Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

Tôi học kinh Kim Cang



Chu Thập
15/4/19
Là người công giáo nhưng thỉnh thoảng tôi cũng nhận bừa mình là một phật tử. Dĩ nhiên với một câu thòng: theo cách thế của tôi! Và cách thế của tôi thì chẳng giống cung cách của bất cứ một phật tử thuần thành nào hết. Lúc nhỏ  tôi chưa hề được cha mẹ đưa  vào bất cứ ngôi chùa nào để trải qua một nghi thức gia nhập Phật Giáo  giống như phép rửa tội của Kitô Giáo. Lớn lên tôi cũng chưa một lần đặt chân vào ngôi chùa nào để tuyên xưng niềm tin hoặc thực hành đạo. Cho tới nay tôi cũng chưa một lần ăn chay, cúng dường hay làm công quả. Nói gì đến chuyện xuống tóc quy y hay có được một pháp danh! Còn niệm phật thì dĩ nhiên là chuyện hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Nhưng nếu như chỉ cần “buông dao cũng đã thành Phật” thì tôi tin rằng chỉ cần cố gắng sống theo lời dạy của Đức Phật cũng đủ để tự nhận là một phật tử. Tôi không hiểu nhiều về Phật Pháp hay giáo lý cao siêu của Phật Giáo. Nhưng nếu tôi có nổi hứng tuyên bố bậy bạ về Phật Giáo, tôi chẳng sợ bị xếp vào hạng “lạc đạo” hay “ngoại đạo” và bị trục xuất ra khỏi một Giáo hội Phật Giáo nào như trường hợp bị “dứt phép thông công”, nghĩa là bị trục xuất ra khỏi Giáo hội vốn thường xảy ra trong Công Giáo.
Tôi tự nhận mình là một phật tử bởi vì tôi muốn sống theo lời dạy của Đức Phật. Thật ra Đức Phật dạy bằng cuộc sống và gương sáng của Ngài hơn là bằng lời nói. Tôi tin như thế khi đọc bài “Cái Ăn” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một tác giả được nhiều người trong nước cũng như ở hải ngoại đọc và mộ mến (x.Đồ Hồng Ngọc , “Cái Ăn”, Thời Báo, Gia Nã Đại, trong mục Tạp ghi, 10 tháng Ba 2019).
Tác giả Đỗ Hồng Ngọc cho biết ông muốn tìm hiểu về kinh Kim Cang hay Kim Cang Năng Đoạn. Kinh này được cho là tuyền tập thu thập những lời giảng dạy của Đức Phật cách nay 2500 năm. “ Nhiều người nói kinh Kim Cang đọc thấy nóng cả người, thậm chí có người bị tẩu hỏa nhập ma”. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, vốn là một phật tử thuần thành, cũng nghĩ rằng qua kinh Kim Cang, ông “sẽ tiếp cận được với những lời dạy uyên áo, đạo lý cao siêu, pháp môn thượng thừa”. Thế nhưng ông đã chưng hửng khi đọc đoạn mở đầu của kinh Kim Cang, bởi vì đoạn này “đã kể lại một chuyện chẳng ăn nhập vào đâu, một chuyện rất bình thường, thậm chí tầm thường, đó là chuyện “cái ăn”.
Theo chuyện được ghi lại trong đoạn đầu của kinh Kim Cang, hôm đó là một ngày đại hội của Phật Giáo. Có hàng ngàn khách thập phương gồm các bậc chức sắc, đại Bồ Tát, đại A La Hán, đạo cao chức trọng tụ tập lại để nghe Đức Phật giảng dạy.  Mọi người đều trang nghiêm ngồi tĩnh tọa, không ai nói với ai lời nào, mà chỉ biết ngóng chờ Đức Phật mở miệng ban bố những lời vàng ngọc. Giữa không khí trang nghiêm trịnh trọng như thế, Đức Phật bỗng lẳng lặng đứng lên, khoác y vàng, cầm chiếc bình bát ung dung bước ra khỏi hội trường. Thì ra đã quá trưa rồi. Ngài cảm thấy đói cho nên cũng cần phải đi khất thực! Ngài đi một vòng trong thành Xá Vệ cho đến khi thấy vừa đủ thức ăn rồi mới quay lại hội trường và bày thức ăn ra... để ăn! Ăn xong, Ngài thu dọn chén bát đâu đó cho đàng hoàng, rồi rửa chân cho sạch sẽ, ngồi xếp bằng và nhập định tiếp! Ngài chẳng thèm nói lấy một câu hay tằng hắng một tiếng!
Từ giữa hội trường, một bậc vị vọng là Tu Bồ Đề xuất hiện. Ông cung kính cúi chào mọi người rồi cất lời: “Thật là tuyệt vời. Thật là tuyệt diệu. Thật xưa nay, chưa từng có như thế. Thế Tôn đã khéo léo dạy dỗ, khéo léo truyền trao, khéo léo gởi gấm cho các vị đang có mặt ở đây hôm nay”.
Tác giả Đỗ Hồng Ngọc kết luận: “Thì ra Phật có cách dạy riêng: không nói mà làm cho coi. Cái đó gọi là “demonstration”, biểu diễn, làm gương, làm cho bắt chước, một lối dạy kỹ năng sống (life skill) rất hiện đại”.
Câu chuyện được ghi lại trong đoạn mở đầu của kinh Kim Cang trên đây cho tôi thấy: Đức Phật không chỉ giảng dạy bằng cuộc sống và gương sáng, Ngài còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những việc tầm thường, nhỏ nhặt trong cuộc sống con người. Những việc càng nhỏ có khi lại là việc quan trọng nhứt trong cuộc sống con người, bởi vì chúng thể hiện tính tình và tư cách của con người. Có lẽ Chúa Giêsu cũng muốn nhấn mạnh đến điều đó khi Ngài dạy phải “tỉnh thức” luôn. Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là ý nghĩa của hai chữ “chánh niệm” trong Phật Giáo. Thực hành “chánh niệm” chính là để hết toàn tâm trí vào mọi sinh hoạt và việc làm của mình. “Chánh niệm” ngay cả trong từng hơi thở của mình. “Chánh niệm” để không những làm chủ được chính mình, mà còn để nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của mọi việc mình đang làm.
Tôi không biết một trong những vị thánh của Kitô Giáo được thế giới tôn làm sứ giả của hòa bình là thánh Phanxicô Assisi (1182-1226) có biết đến Đức Phật và có muốn trở thành một phật tử như tôi không, nhưng ngài cũng chủ trương rao giảng và “thuyết pháp” bằng cuộc sống và gương sáng hơn là bằng lời nói. Thu tập có tựa đề “Fioretti” (những bông hoa nhỏ) ghi lại những giai thoại về thánh nhân có kể lại rằng một hôm vị thánh của thời Trung Cổ này mời một người đệ tử tên là Leo cùng đi “thuyết giảng” với mình. Người đệ tử xem đây là một vinh dự lớn. Anh hăm hở đi theo thày để học cách “truyền đạo” cho người khác. Hai thày trò rảo qua khắp phố chợ, vừa đi vừa chào hỏi mọi người. Người đệ tử tưởng rằng khi đến một góc phố nào đó, thày mình sẽ dừng lại, qui tụ một đám đông để thuyết giảng cho họ nghe. Nhưng sau một vòng phố chợ, thày ra dấu cho người đệ tử cùng quay về nhà với mình. Người đệ tử liền nhắc nhỏ cho thày rằng thày chưa hoàn thành nhiệm vụ quan trọng là thuyết giảng. Nhưng thánh Phanxicô trả lời: chúng ta đã rao giảng rồi đó!  Vị thánh được tôn làm sứ giả của hòa bình đã thực hành “chánh niệm” trong từng đường đi nước bước của mình vậy!
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Hoa Kỳ có làm một cuộc thử nghiệm về kết quả của “chánh niệm” đối với sức khỏe tinh thần của con người. Khoảng 50 sinh viên được chia thành 2 nhóm để rửa chén bát. Trước khi bắt tay vào việc, một nhóm được cho đọc một đoạn sách dẫn giải về cách rửa chén bát cho có hiệu quả, một nhóm được cho nghe một đoạn nói về tầm quan trọng của “chánh niệm”, tức hiện diện, thức tỉnh và chú tâm vào việc rửa chén bát. Kết quả cho thấy sau khi làm xong công việc, nhóm được cho nghe về tầm quan trọng của “chánh niệm” cảm thấy hưng phấn, bớt căng thẳng, thư thái và bình an (x. https://www.psychologytoday.com/au/blog/life-death-and-the-self/201903/can-washing-dishes-make-you-feel-better).
Bài học về “chánh niệm” trên đây gợi lại cho tôi bí quyết sống hạnh phúc của một nhà tư tưởng người Đức ở Thế kỷ 13 là Meister Eckhart. Theo ông, để sống hạnh phúc cần xem trọng 3 điều: giây phút hiện tại là giây phút quan trọng nhứt, công việc đang làm là công việc quan trọng nhứt và người đang đối diện với ta là người quan trọng nhứt. Nghe đâu có khác gì bài học về “cái ăn” của Đức Phật trong kinh Kim Cang!


Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Viết và Sống



Gởi bạn hiền V.P.
Chu Thập
Vi Phát là một họa sĩ, nhà điêu khắc và nhiếp ảnh gia được nhiều người Việt ở Úc Đại Lợi biết và mộ mến. Có lần ông giải bày rằng ông làm “nghệ thuật vị nghệ thuật” chớ không phải để kiếm sống. Ông sáng tác vì nhu cầu và sự thúc bách để sáng tác hơn là để mưu sinh. Có đến nhà ông mới thấy điều đó. Từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ ngõ ra vườn, ở đâu cũng ngổn ngang những tác phẩm của ông, ở xó nào cũng có dấu ấn của bàn tay phù thủy của ông, chỗ nào cũng là khu triển lãm nghệ thuật của ông.  Không biết mai kia, sau khi ông về cội, có ai đó sẽ khám phá ra kho tàng nghệ thuật của ông không. Giá ông xuất hiện vào thời tôi còn ở bậc trung học, khi làm bài văn nghị luận với đề bài “nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh”, chắc chắn tôi không thể không nghĩ tới ông.
Nghệ sĩ sống chết cho nghệ thuật như Vi Phát không phải là hiếm. Có khi vì hết mình với nghệ thuật mà nhiều người mới có được cảm hứng để sáng tác. Nhưng nghệ sĩ cũng là con người. Họ cũng phải có phương tiện để sống. Với nhiều người, sáng tác nghệ thuật cũng là một nghề để kiếm cơm. Ngày nay hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng đều là những người giàu có. Họ hái ra tiền nhờ tài nghệ của họ. Điều này lại càng đúng hơn trong lãnh vực văn chương. Tôi nghĩ đến một trong những người phụ nữ giàu có nhứt thế giới hiện nay là bà J.K Rowling sau khi cho ra đời bộ tiểu thuyết giả tưởng Harry Potter. Rất có thể khi bắt tay vào việc sáng tác có lẽ người phụ nữ này không hề nghĩ đến tuyệt đỉnh của danh vọng và giàu có mà tác phẩm của bà đã mang lại cho bà. Nhưng với một số người, ngòi bút thường là cần câu để kiếm cơm. Không ngoa để bảo “nhà báo nói láo ăn tiền”. Điều này hoàn toàn đúng trong các chế độ độc tài, nhứt là độc tài đảng trị cộng sản. Trong chế độ cộng sản, có nhà văn nhà báo nào mà không uốn cong ngòi bút của mình để kiếm cơm và sống còn.
Điển hình của hình tượng ngòi bút bị uốn cong trong chế độ cộng sản là thi sĩ Xuân Diệu. Nhiều người ở miền Bắc khâm phục ông. Họ nâng ông lên thành một tấm gương sáng cho giới cầm bút, bởi vì ông “sáng tác” không ngừng nghỉ. Thật ra, sai lầm lớn nhứt của ông là nghĩ rằng tài năng của một nhà văn nhà thơ tùy thuộc vào số trang sách mình viết được. Thành ra, thay vì sáng tạo nghệ thuật, ông chỉ làm một nhà sản xuất; thay vì nhắm đến việc tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, ông lại miệt mài tăng thêm số chữ và số trang. Hơn nữa, trong khát vọng muốn làm một cái gì hữu ích cho xã hội (dĩ nhiên xã hội cộng sản) và chế độ mà ông đang cúc cung phục vụ, “ông đã đồng nhứt nhiệm vụ của một người cầm bút với nhiệm vụ của một cán bộ”. Nói cho cùng, “thay vì nhắm đến những giá trị thẩm mỹ lâu dài, ông chỉ nghĩ đến việc phục vụ những nhu cầu nhứt thời và khá phù phiếm của xã hội” (Nguyễn Hưng Quốc, Viết, trong tập san Việt, Cộng hòa Văn chương Thế kỷ 21, Úc Châu, 2000, trg 83). Thật đáng tiếc và cũng đáng thương cho một người đã từng là một nhà thơ tài hoa hay, như Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã nhận xét, “cực kỳ tài hoa của một thời, thời 1932-45, trong Phong trào Thơ Mới”.
Thật ra, trong chế độ cộng sản ở Việt Nam, nhan nhản như ruồi nhặng những con người như Xuân Diệu. Như Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã phân biệt: rất nhiều người được nâng lên hàng “văn sĩ” (écrivain) ở Việt Nam thật ra chỉ là những kẻ “dụng văn” (écrivant), tức những kẻ chỉ biết xếp 24 chữ cái cho ra câu cú mà thôi!
Gần đây tôi cũng tập tành “viết lách”. Tuy không bị buộc phải uốn cong ngòi bút để phục vụ cho một chế độ hay đảng phái chính trị nào hoặc phải rán nặn óc để kiếm chút cơm cháo, tôi thấy mình chưa vượt qua được ngưỡng cửa của một kẻ “dụng văn”. Có lúc tôi cảm thấy ngượng đến chín người khi được ai đó tặng cho danh hiệu “nhà văn” hay “ nhà báo”.
Nhưng tại sao tôi lại “viết lách”? Viết để làm gì? Có một thời tôi thích viết “nhựt ký”: ngày nào cũng ghi nhớ ngày tháng và viết xuống những cảm xúc và suy nghĩ của mình về một sự kiện hay một biến cố nào đó xảy ra cho mình hay xung quanh mình. Đọc lại thấy ngô nghê và buồn cười quá, sợ có người đọc được cười nhạo cho nên tôi xé bỏ hết. Vốn sống của tôi lại quá nghèo nàn cho nên tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc viết hồi ký. Vả lại, như một giáo sư Triết của tôi đã khuyên, khi nào biết mình sắp chết và tin chắc tư tưởng của mình không còn thay đổi nữa, lúc đó hãy viết!
Hiện nay, thỉnh thoảng tôi cầm bút hí hoáy vài trang. “Viết chơi” như nhà văn Võ Phiến đã luận bàn (Võ Phiến, Viết Chơi, trong tập san Việt, Úc Đại Lợi 2000, trg 134) chớ không phải để kiếm cơm. Chẳng có lý do gì để “lách” và cũng chẳng xem đó như “di sản” muốn để lại cho hậu thế hoặc nhắm đến ai cả. Viết, với tôi hiện nay, trước hết là viết cho bản thân, là nói với chính mình.
Sở dĩ có chuyện nói với chính mình là bởi lúc nào tôi cũng nhận thấy trong tôi có 2 cái tôi: một cái tôi lúc nào cũng mách bảo tôi phải tiến tới dưới tấm bảng chỉ đường của lý trí và đạo đức và một cái tôi lúc nào cùng kéo tôi lùi lại với những bản năng thấp hèn. Đâu cần phải bị “nhị trùng bản ngã” (dédoublement de personalité) hay mắc chứng “tâm thần phân liệt” (schizophrenia) mới thấy trong mình lúc nào cũng có cuộc chiến giữa hai cái tôi ấy. Khi tôi cầm bút viết là lúc cái tôi của lý trí đang cố gắng nói phải trái với cái tôi của những bản năng thấp hèn trong tôi. Một cách cụ thể, mỗi khi tôi cầm bút, cái tôi của lý trí khuyên bảo cái tôi tham lam, ích kỷ, thù hận, vô cảm trong tôi ...hãy cố gắng làm chủ những cảm xúc tiêu cực để sống cho ra người tử tế hơn. Thành ra, với tôi, viết và sống là một. Viết những gì mình cố gắng sống và sống những gì mình viết. Tôi muốn hiểu câu nói “văn là người” (le stile c’est l’homme) hay “văn dĩ tải đạo” của người Á Đông theo ý nghĩa ấy. Hay như thi sĩ Boileau (1636-1711) của Pháp đã khuyên : “Điều gì được thai nghén kỹ càng mới được bày tỏ một cách rõ ràng” (Ce qui se concoit bien s’énonce clairement). Viết là thể hiện niềm xác tín được thai nghén, hình thành và sống một cách tích cực trong cuộc sống mỗi ngày.