Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Ngày Trái Đất 2018: chấm dứt nạn ô nhiễm vì chất nhựa



27/04/18
Ngày Chủ nhật 22 tháng Tư vừa qua, thế giới đã cử hành Ngày Trái Đất.
Ngày Trái đất đầu tiên đã được cử hành năm 1970. Người có công nhiều nhất trong việc tổ chức một Ngày Trái Đất để kêu gọi bảo vệ môi sinh là Thượng nghị sĩ Mỹ Gaylor Nelson. Vào thời điểm đó, tại Hoa Kỳ cũng như trên khắp thế giới, việc các hãng xưởng tuôn các hóa chất độc hại  vào không khí hay sông ngòi, biển khơi vẫn còn được xem là một hành động hợp pháp. Riêng Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi sinh và cũng chẳng có bất cứ một luật lệ nào để bảo vệ môi sinh.
Thượng nghị sĩ Nelson đã phối hợp với Giáo sư Denis Hayed thuộc trường Đại học Harvard để tổ chức một Ngày Trái Đất trên toàn quốc Hoa Kỳ. Biến cố đã thành công vượt bực. Ngày 22 tháng Tư năm 1970, khoảng 20 triệu người Mỹ đã xuống đường biểu tình để yêu cầu chính phủ phải hành động để bảo vệ môi sinh. Tháng Mười Hai năm đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cho phép thành lập một Cơ quan Liên bang mới lấy tên là Cơ quan Bảo vệ Môi sinh gọi tắt là EPA (Environmental Protection Agency). Liền sau đó, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua một số luật như Luật Không Khí Trong Lành, Luật Nước Trong Sạch và Luật Bảo Vệ Các Chủng Loại Bị Đe Dọa Tuyệt Chủng.
Nhưng phải đợi đến 20 năm sau, 200 triệu người thuộc hơn 10 nước khác trên thế giới mới tham gia cử hành Ngày Trái Đất và đưa việc bảo vệ môi sinh lên hàng ưu tiên trong các vấn đề lớn của thế giới.
Ngày nay, đã có trên một tỷ người thuộc 192 nước trên thế giới đã tham gia vào các sinh hoạt của Ngày Trái Đất.
Trong việc bảo vệ môi sinh, mỗi năm Ngày Trái Đất được cử hành theo một chủ đề đặc biệt. Năm nay, Ngày Trái Đất chú trọng đến việc chấm dứt nạn ô nhiễm môi sinh vì chất nhựa. Chất nhựa hay ni lông (Plastic), hiện đang là một nan đề lớn của thế giới ngày nay. Ý thức hay không, nhiều người trong chúng ta đang sử dụng chất nhựa trong cuộc sống mỗi ngày: bao nhựa, chai nhựa, đĩa nhựa, chén bát nhựa, ống hút nhựa...cuộc sống của con người thời đại dường như lệ thuộc vào chất nhựa. Đó là chưa kể đến chất nhựa được sử dụng trong các thiết bị điện tử, xe hơi, quần áo và nước sơn.
Sau khi được sử dụng, các chất nhựa ấy đi đâu? Một số được tái sinh. Một số được chôn vùi trong các hố rác. Nhưng một phần rất lớn lại bị vất bừa bãi khắp nơi và cuối cùng chui ra các nguồn nước như sông ngòi, biển khơi.
Nhựa là một hóa chất không bao giờ tan biến. Theo một tài liệu nghiên cứu được phổ biến trên tạp chí khoa học Hóa học và Sinh học, chất nhựa  có thể tồn tại đến cả 2.000 năm hay lâu hơn. Theo Mạng lưới Ngày Trái Đất, chất nhựa được thải ra trên mặt đất hiện đang là một “cuộc khủng hoảng toàn cầu”. Trong một tuyên ngôn được cho công bố nhân Ngày Trái Đất năm nay, bà Valeria Merino, phó chủ tịch Mạng lưới Ngày Trái Đất,  nói rằng “nạn ô nhiễm vì chất nhựa hiện đang là một thách đố trước mắt. Chúng ta có thể thấy chất nhựa nổi lềnh bềnh trên các sông ngòi, biển khơi và ao hồ; nó làm nhơ bẩn cảnh trí và ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta cũng như tương lai của hàng tỷ trẻ em và giới trẻ. Tất cả chúng ta đều đã góp phần vào vấn đề này và phần lớn một cách vô ý thức”.
Một cuộc nghiên cứu do bà Jenna Jambeck, một kỹ sư về môi sinh thuộc trường Đại họ Georgia, Hoa Kỳ, thực hiện hồi năm 2015 cho thấy trong năm 2010  có khoảng 275 triệu tấn chất nhựa được thải  ra bờ biển của 192 quốc gia. Trong số này, có từ 4.8 đến 12.7 triệu tấn chảy ra biển khơi. Lượng chất nhựa được tống ra biển khơi ấy thường đi qua các sông ngòi, các trung tâm thành phố nằm dọc duyên hải, các hệ thống ống cống v.v. Chỉ có 20 phần trăm lượng chất nhựa thải ra biển khơi trực tiếp xuất phát từ hoạt động phế thải bất hợp pháp và kỹ nghệ đánh cá. Phần lớn chất nhựa tống ra biển khơi đều xuất phát từ các nguồn phế thải trên đất liền và ngay cả từ chính mỗi nhà dân cư.
Lượng chất nhựa được thải vào biển khơi dĩ nhiên tạo ra nguy cơ sống còn cho các sinh vật trong đại dương. Có khoảng 500 chủng loại khác nhau bị vướng vào các vật dụng bằng chất nhựa hay ăn phải chất nhựa. Cả hai đều là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho nhiều sinh vật sống dưới nước. Tình trạng lại càng tồi tệ hơn bởi vì chất nhựa không bao giờ tan biến hoặc phải mất hàng bao thế kỷ mới có thể tan biến. Và ngay cả khi tan biến, chất nhựa cũng tiếp tục làm cho môi trường biển bị ô nhiễm trong hàng bao thế kỷ.
Phần lớn trong chúng ta quen mắt với chất nhựa được thải ra trên đất liền hay dọc theo các bờ biển. Nhưng điều đáng sợ hơn cả chính là sự ô nhiễm vì những vật li ti phát sinh từ chất nhựa khi tan biến. Những vật li ti này lớn không bằng 5 mi li mét. Phần lớn được tạo ra từ việc phân hủy của những sản phẩm bằng nhựa như bao bị, quần áo tổng hợp, bánh xe hơi và ngay cả các vật dụng trong phòng tắm.
Các sinh vật sống dưới nước như cây cỏ, rong, san hô và cá là những nạn nhân đầu tiên của việc ô nhiễm vì chất nhựa trong biển khơi. Biển khơi là một nguồn dinh dưỡng vô tận cho các loài sống dưới nước. Từ những vi sinh vật cho đến loài bạch tuột và cá voi đều được nuôi sống bằng kho lương thực trong lòng biển. Cây cỏ và thú vật sống dưới biển đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn sự cân bằng sinh thái của trái đất. Tuy nhiên, do hành động phế thải ngày càng gia tăng của con người, sự cân bằng sinh thái ấy ngày càng bị đảo lộn. Con người tạo ra không biết bao nhiêu rác rưởi. Nhưng rác rưởi lại không tự nhiên biến mất mà lại được tống vào một nơi nào đó trên mặt đất. Cái triết lý thông thường của loài người lúc nào cũng là “xa mặt cách lòng”: con người cứ nghĩ rằng cứ chôn vùi rác rưởi ở một nơi nào đó là xong chuyện! Để giải quyết vấn đề theo thứ triết lý ấy, chúng ta chôn vùi rác rưởi xuống lòng đất hay tống nó đến một nơi gần nguồn nước để nó từ từ chìm ngập trong biển khơi. Điều mà mắt thường của con người không thể thấy được là chất nhựa chúng ta sử dụng đã trở thành thứ thuốc độc giết hại sự sống trong lòng biển. Và dĩ nhiên, biển bị ô nhiễm thì đương nhiên sự sống con người cũng bị đe dọa. Bởi lẽ 70 phần trăm dưỡng khí chúng ta thở là do các loài thảo mộc dưới biển sản xuất, 97 phần trăm nguồn nước trên trái đất đều được chứa đựng trong đại dương và 30 phần trăm thán khí do con người tạo ra đều được đại dương hứng lấy. Biển khơi bị ô nhiễm, sinh vật trong lòng biển bị bệnh tật, các sản phẩm từ lòng biển được chúng ta tiêu thụ dĩ nhiên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Chưa nói đến tình trạng khan hiếm hải sản do ô nhiễm tạo ra. Đó là sợi giây liên đới giữa sự sống dưới biển và con người trên mặt đất.
Một cuộc nghiên cứu mới đây do Orb Media, một tổ chức truyền thông phi chính phủ có trụ sở tại Washington thực hiện, cho thấy có đến 94 phần trăm nguồn nước uống tại Hoa Kỳ và 93 phần trăm lượng nước đóng chai tại 9 quốc gia trên thế giới có chứa đựng những phân tử nhựa mà phần lớn có nguy cơ tạo ra bệnh tật.
Trong những năm gần đây, nhiều nước đã đưa ra những biện pháp cấm sử dụng một số hóa chất như Bisphenol A, một số muối và Ether có trong một số chất nhựa được sử dụng để chế tạo một số sản phẩm.
Theo bà Kathleen Rogers, Chủ tịch của Mạng lưới Ngày Trái Đất, một dấu hiệu đáng mừng là thế giới ngày càng ý thức về hiểm họa của nạn ô nhiễm vì chất nhựa và nhiều quốc gia và chính phủ hiện đang đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại nạn ô nhiễm này.
Dĩ nhiên, chống lại nạn ô nhiễm vì chất nhựa không chỉ là chuyện của các chính phủ, mà còn phải là bổn phận của mỗi người công dân. Hiện nay hầu như chính phủ nào cũng khuyến khích và nâng đỡ kỹ nghệ tái sinh. Đây là một biện pháp quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn ô nhiễm vì chất nhựa. Nhưng kỹ nghệ tái sinh vẫn không tái sinh được tất cả mọi chất nhựa. Hiện vẫn còn một lượng rất lớn chất nhựa được đổ vào các hố rác hoặc vất bừa bãi trên mặt đất, ngay cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh không có người ở. Nhiều địa phương không có ngay cả những hạ tầng cơ sở căn bản nhất để giải quyết chất thải, để lọc lựa và tái sinh chất nhựa.
Mới đây, có tin các nhà khoa học đã tình cờ khám phá ra được một loại chất men (Enzyme) có khả năng “ăn”, nghĩa làm tiêu hóa chất nhựa trong các chai lọ. Chất men này có thể “ăn” chất nhựa nội trong vòng vài ngày. Đây là công việc mà biển khơi phải mất hàng bao thế kỷ mới có thể làm được. Các nhà khoa học hy vọng có thể sử dụng loại chất men này để đưa chất nhựa trở về tình trạng nguyên thủy của nó. Tính trung bình, trên toàn thế giới, cứ mỗi phút có đến một triệu chai làm bằng chất nhựa được bán ra. Trong số này chỉ có 14 phần trăm được tái sinh. Số còn lại được tống vào biển khơi là nơi mà chất nhựa làm cho những vùng xa xôi nhất cũng bị ô nhiễm, làm hại sự sống trong biển khởi và ảnh hưởng đến nguồn hải sản con người sử dụng.
Chất men có khả năng “ăn” chất nhựa là một khám phá có nhiều triễn vọng cho cuộc chiến chống lại ô nhiễm vì chất nhựa của thế giới. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có biện pháp nào hữu hiện hơn trong cuộc chiến chống lại nạn ô nhiễm vì chất nhựa cho bằng giảm bớt việc sử dụng chất nhựa. Và đây chính là trách nhiệm của mỗi một người công dân trong từng quốc gia.
Trong cuộc chiến chống lại nạn ô nhiễm vì chất nhựa, mỗi người công dân có ý thức trách nhiệm đều có thể làm một số hành động cụ thể như được Mạng lưới Ngày Trái Đất gợi ý như sau:
*Mỗi lần mua một sản phẩm có chứa chất nhựa có thể vứt đi sau khi sử dụng, bạn có thể tự hỏi: Tôi có tuyệt đối cần nó không? Tôi có thể sử dụng một thứ khác mà tôi đã có không? Tôi có thể mua một thứ khác để sử dụng về lâu về dài không?
*Nên sử dụng các sản phẩm có chất nhựa một cách thích đáng và tránh không ném những sản phẩm đó gần bờ nước, bãi biển hay những nơi công cộng.
*Hễ thấy có rác rưởi bằng chất nhựa ở bất cứ nơi nào, hãy nhặt lấy, nhất là tại những ao hồ, sông suối và bãi biển.
*Nếu được nên mua quần áo và các sản phẩm được làm bằng những sợi tự nhiên
*Nên tham gia vào việc soạn thảo luật quy định việc giảm thiểu và tái sinh chất nhựa.

(nguồn:
- http://abcnews.go.com/International/earth-day-2018/story?i
-https://www.fauna-flora.org/conservation-challenges/ocean-plastic-pollution?)
-www.theguardian.com/environment/2018/apr/16/scientists-accidentally-create-mutant-enzyme-that-eats-plastic-bottles)

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Tôi nhìn tôi trong người khác


Chu Thập
20/04/18
Ở thời đại kỹ thuật số này, nhiều lúc tôi mang mặc cảm bị bỏ lại đàng sau. Các phương tiện truyền thông thiết thân của con người thời đại như Ipad, Iphone...tôi hoàn toàn mù tịt. Cách đây không lâu, do nhà tôi thuyết phục, tôi cũng sắm cho mình một cái điện thoại cầm tay Nokia giá khoảng 20 Úc kim. Tôi chỉ mang theo lúc đi câu cá. Nhưng lúc hăng say kéo cá, tôi vô ý để cho chiếc điện thoại rơi xuống nước. Do thấm nước, nó hoàn toàn bị  “điếc”. Từ đó, tôi nghỉ chơi với điện thoại cầm tay luôn.
Hiện tại, tôi chỉ còn có mỗi một thiết bị có thể được xem như “vật bất ly thân” là chiếc máy vi tính trên bàn làm việc. Tôi không thể tưởng tượng mình có thể sống còn trong thế giới ngày nay mà không có chiếc máy vi tính. Nhưng trình độ bình dân học vụ của tôi về các kỹ thuật số cũng chỉ vừa đủ để tôi mở hộp thư điện tử, đọc tin tức và gõ vào phiếm như một cách tập thể dục trí óc mà thôi. Ngoài ra, tôi dốt đến độ chẳng dám tham gia vào bất cứ một trang mạng xã hội nào.
Cũng may, nhờ “trùm sò” trong việc chạy theo các phương tiện truyền thông hiện đại và cũng dè xẻn trong việc giao du trên các trang mạng xã hội, cho nên khi nổ ra vụ hồ sơ cá nhân của gần cả trăm triệu người sử dụng Facebook bị công ty thăm dò dư luận và hoạt đầu chính trị Cambridge Analytica đánh cắp, tôi thấy mình chả có gì để phải nao núng cả.
Ngày nay, ngoài mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử, thế giới còn phải đối diện với điều mà nhiều người gọi là cuộc chiến tranh trên mạng hay tin học. Có thể đây là cuộc chiến quyết liệt và nguy hiểm nhứt của thế kỷ. Nhưng bên cạnh cuộc chiến tranh tin học ấy, trước mắt còn có một thứ dịch bệnh mà ngày nay không biết bao nhiêu người trên thế giới đang tự ý lao đầu vào. Dịch bệnh đó chính là sự nghiện ngập đối với các phương tiện truyền thông hiện đại.
Vài con số thống kê làm cho tôi phải giựt mình lo sợ. Tính trung bình, mỗi ngày con người thời đại mở điện thoại để đọc tin hay mở hộp thư điện tử đến 47 lần. Trong lúc còn thức, cứ 19 phút một lần, chúng ta mở điện thoại cầm tay một lần. Tổng cộng mỗi ngày chúng ta bỏ ra 5 tiếng đồng hồ để lướt qua màn ảnh của điện thoại cầm tay. Tỷ lệ những người vừa mới thức giấc đã mở điện thoại để xem thư từ hay tin tức lên đến 89 phần trăm.
Đây không phải là một cơn nghiện ngập hay một thứ dịch bệnh sao? Dịch bệnh nào cũng gây nguy hại cho sức khỏe của con người. Cả tinh thần lẫn thể lý. Nhiều người đã nhận ra điều đó.  Kết quả của một cuộc thăm dò được Hội Tâm Lý Gia Mỹ cho công bố hồi năm ngoái cho thấy tại Hoa Kỳ có đến 65 phần trăm người Mỹ nhận thấy rằng thỉnh thoảng không sử dụng điện thoại cầm tay có thể nâng cao sức khỏe tâm thần. Cũng trong năm vừa qua, một cuộc nghiên cứu do trường Đại học Texas thực hiện cho thấy chỉ cần một chiếc điện thoại “tinh khôn” để trước mặt cũng đủ để làm giảm bớt những kỹ năng tri thức căn bản của con người. Nói tóm lại, như chuyên gia tâm lý Adam Alter của trường Đại học New York nhận định, nỗi ám ảnh về kỹ thuật của con người thời đại quả là “một dịch bệnh đã bùng nổ” (x.Technology, The Masters of Mind control, tạp chí Time  23/4/2018).
Bất cứ một thứ nghiện ngập nào cũng có thể khiến cho con người trở thành nô lệ và giam hãm con người trong chính cái tôi ích kỷ của mình. Ngày nay, mỗi lần nghĩ đến dịch bệnh của thời đại và tình trạng tự nô lệ hóa của con người, tôi thường liên tưởng đến hình ảnh của đám đông trên các đường phố. Nhiều người chúi mũi vào màn ảnh của chiếc điện thoại đến độ quên hẳn sự hiện diện của người xung quanh và ngay cả những bất trắc có thể xảy ra trong giao thông. Nhiều người cười nói huyên thuyên và cư xử như người nói xàm giữa đám đông.
Nhưng đặc trưng nhứt của tình trạng nô lệ mà các phương tiện truyền thông hiện đại có thể tạo ra chính là việc tự chụp ảnh bằng điện thoại cầm tay (selfie). “Tự sướng”: tiếng Việt trong nước hiện nay nghe có vẻ gợi hình hơn. Tựu trung, nếu như có một thời trong các chế độ cộng sản, người dân tôn thờ lãnh tụ, thì ngày nay dường như con người lại tôn thờ cá nhân và cá nhân đó không ai khác hơn là cái tôi của mình. Cái tôi được đóng khung, được lộng kính. Cái tôi được trưng bày trên các trang mạng xã hội. Người ta tưởng đó là một cách tự đăng quang dễ dàng và không tốn kém. Kỳ thực, chúng ta càng bỏ giờ, bỏ công sức để tự quảng cáo trên các trang mạng xã hội, thì người khai thác để trục lợi không ai khác hơn là những người đã đẻ ra những trang mạng xã hội ấy. Họ lấy các dữ kiện cá nhân của chúng ta để bán cho các hãng quảng cáo và các nhà hoạt đầu chính trị. Chúng ta tưởng mình là khách hàng của Facebook hay Google. Thật ra chúng ta chỉ là những sản phầm để họ rao bán mà thôi. Trong chế độ nô lệ, con người bị xem như đồ vật hay sở hữu của người khác. Ngày nay, tinh vi hơn, con người có thể tự nô lệ hóa và tình nguyện trở thành sản phẩm để được người khác rao bán. Nói cho cùng, khi cái tôi của tôi được chính tôi tung hô và đề cao đó là lúc tôi biến thành tín đồ của một tôn giáo mới: tôn giáo này không tôn thờ một thần linh hay thượng đế nào khác hơn là chính tôi! Tôn giáo này khuyến dụ tôi tin tưởng rằng  tôi “hơn” người khác, nhu cầu của tôi quan trọng hơn nhu cầu của người khác và tôi phải được thụ hưởng tất cả những gì tôi ước muốn. Tôn giáo mới này thuyết phục tôi rằng những người bạn trên Facebook của tôi đang ngóng trông từng ngày để được nghe và nhìn thấy những kỳ công và thành tựu của tôi.
Dĩ nhiên, kỹ thuật được phát minh là để phục vụ con người. Nhưng kỹ thuật của thời đại dường như không còn phục vụ con người nữa, mà đang biến con người thành nô lệ  và dẫn dắt con người vào thứ tôn giáo mới đề cao cái tôi này.
Tại Hoa Kỳ và nhiều nước Tây Phương, ngọn lửa của tôn giáo mới này đã bùng cháy vào khoảng thập niên 1970. Với tôn giáo mới này, người ta xem mặc cảm tự ti và sút kém là cội rễ của mọi thứ tệ nạn tâm lý cũng như xã hội, từ lo lắng đến trầm cảm, từ bạo hành trong gia đình đến lạm dụng tình dục trẻ con. Đối lại với mặc cảm tự ti, tôn giáo mới này kêu gọi các tín đồ phải luôn tỏ ra tự tin, phải xem mình là người tài giỏi và ngay cả “hơn” người khác.
Trong suốt gần 4 thập niên, các chuyên gia tâm lý Mỹ đã bỏ công nghiên cứu về ảnh hưởng của thái độ lạc quan và sự tự tin đối với sự thành công cũng như sức khỏe tâm thần của học sinh trung học tại Hoa Kỳ. Khẳng định cốt lõi được đưa ra trong cuộc trắc nghiệm là: “Tôi là một người quan trọng”. Trong thập niên 1950, chỉ có 12 phần trăm học sinh trung học đồng ý với khẳng định này. Nhưng năm 1989, tỷ lệ này đã tăng lên đến 80 phần trăm. Cũng trong chiều hướng này, từ giữa thập niên 1980 đến giữa thập niên 2000, sự tự tin và tự phụ của các sinh viên Mỹ được đo lường bằng mệnh đề “Tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn nếu không đạt được điều tôi đáng được”. Kết quả cho thấy tỷ lệ của lòng tự tin và tự phụ  nơi các sinh viên Mỹ tăng thêm 30 phần trăm.
Cùng một tuổi với tôi, Tổng thống Donald Trump không thuộc thế hệ sinh viên nói trên. Nhưng cái kiểu nói của ông: “cái gì tôi cũng nhứt, tôi thông minh nhứt, tôi học những trường danh giá nhứt, tôi thành công nhứt...tôi là một thiên tài” có lẽ cũng nói lên một phần nào niềm tin của tôn giáo đề cao cái tôi hiện nay. Cái gì cũng cái tôi trước hết, cái gì cũng cái tôi trên hết. Ngày nay, chữ cái “I” trong Ipad hay Iphone dĩ nhiên gợi lên chữ Intelligence (thông mình hay tinh khôn) mà cũng gián tiếp đề cao cái tôi. Một cuộc nghiên cứu về 15 triệu cuốn sách của Google Ngram cho thấy giữa năm 1900 và năm 1974, chữ “tôi” chỉ được sử dụng khoảng 50 phần trăm, nhưng từ giữa năm 1975 đến năm 2007, tỷ lệ này lại tăng lên hơn 87 phần trăm (x.https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-power-insight/201711/maslows-hierarchy-is-the-source-our-self-obsession?)
Minh triết, đạo giáo, luân lý, tôn giáo... ở thời đại nào cũng khuyên dạy con người khiêm tốn. Tất cả các bậc vĩ nhân đích thực trong lịch sử nhân loại, từ cổ chí kim, đều tỏ ra là những con người khiêm tốn. Một người thông minh tài trí và lỗi lạc nhứt trong Thế kỷ 20 như nhà bác học Albert Einstein lúc nào cũng tỏ ra khiêm tốn. Năm 1922, sau khi được tin mình được trao tặng giải thưởng Nobel về vật lý, ông đi Nhật Bản. Một nhân viên khách sạn giúp đưa hành lý của ông lên phòng. Không có sẵn tiền túi để tặng cho người này, ông liền lấy một mảnh giấy và bày tỏ lòng biết ơn của mình bằng câu nói: “Một cuộc sống bình lặng và khiêm tốn sẽ mang lại nhiều hạnh phúc hơn việc đeo đuổi thành công và cái đuôi của nó là sự mỏi mệt không ngừng”. Xem đó như một món quà vô giá, nhân viên phục vụ khách sạn này đã cất giữ mảnh giấy ấy. Mới đây, nghĩa là gần một trăm năm sau, mảnh giấy có câu nói trên đây đã được mang ra bán đấu giá tại Jerusalem. Lúc đầu người ta hy vọng giá cao nhứt của mảnh giấy sẽ chỉ từ 5000 đến 8000 Mỹ kim. Nhưng không ngờ người cháu của nhân viên khách sạn trên đây đã bất ngờ trở thành triệu phú, bởi vì có người đã mua mảnh giấy ấy với giá gần 2 triệu Mỹ kim. Mảnh giấy ấy có giá trị có lẽ không phải vì có thủ bút của nhà bác học cho bằng được in đậm bằng chính tấm lòng khiêm tốn của ông. Thật có lý để gán cho ông câu nói nổi tiếng: “Có hai thứ vô cực: một là vũ trụ, hai là sự ngu xuẩn của con người”. Nếu như thông minh và biết nhiều như ông mà lúc nào cũng tỏ ra khiêm tốn thì cái ngu lớn nhứt của con người chính là lòng tự phụ.
Người khiêm tốn đích thực, theo tôi nghĩ, không phải là người  “hạ mình” đến độ chối bỏ phẩm giá và giá trị của mình, mà chính là “biết” giới hạn của mình, thành thật với chính mình và hơn nữa, biết nhận ra và tôn trọng phẩm giá và giá trị của người khác, bất luận giàu nghèo, sang hèn, thông minh hay đần độn. Một cách nào đó, sự khiêm tốn đích thực luôn đi đôi với niềm cảm thông và sự quan tâm đến người khác.
Trước năm 1975, nhà văn nữ Túy Hồng có viết một quyển tiểu thuyết có tựa đề ngộ nghĩnh: “Tôi nhìn tôi trên vách”. Nhìn trên vách, dĩ nhiên tôi chỉ thấy cái bóng của tôi. Cái bóng của tôi không phải là con người thật của tôi. Nhưng có khi tôi lại suốt đời chạy theo cái bóng giả tạo ấy. Ngày nay, với chiếc điện thoại tinh khôn, lúc nào tôi cũng có thể nhìn thấy tôi và chỉ thấy có mỗi mình tôi. Không phải là một cái bóng, nhưng cái tôi trên màn ảnh của chiếc điện thoại tinh khôn ấy cũng chỉ là một cái tôi giả tạo.
Cái tôi dễ bị đánh mất và nghịch lý lớn nhứt trong cuộc đời là khi tôi quên mình để biết sống và quan tâm đến người khác, chính là lúc tôi tìm gặp lại chính mình. Nụ cười chân tình của một người khi gặp lại tôi cho tôi biết ít ra tôi đã để lại một hình ảnh tốt đẹp của tôi nơi họ. Ánh mắt của người đối diện là ống kính chân thực nhứt để tôi nhìn thấy tôi.
Mỗi ngày mở mắt ra, tôi nhìn thấy tôi trong người khác và tôi gặp lại tôi qua người khác.










Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Kẻ chiến thắng đích thực


  
Chu Thập
23/04/14
Mỗi năm, cứ đến ngày Anzac 25 tháng 4, tuy không phải là dân Úc chính hiệu, tôi cũng hướng lòng về Gallipoli, Thổ Nhĩ Kỳ, để tưởng nhớ các chiến sĩ Úc đã bỏ mình trong thời Đệ nhứt Thế chiến và dĩ nhiên cùng với họ, tôi cũng không quên tất cả những binh sĩ Úc đã hy sinh trong  mọi cuộc chiến có sự tham gia của quân đội Úc. Lòng biết ơn không cho phép tôi loại trừ họ, bằng cách này hay cách khác, ra khỏi ký ức của mình.
Biết ơn các chiến sĩ Úc, tôi thấy cũng không thể quên được tấm lòng của một người Thổ Nhĩ Kỳ đã từng được thế giới đề cao như một trong những nhân vật vĩ đại nhứt trong lịch sử nhân loại: cố tổng thống Mustapha Kemal Ataturk (1881-1938). Đúng như tước hiệu “Ataturk” (cha già dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ) đã được trao tặng duy nhứt cho một mình ông, Mustapha Kemal, vị tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, đã có công khai sinh ra một quốc gia dân chủ đầu tiên trong thế giới Hồi giáo và biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một đất nước văn minh, tiến bộ. Nhưng đáng ghi nhận nhứt nơi ông, theo tôi nghĩ, chính là tấm lòng độ lượng biết dẹp bỏ hận thù để xây dựng tình thương và củng cố quan hệ thân hữu với các nước cựu thù. Việc cho phép và khuyến khích chỉnh trang các nghĩa trang của quân đội Đồng Minh, cách riêng quân đội Úc, tại Gallipoli là một cử chỉ cụ thể nói lên tấm lòng độ lượng ấy. Là một vị tướng chỉ huy thành công trong việc đẩy lui quân đội Đồng Minh trong trận chiến Gallipoli, Mustapha Kemal đã không cư xử với thái độ đắc thắng của một kẻ chiến thắng. Trái lại, ông đã xem những người nằm xuống của bên chiến bại như bạn hữu và ngay cả như những người con của đất nước mình. Năm 1934, trong bài diễn văn đọc trước một phái đoàn gồm người Úc, Tây Tân Lan và Anh đến viếng thăm trận địa Gallipoli, vị tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đã ngỏ lời về các chiến sĩ Đồng Minh đã ngã gục tại đây bằng những lời lẽ như sau:
“Những vị anh hùng này đã đổ máu và đã hy sinh mạng sống của mình. Giờ đây, các bạn đang nằm trên mảnh đất của một nước bạn. Do đó, các bạn hãy nghỉ yên.
Đối với chúng tôi, không có sự khác biệt giữa những “Johnny” (tên gọi quen thuộc của Anh, Mỹ, Úc, Gia Nã Đại và Tân Tây Lan) và những “Mehmet” (tên gọi quen thuộc của người Thổ Nhĩ Kỳ) tại những nơi họ đang nằm nghỉ bên cạnh nhau trong đất nước của chúng tôi.
Về phần mình, hỡi các bà mẹ là những người đã gởi con ra khỏi đất nước của mình, các bà hãy lau sạch nước mắt. Con trai của các bà hiện đang nằm trong lòng chúng tôi và đang nghỉ giấc bình an.
Sau khi đã bỏ mình trên mảnh đất này, họ cũng đã trở thành con cái của chúng tôi.”
(http://www.awm.gov.au/encyclopedia/ataturk.asp)
Vị cha già dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ có vĩ đại là bởi tấm lòng độ lượng và khoan nhượng của ông. Hẳn tổng thống Mustapha Kemal là người rất am hiểu lịch sử Hoa Kỳ, nhứt là trong thời kỳ lập quốc, bởi vì cử chỉ khoan nhượng của ông không thể không làm tôi nhớ lại thái độ cao thượng của một trong những nhà lập quốc vĩ đại của Hoa Kỳ là tổng thống Abraham Lincoln (1809-1865), người thường được mệnh danh là Nhà Giải phóng Vĩ đại. Vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ này đã để lại một bài diễn văn được xem là một trong những văn kiện hay nhứt bằng Anh Ngữ trong suốt lịch sử nhân loại. Bài diễn văn thường mệnh danh là “bài diễn văn Gettysburg” vì được đọc trong  buổi lễ cung hiến Nghĩa trang Chiến sĩ quốc gia tại Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania ngày 19 tháng 11 năm 1863, bốn tháng rưỡi sau khi xảy ra trận Gettysburg đẫm máu trong đó quân đội Liên bang dành được chiến thắng vẻ vang. Trong bài diễn văn lịch sử dài 272 chữ và kéo dài không quá 3 phút, tổng thống Lincoln đã đề cao gương anh dũng hy sinh của các chiến sĩ của Liên Bang cũng như của Liên Minh miền Nam. Ông mở đầu bài diễn văn bằng cách nhấn mạnh đến lý tưởng tự do và bình đẳng: “Tám mươi bảy năm trước, cha ông chúng ta đã tạo dựng trên lục địa này một quốc gia mới được thai nghén trong Tự Do, được cung hiến cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều Bình Đẳng”. Chính vì lý tưởng và niềm xác tín ấy mà hai bên, Liên Bang cũng như Liên Minh Miền Nam đã gặp nhau trên “bãi chiến trường này”. Theo tổng thống Lincoln, chính các chiến sĩ, bất luận thuộc bên nào, mới là những người đã cung hiến mảnh đất này. Kết thúc bài diễn văn, tổng thống Lincoln nói: “Thế giới sẽ không quan tâm, cũng chẳng nhớ đến những gì chúng ta đang nói ở đây, nhưng thế giới sẽ không bao giờ quên những gì họ đã làm tại đây.”
(http://www.abrahamlincolnonline.org/lincoln/speeches/gettysburg.htm)
Dĩ nhiên, thế giới đã không bao giờ quên cuộc nội chiến nhờ đó Hoa Kỳ đã trưởng thành hơn trong lý tưởng Tự Do và niềm xác tín về Bình Đẳng. Nhưng chính tổng thống Lincoln đã xóa bỏ làn ranh giữa hai chiến tuyến để đề cao gương anh dũng hy sinh của các chiến sĩ, bất luận thuộc bên nào, mà thế giới vẫn mãi mãi không bao giờ quên được “bài diễn văn Gettysburg” của ông.
“Bài diễn văn Gettysburg” của tổng thống Lincoln nay đã được đúng 150 tuổi. Bài diễn văn của tổng thống Mustapha Kemal tại nghĩa trang Gallipoli cũng đã tròn 80 tuổi. Thời xa xưa, nhiều vị nguyên thủ quốc gia đã biết nghĩ đến chuyện xóa bỏ hận thù để chỉ nghĩ đến hòa giải và tha thứ, cũng như bày tỏ một niềm tôn kính sâu xa đối với các tử sĩ, bất luận họ thuộc bên “thắng cuộc” hay bên “chiến bại”.
Có bao giờ người Việt Nam chúng ta sẽ nghe được một bài diễn văn như thế tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa không? Tôi mong điều đó biết chừng nào! Tôi chưa từng đặt chân vào Nghĩa Trang này, trước cũng như sau năm 1975. Nhưng tôi tin rằng nhà văn Giao Chỉ đã không quá phóng đại hay thêu dệt khi mô tả lại tình trạng của Nghĩa Trang này như sau: “Ngày 30/4/1975”, quê hương Việt Nam vào tay cộng sản. Sau những chiến dịch đánh tư sản mại bản, đánh tư thương, và đánh tất cả các ngành khác mà chung qui là chúng tịch thu tất cả cơ sở kinh doanh sản xuất của tư nhân và chia chác tài sản quốc gia. Đó là về vật chất, còn về con người thì hằng trăm ngàn quân nhân, viên chức, cán bộ, và một số dân thường, bị chúng đẩy vào các trại tù mà chúng gọi là trại cải tạo không thời hạn. Đó là hành hạ trả thù người còn sống, còn đối với những quân nhân tử trận nằm im trong lòng đất vẫn bị hành hạ trả thù, bằng cách ủi bằng các nghĩa trang địa phương để xây dựng nhà ở hay cơ sở trên đó. Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa cũng bị phá hoại dưới nhiều hình thức khác nhau, do một đơn vị quân đội của họ trú đóng nơi đây đập phá. Trong thập niên 1990, có tin CSVN giao cho một công ty Đài Loan xây dựng khu kỹ nghệ, nhiều thân nhân xôn xao vội vàng bốc mộ, nhưng không rõ việc gì đã xảy ra mà họ không thực hiện. Do vậy mà Nghĩa Trang vẫn còn đó dù chỉ là từng phần từng mảng trong điêu tàn hoang phế!...
Theo tác giả có bút hiệu “Người Giữ Mộ” thì năm 1983, sau khi ra tù, tác giả đến nơi an nghỉ của những chiến sĩ đã tròn nhiệm vụ với quốc gia dân tộc, để cảm nhận cảnh tiêu điều hoang phế của Nghĩa Trang! Loại cây Hắn Hương rất nhiều rất cao, che phủ Nghĩa Trang, phải len chân mới di chuyển được. Tất cả mộ bia đều bị đập phá hình, khoảng 50% mộ bia ngã xuống đất, phần còn lại thì ngả nghiêng xiêu vẹo, riêng bia của 8 vị Tướng bị đập phá hoàn toàn, nắp xi măng trên phần mộ bị nhà cầm quyền đem cấp phát cho các cơ quan của họ, trong đó có câu lạc bộ bệnh viện Từ Dũ. Thân “Con Ong”, tức là những khu đất phần mộ, trở nên loang lở do bị đào xới” (Việt Báo, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, 19/4/2014).
30 tháng Tư hàng năm, đọc lại những dòng trên đây mà thấy xót xa. Người sống, dù thế nào đi nữa, cũng có thể bương chải để sống còn. Nhưng người chết, nhứt là những người vị quốc vong thân, nếu không được mồ yên mả đẹp thì lẽ ra, vì truyền thống “nghĩa tử nghĩa tận” của dân tộc, không đến nỗi phải bị mang ra cày xéo thêm một lần nữa. Vậy mà “Bên thắng cuộc” vẫn cứ say men chiến thắng và say cả máu người để tiếp tục dẫm đạp lên phần linh thiêng nhứt của con người là mộ phần.
Chiến tranh nào cũng có hồi kết thúc. Có kẻ chiến thắng. Có người chiến bại. 30/4/1975, như nhà báo Huy Đức trong nước đã ghi lại trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”, muốn hay không, xét về quân sự, rõ ràng là những người cộng sản Miền Bắc đã đánh cho “Mỹ cút, Ngụy nhào”. Nhưng cũng do chính tác giả này nhận định, “kẻ thắng cuộc” đích thực lại không phải là những người cộng sản Miền Bắc, mà chính là Miền Nam Tự Do. Chỉ cần hình ảnh của một “bộ đội” Dương Thu Hương, khi vào “tiếp thu” Sài Gòn, đã phải ngồi ôm mặt khóc ròng trước cảnh tượng của một Miền Nam Tự Do và Thịnh Vượng (vì biết mình bị Bác và Đảng lừa gạt) cũng đủ để nói lên ai mới thực sự là “Bên Thắng Cuộc”. Có anh bộ đội bà con từ Bắc vào Nam thăm thân nhân. Mặc dù sau 1975, thiếu ăn thiếu mặc, gia đình người thân cũng cố làm một bữa cơm xoàng để đãi anh. Không ngờ, chỉ thưởng thức món rau muống chẻ trộn thịt bò thôi, anh đã luôn miệng khen: “Sao mà nó ngon thế, sao mà nó “đế quốc” thế, sao mà nó “nãng mạn” thế”. Không cần phải là một Dương Thu Hương, khi khám phá ra bộ mặt thật của thịnh vượng, tự do của Miền Nam, mới bưng mặt khóc. Có lẽ tôi cũng sẽ khóc khi nhìn gương mặt ngây ngô của anh “bộ đội cụ Hồ” lần đầu tiên được thưởng thức món rau muống chẻ trộn dầu giấm ăn với thịt bò của đế quốc! Khóc vì sao thấy trên đời này có những người tội nghiệp đến thế.
Miền Nam không chỉ giải phóng Miền Bắc bằng sự giàu có, tự do và dân chủ, mà còn “chiến thắng” bằng tình người và tinh thần nhân bản vốn đã hoàn toàn bị thui chột dưới chế độ cộng sản Miền Bắc.
Tưởng niệm các chiến sĩ Úc trong Ngày Anzac, nhưng tâm hồn tôi lại hướng đến Ngày 30 tháng Tư Đen, ngày mà nhà văn Liêu Thái trong nước đã gọi là “Ngày Oan Hồn”, ngày đã đẩy không biết bao nhiêu người Việt Nam đang sống cũng như đã qua đời thành những oan hồn vất vưởng không nơi cư trú. Nhìn nghĩa trang Gallipoli mãi bên tận Thổ Nhĩ Kỳ, tôi lại hình dung ra Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Đọc lại “bài diễn văn Gettysburg” của tổng thống Abraham Lincoln, lắng nghe những lời của tổng thống Mustapha Kemal tại nghĩa trang Gallipoli, tôi không thể không nghĩ đến chiến thắng đích thực trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào. Đó là chiến thắng của hòa giải và tha thứ trên bất khoan nhượng và hận thù. Đó là chiến thắng của tình người và lòng vị tha  trên những toan tính ích kỷ. Đó là chiến thắng của Sự Thật trên Dối Trá và Lừa Gạt .
Nghi lễ của ngày Anzac nào cũng bắt đầu vào lúc hừng đông và kết thúc khi mặt trời vừa ló dạng. Tôi cũng mong có ngày mặt trời của Sự Thật, Công Lý và nhứt là Tình Thương  sớm chiếu tỏa trên quê hương vẫn còn đắm chìm trong tăm tối của Hận Thù và Khốn Khổ.









Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Syria: bát quái trận đồ!


20/04/18
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố “sứ mệnh đã hoàn thành” (Mission accomplished) sau khi Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã dội bom xuống các kho vũ khí hóa học của Syria. Mặc dù quân đội Nga không phải là mục tiêu của cuộc dội bom, Nga đã tuyên bố  sẽ có trả đũa mạnh.
Liền sau cuộc dội bom, Tổng thống Trump đã nêu đích danh 2 đồng minh thiết thân của Syria là Nga và Iran mà ông cho là đang “trang bị và tài trợ cho chế độ tội đồ Assad”. Tổng thống Mỹ chất vấn 2 nước này: “Xin hỏi Iran và Nga: quý vị là loại quốc gia nào mà lại liên kết với tên giết người hàng loạt nhắm vào những người đàn ông, đàn bà và trẻ con vô tội”. Rồi ông cảnh cáo: “Về lâu về dài không có quốc gia nào có thể thành công bằng cách che chở cho các chế độ độc tài, những tên bạo chúa độc ác và những nhà độc tài khát máu”.
Cuộc nội chiến hay đúng hơn chiến tranh đại diện tại Syria đã bước vào năm thứ tám. Tính đến nay đã có khoảng 350.000 người thiệt mạng. Nga và Iran phải chịu trách nhiệm về máu của vô số người vô tội đã đổ ra. Nhưng bên cạnh 2 nước này, còn phải kể đến rất nhiều nước khác trong đó có Hoa Kỳ và Israel cũng như các lực lượng kình chống nhau tại Syria.
Trong các tác nhân chính trong cuộc chiến tại Syria, dĩ nhiên trước tiên phải nói đến nhà độc tài Assad và Nga. Cuộc xung đột tại Syria đã bắt đầu bằng một cuộc nổi dậy của người dân Syria chống lại chế độ độc tài của Tổng thống Bashar al- Assad. Trong những năm đầu của cuộc xung đột, tức cuộc nội chiến giữa chính phủ và phe nổi dây, các lực lượng của Chính phủ Assad đã chịu nhiều tổn thất và tưởng như sắp sụp đổ.
Tuy nhiên, Nga, quốc gia đồng minh lâu đời của Syira đã nhảy vào cuộc chiến: các lực lượng của Chính phủ Syria được Nga yểm trợ tối đa. Bằng sự hiện diện quân sự và hàng tỷ Mỹ kim rót vào Chính phủ Assad, Nga đã giúp quân đội Syria đè bẹp phe nổi dậy cũng như các nhóm Hồi giáo chống chính phủ.
Yểm trợ cho chế độ độc tài Assad, Nga đã để lộ tham vọng bành trướng tại Trung Đông. Nga xem Syria như một cửa ngõ dẫn vào Địa Trung Hải và là bàn đạp để thò bàn tay lông lá vào Trung Đông. Chính vì vậy mà Nga luôn tìm cách nuôi dưỡng Chế độ Assad. Tổng thống Trump đã vạch rõ điều đó: “Năm 2013, Tổng thống Putin và chính phủ của ông đã cam kết với thế giới rằng họ sẽ bảo đảm sẽ loại trừ các vũ khí hóa học của Syria.” Nhưng cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học mới đây của đồ tể Assad cho thấy Nga đã không giữ lời hứa. Ông Trump lên giọng dỗ dành: “Nga cần phải quyết định liệu có nên tiếp tục con đường đen tối ấy không hay phải liên kết với các nước văn minh như một lực lượng bảo đảm ổn định và hòa bình. Hy vọng rằng có ngày chúng ta sẽ bắt tay với Nga và ngay cả với Iran”.
Lâu nay, với Nga, cách riêng với Tổng thống Putin, Tổng thống Trump luôn bày tỏ hy vọng sẽ xích lại gần hơn. Nhưng với Iran, Chính phủ Trump đã tỏ ra dứt khoát: không thể tin tưởng ở thiện chí của Iran muốn chấm dứt việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Chính vì vậy mà ông luôn chống lại Thỏa ước về hạt nhân đã đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama và được Liên Hiệp Quốc giám sát.
Cộng hòa Iran là một nước Hồi giáo trong đó phần lớn dân số theo Hồi giáo thuộc hệ phái Shi’ite. Syria cũng là một nước có đông dân số theo Hồi giáo, nhưng lại theo Hệ phái Sunni. Trong suốt lịch sử của Hồi giáo, Shi’ite và Sunni là hai hệ phái luôn kình chống nhau. Riêng Tổng thống Assad là người thuộc hệ phái Alawite, vốn là một chi nhánh của hệ phái Shi’ite. Chính vì mối giây liên kết huynh đệ giữa Alawite và Shi’ite cho nên Iran lúc nào cũng ủng hộ nhà độc tài Assad.
Cũng như Nga, trong cuộc chiến hiện nay Iran đang bỏ ra hàng tỷ Mỹ kim để yểm trợ cho Syria. Theo một ước tính của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm Iran tài trợ cho Syria tới 6 tỷ Mỹ kim. Ngoài viện trợ, Iran cũng gởi quân sang chiến đấu bên cạnh quân đội Syria. Người đứng đầu Sáng hội Tuẫn đạo (Martyrs Foundation) của Iran nhìn nhận rằng đã có trên 2000 binh sĩ Iran tử trận tại Syria. Trong số này có cả một số tướng tá thuộc binh đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.
Sau cuộc tấn công của Hoa Kỳ, Anh và Pháp tối thứ Bảy 14 tháng Tư vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã gọi điện thoại cho Tổng thống Assad để tái khẳng định rằng Iran luôn đứng đàng sau Syria. Ông Rouhani nói với nhà độc tài Assad rằng cuộc tấn công do Mỹ lãnh đạo sẽ không làm suy yếu quyết tâm của nhân dân Syria.
Với quyết tâm bảo vệ “đồng đạo”, trong nhiều năm qua, Iran đã dùng Syria như một trung gian để gởi khí giới và tài trợ đến tổ chức Hezbollah tại Liban. Hezbollah là một tổ chức Hồi giáo cực đoan thuộc hệ phái Shi’ite. Năm 1983, một cuộc đánh bom do nhóm này thực hiện nhắm vào một căn cứ quân sự của Mỹ tại Liban đã làm cho 241 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Vì sợ rằng cuộc nội chiến tại Syria có thể gây trở ngại cho việc viện trợ cho Hezbollah cho nên Iran đã tích cực yểm trợ Chế độ Assad và dĩ nhiên cũng lôi kéo vệ tinh Hezbollah vào vòng chiến. Hiện nay, có cả ngàn chiến binh Hezbollah đang chiến đấu bên cạnh quân đội Syria.
Tình hình Syria ngày càng trở nên rối rắm hơn, bởi vì một khi kẻ thù không đội trời chung của Israel là Iran đứng về phía Syria, thì đương nhiên Israel không thể đứng nhìn như khách bàng quan.
Dưới mắt Israel, Iran hiện là mối đe dọa lớn nhất. Kể từ năm 2015, khi Nga can thiệp vào Syria, ảnh hưởng của Iran và Hezbollah tại Syria cũng ngày càng lớn và dĩ nhiên mối đe dọa đối với Israel cũng ngày càng gia tăng. Chính vì vậy mà tháng Chín năm 2017, Israel quyết định bảo vệ quyền lợi của mình bằng một loạt không tạc vào lãnh thổ Syria, nhất là nơi nào có quân Iran và Hezbollah trú đóng.
Liền sau cuộc tấn công bằng hơi ngạt của Syria tại Douma, cứ địa cuối cùng của phe nổi dây, Israel cũng đã đáp trả bằng một loạt không kích nhắm vào phi trường quân sự T-4 của Syria. Điều này chứng tỏ Israel muốn đơn phương tấn công Syria mà không cần có sự ưng thuận hay hậu thuẫn của Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ.
Nga, Iran, Israel, Hezbollah, Hoa Kỳ và ngay cả một số đồng minh của Hoa Kỳ là những phe ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp can dự vào cuộc chiến tại Syria. Tình hình Syria lại càng phức tạp hơn vì bên cạnh các tác nhân chính trên đây, tổ chức khủng bố Hồi giáo “Quốc gia Hồi giáo” (ISIS) hiện đang là một lực lượng khiến cho các mối tương quan tại Syria trở nên rối rắm hơn. Năm 2014, lợi dụng tình trạng xáo trộn do cuộc nội chiến tại Syria tạo ra, tổ chức khủng bố này đã chiếm được một số lãnh thổ và tuyên bố thành lập “quốc gia” lấy Raqqa ở phía Bắc Syria làm thủ đô. Nhưng ảnh hưởng của tổ chức này đã suy yếu khi phải đối đầu cùng một lúc với Liên minh Toàn cầu chống khủng bố do Hoa Kỳ lãnh đạo và liên minh của Chính phủ Assad. “Quốc gia Hồi giáo” chỉ còn giữ được một phần nhỏ của lãnh thổ họ đã chiếm được hồi năm 2014.
Bên cạnh “Quốc gia Hồi giáo”, còn phải kể đến một tổ chức khủng bố Hồi giáo khác là Al-Qaeda. Tuy không đáng kể, nhưng tổ chức khủng bố này cũng dự phần vào cuộc nội chiến và làm cho tình hình Syria thêm rối ren. Lúc đầu tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” nổi lên như một chi nhánh của tổ chức Al-Qaeda. Nhưng đầu năm 2013, do khác biệt về ý thức hệ, hai nhóm đã tách rời nhau. Nhưng sau khi hai nhóm này chia tay, người ta lại thấy xuất hiện một tổ chức khác lấy tên là Mặt trận Al-Nushra. Al-Nushra tự nhận là một bản sao của Al-Qaeda. Một thời gian sau, Al-Nushra lại thay hình đổi dạng để trở thành Tahrir Al-Sham, mặc dù vẫn giữ cái cốt của Al-Qaeda. Nhưng dù là “Quốc gia Hồi giáo”, Al-Qaeda, Al-Nushra hay Tahrir Al-Sham tất cả các nhóm khủng bố này đều là mục tiêu của những cuộc không kích của Hoa Kỳ.
Nhưng Syria có lẽ sẽ không bao giờ rơi vào nội chiến nếu không có các lực lượng đối lập tranh đấu cho tự do. Trong các lực lượng đối lập, trước hết phải kể đến Ahra Al-Sham. Đây là tổ chức ô dù của nhóm chiến binh đòi thay thế Chế độ Assad bằng một chính phủ Hồi giáo. Mặc dù ít hay nhiều có chủ trương khủng bố, nhóm này lại cũng chống lại “Quốc gia Hồi giáo” và tổ chức Tahrir Al-Sham. Bên cạnh các Lực tượng Tự do (FSA), tất cả các tổ chức khủng bố Hồi giáo hay các lực lượng Hồi giáo chống chính phủ trên đây đều ở tuyến đầu trong cuộc nội chiến tại Syria. Nhiều nhóm được Vương quốc Á rập Saudi và các nước Á Rập khác như Jordan và các quốc gia Vùng Vịnh bí mật yểm trợ.
Đối với Chế độ Assad, tất cả các nhóm trên đây, ngay cả các lực lượng tự do đều là những tổ chức khủng bố và các nước Tây Phương hay Liên minh Á rập nào ủng hộ họ cũng đều là những nước ủng hộ khủng bố. Riêng Nga xem Ahra Al-Sham là một phe đối lập ôn hòa cho nên mời tham dự các cuộc thương thuyết về ngưng bắn do Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đứng ra tổ chức. Nhưng tổ chức này đã từ chối không tham dự.
Cuối cùng, một tác nhân quan trọng không kém cần phải kể tới khi bàn về cuộc chiến tại Syria chính là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng của Syria ở phía Bắc. Là thành viên của Khối NATO và dĩ nhiên cũng là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tìm cách giữ vị trí độc lập trong sự can thiệp  vào Syria.
Dạo tháng Tám năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân đội, xe tăng và máy bay đến biên giới để gọi là đẩy lui “Quốc gia Hồi giáo”. Cuộc hành quân này đã giúp giải phóng được một số thành phố chính như Jarabulus và Manbij.
Dạo tháng Năm năm 2017, khi Tổng thống Trump thông qua một kế hoạch quân sự nhằm trang bị cho các chiến binh YPG của người Kurd để lấy lại Raqqa khỏi tay “Quốc gia Hồi giáo”, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự giận dữ. Kurd là một nhóm sắc tộc thiểu số đã gia nhập vào Liên minh Toàn cầu chống lại “Quốc gia Hồi giáo”. Sau khi “Quốc gia Hồi giáo” bị đánh bại, người Kurd tiếp tục kiểm soát một số vùng, thành lập chính quyền địa phương, nhất là tại những thành phố Afrin và Manbij, ở phía Bắc Syria.
Mặc dù được Hoa Kỳ trang bị và yểm trợ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng chính người Kurd lại bị Thổ Nhĩ Kỳ xem như một cánh tay nối dài của Đảng PKK (Đảng Lao động Kurdistan). Trong nhiều thập niên qua, Đảng này đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy tại Thổ Nhĩ Kỳ và đã từng bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách những tổ chức khủng bố.
Trong nỗ lực bứng người Kurd khỏi một số vùng nằm ở biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng Thổ đã xâm nhập vào Syria hồi tháng Giêng vừa qua. Hành động này khiến cho cho Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, vốn  đều là đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại “Quốc gia Hồi giáo”, phải đối đầu nhau.
Với nhiều phe phái đang lâm chiến như thế, Syria quả là một bát quái trận đồ mà những cuộc không kích của Hoa Kỳ, Anh và Pháp, dù có là “sứ mệnh đã hoàn thành” đi nữa, cũng chẳng mở ra được một lối thoát nào.

(Nguồn:http://abcnews.go.com/International/major-players-syrian-war/story)





Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Tôi là một con người!




Chu Thập
13/04/18
Hôm thứ Bảy 7 tháng Tư 2018 vừa qua, cuộc tấn công bằng hơi ngạt của quân đội Chính phủ Syria nhắm vào một cứ địa ở Douma do Lực lượng Tự do kiểm soát đã làm cho 70 người bị thiệt mạng và trên 500 thường dân mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em bị thương. Thế giới đã có phản ứng mạnh mẽ trước tội ác này. Riêng tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi nhà độc tài Bashar al-Assad là một “con thú” (animal).
Dường như không có hình dung từ nào chính xác hơn để diễn tả và lên án một hành động tội ác cho bằng “quái vật”, “dã thú” hay đơn thuần là “thú vật”. Ngay cả các chế độ độc tài, để tuyên truyền chống lại bất cứ kẻ thù bên ngoài nào, cũng đều gọi họ là “thú vật”. Điển hình là vương quốc bưng bít Bắc Hàn.
Hyeonseo Lee là tác giả của một cuốn hồi ký nổi tiếng “Người con gái với 7 tên gọi” (The Girl With Seven Names) xuất bản tại Nam Hàn hồi cuối thập niên 1990. Trong cuốn hồi ký, Lee kể lại rằng năm cô lên 13 tuổi, nhà trường bắt buộc các học sinh phải làm một cuộc hành hương đến Đài tưởng niệm Sinchon để biết thế nào là “tội ác chiến tranh” của Mỹ. Tại Đài tưởng niệm, Lee và các bạn học của cô được cho biết khi xảy ra cuộc chiến Triều Tiên năm 1950, đã có 35.000 thường dân Bắc Hàn bị quân đội Mỹ tàn sát. Lee còn được cho thấy cảnh 100 bà mẹ Bắc Hàn bị cách ly với những đứa con của họ khi chúng kêu khóc đòi bú. Nhưng khủng khiếp hơn cả, Lee đã được dẫn đến một căn phòng đặc biệt trong đó những người Mỹ  vô tâm đến độ đã lấy dầu cặn đổ vào miệng các thơ nhi.
Lee đã ghi lại trong hồi ký rằng lúc đó “tôi không hề nghĩ rằng người Mỹ là những con người. Tôi cho rằng họ là những “con thú” mà chúng tôi phải giết cho bằng được”. Người phụ nữ đã trốn thoát khỏi thiên đàng cộng sản kết luận: “Trẻ con bị tẩy não ngay từ lúc lên bốn”.
Không cần phải bị tẩy não như Lee Hyeonseo mới có thể gọi kẻ thù của mình là những “con thú”. Đứng trước bất cứ một cuộc tàn sát hay một hành động giết người man rợ nào, phản ứng bình thường của tôi vẫn là xem đó như một sự thể hiện của “thú tính” nơi con người. Chỉ có súc vật mới đối xử tàn bạo như thế đối với đồng loại của mình.
Kỳ thực, nghĩ lại, tôi thấy mình hơi bất công đối với thú vật. Thú vật quả có cắn xé và ăn tươi nuốt sống đồng loại đó, nhưng chúng đâu có phạm tội ác, bởi vì chúng không hề biết phân biệt phải trái, tốt xấu hay thiện ác. Xét cho cùng, nơi thú vật, dù có là “thú dữ” như sư tử và cọp đi nữa, không hề có sự độc ác. Thú vật có cắn xé là chỉ để tự vệ hay vì bản năng sinh tồn mà thôi. Hầu như chúng không giết  con thú khác như một trò chơi hay như một hành động không có chủ đích. Chúng không tàn ác và khát máu như loài người.
Chỉ có con người mới tỏ ra độc ác và tàn bạo đối với người đồng loại của mình. Chỉ có con người mới bỏ thì giờ, công sức để nghĩ ra vô số những trò độc ác để làm hại người khác. Từ lò hơi ngạt, tra tấn, quăng cho thú dữ vờn đến hành hạ hay kéo dài cơn hấp hối của tử tội...Đó chỉ là những đơn cử về sự tàn bạo về thể lý. Nếu kể cả về mặt tâm lý thì sự liệt kê có thể trở nên vô tận. Và nếu nhìn cho kỹ thì “tội tổ tông” từ đó bắt nguồn mọi thứ tội ác của loài người chính là cái nhìn miệt thị của con người đối với người đồng loại của mình.
Mùng 4 tháng Tư vừa qua là ngày tưởng niệm  đúng 50 năm ngày cố mục sư Martin Luther King bị thảm sát. Ngày hôm đó, vị mục sư da đen này đã đến Thành phố Memphis, Tiểu bang Tennessee, để lãnh đạo một cuộc đình công và tuần hành do các nhân viên vệ sinh da đen trong thành phố tổ chức để yêu cầu được hưởng một đồng lương công bình và cải thiện những điều tiện làm việc của họ. Thời đó, điều kiện làm việc của các nhân viên vệ sinh tại Hoa Kỳ vẫn còn tồi tệ và với riêng các nhân viên người Mỹ da đen, tình trạng lại càng bi thảm hơn. Ngày hôm đó, những người tham gia cuộc biểu tình đã đeo trước ngực một tấm bảng trên đó có viết hàng chữ “Tôi là một con người” (I am a man).
Cái chết của cố mục sư King, qua đó quyền bình đẳng của người da đen tại Hoa Kỳ được nhìn nhận và tôn trọng, là đỉnh điểm của một cuộc tranh đấu dai dẳng của người da đen. Cách đó 13 năm, thế giới đã nhắc đến gương tranh đấu anh dũng của một người da đen khác là bà Rosa Parks. Vào thời điểm đó, sự kỳ thị đối với người da đen vẫn còn tàn bạo và lộ liễu. Trên xe buýt chẳng hạn, người da đen không được ngồi ở những chiếc ghế dành cho người da trắng ở hàng đầu và khi người da trắng lên xe mà không còn chỗ, người đa đen phải nhường chỗ cho họ. Những quy định như thế là “luật” tại Tiểu bang Alabama. Nhưng ngày 1 tháng Mười Hai năm 1955, người thợ may 44 tuổi tên là Rosa Parks đã làm nên lịch sử: bà đã ngồi vào ghế dành cho người da trắng. Bà đã bị cảnh sát còng tay. Nhưng chính hành động can đảm của bà đã khai mào cho phong trào tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da đen tại Hoa Kỳ.
Khi những nhân viên vệ sinh người da đen tại Thành phố Memphis đeo tấm bảng “Tôi là một con người” trước ngực, họ không những muốn khẳng định sự bình đẳng như được ghi trong Hiến pháp của Hoa Kỳ, dường như họ cũng muốn nhắc lại lịch sử đau thương của một chủng tộc bị nô lệ hóa và đối xử chẳng khác nào thú vật chỉ vì màu da của mình.
Lịch của đất nước Hoa Kỳ “vĩ đại” không chỉ là lịch sử của hàng hàng lớp lớp di dân, mà còn là lịch sử bi thảm của cộng đồng người gốc Phi Châu. Hơn hai trăm năm lập quốc và xây dựng đất nước của Hoa Kỳ cũng chính là lịch sử đầy nước mắt của cộng đồng người da đen. Hitler và Đức Quốc Xã đã nhân danh chủng tộc da trắng ưu việt để xem người Do Thái như súc vật và tàn sát họ một cách còn tàn bạo dã man hơn cả đối với súc vật. Nhưng Đức Quốc Xã chỉ gây ra tội ác đối với người Do Thái và cuộc diệt chủng chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Trong khi đó lịch sử nô lệ hóa, tàn sát, bóc lột và miệt thị người da đen tại Hoa Kỳ đã kéo dài hằng bao thế kỷ và có khi vẫn còn âm ỉ cho tới ngày nay.
Ngày nay, khi cho xem lại những tấm bảng có viết câu “Tôi là một con người” trên ngực của các nhân viên vệ sinh tại thành phố Memphis hồi năm 1968, những người tổ chức tưởng niệm cố mục sư Martin Luther King có lẽ không còn phải khẳng định vể phẩm giá của người đa đen trong xã hội Hoa Kỳ nữa. Với riêng tôi, khẩu hiệu ấy dường như muốn nhắc nhở tôi về một cuộc hành trình gay go hơn: đó là hành trình làm người. “Tôi là một con người” nghĩa là tôi phải cố gắng sống cho ra người hơn. “Thú vật” mà tôi thường đồng hóa với tội ác và sự dã man có lẽ không ngừng tra vấn tôi về tư cách con người của tôi.
Một nhà sinh vật học người Mỹ đến khu rừng già Amazon ở Ba Tây để làm một cuộc nghiên cứu. Trong một cú điện thoại gọi về cho một người bạn, ông kể lại rằng một ngày nọ, vào lúc hừng đông, ông đến ngồi bên một bờ suối giữa rừng. Đó là giây phút mà mọi sinh vật đều thức giấc. Bất cứ một góc nào trong khu rừng, sự sống cũng đều bừng dậy: không khí tràn ngập mùi hương của đủ mọi loại hoa; ếch nhái, chim chóc, khỉ, nói chung đủ mọi loại thú trong rừng già đểu bắt đầu sinh hoạt. Chúng ăn uống, la hát, “cười đùa” và “giao du” với nhau. Vậy mà cả khu rừng vẫn chìm ngập trong một bầu khí tĩnh mịch khó tả. Nhà sinh vật học gọi đây là một bức tranh sống động của họa sĩ Claude Monet (1840-1926) tại vùng nhiệt đới.
Thình lình, sự thinh lặng của khu rừng như bị phá vỡ: một con bò mộng xuất hiện. Những bước chân của nó đạp lên những cành cây và chồi non, tạo ra một âm thanh khác thường. Nhà sinh vật học tưởng rằng bức tranh của khu rừng sẽ thay đổi, sự yên tĩnh sẽ bị phá vỡ và mọi con thú khác sẽ tháo chạy vì sợ hãi. Nhưng trước sự ngạc nhiên của ông, ngay cả khi con bò tiến sát đến bờ suối để uống nước, tất cả những con vật khác vẫn tỏ ra bình thản. Chúng vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường của chúng mà không màng đến sự hiện diện của kẻ lạ mặt.
Nhà sinh vật học buồn bã kết luận: “Tôi nhận ra rằng nếu không phải là con bò, mà chính tôi mới là người đột ngột xuất hiện trong khu rừng thì có lẽ mọi con vật khác sẽ bỏ chạy vì sợ hãi. Lúc đó, tôi cảm thấy cô đơn hơn bất cứ lúc nào hết” (x.www.psychologytoday.com/us/blog/bear-in-mind/201403/the-price-being-human).
Ai đó đã nói rằng khi ở giữa thiên nhiên và hòa hợp với thiên nhiên con người không còn cảm thấy cô đơn. Có cô đơn chăng là khi con người phá hủy sinh thái, miệt thị thiên nhiên. Đó là một thứ tội ác mới của thời đại thường ít được con người nhận ra. Khi các công ty đến khai thác vô tội vạ các khu rừng già ở Amazon, không chỉ có cuộc sống của các bộ lạc bị xáo trộn, mạng sống của họ bị đe dọa, mà buồng phổi của cả một lúc địa cũng bị đục ruỗng, sinh thái bị hủy hoại, các sinh vật nếu không bỏ đi thì cũng bị tiêu diệt. Và dĩ nhiên, khi sinh thái bị hủy hoại thì chính cuộc sống của con người cũng bị đe dọa. Con người độc ác với thiên nhiên. Họ cũng độc ác với người đồng loại của mình. Và dĩ nhiên, khi miệt thị, xúc phạm và chà đạp phẩm giá của người đồng loại, con người cũng làm hạ giảm “tính người” của chính mình.
Khẩu hiệu “Tôi là một con người” cũng không ngừng nhắc nhở tôi rằng sống là một chuỗi những cố gắng để vươn lên, để sống xứng với phẩm giá con người, để làm một người tốt hơn. Có khi trèo lên tới đỉnh cao rồi lại rơi xuống hố sâu, nhưng sai lầm và thất bại vốn là thuộc tính của con người cho nên tôi lại bắt đầu làm lại.
Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus  là một nhân vật bị thiên hoàng Zeus trừng phạt rất nặng nề: ông phải mang trên vai một tảng đá lớn và leo lên một đỉnh núi cao; nhưng vừa lên đến đỉnh, ông lại tụt xuống. Trèo lên rồi lại tụt xuống mà không bao giờ chấm dứt cuộc hành trình. Văn hào Pháp Albert Camus(1913-1960) đã mượn câu chuyện này để viết “Huyền thoại Sisyphus” qua đó ông nói lên sự hiện hữu phi lý của con người. Nhưng riêng tôi,  tôi lại xem Sisyphus như hình ảnh của chính cuộc hành trình “làm người” và “nên người” của tôi.  Con người có thể già đi, nhưng chẳng có ai dám vỗ ngực tự xưng mình đã hoàn tất tiến trình trưởng thành, chẳng có ai trưởng thành đến độ không còn phải cố gắng để vươn lên trong tư cách con người nữa. Còn sống là còn “trở thành”, là con vươn lên, là còn cố gắng làm cho mình mỗi ngày một thêm mới. Mới để những bản năng thấp hèn được chế ngự, để  nhân cách mỗi ngày bớt thui chột  và phần “người” ngày càng lớn lên.