Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

Bỏ súng xuống là thành Phật!

 

Chu Văn




Hôm Thứ Sáu 17 tháng Mười Hai vừa qua đánh dấu đúng 10 năm lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Il qua đời. Kim Jong Un, người con trai út của ông lên kế vị để cai trị quốc gia cộng sản được xem là bưng bít nhứt thế giới.

Khi lên kế vị, Kim Jong Un còn là một thanh niên chỉ mới 27 tuổi, chưa từng có bất cứ một kinh nghiệm nào về lãnh đạo. Ngoài bốn lần thử nghiệm vũ khí nguyên tử, bắn hàng tá hỏa tiễn để đe dọa các nước láng giềng như Nhật Bản, Nam Hàn và ngay cả Hoa Kỳ, đưa đất nước vào tình trạng nghèo đói chưa từng thấy, thành tích nổi bật nhứt của nhà lãnh đạo này là những cuộc thanh trừng dã man xảy ra như cơm bữa.

Tham mưu trưởng quân đội, ông Ri Yong Ho, sau khi bị giải nhiệm đã bị Kim Jong Un ra lệnh xử tử dạo tháng Bảy năm 2012. Tháng Mười Hai năm 2013, người chồng của cô ông là ông Jang Song Thaek, một cố vấn tối cao trong chính phủ, đã bị đẩy ra khỏi bộ chính trị, đánh đập một cách tàn nhẫn và xử tử bằng súng cối. Dạo tháng 12 năm 2011, cả ông Ri lẫn ông Jang đều là 2 người đã từng đi bên cạnh Kim Jong Un trong suốt ba tiếng đồng đồ dưới cơn mưa tuyết để tiễn đưa cha ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cả hai người đều được xem là những người đã hướng dẫn nhà lãnh đạo trẻ trong việc điều hành đất nước.

Với Kim Jung Un, bất cứ ai cũng có thể là một đối thủ chính trị cần phải thanh trừng. Ngay cả người thân ruột thịt cũng không thoát khỏi. Đó là trường hợp ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với ông. Ông này đã bị ám sát tại phi trường Kuala Lumpur, Mã Lai dạo tháng Hai năm 2017: hai người phụ nữ, một Nam Dương và một Việt Nam, đã được thuê tạt nước có chứa khí độc VX vào mặt ông Nam.

Cái chết của ba ông Ri, Jang và Nam chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ của vô số những cuộc thanh trừng dưới tay Kim Jong Un. Dưới mắt nhà độc tài khát máu nhứt thế giới này, bất cứ ai cũng có thể là kẻ thù. Gần đây nhứt, Kim Jong Un đã ra lệnh triệt tiêu điều mà ông gọi là “mối ung thư xấu xa” của nền văn hóa Nam Hàn như được thể hiện qua nền nhạc K-Pop và đặc biệt là bộ phim truyện có tựa đề Squid Game (Trò chơi Con mực) được nhập lậu vào Bắc Hàn. Nhiều nguồn tin đã xác nhận: rất nhiều người bị bắt quả tang “xem hay phát tán bộ phim (Trò chơi Con mực) của Nam Hàn” đã bị xử tử.

Các cuộc xử tử, vốn thường diễn ra nơi công cộng, là “chuyện thường ngày ở huyện” dưới thời của Kim Il Sung và Kim Jong Il, tức ông nội và cha của Kim Jong Un. Nhưng sau khi Kim Jong Un lên cầm quyền, các cuộc xử tử ngày càng trở nên tàn bạo hơn. Theo ông Ji Seung Ho, người đã đào thoát khỏi Bắc Hàn năm 2006 và hiện là dân biểu Quốc hội Nam Hàn, nhà lãnh đạo Bắc Hàn ra lệnh thanh trừng và xử tử hàng loạt là để “chứng tỏ quyền lực của mình” (1).

Tại sao Kim Jong Un đã trở thành nhà độc tài khát máu nhứt thế giới hiện nay? Dĩ nhiên, nói như chính trị gia Anh nổi tiếng là ông John Dalberg-Acton (1834-1902), thường được gọi tắt là Lord Acton, “quyền lực dễ làm cho con người đồi bại và quyền lực tuyệt đối làm cho con người đồi bại một cách tuyệt đối”. Kim Jong Un đã đồi bại và biến thành một dã thú vì muốn nắm quyền tuyệt đối trong tay. Nhưng không phải ngẫu nhiên hay trong một sớm một chiều mà người thanh niên này bỗng nhiên biến thành nhà độc tài khát máu nhứt thế giới. Mầm mống của sự độc ác và tàn bạo đã được cấy vào tâm hồn của ông ngay từ tuổi thơ.

Được cha mẹ gieo vào đầu ý tưởng mình là một “bán thần” (demigod), cậu bé Kim đã không ngừng giở thói bắt nạt với những đứa trẻ đồng lứa khác. Sợ cậu đến nỗi các em khác đã đặt cho cậu biệt danh là “nhà độc tài tí hon”. Bảy tuổi cậu đã có thể cỡi xe gắn máy và lái xe hơi. Năm 11 tuổi, cậu con trời này đã mặc đồng phục của một tướng lãnh và lúc nào cũng mang bên hông một khẩu súng Colt 45. Là “con trời” và là tướng lãnh cho nên xung quanh cậu lúc nào cũng túc trực một đoàn tùy tùng để hầu hạ cậu 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần. Phòng “chơi” của cậu có nhiều đồ chơi hơn bất cứ cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ con nào ở Âu Châu. Những ngôi vườn xung quanh nhà cậu đầy những chuồng súc vật gồm có khỉ và gấu để cậu giải trí. Mang súng kè kè trong người cho nên cậu được cho là có thể bắn đúng mục tiêu cách cả trăm thước. Được trang bị tận răng như thế, cậu luôn luôn nghĩ rằng mình là một người đặc biệt. Tiệc sinh nhựt thứ 8 của cậu được tổ chức mà không có bất cứ một thiếu niên nào được mời tham dự. Trong bữa tiệc chỉ có các viên chức cấp cao trong chế độ mang hoa đến chúc mừng, cậu được cho mặc một bộ đồ “lớn” màu đen như một ông lớn thứ thiệt.

Được cưng chiều và chỉ phát triển những  tồi tệ nhứt trong nhân cách, cậu thiếu niên Kim lại càng bộc lộ những nét đốn mạt ấy trong suốt thời gian theo học tại một trường trung học quốc tế ở Thụy Sĩ.  Có lẽ do thành tích học hành kém cỏi chăng, cậu Kim chỉ biết lấn lướt bạn bè bằng tính nóng giận và cộc cằn của cậu, đặc biệt trên sân bóng rổ (2).

Người Pháp đã có lý để nói “Ai ăn cắp một cái trứng sẽ ăn cắp một con bò” (qui vole un oeuf volera un boeuf). Dĩ nhiên không phải mọi tuổi thơ bất hạnh đều dẫn đến tội ác. Nhưng cứ sự thường, nhỏ bị bỏ bê và không được dạy dỗ cho nên người thì lớn lên dễ trở thành người hư hỏng. Có lẽ Kim Jong Un là một trường hợp cụ thể nhứt cho thấy gương của bậc phụ huynh và người lớn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển và trưởng thành nhân cách của con cái. Trong triều đại của họ Kim tại Bắc Hàn, mầm mống của sự đồi bại và độc ác đã từ ông nội truyền xuống cho cha và từ cha sang con. Ánh sáng văn minh, nhân đạo và tình người của Thụy Sĩ, dù có mạnh đến đâu, cũng không đẩy lùi được bóng tối của tội ác đã lấp đầy tâm hồn thơ dại của cậu Kim Jong Un.

Hình ảnh của cậu thiếu niên 11 tuổi Kim Jong Un mang khẩu súng ngắn Colt 45 kè kè bên hông không thể không làm cho tôi liên tưởng đến những tấm thiệp Giáng Sinh vốn chỉ có ở Mỹ trong những ngày vừa qua. Hồi tháng trước, một thiếu niên 15 tuổi tại Thành phố Oxford, Tiểu bang Michigan đã dùng khẩu súng được người cha tặng nhân dịp Giáng Sinh để bắn hạ bốn em học sinh cùng trường và làm bị thương nhiều người khác. Vậy mà trong bối cảnh của cuộc thảm sát dã man ấy, dân biểu liên bang Thomas Massie, đại diện cho một đơn vị thuộc Tiểu bang Kentuckey đã đưa lên mạng xã hội một tấm thiệp Giáng Sinh trong đó ông và vợ ông cùng với 5 người con, người nào cũng cầm súng giơ lên, miệng cười toe toét. Phía sau họ là cây thông giả, biểu tượng của sứ điệp Giáng Sinh. Kèm với tấm thiệp, ông Massie viết: “Ông Già Noel ơi, xin ông mang đến súng đạn”!

Tâm đầu ý hợp với ông Massie còn có một dân biểu nổi tiếng khác là bà Lauren Boebert, đại diện cho Tiểu bang Colorado. Trong tấm thiệp Giáng Sinh được bà Boebert gởi đi, người ta thấy bà đứng sau 4 cậu con trai thiếu niên, mỗi cậu cầm trong tay một khẩu súng (3).

Tôi không nghĩ rằng những khẩu súng mà gia đình của hai vị dân biểu thuộc Đảng Cộng Hòa trên đây giương lên trong tấm thiệp Giáng Sinh là những “lòng súng nhân đạo cứu người lầm than” như nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã hát lên trong ca khúc “Anh đi chiến dịch”. Trong bối cảnh sôi sục của cuộc tranh luận về súng đạn hiện nay tại Mỹ, nhứt là với những vụ bắn giết xảy ra như cơm bữa, súng đạn trong tay người dân chỉ có thể là biểu tượng của đố kỵ và nhứt là hận thù mà thôi.  Và những nụ cười toe toét trong những tấm thiệp Giáng Sinh của hai dân biểu Massie và Boebert chắn chắn cũng không phải là những nụ cười nói lên niềm vui đích thực của Giáng Sinh.

Giáng Sinh thiết yếu là lễ của Bình An. Và Bình An không phải tự nhiên mà có. Nó đòi hỏi một cuộc chiến đấu cam go. Chiến đấu cam go không phải bằng súng đạn, mà chính là vứt bỏ súng đạn. Lâu lắm rồi, tôi có đọc một bài viết có tựa đề “Thông điệp mùa Giáng Sinh: bỏ mác lê xuống là thành phật” của nhà văn, thi sĩ Trần Mạnh Hảo trong nước (x.Đàn Chim Việt info 10/12/2011). “Mác Lê” là tên  quen thuộc mà người Việt Nam thường dùng để gọi hai ông tổ của chủ nghĩa cộng sản là Các Mác và Lê Nin. “Mác” cũng là giáo mác và “lê” là lưỡi lê. Đây là hai thứ khí cụ biểu tượng của hận thù, chiến tranh và chết chóc. Đức Phật dạy chỉ cần bỏ gươm giáo xuống là thành phật. Nhại lời Đức Phật, tác giả Trần Mạnh Hảo nhắn nhủ người cộng sản Việt Nam hãy buông bỏ “Mác Lê” của hận thù xuống mới hy vọng có được Bình An.

Ngày nay ai cũng nói đến sự xuống cấp thê thảm về đạo đức trong xã hội Việt Nam. Biểu hiện của sự xuống cấp đó là bạo động tràn lan trong xã hội. Ở bậc tiểu học, học sinh tập làm các phép tính cộng trừ nhân chia trên số xác chết và vũ khí tịch thu được của “Mỹ Ngụy”, “kẻ thù” mà  trong một cuộc thi hoa hậu được tổ chức ngay trên lãnh thổ Mỹ người ta cũng dùng âm nhạc để rủa sả. Đừng hỏi tại sao bạo động vẫn là biểu hiện của sự xuống cấp hiện nay trong xã hội. Bao lâu “chông” và súng đạn của hận thù vẫn chưa bị bỏ xuống và nhân quyền chỉ được hiểu đơn thuần là miếng ăn như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tự hào dẫn giải trong chuyến công cán tại Âu Châu hồi cuối tháng Mười vừa qua (4), thì dĩ nhiên còn lâu Việt Nam mới thực sự có hòa bình.

Tôi không phải là một tín đồ Phật Giáo. Tôi không đi chùa. Tôi không ăn chay trường. Tôi không cúng giường và dĩ nhiên tôi còn nặng tham sân si. Nhưng nói như nhà văn Dương Thu Hương, tôi là “một phật tử theo cách thế riêng của tôi”. Chính vì thế mà trong cuộc sống mỗi ngày tôi luôn cảm nhận được lời dạy của Đức Phật: “Bỏ gươm xuống là thành phật”. Là một tín hữu Kitô, đặc biệt trong đêm Giáng Sinh năm nay, tôi lại nghe lời dạy của Đức Phật được vọng lại trong lời ca của các thiên sứ: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Nhìn lại hình ảnh của cậu thiếu niên 11 tuổi Kim Jong Un mang kè kè bên hông khẩu Colt-45 và xem những cánh thiệp Giáng Sinh với súng đạn và nụ cười toe toét vô cảm của một số dân biểu Mỹ, tôi nghe như Đức Phật lại dạy: “Bỏ súng xuống là thành phật”.

 

 

 

 

 

 

Chú thích

1. How Kim Jong Un became the World’s most bloodthirsty dictator, Daily Beast 17/12/2021

2. Kim Jong Un was dubbed “the little dictator” as childhood of excess groomed him for tyrannical rule, The Sun  26/04/2020.

3. “Santa, bring ammo”: US congressman tweets Christmas pic of family holding guns , the Indianexpress 7/12/2021.

4. Nhân quyền không phải là miếng ăn, Phạm Đình Trọng, báo Tiếng Dân 11/12/2021.

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy Có thêm một ngày nữa để yêu thương”

 


Chu Văn

 


Cuộc thảm sát xảy ra ở Mỹ hôm thứ Ba 30 tháng Mười Một vừa qua lẽ ra đã tạo ra một chấn động mạnh, nhưng chẳng làm tôi ngạc nhiên chút nào: một học sinh 15 tuổi của một trường trung học thuộc Tiểu bang Michigan đã xách súng đến trường hạ sát 4 em và làm bị thương 7 người khác. Khẩu súng được hung thủ sử dụng chỉ được người cha mua cách đó 4 ngày để tặng cho cậu như một món quà Giáng Sinh. Riêng người mẹ, trong một lá thư gởi cho Tổng thống Donald Trump lúc ông còn tại nhiệm, đã bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với ông vì đã “cho phép bà được quyền mang súng” (1).

Bất cứ một cuộc thảm sát nào cũng  tạo ra một nỗi đau tột cùng cho người thân của các nạn nhân. Tôi chia sẻ nỗi đau ấy. Nhưng tôi không ngạc nhiên chút nào khi cuộc thảm sát như thế xảy ra ở Mỹ, bởi lẽ đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Cứ năm ba bữa nửa tháng lại xảy ra một vụ. Tôi không ngạc nhiên về chuyện đã xảy ra và tôi tin rằng nó cũng sẽ xảy ra dài dài.

Từ vài năm nay, Úc Đại Lợi đã du nhập ngày “Thứ Sáu Đen” (Black Friday) của Mỹ vào các cửa hàng buôn bán. Ở Mỹ, cứ sau ngày “Tạ Ơn” là đến ngày “Thứ Sáu Đen”. Thành ra, có một số bạn bè ở Mỹ hỏi tôi: Ở Úc có ngày “Tạ Ơn” không mà lại có ngày “Thứ Sáu Đen”?

Quả tình, Úc không bao giờ có ngày “Tạ Ơn” và có lẽ sẽ chẳng bao cần một ngày như thế. Nhưng với riêng tôi, mỗi ngày được sống ở Úc là một ngày để tạ ơn. Tạ ơn bởi vì ở đất nước này, mạng sống con người được đặt lên trên mọi thứ quyền khác. Tạ ơn bởi vì ở Úc không có văn hóa súng đạn. Ra đường không phải nhìn trước ngó sau xem có ai mang súng định bắn loạn xà ngầu không. Đến phố chợ, vào nơi thờ phượng, đi xem đấu thể thao, vào nhà hàng,  chạy bộ ngoài đường và nhứt là đưa con đến trường học...không cần phải lận lưng một khẩu súng và cũng chẳng phải canh cánh lo sợ bị lạc đạn chết oan như trong thời chiến tranh!

Hẳn phải có một giây thần kinh sắt thép thì may ra mới sống ở Mỹ mà không sợ bị chết oan vì súng đạn. Mới đây một bài phân tách của Đài CNN về văn hóa súng đạn tại Hoa Kỳ (2) đã khiến tôi phải run sợ nếu tôi phải sống ở Mỹ. Theo đài CNN, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhứt trên thế giới có số súng đạn được người dân sở hữu nhiều hơn dân số. Theo một cuộc khảo sát do tổ chức Small Arms Survey có trụ sở tại Thụy Sĩ thực hiện, cứ mỗi 100 người Mỹ thì có đến 120 khẩu súng. Đứng thứ nhì về tỷ lệ sở hữu súng là đảo Falklands của Vương quốc Anh. Nhưng tại đảo này, trong 100 người cũng chỉ có 62 khẩu súng. Thua xa Mỹ. Các nhà nghiên cứu của tổ chức Small Arms Survey cũng ước tính rằng hiện trên toàn quốc Hoa Kỳ có gần 400 triệu khẩu súng, nghĩa là chiếm 46 phần trăm tổng số súng mà dân chúng trên khắp thế giới đang có trong tay. Một cuộc thăm dò do hãng Gallup thực hiện hồi năm 2020 cũng cho thấy: khoảng 44 phần trăm người Mỹ trưởng thành sống trong một gia đình có một khẩu súng và khoảng một phần ba có riêng trong tay một khẩu súng!

Dân chúng có súng trong tay một cách dễ dàng không phải là đặc quyền của người Mỹ. Do những cuộc xung đột võ trang trong quá khứ hoặc do luật lệ lỏng lẻo, dân chúng tại một số quốc gia cũng chiếm hữu nhiều súng đạn. Nhưng Hoa Kỳ là một trong rất ít quốc gia trong đó mang súng được nhìn nhận như một quyền hiến định.

Có cầu thì đương nhiên phải có cung. Dân được quyền mang súng và ngày càng có nhiều người mang súng thì kỹ nghệ súng phải ăn nên làm ra thôi. Và dĩ nhiên, càng có nhiều cuộc thảm sát, thì người dân lại càng đổ xô đi mua súng và như một hệ lụy không tránh khỏi: việc  giết người hàng loạt cũng càng  xảy ra nhiều hơn.

Tính từ năm 1998 đến năm 2019, một nửa trong số các quốc gia phát triểu có ít nhứt một vụ bắn giết tập thể. Nhưng trong 22 năm vừa qua, không có nước nào trong số các nước phát triển có quá 8 vụ bắn giết hàng loạt. Trong khi đó tại Hoa Kỳ, trong cùng thời kỳ, đã có hơn 800 vụ, với gần 2000 người bị bắn chết hay bị thương.

Bắn giết người hàng loạt xảy ra như cơm bữa là một “hiện tượng chỉ có tại Mỹ”. Trong năm 2019, trung bình trong 100.000 có khoảng 4 cái chết liên quan đến bạo động bằng súng đạn. Tỷ lệ này cao gấp 18 lần so với các nước phát triển khác, cao hơn 22 lần so với các nước Liên Âu và cao hơn 23 lần so với Úc Đại Lợi. Dường như người Mỹ không muốn nhìn nhận thực tế ấy. Theo một cuộc khảo sát của hãng thăm dò Pew hồi tháng Tư vừa qua, có đến một phần ba những người Mỹ trưởng thành tin rằng tội phạm sẽ giảm nếu có nhiều người sở hữu súng hơn. 

Chỉ vài ngày trước khi xảy ra cuộc thảm sát tại trường trung học ở Tiểu bang Michigan mà hung thủ là một thiếu niên 15 tuổi đã diễn ra 2 phiên tòa được cả thế giới theo dõi. Một xử vụ một thiếu niên 17 tuổi từ tiểu bang của mình xách súng sang một tiểu bang khác để gọi là bảo vệ các cơ sở kinh doanh khỏi sự đập phá và hôi của một đám đông bạo loạn. Trong lúc xô xát, người thiếu niên đã lần lượt bắn hạ 2 người và làm bị thương một người. Ra tòa cậu được trắng án vì cậu được cho là chỉ hành động để tự vệ. Trong một phiên tòa khác, hai cha con một người Mỹ trắng và một người hàng xóm đã bị kết án vì xách súng rượt theo săn đuổi và hạ sát một thanh niên da đen đang chạy bộ trong khu vực của họ. Trong cả hai trường hợp, các luật sư của các bị can đều nại đến quyền tự vệ của họ.

Tôi không phải là luật sư. Tôi cũng dốt đặc về luật pháp và tố tụng. Nhưng với cái nhìn của một người dân đang sống trong một đất nước không có văn hóa súng đạn và nhứt là súng đạn được kiểm soát một cách gắt gao, tôi tin rằng chính điều được gọi là quyền được mang súng là nguyên nhân dẫn đến mọi cuộc bắn giết tại Mỹ. Một bản báo cáo được Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho công bố hồi năm 2019 khẳng định rằng luật cho phép mang súng khuyến khích người dân sử dụng bạo lực để đối phó với một số tình huống mà lẽ ra họ chỉ nên sử dụng nó khi không còn phương tiện nào khác.

Nhiều nước trên thế giới mà Úc Đại Lợi là một điển hình  đã có thể kiểm soát được nạn bạo động bằng súng đạn.  Vậy mà, mặc dù đã có hàng ngàn người chết vì súng đạn và chuyện giết người hàng loạt vì súng đạn, nói như cựu Tổng thống Barack Obama, “xảy ra như một thói quen”, hiện chỉ có khoảng một nửa người Mỹ trưởng thành ủng hộ việc kiểm soát luật cho phép mang súng và cho tới nay, việc cải tổ chính trị ở Quốc hội vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Tôi không ngạc nhiên tại sao chu kỳ chết chóc vì súng đạn trong một xã hội văn minh nhứt hành tinh lại cứ vẫn tiếp diễn.

Hoa Kỳ là một quốc gia đang bị chia rẽ trầm trọng. Dù có là “thày cãi” dẻo mép cỡ nào cũng  không thể chối cãi được thực tế ấy. Đố kỵ, thù hận là điều dễ thấy nhứt. Nhưng trước tình trạng máu đổ thịt rơi xảy ra như một “thông lệ” trong xã hội mà Quốc hội  vẫn cù cưa né tránh, nếu không muốn nói là còn khuyến khích cả việc mang súng và một nửa dân số Mỹ vẫn tranh đấu cho quyền được tự do mang súng...tôi cho rằng vô cảm và dửng dưng mới là điều đáng sợ nhứt trong xã hội Mỹ hiện nay. Mạng người bị xem rẻ như bèo. Ai cũng nghĩ đến quyền và tự do của mình, ngay cả khi quyền và tự do ấy có dẫn đến chết chóc cho người khác.

Vô cảm và dửng dưng là tột cùng của tình trạng xuống cấp về đạo đức. Không ở đâu điều đó rõ ràng như trong xã hội “xã hội chủ nghĩa” Việt Nam hiện nay. “Đâu đâu và ngày nào cũng có tin tức về nạn bạo lực. Từ các vụ hành hung gây tổn thương về sức khỏe và tinh thần cho người dân đến các vụ giết người hàng loạt. Cha mẹ đánh con, cô giáo bạo hành trẻ, trò đánh trò, trò đánh thầy, thầy đánh trò...Công an đánh dân, dân đánh công an, dân đánh dân”(3). Thật ra bạo lực chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm là sự vô cảm và dửng dưng.

Gần đây, trên các mạng xã hội của người Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại, chuyện ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, ăn miếng thịt bò bít tết có dát vàng được người đầu bếp có biệt danh là “Thánh rắc muối” ở bên Anh đút  tận miệng, hầu như ngày nào cũng được mang ra bàn tán. Trong câu chuyện, tôi chỉ chú ý mỗi một điều: trước khi thưởng thức miếng thịt bò trị giá gần cả 2 ngàn Mỹ Kim, ông Lâm đã cùng với đoàn tùy tùng hành hương đến mộ của ông tổ chủ nghĩa Mác xít. Chắc chắn khi đứng trước mộ Các Mác, ông Lâm và đoàn tùy tùng đã lặng yên suy gẫm về những lời vàng ngọc của ông Các Mác.

Trong chương trình triết học, tôi có học qua về chủ nghĩa Mác xít. Nhưng chủ nghĩa ấy quá cao siêu, mà đầu óc của tôi thì tối tăm, cho nên tôi thấy mình chẳng thấm nhuần được bao nhiêu. Nhưng nếu còn có một chút gì để nhớ về ông thánh tổ của chủ nghĩa này, thì đó là lời dạy của ông: “chỉ có thú vật mới quay mặt làm ngơ trước nổi khổ của người đồng loại để chăm sóc cho bộ da riêng của mình”.  Phải vô cảm và dửng dưng như súc vật thì may ra mới có thể ung dung ngồi thưởng thức miếng thịt bò dát vàng vào giữa lúc người dân trong nước đang quằn quại trong đói khát, dịch bệnh và vô số nỗi đau khác. Và dĩ nhiên cũng phải vô cảm và dửng dưng như súc vật mới có thể đứng nhìn cảnh máu đổ thịt rơi vì súng đạn xảy ra như cơm bữa mà vẫn xem súng đạn như thần hộ mạng!

Úc Đại Lợi không phải là thiên đường. Nhưng ít ra ở đây, sự vắng bóng của súng đạn trong xã hội  mang lại cho tôi cảm giác an toàn và nhứt là không phải nhìn người khác bằng ánh mắt của hận thù, đố kỵ hay vô cảm và dửng trước nỗi khổ của người đồng loại.

Úc Đại Lợi không có ngày Tạ Ơn. Nhưng tôi vẫn thấy phải lấy lời của thi sĩ Kahlil Gibran (1883-1931) để tâm niệm:

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Có thêm một ngày nữa để yêu thương”.

 

 

 

 

 

Chú thích

1.Alleged school shooter’s parents charged with involuntary manslaughter New.com.au 4/12/2021

2.How US gun culture stacks up with the world, edition cnn.com/2021/11/26

3.Việt Hoàng, Vì sao đạo đức xã hội ngày càng băng hoại?  thongluan-rdp 23/11/2021

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Không có thuốc chủng ngừa cho sự ngu xuẩn

 


Chu Văn

Chưa bao giờ tôi thấy người Mỹ quan tâm và lo lắng cho Úc Đại Lợi cho bằng trong thời đại dịch Covid-19. Nhiều người Mỹ muốn “cứu Úc Đại Lợi” khỏi tay chế độ cộng sản. Có người còn kêu gọi đưa quân sang để giải phóng đất nước mà tôi đã chọn làm quê hương thứ hai khỏi chế độ độc tài!

Theo một bản tin tôi đọc được dạo đầu tháng Mười 2021 vừa qua, tại New York, hàng ngàn người đã tham gia một cuộc biểu tình trước tòa Tổng lãnh sự Úc để phản đối việc Chính phủ Úc ra lệnh phong tỏa để phòng chống Covid-19. Người ta đọc được một số biểu ngữ như: “Sự thật sẽ được tỏ lộ” và “Này, đồ chó cái, (Úc Đại Lợi) là đất nước của những người tự do”. Đặc biệt nhứt có lẽ là câu “Hãy cứu Úc Đại Lợi”. Cứ như quốc gia Miệt Dưới này đã rơi vào một chế độ độc tài hay chuyên chế!

“Sự thật” mà những người biểu tình đòi “cứu Úc Đại Lợi”, ngoài những thuyết âm mưu ra, chắc chắn không hề muốn nhìn thấy hay lắng nghe đó là những con số “biết nói”. Chẳng hạn, theo Đại học John Hopkins, trong Tiểu bang New York của Hoa Kỳ, với dân số 19. 5 triệu người, đã có 2 triệu rưỡi người bị nhiễm và trên 55 ngàn người chết vì Covid. Trong khi đó, trên toàn Úc Đại Lợi, với dân số gần 26 triệu tính đến nay chỉ có khoảng 115 ngàn người bị nhiễm và 1448 người tử vong. Kể từ khi đại dịch bùng nổ, trong toàn Tiểu bang Queensland của Úc Đại Lợi chỉ có 8 người chết. Tiểu bang Nam Úc chỉ ghi nhận có 4 người chết. Tiểu bang Tasmania chỉ có 13 người chết. Riêng Tiểu bang Tây Úc chỉ có 19 người chết.

Hai tiểu bang New South Wales và Victoria có thời gian phong tỏa lâu nhứt. Riêng Thành phố Melbourne, thủ phủ của Tiểu bang Victoria, đạt kỷ lục phong tỏa lâu nhứt thế giới. Nhưng rõ ràng là những biện pháp phòng chống Covid, đặc biệt là lệnh phong tỏa trong khi chưa có số người nhận thuốc chủng đạt mức miễn dịch cộng đồng, đã thực sự có hiệu quả. Trong suốt cơn đại dịch, số tử vong trên toàn nước Úc, nếu so sánh với trên 700 ngàn người chết vì Covid tại Hoa Kỳ, chỉ là một giọt nước trong đại dương (1).

Thỉnh thoảng đó đây ở Úc Đại Lợi cũng có những cuộc biểu tình chống các biện pháp phòng chống Covid. Như dạo tháng Bảy vừa qua tại Sydney, Tiểu bang New South Wales, chẳng hạn, những người biểu tình đã mang hay viết trên áo những biểu ngữ có nội dung như “không đeo khẩu trang”, “không xét nghiệm”, “không chích ngừa”, “không sợ”. Có người còn nại đến sức mạnh của niềm tin tôn giáo như “Máu Chúa Giêsu là thuốc chủng ngừa của tôi”...Đa số dân chúng Úc đã tỏ ra không mấy mặn mà với những cuộc biểu tình như thế và hầu hết báo chí và các cơ quan truyền thông Úc đều gọi những người tham gia biểu tình như thế là “ngu xuẩn và ích kỷ” (idiotic and selfish).

Dân “ngu” thì ở đâu mà chả có. Nhưng “quan” mà ngu thì không thể chấp nhận được. Đâu chỉ có tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mới có quan ngu. Ở Mỹ cũng đâu có thiếu. Đặc biệt trong cơn đại dịch.

Trước khi có cuộc biểu tình đòi “cứu Úc Đại Lợi” trước tòa Tổng lãnh sự Úc tại New York, Thống đốc Florida, Tiểu bang lớn hàng thứ ba của Hoa Kỳ là ông Ron DeSantis, cũng đã mạnh mẽ lên án những biện pháp phòng ngừa Covid của Úc Đại Lợi. Ông so sánh Úc Đại Lợi với một chuyến xe lửa “trật đường rầy” và không ngần ngại gọi nước này là một nước cộng sản chẳng khác nào Trung Cộng.

Là người có chủ trương chống lại việc phong tỏa, chống lệnh bắt buộc chích ngừa cũng như chống sổ thông hành chủng ngừa tại Hoa Kỳ, ông đã gay gắt chỉ trích các biện pháp phòng chống Covid của Úc Đại Lợi tại cuộc triển lãm quốc tế về kỹ thuật đóng tàu tại Thành phố Tampa dạo cuối tháng Chín vừa qua. Ông thống đốc thuộc đảng Cộng Hòa  này nói: “Hãy nhìn vào những gì đang xảy ra tại Úc Đại Lợi. Sau một năm rưỡi, họ dùng quân đội để thi hành lệnh phong tỏa. Đây không phải là một đất nước tự do. Nó chẳng còn là một đất nước tự do chút nào cả”. Ông còn nhấn mạnh: “Tôi tự hỏi tại sao chúng ta (Hoa Kỳ) vẫn còn giữ quan hệ ngoại giao (với Úc Đại Lợi) khi họ đang hành xử như thế. Ngay bây giờ đây, phải chăng Úc Đại Lợi chỉ tự do hơn Trung Cộng?”

Ông DeSantis luôn tự hào rằng Tiểu bang Florida do ông lãnh đạo là một tiểu bang tự do và ông cương quyết bảo vệ và thăng tiến tự do cho người dân của tiểu bang. Ông quên mất rằng đó là thứ “tự do” mà họ phải trả bằng một cái giá quá đắt: với dân số chỉ có 3. 6 triệu, nhưng trung bình cứ 100.000 người thì có đến 17.000 người bị nhiễm Covid và tính đến nay đã có trên 54.000 người chết vì Covid.

Không biết có phải để trả lời cho Thống đốc DeSantis không, trong một cuộc phỏng vấn trên đài CBS ở Mỹ, đương kim Thủ tướng Úc Scott Morrison đã nói: “Chỉ có khoảng 1200 người Úc chết vì Covid. Đây là con số người Mỹ chết chỉ trong một ngày”(2).

Không hiểu sao mấy ông “quan” Mỹ lại thích chõ mỏ vào Úc để phê bình về những biện pháp phòng chống Covid của nước này. Từ Texas, tiểu bang lớn thứ nhì của Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ liên bang Ted Cruz, cũng đã lên tiếng chỉ trích nặng nề các biện pháp phòng ngừa Covid tại lãnh thổ Bắc Úc. Trong một tweet được phóng đi hôm 14 tháng Mười vừa qua, ông thượng nghị sĩ  đã từng ra tranh cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 đã gọi việc bắt buộc chích ngừa tại lãnh thổ Bắc Úc là một hành động “đáng xấu hổ và đáng buồn”. Ông Cruz gọi biện pháp này là một thứ “bạo quân Covid” (Covid tyranny).

Được biết chính quyền địa phương tại Lãnh thổ Bắc Úc (Northern Teritory) đã buộc các nhân viên trong các ngành khác nhau như bán lẻ, nhà hàng, khách sạn và giáo dục phải đi chích ngừa. Ai không tuân hành sẽ không được cho trở lại làm việc và có thể bị phạt trên 3.500 Úc kim.

Phản ứng trước những lời chỉ trích của Thượng nghị sĩ Cruz, ông Michael Gunner, người lãnh đạo chính quyền địa phương tại Lãnh thổ Bắc Úc đã trả lời như sau: “Cám ơn ông bạn (Thanks mate). Chúng tôi không cần bạn “lên lớp”. Bạn chẳng hiểu gì về chúng tôi. Và nếu bạn chống lại thuốc chủng ngừa vốn có sức cứu mạng con người, thì rõ ràng là bạn chẳng hề là bạn của Úc Đại Lợi.” Ông Gunner giải thích: “Chủng ngừa rất quan trọng tại đây (lãnh thổ Bắc Úc), bởi vì chúng tôi có những cộng đồng dễ bị tổn thương (tức cộng đồng thổ dân) và một nền văn hóa cổ xưa nhứt trên hành tinh cần được bảo vệ”. Nhà lãnh đạo của Lãnh thổ Bắc Úc nhắc cho ông Cruz nhớ: “Gần 70.000 người dân Texas chết vì Covid. Còn tại Lãnh thổ Bắc Úc, chưa có một người nào đã chết vì Covid. Ông bạn có biết điều đó không?”(3)

Một người nổi tiếng thông minh như ông Cruz lẽ nào không đọc được những con số “biết nói”. Nhưng cũng như Thống đốc DeSantis, liệu ông có muốn nghe “tiếng nói” của những con số không?

Một ông bạn chí cốt của tôi hiện đang ở Texas, có lẽ không biết hay không muốn đọc những con số biết nói cho nên mới đây đã email sang hỏi tôi: “dịch dật” ở Úc đã qua chưa?  Tôi đọc được ý ông, bởi vì lâu nay bạn tôi vẫn là người công khai ủng hộ hết mình những người như Thống đốc DeSantis và Thượng nghị sĩ Cruz. Không chừng bạn tôi cũng muốn Hoa Kỳ đem quân sang Úc Đại Lợi để giải phóng những người bạn của ông trong đó có tôi.

Không thiếu người Mỹ có ý tưởng ấy. Mới đây, một người dẫn chương trình trên một đài truyền hình có tên là Daily Wire là cô Candace Owens đã đề nghị Chính phủ Mỹ nên “xâm chiếm” Úc Đại Lợi để giải phóng người dân Úc khỏi những biện pháp phòng chống Covid mà cô gọi là giai đoạn đầu của chế độ độc tài theo kiểu Hitler hay Stalin. Những điều mà xướng ngôn viên này mô tả về hiện tình của Úc Đại Lợi chẳng khác gì tình trạng thiết quân luật trong thời chiến tranh: không được ra các công viên, không được đến các bãi biển. Không được ăn uống bất cứ nơi công cộng nào. Không được khiêu vũ nơi nào...Quân đội và cảnh sát xét hỏi dân chúng đi mua sắm những thứ gì...Trực thăng vần vũ trên không trung để xem dân chúng có tuân hành thiết quân luật không (4).

Không biết người dẫn chương trình trên đài Daily Wire trên đây có sống ngày nào tại Úc Đại Lợi trong những ngày vừa qua chưa để vẽ ra một bức tranh khủng khiếp như thế. Trong một chế độ cộng sản như Việt Nam, những nhà báo công cụ có thể nằm nhà, rung đùi uống cà phê mà vẫn có thể tường thuật về một biến cố mà họ không hề chứng kiến. Nhưng ở Mỹ mà người ta vẫn có thể làm báo như thế thì quả thật tôi không ngạc nhiên tại sao “tin giả” và đủ các thứ thuyết âm mưu hiện đang là lương thực hàng ngày của rất nhiều người trong đó có không ít người Việt Nam.

Thời cụ Tản Đà (1889-1939), “dân ngu quá lợn” là chuyện có thể hiểu và chấp nhận được, bởi vì đa số người dân Việt Nam thời đó thất học. Nhưng liệu trong một xã hội văn minh vượt bực như Hoa Kỳ hiện nay, “dân trí” có cao hơn không? Kể từ khi một người như ông Donald Trump được bầu làm nguyên thủ quốc gia và hiện nay, mặc dù thất cử, vẫn tiếp tục gây sóng gió trong xã hội và được rất nhiều người sùng bái, tôn thờ như thần thánh...tôi nghi ngờ về trình độ “dân trí” của người Mỹ. Một cái đầu “đầy phè”, được nhồi nhét với vô số kiến thức, nhứt là trong thời đại thông tin toàn cầu này, chưa hẳn đã bảo đảm được một trình độ “dân trí” cao. Càng ngu xuẩn hơn khi tự hào rằng chỉ cần có một thiết bị tinh khôn trong tay là có thể ôm hết càn khôn vào đầu.

Thời nào cũng thế, “dân trí” đòi hỏi giáo dục. “Bốn trụ cột trong học thuật” như được tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) đề ra từ năm 1997 gồm có: học để biết, học để thực hành, học cách sống chung, học để thành nhân (5). Với tôi, cột trụ “thành nhân”, tức học làm người vẫn là điều quan trọng hơn cả. Người “thành nhân” trước hết là người biết suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Đây chính là ý nghĩa đích thực của “dân trí”. Nhưng quan trọng hơn, người “thành nhân” cũng phải là người biết hành xử bằng cái tâm. Một cách cụ thể, trong thời đại dịch, người “thành nhân” là người biết đặt ích chung lên trên quyền lợi và tự do cá nhân. Báo chí và các cơ quan truyền thông ở Úc đã có lý để gọi những người tham gia vào các cuộc biểu tình chống các biện pháp phòng chống Covid là những kẻ “ngu xuẩn và ích kỷ”. Ngu xuẩn luôn song hành với ích kỷ. Đó là thứ bệnh không có thuốc chủng ngừa.

 

Chú thích:

1. Save Australia? Actually we’re fine, thanks .America

https://www.news.com.au/world/coronavirus/australia/save-australia-actually-were-fine-thanks-america/news-story/214c2647974ea95aa2e4d2ff5afcdf52

2. “Off the rails”: Florida Governor Ron DeSantis blasts Australia’s Covid restrictions

https://www.news.com.au/world/coronavirus/australia/off-the-rails-florida-governor-ron-desantis-blasts-australias-covid-restrictions/news-story/9aea5a9f5df3c82cbf4bdcbdd62a8cd5

3. “Glad we are nothing like you”...

https://www.usatoday.com/story/news/politics/2021/10/19/australian-territory-leader-blasts-ted-cruz-covid-tyranny-remark/8520170002/

4. Conservative host Candace Owens calls for US to invade Australia to free people from “ tyranny”  https://www.nzherald.co.nz/entertainment/covid-19-coronavirus-conservative-host-candace-owens-calls-for-us-to-invade-australia-to-free-people-from-tyranny/EANSZ4SWDBEWVPWY

5.”Bốn trụ cột trong học thuật” https://vietbao.com/a309690/bon-tru-cot-trong-hoc-thuat-trong-viec-tai-dinh-huong-va-tai-to-chuc-de-cuong-mon-hoc-nhan-dinh-va-thao-luan

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

Đạo đức như quỷ!

 


Chu Văn

Cứ mỗi lần nghĩ đến Afghanistan, tôi lại thấy hiện ra chiếc áo Burqa trùm kín người phụ nữ từ đầu đến chân. Nếu bóng tối đang phủ trùm lên xã hội Afghanistan, thì số phận của người phụ nữ càng tăm tối hơn. Người phụ nữ trong chế độ Taliban chẳng khác nào những thây người biết đi. Bị khinh miệt và đẩy ra bên lề xã hội, họ có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Sáng nay, (thứ Hai 6/9/2021), đọc một bản tin trên BBC, thấy buồn quá. Theo bản tin, hôm thứ Bảy 4/9 vừa qua, một phụ nữ có mang tám tháng tại thủ phủ của tỉnh Ghor, miền trung Afghanistan, đã bị ba tay súng bắn hạ ngay trước mặt người chồng và con cái của bà. Được biết người phụ nữ này là một cảnh sát viên đã từng làm việc trong một nhà tù tại địa phương dưới thời chế độ cũ (1).

Cái chết của người nữ cảnh sát viên trên đây quả là thê thảm. Nhưng cứ nghĩ đến những vụ ném đá những người phụ nữ bị bắt vì ngoại tình trong chế độ Taliban , tôi không thể không cảm thấy rùng mình. Bị chặt đầu, treo cổ, xử bắn hay chích thuốc độc...ít ra cuộc sống có thể được kết liễu một cách nhanh chóng. Nhưng bị một đám đông đàn ông dùng đá ném vào tứ chi cho đến tắt thở , có lẽ chẳng có cuộc hành quyết nào dã man và  khủng khiếp hơn.  Biết đâu, nhìn lên cái đám lý hình đang  ném đá mình, người phụ nữ lại chẳng thấy có thủ phạm của hành động ngoại tình?

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, một chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt đã từng làm việc nhiều năm tại Afghanistan, cho rằng xã hội Taliban là một xã hội thời Trung Cổ bên Âu Châu. Thật ra, xã hội Taliban còn thụt lùi đến cả hơn 2 ngàn năm trước. Có lẽ người tín hữu Kitô nào cũng đều thuộc nằm lòng câu chuyện được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan 8, 1-11. Cũng có một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Cũng có một đám đông hậm hực chờ đợi để được ném đá người phụ nữ. Chỉ khác một điều là sau khi Chúa Giêsu nêu lên một câu hỏi xoáy vào tim gan của đám đông: “Ai trong các ngươi là người sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, mọi người đều từ từ rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi hơn cả.

Tôi luôn xem câu chuyện trên đây là cốt lõi của Kitô giáo. Khoan nhượng, cảm thông, bao dung, tha thứ...suốt cuộc đời của Ngài và nhứt là qua cái chết của Ngài, có lẽ Chúa Giêsu chỉ muốn dạy có thế. Nhưng dường như đó là món ăn tinh thần khó tiêu hóa nhứt đối với Kitô giáo.

Cho đến giữa thập niên 1950, tức lúc tôi vừa có trí khôn, qua các sinh hoạt tôn giáo trong xóm đạo của tôi, tôi nhận thấy dường như Giáo hội của tôi vẫn còn dậm chân ở thời Trung Cổ hay ngay cả quay trở lại cái thời mà chuyện người phụ nữ bị ném đá vẫn còn thịnh hành. Tôi vẫn nhớ rõ như in cái cảnh sau những buổi đọc kinh trưa ngày chúa nhựt, một người phụ nữ nào đó rụt rè bước ra giữa nhà thờ để lí nhí một câu gì đó mà chẳng ai nghe được, nhưng từ lớn chí bé, ai ai cũng hiểu rằng người phụ nữ đó xưng thú rằng mình đã trải qua cái cảnh “không chồng mà chửa mới ngoan”. Dường như cả cộng đồng lấy làm thích thú để nghe một lời tự thú như thế và già trẻ lớn bé, chẳng ai thắc mắc tự hỏi: thế còn người đàn ông, cha của đứa con ngoại hôn là ai và đang ở đâu? Trong xóm đạo của tôi, chửa hoang hay ngoại tình là một tội rất nặng và chỉ là tội của người phụ nữ mà thôi. Nếu lỡ có mang ngoài hôn phối thì hoặc là phải cuốn gói trốn đi một nơi khác hoặc gồng mình ra đầu thú trước mặt cộng đồng. Mãi cho đến năm 1965, một linh mục người Pháp được cử về làm quản xứ mới bãi bỏ cái tập tục dã man này.

Ra đầu thú trước cộng đồng là một cuộc “ném đá” tương đối nhẹ. Mẹ tôi kể rằng thời xa xưa, việc chửa hoang của người phụ nữ được phát giác rất sớm và chính mấy ông “chức việc”, tức các “cảnh sát tôn giáo” trong xóm đạo, đã lôi người phụ nữ đến một bãi đất công trước nhà thờ , rồi đào một cái lỗ vừa khít cho cái bụng chửa để người phụ nữ có thể nằm sấp và dùng roi đánh vào mông của thai phụ. Dĩ nhiên, với sự chứng kiến hào hứng và vui thích của đám đông. Chuyện có khác gì những “tòa án nhân dân” xử những người đàn bà phạm tội ngoại tình thời Chúa Giêsu hay trong xã hội Taliban đâu.

Chuyện người phụ nữ ngoại tình bị kết án, ruồng rẫy và loại trừ ra khỏi xã hội có lẽ là chuyện thường ngày ở huyện trong các cộng đồng Kitô giáo tại các nước Tây Phương trong các thế kỷ trước. Nhà văn Mỹ Nathanael Hawthorne (1804-1864) đã lên án thói tục dã man ấy trong quyển tiểu thuyết có tựa đề “Chữ đỏ thẫm” (The Scarlet Letter). Cộng đồng Kitô giáo được tác giả dùng làm bối cảnh cho câu chuyện là giáo phái Thanh Giáo (Puritans). Xuất phát từ Giáo hội Anh giáo tại Anh Quốc vào Thế kỷ 17, các cộng đồng Thanh Giáo cho rằng Giáo hội Anh giáo quá gần gũi với Giáo hội Công giáo La Mã. Họ muốn loại bỏ những thực hành và nghi lễ nào không bắt nguồn từ Kinh Thánh. Và một trong những thực hành theo Kinh Thánh Cựu Ước mà họ muốn tái lập là loại trừ những người phụ nữ ngoại tình ra khỏi cộng đồng. Nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết “Chữ đỏ thẫm” là một thiếu phụ trẻ mà người chồng bị xem là mất tích trên biển. Trong thời gian chờ chồng, chị đã đi lại với chính vị mục sư trẻ trong cộng đồng. Kết quả của cuộc tình này là một đứa trẻ đã ra đời mà không ai biết được cha nó là ai. Người thiếu phụ đã bị “tòa án” của cộng đồng kết án phải đứng dựa vào một cột cờ ba tiếng đồng hồ để cho đám đông đến sỉ vả. Ngoài ra, chị còn bị bắt phải suốt đời  mang trên áo mình một tấm vải có viết chữ “A”. “A” có nghĩa là “Adulterer”, kẻ ngoại tình. Điều oái oăm là vị mục sư trẻ, cha của chính đứa bé, lại là người đã cùng với vị mục sư chính của cộng đồng thẩm cung người thiếu phụ để tìm cho ra ai là cha của nó. Nhưng chị cương quyết không tiết lộ danh tánh của người tình của mình và chấp nhận sống lưu vong trong một khu ngoại ô của thành phố. Không một người nào, ngay cả người cha của đứa trẻ, tức vị mục sư trẻ được xem là một nhà  “thuyết giảng thánh thiện” trong cộng đồng, muốn tiếp xúc với chị (2).

Mặc dù đã cáo chung vào khoảng năm 1740, Thanh Giáo  vẫn tiếp tục tạo được một ảnh hưởng lớn trên rất nhiều Giáo hội Tin Lành và nền văn hóa Mỹ.  Nhà chính trị học nổi tiếng của Pháp là Alexis de Tocqueville (1805-1859), sau một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trong thập niên 1830 đã ghi nhận: “Tôi nghĩ rằng tôi có thể nhìn thấy toàn bộ định mệnh của Hoa Kỳ trong những tín đồ Thanh Giáo đầu tiên đã đặt chân đến vùng đất này”. Hai thế kỷ sau, nếu trở lại Hoa Kỳ, có lẽ ông De Tocqueville vẫn giữ nguyên nhận định của ông về ảnh hưởng của Thanh Giáo trong văn hóa và nhứt là chính trị Mỹ ngày nay (3), nhứt là kể từ khi một người như ông Donald Trump được bầu làm nguyên thủ quốc gia.

Donald Trump, một người mà luật sư Nguyễn Hoàng Duyên ở Mỹ thường gọi là kẻ phạm không trừ một “giới răn” nào trong Mười giới răn mà Thiên Chúa đã truyền dạy cho tổ phụ Môi Sen của người Do Thái vào Thế kỷ thứ 13 trước Công nguyên, không ngừng rêu rao chấn hưng đạo đức và những giá trị truyền thống. Một trong những lá bài thu hút nhứt trong chương trình chấn hưng đạo đức của ông là chống phá thai. Các cử tri bảo thủ như Tin Lành và ngay cả Công giáo đã tung hô ông như người được Thiên Chúa “tuyển chọn”.

Hiện các chính trị gia Mỹ cũng đang “ăn theo” chiêu bài này. Điển hình là mới đây Tiểu bang Texas do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đã ban hành một luật chống phá thai gây nhiều tranh cãi. Một trong những điểm trong luật chống phá thai này khiến tôi liên tưởng đến luật Hồi giáo Sharia của Taliban và những thực hành của giáo phái Thanh Giáo: luật hứa một phần thưởng hậu hĩ cho những người chỉ điểm. Cụ thể, bất cứ ai nộp đơn kiện một trung tâm phá thai đều có thể được thưởng 10.000 Mỹ kim. Luật cũng khuyến khích người dân tố cáo bất kỳ ai giúp đỡ người phụ nữ phá thai, kể cả những người chỉ đưa người phụ nữ đi phá thai hoặc trợ giúp chi phí cho việc phá thai...(4)

Là một tín hữu Kitô, tôi tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống con người từ lúc được cưu mang trong lòng mẹ cho đến lúc chết tự nhiên. Tuy nhiên, là một tín hữu Kitô, tôi cũng được Chúa Giêsu dạy phải luôn biết tỏ ra cảm thông với người phụ nữ, khi vì một lý do bất khả kháng mà chỉ có họ mới biết được, đành phải cắn răng chọn lựa chấm dứt việc mang thai. Mới đây, khi được phỏng vấn trên đài EWTN (Eternal Word Television Network), một đài truyền hình công giáo nổi tiếng tại Mỹ, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc là bà Jane Psaki đã trả lời cho một nam ký giả chống phá thai như sau: “Tôi biết ông đã không bao phải đối diện với những chọn lựa  đó, ông cũng đã chẳng bao giờ mang thai. Còn những người phụ nữ kia, họ đã phải đứng trước những chọn lựa đó. Đây là một chọn lựa vô cùng khó khăn”(5).

Từ chuyện Taliban xử ném đá phụ nữ ngoại tình đến chủ trương loại trừ và bêu diễu họ trong  giáo phái Thanh Giáo đến luật cấm phá thai của Tiểu bang Texas, tôi nghĩ đến hai chữ “đạo đức”. Cũng như Tự Do, “đạo đức” là một từ bị lạm dụng nhiều nhứt. Độc ác và giả nhân giả nghĩa như mấy ông cộng sản Việt Nam mà lúc nào cũng ra rả nào là “đạo đức cách mạng”, nào là tấm gương “đạo đức”của Bác Hồ. Với tôi, cốt lõi của Đạo, dù là đạo nào, phải là sự cảm thông. Thiếu sự cảm thông, thì dù có “đạo đức” cỡ nào đi nữa, tôi e phải mượn lời của một người quen để thốt lên: “đạo đức như quỷ”!

 

 

 

 

Chú thích :

1.Taliban accused of killing pregnant police officer

 https://www.bbc.com/news/world-asia-58455826

 2.The New Puritans,

 https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2021/10/new-puritans-mob-justice-canceled/619818/

3. Still Puritan after all these years

https://www.nytimes.com/2012/08/05/opinion/sunday/are-americans-still-puritan.html

 

4.What the Texas abortion ban does and what it means for other states

 https://www.npr.org/2021/09/01/1033202132/texas-abortion-ban-what-happens-next

 

5.Psaki brushed off a male reporter’s abortion question: “I know you’ve never faced those choices”

 https://www.businessinsider.com.au/psaki-male-reporter-abortion-youve-never-faced-choices-nor-pregnant-2021-9

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Chết bởi Dối Trá

 






Chu Văn

Trong những ngày này, cứ mỗi lần nhìn vào những gì đã và đang diễn ra tại Afghanistan, tôi lại thấy cay mắt. Là một người Việt Nam đã từng sống qua những năm tháng hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa kể từ khi cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc để bắt tay với thủ tướng nước này là ông Chu Ân Lai hồi năm 1972, tôi cũng nhìn về  Kabul ngày 15 tháng Tám năm 2021 như  một phiên bản chắc nịch của Sài Gòn ngày 30 tháng Tư năm 1975. Có lẽ chỉ có người Việt Nam mới dành độc quyền trong việc thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau tột cùng hiện nay của người dân Afghanistan. Và có lẽ cũng chỉ có người Việt Nam và người dân Afghanistan mới thấm thía được nỗi chua xót khi bị Hoa Kỳ phản bội. Vì điều được gọi là “quyền lợi” của mình, Hoa Kỳ đã phản bội đồng minh, Hoa Kỳ đã bán đứng đồng minh, Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh. Một người mà tôi đã đặt nhiều tin tưởng và kỳ vọng vào như đương kim Tổng thống Joe Biden, rốt cục cũng đi theo lối mòn cũ là sẵn sàng phản bội đồng minh của mình. Thế giới chưa kịp thấy “Hoa Kỳ trở lại” (America is back) như thế nào thì nay với việc tháo chạy khỏi Afghanistan, người ta chỉ thấy một “Hoa Kỳ trước tiên” (America First) của người tiền nhiệm của ông. Với tôi là một người Việt Nam mà đất nước đã từng bị Hoa Kỳ bỏ rơi cho chết tức tưởi kể từ năm 1972, Hoa Kỳ không phải là một nước đáng tin cậy. Tôi tin chắc rằng người dân Afghanistan hiện nay cũng đều có cùng một cảm nghĩ như tôi.

Một ngày sau khi Thủ đô Kabul thất thủ,  một ký giả Afghan đã từng làm việc cho một số cơ quan truyền thông của Mỹ và hiện đang lẩn trốn, đã gởi đến báo Politico một lá thư ngắn để nói lên nỗi thất vọng của mình về việc Hoa Kỳ bỏ rơi Afghanistan: “Chúng tôi cứ tưởng người Mỹ sẽ không bỏ rơi chúng tôi, nhưng đây là điều xem ra đang xảy ra ngay bây giờ đây. Chúng tôi đã không bao giờ tưởng tượng và tin rằng điều này sẽ xảy ra. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng rằng chúng tôi có thể bị Hoa Kỳ phản bội một cách tồi tệ như thế. Cái cảm giác bị phản bội...Tôi đã dâng hiến cả cuộc đời của tôi cho những giá trị (của Hoa Kỳ). Người ta đã hứa hẹn đủ điều, người ta đã cam kết đủ điều. Người ta đã nói nhiều về các giá trị, về sự tiến bộ, về các quyền, về quyền của người phụ nữ, về tự do, về dân chủ. Tất cả những điều đó đều rỗng tuếch...

Người dân ở đây đã sửng sốt (vì việc Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Afghanistan). Họ đã không bao giờ có thể tưởng tượng được điều đó. Nếu họ (người Mỹ) bỏ rơi chúng tôi, thì có lẽ sẽ có hàng chục ngàn người bị giết chết. Và bạn biết: Hoa Kỳ sẽ không còn có đủ uy tín để đi khắp nơi để nói: “Chúng tôi tin ở nhân quyền. Chúng tôi chiến đấu cho nhân quyền và dân chủ”.

Tôi không màng ông Trump hay Biden, ai là tổng thống Mỹ. Tôi đã đặt tin tưởng vào nước Mỹ. Nhưng theo tôi đây là một sai lầm lớn...

Tôi phó thác số phận của tôi cho Thượng Đế. Bởi lẽ tôi không còn tin tưởng ai nữa”(1).

Một người Afghan khác được may mắn rời khỏi đất nước cách đây không lâu và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Trong một cuộc nói chuyện với một phóng viên của báo The Atlantic, ông cho biết: gia đình ông có 4 anh em trai, tất cả đều phục vụ trong quân ngũ và đã sát cánh với quân đội Mỹ đồn trú tại Afghanistan. Ông và 2 người em kế được đến Hoa Kỳ theo chương trình “Di dân Đặc biệt (Special Immigrant Visa), nhưng người em út còn bị kẹt lại trong nước và hiện đang lẩn trốn trước các cuộc truy lùng của Taliban. Ông đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc, với Bộ ngoại giao, với các thượng nghị sĩ và dân biểu. Ngày nào thức dậy ông cũng theo dõi tin tức và nghe Tổng thống Biden và Bộ ngoại giao nói: “Chúng tôi không hề bỏ rơi đồng minh của chúng tôi”. Người cựu chiến binh Afghan đành thốt lên: “Đây là một lời dối trá hoàn toàn”.

Ở cuối cuộc nói chuyện, ông so sánh Kabul với Sài Gòn cách đây 46 năm: “Tôi đã mất niềm tin. Tôi đã đặt tin tưởng vào một quốc gia mà tôi đã hiến dâng cả cuộc đời cho. Chúng tôi đã chứng kiến những điều đã xảy ra chẳng khác gì ở Sài Gòn vào năm 1975”(2).

Phản bội đồng nghĩa với dối trá. Đây là điều mà cũng như người dân Afghan, tôi đã học được kể từ khi Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1972.

Trong một cuộc vận động bầu cử hồi năm 2020, ứng cử viên Joe Biden đã khẳng định: “Tôi sẽ luôn luôn nói sự thật với quý vị. Đây là trách nhiệm của một tổng thống. Đây là món nợ phải trả cho nhân dân Mỹ”. Và trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20 tháng Giêng năm 2021, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Có sự thật và có những lời dối trá”. Và ông cam kết: “Tôi sẽ luôn luôn tỏ ra thành thật với quý vị”. Cam kết “nói sự thật và chỉ nói sự thật”, ngày 8 tháng Bảy 2021, Tổng thống Biden mở cuộc họp báo để nói về quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan. Ông khẳng định: Taliban không thể nào chiếm được nước này và Sài Gòn 30 tháng Tư năm 1975 sẽ không bao giờ tái diễn cho người dân nước này. Ông nói: “Sẽ không có bất cứ trường hợp nào bạn sẽ thấy dân chúng bị di tản từ mái nhà của một tòa đại sứ” và xét về khả năng, Taliban không thể địch lại với quân đội Afghanistan(3).

Và sự thật đã diễn ra hoàn toàn trái ngược với những khẳng định chắc nịch của Tổng thống Biden. Một chính trị gia lão luyện như Tổng thống Biden lẽ nào không “biết trước” những gì sẽ xảy ra cho Afghanistan khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi nước này. “Các tiết lộ mới đây từ Nhà Trắng cho biết trong quyết định về Afghanistan, Biden đã bất chấp ý kiến của các tướng lãnh, kể cả tổng tham mưu trưởng Mark Milley”(4).

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Anthony Blinken, ký giả Chris Wallace của Đài Fox News  cũng đã “kiểm chứng sự thật” về một số tuyên bố của Tổng thống Biden. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ bảo “tổ chức khủng bố al-Qaeda đã bị tiêu diệt” và ông “không hề nghe bất cứ một lời chỉ trích nào từ phía các nước đồng minh” về việc Mỹ rút quân ra khỏi Afghanistan. Theo ký giả Wallace, Tổng thống Biden đã đưa ra những tuyên bố không đúng sự thật hay đánh lừa dư luận. Ký giả này nói: “Lời nói quan trọng và những lời từ miệng của tổng thống quan trọng hơn cả”(5).

“Lời nói quan trọng và những lời từ miệng của tổng thống quan trọng hơn cả”. Kể từ khi người dân Mỹ đã bầu một tên lưu manh, lừa đảo và dối trá không biết ngượng miệng lên làm tổng thống, Hoa Kỳ chìm ngập trong dối trá. Sự dối trá ăn sâu vào mọi khía cạnh của cuộc sống khiến cho Hoa Kỳ, theo nhận định của nhà bình luận nổi tiếng Francis Fukuyama trong một bài báo được đăng trên báo The Economist, “xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc, rất khó tìm được đồng thuận về bất cứ thứ gì”(6). Tất cả chỉ vì dối trá. Khi người dân của một quốc gia bầu một tên lưu manh, lừa đảo và dối trá không biết ngượng miệng lên làm tổng thống thì có điều gì tệ hại nhứt cho dân tộc đó mà không thể xảy ra.

Dối trá dẫn đến cái chết. Đây là điều mà thế giới đã chứng kiến tại Hoa Kỳ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Với dân số chỉ chiếm có 4 phần trăm dân số thế giới, nhưng Hoa Kỳ “chiếm” đến 20 phần trăm số người chết vì Covid-19. Tất cả chỉ vì những lời dối trá của một kẻ dối trá được dân bầu lên lãnh đạo đất nước. Điều tệ hại nhứt là sau khi đã bị hạ bệ, con người dối trá ấy vẫn tiếp tục nhận chìm gần như cả nước trong dối trá. Người dân bị lừa đảo đã đành, mà cả một đảng chính trị đã từng góp phần  đưa đất nước lên địa vị đệ nhứt siêu cường thế giới nay trở thành khiếp nhược và ngay cả sùng bái một tên ma đầu giáo chủ của dối trá.

Năm 2011, giáo sư kinh tế Mỹ Peter Navarro đã cho trình làng một cuộc nghiên cứu của ông với tựa đề “Chết bởi Trung Quốc” ( Death by China). Theo các nhà phân tích, tác phẩm có nhiều lỗ hổng, bởi vì tác giả không phải là một chuyên gia về “Trung quốc học”. Tuy nhiên tư tưởng chủ đạo trong tác phẩm đã phơi bày một sự thật rất rõ ràng: Trung Quốc đã và đang đầu độc cả thế giới với những sản phẩm độc hại của mình. Nhìn vào xã hội Mỹ hiện nay, tôi cũng muốn nhại lại tựa đề của cuốn sách của ông Navarro để nói rằng quốc gia này đang “chết bởi dối trá”. Đại dịch Covid-19 là một bằng chứng hiển nhiên nhứt. Giàu có nhứt, y khoa cũng tiến bộ nhứt thế giới, lại thừa mứa thuốc chủng ngừa,  nhưng lại bị nhiễm và chết vì Covid-19 nhiều nhứt thế giới. Tất cả cũng vì những lời dối trá của một nhà lãnh đạo dốt nát, ngu xuẩn và vô đạo. Kẻ dối trá ấy lại vẫn tiếp tục lôi kéo người dân vào chỗ chết, như thế giới đang chứng kiến tại rất nhiều tiểu bang Mỹ hiện nay.

Dối trá lúc nào cũng dẫn đến cái chết. Trong đại dịch cũng như trong các toan tính chính trị. Tôi đã trải qua những năm tháng hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa khi bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Tôi đang chứng kiến những gì đang xảy ra cho người dân Afghan khi bị Hoa Kỳ phản bội. Không chỉ có những dân tộc nhược tiểu chết vì sự phản bội của Hoa Kỳ. Chính Hoa Kỳ  cũng đang “giẫy chết” vì dối trá.

Hầu như người Việt Nam nào ở tuổi tôi cũng đều có ở “đầu giường” quyển “Cổ học tinh hoa” do 2 tác giả Nguyễn văn Ngọc và Trần lê Nhân biên soạn hồi năm 1926. Chuyện Việt Nam Cộng Hòa và Afghanistan bị Mỹ  bỏ rơi khiến tôi nhớ tới bài học về cái đỉnh của chữ Tín được ghi lại trong cuốn sách. Thời Đông Chu Liệt Quốc bên Tàu, nước Tề hiếp đáp nước Lỗ. Biết nước Lỗ có một cái đỉnh rất quý, vua Tề bắt phải đem sang triều cống. Vua Lỗ tiếc lắm cho nên mới sai làm một cái đỉnh giả và sai một vị quan là Nhạc Chính Tử mang qua cho vua Tề. Nhạc Chính Tử hỏi: “Tại sao không đưa cái đỉnh thật?” Vua Lỗ báo: “Ta quý cái đỉnh ấy lắm”. Nhạc Chính Tử tâu: “Bệ hạ quý cái đỉnh ấy thế nào thì hạ thần quý cái đức “Tín” của hạ thần như thế”. Vua Lỗ nghe có lý phải đưa cái đỉnh thật ra và Nhạc Chính Tử mới chịu thi hành sứ mệnh của mình.

Một chữ “chi” trong Hán văn, tôi cũng không viết nổi, nhưng lại nhớ một câu của vua Tấn Văn Công thời Đông Chu Liệt Quốc là: “Tín vi quốc chi bảo” được dịch là “Tín là cái báu của cả nước”.

“ Tín là cái báu của cả nước” cho nên cũng là cái báu của mỗi người dân. Đánh mất chữ tín là đánh mất chính mình.

 

 

 

 

 

 

 

 

Chú thích

 

1.”I believed in the U.S. But that turned out to be such a big mistake” https://www.politico.com/news/2021/08/15/afghan-journalist-kabul-504862

 

2.America’sLie https://www.theatlantic.com/international/archive/2021/08/america-afghanistan-taliban-interpreter-contractor/619846/

 

3.Biden campaigned as a truth teller. Afghanistan undermined his credibility https://www.politico.com/news/magazine/2021/08/18/biden-truth-afghanistan-credibility-506192

 

4.Nguyễn Gia Kiểng, Sau Việt Nam 1975, thông điệp Afghanistan 2021 https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/22451-sau-vi-t-nam-1975-thong-di-p-afghanistan-2021

 

5.”Flat wrong”: Fox’s Chris Wallace presses secretary of state on Biden, Afghanistan https://www.yahoo.com/news/chris-wallace-anthony-blinken-afghanistan-biden-174853926.html

 

6. Tương lai quyền lực của Hoa Kỳ: bàn luận của Francis Fukuyama về sự chấm dứt bá quyền của Hoa Kỳ https://baotiengdan.com/2021/08/20/tuong-lai-quyen-luc-cua-nuoc-hoa-ky-ban-luan-cua-francis-fukuyama-ve-su-cham-dut-ba-quyen-cua-hoa-ky/