Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Hành trình về tuổi thơ


Chu Thập
24.10.14


Gần đây, tôi thường đến thăm gia đình một người bạn. Gặp nhau là để hàn huyên, chia sẻ những vui buồn và khắc khoải mà ở vào giai đoạn nào trong cuộc sống ai cũng có lúc phải trải qua. Nhưng với riêng tôi, động lực thúc đẩy tôi hăm hở tìm đến gia đình người bạn chính là cô cháu ngoại một tuổi đang được bà ngoại trông coi. Niềm vui của tôi sẽ không trọn vẹn nếu một lần viếng thăm gia đình người bạn mà không được gặp lại cô bé một tuổi ấy. Tôi vẫn gọi cháu là công chúa. Thật ra phải gọi cháu là thiên thần mới đúng. Tôi không biết 72 cô trinh nữ được hứa hẹn cho các thánh tử đạo Hồi giáo đẹp cỡ nào. Tôi cũng chưa từng thấy một thiên thần bằng da bằng thịt nào. Cùng lắm, trong các nhà thờ ở các nước Tây Phương, người ta thường cho các thiên thần trẻ con da trắng có cánh bay lượn trên vòm. Nhưng với tôi, đã là trẻ thơ thì bất luận thuộc màu da nào, bất luận lành lặn hay đui mù sứt mẻ, đứa trẻ nào cũng đều là thiên thần cả. Trẻ thơ là thiên thần bởi vì trẻ thơ đẹp từ trong ra ngoài.
Tôi thường có ý nghĩ ấy mỗi lần ngồi nhìn ngắm cô cháu ngoại của gia đình người bạn. Cử chỉ và động tác nào của cháu, kể cả tiếng khóc, cũng đẹp. Văn hào Victor Hugo của Pháp (1802-1885) hẳn đã trải qua vô số giây phút ngồi ngắm say sưa trẻ thơ mới cảm nghiệm được rằng không gì buồn thảm cho bằng một gia đình không có tiếng cười và tiếng khóc của trẻ thơ. Tôi hiểu được tại sao tôi thèm thứ âm thanh kỳ diệu ấy. Nhưng đẹp nhứt có lẽ là lúc thiên thần của tôi ngồi xem phim hoạt hình trên truyền hình. Đôi mắt thiên thần linh động theo từng diễn tiến trong phim. Có lúc thiên thần “bình luận” bằng một giọng nói mà có lẽ chỉ có Đức Chúa Trời mới hiểu được. Có lúc thiên thần lại cười nắc nẻ như thể ngộ ra được một chân lý nào đó. Tôi tin chắc rằng thiên thần của tôi cũng có những cảm xúc vui buồn được diễn tả một cách sống động qua ánh mắt. Đây là điều mà chính tôi cảm nhận được mỗi khi từ giã để ra về: thiên thần nhìn theo với ánh mắt mà tôi chỉ có thể nói là “bịn rịn” hoặc một cảm xúc thật sâu xa hoàn toàn vượt qua mọi cố gắng diễn tả bằng ngôn ngữ của tôi. Có lẽ văn hào Victor Hugo đã diễn tả được điều đó khi ông viết trong bài thơ “Trẻ thơ” (L’enfant): “Tất cả bầu trời thăm thẳm nằm trong con mắt ấy” (toute la profondeur du ciel est dans cet oeil). Có lẽ ánh mắt thiên thần ấy cứ dõi theo tôi, thúc bách tôi trở lại thăm gia đình người bạn và tìm về tuổi thơ của mình.
Tôi vẫn luôn tự hào rằng mình có một tuổi thơ đẹp. Đẹp vì chẳng ăn nhập gì với sự giàu sang và cuộc sống đầy tiện nghi vật chất như trẻ thơ ngày nay đang hưởng thụ một cách thừa mứa. Tuổi thơ của tôi đẹp vì không những không ngập ngụa trong giàu sang phú quý, mà cũng chẳng bị vẩn đục vì bất cứ một ý thức hệ nào. Tuổi thơ của tôi đẹp đến độ ở bất cứ giai đoạn trưởng thành nào trong cuộc sống và nhứt là ngày nay khi đã “luống tuổi”, lúc nào tôi cũng ngoái cổ nhìn lại. Mà có riêng gì tôi đâu. Có tác giả viết hồi ký nào mà không dành một phần quan trọng trong tác phẩm của mình để viết và nhớ về tuổi thơ?
Cụ Trần Đĩnh, tác giả của quyển hồi ký “Đèn Cù”, không nằm ở ngoại lệ. Chương nào trong cuốn sách của cụ cũng đều đáng đọc. Người viết tạp ghi Huy Phương của báo Người Việt đặc biệt chú ý đến chương cụ Trần Đĩnh viết về ngày “giải phóng”. Theo tác giả Huy Phương, chỉ cần đọc chương này cũng đủ để biết về con người đã từng viết hồi ký cho không biết bao nhiêu nhân vật cộng sản nổi tiếng ngoài Bắc, kể cả ông Hồ Chí Minh. Nhưng với tôi, chương cụ Trần Đĩnh dành cho tuổi thơ của cụ cũng có ý nghĩa không kém.
Theo cụ “nguồn sức mạnh phi thường của ta thường đẻ ra trong đơn độc, những điều ta đơn độc trải một mình từ rất sớm và bị lấp vùi nhưng rồi thình lình từ trong vô thức mù mờ bỗng chớp nhoáng nhoi lên làm vị cố vấn ẩn mặt”. “Từ rất sớm” là lúc ngay cả chưa có trí khôn. Cụ kể lại rằng năm lên 4 tuổi, cụ được bà nội bế đi xem hội đình chiến vào ngày 11 tháng 11 với nhiều trò chơi như nhảy bị, bịt mắt bắt vịt, leo cột mỡ. Nhưng dọc đường cậu bé 4 tuổi cảm thấy đau bụng, “đòi ị”. Thế là bà nội liền dắt cậu bé đến một bờ sông, rồi dùng váy của bà để che chắn cho cậu được kín đáo giải quyết vấn đề. Không có giấy vệ sinh, bà liền “vén vạt chiếc áo kép lên, xé một mẩu lót màu xanh nhạt có những bông hoa to mờ để chùi” cho cậu. Cụ ghi lại phản ứng của mình: “Tôi đòi về ngay sau đó. Trước hết để bà đỡ bận vì tôi, sau để bù vào chỗ hụt trên áo bà. Cùng lúc, vô thức tôi chắc đã lờ mờ ghi lại rằng từ nay các cuộc vui không phải là chỗ của tôi”.
4 tuổi đã cảm nhận được tấm lòng hy sinh của người khác và chấp nhận hy sinh để không làm phiền người khác, 7 hay 8 tuổi, cụ Trần Đĩnh lại tiến thêm một bước nữa trong sự hình thành nhân cách khi biết thế nào là hối hận. Số là có một người chú họ từ dưới quê lên Hà Nội nhờ cậu bé dẫn đến Sở mộ phu đi làm việc ở Tân thế giới. Người chú cho một xu và dặn chớ nói với ai rằng chú đi đâu. Vài ngày sau, bố chú ở quê lên, khóc thảm thiết vì mất con. Cậu bé 7, 8 tuổi cảm thấy hối hận vì đã góp phần vào sự ra đi của ông chú họ. Cụ viết: “Tuổi thơ không thích đen tối...”
Chừng hai năm sau, tức lúc cụ được 9 tuổi, lại xảy ra một chuyện mà cụ cứ cam kết giữ kín cho đến ngày nay. Theo cụ kể, một buổi tối nọ, trong khi chơi trò cút bắt trên vỉa hè, cụ bị một cô gái 12 tuổi kéo vào một góc buồng và bày trò chơi thám hiểm trên thân thể cô. Cụ kể: “Tôi vừa sợ vừa thích vừa xấu hổ vừa tò mò muốn tìm tới nữa”, nhưng rồi dừng lại và bỏ chạy...và “giữ kín cho tới bây giờ”.
Tác giả “Đèn Cù” viết về những giây phút ấy như sau: “Những ánh lửa nhỏ bé lụn vụn như thế thường ẩn kín ở một nơi sâu thẳm nào rồi tình cờ một hôm, chúng, những ngọn đèn tiền trạm khiêm nhường, vụt thắp lên cho ta nhận ra chỗ đặt chân. Chỗ là gồm cả đúng lẫn sai”. Tựu trung, với cụ Trần Đĩnh, lương tâm của cụ đã thức dậy ngay “từ rất sớm” và đã hướng dẫn hay đúng hơn dõi bước theo cụ trong sự chọn lựa sai lầm khi chạy theo chủ nghĩa cộng sản. Chính lương tâm đã thức dậy ngay từ tuổi thơ ấy đã giúp cụ nhận ra được bộ mặt dối trá, tàn bạo và độc ác của ý thức hệ cộng sản như được Mao Trạch Đông và những người mà cụ gọi là “Mao nhều” tuyên xưng và áp dụng.
Đề cao lương tâm, cụ Trần Đĩnh đã tỏ ra rất chân thành khi ca ngợi một đảng viên gạo cội là ông Nguyễn Trung Thành. Như chính nhà báo Bùi Tín, người đã từng ở trong lòng Đảng, xác nhận, Nguyễn Trung Thành là “nhân vật nắm trọn hồ sơ của 36 người dính vào vụ án “Xét lại chống Đảng” hồi thập niên 1960. Năm 1990, sau khi về hưu, đọc lại toàn bộ hồ sơ của các vụ án, ông mới nhận ra sự sai lầm của bản thân, vì đã mù quáng a dua theo định kiến của cấp trên là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Ông liền viết thư gởi cho Tổng bí thư Đỗ Mười để vạch ra những sai lầm trong vụ án. Hành động này đã dẫn đến những trù dập dã man mà cá nhân ông phải gánh chịu. Ông tâm sự với cụ Trần Đĩnh rằng vì lương tâm ông đã sẵn sàng đánh đổi tất cả, kể cả bị khai trừ ra khỏi đảng, bị trả thù cay độc, bị tước mọi lời khen thưởng, bị ngưng hưu bổng và sống trong cô đơn cho đến ngày nay.
Lương tâm chính là nguồn sức mạnh của con người. Một tỉnh ủy viên Hải Dương đã có nhận xét rất chính xác về sức mạnh của cụ Trần Đĩnh khi ông nói: “Qua ông, tôi thấy ra rằng khi ta không sợ thì người sợ ta”. Tôi nghĩ đến sức mạnh của người thanh niên ốm o mảnh khảnh người HongKong tên là Joshua Wong Chi Fong (Hoàng Chí Phong). Người sinh viên vừa mừng sinh nhựt 18 này đã làm rung chuyển cả thế giới. Người khổng lồ Goliat chỉ biết có sức mạnh từ lò thuốc súng hẳn đã lo sợ trước sức mạnh của “David” nhỏ bé này. Sức mạnh mà người thanh niên Hoàng Chí Phong đã có được hẳn phải xuất phát từ một lương tâm trong sạch, ngay lành đã được nhào nặn ngay từ tuổi thơ. Một chi tiết nhỏ trong “tiểu sử” của người thanh niên này cho biết: năm lên 6, 7 tuổi, anh thường được cha là một tín hữu Kitô đưa đi thăm những người nghèo khổ, thiếu ăn, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Có lẽ cũng như cụ Trần Đĩnh là người ngay từ thuở bé đã được cha dẫn giải về chủ trương tranh đấu bất bạo động của Mahatma Gandhi, chỉ mới 6,7 tuổi, người thanh niên lãnh đạo cuộc tranh đấu cho dân chủ và tự do này hẳn cũng đã trang bị cho mình một sức mạnh đủ để anh dám đứng lên hô hào và tổ chức cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Cuộc sống của tôi chưa có đủ bề dày như cụ Trần Đĩnh để viết hồi ký và ghi lại “những ánh lửa lụn vụn nhỏ bé” của tuổi thơ. Tôi cũng chẳng có đủ sức mạnh của người thanh niên Hoàng Chí Phong mà chắc chắn lương tâm được nhào nặn ngay từ tuổi thơ đã hướng dẫn vào cuộc chiến đấu dũng cảm. Nhưng tôi cũng đã có một tuổi thơ đẹp và tuổi thơ ấy đã hình thành nên con người ngày nay của tôi. Đẹp không phải vì tôi đã được cha mẹ dạy dỗ uốn nắn cho nên người tử tế ngay từ thuở bé, mà vì tuổi thơ đã ghi khắc vào tâm trí tôi những giá trị cao đẹp nhứt của cuộc sống. Ở tuổi thơ, tôi đã từng biết khóc. Nhưng tôi cười nhiều hơn khóc. Ngày nay, mỗi khi nhìn các trẻ thơ trong các trại tỵ nạn trên khắp thế giới, tôi cũng nhận ra nụ cười ấy. Người lớn lo toan vì bao nhiêu khó khăn hay bế tắc của cuộc sống. Trẻ em thì trái lại, trong hoàn cảnh nào cũng có thể vui chơi và cười đùa. Người lớn có thể bị căng thẳng vì bao nhiêu vấn đề và sức ép của cuộc sống. Trẻ em thì trái lại vẫn có thể lướt qua những tiểu tiết trong cuộc sống để chỉ tập trung vào giây phút hiện tại và đeo đuổi một mục đích duy nhứt là vui sống. Ngoài ra, một trong những bài học hữu ích mà người lớn cần học hỏi nơi trẻ em là dễ dàng kết bạn. Trẻ con không biết kỳ thị chủng tộc hay bất cứ vì lý do nào. Trẻ con không thích tạo ra rào cản giữa người với người và cũng chẳng màng đến chuyện người ta nghĩ gì về mình. Với trẻ con chi có một điều quan trọng là thiết lập quan hệ với người khác để vui chơi. Trong thế giới của trẻ thơ không hề có chiến tranh, ngoại trừ khi người lớn can thiệp vào để đầu độc chúng.
Nhưng quan trọng hơn cả, trẻ em dạy cho tôi luôn biết ngạc nhiên và ngây ngất trước cuộc sống. Tôi tin rằng con người sẽ vui vẻ, lạc quan và yêu đời hơn nếu nhìn vào cuộc sống bằng ánh mắt của trẻ thơ để không ngừng thắc mắc và khám phá.
Mục đích của cuộc sống, xét cho cùng, có khi không phải là lớn lên với những lo toan và đau buồn, mà chính là hành trình trở về tuổi thơ để sống hồn nhiên và an lạc. Đó là ý tưởng mà cô cháu ngoại một tuổi trong gia đình bạn tôi thường gợi lên cho tôi.





Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Tính Bản Thiện


Chu Thập
22/2/11

Mỗi tuần tôi đi câu cá không dưới 3 lần. Xem ra càng thêm tuổi thì nhịp điệu câu cá của tôi càng tăng tốc. Bao nhiêu thứ ghiền vướng phải trong cuộc đời, tôi đều có thể rũ bỏ được. Chỉ duy có câu cá là tôi chịu. Tôi cũng đã năm ba lần thử đi “kéo máy”. Nhưng rốt cục, tôi vẫn thấy “kéo máy” không bằng “kéo câu”.
Ngày xưa, các bậc “thức giả” thường đi câu để chờ thời. Tôi thấy mình chẳng còn “thời” để mà chờ nữa. Tôi đi câu với một mục đích rất thiết thực là kiếm cá để ăn. Nhứt là thời gian gần đây, đọc báo thấy trên sông Parramatta và trong toàn vịnh Sydney cá mắm đều bị nhiễm thủy ngân, tôi lại càng đâm ra nghi ngờ về các loại thủy sản bán trong các chợ cá. Thành ra động lực thúc đẩy tôi vác cần đi kiếm cá lại càng được củng cố hơn.
Nhưng dĩ nhiên, ngoài chuyện kiếm cá để gọi là “cải thiện” các bữa ăn, tôi cũng nhắm đến nhiều mục đích khác. Với tôi chẳng có môn giải trí nào giúp thư giãn cho bằng câu cá. Câu cá không những giúp tôi rèn luyện sự kiên nhẫn, mà cũng là thời gian lý tưởng để tôi suy nghĩ, đào bới nhiều vấn đề. Tôi luôn thấy cái cảnh một mình “ta với ta” giữa trời đất mênh mông, bốn bề sông nước giúp cho tư tưởng dễ phóng khoáng hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, đối với tôi, đi câu là để gặp gỡ và “giao lưu”. Bãi câu là nơi tôi có thể tiếp xúc được với đủ mọi hạng người, trí thức, dân giả, giàu sang, bụi đời, người lớn, trẻ con, người tử tế cũng như kẻ “mất dạy”.
Tôi đã gặp được rất nhiều người tử tế trên bãi câu. Người được tôi trân quý nhứt là một ông già gốc Ý. Cử chỉ tử tế mà ông dành cho tôi lẽ ra phải được tôi ghi lại và gởi đến tạp chí Reader’s Digest để đăng trong mục “Lòng Tử tế từ Người Xa lạ” mới phải. Lần đầu tiên tôi thực sự cảm động là khi tôi kéo được một con ghẹ lớn. Tôi thường không mang theo vợt. Hôm đó, thấy tôi vất vả chiến đấu mà không thể đưa con ghẹ lên bờ, ông già người Ý mà tôi chưa từng quen biết đã quăng cần và vác vợt chạy đến để “cứu bồ”. Chúng tôi trở thành “bạn câu” từ giây phút đó. Lần khác, tôi đang loay hoay mà không sao kéo được con “long tom” (loại cá kìm) lên, ông cũng chạy đến tiếp cứu. Từ đó, ông thường chia sẻ cho tôi kinh nghiệm câu cá. Ông cho tôi biết chỗ nào có cá hanh, chỗ nào có cá chai và phải làm thế nào để câu được cá sủ. Thật ra, tôi không tiếp thu cái kinh nghiệm câu cá của ông cho bằng tấm lòng thành thật và quảng đại của ông.
Những người bạn tốt như ông già Ý này quả không thiếu trên bãi câu. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng gặp những bản mặt mà tôi cứ phải đối xử bằng câu châm ngôn “tránh voi chẳng hổ mặt nào”. Khó quên nhứt là một cặp vợ chồng người Úc chính hiệu mà tôi mới gặp từ vài tháng nay. Người chồng vừa bắt đầu nghỉ hưu trong khi bà vợ vẫn còn làm chủ một tiệm cắt tóc. Họ ghiền câu đến độ có mặt ở một bãi câu quen thuộc hầu như mỗi ngày. Nhưng nhìn cách quăng câu của họ thì tôi đoán họ không phải là “dân câu” thứ thiệt. Lần nọ, sau một mẻ cá lớn, tôi chỉ cho họ cái chỗ đắc ý nhứt của tôi. Tôi nghe nói rằng những tay câu chuyên nghiệp thường giữ một số bí mật nhà nghề, nhứt là không bao giờ hé răng cho người khác biết chỗ nào có nhiều cá. Tôi cũng nghe kể có một người nào đó, hễ thấy người khác giựt được cá, liền đến bên cạnh và nói một câu nghe “dễ xa nhau”  như “cho xin một con”. Xin một con cá thì chẳng có vấn đề gì, nhưng cứ bám sát bên cạnh mình khiến cho giây câu dính vào nhau, nhằm lúc cá đang ăn thì phiền không chịu được.
Vốn là dân “nghiệp dư” cho nên có bao nhiêu “bí mật nhà nghề”, tôi đều vui vẻ tuôn ra cả. Tôi cảm thấy vui khi chỉ cho cặp vợ chồng Úc nói trên cái chỗ “bí mật” của tôi vì thấy họ cứ về tay không. Thế là từ đó, mỗi lần ra bãi câu, hai vợ chồng này luôn bám trụ ở đó. Ai đến và đứng trước thì ưu tiên. Đó là nguyên tắc nền tảng mà tôi luôn tôn trọng. Thế nhưng mặc cho tôi có đến trước, hai ông bà này vẫn cứ xem như tôi không có mặt trên đời này; họ xen vào giữa, ông đứng một bên, bà đứng một bên và “pháo kích” tứ tung cho đến khi tôi không nhúc nhích được nữa và phải bỏ đi nơi khác. Về sau, cứ thấy hai vợ chồng này là tôi đành phải ca bài “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” vậy.
Cũng may, “chỗ làm ăn” của tôi không đến nỗi “đô hội” như Windang ở Wollongong hay The Entrance ở Central Coast là những nơi mà tôi thỉnh thoảng nghe nói đến những cuộc đụng độ giữa các sắc dân hay giữa người câu cá với các nhân viên sở quản lý ngư nghiệp. Đi câu để giải sầu giải trí mà để vướng vào những chuyện nhức đầu như thế thì thật là đáng tiếc!
Nhưng có những điều đáng tiếc mà có khi mình không lường và cũng chẳng tránh được. Đó là trường hợp mới xảy ra cho tôi hồi tuần trước. Vừa ra bãi câu, lúc đó cũng đã 5,6 giờ chiều, tôi gặp 3 chú nhóc con tuổi từ 10 đến 12  đáng bơi bì bõm trong một cái hồ nước mặn bên cạnh. Đã từng là một thằng nhãi ranh chuyên chọc phá người khác cho nên tôi không cảm thấy bị 3 chú nhóc làm phiền. Nhưng linh tính báo cho tôi biết là tôi đang gặp thứ “dữ”. Mà quả đúng như vậy. Chỉ vài phút sau, một chiếc phà chở khách đi ngang chỗ tôi đang câu. Người tài công cho phà dừng lại và rút cái máy điện thoại cầm tay ra thu hình ba chú nhóc, kèm với lời đe dọa: “Tao sẽ truy tố tụi bay”. Hẳn phải có “sự cố” trầm trọng lắm khiến người tài công mới có thái độ giận dữ như thế. Dù vậy, tôi vẫn còn nhìn chúng nó với con mắt đầy thiện cảm. Một lúc sau, chúng bắt đầu nấn ná đến gần tôi và gạ gẫm mượn một cần câu để gọi là “trổ tài”. Thằng lớn nhứt khoe rằng nó đã từng câu được một con cá chai bự. Nghĩ rằng mang lại một niềm vui cho người khác thì cũng chẳng mất mát gì, cho nên tôi đã không ngần ngại “giao trứng cho ác”. Thế là ba chú nhóc mang chiếc cần của tôi đi chỗ khác quăng lung tung, không phải để câu mà có lẽ để “chọc giận” tôi. Sau khi đã “xài xể” cái cần câu cưng của tôi, chúng trở lại gần chỗ tôi và bắt đầu giở đủ mọi trò tinh quái. Ngày xưa, tôi cũng tinh nghịch và ranh mãnh, nhưng cái cường độ “gian ác” của tôi chẳng tới đâu so với mấy chú nhóc này. Chúng còn định chôm mấy con cái hanh tôi vừa câu được. Bị tôi phát giác, thằng nhóc nhỏ nhứt liền giở giọng “ông cho mượn con cá hanh lớn nhứt để tui mang vào một tiệm ăn bên cạnh khoe với mẹ”. Biết tôi đi guốc trong bụng, ba thằng nhóc liền tấn công tôi bằng mọi cách. Tôi biết mình thừa sức để ăn thua đủ với chúng, nhưng thấy không có lợi, tôi đành xuống giọng để giảng bài “quốc văn giáo khoa thư”. Đại khái, tôi nói: “Tao đã đối xử với chúng mày như những người bạn. Tại sao chúng mày lại đáp trả tệ bạc như vậy?” Không ngờ lời phân trần của tôi lại có sức đánh động những tâm hồn mà có lúc tôi nghĩ chẳng còn chút “lương thiện” nào. Thằng nhóc đầu đàn xem ra biết điều. Nó giả lả và chỉ cho tôi cách thắt chặt tình bạn của người Úc. Tôi làm theo và coi như đã “ký kết” tình thân hữu với ba thằng ôn con.
Mấy ngày gần đây, tôi chưa gặp lại chúng. Nhưng trong tôi cứ canh cánh một suy nghĩ: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tôi tin rằng ở trong đáy thẳm tâm hồn của bất cứ con người nào cũng có tấm lòng nhân, sự thiện hảo và tử tế. Không có ai tự bản chất là xấu xa; không có ai sinh ra là “ác quỷ”. Tuy nhiên, con người khác với cầm thú. Thú vật được huấn luyện để tuân lệnh và làm như một cái máy. Con người thì khác. Giáo dục một con người là đánh thức cái tính thiện trong con người đó để lòng quảng đại, sự tử tế, cái thiện được thể hiện một cách nhuần nhuyễn như một phản xạ tự nhiên.
Tôi nghĩ đến cố tổng thống Hoa kỳ Ronald Reagan. Đây là một mẫu người mà tính bản thiện không bao giờ chết. Con gái của ông là bà Petti Davis kể lại rằng sau khi ông phải sống những năm tháng cuối đời với bệnh Alzheimer, tức bệnh lẫn, bà thường đưa ông đi bộ gần nhà. Nhiều người nhận ra ông và kính cẩn chào ngài tổng thống. Ông mỉm cười chào lại rồi hỏi nhỏ người con gái, ông có biết họ không, tại sao họ lại biết và chào ông. Ông không còn nhớ mình đã từng là tổng thống của một quốc gia hùng mạnh nhứt thế giới. Biết cha mình đã bị bệnh lẫn tàn phá hết ký ức thời tổng thống, người con gái chỉ còn an ủi cha mình: “Có gì đâu, họ biết ba ở gần đây”. Ông Reagan mỉm cười: “Họ tử tế quá con há.”
Bà Petty Davis nói rằng bệnh Alzheimer có thể hủy hoại nhiều thứ nơi ông, nhưng nó không giết chết được tính dễ thương, hiền hậu, lịch sự, khiêm tốn, lòng biết ơn…tức cái gốc thiện nơi con người của cố tổng thống Reagan. (x.Việt luận 18/2/2011)
Nơi một con người đã từng phạm tội ác, cái gốc thiện ấy cũng vẫn tồn tại. Tôi tin như thế khi đọc bản tin về một người đàn ông đã giết chồng, cướp vợ, bị tù, vượt ngục, hoàn lương và làm việc trong một bệnh viện tại Queensland trong 15 năm trời mà chẳng ai hay biết, bởi vì ông đã sống như một con người dễ thương, vị tha, quảng đại, phục vụ… (báo đã dẫn)
Dĩ nhiên, sống là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Nơi con người lúc nào cũng diễn ra cuộc song đấu một mất một còn giữa thiện và ác. Nếu không được giáo dục đầy đủ, các sức mạnh của tăm tối có thể lấn át và đè bẹp cái tính bản thiện nơi con người. Hoặc giả có được giáo dục, nhưng nếu con người chiều theo thú tính, để cho lòng gian tham điều khiển thì lúc đó cái gốc thiện vẫn có thể đầu hàng trước điều ác. Ferdinand Marcos, Ben Ali, Hosni Mubarak là những nhà độc tài tham quyền cố vị, không tránh khỏi những hành động bạo tàn trong lúc cai trị. Nhưng nếu các cuộc cách mạng “sức mạnh của quần chúng” hay “cách mạng hoa lài” có thành công một phần là bởi những nhà độc tài này đã chấp nhận ra đi trong nhục nhã hơn là sử dụng bạo lực để tàn sát những người biểu tình ôn hòa và bám lấy quyền lực. Nơi những con người này, chắc chắn vẫn còn có đó cái gốc thiện khiến họ không lấy sức mạnh bạo tàn để đối xử với người dân vô tội. Tại sao Hitler đã có thể đối xử tàn ác đối với người đồng loại của mình như thế? Tại sao một Đặng Tiểu Bình đã có thể tàn sát những người sinh viên biểu tình ôn hòa tại quảng trường Thiên An Môn dạo tháng 6 năm 1989?..Nơi này cái gốc thiện vẫn còn thắng thế trong lòng người. Nơi kia, những sức mạnh tăm tối đã bóp nghẹt cái tính bản thiện ấy.
Những cuộc cách mạng ôn hòa đã và đang diễn ra trong thế giới Á rập trong thời gian gần đây không khỏi khiến nhiều người nhớ lại cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động là Mahatma Gandhi. Chủ trương này đã nẩy sinh khi ông còn hành nghề luật sư tại Nam Phi. Mahatma tích cực tham gia các cuộc biểu tình để tranh đấu cho các quyền dân sự của giới công nhân và người dân bản xứ. Vì là người da mầu, ông đã từng bị tống ra khỏi xe lửa, đuổi ra khỏi khách sạn và tiệm ăn cũng như bị giam tù. Nhưng những cuộc biểu tình phản đối của ông xem ra không tạo được tác động nào nơi những kẻ làm luật và thi hành luật. Chỉ sau khi đọc tác phẩm “Nước Thiên Chúa ở Trong Các Ngươi” của văn hào Nga Leo Tolstoy và thư từ liên lạc với nhà văn này, ông mới quyết định đón nhận “từng chữ” giáo huấn thường được mệnh danh là “Bài Giảng trên Núi” của Chúa Giêsu trong đó có chứa đựng toàn bộ chủ trương tranh đấu bất bạo động.
Trong cuốn phim “Gandhi” do nhà đạo diễn Richard Attenborough thực hiện và trình chiếu năm 1983, người ta thấy có cảnh Gandhi tìm cách thuyết phục một vị mục sư đương đầu với một đám thanh niên du đãng tại Nam Phi. Vị mục sư định bỏ chạy, nhưng Gandhi nhắc lại lời của Chúa Giêsu: “Khi kẻ thù tát vào má phải, hãy chìa cả má trái cho nó.”
Cả cuộc đời của người khai sinh ra chủ trương tranh đấu bất bạo động là một cuộc chiến đấu không ngừng giữa sự hèn nhát và lòng can đảm, giữa hận thù và thương yêu. Tựu trung đó là cuộc chiến giữa Thiện và Ác, giữa sức mạnh của sự Dữ và cái gốc Thiện trong lòng người.
Vinh quang đích thực dành cho những ai chiến thắng trong cuộc chiến ấy.



                         

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Sinh Lão Bệnh Tử 4


Sinh 
                                                                             Chu Thập
20.12.10

Năm 1954, nhà thơ Trần Dần có làm bài thơ với tựa đề “Nhất định thắng”. Trong bài thơ dài khiến tác giả bị đấu tố này, có lẽ nhiều người chỉ còn nhớ mấy câu:
“Tôi bước đi
          không thấy phố
                      không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
       trên màu cờ đỏ.”
Cái cảm giác “trống rỗng” của người bước đi trong lòng chế độ cộng sản đôi khi cũng đến với tôi mỗi độ Giáng Sinh về. Nhìn phố phường trong những ngày chuẩn bị Giáng Sinh, tôi cũng thường thấy nổi lên một màu đỏ: màu đỏ của bộ áo thùng thìng của ông già Noel, màu đỏ của lá trạng nguyên mà giữa cao độ của mùa hè xứ Úc người ta vẫn có thể “ép” ra cho bằng được, màu đỏ của những gói quà Giáng sinh, màu đỏ của đủ mọi thứ bóng đèn giăng mắc khắp nơi. Xen với màu đỏ ấy là những thứ phụ tùng không thể thiếu của mùa Giáng sinh như ánh sao lạ, cây thông, những chú nai kéo chiếc xe trượt tuyết của ông già Noel. Và dĩ nhiên, giữa những màu sắc sặc sỡ của mùa Giáng Sinh, làm sao không thể không nhắc tới nhạc Giáng Sinh.
Nhưng tuyệt nhiên, đi giữa phố phường đô hội trong mùa Giáng Sinh, tôi lại thấy thiếu một điều mà lẽ ra không thể thiếu: thiếu nhân vật chính của ngày lễ. Có ngày Giáng Sinh nhưng xem ra không có người Giáng Sinh. Có Ngày sinh, nhưng không thấy có người được sinh ra. Mỗi lần ra phố hay ngay cả nhìn vào những trang hoàng của một số gia đình trong xóm tôi, tôi cố gắng tìm hình ảnh của một Hài Nhi Giêsu, nhưng xem ra ánh đèn điện có lẽ chưa đủ sáng để tôi nhận ra Ngài hoặc bóng dáng của ông già Noel, của những con nai khổng lồ đã che khuất hình bóng nhỏ bé của Ngài chăng.
Tôi bỗng nhớ lại lá thơ của một cậu bé viết cho Hài Nhi Giêsu với nội dung đại khái như sau: “Chúc mừng Giáng Sinh Hài nhi Giêsu. Ngài là người may mắn nhứt, vì được sinh ra trong Ngày Giáng Sinh.” (!!) Biết đâu đối với nhiều người, Giáng sinh chỉ còn là một ngày sinh của một nhân vật mà chẳng còn ai biết đến tên tuổi.
Nhưng muốn hay không, Noel 2010 vẫn mãi mãi là ngày sinh thứ 2010 của Ngài. Cột mốc thời gian ấy, dù có gọi là Công nguyên hay như thế nào đi nữa, vẫn hàm ý rằng cách đây trên dưới 2000 năm, Ngài đã chào đời. Ngài là một nhân vật lịch sử chứ không phải là huyền thoại. Tin nhận Ngài hay không là chuyện của niềm tin, nhưng ai cũng phải nhìn nhận rằng hai ngàn năm lịch sử của nhân loại đã mang đậm dấu ấn của Ngài và mãi mãi nhân loại  sẽ không bao giờ có thể loại bỏ Ngài ra khỏi lịch sử của mình. Tuyên xưng Ngài hay không là niềm xác tín riêng của từng cá nhân, nhưng khó có thể chối cãi được rằng giáo huấn và cuộc đời của Ngài đã làm thay đổi cục diện thế giới và đặc biệt mang lại một cái nhìn mới về phẩm giá con người. Nếu Ngài đã không sinh ra thì thế giới ngày nay có lẽ đã chẳng bao giờ đạt được ý niệm về phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. Ngài sinh ra là để nói rằng mỗi một người sinh ra trên cõi đời này đều có một nhân vị độc nhứt vô nhị và bất khả di nhượng. Với Ngài, được chào đời, được sống là quyền nền tảng nhứt trong mọi quyền của con người. Giàu sang hay nghèo hèn, xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay đần độn, khỏe mạnh hay yếu đau, lành lặn hay khuyết tật, bình thường hay dị dạng…mỗi người đều có một phẩm giá độc nhứt vô nhị mà người khác không thể có hay thay thế được.
Đó là sứ điệp của mùa Giáng Sinh mà tôi khó có thể tìm thấy giữa những huyên náo của phố phường. May cho tôi là vẫn còn có những nơi thờ phượng để tôi có thể lắng nghe được sứ điệp ấy. Trong một bài thuyết giảng mà tôi nghe được cách đây không lâu tại một nhà thờ ở vùng St Ives, Bắc Sydney, vị linh mục mở đầu bằng một loạt những than phiền xoay quanh những điều tệ hại của thế giới ngày nay. Đại loại người ta nói rằng thế giới ngày nay không tốt hơn thế giới ngày xưa. Nhưng có một em bé lại khẳng định một cách chắc nịch rằng từ 6 năm nay, thế giới đã trở nên tốt hơn thế giới ngày xưa. Được hỏi lý do, em trả lời: “Thế giới hôm nay tốt hơn bởi vì có tôi.” Với tôi, câu nói của em bé này đã tóm lược toàn bộ sứ điệp của mùa Giáng Sinh mà năm nào tôi cũng muốn lắng nghe và hâm nóng lại.
“Thế giới hôm nay tốt hơn bởi vì có tôi”, mặc dù tôi chỉ là một kẻ vô danh trong hơn 6 tỷ người đang có mặt trên trái đất này. Tôi sinh ra, đó là điều tốt cho tôi và cũng tốt cho hơn 6 tỷ người khác đang quay quần chung quanh tôi. Dù sao, trái đất này vẫn còn rộng và có đủ một chỗ cho tôi cũng như hàng hà sa số những người sẽ đến sau tôi.
Theo bản “thế vì khai sinh” do cha tôi lập, tôi chào đời trong tháng 12. Từ ngày bỏ nước ra đi, học được điều hay của người Tây phương, tôi cũng biết mừng ngày sinh của mình. Tôi nghĩ rằng ngoài ngày Tết là ngày sinh chung của mọi người Việt nam, ngày sinh của bất cứ ai cũng cần phải được cử hành. Với tôi, ngày sinh đáng được “mừng” hơn thi đậu, được thăng quan tiến chức hay đạt được một chiến thắng trong bất cứ lãnh vực nào, bởi vì cử hành ngày sinh của một ai đó là nói với người đó “Cám ơn bạn vì bạn là bạn. Cám ơn bạn vì bạn đã chào đời. Cám ơn bạn vì đã cùng tôi sát cánh bên nhau trên hành tinh này.”  Cử hành một ngày sinh là tôn vinh sự sống và vui mừng vì sự sống. Trong ngày sinh của ai đó, chúng ta không chúc mừng: “Chúc mừng bạn vì những thành tựu bạn đã đạt được”. Chúng ta chỉ nên nói: “Cám ơn bạn vì bạn đã sinh ra và đang sống giữa chúng tôi.”
Trong ngày sinh, chúng ta tôn vinh hiện tại. Chúng ta không than phiền vì những bất hạnh đã xảy ra trong quá khứ hay lo lắng cho những gì sẽ đến trong tương lại. Trái lại, chúng ta chỉ muốn nâng đỡ và nói với người mừng sinh nhựt: “Chúng tôi yêu thương bạn.” (x.Henri J.M Nouwen, Here and Now, Living in the Spirit trg 5)
Tôi rất thích một bài thơ mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã sáng tác sau lần “đỡ đẻ” đầu tiên của ông tại bệnh viện Từ Dũ, Sài Gòn hồi năm 1965, khi ông vừa mới ra trường. Lòng lâng lâng vì lần đầu tiên được hoàn thành nhiệm vụ cao cả là giúp cho mẹ tròn con vuông, viên bác sĩ trẻ liền viết ở phía sau phần bệnh án lá thư gởi cho em bé sơ sinh như sau:
“Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em!

Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen

Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ

Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến!

Anh đã không quên buộc etiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu

Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang
Với những danh từ dao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em…

Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận…
Con người”
(Đỗ Hồng Ngọc, Cành Mai Sân Trước, nxb Văn hóa Thông tin, Sài gòn 2004, trg 363- 364)
Ngày nay, trên khắp thế giới và ngay trên chính quê hương tôi, từng phút từng giây, có biết bao nhiêu thơ nhi không những không được may mắn nhận được một “lời chào” từ một lương y hay ngay chính từ người mẹ đã cưu mang mình, mà còn bị tước đoạt quyền cơ bản nhứt là quyền được “chào đời”.
Đối với những thơ nhi hẩm hiu ấy, thế giới bao la tuyệt vời này trở nên hoàn toàn vô nghĩa: thế giới sẽ mãi mãi là “hư vô” đối với những người không được “chào đời”.
Đứa bé đã được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giúp “chào đời” giờ này đã là một người “đứng tuổi” nếu không làm ông làm bà thì cũng  đã trải qua những cuộc bể dâu. Dù có bị dằn xóc giữa sóng cả ba đào của cuộc sống, đứa bé ấy vẫn nhận ra rằng được chào đời và “nhập cuộc cùng chung số phận con người” với bao nhiêu người khác là một diễm phúc và vinh dự.
Được sinh ra quả là một Hồng ân lớn nhất của đời người. May mắn hơn cho chúng ta, Hồng ân này không chỉ xảy ra một lần trong đời người mà với bản năng hướng tới Chân, Thiện, Mỹ, mỗi người trong chúng ta luôn được mời gọi đểtái sinhngay trong đời sống này.
Sống là tái sinh. Nhà hiền triết Hy lạp nào đó có lẽ đã muốn ám chỉ đến sự “tái sinh”không ngừng ấy của kiếp người khi ông nói rằng “không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Khoa học hẳn cũng muốn củng cố cái ý tưởng ấy khi nói với chúng ta rằng trong một chu kỳ nào đó, con người chúng ta thay da đổi thịt không ngừng. Cũng như loài rắn hay tôm cua phải lột da lột vỏ để lớn thêm, xét về mặt thể lý, để tồn tại và “trưởng thành” con người cũng phải không ngừng “thay da đổi thịt”.
Tái sinh trong thân xác đã đành, chúng ta cũng luôn tái sinh trong hoàn cảnh sống. Không cần phải thay đổi căn tính như trường hợp phải làm nhân chứng trong một vụ án có thể gây nguy hại cho tính mạng, một cuộc vượt biên, một tai nạn thảm khốc cũng đủ để biến chúng ta thành một con người khác.
Sâu xa hơn, bất cứ một sự hoán cải nội tâm nào cũng là một cuộc “tái sinh”. Kitô giáo không ngừng kêu gọi con người “hoán cải” để mặc lấy “con người mới”. Với Phật giáo thì chỉ cần buông dao bỏ kiếm xuống, con người cũng đã thành “phật”.
Khi được sinh ra, chúng ta không biết gì hết về giá trị của việc “chào đời”, không có chọn lựa, không được quyền quyết định. Nói theo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”. Nhưng với “tái sinh”, ngoại trừ những hoàn cảnh khách quan đưa đẩy, đa phần đều do sự chọn lựa, sự mong muốn và quyết tâm của mỗi người. Và điều tuyệt vời của “tái sinh” là nó có thể diễn ra vào bất cứ thời điểm nào của đời người. Không bao giờ là quá trễ để “tái sinh”. Điều quan trọng là người muốn “tái sinh” có đủ nghị lực và quyết tâm hay không.  Và cả chúng ta nữa, liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn, độ lượng và yêu thương để giúp đỡ và khích lệ họ hay không.
Đây là lời mời gọi vẫn thường trở lại với tôi mỗi độ Giáng Sinh về. Tôi vừa mừng “ngày sinh” của tôi. Có lẽ tôi cũng đã tới cái tuổi của cụ Tiên Điền để đủ “trải qua một cuộc bể dâu” và “đau đớn lòng” vì những gì mình đã thấy trong cuộc đời này. Đời là thế. Đã mang tiếng khóc khi “chào đời” thì làm sao tránh khỏi bị đời “đón chào” bằng vô vàn khổ đau. Nhưng ngoái cổ nhìn lại cuộc đời dâu bể ấy, tôi vẫn nhận ra không biết bao nhiêu ân phúc mà cuộc đời đã dành cho tôi để chỉ biết nhủ thầm rằng “đời vẫn mãi mãi đáng sống”.
“Phải trả giá quá nhiều để được “làm người” một cách sung mãn đến độ quá ít người nhận thấy hay có đủ can đảm để trả giá…Phải dùng cả hai tay để vừa từ bỏ sự an toàn vừa dám liều sống. Một tay để ôm lấy thế giới như một người yêu. Một tay để đón nhận đau khổ như một điều kiện sống. Một tay để đếm nghi ngờ và bóng tối như cái giá để hiểu biết. Một tay để có một ý chí sắt đá trong nghịch cảnh, nhưng vẫn luôn chấp nhận mọi hậu quả của sống và chết.” (Morris L. West, trong “Shoes of the Fisheman”)
Lời “chúc mừng Giáng Sinh” mà tôi muốn tự dành cho mình mỗi năm chính là quyết tâm mãi mãi “tái sinh” để mỗi ngày có một “đời sống mới”, hết mình trong thân phận con người.Để dù có phải quằn quại trong kiếp người đầy khổ đau, tôi vẫn cố gắng “chào đời” bằng nụ cười hân hoan, trân trọng đón nhận mọi tốt đẹp từ mọi phía và trao tặng lại, và trên hết, luôn tin tưởng và bằng lòng với chính con người đầy dẫy khuyết điểm và bất toàn của mình.








Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Vượt qua sức mạnh cơ bắp



Chu Thập
16/10/14
Mỗi năm, cứ vào tháng 10, khi học sinh Úc bắt đầu thi tốt nghiệp trung học, tôi lại nghĩ đến cái thời mình cũng “tấp tểnh người đi tớ cũng đi”. Vào thời cụ Trần Tế Xương (1870-1907), chắc chắn thi cử không phải là một cảnh ồn ào náo nhiệt như thời tôi thi tú tài vào khoảng giữa thập niên 1960. Vậy mà từ cái làng quê nghèo ở miền Trung của tôi, chỉ có lác đác vài người mới học xong bậc trung học và “lều chõng” bước vào trường thi. Kết quả tú tài lại càng gạn lọc hơn: từ đầu thôn đến cuối làng, may ra được hai, ba người có tên trong bảng vàng và hầu hết là thanh niên. Tôi thấy thật tội nghiệp cho đám con gái và các thiếu nữ trong làng tôi. Họa hiếm lắm mới có một người học xong trung học. Phần lớn chỉ được cha mẹ cho phép bước qua ngạch cửa “bình dân học vụ”. Biết đọc biết viết là khá lắm rồi. Đó là số phận của các bà chị của tôi. Vì tình trạng kinh tế gia đình eo hẹp và có lẽ do quan niệm “thập nữ viết vô” chăng, cha mẹ tôi chẳng chịu tạo điều kiện để các chị tôi được “ăn học” theo đúng nghĩa như các anh em trai chúng tôi được hưởng. Chỉ mới 7,8 tuổi đã phải lo bế em dắt cháu đi chơi. Lớn thêm một chút lại phải giặt giũ, đi chợ, nấu ăn và dĩ nhiên chuẩn bị ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Bước vào tuổi già, nghĩ lại tuổi thơ, tôi thấy thương các chị của tôi. Lúc còn nhỏ, con trai được cưng chiều, cho “ăn học” đầy đủ để thành thân. Nhưng rốt cục, chữ hiếu xem ra lại chỉ dành cho các bà chị thất học. Ở tuổi già, khi không còn biết nương tựa vào đâu, nhứt là khi những người cộng sản đã mang đến sự đói khổ và hai chữ bất hiếu, thì cha mẹ tôi chỉ còn biết trông nhờ vào đôi vai gầy của các bà chị tôi.
Tôi không hề có ý mang chuyện thất học của các bà chị ra để tố khổ cha mẹ tôi. Hoàn cảnh gia đình, trình độ giáo dục và nhận thức và nhứt là quan niệm chung của hơn nửa thế kỷ trước đã không cho phép cha mẹ tôi có một chọn lựa khác. Nhưng ngày nay, tôi thấy không thể tha thứ cho tất cả những ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng thất học và hoàn cảnh bi đát mà không biết bao nhiêu trẻ em và thiếu nữ tại rất nhiều nơi trên thế giới phải lâm vào.
Với tôi, giải Nobel Hòa Bình năm nay được trao tặng  cho cô nữ sinh người Pakistan Malala Yousafzai và một người Ấn Độ chuyên hoạt động cho quyền trẻ em là ông Kailash Satyarthi, là phần thưởng có ý nghĩa nhứt từ trước tới nay. Malala Yousafzai, cô nữ sinh 17 tuổi, rất xứng đáng để nhận giải thưởng cao quý này vì đã dám đưa cả mạng sống của mình ra để tranh đấu cho quyền được cắp sách đến trường của trẻ em gái. Là người trẻ tuổi nhứt được trao tặng giải Nobel Hòa Bình, cách đây 2 năm, Malala đã từng bị một tay súng của Phong trào Cực đoan Taliban bắn trọng thương vì dám công khai đứng ra chống lại chủ trương ngu dân hóa phụ nữ của phong trào này. Khi chọn cô để trao giải thưởng, Ủy ban Nobel Hoa Bình đã đề cao “cuộc tranh đấu anh dũng” của cô cho quyền được giáo dục của các thiếu nữ. Sau khi được mang đến Anh Quốc để chữa trị vết thương nơi đầu, Malala đã được mời đến thuyết trình tại Liên Hiệp Quốc cũng như gặp gỡ với tổng thống Barack Obama. Trong số ra cuối năm ngoái, tạp chí Time đã xếp Malala vào hàng đầu trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhứt trên thế giới ngày nay.
Về phần mình, người chia sẻ giải Nobel Hòa Bình năm nay với cô Malala là ông Satyarthy đã được Ủy ban Nobel đề cao như một người đã duy trì truyền thống của Mahatma Gandhi và lãnh đạo nhiều cuộc phản đối bất bạo động nhằm kêu gọi chống lại việc khai thác trẻ em vì mục đích lợi nhuận. Là người đã sáng lập Phong trào “Bachpan Bachao Andolan”, tức “Phong trào Cứu thoát Trẻ em”, trong hơn 30  năm qua, ông Satyarthy đã giúp giải thoát được khoảng 80 ngàn trẻ em, nhứt là các em gái, thoát khỏi cảnh nô lệ và cưỡng bách lao động.
Thật ra, khi trao tặng giải Nobel Hòa Bình cho hai nhân vật tranh đấu cho quyền trẻ em trên đây, Ủy ban Nobel không chỉ nhìn nhận thành tích tranh đấu của họ, mà còn muốn gởi đi khắp thế giới một thông điệp đầy báo động: bước vào thế kỷ 21 đã hơn một thập niên, thế giới vẫn còn đầy dẫy những hành động chối bỏ, miệt thị, chà đạp đối với quyền của trẻ em và phụ nữ nói chung. Phải chăng đây không là vết nhơ tồi tệ nhứt trong lịch sử nhân loại vào giai đoạn này?
Thế giới lên án việc Tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo”, trên đường “tiến quân” đã xem trẻ em và phụ nữ như một thứ “chiến lợi phẩm” và sử dụng họ làm bia đỡ đạn. Nhưng số phận của trẻ em gái và người phụ nữ tại một số nước mà truyền thống tôn giáo chỉ xem như vật sở hữu của đàn ông hoặc không có cùng phẩm giá như đàn ông, cũng bi đát không kém. Ngay cả  ở một nơi mà mở miệng ra lúc nào người ta cũng ra rả nói đến “giải phóng” như cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chẳng hạn, phẩm giá của trẻ em gái và người phụ nữ nói chung lại còn thấp kém hơn bất cứ thời đại nào trong lịch sử dân tộc. Có thời nào mà một tờ báo của cộng hòa nhân dân Trung Quốc đã dám rao bán đàn bà Việt Nam như thế này không: “Mua một cô vợ Việt Nam giá 6000 Mỹ kim. Bảo đảm còn trinh, bảo đảm giao hàng trong vòng 90 ngày, không phụ phí, nếu cô ta trốn đi trong vòng một năm, được một cô khác miễn phí”. Nếu chuyện người phụ nữ Việt Nam bị mang đi bán cho khắp tứ phương thiên hạ xảy ra như cơm bữa và giữa thanh thiên bạch nhựt, thì một mẫu rao bán như trên chắc chắn không phải là chuyện bịa đặt của các tổ chức chống cộng hay của một thế lực thù địch nào cả. Trong một chế độ mà các giá trị đạo đức đã suy đồi trầm trọng thì phẩm giá con người, cách riêng những người dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em gái, có bị chà đạp như thế cũng là điều đương nhiên không thể chối cãi được.
Thật ra, nói cho cùng, ở đâu mà chẳng có chuyện phẩm giá con người bị miệt thị và chà đạp. Ở đâu mà chẳng có chuyện con người bị hạ xuống hàng thú vật và đồ vật. Trong cuốn sách có tựa đề “Sống đẹp” (The Importance of Living, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê) mà tôi vẫn thường mang ra tụng niệm, nhà văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường đã có một nhận xét khiến cho người Tây Phương, đặc biệt là người Mỹ phải suy nghĩ: “Phụ nữ Mỹ tìm đủ cách để làm đẹp lòng đàn ông, họ rất săn sóc đến cái duyên dáng của thân thể họ, ăn bận một cách thật hấp dẫn...Chưa bao giờ người ta khai thác thân thể phụ nữ như ngày nay, khai thác về thương mãi, từ những đường cong, những uyển chuyển của các bắp thịt tới những móng tay móng chân sơn màu; và tôi không hiểu tại sao phụ nữ Mỹ ngoan ngoãn chịu cho người ta khai thác đến thế...Một người phương Đông sẽ cho như vậy là không tôn trọng đàn bà. Các nghệ sĩ gọi cái đó là cái đẹp, khán giả gọi cái đó là nghệ thuật, chỉ những nhà dàn cảnh và các ông bầu hát mới ngay thẳng gọi đó là “gợi tình” (sex appeal) và đàn ông thường lấy vậy làm thích. Hiện tượng đó quả là hiện tượng đặc biệt của một xã hội tạo ra vì đàn ông, do đàn ông chỉ huy, một xã hội trong đó đàn bà khỏa thân bị đem ra trước công chúng vì mục đích thương mãi, còn đàn ông thì gần như không khi nào bị vậy, trừ vài anh mãi võ”.
Nhận xét trên đây đã được nhà văn Lâm Ngữ Đường đưa ra cách đây cũng trên nửa thế kỷ. Ngày nay, nhìn vào kỹ nghệ giải trí trên khăp thế giới, sự thương mãi hóa, tức bán buôn thân thể người phụ nữ và dĩ nhiên phẩm giá của họ, xem ra càng công khai và táo bạo hơn. Như ông Lâm Ngữ Đường đã nói, xã hội, dù có văn minh tiến bộ đến đâu, dường như đều được “tạo ra vì đàn ông, do đàn ông chỉ huy”. Ngay cả trong tôn giáo, vốn phải là sức mạnh giải phóng, tôi vẫn cảm thấy lấn cấn khi phải nói về sự bình đẳng nam nữ.
Tôi không dám lạm bàn về chiếc áo “burqa” trùm kín từ đầu đến chân của người phụ nữ Hồi giáo hoặc nghi thức cắt âm vật phụ nữ vẫn còn được cử hành tại một số nước theo Hồi giáo. Nhưng là “con nhà có đạo”, tôi lại thấy mình được tự do để thắc mắc về chuyện niềm tin của cá nhân tôi. Chẳng hạn, tôi vẫn cứ thắc mắc không biết tại sao trong quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh là Sáng Thế Ký, ở đầu chương 6, tác giả viết một câu mà các tín hữu phải trân trọng đón nhận như Lời Chúa như sau: “Vậy khi loài người bắt đầu thêm đông trên mặt đất, và sinh ra những con gái, thì các con trai Thiên Chúa thấy con gái loài người xinh đẹp; những cô họ ưng ý thì họ lấy làm vợ”. Tôi tự hỏi: nếu như tác giả được Thiên Chúa linh ứng để viết Kinh Thánh là một phụ nữ thì liệu họ có đảo lộn để viết thành “con gái Thiên Chúa và con trai loài người không?”
Không biết có phải đàn ông, con trai mới là con Thiên Chúa và đàn bà con gái là con cái loài người mà chuyện tế tự chỉ dành riêng cho phái nam không thôi?  Cho tới gần đây tôi mới thấy thiếu nhi nữ và phụ nữ được phép cho lên cung thánh để giúp lễ, đọc Sách Thánh, cho rước lễ. Tôi cứ thắc mắc: có phải vì  không “trong sạch” hoặc không có phẩm giá ngang hàng với đàn ông mà phái nữ chỉ được đóng vai phụ trong chuyện tế tự và nhứt là trong tổ chức của Giáo Hội không? Câu nói của ông Lâm Ngữ Đường về “một xã hội được tạo ra vì đàn ông, do đàn ông chỉ huy” cứ ám ảnh tôi mãi mỗi khi tôi nhìn vào cơ cấu tổ chức và vận hành của các tôn giáo, của các xã hội loài người và nhứt là mỗi khi tôi nghĩ đến hành vi chối bỏ và chà đạp đối với phẩm giá người phụ nữ. Thế giới đã làm được những bước tiến vĩ đại trong rất nhiều lãnh vực. Ai đó đã nhận xét rằng chiếc máy giặt là phát minh giải phóng cụ thể nhứt đối với phụ nữ. Quả thật, các tiện nghi vật chất đã góp phần giải phóng người phụ nữ rất nhiều. Nhưng tôi vẫn tự hỏi: liệu trong cách suy nghĩ và hành xử, con người thời đại có thực sự nhìn nhận và cư xử dựa trên nguyên tắc nam nữ bình đẳng và bình quyền chưa?  Khi quyền lực vẫn còn xuất phát từ lò thuốc súng, khi tiếng nói cuối cùng vẫn thuộc về dùi cui, báng súng hay nhà tù,  khi sức mạnh cơ bắp vẫn được sử dụng để giải quyết các vấn đề của loài người...thì còn lâu phẩm giá của những người dễ bị tổn thương, những thành phần thấp cổ bé miệng trong xã hội, những người chân yếu tay mềm như phái nữ...mới được tôn trọng. Xã hội loài người có tiến bộ đến đâu dường như vẫn cứ quay lại thời bán khai và cư xử như trong thế giới loài vật khi con vật mạnh nhứt được quyền thống lãnh trên những con thú khác.
Những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại HongKong mang lại cho tôi một tia hy vọng. Chính quyền cộng sản Trung Quốc chưa muốn hay không dám lập lại một Thiên An Môn thứ hai. Còn nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là chiến bại tồi tệ nhứt của Trung Quốc: sức mạnh cơ bắp chỉ là mặt trái của sự sợ hãi và yếu nhược!





Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Sinh Lão Bệnh Tử 3

                                  Lão 

                                       Chu Thập
8.12.2010 
                                     

Tôi có một người bạn thân còn ở Việt nam. Trong thư từ hay chuyện trò với nhau, chúng tôi thường nhái giọng của nhà văn Bùi Bảo Trúc, tác giả của  trang tạp ghi “Bạn ta”, để chỉ gọi nhau bằng hai tiếng “Bạn Già”. Cách xưng hô này xem ra đúng cho ông bạn của tôi hơn, bởi vì ngay từ tuổi đôi mươi, do “xấu máu”, mái tóc của bạn tôi đã hầu như bạc trắng và sau năm 1975, thêm vài đêm thức trắng vì cái nạn bị xét hộ khẩu, trên đầu bạn tôi không còn lấy một sợi tóc đen nào. Có lần bạn tôi kể rằng trên một chuyến xe lam chật chội, bạn tôi phải ngồi bó rọ bên cạnh mấy bà đi buôn sồn sồn cũng trạc tuổi bạn tôi, nghĩa là cũng còn trong độ tuổi dưới 40. Vậy mà ông tài xế tham lam lại muốn nhét thêm khách. Có lúc không cựa quậy được, mấy người đàn bà liền trút hết “tội lỗi” và sự càu nhàu lên đầu ông bạn tôi bằng một câu: “Ê, lão già, nhích vô một chút cho người ta ngồi được không?” Vốn có tính luôn biết nhân nhượng, ông “bạn già” của tôi chỉ biết im lặng tuân lệnh các bà cho êm chuyện.
Người ta nói cái răng cái tóc là gốc con người. Ông bạn tôi mất cái “gốc” ấy hơi sớm: không chỉ đầu bạc, nguyên hàm răng của ông cũng chẳng còn tích sự gì nữa. Thời mở cửa, ông được thân nhân bên Mỹ bảo lãnh sang chơi. Thấy ông già trước tuổi quá sớm, người thân liền đè đầu ông ra nhuộm tóc và dẫn đến nha sĩ nhổ nguyên hàm răng rệu rạo để tân trang cho ông bằng một hàm răng mới. Có hàm răng giả, ông thấy thật tiện lợi: không còn phải mất giờ đánh răng “trong miệng” nữa. Nhưng vốn không quen với mái đầu xanh…lại, chỉ sau một thời gian trở về Việt nam, ông để cho tóc bạc mọc ra hầu lấy lại phong độ “tuổi già”.
“Bạn già” của tôi lúc nào cũng hãnh diện với hàm răng giả và mái đầu bạc. Ông bằng lòng với tuổi già của mình. Gọi nhau là “bạn già”, tôi cũng lây được cái tính lạc quan của bạn tôi và thấy mình cũng có thể “vui” với tuổi già của mình.
Mới đây, tôi lại được đọc thêm một bài viết mới về “tuổi già” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả của tập sách “Viết cho tuổi chớm già” (nxb Xuân Thu, Los Alamitos, Ca, Hoa kỳ).Trong bài viết có tựa đề “Cái sướng của tuổi già”, ông bác sĩ chuyên viết về tuổi già này so sánh tuổi già với trái chín cây. Ông viết: “Cái già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình…già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được. Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những mớ tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác…mà không khỏi tức cười!” (Đỗ Hồng Ngọc, “Cái Sướng của Tuổi Già”, “tiengnoigiaodan.net”)
Phải nói ông bác sĩ này lạc quan lắm mới viết được những dòng trên đây. Kỳ thực, ai mà chẳng sợ già. Nhứt là trong một xã hội mà người già xem ra không được dành cho một sự kính trọng và chăm sóc đúng mức. Hãy thử đọc lại  trang “Chuyện Việt Nam” do Mỹ Linh sưu tầm và đăng  trên báo Việt Luận số ra mỗi ngày thứ ba hàng tuần để đủ thấy “làm người già ở Việt nam” có thực sự “sướng” không. Không phải là trang của tuổi già bất hạnh, nhưng “chuyện Việt nam” hầu như tuần nào cũng ghi lại những câu chuyện thương tâm đại loại như: cụ ông 90 tuổi nuôi 3 cháu nhỏ, cụ già 85 tuổi ngày ngày còn đạp chiếc xe lôi cũ nát ra bến tàu, bến xe, chợ để chở hàng thuê cho khách và kiếm tiền độ nhựt cho hai vợ chồng già, người mù đã 72 tuổi vẫn còn ngày ngày đi hát rong để mưu sinh, cụ già 93 tuổi mù lòa nuôi con bại não hay như “nhói lòng trước cảnh bố mẹ già yếu nuôi 4 người con điên”…Thật ra, ai đã một lần về Việt nam đều không thể không mủi lòng trước cảnh các cụ già thay vì đi ăn xin, phải buôn thúng bán bưng hay suốt ngày lê bước đi khắp nơi để nài nỉ người khác mua cho tấm vé số.
Nhưng phải chăng người già trong những xã hội giàu có và văn minh “sướng” hơn người già ở Việt nam? Dĩ nhiên, cái cảnh người già tự lực cánh sinh là điều chẳng còn thấy trong các xã hội Tây phương, nói gì đến chuyện người già phải cật lực lo cho người khác. Nhưng cứ vào các viện dưỡng lão là nơi người già được chăm sóc một cách rất chu đáo đi nữa, người ta cũng khó có thể tin rằng già là “sướng”. Sướng thế nào được khi lực bất tòng tâm, muốn đi đứng một mình cũng chẳng làm được. Tệ hơn nữa, có khi cũng chẳng tự mình lo cho mình ăn uống được. Nói gì đến chuyện làm vệ sinh cá nhân là điều mà chẳng ai muốn người khác giúp mình. Vậy mà nhứt cử nhứt động, mình đều phải lệ thuộc vào người khác. Đáng thương hơn nữa khi có những cụ rơi vào tình trạng chẳng còn xử dụng được “bộ nhớ” hay bất cứ chức năng nào của não bộ đến độ chẳng còn thiết gì đến ăn uống hay nhu cầu vệ sinh.
Dĩ nhiên, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lạc quan về tuổi già, nhưng ông nói rằng cái sướng của tuổi già là một “cái sướng có điều kiện”. Theo ông, để gọi là hưởng cái “sướng của tuổi già”, cần phải có 3 điều kiện. Trước hết cần phải có bạn. “Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”. Thứ hai, cần phải biết ăn, tức là biết cách dinh dưỡng. Tác giả đề nghị: “Đừng ép, miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau…Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặt, mắm bồ hốc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là được. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể được. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ. Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn. Con cháu hiếu thảo phải biết…giành ăn với các cụ. Men tiêu hóa được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.”
Điều kiện thứ ba để hưởng cái “sướng của tuổi già”, theo tác giả, là phải có vận động. Tác giả khẳng định: vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại.
Tựu trung, những lời khuyên trên đây của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, chúng ta cũng có thể đọc được trong bất cứ quyển “kinh thánh” nào về bí quyết trường thọ trên khắp thế giới. Chẳng hạn, mới đây, theo báo “The Daily Mail” phát hành tại Anh quốc, giáo sư di truyền học Cynthia Kenyon, thuộc trường đại học California, Hoa kỳ, cho công bố kết quả của một cuộc nghiên cứu chứng minh rằng việc loại bỏ thức ăn có chất carbonhydrates và lượng insulin cao ra khỏi chế độ dinh dưỡng có thể giúp sống lâu và khỏe mạnh. Nữ giáo sư này khám phá rằng các thức ăn có chất carbonhydrates như chuối, khoai tây, bánh mì, bánh ngọt… trực tiếp ảnh hưởng đến hai “gen” chủ yếu làm cho con người được  trẻ trung và sống thọ.
Giáo sư Kenyon đã thực hiện cuộc nghiên cứu trên giun đất: bà nhận thấy rằng con giun nào được giảm đi khẩu phần có nhiều chất đạm và insulin đều khỏe mạnh và sống lâu hơn những con khác đến 6 lần. Cuộc thí nghiệm trên các loại thú khác như chuột cũng đưa đến một kết quả tương tự.
Giáo sư Kenyon tin rằng kết quả cuộc nghiên cứu cũng có giá trị đối với con người.
Mới đây, trong chương trình sức khỏe trên đài Truyền Hình số 9, giáo sư Ric Gordon cũng đồng quan điểm với nhà di truyền học người Mỹ trên đây khi ông khẳng định rằng để “sống lâu”, chúng ta nên giảm bớt “khẩu phần” của chúng ta. Nhưng quan trọng hơn, giáo sư người Úc này khuyên chúng ta nên cười nhiều hơn, bởi vì “cười là liều thuốc chữa bệnh tốt nhứt”. Theo giáo sư Gordon, thiết lập những quan hệ tốt đẹp và bền vững với người khác đặc biệt là trong hôn nhân, cũng là yếu tố giúp gia tăng tuổi thọ của con người. Ngoài ra ông cũng đặc biệt nói rằng vệ sinh răng là điều tối cần, bởi vì răng là cửa ngõ để bệnh tật xâm nhập vào các cơ phận khác. Cuối cùng, ông giáo sư này cũng nói rằng ngoài việc ăn thường xuyên rau và cá ra, tỏi, một số hạt như “almond” (hạnh nhân) hay cacao trong chocolate cũng có thể góp phần gia tăng tuổi thọ của con người.
Nói chung, tôi thấy chẳng có gì “mới mẻ” trong những điều được gọi là bí quyết trường thọ  trên đây. Trong bất cứ chương trình sức khỏe nào, chúng ta cũng có thể đọc được những “giới răn” như thế. Vấn đề là chúng ta có chịu khép mình vào việc tuân thủ những lời khuyên ấy để được khỏe mạnh, trẻ trung và sống lâu không mà thôi.
Thực ra, theo tôi, suy cho tới cùng, tôi thấy rằng cốt lõi của vấn đề có lẽ là thái độ của con người đối với tuổi già. Cơ thể con người cũng giống như một cái máy. Hễ được bảo trì, xử dụng đúng mức, đúng cách và có đủ dầu mỡ thì máy chạy và chạy đều đều. Cái máy là cơ thể con người cũng có thể có một độ bền như thế. Chế độ dinh dưỡng và một số kỷ luật cần thiết có thể mang lại sức sống, sự trẻ trung và tuổi thọ cho con người. Nhưng khổ nỗi, cơ thể con người không chỉ thuần là một cái máy. Cái máy được chế tạo từ một nguyên mẫu và có độ chính xác cao. Cơ thể con người thì trái lại được hình thành từ bao nhiêu yếu tố di truyền. Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước. Từ bao nhiêu kiếp nào, một số khuyết điểm của ông bà tổ tiên của mình lại bỗng nhiên tập trung vào duy một mình mình. Mình phải “lãnh đủ” mọi thứ yếu kém mà chẳng hề được hỏi ý kiến.
Sinh ra mà không được hỏi ý kiến cho nên chấp nhận cái thân phận mong manh bất toàn trong thể xác là luật sống. Sống là phải tự chấp nhận và chấp nhận cái tiến trình “sinh lão bệnh tử”. Không những phải chấp nhận mà còn phải lấy làm “vinh dự và may mắn” khi được bước qua đủ bốn bước “sinh lão bệnh tử”. Tại sao tôi cho là “vinh dự và may mắn”? Bởi vì thực ra không phải ai sinh ra trên đời này cũng đều đương nhiên sẽ trải qua bốn bước “thăng trầm” như vậy. Biết bao nhiêu thai nhi, ở đủ mọi giai đoạn của thai kỳ phải “chật vật” để sống sót và chui ra khỏi bụng mẹ để góp mặt với đời. Biết bao nhiêu trẻ em chết vì thiếu dinh dưỡng, bệnh tật và những tai bay vạ gió. Biết bao nhiêu thanh niên nam nữ với tương lai đầy hoa mộng bỗng chốc biến mất vì những tai nạn do tốc độ, rượu, dược chất. Biết bao nhiêu người trung niên chết vì các chứng bệnh hoặc tai họa bất ngờ… Đại loại những người như trên làm sao có được cái “vinh dự và may mắn” bắt tay cùng “tuổi già”? Cái hành trình từ thuở “mẹ về với cha” hay nôm na hơn, từ khi mấy con “lăng quăng” tinh trùng đi chinh phục cái trứng cho đến khi người ta bước đến giai đoạn già lão quả là một hành trình vĩ đại không thua gì bất cứ một hành trình vĩ đại nào trong lịch sử nhân loại.
Quên mất cái tên gọi thường ngày để chỉ còn biết đến nhau như một “bạn già”, có lẽ ông bạn của tôi muốn nhắc nhở tôi điều ấy. Có chạy trời cũng không khỏi nắng. Già thì dù là “già háp”, “già trước tuổi” hay già thật đi nữa, đằng nào cũng phải “vui vẻ” đón nhận cái thực tế ấy. Cái sướng của tuổi già không chỉ là hưởng được một tuổi già khỏe mạnh, trẻ trung, trường thọ, mà chính là thấy mình già và chấp nhận mình già.
Trong một bài viết gởi cho bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc để giải thích về câu “áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” trong ca khúc “Hạ Trắng”, nhạc sĩ Trinh Công Sơn có khuyên: “Đừng bao giờ ngại ngùng nói với đời riêng chung là tôi còn rất trẻ. Sống trong cùng thời đại, có cùng một ngôn ngữ, một phong tục tập quán, theo tôi, nới với một người trẻ “tôi già rồi em ạ” là một điều vô lễ. Hãy nói rằng “tôi với em là hai kẻ đồng hành trong cuộc đời này”. Sống trong cùng thời đại, tôi nghĩ rằng, không có già không có trẻ.” (trích trong “Viết cho Tuổi Chớm Già”, Đỗ Hồng Ngọc, Xuân Thu, 1997, trg 79)
Dù nhạc sĩ họ Trịnh có cố gắng xóa bỏ ranh giới “già-trẻ” cách mấy đi nữa, tôi vẫn không thể chối bỏ cái thực tế của tuổi già trong tôi. Chính vì vậy mà mỗi buổi sáng, dù có những ngày mệt mỏi không muốn thức dậy, tôi cũng phải “lòm khòm” đứng lên và nhái giọng nữ sĩ hiện sinh Pháp Francoise Sagan (tác giả quyển tiểu thuyết có tựa đề “Bonjour Tristesse”, buồn ơi, chào mi) để vui vẻ thốt lên: “Già ơi, chào mi.”