 tiếng đồng hồ mới có thể đến đó, vì phải đi qua rất nhiều trạm kiểm soát. Là thành phố lớn thứ 5 của Bắc Hàn, Wonson là một khu du lịch nổi tiếng, đồng thời cũng là địa điểm phóng hỏa tiễn chính của quốc gia cộng sản này.
Lãnh tụ vĩ đại Kim Il Sung là người  đã cho phóng  hỏa tiễn Scud đầu tiên hồi thập niên 1980. Người kế vị ông là Kim Jong Il đã bắn trên 10 hỏa tiễn trong suốt 17 năm cầm quyền của ông. Nhưng ông vua con Kim Jong Un, dù chỉ mới lên ngôi năm 2011, đã qua mặt ông nội và cha mình về con số các hỏa tiễn được phóng đi và nhất là đã trở thành mối đe dọa của Bắc Hàn đối với cả thế giới.
Wonson đối với thế giới bên ngoài là một mối đe dọa khủng khiếp. Nhưng với người dân tại đây, Wonson lại là một niềm kiêu hãnh. Một cư dân Wonson đã được phóng viên của đài CNN hỏi về cảm nghĩ trước việc phóng hỏa tiễn. Ông trả lời một cách dứt khoát: rất hãnh diện!
Ngoài hỏa tiễn, Wonson còn hãnh diện về nhà máy thủy điện mới được xây cất. Nhờ nhà máy điện này mà thành phố này không phải chịu nạn cúp điện thường xuyên như các nơi khác. Phóng viên của đài CNN đã nhận ra điều này khi vào ăn tối trong một tiệm ăn tại một vùng quê. Chỉ vài phút sau khi bắt đầu bữa ăn là điện bị cúp. Nhưng chẳng thấy thực khách nào tỏ dấu ngạc nhiên.
Tại Wonson, các phóng viên đã vào một tiệm bán đồ kỷ niệm. Trên các hình kỷ niệm, du khách nào cũng đọc được câu “Chúng ta sẽ đè bẹp Hoa Kỳ”.
Sau Thành phố Wonson, các phóng viên của đài CNN đến vùng phi quân sự nằm giữa Bắc Hàn và Nam Hàn. Cả hai bên đều có binh sĩ đang trong tư thế ứng chiến.
Qua khỏi vùng phi quân sự, họ đến Panmunjom. Đây là một trong những tàn tích cuối cùng của chiến tranh lạnh. Tại đây, phóng viên của đài CNN hỏi người hướng dẫn viên du lịch, vốn là một viên trung tá trong quân đội Bắc Hàn, về tình hình căng thẳng hiện nay tại vùng phi quân sự. Viên sĩ quan này liền đổ lỗi cho Hoa Kỳ: chính vì chính sách thù nghịch của Hoa Kỳ mà tình hình tại vùng phi quân sự mới căng thẳng!
Thay đổi đề tài, phóng viên của đài CNN hỏi về sở thích của ông. Viên sĩ quan 36 tuổi này liền nói rằng ca khúc mà ông thích nhất là “bài ca cách mạng muôn thuở” ca tụng đương kim lãnh tụ Kim Jong Un!
Sau vùng phi quân sự, các phóng viên của đài CNN trở về Phi trường Quốc tế Bình Nhưỡng để chờ đón Dennis Rodman, một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng quen với cả Tổng thống Donald Trump lẫn lãnh tụ Kim Jong Un. Trong một mối quan hệ được xem là lạ lùng, cầu thủ này xem Kim Jong Un như một người bạn tri kỷ của mình.
Cùng ngày hôm đó, các phóng viên của đài CNN mới biết rằng một người thanh niên Mỹ tên là Otto Warmbier được trả tự do và áp tải ra phi trường để trở về Hoa Kỳ. Cuối tháng 12 năm 2015, Warmbier đến Bắc Hàn để thăm thú trong một chuyến đi hoàn toàn riêng lẻ. Anh đã bị bắt giữ vì tội gọi là ăn cắp một bức hình có nội dung tuyên truyền được dán trên tường của khách sạn nơi anh ở. Bản án dành cho người sinh viên Mỹ này là 15 năm tù.
Tháng Ba năm 2016, một cách khó hiểu, Warmbier bị bại não và rơi vào hôn mê. Gia đình anh tin rằng anh đã bị tra tấn. Nhưng Bắc Hàn phủ nhận điều đó. Tháng Bảy vừa qua, Warmbier đã được trả tự do để trở về Mỹ trong tình trạng thực vật. Và vòn vẹn 6 ngày sau, anh qua đời lúc chỉ mới 22 tuổi.
Từ Bình Nhưỡng, các phóng viên của đài CNN đi về một miền quê tên là Hwanghae,  cách thủ đô khoảng 80 cây số về hướng Bắc. Phải khó khăn lắm họ mới xin được giấy phép để đi thăm viếng vùng này. Trước khi lên đường, họ luôn được nhắc nhở phải rất cẩn thận khi phóng vấn dân chúng tại vùng này. Lý do là vì nông nghiệp là một trong những đề tài “nhạy cảm” trong một đất nước hiện đang phải “tranh thủ tối đa” mà vẫn không có đủ lương thực để nuôi sống dân chúng. Trong một đất nước được bao bọc bởi núi non, đất canh tác rất giới hạn. Tệ hại hơn nữa, Bắc Hàn hiện đang phải đối đầu với cơn hạn hán khủng khiếp nhất trong gần 2 thập niên vừa qua.
Đối với phần đông dân chúng Bắc Hàn, thịt bò, thịt gà hay thịt heo là những món xa xí phẩm khó có trong tầm tay. Để sống còn, người dân chỉ còn lệ thuộc vào một vài món ăn căn bản như Kim Chi và cháo gạo.
Tại một cánh đồng khô cằn, các phóng viên của đài CNN tiếp xúc với một phụ nữ có đôi bàn tay nứt nẻ và rạm nắng. Khi được hỏi bà thích đi thăm nước nào nhất, người phụ nữ trả lời rằng bà thích đến Mỹ. Bà muốn đến Mỹ để xem nước này như thế nào mà cứ “xách nhiễu” nhân dân Bắc Hàn. Cũng với giọng điệu quen thuộc của người đang sống trong “thiên đàng cộng sản”, người đàn bà nhà quê này nói: “Họ đã xâm lăng đất nước chúng tôi và tàn sát chúng tôi. Các ông có biết tại sao chúng tôi phải đau khổ không? Tất cả chỉ vì người Mỹ. Tôi thực sự nguyền rủa người Mỹ và muốn tàn phá đất nước của họ”.
Có lẽ được dàn xếp trước, các phóng viên của đài CNN được mời về dùng cơm trưa tại nhà người đàn bà. Đây là một ngôi nhà tương đối khang trang. Trong nhà cũng có đầy đủ các phương tiện như máy truyền hình, đầu máy DVD. Và dĩ nhiên, cũng giống như trong bất cứ nhà nào của người dân Bắc Hàn, các phóng viên của đài CNN cũng thấy chân dung của các lãnh tụ kính yêu được treo ở nơi trang trọng nhất. Đặc biệt có một bức hình chụp gia đình chủ nhà với lãnh tụ Kim Jong Il hồi năm 2006. Thì ra, đây chính là lý do nhà này đã được chọn để đón tiếp các phóng viên của đài CNN.
Chủ nhà là một người đàn ông cũng “thức thời” như hầu hết đàn ông cùng lứa tuổi trên khắp thế giới. Ông cũng đọc báo và theo dõi tin tức trên khắp thế giới. Ông nói rằng Tổng thống Donald Trump là một con người nông nổi, thiếu bình tĩnh. Khi đề cập đến tin tức, nhất là “tin giả” trên thế giới, người chủ nhà nói rằng báo Rodong Sinmun, vì là tiếng nói của Đảng, cho nên không thể có “tin giả” được! Ông khẳng định: “Phải, chúng tôi tin tưởng một trăm phần trăm”. Các phóng viên của đài CNN ghi nhận: “Bạn cứ hỏi bất cứ người nào tại Bắc Hàn và mọi người đều sẽ nói như nhau: ở đây không hề có “tin giả”.
Theo các phóng viên của đài CNN, người dân Bắc Hàn cũng có điện thoại “tinh khôn”. Chỉ có điều: họ không được nối vào mạng Internet! Nếu có thì cũng chỉ là “mạng của nhà nước”, với mọi thứ tin tức đều bị kiểm duyệt.
Một trong địa điểm cuối cùng mà các phóng viên này muốn đến trong chuyến viếng thăm 15 ngày của họ là Quận Samjiyon, cách Thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 800 cây số về hướng Bắc. Cao điểm của quận này là núi Paektu. Đây là ngọn núi cao nhất của bán đảo Triều Tiên. Đối với người dân Bắc Hàn, Paektu là một ngọn núi thánh. Tại đây vẫn còn ngôi nhà nhỏ được xem là nơi lãnh tụ kính yêu Kim Jong Il chào đời. Người hướng dẫn viên du lịch kể chuyện: “Đó là một ngày rất lạnh. Khí hậu không bình thường. Vậy mà hôm đó gió mạnh đã bất thần ngừng thổi, mặt trời bắt đầu chiếu sáng. Mọi thứ đều sáng rực và yên tĩnh. Hoa nở rộ và trên bầu trời, một ngôi sao cực kỳ sáng xuất hiện”.
Hướng dẫn viên du lịch, vốn là một phụ nữ trẻ, khẳng định: “Đây là chuyện thật đã xảy ra, chứ không phải là huyền thoại. Lãnh tụ của chúng tôi thật sự là một người trời phái đến cho chúng tôi. Ngài cũng đã làm thay đổi khí hậu. Đây là một câu chuyện có thật!” Mặc dù sử liệu chính thức đều ghi lại rằng Kim Jong Il đã chào đời tại Nga, nhưng người phụ nữ này vẫn ra rả tuyên xưng rằng lãnh tụ của chị là “con nhà trời” sinh ra tại núi Paektu. Ngài là một vĩ nhân: thiên nhiên đã biến đổi để loan báo cho thế giới ngày sinh của ngài!
Phóng viên của đài CNN kết luận: “Đây là đức tin của người dân Bắc Hàn. Nó chẳng khác nào Kinh Thánh, Kinh Coran hay Torah (của người Do Thái”.

(nguồn:http://edition.cnn.com/interactive/2017/09/asia/north-korea-secret-state/)


Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

“Con” và “Người”




 Chu Thập
15/09/17
Cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên ngày càng trầm trọng, nhứt là sau khi Bắc Hàn đã cho thử nghiệm một trái bom khinh khí. Không riêng Nam Hàn, Nhựt Bổn, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, mà cả thế giới đều lo sợ. Với kho vũ khí hạt nhân hiện nay của cả thế giới, nếu một cuộc chiến tranh nguyên tử xảy ra, “tận thế” xem ra khó tránh khỏi. Bầu khí sợ hãi mà cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên đang tạo ra không khỏi làm cho tôi nhớ lại một cuộc khủng hoảng tương tự cũng đã từng xảy ra tại Cuba hồi năm 1962.
Năm 1962, tôi đã được 16 tuổi. Ở quê tôi, bước vào tuổi này,  con gái đã gần “bẽ gảy sừng trâu” và chuẩn bị lập gia đình.  Còn tôi thì vẫn cứ vô tư nhìn đời bằng đôi mắt lúc nào cũng lạc quan. Cuộc chiến Việt Nam chưa tới hồi ác liệt. Đêm vẫn ngủ yên như “thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Đại bác vẫn chưa “đêm đêm dội vào thành phố” và quân đội Mỹ cũng  chưa ào ạt đổ vào Việt Nam. Tuy vậy, dù có sống vô tư cách mấy, một học sinh chuẩn bị thi trung học đệ nhứt cấp như tôi cũng bị bắt buộc phải lo âu và suy nghĩ về một số biến cố xảy ra trong nước cũng như trên thế giới. Tại Việt Nam, đầu tháng 11 năm 1963, đã xảy ra cuộc đảo chính trong đó tổng thống tiên khởi của Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm bị sát hại. 21 ngày sau đó, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị bắn  chết trong một vụ mưu sát mà cho tới nay lịch sử vẫn chưa giải mã được.
Nhưng trong khoảng thời gian đó,  biến cố đã khiến cho cả thế giới gần như nín thở vẫn là cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Cuba. Ngày chúa nhựt 13 tháng Mười năm 1962, máy bay thám thính U-2 của Hoa Kỳ đã chụp được một không ảnh cho thấy Liên Xô đang cho xây dựng tại Cuba  một khu có đặt một dàn hỏa tiễn có gắn đầu đạn hạt nhân nhắm vào Hoa Kỳ. Ngày thứ Hai 22 tháng Mười, sau một tuần lễ họp mật với các cố vấn và ban tham mưu, Tổng thống Kennedy đã lên đài truyền hình để loan báo cho dân chúng Mỹ biết rằng ông đã ra lệnh phong tỏa không cho bất cứ tàu bè nào có chở quân cụ được cập bến vào Cuba. Và cũng như đương kim Tổng thống Donald Trump đã từng đe dọa sẽ cho Bắc Hàn nếm “nộ khí và khói lửa”, Tổng thống Kennedy đã cảnh cáo rằng bất cứ một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nào của Liên Xô nhắm vào Hoa Kỳ từ Cuba cũng sẽ được đáp trả lại một cách “toàn diện”. Tổng thống Kennedy tóm gọn phản ứng của Hoa Kỳ bằng một câu: “Chúng tôi sẽ không nhất thiết phải liều lĩnh gây ra một cuộc chiến tranh nguyên tử trên toàn thế giới với những tổn thất mà chiến thắng chỉ là tro bụi trong miệng lưỡi chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ không lùi bước bất cứ lúc nào nếu phải đương đầu với một sự liều lĩnh như thế”.
Sự thách thức của Liên Xô và những lời lẽ cứng rắn của Tổng thống Kennedy đương nhiên làm cho cả thế giới run sợ. Hai đám mây khổng lồ hình nấm trên bầu trời Hiroshima và Nagasaki  do hai trái bom nguyên tử của Hoa Kỳ tạo ra hồi năm 1945 và bóng ma của hàng trăm ngàn nạn nhân lại trở về ám ảnh toàn thế giới. Một cuộc chiến tranh nguyên tử chắc chắn sẽ dẫn đến sự diệt vong của toàn thể nhân loại. Chưa bao giờ thế giới nghiệm được câu nói của người Á Đông: “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Đầu năm 1952, trong bài diễn văn đọc trước khi rời Tòa Bạch Ốc,  cố Tổng thống Harry Truman, người đã ra lệnh thả bom nguyên tử xuống Nhựt Bổn để kết thúc Đệ nhị Thế Chiến, đã nói vừa như một lời tự thú vừa như một lời cảnh cáo: “Gây ra một cuộc chiến tranh nguyên tử là một điều hoàn toàn không thể tưởng tượng được đối  với những con người có lý trí”.
Có lẽ đã lắng nghe và chiêm nghiệm lời nhắn nhủ của cố Tổng thống Truman cho nên trong một lá thư gởi cho Tổng thống Kennedy khi cuộc khủng hoảng Cuba đã bước vào giai đoạn nguy kịch nhứt, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là ông Nikita S. Khrushchev đã viết rằng chỉ có “những tên điên khùng hay quẫn trí tự tử muốn chết và tiêu diệt  toàn thế giới trước khi chết” mới gây ra một cuộc chiến tranh nguyên tử.
Mà quả thật, chiến tranh nguyên tử giữa hai cường quốc đã không xảy ra. Lý trí đã chiến thắng trên sự ngông cuồng. Liên Xô đã bất thần cho rút hết dàn hỏa tiễn về nước. Bầu khí quyển bỗng hạ nhiệt. Thế giới đã thở ra nhẹ nhõm.
Khi xảy ra cuộc khủng hoảng, các nhà lãnh đạo của thế giới Kitô Giáo đã kêu gọi các tín hữu gia tăng cầu nguyện. Cuộc khủng hoảng Cuba đã chấm dứt một cách êm thắm. Lúc đó, nhiều tín hữu như tôi đã tin đó là một phép lạ: Thượng Đế đã can thiệp để chiến tranh nguyên tử không xảy ra và nhân loại đã không bị tiêu diệt!
Tôi không biết Thượng Đế đã “can thiệp” như thế nào. Nhưng ngày nay khi nhìn lại biến cố, tôi nhận thấy Tổng thống Truman và Tổng bí thư Khrushchev đã có lý khi đề cao vai trò của lý trí: những con người có lý trí không thể gây ra chiến tranh nguyên tử!
Ngày nay, khi nhìn lại biến cố, tôi tin rằng  Tổng bí thư Khruschchev đã tỏ ra là một con người “có lý trí” và đã hành động theo sự hướng dẫn của lý trí hơn là cuồng vọng mù quáng. Hầu hết các sử gia đều tin như thế. Chính vì vậy mà một cuộc chiến tranh nguyên tử đã không xảy ra.
Theo các sử gia, sở dĩ lãnh tụ cộng sản Liên Xô cho bố trí hỏa tiễn tại Cuba là để bảo vệ nước đàn em cộng sản này khỏi một cuộc tấn công khác của Hoa Kỳ. Thật vậy, năm 1961, Hoa Kỳ đã mở một cuộc tấn công vào một địa điểm có tên là Vịnh Con Heo của Cuba để lật đổ chính phủ cộng sản của lãnh tụ Fidel Castro. Cuộc tấn công đã thất bại, nhưng cũng đã đặt Cuba vào tình trạng báo động liên tục và khiến cho các nước cộng sản đàn anh lo sợ.
Một lý do khác khiến lãnh tụ Khrushchev cho đặt dàn hỏa tiễn tại Cuba để nhắm vào Hoa Kỳ là vì muốn tìm cách cân bằng cán cân quyền lực nguyên tử giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, xét về sức mạnh nguyên tử, Hoa Kỳ là nước đang làm mưa làm gió trên thế giới. Vào thời điểm đó, với 6.000 đầu đạn nguyên tử, Hoa Kỳ đã bỏ xa Liên Xô về kho vũ khí nguyên tử. Liên xô chỉ mới có khoảng 300 đầu đạn nguyên tử và cũng chỉ có khoảng trên dưới 35 hỏa tiễn có khả năng bắn tới Hoa Kỳ. Biết mình đang ở trong thế yếu cho nên theo truyền thống khoác lác, các cơ quan truyền thông công cụ của Liên Xô lúc nào cũng ra rả đề cao sức mạnh nguyên tử vượt bực của nước mình. Cũng với mục đích tuyên truyền đó, lãnh tụ Khrushchev cũng lên tiếng đe dọa không cho Tây Phương đặt chân đến Đông Bá Linh và sẽ tiêu diệt các đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ nếu nước này chống lại Liên Xô. Ông đã có lần tuyên bố rằng chỉ cần 6 trái bom khinh khí của Liên Xô cũng đủ để xóa tên Anh Quốc trên bản đồ thế giới và 9 trái khác cũng đủ để san bằng nước Pháp.
Dĩ nhiên, đó chỉ là một cuộc khẩu chiến. Bên kia những lời đe dọa ấy, nhà lãnh đạo cộng sản Liên Xô lúc nào cũng  bị dằn vặt bởi câu hỏi: “Tại sao phải hy sinh mạng sống của trên 200 triệu con người chỉ để bảo vệ 2 triệu người dân Đông Bá Linh?” Trong hồi ký của mình, ông Khrushchev có ghi lại rằng khi cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Cuba đã lên đến cao điểm, ông có tham khảo  ý kiến của các tướng lãnh: liệu có nên duy trì dàn hỏa tiễn của Liên Xô ở Cuba và tấn công vào Hoa Kỳ không, nếu một cuộc tấn công như thế có thể khiến cho 500 triệu người thiệt mạng?  Khrushchev viết rằng khi ông đặt một câu hỏi như thế, các tướng lãnh đã nhìn ông như thể ông là một người điên hay tệ hơn, một tên phản bội. Theo ông, đối với các tướng lãnh này, thảm họa lớn nhứt không phải là Liên Xô bị tàn phá và mất tất cả, mà là bị Trung Cộng và các nước cộng sản đàn em lên án là yếu đuối và hèn nhát. Nhưng với sự mách bảo và cảnh cáo của lý trí, nhà lãnh đạo Liên Xô tự hỏi: “Nếu trong những giây phút cuối đời của tôi mà biết được rằng, mặc cho quốc gia vĩ đại của chúng ta và Hoa Kỳ có bị tiêu diệt hoàn toàn, danh sự quốc gia Liên Xô vẫn còn nguyên vẹn, thì ích gì?”
Bảo toàn danh dự quốc gia bằng sự phá sản toàn diện, gây đau thương tang tóc cho hàng triệu triệu con người và ngay cả tiêu diệt cả thế giới...được ích gì? Đó hẳn là một câu hỏi mà các nhà lãnh đạo quốc gia, nhứt là các cường quốc, cần phải đặt ra hơn cả, bởi vì đó chính là một câu hỏi mà chỉ có lý trí và lương tri mới có thể đặt ra. Tôi không biết kết thúc của cuộc khủng hoảng ở Bán đảo Triều Tiên sẽ như thế nào. Nhưng qua phân tách của một số chuyên gia, tôi cho rằng mục đích của cuộc diễu võ giương oai hiện nay của Bắc Hàn có lẽ cũng chỉ là để bảo toàn danh dự quốc gia; cụ thể là để đòi hỏi thế giới phải nhìn nhận “địa vị” của một cường quốc nguyên tử không chịu khuất phục và bị xóa sổ như một số chế độ độc tài, bất kể sự bảo toàn danh dự ấy có dẫn đến chỗ bị cô lập, nghèo đói của cả một dân tộc.
Danh dự và thể diện quốc gia...như các tướng lãnh Liên Xô đã từng yêu cầu Tổng bí thư Krushchev bảo tồn hoặc như chủ tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn dùng võ khí nguyên tử để bảo vệ,  có khi cũng chỉ là một thứ bùa chú mê hoặc và đưa đẩy nhiều người vào những cái chết vô nghĩa. Thứ danh dự và thể diện quốc gia này thường gợi lại cho tôi những khẩu hiệu như “lương tâm nhân loại”, “đỉnh cao trí tuệ của loài người”. Chính những khẩu hiệu ấy đã gây ra đau thương tang tóc cho cả dân tộc và một thời khiến cho cả đất nước rơi vào nghèo đói, lạc hậu.
Thứ danh dự và thể diện quốc gia ấy cũng thường khiến tôi nghĩ đến hình ảnh của hai chú gà trống đang gân cổ gáy. Chỉ có gà mới tìm cách “hơn nhau tiếng gáy” và có khi chỉ vì tiếng gáy mà xung trận để ăn thua đủ với nhau. Hình ảnh này lại gợi lên cho tôi ý nghĩ: chỉ có loài thú vật mới ăn thua đủ với nhau vì một chút “danh dự hão huyền”.
Theo  hầu hết các quyển tự điển của các nước Tây Phương mà tôi thường tham khảo, “người”, dựa theo câu nói của triết gia Hy Lạp Aristote (384-322 trước công nguyện), được định nghĩa như “một con vật có lý trí”. Tiếng Việt Nam thâm thúy, nhưng cũng rõ ràng hơn. “Con vật có lý trí” này được gọi là “con người”. “Con” và “người” chung sống với nhau. Nếu phần “con” lấn lướt, thì phần “người” bị thui chột. Điều ấy thường xảy ra khi cái lý trí, vốn là phần cốt lõi làm cho con người là “người” phải nhường chỗ cho những khuynh hướng thấp hèn và nhứt là các thứ “danh dự hão huyền”.







Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Âu Châu: đường đi không đến của nhiều người tầm trú


15/09/17
Một buổi sáng thứ Tư cuối tháng Tám 2017 vừa qua, một người thanh niên Gambia, Phi Châu tên là Zacharias đứng tựa cửa sổ của một chuyến xe lửa tốc hành từ Verona, Ý đi Munich, Đức. Anh nhìn một cách thèm thuồng xuống sân ga Bolzano, một thành phố thuộc tỉnh Tyrol, Bắc Ý. Tại đây, những người leo núi, khách du lịch Âu Châu đang bước xuống khỏi toa xe. Trên sân ga, bạn bè và gia đình đang chờ đón họ.
Nhưng Zacharias vẫn ở lại trên xe lửa. Anh đang tìm cách né tránh cái nhìn dò xét của các viên cảnh sát và các nhân viên tuần tra biên giới giữa hai nước Áo và Ý.
Người thanh niên 18 tuổi này là một trong khoảng 100.000 người tỵ nạn và di dân đã đến Ý trong năm nay. Anh hy vọng sẽ đến được Áo và từ đó sẽ sang Đức, mặc dù nhiều người đã nói với anh rằng giai đoạn 2 của cuộc hành trình đi tìm tự do và cuộc sống mới không phải là dễ dàng.
Mặc dù con số người tầm trú đặt chân được đến Ý trong thời gian gần đây đã giảm đi rất nhiều, nhưng tại miền Bắc nước này, một ranh giới mới giữa nước này và Áo quốc vẫn được dựng lên để ngăn ngừa người tầm trú tìm cách vượt biên. Giữa tháng Tám vừa qua, quân đội Áo đã gởi 70 binh sĩ đến một địa điểm có tên là Brenner Pass (Đèo Brenner). Đây là biên giới Áo - Ý nằm trong dãy núi Alpes. Nhiệm vụ của các binh sĩ này là lục soát tất cả mọi chiếc tàu chở hàng từ Ý sang để xem có người đi lậu vào Áo không. Ngoài ra, cảnh sát cũng kiểm soát rất kỹ các chuyến xe lửa chở khách.
Áo quốc đang chuẩn bị bầu cử. Trước đây, ngày nào dân chúng cũng ra biên giới để vẫy tay chào đón khoảng 200 người tầm trú từ Phi Châu, Pakistan và Afghanistan đang trên đường đến Đức. Tại Bolzano, dân Ý cũng mang thức ăn và quần áo đến để tặng cho người tầm trú. Những hình ảnh như thế không còn nữa. Ngày nay, thay vì thức ăn, quần áo và nụ cười niềm nở, người dân địa phương lại hăm hở đi săn lùng người tầm trú đang tìm cách trốn ẩn dưới ghế xe hoặc ở đâu đó.
Cuộc hành trình đi tìm tự do và cuộc sống mới của Zacharias đã chấm dứt tại Fortezza. Fortezza cách địa điểm mà anh muốn tới chỉ có 4 trạm. Cảnh sát Ý đã yêu cầu anh xuống khỏi xe lửa. Vừa ra khỏi xe lửa, Zacharias đã thấy có  5 người Somalia trên sân ga. Những người này vừa mới bị cảnh sát Áo tống cổ về lại Ý. Những người Somalia này thuộc nhóm 1000 người di dân bị chính quyền  Áo bắt giữa mỗi tháng và đưa qua đèo Brenner Pass. Tại một trạm cảnh sát bên Áo, những người tầm trú Somalia này đã được lấy dấu tay. Tiền và điện thoại di dộng của họ cũng bị tịch thu. Họ được lệnh phải trình diện tại văn phòng di trú ở Bolzano. Cùng với Zacharias, họ trở về Bolzano và ga này là trạm cuối cùng trong cuộc hành trình đi tìm tự do và cuộc sống mới của họ.
Dĩ nhiên, đa số những người tầm trú như Zacharias đều không muốn xem Bolzano là trạm cuối cùng trong cuộc hành trình của họ. Thua keo này, họ lại bày keo khác. Trong nhiều tháng vừa qua, mỗi ngày có từ 20 đến 30 người tầm trú mới bị chận lại tại Bolzano và không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ thay đổi. Ngày nào cũng có người bị bắt giữ và ngày nào cũng có người tìm cách thử lại thời vận của họ.
Hiện nay nhiều người tầm trú từ Somalia, Afghanistan và Ghana đang cắm lều bên ngoài nhà ga Bolzano. Họ hút cần sa và buôn bán ma túy. Còn các phụ nữ Nigeria thì bán thân trên con đường phía sau nhà ga. Những người không thể tìm được một chỗ qua đêm thì tìm đến bờ sông Eisack để  cắm dùi, tắm rửa và giặt giũ. Một nhóm thiện nguyện viên, mà phần lớn là con cái của những người di dân, tìm cách đáp ứng những nhu cầu cơ bản của những người mới đến. Bộ trưởng Nội vụ Ý, ông Marco Minniti đã có lần tuyên bố rằng “sẽ có ánh sáng ở cuối đường hầm”. Nhưng nhóm thiện nguyện viên tại Bolzano thì lại cho rằng họ chỉ thấy toàn là những đường hầm.
Hai trong số những thiện nguyện viên trên đây đã đón tiếp Zacharias tại Bolzano khi anh bị bắt buộc phải rời bỏ chuyến tàu. Người thanh niên Gambia được đưa vào một giáo đường để qua đêm, nhưng anh vẫn thấy mình là một người vô gia cư. Dù gặp không biết bao nhiêu trở ngại trong cuộc hành trình, Zacharias vẫn luôn tỏ ra tin tưởng. Anh đã nói được tiếng Ý một cách lưu loát. Mặc dù trước khi ra đi, anh đã không ngừng được mẹ  anh cảnh cáo là đừng phí phạm cuộc đời trong một cuộc phiêu lưu như thế và dù đã 3 lần bị cảnh sát Áo chận lại ở biên giới,  anh vẫn một mực tin tưởng rằng anh phải thành công trong cuộc hành trình tiến về phía Bắc, tức hướng về  Đức quốc.
Tại Gambia, Zacharias làm nghề lắp ráp máy vi tính từ những kiện hàng phế thải từ Âu Châu. Anh nói rằng anh sẽ không đến Âu Châu với 2 bàn tay trắng, mà trái lại mang theo cả một vốn lớn để đóng góp. Anh muốn theo học một khóa đào tạo, làm việc cật lực để trở thành một người độc lập.
Con đường phía trước có lẽ vẫn còn xa tít mù khơi. Zacharias vẫn không quên đoạn đường đã đi qua. Tại trạm dừng chân đầu tiên là Libya, anh đã bị đánh đập và xách nhiễu trong các trại tỵ nạn. Nhưng cuối cùng anh cũng đã được đến Ý. Tại đây anh sống trong một trại tỵ nạn gần thành phố Brindisi 6 tháng. Ban ngày anh được gởi đến các nông trại để hái cà chua. Anh cảm thấy mình bị bóc lột chẳng khác nào một người nô lệ. Thành ra, Zacharias đã không có một cái nhìn thiện cảm đối với người Ý. Anh cho rằng họ là những người thiếu tổ chức và hư hỏng.
Anh luôn hướng về Đức là nơi mà anh tin tưởng rằng mình sẽ có được một cuộc sống sung túc và xứng với phẩm giá con người. Với những tấm hình mà những người quen biết gởi đến từ Đức, anh tin rằng anh cũng sẽ thành công như họ.
Trạm Brenner Pass trên núi Alpes cách ga Bolzano khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Tại đây có văn phòng của Volontarius, một tổ chức chuyên trợ giúp người tầm trú. Zineb Essabar là một nhân viên của văn phòng này. Người phụ nữ gốc Marocco này đã đến Ý cách đây hơn 12 năm để theo học về ngành khảo cổ học. Năm nay đã 38 tuổi, bà Essabar đã chọn Ý làm quê hương thứ hai. Mỗi ngày bà đi bộ dọc theo các sân ga để xem có người tầm trú nào ẩn núp bên dưới của những chuyến xe lửa chở hàng không. Những người nào không đi qua được các trạm kiểm soát và bị chận lại, bà giúp họ tìm được một nơi để qua đêm. Đó là tất cả những gì mà người phụ nữ gốc Bắc Phi này có thể làm được để giúp đỡ người tầm trú. Bà nói rằng đèo Brenner Pass là nơi mà giấc mộng của họ tan thành mây khói. Hầu như ngày nào bà cũng phải chứng kiến cảnh những người tầm trú bị ném xuống khỏi các chuyến xe lửa. Họ vẫn cứ hướng  về hướng Bắc, nhìn một cách thèm thuồng những chiếc xe Porsche và SUV chạy vùn vụt trên các xa lộ hoặc những trung tâm thương mại đồ sộ. Bà nói với những người tầm trú rằng đó không phải là thực tế của đời sống tại Âu Châu. Bà cảm thấy thương hại họ bởi vì họ đã bị mê hoặc bởi những huyền thoại về Đức quốc.
Song song với sự trợ giúp về vật chất, bà Essabar còn tìm cách khuyên nhủ người tầm trú hãy ở lại Ý. Bà nói rằng Ý là quốc gia luôn mở rộng vòng tay để đón nhận người tỵ nạn và đánh giá cao những di dân nào cố gắng học tiếng Ý để hội nhập và làm việc.
Dĩ nhiên, bà Essabar biết rằng những lời khuyên của bà chẳng khác nào nước đổ lá môn. Bà biết rằng người tầm trú vẫn tiếp tục tìm cách ra khỏi Ý, nếu không xuyên qua đèo Brenner Pass, nếu không bằng xe lửa thì cũng bằng cách trả tiền cho ai đó để được đưa lậu bằng xe hơi qua biên giới tại thung lũng Puster Valley. Hoặc như người Do Thái đã từng trốn chạy khỏi Đức quốc xã, họ tìm cách vượt biên giới bằng đường bộ.
Tỉnh Tyrol của Ý đã chính thức đón nhận 1.700 người tầm trú, tức không đầy 0.5 phần trăm dân số 500.000 người. Ngoài ra, trong tỉnh vẫn còn hằng ngàn di dân lậu, vốn không muốn chọn nơi này làm quê hương.
Đầu Thế kỷ 20, Tyrol là một tỉnh nghèo. Các nông dân nghèo cho con em của họ vượt biên bằng đường bộ xuyên qua dãy núi Alpes để chúng có thể làm người giúp việc và chăn súc vật tại miền Nam Đức. Đó không phải là một giai đoạn mà một tỉnh Tyrol trù phú ngày nay muốn nhớ tới nữa. Nếu không thì có lẽ người tầm trú không phải bị săn lùng và xua đuổi nữa.
Cũng như Essabar, Ginar Quiroz là một phụ nữ hiện đang làm việc cho tổ chức Volontarius. Người đàn bà này đến từ Colombia, Nam Mỹ. Văn phòng của chị là một chiếc xe van để cắm trại. Mỗi tuần chị bỏ ra hai đêm để đi rảo qua các đường phố tại Bolzano. Chị mang theo những bình thủy đầy nước trà nóng và ngay cả những xấp “áo mưa” (condom). Đây là cách chị muốn giúp đỡ các cô gái điếm hoạt động về đêm trên các đường phố Bolzano. Mỗi buổi chiều, họ đến trên những chuyến xe lửa xuất phát từ những thành phố như Trento và Verona. Hầu hết những phụ nữ này là người Nigeria. Họ chỉ mới đặt chân đến Ý trong thời gian gần đây. Tại ga xe lửa Bolzano, họ vào nhà vệ sinh để trang điểm. Sau một đêm làm việc, họ đến bên những bức tượng của một thời Phát xít để chờ chuyến xe lửa 5 giờ sáng.
Khác với người thanh niên Zacharias đầy tham vọng, những người phụ nữ này không còn dám mơ ước một tương lai tươi sáng tại Âu Châu nữa.  Với 30 Âu kim mà mỗi khách hàng phải trả cho họ, các cô gái ăn sương này trả nợ cho những kẻ buôn người đã đưa lậu họ vào Âu Châu.
Ngoài những cô gái điếm xuất phát từ những thành phố lân cận, tại Bolzano còn có hơn 11.000 phụ nữ người Nigeria chỉ mới đến Ý trong thời gian gần đây. Một số đang gặp khó khăn vì đang có mang. Các tổ chức từ thiện giúp họ tìm được một phòng trong khách sạn. Nhưng đây chỉ là một giải pháp tạm thời.
Những người phụ nữ đang gặp khó khăn như thế thường rơi vào chiếc bẫy sập của các tú bà. Các tú bà này sẵn sàng bỏ ra đến cả 35.000 Âu kim để chiêu mộ các cô gái từ vùng sa mạc Sahara.
Bà Quiroz đã gặp một phụ nữ đang bị các tú bà dụ dỗ vào các nhà chứa. Tên của người thiếu phụ này là Rita. Rita nói với bà Quiroz rằng đến Âu Châu là một sai lầm, bởi vì tại Ý cô không có bất cứ một thân nhân nào; 2 đứa con, một đứa lên 5 và một đứa lên 8 hiện đang ở với bà ngoại bên quê nhà.
Sau khi gặp bà Quiroz, Rita đã làm đơn gởi đến một tổ chức trợ giúp pháp lý để xin được trở về Nigeria. Bà Quiroz nói rằng bà không hề gợi ý cho Rita làm điều đó. Nhưng ít nhất theo bà đó cũng là một quyết định tốt.


(nguồn:http://www.spiegel.de/international/europe/migrant-path-in-europe-ends-at-brenner-pass)

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Họa phúc khôn lường


Chu Thập
08/09/17
Dù cho “thù trong giặc ngoài” có làm cho tình hình đất nước căng thẳng cỡ nào, hôm thứ Bảy 2/9/17 vừa qua, trong chuyến đi kinh lý tại một thành phố Houston tiêu điều buồn bã vì thiên tai, tổng thống Donald Trump vẫn có thể vui cười chụp hình với các gia đình tỵ nạn. Nhiều người mất nhà cửa, xe cộ và tài sản. Vậy mà khi tuyên bố với báo chí, tổng thống Mỹ nói rằng ông đã thấy được “rất nhiều hạnh phúc” nơi nhiều người. Ông nói với các ký giả: “Thật là tốt đẹp. Thật là đẹp!”  Khi được hỏi dân chúng đã nói gì với ông, ông trả lời: “Họ rất hạnh phúc với những gì đang xảy ra”.
Thái độ của Tổng thống Trump và nhận xét của ông về niềm “hạnh phúc” của người dân Houston khi đứng trước thiên tai không khỏi làm tôi nhớ lại tuổi thơ của mình. Tôi có một tuổi thơ đẹp. Đẹp và cũng kỳ cục: năm nào ở quê tôi mà không có thiên tai như bão lụt là tôi buồn! Nhớ mãi cứ bước vào tháng Chín tháng Mười Âm lịch, trời mưa thúi đất, kéo dài cả tháng trời, nước sông cứ từ từ dâng lên cho đến khi tràn vào vườn, vào nhà. Đó là những giây phút “sảng khoái” nhứt của tôi. Đêm nằm ngủ không yên, cứ lén thức dậy ra trước nhà xem nước đã lên cao đến cỡ nào. Sáng ra thức dậy mà thấy nước chưa vào nhà là kể như một năm “mất mùa” đối với tôi. Năm nào lụt lội được báo trước bằng một trận bão lớn, năm đó là năm vui nhứt, bởi vì bão kéo theo nhiều mưa, nước càng lên mau. Mặc cho mấy bà chị của tôi phải đi kiếm củi và phùng mang trợn mắt để hà hơi vào cái ống thổi lửa mà chỉ thấy toàn khói với khói, cơm cứ khê và đồ ăn cứ sống nhăn, tôi vẫn ung dung ngồi trong nhà quăng cần câu ra sân chờ thời chớ chẳng cần phải vác xác ra sông ra ruộng chi cho mệt. Có năm, vịt người ta nuôi từng bày trong các thửa ruộng vừa gặt xong, lạc bày chạy bổ vô nhà. Của trời cho, dại gì không nhận!
Bên cạnh cái thú bắt vịt, câu cá trong mùa bão lụt, trẻ con như tôi còn họp nhau lại để kết những chiếc bè chuối và đi ngao du trong các vườn cây ăn trái. Bình thường, muốn có thêm các loại sinh tố, lũ trẻ chúng tôi phải lén lút chui qua các con đường mòn do những con heo thả rong tạo ra trong các hàng rào để chôm chĩa trái cây của người ta. Bão lụt tặng không cho trẻ con một cái quyền bất thành văn là tha hồ hái hay lượm trái cây của người ta mà vẫn có thể vênh cái mặt lên!
Bão lụt hay thiên tai nói chung có gây ra mất mát, phiền muộn, khổ đau cỡ nào cho người lớn đi nữa, trẻ thơ như tôi vẫn cứ xem đó như một nguồn hạnh phúc trời cho. Tôi không biết đó có phải là niềm “hạnh phúc” của những người tỵ nạn bão lụt tại Thành phố Houston mà Tổng thống Trump đã nhìn thấy không. Dù sao, kể từ khi bắt đầu biết suy nghĩ và giở giọng triết lý ba xu, tôi thường cảm nhận được một điều mà minh  triết  Á đông thường diễn tả bằng câu “họa phúc khôn lường”. Trong cái rủi có cái may. Chuyện “lão ông thất mã” cũng thường xảy ra cho nhiều người. Có khi may mắn và điều tốt đẹp lại đến trong tai họa. Mặt trái của thiên tai chẳng hạn có khi lại là may mắn hay  niềm vui bất ngờ cho nhiều người.
Tôi nghĩ đến mối quan hệ giữa hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Trong hầu như suốt Thế kỷ 20, hai nước này là những kẻ thù không đội trời chung. Mãi cho đến thập niên 1990, một ông bộ trưởng ngoại giao của Hy Lạp vẫn còn gọi người Thổ là “những tên trộm cướp và hiếp dâm”. Y chang  cái giọng mà Tổng thống Trump dùng để miệt thị người Mễ Tây Cơ. Trong khi đó năm nào người Thổ cũng mừng chiến thắng Smyrna qua nhiều cuộc xung đột giữa hai nước vào nhiều thời kỳ khác nhau. Cứ mỗi lần ăn mừng chiến thắng này, người Thổ thường diễn lại cảnh họ dùng lưỡi lê đâm vào binh sĩ Hy Lạp, sau đó ném xác họ xuống biển và dày xéo lên lá cờ của Hy Lạp. Cứ xem cái cách ăn mừng như thế cũng đủ để thấy được mối thù truyền kiếp  giữa hai dân tộc này.
Thế rồi năm 1999, một trận động đất dữ dội đã tàn phá Thành phố Istanbul và miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Bất thần Hy Lạp lại là một trong những nước đầu tiên đã mau mắn gởi các toán cấp cứu đến Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức quyên góp được một số tiền lớn để cứu trợ. Một người đàn ông Hy Lạp còn gọi điện thoại  đến Tòa đại sứ Thổ để cho biết sẵn sàng hiến tặng thận cho bất cứ ai cần đến. Đây là lần đầu tiên trong hàng bao nhiêu thập niên, những chiếc cầu vồng rực rỡ đã chiếu sáng trong bầu trời đen nghịt vì  thù hận giữa hai quốc gia.
Chỉ một tháng sau, đến lượt Thành phố Athens của Hy Lạp lại bị động đất. Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả lại cũng bằng tất cả sự cảm thông và quảng đại mà Hy Lạp đã dành cho họ. Song song với những nỗ lực cứu trợ, các nhà ngoại giao của hai nước đã gặp nhau để thảo luận về chuyện hàn gắn những rạn nứt giữa hai nước. Sau 25 năm bế quan tỏa cảng, lần đầu tiên tàu bè của Hy Lạp đã bắt đầu cập bến vào các hải cảng của Thổ Nhĩ Kỳ. Hy Lạp cũng tuyên bố hết mình ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập vào Liên Âu. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng ý bãi bỏ chuyện kỷ niệm chiến thắng Smyrna với màn đâm chém các binh sĩ Hy Lạp. Thiên tai đã gây ra không biết bao nhiêu mất mát và khổ đau, nhưng kỳ diệu thay, cũng có sức phá tan bức tường của hận thù và đố kỵ giữa hai dân tộc. Xét cho cùng, tai họa có khi là đòn bẩy làm bật lên những cung điệu nhân ái thâm sâu từ trái tim con người.
Vào cuối Thế kỷ 19, mối căng thẳng giữa Đức và Hoa Kỳ đã lên cao đến độ có thể dẫn đến một cuộc đại chiến. Tất cả cũng chỉ vì một chút quyền lợi tại Samoa, một quần đảo chìm ngập giữa Thái Bình Dương. Các nhà doanh nghiệp của cả Đức và Mỹ đều nhìn vào  kỹ nghệ cao su tại quần đảo này như một thứ bò sữa béo bở. Với lòng tham ấy, tàu bè của Đức đã tấp nập cập bến vào các làng duyên hải của Samoa. Sợ mất phần, Mỹ cũng đưa hạm đội của họ đến Thái Bình Dương để yêu cầu Đức rút ra khỏi Samoa. Anh cũng nhào vô ăn có. Chẳng ai ngó ngàng gì đến người dân Samoa.
Lực lượng của cả ba cường quốc đều gặp nhau tại Hải cảng Apia. Chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và dĩ nhiên cũng sẽ lôi kéo theo đồng minh của mỗi phía. Lo sợ trước viễn ảnh của chiến tranh, các chính trị gia của 3 phía ráo riết vận động để tìm kiếm một giải pháp. Nhưng không bên nào chịu nhượng bộ cho bên nào. Một cuộc chiến tàn khốc là điều khó tránh khỏi. Trong khi các chính trị gia bù đầu bức tóc để tìm một giải pháp thì các thủy thủ của mỗi bên cũng lo sốt vó, bởi vì cuộc đối đầu cả quân sự lẫn chính trị đang diễn ra vào chính mùa bão lụt tại Samoa. 7 tháng đã trôi qua mà không ai tìm được một lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Vậy mà cuối cùng, mọi sự đều được giải quyết một cách ổn thỏa nhờ chính một cơn bão dữ. Một tàu chiến của Đức đã bị nhận chìm xuống đáy biển; chỉ có 4 thủy thủ sống sót. Hạm đội của Mỹ cũng quay cuồng ngất ngư khi tìm cách vào Hải cảng Apia để trú ẩn, đồng thời cũng tìm cách giúp cho một chiếc tàu của Đức cập bến. Nhưng cuối cùng chiếc tàu này lại đâm vào một chiến hạm của Mỹ.
Sau khi trận bão đã đi qua, người ta chỉ còn thấy có mỗi một chiếc tàu không rõ của bên nào còn trôi nổi gần hải cảng. Như thể thức giấc từ một cơn ác mộng, cả ba phía đều nhận ra một sự thật phũ phàng là Quần đảo Samoa đâu có đáng để phải hy sinh và mất mát nhiều như thế. Lúc bấy giờ, người ta mới chịu ngồi lại với nhau, gạt bỏ mọi tham lam cuồng vọng để tìm kiếm hòa bình.
Tai họa thường giúp cho con người mở mắt để thấy được đâu là những giá trị đích thực đáng để tìm kiếm trong cuộc sống.
Sắp đến ngày 11 tháng Chín. Đây sẽ mãi mãi là một ngày không bao giờ có thể xóa bỏ khỏi lịch sử nhân loại. Thế giới không chỉ nhìn thấy bộ mặt khủng khiếp của hận thù, nhưng cũng sẽ mãi mãi ghi nhớ vẻ đẹp của tình yêu trong trái tim con người được thể hiện qua không biết bao nhiêu nghĩa cử và hy sinh.  Trong những giây phút nguy ngập nhứt , tai họa đã giúp cho nhiều người nhận ra được điều gì là quan trọng nhứt trong cuộc sống. Thông điệp vĩ đại nhứt được truyền đi trong những giây phút cuối đời của những người đang trải qua tai họa đã được tóm gọn trong hai chữ “tình thương”. Con thương cha thương mẹ. Cha mẹ thương con. Anh yêu em. Em yêu anh...Đó là tất cả những gì mà các nạn nhân của cuộc khủng bố đã nhắn gởi đến người thân của mình. Trong phút chốc, tai họa đã nhắc nhở cho con người biết rằng yêu thương là điều quan trọng nhứt trong cuộc sống khi tất cả mọi điều khác đều qua đi.
Bão Harvey đã thổi vào Thành phố Houston và đã đi qua. Có người cho đây là trận bão của thế kỷ. Nhiều người nhớ lại trận bão Katrina đã càn quét qua Tiểu bang Louisana cách đây đúng 12 năm. Hoa Kỳ quả là một quốc gia vĩ đại. Vĩ đại không chỉ vì giàu có về của cải vật chất và hùng mạnh về quân sự, mà còn vĩ đại vì những giá trị nhân bản toát ra từ không biết bao nhiêu tai họa khủng khiếp cứ mỗi năm đến hẹn lại lên. Bên cạnh sự tàn phá của tai họa, người ta không thể quên được hình ảnh của tình liên đới, tương trợ, cảm thông, quên mình và hy sinh vì người khác.
Một trong những hình ảnh có lẽ đáng ghi nhớ hơn cả trong trận bão Harvey vừa qua có lẽ là cái chết của một người thanh niên tên là Alonso Guillen. Anh theo cha mẹ “di dân lậu” vào Mỹ lúc còn nhỏ. Và anh đã chết tại Mỹ trước khi bị Tổng thống Trump ra lệnh trục xuất về lại Mễ Tây Cơ. Hôm thứ Tư tuần qua, người thanh niên này đã mất tích khi chiếc xuồng của anh bị chìm vào chính lúc anh đang tìm cách cứu những người còn sống sót. Hôm Chúa nhựt vừa qua, gia đình anh đã tìm thấy xác của anh dưới một chân cầu, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ dẹp bỏ chương trình ân xá cho các di dân lậu đến Mỹ từ lúc nhỏ. Alonso Guillen và khoảng 800.000 thanh niên thiếu nữ thường được gọi là “những người có ước mơ” (dreamers). Cũng như rất nhiều người trên thế giới hiện nay, họ nhìn vào Hoa Kỳ như một đất nước mình “mơ” được trở thành công dân. Giấc mơ của Alonso Guillen không thành. Nhưng ít ra người thanh niên 31 tuổi  này cũng đã cho thấy được một bộ mặt tốt đẹp của nước Mỹ: trong cơn hoạn nạn, người ta sẵn sàng quên mình để cho người khác được sống.
Lúc nhỏ tôi mong cho bão lụt xảy ra để được vui chơi. Tuổi đời càng chồng chất, tôi càng sợ tai họa. Nhưng nếu chẳng may tai họa xảy đến, cho riêng cá nhân mình, tôi luôn tự an ủi là ít ra tai họa nhắc nhở cho tôi nhìn thấy được đâu là đâu là điều quan trọng nhứt trong cuộc sống, đâu là những giá trị đích thực đáng để sống chết cho và đâu là ý nghĩa của cuộc sống.