Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Anh hùng vô danh






Chu Thập
22.1.13

Mỗi dịp Quốc Khánh, Úc đại lợi lại vinh danh một số người có công với đất nước. Năm nay, trong danh sách những người được vinh dự ấy có hai lực sĩ. Trong 40 năm qua, kể từ khi tước hiệu “Người Úc của năm” được trao tặng, chỉ có 3 người thuộc giới thể thao được vinh dự này. Năm 2008, Bart Cummings, nhà huấn luyện ngựa đua, được chọn làm người Úc của năm. Trước đó, vào năm 1987 và năm 1998, được trao tặng tước hiệu này là hai thủ quân của đội tuyển Cricket.
Người được vinh danh là “người Úc của năm 2012” nhân dịp lễ quốc khánh năm nay cũng là một thủ quân đội Cricket, ông Michael Clarke. Trong suốt năm 2012, tuyển thủ của môn thể thao được ưa chuộng nhứt của người dân Miệt Dưới này đã phải mang lấy trên vai tất cả gánh nặng của danh dự quốc gia và ông đã hoàn thành trách nhiệm của mình một cách tốt đẹp cũng như mang lại nhiều hy vọng cho quốc gia trong những cuộc tranh tài trong năm nay. Nhưng đáng chú ý hơn có lẽ là tên tuổi của cô Sally Pearson, người nữ lực sĩ đầu tiên của Úc được trao tặng tước hiệu “Người Úc của năm”. Cô Pearson quả xứng đáng để nhận tước hiệu này: tên tuổi của cô và cùng với cô, quốc kỳ và quốc ca Úc đại lợi đã trổi lên tại Thế vận hội mùa hè London dạo tháng 8 năm vừa qua khi cô dành được huy chương vàng về môn chạy nước rút 100 thước. Điểm nổi bật đáng được đề cao nơi người nữ vận động viên này là cô đã chia sẻ niềm vui chiến thắng của mình với tất cả sự nhún nhường và khiêm tốn. Qua thành tích cá nhân của mình, cô đã chứng tỏ rằng lực sĩ là người có thể sống tinh thần quảng đại. Và đây có lẽ là lý do khiến cô được chọn làm người của năm. Thua không nản mà thắng không kiêu. Đó mới thực sự là niềm cảm hứng mà các lực sĩ có thể mang lại cho mọi người dân của đất nước mà mình đại diện, nhứt là giới trẻ. Về điểm này, Sir Donald George Bradman (1908-2001), một trong những tuyển thủ Cricket nổi tiếng nhứt của Úc, khi nói về vai trò của các lực sĩ trong Cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới hồi thập niên 1930, đã có lý để vinh danh các cầu thủ thể thao. Ông nói rằng những thành tích của họ đã “giúp vực dậy tinh thần dân tộc trong một giai đoạn vô định về chính trị và kinh tế” (x.The Weekend Australian, Editorial, 19-20/1/2013).
Thể thao đề cao những giá trị vốn cần thiết cho cuộc sống xã hội cho nên thật là hợp lý khi vinh danh những nhân vật thể thao hàng đầu của đất nước để khơi dậy niềm cảm hứng cho người dân, nhứt là giới trẻ. Sự kiện nhân ngày quốc khánh năm nay Úc đại lợi trao tặng tước hiệu “Người của năm” cho hai lực sĩ lại càng có ý nghĩa hơn sau khi nổ ra vụ dối trá và lừa bịp của tay đua xe đạp Lance Armstrong mà nhiều người xem là sự kiện gây chấn động mạnh nhứt kể từ sau vụ Watergate tại Hoa kỳ. Trong vụ Watergate, sự kiện một đương kim tổng thống Mỹ đã bị buộc phải từ chức chỉ vì “nghe lén” điện thoại của đối phương trong thời gian tranh cử đã bị cả thế giới đánh giá như một trong những vết nhơ lớn trong lịch sử Hoa kỳ. Nhưng được chú ý không kém biến cố lịch sử này là chuyện tay đua xe đạp Mỹ Lance Armstrong đã lừa bịp được không những giới hữu trách thể thao mà còn cả tỷ khách hâm mộ thể thao trên khắp thế giới và ngay cả các nhà kinh doanh lớn khi dùng thuốc kích thích để thắng liên tiếp 7 vòng đua xe đạp nước Pháp.
Hành động gian dối và lừa bịp của tay đua này đã bị nhiều cơ quan truyền thông phanh phui, nhưng thế lực của đồng tiền chứ không phải uy tín thể thao đã giúp ông bịt miệng được tiếng nói chân thực. Nhưng cây kim trong bọc lâu ngày rồi cũng có lúc lòi ra. Sau khi đã bị tước đoạt 7 tước vô địch vòng đua nước Pháp và còn bị đe dọa truy tố trước pháp luật, cuối cùng Lance Armstrong đành phải lên tiếng “tự thú”.
Nhân chuyến đi nghỉ hè vừa qua tại Hawaii, ông đã gặp bà Ophrah Winfrey, nữ hoàng hội thoại truyền hình nổi tiếng nhứt thế giới hiện nay. Hai bên đã thỏa thuận để ông được lên tiếng về những vụ tai tiếng vừa qua.
Cả thế giới đã có dịp theo dõi cuộc phỏng vấn kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ và nhận ra cả nghệ thuật lừa dối tinh xảo của tay đua này. Như chính ông đã nhìn nhận, đây là một vụ lừa dối hầu như “hoàn hảo”: chiến thắng bệnh ung thư tinh hoàn, trở lại với những vòng đua chuyên nghiệp, thắng liên tiếp 7 lần vòng đua nước Pháp, có một cuộc sống gia đình hạnh phúc và mẫu mực, hăng say hoạt động trong các công tác từ thiện, trở thành huyền thoại và nguồn cảm hứng cho vô số người trên thế giới, nhứt là giới trẻ và những người đang chiến đấu với bệnh tật. Một câu chuyện thành công như thế, ai mà dám nghi ngờ về tính trung thực. Vậy mà cuối cùng, khi sự thật được phơi bày, mọi người mới vỡ lẽ rằng toàn bộ sự thành công ấy đều được xây dựng trên dối trá và lừa bịp và lừa bịp một cách tinh xảo.
Người ta nói rằng người dân Texas, Hoa kỳ thích làm chuyện lớn. Lance Armstrong quả thực đã làm được chuyện lớn, lớn đến độ khó tưởng tượng và chấp nhận được. Ông không những lừa được các đối thủ trong trường đua và các giới chức thể thao. Ông cũng lừa cả những người hâm mộ ông: họ đã tung hô ông, tôn thờ ông, suy tôn ông lên hàng mẫu mực vì đã mang lại cho họ niềm tin để phấn đấu và để đeo đuổi những lý tưởng cao đẹp. Đau không kém là những nhà bảo trợ, những người đã bỏ cả núi tiền ra để mua lấy tên tuổi của ông và quảng cáo cho hàng hóa của mình. Chỉ riêng tại Úc đại lợi,  với 3 lần xuất hiện trong Vòng đua Miệt Dưới (Tour Down Under), ông đã bỏ túi sơ sơ 9 triệu Úc kim, dĩ nhiên từ tiền thuế của dân Úc.
Rồi đây, thần tượng ngã đổ này hẳn phải đương đầu với vô số những hệ lụy về tài chính và luật pháp do hành động gian dối và lừa bịp của mình tạo ra. Đây có thể là điều mà Lance Armstrong sẽ chiến đấu cho tới cùng và dĩ nhiên trong vô vọng. Những câu trả lời của ông trong cuộc phỏng vấn dành cho bà Oprah quả là một cuộc tự thú, nhưng là một cuộc tự thú bắt buộc, nghĩa là không còn một con đường nào khác để chạy chối. Cung cách trả lời của ông không làm cho người nghe có cảm tưởng rằng ông đã chân thành sám hối. Ông Klaus Mueller, chủ tịch của Hội đua xe đạp Úc đại lợi nói rằng “thật sự, những lời tự thú của ông chẳng thay đổi được gì cả”. Theo ông Mueller, ngay từ đầu ai cũng đã biết những khám phá của Cơ quan chống xử dụng chất kích thích trong các cuộc thi đấu (USADA). Trong cuộc phỏng vấn vừa qua, Lance Armstrong đành phải nhìn nhận bởi vì ông không còn chọn lựa nào khác. Nói theo ngôn ngữ nhà đạo, với Armstrong, có đấm ngực, có xưng thú, nhưng không có thực tâm sám hối.
Theo tôi, đây quả là một điều đáng tiếc. Với một sự hối lỗi chân thành, người ta có thể mất hết mọi sự: tiếng tăm, danh dự, sĩ diện, quyền lực và dĩ nhiên tiền của. Nhưng bù lại, họ có thể tìm lại kho tàng vô giá trong cuộc sống. Kho tàng đó chính là bản thân. Tìm lại được chính mình không là điều quan trọng nhứt trong cuộc sống sao?
Tôi chợt nghĩ đến 730 người tù đầu tiên đã bị chính phủ Anh quốc đày sang Úc đại lợi và đã đặt chân lên bờ ngày 26 tháng Giêng năm 1788. Có ai ngờ rằng ngày lịch sử ấy đã trở thành Quốc khánh của Úc đại lợi và những cựu tù nhân mà Anh quốc muốn đày biệt xứ cho rảnh của nợ lại trở thành “thủy tổ” của người Úc? Ngày nay, mỗi lần mừng lễ quốc khánh, tôi không thể không nghĩ đến những tù nhân này. Hơn ai hết, đây mới thực sự là những người đáng được vinh danh trong ngày quốc khánh. Đáng được vinh danh không phải vì họ đã tiên phong khai phá đất nước trù phú này, mà vì đã trở thành mẫu mực cho bất cứ một sự sám hối và đổi đời nào. Tù nhân, ở thời đại nào và ở đâu cũng thế, thường chỉ còn là những con số. Họ mất hết tất cả. Họ chẳng còn gì để bám víu vào. Nhưng nếu cần phải tìm một mẫu người biết làm lại cuộc đời từ những đổ vỡ, mất mát tưởng chừng không gì có thể hàn gắn hay tìm lại được, thì những tù nhân đầu tiên bị đày lên Úc đại lợi cách đây hơn hai trăm năm quả là những mẫu người ấy.
Với tôi, họ là những anh hùng vô danh. Mà quả thật, trên khắp đất nước này, chẳng thấy nơi nào có một tấm bảng để tưởng niệm hay ghi công những cựu tù nhân này. Thật ra, đã là anh hùng vô danh thì người ta cũng chẳng cần được nhìn nhận hay vinh danh. Anh hùng thực sự là anh hùng vô danh! Anh hùng vô danh không cần thành tích, kỷ lục hay sự tưởng nhớ của người đời. Điều này cũng có nghĩa là anh hùng thực sự là người cũng chẳng muốn làm anh hùng. Trong các thứ bệnh, không gì trầm trọng bằng bệnh anh hùng. Trong các thứ biểu dương, chẳng có gì lố bịch bằng biểu dương thành tích. Tôi không thể không nghĩ đến những “bậc anh hùng” mà cứ ra ngõ là gặp ở Việt nam. Tôi không thể không nghĩ đến vô số những thành tích, kỷ lục mà cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam lúc nào cũng hô hào thi đua để đạt cho bằng được. Buồn cho một đất nước giàu chiến công, thành tích, kỷ lục, nhưng lại nghèo về những giá trị nhân bản, đạo đức cần thiết để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Quả không quá “cường điệu” để bảo rằng đất nước nào càng có nhiều anh hùng và giàu thành tích thì lại càng nghèo về mọi phương diện.
Anh hùng vô danh là những người thực sự không màng đến ngay cả tước hiệu “anh hùng”. Tôi nhớ hồi đầu thập niên 1990 có xem cuốn phim có tựa đề “Accidental Hero” (anh hùng bất đắc dĩ) do tài tử gạo cội Dustin Hoffman thủ diễn. Ngoài ra, góp mặt trong cuốn phim còn có những tên tuổi nổi tiếng như Geena Davis, Andy Garcia, Chevy Chase và Joan Cusack…Bernie LaPlante (do Dustin Hoffman sắm vai) là một tên chuyên nghề móc túi. Anh vừa trốn khỏi tù thì xảy ra một tai nạn máy bay. Chẳng chút đắn do, anh hòa mình vào đám đông để cứu những người còn sống sót. Vô tình, anh làm rớt một chiếc giày. Sau này, anh gặp một cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở Việt nam và tặng cho ông chiếc giày còn lại. Do chiếc giày mà Bernie đã đánh rơi trong lúc cố gắng cứu các nạn nhân, báo chí hô hào chủ nhân ra trình diện để được vinh danh và tri ơn. Do vượt ngục, Bernie không thể ra trình diện. Thế là người cựu chiến binh đã giành lấy công của anh. Và dĩ nhiên, dù cho Bernie có gân cổ cãi đến đâu, người ta vẫn tin người cựu chiến binh hơn anh…Câu chuyện xoay quanh sự ngộ nhận ấy. Người thực sự có công thì chẳng ai tin. Kẻ cướp công thì lại được nhiều người tôn thành thần tượng.
Cuộc đời đầy dẫy những chuyện “râu ông nọ cắm cầm bà kia” như vậy. Không thiếu những kẻ huênh hoang và lừa bịp được vinh danh, nhiều người đáng được nhớ đến lại bị bỏ quên. Nhân ngày quốc khánh của Úc đại lợi, tôi nhớ đến họ. Đặc biệt là trong lúc này khi nước Úc đang phải đối đầu với nạn cháy rừng gần như trên quy mô toàn quốc. Đây là lúc không biết bao nhiêu anh hùng vô danh tình nguyện tham gia chữa cháy mà không màng đến những thiệt hại cho riêng bản thân hay gia đình. Tinh thần của những người tham gia SES (nhóm thiện nguyện trong các dịch vụ khẩn cấp), sẵn sàng bỏ thì giờ, công ăn việc làm và đôi khi cả tính mạng làm cho tôi thấy cần phải tự nhìn lại chính mình. Sự thầm lặng của họ thật đáng ngưỡng mộ.
Làm anh hùng trong một biến cố đã là khó, mà làm anh hùng trong suốt nhiều năm dài lại càng khó hơn. Tôi biết xung quanh tôi có rất nhiều anh hùng. Họ là vô số những người hằng ngày âm thầm giúp đỡ cho những người yếu đau, tật nguyền hay kém may mắn khác vì lương tâm, tính lương thiện đòi hỏi họ phải làm như thế hơn là vì lương tiền và cũng không bao giờ mong được nhìn nhận hay vinh danh. Họ là những người thân trong gia đình tôi. Họ là người lạ mặt tôi gặp gỡ mỗi ngày, ở bất cứ nơi nào. Câu chuyện của họ, những người “anh hùng vô danh” chung quanh tôi đã và đang viết nên trang sử cho một nước Úc giàu nhân bản và tình người.

Tôi cảm mến và hãnh diện về đất nước này chắc chắn không phải vì Úc  là một nước có “thế giá” nhưng là vì tôi cảm nghiệm được một tinh thần anh hùng phổ quát từ những người Úc bình thường. 

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Thân phận cùng đinh trong xã hội Ấn Độ


26.8.16

Ngày 12 tháng 8 vừa qua, hàng trăm ngàn người cùng đinh và các nhóm Hồi giáo tại hai Tiểu bang Maharastra và Gujarat, Ấn Độ đã tập trung tại vận động trường Azad Maidan, Mumbai để phản đối những hành động dã man đối với người cùng đinh. Không chịu đựng nổi sự đối xử bất công và tàn bạo của xã hội, nhiều người cùng đinh đành phải tìm đến cái chết. Điển hình là cái chết của người sinh viên tên là Rohith Vemula dạo tháng Giêng vừa qua. Người sinh viên 26 tuổi này đang dọn tiến sĩ tại trường đại học Hyderabad. Hồi năm ngoái, Vemula và 4 sinh viên khác đã bị cáo buộc tấn công vào một thành viên của Phong trào sinh viên thuộc Đảng Ấn Giáo. Bị ngược đãi và tấn công như một tội phạm, Vemula đã tìm đến cái chết. Trong lá thư tuyệt mệnh, người sinh viên cùng đinh này đã nói đến nỗi đau của một người bị định mệnh nghiệt ngã cho sinh ra trong một gia đình cùng đinh. Với cái chết của mình, Vemula đã muốn nói lên thân phận bi thương của 180 triệu người cùng đinh đang bị hệ thống giai cấp của xã hội Ấn Độ ngược đãi, bách hại, hành hạ và ngay cả sát hại.
Trong xã hội Ấn Độ,  cùng đinh và các tín đồ Hồi Giáo là hạng người đứng ở tầng đáy của cơ cấu kinh tế và xã hội. Mặc dù phải làm những công việc dơ bẩn như lột da bò và dọn dẹp rác rưởi, người cùng đinh vẫn bị tấn công và ngay cả bị sát hại. Đương kim Thủ tướng Narendra Modi, lãnh tụ của Đảng Ấn Giáo đang cầm quyền, đã từng tuyên bố: “Đừng bắn người cùng đinh, mà hãy bắn tôi”. Nhưng những người tranh đấu cho người cùng đinh không tin tưởng ở thiện chí của ông. Họ nói rằng nếu thực sự muốn bênh vực người cùng đinh, thì ông hẳn đã có biện pháp trước những tội phạm đối với người cùng đinh.
Bước vào thế kỷ 21, trên thế giới vẫn còn có những con người bị xã hội liệt vào hạng cùng đinh. Đây quả là một điều khó tưởng tượng được, nhất là nó đang xảy ra tại một quốc gia đang có tham vọng sẽ trở thành một cường quốc kinh tế. Nhưng không riêng gì tại Ấn Độ, tại một số nước láng giềng khác của Ấn Độ như Nepal, Pakitan, Sri Lanka và Bangladesh vẫn còn một hạng người bị xem như mắc vết nhơ của “tội tổ tông” ngay từ lúc sinh ra cho nên phải suốt đời bị đày vào tầng đáy xã hội, bị kỳ thị, ngược đãi và ngay cả bị hành hạ và sát hại.
Nguồn gốc của sự phân chia giai cấp tại Ấn Độ đã có từ hơn hai ngàn năm trước. Theo hệ thống giai cấp vốn gắn liền với Ấn Độ Giáo này, dân chúng được phân loại tùy theo nghề nghiệp của họ. Mặc dù ở khởi đầu, giai cấp được phân chia theo công việc, nhưng dần dà lại trở thành cha truyền con nối. Trong xã hội Ấn Độ cũng như tại một số nước chịu ảnh hưởng của Ấn Giáo, mỗi người sinh ra đều thuộc một địa vị xã hội bất biến,nghĩa là không thể thay đổi được.
Trong xã hội nguyên thủy của Ấn Độ có 4 giai cấp. Trước hết là giai cấp Brahmin, gồm các tư tế chuyên lo việc tế tự. Kế đó là giai cấp Kshatriya gồm các chiến binh và quý tộc. Giai cấp thứ ba là Vaisya gồm các nông dân, lái thương và tiểu công nghệ. Và cuối cùng là giai cấp Shudra gồm những người làm công và đày tớ. Đứng ngoài giai cấp là người “Dalit”, tức người cùng đinh. Trong tiếng Hindi, “Dalit” có nghĩa là “không nên tiếp xúc hay đụng chạm tới”.
Đằng sau hệ thống giai cấp là thuyết luân hồi vốn là một trong những niềm tin cốt lõi của Ấn Giáo. Theo niềm tin này, cứ sau mỗi “kiếp người” thì linh hồn con người lại tái sinh thành một hình thể vật chất mới. Mỗi kiếp hiện tại đều tùy thuộc ở kiếp trước. Ở kiếp trước ăn ở gian ác hay nặng tục lụy thì kiếp sau sẽ phải chịu trầm luân trong một cuộc sống khốn khổ hơn. Trái lại, ở kiếp trước ăn ngay ở lành thì kiếp sau sẽ được giải thoát và hóa kiếp để được hạnh phúc hơn. Do đó, dù ở kiếp trước chỉ là một nông dân thuộc giai cấp Shudra, nhưng nếu ăn ngay ở lành thì khi tái sinh sẽ trở thành một Brahmin, tức một tư tế. Theo thuyết luân hồi của Ấn Giáo, linh hồn con người không những có thể di chuyển từ giai cấp này sang giai cấp khác, mà cũng có thể trở thành súc vật. Đây chính là lý do tại sao nhiều tín đồ Ấn Giáo không ăn thịt, nhất là thịt bò. Trong một kiếp sống, con người dù cố gắng đến đâu cũng không thể ra khỏi giai cấp của mình. Họ phải cố gắng ăn ngay ở lành trong kiếp sống hiện tại để vươn lên một giai cấp cao hơn trong kiếp sau.
Qua các thời đại và tại khắp nơi ở Ấn Độ, những thực hành gắn liền với việc phân chia giai cấp có thay đổi, nhưng trong căn bản vẫn có một số yếu tố bất biến.
3 lãnh vực của cuộc sống bị hệ thống giai cấp chi phối nhiều nhất là hôn nhân, việc ăn uống  và  thờ phượng. Hôn nhân giữa các giai cấp là điều hoàn toàn bị cấm ngặt. Trong các bữa ăn, bất cứ ai cũng có thể đón nhận thức ăn từ tay một vị tư tế, tức người thuộc giai cấp Brahmin, nhưng một vị tư tế không được phép để mình bị “ô nhiễm” nếu đón nhận một số thức ăn từ tay một người thuộc một giai cấp thấp hơn. Giữa các giai cấp mà còn có sự phân cách, huống chi giữa người có giai cấp và những người cùng đinh. Do đó, nếu một người cùng đinh dám “cả gan” kín nước từ một giếng công cộng, người đó sẽ làm cho nước bị ô nhiễm và như vậy những người thuộc giai cấp không được phép chạm đến nước đó nữa.
Trong thực hành tôn giáo, chỉ có các tư tế thuộc giai cấp Brahman mới được quyền cử hành các nghi thức tôn giáo. Ngoài ra cũng chỉ có các tư tế mới được phép cử hành hôn phối và tang lễ cũng như chuẩn bị các cuộc liên hoan và lễ nghỉ.
Hai giai cấp Kshatrya (gồm các chiến binh và giới quý tộc) và Vaisya (gốm các nông dân, lái thương và tiểu công nghệ) được quyền tham dự mọi nghi lễ thờ phượng. Trong khi đó tại một số nơi, giai cấp Shudra (gồm những người làm công và đày tớ) không được phép dâng cúng cho các thần linh. Và dĩ nhiên, người cùng đinh thì đương nhiên không được phép đi vào các đền thờ và đôi khi cũng chẳng được phép đặt chân vào trong khuôn viên của các đền thờ. Ngay cả khi cái bóng của một người cùng đinh chạm đến mình thì tư tế cũng bị ô uế. Do đó, từ đàng xa, mỗi khi có một vị tư tế đi qua, người cùng đinh bị buộc phải nằm rạp xuống đất.
Mặc dù ở khởi đầu Kinh Vệ Đà của Ấn Giáo chỉ kể đến 4  giai cấp chính. Trong thực tế, xã hội Ấn Độ có đến cả ngàn giai cấp, bởi vì trong mỗi giai cấp và mỗi cộng đồng đều có những “thứ cấp” được chia ra và nhân lên đến tận cùng, tùy theo nghề nghiệp và địa vị xã hội. Chẳng hạn những người chuyên thổi sáo để mê hoặc rắn được gọi là Garudi. Còn những kẻ chuyên đi thu nhặt vàng bên các bờ sông thì thuộc giai cấp Sonjhari.
Sinh ra trong một gia đình cùng đinh thì đương nhiên phải là người cùng đinh đã đành, mà cũng có những người, vì vi phạm một số chuẩn mực xã hội cũng có thể bị đày xuống hạng cùng đinh. Thật ra, cùng đinh không phải là một giai cấp. Họ và con cháu của họ đều là những người hoàn toàn đứng bên ngoài hệ thống giai cấp.
Cùng đinh là người không ai được phép tiếp xúc hay chạm đến. Họ bị xem là những người dơ bẩn đến độ bất cứ một người thuộc giai cấp nào chạm đến họ cũng sẽ trở thành dơ bẩn. Nếu lỡ chạm đến người cùng đinh, người thuộc giai cấp phải cấp tốc đi tắm rửa hoặc giặt quần áo của mình. Người cùng đinh cũng không được phép ăn uống trong cùng một phòng với những người có giai cấp.
Dĩ nhiên, người cùng đinh làm những công việc mà người thuộc giai cấp không chịu làm như lột da súc vật đã chết, làm thuộc da hay giết chuột và những loại thú khác. Sau khi chết, người cùng đinh cũng không được hỏa táng.
Bắt nguồn từ tôn giáo, hệ thống giai cấp được các triều đại ở Ấn Độ khai thác tối đa để củng cố quyền lực của họ. Năm 1757, Ấn Độ bị Anh Quốc xâm chiếm. Người Anh liên kết với giai cấp tư tế Brahmin  và dành cho giai cấp này một số đặc quyền mà trước đó các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã tước bỏ. Mãi cho đến thập niên 1930, người Anh mới ban hành một số luật để bảo vệ những người thuộc các giai cấp thấp và người cùng đinh. Ấn Độ dành được độc lập năm 1947. Mohandas Gandhi, cha già của dân tộc Ấn Độ, người đã chủ trương tranh đấu bất bạo động để dành lại độc lập cho quốc gia, đã không ngừng kêu gọi giải phóng người cùng đinh. Chính ông là người đã gọi người cùng đinh là “con cái của Thượng Đế” để khẳng định rằng họ cũng là con người như mọi người.  Chính phủ mới ban hành một số luật để bảo vệ các giai cấp thấp, các bộ lạc cũng như người cùng đinh. Đặc biệt các luật này quy định tỷ lệ của người cùng đinh được hưởng giáo dục và làm việc trong các cơ quan chính phủ.
Như vậy, trong hơn 60 năm qua, tức kể từ ngày Ấn Độ thoát khỏi ách cai trị của người Anh, giai cấp của một người công dân nước này đã trở thành một phạm trù chính trị hơn là xã hội hay tôn giáo.
Ngày nay người cùng đinh đã trở thành một lực lượng chính trị đáng kể  tại Ấn Độ. Họ có nhiều cơ hội và điều kiện để hưởng được những lợi ích của giáo dục hơn trước kia. Một số đền thờ Ấn Giáo cũng đã cho phép người cùng đinh được cử hành các nghi lễ tôn giáo như các tư tế. Tuy nhiên, tại một số nơi, như tại tiểu bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ chẳng hạn, người cùng đinh vẫn còn tiếp tục bị kỳ thị và đẩy ra bên lề xã hội. Dạo đầu tháng 8 vừa qua, một thiếu niên cùng đinh 15 tuổi đã bị một số thanh niên thuộc những giai cấp khác tấn công và đánh đập dã man chỉ vì gia đình của người thiếu niên này không chịu làm công việc mà không ai muốn đụng tới là mang những những con bò chết trong làng đi chôn.
Ông Dinesh Parmar, 42 tuổi, cha của người thiếu niên, là một người cùng đinh làm công cho một chủ nhân trong làng. Sau khi 4 thanh niên cùng đinh trong làng bị một nhóm thuộc giai cấp khác tấn công, cộng đồng người cùng đinh trong làng đã kêu gọi tẩy chay việc dọn dẹp xác bò chết. Ông Parmar đã đáp ứng lời kêu gọi này và quyết định không làm công việc dọn dẹp này. Cảnh sát đã bắt giữ người thanh niên đã tấn công con trai của ông Parmar và đang điều tra về hành động bao che của ông thôn trưởng. Nhưng các gia đình cùng đinh trong làng lo sợ rằng họ sẽ bị trả thù.
Những chuyện như thế vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều nơi ở Ấn Độ kể từ khi Đảng Ấn Giáo lên cầm quyền. Mặc dù Thủ tướng Modi đã lên tiếng tố cáo việc sử dụng tôn giáo như một bình phong để che đậy những tội ác chống lại người cùng đinh, những người bị kỳ thị và áp bức vì không thuộc một giai cấp nào trong xã hội Ấn Độ vẫn không hoàn toàn tin tưởng ở nhà lãnh đạo này.
(http://asianhistory.about.com/od/india/p/indiancastesystem)














Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Thành tích để đời


 Chu Thập 
19.8.16
Ở Thế Vận Hội nào cũng có những người làm nên lịch sử. Lực sĩ điền kinh của Jamaica, Usain Bolt được vinh danh như người chạy nhanh nhất sau khi đã đoạt được liên tiếp 3 huy chương vàng. Tên tuổi của “kình ngư” người Mỹ, Michael Phelps, sau khi tuyên bố giải nghệ, cũng sẽ được mãi mãi nhắc nhớ với 23 huy chương vàng, một kỷ lục chưa từng có ở thế vận hội.
Nhưng riêng tôi lại có cái nhìn ngược đời hơn khi chỉ chú ý đến những thành tích “không giống ai” của một số lực sĩ. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh của nữ lực sĩ điền kinh Ethiopia, cô Etenesh Diro. Trong cuộc chạy đua nước rút 3000 thước với chướng ngại, nữ lực sĩ 25 tuổi này bị một đối thủ vấp té và đè lên người khiến cô cũng ngã xuống đất. Chiếc giày ở chân phải của cô bị tuột ra. Cô cố gắng đứng dậy và xỏ giày vào chân. Nhưng dây giày lại bị rối khiến cô không thể nào xỏ chân vào giày và chiếc vớ cũng đã không cánh mà bay đâu mất. Không chấp nhận bỏ cuộc, Etenesh Diro đã đứng lên và đuổi theo các lực sĩ khác với một bàn chân không. Vậy mà cô đã bỏ được một số đối thủ để về hạng 7. Với tôi đây là một  trong những thành tích thế vận hội  đáng được tán dương hơn cả. Đó là thành tích chiến đấu của một người không chịu bỏ cuộc.
Về chót trong cuộc thi đấu có khi cũng là một khoảnh khắc đáng ghi nhớ trong các cuộc thi đấu tại Thế Vận Hội. Đó là trường hợp của Eric Moussambani, một lực sĩ bơi lội của Guinea Xích Đạo. Nhờ một đặc ân dành cho các nước đang phát triển, Moussambani đã có thể tham gia các cuộc thi đấu tại Thế Vận Hội Sydney năm 2000. Trước đó 8 tháng, người lực sĩ này chỉ mới tập tễnh bước vào hồ bơi mà không có được một huấn luyện viên nào hướng dẫn. Đến Sydney, anh mới biết thế nào là một hồ bơi theo tiêu chuẩn của thế vận hội. Trước đó, anh chỉ tự tập dượt trong một hồ bơi với chiều dài không quá 50 thước. Vậy mà bước vào hồ bơi để thi đấu 100 thước bơi tự do, anh đã tỏ ra rất tự tin, nhứt là ở 15 giây đầu tiên. Nhưng rồi sau đó, anh đã hoàn toàn bị các đối thủ bỏ lại xa tít đằng sau. Anh về đến đích sau đúng một phút 53 giây trước sự hoan hô cổ võ của đám đông. Đây là “kỷ lục” chậm nhứt trong lịch sử Thế Vận Hội về bộ môn 100 thước bơi tự do. Với thời gian một phút 53 giây, “kình ngư” Ian Thorpe của Úc Đại Lợi đã có thể bơi được đến cả 200 thước! Nhưng  với sự kiên trì và lòng quả cảm, Moussambani  đã  được chọn làm huấn luyện viên của đội bơi lội của Guinea Xích Đạo trong Thế Vận Hội Rio de Janeiro năm nay. Ian Thorpe đã đưa ra nhận xét: “Thế Vận Hội là như thế đó!” Anh có ý nói đến tinh thần thể thao đích thực của Moussambani.
Trong rất nhiều giây phút thần diệu của Thế Vận Hội, tạp chí Reader’ s Digest trong số ra tháng 8 này còn ghi lại một hình ảnh tạo ra nhiều cảm xúc hơn. Đó là hình ảnh của nữ lực sĩ điền kinh Á Rập Saudi, cô Sarah Attar, người đã tham dự các cuộc thi đấu tại Thế Vận Hội London năm 2012. Trong cuộc chạy nước rút 800 thước, người nữ lực sĩ của vương quốc Hồi giáo này không những về chót, cô còn về chậm hơn cả đến nửa phút so với người kế chót. Nhưng khi chân cô vừa chạm vào điểm đến thì cả đám đông đều đứng lên hoan hô. Lý do: đầu trùm khăn, toàn thân được che kín với bộ áo hijab của người phụ nữ Hồi giáo, Sarah Attar là người phụ nữ đầu tiên của vương quốc Á Rập Saudi tham gia tranh tài tại Thế Vận Hội. Chính sự cương quyết của cô đã được xem như một chiến thắng đầy ý nghĩa cho quyền của người phụ nữ tại một quốc gia trong đó hầu như mọi quyền căn bản của người phụ nữ đều bị chối bỏ.
Tôi trân quí những hình ảnh trên đây bởi vì chúng đã thể hiện được tinh thần thể thao đích thực như đã từng được bá tước Pierre de Coubertin (1863-1937), cha đẻ của Thế Vận Hội hiện đại, đề cao khi ông nói: “Điều quan trọng nhứt trong Thế Vận Hội không phải là  đoạt giải mà là tham gia; điều thiết yếu trong cuộc sống không phải là chinh phục mà là kiên trì chiến đấu”. Họ là những viên ngọc làm sáng tỏ tinh thần đích thực cần được nêu cao tại Thế Vận Hội.
Cơn cám dỗ của tiếng tăm, danh vọng, quyền lực, sĩ diện và ngay cả tiền bạc đã và đang làm lu mờ tinh thần thể thao trong các cuộc thi đấu, cách riêng tại Thế Vận Hội và như vậy cũng khiến cho nhiều người đánh mất chính ý nghĩa của cuộc sống. Chuyện Chính phủ Nga đưa việc khuyến khích các lực sĩ sử dụng thuốc kích thích trong các cuộc thi đấu thể thao lên hàng “chính sách” đã cho thấy mục đích cao đẹp của thể thao đã bị đánh tráo với sĩ diện và uy thế quốc gia. Những huy chương vàng rực rỡ mà các lực sĩ Nga có dành được không thể nào sánh được với  không biết bao nhiêu lực sĩ, dù không đạt được bất cứ thành tích nào, vẫn kiên trì chiến đấu cho đến cùng.
Theo dõi các cuộc thi đấu ở Thế Vận Hội, lúc nào trong đầu tôi cũng vụt lên ý nghĩ: sống là một cuộc chiến đấu liên lỉ và nếu như trong bất cứ cuộc thi đấu nào cũng có người thắng kẻ thua, thì trong cuộc sống cũng thế, thất bại là chuyện bình thường. Chuẩn bị vào đời mà không chịu nghiền ngẫm chân lý ấy thành ra khi gặp thất bại con người dễ nản chí và bỏ cuộc. Nhiều khi vì thất vọng mà làm những hành động liều lĩnh, thiếu suy nghĩ, hại cả một đời người.
Thất bại là chuyện bình thường trong cuộc sống. Đó là bài học tôi hằng tâm niệm mỗi khi theo dõi bất cứ một cuộc tranh tài thể thao nào. Nữ lực sĩ Anna Meares là người được Úc Đại Lợi đặt vào nhiều kỳ vọng nhứt. Tay đua xe đạp nữ này đã được vinh dự cầm lá cờ Úc trong cuộc diễn hành trong nghi thức khai mạc Thế Vận Hội Rio de Janeiro. Với 6 lần đoạt huy chương, trong đó có hai huy chương vàng xuyên qua bốn Thế Vận Hội cũng như 11 lần vô địch thế giới và 5 lần vô địch tại các cuộc thi đấu trong Khối Thịnh Vượng Chung, ai cũng tưởng rằng thất bại sẽ không có trong từ điển của cô. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Tại Thế Vận Hội lần này, không những cô đã không bảo vệ được chức vô địch của mình, mà còn tụt xuống hạng 9 trên 12. Đây có lẽ là lần đầu tiên người nữ lực sĩ 32 tuổi này biết khóc và biết thế nào là thất bại.
Đọc truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, ai cũng thích nhân vật Khổng Minh Gia Cát Lượng. Ông là hiện thân của mưu lược và thành công, đánh đâu thắng đó. Nhưng tài giỏi đến đâu cũng không tránh khỏi một lần thất bại. Trong trận chiến ở Kỳ Sơn, Khổng Minh đã lừa được Tư Mã Ý vào hang Hồ Lô để tiêu diệt. Nào ngờ trời Kỳ Sơn vào tháng Sáu bỗng nổi mưa to gió lớn, lửa của Khổng Minh bị tắt sạch. Tư Mã Ý nhờ đó mà thoát chết. Lúc bấy giờ Khổng Minh chỉ còn biết ngửa mặt nhìn trời mà than: “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”. Khổng Minh Gia Cát Lượng đã không được “trời giúp” nên đã để xổng mất Tư Mã Ý. Sau này, nhà Thục mà Khổng Minh đã từng giúp Lưu Bị dựng lên đã bị chính cha con Tư Mã Ý diệt.
Tài ba lỗi lạc hay nhìn xa thấy rộng đến đâu con người cũng không bao giờ học được chữ ngờ và tiên đoán được những bất trắc trong cuộc sống. Ngoài câu ngạn ngữ tương đương với câu nói “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” của Khổng Minh, người Tây Phương, cách riêng người Đức còn có một câu nói mỉa mai hơn: “Mưu sự tại nhân và Thượng Đế cười” (Mann tracht und Gott lacht). Có lẽ câu nói này bắt nguồn từ một đoạn trong Kinh Thánh của Do Thái và Ki Tô Giáo: “Thượng Đế đảo lộn chương trình muôn nước. Người phá tan ý định chư dân” (Thánh Vịnh 33, 10). Từ những kinh nghiệm ê chề của cuộc sống, Đông Tây đã gặp nhau khi nhìn nhận thân phận bất toàn của con người và từ đó biết tỏ ra khiêm tốn khi gặp thất bại trong cuộc sống.
Những bất trắc và rủi ro trong cuộc sống là điều không bao giờ có thể tránh được. Những thay đổi và biến cố bất ngờ luôn xảy ra trong cuộc hành trình của mỗi người. Cứ tưởng con đường đang trải dài trước mắt là một con đường thẳng. Nào ngờ ở một đoạn nào đó lại phải đi vào một khúc quanh hay ngay cả một ngõ cụt. Chúng ta bối rối nếu không tìm được lối thoát. Nhưng vui và nhẹ nhõm biết chừng nào nếu chúng ta tìm lại được con đường thẳng trước mặt.
Tôi có quen một trạng sư trẻ. Sau một thời gian hành nghề luật sư chuyên về di trú, anh học thêm và tốt nghiệp trạng sư. Nhưng còn trẻ, không thân thế, chen chân vào thế giới trạng sư không phải là dễ. Thỉnh thoảng anh mới có dịp ra tòa và kiếm được chút tiền còm. Lo lắng cho sức khỏe tinh thần của con, mẹ anh thường thăm hỏi và nâng đỡ. Có lần khi được mẹ hỏi “đã thấy thích nghề trạng sư chưa”, anh chơi chữ khi trả lời: “Không phải là “thích” mà là “thích nghi”.
Quả thật, sống là một cuộc thích nghi không ngừng. Chúng ta tập sống với những bất trắc và tương lai vô định. Làm sao biết chắc điều gì sẽ xảy ra ngày mai?  Có người luôn đóng vai tiên tri để chỉ nhìn thấy bầu trời u ám trước mặt. Có người buông xuôi với cái “nghiệp” không thể thay đổi của mình. Có người đặt niềm tin nơi một Đấng Tối Cao luôn che chở và độ trì họ trong mọi cơn gian nan, thử thách.
Tuy nhiên phần lớn trong chúng ta đều không chấp nhận buông xuôi bỏ cuộc. Chúng ta cố gắng dẹp bỏ những căng thẳng ra khỏi tâm trí. Chúng ta cũng  đề phòng các vấn đề và khó khăn của cuộc sống. Chúng ta gìn giữ cho ngôi nhà của chúng ta được an toàn. Chúng ta tìm cách ăn uống một cách lành mạnh để tránh bệnh tật. Nhưng bôn ba cũng không qua thời vận. Chúng ta vẫn biết rằng dù có đề phòng và dự phòng đến đâu, chúng ta không thể nào tránh khỏi tai nạn và thiên tai.
Thảm trạng là một phần đáng buồn, nhưng là một phần tự nhiên trong những thăng trầm của cuộc sống. Nhưng mất mát không bao giờ là thất bại tận cùng cũng như thành công không bao giờ là khải hoàn tối hậu. Như bá tước Pierre de Coubertin đã nói: “điều thiết yếu trong cuộc sống không phải là chinh phục mà là chiến đấu”. Thành công không tự mãn mà thất bại cũng không bỏ cuộc. Bao lâu còn hít thở không khí là bấy lâu còn chiến đấu.
Đó là bài học mà tôi thường cảm nhận được khi ngưỡng mộ những kỷ lục của các lực sự cũng như ngậm ngùi cảm thông trước những thất bại của họ. Thành công hay thất bại của các lực sĩ nói với tôi rằng những thay đổi bất thường là điều luôn xảy ra trong cuộc hành trình. Điều quan trọng trong cuộc sống chính là vẫn tiếp tục kiên trì chiến đấu. Chiến đấu với ngoại cảnh đã đành, những quan trọng hơn chính là chiến đấu với bản thân. Như văn hào Anh Rudyard Kipling (1865-1936) đã khuyên trong bài thơ “Nếu” (If) của ông: “Nếu con có thể bình chân trước vinh quang cũng như tai họa, nếu con có thể đối xử như nhau với cả hai thứ đó, con sẽ là thật sự là Một Người, con ạ.”




Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Cha chung cũng có người khóc



Chu Thập
7.1.13


Kỳ nghỉ Giáng Sinh và đầu năm Dương lịch vừa qua, tôi theo người thân làm một chuyến du ngoạn lên miền Bắc tiểu bang NSW. Với tôi, có đi là có học. Một sàng khôn thì chưa hẳn đã có, nhưng ít nhứt tôi cũng đã học được một số điều nhỏ để tự nhắc nhở phải sống tốt đẹp và ra người tử tế hơn.
Úc đại lợi vốn có vô số thắng cảnh để ngắm. Nhưng trong chuyến đi vừa qua, đập vào mắt tôi lại không phải là những cảnh núi rừng, ao hồ hùng vĩ mà là những chuyện nhỏ. Chẳng hạn như tại thị trấn Antiene, nơi có hai nhà máy phát điện được giải nhiệt bằng một hồ nước nhân tạo khá lớn, tôi thấy có một cái trụ nhỏ được dựng lên ở cổng ra vào của một bãi cắm trại (caravan park) có ghi vài điều kiện đại khái như: mỗi chiếc xe phải trả 5 đô, lấy ticket và bỏ tiền vào hộp “honesty box”. Những “cửa tiệm” không có người đứng bán hàng nhưng được thay thế bằng một cái hộp kêu gọi tự giác như thế thì tôi rất thường thấy dọc đường ở vùng quê Úc đại lợi. Nay thì tôi lại thấy một cái hộp như thế ngay ở cổng ra vào của một bãi cắm trại được hội đồng thành phố quản lý. Quả là chuyện hiếm thấy. Nhìn xung quanh tôi không thấy có bất cứ chiếc máy thu hình tự động nào để theo dõi những người ra vào cả. Bên trong thì lại có đủ mọi tiện nghi tối thiểu cho một cuộc cắm trại như nhà vệ sinh, nhà tắm v.v.
Tôi cứ tưởng chuyện tự giác trả tiền khi vào bãi cắm trại là sáng kiến riêng của trị trấn nhỏ Antiene. Nhưng đi xa hơn về hướng Bắc, tôi cũng thấy một hiện tượng tương tự tại một bãi cắm trại lớn xung quanh Đập Chaffey ở gần Tamworth. Cũng với giá cả tương tự, cũng với cái hộp “honesty box”. Riêng trong cái bãi cắm trại rộng lớn này, ngoài những tiện nghi tối thiểu, những người cắm trại còn được hưởng thêm một thứ xa xỉ khác là nước nóng trong các phòng tắm. Chỉ cần một người bỏ vào một lỗ khóa nhỏ một đô là 5 phòng tắm đều có nước nóng!
Một chuyện nhỏ khác cũng khiến tôi suy nghĩ không ít về tinh thần tự giác và tôn trọng công ích của người dân Úc. Một bữa trưa, chúng tôi mua một ít lương khô và lái xe lên một nơi được xem là đỉnh cao của vùng có một tên gọi nghe rất hùng vĩ là “hanging rocks” (những tảng đá treo). Có lẽ không phải là một địa điểm du lịch nổi tiếng được nhiều du khách tìm đến, cho nên nơi này chỉ được trang bị sơ sài bằng vài ba cái bàn và một số ghế. Sau bữa cơm trưa dã chiến, tôi tìm cái thùng rác để ném các đồ thừa vào. Thấy thiếu một “thiết bị” tượng trưng cho văn minh, tôi định “vô tư” như người Hà nội thời xã hội chủ nghĩa để ném đại rác rưởi vào rừng, nhưng lại nhìn thấy một tấm bảng có hàng chữ viết đủ rõ để ai cũng có thể đọc được: xin vui lòng mang rác về nhà để tránh cho chim chóc và thú rừng không bị nhiễm độc! Tôi cảm thấy hổ thẹn vì cái thói quen bừa bãi thiếu trách nhiệm của mình. Nhìn xung quanh, tôi không thấy có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy có người đã vô tư “xả rác” ở nơi công cộng này. Hình ảnh của cái hộp “honesty box” ở những bãi cắm trại tôi vừa mới đi qua, cộng với tình trạng sạch sẽ ở một nơi vắng vẻ như thế này khiến tôi thầm phục người Úc.  Họ dạy cho tôi bài học về tự giác, tự trọng và dĩ nhiên tinh thần tôn trọng công ích. Ai bảo “cha chung không ai khóc”! Thật ra, tôn trọng công ích cũng chính là nghĩ đến quyền lợi riêng tư của mình. Chính vì mọi người đều biết tôn trọng công ích mà ai cũng được hưởng những điều mà công ích mang lại cho mỗi người.
Nghĩ về công ích, tôi cũng liên tưởng đến quyền tư hữu. Chỉ trong những xã hội trong đó công ích được tôn trọng thì quyền tư hữu mới được thực sự nhìn nhận. Giàu có bao nhiêu cũng được. Chiếm hữu bao nhiêu cũng được. Quyền tư hữu không có giới hạn. Tôi có ý nghĩ ấy khi được vào “ tham quan” một khu rừng nơi chúng tôi có ý định qua đêm và săn bắn. Từ lâu nay tôi cứ nghĩ hễ “rừng” thì phải là lâm viên quốc gia. Nhưng khu rừng trong đó chúng tôi phải dùng chiếc Hilux để đi một phần ba chu vi mà đã mất hơn cả tiếng đồng hồ, lại thuộc về một tư nhân. Người chủ của nông trại, vốn là một người Nam Phi đến Úc lập nghiệp từ hơn 2 thập niên qua,  hãnh diện nói rằng đây là công lao mồ hôi nước mắt của ông chứ không phải là tài sản của ông bà để lại. Rộng gần 2 ngàn mẫu tây, nông trại này chỉ để nuôi khoảng 1500 con bò. Trung bình, mỗi con bò chiếm được một không gian hơn cả mẫu. Thật ra, cơ ngơi này chỉ là trung bình. Có những nông trại còn rộng gấp 5,10 lần khu rừng mà chúng tôi đã thăm viếng.
Thấm mệt và xương cốt hầu như muốn rớt ra khỏi thân thể sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi lắc lư trên chiếc xe Ute, tôi chợt có ý nghĩ:  người ta chiếm hữu một khu rừng rộng lớn như thế có lẽ không phải để khai thác hay thu lợi, mà chỉ để nhìn ngắm cho thỏa thích mà thôi. Không thiếu những người chỉ cảm thấy hạnh phúc vì chiếm hữu được nhiều hơn người khác.
Có lẽ văn hào Leo Tolstoy của Nga đã muốn mỉa mai cái niềm “hạnh phúc” ấy qua câu chuyện ngắn kể về một tá điền nghèo được ông chủ cho chạy được bao nhiêu thì được bấy nhiêu đất đai. Từ sáng tinh sương, con người suốt đời không có được một tấc đất làm của riêng đã hăm hở chạy. Ông chạy cho đến kiệt sức và ngã quỵ xuống. Mắt ông hoa lên để không còn có thể quay nhìn lại và thấy được phần đất mình đã chiếm hữu được. Cuối cùng, người tá điền nghèo đã nhắm mắt xuôi tay trước khi còn đủ sức để cắm dùi và thể hiện quyền làm chủ đất đai của mình. Có lẽ chỉ có người điên mới hành động một cách ngu xuẩn như nhân vật tá điền trong câu chuyện của văn hào Tolstoy. Thật ra, tôi cho rằng chiếm hữu hay đắc thủ của cải vật chất đến độ “quên ăn quên ngủ” chỉ vì đam mê chiếm hữu hay vì quyền lực thống trị có lẽ cũng là một thái độ khờ dại.
Tôi có ý nghĩ ấy khi nhìn vào cách tiêu xài của võ sĩ quyền anh nổi tiếng nhứt thế giới hiện nay là Floyd Mayweather. Trước đây, người võ sĩ 36 tuổi này được người ta đặt cho cái tên là “Pretty Boy”. Nay nhiều người đã có lý để gọi anh là ông “Money” (Tiền!). Ai mà chẳng tham tiền. Nhưng tay vô địch quyền anh này muốn tỏ rõ cho nhiều người thấy rằng anh “đấm đá” là để có nhiều tiền và được tạp chí Forbes “vinh danh”.Với 5 lần vô địch thế giới, năm vừa qua, anh  đã được tạp chí này bầu chọn làm lực sĩ có doanh thu cao nhứt thế giới. Đây là tước hiệu mà danh thủ đánh Golf Tiger Wood đã chiếm giữ trong 11 năm liên tiếp.
Với tài sản lên đến 115 triệu đô, Mayweather không biết làm gì khác hơn là khoe ra cho mọi người thấy. Anh ít khi dùng thẻ tín dụng mà chỉ thích xài  tiền mặt. Mỗi lần mua sắm, anh tung ra từng cuộn giấy bạc $100. Trong các hộp đêm, anh có thói quen rải tiền cho đám đông. Trong các cận vệ của anh, có một người chuyên mang theo từng bao tiền để anh đánh cá, thường là trong các trận thể thao và trong các sòng bài tại Las Vegas. Dạo tháng 9 năm ngoái, anh “nổi tiếng” hơn khi bỏ ra $2.9 triệu để đánh cá trong một trận Football của Mỹ (x. The Australian, phụ trương thể thao, 5-6/1/2013).
Đúng là xài tiền như nước. Dĩ nhiên, người ta sẽ bảo: tiền của tôi tôi xài, mắc mớ gì đến các người mà thắc mắc! Quả vậy, đồng tiền liền khúc ruột. Quyền tư hữu gắn liền với quyền được xử dụng của cải. Tiền của tôi, tôi muốn làm gì mặc tôi. Tôi cất giữ khư khư cho riêng tôi cũng được, mà phung phí cũng được.
Thật ra, lương tri và lẽ thường dường như không cho phép tôi suy nghĩ như thế. Liệu tôi có thể “yên tâm” để khư khư ôm lấy tài sản của tôi hay phung phí tiền của khi xung quanh tôi có vô số người đang đói khát không? Có thể đây là suy nghĩ mà cứ sau mỗi mùa nghỉ Giáng Sinh và Đầu Năm Dương Lịch, báo chí thường gợi lên cho chúng ta khi nhìn lại cách mua sắm thức ăn trong một năm qua. Theo báo The Sydney Morning Herald, mỗi năm người dân Úc phung phí khoảng 8 tỷ Úc kim về thức ăn. Ông John Dee, người sáng lập tổ chức “Do Something” (Hãy làm một cái gì đi!) cho biết: trung bình, mỗi năm, mỗi một gia đình Úc phí phạm khoảng $1036 tiền thức ăn. Một cách cụ thể, trên toàn quốc, mỗi năm có khoảng 4 triệu tấn lương thực bị quăng vào thùng rác. Nếu biết tính toán và tiết kiệm, số tiền dùng để mua số thức ăn bị quăng vào thùng rác có thể đủ để nuôi sống một gia đình trong một tháng và đủ để trả tiền điện cho một gia đình trong 6 tháng. Chỉ riêng tại tiểu bang New South Wales, số thực phẩm bị quăng vào thùng rác chiếm đến 38 phần trăm lượng rác rưởi trong mỗi gia đình.
Theo ông Dee, sở dĩ người dân Úc hiện nay phung phí thức ăn là vì họ đã đánh mất những kỹ năng mà các thế hệ trước đã đắc thủ được. Ông cũng nói rằng phung phí thức ăn cũng ảnh huởng đến cả nền kinh tế: ném một ký lô thịt bò vào thùng rác chẳng hạn, là phí phạm cả ngàn lít nước dùng để sản xuất ra một ký thịt bò! (x.SMH, 23/12/2012)
Trên đây chỉ là cái nhìn kinh tế. Nhìn rộng hơn, có lẽ cũng phải nói rằng phí phạm thức ăn, một cách nào đó, cũng có nghĩa là sống mà  không nghĩ đến vô số những người nghèo trên thế giới hằng đêm phải đi ngủ với cái bụng trống rỗng. Đây là thực tế mà ở mỗi độ cuối năm, khi nhìn lại núi lương thực bị quăng vào thùng rác tại Úc đại lợi, tôi thường mang ra để suy nghĩ và tự vấn lương tâm. Sống mà dửng dưng trước sự đói khát và khốn khổ của người đồng loại thì có khác gì thú vật, bởi vì nói như ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, chỉ có thú vật mới “quay mặt làm ngơ trước nỗi khổ của đồng loại để chăm sóc cho bộ da riêng của mình”.  Thật là đau lòng khi nhìn vào cách ăn xài của giai cấp “tư bản đỏ” thường được gọi là đại gia tại Việt nam hiện nay. Theo báo “Người Đưa Tin” trong nước được báo mạng Calitoday trích dẫn, trong khi đại đa số người dân Việt nam hiện nay phải thắt lưng buộc bụng để chống chọi với cơn khủng hoảng kinh tế thì vẫn có những đại gia vung tay để hưởng thụ những bữa ăn trị giá bằng thu nhập cả năm của một người lao động. Đó là chưa so sánh với cảnh khốn khổ của những người nghèo cùng trong xã hội.
Chỉ có một xã hội trống rỗng những giá trị tinh thần mới sản sinh ra một hạng người vô tâm như thế. Có lẽ trên thế giới và trong ngôn ngữ của các dân tộc, không đâu người ta xử dụng từ “sở hữu” nhiều cho bằng ở Việt nam hiện nay. Động từ đơn giản và dễ hiểu nhứt là “có” đã hầu như được thay thế bằng cái chữ bự này. Nói rằng một cô người mẫu “sở hữu” một đôi chân dài tới…nách, nghe còn tạm chấp nhận được. Đàng này, người ta lại còn bảo một đại gia nào đó “sở hữu” một cô vợ là người mẫu. Trong một xã hội trong đó ngay cả con người cũng có thể trở thành sự vật để chiếm hữu và dĩ nhiên để xử dụng thì còn đâu là nhân phẩm và những giá trị tinh thần như tình liên đới, sự chia sẻ.
Nhân một chuyến đi về hướng Bắc tiểu bang New South Wales, ghi nhận một vài lời nhắc nhở về tự giác và tự trọng, học được bài học về sự tôn trọng công ích nơi người Úc, tôi  nghiệm ra rằng công ích đích thực đòi hỏi con người cũng phải tưởng nghĩ đến người khác, nhứt là những người cần được giúp đỡ. Quê hương thứ hai của tôi chưa phải là thiên đàng tại thế. Nhưng ít ra ở đây, cứ đi một ngày đàng là tôi học thêm một bài học về làm người và làm một người “hạnh phúc” thực sự chứ không chỉ trên khẩu hiệu được ghi ở đầu mỗi công văn, đơn từ hay giấy tờ hành chánh. Và niềm hạnh phúc mà tôi có thể cảm nhận được và luôn được thúc đẩy để tìm kiếm chính là trong mọi sự luôn biết tưởng nghĩ đến người khác.


Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Thân phận lực sĩ thế vận của Bắc Hàn


19.8.16

Có tất cả 31 lực sĩ Bắc Hàn tham dự các cuộc thi đấu tại Thế Vận Hội Mùa Hè Rio de Janeiro 2016. Cả thế giới đều biết Bắc Hàn là một “Vương Quốc Đóng Kín”. Đây là một quốc gia mà các công dân hoàn toàn hay rất ít được liên lạc với thế giới bên ngoài và chính phủ thì có thái độ bế quan tỏa cảng với hầu hết các chính phủ khác. Tuy nhiên, mặc dù Bắc Hàn tự cô lập hay bị cô lập như thế, kể từ năm 1972 đến nay, các lực sĩ của nước này đã tham dự hầu hết các Thế Vận Hội Mùa Hè, ngoại trừ hai Thế Vấn Hội bị nước này tẩy chay là Los Angeles, Hoa Kỳ năm 1984 và Seoul, Nam Hàn năm 1988.
Tại bất cứ Thế Vận Hội Mùa Hè nào, Bắc Hàn cũng đã đạt được huy chương. Tính đến nay, vương quốc cộng sản này đã dành được tất cả 49 huy chương. Cử tạ và đô vật là 2 bộ môn mà Bắc Hàn thành công nhất.
Theo Christopher Green, một nhà phân tách về Bắc Hàn làm việc tại Thủ đô Seoul Nam Hàn, Thế Vận Hội là một cơ hội quan trọng để mọi quốc gia nói lên chỗ đứng của mình trên sân khấu thế giới. Với Bắc Hàn thì bộ mặt của quốc gia tại Thế Vận Hội lại càng quan trọng hơn. Lãnh tụ tối cao của nước này, Kim Jong Un, đã từng tuyên bố rằng ông hãnh diện về các thành quả của nước ông tại Thế Vận Hội và ông cho biết muốn thấy có thêm nhiều thành quả hơn nữa.
Trong một điện thư gởi đi từ Nam Hàn, ông Green cho biết hồi năm 2012, phái đoàn lực sĩ Bắc Hàn đã dành được 4 huy chương vàng tại Thế Vận Hội London, Anh Quốc. Khi trở về thủ đô Bình Nhưỡng, phái đoàn lực sĩ Bắc Hàn đã được đón tiếp như những bậc anh hùng. Lần này, lãnh tụ Kim Jong Un ra lệnh cho phái đoàn lực sĩ phải bằng mọi giá mang về cho đất nước 5 huy chương vàng.
Mặc dù không được liên lạc với thế giới bên ngoài, nhưng người dân Bắc Hàn cũng  được phép theo dõi các cuộc thi đấu trên đài truyền hình nhà nước. Dĩ nhiên chỉ những trận thi đấu nào có mặt các lực sĩ Bắc Hàn mà thôi và trước khi trình chiếu cho người dân xem những cảnh thi đấu, bộ máy thông tin nhà nước luôn duyệt qua trước và cắt xén tất cả những gì không có lợi cho bộ mặt của đất nước.
Tại các cuộc thi đấu, các lực sĩ Bắc Hàn lúc nào cũng cư xử khác với các lực sĩ của các nước khác. Tại Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh năm 2008 chắng hạn, các lực sĩ Bắc Hàn không được phép giao du hay tiếp xúc với người khác. Theo tường thuật của chương trình Đại Hàn thuộc Đài Á Châu Tự Do, công ty bảo trợ Thế Vận là Samsung đã có nhã ý tặng cho tất cả các lực sĩ mỗi người một chiếc điện thoại “tinh khôn” Galaxy 7. Được biết công ty Samsung đã tặng  trên 12.500 chiếc điện thoại Galaxy 7 cho 11.200 lực sĩ và các phái đoàn của 206 quốc gia. Các lực sĩ và phái đoàn các nước đã sử dụng điện thoại này trong cuộc diễn hành trong nghi thức khai mạc Thế Vận Hội. Nhưng các viên chức trong phái đoàn lực sĩ Bắc Hàn đã tịch thu những chiếc điện thoại được tặng cho các lực sĩ. Ai cũng thấy rằng các lực sĩ Bắc Hàn luôn bị nhà nước theo dõi và kiểm soát gắt gao. Ngay cả tại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, mặc dù Trung Cộng là nước đàn anh luôn đỡ đầu cho Bắc Hàn, các lực sĩ Bắc Hàn cũng không được phép rời khỏi khu vực dành riêng cho họ, ngoại trừ những lúc đi tập dượt. Đi phố, ngắm cảnh hay tham dự các buổi trình diễn văn hóa vẫn còn là điều cấm kỵ đối với họ.
Một trong những lý do khiến Bắc Hàn theo dõi chặt chẽ các lực sĩ của mình là để đề phòng việc họ tìm cách đào thoát. Các lực sĩ từ các chế độ độc tài tìm cách đào thoát là chuyện rất thường xảy ra tại các Thế Vận Hội. Trong những năm gần đây, đã có ít nhất 45 cầu thủ của đội túc cầu quốc gia Eritrea đào thoát trong những chuyến đi thi đấu ở nước ngoài. Tại Thế Vận Hội London năm 2012, nhiều lực sĩ của nước này bỗng nhiên mất tích và về sau được biết đã đào thoát. Sau Thế Vận Hội London 2012, nhiều lực sĩ từ Cameroon và Sudan đã tìm cách xin tạm trụ tại Anh Quốc. Năm 2008, 5 cầu thủ của đội tuyển quốc gia Cuba đã đào thoát tại Tampa, Florida, Hoa Kỳ. Năm 1996, một lực sĩ cử tạ Iraq đã bỏ trốn khỏi khách sạn để xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Và  năm 1999, cả đội lực sĩ đô vật của Lỗ Ma Ni đã xin tỵ nạn tại Úc Đại Lợi.
Tuy nhiên, cho tới nay, thế giới chưa từng chứng kiến hay nghe nói đến một trường hợp đào thoát nào từ phái đoàn lực sĩ Bắc Hàn. Sở dĩ không có lực sĩ nào của Bắc Hàn dám đào thoát là vì luôn bị mật vụ theo dõi và kiểm soát rất chặt chẽ. Ngoài ra, một lý do khác khiến các lực sĩ của nước này không dám nghĩ tới chuyện đào thoát là vì sợ gia đình còn lại trong nước sẽ bị liên lụy và trừng phạt nặng nề.
Ngoài ra, theo dõi các cuộc thi đấu, người ta cũng thấy các lực sĩ Bắc Hàn luôn cố gắng để vinh danh đất nước của mình. Riêng những ai dành được huy chương vàng sẽ được nhà nước tưởng thưởng rất bội hậu. Trong những năm vừa qua, lực sĩ nào đạt được huy chương cũng đều được nhà nước cấp cho những căn hộ sang trọng tại Bình Nhưỡng cũng như nhận được nhiều món quà khác.
Tại Thế Vận Hội Rio de Janeiro năm nay, thế giới bên ngoài đặc biệt chú ý đến một bức hình chụp một nữ lực sĩ Bắc Hàn đứng chung với một nữ lực sĩ Nam Hàn. Trong bức hình “tự chụp”, người ta thấy nữ lực sĩ Bắc Hàn Hong Un Jong, 27 tuổi, tươi cười bên cạnh nữ lực sĩ Nam Hàn Lee Eun Ju 17 tuổi. Chủ tịch Ủy ban Thế Vận, ông Thomas Bach mô tả bức hình như một “cử chỉ vĩ đại”. Thật ra đây không phải là lần đầu tiên nữ lực sĩ này chụp hình chung với một lực sĩ Nam Hàn hay một nước khác. Năm 2014, cô cũng đã chụp hình chung với nữ lực sĩ thể dục thẩm mỹ Simone Biles. Đặc biệt trong bức hình này, người ta thấy cô ôm người nữ lực sĩ Mỹ. Lúc đó có người đã lo sợ cho tính mạng hay số phận của cô Hong Un Jong, bởi vì cô đã ôm một lực sĩ của một nước được Bắc Hàn xem như “kẻ thù không đội trời chung”. Nhưng người nữ lực sĩ này vẫn tiếp tục được xem là một ngôi sao trong sinh hoạt thể thao của Bắc Hàn.
Với quốc gia cộng sản đóng kín này, nhất cử nhất động của các lực sĩ tại các cuộc thi Thế Vận đều được theo dõi và tính toán cả. Nếu không vì “bộ mặt” của đất nước thì còn lâu nữ lực sĩ Hong Un Jong mới được phép cho chụp hình chung với các lực sĩ “thù địch” như thế.
Thật ra, có lẽ các lực sĩ Bắc Hàn không quan tâm đến “bộ mặt” của đất nước và cũng chẳng nghĩ tới phần thưởng cho bằng hình phạt đang chờ đợi họ nếu họ không đạt được thành tích nào tại các cuộc thi đấu. Trước khi lên đường tham dự Thế Vận Hội London năm 2012, lực sĩ Lee Chang Soo đã đào thoát. Anh cho hãng thông tấn Reuters biết: anh đã bị đày đi làm việc tại một mỏ than chỉ vì đã bị một võ sĩ nhu đạo của Nam Hàn đánh bại tại Á Vận Hội Bắc Kinh hồi năm 1990.
Theo tường thuật của Đài Á Châu Tự Do, sau khi đội tuyển quốc gia thua tất cả 3 trận tại Giải Túc Cầu Thế Giới năm 2010, trong đó “đậm” nhất là bị Bồ Đào Nha hạ với tỉ số 7-0, Chính phủ Bắc Hàn đã công khai “biêu diễu” nhiều cầu thủ và cho huấn luyện viên của đội đi lao động.
Jung Gwang Il, người đã từng sống sót từ một trại tù trở về và sáng lập Tổ chức phi chính phủ có tên là “No Chain” (bẻ gẫy xiềng xích) đã cho tạp chí The Diplomat biết: “Lực sĩ nào dành được huy chương, nhất là huy chương vàng, được chế độ thưởng cho những món quà lớn như căn hộ sang trọng, xe hơi, đồ gia dụng, tiền bạc và được danh tiếng ở Bắc Hàn. Trái lại, những lực sĩ nào không dành được huy chương hoặc thua trong các cuộc thi đấu, đều bị buộc phải trải qua những buổi tự phê để nói rõ tại sao họ thất bại. Tệ hại hơn nữa, nếu đã quen sống ở Bình Nhưỡng, họ sẽ bị tống cổ ra khỏi thủ đô và đưa về vùng quê”.
Từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt vì không đạt được thành tích, các lực sĩ Bắc Hàn luôn tâm nguyện phải chiến đấu để làm vừa lòng lãnh tụ Kim Jong Un. Tại Thế Vận Hội Rio de Janeiro năm nay, lực sĩ Bắc Hàn đầu tiên đạt được huy chương vàng là nữ lực sĩ Rim Jong Sim với bộ môn cử tạ dành cho nữ lực sĩ 75 ký. Sau khi được tin dành được huy chương vàng, người nữ lực sĩ này tuyên bố: “Điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi biết mình đã chiến thắng là: tôi đã làm cho chủ tịch kính yêu của chúng tôi hài lòng”. Dạo tháng 7 năm trước, tại cuộc thi vô địch thế giới “World Aquatics Championship” (phóng xuống nước từ bệ cao 10 thước)  Kim Kuk Hyang, một lực sĩ Bắc Hàn mới 16 tuổi đã đoạt huy chương vàng. Ràn rụa nước mắt khi nhận giải, người thiếu niên đã nói: “Tôi rất vui mừng vì thỏa mãn được những chờ đợi của chính phủ và lãnh tụ vĩ đại của tôi”.
Nhưng tại Thế Vận Hội Rio de Janeiro năm nay, có lẽ các lực sĩ Bắc Hàn đã không làm hài lòng lãnh tụ vô vàn kính yêu của họ. Lực sĩ cử tạ Om Yun Chul đã dành được huy chương bạc. Đây là huy chương đầu tiên của Bắc Hàn tại Thế Vận Hội Rio de Janeiro. Tuy nhiên, người lực sĩ này đã cảm thấy như có lỗi và cho rằng mình đã thất bại. Anh nói: “Tôi không phải là một anh hùng tại Bắc Hàn vì tôi đã không dành được huy chương vàng”. Trong 31 lực sĩ Bắc Hàn tham dự Thế Vận Hội lần này, Om Yun Chul là người nổi bật hơn cả và được Bắc Hàn đặt nhiều kỳ vọng hơn cả. Kể từ năm 2012, anh luôn là vô địch trong bộ môn cử tạ với hạng 56 ký. Anh đã đoạt huy chương vàng tại Thế Vận Hội London năm 2012. Huy chương vàng cũng đã thuộc về anh liên tiếp tại giải vô địch Á Châu năm 2013 và tại Á Vận Hội năm 2014.
Sau khi thất bại tại Thế Vận Hội Rio de Janeiro, Om Yun Chul đã phải đối đầu với hàng loạt câu hỏi của các ký giả. Anh chỉ lập lại một câu trả lời: “Tôi không có gì phải nói nữa, thành tích của tôi đã nói hết cả rồi”.
Trước khi các lực sĩ Bắc Hàn lên đường sang Rio de Janeiro, lãnh tụ tối cao Kim Jong Un đã ra lệnh cho họ phải mang về nước ít nhất là 5 huy chương vàng. Ông đã yêu cầu ông Choe Ryong Hae, phó chủ tịch Đảng Lao Động Bắc Hàn kiêm chủ tịch Văn hóa và Thể thao lượng giá về số huy chương mà phái đoàn lực sĩ Bắc Hàn sẽ dành được tại Thế Vận Hội Rio de Janeiro. Khi nhân vật số 2 của chế độ cộng sản Bắc Hàn này trả lời rằng may lắm các lực sĩ Bắc Hàn mới dành được 3 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 6 huy chương đồng,  lãnh tụ tối cao Kim Jong Un đã tỏ ý bất bình. Ông ra chỉ tiêu phải đạt được là  5 huy chương vàng!
Số huy chương vàng cao nhất mà Bắc Hàn đã dành được là 4 tại Thế Vận Hội Barcelona, Tây Ban Nhà năm 1992 và London năm 2012.
Với hình phạt dành cho những lực sĩ nào không dành được huy chương tại các cuộc thi đấu, thế giới có thể lo sợ cho số phận của các lực sĩ Bắc Hàn tham dự Thế Vận Hội Rio de Janeiro năm 2016 này.


Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Chọn lương tâm

Chu Thập
12.8.16

Những giây phút tuyệt vời tại Thế Vận Hội không chỉ là lập được một thành tích, phá được một  kỷ lục hay thắng một đối thủ. Đôi khi các lực sĩ được nhắc đến không phải vì một tấm huy chương mà vì một cử chỉ vị tha. Đây là trường hợp của lực sĩ đua thuyền Gia Nã Đại Lawrence Lemieux, người được tạp chí Reader’s Digest đề cao trong số ra tháng 8 này.
Sau cuộc thi đấu tại Thế Vận Hội Seoul, Nam Hàn hồi năm 1988, Lemieux đã mang về nước một huy chương mà anh không bao giờ mong đợi. Đó là huy chương của lòng quả cảm và vị tha. Được biết khi cuộc thi đấu bắt đầu thì gió thổi mạnh đến 35 hải lý một giờ, sóng biển ào ạt dâng cao. Lemieux đang dẫn đầu trong cuộc đua. Bỗng nhiên anh nhận thấy đàng sau mình thuyền của hai lực sĩ đại diện cho Tân Gia Ba bị lật úp. Cả hai đều bị thương. Một người đang chới với trong dòng nước, một người đang cố bám vào thuyền. Nhanh như chớp, Lemieux đã quyết định ngưng  cuộc đua để cứu  hai lực sĩ Tân Gia Ba: anh đã kéo hai người lên thuyền của mình. Sau khi đã trao họ cho tàu cứu hộ, anh trở lại cuộc đua và về đến đích với hạng 22 trên 32.
Lemieux đã được trao tặng Huy chương Thế Vận Pierre de Coubertin vì tinh thần thể thao và lòng vị tha quên mình của anh.  Anh nói về hành động của mình: “Điều tôi đã làm, ai cũng có thể làm được và phải làm mà thôi. Nó chẳng khác gì khi lái xe thấy có một người đang lâm nạn trong một chiếc xe bên vệ đường cần được giúp đỡ”.
Hành động vị tha của Lemieux là một trong những cử chỉ tuyệt vời nhứt trong Thế Vận Hội Seoul 1988 và là một trong những hình ảnh đẹp nhứt của Thế Vận Hội.
Tôi đã theo dõi nghi thức khai mạc Thế Vận Hội Rio de Janeiro. Nghe nói kể từ năm 1992 đến nay, đây là nghi thức khai mạc thế vận hội ít được theo dõi nhứt trên màn ảnh truyền hình hay trên mạng. Có lẽ vì bóng ma của dịch bệnh Zika, vì tiện nghi dành cho các lực sĩ không được đầy đủ hay vì tình trạng bất ổn và thiếu an ninh tại Ba Tây chăng. Riêng tôi lúc nào cũng “mê” Ba Tây. Không phải vì túc cầu, không phải vì lễ hội Carnival, không phải vì điệu nhạc Lambada, mà vì dòng sông Amazone. Không hiểu tại sao cứ nói đến Ba Tây là tôi mơ ngay tức khắc đến dòng sông này. Nếu như ở cuối đời được làm một chuyến du lịch để đời, thì chắc chắn điểm đến của tôi phải là dòng sông Amazone. Buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio de Janeiro tối thứ Sáu tuần qua đã thực sự đưa tôi đến đó. Ở đó, không chỉ có những dòng nước uốn khúc thơ mộng, không chỉ có những khu rừng già xanh tươi quanh năm suốt tháng, mà là sự hiện diện của những bộ lạc bán khai với bản sắc văn hóa đặc thù và nguyên sơ luôn được bảo tồn.
So với các nghi thức khai mạc Thế Vận Hội trước, nếu xét về kỹ thuật và sự “hoành tráng”, Rio de Janeiro thua xa. Nhưng với riêng tôi, đây là nghi thức khai mạc đẹp và có ý nghĩa nhứt. Đẹp và có ý nghĩa bởi vì với hình ảnh của một thiếu niên cầm trên tay một cây non đi theo mỗi phái đoàn và chiếc xe đạp chở đầy cây xanh và hoa, buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio de Janeiro đã gởi đi một thông điệp rõ ràng: tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên cũng như bản sắc của từng dân tộc là chìa khóa của hòa bình.
Thật vậy, buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio de Janeiro đã cho tôi thấy được sự hài hòa của dân tộc Ba Tây. Từng lớp người đã làm nên dân tộc này. Đầu tiên là những người thổ dân, kế đó là người Bồ Đào Nha, rồi đến lớp người nô lệ từ Phi Châu và cuối cùng  là người Hồi giáo từ Trung Đông và người Nhật Bản...Đủ thứ màu da chen lẫn và pha trộn với nhau, nhưng chưa hề có chuyện kỳ thị chủng tộc ở nước này. Ba Tây chưa phải là một quốc gia phát triển. Tham nhũng và nghèo đói  vẫn còn dẫn đến bất ổn và bạo động. Nhưng bạo động vì kỳ thị hay hận thù chủng tộc là điều ít nghe nói đến ở Ba Tây. Ít ra Ba Tây cho tôi thấy được hình ảnh đẹp của sự hài hòa giữa các màu da, chủng tộc và văn hóa.
Tôi mới xem cuốn phim có tựa đề “ Roots” (cội nguồn) được chiếu thành 4 tập trên Đài SBS. Tôi đã đọc nhiều cuốn sách và xem nhiều cuốn phim nói về thảm kịch của người nô lệ Phi Châu tại Hoa Kỳ. Nhưng  có lẽ  chưa có tài liệu nào khiến tôi phải ray rứt cho bằng cuốn phim “Roots” này. Xoáy trong đầu tôi nhiều ngày là câu hỏi: tại sao những người da trắng tại Hoa Kỳ vào thế kỷ 18 đã có thể đối xử  tàn bạo và vô nhân đạo đối với người Phi Châu như thế? Quả thật, tôi không thể hiểu được tại sao những người da trắng thời đó, những người mỗi ngày chúa nhựt đến nhà thờ cầu nguyện, hát thánh ca, trên tay cầm quyển Kinh Thánh...lại xem người đồng loại của mình như súc vật để có thể hành hạ, hãm hiếp, sát hại và mang ra mua bán đổi chác.
Ngày nay, khi theo dõi cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ, tôi cũng không hiểu được tại sao sự thù hận và óc kỳ thị chủng tộc vẫn còn âm ỉ trong lòng nhiều người và oái oăm thay lại được tung hê trong một ứng cử viên như ông Donald Trump. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự ngông cuồng của ứng cử viên Trump. Ngay trong Đảng Cộng hòa, theo tin của báo The New York Times, cũng  có đến 50 viên chức hàng đầu trong lãnh vực an ninh quốc gia đã ký tên vào một lá thư để tuyên bố thẳng thừng rằng họ không ủng hộ ông Trump. Theo các viên chức này, ông Trump “sẽ là một tổng thống liều lĩnh nhứt trong lịch sử Hoa Kỳ”. Theo lá thư, ông Trump đã không ngừng chứng tỏ rằng ông ít hiểu biết về quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ và những vấn đề ngoại giao phức tạp. Trầm trọng hơn, những người ký tên vào lá thư còn cho rằng ông Trump là người không có khả năng hay không muốn phân biệt chân giả, phải trái và nhứt là luôn tỏ ra thiếu tự chủ.
Có lẽ hai chữ “cà khịa” mà ai đó đã dùng để mô tả tư cách của ông Trump là đúng nhứt. Còn  nếu bảo ông là một Chí Phèo thì cũng chẳng quá đáng. Ai ông cũng chê. Ai ông cũng chửi. Ngay cả một trẻ thơ vô tội, ông cũng không tha.  Một số chuyên gia tâm lý đã gọi ông là một thứ “Narcisse” chỉ biết ngắm chiếc bóng của mình trong nước và xem trời bằng vung. Nói cho cùng, như tổng thống Barack Obama đã nhận xét, ông Trump không có đủ tư cách để làm một tổng thống của Hoa Kỳ.
Hai chữ  “tư cách” thường gợi lên trong tôi đức độ.Trong sinh hoạt chính trị, tôi thường bỏ phiếu theo trái tim. Tôi chọn những nhà lãnh đạo có trái tim, biết tôn trọng sự thật, biết thương người. Trong giao tế hàng ngày cũng thế, gặp bất cứ ai có tấm lòng, nghĩa là lương thiện, tử tế, vị tha...tôi bị thu hút ngay. Tôi cho rằng đức độ là yếu tố nền tảng trong sự đánh giá về người khác. Tôi hiểu được tại sao rất nhiều người Mỹ đã không “thích” cả ông Trump lẫn bà Clinton: họ đã không nhận ra một trong những đức tính nền tảng trong nhân cách là sự lương thiện nơi hai ứng cử viên này!
Sống lương thiện không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi phải chiến đấu liên lỉ và có khi phải hy sinh cả mạng sống. Tôi nghĩ đến nhà văn Dương Nghiễm Mậu vừa mới qua đời tại Sài Gòn hôm 2 tháng 8 vừa qua. Trước năm 1975, ông là một trong những nhà văn Việt Nam được nhiều người biết đến. Nhưng kể từ năm 1975, ít ai biết đến ông. Các tác phẩm của ông bị rơi vào quên lãng. Sau khi ra tù cộng sản, phần lớn các nhà văn hóa đều bỏ nước ra đi tìm tự do. Riêng ông, chọn ở lại. Và trong một chế độ mà chỉ có giới văn nô bẻ cong ngòi bút mới có thể phè phỡn tồn tại, ông đã chọn sự thinh lặng. Trước năm 1975, tôi có đọc vài cuốn sách của ông. Đọc để giải trí hơn là học hỏi. Nhưng chỉ mới đây, qua bài tưởng niệm của nhà văn Viên Linh ở Mỹ, tôi “biết” ông nhiều hơn và cảm phục đức độ của ông nhiều hơn. Đức độ của ông đã được bày tỏ qua một lá thư ngắn viết cho nhà văn Viên Linh năm 1982, trong đó ông tóm tắt cuộc sống của ông dưới chế độ cộng sản như sau: “Ta lo làm thợ cho con ăn cơm sống lương thiện”. Có lẽ không đến nỗi bị đày đọa và khốn khổ như thi sĩ Nguyễn Hữu Loan ngoài Bắc, nhưng nhà văn Dương Nghiễm Mầu hẳn cũng đã trải qua những năm tháng “vất vả”, tả tơi trong chế độ cộng sản. Nhưng họ giống nhau ở chỗ luôn biết giữ tấm lòng lương thiện và dạy con biết sống lương thiện. Tôi thực sự học được ở nhân cách của những con người như thế nhiều hơn qua các tác phẩm của họ.
Viết về nhà văn Dương Nghiễm Mậu, tác giả Lâm Bình Duy Nhiên đã đưa ra một nhận xét rất chính xác về đức độ của ông: “Ở lại trong nước, viết không được. Phải bẻ cong ngòi bút, phải hèn mới có thể sống. Nhưng Dương Nghiễm Mậu chọn lương tâm” (x. Đàn chim việt online 6/8/2016).
Lương tâm là kho tàng quý giá nhứt trong con người. Chọn lương tâm con người có thể mất tất cả, kể cả mạng sống, nhưng họ không đánh mất chính mình. Suy nghĩ về lương tâm, tôi thường liên tưởng đến một giai thoại về danh họa Pablo Picasso. Chuyện kể rằng một hôm có một người giàu có tìm đến một họa sĩ “quèn” để nhờ vẽ cho ông một bức chân dung. Hai bên đã đồng ý với một cái giá phải chăng. Nhưng đến ngày nhận hàng, người nhà giàu lại muốn bắt chẹt người họa sĩ. Thay vì trả đúng số tiền như hai bên đã đồng ý, ông chỉ đưa cho người họa sĩ một số tiền còm. Biết mình bị lừa, người họa sĩ liền giữ lại bức tranh và nói một cách cương quyết: Tôi không chịu bán bức tranh nữa! Hôm nay ông đã nuốt lời và bất tín với tôi, thì trong tương lai chắc chắn ông sẽ trả giá gấp 20 lấn!
Trời không phụ lòng người. Mười mấy năm sau, người họa sĩ đã dành được một chỗ đứng khá quan trọng trong giới hội họa. Một hôm có người đến mách cho người nhà giàu biết: “Trong một cuộc triển lãm tranh của một họa sĩ nổi tiếng, tôi thấy có một bức chân dung y hệt như ông. Bức tranh được đề giá rất cao và có một tiêu đề ngộ nghĩnh là “Bandito” (tên đạo tặc)”.
Người nhà giàu đã âm thầm đến gặp người họa sĩ và mua lại bức tranh với giá gấp 20 lần. Về sau, ai cũng biết rằng tên của người họa sĩ vẽ bức chân dung của tên “đạo tặc” chính là Paolo Picasso.
Người kể lại giai thoại trên đây kết luận: không ai có thể đánh bại và làm nhục ta ngoại trừ chính ta.
Theo dõi các cuộc thi đấu của Thế Vận Hội, nghĩ đến chuyện Chính phủ Nga khuyến khích các lực sĩ của mình sử dụng thuốc kích thích để bằng mọi giá đoạt huy chương trong các cuộc thi đấu, tôi cũng có một ý nghĩ tương tự: chỉ có một cuộc thi đấu đáng để tranh tài, đó là cuộc thi đấu của lương tâm; lương tâm chiến thắng, con người được tất cả, lương tâm chiến bại, con người mất tất cả.