Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Những Người Muôn Năm Cũ…



                                                                            


Trong “cơn sốt” World Cup, ít có người Việt nam nào mà không cảm thấy “nóng” lên. Có thể nói, đây là một cái “Đạo”. Chẳng cần phải thuyết pháp hay rao giảng mà vẫn có thể chiêu mộ được tín đồ. Bất kể nửa đêm gà gáy, bất luận già trẻ hay nam nữ, tín đồ của “đạo bóng đá” luôn sẵn sàng “tỉnh thức” và “tử đạo” vì niềm tin của mình!
Đến Mỹ nhằm vào những dịp có giải “football” toàn quốc, thấy người ta chúi mũi vào màn ảnh truyền hình, đi đâu cũng nghe bàn tán và cá cược về môn này, tôi cũng định “cải đạo” thử. Nhưng dù có được giải thích cách mấy và có cố gắng theo dõi bao nhiêu trận đấu, tôi cũng không thể nào trở thành tín đồ của môn này được. Gọi là “football”, nhưng chỉ thấy người ta ôm banh chạy; cầu thủ thì trang bị bằng áo giáp và mũ sắt trông bắt khiếp. Mỗi lần thấy từng đống thịt đè lên nhau là tôi thấy như chính xương cốt của mình bị vỡ ra từng mảnh.
Đến Úc, tôi cũng muốn nhập gia tùy tục. Thấy người ta say mê môn “football” (dĩ nhiên cũng theo lối Mỹ) và Rugby, tôi cũng cố gắng tìm hiểu để gọi là “hội nhập”. Nhưng lại cũng cái màn lấy thịt đè lên nhau. Tôi cứ thắc mắc: không hiểu tại sao người ta lại mê mấy cái môn thể thao lấy thịt đè người này. Riêng cái môn “cricket” thì tôi chịu thua. Tin tức thể thao của SBS tivi ngày nào cũng thấy nói đến. Tôi cũng đã nhờ người giải thích về luật chơi và nghệ thuật của môn này. Tuyệt nhiên, tôi vẫn thấy nó “boring”. Mỗi lần theo dõi một trận đấu, tôi không chú ý đến các tuyển thủ cho bằng phản ứng của khán giả. Thấy họ hò hét mới biết mình vẫn mãi mãi là một tên “ngoại đạo”. Quả tình, nếu có so sánh thể thao với tôn giáo thì cũng chẳng “phạm thượng” cho lắm: tín đồ của một môn thể thao thì thành tín còn kẻ ngoại đạo thì dửng dưng. Cứ nhìn vào một trận đấu quyền anh hay võ thuật nào thì thấy rõ ngay: trong khi mình cảm thấy “xót xa” và ngay cả “đau đớn” cho các võ sĩ, thì vẫn có những kẻ reo hò cổ võ hết mình!
Thôi thì đành theo nguyên tắc “chớ có đụng đến niềm tin tôn giáo” hay “về sở thích thì chớ nên tranh cãi”. Tôn trọng sở thích của người khác, tôi vẫn thấy niềm tin “bóng đá” của tôi là nhứt.
Tính từ năm 1966, tức năm màn ảnh truyền hình bắt đầu xuất hiện tại miền Nam Việt nam, cho đến nay, tôi đã theo dõi hầu như mọi Giải Túc Cầu Thế Giới. Chỉ trừ có năm 1978, khi nhà nước cộng sản Việt nam đoạt mọi thứ “cup” trong đó có “cúp điện”, tôi đành phải “treo mắt”.
Cứ mỗi lần World Cup đến, tôi vừa thấy “nôn nóng” lại cũng vừa “ngậm ngùi” xót xa. Kể cả lần này là tổng cộng 12 mùa World Cup “đi qua đời tôi”. Con số 12 nghe chẳng là bao, nhưng cũng mất hơn 44 năm. Trong 44 năm đã có biết bao nhiêu “vật đổi sao dời”. Điều này thật đúng với các danh thủ túc cầu: có biết bao nhiêu “ngôi sao” chỉ xẹt qua như một sao băng rồi tắt ngụm. Trên sân khấu chính trị, nhiều người hết đóng vai này đến vai khác. Nhưng trên sân cỏ thì hầu hết các danh thủ chỉ xuất hiện một thời gian rồi phải rút lui vào bóng tối: có “vô địch” như Pelé thì cũng chỉ có mặt trong 4 World Cup. Thỉnh thoảng “cầu vương” này cũng được nhắc đến, nhưng không phải vì “đôi chân vàng” của ông. Chẳng hạn như cách đây vài năm, công ty dược Pfizer ở New York, Hoa kỳ, vốn là “mẹ đẻ” của thuốc Viagra, đã tiếp xúc và nhờ ông đứng ra vận động để phe đàn ông bất lực hãy tự đánh tan mặc cảm mà tìm phương cách chữa trị. (x. Vĩnh Phước, Phiếm 2006)
Nổi tiếng không kém Pelé, “bàn tay của Chúa” Maradona của Argentina trong World Cup 1986* cũng nghe nhắc đến. Cho dầu đang dẫn dắt đội tuyển quốc gia, Maradona vẫn không xóa hết được những thành tích về nghiện ngập và cách cư xử thô lỗ của mình.
Đa số các danh thủ túc cầu chỉ xuất hiện trong một vài World Cup và từ giã sân cỏ để đi vào “quá khứ”. Mỗi lần theo dõi World Cup, tôi thường liên tưởng đến Truyện Thủy Hử: nhân vật nào cũng thế, hễ chết đi là liền được “phong thần”. Mấy “ông thánh” trong “đạo bóng đá” của tôi cũng vậy: cứ sau một vài World Cup, họ đều trở thành “huyền thoại”. Chính vì vậy mà mỗi lần World Cup đến, tôi vừa thấy “nôn nao” lại cũng vừa “ngậm ngùi” nhớ thương những “thần tượng” đã một thời tỏa sáng trên sân cỏ. Nhìn sân cỏ mà chợt nhớ đến ông đồ Vũ Đình Liên (1913-1996): Mỗi năm Xuân về, bao nhiêu người thuê viết câu đối Tết tấm tắc khen tài. Rồi mỗi năm mỗi vắng. Người ta quên Ông Đồ vẫn ngồi đấy. “…Năm nay, đào lại nở. Không thấy ông đồ xưa. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?” Dân mộ bóng đá cũng nhanh chóng “thân quen” với những cái tên mới và quên mất những đôi chân từng làm rung chuyển sân cỏ.
Kể ra cũng thật là mỉa mai. Thể thao vốn là một sinh hoạt không chỉ để giải trí, mà còn để khuyến khích con người sống khỏe và yêu đời. Vậy mà cứ mỗi độ World Cup trở về, tôi lại thường bị ám ảnh bởi “tuổi già sồng sộc đang đến”. Cứ mỗi lần nghĩ đến những “huyền thoại” túc cầu của mấy World Cup trước, tôi lại tự hỏi: không biết mình sẽ còn xem được bao nhiêu World Cup nữa?
Túc cầu lại vô tình gợi lên cho tôi những suy nghĩ về tuổi già.
Ngày xưa, bước vào tuổi 50, người ta đã tự nhận mình là “người già”. Tam Nguyên Yên Đổ mới có 53 tuổi đã than thở: “Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ. Nay đã năm mươi có lẻ ba.” Có lẽ vì thường ít vận động, lại trọng việc đèn sách, khi mở miệng thường phải tỏ ra đạo mạo, cho nên các cụ đồ ngày xưa khó có thể có được một thể xác trẻ trung lành mạnh. Cộng thêm trình độ vệ sinh, kiến thức khoa học và y tế giới hạn, nên sống lâu không phải ai cũng có. Mới 50, 60 tuổi đã mừng thọ, 70 tuổi thì đã vội làm lễ thượng thọ. Ngày xưa, không rõ trong Kinh Thánh của Do thái giáo, người ta tính tuổi như thế nào mà có người sống đến cả 8, 9 trăm tuổi! Ở Trung quốc, 30 tuổi đã coi là già. Còn Việt nam, ngay cả vào thời Pháp thuộc, tuổi thọ trung bình cũng chỉ là 32.
Ngày nay, tại Việt nam cũng như ở hải ngoại, tuổi thọ trung bình đã kéo đến trên 60. Có người ở tuổi 80 vẫn còn hoạt động năng nổ. Khái niệm “già” cũng thay đổi. Về kinh tế, già có khi được định nghĩa như tuổi “về hưu”, mất sức, hết làm việc. Nhưng thực ra, những người về hưu đa số vẫn còn làm việc tích cực, có khi còn có hiệu quả hơn nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm.
Nhưng bao nhiêu mới gọi là “già”? Từ năm 1980, Liên hiệp quốc coi tuổi 60 trở lên là tuổi già. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, tính đến năm 2020, số người ở độ tuổi này sẽ là một tỷ người. Mục tiêu của thế kỷ này sẽ là cải thiện cuộc sống của người già mà sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu. (xem Đỗ Hồng Ngọc, Cành Mai Sân Trước)
Cứ như 6 bó trở lên là già, thì tôi thấy mình đã có quyền thì thầm “buồn ơi, chào mi” từ vài năm nay rồi.
Theo tâm lý chung, ở đâu và thời nào cũng thế, con người thường không muốn chấp nhận thực tế. Hãy thử nhìn vào cách con người đối diện với một thực tế không thể trốn chạy được là cái chết. Ngôn ngữ nào xem ra cũng muốn tránh né. Thời xa xưa, người La mã gọi người chết là người “đã sống” (vixit). Ngày nay, hầu như ngôn ngữ nào cũng gọi người chết là người đã ra đi, đã mãn phần, khuất núi, tạ thế, từ giã cõi đời, băng hà, đã về với ông bà tổ tiên hay theo ngôn ngữ “nhà đạo”: “đã hoàn tất cuộc hành trình dương thế”. Cứ như chẳng có ai “chết” cả!
Cái thực tế tuổi “già” cũng rất thường bị chối bỏ hay che đậy. Có người “lụ khụ”, tâm hồn mệt mỏi lết theo thân xác, nhưng vẫn muốn che đậy thực tế bằng cách tân trang “dàn đồng”. Cũng có khi người ta dùng sự lạc quan để “chuyển hướng” cái nhìn về tuổi già như Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã kể lại trong một bài viết, khi ông gọi giáo sư âm nhạc học Trần văn Khê là “một ông già dễ thương”. Ông Khai Trí, chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975, liền phản đối. Theo ông, “lúc 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ, 30-40 hãy còn trẻ, 50-60 trẻ không ngờ, 60-70 trẻ lạ lùng và trên 70 là trẻ vĩnh viễn. Có cái gì là già đâu!” (sđd)
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng trích dẫn cuốn sách có tựa đề “Biết tự Chăm Sóc Sức Khỏe để có một Tuổi Già Khỏe Mạnh” của một nhóm bác sĩ Pháp. Nhóm bác sĩ này cho rằng năm tháng không có nghĩa lý gì. Nó chỉ là yếu tố phụ. Có những người già mới 20 tuổi vì không còn niềm tin và hy vọng và có người ngoài 80 vẫn còn trẻ vì đầy ắp những niềm tin và hy vọng, những kế hoạch không chỉ cho năm sau, tháng sau, mà còn cho ngày mai, ngày mốt...Nhóm bác sĩ này khẳng định: “Tâm hồn không bao giờ già. Nó trẻ vĩnh viễn!” Có người còn chơi chữ: “Age is mostly a matter of mind. If you don’t mind, it doesn’t matter.” Theo tinh thần chơi chữ, cũng có thể dịch sang tiếng Việt: “Tuổi tác là chuyện cái tâm. Nếu bạn không thèm quan tâm, thì tuổi tác chẳng nhằm nhò gì.”
Thật ra, tuổi tác không chỉ là chuyện của cái tâm. Ngày nay, nhờ dinh dưỡng, nhờ điều kiện y tế, nhờ tập luyện, nhiều người trên 6 bó trông vẫn còn tráng kiện như thanh niên. Tôi quen với một bà “y tá già” 72 tuổi còn làm việc tuần ba ngày và bơi 250 mét mỗi sáng tại bãi biển Dee Why kể cả giữa Đông!
Nhà văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường đã viết đại ý như sau: “Nghe một ông lão còn khang kiện khoe mình còn trẻ hoặc nghe người ta khen ông còn trẻ, tôi nghĩ có sự lầm lẫn về ngôn ngữ ở đây. Phải nói “già mà khỏe” mới đúng chứ! Già mà khỏe là hạnh phúc nhất của con người, như vậy mà gọi là trẻ chả hóa ra làm giảm giá trị của hạnh phúc đi ư? Không gì đẹp bằng một người già minh mẫn, hiền từ, khỏe mạnh, ôn tồn bàn về thế sự một cách từng trải.” (trích Đỗ Hồng Ngọc, Cành Mai Sân Trước)
Đọc những dòng trên đây, tôi cảm thấy an ủi. Lâu nay, tôi thường bị cám dỗ chối bỏ cái thực tế “lão hóa” của mình. Tôi quên mất lời Đức Phật dạy “sinh lão bệnh tử”. Tôi không muốn chấp nhận rằng già cũng là một giai đoạn tất yếu của đời người. Có sinh thì có tử. Có trẻ thì phải có già. Đó là nhịp điệu thường hằng của vũ trụ. Một “huyền thoại” túc cầu, một “đôi chân vàng” hay một “bàn tay của Chúa” cũng không tồn tại được hơn năm ba mùa World Cup thì với “quá trình” 12 lần làm…khán giả của tôi phải được coi là “kỳ tích”!
Tôi đang nhìn vào ngôi vườn sau nhà. Vài chiếc lá đỏ vàng cuối cùng còn đong đưa trên mấy cây maple. “Mùa thu qua đi, cây cối vẫn còn nguyên lá trên cành. Cho đến khi cơn gió mùa đông đến, làm cây trút lá, trơ lại những cành cây khẳng khiu. Một người già có thể, một hôm nào đó, một cơn bệnh hoạn xuất hiện làm cho lộ rõ tuổi già. Không phải lỗi của cơn gió. Chúng ta đã vào cái tuổi già mà chẳng hay biết. Vậy thì thà chấp nhận có một tuổi già. Chủ động, tích cực chuẩn bị chờ đón nó, tìm hiểu nó, không tốt hơn là để cho nó đến đột ngột như cơn gió mùa đông làm lộ những cành cây khẳng khiu ư?” (Andre Maurois, trong “Nghệ Thuật Già”)
Tôi đã bắt đầu đi vào “cơn sốt” của World Cup. Năm nay tôi sẽ theo dõi càng nhiều trận đấu càng tốt! Cứ coi như đây là cái World Cup cuối cùng trong đời tôi. Tôi phải “hết lòng’ tận hưởng nó. “Những người muôn năm cũ” của những World Cup trước không còn nữa. Nhưng họ như vẫn nhắc nhở tôi rằng già là chuyện…tất nhiên. Già không phải là một cái bệnh. Hãy đón nhận nó. Hãy sống vui, sống khỏe thay vì nhớ tiếc dĩ vãng hay mơ mộng tương lai để một ngày giật mình thốt lên như Trịnh Công Sơn: “nhìn lại mình đời đã xanh rêu.”
Đối với tôi, tuổi nào cũng vẫn có quyền làm “vua sân cỏ”: Không còn cái thời thanh niên sút bóng vào lưới, tôi vẫn có thể dùng những đường banh ngày nào để hào hứng hóa những giờ phút tập thể dục của tôi như một cam kết không thể thiếu cho tuổi già. Và nhứt là bớt đi “mặc cảm tội lỗi” vì mải mê theo trái bóng trên màn hình.
 Chu Thập, World Cup 2010






Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Hãy vươn lên như phượng hoàng



Cặp song sinh Hope và Faith
Mấy ngày qua, trên thế giới có 2 cặp song sinh vừa lọt lòng mẹ đã lôi kéo được một sự chú ý đặc biệt. Theo tin của hãng thông tấn AP, hôm thứ Sáu 10 tháng 5 vừa qua, tại tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ, hai cô bé sinh đôi được đặt tên là Jillian và Jenna, tuy chỉ mới được 33 tuần tuổi, đã chào đời bằng một cử chỉ đã khiến cho các nhân viên y tế trong phòng hộ sinh phải khóc vì cảm động: hai em đã nắm tay nhau khi ra khỏi lòng mẹ bởi vì hai em chia nhau một bọc thai và nhau. Các bác sĩ nói rằng trường hợp này chỉ xảy theo tỷ lệ một trên 10 ngàn.
Nhưng cũng cùng thời gian, cách nửa vòng trái đất, tại Sydney, Úc Đại Lợi, một cặp song sinh khác đã tạo ra nhiều sửng sốt và cảm xúc hơn. Đó là trường hợp của hai em bé gái song sinh được cha mẹ đặt tên là Hope (Hy vọng) và Faith (Niềm tin). Hai khuôn mặt giống như như đúc này chia nhau một trái tim, một thân xác, có cùng tứ chi và một cái đầu, nhưng lại có riêng  bộ não. Theo tường thuật của báo chí Úc, cha mẹ của hai em đã có 7 đứa con. Trong một lần đi siêu âm khi hai em được 19 tuần tuổi, hai ông bà mới được báo tin rằng hai đứa con song sinh của họ sẽ chào đời trong một tinh trạng mà y học gọi là “diprosopus”, nghĩa là có hai mặt trong cùng một cái đầu và một thân thể. Cho tới nay, chỉ có 35 trường hợp “dị thai” như thế được ghi nhận trong lịch sử thế giới. Các bác sĩ chẩn đoán đã khuyên ông bà nên hủy bỏ bào thai, nhưng họ quyết định bảo vệ mạng sống của hai đứa con mình cho tới cùng.
Mẹ của hai em đã nói với báo “Woman’s Day” (Ngày Phụ Nữ) rằng cho dẫu hai em chỉ có một thân xác, nhưng họ vẫn gọi hai em là song sinh. Bà nói: “Với chúng tôi, hai em là những đứa con gái và chúng tôi yêu thương chúng”. Đặt cho hai đứa con hai cái tên đầy ý nghĩa là “Hy vọng” và “Niềm tin”, cha mẹ của hai em bé này hẳn muốn nhắn gởi với thế giới một thông điệp: mạng sống con người, dù được sinh ra và lớn lên trong bất cứ điều kiện nào cũng luôn đáng được trân trọng và yêu thương.
Tôi cũng thường xem thông điệp trên đây như một thứ “kinh tin kính” của riêng tôi để, gặp gỡ bất cứ người nào, nhứt là những người tàn tật hay dị hình, tôi luôn tự nhủ: mỗi một con người sinh ra trên cõi đời này đều là một nhân vị độc nhứt vô nhị đáng được tôn trọng và yêu thương. Chính sự khác biệt ấy làm cho thế giới này được thêm phong phú và đẹp đẽ hơn.
Có lẽ đây là ý tưởng đã được gợi lên cho tôi khi theo dõi Giải ca nhạc Eurovision năm nay, 2014 và được biết người được trao tặng giải nhứt là một ca sĩ người Áo có tên là Conchita Wurst với ca khúc “Rise like a phoenix” (hãy vươn lên như một phượng hoàng). Khi ca sĩ này xuất hiện trên sân khấu, tôi muốn “bật ngửa” người ra sau: người ngợm gì trông lạ quá!  Rõ ràng đây là một người đàn bà, với chiếc áo đầm dài phủ chân của đàn bà, với mái tóc của đàn bà, với thân thể của đàn bà, với giọng ca và tiếng nói của đàn bà, nhưng lại mang một bộ ria mép và râu quai nón đen sì.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho “Wiwibloggs.com”, người ca sĩ đoạt giải nhứt Eurovision năm nay cho biết cô chào đời tại Colombia, Nam Mỹ và được cha mẹ đặt tên là Tom Neuwirth. Sau đó gia đình di cư qua Đức. Cách đây 4 năm cô đã kết hôn với một người Pháp tên là Jacques và hai người đã quyết định chọn Áo làm quê hương.
Giải thích về tên mới của mình “Conchita Wurst”, người ca sĩ này cho biết: “Conchita” trong tiếng Tây Ban Nha nói lên “nữ tính” của cô. Còn “Wurst” trong tiếng Đức có nghĩa là “dồi hay xúc xích”. Theo tiếng lóng, từ này còn chỉ cơ quan sinh dục của đàn ông. Có lẽ với tên gọi mới này, người ca sĩ này muốn nói lên tất cả con người của mình chăng: một nửa là đàn ông, một nửa là đàn bà!
Nói về quê hương mới của mình là nước Áo, quốc gia mà cô đã đại diện tại Eurovision, Conchita Wurst cho rằng đây là đất nước rất khoan nhượng và cô muốn  được làm một “sứ điệp” bằng xương bằng thịt về lòng khoan nhượng ấy. Như cô đã nói với “Wiwibloggs.com”, “tôi là tôi” hay “hãy là chính mình” là thông điệp mà cô muốn nhắn gởi tại Eurovison năm nay và cho toàn thế giới.
Ca khúc do chính người ca sĩ này sáng tác để trình diễn trong đêm chung kết tại Eurovision đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa của thông điệp ấy. Tôi đặc biệt thích những câu được lập đi lập lại như: “Hãy vươn lên một phượng hoàng, ra khỏi tro tàn, không phải để trả thù, mà để được ân thưởng, bởi lẽ một khi tôi được biến đổi và tái sinh, các bạn biết rằng tôi sẽ vươn lên như một phượng hoàng...”
Nhưng cuối cùng, cảm kích nhứt đối với tôi vẫn là thông điệp mà Conchita Wurst muốn nhắn gởi cho người Áo hay người Âu Châu nói chung: “Hãy sống và hãy để (cho người khác) được sống, mà không thỏa hiệp”.
Người Âu Châu nói chung và người Đông Âu, cách riêng người Belarus và người Nga, hẳn đã nhận được thông điệp này. Trước khi diễn ra Eurovision 2014, tại Đông Âu đã có một số người ký thỉnh nguyện thư yêu cầu Belarus và Nga ngưng chiếu những lần trình diễn của Conchita Wurst. Thế giới đã biết rõ lập trường cứng rắn đến độ cực đoan của nước Nga đối với những người đồng tính. Gần đây, thế giới lại càng thấy bộ mặt bất khoan nhượng và ngang ngược của tổng thống Wladimir Putin qua hành động xâm chiếm Crimea của Ukraine và gây bất ổn cho nước này khi xách động những cuộc nổi dậy của người gốc Nga tại nước này.
Thế giới sẽ không bao giờ quên được hành động diệt chủng của Hitler và Đức Quốc Xã đối với người Do Thái. Thật ra, tội ác của Đức Quốc Xã không chỉ là tiêu diệt người Do Thái, mà còn muốn xóa sạch ít nhứt là khỏi một nước Đức “siêu nhân” tất cả những thành phần khuyết tật và bệnh hoạn. Tựu trung, triết lý về “siêu nhân” mà dựa vào đó, Hitler xây dựng chủ nghĩa Đức Quốc Xã, có chủ trương tiêu diệt những khác biệt về chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ. Ý chí thống trị, xét cho cùng, cũng chỉ là mặt trái của óc bất khoan nhượng. Muốn thống trị trên người khác tức là muốn chối bỏ những khác biệt của người khác để áp đặt ý thức hệ, cái nhìn hay ngay cả niềm tin tôn giáo của mình.
Thế giới đã thấy được bộ mặt khủng khiếp của bất khoan nhượng trong các phong trào hồi giáo cực đoan. Nhân danh Đấng “Allah”, người ta xem tất cả những người không đồng tôn giáo với mình là bọn “ngoại đạo, bất trung” cần phải tiêu diệt.
Thế giới cũng đã sờ được bằng xương bằng thịt đầu óc bất khoan nhượng qua các chế độ cộng sản toàn trị. Trong các chế độ này, không ai có quyền được suy nghĩ khác với Đảng, với Bác, với các thánh Mác Lê.
Người ta tưởng những chế độ như thế đã sụp đổ và chủ nghĩa bất khoan nhượng đã được chôn vùi trong hố rác của lịch sử sau khi các chế độ cộng sản đã sụp đổ tại Đông Âu và Liên Xô. Nhưng cho dù một số chế độ cộng sản còn rơi rớt lại trên thế giới đã thay da đổi thịt, đã chạy theo kinh tế thị trường, óc bất khoan nhượng vẫn còn đó.
Cờ búa liềm đã được xé bỏ tại Nga, thẻ đảng đã được quăng vào sọt rác, nhưng một Wladimir Putin vẫn hành xử theo cung cách của một nhà độc tài bất khoan nhượng: trong nước thì ông đàn áp những nhà bất đồng chính kiến, ngoài nước thì ông ngang nhiên đi cướp đất của nước khác với thái độ vừa ăn cướp, vừa đánh trống, vừa la làng.
Tại Á Châu, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc cũng theo cùng một sách: trong nước thì trắng trợn chà đạp nhân quyền, nghĩa là không chấp nhận bất cứ một tư tưởng nào đối lập với ý thức hệ cộng sản, ngoài nước thì xâm chiếm lãnh hải Việt Nam cũng theo cái lối vừa ăn cướp vừa la làng.
Một Đức Quốc Xã “siêu nhân”, một Đại Nga thời đại, một Đại Hán đương thời...đế quốc nào cũng đều được xây dựng và bành trướng bằng tinh thần bất khoan nhượng. Nếu thực sự biết tôn trọng những dân tộc khác với những khác biệt về chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ làm nên bản sắc bất khả xâm phạm của họ, thì các đế quốc thời đại đã không ngang nhiên dùng sức mạnh để uy hiếp và thống trị họ. Nhưng bài học lịch sử vẫn còn đó: có đế quốc nào đưa quân đi xâm chiếm, thống trị và đồng hóa những dân tộc khác mà tồn tại. Một khi không để cho người khác được sống như họ muốn sống, thì chính mình cũng sẽ không được sống. Liệu Đại Nga của Putin có đứng vững không? Liêu Đại Hán của Trung Quốc có mãi mãi tồn tại không? Không cần phải bị các “thế lực thù địch” bên ngoài đánh đổ, chính lề lối cai trị bất khoan nhượng bên trong cũng đủ là luồng nước xoáy xói mòn nền móng của các đế quốc thời đại này.
“Hãy sống và hãy để (cho người khác) được sống” (Live and let live): câu nói này của ca sĩ Conchita Wurst làm cho tôi liên tưởng đến một cuốn phim tài liệu có cùng tựa đề do đạo diễn người Đức Marc Pierschel thực hiện năm vừa qua. Cuốn phim này đề cập đến một số chủ đề như mối quan hệ của con người với thú vật, lịch sử của phong trào ăn chay.
Những lạm dụng về thực phẩm, vấn đề thời tiết thay đổi, những bệnh tật bắt nguồn từ cách sống của con người và ý thức về đạo đức đã khiến cho ngày càng có nhiều người từ chối ăn thịt để chỉ sống bằng hoa quả, rau trái. Lối sống mới này không chỉ đặt lại vấn đề về mối quan hệ của con người đối với thú vật mà còn kêu gọi con người ý thức trách nhiệm đối với người đồng loại và môi trường sống.
Cuốn phim tài liệu “Hãy sống và để cho sống” kể lại câu chuyện của 6 người, với những lý do khác nhau, đã quyết định ngưng ăn thịt và tất cả những phó sản chế biến từ thịt. Cuốn phim cho thấy quyết định này đã thay đổi cuộc sống của họ. Ngoài quyết tâm không ăn thịt, những người xuất hiện trong cuốn phim tài liệu nói trên cũng đi thêm một bước nữa khi tìm cách cứu vớt và “giải phóng” gia cầm của người khác. Có người cứ đêm xuống mang mặt nạ, hóa trang để đến các trại nuôi gà và tìm cách giải thoát chúng. Có người biến trại nuôi bò của mình thành một “nhà hưu” cho bò, nghĩa là không còn nghĩ đến chuyện bán chúng cho các lò sát sinh nữa. Ngày nay, trại bò có tên là Hof Butenland tại Đức của ông bà Jan và Karin đã trở thành một thứ “trại tỵ nạn” cho đủ mọi loại súc vật, từ bò, ngựa, heo đến  gà, ngỗng và những thú vật khác thường được cứu khỏi chết.
Tại Portland, Hoa Kỳ, cũng xuất hiện trong cuốn phim tài liệu một ông chủ nhà hàng chuyên nấu các món như thỏ, bê và gan ngỗng. Nhưng hiện nay ông ăn chay và mở một nhà hàng Ý chuyên bán đồ chay.
Cho đến nay, do còn nặng tham sân si, tôi vẫn chưa có đủ can đảm để “ăn chay” bất cứ một ngày nào. Tôi phục sát đất những người, nhứt là vì lý do đạo đức và môi sinh, đã ăn chay để nhắn gởi cho người khác một thông điệp: hãy sống và hãy để cho người khác và ngay cả súc vật được sống. Tôi tin rằng những con người như thế hẳn lúc nào cũng lấy tinh thần khoan nhượng để đối xử với người khác. Một thái độ sống như thế chắc chắn chỉ có thể mang lại an bình cho chính bản thân và kiến tạo hòa bình cho và với người khác.
Chu Thập, 17.5.2014


Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Hãy Cho Hòa Bình Một Cơ Hội

     

                                                                        
Cũng như nhiều người hâm mộ thể thao, tôi say mê đội bóng Brasil. Tôi say mê đến độ thuộc tên tuổi và nhớ từng chi tiết trên gương mặt cũng như cá tính của từng danh thủ như Pele, Romario, Bebeto, Cafu, Ronaldo, Ronaldinho, Kaka…Những trận thi đấu của đội Brasil dẫu có được trực tiếp truyền hình vào giữa đêm khuya, tôi cũng không bao giờ bỏ sót.

Mới đây, để kéo dài danh sách các thần tượng bóng đá Brasil của mình, tôi đã bỏ giờ để theo dõi hai trận bán kết và chung kết của đội tuyển thanh niên Brasil trong giải túc cầu thế giới “Under 20” diễn ra tại Ai cập. Những tuyển thủ dưới 20 tuổi này cũng có lối đá không khác gì các bậc cha chú của họ.Tuy nhiên, xem qua hai trận đấu, tôi chẳng giữ lại được một hình ảnh đẹp nào của đội tuyển “Under 20” này của Brasil, ngoại trừ một cử chỉ của một cầu thủ da trắng, tóc vàng mà tôi không nhớ tên. Sau trận bán kết với đội Costa Rica, người ta thấy người cầu thủ trẻ này quỳ gối xuống, giang rộng hai cánh tay, mắt nhắm nghiền lại và miệng lâm râm cầu nguyện. Tôi đoán: có lẽ anh đọc “Kinh lạy Cha” là lời kinh mà người tín hữu Kitô nào cũng thuộc nằm lòng. Rồi cũng chính anh lại được ống kính truyền hình chiếu cố một lần nữa, khi anh lập lại cử chỉ này trước khi đội Brasil vào đá phạt đền để phân thắng bại trong trận chung kết với đội Ghana. Tôi tin chắc rằng hôm đó, không riêng người thanh niên mộ đạo này, mà có lẽ toàn quốc gia Brasil, nơi được xem là có đông người Công giáo nhứt thế giới, cũng thành tâm cầu nguyện cho đội tuyển của mình đoạt giải vô địch.

Nhưng kết quả hôm đó đã khiến cho những người say mê đội bóng đá Brasil phải thất vọng. Người Brasil đã cầu nguyện, nhưng xem ra Thiên Chúa lại nhậm lời những người Hồi giáo Ghana. Cán cân quyết định của những quả phạt đền nghiêng về phía đội tuyển thanh niên Ghana.

Tôi say mê đội Brasil, nhưng với tôi, thắng thua trong thể thao là chuyện thường tình; chẳng có gì phải khiến “rầu rĩ" như nhà có đám ma.Với tôi, nghệ thuật có tính trung lập. Trong khi  không ngừng hâm mộ đội Brasil, nhưng tôi vẫn cảm phục tài nghệ và nhìn nhận thành quả của đội Ghana.

Thật ra, trong tôi, đội thanh niên Brasil vẫn là đội vô địch.Với hình ảnh của người cầu thủ trẻ quỳ gối cầu nguyện được ống kính truyền hình chiếu cố và được cả thế giới “chiêm ngắm” trong hai trận bán và chung kết trong giải Túc Cầu Thế Giới “Under 20” vừa qua, đội Brasil đã thực sự chiến thắng trong tôi. Còn lại trong tôi không phải là những đường banh hay những cú làm bàn đẹp, mà là hình ảnh của hai cánh tay giang rộng, đôi mắt nhắm lại và đôi môi mấp máy cầu nguyện.

Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của cố tổng thống Nguyễn văn Thiệu khi ông đến thăm tỉnh Quảng Trị vừa được quân đội Việt nam Cộng hòa chiếm lại được trong mùa hè đỏ lửa năm 1972: trước đống gạch vụn của ngôi nhà thờ cổ kính Lavang đổ nát, ông đã quỳ gối xuống và làm “dấu Thánh giá”, vốn là cử chỉ cầu nguyện quen thuộc của bất kỳ một tín hữu Công giáo nào.

Cảm kích nhứt đối với tôi vẫn là hình ảnh của những  bàn thờ dã chiến trên những chiếc tàu vượt biên của người Việt nam: một bên là bàn thờ Phật với những tiếng tụng kinh của người Phật tử, một bên là ảnh tượng Chúa  Mẹ  với tiếng cầu kinh của người tín hữu Kitô.

Trên bất cứ hải đảo xa xôi nào, khi vừa đặt chân lên bến bờ tự do, việc làm đầu tiên của người tỵ nạn Việt nam phải chăng không là dựng lên một ngôi chùa hay một nhà thờ để “Tạ ơn”: dù có xiêu quẹo đến đâu, những nơi thờ phượng ấy vẫn đẹp nhờ những bảng tạ ơn được viết lên với tất cả  tấm lòng thành.

Nằm khuất trong những trang báo của người Việt hải ngoại, những  lời tạ ơn Đức Phật và ông thánh “Jude” nằm sát bên nhau vẫn có sức sáng chói: đó là một chút ánh sáng được thắp lên để nhắc nhở con người về chiều kích siêu việt của cuộc sống; có những điều mà con người chỉ đạt được nhờ lời cầu nguyện!

Chính với niềm xác tín ấy mà năm 1987, đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã mời gọi tất cả mọi nhà lãnh đạo tôn giáo trên khắp thế giới đến thành phố Assisi, Ý, để cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Assisi được nhà lãnh đạo Công giáo chọn làm nơi để các tôn giáo gặp nhau và cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới bởi vì đây là quê hương của thánh Phanxicô Assisi, người đã từng tin tưởng ở sức mạnh của lời cầu nguyện cho hòa bình đến nỗi đã có thể cảm hóa được cả những hung thú.

Dù có "khô đạo" hay dửng dưng đến đâu, dù có hung hãn và tàn bạo đến đâu, nhìn cảnh những con người không đồng đạo sát cánh bên nhau cùng thành tâm cầu nguyện cho hòa bình, ai mà chẳng cảm thấy “xốn xang” trong lòng!

Nhà văn Nguyễn Khải, người mãi cho đến cuối đời mới tìm lại được “cái tôi đã mất” trong chế độ cộng sản vô thần, đã phải nhìn nhận: sáng một hồi chuông, tối một hồi chuông, nghe mãi như thế thì dù một tên cướp sừng sỏ đến đâu cũng phải có lúc hồi tâm.

Quả thật, cầu nguyện là một sức mạnh huyền bí nhứt trong cuộc sống con người. Khi một sinh viên chuẩn bị luận án tiến sĩ tại đại học Princeton, Hoa kỳ hỏi ông: “Trên thế giới này có còn một đề tài nghiên cứu nào được xem là “độc đáo” không?”, nhà bác học Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối, người được xem là nhà bác học vĩ đại nhứt của thế kỷ 20 vừa qua, đã trả lời : “Hãy nghiên cứu về sự cầu nguyện. Cần phải có ai đó tìm hiểu về sự cầu nguyện”.

Bức màn của vũ trụ ngày càng được vén mở lên. Nhưng chắc chắn, bí ẩn của sự cầu nguyện vẫn mãi mãi còn đó. Đã là người thì con người không thể không cầu nguyện bằng cách này hay cách khác. William James, một trong những triết gia nổi tiếng của nước Mỹ, đã từng thú nhận: “Lý do khiến chúng ta cầu nguyện là bởi vì chúng ta không thể không cầu nguyện”.

Người có tôn giáo cầu nguyện đã đành, mà ngay cả những người vỗ ngực tự xưng là “vô thần” cũng vẫn cứ “cầu nguyện”. Khi Chủ nghĩa Vô thần được thiết lập như quốc giáo tại cái nôi của Chủ nghĩa Cộng sản là Nga, thì tại những nơi mà trước kia các tín hữu Chính thống giáo trưng bày các ảnh tượng của họ, những "tín đồ" Cộng sản cũng dành ra một góc “đỏ” để thờ phượng hai ông “thánh” Lenin và Stalin của mình. Trong một số báo phát hành năm 1950, người ta đọc được trên báo “Pravda” (Sự thật) những lời khuyên như sau: “Khi bạn gặp khó khăn trong công việc hay bất thần nghi ngờ về khả năng của bạn, hãy tưởng nghĩ đến Người, (tức Stalin) và bạn sẽ tìm được sự tin tưởng mà bạn cần có. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi trong một tiếng đồng hồ, điều mà lẽ ra bạn không được phép có, hãy tưởng nghĩ đến Người và công việc sẽ xuôi chảy. Nếu bạn muốn làm một quyết định đúng đắn, hãy tưởng nghĩ đến Người và bạn sẽ tìm ra quyết định ấy”.

Sinh thời, nhà đồ tể Stalin đã từng là một “chủng sinh”, tức người có ý hướng trở thành một linh mục trong Giáo hội Chính thống Nga, vốn không tin ở sức mạnh của sự cầu nguyện. Khi tổng thống Hoa kỳ Eisenhower đề nghị nên tiếp xúc với tòa thánh Vatican để mời làm trung gian trong một số tranh chấp trên thế giới, Stalin đã ngạo nghễ vặn lại: “Đi hỏi xem ông giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn?” Cũng như Mao Trạch Đông, Stalin chỉ tin ở sức mạnh của lò thuốc súng.

Nếu sống cho đến tháng Hai năm 1986, hai nhà đồ tể này hẳn phải nhận ra rằng có một sức mạnh còn kỳ diệu hơn lò thuốc súng nhiều: không một tấc sắt trong tay, gần hai triệu người dân Phi luật tân đã có thể chận đứng xe tăng thiết giáp, vô hiệu hóa cả một quân đội trang bị tận răng. Họ chỉ có mỗi một thứ khí giới là tràng chuỗi trong tay và lời cầu nguyện.

Nếu còn sống cho đến tháng 11 năm 1989, thì hẳn hai ông “thánh” của tôn giáo vô thần này lại phải chứng kiến một điều còn vĩ đại hơn nữa: Gần một triệu người dân Đông Đức đã tuần hành trong ôn hòa xuyên qua Đông Berlin. Khoảng nửa đêm ngày 9 tháng 11, xảy ra một điều mà có lẽ không ai dám cầu nguyện cho xảy ra: bức tường ô nhục Berlin do chế độ Cộng sản dựng lên đã bị rạn nứt và từ từ đổ xuống trước  làn sóng người dân ùa tới. Những người lính cộng sản, vốn luôn tuân lệnh để bắn bỏ bất cứ ai tiến gần đến bức tường đó, đã đứng nhìn bất động. Không một ai đã bị giết chết và nguyên một chế độ tưởng sẽ muôn đời đứng vững ấy đã sụp đổ. Người dân Đông Đức không có một khí giới nào ngoài ánh nến trên tay và lời cầu nguyện. Cùng với bức tường ấy, tất cả những bức màn sắt tại Đông âu cũng đồng loạt bị hạ xuống, trả lại tự do và phẩm giá cho con người.

Nhà thờ Karuah, 2014
Phóng viên Bud Bultman của Đài Truyền Hình CNN đã viết như sau: “Giới truyền thông chúng tôi sửng sốt theo dõi những bức tường của chủ nghĩa toàn trị sụp đổ. Nhưng trong lúc đua nhau tường thuật các biến cố long trời lở đất ấy, chúng tôi quên mất câu chuyện đằng sau các biến cố ấy. Chúng tôi hướng ống kính đến hàng trăm ngàn người đang cầu nguyện cho tự do, trong tay cầm nến cháy sáng, nhưng lại không màng đến chiều kích siêu việt, tính chất thiêng liêng và tôn giáo của biến cố. Chúng tôi nhìn thẳng vào biến cố và không nhận ra điều ấy”.

Điều mà phóng viên Bud Bultman muốn nói đến chính là sức mạnh huyền bí của sự cầu nguyện.

Sức mạnh ấy có khi được thể hiện bằng một chiến thắng tỏ tường như trong trường hợp cuộc cách mạng thường được mệnh danh là “sức mạnh của quần chúng” tại Phi luật tân hay như trong biến cố đạp đổ bức tường Berlin. Sức mạnh ấy có khi lại chỉ ẩn hiện đằng sau những gì mà người ta cho là thất bại, thua thiệt, mất mát. Tôi nghĩ đến thái độ vô chấp, vô úy, từ bi của các tu sĩ và tăng ni sinh bị hành hung và trục xuất ra khỏi Thiền Viện Bát Nhã…Đó là thái độ chiến thắng của những người bị coi như thất bại. Tôi cũng nghĩ đến kết thúc của những cuộc biểu dương cầu nguyện của người giáo dân Công giáo tại Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà hội, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý…Những miếng đất đã từng là cơ sở của Giáo hội Công giáo ấy đã biến thành công viên, công lý đã không được thực hiện, sức mạnh của báng súng và dùi cui xem ra vẫn thắng thế. Nhưng những thắng thế ấy xem ra chỉ là phần nổi của những tảng băng chìm. Vì từ những mảnh đất ấy vẫn còn vang vọng không ngừng lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”.

Lời cầu nguyện đích thực chỉ có thể là lời cầu nguyện cho hòa bình, cho yêu thương, cho tha thứ. Lời cầu nguyện ấy không bao giờ là một chiến bại hay thua thiệt, mất mát.Và tất cả những ai xây dựng hòa bình, cách này hay cách khác, cũng đều là những người thực sự cầu nguyện, cầu nguyện trong tư tưởng, cầu nguyện trong quyết tâm, cầu nguyện trong đoàn kết, cầu nguyện trong hành động.

Tôi nghĩ đến sáng kiến hòa bình của huyền thoại âm nhạc John Lennon, ban The Beatles và  vợ ông là Yoko Ono: trong suốt một tuần lễ từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 năm 1969, họ đã đến cư ngụ trong một khách sạn tại Montreal, Canada và mở rộng cửa cho các ký giả đến chứng kiến sinh hoạt “24 trên 24” của họ để gởi cho thế giới thông điệp: “Hãy cho hòa bình một cơ hội”.

Tôi không là một nhân vật nổi tiếng như cặp vợ chồng này. Nhưng vợ chồng tôi cũng tự nhủ: mình không làm được những việc đại sự để mang lại hòa bình cho thế giới, thì ít ra, mỗi ngày, trước khi mặt trời lặn, hãy cố giữ thói quen ngồi lại với nhau để cùng cầu nguyện, tha thứ và giao hòa với nhau và như vậy cũng có thể cho “hòa bình một cơ hội”.
 Chu Thập 2.11.2009


Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Mẹ và tuổi thơ





Cũng như mọi người, Ngày của Mẹ, tôi nhớ mẹ. Mẹ tôi qua đời ngày cuối năm âm lịch 1975, cho nên kỷ niệm bao nhiêu năm mất nước là bấy nhiêu năm tôi mất mẹ. Thời đó, mẹ tôi đã là một bà già trầu hom hem. Hình ảnh ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi.
Nhưng nay chính mình cũng đã bước vào tuổi già, tôi thường nhớ lại những kỷ niệm của tuổi thơ hơn. Thành ra, mỗi lần quay lại cuốn phim của tuổi thơ tôi đều nhớ đến mẹ của những ngày tôi còn bé.
Khi sinh ra tôi, mẹ tôi cũng đã tròm trèm 40. Vậy mà sau đứa con thứ 10 là tôi, “quen dạ đẻ cách năm đôi”, bà cũng ráng nặn thêm cho tôi được hai đứa em nữa, mà đứa nào cũng mạnh khù chớ không “đao” (down syndrome) điếc hay đui mù sứt mẻ gì hết. Gia đình đông con mà lại nghèo cho nên mẹ tôi không những chia sẻ đồng đều cảnh nghèo cho mọi đứa con, bà cũng tỏ ra rất công bằng trong tình thương dành cho con cái. Cũng như mọi đứa trẻ, có lẽ tôi cũng đã từng được mẹ tôi cho bú mớm, mớm cơm, ru ngủ và âu yếm. Nhưng có điều lạ là tôi vẫn không bao giờ nhớ được bất cứ hình ảnh nào về những cử chỉ âu yếm đặc biệt mà mẹ tôi đã dành cho tôi. Tôi cũng không nhớ có lần nào chính tôi hay bất cứ anh chị em nào của tôi đã tỏ ra bất cứ một cử chỉ ganh tỵ nào về tình thương của mẹ tôi. Có lẽ do văn hóa chăng mẹ tôi chưa bao giờ nói với bất cứ đứa con nào câu nói quen thuộc trên đầu môi chót lưỡi của người mẹ Tây Phương: “Mẹ thương con lắm”. Có thương thì cũng để trong lòng. Có thương thì cũng chỉ thể hiện tình thương bằng những cử chỉ cụ thể như chăm sóc, vỗ về và nhất là “cho roi cho vọt” mà thôi.
Mẹ tôi thương anh chị em chúng tôi bằng một tình thương mặn mà, sâu lắng hơn là bằng lời nói hay những  cử chỉ âu yếm. Suốt một đời, tôi vẫn gọi mẹ là mẹ chớ không thể gọi là “má” được. Lúc nhỏ tôi vẫn nghĩ rằng “ba má” là cách gọi dành cho những đứa trẻ mới bập bẹ biết nói hay những đứa con lớn rồi mà cứ “nhõng nhẽo”, riu ríu bên gấu quần của mẹ.
Mẹ tôi không thể hiện tình thương bằng những cử chỉ âu yếm, nhưng bà không phải là một người mẹ nghiêm nghị, khó tính hoặc cau có. Trong ký ức thơ dại của tôi, ở tuổi ngoài 40, mẹ tôi vẫn còn là một người đàn bà đẹp. Do chủ quan tôi thấy mẹ tôi đẹp là chuyện bình thường. Nhưng những người hàng xóm nhà tôi cũng đều nhìn nhận rằng mẹ tôi đã từng nổi tiếng là một người đẹp. Một tấm hình chụp năm mẹ tôi còn là một thiếu nữ đôi mươi đã xác nhận điều đó. Với sóng mũi không đến nỗi “tẹt” như đa số dân làng tôi, với mái tóc hơi chút gợn sóng, nhiều người nói rằng mẹ tôi có chút “máu lai”. Có người còn đùa rằng có lẽ thời Tây mới qua đô hộ Việt Nam, một bà nẫm, bà sơ hay bà cố nào đó của tôi “chạy không kịp” khi bị lính lê dương “rượt” mỗi khi đi càn quét trong các làng mạc. Chuyện đó thì tôi tin là có thật, bởi vì khi tôi có trí khôn, tôi vẫn còn thấy cảnh các phụ nữ, mỗi lần đi ngang qua Thành Diên Khánh là nơi có lính lê dương trú đóng, đều phải vác giò lên cổ mà chạy, không thì bị họ rượt theo bắt lôi vào trong cái “bọt đền” (Bordel: nhà thổ dành cho lính lê dương thời Tây) để mà làm chuyện đồi bại. Bên cạnh nhà tôi có một anh chàng lai đen. Nghe đâu, mẹ anh ta, vừa mới về nhà chồng, một hôm đi ngang qua Thành đã bị một anh “ma rốc cốc ken” nào đó rượt; bà “chạy không kịp” cho nên mới có anh.
Mẹ tôi có máu lai hay không và tôi có mang trong người một phần trăm nào của máu Tây không, tôi không biết. Tôi cũng mong một ngày nào đó, trước khi qua đời, được đi thử DNA để tìm cho ra sự thật. Nhưng cho dẫu trong số tổ tiên của tôi có ai bị Tây “rượt chạy không kịp” đi nữa, tôi vẫn hãnh diện về nhan sắc của mẹ tôi. Có lẽ mẹ tôi cũng hãnh diện về điều đó mỗi lần bà nhắc lại tuổi thanh xuân của bà. Tôi còn nhớ mang máng một hôm mấy anh chị em tôi bu lại xung quanh mẹ vì thấy mẹ đang ngồi rầu rĩ một mình. Về sau, khi tôi có trí khôn, mẹ tôi mới giải thích rằng hôm đó bà bị cha tôi “đánh ghen”. Số là lúc còn là thiếu nữ, bà được một ông “phán” (thẩm phán thời Tây) trong làng để ý và muốn cưới làm vợ. Nhưng vì bên đàng trai nói ra nói vô rằng hai bên không môn đăng hộ đối do nhà mẹ tôi nghèo, ông ngoại tôi tự ái cho nên không chịu gả con. Vậy mà cả đến 20 năm sau, trong một lần về  làng, ông “phán” lại tạt ngang qua nhà tôi và ghé thăm mẹ tôi, nhằm lúc cha tôi đi vắng. Nghe đâu, lúc từ giã, ông “phán” có để quên một chiếc khăn tay. Cha tôi về thấy có một tang chứng khả nghi liền tra gạn mẹ tôi. Tôi không biết mẹ tôi có u đầu sứt trán không, nhưng cầm chắc là bà đã bị “hành hung”, bởi vì cha tôi vốn là một anh nông dân cục mịch lại nóng tính.
Nhưng còn chuyện “động trời” hơn nữa mà mẹ tôi đã dấu kín trong lòng, mãi khi tôi sắp bước vào tuổi trưởng thành, bà mới tiết lộ. Mẹ tôi kể rằng năm bà độ “mười sáu trăng tròn”, một hôm được một ông “cửu” trong làng mời đến nhà để nhận một lá thư của cậu tôi từ một tỉnh khác gởi về. Thời đó, trong làng tôi cũng có đến 5, 7 ông “cửu”, hầu hết đều đã bỏ tiền ra để mua tước vị này. Ông “cửu” mà mẹ tôi nhắc đến cũng thuộc loại này. Nghe nói có thư của ông anh từ xa gởi về, giữa trưa nắng, mẹ tôi đã hăm hở đến nhà ông “cửu”. Ngờ đâu, lợi dụng lúc trong nhà không có ai, mẹ tôi vừa vào nhà liền bị ông giở trò. May quá, bà đã kịp thoát thân. Có lẽ do một lần bị ông “cửu” nổi tiếng trăng hoa này định hãm hại đời con gái mà mẹ tôi lúc nào cũng giữ khoảng cách với gia đình của ông.
Không gả con cho nhà giàu được, cuối cùng ông ngoại tôi cũng tìm được chỗ môn đăng hộ đối là gia đình cha tôi. Ngoài năm ba chữ quốc ngữ lận lưng ra, cha tôi suốt đời chỉ biết “dí thá” và cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau. Vậy mà khi về làm dâu, không hiểu sao mẹ tôi lại không phải chân lấm tay bùn. Có ra ruộng thì bà cũng đứng trên bờ để “chỉ huy” đám thợ cấy thợ gặt. Trình độ của mẹ tôi cũng thuộc loại vừa tốt nghiệp “bình dân học vụ”. Nhưng dưới con mắt thơ dại của tôi, chuyện gì bà cũng biết. Cứ đêm đến, trước hoặc sau giờ kinh tối trong gia đình, bà kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện Kinh Thánh đến chuyện bên Tây bên Tàu, từ chuyện cổ tích đến chuyện ma. Năm ba câu chữ Nho không biết học lóm được ở đâu, bà cũng “xổ” liên tục đến độ anh chị em tôi đều nhập tâm. Cha tôi “cù lần” bao nhiêu thì mẹ tôi lại thông minh và lanh lợi bấy nhiêu.
Vào thời đó, tức đầu thập niên 1950, mẹ tôi đã được xem là người “văn minh” nhứt làng, bởi vì chỉ có mỗi một mình bà dám “mạo hiểm” vào Sài Gòn buôn bán. Cứ mỗi hai tuần một lần, bà thu mua cau từ các làng và buôn Thượng, chất vào cần xế rồi chở xuống ga xe lửa Nha Trang để chuyển vào Sài Gòn bán sỉ cho các bà buôn ở vựa Chợ Cầu Ông Lãnh. Có một lần, vào dịp cuối năm âm lịch, mẹ tôi cho tôi và ông anh kề được tháp tùng bà trong một chuyến đi như thế. Vào thời đó, đối với  một thằng bé nhà quê  suốt ngày chỉ biết lẩn quẩn bên bờ ruộng và con sông Con cạnh nhà, ngay cả Thành (mà người Pháp gọi là citadelle) đã là một thành phố lớn rồi. Nói gì đến Nha Trang và nhất là Sài Gòn. Thế là sau một đêm ngủ vùi trên một toa chở hàng hóa, tôi và ông anh thức dậy khi mặt trời vừa lên để nghe những tiếng rao hàng inh ỏi ở ga Biên Hòa. Thấy cảnh buôn bán tập nập ở Biên Hòa tôi đã choáng ngợp rồi. Đến khi vào đến ga Hòa Hưng rồi được ngồi lên chiếc xe xích lô máy nổ bình bịch để về Cầu Ông Lãnh, tôi thấy như mình đang ở một nước khác, lòng cứ nhủ thầm: thế nào phen này cũng phải kể chuyện cho mấy thằng bạn “quê mùa” của tôi nghe cho chúng lác mắt chơi!
Tôi phục mẹ tôi sát đất: chưa bao giờ sống ở Sài Gòn, vậy mà bà dắt hai anh em tôi đi khắp nơi, khi thì Chợ Lớn mới, Chợ Lớn cũ, lúc thì Lái Thiêu khi thì Thủ Dầu Một...
Chuyến về mẹ tôi chở về Nha Trang đủ thứ hàng: nào là những thứ trái cây mà miền Trung chưa có như Sa bô chê, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, quít đường, nào là tôm sấy chất đầy mấy cái giỏ cần xế, nào là các thứ cây chiết. Suốt mấy ngày chuẩn bị Tết, thiên hạ đổ xô đến nhà tôi để mua sắm.
Không rõ do “cụt vốn” hoặc vì công việc làm ăn của cha tôi bị phá sản, mẹ tôi ngưng chuyện đi buôn. Bà xoay qua làm bánh. Cho tới giờ này, tôi vẫn chưa thấy ai có thể làm được những đòn bánh tét hay những cái bánh ú ngon như mẹ tôi. Mẹ tôi cũng là một “dân nhậu” chính hiệu. Trong khi cha tôi chỉ biết phá mồi thì mỗi ngày mẹ tôi lại chơi hết một chai bia BGI con cọp (Brasseries et Glacieres Internationales) của Pháp. Món nhậu nào bà làm cũng ngon. Ngon đến độ anh em tôi phải bị lừa. Hồi đó, ông anh thứ sáu của tôi thường kể rằng cá nhám là một loài cá chuyên ăn thịt người. Nhất là trong thời Đệ nhị Thế chiến, bao nhiêu xác binh sĩ bị chết trên biển đều được chúng xơi tái hết. Thật ra, không cần phải nghĩ đến hình ảnh những con cá nhám ăn thịt người, chỉ cần ngửi cái mùi tanh ngái của chúng là anh em chúng tôi bỏ chạy. Cho nên thỉnh thoảng có mua loại cá rẻ tiền này về, chỉ có mấy bà chị của tôi là phải cắn rắng để ăn thôi. Dù có dỗ ngon dỗ ngọt cách mấy, anh em trai chúng tôi cũng thà ăn mắm còn hơn  động đũa đến thứ cá gớm ghiếc này. Vậy mà có lần mẹ tôi đã lừa được anh em chúng tôi. Bà đâm quết thịt cá nhám cho thật nhuyễn, ướp với đủ thứ gia vị cho báng mùi, rồi lấy lá chuối cuốn lại như những cuốn chả lụa mà anh em chúng tôi lúc nào cũng thèm chảy nước miếng nhưng thỉnh thoảng mới được thưởng thức. Sau khi hấp cho thật chín, mẹ tôi giới thiệu đây là món chả lụa “hảo hạng”. Thế là anh em chúng tôi tranh nhau đớp sạch. Chờ cho xong bữa ăn, mẹ tôi mới trịnh trọng tuyên bố: “Cá nhám đó bay!” Anh em chúng tôi “mắc nghẹn”, muốn nôn mửa chẳng khác nào mấy ông Tây ăn phải thịt chó.
Làm nông, đi buôn, làm bánh, nuôi gia súc, chế biến các món ăn...nghề nào mẹ tôi cũng xoay xở được. Nhờ tài xoay xở và vun vén của mẹ tôi mà anh em chúng tôi không đến nỗi thất học. Nhưng với tôi, quan trọng hơn chút vốn liếng văn hóa mà tôi đã học được ở nhà trường, mẹ tôi đã dạy cho tôi biết làm người. Và bà dạy tôi bằng chính tấm gương tần tảo hy sinh, những giọt mồ hôi từ những xoay xở, biến báo trong cuộc sống. Có lẽ những câu thơ viết về mẹ của nhà thơ Phùng Cung (1928-1997) của thời Nhân văn Giai phẩm đã diễn tả đúng tâm trạng của tôi mỗi khi nghĩ về mẹ của thời tuổi thơ của tôi:
“Mồ hôi mẹ
Tháng ngày đăm đăm
Nhỏ giọt
Con níu-giọt mồ hôi
Đứng dậy làm người”
Suốt đời, mỗi khi nghĩ về mẹ, tôi luôn tự hỏi: mẹ tôi mong điều gì nơi tôi nếu không phải là luôn biết nghĩ đến những hy sinh của mẹ để “đứng dậy làm người”.



Chu Thập, Mothers' Day 2014

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Thà thua thiệt một chút để được an lòng





Nơi tôi ở có loại gà Tây mà người Úc gọi là brush turkey hay bush turkey. Đúng như tên gọi của nó, giống gà này trông chẳng khác nào gà Tây. Chỉ có điều, chúng không được thuần hóa cho nên cứ phải sống trên rừng.

Giống gà này có những đặc điểm đáng làm đề tài cho một luận án về sinh vật học. Là thú vật, nhưng xem ra chúng không có bản năng sống bầy đàn. Ít khi tôi thấy có hai hoặc ba con đi kiếm ăn chung với nhau. Điều đáng ngạc nhiên nữa là tôi chẳng bao giờ thấy có chú gà trống nào ve vãn bên cạnh nàng gà mái. Không rõ giống gà này thực hiện sứ mệnh lưu truyền nòi giống lúc nào và ở đâu mà tôi chẳng bao giờ thấy cái cảnh gà mẹ dắt gà con đi ăn.

Cứ mỗi lần nhìn thấy bóng dáng của một con gà này thì tôi lại liên tưởng đến chính sách tập thể hóa trong các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Tôi có cảm tưởng như mỗi buổi sáng, trong một góc rừng nào đó, sau tiếng gáy (thật ra tôi chưa hề nghe tiếng gáy của chúng nhưng chắc chắn là có) của con gà đầu đàn, tất cả mọi con gà tây rừng đều tập trung lại, nghe lệnh  phân công, rồi mỗi con ra đi một ngả: mấy chị gà mái đi một mình, mà ngay cả chú gà trống cũng chẳng buồn ngó ngàng đến giống cái. Cũng lủng lẳng đeo ở cổ một “vòng vàng” như một thứ trang sức mà loài vật giống đực thường có để hấp dẫn giống cái, nhưng những chú gà trống vẫn chủ trương: đường ai nấy đi, mạnh ai nấy sống (hình như chúng theo chính sách "ba khoan" của Việt Cộng thời kháng chiến: khoan yêu, khoan cưới, khoan đẻ). Và dĩ nhiên, không có cảnh "đẩy xe bế bi". Có lẽ mấy chú gà con đã được giao cho một nhà trẻ "tập thể" nào đó khuất lấp trong rừng trông coi để cha mẹ đi "công tác".
Cách đây không lâu, báo Sydney Morning Herald có đăng một bài viết về giống gà tây rừng này.Tác giả bài báo cho biết: trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929, giống gà này có mặt khắp nước Úc. Nhưng dân số gà tây rừng đã giảm hẳn đi vì phải đóng góp vào việc cải thiện chế độ dinh dưỡng của người dân nghèo trong đại khủng hoảng này.Tôi chưa có dịp thưởng thực món thịt rừng này, nhưng nghe nói đây không phải là một món ăn đáng khuyến khích. Hơn nữa, giống gà này lại đang  được xếp vào loại quý hiếm của nước Úc.

Hiện nay, trải dài từ tiểu bang Queensland xuống đến tận Parramatta, thuộc New South Wales, ở đâu người ta cũng thấy có bóng dáng của giống gà rừng này.Tuy không được thuần hóa, nhưng chúng  vẫn thản nhiên và “vô tư” xuất hiện bên cạnh con người. Và đây chính là vấn đề. Tác giả bài báo nói trên trích dẫn kết quả một cuộc thăm dò bỏ túi, theo đó có 50 phần trăm những người được hỏi tỏ ra “thích” sự hiện diện của giống gà này và một nửa còn lại thì chỉ mong cho chúng nó biến khỏi mặt đất này đi cho rồi. Chỉ có điều, hiện nay chúng nó đang là giống vật quý hiếm, cần được bảo vệ.
Theo kinh nghiệm bản thân, tôi có thể suy ra rằng, số người thích chúng đa phần chỉ là những người  "khách qua đường". Nhìn ngắm chúng chứ không phải "đội trời chung" với chúng. Tôi thuộc phân nửa sau, những người dù muốn hay không cũng phải ngày ngày "gặp gỡ" và "chào hỏi" chúng.

Thù ghét con người là chuyện bình thường, ít có người tránh khỏi.Tôi cũng đã từng có những kẻ thù mình ghét cay ghét đắng. Nhưng tuyệt nhiên, thù ghét thú vật là điều xem ra vô lý. Cùng lắm, có ghét thì mình chỉ ghét người chủ của nó. Chẳng hạn, bên cạnh nhà tôi có một con chó nhỏ mà ông chủ chẳng chịu dạy dỗ gì cả. Nó chạy hết nhà này sang nhà khác và cứ “vô tư” nhào tới bất cứ người nào để sủa. Tôi không ghét con vật này, mà chỉ thấy “bực mình” ông chủ của nó. Nhiều lúc tôi nghĩ bụng: người sao vật vậy! Ông chủ của con chó nhỏ này chắc cũng "thiếu giáo dục" như nó! Thật tình, tôi chỉ không “thích” con chó nhỏ này, nhưng lại thấy “ghét” ông chủ của nó.

Riêng đối với giống gà tây rừng thì phải nói là tôi “thù ghét” theo đúng nghĩa của chữ “thù ghét”. Nhìn cái bản mặt nó là tôi tưởng tượng ra khuôn mặt của một giống người vô liêm sỉ, gian ác. Thấy bóng dáng nó là tôi muốn điên tiết lên.

Giống gà này có đôi chân dài và cứng; chúng nó có thể đào bới, moi móc bất cứ nơi nào, nhứt là rau cỏ và ngay cả những cây đã trồng được hai năm trở lại. Bất cứ thứ gì trong vườn cũng có thể là đối tượng để giống gà này phá hoại.

Thiên nhiên là ngôi vườn của hy vọng. Gieo một hạt giống, trồng xuống một cây non, là nuôi dưỡng một niềm hy vọng. Vậy mà, mỗi ngày thức giấc, bao nhiêu niềm hy vọng của tôi đều tan thành mây khói. Bao nhiêu lần gieo vãi, trồng trọt là bấy nhiêu lần thêm thất vọng, cay đắng. Quả thật, theo đúng nghĩa, tôi mất ăn mất ngủ vì những con gà trông giống loại người vô liêm sỉ này. Nhiều khi đang ăn cơm thấy bóng dáng của chúng là tôi vội vàng buông bát đũa đi rượt gà. Ngay cả đang thiu thiu làm một giấc trưa, chỉ cần một tiếng động lạ là tôi lại nhỏm dậy, tỉnh hẳn, chạy ra vườn. Chúng là giống lì lợm: đuổi đằng trước,  lại chạy ra phía sau. Rượt chiều hôm qua,  sớm hôm sau chúng trở lại và cứ trơ cái bản mặt ra đó. Nhiều lúc tôi rủa cho chúng bị xe cán như tôi đã từng thấy những tai nạn thảm thương xảy ra cho Kangaroos, cho Possums, cho Wombats. Nhưng cái giống vật lì lợm này rất thông minh: chưa bao giờ tôi thấy một con gà tây rừng nào bỏ xác trên đường. Và cũng chưa có một con chó hay con mèo nào trong xóm tôi rượt kịp chúng: khi bí lối, chúng liền trổ tài "khinh công" bay lên ngọn cây!

Điên tiết với kẻ thù này cho nên đêm ngày tôi tìm cách tiêu diệt chúng. Giết chúng bằng thuốc độc thì có thể bị phạt đến 20 ngàn Úc kim và đi tù (đụng tới luật pháp là tôi "dội"). Tôi liền nghĩ ra một diệu kế mà tôi tin  là chúng nó sẽ không thoát khỏi: tôi gắn mồi vào một lưỡi câu và treo gần con đường mòn chúng thường xử dụng để xâm nhập gia cư của tôi.Tôi cẩn thận gài cái bẫy này vào lúc ban đêm để qua mắt chúng.

Nhưng sáng hôm sau, khi tôi hớn hở chạy ra trận địa để tóm bắt kẻ thù, thì hỡi ơi, kẻ thù không thấy đâu mà chỉ thấy một con Kookaburra bị mắc vào bẫy. Bình thường thì giống chim này chỉ biết “cười”, nhưng giờ đây nó đang quằn quại rên xiết với tiếng kêu gào thật thảm thương. Tôi gỡ con vật  tội nghiệp ra, thả nó về rừng, mà lòng tràn đầy hối hận. Bao nhiêu thù ghét trút lên mấy con gà tây rừng bỗng biến thành mặc cảm tội lỗi.

Vợ chồng tôi có một cuộc sống tương đối hạnh phúc vì chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều sở thích và thú vui. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi lúc nào cũng có một cái nhìn giống nhau về cuộc sống hay những cách giải quyết vấn đề giống nhau.Tôi thiên về bạo lực và những biện pháp mạnh.Vợ tôi được trời phú cho tính kiên nhẫn cho nên thường giải quyết vấn đề một cách ôn hòa.

Thấy tôi cứ phải ôm đầu bứt tóc và mất ăn mất ngủ vì mấy con gà tây mắc dịch, vợ tôi âm thầm nghiên cứu một kế hoạch đối phó mà tôi không biết.
Một buổi chiều đi làm về, tôi thấy hàng rào xung quanh nhà được đan bằng một tấm lưới, khu vườn trồng rau xanh cũng được  khoanh lại bằng một tấm lưới ny lông, tất cả những gốc của cây ăn trái còn nhỏ đều được tấn thêm  một lớp đá chung quanh đè lên trên lớp vỏ cây.

Vợ tôi cho biết đã phải tốn một ít tiền để mua vật liệu làm hàng rào và mất nguyên một ngày để thiết lập hệ thống phòng thủ này. Tôi không ngờ kết quả lại mỹ mãn: ngày hôm sau, những chị gà “thông minh” vẫn có thể tung cánh bay qua hàng rào để xâm nhập gia cư của chúng tôi. Nhưng lần này, chúng chỉ đứng ngó vào vườn rau. Tất cả những gốc cây nhỏ đều còn nguyên vẹn. Như vậy, móng vuốt của kẻ thù không đội trời chung của tôi đã được rút ra. Dần dà, bọn gà tây rừng không còn  thay phiên kéo nhau đến nhà tôi nhiều như trước kia nữa. Nếu có xâm nhập gia cư bất hợp pháp, chúng cũng chẳng làm được gì.Và tôi cũng chẳng phải sợ mất ăn mất ngủ đến chết vì căm thù  cái giống gà mất dạy này nữa.
Tôi thầm phục kế sách của nhà tôi. Đôi khi, thà thua thiệt, mất mát một chút mà lại được việc.

Tôi nhớ lại cách giải quyết vấn đề của một vị mục sư nào đó. Người hàng xóm của ông có nuôi nhiều gà.  Họ cứ để  bầy gà “vô tư” chạy sang nhà của vị mục sư để đào bới phá nát vườn hoa của ông. Bà vợ của ông cằn nhằn mãi; ông  suy nghĩ nát óc mà không tìm ra một giải pháp. Ngoài tình nghĩa láng giềng còn có uy tín của một nhà lãnh đạo tinh thần. Tính toán mãi cuối cùng vị mục sư cũng tìm ra được một cách giải quyết êm thắm: ông kín đáo ra chợ tìm mua cho bằng được một chục trứng gà, loại trứng gà do thứ gà mái nuôi tự do đẻ. Đêm đến, ông tìm một chỗ trong vườn, dùng cỏ làm một ổ gà và đặt một chục trứng gà vào đó. Sáng hôm sau, ông gọi người láng giềng sang và chỉ cái ổ gà. Người láng giềng cám ơn rối rít, mang chục trứng về nhà và kể từ hôm đó, nhốt bầy gà của mình lại.

Ông mục sư và vợ tôi nhắc lại cho tôi một cái mẹo trong cách xử thế ở đời: có khi chịu thiệt thòi một chút mà lại được việc.Tôi thấy mình đã thua thiệt và đầu hàng trước mấy con gà tây rừng dù không muốn vẫn phải đội trời chung. Nhưng ít ra tôi cũng cảm thấy được an lòng để không còn phải mất ăn mất ngủ nữa.


                                                                    Chu Thập 26.20.2009