Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Tây Tạng: khi Cộng sản cũng tin có Luân Hồi!



25.9.15
Ngày 8 tháng 9 vừa qua, để đánh dấu 50 năm cưỡng chiếm Tây Tạng và tuyên bố biến quốc gia này thành  “Vùng Tự Trị Tây Tạng”, Trung Cộng đã cho tổ chức một cuộc diễn hành “hoành tráng”. Nhưng trái với cuộc biểu dương lực lượng tại Quảng trường Thiên An Môn năm ngày trước đó, cuộc diễn hành tại tại Tây Tạng là một biến cố mà không một ký giả Tây Phương nào được phép theo dõi.
Một tuần trước đó, tại Tây Tạng, một bà mẹ 55 tuổi tên là Tashi Kyi, đã tự thiêu để phản đối chính quyền cộng sản Trung Quốc. Ngày hôm sau, bà qua đời. Trong ngôi làng nhỏ của bà tại quận Sangchu, chính quyền cộng sản đã đưa ra lý do hành chính để triệt hạ nhiều căn nhà. Kể từ năm 2012, cũng trong quận này, đã có 10 người tự thiêu để phản đối chính quyền cộng sản Trung Quốc. Trong số những người này có người cháu của bà Tashi Kyi tên là Sangay. Người thanh niên này đã tự thiêu trong mùa hè vừa qua. Theo tổ chính phi chính phủ có tên là “Save Tibet” (Hãy cứu Tây Tạng), kể từ năm 2009 đến nay, đã có ít nhất 143 người tự thiêu. Chỉ trong năm nay thôi, cũng đã có tới 9 người. Trong một lá thư được cho phổ biến hồi đầu tháng 9 này, ông Jamyang Jinpa, anh của Sangay, giải thích rằng “Cuộc tự thiêu này cũng là một hành động phản đối những hành vi tàn bạo của chính quyền Trung Quốc”.
Trong một buổi lễ được tổ chức ngày 8 tháng 9 vừa qua tại Potala, dinh cũ của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Thủ đô Lhasa, chính quyền cộng sản đã nhắc lại rằng Bang thiền Lạt Ma thứ XIV, Tenzin Gyatso, tức Đức Đạt Lai Lạt Ma, vẫn bị Bắc Kinh xem như một “tên khủng bố”. Trong buổi lễ, ông Yu Zhengseng, ủy viên Bộ Chính Trị, trước khi tặng cho dân chúng một số quà, trong đó có máy pha trà với bơ làm từ sữa bò, đã tuyên bố rằng “Kể từ khi tất cả mọi nhóm sắc tộc đã cùng nhau chống lại “chủ nghĩa ly khai” và như vậy vạch trần những âm mưu và giật giây của Đạt Lai Lạt Ma cũng như các thế lực thù địch quốc tế, Tây Tạng đã bước vào một giai đoạn mới hoàn toàn ổn định”.
Để xoa dịu những chỉ trích của thế giới, ngày 6 tháng 9 vừa qua,  chính quyền cộng sản Trung Quốc cũng đã cho công bố một “bạch thư”. Trong “bạch thư”, họ cho biết rằng Bang thiền Lạt Ma Gendun Choekyi Nyima, người đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn hồi năm 1995, “hiện đang sống một cuộc sống bình thường” và “không muốn bị quấy rầy”. Nhưng ai cũng biết rằng chỉ 3 ngày sau khi được chỉ định như là người sẽ kế vị nhà lãnh đạo tinh thần do Trung Cộng tự chọn, cậu bé, lúc đó mới 6 tuổi đã cùng với gia đình biến mất. Chính phủ Bắc Kinh đã chọn một đứa trẻ khác để bảo đảm chức vụ bang thiền Lạt Ma.
Tuy nhiên cho tới nay, chính quyền cộng sản Trung Quốc vẫn không bao giờ nói rõ người thanh niên và gia đình của anh hiện đang ở đâu.
Cũng trong “bạch thư” liên quan đến vấn đề tôn giáo tại Tây Tạng, nhà cầm quyền cộng sản bảo đảm rằng người thanh niên Gendun Choekyi Nyima hiện đang theo đuổi việc học và cha mẹ của anh cũng đã trở thành những công chức trong chính quyền địa phương. Theo ông Alistair Currie, phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ “Free Tibet” (Hãy giải phóng Tây Tạng) có trụ sở tại London, Anh Quốc, rất có thể điều đó đúng. Nhưng vấn đề được đặt ra là: tại sao lâu nay chính quyền Trung Cộng lại dấu nhẹm về số phận của gia đình người thanh niên Gendun Choekyi Nyima.
Sau khi đã chọn một đứa trẻ khác cùng tuổi để thay thế Bang thiền Lạt Ma do Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn, Trung Cộng tuyên bố sẽ bảo đảm truyền thống có từ đời nhà Thanh (1644- 1912). Theo truyền thống này, Bắc Kinh luôn có tiếng nói cuối cùng trong việc chọn lựa những nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Được bổ nhiệm làm phó chủ tịch của cái gọi là “Hội Phật Giáo Trung Quốc” và thành viên của “Hội đồng Tham vấn Chính trị Nhân dân”, bang thiền Lạt Ma do Trung Quốc chọn đã rất ít khi xuất hiện công khai trước công chúng.
Việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng là một vấn đề “nhạy cảm” đối với Bắc Kinh. Chính quyền cộng sản Trung Quốc nghĩ rằng khi chọn những nhà lãnh đạo mình ưng ý, họ sẽ kiểm soát được các tín đồ Phật giáo Tây Tạng dễ dàng hơn. Sự kiện Bắc Kinh đã bổ nhiệm một lúc hai vị bang thiền Lạt Ma có thể cho thấy điều gì sẽ xảy ra sau khi bang thiền Lạt Ma thứ 14, tức Đức Đạt Lai Lạt Ma, qua đời. Ngài vừa mới mừng sinh nhật thứ 80 ngày 6 tháng 7 vừa qua.
Không bao lâu trước sinh nhật thứ 80, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tuyên bố rằng ngài sẽ không đầu thai nữa. Năm 2001, Ngài đã nhường quyền chính trị lại cho một thủ tướng của cộng đồng người Tây Tạng lưu vong. Lần này, khi tuyên bố không đầu thai, Ngài muốn ngăn cản việc Trung Cộng tự chọn một người kế vị theo ý họ. Trong một cuộc phỏng vấn được phổ biến trên trang mạng riêng của Ngài, Ngài nói: “Nếu tình trạng tại Tây Tạng không thay đổi, tôi sẽ tái sinh ở bên ngoài Tây Tạng để không phải chịu sự kiểm soát của chính quyền Trung Cộng. Đây là một điều hợp lý, bởi vì mục đích của tái sinh là để tiếp tục công việc của người đi trước”.
Đây là niềm tin của Phật Giáo Tây Tạng. Niềm tin này đặt chính quyền cộng sản Trung Quốc, vốn luôn công khai tự nhìn nhận là vô thần và bài tôn giáo, vào thế phải đứng ra bênh vực và bảo vệ giáo lý về đầu thai. Trên Tân Hoa Xã, chính quyền Trung Quốc đã duyệt lại lịch sử lâu dài của những cuộc đầu thai tại Tây Tạng và nhờ các “chuyên gia” Phật Giáo biện bạch cho giáo lý này. Nhưng kết luận tối hậu của lời biện giải trên Tân Hoa Xã lại khẳng định rằng, từ nhiều thế kỷ qua, chính Bắc Kinh mới là cơ quan có thẩm quyền để chọn nhà lãnh đạo tinh thần và chính trị của Tây Tạng.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo The New York Times dạo tháng 7 vừa qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói một cách mỉa mai: “ Những người cộng sản Trung Quốc lẽ ra cũng phải nhìn nhận sự tái sinh của Chủ tịch Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình. Chỉ với điều kiện đó thì họ mới có quyền xen vào chuyện đầu thai của vị Đạt Lai Lạt Ma”.
Đáp lại nhận định của Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong “bạch thư”, chính quyền Bắc Kinh tái khng định rằng họ có quyền kiểm soát tiến trình đầu thai của vị Đạt Lai Lạt Ma. Ông Norbu Dondrup, một người Tây Tạng được Trung Cộng đặt lên làm bù nhìn và đại diện cho chính quyền Bắc Kinh tại Tây Tạng hụ họa: “Dù cho Đạt Lai Lạt Ma có nói hay làm điều gì đi nữa, ông không thể đặt lại vấn đề về quyền của chính phủ trung ương trong việc chuẩn y việc tái sinh”.
Cuốn “bạch thư” mà chính quyền cộng sản Bắc Kinh cho công bố để rêu rao những “ân huệ” mà họ đã ban cho Tây Tạng trong 50 năm qua, đã nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế mà Tây Tạng đã hưởng được nhờ Trung Quốc. Cuốn sách nói đến tổng cộng số tiền đầu tư vào Tây Tạng là 648 tỷ Nhân dân tệ kể từ khi nước này biến thành “Vùng Tự Trị Tây Tạng”.
Tuy nhiên, thật khó mà biết người dân Tây Tạng đã hưởng được bao nhiêu từ sự phát triển kinh tế mà Trung Quốc nói đến. Theo ông Micheal Buckley, tác giả của cuốn sách “Meltdown in Tibet” (sự tan rã của Tây Tạng), xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2014, sự phát triển kinh tế mà Trung Cộng đã mang lại cho Tây Tạng đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại về môi sinh và văn hóa. Trong khi Trung Cộng rêu rao những thành tựu kinh tế thì ông Buckley lại cho thấy rằng trong 50 năm qua, Trung Cộng đã chi rất nhiều cho việc thiết lập tuyến đường hỏa xa từ Bắc Kinh đến thủ đô Lhasa (đã được hoàn thành năm 2006) hơn là hệ thống y tế và trường học. Theo tác giả Buckley, tuyến đường hỏa xa này chỉ có mục đích đưa di dân lao động đến làm việc tại Tây Tạng và như vậy khai thác cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của nước này mà thôi. Đó là chưa kể đến chủ trương Hán hóa Tây Tạng của Trung Cộng. Nhiều công ty khai thác hầm mỏ tại Tây Tạng sử dụng nhiều công nhân người Hoa hơn là người Tây Tạng. Và dĩ nhiên, tuy không có thống kê chính thức, con số tai nạn trong kỹ nghệ khai thác hầm mỏ cũng vô số kể. Trong một cơn địa chấn xảy ra hồi năm 2013, đã có 83 công nhân của một công ty quốc doanh thiệt mạng. Trong số này chỉ có hai người là người Tây Tạng.
Về phần mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma, vẫn luôn khẳng định rằng Ngài lúc nào cũng muốn trở về quê hương nếu Bắc Kinh cho phép. Từ vài năm nay, Ngài không còn tranh đấu cho độc lập của quốc gia, mà chỉ xin chính quyền cộng sản Trung Quốc nhìn nhận quyền tự trị thực sự của Tây Tạng. Đây là đề nghị mà Bắc Kinh đã hoàn toàn bác bỏ trong cuốn bạch thư về Tây Tạng. Chính quyền Trung Quốc không ngừng tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma là một tên “khủng bố” đang có “âm mưu tranh đấu cho nền độc lập của Tây Tạng”. Cuốn bạch thư kết luận: “Tây Tạng hiện đang ở vào thời vàng son”.
Nằm ở Đông Bắc dãy Hy Mã Lạp Sơn, vào thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, Tây Tạng đã từng là một đế quốc hùng mạnh. Nhưng sự sụp đổ của đế quốc đã khiến cho đất nước này bị chia năm xbảy và chỉ thống nhất trên danh nghĩa dưới sự cai trị của một loạt chính phủ tại Lhasa. Kể từ thế kỷ 17, Tây Tạng bị nhà Thanh xâm chiếm. Ranh giới hiện nay của Tây Tạng chỉ được xác lập vào thế kỷ 18.
Sau cuộc nổi dậy chống nhà Thanh tại Trung Quốc năm 1912, các binh sĩ của nhà Thanh đã bị tước khí giới và đưa ra khỏi Tây Tạng. Một năm sau đó, Tây Tạng tuyên bố độc lập, nhưng không được các chính phủ Trung Hoa thừa nhận. Năm 1951, Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã sát nhập Tây Tạng vào lãnh thổ của mình. Năm 1959, sau  một cuộc nổi dậy bất thành, Tây Tạng đã hoàn toàn bị Trung Cộng nuối trng và biến thành “Vùng Tự Trị Tây Tạng”. Lúc bấy giờ đang là nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cùng với hàng ngàn người rời bỏ Tây Tạng để chạy sang lánh nạn tại Ấn Độ và thành lập chính phủ lưu vong tại Dharamsala.
Dharamsala vốn là một đa điểm nghỉ mát dưới thời thuộc địa Anh. Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là ông Jawaharlal Nehru đã cho phép Đức Đại Lai Lạt Ma thành lập chính phủ lưu vong tại Dharamsala cũng như đón nhận người tỵ nạn Tây Tạng. Năm 1970, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khánh thành “Thư viện Tây Tạng” chứa đựng trên 80 ngàn thủ bản và tài liệu quan trọng về lịch sử, chính trị và văn hóa Tây Tạng. Thư viện này được xem như một trong những cơ sở quan trọng nhất về “Tây Tạng học”. Tất cả những ai muốn nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và nhất là Phật Giáo Tây Tạng đều tìm đến thư viện này. Ngoài thư viện này, riêng con người của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã trở thành một tài liệu sống về Phật Giáo Tây Tạng nói riêng cũng như về Phật Giáo nói chung. Ảnh hưởng tinh thần của Ngài đối với thế giới ngày nay là điều không thể chối cãi được. Và dĩ nhiên, qua số phận đau thương của Ngài và dân tộc Ngài, thế giới cũng nhìn thấy được bộ mặt tàn bạo, độc ác, vô nhân đạo của chế độ cộng sản Trung Quốc.



Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Quyền được buồn


Chu Thập
18.9.15
“Quyền được buồn”: tôi đọc được một thứ quyền như thế trên miệng của một nhân vật khá nổi tiếng trong nước cũng như với người Việt tỵ nạn: ông Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhắc tới tên ông, người Việt tỵ nạn, nhứt là những người đã từng chứng kiến hay còn sống sót sau cuộc thảm sát hồi Tết Mậu Thân năm 1968, đều có sẵn trên môi miệng hai tiếng “hung thần”. Mới đây, khi nhìn thấy hình ảnh của một Hoàng Phủ Ngọc Tường đang ngồi xe lăn với “cõi chết đã gần kề”, tác giả Lữ Giang đã trưng dẫn rất nhiều bằng chứng cho thấy vai trò và trách nhiệm của ông trong vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế. Trước hết, ông Lữ Giang nhắc đến cuốn sách có tựa đề “The Vietcong Massacre at Hue” (Cuộc thảm sát của Việt Cộng ở Huế) của nữ bác sĩ Elje Vannema xuất bản năm 1976. Viên bác sĩ người Hòa Lan này đã có mặt tại Huế khi biến cố xảy ra. Bà đã ghi lại các việc làm của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường và một hung thần khác là ông Nguyễn Đắc Xuân như sau: “Dân chúng hiện diện khá đông tại các phiên tòa ở Tu viện (Dòng Mai Khôi), Gia Hội bên kia cầu và ở trong thành. Tòa án ở Tu viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì. Anh này tốt nghiệp Đại học Huế và là cựu lãnh tụ sinh viên trong Ủy Ban Phật Giáo chống chính quyền trước đây.” Bác sĩ Elje Vannema cho biết đã kiểm kê được qua 22 mồ tập thể với số nạn nhân bị Cộng quân giết là 2.326 người. Riêng tại trường Gia Hội, nơi Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân điều hành, có 203 người bị giết.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Phóng viên Burchett và đoàn làm phim Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình tại Huế năm 1982, chính Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã xác nhận mình là nhân chứng của biến cố Tết Mậu Thân, nhưng cho rằng thủ phạm vụ tàn sát là Mỹ Ngụy chớ không phải Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông khẳng định: “Bởi vì tội ác do Mỹ tạo ra được toàn thế giới bên ngoài quan tâm, chúng chuyển tất cả tội ác của chúng và đổ lỗi cho những người làm cách mạng chống lại nhân dân của họ. Tôi ám chỉ việc chúng đã dùng vụ thảm sát như một bửu bối đặc biệt để bôi nhọ cách mạng Việt Nam trong cuộc hòa đàm Paris. Đây là điều tôi muốn nêu rõ vì tôi biết như là một nhân chứng” (Lữ Giang, Nói với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đàn Chim Việt online 25/8/2015).
Không những là một “nhân chứng”, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn đóng một vai trò tích cực trong vụ thảm sát, nhưng trong một cuộc phỏng vấn dành cho Tác giả Nguyễn Đức Tùng dạo tháng 8 năm 2008, được phổ biến trên trang mạng Da Màu và được Việt Luận cho đăng lại trong số ra ngày Thứ Sáu 4 tháng 9 vừa qua, ông vẫn tiếp tục trút bỏ trách nhiệm của cuộc thảm sát Mậu Thân lên đầu Mỹ Ngụy và khẳng định rằng ông không hề có mặt ở Huế khi xảy ra cuộc thảm sát. Là một người “lên núi” đi theo cách mạng bạo động, nhưng ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng bản tính ông “hợp với đi tu”, “lúc nhỏ không thể giúp mẹ làm được việc cắt cổ gà” thì làm gì có chuyện bắn giết người trong chiến tranh. Nhưng không hiểu tại sao ông lại tâm sự: “Sau vụ Mậu Thân xong, tôi suy nghĩ mãi, tôi buồn quá, tôi muốn một mình ra một hoang đảo ở một mình và sẽ không chọn phe phái nào cả”.
“Buồn” và “quyền được buồn” là một trong những ý niệm nổi bật của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường trong cuộc phỏng vấn dành cho Tác giả Nguyễn Văn Tùng. Năm 1966, “buồn” vì thế sự, đang là một giáo sư ở trường Quốc học Huế, ông đã bỏ lên núi đi theo cách mạng bạo động cộng sản. Sau cuộc thảm sát Mậu Thân năm 1968, ông cũng “buồn” đến nỗi chỉ muốn tìm ra một hoang đảo ở một mình”. Nhưng năm 1987, có lẽ ông không còn “buồn” nữa bởi vì sau nhiều lần làm đơn, ông đã được chính thức kết nạp vào Đảng. “Buồn” thế nào được bởi vì người cộng sản đâu được phép “buồn” và bởi vì chế độ cộng sản không những đã tước đoạt và chà đạp những quyền căn bản của con người, mà cũng chối bỏ cả những tình cảm riêng tư và thiêng liêng nhứt của con người.
Tôi nghĩ như thế khi liên tưởng đến câu nói khó quên của người cộng sản gộc Võ Văn Kiệt (1922-2008), người đã từng giữ chức vụ thủ tướng từ năm 1991 đến năm 1997. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo “Quốc Tế” (nay đổi tên thành “Thế giới và Việt Nam”) trong số báo chuẩn bị Tết Ất Dậu 2005 và kỷ niệm “chiến thắng 30 tháng Tư”, cựu Thủ tướng Kiệt nói rằng trong cuộc chiến vừa qua, “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vì Thủ tướng Kiệt nhìn nhận “quyền được buồn” của hàng triệu người Miền Nam mà bài phỏng vấn đã bị ngâm tôm một thời gian. Mất tất cả, chỉ còn lại một chút quyền thiêng liêng giữ kín trong tâm hồn là “quyền được buồn” mà cũng bị người cộng sản tước đoạt, có lẽ chẳng có nỗi buồn nào lớn hơn.
Càng thêm tuổi, tôi càng thấy trong cuộc đời chẳng có gì chính đáng cho bằng nỗi buồn. Theo khuynh hướng tự nhiên ai mà chẳng muốn trốn tránh nỗi buồn. Ngay từ nhỏ, tôi đã được dạy dỗ phải tránh những cảm xúc buồn. Rồi trong giao tiếp hàng ngày, mỗi khi thấy có người đang buồn, tôi lại cố gắng an ủi và khuyên người ta “thôi đừng buồn nữa, đừng khóc nữa!. Cư xử như thế, tôi muốn chuyển đi một thông điệp cho rằng buồn là một điều xấu cần phải tránh. Sống là phải sống vui, là phải đẩy lui nỗi buồn.Nhưng liệu một cuộc sống chỉ có “vui” thôi, có thực sự là một cuộc sống sung mãn không?
Các cuộc nghiên cứu  cho tôi thấy rằng buồn là một cảm xúc có lợi. Nỗi buồn thường bị lẫn lộn với trầm cảm. Thật ra, khác với sự trầm cảm, buồn là một phần tự nhiên của cuộc sống và thường gắn liền với những kinh nghiệm mất mát hay khổ đau. Tôi cảm nhận được “tính người” của Chúa Giêsu khi, đứng trước nỗi khổ đau tột cùng của thập giá, Ngài đã chia sẻ với các môn đệ thân tín của Ngài: “Thày buồn muốn chết được”!
Theo các chuyên gia tâm lý, buồn là một cảm xúc sống động xuất hiện để nhắc nhở chúng ta về những điều chúng ta cho là quan trọng và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Các nhà tâm lý nói rằng cảm xúc nói chung là tấm gương soi để con người nhận ra con người thật của mình, dễ dàng chấp nhận chính mình hơn và đồng thời cũng dễ dàng cảm thông với người khác hơn. Trái lại, tìm cách dẹp bỏ cảm xúc có thể khiến chúng ta bị trầm cảm và co cụm trong bản thân (Lisa Firestone Ph.D, The Value of Sadness, Psychologytoday 30/7/2015).
Tôi có nhiều nỗi buồn. Nhưng buồn nhứt là mỗi khi nhìn về Việt Nam. Buồn không phải vì nhớ nhà hay xa quê hương cho bằng cứ mỗi ngày lại nghe nói đến cơn bệnh “vô cảm” đang làm cho tâm hồn người Việt Nam hiện nay chết dần chết mòn. Người bên ngoài nhìn về Việt Nam thường nói đến bệnh vô cảm đã đành, mà trong nước những ai còn có chút thao thức, cũng phải lên tiếng báo động về căn bệnh này. Cách đây không lâu, tôi có đọc được một bài luận văn của một học sinh lớp 9 của trường trung học Chu Văn An, Hà Nội. Sau đây là phần mở đề của bài luận văn: “Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn, làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chíp “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết  ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân, mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội - bệnh vô cảm.
Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?
Theo em học sinh này, “vô cảm” “là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác? Người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà thôi. Nếu không vô cảm, tại sao các cô giáo ở trường mầm non lại nhẫn tâm giật tóc, đánh đập, bịt miệng các cháu bé còn ngây thơ, nhỏ tuổi? Tại sao một người còn chưa qua tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà người ta để lấy của cải? Xa hơn nữa là các công chức bình thản ăn tiền ủng hộ, trợ giúp những số phận đau thương, bất hạnh của người dân để kiếm lợi cho riêng mình. Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn nữa...Tất cả những điều vô lương tâm ấy đều xuất phát từ căn bệnh vô cảm mà ra.”  
Đi tìm nguyên nhân của căn bệnh này, em học sinh mà cô giáo nhận xét là “có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này”, cho rằng chính vì “không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc, mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc”. Em học sinh này hoàn toàn không đá động gì đến nguyên nhân sâu xa nhứt là cái chế độ vô đạo đã bóp nghẹt mọi giá trị đạo đức và tạo ra cái lỗ hổng đạo đức hiện nay trong xã hội. Tôi rất thông cảm với em. Tầm nhìn giới hạn không cho phép em nhìn xa hơn và sâu hơn. Sống trong một chế độ mà tự do suy nghĩ và ngôn luận hoàn toàn bị bóp nghẹt thì đối tượng phân tách của em không thể là cái chế độ toàn trị ấy.
Nghĩ về “quyền được buồn” như ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nêu lên, tôi cho rằng chính vì chế độ cộng sản đã cướp đi cái “quyền được buồn” của người dân mà xã hội Việt Nam hiện nay phải rơi vào tình trạng “vô cảm”. Sinh hoạt của những người bạn còn trong nước được đưa lên các “meo đàn” và trang mạng thường cho tôi thấy hình ảnh của bàn nhậu, chai rượu, lon bia...Người ta “nhậu” để “giải sầu”, để chôn chặt hay đè bẹp nỗi buồn và dĩ nhiên,  nói như một người bạn của tác giả “Người buôn gió”, để “tu” và chỉ để làm tiền mà thôi. Còn người khác có sống chết, có bị đàn áp, có đói khổ...cũng mặc kệ họ.
Tôi “buồn” mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh như thế. Nhưng nỗi buồn ấy cũng không ngừng nhắc nhở tôi, như em học sinh trường trung học Chu Văn An đã kêu gọi: “Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần “người”, giành lại “trái tim” mà Thượng Đế, mà tạo hóa đã ban cho chúng ta!”






Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Mắt to hơn bụng



Chu Thập
13.3.12



Năm nay coi như không có mùa hè đối với dân câu cá ở vùng tôi ở. Mưa liên miên. Nước thường đục ngầu mà cũng chẳng mấy khi nóng đủ cho các loại cá mùa hè như cá hanh, cá đục, cá chai...hoạt động cho nên nhiều hôm tôi cứ xách cần về không và ca bài “ra đi hy vọng tràn trề, trở về thất vọng não nề bấy nhiêu”. Chợt nhớ lại cái thời vàng son khi tôi còn mặc quần thủng đáy mà đã có thể câu cá đủ cho bữa ăn chiều của cả gia đình. Cứ mỗi chiều khi tan học, lũ nhóc con chúng tôi xách cần câu tre kéo nhau ra hai bên bờ sông gần nhà. Mũi dãi chưa sạch, nói năng còn ngọng nghệu vậy mà cũng bắt chước cái giọng người lớn để khoe: “Đủ nướng đủ kho đủ cho mẹ vợ”. Ngày nay, phải trả tiền mới có giấy phép câu cá, lại câu ở những nơi chỉ dành cho dân câu cá, vậy mà nhiều lúc không đủ ăn chứ đừng nói tới chuyện cho mẹ vợ! Thèm cá, nhưng không muốn vào chợ cá. Phần thì cá không được tươi, nguồn gốc của cá đánh bắt đôi khi đáng nghi ngờ, giá lại mắc mỏ. Nhứt là năm nay, mất mùa cá, mấy tiệm bán cá chặt đẹp. Hôm chúa nhựt vừa rồi, ghé vào một tiệm cá ở Hornsby, Bắc Sydney, thấy người ta tranh nhau mua đồ biển mà bắt sợ. Giá một ký cua thôi cũng bằng tiền cá tôi ăn một hai tuần lễ. Hỏi ra mới biết đang là Mùa Chay của Kitô giáo!
Lạ quá. “Đạo”, nếu hiểu như là việc không bỏ lễ Chúa Nhựt và tuân theo một số “giới răn” của Giáo hội, thì chẳng còn mấy ai giữ trong xã hội này. Nhưng cái truyền thống kiêng thịt và ăn cá trong mỗi ngày thứ sáu của Mùa Chay thì xem ra người ta lại thích “giữ”. Thật ra, có lẽ chỉ có “dân giàu” mới sính với truyền thống này, bởi vì chỉ có dân giàu mới có dư tiền để mua đồ biển. Té ra, trong tôn giáo, người giàu vẫn sướng hơn kẻ nghèo! “Chay” cũng có của ngon dở, mắc rẻ.
Lúc nhỏ và ngay cả trong một quãng thời gian dài của tuổi trưởng thành, tôi cứ phải “vật lộn” để tuân giữ luật lệ của Giáo hội tôi, nhứt là luật về kiêng khem và chay tịnh. Tôi còn nhớ, cứ đến ngày thứ sáu trong Mùa Chay, thì mẹ tôi, theo chỉ dẫn của các nhà “thông luật” trong Giáo hội thời đó, dặn các chị tôi rất kỹ: đi chợ phải mua cho bằng được thịt của loài sống dưới nước như cua, tôm, cá và ngay cả “gà nước”, con vít (rùa biển) v.v... Còn “ăn chay” thì đối với tôi chẳng khác nào chuyện “đu giây”. Mẹ tôi cứ dặn đi dặn lại: ăn chay là sáng ăn thật ít, trưa ăn thật nhiều và tối phải canh làm sao để không ít như sáng mà cũng chẳng nhiều như trưa. Giữ luật Giáo hội mà chẳng khác nào làm toán để cân đo đong đếm cho đúng liều lượng!  Nhiều bữa lỡ quên hay “thèm” quá mà ăn quá chén, thế là tiêu một ngày giữ chay, lương tâm lại bị “cắn rứt” vì không tuân giữ luật Giáo hội!
Ngày nay, cảm thấy mình phải trưởng thành hơn trong việc giữ Đạo, tôi nhận thấy rằng trong việc chay tịnh, điều quan trọng không phải là thịt hay cá, ăn ít hay ăn nhiều, mà chính là chiến đấu chống lại tính ích kỷ, lòng tham lam để biết sống vị tha hơn. Càng tiến tới trong tuổi đời, tôi càng nghiệm ra rằng tham là cội rễ của mọi sự dữ. Tham thì giàu hay nghèo ai cũng có. Mà tham thì không chỉ có tham tiền, mà còn tham quyền, tham thế lực, tham được hơn hay thống trị trên người khác nữa.
Mới đây, trên báo mạng Đàn Chim Việt, bài viết có tựa để “Cặp đôi hoàn hảo Chuyên Chính và Tham Nhũng” của tiến sĩ  Hà Sĩ Phu đã gợi lên cho nhiều ý tưởng để suy niệm trong Mùa Chay. Tác giả trích dẫn một quy luật bất di dịch là câu nói bất hủ của Nam tước Anh John Dalberg Acton (1834- 1902) “Quyền lực có xu hướng tham nhũng, mà quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối” (Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely). Trong bài viết, tác giả lên án thái độ vô liêm sỉ của thủ tướng Việt nam Nguyễn Tấn Dũng khi ông này chỉ đạo phải “xóa nguồn gốc tạo đặc quyền, đặc lợi!”  Một cách cụ thể, phải thêm nhiều giải pháp mạnh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Theo tác giả Hà sĩ Phu, phải tuyệt đối vô liêm sỉ mới có đủ trơ trẽn để vừa củng cố cái nguồn gốc của đặc quyền đặc lợi là chủ nghĩa cộng sản lại vừa kêu gọi chống tham nhũng. Hà sĩ Phu viết: “Nguồn gốc là ở đấy, nay thủ tướng lại hô hào “Xóa nguồn gốc của đặc quyền, đặc lợi” tức là tự xóa mình, thì xóa thế nào? Vì thế, dù người chỉ huy Phòng chống tham nhũng là thủ tướng, là tổng bí thư hay chủ tịch nước hay chủ tịch quốc hội cũng đều không giải quyết được nạn tham nhũng, vì phân tích căn nguyên như trên thì họ đều liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến tham nhũng, đều gặp những khó khăn không giải quyết được”.
Đã tham quyền thì nhũng lạm. Quyền lực hay đúng hơn lòng tham quyền lực làm cho con người ra mù quáng.
Cũng trên báo mạng Đàn Chim Việt,  bài viết có tựa đề “Nghĩ muộn” của một tác giả nổi tiếng trong nước là nhà văn Nguyễn Khải cũng xoay quanh vấn đề quyền lực và nhân cách. Nhà văn Nguyễn Khải khẳng định rằng “trong những tham vọng của con người thì tham vọng quyền lực là tệ hại nhất, nguy hiểm nhất. Nhân loại đã từng chết đi sống lại nhiều lần vì cái tham vọng có sức phá hoại ghê gớm ấy. Bất cứ cái gì một khi đã bị quyền lực chạm tới đều lập tức biến chất thành hư hỏng, ruỗng nát. Khoa học, văn chương, tôn giáo, học thuyết là những kết tinh rực rỡ nhất của trí tuệ con người, nhưng do ăn chung ở đụng lâu dài với quyền lực nên dần dần trở thành tôi tớ cho quyền lưc, bị đem ra phục vụ cho những mục tiêu xấu xa nhất, củng cố quyền lực của một tập đoàn, một quốc gia hay để thống trị các tập đoàn khác, quốc gia khác.” (x. Đàn chim việt info 7/3/2012). Chỉ tiếc một điều là vì chưa đủ tỉnh táo và sáng suốt để tìm được “cái tôi đã mất” do cả một đời uốn cong ngòi bút làm văn nô cho chế độ cho nên nhà văn Nguyễn Khải mới ca ngợi rằng “trong thế kỷ 20 như tôi được biết có ba nhân vật mà quyền lực không thể đụng chạm tới lý tưởng và nhân cách cao quý của họ. Đó là Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh và Nelson Mandela”. Bảo rằng Hồ Chí Minh không để cho quyền lực thống trị và điều khiển thì chẳng khác nào ca ngợi công đức của Hitler, Stalin và Mao Trạch Đông!
Không nghe nói đến chuyện ông Hồ Chí Minh tham nhũng. Thật ra, sống “thanh đạm” mà lúc nào cũng có kẻ hầu người hạ như ông thì cũng quá cha thiên hạ rồi (ông vẫn tự xưng là cha già dân tộc mà). Nhưng chủ trương lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện, xử dụng bất cứ thủ đoạn nào, nhứt là hãm hại người khác và ngay cả dối trá, lừa bịp để thu tóm quyền lực trong tay và để được tôn thờ như một vị thánh, một người như thế mà bảo quyền lực “không thể đụng chạm tới lý tưởng và nhân cách cao quý” ư?
Quyền lực, xét cho cùng, vẫn là điểm nhắm của lòng tham. Con người có chạy theo tiền của là để có quyền lực. Hiện nay, báo chí Úc nói nhiều đến cuộc tranh giành trong gia đình bà Gina Ginehart, người cự phú hầm mỏ hiện đang được coi là người giàu có nhứt nước Úc và trong tương lai không những trở thành người phụ nữ giàu nhứt thế giới, mà còn có thể là người giàu nhứt hành tinh. Ngoại trừ cô con gái út Ginia Rinehart là người đứng về phe bà, cả ba người con khác đều cấu kết với nhau để đưa người mẹ ra tòa. Chuyện chưa ngã ngũ và trắng đen còn tùy thuộc ở mấy tấc lưỡi của mấy ông “thày cãi”. Nhưng người đứng ngoài nhìn vô chắc chắn ai cũng thấy “khó coi”. Mẹ con với nhau mà chỉ vì miếng ăn, dù miếng ăn ấy có béo bở đến đâu, để đến nổi vác chiếu ra tòa, nghe chẳng còn thể thống gì nữa! Những người con của bà Ginehart chắc chắn chỉ nhắm tới món tiền kết xù trước mắt. Còn bà Ginehart, trước viễn tượng của chiếc vương miện được làm người giàu nhứt thế giới sẽ được đội trên đầu, xem ra vẫn muốn ăn thua đủ với con cái mình. Tiền bạc và quyền lực đàng sau tiền bạc quả là một mãnh lực khủng khiếp!
Nước Úc “miệt dưới” coi vậy mà cũng có nhiều chuyện để được thế giới chú ý đến. Cũng may, bên cạnh cuộc tranh giành chẳng mấy tốt đẹp trong gia đình bà Ginehart, Úc đại lợi lại nổi tiếng với hình ảnh của một người mà, trong phụ trương “AustralianMagazine” số ra cuối tuần qua, nhựt báo The Australian gọi là “người đàn ông với cái bắt tay bằng vàng”. Mấy tuần qua, các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới như BBC, CNN và báo chí tại 61 nước trên thế giới đều nhắc đến tên ông: Ken Grenda, chủ nhân của Công ty xc buýt nổi tiếng tại Melbourne “The Grenda Corporation”. Ông Ken Grenda được thế giới nhắc đến với tất cả nể phục là bởi vì sau khi bán công ty, ông đã trích ra 15 triệu Úc kim để làm quà cho khoảng 1750 nhân viên của công ty, từ tài xế, đến thợ máy và kế toán viên...Mọi người ai cũng ngạc nhiên khi thấy trong tài khoản của mình một số tiền bất ngờ. Có người, khi nhận được trong sổ băng số tiền 12 ngàn Úc kim, nghĩ rằng đã có sai lầm trong sổ lương của công ty.
Dĩ nhiên, ông Ken Grenda không hào sảng một cách “đột xuất” hay để đền bù một số bất công mà công ty đã phạm đối với các nhân viên trong suốt 65 năm qua. Lòng quảng đại của ông là thể hiện của một triết lý sống mà ông đã không ngừng đeo đuổi trong suốt thời gian quản lý công ty của gia đình.
Vợ ông, bà Margaret, kể lại rằng vào thập niên 60, sau tuần trăng mật, ông bảo bà ngồi xuống ghế rồi nói một cách nghiêm chỉnh như sau: “Anh có điều muốn nói với em. Anh muốn em đối xử với các nhân viên của chúng ta như thể là người trong gia đình. Họ cũng là người tốt như chúng ta. Họ bình đẳng với chúng ta. Không có họ thì chúng ta không thể tạo lập nên sự nghiệp. Không có họ chúng ta sẽ không có bánh mì và bơ trên bàn ăn. Anh muốn em học thuộc tên họ. Mỗi lần em gặp họ, anh muốn em đối xử tử tế với họ”.
Đối xử tử tế với nhân viên không chỉ có nghĩa là thuộc tên họ, ân cần chào hỏi họ, ông Ken Grenda còn thiết lập một Quỹ ký thác để giúp  đỡ con cái của những gia đình nhân viên nghèo được có tiền ăn học.
Trong khi con cái của bà Ginehart xúm lại lôi bà ra tòa, thì người con trai út của ông Grenda nói về cha mình như sau: “Cha tôi là người quảng đại, tử tể nhứt mà bạn có thể gặp”. Anh nói rằng mấy anh em ông luôn khuyên cha mình nên cẩn thận kẻo bị người ta lợi dụng. Nhưng ông Grenda luôn dạy con cái ông hãy tin tưởng người khác như tin tưởng mẹ mình. Có lẽ bà Ginehart và con cái bà không tin ở lời khuyên này của ông Grenda cho nên mới có chuyện mẹ con tranh giành xâu xé nhau.
Mùa Chay, cùng với chay tịnh, các Giáo hội Kitô trên khắp thế giới thường mở chiến dịch kêu gọi chia sẻ để giúp đỡ những người túng thiếu. Được thực hiện trong Mùa Chay, nghĩa cử của ông Grenda đối với các nhân viên của ông có một ý nghĩa đặc biệt. Giữa lúc thế giới đang trải qua khủng hoảng kinh tế và tài chính, những người giàu có trên thế giới không thể không suy nghĩ về “tấm gương” của ông. Những người giàu có thường có “con mắt lớn hơn cái bụng”. Có giàu có đến đâu, mỗi người cũng chỉ có một cái bụng. Có phú quý đến đâu, chỗ ngủ của mỗi người cũng chỉ là một cái giường...Sở dĩ con người muốn chiếm hữu nhiều của cải là để được tiếng và được “quyền” hơn người. Kỳ thực, điều thực sự làm cho con người “to lớn vĩ đại” hơn không phải là cái xe, cái nhà, cái mớ tiền của chỉ là “giấy lộn” trong ngân hàng và lại càng không phải là “cái bụng to” của mình, mà chính là tấm lòng vị tha của mình. Nghịch lý lớn nhứt ở đời là càng cho đi, con người lại càng có “thế lực” và giàu có.
Chay tịnh có lẽ sẽ trở nên “dễ thương” và “đáng nhớ” hơn nếu như người ta sẵn sàng nhường những gì mình ưa thích cho người khác. Ngay trong xã hội Úc, người nghèo “tinh thần” và “vật chất” cũng còn nhiều lắm. Chẳng cần đi xa.







Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Nepal sau trận động đất


 18.9.15
Trận động đất tại Nepal ngày 25/4/15 vừa qua đã làm cho hơn 9.000 người thiệt mạng và trên 23 ngàn người bị thương. Đây là thiên tai tệ hại nhất đã giáng xuống Nepal kể từ trận động đất năm 1934. Hiện nay nhiều người Nepal vẫn còn đang phải chiến đấu để sống còn trong những căn lều tạm bợ, trước nguy cơ bị bắt cóc bởi những tổ chức buôn người.
Raj Kumav Acharya, một thiếu niên 11 tuổi, là một trong 7.100  cư dân đang sống trong trại tạm trú Chuchhepati. Đây là trại tạm trú  lớn nhất tại Thủ đô Kathmandu. Cha của Raj đã bị thiệt mạng trong trận động đất. Ngôi làng Sindhupalchowk, nơi gia đình Raj sinh sống, là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận động đất. Nhà cửa hoàn toàn bị phá hủy, tài sản tiêu tan, Raj và mẹ em đã đón xe buýt để đến Thung lũng Kathmandu là nơi mà họ tin tưởng sẽ có được một cuộc sống an toàn hơn. Cùng với hai mẹ con Raj, còn có cả một đoàn người rời bỏ làng mạc để đi lánh nạn. Các tổ chức từ thiện cho biết những người như mẹ con Raj, tức đàn bà và trẻ em, là những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong các trại tạm trú: họ dễ dàng trở thành những con mồi cho các tổ chức buôn người.
Chủ tịch của ủy ban điều hành trại Chuchhepati, ông Sandesh Rai cho biết hiện có khoảng 750 trẻ em lẻ loi, tức không có cha mẹ hay người lớn bên cạnh, đang sống trong trại này. Ngoài ra, theo ông Rai, ngày nào cũng có thêm người từ những vùng bị tàn phá bởi trận động đất, tìm đến. Họ đến bằng rất nhiều phương tiện, kể cả đi bộ. Nhưng cũng có nhiều trẻ em đã trở về với gia đình hay bà con quen biết. Cậu bé Raj, dù sao vẫn còn may mắn hơn nhiều em khác, vì em vẫn còn có mẹ bên cạnh.
Ông Daya Sagar Shrestha, giám đốc điều hành của Hiệp hội các tổ chức phi chính phủ tại Nepal, nói rằng những trẻ em như Raj không chỉ cần có một căn lều để ở. Các em còn có rất nhiều nhu cầu khác. Xây nhà, dựng lều cho các nạn nhân của trận động đất là một nhu cầu cấp thiết và quan trọng. Nhưng đáp ứng được những nhu cầu tâm lý và bình ổn tâm lý của những người đã trải qua quá nhiều thương tật tinh thần là điều cũng khẩn thiết không kém. Phải chăm sóc những em đã mất cha mẹ trong trận động đất như thế nào? Đó là một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra cho các tổ chức phi chính phủ. Ông Shrestha nói rằng những trẻ em như Raj là những người đã rời bỏ cuộc sống dân dã ở làng mạc để đến các thành phố. Bên cạnh những nhu cầu vật chất, họ còn phải đối diện với một loạt những vấn đề tâm lý, xã hội và văn hóa. Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất, theo ông giám đốc điều hành của Hiệp hội các tổ chức phi chính phủ tại Nepal, chính là nạn buôn người.
Trong một bản phúc trình mới đây,  UNICEF (Quỹ Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc) cho biết có tất cả 513 người gồm phụ nữ và trẻ em từ các trại tạm trú đã bị bắt cóc và đưa lậu ra nước ngoài. Ngoài ra, tổ chức này cũng ước tính tại Nepal có khoảng 30 ngàn trẻ em cần được chăm sóc đặc biệt để giúp các em vượt qua được những chấn thương tâm lý do trận động đất gây ra.
Tại trung tâm tạm trú Chuchhepati ở Thủ đô Kathmandu, cuộc sống của người tỵ nạn, tuy có thiếu thốn, nhưng vẫn an toàn hơn tại những trung tâm khác. Từ thành phố Dhading Besi, thủ phủ của tỉnh Dhading, người ta có thể nhìn thấy những trại tạm cư nằm dọc theo các sườn đồi. Người dân từ nhiều ngôi làng bị phá hủy trong trận động đất đã đến trú ngụ trong những căn lều đủ mầu sắc. Trẻ em vẫn là những nạn nhân có số phận bi đát hơn cả. Rất nhiều em mới 3 tuổi đã không còn cha mẹ hay người thân. Cũng như tại trung tâm Chuchhepati, ngoài những chấn thương tâm lý, trẻ em và phụ nữ trong những trung tâm tạm trú này cũng phải đối diện với nhiều vấn đề mà đáng lo ngại hơn cả vẫn là tệ nạn buôn người. Tại những vùng nông thôn, vì thu nhập thấp, lại thất học, những người tỵ nạn dễ trở thành miếng mồi ngon của những tổ chức buôn người. Trong một đất nước mà 26 phần trăm tổng sản lượng quốc gia đến từ đồng lương của những người đi làm ở nước ngoài, những người đã mất tất cả trong trận động đất và hiện sống tạm bợ trong các trung tâm tạm trú dễ bị dụ dỗ hơn cả.
Ông Keshav Duwadi, Chủ tịch của cơ quan y tế và chống buôn người có tên là “Awaj Aviyan Nepal”,  nói rằng nghe lời đường mật của một số người, một số cư dân của những trung tâm đã bị bắt và bán sang Ấn Độ để bị cưỡng bách lao động, bán dâm hoặc bán cơ phận.
Nepal là một quốc gia nằm ngay dưới chân dãy núi Himalaya, là nơi mà vỏ trái đất không ngừng dao động. Các nhà khoa học giải thích rằng cách đây 40 hoặc 50 triệu năm, hai mảng đất khổng lồ là Ấn Độ, lúc bấy giờ còn là một hòn đảo và vùng được gọi Âu Á (Eurasia), va chạm nhau để tạo nên dãy núi hùng vĩ cao ngất ngưởng là Himalaya. Bên dưới dãy núi này chính là vùng đất có tên là Nepal. Có thể nói đây là “vết thương” được gây ra bởi sự cọ xát của hai khối khổng lồ Ấn Độ và Âu Á. Điều đáng lo ngại cho Nepal chính là hiện nay hai khối khổng lồ này vẫn tiếp tục va chạm nhau. Những va chạm này tạo ra năng lượng. Do sức ép lâu ngày, năng lượng này bùng nổ và tạo ra những chấn động mà chúng ta gọi là động đất.
Từ nhiều năm trước, các chuyên gia đã từng cảnh cáo rằng động đất đối với Nepal chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Năm 1934, một trận động đất với sức mạnh đo được trên địa chấn kế là 8.1 đã làm cho trên 10 ngàn người tại Nepal và tiểu bang Bihar, miền Đông Ấn Độ thiệt mạng. Do đó, khi xảy ra trận động đất ngày 25 tháng 4 vừa qua, bà Susan Hough, một nhà địa chấn học tại Trung tâm Theo dõi  Địa chất học của Hoa Kỳ, đã nói rằng “chẳng có gì phải ngạc nhiên cả”. Trận động đất này cũng đã làm cho trên 60 người tại miền Bắc Ấn Độ thiệt mạng. Tại Tây Tạng, những cơn hậu chấn cũng làm cho ít nhất 25 người chết. Gần đỉnh núi Everest, ít nhất 17 người leo núi đã chết trong cơn bão tuyết do trận động đất gây ra. Riêng tại Nepal, ngoài 9 ngàn người thiệt mạng và trên cả trăm ngàn người bị thương, trận động đất đã phá hủy phần lớn hạ tầng cơ sở và hệ thống thông tin của một đất nước được xem là một trong những quốc gia nghèo nhất ở Á Châu. Không biết bao nhiêu ngôi làng bị bình địa. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc,  8 triệu  trong tổng số dân 30 triệu người của Nepal đã phải ít hay nhiều gánh chịu những hậu quả của trận động đất. Hiện trong thung lũng Kathmandu, có khoảng 2.5 triệu người đang tạm cư; con số này gia tăng hàng năm khiến cho vùng này trở thành một trong những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất tại Nam Á Châu.
Bên cạnh những đe dọa về thiên tai, Nepal còn phải đối đầu với cuộc nổi dậy đẫm máu của các phiến quân theo chủ nghĩa “Mao Trạch Đông” (Maoist). Đã có khoảng 13 ngàn người bị sát hại trong cuộc chiến tranh du kích do các phiến quân “Maoist” chủ xướng. Mãi cho đến năm 2006, cuộc chiến mới chấm dứt. Không bao lâu sau đó, chế độ quân chủ, vốn là mục tiêu tấn công của phong trào du kích “Maoist”, đã cáo chung. Nhưng  chế độ dân chủ vẫn còn non nớt cho nên bất ổn chính trị tại Nepal là điều xem ra không  thể tránh khỏi. Nhiều nhóm sắc dân thiểu số, vốn từ lâu nay bị kỳ thị và đẩy ra bên lề, đã vùng lên tranh đấu để có tiếng nói, nhất là trong chính trị. Biến cố đẫm máu vừa mới xảy ra tại Tikapur, miền Tây Nepal, dạo đầu tháng 9 vừa qua là một điển hình. Hàng ngàn người thuộc sắc dân Tharus đã biểu tình để yêu cầu chính phủ phải đối xử bình đẳng với họ. Cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát đã làm cho 8 cảnh sát viên bị sát hại một cách dã man.
Nepal hiện đang trải qua điều thường được gọi là một cuộc khủng hoảng về Hiến pháp. Thật vậy, cho tới nay, quốc gia này vẫn chưa có một Hiến pháp thường trực. Ngày 13 tháng 2 vừa qua là hạn chót để chấm dứt Quốc hội Lập hiến. Nhưng viện lý do bất ổn chính trị và phe phái chia rẽ, các dân biểu lại tiếp tục đình hoãn nhóm họp và như vậy không bao giờ thông qua được Hiến pháp.
Đây không phải là lần đầu tiên có sự đình hoãn như thế. Kể từ khi “Phong trào Quần chúng” nổi dậy lật đổ chế độ quân chủ hồi năm 2006, dân chúng Nepal đã phải 2 lần đến phòng phiếu để bầu Quốc hội Lập hiến. Nhưng cho tới nay các nhà lập pháp Nepal vẫn chưa soạn thảo và thông qua được một bản  Hiến pháp nào.
Những chướng ngại lớn nhất ngăn cản Nepal có được một bản Hiến pháp chính là nỗ lực thành lập một chính phủ liên bang và xác định các đơn vị liên bang. Năm 2006, sau khi chế độ quân chủ cáo chung, một nước Nepal liên bang đã thành hình và lấy tên “Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal” với một bản Hiến pháp lâm thời. Nhưng do tranh chấp giữa phe đối lập theo chủ nghĩa “Maoist” và Đảng cầm quyền, một bản Hiến pháp dứt khoát đã không bao giờ đạt được. Bên cạnh sự đối đầu giữa đảng cầm quyền và phe đối lập “Maoist”, còn có sự căng thẳng giữa các sắc tộc khiến cho việc xác định các đơn vị của chính phủ liên bang trở nên khó khăn. Nói cách khác, các phe phái không hoàn toàn đồng ý về con số các tiểu bang sẽ họp thành chính phủ liên bang. Ngoài ra, tôn giáo cũng là một yếu tố gây căng thẳng tại Nepal. Ấn Giáo chiếm đến 81.3 phần trăm dân số và vẫn tiếp tục được xem là Quốc giáo. Mặc dù Đức Phật sinh ra tại Nepal, nhưng tỷ lệ phật giáo tại nước này chỉ có 9 phần trăm. Vì Ấn Giáo được xem là Quốc giáo cho nên các nhóm tôn giáo thiểu số như Hồi giáo, Kitô giáo thường bị kỳ thị hoặc ngay cả bị bách hại.
Vì tình hình chính trị bất ổn cho nên kinh tế Nepal tăng trưởng chậm so với các nước xung quanh ở Á Châu và nước này vẫn còn nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới. Theo chỉ số phát triển (Human Development Index), Nepal được xếp hạng thứ 145 trong tổng số 187 nước trên thế giới. Một nửa dân số Nepal hoặc thất nghiệp hoặc chưa tới tuổi lao động. Nhiều người đã phải đi tìm việc làm tại các nước khác như Ấn Độ, Qatar, Hoa Kỳ, Thái Lan, Anh Quốc, Á Rập Saudi, Brunei, Gia Nã Đại và Úc Đại Lợi. Lực lượng lao động này đang đóng góp đáng kể vào tổng sản lượng quốc gia. Ngoài ra, Nepal cũng cung cấp “binh sĩ” thường được gọi là “Gurkha” để phục vụ trong quân đội của các nước như Ấn Độ và Anh Quốc. Đây là một đội quân tinh nhuệ và dũng cảm. Lực lượng “đánh thuê” này mỗi năm cũng mang về cho đất nước đến 3.5 tỷ Mỹ kim, tức gần 23 phần trăm tổng sản lượng quốc gia.
Nằm trên một vỏ đất luôn dao động, lại bất ổn về chính trị,  quốc gia nằm dưới chân dãy núi Himalaya hùng vĩ này quả có một số phận bi đát hơn nhiều quốc gia khác ở Á Châu.
(Theo báo The Diplomat 14/9/2015 và tạp chí Time 11/5/2015)


Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Lương tâm nhân loại



Chu Thập
11.9.15
Ngày 2/9/15 vừa qua, cả thế giới đã rúng động trước bức ảnh của xác một bé trai 3 tuổi trôi dạt vào bờ biển gần một khu nghỉ mát bên Thổ Nhĩ Kỳ. Không mấy chốc, cả thế giới đều biết: em bé trong bức ảnh tên là Aylan Kurdi, đến từ phía Bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Qua hình ảnh của em bé, hoàn cảnh tang thương của cả một gia đình trẻ cũng hiện lên: trong cuộc vượt biên, mẹ và anh trai của em đã bị chìm sâu trong lòng đại dương trước sự chứng kiến vô vọng của người cha. Ai đó đã nhìn ra trong em bé Aylan Kurdi hình ảnh của một thiên thần đang ngủ say, nhưng vẫn có đủ sức để rót vào lương tâm của thế giới một lời kêu gọi khẩn thiết trước thân phận đau thương của người tỵ nạn.
Với một người đã từng là một thuyền nhân tỵ nạn như tôi, bức ảnh đã khơi gợi lên nhiều cảm xúc khôn tả. Trước hết là nỗi đau buồn. Bức ảnh ấy đã đánh động tôi sâu xa đến nỗi không hiểu tại sao tôi đã nhìn ra em bé ấy như một người thân thương ruột thịt của mình. Trong em bé ấy, tôi cảm nhận được nỗi đau thương của chính những người thân của tôi, những người đã chết trên biển cả trong cuộc vượt biên tìm tự do, những người đã và đang quằn quại trong chế độ độc tài.
Cùng với nỗi đau buồn là sự phẫn nộ. Với tôi, hình ảnh của xác em bé Aylan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ là mặt trái của một thảm trạng khủng khiếp đang diễn ra trên quê hương của em. Không có cái chế độ đày đọa, tàn sát dân mình, nhưng lại được tiếp tay bởi một số nước như Iran, Nga và Trung Cộng, không có bàn tay khát máu của nhà độc tài Bashar al Assad tưới tẩm thêm mầu mỡ mảnh đất mà trên đó Phong trào khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” có cơ hội phát sinh và được nuôi dưỡng thì làm gì có cảnh nước nhà tan nát và người dân phải khốn khổ đến độ đành liều mạng sống để đi tìm tự do.
Không có nỗi thống khổ nào giống nỗi thống khổ nào. Thủ tướng Tony Abbott đã bị các nhà lãnh đạo của cộng đồng Do Thái tại Úc Đại Lợi gay gắt chỉ trích vì ông đã tìm cách so sánh tội diệt chủng của Đức Quốc Xã với sự tàn ác không có thước đo của Phong trào “Nhà nước Hồi giáo”. Theo ông, Phong trào Hồi giáo cực đoan này tàn ác hơn Đức Quốc Xã, bởi vì Đức Quốc Xã vẫn còn biết xấu hổ khi tiến hành chính sách diệt chủng đối với người Do Thái. Trong khi đó, theo Thủ tướng Abbott, “Nhà nước Hồi giáo” không những tàn ác mà còn hãnh diện phô trương những hành động độc ác của mình. Nói như thế cũng có nghĩa là bảo rằng Đức Quốc Xã không độc ác bằng “Nhà nước Hồi giáo”. Một lãnh tụ của cộng đồng Do Thái tại Úc đã gọi sự so sánh trên đây của thủ tướng Abbott là “thiếu khôn ngoan và đáng tiếc” (unjudicious and unfortunate).
Trước cuộc sống ngày đêm phải hứng chịu bom đạn của người dân Syria đang phải sống dưới sự đe dọa của một bên là chế độ độc tài khát máu Bashar al Assad và một bên là sự tàn ác vô nhân đạo của “Nhà nước Hồi giáo”, có lẽ người ngoại cuộc khó có thể cảm nhận được nỗi thống khổ của họ. Người ta lại càng không thể so sánh sự độc ác mà họ đang trải qua với bất cứ một sự độc ác nào khác.
Mỗi một chế độ độc ác đều có bộ mặt riêng của nó. Đức Quốc Xã tàn ác theo cách thế của Đức Quốc Xã. Các chế độ Cộng sản ác độc theo cung cách của chúng. Không thể so sánh những lò hơi ngạt của Đức Quốc Xã với các quần đảo Gulag của Liên Xô, với các trại tù khổ sai của Mao Trạch Đông, với các “cánh đồng giết người” (killing fields) của Polpot ở Cao Miên, với cả các nhà tù lớn nhỏ ở Việt Nam hoặc ngay cả với những cảnh giết người man rợ của “Nhà nước Hồi giáo”.  Tuy thế, bức ảnh của xác em bé Aylan Kurdi 3 tuổi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể gợi lên tất cả những thảm cảnh ấy.
Quả là như Văn hào Nguyễn Du đã viết: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Tôi không dám so sánh sự độc ác mà người dân Syria đang trải qua với thảm cảnh mà chính người Việt tỵ nạn cũng đã từng trải qua. Chỉ biết rằng đã từng nếm trải sự độc ác của chế độ cộng sản, tôi thấy dễ “thấu hiểu” nỗi khốn khổ của họ hơn. Thấu hiểu cho nên cũng đồng thời thấy mình vẫn còn là “con người”, bởi vì còn biết xúc động và cảm thương trước nỗi khổ đau của người đồng loại. Trước cuộc khủng hoảng về người tầm trú tại Âu Châu, thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã nói một câu đáng suy nghĩ. Bà nói: “Mỗi một người (tầm trú) đang tìm đến đều là một con người và như thế cần được đối xử như một con người” (verbatim, tạp chí Time 31/8/2015). Chính vì ý thức về phẩm giá con người của mình, mà người ta mới cảm thấy cần phải đối xử với người đồng loại như một con người, nghĩa là xứng với phẩm giá của họ.
Tôi đau buồn và phẫn nộ khi nhìn bức ảnh xác của em bé Aylan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tôi cũng cảm thấy thật an ủi khi theo dõi phản ứng của thế giới trước bức ảnh này. Thế giới hay đúng hơn rất nhiều nước Tây Phương đã tỏ ra xúc động và đáp trả một cách “rất người” trước thảm cảnh của thuyền nhân và người tầm trú. Nhiều nước Tây Phương, cách riêng nước Đức mà ký giả Jacek Pawlicki của tạp chí Newsweek đã gọi là “lương tâm của Âu Châu”, đã quảng đại mở cửa đón nhận người tỵ nạn như họ đã từng đối xử như thế với làn sóng người tỵ nạn Việt Nam sau năm 1975. Riêng tại Úc Đại Lợi, mặc dù theo đuổi một chính sách rất nghiêm nhặt đối với các thuyền chở lậu người tầm trú đến Úc, Chính phủ Abbott cũng đã hé rộng cánh cửa của đất nước hơn để đón nhận thêm những người tỵ nạn Syria. Về phía dân chúng Úc, chẳng gì cảm động hơn khi nhìn thấy những cảnh thắp nến được tổ chức tại những thành phố lớn hôm tối Thứ Hai 7 tháng 9 vừa qua để bày tỏ sự cảm thông với người tỵ nạn và để kêu gọi chính phủ quảng đại hơn trong việc đón tiếp họ.
Theo dõi phản ứng của thế giới trước cuộc khủng hoảng về người tầm trú, tôi cảm thấy lạc quan để tin chắc rằng thế giới ngày nay vẫn còn có lương tâm và lương tâm ấy có thể bị dằn xóc, lay lắc, đánh động chớ không chai lì như trước kia tôi đã từng chứng kiến và vẫn còn nghe nói ở Việt Nam ngày nay. Và điều đáng mừng là lương tâm nhân loại không bị đánh động bởi lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo nắm vận mạng thế giới mà chỉ bởi thi hài “thầm lặng” của một em bé 3 tuổi.
Những năm Cộng sản Miền Bắc cưỡng chiếm Miền Nam, có người Việt Nam nào mà không nghe đến đau lỗ tai hai khẩu hiệu: “Đỉnh cao trí tuệ loài người” và “Lương tâm của nhân loại”. Khoác lác đến độ tự cho mình là “đỉnh cao của trí tuệ loài người” nghe còn cười được như thể xem một anh hề biểu diễn trong gánh xiếc. Nhưng tự nâng mình lên thành “lương tâm của nhân loại” thì chẳng còn gì trơ trẽn bằng. Người cộng sản nào cũng nói như một con vẹt: nói mà chẳng hiểu mình muốn nói gì. Tôi thường nghĩ như thế về ông thủ tướng tốt nghiệp từ “đại học trong bưng”. Gần đây nhiều người đặt nhiều kỳ vọng về “đổi mới” nơi ông, vì ông cho con ông học ở Mỹ, vì ông đưa ra những lời tuyên bố đầy hứa hẹn. Kỳ thực, tôi vẫn thắc mắc không biết ông có thực sự hiểu mình muốn nói gì không. Tôi nghĩ như thế khi nghe lại khẩu hiệu “lương tâm  nhân loại” mà trong cơn say men chiến thắng hồi năm 1975, người cộng sản nào cũng ra rả đọc và viết lên khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam.
Tôi tin chắc rằng những người cộng sản Việt Nam không hiểu gì về hai chữ “lương tâm” hoặc đã “hãm hiếp” và o ép cho phù hợp với ý thức hệ cộng sản của họ. Lương tâm, như được hiểu một cách rất cụ thể và diễn tả qua phản ứng trước bức ảnh của xác bé Aylan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, chính là cái tiếng nói sâu xa từ đáy thẳm tâm hồn con người thúc đẩy nó biết xúc động và cảm thương trước nỗi khổ đau của người đồng loại. Người cộng sản Việt Nam có bao giờ tự hỏi mình đã tỏ ra chút xúc động và cảm thương nào trước nỗi khổ đau của người đồng bào ruột thịt của mình trong suốt cuộc chiến tranh vừa qua không. Nếu trong tâm hồn của người cộng sản còn có chút xúc động và cảm thương như thế thì liệu họ có đủ nhẫn tâm để gây ra cuộc chiến mà họ gọi là “thần thánh” như thế không? Hàng triệu người Việt Nam đã nằm xuống chỉ vì cuồng vọng và khát máu của người cộng sản. Hàng triệu người Việt Nam đã chết dần chết mòn trong các trại tù khổ sai. Hàng triệu người Việt Nam đã bỏ mình giữa dòng đại dương. Và hiện nay hàng triệu triệu người Việt Nam vẫn còn rên xiết trong các nhà tù lớn nhỏ vì bị đàn áp và tước đoạt những quyền căn bản của con người. “Lương tâm của nhân loại” là như thế ư?
Hiện nay, mỗi lần nhắc đến xã hội trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiếng đầu tiên mà tôi thường nghe nhứt vẫn là “vô cảm”. “Vô cảm” chính là tên gọi khác của vô lương tâm. “Vô cảm” là trạng thái của một lương tâm chai lì, không còn bị biết phân biệt thiện ác, không còn bị cắn rứt khi làm điều ác và nhứt là dửng dưng trước nỗi khổ đau của người đồng loại. Người ta nói đến lỗ hổng đạo đức ở Việt Nam. Người nói đến cuộc tổng khủng hoảng về nhân cách ở Việt Nam. Nhưng chính xác hơn có lẽ phải nói đến cái chết của lương tâm của người cộng sản và của rất nhiều người Việt Nam hiện nay.
Hiện nay ai cũng đặt nặng về vấn để giáo dục tại Việt Nam. Có người lại xem trọng việc đào luyện “kỹ năng” cho trẻ con Việt Nam. Nghe nói một “chuyên gia” nào đó đã soạn một số tài liệu về việc giảng dạy “kỹ năng” cho trẻ em, trong đó có việc đào luyện sự dũng cảm bằng cách cho các em bước lên trên sàn nhà có nhiều mảnh thủy tinh. Có lẽ đây là chuyện chỉ có ở một nước tự xưng là “lương tâm” nhân loại. Chẳng thấy Bộ giáo dục hay nhà giáo này nhấn mạnh đến việc đào luyện “lương tâm” cho học sinh.
Cám ơn “thiên thần” Aylan Kurdi trong giấc ngủ say bên bờ biển ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh thức lương tâm của tôi. Với tôi, lương tâm của tôi, chính vì được dấu kín trong nội tâm sâu thẳm của tôi, mà cũng có lúc bị o ép và bóp nghẹt hoặc ngụy biện thành những tiếng nói đi ngược lại với sự thật. Đó là những lần tôi “lừa dối lương tâm” của mình. Trong một xã hội mà sự dối trá được xem như khuôn vàng thước ngọc thì dĩ nhiên lương tâm của tôi cũng dễ bị lường gạt.
Tôi biết rằng sống cho và vì sự thật không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy mà việc đào luyện cho mình một lương tâm ngay thẳng, trong sáng là điều mà tôi phải làm mỗi ngày, bởi lẽ trong các thứ học, học để làm một người lương thiện, tử tế, nghĩa là biết sống theo lương tâm là một trường học trong đó tôi chẳng bao giờ dám vỗ ngực tự xưng là đã tốt nghiệp.
Cám ơn em bé “thiên thần” Aylan Kurdi trong giấc ngủ say bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Em ngủ để lương tâm của cả thế giới phải thức dậy.







Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Được..!Được...!


Chu Thập
10.4.12

Mùa Phục Sinh năm nay, suy tưởng về cuộc chiến thắng của Thiện trên Ác, của Tình yêu trên Hận thù, của Quảng đại trên Ích kỷ...tôi không thể không nghĩ đến bà Aung San Suu Kyi,  được mệnh danh là người phụ nữ “không biết sợ vì không biết hận thù”. Trong mấy chục năm qua, người đàn bà được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991 này đã trở thành nhân vật biểu tượng của Phong trào đấu tranh bất bạo động tại Miến Điện.
Trong tác phẩm có tựa đề “Freedom from Fear” (thắng vượt sự sợ hãi), bà Aung San Suu Kyi đã viết như sau: “Căm thù và sợ hãi luôn đi đôi với nhau. Tôi không có căm thù thì tôi không có sợ hãi. Tôi chưa biết căm thù là gì, vì cha mẹ tôi chưa bao giờ dạy tôi điều đó. Nếu tôi bắt đầu căm thù những người đã giam cầm tôi, thì tôi đã tự mang đến thất bại cho mình.”
Là một tín đồ phật giáo thuần thành, bà Aung San Suu Kyi không chỉ đi theo con đường đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi mà còn lấy “Tâm Từ” của phật giáo làm trọng điểm của cuộc đấu tranh. Tâm từ hay Từ Bi trong phật giáo là tình yêu vô vị lợi, tức yêu thương mà không tính toán hay mong được đáp trả. Có lần bà bị nhà cầm nhà cầm quyền quân phiệt cô lập đến độ không còn đủ lương thực để sống khiến bà phải nằm liệt giường một thời gian vì kiệt sức. Nhưng bà không buồn cũng như không oán thù họ. Bà coi đó như một cách đóng góp vào cuộc tranh đấu dành tự do và dân chủ cho dân tộc. Với những người đồng chí hướng đang bị tù đày, bà khuyên: “Các bạn không nên buồn vì thân phận mình trong hoàn cảnh này. Hãy xem đó như một cơ hội để tác động hầu mang lại công bằng và ấm no cho dân tộc mình. Đây là một dịp may hiếm có không nên bỏ qua”.
Cuối cùng, như bà Aung San Suu Kyi đã tin tưởng, sau 21 năm tranh đấu cùng với 15 năm bị quản thúc của bà, chính phủ  Miến Điện đã chấp nhận trả tự do cho hàng ngàn tù nhân chính trị, cho phép người dân được quyền đình công, được tự do thành lập nghiệp đoàn. Nhưng thành quả đáng ca ngợi nhứt của cuộc tranh đấu của bà Aung San Suu Kyi là chính bà và đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ của bà được tự do hoạt động và cuối cùng đã chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử vừa qua. Ngoài ra, ý nghĩa hơn cả vẫn là việc nhà cầm quyền Miến Điện quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc tài trợ và xây cất. Đây là dấu hiệu chứng tỏ Miến Điện muốn thoát khỏi sự kiềm chế của Trung Quốc để tiến lại gần với Tây Phương hơn.
Chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi là một minh họa hùng hồn cho câu nói của Mahatma Gandhi: “Trong những giây phút của tuyệt vọng, tôi tự nhủ là trong lịch sử, sự thật và tình yêu luôn luôn chiến thắng. Có rất nhiều bạo chúa và sát nhân tin là họ không bao giờ thất bại, nhưng cuối cùng họ vẫn bị tiêu diệt. Chúng ta phải luôn nhớ điều đó.” (x. Lương Nguyện Hiền, khatvongtuoitre.net)
“Sự thật và tình yêu luôn chiến thắng” và chiến thắng ngay trong tâm hồn của chính những kẻ mà người ta tưởng chỉ biết tham lam, thù hận và làm điều ác. Những diễn biến mới đây tại Miến Điện không chỉ làm nổi bật nhân cách,  đức độ,  vai trò và chỗ đứng của bà Aung San Suu Kyi mà còn cho thấy một bộ mặt khác được mệnh danh là một “Mikhail Gorbachev” của Miến Điện. Người này chính là đương kim tổng thống Thein Sein. Ông tướng về hưu này đã từng là cánh tay mặt trong guồng máy độc tài quân phiệt Miến Điện. Tại sao ông Thein Sein đã từ bỏ con đường độc tài để hô hào dân chủ và tại sao các lãnh tụ quân phiệt lại cho phép ông đứng ra vận động cho dân chủ quả là một “mầu nhiệm”.
Năm nay 66 tuổi, ông Thein Sein vẫn được xem là một người ít thô bạo nhứt trong guồng máy độc tài và hoàn toàn không vướng mắc vào các vụ tham nhũng. Ông luôn được mọi người ca ngợi là một con người thành thật. Đây là một đức tính hiếm có nơi các nhà lãnh đạo độc tài. Chính bà Aung San Suu Kyi đã nhìn nhận rằng sự thành thật và thiện chí cải tổ của ông Thein Sein đã thuyết phục bà trở lại hoạt động chính trị. Quyết định của bà là một bước ngoặt để ông Thein Sein không những được dân chúng trong nước ủng hộ mà còn giúp ông tiến gần đến với các nước Tây phương hơn.
Có người cho rằng sở dĩ ông Thein Sein đã xoay chiều là do cơn bão Nargis cách đây 4 năm khiến cho trên 130 ngàn người Miến Điện bị thiệt mạng. Lúc đó, ông Thein Sein được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan cứu trợ khẩn cấp của chính phủ Miến Điện. Đi thị sát vùng châu thổ Irrawaddy từ trên một chiếc trực thăng, ông đã có dịp mở to đôi mắt và nhận ra  rằng quốc gia nghèo đói của ông hoàn toàn không được chuẩn bị để đối phó với tai họa. Nhưng mở rộng con mắt tâm hồn để cảm nhận được nỗi khổ đau của người đồng bào mới là điều đáng nói nơi ông tướng này.  Câu nói quen thuộc của người Việt nam “máu chảy ruột mềm”, có lẽ đã được ứng dụng cho ông. Trái tim của ông vẫn còn biết rung cảm trước nỗi khổ của người đồng bào ruột thịt. Tiếng nói của lương tri vẫn còn đủ mạnh để đánh thức ông khỏi giấc ngủ của ích kỷ và thô bạo. Lý trí của ông vẫn còn đủ sáng suốt để nhận ra những sai trái của chế độ và quyết tâm cải tổ.
Thein Sein chào đời trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh và nghèo nàn. Cũng như hầu hết các tướng lãnh trong guồng máy quân phiệt, ông lớn lên trong nghèo đói. Sự kiện làng ông vẫn tiếp tục nghèo nàn chứng tỏ sự thanh liêm và lương thiện của ông. Ông Nay Win Mauang, người chuyên soạn diễn văn cho tổng thống Miến Điện, khẳng định rằng những thay đổi tại nước này không xuất phát từ một chiến lược nào cả. Tất cả đều là chuyện “nhân cách”. Ý ông Nay Win muốn nói rằng những biến chuyến gần đây tại Miến Điện là một phép lạ và phép lạ đó chính là sự hoán cải nội tâm của một con người (x. The Sydney Morning Herald, 6-8/4/2012).
Người Việt nam chúng ta thường nói: “thức khuya mới thấy đêm dài, sống lâu mới thấy dạ người có nhân”. Ông bà ta quả lạc quan khi tin tưởng điều đó. Cái nhân của Chân Thiện được Thượng đế gieo sâu trong lòng người luôn nằm chờ đó để có thể nẩy mầm bất cứ lúc nào. Lịch sử nhân loại luôn chứng minh: đế quốc, chế độ hay ý thức hệ nào, dù có độc ác và hùng mạnh đến đâu rốt cục rồi cũng cáo chung. Tiếng nói cuối cùng vẫn thuộc về sự thật và tình yêu.
Tôi luôn tin tưởng điều đó khi suy niệm về mầu nhiệm Phục Sinh của Kitô giáo. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu mà Kitô giáo tuyên xưng mỗi ngày là một lời mời gọi sống lạc quan và tin tưởng. Đặc biệt trong tháng tư này, mỗi lần nhìn tấm lịch do báo The Sydney Morning Herald tặng, tôi luôn suy niệm về câu chuyện được kể qua những tấm hình biếm họa của họa sĩ Leunig. Trong bức hình thứ nhứt, ông vẽ một cái tháp với lời chú thích “Trên đỉnh của tòa nhà cao nhứt thế giới...” Kế đó là cảnh một người ngồi nhìn ra cửa sổ được nhà họa sĩ ghi chú “người giàu nhứt thế giới đang ngồi”. Sang đến bức hình thứ ba, họa sĩ Leunig cho người giàu có nhứt đặt hai tay lên trái tim và giải thích: “Bên trong người này là trái tim cô đơn nhứt thế giới”. Họa sĩ lại đưa chúng ta đến một cái giếng sâu và cho biết: “Bên trong trái tim (của người này) là cái giếng sâu nhứt thế giới”. Kế đó là một mảng tối được Leunig chú thích: “Ở tận đáy giếng là mảng bùn đen tối nhứt thế giới”. Và cuối cùng, trong đống bùn đen ấy, nhà họa sĩ vẽ một đứa bé với đôi cánh thiên thần đang nằm ngủ. Ông chú thích: “Trong đống bùn đen có vị thiên thần sáng láng nhứt, đáng yêu nhứt, dịu dàng nhứt, đẹp đẽ nhứt của vũ trụ”. Rồi ông kết luận: “Xét cho cùng, sự việc không đến nỗi tệ lắm”.
Quả thật, bởi vì ở tận đáy sâu thẳm của cõi lòng mỗi người đều có một thiên thần, cho nên “mọi sự không đến nỗi tệ lắm”. Tôi tin rằng Phục Sinh mời gọi tôi nhìn người và nhìn đời với đôi mắt tích cực và lạc quan như thế.  Danh tướng La mã tài ba Julius Caesar (100-44 trước công nguyên) đã tóm tắt cái nhìn và tài dụng bình khiển tướng của ông trong câu nói thời danh: “Tôi đã đến, tôi đã thấy và tôi đã chiến thắng” (veni, vici, vinci). Tác giả sách Tin Mừng Gioan, một người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, không rõ có nghe nói đến câu nói trên đây của tướng Caesar không, nhưng khi tường thuật lại buổi sáng khi ông ra mộ để viếng xác Thày mình, cũng đã để lại một câu nói tương tự: “Ông đã thấy và đã tin”. Thật ra, như ông cho biết, ông không thấy gì ngoài ngôi mộ trống không. Với ông, “không thấy gì” đã trở thành “thấy”, tức nhìn thấy những điều không thể thấy bằng mắt bên kia sự trống không.
Theo tôi, người có tinh thần lạc quan luôn nhìn thấy xuyên suốt qua những sự kiện. Người bi quan chán đời chỉ nhìn thấy mất mát, đổ vỡ và dừng lại ở ngõ cụt và thất vọng. Người lạc quan trái lại xem đó như một khởi đầu mới đầy hy vọng. Và dĩ nhiên, có nhìn người, nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan, con người mới cảm thấy hài lòng với bản thân, với tha nhân và với cuộc đời.
Trên “meo đàn” của nhóm bạn già, tôi giữ lại được một bài thơ có tựa đề “được ...! được...!”, với ý lời thật đơn sơ, nhưng càng nghĩ càng thấy thâm thúy khiến tôi cứ phải tâm niệm và mang ra thực hành:
“Sống một kiếp người, Bình an là được.
Hai bánh bốn bánh, chạy được là được.
Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được.
Người xấu người đẹp, dễ coi là được.
Người già người trẻ, miễn khỏe là được.
Nhà giàu nhà nghèo, hòa thuận là được.
Ông xã về trễ, miễn về là được.
Bà xã càu nhàu, thương mình là được.
Khi con còn nhỏ, dạy dỗ thật nghiêm.
Tiến sĩ cũng được, bán rau cũng xong.
Sau khi trưởng thành, ngoan ngoãn là được.
Nhà to nhà bé, ở được là được.
Hàng hiệu hay không, mặc được là được.
Tất cả phiền não, biết xả là được.
Kiên trì cố chấp, biết quên là được.
Bạn bè xa gần, nhớ nhau là được.
Không phải có tiền, muốn gì cũng được.
Tâm tốt việc tốt, thay đổi số mệnh.
Ai đúng ai sai, Trời biết là được.
Tích đức tu thân, kiếp sau cũng được.
Thiên địa vạn vật,tùy duyên là tốt.
Có rất nhiều việc, nhìn xa trông rộng.
Mọi người đều tốt, ngày ngày đều tốt.
Anh tốt tôi tốt, vậy là quá được.
Nói tóm lại, tri thức là quan trọng nhất.
Nói nhiều như vậy, hiểu được là tốt.
Vẫn còn chưa hiểu, xem lại là được.”
Nhìn người, nhìn đời với đôi mắt lạc quan, tôi cũng tự nhủ phải nhìn vào cái chết một cách bình thản. Trong bài viết “nhức nhối con tim”, tác giả Tràm Cà Mau kể lại rằng khi được chuẩn bị đưa vào phòng mổ, ông nghĩ đến cái chết và cảm thấy thanh thản đến độ “cười thành tiếng”. Tác giả tâm sự: “Thực tâm mà nói, thì sống chết đối với tôi cũng không quan trọng lắm. Không chết trẻ thì chết già, không chết bây giờ thì sau này cũng chết. Con người phải già, phải chết, để cho các thế hệ trẻ lớn lên thay thế, thế giới sung sức hơn. Cứ thử giả dụ như con người không chết, thì bây giờ cả thế giới đầy người già lụ khụ, già chiếm chín phần, trẻ chỉ một phần. Thế giới nay toàn ông bà già mấy trăm tuổi, chống gậy lê từng bước, xe lăn phố phường, đường xá. Thế thì lấy ai mà sản xuất, nuôi nấng nhân loại. Bởi vậy, tôi bình tĩnh, và nghĩ rằng được sống cũng vui, mà được chết cũng vui không kém”.
Sống chết mà có “được” tinh thần lạc quan như thế thì còn gì bằng!
Mỗi sớm mai thức dậy, tôi không chỉ thấy một ngày mới đang chờ, mà là một cuộc đời mới đang mời, giống như vừa chết đi sống lại. Thử hỏi còn gì vui hơn. Với tôi đó chính là tinh thần Phục Sinh.