Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Trông mặt mà bắt hình dong...



Chu Thập
20/11/14

Trong ba nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và nán ở lại Úc Đại Lợi để được trải thảm đỏ và đọc diễn văn tại Quốc hội Liên bang là nữ thủ tướng Đức Angela Markel, thủ tướng Ấn độ Narendra Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một người Việt tỵ nạn như tôi dĩ nhiên chỉ chú ý đến nhà lãnh đạo Trung Quốc, người lúc nào cũng nở nụ cười “Mona Lisa” này. Có lẽ các nhà lãnh đạo chính trị Úc cũng đã dành cho ông một sự nghênh đón nồng nhiệt hơn bất cứ lãnh tụ nào, bởi vì Úc Đại Lợi vừa ký kết được với Trung Quốc một Thỏa ước Mậu dịch Tự do mà chính phủ Úc hy vọng sẽ mở ra một chân trời sáng lạn cho kinh tế Úc.
Có lẽ hãnh diện vì đạt được một thỏa ước đầy hứa hẹn như thế chăng mà thủ tướng Tony Abbott đã đưa Trung Quốc và cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình lên chín tầng mây. Trong bài diễn văn chào mừng nhà lãnh đạo Trung Quốc của Thủ tướng Abbott , tôi đặc biệt nhớ câu: “Chúng ta đầu tư (=làm ăn) với những người chúng ta tin tưởng”. Tôi nghĩ thầm trong bụng: để chờ xem Úc Đại Lợi sẽ tin tưởng người khổng lồ cộng sản này được bao lâu!
Về phần mình, trong bài diễn văn đọc tại Quốc hội Liên bang Úc chiều thứ Hai 17 tháng 11 vừa qua, chủ tịch Tập Cận Bình cũng nói một câu mà tôi tin chắc là những người Việt tỵ nạn tập trung trước tòa nhà Quốc hội ở Canberra để phản đối Trung Quốc hẳn không thể nghe “lọt tai” được. Ông nói rằng: “một bầu khí quốc nội hài hòa và ổn định và một bầu khí quốc tế hòa bình là điều mà Trung Quốc cần nhứt”. Một người Việt Nam như tôi và tôi cũng nghĩ rằng hầu hết người dân tại các nước có lãnh hải bị Trung Quốc ngang nhiên đem quân xâm chiếm, còn lâu mới tin rằng quốc gia cộng sản khổng lồ này muốn thấy một “bầu khí quốc tế hòa bình”. “Hòa Bình” mà ông Tập Cận Bình cho là thứ mà Trung Quốc đang cần nhứt có khác gì thứ “Hòa Bình La Mã” (Pax Romana) do hoàng đế La Mã Augustus thiết lập và áp đặt lên các nước đang bị đế quốc thống trị vào thế kỷ thứ nhứt và thứ hai sau Công Nguyên. Đó là thứ “hòa bình” mà Liên Xô và Trung Cộng cũng đã từng hô hào qua không biết bao nhiêu hội nghị hòa bình và trước năm 1975, tôi thường nghe người cộng sản Miền Bắc “nhảy múa” ca ngợi qua  vũ điệu “hòa bình”.
Quen thói nhìn người theo lối “trông mặt mà bắt hình dong”, tôi thấy mình đã hoàn toàn sai lầm khi dành cho ông chủ tịch có nụ cười không để hở hàm răng này cảm tình và những ý nghĩ cao quý nhứt. Một con người lúc nào cũng mỉm cười lẽ nào lại không là một con người hiền hòa nhân ái, chỉ biết tưởng nghĩ đến hòa bình và hạnh phúc của người khác. Nhưng tôi đã lầm. Tôi không biết ai đó có hối tiếc không khi nghĩ rằng chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là một Mikhail Gorbachev của Trung Quốc.
Tôi đã lầm. Đàng sau nụ cười hiền hòa nhân ái ấy là cả một tham vọng ngất trời kèm với những chủ trương mà một người bình thường khó có thể gọi là “hòa bình” hay “hiếu hòa” được.
Tạp chí Time, số ra ngày 17 tháng 11 vừa qua đã cho tôi nhìn thấy con người thật của ông Tập Cận Bình. Theo tạp chí này, hồi năm ngoái, ông đã nhắc lại cho các đảng viên cộng sản Trung Quốc một số điều lệ trong đó ông chỉ ra 7 giá trị và định chế của Tây Phương mà Trung Quốc phải triệt hạ bằng mọi giá. Trong số những giá trị và định chế của Tây Phương mà ông Tập Cận Bình yêu cầu phải chống lại, đáng kể nhứt là dân chủ, tính độc lập của các cơ quan truyền thông, xã hội dân sự và thị trường tự do. Ngay cả những “giá trị phổ cập” như nhân quyền cũng bị lãnh tụ có nụ cười hiền hòa này xem như không phù hợp với xã hội Trung Hoa. Thay vào đó, ông đặt Đảng Cộng Sản Trung Quốc lên trên mọi định chế khác, kể cả các tòa án và hiến pháp.
Kể từ khi con người luôn mỉm cười này lên cai trị quốc gia chiếm tới 1 phần 5 dân số thế giới, hàng trăm người nào dám  lên tiếng đặt lại vấn đề về “lẽ khôn ngoan” của Đảng, đều bị giam giữ mà không thông qua bất cứ một thủ tục tư pháp nào. Hơn ai hết, chủ tịch Tập Cận Bình đã siết chặt việc kiểm soát việc xử dụng Internet, bịt miệng ngay cả những nịnh thần chuyên ca như vẹt về công cuộc cải tổ của Đảng. Tại Hong Kong, qua cuộc biểu tình đòi tự do bầu cử của sinh viên hồi tháng trước, người ta thấy Bắc Kinh đã không để lộ bất cứ dấu hiệu nào cho biết sẵn sàng lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của người dân đã từng sinh ra và lớn lên tại nhượng địa Anh Quốc này.
Theo tạp chí Time, việc đàn áp những người bất đồng chính kiến đã đạt đến những tỷ lệ khác thường. Trong tháng trước chẳng hạn, an ninh Trung Quốc đã bắt nhốt hàng tá nghệ sĩ thường tập trung ở một khu ngoại ô Bắc Kinh. Một số bị bắt đem đi vì cho phát tán những bài bình luận về cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong. Một số khác bị giữ  khi tập trung lại để chỉ nghe đọc thơ. Những người tìm cách giúp đỡ các gia đình của những người bị bắt giữ cũng bị lùa đi. Một nghệ sĩ đã nói với phóng viên Hannah Beech của tạp chí Time rằng những người bị bắt giữ “không hề muốn “tử đạo”. Không một người nào trong họ tìm cách tổ chức một cuộc nổi loạn nào cả. Họ chỉ muốn bày tỏ ý kiến mà thôi”.
Chỉ mới bày tỏ ý kiến thôi mà đã gặp rắc rối như thế, huống chi  tìm cách “nổi loạn”. Phóng viên Hannah Beech viết rằng với Chủ tịch Tập Cận Bình, “quyền  tự do ngôn luận và tranh luận là những “bất bình đẳng” của Tây Phương mà Đảng cộng sản cần phải đề phòng nếu muốn tránh số phận của cựu Liên Xô”. Trong một bài diễn văn đọc trước các đảng viên dạo tháng 12 năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng “lý do quan trọng nhứt cho thấy tại sao Đảng cộng sản Liên Xô sụp đổ là vì những lý tưởng và niềm tin của họ bị lung lay”.
Theo nhận định của tạp chí Time, mặc dù thân phụ mình đã từng bị đồ tể Mao Trạch Đông thanh trừng và bản thân ông, lúc còn là một thanh niên, đã từng bị đày về thôn quê để sống lam lũ cơ cực, ông Tập Cận Bình lại là một người bảo thủ, luôn trung thành với lý tưởng “độc tài” và tàn bạo của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng “bảo thủ” có lẽ chỉ là bình phong che đậy điều mà ông gọi là “giấc mơ Trung Quốc”, tức một “siêu cường” bá chủ thế giới. Chỉ dưới thời của ông, thế giới mới thấy số thông hành của Trung Quốc có in bản đồ hình “lưỡi bò” liếm hầu hết lãnh hải và hải đảo của các nước Biển Đông. Jerry Hendrix, một cựu sĩ quan hải quân Mỹ hồi hưu và hiện đang là một phân tách gia về Á Châu, cho rằng tham vọng của ông Tập Cận Bình là đặt Trung Quốc vào trung tâm thế giới, tức trở lại ý nghĩa đích thực của hai chữ “Trung Hoa” và vị trí của ông cũng sẽ là trung tâm của thế giới ấy. Kề từ sau Mao Trạch Đông, chưa có lãnh tụ Trung Quốc nào có một địa vị “trung tâm” như ông Tập Cận Bình. Thay vì chia sẻ trách nhiệm với 7 thành viên của Bộ Chính Trị, ông trực tiếp nắm quyền điều khiển mọi ủy ban về an ninh quốc gia, kiểm duyệt, Internet, tái cấu trúc quân đội, chính sách ngoại giao và ngay cả cải tổ kinh tế.
Không biết có phải do “học tập theo gương đạo đức của Bác Hồ” vĩ đại của đàn em cộng sản Việt Nam không, ông Tập Cận Bình  rất thích được dân chúng xưng gọi là “Xi Dada”, nghĩa là “Bác Tập”. “Bác Tập” lúc nào cũng cố gắng biểu lộ hình ảnh của một con người bình dân, “hiền lành”, “dễ thương, dễ mến”, gần gũi với dân chúng. Thực ra, ông có thua gì “Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao” đâu. Xét cho cùng, trong thế giới cộng sản, “Bác” nào cũng đều là “Bác” cả: “Bác” nào cũng “khiêm tốn nhường ấy”; “Bác” nào cũng dễ thương nhường ấy, nhưng “Bác” nào cũng ôm mộng bá quyền, đạp lên đầu lên cổ nhân dân và dĩ nhiên giết người thì chẳng gớm tay. Cuốn “Hắc thư của Chủ nghĩa Cộng sản” ( Le livre noir du communisme) do một số cựu đảng viên cộng sản Pháp biên soạn và được nhà xuất bản Éditions Robert Laffont phổ biến năm 1997 đã ghi lại vô số hành động tội ác, khủng bố và đàn áp của tất cả các chế độ cộng sản trên thế giới kể từ sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917. Đã từng là nạn nhân của chủ nghĩa này, ông Tập Cận Bình hẳn đã biết quá rõ chính đồ tể Mao Trạch Đông đã sát hại trên dưới 36 triệu đồng bào ruột thịt của mình.
Tôi vẫn cứ thắc mắc: một người đã từng là nạn nhân của chế độ cộng sản, lại từng được tu nghiệp bên Mỹ một thời gian, vẫn chưa chịu mở mắt mà lại cố bám vào cái thây chết vốn đã bị thế giới quăng vào sọt rác của lịch sử. Tôi nghĩ chỉ có tham vọng quyền bính mới có thể giải thích được tại sao vẫn còn có nhiều người chạy theo thứ chủ nghĩa đồi bại này.
Dĩ nhiên, chủ nghĩa tự nó đồi bại thì những người cố bám vào nó cũng đồi bại thôi. Chẳng có người cộng sản nào mà không dối trá. Chẳng có người cộng sản nào mà không độc ác. Nụ cười hiền hòa nhân ái trên gương mặt của ông Tập Cận Bình đã không thể che dấu được bản chất cộng sản ấy. Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Liên bang, ông có trích dẫn câu nói quen thuộc của người Úc “Hãy nhìn lên mặt trời và bạn sẽ không còn thấy bóng tối” (keep your eyes on the sun anh you will not see the shadows) để kêu gọi tôn trọng những khác biệt của Trung Quốc và Úc Đại Lợi về lịch sử, văn hóa, hệ thống xã hội và trình độ phát triển. Dĩ nhiên, khác biệt về lịch sử, văn hóa, tôn giáo...là điều cần được tôn trọng. Nhưng không thể gọi những chà đạp và vi phạm nhân quyền cũng như tội ác là những khác biệt cần phải tôn trọng. Con người, ở đâu và thời nào, cũng đều giống nhau ở một số điểm căn bản như: muốn được người khác tôn trọng, muốn được suy nghĩ bằng cái đầu của mình, muốn được tự do, nhứt là tự do tư tưởng và ngôn luận...Xúc phạm đến phẩm giá con người, thì ở đâu và thời đại nào cũng đều đáng bị lên án cả. Nụ cười thân thiện và “hiền lành dễ thương” của ông Tập Cận Bình chắc chắn không thể khỏa lấp được bất cứ tội ác nào mà chế độ do ông lãnh đạo đã và đang làm đối với chính người dân của ông cũng như vô số nạn nhân khác trên khắp thế giới.

Trên bàn làm việc trước mặt tôi là nụ cười của Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo tinh thần của trên một tỷ người công giáo và của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng. Tôi tin chắc rằng hai nụ cười này chỉ có thể là biểu hiện của  chân thật,  từ bi, nhân ái, hiền lành và cảm thông mà thôi. Như nhạc sĩ Nam Lộc đã khuyên, “hãy mỉm cười với cuộc sống” và với mọi người, tôi mong cũng luôn được mỉm cười với tất cả tấm lòng chân thật như hai nhà lãnh đạo tinh thần trên đây, bởi lẽ không gì bỉ ổi bằng dùng nụ cười để che đậy “ý đồ” đen tối và gian ác của mình.


Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Nửa Vui Nửa Khổ



                                                                                Chu Thập
Good Friday 2011

Tôi thích mùa Thu ở Úc. Không nóng như mùa Hè, không lạnh như mùa Đông, không thiếu những ngày nắng ấm, cũng có chút “hoa hòe, hoa sói” như mùa Xuân nhưng lại lãng mạn và quyến rũ vì có lá vàng rơi và những tia nắng cuối ngày thật rực rỡ. Nhưng thực tình mà nói, tôi lại sợ mùa Thu. Năm nào cũng vậy, có đề phòng đến đâu, có chích ngừa cảm cúm bao nhiêu, tôi cũng vẫn bị vật cho tơi tả. Không dị ứng với hoa cỏ thì cũng ho hen, cảm cúm.
Bước vào mùa Thu của cuộc đời, tôi cũng đành phải chấp nhận những giới hạn của thân phận con người và định luật của cuộc sống, rồi tự an ủi: bệnh tật yếu đau cũng là một thành tố cần thiết trong nhịp sống. Tuy không phải là một Phật tử, nhưng tôi cũng nghiệm ra rằng sống với bệnh tật và nhứt là cảm cúm cũng có nghĩa là chấp nhận sống chung hòa bình với hằng triệu triệu vi khuẩn cả bạn lẫn thù trong một tư thế “đối tác” như thế nào để hai bên cùng có lợi.
Thực ra, đây không phải là tư tưởng của riêng tôi, mà là của tác giả Jennifer Ackerman trong cuốn sách có tựa đề “Ah-Choo!: The Uncommon Life of Your Common Cold” (tạm dịch: Hắt xì, cuộc sống không bình thường của cơn cảm mạo thông thường của bạn) được trích đăng trong tạp chí Reader’s Digest. Theo tác giả, cảm cúm cũng có lợi cho cuộc sống. Cảm cúm buộc chúng ta phải giảm lại các sinh hoạt. Thông thường nhứt là các sinh hoạt nơi trường học, trong sở làm, trong công nghệ. Đôi khi thiên nhiên buộc chúng ta phải thay đổi thói quen và tạm hưu chiến trước những áp lực của cuộc sống hàng ngày.
Bị nhức đầu sổ mũi phải nằm nhà để nghỉ ngơi vài ngày có thể là một điều tốt cho sức khỏe. Được thay đổi nhịp sống, được uống thuốc, được đọc sách và nếu may mắn hơn, được bạn bè, bác sĩ, người thân quan tâm chăm sóc…đó cũng là một cái “thú” trời cho cần phải tận hưởng! Có người đã từng phát biểu: “Bệnh để biết ai thương mình!”
Ta cũng có thể xem những cơn cảm mạo như một cái “van” an toàn. Thỉnh thoảng cũng cần phải mở cái van ấy để xả bớt cái sú báp của áp lực công việc, bệnh tật, lo lắng, trầm cảm, cao máu.
Khoa học thường thức cũng mách bảo ta rằng những “ký sinh” chung sống với ta cũng làm cho ta thêm mạnh mẽ và tinh khôn hơn. Chúng làm cho hệ thống miễn nhiễm của ta an toàn hơn và làm cho hệ thống phòng thủ của ta kiên cố hơn.
Đó là nói đến “ích lợi” của cảm cúm đối với bản thân từng người. Nhìn xa hơn, tác giả Ackerman còn cho rằng vi khuẩn, có thể góp phần làm cho khoa học tiến bộ. Tại một số quốc gia, vi khuẩn gây bệnh đậu mùa được xem là “sinh vật quý hiếm” cần được bảo tồn; người ta lại tranh luận với nhau xem có nên bảo tồn số vi khuẩn được cất giữ cẩn thận trong các phòng thí nghiệm tại Hoa kỳ và Nga không. Trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa đã sát hại trên nửa tỷ người trên khắp thế giới. Một số chuyên gia, kể cả Tổ chức Y tế Thế giới, lập luận rằng tiêu hủy toàn diện các vi khuẩn gây bệnh là cách thế duy nhứt để bệnh tật không tái diễn. Nhưng cũng không thiếu những người lại cho rằng phá hủy mọi vết tích của nó sẽ có nghĩa là đánh mất mọi sự hiểu biết về những hoạt động của chúng và tác động của nó đối với hệ thống miễn nhiễm của con người. Cuối cùng, người ta đã đi đến quyết định bằng mọi giá phải bảo tồn chúng.
Theo tác giả, cảm cúm thông thường cũng giống như một thứ bà con xa đến thăm ta mỗi năm một hay hai lần, tự nhiên vào nhà mà không cần được mời, buộc ta phải rút lui vào phòng riêng của mình. Nhưng nó cũng nhắc nhở ta về những gốc rễ sâu xa của ta, về gia sản chung của ta với nó và mang lại cho ta một ít thông tin mà ta sẽ cần đến trong tương lai. (x.Reader’s Digest, ấn bản Úc châu, số tháng 2 năm 2011)
Cách suy nghĩ “tích cực” trên đây cũng chiếu rọi chút ánh sáng vào cái nhìn của tôi đối với những “bệnh tật tinh thần”, đặc biệt là nỗi buồn trong cuộc sống. Không phải là thiên thần thì trên cõi đời này chẳng có ai tránh khỏi buồn phiền. Không buồn da diết, buồn triền miên, không “buồn muốn chết” thì cũng man mác buồn. Đôi lúc vớ vẩn cũng “tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn”.
Ai mà chẳng thích vui hơn buồn. Ai mà chẳng muốn hạnh phúc hơn bất hạnh. Nhưng thỉnh thoảng cũng cần phải thấy rằng những khi bị nhận chìm trong những đợt sóng của đau khổ, phiền muộn, thất vọng, hoài nghi hay chán nản cũng là một “cơ hội tốt” cho đời sống. Bởi lẽ những cảm xúc và tâm trạng ấy cần thiết để ta “biết mình” hơn và nhứt là “thấm thía” thế nào là hạnh phúc. Hạnh phúc cũng giống như dưỡng khí ta hít thở từng giây từng phút. Có một lần thiếu dưỡng khí, ngộp thở ta mới thấy dưỡng khí hiện hữu và cần cho sự sống biết chừng nào. Cũng vậy, ta chỉ cảm nhận được hạnh phúc và thèm được hạnh phúc khi phải trải qua những lúc muộn phiền, trống rỗng. Khi buồn ngủ thì một tấm chiếu manh cũng đủ để mang lại một giấc ngủ thần tiên. Giữa cơn đói tột cùng, một hạt cơm chẳng quý hơn vàng bạc sao?  Đó là một trong những nghịch lý lớn nhứt trong cuộc đời: có mất mát, thua thiệt ta mới cảm thấy thèm khát!  Suy nghĩ rộng ra, mọi sự trong cuộc đời đều diễn ra theo định luật nghịch lý đó: mất để được, thua để thắng, chết để sống!
Là một tín hữu Kitô, mỗi năm tôi thường dừng lại để suy nghĩ về định luật này nhân ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hay còn gọi là Good Friday (năm nay rơi vào hôm nay), ngày mà trên 2 tỷ tín hữu Kitô trên toàn thế giới tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu. Cái chết nào cũng là một mất mát. Trong chiến trường thì rõ ràng cái chết là một thua thiệt. Với con mắt bình thường thì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại ê chề, chấm dứt một sự nghiệp lẽ ra phải rất lẫy lừng của một nhà lãnh đạo có một sức thu hút khủng khiếp. Nhưng với Kitô giáo thì cái chết ấy là một chiến thắng: chiến thắng của lẽ phải trên gian tà, của sự thật trên dối trá, của tình thương trên hận thù, của sự sống trên sự chết. Từ hai ngàn năm qua, muốn hay không, không ai có thể phủ nhận rằng cái chết của Chúa Giêsu đã làm thay đổi bộ mặt thế giới. Với cái chết ấy, Ngài đã chiếu rọi ánh sáng, hy vọng, lạc quan vào tăm tối của khổ đau, thất vọng, buồn phiền trong cuộc sống của không biết bao nhiêu người trong lịch sử nhân loại từ hai ngàn năm qua và sẽ mãi mãi mang lại niềm an ủi cho những ai đang chìm đắm trong muộn phiền.
Suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu, tôi không thể không liên tưởng đến cái chết của bao nhiêu người trên thế giới ngày nay đã và đang chết cho công lý, sự thật và tình thương. Họ là nạn nhân của những chế độ độc tài luôn chối bỏ và chà đạp mọi quyền cơ bản của con người. Họ là những người ngày ngày đang chết dần chết mòn trong các nhà tù vì niềm tin tôn giáo, vì lý tưởng dân chủ, nhân quyền. Họ là những người đang quên mình để phục vụ người khác đến độ sẵn sàng hy sinh chính mạng sống của mình…Những cái chết như thế lẽ nào không thể vinh danh như những chiến thắng?
Suy niệm về định luật “mất để được, chết để sống”, tôi cũng không thể không nghĩ đến dân tộc Nhựt bản trong cơn đại nạn 11 tháng 3 vừa qua. Giữa những khổ đau ngút ngàn, thế giới đã thấy nơi người Nhựt những đức tính cao quý khó tìm thấy được nơi những dân tộc khác. Dường như dân tộc này xem tai họa, mất mát, khổ đau như một bàn đạp để vươn lên cao hơn. Sau trận động đất năm 1923 tại Kanto làm cho trên 100 ngàn người thiệt mạng và gây ra bao nhiêu thiệt hại vật chất, Nhựt Bản biến thành một cường quốc đáng nể sợ. Sau những tàn phá khủng khiếp của hai trái bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945, Nhựt Bản lại vùng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Từ đổ nát, họ đã xây dựng lại và xây dựng lại tốt đẹp hơn. Trong tro tàn, họ tìm thấy lửa của hy vọng. Trong cái chết họ nhìn thấy mầm sống.
Nhìn lại lịch sử của dân tộc Nhựt Bản tôi không thể không liên tưởng đến một trong những nhà văn nổi tiếng nhứt của nước này là ông Shusaku Endo. Chào đời trong một gia đình công giáo Nhựt bản tại Mãn châu dưới thời Nhựt bản chiếm đóng Trung quốc, ông bị người Trung Hoa thù ghét. Trở về Nhựt là nơi Kitô giáo chiếm không tới một phần trăm dân số, ông lại một lần nữa bị xem như người ngoại lai. Trong lớp học, ông bị các học sinh khác chế diễu vì theo tà đạo Tây phương. Thế chiến Thứ Hai lại càng gia tăng cái cảm giác bị ruồng bỏ ngay trên quê hương mình; ông luôn luôn nhìn sang Tây Phương như quê hương tinh thần của mình.
Sau Thế chiến Thứ Hai, ông sang Pháp để nghiên cứu về một số nhà văn công giáo nổi tiếng như Francois Mauriac và Georges Bernanos. Mỉa mai thay, tại đây, ông lại cũng bị khinh miệt, nhưng không  phải vì tôn giáo, mà vì chủng tộc. Như vậy, không chỉ bị tẩy chay trên đất mẹ, mà còn bị ruồng bỏ trên quê hương tinh thần, Endo trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng về niềm tin. Trước khi hồi hương, ông quyết định sang Palestine để tìm hiểu tận nguồn cuộc đời của Chúa Giêsu. Tại đây, ông khám phá ra rằng cả cuộc sống dương thế của Ngài, Chúa Giêsu cũng đã là một con người bị ruồng bỏ. Trước kia, ông ngưỡng mộ sức mạnh của nền văn minh Tây phương qua các phương tiện kỹ thuật, qua các ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ, qua những hình ảnh oai nghiêm của Chúa Kitô Vua, vốn trong thực chất là phóng ảnh của vinh quang và sức mạnh của đế quốc La mã. Giờ đây, ông mới nghiệm thấy rằng con người đích thực của Chúa Giêsu lại là một con người đau khổ, bị khước từ đến độ bị treo lên thập giá. Ông cho rằng Kitô giáo, sau bao nhiêu năm truyền đạo và với chứng từ của không biết bao nhiêu vị tử đạo, đã không thể bén rễ trên đất Phù Tang bởi vì người Nhựt chỉ nhìn vào Kitô giáo xuyên qua những hào nhoáng của một nền văn minh Kitô giáo được thể hiện qua các nghi lễ trang trọng, những ngôi thánh đường vĩ đại, những nhạc phẩm cổ điển bất hủ...Theo ông, người Nhựt không nhìn ra được gương mặt đích thực của Chúa Giêsu và của Kitô giáo.
Hình ảnh của một Chúa Giêsu chịu đau khổ, cộng với kinh nghiệm bản thân được Endo đưa vào các tác phẩm của ông đã biến ông thành nhà văn Nhựt bản được thế giới biết đến nhiều nhứt. Các tác phẩm của ông được dịch sang ít nhứt 25 thứ tiếng.
Người dân Nhựt bản thích đọc văn của Endo, bởi vì qua sứ điệp “thập giá” của Kitô giáo được ông giới thiệu trong các tác phẩm, họ cũng nhận ra được chính điều làm nên sức mạnh của dân tộc: thất bại, mất mát, khổ đau…luôn là khởi đầu của một cơ may tốt đẹp hơn.
“Thập giá” luôn được xem như minh triết đặc thù của Kitô giáo. Thật ra, đối với mọi người, dù thuộc tôn giáo hay văn hóa nào, “thập giá” hay có thể gọi là những gì “ngoài ý muốn” cũng vẫn là một phần thiết yếu của cuộc sống. Thập giá vẫn là con đường dẫn đến vinh quang, chiến thắng và hạnh phúc. Chấp nhận cuộc sống với mọi khía cạch cũng có nghĩa là chấp nhận “một nửa vui, một nửa khổ” của cuộc sống vậy.
Trong “Bài thơ một nửa”, Lý Mật Am có khuyên như sau:
“Tôi đã thấy già nửa kiếp phù sinh này rồi.
Chữ “nửa” đó là công dụng vô biên.
Có hưởng nửa tuổi trời rồi mới cảm được hết cái vui nhàn nhã trong một thế giới rộng rãi khai triển giữa trời và đất.
Sống có vườn tược ở nửa đường lên núi, nửa đường xuống sông,
Nửa đọc sách, nửa làm ruộng, nửa buôn bán,
Nửa kẻ sĩ, nửa là bà con với bình dân.
……
Tâm tình tôi nửa Phật nửa Thần tiên
Tên tuổi nửa vinh hiển nửa tối tăm,
Một nửa nghĩ tới Trời,
Còn một nửa lo việc nhân gian…
Có không đầy một nửa thì mong có thêm
Có quá một nửa thì quá chán và lo lắng
Cuộc đời trăm năm nửa vui nửa khổ
Thì hưởng một nửa là thích đáng hơn cả.”
(trích “Một quan niệm về Sống Đẹp” của Lâm Ngữ Đường, bản dịch Nguyễn Hiến Lê)
Phần tôi đã qua thời “nửa lên đồi” và đang vào thời “nửa xuống dốc”, tôi thấy mình may mắn vì không những vẫn còn thấy “màu xanh hy vọng” mà lại có thêm cả “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”.
Ngày xưa háo hức với những tà áo “hippy” thế nào thì bây giờ, tôi cũng thích thú theo dõi “màu thời gian” đang “minh họa” trên cơ thể mình như vậy.
Cũng như bài viết này, một nửa để chia với bạn, nửa kia để…an ủi mình.







Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Lest We Forget!



                                                                            Chu Thập
Anzac Day 2011


Tôi vẫn nhớ mãi ngày thi nhập quốc tịch Úc.  Tôi tưởng sẽ phải trải qua một cuộc sát hạch gay go lắm. Nhưng viên chức bộ di trú chỉ hỏi tôi một câu: “Nếu đi ra nước ngòai và gặp rắc rối cần được trợ giúp pháp lý, ông sẽ nhờ ai?”  Dĩ nhiên, tôi đã trả lời là tôi phải tìm đến tòa lãnh sự hay sứ quán Úc.
Câu hỏi này không khỏi gợi lại cho tôi câu nói của cố tổng thống Hoa kỳ John F. Kennedy với giới trẻ Mỹ: “Đừng hỏi tổ quốc phải làm gì cho bạn và phải tự hỏi bạn phải làm gì cho tổ quốc.” Tôi thường lấy câu nói này để tự xét mình. Thú thật, cho đến nay, sau nhiều năm làm “công dân” Úc, tôi thấy mình chưa làm được gì cho quê hương mới. Trong khi đó, chỉ vừa đưa tay ra “thề thốt” để trở thành một công dân Úc, tôi hưởng được không biết bao nhiêu quyền lợi, trong nước cũng như khi ra nước ngoài. Ngẫm nghĩ như thế cho nên có lúc tôi cũng thấy thẹn với lương tâm. Do đó, tôi thường tự nhủ: nếu không làm được gì cho quê hương mới, thì ít nhứt tôi cũng phải có thể giới thiệu nước Úc cho người khác. Đây là động lực thúc đẩy tôi phải tìm hiểu về đất nước của mình.
Về địa lý, tôi chủ trương học hỏi bằng “chân”. Thay vì tốn tiền đi du lịch nước ngoài, tôi thường làm những chuyến đi thăm thú trong nước. Với cái lục địa già nhứt trái đất này, có bỏ cả một đời người trăm tuổi để làm một vòng, cũng chưa chắc đã thực hiện được. Có biết bao nhiêu nơi để thăm viếng. Có biết bao nhiêu chỗ để tìm hiểu và học hỏi. Có biết bao nhiêu cảnh đẹp để ngắm nhìn và thưởng thức.
Cũng may cho tôi, không giống như địa lý nước Úc, chiều dài lịch sử của quê hương mới lại ngắn chủn. Tôi không cần phải trở lại trường để dùi mài “kinh sử”. Chỉ cần một thời gian ngắn cũng đủ để lướt qua những biến cố lịch sử đáng chú ý của đất nước.
Cũng như mọi quốc gia, dù chỉ mới khai sinh chưa đầy hai trăm năm, Úc đại lợi cũng có một số biến cố để kỷ niệm. Tôi đặc biệt chú ý đến ngày Anzac, 25 tháng Tư. Năm nay, tại nhiều nơi, mặc dù mưa suốt ngày, vẫn có nhiều người tham dự các nghi thức tưởng niệm vào lúc hừng đông và cuộc diễn hành kéo dài cho đến trưa. Tôi vẫn cứ thắc mắc: thông thường ngày lễ quốc khánh quan trọng nhứt của một quốc gia là những kỷ niệm về các cuộc chiến thắng. Nhưng với quê hương mới, ngày kỷ niệm quan trọng nhứt trong năm lại là ngày kỷ niệm một chiến bại. Đọc lại lịch sử, tôi thấy rằng năm 1914, khi Thế chiến Thứ Nhứt bùng nổ, chính phủ Liên bang Úc chỉ mới thành hình được đúng 13 năm. Chính phủ mới xem ra rất “hăm hở” trong việc nói lên tiếng nói của mình và chen chân vào cộng đồng thế giới. Thế chiến Thứ Nhứt quả là cơ hội ngàn vàng. Năm 1915, các lực lượng quân sự Úc và Tân Tây Lan phối hợp với nhau để mở một cuộc hành quân “viễn chinh” để gọi là chiếm đóng bán đảo Gallipoli tận bên Thổ nhĩ kỳ với mục đích  mở eo biển Dardanelles ở miền Tây Bắc nước này ra cho các lực lượng hải quân của Đồng minh. Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là chiếm đóng Constantinople, nay là Istanbul, thủ đô của đế quốc Thổ, một đồng minh của Đức.
Các lực lượng của Úc và Tây tây lan đã đổ bộ xuống Gallipoli ngày 25 tháng Tư. Cứ tưởng sẽ chiến thắng một cách dễ dàng, không ngờ quân đội Úc và Tây tây lan đã gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân Thổ. Chiến dịch dự trù là một cuộc hành quân chớp nhoáng đã kéo dài đến 8 tháng. Cuối năm 1915, các lực lượng đồng minh đành phải rút lui sau khi hai bên đã chịu nhiều tổn thất nặng nề về nhân mạng. Trên tám ngàn binh sĩ Úc đã hy sinh. Tin tức về cuộc đổ bộ xuống Gallipoli đã tác động mạnh trên tâm lý của người dân Úc và 25 tháng Tư hằng năm đã trở thành ngày người Úc tưởng niệm sự hy sinh của những người đã ngã gục trong chiến tranh và trong bất cứ cuộc chiến nào có người Úc tham gia.
Với tôi, sự kiện buổi lễ tưởng niệm được cử hành vào lúc hừng đông là điều đáng suy nghĩ nhứt. Hừng đông ngày 25 tháng 4  năm 1915 là lúc quân đội Úc và Tân tây lan đổ bộ xuống bán đảo Gallipoli. Giây phút tranh tối tranh sáng là thời điểm thuận tiện nhứt để mở cuộc tấn công. Trở về sau Đệ Nhứt Thế chiến, các cựu chiến binh cũng dùng giây phút này để ngồi bên nhau và hồi tưởng lại những kỷ niệm chiến đấu.
Với riêng tôi, hừng đông là giờ phút của tỉnh thức: tỉnh thức để không bao giờ quên công ơn của bao nhiêu người đã hy sinh xương máu cho đất nước; tỉnh thức để luôn nhớ đến chính nghĩa và những lý tưởng cao đẹp khiến cho bao nhiêu người đã hy sinh cho tổ quốc và nhứt là tỉnh thức để đừng bao giờ quên “tội ác” của những người gây ra chiến tranh. Đây là ý tưởng thường đến với tôi mỗi khi dừng lại ở bất kỳ đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong nào trên đất Úc và ngẫm nghĩ về hàng chữ “Lest we forget” (Để chúng ta không quên): không quên sự hy sinh của các chiến sĩ, không quên lý tưởng cao đẹp và không quên “tội ác” của chiến tranh.
Con người dễ quay lại với tội ác, lập lại tội ác bởi vì họ dễ quên tội ác. Có lẽ đây là điều mà các cuộc tưởng niệm về chiến tranh trong lịch sử của nhân loại cũng như trong từng quốc gia muốn nhắc nhở cho hậu thế. Thế giới sẽ không bao giờ quên hai cuộc đại chiến, cuộc sát tế người Do thái do Đức quốc xã chủ xướng và hai trái bom nguyên tử dội xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhựt Bản. Và dĩ nhiên, thế giới cũng sẽ mãi mãi nhớ đến tội ác mà chủ nghĩa cộng sản đã gây ra cho nhân loại trong thế kỷ 20 vừa qua. Dửng dưng trước tội ác là mầm mống dẫn đến tội ác.
Đây là tiếng kêu cảnh tỉnh của những người đã từng sống sót từ cuộc sát tế của Đức quốc xã. Trong số này đáng chú ý nhứt là tiếng kêu của nhà văn Elie Wiesel, một người Do thái trở về từ các trại tập trung của Đức quốc xã trong thời Đệ Nhị Thế chiến. “Thinh lặng và dửng dưng là tội ác lớn nhứt trong các tội ác.” Lời phát biểu này của ông Wiesel là một tóm lược đầy đủ nhứt về cái nhìn của ông về cuộc sống và là sợi chỉ xuyên suốt được nhìn thấy trong các sáng tác của ông. Ông là tác giả của 36 cuốn sách bàn về Do thái giáo, cuộc sát tế người Do thái và trách nhiệm luân lý của tất cả mọi dân tộc phải chống lại hận thù, kỳ thị chủng tộc và diệt chủng.
Chào đời năm 1928 tại một làng nhỏ ở Rumani, ông Wiesel đã trải qua một tuổi thơ tiêu biểu cho nhiều trẻ em Do thái trong thời Đệ Nhị Thế chiến. Năm 1944, toàn bộ gia đình ông bị đầy vào trại tập trung. Trong tác phẩm có tựa đề “Đêm”, ông ghi lại: “Tôi sẽ không bao giờ quên được cái đêm ấy, cái đêm đầu tiên trong trại tập trung đã biến cuộc đời của tôi thành một đêm dài…Tôi sẽ không bao giờ quên được làn khói ấy. Tôi sẽ không bao giờ quên được những gương mặt nhỏ bé của trẻ em, mà tôi thấy thân xác đã biến thành những lọn khói bay lên một bầu trời trong xanh.
Tôi sẽ không bao giờ quên được những làn khói đã vĩnh viễn đốt cháy niềm tin của tôi.
Tôi sẽ không bao giờ quên được sự thinh lặng của đêm tối đã vĩnh viễn cướp đi khát vọng muốn sống của tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên được những giây phút đã giết chết Thiên Chúa của tôi, linh hồn tôi và biến những giấc mơ của tôi thành tro bụi. Tôi sẽ không bao giờ quên những điều đó, ngay cả nếu như tôi có bị kết án phải sống lâu như chính Thiên Chúa. Không bao giờ.”
Từ đó, ông đã dành cả cuộc đời để “tranh đấu” hầu không một ai quên đi những gì đã xảy ra cho người Do thái.
Ông đã từng bị đầy trong nhiều trại tập trung của Đức quốc xã. Tháng Tư 1945, khi các trại tập trung được giải thoát, ông sống vài năm trong một viện mồ côi tại Pháp và sau đó bắt đầu theo học tại Đại học Sorbonne ở Paris. Dưới ảnh hưởng của nhà văn Francois Mauriac, ông đã phá vỡ lời nguyền phải giữ thinh lặng và bắt đầu viết lại kinh nghiệm đã trải qua trong các trại tập trung. Ông được trao tặng giải thưởng Nobel văn chương.  Ông sang Hoa kỳ và được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban của tổng thống về cuộc sát tế người Do thái mà mục đích chính là để giúp cho thế giới nhớ mãi đến tội ác của Đức quốc xã. Nhiệm vụ của Ủy ban này là thiết lập một bảo tàng viện tại Hoa kỳ để tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc sát tế. Một trong những mục đích chính của viện bảo tàng này là bảo vệ tương lai nhân loại tránh khỏi một tội ác khủng khiếp như thế.
Ông giải thích: “Chúng ta hãy tưởng nhớ. Chúng ta hãy tưởng nhớ các vị anh hùng ở Warsaw, các vị tử đạo ở Treblinka, các trẻ em tại Auschwitz. Họ đã chiến đấu một mình. Họ đã đau khổ một mình. Họ đã sống một mình, nhưng họ đã không chết một mình, bởi vì tất cả chúng ta cũng đều chết với họ.” (x. Elie Wiesel, Wikipedia)
Khẩu hiệu “Lest we forget” mà tôi đọc được trên các đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại Úc cũng như lời nhắn nhủ trên đây của ông Elie Wiesel thường vang vọng trong tôi mỗi dạo tháng Tư Đen của người Việt nam trở về. Ngày 30 tháng Tư của người Việt nam cũng chẳng khác gì ngày Anzac của người Úc hay việc tưởng niệm cuộc sát tế người Do thái do Đức quốc xã chủ xướng.
Các chế độ độc tài Cộng sản đã bị Nghị viện của Hội đồng Âu châu chính thức kết án với nghị quyết số 1481 được thông qua ngày 25 tháng Giêng 2006.  Ngày 3 tháng 6 năm 2008, nhiều chính trị gia, tù nhân chính trị và sử gia, trong đó có cựu tổng thống Tiệp ông Vaclav Havel, đã ký tên vào một tuyên ngôn kêu gọi không những lên án mà còn phải giáo dục về tội ác của Cộng sản. Tuyên ngôn có đoạn viết: “Cần phải nhìn nhận những tội ác đã phạm nhân danh chủ nghĩa Cộng sản như những tội ác chống lại nhân loại và như một lời cảnh cáo cho các thế hệ tương lai, cũng như đã từng nhìn nhận tội ác của Đức quốc xã trong Tòa án Nuremberg.”
Trong văn chương cũng như chính trị, đã có quá nhiều tiếng nói lên án những tội ác của các chế độ Cộng sản. Sự hiện diện của người Việt tỵ nạn rải rác trên khắp thế giới cũng là một lời tố cáo hùng hồn về muôn vàn tội ác của chủ nghĩa này. Nhưng riêng ngày 30 tháng Tư là một nhắc nhở thúc bách hơn cả. Nó sẽ mãi mãi là một tiếng gọi da diết để nhớ lại tội ác của chế độ Cộng sản tại Việt nam và một cảnh cáo cho các thế hệ tương lai. Có một ngày như thế để nhớ lại tội ác chứ không phải để hận thù, bởi vì nuôi dưỡng hận thù, xét cho cùng, cũng chính là vô tình đi lại con đường của cái thứ chủ nghĩa mà mình đã nguyền rủa.
Nhớ ngày 30 tháng Tư, tôi không thể không nghĩ đến những người thân còn trong nước. Một trong những điều khiến tôi băn khoăn và lo ngại nhứt cho tương lai của dân tộc đó là thái độ dửng dưng của nhiều người trong nước trước tội ác của chế độ Cộng sản. Mỗi lần tôi mở miệng tố cáo tội ác của chế độ, không ít người thân của tôi lên giọng bênh vực: Được như ngày nay là khá lắm rồi!
Nói chung, đa số người Việt trong nước biết nhìn tới mà không nhìn lui. Tôi không ngạc nhiên tại sao kết quả của một cuộc nghiên cứu do Cơ quan nghiên cứu thị trường BVA của Pháp và viện thăm dò dư luận Gallup thực hiện, đều nói rằng “Việt nam (hiểu là người Việt trong nước) là dân tộc lạc quan nhứt trên trái đất này.” Theo kiểu nói của nhà viết tạp ghi Huy Phương, đây chỉ có thể là thứ “lạc quan tự sướng” hay “lạc quan tếu” mà thôi. Trong một đất nước mà hầu hết mọi thứ tự do căn bản nhứt của con người đều bị chối bỏ và chà đạp, trong một xã hội mà khoảng cách giữa giàu nghèo ngày càng lớn, trong một chế độ mà tham nhũng đang đục khoét mọi giai tầng xã hội, trong một môi trường sống mà mọi giá trị đạo đức đều bị thui chột… lạc quan như thế chỉ có thể đồng nghĩa với “thinh lặng và dửng dưng trước tội ác” mà thôi.
30 tháng Tư không chỉ nhắc nhở tôi về tội ác của chế độ Cộng sản. Nó cũng là một lời mời gọi tôi cảnh tỉnh trước tội ác trong chính bản thân tôi. Bao lâu lương tâm của tôi không còn khả năng thao thức và “cắn rứt”, thì vô tình tôi cũng rơi vào chính cái bẫy mà chủ nghĩa Cộng sản đang giăng ra. Xét cho cùng, đã là người, tôi không thể lẩn tránh khỏi chiều kích “đạo đức” của cuộc sống. Lời tố cáo tội ác mà tôi mạnh mẽ hô hào cũng là một nhắc nhở về những đòi hỏi “đạo đức” trong cuộc sống của tôi. Lest we forget!






Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Thông điệp gởi đến các nhà độc tài



Chu Thập,
14.11.14


Cuộc Họp Thượng Đỉnh khối G20 tại Brisbane, tiểu bang Queensland vào cuối tuần này, xem ra không đáng chú ý cho bằng cuộc so găng giữa Thủ tướng Úc Tony Abbott và Tổng tổng thống Nga Vladimir Putin. Nghe đâu cuộc thượng đài diễn ra trong phòng kín. Thắng thua là chuyện chỉ có hai vị nguyên thủ quốc gia biết mà thôi. Nhưng tôi nắm chắc chiến thắng chỉ có thể thuộc về nhà độc tài Nga mà thôi. Cả thế giới mà còn thua ông, huống chi ông thủ tướng chỉ thích đấu võ mồm của Úc Đại Lợi. Tôi tin chắc là Thủ tướng Abbott phải bị cho đo ván bởi vì ngay cả tạp chí Forbes mà còn chào thua nữa là!
Tôi không ngạc nhiên khi tạp chí Forbes đặt ông Putin vào vị trí thứ nhứt trong danh sách những người có “quyền lực” nhứt năm nay. Đây là lần thứ hai ông Putin được tạp chí Forbes tặng “danh dự” này. Lâu nay, vị trí này luôn thuộc về tổng thống Hoa Kỳ, người nắm trong tay sức mạnh kinh tế và quân sự lớn nhứt thế giới. Tuy nhiên, năm nay có lẽ dân Mỹ không còn muốn dành danh dự ấy cho Tổng thống Barack Obama của mình nữa. Kết quả cuộc bầu cử vào giữa nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Obama cho thấy, trong sự đánh giá của dân chúng Mỹ, nói theo kiểu nói quen thuộc của họ, ông chỉ còn là tổng thống “con vịt què” (lime duck president) khi cả thượng viện lẫn hạ viện và ngay cả đa số ghế thống đốc các tiểu bang đều thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng Hòa. Ông tổng thống “hứa cho nhiều mà chẳng làm được bao nhiêu” này bị dân Mỹ nặng tay trừng phạt hơn cả người tiền nhiệm của ông là Tổng thống George W. Bush, người đã làm cho tài sản quốc gia hao tốn quá nhiều vì hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan.
Năm nay, khi tước quyền của tổng thống Hoa Kỳ và dành cho ông Putin vị trí quyền lực nhứt thế giới, tạp chí Forbes có lẽ cũng muốn đưa ra một thông điệp mà đồ tể Mao Trạch Đông đã từng nhắn gởi với thế giới: quyền lực nằm trong lò thuốc súng! Các chế độ độc tài, nhứt là độc tài cộng sản đã chứng minh điều đó. Ngày nay, tạp chí Forbes cũng muốn cảnh cáo thế giới về thứ quyền lực ấy khi đưa tên tuổi của ông Abou Bakral Al Baghadati, lãnh đạo tự phong của tổ chức Hồi giáo cực đoan “Quốc gia Hồi giáo” vào danh sách 100 người quyền lực nhứt thế giới.
Nhưng trong số các lãnh tụ  đã chứng tỏ quyền lực từ lò thuốc súng, có lẽ Tổng thống Putin là người đáng sợ nhứt trên thế giới hiện nay. Tôi vẫn còn nhớ là sau khi Nga bị các nước Tây Phương cấm vận kinh tế do xâm chiếm Crimea và gây xáo trộn tại Ukraine, ông Putin đã tuyên bố một câu xanh rờn: đừng quên là Nga đang có trong tay vũ khí hạt nhân! Dĩ nhiên, không phải trong tay dân ngu khu đen, mà là trong bàn tay lông lá của ông. Có lẽ nắm trong tay lò thuốc súng ấy, cho nên ông tàng hình và biến hóa trong việc đánh tráo quyền lực như trở bàn tay: hết làm tổng thống, rồi lại làm thủ tướng, hết làm thủ tướng lại trở về làm tổng thống, ông liên tục ra vào sân khấu chính trị Nga với hai vai tuồng chẳng ai có thể thay thế được ấy! Trong nước, ông bóp nghẹt bất cứ tiếng nói đối kháng nào. Bên ngoài, thời buổi này mà ông cứ đưa quân đi xâm chiếm nước người như chỗ không người. Nhưng đáng sợ nhứt vẫn là bàn tay “KGB” mà ông thò ra mãi cho tới các nước Tây Phương.
Không phải là một người Nga, nhưng tôi cũng cảm thấy rùng mình khi đọc báo Time số ra ngày 10 tháng 11 vừa qua. Thông tín viên Simon Shuster của tạp chí này ghi lại trường hợp bị bắt cóc và tra tấn của ông Said-Emin Ibragimov, người đã từng làm bộ trưởng trong chính quyền tự trị Chechnya và hiện đang sống lưu vong tại thành phố Strasbourg, Pháp Quốc, nơi có trụ sở của Nghị Viện Âu Châu. Vào một buổi sáng đầu tháng 8 vừa qua, ông Ibragimov, năm nay 68 tuổi, đang ngồi câu cá bên cạnh một nhánh của dòng sông Rhin. Thình lình có ba người lạ mặt nói rặc giọng Nga xông đến, bịt mắt ông và dẫn đi. Sau đó, cùng với việc đánh đập và tra tấn, những người lạ mặt nói tiếng Nga yêu cầu ông phải chấm dứt việc “bôi nhọ tổng thống của họ”. Dĩ nhiên, tổng thống của họ chỉ có thể là ông Vladimir Putin.
Nói chuyện với thông tín viên của báo Time, ông Ibragimov cho biết ông đã trốn khỏi Chechnya và xin tỵ nạn tại Pháp năm 2001. Ông chọn thành phố Strasbourg làm nơi trú ẩn an toàn vì ngoài trụ sở của Nghị Viện Âu Châu, thành phố này còn có Tòa Ánh Nhân Quyền Âu Châu. Tại đây, chính trị gia người Chechnya này đã thu thập một hồ sơ dầy với rất nhiều bằng chứng về tội ác của Nga trong hai cuộc chiến chống lại phong trào độc lập của người Chechnya. Đặc biệt trong hai năm 1999 và 2000, dưới quyền lãnh đạo của ông Putin, Nga đã dội bom xuống thủ phủ Grozny của Chechnya và sát hại hàng ngàn thường dân vô tội. Liên Hiệp Quốc đã từng gọi Grozny là “thành phố bị hủy hoại nặng nề nhứt trên trái đất”.
Kể từ khi ông Putin ngang nhiên xua quân sang xâm chiếm Crimea của Ukraine, cũng như đứng sau lưng các phong trào đòi độc lập và gây xáo trộn tại Ukraine, các nước Tây Phương không ngạc nhiên về chuyện ông Ibragimov bị những người Nga ở Âu Châu tra tấn và yêu cầu chấm dứt việc “bôi nhọ tổng thống của họ”.
Không riêng Strasbourg, tại những thành phố lớn khác ở Âu Châu như London, Vienna và Berlin, những người bất đồng chính kiến đã trốn chạy chế độ Putin hiện cũng đang bị xách nhiễu, đe dọa và ngay cả sát hại bằng những phương pháp mà người ta nghĩ chỉ có các nhân viên mật vụ FSB, tiền thân “đứt đuôi con nòng nọc” của cơ quan KGB dưới thời Liên Xô, mới nắm vững mà thôi. Điển hình nhứt là vụ Alexander Litvinenko, một cựu nhân viên tình báo Nga, lưu vong tại Anh Quốc và đã bị đầu độc cho đến chết sau khi dám công khai chỉ trích những cuộc tàn sát tập thể của ông Putin. Nằm trên giường bệnh, ông Litvinenko khẳng định rằng chỉ có ông Putin mới là người ra lệnh các nhân viên tình báo FSB dùng chất độc Palonium lén bỏ vào ly trà của ông. Với cái chết của ông Litvinenko, các nước Tây Phương đã có đủ lý do để lo sợ rằng ông Putin, người đã từng là một trung tá KGB cũng như đã từng làm giám đốc cơ quan tình báo Nga FSB trước khi trở thành tổng thống Nga, đã ra lệnh cho các nhân viên tình báo Nga hoạt động tại các nước Âu Châu.
Đây cũng chính là nỗi lo sợ của ông Mikhail Khodorkovsky, một tỷ phú dầu hỏa Nga đã từng bị giam giữ cả chục năm vì tội trốn thuế. Sau khi được trả tự do, ông đã xin tỵ nạn tại Thụy Sĩ và hiện đang mở chiến dịch tố cáo tội ác của ông Putin. Ông cho biết: một khi ông Putin đã quyết định ra tay với ông, ông không thể nào thoát được.
Ông Khodorkovsky sống trong phập phồng lo sợ là phải, bởi vì theo Arnaud Danjean, người đã từng phục vụ trong ngành tình báo quân đội Pháp và hiện đang làm chủ tịch của Tiểu ban về An ninh và Quốc phòng của Nghị viện Âu Châu, “một khi một người đã từng là nhân viên KGB lên làm nguyên thủ quốc gia, thì những chuyện như thế có xảy ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả”. Như thượng nghị sĩ Mỹ  John McCain đã nói “nhìn vào mắt ông Putin, tôi chỉ thấy có ba chữ  KGB” hoặc chính xác hơn như cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cảnh cáo “ông ta đã từng là một nhân viên KGB. Theo định nghĩa, ông không có một linh hồn”, có hành động tàn bạo gian ác nào mà một người như ông Putin không thể làm.
Tạp chí Forbes đã có lý để đặt tên tuổi của ông Putin lên vị trí hàng đầu của những con người quyền lực nhứt thế giới hiện nay. Nắm quyền lực từ lò thuốc súng, những người như ông Putin đang bị cả thế giới khiếp sợ cho nên nghĩ rằng mình sẽ muôn đời ngự trị trên ngai quyền lực của khủng bố ấy. Nói chung, các nhà độc tài hoặc xem thường lịch sử hoặc ngu dốt về bài học lịch sử. Có nhà độc tài nào mà cuối cùng không bị lật đổ, không cuốn gói ra đi trong nhục nhã và có khi còn phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Đây hẳn phải là bài học mà tôi nghĩ rằng một lần nữa việc kỷ niệm sự sụp đổ bức tường ô nhục Berlin muốn nhắc lại. Ngày 9 tháng 11 vừa qua là ngày kỷ niệm lần thứ 25 bức tường do người cộng sản Đông Đức dựng lên này bị người dân nổi lên đạp đổ và mở màn cho sự cáo chung của tất cả các chế độ độc tài cộng sản tại Đông Âu và cuối cùng tại Nga. Hướng dẫn buổi lễ tưởng niệm biến cố này, thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, bà Angela Merkel, người đã từng lớn lên ở Đông Đức, đã nói: “Bức tường Berlin, biểu tượng cụ thể của hành động lạm quyền của quốc gia, đã đặt hàng triệu con người vào những giới hạn không thể chấp nhận được...Họ đã phá vỡ những giới hạn ấy. Không có gì phải ngạc nhiên khi ranh giới được mở ra, dân chúng đã dùng búa, đục để đập đổ cơ cấu hận thù ấy. Chỉ trong một năm, toàn bộ bức tường đã biến mất khỏi bầu trời”.
Nữ thủ tướng Úc nói về bài học của ngày 9 tháng 11 năm 1989: “Chúng ta có thể thay đổi mọi sự một cách tốt đẹp hơn. Đây chính là sứ điệp từ sự sụp đổ của bức tường Berlin”. Nhắn khéo với ông Putin và tất cả những người xây dựng quyền lực trên lò thuốc súng, bà Merkel nói rằng thông điệp của sự sụp đổ của bức tường Berlin có giá trị cho toàn thế giới “cách riêng cho người dân Ukraine, Syria, Iraq và rất nhiều vùng khác trên thế giới là nơi mà tự do và quyền con người bị đe dọa hay bị chà đạp”.
Thủ tướng Merkel khẳng định: “Đây là thông điệp về sự tin tưởng nơi khả năng của chúng ta có thể phá vỡ những bức tường ngày nay và trong tương lại: đó là những bức tường của độc tài, bạo động, ý thức hệ và hận thù...Có phải đây là một giấc mơ giữa ban ngày sẽ xẹp như bong bóng chăng? Không, sự sụp đổ của bức tường Berlin đã cho chúng ta thấy rằng các giấc mơ có thể trở thành sự thật”.
Tôi tin chắc rằng ông Putin đã theo dõi và lắng nghe từng chữ trong bài diễn văn của thủ tướng Merkel.  Không biết có phải do ảnh hưởng của một người cha đã từng là mục sư Tin Lành không, thông điệp của bà Merkel nghe chẳng khác nào của một nhà lãnh đạo tinh thần. Vì nghĩ đến ông Putin cho nên lời của bà Merkel cũng làm cho tôi liên tưởng đến một nhà lãnh đạo tinh thần đứng rất gần với ông trong danh sách của tạp chí Forbes về những người quyền lực nhứt thế giới hiện nay. Người đó là Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo tinh thần của hơn một tỷ người công giáo trên khắp thế giới. Tạp chí Forbes đã xếp nhà lãnh đạo công giáo này vào vị trí thứ 4 trong danh sách những người quyền lực nhứt thế giới. Ngoài số đông tín hữu công giáo, nhà lãnh đạo này chẳng có quân đội, lãnh thổ hay một nền kinh tế hùng mạnh. Khác với những người tiền nhiệm, ngài cũng chẳng tìm cách củng cố những giáo điều truyền thống của Giáo hội công giáo. Ngài được kính trọng, yêu mến vì cuộc sống đơn sơ và nhứt là vì thái độ khoan nhượng, cảm thông của ngài đối với mọi người. Đó chính là sức mạnh của một nhà lãnh đạo tôn giáo. Tôi nghĩ đó cũng là sức mạnh đích thực của con người. Chỉ có một sức mạnh như thế mới thực sự đánh đổ được những bức tường của độc tài, bạo động, ý thức hệ và hận thù như thủ tướng Merkel đã nhắc đến trong bài diễn văn đọc nhân ngày kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin bị đạp đổ.



Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Tổng Sản Luợng Hạnh Phúc



                                                                                   Chu Thập
5/4/11

Với người tỵ nạn, trại tỵ nạn là cửa ngõ của tự do và bất cứ nước nào đón nhận mình cũng là thiên đàng. Tôi đuợc may mắn dừng chân tại thiên đàng Singapore hai tuần lễ trước khi đến Pháp. Thời đó, tất cả những người tỵ nạn tại Galang, Indonesia đều phải qua trại chuyển tiếp ở Singapore để hòan tất những thủ tục cuối cùng trước khi lên máy bay đi định cư tại quê huơng mới.
Singapore quả là thiên đàng đối với tôi. Lênh đênh giữa biển cả, được vớt lên một giàn khoan dầu, tôi thấy như được sống lại từ cõi chết. Thóat khỏi một nhà tù vĩ đại để thấy mình đuợc tự do, dù chỉ là tự do giới hạn trong trại tỵ nạn, tôi thấy chẳng mong gì hơn. Rồi từ một trại tỵ nạn tù túng và thiếu thốn được đưa vô một đất nước thịnh vượng giàu có vào bậc nhứt thế giới, tôi thấy thực sự chóang ngợp. Chỉ cần một ngày được đưa đi thăm thú quốc gia hải đảo Singapore, tôi đã thấy được thực sự thế nào là “độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Nhưng cuộc sống đầy đủ tiện nghi vật chất có thực sự làm cho con nguời hạnh phúc không? Lúc còn sống trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa Việt nam, vật lộn với cuộc sống kham khổ thiếu thốn hằng ngày và nhứt là phải đối đầu hầu như từng giây từng phút với bóng công an chìm nổi khắp mọi nơi, dường như cái đầu lúc nào cũng căng thẳng của tôi không cho phép tôi đặt câu hỏi và suy nghĩ về những điều kiện của hạnh phúc. Suốt ngày, tôi chỉ nghĩ đến cái ăn cái mặc và sự an tòan của bản thân. Hạnh phúc quả là một phạm trù quá xa xỉ đối với tôi lúc đó.
Thế rồi, khi tiếp xúc với những người mà tôi tuởng đang sống trong thiên đàng, tôi mới nhận ra rằng cuộc sống sung túc và các tiện nghi vật chất không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho con người.
Trong những ngày sống tại Singapore, tôi có dịp làm quen với hai vị ân nhân của trại chuyển tiếp. Một người là ông Paul Chin, một doanh nhân giàu có thường xuyên vào trại để tiếp tế và giúp đỡ người tỵ nạn. Có lẽ không người tỵ nạn nào dừng chân tại quốc gia hải đảo này mà không nghe nói đến tên ông. Tôi có dịp gặp lại ông một lần tại Birmingham, Anh Quốc, khi ông đi thăm người con gái đang du học tại nước này. Trong câu chuyện trao đổi, tôi hiểu được rằng với ông tiền của không phải là cứu cánh của cuộc đời. Ông hoạt động từ thiện là để tìm cho cuộc sống một ý nghĩa. Tôi không nhớ rõ năm nào, nhưng khi hay tin ông qua đời, tôi thật sự thấy mất đi một tấm gương vị tha hiếm có.
Vị ân nhân thứ hai của người tỵ nạn tại Singapore, nhứt là các trẻ em vị thành niên không có thân nhân bên cạnh, là một kỹ sư trẻ tên là Tan. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của một chàng thanh niên độc thân, nhân dáng dễ nhìn, cứ mỗi chiều sau khi tan sở, liền lái xe vào trại để chăm sóc các em vị thành niên. Lần nọ, anh chở tôi đi một vòng phố, rồi đưa vào các siêu thị giúp chọn cho tôi một đôi giày để mang lên máy bay. Lúc rời trại Galang để đến Singapore, tôi vẫn mang đôi giép nhựt lẹp xẹp. Tôi vẫn còn nhớ rõ lần đầu tiên được bước trên thang máy, tôi cứ phải đưa chân lên “nhắp” mấy cái rồi mới nhảy lên. Không cần phải hỏi giấy tờ, nguời dân Singapore chắc phải biết ngay tôi là người nước nào. Anh Tan hẳn cũng phải rất cảm thông và kiên nhẫn với những con ngừơi quê mùa như tôi. Riêng tôi lúc nào cũng nhìn người thanh niên giàu lòng từ tâm với tất cả sự cảm phục. Tôi cũng nói với anh rằng người dân Singapore phải là những người rất hạnh phúc. Lúc đó, như để mở đôi mắt còn quá “nai vàng ngơ ngác” của tôi, chàng kỹ sư độ lượng giải thích cho tôi rằng sự giàu có không đương nhiên làm cho người dân Singapore được hạnh phúc đâu. Là một người có thao thức, anh nói rằng đất nước anh chưa thực sự có “tự do”. Vào thời đó, dù là một nước dân chủ, Singapore vẫn được cai trị với bàn tay sắt của ông Lý quang Diệu. Kỷ luật, kỷ luật, kỷ luật: đó là khẩu hiệu hàng đầu mà thủ tướng Lý Quang Diệu đề ra cho đất nước để tiến tới thịnh vượng và an ninh. Tất cả những vi phạm trật tự công cộng, dù nhỏ như vứt một tàn thuốc hay nhổ kẹo cao su ra đất, cũng đều có thể bị phạt nặng. Báo chí không hòan tòan được tự do. Kỹ sư Tan nói rằng anh mong cho đất nước của anh có nhiều tự do hơn và người dân được thực sự tự do suy nghĩ bằng cái đầu của mình.
Tôi hiểu được tâm trạng của người kỹ sư trẻ này. Anh mong một cái gì khác hơn là một địa vị xã hội vững chắc, một cuộc sống an tòan và những tiện nghi vật chất. Anh không nói ra, nhưng tôi tin rằng những hy sinh mỗi ngày mà anh dành cho người tỵ nạn không nhằm một mục đích nào khác hơn là để khỏa lấp khỏang trống trong tâm hồn mà sự giàu sang không thể lấp đầy được.
Tuy không gặp lại kỹ sư Tân từ 30 năm qua, tôi vẫn giữ mãi hình ảnh của một người thanh niên biết hy sinh thời giờ, tiền của và công sức cho những người bất hạnh. Ngày nay, tôi gặp lại anh qua hình ảnh của các thanh niên Nhựt Bản trong trận   động đất và sóng thần vừa qua. Và tôi lại càng xác tín rằng của cải vật chất và cuộc sống tiện nghi không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho con người.
Trong những ngày vừa qua, sau đại họa ngày 11/3/11, Nhựt bản đuợc thế giới nhắc đến với tất cả ngưỡng mộ và cảm phục. Lòng quả cảm, sự cương quyết, tình liên đới, tinh thần kỷ luật, tính lương thiện và hy sinh của người Nhựt được đề cao không ngớt. Nhưng dĩ nhiên, có dân tộc nào tránh khỏi những vết nhơ trong lịch sử. Làm sao quên đựơc những tội ác mà ngừơi Nhựt đã gây ra cho các nứơc Đông Nam Á và cả thế giới trong Đệ nhị thế chiến?  Riêng tôi, nhìn dứơi một góc độ khác, điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhứt về Nhựt Bản là tỷ lệ tự tử tại quốc gia có trình độ văn minh kỹ thuật cao nhứt nhì thế giới này.
Trong ít nhứt một thập niên vừa qua, mỗi năm có trên 30.000 trừơng hợp tự tử tại Nhựt Bản. Như vậy, trung bình cứ 15 phút có một vụ. Năm 2007, một thành viên nội các chính phủ là ông Toshikatsu Matsuoka đã tự tử khi bị điều tra về thâm lạm công quỹ. Cuối năm đó, chính phủ Nhựt đã tung ra một chiến dịch để đương đầu với nạn tự tử tại nước này. Đương kim thủ tướng Nhựt bản, ông Naoto Kan đã không ngừng báo động về tỷ lệ tự tử tại Nhựt; ông xem đây như một chỉ dấu về sự suy thóai xã hội của quốc gia. Ông cho biết mục tiêu chính trị hàng đầu của ông là “phải giảm thiểu sự bất hạnh” trong nước.
Năm 2009, tỷ lệ tự tử tại Nhựt bản gia tăng 2%, nghĩa là trung bình cứ 100.000 ngừời thì có khỏang 26 ngừơi tự tử. Đây là tỷ lệ cao hơn bất cứ quốc gia Âu châu nào. Các thống kê cũng cho thấy tự tử là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của những ngừời đàn ông trong độ tuổi từ 20 đến 44 và đàn bà trong độ tuổi từ 15 đến 34. Nhìn chung, thành phần giới trẻ có tỷ lệ tự tử cao hơn hết.
Nếu trong các nước có truyền thống Do thái- Kitô giáo, tự tử bị xem như một tội trọng, thì tại Nhựt Bản, tự tử lại đựơc xem như một cử chỉ cao đẹp. Ông Shintaro Ishihara, thị trưởng Tokyo đã so sánh cái chết của ông Matsuoka với cái chết của một hiệp sĩ Samurai, bởi vì ông đã tự tử để bảo tồn danh dự. Mới đây, ông Ishihara cũng viết chuyện cho một cuốn phim có tựa đề “Tôi sẽ chết cho bạn” để vinh danh các phi công thuộc đội Thần Phong cảm tử đã hy sinh mạng sống cho tổ quốc trong thời Đệ nhị thế chiến.
Nhưng với những lý do như chính trị, kinh tế, xã hội khiến nhiều ngừơi dân Nhựt tự tử và tự tử một cách dễ dàng, thì dù có được đề cao đến đâu, tự tử vẫn là một thái độ chạy trốn trước cuộc sống. Xét cho cùng, chính vì không hài lòng với cuộc sống mà con người muốn tự kết liễu cuộc sống. Liệu đương kiêm thủ tướng Naoto Kan có thành công trong mục tiêu chính trị hàng đầu của ông là “giảm thiểu nỗi bất hạnh” của dân chúng không?  Tôi cho rằng niềm hạnh phúc của con ngừơi, nhứt là ngừơi dân của những quốc gia thịnh vượng giàu có như Nhựt bản, không tùy thuộc vào sự an tòan và những tiện nghi vật chất. Xét cho cùng vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có ý nghĩa, dù trong hòan cảnh nào, cũng luôn mang lại hạnh phúc cho con ngừơi.
Tôi nghĩ đến điều này khi nhìn thấy thái độ tích cực của giới trẻ Nhựt Bản trong cơn đại nạn vừa qua. Tạp chí Time, số ra ngày 4 tháng Tư vừa qua, đã đề cao những nghĩa cử cao đẹp của giới trẻ nứơc này. Trung tâm giải trí “Saitama Super Arena” tại Tokyo nơi thanh niên thiếu nữ thừơng tụ tập để nghe những buổi trình diễn nhạc Rock, nay đã biến thành một trại tiếp cư. Mỗi ngày, vào lúc 9 giờ 30 phút sáng, khỏang 500 thanh niên thiếu nữ được “may  mắn” có tên trong danh sách những thiện nguyện viên được gởi đến các nơi để phục vụ người tỵ nạn. Khỏang 1500 thanh niên thiếu nữ khác đành phải trở lại vào ngày mai với hy vọng sẽ được đưa vào các đội thiện nguyện viên. Một số khác, nếu không được làm công tác thiện nguyện, thì cũng tìm cách góp phần cách này hay cách khác vào việc giúp đỡ những ngừơi đang gặp khó khăn. Chẳng hạn như Hikaru Tanaka, một thiếu nữ chạy theo thời trang theo đúng nghĩa một “cô gái vật chất”, đã cho biết cắt giảm việc tiêu thụ điện và gởi tiền lên miền Bắc để giúp đỡ các nạn nhân của thiên tai. Cô nói: “Tôi biết đây chỉ là một việc nhỏ, nhưng tôi muốn làm tất cả những gì tôi có thể làm. Bây giờ Nhựt bản có thể “đen tối”, nhưng nếu tất cả chúng ta biết chung sức với nhau, đất nước sẽ sáng sủa trở lại.”  Những ngừơi trẻ âm thầm đóng góp như cô Tanaka hiện nay không phải là ít.
Nhiều ngừơi Nhựt có tuổi cho rằng thiên tai vừa qua là “một quả báo” về chủ nghĩa tiêu thụ quá đáng của xã hội Nhựt Bản, nhứt là đối với giới trẻ hiện nay. Nhưng như ông Toshihiko Hayashi, một giáo sư kinh tế tại trường đại học Doshisha ở Tokyo nói, “thường phải có một cuộc khủng hỏang lớn để làm cho xã hội thay đổi”. Nhựt Bản đã trải qua nhiều tai họa. Trận động đất tại Kanto năm 1923 đã làm thiệt mạng 140.000 người. Thế chiến thứ hai đã làm cho khỏang 3 triệu người chết và nhiều thành phố thành tro bụi. Nhưng cứ sau một tai họa, nước này lại vực dậy và vươn lên cao hơn: cao hơn không chỉ về phát triển kinh tế, mà còn về những giá trị tinh thần làm cho cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống hơn cũng như mang lại hạnh phúc cho con người. Có lẽ trong cơn đại nạn vừa qua, giới trẻ Nhựt Bản đã chợt nhận ra điều đó khi biết hy sinh một phần tiện nghi riêng và quên mình để phục vụ những người bất hạnh.
Tôi nghĩ đến ý niệm “tổng sản lựơng hạnh phúc” (Gross national happiness) mà quốc vương Jigme Singye Wangchuck của Bhutan, một trong những nước nghèo nhứt thế giới, đã đề ra năm 1972. Quốc vương Wangchuck đã phát minh ra cụm từ này để bày tỏ quyết tâm muốn xây dựng một nền kinh tế dựa trên những giá trị tinh thần của Phật giáo, vốn được xem là quốc giáo tại nước này. Dựa trên những lý tưởng của Phật giáo, ý niệm “tổng sản lượng hạnh phúc” muốn khẳng định rằng  sự phát triển tích cực của xã hội lòai ngừơi chỉ có khi sự phát triển vật chất và tinh thần sánh vai bên nhau để bổ túc và củng cố cho nhau. Sức mạnh và phúc lợi của một quốc gia không chỉ được cân đo dựa trên tổng sản lượng quốc gia. Thu nhập đầu người mỗi năm có đến hằng trăm ngàn Mỹ kim đi nữa cũng không đương nhiên là một chỉ số hạnh phúc của người dân nước đó. Để sống xứng với phẩm giá của mình, con người cần có những tiện nghi vật chất tối thiểu. Tuy nhiên, bởi vì con người gồm có thể chất và tinh thần, cho nên một sự phát triển nhân bản tòan diện đòi hỏi phải phát huy những giá trị tinh thần giúp cho con người tìm thấy giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.
Thiên tai, dưới nhiều hình thức khác nhau, không ngừng là một tiếng chuông cảnh tỉnh nhắc nhở con người rằng cuộc sống như hoa sớm nở tối tàn, của cải vất chất và cái đuôi của nó là danh vọng, quyền lực không phải là cứu cánh của cuộc đời. Mọi sự rồi sẽ qua đi như một giấc Nam Kha. Còn lại chăng là những giá trị tinh thần như sự vị tha cảm thông, lòng quảng đại, tinh thần phục vụ, hy sinh quên mình, tâm tình từ bi…bởi vì chỉ những giá trị ấy mới mang lại hạnh phúc đích thực cho con người.



Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Xin Được Làm Người Úc



                                                                                    Chu Thập
22/3/11

Năm 1982, khi vừa đến tỵ nạn tại Pháp, tôi đã tìm đọc cho bằng được cuốn sách có tựa đề “Niềm hạnh phúc được làm người Pháp” (Le Bonheur d’ être Francais) để gọi là hội nhập vào xã hội mới và xin chọn đất nước đã từng là “mẫu quốc” làm quê hương thứ hai. Tác giả của cuốn sách là bà Christine Clerc, một ký giả lão thành của nhựt báo Le Figaro. Trong khi hầu hết những đồng nghiệp của bà chỉ thích làm “tiên tri” để viết về những tai họa và những mảng tối của đất nước, ký giả Clerc lại chú ý đến những điểm sáng trong bức tranh của một đất nước mà vì “Tự do muôn năm” (vive la liberté), người ta chỉ nhìn thấy những thiếu sót, bất cập để rồi từ đó lúc nào cũng “muôn năm bất mãn” và “muôn năm biểu tình”. Có lẽ sợ tôi có thể thất vọng về quê hương thứ hai hay cũng có thể để đề cao một “hằng tính quốc gia”, nhiều người nói với tôi rằng dân Pháp là một dân “bất trị và bất mãn kinh niên”. Mà thật vậy, chỉ sau vài ngày đặt chân đến Pháp, tôi đã được “chào đón” bằng những cuộc biểu tình liên tục. Người ta bảo: Pháp mà không có biểu tình thì không còn là Pháp! Tôi cũng nhận ra cái “đức tính” bất trị của người Pháp: hễ nơi nào có một tấm bảng “cấm” thì người ta lại thêm một chữ “cấm” ở đằng trước chữ “cấm”. Chẳng hạn, nếu như tấm bảng viết: “Cấm xả rác” thì chẳng mấy chốc sẽ biến thành “cấm cấm xả rác”. Dư thêm một chữ “cấm” thì lại là…xả láng!
Với con mắt của một người vừa mới thoát khỏi “thiên đàng cộng sản”, ngoại trừ những cuộc biểu tình và cái cảnh để chó “vô tư” phóng uế ra đường của mấy người dắt chó đi dạo, lúc nào tôi cũng thấy Paris là “kinh thành ánh sáng”. Không khó chứng minh, bước xuống “Metro” (hệ thống xe điện ngầm dưới lòng thành phố Paris và vùng ngoài ô) là đủ để thấy trình độ văn minh của người Pháp. Sự chính xác, thuận tiện và đúng giờ của các chuyến xe lửa quả là một điều đáng thán phục. Nói gì đến xe lửa cao tốc TGV mà nước Pháp là cha đẻ!
Trong câu chuyện trao đổi với một số người bạn Pháp, tôi thường nói rằng chỉ cần đến sống trong các trại tỵ nạn một vài ngày chứ đừng nói đến chuyện xin vào thiên đàng cộng sản ở Việt nam, người Pháp sẽ “hài lòng” với đất nước của mình ngay. Từ đó, tôi chỉ muốn nhắn khéo với họ rằng họ nên cảm thấy “hạnh phúc được làm người Pháp”, bởi vì họ có tất cả để được hạnh phúc.
Ngày nay, khi được làm một công dân Úc, tôi cũng muốn được lập lại với người Úc điều tôi đã nói với người Pháp gần 30 năm trước đây. Quả thật, được làm một công dân Úc là một điều may mắn cho tôi. Hơn “hẳn” đức cha Ngô Quang Kiệt, cựu tổng giám mục Hà nội, người cảm thấy “xấu hổ” khi ra nước ngoài và phải trình cái hộ chiếu “cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam”, tôi lúc nào cũng hãnh diện để chìa cái sổ thông hành Úc đại lợi ra cho bất cứ ai muốn “soi xét”. Làm sao tôi không cảm thấy hạnh phúc được làm công dân Úc, khi được sống trong một đất nước thịnh vượng và thanh bình, trong đó người dân được bình đẳng trong việc thụ hưởng mọi thứ phúc lợi của xã hội?
Nhưng mới đây, tôi lại cảm thấy hãnh diện  để làm công dân Úc hơn khi đọc được số mới nhứt của tạp chí Reader’s Digest ấn bản Úc châu. Thật vậy, trong số ra tháng Tư này, Reader’s Digest cho đăng kết quả của một cuộc thăm dò toàn quốc mới nhứt theo đó người dân Úc rất trân quý và tôn trọng sự tử tế nơi người khác. Tạp chí này khẳng định: “Những hành động tử tế thực sự là cột sống cho cuộc sống hằng ngày tại nước này.”
Cuộc thăm dò cho thấy: cứ 10 người Úc, thì hầu như có đến 9 người nói rằng họ thường xuyên hoặc thỉnh thoảng giúp đỡ người lạ. Và có đến 88% những người được hỏi ý kiến cũng nói rằng họ cảm thấy “cực kỳ” hay “rất” hạnh phúc khi được người khác giúp đỡ lúc họ để rơi một đồ vật hay khi phải vất vả trong khi mua sắm.
Điều đáng chú ý nhứt trong kết quả của cuộc thăm dò là bậc thang giá trị được đại đa số người dân Úc “đồng thanh” nhìn nhận: chẳng hạn có đến 98% người dân Úc khẳng định rằng điều đáng trân quý nhứt nơi một người chính là cách họ cư xử với người khác. Không hơn 21% đề cao sự thành công và địa vị trong xã hội và vỏn vẹn 13% xem sự giàu có là giá trị cao nhứt trong cuộc sống.
Theo tạp chí này, cuộc thăm dò cũng cho thấy rằng sự tử tế có thể thay đổi cuộc sống con người. Sự tử tế của người lạ không những “sưởi ấm” mà còn có thể ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống của người khác. Danh hài kiêm người dẫn chương trình truyền hình Charlie Pickering, được tạp chí Reader’s Digest đăng hình ở trang bìa, kể lại rằng năm học lớp 12, anh đã làm được một nghĩa cử mà dư âm luôn tồn tại trong cuộc đời anh. Một hôm, anh phải về nhà trên một chuyến xe lửa khuya. Tình cờ có một người đàn ông ăn mặc không được sạch sẽ lắm đến xin anh giúp cho một vài đồng lẻ. Không biết vì một lý do nào đó, người học sinh trung học đã vét cạn túi được 3 đồng và trao cho người đàn ông. Bốn năm sau, Charlie Pickering tốt nghiệp đại học. Anh gởi đơn đến một công ty luật. Buổi sáng ngày hẹn phỏng vấn, anh đang đứng chờ xe lửa thì một người đàn ông tiến đến chào anh và cám ơn anh vì đã cho ông 3 đồng cách đó 4 năm. Ông nói rằng 3 đồng bạc đó đã thực sự giúp ông trong cơn túng ngặt. Anh thực tâm không còn nhớ người đàn ông này. Nhưng theo anh, điều này chứng tỏ rằng “một hành động tử tế trong cái thế giới quá nhiều bận rộn này có thể được ghi nhớ và tác động trên người khác.”
Danh hài Pickering nói rằng cuộc “hội ngộ” bất ngờ đó mang lại niềm tin cho anh và giúp anh vượt qua được cuộc phỏng vấn một cách dễ dàng. Anh nói: “Từ đó tôi luôn tìm cách làm bất cứ điều gì tôi cho là đúng và giúp đỡ người khác mỗi khi có thể.”
Bất cứ một nghĩa cử nào cũng để lại một dấu ấn hay âm hưởng nào đó đối với người khác. Theo cuộc thăm dò được tạp chí Reader’s Digest ghi lại, cứ 3 người thì hết 2 người Úc nói rằng cuộc sống của họ sẽ tệ hơn nếu họ không nhận được lòng tử tế, sự nâng đỡ và khuyến khích của người khác.
Cách đây vài hôm, sau một buổi đi bộ dọc theo một con đường biển nơi chúng tôi đang ở, nhà tôi mang về một chục trứng gà loại “free range” (gà thả rong) kèm theo một nụ cười rạng rỡ. Nhà tôi giải thích rằng đây là “quà” của một người lạ. Bị tôi tra gạn mãi, nhà tôi nói rằng trong lúc đi dạo có tình cờ dừng lại trầm trồ mấy trái bí bụ bẫm mọc lổn ngổn trên bãi cỏ với một người đàn bà đang chăm sóc vườn rau. Chỉ có vậy thôi mà người đàn bà không hề quen biết đã tỏ ra cảm động và tặng quà cho nhà tôi.
Nhà tôi vui. Tôi cũng vui. Cử chỉ tử tế nào cũng tạo được một “chấn động” nơi người khác. Người ta không để ý đến những “chấn động” ấy là bởi vì bị “điều kiện hóa” bởi các phương tiện truyền thông. Tin tức đối với các phương tiện truyền thông ngày nay thường là tin “dữ” hơn là tin “vui”. Tựa đề các bản tin hàng ngày trên báo chí thường không phải là những cử chỉ tử tế diễn ra hầu như mỗi ngày và khắp nơi, mà là những vụ cướp bóc, đâm chém, hãm hiếp hay lọc lừa. Người ta chỉ chú ý đến tiếng động ầm ầm của vài ba cây rừng ngã đổ, mà không chịu lắng nghe tiếng thì thầm của vô số chồi non đang mọc. Có ai ngờ rằng có trên 97% người Úc nói rằng họ thích làm những cử chỉ tử tế chỉ vì muốn được là người tử tế.
Điều khiến tôi suy nghĩ hơn là trong cuộc thăm dò, chỉ có một trong năm người Úc nói rằng họ làm nghĩa cử vì động lực tôn giáo hay đạo đức. Úc đại lợi vốn bị xếp vào hạng những nước bị “tục hóa” và “khô đạo” nhứt thế giới. Nhưng chắc chắc “cái linh hồn” của đất nước này vẫn còn đó bao lâu lòng tử tế vẫn là mẫu số chung liên kết mọi người lại với nhau. Bên kia lằn ranh của các tôn giáo, bên kia bức tường ngăn cách giữa tín đồ và người vô thần, vẫn còn có một cái Đạo trong đó mọi người đều có thể nhận ra nhau như “đồng đạo”. Theo tôi, nếu có một thứ Đạo có thể qui tụ mọi người lại với nhau và bên nhau thì Đạo ấy phải là “Đạo Tử tế”. Và như báo Reader’s Digest kết luận: “Sự tử tế tự nó đã là một phần thưởng.”
Tôn giáo nào cũng hướng con người đến cuộc sống mai hậu. Tôn giáo nào cũng nói đến thưởng phạt ở đời sau. Đại loại: Ăn ở ngay lành thì được vào Thiên Đàng; sống bất nhân ác đức thì sẽ bị trầm luân trong Hỏa ngục. Dĩ nhiên, chẳng ai mường tượng được cái Thiên Đàng hay Hỏa ngục ấy như thế nào và cũng chẳng có ai từ cõi chết trở về dương thế để nói cho người còn sống biết cái phần thưởng hay sự trừng phạt ấy như thế nào.
Là một người có tôn giáo, tôi tin có cuộc sống mai hậu. Nhưng tôi cũng tin rằng không cần phải chờ đến khi nhắm mắt lìa đời mới biết được Thiên Đàng hay Hỏa ngục. Những người cộng sản đã từng “khởi công” xây dựng thiên đàng ngay trên trần gian này. Không biết bao giờ thiên đàng ấy mới đến. Nhưng ít ra, những ai đã từng sống trong các chế độ cộng sản đều đã hơn một lần “nếm mùi” hỏa ngục trần gian.
Tôi vẫn thích câu chuyện mà ai đó đã tưởng tượng ra để nói lên sự khác biệt giữa Thiên Đàng và Hỏa ngục. Một ký giả nọ xin được làm một vòng viếng thăm Hỏa ngục và Thiên Đàng để có thể làm một bài phóng sự thật sự giựt gân. Ông liền được cho đi tham quan Hỏa ngục. Tại đây, người ký giả đã thực sự bị choáng ngợp về sự giàu sang. Chẳng có bút mực nào có thể tả được sự giàu sang của các cư dân đang sống trong hỏa ngục. Nhưng thu hút sự chú ý của người ký giả nhiều nhứt là cái phòng ăn sang trọng trong hỏa ngục. Ngoài sơn hào hải vị của trần gian, hỏa ngục lại có những của ngon vật lạ “đặc sản” khác. Chỉ có điều: thực khách nào cũng ốm o gầy mòn buồn bã và tức tối, bởi vì ai cũng phải cầm một đôi đũa thật dài đến độ không thể gắp thức ăn để đưa vào miệng mình được.
Người ký giả lại được đưa vào Thiên Đàng. Cũng vẫn cái cảnh giàu sang ấy và cũng vẫn cái phòng ăn sang trọng với những đôi đũa dài quá khổ ấy. Giữa hai nơi chỉ có một điều khác biệt duy nhứt: trong phòng ăn của Thiên Đàng, thay vì dùng đôi đũa dài để gắp thức ăn đưa vào miệng mình thì các thực khách lại dùng nó để đưa thức ăn vào miệng người khác. Mọi người đều nói cười rộn rã bởi vì ai cũng gắp thức ăn cho người khác và ai cũng được người khác tiếp thức ăn cho mình.
Nếu trong cuộc sống mai hậu có một Hỏa ngục thì tôi nghĩ rằng Hỏa ngục ấy chính là sự nối dài của lòng ích kỷ nơi dương thế. Ở đâu con người chỉ biết sống cho mình thì ở đó có hỏa ngục. Trái lại, ở đâu con người biết sống cho người khác thì ở đó chính là thiên đàng.
“Sự tử tế tự nó đã là một phần thưởng.” Thật vậy, sự tử tế hay tình yêu nói chung tự nó luôn vô vị lợi. Một hành động tốt được thực hiện với tính toán hơn thiệt theo kiểu “cục đất ném đi hòn chì ném lại” không được xem là một nghĩa cử. Khi tính toán như vậy người ta không còn “vô tư” ném cục đất đi nữa. “Hòn chì” mà không được ném lại thì chỉ tổ thêm bực bội và thù ghét.  Phần thưởng dành cho một hành động tử tế không phải là sự đáp trả hay lòng biết ơn của người được giúp đỡ, mà chính là niềm hạnh phúc khi được sống tử tế. Theo tạp chí Reader’s Digest, đây chính là niềm hạnh phúc của đa số người Úc, bởi vì cứ 10 người tham gia cuộc thăm dò về lòng tử tế, gần như chỉ có một người nói rằng họ muốn tỏ ra “tử tế” để gây ấn tượng nơi người khác.
Được sống trong một đất nước trong đó 90% dân số cảm thấy hạnh phúc khi sống tử tế chỉ vì muốn sống tử tế chứ không vì một động lực nào khác, làm sao tôi không cảm thấy hạnh phúc?
“Xin được làm một người Úc” biết sống tử tế để, nếu không một cách vô vị lợi, thì ít nhứt cũng để đền đáp tấm lòng tử tế của một dân tộc đã giang rộng tay đón tiếp và cưu mang mình vậy!