Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Chết bởi Dối Trá

 






Chu Văn

Trong những ngày này, cứ mỗi lần nhìn vào những gì đã và đang diễn ra tại Afghanistan, tôi lại thấy cay mắt. Là một người Việt Nam đã từng sống qua những năm tháng hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa kể từ khi cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc để bắt tay với thủ tướng nước này là ông Chu Ân Lai hồi năm 1972, tôi cũng nhìn về  Kabul ngày 15 tháng Tám năm 2021 như  một phiên bản chắc nịch của Sài Gòn ngày 30 tháng Tư năm 1975. Có lẽ chỉ có người Việt Nam mới dành độc quyền trong việc thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau tột cùng hiện nay của người dân Afghanistan. Và có lẽ cũng chỉ có người Việt Nam và người dân Afghanistan mới thấm thía được nỗi chua xót khi bị Hoa Kỳ phản bội. Vì điều được gọi là “quyền lợi” của mình, Hoa Kỳ đã phản bội đồng minh, Hoa Kỳ đã bán đứng đồng minh, Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh. Một người mà tôi đã đặt nhiều tin tưởng và kỳ vọng vào như đương kim Tổng thống Joe Biden, rốt cục cũng đi theo lối mòn cũ là sẵn sàng phản bội đồng minh của mình. Thế giới chưa kịp thấy “Hoa Kỳ trở lại” (America is back) như thế nào thì nay với việc tháo chạy khỏi Afghanistan, người ta chỉ thấy một “Hoa Kỳ trước tiên” (America First) của người tiền nhiệm của ông. Với tôi là một người Việt Nam mà đất nước đã từng bị Hoa Kỳ bỏ rơi cho chết tức tưởi kể từ năm 1972, Hoa Kỳ không phải là một nước đáng tin cậy. Tôi tin chắc rằng người dân Afghanistan hiện nay cũng đều có cùng một cảm nghĩ như tôi.

Một ngày sau khi Thủ đô Kabul thất thủ,  một ký giả Afghan đã từng làm việc cho một số cơ quan truyền thông của Mỹ và hiện đang lẩn trốn, đã gởi đến báo Politico một lá thư ngắn để nói lên nỗi thất vọng của mình về việc Hoa Kỳ bỏ rơi Afghanistan: “Chúng tôi cứ tưởng người Mỹ sẽ không bỏ rơi chúng tôi, nhưng đây là điều xem ra đang xảy ra ngay bây giờ đây. Chúng tôi đã không bao giờ tưởng tượng và tin rằng điều này sẽ xảy ra. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng rằng chúng tôi có thể bị Hoa Kỳ phản bội một cách tồi tệ như thế. Cái cảm giác bị phản bội...Tôi đã dâng hiến cả cuộc đời của tôi cho những giá trị (của Hoa Kỳ). Người ta đã hứa hẹn đủ điều, người ta đã cam kết đủ điều. Người ta đã nói nhiều về các giá trị, về sự tiến bộ, về các quyền, về quyền của người phụ nữ, về tự do, về dân chủ. Tất cả những điều đó đều rỗng tuếch...

Người dân ở đây đã sửng sốt (vì việc Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Afghanistan). Họ đã không bao giờ có thể tưởng tượng được điều đó. Nếu họ (người Mỹ) bỏ rơi chúng tôi, thì có lẽ sẽ có hàng chục ngàn người bị giết chết. Và bạn biết: Hoa Kỳ sẽ không còn có đủ uy tín để đi khắp nơi để nói: “Chúng tôi tin ở nhân quyền. Chúng tôi chiến đấu cho nhân quyền và dân chủ”.

Tôi không màng ông Trump hay Biden, ai là tổng thống Mỹ. Tôi đã đặt tin tưởng vào nước Mỹ. Nhưng theo tôi đây là một sai lầm lớn...

Tôi phó thác số phận của tôi cho Thượng Đế. Bởi lẽ tôi không còn tin tưởng ai nữa”(1).

Một người Afghan khác được may mắn rời khỏi đất nước cách đây không lâu và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Trong một cuộc nói chuyện với một phóng viên của báo The Atlantic, ông cho biết: gia đình ông có 4 anh em trai, tất cả đều phục vụ trong quân ngũ và đã sát cánh với quân đội Mỹ đồn trú tại Afghanistan. Ông và 2 người em kế được đến Hoa Kỳ theo chương trình “Di dân Đặc biệt (Special Immigrant Visa), nhưng người em út còn bị kẹt lại trong nước và hiện đang lẩn trốn trước các cuộc truy lùng của Taliban. Ông đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc, với Bộ ngoại giao, với các thượng nghị sĩ và dân biểu. Ngày nào thức dậy ông cũng theo dõi tin tức và nghe Tổng thống Biden và Bộ ngoại giao nói: “Chúng tôi không hề bỏ rơi đồng minh của chúng tôi”. Người cựu chiến binh Afghan đành thốt lên: “Đây là một lời dối trá hoàn toàn”.

Ở cuối cuộc nói chuyện, ông so sánh Kabul với Sài Gòn cách đây 46 năm: “Tôi đã mất niềm tin. Tôi đã đặt tin tưởng vào một quốc gia mà tôi đã hiến dâng cả cuộc đời cho. Chúng tôi đã chứng kiến những điều đã xảy ra chẳng khác gì ở Sài Gòn vào năm 1975”(2).

Phản bội đồng nghĩa với dối trá. Đây là điều mà cũng như người dân Afghan, tôi đã học được kể từ khi Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1972.

Trong một cuộc vận động bầu cử hồi năm 2020, ứng cử viên Joe Biden đã khẳng định: “Tôi sẽ luôn luôn nói sự thật với quý vị. Đây là trách nhiệm của một tổng thống. Đây là món nợ phải trả cho nhân dân Mỹ”. Và trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20 tháng Giêng năm 2021, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Có sự thật và có những lời dối trá”. Và ông cam kết: “Tôi sẽ luôn luôn tỏ ra thành thật với quý vị”. Cam kết “nói sự thật và chỉ nói sự thật”, ngày 8 tháng Bảy 2021, Tổng thống Biden mở cuộc họp báo để nói về quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan. Ông khẳng định: Taliban không thể nào chiếm được nước này và Sài Gòn 30 tháng Tư năm 1975 sẽ không bao giờ tái diễn cho người dân nước này. Ông nói: “Sẽ không có bất cứ trường hợp nào bạn sẽ thấy dân chúng bị di tản từ mái nhà của một tòa đại sứ” và xét về khả năng, Taliban không thể địch lại với quân đội Afghanistan(3).

Và sự thật đã diễn ra hoàn toàn trái ngược với những khẳng định chắc nịch của Tổng thống Biden. Một chính trị gia lão luyện như Tổng thống Biden lẽ nào không “biết trước” những gì sẽ xảy ra cho Afghanistan khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi nước này. “Các tiết lộ mới đây từ Nhà Trắng cho biết trong quyết định về Afghanistan, Biden đã bất chấp ý kiến của các tướng lãnh, kể cả tổng tham mưu trưởng Mark Milley”(4).

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Anthony Blinken, ký giả Chris Wallace của Đài Fox News  cũng đã “kiểm chứng sự thật” về một số tuyên bố của Tổng thống Biden. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ bảo “tổ chức khủng bố al-Qaeda đã bị tiêu diệt” và ông “không hề nghe bất cứ một lời chỉ trích nào từ phía các nước đồng minh” về việc Mỹ rút quân ra khỏi Afghanistan. Theo ký giả Wallace, Tổng thống Biden đã đưa ra những tuyên bố không đúng sự thật hay đánh lừa dư luận. Ký giả này nói: “Lời nói quan trọng và những lời từ miệng của tổng thống quan trọng hơn cả”(5).

“Lời nói quan trọng và những lời từ miệng của tổng thống quan trọng hơn cả”. Kể từ khi người dân Mỹ đã bầu một tên lưu manh, lừa đảo và dối trá không biết ngượng miệng lên làm tổng thống, Hoa Kỳ chìm ngập trong dối trá. Sự dối trá ăn sâu vào mọi khía cạnh của cuộc sống khiến cho Hoa Kỳ, theo nhận định của nhà bình luận nổi tiếng Francis Fukuyama trong một bài báo được đăng trên báo The Economist, “xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc, rất khó tìm được đồng thuận về bất cứ thứ gì”(6). Tất cả chỉ vì dối trá. Khi người dân của một quốc gia bầu một tên lưu manh, lừa đảo và dối trá không biết ngượng miệng lên làm tổng thống thì có điều gì tệ hại nhứt cho dân tộc đó mà không thể xảy ra.

Dối trá dẫn đến cái chết. Đây là điều mà thế giới đã chứng kiến tại Hoa Kỳ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Với dân số chỉ chiếm có 4 phần trăm dân số thế giới, nhưng Hoa Kỳ “chiếm” đến 20 phần trăm số người chết vì Covid-19. Tất cả chỉ vì những lời dối trá của một kẻ dối trá được dân bầu lên lãnh đạo đất nước. Điều tệ hại nhứt là sau khi đã bị hạ bệ, con người dối trá ấy vẫn tiếp tục nhận chìm gần như cả nước trong dối trá. Người dân bị lừa đảo đã đành, mà cả một đảng chính trị đã từng góp phần  đưa đất nước lên địa vị đệ nhứt siêu cường thế giới nay trở thành khiếp nhược và ngay cả sùng bái một tên ma đầu giáo chủ của dối trá.

Năm 2011, giáo sư kinh tế Mỹ Peter Navarro đã cho trình làng một cuộc nghiên cứu của ông với tựa đề “Chết bởi Trung Quốc” ( Death by China). Theo các nhà phân tích, tác phẩm có nhiều lỗ hổng, bởi vì tác giả không phải là một chuyên gia về “Trung quốc học”. Tuy nhiên tư tưởng chủ đạo trong tác phẩm đã phơi bày một sự thật rất rõ ràng: Trung Quốc đã và đang đầu độc cả thế giới với những sản phẩm độc hại của mình. Nhìn vào xã hội Mỹ hiện nay, tôi cũng muốn nhại lại tựa đề của cuốn sách của ông Navarro để nói rằng quốc gia này đang “chết bởi dối trá”. Đại dịch Covid-19 là một bằng chứng hiển nhiên nhứt. Giàu có nhứt, y khoa cũng tiến bộ nhứt thế giới, lại thừa mứa thuốc chủng ngừa,  nhưng lại bị nhiễm và chết vì Covid-19 nhiều nhứt thế giới. Tất cả cũng vì những lời dối trá của một nhà lãnh đạo dốt nát, ngu xuẩn và vô đạo. Kẻ dối trá ấy lại vẫn tiếp tục lôi kéo người dân vào chỗ chết, như thế giới đang chứng kiến tại rất nhiều tiểu bang Mỹ hiện nay.

Dối trá lúc nào cũng dẫn đến cái chết. Trong đại dịch cũng như trong các toan tính chính trị. Tôi đã trải qua những năm tháng hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa khi bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Tôi đang chứng kiến những gì đang xảy ra cho người dân Afghan khi bị Hoa Kỳ phản bội. Không chỉ có những dân tộc nhược tiểu chết vì sự phản bội của Hoa Kỳ. Chính Hoa Kỳ  cũng đang “giẫy chết” vì dối trá.

Hầu như người Việt Nam nào ở tuổi tôi cũng đều có ở “đầu giường” quyển “Cổ học tinh hoa” do 2 tác giả Nguyễn văn Ngọc và Trần lê Nhân biên soạn hồi năm 1926. Chuyện Việt Nam Cộng Hòa và Afghanistan bị Mỹ  bỏ rơi khiến tôi nhớ tới bài học về cái đỉnh của chữ Tín được ghi lại trong cuốn sách. Thời Đông Chu Liệt Quốc bên Tàu, nước Tề hiếp đáp nước Lỗ. Biết nước Lỗ có một cái đỉnh rất quý, vua Tề bắt phải đem sang triều cống. Vua Lỗ tiếc lắm cho nên mới sai làm một cái đỉnh giả và sai một vị quan là Nhạc Chính Tử mang qua cho vua Tề. Nhạc Chính Tử hỏi: “Tại sao không đưa cái đỉnh thật?” Vua Lỗ báo: “Ta quý cái đỉnh ấy lắm”. Nhạc Chính Tử tâu: “Bệ hạ quý cái đỉnh ấy thế nào thì hạ thần quý cái đức “Tín” của hạ thần như thế”. Vua Lỗ nghe có lý phải đưa cái đỉnh thật ra và Nhạc Chính Tử mới chịu thi hành sứ mệnh của mình.

Một chữ “chi” trong Hán văn, tôi cũng không viết nổi, nhưng lại nhớ một câu của vua Tấn Văn Công thời Đông Chu Liệt Quốc là: “Tín vi quốc chi bảo” được dịch là “Tín là cái báu của cả nước”.

“ Tín là cái báu của cả nước” cho nên cũng là cái báu của mỗi người dân. Đánh mất chữ tín là đánh mất chính mình.

 

 

 

 

 

 

 

 

Chú thích

 

1.”I believed in the U.S. But that turned out to be such a big mistake” https://www.politico.com/news/2021/08/15/afghan-journalist-kabul-504862

 

2.America’sLie https://www.theatlantic.com/international/archive/2021/08/america-afghanistan-taliban-interpreter-contractor/619846/

 

3.Biden campaigned as a truth teller. Afghanistan undermined his credibility https://www.politico.com/news/magazine/2021/08/18/biden-truth-afghanistan-credibility-506192

 

4.Nguyễn Gia Kiểng, Sau Việt Nam 1975, thông điệp Afghanistan 2021 https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/22451-sau-vi-t-nam-1975-thong-di-p-afghanistan-2021

 

5.”Flat wrong”: Fox’s Chris Wallace presses secretary of state on Biden, Afghanistan https://www.yahoo.com/news/chris-wallace-anthony-blinken-afghanistan-biden-174853926.html

 

6. Tương lai quyền lực của Hoa Kỳ: bàn luận của Francis Fukuyama về sự chấm dứt bá quyền của Hoa Kỳ https://baotiengdan.com/2021/08/20/tuong-lai-quyen-luc-cua-nuoc-hoa-ky-ban-luan-cua-francis-fukuyama-ve-su-cham-dut-ba-quyen-cua-hoa-ky/

 

 

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Tự do và Tình người

 


Chu Văn

Thời đại dịch, ở đâu cũng thấy có những hiện tượng giống nhau. Ở đâu cũng có chết chóc, ở đâu cũng có phong tỏa. Nhưng dường như chỉ có ở Việt Nam mới có hiện tượng người dân bỏ chạy. “Chạy đến vô cùng”, như một tác giả ở Sài Gòn đã chua xót ghi nhận. Chạy tứ phía. Già cũng chạy. Trẻ con mới 10 ngày tuổi cũng chạy. Chạy bằng mọi phương tiện, từ xe gắn máy đến xe đạp và ngay cả đi bộ. Chạy đến gần cả ngàn cây số. Ngày chạy, đêm ngủ vất vưởng dọc đường. “Lý do họ rời bỏ Sài Gòn, bởi không còn tin tưởng vào các chính sách chống dịch của nhà cầm quyền, và cũng không đủ sức để cầm cự thêm nữa khi mất việc, không còn gì để sống tiếp nay mai. Hẳn nhiên, chính quyền (thành phố) Hồ Chí Minh đang nợ những con người này một lời xin lỗi, vì đã không cưu mang họ được, qua những tháng ngày này, bất chấp việc tuyên truyền nói dối rằng luôn lo đủ cho mọi người gặp khó khăn”(1).

Dạo đầu tháng Tư năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, các nhà lãnh đạo đang ở “đỉnh cao trí tuệ loài người” đã tung ra tư tưởng và phương châm hành động vô cùng có tính “sáng tạo”: “Chống dịch như chống giặc”. Trên báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, tôi đọc được những lời dẫn giải về phương châm này như sau: “Trước hết, do dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu, có tốc độ lây lan nhanh, không chỉ gây thiệt hại trên mọi lãnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, mà còn khiến số người tử vong ngày càng cao; được coi là vấn đề cấp bách nhất hiện nay”. “Thứ hai, đối với Việt Nam, “trong dịch có giặc”: Đó là các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng việc phòng chống dịch COVID-19 để chống phá cách mạng Việt Nam”(2). Hai tháng sau, trong một bài nói chuyện tại Quốc Hội, thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã “nổ”: “Cột điện ở Mỹ mà biết đi sẽ về Việt Nam”(3).

Nay cột điện ở Mỹ chưa kịp về Việt Nam mà người dân trong nước thì đã tháo chạy. Có người đã gọi đây là chuyến “di tản thứ ba” của lịch sử Việt Nam(3). Nhưng theo tôi, đúng với phương châm “chống dịch là chống giặc” của Việt Nam, việc người dân trong nước “tháo chạy” quả là một cuộc “chạy giặc”.

Bất cứ nơi nào trên thế giới, hễ có chiến tranh là có “chạy giặc”. Nhưng có lẽ chưa có dân tộc nào “chạy giặc” nhiều cho bằng người Việt Nam. Trong ký ức của tôi, kể từ năm 1954 đến nay, người dân Việt Nam “chạy giặc” không biết bao nhiêu lần. 7 tuổi, tôi đã chứng kiến cảnh người Bắc “chạy giặc” vô Nam. Từ đó cho đến năm 1975, tôi cũng đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần, hễ cứ mỗi lần có du kích hay cộng quân xuất hiện là người dân bỏ chạy. Tôi không được tận mắt chứng kiến cuộc di tản của người Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhưng tại thành phố Nha Trang của tôi vào ngày mùng một tháng Tư năm đó, tôi đã cảm nghiệm được thế nào là “chạy giặc”. Từ cao nguyên, từ những vùng tuyến đầu của miền Trung, bằng mọi phương tiện, người ta đổ xô về Nha Trang và từ đó bồng bế nhau, dẫm đạp lên nhau  để “chạy” bán sống bán chết vào Miền Nam.

Người dân Việt Nam đã “chạy giặc”. Và dĩ nhiên, “giặc” ở đây chỉ có thể là “ giặc cộng”. Nơi nào lá cờ “ giải phóng” được giương lên, nơi nào hai chữ “tự do” được hô hào, người dân Việt Nam liền “chạy giặc”!

Thành phố Sydney, thủ phủ của Tiểu bang New South Wales, Úc Đại Lợi và những thị trấn ở vòng đai của thành phố này cũng như thủ phủ của một số tiểu bang khác, hiện đang bị phong tỏa vì đại dịch. Bị cấm cố trong nhà có lúc tôi cũng cảm thấy bị quẫn trí. Tôi thèm được tự do, nhứt là tự do lái xe đi câu cá ở những nơi mình muốn. Thèm được tự do cho nên đầu óc tôi cứ lẩn quẩn với hai chữ tự do.

Trong ngôn ngữ loài người có lẽ không có gì hàm hồ, bị đánh tráo và  “hãm hiếp” cho bằng hai chữ tự do. Đối với những ai đã từng sống dưới một chế độ cộng sản, tự do hay giải phóng chỉ đơn thuần có nghĩa là nô lệ, tù đày, kiềm kẹp và chạy giặc, mà cụ thể là vượt biên, cũng đơn thuần có nghĩa là đi tìm tự do và sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để được tự do.

Tôi đã cảm nghiệm, đã nếm trải thế nào mới thực sự là tự do kể từ khi được đặt chân vào trại tỵ nạn ở Galang, Nam Dương hồi cuối năm 1981. Khi vừa nhập trại, người tỵ nạn nào cũng nghe vọng lại từ một loa phóng thanh: “Đây Galang, ngưỡng cửa của Tự Do và Tình người xin chào đón các bạn”. Kể từ đó, ngoài quyền tự do thật sự, tôi còn nhận ra một hàm ý khác của tự do là Tình người. Phải chăng , con người chỉ thực sự hiểu  được thế nào là tự do khi họ cảm nghiệm và thực thi tình người.

Là một người tỵ nạn, tôi đã hiểu được thế nào là tự do. Nay trong cơn đại dịch, tôi lại bị buộc phải suy nghĩ về hai chữ tự do dưới một ý nghĩa khác. Hầu như ở đâu cũng thế, hễ cứ có phong tỏa để phòng chống dịch là có người đòi hỏi tự do. Điển hình là ở Mỹ. Buồn cười nhứt là dưới thời của Tổng thống Donald Trump, khi có một số tiểu bang ban hành lệnh phong tỏa, một số người đã xuống đường biểu tình chống lại các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giữ giãn cách xã hội và tránh tụ tập đông người và ngay cả chích ngừa. Có người còn lên kế hoạch bắt cóc những thống đốc nào ban hành lệnh phong tỏa. Riêng ông tổng thống thì lại hô hào người dân đứng lên “giải phóng” những tiểu bang nào ra lệnh phong tỏa(5). Nghĩ lại những năm tháng sống dưới chế độ cộng sản, cứ nghe hai chữ “giải phóng” là tôi thấy run.

Cũng may, ở Úc Đại Lợi của tôi, chưa thấy ông Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi dân chúng xuống đường chống lại lệnh phong tỏa của các tiểu bang. Nhưng theo dõi cảnh hàng ngàn người dân Sydney xuống đường chống phong tỏa dạo cuối tháng Bảy vừa qua, tôi cũng cảm thấy “run” khi nhìn thấy không một người nào trong đám đông đeo khẩu trang. Bên cạnh một số biểu ngữ có nội dung tôn giáo như “Máu Chúa Giêsu là thuốc chủng ngừa của tôi” (The blood of Jesus is my vaccine), tôi còn đọc được “mấy không” trên những chiếc áo thun của đoàn người biểu tình như “không đeo khẩu trang” (unmasked), “không xét nghiệm” (untested), “không chích ngừa” (unvaxxed), “không sợ” (unafraid)...Các cuộc điều tra của cơ quan y tế ở Úc đã cho thấy: những cuộc biểu tình chống lại lệnh phong tỏa như thế là đầu mối của những cuộc lây lan vô tội vạ. Hầu hết  báo chí và các cơ quan truyền thông Úc đều gọi những người tham gia biểu tình như thế là ngu xuẩn và ích kỷ (idiotic and selfish).

“Ngu xuẩn” là phải bởi vì người ta lao mình vào cửa tử vì nghĩ rằng tự do là muốn làm gì thì làm. “Ích kỷ” là bởi người ta không nghĩ đến những hệ lụy mà hành động đòi hỏi tự do của mình có thể có đối với người khác. Không gì “ngu xuẩn” và “ích kỷ” khi đòi hỏi cho bằng được thứ tự do muốn làm gì thì làm!

Suy nghĩ về hai chữ tự do, tôi cũng thường nghĩ đến một trong những triết gia nổi bật nhứt của chủ nghĩa hiện sinh là Jean Paul Sartre (1905-1980). Trong một trong những tác phẩm tiêu biểu nhứt của ông là “Hữu thể và Hư vô” (L’Etre et le Néant) xuất bản hồi năm 1943, ông có viết một câu: “con người bị kết án phải được tự do” (l’homme est condamné à être libre). Thú thật, cho tới nay tôi vẫn chưa hiểu được hoàn toàn một tư tưởng cao siêu như thế. Cũng như Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã từng thú nhận khi viết về tác giả Phạm Công Thiện (1941-2011) “ông là người có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả”, cũng thế, tôi cũng đã từng say mê triết gia Jean Paul Sartre, nhưng hiểu được tư tưởng của ông về thế nào là tự do, “chết liền”!  Về triết gia nổi tiếng này, tôi chỉ biết có một số biến chuyển chính trị đáng chú ý: ông đã từng say mê chủ nghĩa cộng sản. Tuy không bao giờ gia nhập đảng cộng sản Pháp, ông thường lên tiếng ủng hộ Liên Xô và những chính sách của chế độ cộng sản Nga. Năm 1954, ông sang  Nga để thấy tận mắt thế nào là xã hội chủ nghĩa. Nhưng 2 năm sau, tức năm 1956, khi Liên Xô đem quân sang xâm chiếm Hung Gia Lợi, Jean Paul Sartre đã mạnh mẽ lên án đế quốc đỏ và năm 1968, khi Liên Xô đưa quân sang đè bẹp cuộc nổi dậy “Mùa Xuân Praha” ở Tiệp Khắc, ông mới thực sự giã từ giấc mơ xã hội chủ nghĩa. Và năm 1979,  cảm động không ít  khi ông cùng với các nhà trí thức Pháp tham gia phát động phong trào cứu vớt người Việt tỵ nạn cộng sản. Hai chữ tự do mà ông đã từng nêu cao có lẽ giờ đây đã gắn liền với tình người.

Trong cơn đại dịch, tôi ý thức về tự do của tôi hơn bao giờ hết. Cái lẽ thường và lý trí lúc nào cũng mách bảo tôi, như ai đó đã nói, rằng tự do của tôi chấm dứt khi nó chạm đến mũi của người khác. Ký giả Mỹ gốc Do Thái Hannah Arendt (1906-1975), người đã từng sống dưới chế độ Đức Quốc Xã Đức, đã nhắc nhở tôi điều đó. Trong cuốn sách có tựa đề “Con người trong thời kỳ đen tối” (Men in Dark Times), bà cảnh cáo chúng ta không nên rút lui vào vỏ ốc của mình . Bà nhắc lại rằng theo người La Mã thời xa xưa, sống là “sống giữa người khác” và chết là “thôi hiện hữu giữa người khác”. Theo bà, co cụm trong vỏ ốc riêng tư của mình, nghĩa là chỉ nghĩ đến mình, là đánh mất nhân tính của mình. Đây chính là chân lý mà tôi đã cảm nhận được khi đặt chân đến trại  Galang, Nam Dương, “ngưỡng cửa của Tự do và Tình người” để khởi đầu cuộc hành trình làm người tỵ nạn và cố gắng sống như một người tự do thật sự.

 

 

 

 

Chú thích:

1.Nguyễn Tuấn Khanh: chạy đến vô cùng. http://www.danchimviet.info/chay-den-vo-cung/08/2021/23538/

2.Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, “Chống dịch như chống giặc” https://dangcongsan.vn/tieu-diem/chong-dich-nhu-chong-giac-551842.html

3. Kalynh Ngô,chuyến “ di tản thứ ba” của lịch sử Việt Nam, Kalynh Ngô/Người Việt https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/chuyen-di-tan-thu-ba-cua-lich-su-viet-nam-bo-chay-khoi-sai-gon/

4.Đài Á Châu Tự Do https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-people-in-the-us-have-no-intention-of-settling-down-in-vn-dt-06092020140437.html

5. https://www.abc.net.au/news/2020-04-18/usa-protests-for-coronavirus-reopening-after-donald-trump-tweet/12160930