Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Học biết...thua cuộc.

 



Chu Văn

Tôi học được nhiều  bài “học làm người” từ súc vật và trẻ con.

Về súc vật thì dĩ nhiên tôi không thể không nói đến cậu chó nhà tôi. Ở trong nhà cậu hiền như Bụt. Ai đến nhà chơi, cậu cũng lân la gạ gẫm để làm quen. Với những con thú khác, ngoại trừ khi được lệnh phải săn đuổi, lúc nào cậu cũng cư xử như một con cừu non. Hai con gà ri mà tôi nuôi như thú kiểng thỉnh thoảng cũng xâm nhập vào gia cư của cậu. Cậu vẫn để yên cho chúng tự do leo lên đầu lên cổ của cậu. Ngay cả khi cậu được thưởng cho một miếng ăn ngon, hai chú gà con cũng xáp tới giành giựt. Vậy mà cậu cũng chẳng buồn xua đuổi chúng. Hiền lành và “tử tế” như thế, nhưng mỗi buổi chiều khi được dắt đi làm một vòng để hòa nhập với thế giới bên ngoài thì cậu chó nhà tôi lại để lộ một bộ mặt khác hẳn. Nhỏ con, nhưng gặp bất cứ đối thủ nào, nhứt là những tay anh chị to con hơn cậu, cậu cũng đều xáp vô gây hấn và tấn công tới tấp. Nhà tôi đã vấn kiến các nhà “khuyển học” về tính khí bất thường này. Tất cả đều giải thích rằng cậu chó nhà tôi mắc phải chứng “bất an” và “lo lắng”. Cậu phải đánh phủ đầu bởi vì cậu nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Cậu tỏ ra hung hãn bởi vì cậu lo sợ.

Thì ra thế. Suy bụng ta ra bụng người là điều có thể hiểu được. Nhưng từ cách ứng xử của thú vật mà suy diễn ra tâm lý của con người thì quả là xúc phạm. Tuy nhiên, trong sự quan sát thường ngày của tôi, tôi nhận thấy những kẻ to mồm bạo miệng có khi  chỉ là những kẻ yếu nhược. Không biết người Tây phương có ám chỉ đến những hạng người như thế không khi họ nói “chó sủa là chó không cắn” (chien qui aboie ne mord pas). Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù là tâm lý chung của những nhà độc tài và các chế độ độc tài. Sở dĩ họ có đôi mắt “có hình viên đạn” như thế là bởi họ sợ hãi. Thỉnh thoảng cậu Kim Jong Un của Bắc Hàn có la toáng lên về những âm mưu đánh phá nào đó từ các thế lực thù địch bên ngoài là bởi cậu luôn sống trong lo sợ, không biết ngai vàng cậu đang bám vào sẽ sụp đổ vào lúc nào. Tôi cũng thường có một cái nhìn như thế về cựu Tổng thống Donald Trump. Càng dao to búa lớn, càng tấn công mạt sát người khác bao nhiêu, ông càng để lộ nỗi bất an và sợ hãi bấy nhiều. Sự thất bại của ông trong kỳ bầu cử vừa qua cho thấy sức mạnh đích thực không thuộc về những kẻ hùng biện nói suông nữa. “Giờ đây, người ta không còn khen ai biết vung tay múa cẳng. Họ cần những người biết hòa giải xung đột. Người ta không còn tung hô những ai to mồm bạo miệng. Họ tán thưởng những người biết ôn tồn dùng lý lẽ để thuyết phục. Người ta cũng không còn ngưỡng mộ những ai “mày sai và tao lúc nào cũng đúng”. Họ trân trọng những người dám thừa nhận “tôi đã sai” và biết nhìn vấn đề từ góc độ khác” (1).

Dám thừa nhận “tôi đã sai”, tức thừa nhận “tôi đã thua”: đây là bài “học làm người” mà tôi đã học được từ đứa cháu ngoại của bà chị tôi. Cháu vừa tròn 7 tuổi và vừa bước vào năm thứ hai của bậc tiểu học. Kể từ khi biết đi và biết nói, cháu đã trở thành người bạn chơi của tôi. Bất cứ giờ phút nào tôi được ở bên cạnh cháu cũng đều trở thành những cuộc chơi, từ đánh tù tì, cút bắt, đá banh,  chơi domino và ngay cả đua nhau ăn uống...Luật chơi mà tôi cũng như mọi người xung quanh phải triệt để tuân thủ là bằng mọi giá phải thua, bởi vì trong mớ tự vựng còn nghèo nàn của cháu chưa có từ “thua”. Trong bất cứ trò chơi nào, mọi người đều phải thua. Nếu không, theo kiểu ví von của luật sư kiêm nhà báo Nguyễn Hoàng Duyên, cháu của bà chị tôi lúc nào cũng bắt chước mấy tay “kéo bài ba lá” ở Chợ Cầu Ông Lãnh để đạp bàn và quơ tiền bỏ chạy bằng cách xụ mặt xuống và nghỉ chơi. Tuy nhiên, cách đây vài tuần, sau khi cháu lên lớp hai, tôi nhận thấy có một biến chuyển tâm lý tích cực đáng kể. Trong hai lần chơi cá ngựa, tôi đã cố tình không tỏ ra là người chịu nhường nhịn (nice guy) nữa. Quả đúng như tôi dự đoán, trong cả hai lần thua, cháu của bà chị tôi không còn phụng phịu, “đạp bàn” bỏ chạy nữa. Kẻ thắng cuộc dĩ nhiên không phải là tôi mà chính là cháu, bởi vì đây là lần đầu tiên cháu biết chấp nhận “thua cuộc”. Chị tôi cho biết: kể từ hôm đó, biến chuyển tâm lý nơi đứa cháu gái của chị đã diễn ra một cách tích cực: nó đã hiểu rằng “thua cuộc” là một phần trong cuộc sống, nếu không muốn nói đó là phần quan trọng nhứt trong cuộc sống. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sự trưởng thành nhân cách của “người bạn chơi” của tôi sẽ gia tăng theo tỷ lệ thuận của sự lớn mạnh trong ý thức về sự “thua cuộc” trong cuộc sống. Biết chập nhận thua cuộc là một bước quan trọng trong sự trưởng thành nhân cách.

Qua ý thức về thua cuộc nơi đứa cháu của bà chị tôi, tôi học được bài học mà tôi cho là quan trọng nhứt trong cuộc sống: đó là  biết thừa nhận thua cuộc! Quan trọng nhứt bởi vì nếu không học biết thua cuộc, con người không những làm hỏng cuộc sống của mình, mà cũng có thể gây ra bao nhiêu tai hại cho người khác. Đây là điều đã xảy ra cho ông Trump và cả nước Mỹ.

4 năm tổng thống của ông Donald Trump đã được tính sổ và tính sổ dưới rất nhiều góc cạnh. Riêng tôi, vốn xem trọng chuyện học làm người và tư cách con người, tôi nhận thấy nét nổi bật nhứt trong dung mạo của ông chính là không bao giờ biết chấp nhận thua cuộc và mọi tai họa xảy ra cho nước Mỹ đều bắt nguồn từ thái độ ấy. Cho tới giờ phút này, không biết trong nội tâm sâu kín của ông, ông có biết rằng mình đã thất cử không. Nhưng qua những lời tuyên bố cũng như hành xử của ông, ông vẫn khăng khẳng quả quyết rằng ông đã đắc cử với một cuộc chiến thắng “long trời lở đất”. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến bao nhiêu thảm họa cho nước Mỹ.

Khi đại dịch xảy ra, ông đã đối phó một cách vụng về, nếu không muốn nói  là chẳng làm gì để chận đứng nó. Đây là thất bại nặng nề nhứt do ông tự tạo ra, nhưng lúc nào ông cũng huênh hoang tự cho điểm mười trên mười! Và cũng bằng giọng điệu của mấy ông bà Việt cộng, hễ “mất mùa là tại thiên tai”, “được mùa là bởi thiên tài đảng ta”, lúc nào ông cũng giành chiến thắng cho mình, mặc cho đại dịch có cướp đi bao nhiêu mạng sống con người và kinh tế có suy sụp đến đâu. Với ông, chính phủ do ông lãnh đạo không bao giờ thất bại. Thất bại là do đảng dân chủ và bọn truyền thông thổ tả hay một “nhà nước ngầm” nào đó tạo ra để hạ uy tín của ông mà thôi!

Cựu tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là người không bao giờ biết chấp nhận mình thất bại hay thua cuộc. Tony Schwartz, nhà văn “ma” (ghostwriter) đã từng chấp bút cho cuốn sách nổi tiếng của ông Trump “Nghệ thuật mặc cả” (The Art of the Deal) xuất bản hồi năm 1987, cho biết từ đó cho đến nay  ông đã “theo dõi” từng đường đi nước bước của ông Trump. Ông nói rằng ngoài việc ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2016, chẳng có bất cứ điều gì ông cựu tổng thống này làm, khiến ông phải ngạc nhiên cả. Trong một bài đăng trên báo The Washington Post ngày 12 tháng 11 năm vừa qua, tác giả khẳng định: “Ông ta (Trump) lúc nào cũng thế và sẽ mãi mãi như thế. Ông ta sẽ không bao giờ chấp nhận mình thất bại, bởi vì ông không thể”(2).

Theo tác giả Schwartz, ông Trump tự giam hãm trong một thế giới huyễn hoặc do chính ông đã tự tạo ra. Ông không thể thoát ra khỏi nhà tù ấy để nhìn nhận kết quả bầu cử bởi vì nếu ông nhìn nhận, ông bị buộc phải đối diện với sự trống rỗng mà ông đã phải suốt đời hậm hực cố gắng để lấp đầy. Trốn trong  “nơi ẩn trú” của mình, ông gào thét: “Chớ có hối tiếc cho tôi. Tôi không phải là một kẻ thua cuộc”.

Cũng dõi bước theo ông “trên từng cây số”, bà Mary Trump, người cháu gái gọi ông bằng chú, không ngừng nói về ông chú của mình như một người không thể và không bao giờ chấp nhận mình thất bại hay thua cuộc. Là một chuyên gia tâm lý, bà Mary Trump nói rằng ông chú của bà không được phép phô bày  sự yếu nhược của mình. Chính vì vậy mà ông không thể chấp nhận thất bại, cụ thể là thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Vice News dạo đầu tháng Mười Hai vừa qua, bà nói: “Ông ta là người duy nhứt có thể tự ru ngủ mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Có lẽ phần nổi bật nhứt trong tâm lý của Donald là nhu cầu phải chối bỏ bất cứ thực tế nào tô vẽ ông như một kẻ thua cuộc hay như một người yếu đuối”(3).

Suốt đời không chấp nhận thực tế, cụ thể là thực tế của sự thất bại hay thua cuộc, cho nên ông Trump cứ phải ngậm đắng nuốt cay và đổ lỗi cho người khác, tấn công người khác và nhứt là không nhìn nhận bất cứ một trách nhiệm nào về những sai trái mình đã làm hay những thiệt hại mình đã gây ra cho người khác. Dù có lui về một nơi “nghỉ mát” như Mar a Lago, tôi không tin rằng ông sẽ có được sự bình an trong tâm hồn, bởi lẽ học biết thua cuộc là chìa khóa để có được an bình.

Mỗi một năm mới, dương lịch hay âm lịch, với tôi luôn là một lời mời gọi làm lại và làm lại từ những thất bại hay thua cuộc của mình. Làm lại với ý thức về giá trị và tầm quan trọng của mỗi một người xung quanh tôi. Chẳng có ai là “nhứt” trong cuộc đời này cả.  Không có dân tộc nào “thượng đẳng” hơn dân tộc nào cả. Mỗi người là một nhân vị độc nhứt vô nhị cho nên bất cứ ai, dù nghèo nàn, xấu xí, bệnh tật  hay đần độn đến đâu, cũng đều có một điều gì đó để trao tặng cho tôi hay dạy tôi. Ý thức về thất bại hay thua cuộc của tôi do đó cũng là một lời mời gọi tôn trọng và cảm thông đối với người khác. Có như thế thì  lời cầu chúc “thân tâm an lạc” trong năm mới may ra mới trở thành hiện thực trong tôi.


Chú thích

1.    https://www.luatkhoa.org/2021/02/tet-nam-tinh-va-dan-ong-viet-nam/

2.    https://www.washingtonpost.com/outlook/2020/11/11/trump-losing-concede-election/

3.    https://www.businessinsider.com.au/mary-trump-president-gaslighting-himself-thinks-he-won-election-2020-12?r=US&IR=T

 

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

Tôi ăn Tết

 



                                                                        

 

Từ ngày bỏ nước ra đi, do không được sống gần các cộng đồng người Việt hải ngoại, tôi ít có dịp “mừng” những ngày Tết truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, mỗi dịp đầu năm Âm lịch, tôi cũng “ăn Tết” theo cách thế riêng của tôi.

Ngôn ngữ Việt nam thật độc đáo: chúng ta không “cử hành” hay “mừng” ngày đầu năm, mà lại nói “ăn tết”.

Ai cũng có quyền tự hào về ngôn ngữ của dân tộc mình. Mỗi ngôn ngữ đều có cái “hồn” và nét độc đáo riêng mà không một ngôn ngữ nào có thể thay thế được.

Một trong những nét độc đáo của tiếng Việt hẳn phải là “âm điệu” của nó. Với tai người ngoại quốc, thì người Việt nam nói nghe như “hát”. Lần đầu tiên ra chợ, nghe hai bà bán cá cãi nhau, người ngoại quốc tưởng họ đang hát là chuyện có thật! Ngay cả khóc lóc ở nghĩa trang mà cũng còn có vần có điệu nữa là!

Một tác giả (không rõ là ngoại quốc hay Việt nam) ký tên là Rene Pazzi đã viết một cuốn sách có tựa đề “Người Việt đáng yêu”, trong đó ông nói đến tinh thần uyển chuyển và tế nhị của ngôn ngữ Việt như sau: “Ngôn ngữ Việt nam là ngôn ngữ duy nhất trên thế giới có nhiều giọng điệu cung bậc…

Phải nghe người dân mỗi miền, người Bắc, hay Trung, hay Nam hát những dân ca quen thuộc với tiếng nói thuần túy và giọng thuần túy của họ, chúng ta mới thấy ý vị của giọng nói ấy đậm đà chừng nào.

Sự phong phú trong âm thanh lại được thay đổi qua nhiều miền đất của quê hương họ…

Nếu phải tô mầu các giọng nói ấy, người ta có thể vẽ một bản đồ Việt nam thật đẹp. Có miền mầu xanh, có miền mầu hồng, có miền mầu trắng, có miền mầu vàng, đấy là chưa nói mức độ đậm lợt khác nhau…” (1).

Sau năm 75, nhiều người đã có lý để nói rằng tiếng Việt đã bị “hãm hiếp” vì bị o ép đến độ mất đi âm điệu của nó. Trước kia, người Việt đâu có nói cộc lốc như “ăn tốt”, “làm tốt”, “học tốt”…mà luôn đệm vào đàng sau chữ “tốt” cái âm thanh “lành” “đẹp” cho nó êm tai. Trước kia, người ta cũng chả nói “học sinh trai”, “học sinh gái”, “bộ đội gái”… “Nam sinh, nữ sinh, nữ quân nhân” nghe nó chẳng êm tai và tôn trọng hơn sao?

Về những từ hay âm điệu được ghép vào chữ “ăn”, thì quả thật chẳng có ngôn ngữ nào phong phú cho bằng tiếng Việt. Giở bất cứ quyển tự điển tiếng Việt nào, tôi cũng đếm được gần 60 từ kép có chữ ăn: từ “ăn chay, ăn chận, ăn chẹt, ăn chơi, ăn gian, ăn hại” đến “ăn mặc, ăn nằm, ăn sương, ăn nắng…”

Người Việt nam quả có óc sáng tạo trong ngôn ngữ. Ngày nay ở Việt nam, ở đâu cũng thấy có hai chữ “văn hóa”, từ khu phố văn hóa, làng văn hóa, nhà văn hóa đến văn hóa ứng xử, văn hóa ăn uống, văn hóa chửi…Ngay cả như chữ “ôm” cũng được cho “ôm” vào bất cứ những gì có thể “ôm” được. Trước năm 75, người Việt nam chỉ nghe nói đến “xe ôm” hay cùng lắm là “bia ôm”, nay lại có cả “thịt chó ôm”, “hớt tóc ôm”, “ngủ trưa ôm”…đủ thứ “ôm”.

Nhưng đó là những “sáng tạo” mới trong ngôn ngữ Việt nam. Riêng động từ “ăn” thì ngay từ ngàn xưa, ông bà tổ tiên chúng ta đã biết chế biến để nó có thể đi với bất cứ từ nào.

Trong bài viết có tựa đề “Miếng ăn trong văn hóa Việt nam” (2), nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nói rằng “hình như” “dân tộc Việt nam chỉ có một ám ảnh lớn: Ăn”. Theo tác giả, bảo rằng văn hóa Việt nam quá coi trọng miếng ăn thì có vẻ hơi kỳ nhưng không chừng đó lại là sự thật. Và tác giả đưa ra một số bằng chứng cho luận đề của ông như: muốn truyền ngôi cho con, vua Hùng đã cho tổ chức thi nấu ăn để xem người nào làm được món ăn ngon nhứt; ông Thánh Gióng nhờ ăn mà lớn như thổi để, từ một đứa bé, biến thành một trang thanh niên khôi ngô, dũng cảm; trong tín ngưỡng dân gian Việt nam, cúng, tức dọn món ăn cho người chết, là chuyện rất phổ biến; ông thần được chú ý tới nhiều nhứt là Vua Bếp, tức ông Táo…

Người Việt nam quả “coi trọng” miếng ăn.

Hình ảnh tôi vẫn giữ mãi trong ký ức của tuổi thơ đó là cảnh hàng hàng lớp lớp những bà mẹ quê ngay từ sáng sớm đã gánh gồng đi qua hằng bao nhiêu cây số đến chợ, trao đổi, mua bán để rồi mãi đến gần trưa mới trở về nhà lo miếng cơm cho chồng con. Suốt một ngày sinh hoạt, người mẹ quê chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Miếng ăn quả đã chiếm hầu hết thời giờ của người dân quê. Người dân quê làm để có cái ăn và ăn để có đủ sức làm. Lẩn quẩn trong cái vòng “làm ăn” ấy cho nên có bảo rằng người Việt nam “xem trọng” cái ăn cũng chẳng phải là “cường điệu” chút nào.

Tuy nhiên, lo toan cho cái ăn, xem trọng cái ăn, nhưng người Việt nam vẫn luôn đề cao cảnh giác bởi vì “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Xung quanh bàn ăn, ông bà tổ tiên chúng ta đã phát huy được một thứ minh triết thật sâu sắc: chính xuyên qua cái ăn mà con người thể hiện tư cách làm người của mình. Cái ăn, như tác giả Nguyễn Hưng Quốc ghi nhận, chỉ “cách xử thế”. Chính vì thế mà chúng ta mới nói đến chuyện “ăn trên ngồi trốc, ăn cháo đá bát, ăn xổi ở thì hay cố đấm ăn xôi”. Vì tư cách con người và cách đối nhân xử thế được thể hiện qua cái ăn và cách ăn, mà ông bà tổ tiên chúng ta mới coi “học ăn” là bài học vỡ lòng quan trọng nhứt trong các thứ học: học ăn rồi mới tới học nói, học gói, học mở…Lớn lên thì cũng phải giữ ý tứ để biết “ăn coi nồi ngồi coi hướng”.

Vì cái ăn thể hiện tư cách con người cho nên đối với ông bà tổ tiên chúng ta, bàn ăn, chỗ ăn, lúc ăn đều được xem là “thánh thiêng”. Trời đánh mà cũng phải tránh bữa ăn thì đủ biết cái ăn của người Việt nam đáng trân trọng như thế nào. Ngồi xếp bằng trên bộ ván gỗ, trên chõng tre, quanh bàn ăn hay ngồi chồm hổm dưới đất, người Việt nam qui tụ trong bữa ăn là để “chia sẻ” cho nhau. Một nhà thừa sai ngoại quốc nọ nói rằng hình ảnh đẹp nhứt trong bữa ăn của người Việt nam chính là cái cảnh mọi người cùng chấm chung một chén nước mắm, cùng xẻ chung một con cá trong một dĩa, cùng chan chung một bát canh…Ăn thiết yếu là “ăn cùng”, “ăn với” người khác cho nên ăn cũng là chia sẻ. Như một phép lạ, thức ăn của người Việt nam xem ra chẳng bao giờ thiếu: một người khách lỡ độ đường ghé tạt vào nhà nhằm đúng bữa ăn ư? Chỉ cần dọn thêm một cái chén, một đôi đũa là giải quyết được vấn đề!

Ăn không chỉ là chia sẻ thức ăn, mà là chia sẻ niềm vui với nhau. Cơm không lành canh không ngọt là điều chẳng ai muốn. Người Việt nam thích vui vì được chia sẻ. Đi ruộng bắt được một con cá lóc, một con ếch, một con rắn hay một con chuột cũng đủ để làm một món nhậu và mời ông bạn láng giềng sang chung vui sau một ngày làm lụng vất vả. Kẹt lắm, một trái khế hay trái xoài xanh cũng đủ để lai rai vài xị.

Quả thật, người Việt nam thích sống vui. Cố linh mục Gildo Dominici, người Ý có tên Việt nam là “Đỗ Minh Trí”,đã từng làm việc tại Việt nam trước 75 và sau đó phục vụ trong các trại tỵ nạn Galang, Nam Dương và Bataan, Phi luật tân. Trong tác phẩm có tựa đề “Việt nam quê hương tôi”, vị linh mục này đã viết về Ngày Tết của người Việt nam như sau: “Ngày Tết, không một người nào có vẻ nghèo cả! Mọi người đều có một chút gì để mà “ăn Tết”. Người ta chấp nhận mang công mắc nợ để rồi sau đó sẽ vất vả làm lụng để trả nợ, nhưng vào Ngày Tết người ta cần phải tận hưởng. Mọi người đều có quyền ăn Tết”, mọi người đều cảm thấy có bổn phận vui hưởng Tết.

Bị vây hãm bởi chiến tranh, nghèo nàn và đau khổ, người ta mong chờ ngày Tết để được sống thật sự vài ngày! Tết chính là cái khoảng thời gian kỳ diệu, chính là một thời kỳ mà tất cả mọi người có thể thưởng thức được một chút gì hấp dẫn của kiếp sống con người”.

Nêu lên câu hỏi: “Vậy, sự quyến rũ của Ngày Tết bắt nguồn từ đâu?” linh mục Dominici trả lời: “Câu trả lời rất dễ dàng. Vẻ duyên dáng quyến rũ của ngày Tết đã do chính người ta tạo ra! Ngày Tết rất dễ thương chính là vì người Việt nam rất dễ thương...Người Việt nam đã tạo ra một ngày lễ để diễn tả hình ảnh của chính con người họ. Không một điều gì khác hơn có thể diễn đạt được tinh thần của người Việt nam bằng ngày Tết cả!

Tất cả những người ngoại quốc đã từng sống ở Việt nam đều nhận thấy nơi con người Việt nam có một cái gì lôi cuốn họ: tốt bụng, lịch thiệp, nhã nhặn, lễ phép, dễ thương!” (sđd).

Đọc những dòng trên đây, tôi cảm thấy hãnh diện, ấm lòng và nhứt là “vui như ba ngày Tết”. Thật vậy, chẳng có lúc nào vui cho bằng “ba ngày Tết”, nhứt là đối với trẻ con. Trong những kỷ niệm của tuổi thơ, tôi vẫn nhớ mãi những ngày Tết trước khi diễn ra cuộc đảo chánh sát hại cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Trước thập niên 60 và ngay cả những năm đầu của thập niên này, khi các hàng rào ấp chiến lược chưa bị phá vỡ, các làng quê đã thực sự hưởng cảnh thái bình: đêm đến không có giới nghiêm, người dân có thể vui chơi cả đêm. Người dân quê vẫn còn lấy cả tháng Giêng để “ăn chơi”. Cả tháng, cứ đêm đến, trẻ con chúng tôi đạp xe đạp đi từ làng này sang thôn khác để xem hát bài chòi. Có cả một tháng vui chơi như thế là để nhắc nhở con người Việt nam lam lũ quanh năm vì cái ăn rằng “con người được tạo dựng để thụ hưởng niềm vui và hạnh phúc, chứ không phải để đau khổ và bất hạnh. Cuộc sống của một dân tộc sẽ trở nên phong phú và nhân bản hơn nếu cái dáng dấp bi thảm của khổ đau được quân bình với hân hoan và hạnh phúc” (sđd)

Quân bình giữa công việc và giải trí: đó là nét nổi bật trong cuộc sống của người Việt nam, mà Tết là một biểu trưng. Chính nhờ thế quân bình giữa cuộc sống vất vả và việc vui hưởng cuộc sống mà người Việt nam xem ra có được một giây thần kinh rất vững chắc. Bất cứ người ngoại quốc nào phục vụ trong các trại tỵ nạn Việt nam tại các nước đông nam Á từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90 cũng đều kinh ngạc về số lượng rất thấp những người bị rối loạn tâm trí giữa một số lượng đông đảo người tỵ nạn đang sống trong một tình cảnh bi đát.

Năm nay, cũng như rất nhiều năm trong cuộc sống ly hương, tôi không biết thế nào là bánh chưng, bánh tét, hay kẹo mứt. Trong nhà tôi cũng không có mâm quả “cầu dừa đủ xài”. Tôi cũng chưa bao giờ một lần thưởng thức món “thịt mỡ dưa hành câu đối Tết”. Còn cảnh “ngoài hiên đêm trước một cành mai” thì chắc phải đến Tết Congo hay Maroc tôi mới có được ở nơi đất khách quê người này. Nhưng cũng như mọi năm, năm nay tôi cũng “ăn Tết” theo cách thế của tôi: tôi sẽ cố gắng tận hưởng từng khoảnh khắc hiện tại như một ân lộc Trời ban; tôi sẽ sống mỗi ngày như một ngày Tết… Tôi nghĩ đó là bí quyết hạnh phúc mà ông bà tổ tiên muốn để lại cho con cháu khi “bày ra Tết Nhứt”.

 

1.  Doãn Quốc Sỹ,  Người Việt đáng yêu

2.  Việt luận 20/10/09

 

 

 

 

 

 

 

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

Chiến đấu cho Sự Thật bằng cách phơi bày “tin giả”

 


Chu Văn

Từ cứ địa Mar-a-Lago, cựu Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục tạo được một ảnh hưởng xem ra không chút suy suyển trên những người ủng hộ ông. Ông vẫn tuyên bố dứt khoát rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua là một cuộc bầu cử gian lận và “ngai” tổng thống lẽ ra đã thuộc về ông, nhưng bị đảng dân chủ đánh cắp. Những người ủng hộ ông tin lời của ông hơn cả Kinh Tin Kính của nhà đạo của tôi. Không những thế, nhiều người, cách riêng những người đồng đạo của tôi, tin như đinh đóng cột rằng chính ma quỷ là kẻ dấu mặt đàng sau vụ gian lận và đánh cắp này.

Mỗi ngày, từ hai tháng qua, một vị linh mục công giáo thuộc Giáo phận Madison, Tiểu bang Wisconsin, đã liên tục thực hiện điều mà nhà đạo của tôi gọi là “nghi thức trừ quỷ” để gọi là khử trừ ma quỷ ra khỏi cuộc gian lận bầu cử. Vị linh mục này tên là John Zuhisdorf, thường được biết với tên gọi là “cha Z” trên trang Blog của ông. Ông nói rằng mục đích của ông là để bảo vệ “chống lại ảnh hưởng của ma quỷ trong tiến trình chứng nhận kết quả bầu cử” và “bảo vệ những người đếm phiếu khỏi bị ma quỷ cám dỗ để gian lận”. Trên Blog của ông, vị linh mục này cũng kêu gọi những người đồng nghiệp của ông hãy theo gương ông để “bảo vệ Sự Thật về Ngày Bầu cử”. Ông cho biết luôn “cầu nguyện bởi vì Joe Biden, một người Công giáo, chắc chắn biết rằng điều gì đã xảy ra khi bỏ phiếu”. Ông cầu xin “Thiên thần bản mệnh gìn giữ ông (Biden) khỏi bị ảnh hưởng của ma quỷ và vì phần rỗi linh hồn của ông, hãy vì Sự Thật và công ích mà chấp nhận thua cuộc bầu cử”. Vị linh mục này cho rằng ở tuổi 78, ông Biden là một người gần đất xa trời, cho nên hãy chuẩn bị ra trước Tòa Chúa để chịu phán xét, bởi vì “tham gia vào một sự dối trá khủng khiếp như thế là một tội trọng”.

Blog của “cha Z” là một trong những trang mạng công giáo được đọc nhiều nhứt. Theo báo The Tablet xuất bản tại Anh quốc, từ nhiều năm qua, đã có hàng chục triệu người say mê đọc Blog của vị linh mục này. Kêu gọi tranh đấu cho Sự Thật, nhưng mới đây hoạt động “trừ quỷ” của cha Z đã được phơi bày ra ánh sáng. Ông luôn luôn khẳng định rằng ông được phép và nhân danh Giám mục giáo phận Madison để thực hiện nghi thức trừ quỷ. Nhưng giám mục của giáo phận này thông báo rằng ông không hề cho phép linh mục Zuhisdorf làm điều này. Bị bại lộ, linh mục Zuhisdorf đã tự ý xin ra khỏi giáo phận để tìm một nơi dụng võ mới (1).

Là một tín hữu Kitô, tôi được dạy dỗ và lớn lên với 2 nỗi sợ: kính sợ Thiên Chúa và sợ ma quỷ. Ít hay nhiều, với tuổi đời, niềm kính sợ Thiên Chúa trong tôi lùi bước để nhường chỗ cho lòng yêu mến. Nhưng sự sợ hãi đối với ma quỷ thì xem ra vẫn còn đó. Tôi sợ ma quỷ bởi vì tôi sợ sa hỏa ngục.

Thật ra, hỏa ngục bên kia cõi chết như thế nào thì tôi chưa mường tượng được, nhưng qua kinh nghiệm bản thân cũng như từ những gì nghe thấy hay đọc được trong lịch sử loài người và cuộc sống hàng ngày, tôi cho rằng hỏa ngục trần gian là điều có thật. Tôi chưa từng thấy bóng dáng của ma quỷ. Tôi cũng chưa từng thấy người bị quỷ ám như thế nào và tôi cũng chưa từng chứng kiến một cuộc trừ quỷ nào. Tuy nhiên, cuộc chiến dai dẳng giữa thiện và ác trong chính bản thân tôi và vô số tội ác mà tôi nghe được hay tận mắt chứng kiến nói với tôi rằng có những sức mạnh tăm tối đang hoạt động và lôi kéo con người vào hận thù, chia rẽ và  chết chóc. Dung mạo của những tên quỷ sứ đen thui lui có sừng, có đuôi mà trí tưởng tượng của tuổi thơ của tôi cũng như của mẹ tôi đã từng vẽ ra đã hoàn toàn mờ nhạt trong tâm tưởng của tôi. Tôi không thể định hình được ma quỷ. Tôi cũng chẳng tưởng tượng được nó như thế nào. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được những sức mạnh tăm tối và bí hiểm đang hoạt động trong thế giới này. Câu hỏi mà tôi thường tự đặt ra cho mình là: ma quỷ hay Satan hoạt động như thế nào?

Mới đây, trên báo đài mạng “Thông tấn xã công giáo Việt Nam” hay gọi tắt là VietCatholic News, một trong những cơ quan truyền thông của người công giáo hải ngoại ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump một cách cuồng nhiệt, tôi có đọc được một truyện ngắn có tựa đề “Quỷ sứ đã đến dự thánh lễ cuối tuần này” (The Devil comes to Mass this weekend) của một giáo sư thần học giảng dạy tại một học viện công giáo bên Mỹ tên là Edward J. Barr (2).

Theo câu chuyện, tên quỷ sứ hóa thân thành một khách lạ và vào một nhà thờ nhân một buổi chiều cuối tuần. Tại đây, quỷ sứ đã gặp gỡ và trò chuyện với vị linh mục quản xứ. Vị linh mục cho biết từ nhiều tháng qua, vì đại dịch Covid-19, các đức giám mục đã ra lệnh phải đóng cửa các nhà thờ: không có thánh lễ đã đành, mà các nghi thức thường được gọi là “bí tích” cũng không được cử hành. Vị linh mục cũng cho biết chính Đức giáo hoàng là người cũng xem trọng sức khỏe thể lý và sự an toàn của con người cho nên cũng ra lệnh tạm ngưng các thánh lễ có giáo dân tham dự.

Nghe đến đây, quỷ sứ mở cờ trong bụng. Nó nói với vị linh mục: “Tôi tưởng tôi có một số việc phải làm, nhưng giờ đây tôi thấy rằng công việc của tôi đã hoàn tất”.

Dụng ý của tác giả trong truyện ngắn trên đây và dĩ nhiên cũng của VietCatholic, thật rõ ràng: đóng cửa nhà thờ trong thời đại dịch là rơi vào cạm bẫy của quỷ Satan. Quỷ Satan chỉ mong có thế. Như vậy, chắc hẳn quỷ Satan rất “căm” cựu Tổng thống Donald Trump, bởi vì mặc cho siêu vi Covid-19 có giết hại hàng trăm ngàn người, ông vẫn chống lại các biện pháp phòng chống dịch bệnh được các chuyên gia y tế đề ra như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và hạn chế tập trung đông người, và ủng hộ việc mở cửa các nơi thờ phượng. Chủ trương như thế, Tổng thống Trump, người được Thiên Chúa “tuyển chọn” quả là người tín hữu “mẫu mực” dám chống lại quỷ Satan, bởi vì nó chỉ muốn mỗi một điều là đóng của các nhà thờ!

Truyện ngắn của tác giả Edward J. Barr, được Vietcatholic News, một trong những cái loa tuyên truyền của cựu Tổng thống Trump quảng bá, buộc tôi phải tự đặt ra cho mình câu hỏi: đâu là ưu tiên hàng đầu của quỷ Satan trong hoạt động “cám dỗ” của nó?

Ngay từ trang đầu tiên, quyển Kinh Thánh của Do thái và Kitô giáo đã nhận diện được quỷ Satan: Satan là kẻ Dối Trá. Với câu chuyện sa ngã của ông bà nguyên tổ loài người, dường như Kinh Thánh muốn nói rằng tất cả mọi thảm họa của loài người đều bắt nguồn từ Dối Trá. Nhớ lại thảm họa Đức Quốc Xã trong thời Đệ nhị thế chiến, tài tử Arnold Schwarzenegger đã khẳng định: “Tất cả đều khởi đầu bằng dối trá và dối trá và dối trá” (3). Rập theo khuôn của đồ tể Hitler, tất cả các chế độ độc tài cộng sản cũng như quân phiệt đều “cướp” chính quyền bằng dối trá và cai trị bằng dối trá. Hoa Kỳ, một quốc gia đã có nền dân chủ mẫu mực và lâu đời nhứt thế giới suýt rơi vào độc tài cũng bằng những lời dối trá. Chỉ trong 4 năm cầm quyền, cựu tổng thống Trump đã nói dối trên 30 ngàn lần. Và lời “dối trá về gian lận và đánh cắp” bầu cử của ông đã tạo ra bạo loạn chết người ngay trong chính cơ quan được xem là biểu tượng cao nhứt về sức mạnh của nền dân chủ Hoa Kỳ. Và mặc dù ông đã bị các công ty mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube...vĩnh viễn bịt miệng, lời dối trá cuối cùng của ông vẫn còn tác động trên vô số những tín đồ của ông, những người vẫn tiếp tục tin ở những lời dối trá và thuyết âm mưu hơn là sự thật. Sức mạnh của những lời dối trá của ông Trump mãnh liệt đến độ kích động được quân đội Miến Điện để họ cũng tung ra cùng một luận điệu về “gian lận” bầu cử để thực hiện cuộc đảo chính và bắt giam các nhà lãnh đạo dân cử.

“Tất cả đều bắt đầu bằng dối trá và dối trá và dối trá”. Tôi đọc được điều đó ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh. Kinh Thánh đã nhận diện được quỷ Satan là kẻ Dối Trá. Kinh Thánh cũng khẳng định rằng quỷ Satan là “Cha đẻ của mọi  Dối Trá” (John 8: 44 , King James Version). Là một con người như mọi người, nghĩa là cũng đã từng bị ma quỷ cám dỗ, chính Chúa Giêsu đã cảnh cáo tôi: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra” (Mt 5, 37).

Là một người công giáo, tôi thường lắng nghe những lời khuyên dạy của Đức giáo hoàng. Theo truyền thống đã có từ năm 1967, mỗi năm Giáo hội Công giáo dành một ngày để cử hành Ngày Truyền Thông Thế Giới. Năm nay, ngày này sẽ rơi vào ngày 13 tháng Năm tới đây. Trong thông điệp gởi cho các tín hữu nhân dịp này, Đức Phanxicô kêu gọi họ hãy “làm chứng cho Sự Thật bằng cách phơi bày những “tin giả”. Trong thời gian gần đây, nhà lãnh đạo tôn giáo này đã nhiều lần là nạn nhân của tin giả. Mới nhứt có tin: nhân một vụ cúp điện trong điện Vatican, cảnh sát Ý đã đột nhập vào bên trong và bắt giữ Đức Phanxicô. Dù chỉ là một “tin giả” nhưng tin này đã được phát tán rộng rãi trên hệ thống thông tin toàn cầu và được rất nhiều người tin (4).

“Làm chứng cho Sự Thật bằng cách phơi bày những “tin giả”. Tôi không biết mình có thể thi hành được sứ mệnh này không. Ai đó đã nói một cách thật chí lý: lừa người khác thì dễ, nhưng rất khó để thuyết phục họ rằng họ đã bị lừa. Chưa bao giờ “tin giả” tràn ngập và bao trùm thế giới như ngày nay và cũng chưa bao giờ loài người tin ở “tin giả” hơn là Sự Thật cho bằng ngày nay.

Tôi biết tôi không thể thuyết phục được những người chạy theo “tin giả”. Ngay trong tôi lúc nào cũng đang diễn ra cuộc chiến giữa Sự Thật và Dối Trá. Tôi tin rằng bao lâu tôi luôn đi tìm Sự Thật, chia sẻ Sự Thật, lên tiếng cho Sự Thật, sống cho Sự Thật...đó chính là lúc tôi chiến đấu chống lại “tin giả”.

 

Nguồn

 

1.                                        https://slate.com/news-and-politics/2021/01/father-z-election-fraud-exorcism.html

2.                                        https://romalocutaest.com/2021/01/12/the-devil-came-to-mass-this-weekend/

3.                                        https://www.thelondoneconomic.com/politics/arnold-schwarzenegger-posts-deeply-personal-statement-on-trump-and-capitol-riots/10/01/

4.                                        https://www.catholicnewsagency.com/news/pope-francis-world-communications-day-message-witness-to-the-truth-by-exposing-fake-news-99921