Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Cuồng trị



Steve Taylor Ph.D
Chu Thập chuyển ngữ
Tâm lý gia Ba Lan Andrew Lobacszewski đã từng trải qua thời niên thiếu đầy đau khổ khi Đức Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan. Ông cũng đã tận mắt chứng kiến sự tàn bạo của Liên Xô khi xâm chiếm Ba Lan sau Đệ nhị Thế chiến. Chính nhờ trải qua những điều khủng khiếp này mà ông đã khai sinh ý niệm “cuồng trị” (tạm dịch từ chữ pathocracy). Cuồng trị phát sinh khi những cá nhân bị rối loạn về nhân cách (nhứt là rối loạn tâm thần) chiếm giữ những chức vụ quyền lực.
Lobaczewski đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về tội ác của con người. Đây là một lãnh vực mà ông gọi là “tội ác học” (ponerology). Ông muốn hiểu tại sao những kẻ gian ác xem ra giàu có thịnh vượng trong khi rất nhiều người tốt và đạo đức lại phải vất vả chiến đấu mới thành công. Ông muốn hiểu tại sao những người bị rối loạn tâm lý rất dễ vươn lên các chức vụ quyền lực và nắm quyền cai trị tại nhiều nước. Vì đang sống dưới một chế độ “cuồng trị” cho nên nghiên cứu về đề tài này quả là một điều quá liều lĩnh đối với ông. Ông đã bị chính quyền (Cộng sản) Ba Lan bắt giữ và tra tấn cho nên không thể cho in cuốn “Tội ác học trong chính trị” (Political Ponerology) vốn là tác phẩm để đời của ông khi đang ở Ba lan. Mãi cho đến thập niên 1980, ông mới thực hiện được khi trốn được sang Hoa Kỳ.
“Cuồng trị” có lẽ là một trong những vấn đề lớn nhứt trong lịch sử nhân loại. Lịch sử là cả một tấn tuồng về xung đột triền miên và tàn bạo: nhóm này chiến đấu chống lại nhóm khác vì lãnh thổ, quyền lực và sở hữu; nhóm này chinh phục và tàn sát nhóm khác. Nhìn lại lịch sử nhân loại từ thời cổ đại cho đến Thế kỷ 20, sử gia Arnold Toynbee đã nói đến “tội ác khủng khiếp hiển hiện trong cõi nhân sinh”.
Nhưng có người cho rằng sở dĩ như thế không phải vì tất cả mọi người đều tự bản chất là tàn bạo và độc ác, mà bởi vì có một nhóm nhỏ những người, vì bị rối loạn nhân cách, cho nên tàn bạo và độc ác, chỉ biết nghĩ đến mình và thiếu sự đồng cảm. Thiểu số nhỏ những người này luôn nắm giữ quyền lực và tìm cách ra lệnh hay gây ảnh hưởng trên đám đông để nhân danh họ thi hành tội ác.
Những rối loạn về nhân cách mà một thiểu số nhỏ mắc phải là “kỷ ái” (narcissism) và bệnh tâm thần (psychopathy). Những người bị rối loạn nhân cách như thế cảm thấy khao khát quyền lực khôn nguôi. Những người mắc chứng “kỷ ái” luôn khao khát được chú ý và khẳng định. Họ cảm thấy mình “hơn” người khác và có quyền thống trị họ. Họ cũng thiếu sự đồng cảm, nghĩa là họ có thể khai thác và lạm dụng người khác một cách tàn nhẫn để thỏa mãn nỗi  khao khát quyền lực của họ. Những người mắc bệnh tâm thần cũng cảm thấy mình hơn người khác và cũng thiếu sự đồng cảm, nhưng sự khác biệt chính giữa họ và những người “kỷ ái” là họ không cảm thấy phải được chú ý và tôn thờ. Trong một mức độ nào đó, nỗi khao khát muốn được tôn thờ là thước đo về nhân cách của những người “kỷ ái”. Những người “kỷ ái” không muốn làm bất cứ điều gì khiến họ không được ưa chuộng. Nhưng những người mắc bệnh tâm thần thì lại không màng đến điều đó.
Bên kia đầu cán cân, những người có nhiều đồng cảm và cảm thông thường không quan tâm đến quyền lực. Họ thích ẩn mình  trong đám đông để tương tác và liên kết với người khác. Họ cũng có thể ngay cả  từ chối một chức vụ cao bởi vì họ ý thức rằng chức vụ cao có thể tách rời họ khỏi người khác. Vô hình chung, cánh cửa của địa vị quyền lực lại mở ra cho những người bị rối loạn tâm lý.
Trong suốt dòng lịch sử, những cá nhân mắc bệnh tâm thần luôn trèo lên được đỉnh cao quyền lực. Một cách nào đó, những xã hội phong kiến đã ngăn ngừa được những người như thế, bởi vì quyền lực thường được lưu truyền bằng máu mủ hơn là chiếm hữu bằng những cố gắng cá nhân. Sự cáo chung của chế độ phong kiến chắc chắn là một bước tích cực tiến đến bình đẳng và dân chủ, nhưng cũng kéo theo một hậu quả tiêu cực là tạo cơ hội cho những người mắc bệnh tâm thần và những kẻ “kỷ ái” chiếm đoạt những địa vị quyền lực.
Trong cuốn sách “Rối loạn tâm thần” (Disordered Minds), tác giả Ian Hughes cho rằng điểm son của chế độ dân chủ là cố gắng bảo vệ đám đông khỏi thiếu số mắc bệnh tâm thần. Đây chính là ý niệm trọng tâm của Hiến pháp và Luật Dân quyền của Hoa Kỳ. Những nguyên tắc và định chế dân chủ đã được thiết lập để giới hạn quyền lực của những cá nhân bị bệnh tâm thần.
Chính vì vậy mà, như tác giả Hughes cũng đã chỉ ra, các lãnh tụ mắc bệnh tâm thần thù ghét chế độ dân chủ. Một khi đã nắm quyền lực trong tay, họ làm mọi cách để phá hủy hay tạo sự nghi ngờ đối với các định chế dân chủ, trong đó có sự tự do và tính chính đáng  của báo chí. (Đây là hành động đầu tiên mà Hitler đã làm khi ông trở thành thủ tướng Đức và đây là điều mà những nhà độc tài như Vladimir Putin, Viktor Orban của Hung Gia Lợi và Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ kỳ đã làm. Đây cũng là điều mà Tổng thống Trump cũng đang cố gắng làm).
Hơn nữa, những lãnh tụ mắc bệnh tâm thần hoàn toàn không thể hiểu được những nguyên tắc dân chủ, bởi vì họ tự cho mình là những người siêu vượt và nhìn cuộc sống như một cuộc tranh đấu trong đó những kẻ tàn bạo nhứt xứng đáng để thống trị trên người khác.
Nhưng tâm bệnh không chỉ là vấn đề cá nhân. Như tâm lý gia Lobaczewski đã chỉ ra, các lãnh tụ có tâm lý bệnh hoạn luôn lôi kéo được những người cũng bị rối loạn tâm lý. Những người này cũng bắt lấy cơ hội để tìm kiếm ảnh hưởng. Trong khi đó những cá nhân có đạo đức, biết đồng cảm và có tâm lý lành mạnh lại từ từ rút lui. Hoặc họ thu vào vỏ ốc của riêng mình hoặc tự ý đứng qua một bên vì cảm thấy hoang mang trước tâm bệnh ngày càng gia tăng xung quanh họ. Kết quả là những chế độ cuồng trị ngày càng được củng cố và cực đoan.
Điều đó không có nghĩa là tất cả những ai đang tham gia vào một chế độ cuồng trị đều là những người bị rối loạn tâm thần. Một số có thể có nhiều tham vọng và thiếu sự đồng cảm nhưng không hề bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Một số khác bám theo đuôi một lãnh vụ bệnh hoạn chỉ vì những mục tiêu của ông hay bà ta phù hợp với mục tiêu của họ.
Một phần đáng kể của vấn đề chính là sự thu hút của những kẻ mị dân đối với nhiều người. Xét về mặt tâm lý, những kẻ mị dân cũng có sức hấp dẫn như các đạo sĩ là những người thường tạo được sự tôn thờ mù quáng nơi các đệ tử của họ ngay cả khi họ có hành vi vô đạo và lạm dụng. Hấp lực của các đạo sĩ và những kẻ mị dân là một thôi thúc cắm rễ sâu trong lòng người; nó khiến cho con người muốn quay trở về tuổi thơ là thời mà họ tôn thờ cha mẹ mình như những con người toàn năng và không sai lầm có thể hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và có cây đũa thần để giải quyết mọi vấn đề của mình. Song song với sự thu hút ấy, sự ngông cuồng của các nhà lãnh đạo bệnh hoạn cũng đưa đẩy quần chúng đến chỗ miệt thị các nhóm khác và tạo ra một ý thức độc hại về bản sắc tập thể có cùng một mục đích...
Tôi để cho bạn tự quyết định xem Hoa Kỳ có nguy cơ bị cai trị bởi một chế độ cuồng trị không. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng cuồng trị chỉ xuất hiện chỉ vì chúng ta không có đủ biện pháp để bảo vệ chúng ta khỏi những nhà lãnh đạo bệnh hoạn.

Steve Taylor, Ph.D., là một giảng viên tâm lý kỳ cựu tại Đại học Leeds Beckett, Anh Quốc. Ông là tác giả của một số tác phẩm bán chạy nhứt như The Leap (Bước Nhảy Vọt) và Spiritual Science (Khoa học Tâm linh)

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

Họ chẳng có tội tình gì!



Chu Thập
18/8/19
Chuyện xảy ra tại trung tâm Thành phố Sydney, Úc Đại Lợi buổi xế ngày thứ Ba 15 tháng Bảy2019 vừa qua khơi dậy trong tôi nhiều cảm xúc và  suy nghĩ. Thoạt tiên, tôi nghĩ: may quá, hung thủ Mert Ney chỉ có trong tay một con dao làm bếp!  Nếu người thanh niên này có súng liên thanh hay vũ khí giết người hàng loạt trong tay thì có lẽ số người chết oan chắc phải rất nhiếu. Cảm thương trước số phận hẩm hiu của một số nạn nhân, không hiểu sao tôi cũng thấy thương hại đối với chính hung thủ: giữa thanh thiên bạch nhựt, cầm dao đâm túi bụi vào bất cứ ai mình gặp...chỉ có thể là hành động của một kẻ điên loạn mà thôi.
Tuy đã xa lắc xa lơ nhưng chuyện đâm chém ở Sydney vừa qua không khỏi gợi lên trong ký ức của tôi một vụ án mạng xảy ra trong làng tôi vào khoảng giữa thập niên 1960. Làng tôi nằm sát nách một trong những quận lỵ quan trọng trong tỉnh. Ngoài những vụ pháo kích bừa bãi trật mục tiêu khiến cho nhiều người trong làng tôi phải oan mạng, mấy ông Việt Cộng còn thường xuyên bò về làng tôi để tấn công vào quận. Bị một đơn vị Biệt Kích Mỹ trấn đóng trong làng phục kích bắn chết là chuyện “thường ngày ở huyện” đối với mấy ông du kích. Cứ vài tuần lại có một số tử thi được mang ra “phơi” ở dọc đường để cho thân nhân bà con đến nhận diện và đem về mai táng. Người dân làng tưởng như chai lì trước cảnh tượng chết chóc ấy. Thế nhưng vào một buổi trưa mùa hè nóng bức, cả làng xôn xao trước một cảnh tượng hãi hùng: một người đàn ông trên 30 tuổi dùng dao phay chém chết người cha của mình, lôi ông ra trước nhà, cắt lưỡi ông và sau đó chạy thẳng lên nhà thờ cách đó vài trăm thước, xông vào nhà xứ và chém túi bụi vào vị linh mục quản xứ. Kịp tri hô, nhiều người đã nhanh chóng can thiệp để cứu vị linh mục.
Được biết hung thủ là một người “điên”. Thời đó, dân làng tôi chưa quen với kiểu nói “bệnh tâm thần”, nghe có vẻ “hàn lâm” và trừu tượng. Họ chỉ biết có 2 hạng người là khùng và điên! “Khùng” là hơi bị sái trí, cư xử và hành động không giống ai. Còn “điên” thì nặng hơn: hoàn toàn mất trí, lúc tỉnh lúc mê...Nghe nói hung thủ giết cha trong làng tôi trước kia là một người bình thường. Anh cũng có vợ con như mọi người. Nhưng sau một thời gian đi lính, bị thương nặng, với một mảnh đạn còn ghim trong đầu, anh được chẩn đoán là “điên” và được đưa vào nhà thương “Chợ Quán” để chữa trị. Nghĩ rằng anh đã hoàn toàn bình phục, nhà thương cho anh về lại gia đình. Không ngờ khí trời mùa hè nóng bức chăng, cơn “điên” tái phát khiến anh đã cầm dao gây ra án mạng. Anh đã được áp giải trở lại nhà thương “Chợ Quán” và có lẽ đã qua đời ở đó.
Tôi thấy thương anh. Anh chẳng có trách nhiệm gì trong cái chết của cha anh và dĩ nhiên vị linh mục cũng như cả làng tôi, chẳng có ai lên án anh.
Trong thời gian gần đây, cứ mỗi khi xảy ra một vụ bắn giết hàng loạt  ở Mỹ, tôi lại nghĩ đến anh. Bởi lẽ, hễ cứ có  bắn giết hay đâm chém người ta lại nói đến những người mặc bệnh tâm thần.
Hai vụ bắn giết mới nhứt tại Hoa Kỳ, một tại El Paso, Tiểu bang Texas và một tại Dayton, Tiểu bang Ohio, lại được dịp cho nhiều người lôi những người mắc bệnh tâm thần ra để trút lên đó mọi thứ tội lỗi. Đại diện cho nhóm người này, dĩ nhiên, không ai khác hơn là tổng thống Donald Trump. Trong một cuộc tập họp của những người ủng hộ ông tại Tiểu bang New Hampshire, đông bắc Hoa Kỳ, Tổng thống Trump hứa: “Chúng ta sẽ đưa những người mắc bệnh tâm thần và những thành phần nguy hiểm ra khỏi phố xá để chúng ta không còn phải quá bận tâm về họ. Đây quả là một vấn đề lớn. Có những người bệnh hoạn thật sự và họ đang ở giữa phố xá”. Ông giải thích: “Cò súng không tự kích hỏa mà là người cầm súng”. Và như vậy, theo ông Trump người cầm súng và bóp cò ở Mỹ chính là những người mắc bệnh tâm thần!
Cách đây vài ba chục năm, những người bị tâm thần thường bị quản thúc trong những viện tâm thần. Điều này dẫn đến việc nhiều người mắc bịnh tâm thần bị tách ra khỏi xã hội và gia đình một cách không cần thiết, có khi phải sống suốt đời trong bốn bức tường của viện và bị cưỡng ép dùng những phương pháp trị liệu ngoài ý muốn. Ngày nay, nhờ những tiến bộ trong lãnh vực tâm thần, hầu hết được sống hòa đồng với cộng đồng. 
Thật ra, những người mắc bệnh tâm thần đâu phải là những quái vật hay là những thành phần xấu trong xã hội. Rối loạn tâm thần là một chứng bệnh không biết “kỳ thị”: da mầu, da trắng, “có đạo” hay “không có đạo”, đàn ông hay đàn bà, là cha, là mẹ, là cảnh sát viên, là bác sĩ, luật sư, già trẻ lớn bé hay ngay cả những kẻ đang cầm cân nẩy mực trong một quốc gia...ít hay nhiều, ai cũng có thể mắc bệnh tâm thần. Và ngay cả khi mắc bệnh tâm thần, người ta cũng vẫn có thể có một cuộc sống lành mạnh, thành công và hạnh phúc! Tuy nhiên, ngược lại với cái nhìn của Tổng thống Trump và của nhiều người, các chuyên gia tâm lý cho rằng liên kết những vụ bắn giết với bệnh tâm thần là một điều bất công.
Trong cuốn sách “Gun Violence and Mental Illness” (Súng, bạo động và bệnh tâm thần) xuất bản năm 2016, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng tỷ lệ những vụ bắn giết hàng loạt do những người mặc bệnh tâm thần trầm trọng thực hiện không chiếm quá một phần trăm của tất cả những vụ sát nhân liên quan đến súng đạn.
Theo thống kê, trên toàn thế giới, cứ 7 người thì có một người bị rối loạn tâm thần. Điều này có nghĩa là trong năm 2017 trên thế giới có khoảng một tỷ người đã từng bị rối loạn tâm thần. Riêng tại Mỹ, cứ 5 người lớn có một người (nghĩa là 46.6 triệu người) sống với chứng rối loạn tâm thần. Theo một cuộc thăm dò hồi năm 2017, có đến 40 phần trăm người Mỹ nói rằng họ có một cây súng hay sống trong một gia đình có ít nhứt một cây súng. Tỷ lệ sát nhân hay ngộ sát bằng súng đạn tại Mỹ được xem là cao nhứt trong thế giới phát triển. Chỉ trong năm 2017, đã có gần 11.000 cái chết do hành động sát nhân hay ngộ sát bằng súng đạn. Những vụ giết người bằng súng đạn tại Mỹ chiếm 73 phần trăm những vụ sát nhân. Trong khi tại Gia Nã Đại, tỷ lệ này chỉ chiếm 38 phần trăm, và chỉ có 3 phần trăm tại xứ Anh và Wales. Thống kê còn cho thấy rằng Hoa Kỳ là nơi dân sự có nhiều súng đạn nhứt trên thế giới (x.https://www.psychologytoday.com/au/blog/happiness-is-state-mind/201908/we-need-stop-blaming-mental-illness-mass-shootings).
Điều đáng suy nghĩ là theo các cuộc nghiên cứu, đa số những cá nhân được chẩn đoán có mắc bệnh tâm thần lại không hề có thái độ bạo động đối với người khác. Phần lớn xem tự tử như giải pháp duy nhứt để chấm dứt nỗi  khổ tinh thần và cảm xúc của họ.
Nếu phần lớn những người mắc bệnh tâm thần không có thái độ bạo động đối với người khác và nếu tỷ lệ của những vụ bắn giết hàng loạt do những người mắc bệnh tâm thần trầm trọng thực hiện không chiếm đến một phần trăm của tất cả những vụ sát nhân bằng súng đạn thì trút bỏ lên họ mọi tội lỗi mỗi khi có bắn giết xảy ra chẳng khác nào chỉ nhìn thấy những con kiến nhỏ mà đui mù trước những con voi lồ lộ trong phòng là những động lực thúc đẩy từ những người chủ trương và gieo rắc chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và hận thù. Hãy đọc lại “tuyên ngôn” của tên sát nhân tại Christchurch, Tân Tây Lan dạo trung tuần tháng Ba vừa qua hay của kẻ giết người hàng loạt tại El Paso mới đây để thấy không gì oan ức cho bằng trút mọi tỗi lỗi lên đầu những người mắc bệnh tâm thần để chạy tội cho những kẻ có chủ trương kỳ thị chủng tộc và gieo rắc hận thù cũng như những kẻ làm giàu bằng súng đạn. Ông Trump nói không sai: “Cò súng không tự kích hỏa”. Nhưng nếu không bị châm ngòi bởi những ý tưởng ngông cuồng, thù hận, một người tự nhận là bình thường không thể ngang nhiên bắn vào người khác một cách vô tội vạ hay bắn người như một “sứ mệnh cao cả”.
Bệnh tật không phải là một cái tội. Cũng như bất cứ bệnh nhân nào, người mắc bệnh tâm thần cần được cảm thông hơn là lên án. Với thống kê 1 trong 5 người ở Mỹ từng bị chuẩn đoán bị tâm thần ở một mức độ nào đó trong một giai đoạn nào đó trong đời, thì có lẽ tôi hay bất cứ ai trong chúng ta cũng nằm trong con số thống kê đó. Vấn nạn bắn giết là một con voi mà bệnh tâm thần chỉ là một phần nhỏ. 
Xét cho cùng, chỉ có sự cảm thông, nhứt là cảm thông trước những dị biệt của người khác, mới giúp giảm bớt được bạo động trong xã hội và dĩ nhiên cũng mang lại an lạc cho thân tâm.





Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

Kỳ thị quá đáng hay Ái quốc cực đoan


Mai Loan
Houston, Texas
Từ hơn hai năm qua, sự kiện TT Trump thường xuyên bắn những mẩu tin ngắn trên trang mạng Twitter với những lời lẽ và nội dung thường gây chấn động kinh hồn gần như đã trở thành một hiện tượng bình thường khiến mọi người hết còn kinh ngạc chưng hửng, có lẽ vì đã quen dần với những lời lẽ dối trá, thiếu văn hoá hay những luận điệu bóp méo sự thật hoặc cường điệu quá lố. Tuy vậy, thỉnh thoảng người ta cũng phải giật mình chú ý đến nó, điển hình là những gì đã vừa xảy ra mới đây, và những diễn biến tranh cãi và hệ luỵ nổ ra sau đó.
Vào cuối tuần trước, TT Trump bắn ra mẩu “tweet” để công kích mạnh mẽ bốn vị nữ dân biểu liên bang phe Dân Chủ là Alexandria Ocasio-Cortez (New York), Ilhan Omar (Minnesota), Ayanna Pressley (Massachusetts) và Rashida Tlaib (Michigan). Cả 4 vị đại biểu này đều là những người lần đầu tiên đắc cử vào chức vụ này trong cuộc bầu cử năm 2018 trong chiến thắng to lớn của đảng Dân Chủ đã lật đổ được đa số cầm quyền của phe Cộng Hoà để giành lại quyền kiểm soát Hạ Viện. Cả 4 phụ nữ này lại thuộc thành phần thiểu số, gốc La-tinh hoặc da đen, thắng cử ở địa phương với thành tích và lập trường khuynh tả.
Tuy nhiên, TT Trump lại nói rằng những nữ dân biểu “hãy nên trở về quê cũ” (go back) là “những vùng đất đầy tội phạm là nơi gốc gác của họ” (crime infested places from which they came), và lại còn xác định rằng bốn vị nữ lưu này tất cả đều “khởi thuỷ đến từ những quốc gia mà chính quyền tại đó đều hoàn toàn là tai hoạ.” (originally came from countries whose governments are a complete and total catastrophe). Nhưng sự thật là trong số đó có 3 người được sinh ra ở nước Mỹ, chỉ riêng có bà Omar là người tị nạn đến từ Somalia của Châu Phi, và sau đó đã được nhập tịch Hoa Kỳ trước khi dấn thân vào chính trường để đạt được thành công hiện nay.
Nhà báo Ishaan Tharoor, trong một bài viết trên tờ Washington Post, nhận định rằng sự độc hại ghê gớm đằng sau những mẩu “tweets” như trên quả tình không cần gì phải dấu giếm về tính kỳ thị sắc tộc: Rõ ràng là ông Trump đã công khai đặt vấn đề về vị thế của bốn vị nữ dân biểu liên bang gốc thiểu số này có quyền hiện diện trên đất nước Hoa Kỳ hay không.
Điều này có lẽ cũng đúng với chủ trương và thành tích của ông thích cổ súy cho chủ nghĩa quốc gia cực đoan của người da trắng, bắt đầu từ chiến dịch nghi ngờ về nguồn gốc sinh đẻ của ông Barack Obama là vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ, cho đến những lời miệt thị đối với một vị thẩm phán gốc Mễ là Gonzalo Curiel vì nghi ngờ ông này sẽ thiên vị trong vụ xét xử về Trump University (dẫu rằng sau này ông Curiel cũng đã xét xử thuận lợi cho chính quyền Trump đầu năm 2018 trong một vụ kiện liên quan đến bức tường biên giới).
Rồi đến những lời lẽ than phiền của ông Trump rằng tại sao nước Mỹ không thu hút được những di dân đến từ những nước như Na Uy (gồm đa số da trắng) mà lại toàn là từ những nước Phi Châu nghèo đói mà ông gọi là “những nước đầy hố phân” (shithole countries). Chưa kể đến trước đó là những đòn tấn công phủ đầu lên tất cả những người Hồi-giáo, hoặc là những lời lẽ bênh vực cho những thành phần cực đoan chủ trương “da trắng thượng đẳng” (như trong vụ biểu tình tại Charlottesville) và những chính sách trong hai năm qua luôn có tính cách hạ phẩm giá những khối di dân và gốc thiểu số.
Dĩ nhiên, những lời lẽ đầy tính kỳ thị sắc tộc như vậy đã dẫn đến phản ứng bực tức và giận dữ từ nhiều chính trị gia phe Dân Chủ cũng như của một số các lãnh tụ ở Âu Châu. Tại Hoa Kỳ cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay, người ta khó lòng ngồi yên chấp nhận chuyện một người nào đó có quyền nói với người khác rằng “anh hãy về nơi quê xưa gốc gác của mình đi”.
Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện, đã phản bác như sau: “Khi ông Donald Trump nói với 4 vị dân biểu liên bang là hãy trở về quốc gia cũ của họ, ông ta đã một lần nữa xác định lại cái kế hoạch ‘Hãy Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại’ thật ra chỉ là chính sách ‘Hãy Làm Cho Nước Mỹ Trở Thành Da Trắng Trở Lại’. Sự đa dạng của chúng ta chính là sức mạnh và sự đoàn kết của chúng ta chính là điều tạo nên quyền lực cho quốc gia này.”
Ông Sadiq Khan, Thị trưởng của thủ đô Luân Đôn tại Anh Quốc, cũng đã không ngần ngại lên án nội dung mẩu “tweet” của TT Trump: “Tôi đã từng nghe những lời lẽ như vậy từ cửa miệng của những kẻ kỳ thị và phát-xít. Nhưng chưa bao giờ nghe được từ một chính trị gia dòng chính. Nhưng giờ đây chính vị tổng thống Mỹ lại là người thốt ra những lời lẽ tệ hại như vậy.
Ngay cả ban chủ biên tờ The Wall Street Journal, một nhật báo bảo thủ được coi là thành trì lý luận của đảng Cộng Hòa, cũng viết trong một bài xã luận nói rằng ông Trump nói không đúng sự thật (counterfactual) và ông Trump dại, nếu không muốn nói là “ngu xuẩn về mặt chính trị” (politically stupid).
Nói không đúng sự thật, vì khi ông Trump khuyến cáo bốn bà dân biểu da màu hãy rời nước Mỹ để “trở về xứ” của họ, ông không chịu tìm hiểu trước để biết rằng ba trong bốn người đó sinh trưởng ở Mỹ. Đây chính là xứ của họ chứ còn nơi nào khác nữa, cho dù họ không có cùng mầu da như ông Trump và nhiều người Mỹ trắng khác. Các đời ông nội, ông cố của họ đến từ các nước Nam Mỹ hay Phi Châu thì cũng chẳng khác gì các đời ông nội, ông cố của ông Trump đến từ nước Đức, hoặc của bố mẹ vợ ông đến từ Slovenia ở Âu Châu.
Gọi là dại dột hay ngu xuẩn, vì ông Trump đã làm cho hai phe trong đảng Dân Chủ đang xung khắc bỗng dưng đoàn kết lại! Bốn bà dân biểu này, với chủ trương gần như là “cực tả”, đã gây khó xử không ít cho giới chức lãnh đạo của phe Dân Chủ cũng như bà Chủ tịch Nancy Pelosi vì dễ trở thành mục tiêu tấn công cho TT Trump và phe Cộng Hoà trong kỳ bầu cử năm 2020 khi họ nhắm vào các chủ trương cấp tiến quá khích của nhóm này gây khó chịu cho nhiều thành phần cử tri da trắng. Giờ đây, bỗng dưng ông Trump tạo cơ hội cho bà Pelosi đóng vai đàn chị đứng ra bênh vực bốn cô em trẻ tuổi và háo thắng. Hai bên đã giải hoà và nội bộ phe Dân Chủ ít ra là sẽ êm thắm trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, TT Trump không phải là người dễ dàng chịu thua, cũng như không bao giờ chịu lên tiếng xin lỗi về những sai trái dù lộ liễu của mình. (Trong vụ tai tiếng cáo buộc về nơi chốn sinh đẻ của TT Obama, vào năm 2016 ông Trump đã lên tiếng ngắn gọn để cuối cùng phải chịu thú nhận rằng quả tình ông Obama là người sinh đẻ tại Hawaii, coi như chấm dứt những chiến dịch tin đồn dối trá từ trước. Nhưng liền sau đó ông lại quay sang đổ tội lên đầu bà Clinton!) Trong bối cảnh phân hoá dữ dội hiện nay trên chính trường và xã hội nước Mỹ, TT Trump càng bạo gan và táo tợn hơn nữa vì đã có sẵn hậu ý chính trị khi biết rằng những lời lẽ gây chống đối và tranh cãi đó nhiều khi lại kích động hữu hiệu đối với khối cử tri bảo thủ cực đoan gần như là sẵn sàng ủng hộ ông cuồng nhiệt trong suốt hơn 2 năm qua.
Khi được giới truyền thông phỏng vấn sau đó rằng liệu ông có cảm thấy hối tiếc hay không trước những lời nhận định được nhiều người đánh giá là kỳ thị sắc tộc, TT Trump còn tố mạnh hơn nữa bằng cách chụp mũ cho những nữ dân biểu này là “cộng sản”, và cáo buộc sai trái rằng bà Omar đã từng ca ngợi và ăn mừng tổ chức khủng bố Al Qaida, sau đó còn đưa ra lời chụp mũ rằng cả 4 vị nữ dân biểu này trước sau gì cũng có thể là một mối đe doạ cho nước Do Thái. TT Trump đã mạnh miệng xem thường sự phản đối nếu có qua lời phát biểu: “Điều đó chẳng làm tôi phải quan tâm bởi vì có nhiều người đồng tình với nhận định của tôi. Và tất cả những gì tôi đã nói là nếu như họ muốn rời khỏi nước Mỹ, thì họ cứ ra đi.
Dĩ nhiên nhiều người đã phân tích về tính chất mâu thuẫn và đạo-đức-giả lộ liễu trong việc ông Trump đã đề nghị những người chống đối ông khi họ chê trách về tình hình nước Mỹ hiện nay có nhiều điều tồi tệ là hãy nên rời khỏi xứ này. Bởi vì chính cá nhân TT Trump, trước và sau khi lên nắm quyền, đã thường xuyên chỉ trích rất nhiều định chế vể xã hội dân sự của Hoa Kỳ, chê bai về tình hình và đời sống tại nhiều thành phố ở Mỹ, đả kích nhiều chính trị gia và kể cả những quân nhân được xem là anh hùng chiến tranh (như nghị sĩ John McCain) trong khi chính mình lại là kẻ xin hoãn dịch đến 5 lần. Trong khi đó, ông Trump lại thường đề cao quá lố những lãnh tụ của các quốc gia kẻ thù với Hoa Kỳ như Vladimir Putin của Nga hoặc Kim Jong Un của Bắc Hàn. Nhưng có bao giờ những người chống đối ông đã yêu cầu TT Trump là hãy rời bỏ nước Mỹ và đến sinh sống tại những nước đó? 
Đối với nhà báo Adam Serwer, trong một bài viết trên tạp chí The Atlantic, những lời viết của TT Trump rõ ràng là một hành động kỳ thị sắc tộc theo đúng định nghĩa sách vở của nó (literally textbook racism). Ngay cả với chính quyền Hoa Kỳ, theo quy định của cơ quan chính quyền liên bang là Uỷ Hội Bảo Vệ Cơ Hội Tìm Việc Đồng Đều (EEOC), khi một người sếp hay chủ nhân nói với nhân viên câu nói “Hãy trở về lại nơi xuất xứ của anh chị” thì điều đó là một thí dụ về tội quấy rối bất hợp pháp dựa trên yếu tố nguồn gốc quốc gia.
Sự kiện ông Trump đã cáo buộc sai trái đối với 3 vị nữ dân biểu là người được sinh đẻ tại Hoa Kỳ khi đòi họ hãy trở về quê cũ lại còn minh chứng một điều đáng lo ngại khác. Đó là việc một vị đương kim tổng thống của nước Mỹ bầy tỏ cho mọi người thấy niềm tin theo ý-thức-hệ của ông rằng cái quyền có quốc tịch Mỹ phải được đặt trên nền tảng sắc tộc, và chỉ có những người da trắng mới có thể thực sự trở thành những công dân Hoa Kỳ, còn tất cả những người da mầu khác, đặc biệt là thành phần gốc di dân, chỉ có thể là công dân Mỹ với một số những điều kiện ban phát nào đó.
Đây chính là một trong những yếu tố nền tảng của chủ thuyết ái quốc của dân da trắng, cho rằng chỉ có họ mới là công dân, là người ái quốc và do đó đất nước này chỉ nên giành cho người da trắng. Và nghiệt ngã thay, điều này lại đúng với những gì tâm huyết của TT Trump về mặt ý-thức-hệ. Nhưng nó chỉ nói lên một niềm tin về mặt tâm lý hay tinh thần, chứ không thể là một lời xác định về sự thật diễn ra ngoài đời và được áp đặt trong xã hội.
Nhưng nó cũng không chỉ giới hạn là một niềm tin về mặt tinh thần mà còn có thể là một tính toán rất khôn ngoan về mặt chính trị và chiến lược vận động tranh cử. TT Trump có thể nói rất đúng khi cho rằng có rất nhiều người đồng tình với những lời phát biểu của ông khi tấn công những vị dân biểu khuynh tả thuộc phe Dân Chủ. Bởi vì những mẩu “tweets” loại này chắc chắn là tiếp tục gây kích động cho khối cử tri ủng hộ ông cuồng nhiệt trong phe Cộng Hoà và tiếp tục thổi lửa thêm vào làn sóng khuấy động của những phần tử cực hữu trên nhiều diễn đàn truyền thông.
Khác với các vị tổng thống tiền nhiệm, hoặc đa số các vị dân cử khác, phần lớn đều thay đổi những lời lẽ hay quyết định để trở thành ôn hoà hơn nhằm phục vụ đại đa số người dân trên toàn vùng chứ không chỉ giành cho những cử tri ủng hộ mình như trong thời gian tranh cử, TT Trump trong suốt hơn 2 năm qua đã tiếp tục lựa chọn con đường chỉ phục vụ cho khối cử tri trung kiên với mình triệt để, dù rằng nó chỉ chiếm thiểu số trên toàn quốc. Nó có mục đích duy trì sự ủng hộ của khối này ở tỉ lệ rất cao và kiên trì từ đó đến nay, chứ không cần tìm cách mở rộng cánh cửa để mong đón nhận sự ủng hộ từ những khối cử tri khác trước đó chưa từng ủng hộ ông.
Đứng trước mùa vận động cho kỳ bầu cử vào cuối năm 2020, TT Trump đã quyết định lựa chọn chiến lược rõ ràng y hệt như những gì đã xảy ra vào năm 2016: đó là ông sẽ cáo buộc tất cả những ai chống đối là thành phần phản quốc, kẻ thù của nhân dân, hoặc là những kẻ tiếp tay cho những mối đe doạ từ những thành phần di dân chuyên gây tội phạm, cho dù đó là những viên chức kỳ cựu, các chính trị gia thuộc 2 phía và đại đa số giới truyền thông dòng chính.
Mục đích của TT Trump không phải nhằm tấn công để hạ bệ 4 vị nữ dân biểu này, bởi lẽ họ đã được đắc cử vẻ vang dù với lý lịch là người thiểu số và có 2 người theo Hồi-giáo bởi vì đa số cử tri tại 4 địa hạt đó đã ủng hộ họ mạnh mẽ và nhiều phần là sẽ tiếp tục ủng hộ trong những kỳ bầu cử về sau này. Họ chỉ là đại diện cho 4 địa hạt riêng rẽ trong tổng số 435 địa hạt trên toàn nước Mỹ, và do đó đương nhiên có số cử tri cũng đặc thù và có thể khác biệt với cử tri tại những địa hạt khác. Đó là quyền lựa chọn của mỗi khối cử tri riêng biệt của từng địa hạt để có tiếng nói đại diện tại Hạ Viện Hoa Kỳ (cho dù họ chỉ chiếm thiểu số) theo như Hiến Pháp Hoa Kỳ đã quy định và phân quyền rõ ràng, cho dù đại đa số người dân trên toàn nước Mỹ có không đồng ý với họ.
Nhưng TT Trump muốn nêu tên 4 vị này với những lời cáo buộc về chủ trương cực tả của họ là vì ông muốn chụp mũ, đánh đồng toàn bộ các vị dân biểu và nghị sĩ của đảng Dân Chủ đều có cùng lập trường thiên tả như vậy trong kỳ bầu cử sắp tới để dễ bề khích động khối cử tri bảo thủ cực đoan sẽ hăng hái đến thùng phiếu lần tới.
Và dĩ nhiên, TT Trump không bao giờ chịu nhìn nhận những điều gì mình nói hay làm là sai lầm, hoặc mang tính cách kỳ thị sắc tộc như trong trường hợp này. Theo nhận định của nhà bỉnh bút Greg Sargent, trong một cột mục trên tờ Washington Post, việc TT Trump phủ nhận tính kỳ thị sắc tộc trong những lời lẽ lần này chỉ là một cố gắng nhằm giảm thiểu những tai hại về mặt chính trị đối với những khối cử tri trung dung có thể khó chịu vì nó. Mục đích của sự phủ nhận này là nhằm giúp cho ông Trump có toàn quyền lên tiếng về những chủ đề kỳ thị sắc tộc mà không bị cáo buộc là con người có đầu óc kỳ thị, và do đó không cần gì phải lên tiếng xin lỗi hoặc nhường bước những kẻ chống đối và cáo buộc ông.
Thái độ tự tin của TT Trump trong vụ này lại càng được minh chứng rõ ràng hơn nữa trong những ngày sau đó. Trong một cuộc tập họp quần chúng ủng hộ diễn ra vào tối thứ Tư tại North Carolina, TT Trump đã lập lại những lời cáo buộc về nữ dân biểu Ilhan Omar, gốc Somalia và theo Hồi-giáo, vốn là mục tiêu chống đối mạnh mẽ nhất của những người theo khuynh hướng cực hữu. Chính vì thế nên đám đông trong hội trường đã không ngần ngại đáp ứng, đồng thanh reo hò khẩu hiệu “Tống cổ chị ta về nước!” (Send her back), bắt chước theo khẩu hiệu ăn khách trước đây khi tấn công bà Hillary Clinton là “Tống giam bà vào tù!” (Lock her up). 
Tiếng reo hò vang dội kéo dài đến 13 giây đồng hồ giữa lúc TT Trump đứng im và ngẩng mặt tự hào về tài nghệ khích động đám đông của ông trước khi tiếp tục bài nói chuyện của mình. (Những hình ảnh được thu vào video cho thấy rõ ràng điều này chứ không hề là “fake news”).
Qua ngày hôm sau, dĩ nhiên là nhiều tiếng nói chống đối lại nổi lên, kể cả từ một số những viên chức và chính trị gia phe Cộng Hoà dám can đảm và thẳng thắn nói lên ý nghĩ của mình. TT Trump liền lên tiếng cải chính, nói rằng ông ta đã cố gắng tìm cách xoa dịu đám đông này để đừng tiếp tục reo hò như vậy (khi lên tiếng đòi hỏi trục xuất một vị dân biểu liên bang được đắc cử chính thức và hợp pháp). Dĩ nhiên những hình ảnh thu lượm được hoàn toàn trái ngược lời biện bạch gượng gạo trâng tráo của ông, nhưng cũng không hề khiến cho TT Trump và những người ủng hộ phải cảm thấy ngượng ngùng.
Để rồi hai ngày sau đó, ông Trump lại lật lọng lần nữa để cho rằng ông rất tán đồng việc reo hò của đám đông đòi tống cổ nữ dân biểu Omar về nước. Ông đã ca ngợi họ là những người thực sự ái quốc! Có lẽ giờ đây mọi người hết còn thấy ngạc nhiên hay chưng hửng trước sự kiện một vị nguyên thủ quốc gia sẵn sàng ăn nói lật lọng, cho dù là nó có thể di hại đến nhiều thế hệ sau này khi các con em lớn lên cũng không ngần ngại nói dối tương tự và lập luận rằng một ông tổng thống cũng đã từng làm như vậy nhiều lần.  
Dù đa số các viên chức trong đảng Cộng Hoà gần như im lặng đồng tình với lời lẽ và hành động của TT Trump, nhưng nhiều chuyên gia đã lên tiếng báo động về hành vi của vị tổng thống và sự việc đa số những người trong đảng Cộng Hoà cùng đồng tình với nó. Ban chủ biên của tờ Washington Post, trong một bài xã luận đã nhận định: “Việc ông Trump đòi hỏi các vị dân biểu phe Dân Chủ hãy nên trở về gốc gác cũ của họ là những nước tệ hại là coi như đặt trên nền tảng rằng nguồn gốc xuất xứ của một người chứ không phải là thành tích, bản chất và lý lịch cá nhân của họ mới là điều kiện cho phép họ được tham dự vào chính trường quốc gia. Và chuyện ông phỉ báng họ về tội “hận thù” quốc gia này cũng là một điều không thể chấp nhận được.” (Các nhà báo của tờ Washington Post đã ghi nhận là TT Trump trong thời gian qua đã nói dối ít nhất trên 10,000 lần, và chắc chắn con số này còn tiếp tục gia tăng mỗi ngày.)
TT Trump đã tìm thấy trong chính trường phe Cộng Hoà hiện nay có một luồng sinh khí của những thành phần da trắng cực đoan và ông đã khéo léo chiêu dụ nó về dưới trướng để đạt được quyền lực. Vì thế nên ông đã tiếp tục dựa vào nó trong nhiều trường hợp và từ từ lôi kéo theo cả đảng Cộng Hoà đi cùng về hướng này. Và không lấy gì làm lạ khi đảng Cộng Hoà ngày nay, theo lời nhận định của nhà báo Jamelle Bouie, trong một cột mục bình luận trên tờ New York Times, “đã trở thành một đảng đang nâng cao cái khối thiểu số cử tri nền tảng của mình  với khuynh hướng bảo thủ cực đoan và coi đó như là cái nước Mỹ nguyên thuỷ và chính gốc, nên họ cũng sẵn sàng giới hạn lại cái khối cử tri của mình thay vì mở rộng ra để đón nhận những cử tri mới.”
Chỉ có một thiểu số nhỏ các chính trị gia của phe Cộng Hoà đã dám lên tiếng chỉ trích những lời cáo buộc sặc mùi kỳ thị sắc tộc của TT Trump. Đa số còn lại giữ thế im lặng, “thủ khẩu như bình” như là một biện pháp khôn ngoan nhất hiện nay vì họ không muốn làm phật lòng khối cử tri ủng hộ cuồng nhiệt cho TT Trump và sau đó có thể sẽ bị trả thù bằng cách sẽ phải đối đầu với các ứng viên cực hữu khác trong kỳ bầu cử sơ bộ bên đảng Cộng Hoà. Một số khác cũng tìm cách biện hộ cho TT Trump một cách miễn cưỡng.
Một trong những người dám can đảm chỉ trích TT Trump là bà Jennifer Horn, một cựu chủ tịch tỉnh bộ đảng Cộng Hoà tại tiểu bang New Hampshire, cựu uỷ viên của Ban Thường trực Trung ương Đảng Cộng Hoà. Trong một bài xã luận đăng trên tờ USA Today, bà Horn viết rằng bấy lâu nay bà đã ca ngợi những điều tốt đẹp về đảng của TT Lincoln, và lý luận rằng những đức tính cao đẹp đó là nền tảng giúp cho nước Mỹ trở thành quốc gia vĩ đại nhất trên địa cầu: đó là tự do, bình đẳng và cơ hội không giới hạn.
Tuy nhiên, giờ đây trái tim của bà Horn đã tan vỡ khi ngồi chứng kiến những giây phút cuối cùng của một tiến trình kéo dài trong 3 năm qua rằng cái đảng ngày nào của TT Lincoln giờ đây có lẽ sắp chết, khi nó đã bị nuốt ngốn bởi những hành động của một người tham nhũng, gian dối, xấu xa và phá hoại đang khoác lên mình cái nhãn hiệu của chủ nghĩa Cộng Hoà đã bị đánh cướp. Nó đã biến một cái đảng ngày nào vĩ đại giờ đây đã trở thành một phong trào quốc gia cực đoan sặc mùi kỳ thị chủng tộc, chuyên dùng lòng thù hận và đố kỵ để chia rẽ và phá hoại.
Vị tổng thống này đang dấn thân vào những hành động kỳ thị sắc tộc tệ hại nhất. Đó là vì ông đã dùng những từ ngữ kỳ thị nhằm mục đích gây kích động đám đông và thuyết phục một người Mỹ rằng người Mỹ khác là kẻ thù của anh ta chỉ vì họ khác biệt mầu da, và ông tổng thống đó đang làm việc này chỉ nhằm thúc đẩy mục tiêu và quyền lực cho chính mình.
Điều đáng tiếc là hiện nay đa số các vị dân cử phe Cộng Hoà ở Quốc Hội đều im lặng thay vì phải đoàn kết để lên tiếng chống đối lại hành vi đáng lên án này của vị tổng thống. Chỉ có dân biểu liên bang Will Hurd tại Texas là dám gọi những lời tấn công này là “kỳ thị sắc tộc và bài ngoại”. Và dân biểu liên bang Michael Turner tại Ohio kêu gọi TT Trump cần phải lên tiếng xin lỗi. Nhưng đa số còn lại đều im lặng, với tính toán riêng của họ rằng phải đứng chung với ông Trump, hay ít ra là im lặng để mặc cho ông nói tiếp những lời lẽ kỳ thị, vì mục đích phải giữ sự đoàn kết trong đảng để có thể nâng cao xác suất thành công trong kỳ bầu cử năm 2020.
Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ đem lại một kết quả trái ngược. Bởi vì khi không dám lên tiếng nói lên sự thật về vị tổng thống hiện nay, những người của phe Cộng Hoà giờ đây đã mặc nhiên cho phép những lời lẽ gây hận thù của ông Trump làm định nghĩa về cái đảng chính trị của mình cho nhiều thế hệ kế tiếp trong tương lai.
Sự kiện dân biểu Kevin McCarthy, Chủ tịch khối Cộng Hoà tại Hạ Viện, bênh vực rằng những mẩu “tweets” của ông Trump là những tranh luận giữa chủ nghĩa xã hội và tự do thật ra chỉ là một cố gắng lộ liễu và đáng chê trách nhằm che đậy chủ nghĩa quốc gia cực đoan và kỳ thị sắc tộc và nguỵ biện như là một cố gắng đáng khen. Những vị dân cử phe Cộng Hoà trước đây đã từng lên tiếng phản đối những lời lẽ và hành vi của ông Trump giờ đây lại im lặng gần như đồng tình, rõ ràng là đang tự chôn mình trong cái đạo-đức-giả của chính họ, trong một niềm tin hão huyền và tuyệt vọng rằng họ có thể giành được chiến thắng về bầu cử.   
Có thể nói chưa bao giờ có một lời chỉ trích mạnh bạo và thẳng thừng, nói đúng tim đen của những chính trị gia kỳ cựu của phe Cộng Hoà hiện nay, mà lại đến từ cửa miệng của một viên chức cao cấp và kỳ cựu của đảng Cộng Hoà tại New Hampshire cũng như ở Trung ương Đảng như bà Jennifer Horn.
Để kết thúc bài viết lần này, xin góp ý thêm về chuyện những người bênh vực chuyện TT Trump lên tiếng đòi tống cổ những ai lên tiếng chỉ trích về những điều trái tai gai mặt xảy ra tại Hoa Kỳ là hãy nên trở về cố quốc, đặc biệt là đám đông những người Việt cư ngụ tại Mỹ. Tuy nhiên, điều cắc cớ là nếu có ngày nào đó, TT Trump hay bất cứ một nhân vật nào, dù là Cộng Hoà hay Dân Chủ, bỗng dưng lên tiếng yêu cầu đòi tống xuất con em chúng ta hãy trở về nguồn gốc quê cũ là nước Việt Nam, vốn đang là một nước tệ hại với nhà cầm quyền tham nhũng và đàn áp người dân, bóp nghẹt các quyền tự do cơ bản, liệu chúng ta có ngồi im để chấp nhận những lời yêu cầu quá đáng và xấc xược như vậy hay không, chưa kể là nó hoàn toàn phi lý và bất hợp pháp.
Dĩ nhiên, những đòi hỏi như vậy hoàn toàn sai lầm về tình cũng như lý. Đứng về mặt luật pháp, mọi người khi đã có quốc tịch Hoa Kỳ tức là đã đáp ứng đầy đủ yếu tố pháp lý đòi hỏi nên từ đó cũng có đầy đủ quyền lợi của một công dân được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ, trong đó có quyền lợi lớn nhất được ghi trong Tu Chính án số 1: đó là quyền tự do ngôn luận, tức là có quyền đề cao hay chỉ trích bất cứ ai, kể cả tổng thống, miễn là hành xử trong vòng hợp pháp. (Có lẽ đa số những người Cộng Hoà ủng hộ TT Trump hiện nay đã sử dụng thành thục quyền tự do ngôn luận này trong suốt 8 năm cầm quyền của ông Obama để chỉ trích ông bằng những ngôn từ thậm tệ, nhưng có ai lên tiếng cáo buộc họ là không nhớ ơn nước Mỹ, và đòi đuổi cổ họ về lại nguyên quán.)
Chẳng hạn như con cháu chúng ta được sinh đẻ và lớn lên tại đất nước Hoa Kỳ, chúng cũng có quyền tự do ngôn luận như bất cứ mọi công dân nào khác, tuy thuộc những gốc gác khác nhau cho dù đó là từ Phi Châu, Á Châu, hoặc Âu Châu v.v. Không ai có quyền đòi đuổi con cháu chúng ta là hãy trở về nguyên quán là nước VN mỗi khi chúng lên tiếng bình phẩm hay chỉ trích những lời lẽ hay chính sách của các viên chức chính quyền tại đây nếu chúng thấy những lời lẽ hay chính sách đó là sai lầm.
Ngay cả cá nhân TT Trump, hoặc bà vợ của ông là Melania gốc gác từ Âu Châu, họ cũng có ông bà là di dân tuy là người da trắng, nhưng cũng đã nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ mấy thập niên trước rồi mới sinh ra anh em nhà ông Trump. Bây giờ chẳng lẽ chúng ta đòi đuổi gia đình ông Trump trở về nước Đức là quê hương của các đời ông nội, ông cố của ông nếu như mỗi khi ông thường lên tiếng chê bai về một số những điều tại Hoa Kỳ, điển hình như ông thường chê bai về thành tích của các vị tổng thống tiền nhiệm đã làm suy bại nước Mỹ?
Sau cùng, ngay cả những người Mỹ trắng lâu đời lên tiếng đòi hỏi đuổi cổ về nguyên quán đối với những người gốc di dân dù rằng họ cũng có quốc tịch Mỹ vì nghĩ rằng đất nước này là của người Mỹ trắng, thì chính những người này cũng hoàn toàn sai lầm. Bởi vì nước Mỹ ngày nay, tức là Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, từ lúc ban đầu cũng không thuộc về người Mỹ trắng, mà là đất đai của những người địa phương gốc Da Đỏ (Indians). Rồi đất đai của họ bị những người ở bên Anh trên đường lưu đầy bỗng khám phá ra và đặt chân lên. Và sau đó, những người Âu Châu này đã cần cù, siêng năng để dần dần định cư, làm ăn thành công và chiếm luôn đất nước của họ để áp đặt luật lệ mới và đẩy những khối người dân da đỏ này vào những vùng định cư riêng biệt cho họ xa lánh với đô thị.
Tiếc là thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp một vài người Việt thuộc loại “đội trên đạp dưới” nên thích tăng bốc những người da trắng và chê bai người da mầu, như hai anh chàng Vũ Kiểm và Phạm Cơ là xướng ngôn viên trên đài phát thanh VietRadio tại Houston, khi thường xuyên gọi 4 vị nữ dân biểu liên bang này trong lúc đọc tin tức với những từ ngữ miệt thị là “4 con ngựa non háu đá, 4 con gà mái tác oái tác quái” trong khi không chịu nhìn lại thành tích của mình chưa hẳn đáng xách dép cho những người đã thành công để có thể thắng cử vẻ vang vào chức vụ dân biểu liên bang với biết bao trở ngại vì mầu da và nguồn gốc của họ.
Đáng buồn là vậy, đối với những người đang làm trong ngành truyền thông tiếng Việt hiện nay.
                                                                                                 
MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 25 tháng 7/2019


Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Những lời của tôi đã khích động bạo hành...


Rob Schenck
Chu Văn chuyển ngữ
Với tư cách là lãnh tụ chống phá thai trên toàn quốc trong hơn 30 năm,  từ trên bục giảng tôi thường sử dụng ngôn ngữ khích động. Tại những cuộc tập trung của tổ chức chống phá thai Operation Rescue (Chiến dịch Cứu thoát), tôi đã mô tả các bác sĩ phá thai như những tên sát nhân, những kẻ trục lợi trên sự khốn khổ của người khác một cách vô liêm sỉ, những quái vật và ngay cả những con heo. Thế rồi một thành viên của phong trào của tôi đã bắn hạ và giết chết ông Barnett Slepian, một bác sĩ sản khoa tại Buffalo, Tiểu bang New York. Tôi đã từng gọi đích danh người này trong các cuộc biểu tình và những cuộc phong tỏa các bệnh viện. Slepian không phải là người cuối cùng đã chết hay bị thương nặng bởi những cá nhân đã từng hiểu theo nghĩa đen những điều mà lúc đó tôi nghĩ là những lời nói vô hại. Giờ đây tôi phải sống với nỗi đau buồn vô hạn và hối tiếc rằng phải mất một thời gian dài để học được rằng những lời nói độc hại rất thường dẫn đến chết chóc.
Tổng thống Donald Trump đã từng gọi người Mễ Tây Cơ là những kẻ hãm hiếp và sát nhân. Ông đã cảnh cáo rằng những người vượt biên giới phía nam là “những kẻ mang ma túy” (vào Mỹ). Ông cho rằng các viên chức Mễ là “những tên lưu manh và họ gởi những phần tử xấu vào (đất Mỹ) vì những thành phần này không chịu trả tiền cho họ”.  Và ông đã bắn ra một “tuýt”: “Chúng ta không thể cho phép những người này xâm lăng xứ sở của chúng ta”. Khi nói những điều đó, Tổng thống Trump đã hạ phẩm giá và miệt thị người dân của ông và biến họ thành mục tiêu (bắn giết) của  một tên giết người hàng loạt như người đã giết 22 người, bắn bị thương nhiều người cũng như tạo chấn thương cho cả một cộng đồng tại El Paso trong những ngày qua.
Ông Trump có thể nghĩ mình là một người “khôn” khi khai thác sự giận dữ, uất hận, sợ hãi và hận thù của một số cử tri. Thật ra, ông không phải là người “khôn”. Ông chỉ là một người nguy hiểm. Tuy chúng ta không biết chắc chắn, nhưng những lời tố cáo thiếu trách nhiệm, vô căn cứ và đầy miệt thị đối với người gốc La Tinh (từ Châu Mỹ La Tinh) và những người khác đã là động lực khiến tay súng ở El Paso đã lái xe hơn cả 8 tiếng đồng hồ đến biên giới để tìm những kẻ “xâm lăng” mà ông đã cảnh cáo. Trong một bản tuyên ngôn, tay súng này đã viết rằng cái nhìn của hắn “có trước” (cái nhìn) của ông Trump), nhưng ngôn từ của hắn lại giống ngôn từ của Tổng thống một cách kỳ lạ. (Tay súng này) viết: “Cuộc tấn công này là một sự đáp trả trước cuộc “xâm lăng” của người nói tiếng Tây Ban Nha tại Texas”. Ít nhứt với tư cách là tổng thống, ông Trump đã “chúc lành” cho những chủ đích đen tối và xấu xa của tay súng này. Có một điều mà chúng ta có thể chắc chắn là Tổng thống sẽ tiếp tục châm ngòi và khích động những  kẻ cuồng dại lao đầu vào những hành động sát nhân nếu ông tiếp tục miệt thị người da đen và da màu.
Ngôn ngữ chống di dân thô lỗ của Tổng thống là điều không thể chấp nhận được. Vấn đề không phải là tư cách thiếu lịch sự, vấn đề cũng không phải các chính sách sai lầm hay cách  ăn nói bỗ bã của ông mà là những lời nói không cần thiết đang ngày càng gây nguy hại cho nhiều người. Nếu ông Trump vẫn tiếp tục tuôn ra những lời nói thóa mạ thì những kẻ uất hận và bị tra tấn như tên giết người hàng loạt tại El Paso sẽ tiếp tục hiểu (những lời nói của) ông một cách nghiêm chỉnh. Và sẽ có nhiều cuộc tắm máu hơn, nhiều mạng sống hơn sẽ bị cướp đi, sẽ có nhiều khổ đau và chấn thương hơn và một lối sống ngày càng xuống cấp hơn cho mọi người Mỹ.
Trump cần phải học bài học khủng khiếp mà tôi đã học được là: lời nói quan trọng, đó là cả vấn đề sinh tử!

(Rob Schenck, My Words Led to Violence. Now Trump’s Are Too

(Rob Schenck  là một mục sư tin lành, đã từng tranh đấu cho Tổ chức Operation Rescue (Chiến dịch Cứu thoát) và nhiều nhóm chống phá thai trên toàn quốc. Ông hiện đang là chủ tịch của Viện The Dietrich Bonhoeffer tại Washington, D.C và tác giả của cuốn sách “Costly Grace: An Evangelical Minister’s Rediscovery of Faith, Hope and Love” (Ân sủng đắt giá: một Mục sư Tin lành tìm lại được Niềm Tin, Hy Vọng và Tình Yêu)


Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Cảm thông: sức mạnh tối thượng!


Chu Thập
3/8/19
Tôi tưởng chỉ có Hoa Kỳ mới vĩ đại. Bên Úc Đại Lợi của tôi, cũng có người sính sự vĩ đại lắm. Trong cuộc bầu cử dạo tháng Năm 2019 vừa qua, tỷ phú hầm mỏ Clive Palmer, sáng lập viên của Đảng Palmer Thống Nhứt sau đổi thành Đảng Úc Đại Lợi Thống Nhứt, đã tung ra khẩu hiệu “Làm cho Úc Đại Lợi vĩ đại” (Make Australia Great). Trong suốt mùa bầu cử, đi đâu tôi cũng thấy khẩu hiệu ấy. Nhưng  người dân Úc xem ra  bằng lòng với tình trạng “miệt dưới” của mình hơn là vươn lên vị trí vĩ đại.
Vĩ đại và làm cho vĩ đại trở lại thì đã có Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump rồi. Ở quốc gia vĩ đại này cái gì cũng đều nhứt hết: kinh tế mạnh nhứt, thất nghiệp thấp nhứt, quân sự mạnh nhứt. Cái gì cũng nhứt hết! Chỉ có điều: gần đây tôi lấy làm lạ không hiểu tại sao trong quốc gia vĩ đại này người dân lại kéo nhau sang Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ để mua thuốc chữa bệnh!
Tôi không rành mấy về hệ thống y tế của quốc gia vĩ đại này. Nhưng sống trong một đất nước mà lúc nào cũng phải ngay ngáy lo tiền thuốc thang đến nỗi phải vác giò chạy sang các nước khác để mua thuốc men chữa bệnh thì phiền quá! Có hơn gì Trung Cộng đâu. Cách đây không lâu, người ta thấy cảnh người dân của quốc gia có nền kinh tế đứng nhì thế giới và đang lăm le qua mặt Hoa Kỳ cũng như muốn  bá chủ thế giới, cũng đua nhau sang Úc Đại Lợi mua sữa dành cho trẻ con. Họ cũng đi thành nhóm, chờ siêu thị vừa mở là vào quơ hết sữa bột trẻ con trên kệ và lắm khi còn dành giựt lẫn nhau. Bát nháo và hết sức khó coi!
Úc Đại Lợi chưa bao giờ vĩ đại và có lẽ cũng chẳng bao giờ muốn vĩ đại cả. Nhưng ít ra ở đây, về phương diện y tế, tôi thấy mình chẳng dám đòi hỏi hơn. Với cái thẻ Medicare, tôi thấy mình thực sự bình đẳng với mọi công dân của đất nước này. Tôi muốn cho ông bác sĩ nào “cà” cái thẻ Medicare là tùy tôi. Thích thì tôi thường xuyên đến gặp. Không thì tôi tìm ông khác. Vô nhà thương công thì cái thẻ Medicare cũng mở mọi cánh cửa cho tôi. Tôi cũng không cần phải trả thêm đồng xu cắc bạc nào. Cầm cái thẻ Medicare, tôi thấy mình thực sự “có giá”. Tôi cũng chưa nghe ai than không có đủ tiền trả tiền thuốc vì với dược phẩm cho những bịnh mãn tính như tiểu đường huyết áp..., chước giảm giá là chuyện đương nhiên.
Phải mất một thời gian dài đi thăm dò, khảo sát và lượng giá, tôi mới chọn được một ông bác sĩ gia đình ưng ý. Cách đây hơn 10 năm, khi mới dọn về nhà mới, thấy trong khu vực mình ở có tên một ông bác sĩ Việt Nam, tôi mừng quá. Dù sao nói tiếng Việt cũng sướng miệng hơn và nhứt là được giải bày tâm sự dễ dàng hơn. Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng. Đi khám bệnh đâu phải chỉ để xin một cái toa hay một giấy giới thiệu để làm siêu âm hoặc chụp quang tuyến X, mà còn để được nâng đỡ tinh thần hay hướng dẫn về một cuộc sống lành mạnh. Nhưng ông bác sĩ Việt Nam trong khu vực mà tôi gặp là người quá kiệm lời. Ông cho tôi cảm tưởng như thể ông là một người máy. Suốt buổi khám bệnh kéo dài không quá 10 phút, ông cứ ngồi gõ lên phím của chiếc vi tính rồi in ra một cái toa để mua thuốc. Thời buổi này, “bác sĩ người máy” kiệm lời như thế không phải là ít. Thành ra, cứ mỗi lần đi khám bệnh, gặp một ông bác sĩ như thế, tôi cảm thấy ấm ức như còn thiếu một điều gì đó. Điều mà tôi cảm thấy thiếu chính là một lời khuyên, lời an ủi, khích lệ, nâng đỡ và nhứt là sự cảm thông. Nếu chỉ để nghe bệnh nhân khai bệnh và cho toa thì tôi nghĩ trong tương lai người máy hay trí khôn nhân tạo giỏi hơn nhiều: bắt mạch chính xác hơn và cho toa chắc chắn cũng bảo đảm hơn! Nhưng người máy đâu có bàn tay để xoa dịu, đâu có cái miệng để an ủi đỡ nâng, đâu có ánh mắt nhân hậu, đâu có lỗ tai để biết lắng nghe những điều bịnh nhân khó bày tỏ và dĩ nhiên đâu có trái tim để cảm thông.
Có lẽ ông tỷ phú Denny Sanford bên Mỹ cũng cảm thấy “ấm ức như còn thiếu một điều gì đó” như tôi mỗi khi đi gặp bác sĩ cho nên mới đây đã tặng 100 triệu Mỹ kim để nghiên cứu giúp các bác sĩ biết “thương người hơn”. Theo một bản tin của báo San Diego Union-Tribune được báo Người Việt trích đăng hôm 23 tháng Bảy vừa qua,  tỷ phú Sanford đã hiến tặng số tiền trên đây cho Đại học San Diego, Tiểu bang California để giúp nghiên cứu về sự đồng cảm và sự cảm thông và nhứt là giúp cho giới y sĩ trau dồi hai đức tính này.  Ông Sandord giải thích: “Các bác sĩ làm việc trong một môi trường trong đó lòng nhân ái được xem là điều thiết yếu. Nhưng đức tính này thường bị lãng quên trong thế giới thực tế phũ phàng của ngành y tế ngày nay. Nếu chúng ta có thể giúp cho các chuyên gia y tế duy trì và phát triển lòng nhân ái của họ, dựa trên sự hiểu biết khoa học thì thế giới sẽ là nơi tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn”.
Hồi năm ngoái, tỷ phú Sanford cũng đã tặng 100 triệu Mỹ kim cho hệ thống đại học quốc gia ở San Diego để nghiên cứu cách dạy cho trẻ con về cách cư xử lịch sự và quan tâm đến người khác với hy vọng giảm bớt tình trạng bạo động, bắt nạt và kỳ thị.
Được biết, lý do chính thúc đẩy tỷ phú Sanford hào sảng hiến tặng tiền của như thế là cuộc gặp gỡ giữa ông và Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi năm 2017, khi nhà lãnh tinh thần này đến Đại học San Diego để đọc diễn văn ra trường cho các sinh viên năm đó. Ông Sanford nhìn nhận rằng chính Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho ông thấy rằng sự cảm thông, lòng nhân đạo, sự tử tế có thể giúp thay đổi  con người và cả thế giới.
Theo tôi, toàn bộ sứ điệp của Đức Đạt Lai Lạt Ma đều xoay quanh hai chữ cảm thông. Thật ra, toàn bộ giáo huấn của Ngài lúc nào cũng toát ra từ con người đầy nhân ái của Ngài. Không biết đạo diễn của phim The Lion King hiện đang được chiếu tại Úc Đại Lợi có tìm được nguồn cảm hứng từ nhà lãnh đạo tinh thần này không, nhưng bàng bạc trong cuốn phim tôi thấy có nhiều thông điệp về sự tử tế, lòng từ ái và sự cảm thông. Bài học đầu tiên mà sư tử cha Mufasa dạy cho cậu con trai Simba của mình trong một cuộc thám hiểm là: “Trong khi những người khác tìm kiếm những gì họ có thể lấy được thì một ông vua đích thực chỉ tìm kiếm những gì mình có thể trao tặng”.
Nhưng bài học cốt lõi của cuốn phim The Lion King có lẽ là những lời thốt ra từ miệng của Sarabi, mẹ của Simba. Sau khi lập mưu giết Mufasa, sư tử em tên là Scar lên tiếm ngôi. Scar không ngừng đeo đuổi Sarabi. Nhưng Sarabi lúc nào cũng cự tuyệt và chống lại Scar, nhứt là mỗi khi hắn lên tiếng phê bình lòng từ ái, sự quan tâm của Mufasa đối với những con thú khác. Sarabi đã dạy cho Scar một bài học: “Sức mạnh đích thực của một quốc vương là sự cảm thông”.
Có lẽ đó là câu duy nhứt tôi đã ghi lòng tạc dạ sau khi đã xem cuốn phim.
Thật ra, cảm thông đâu chỉ là đức tính dành riêng cho bậc vương giả hay các nhà lãnh đạo. Sự cảm thông tiềm ẩn trong lòng mỗi người. Cảm thông cần được đánh thức, đặt lên bệ thờ trang trọng nhứt trong tâm hồn. Bởi vì cảm thông chính là cột trụ của tòa nhà nhân cách, là sức mạnh tối thượng của con người vì không bao giờ bị tiêu diệt. Cảm thông chính là biểu hiện của sự vĩ đại đích thực của một cá nhân cũng như của một đất nước.