Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Văn minh và tử tế



Chu Thập
22.7.06
Theo dõi tin tức hàng ngày, tôi nhận thấy tai nạn giao thông hầu như ngày nào cũng xảy ra trong đất nước “văn minh” Úc Đại Lợi này. Riêng trong Tiểu bang New South Wales, tính cho đến tháng Bảy này, số người chết vì tai nạn giao thông đã hơn hẳn cả năm qua. Trước đây, trên những con đường chính, chính phủ chỉ nhắc nhở “stop, revive, survive” (hãy dừng lại, lấy sức, để sống còn). Nay có lẽ cảm thấy lời kêu gọi này chưa đánh động được lương tâm con người chăng, chính quyền tiểu bang còn cảnh cáo rằng số người chết đã quá cao và “năn nỉ”: “Xin làm ơn lái xe cẩn thận hơn” (Please, drive safely). Chưa bao giờ tôi thấy có một lời kêu gọi lịch sự và dễ thương như thế!
Theo tôi, không có sinh hoạt nào thể hiện tư cách con người và cuộc sống xã hội cho bằng cách lái xe. Mỗi lần nhìn vào kính chiếu hậu và thấy có một chiếc xe đang bám sát sau lưng như thể muốn húc vào mình, tôi cầm chắc gần như đến 90 phần trăm rằng người đang rượt đuổi mình phải là một cô cậu mới lấy bằng.Đúng là ngựa non háu đá!
Tôi cũng thường có cái cảm giác bị rượt đuổi như thế mỗi khi về miền Tây Sydney. Không bị lấn đường thì cũng bị bóp còi inh ỏi. Cách lái xe nói lên phần nào cuộc sống ồn ào, náo động và chụp giựt tại vùng có sự phát triển kỹ nghệ nhanh nhứt của tiểu bang này.
Không biết có hồ đồ không, tôi cũng cho rằng cách lái xe cũng thể hiện dân tộc tính và ngay cả một chế độ chính trị. Tôi đã sống ở Phi Luật Tân nhiều năm. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh người dân đi thi lái xe: chỉ cần trình diện tại một văn phòng giao thông,  ngồi lên xe, xuống trả tiền cho ai đó là được cấp bằng lái ngay! Thành ra tôi không ngạc nhiên khi thấy người lái xe xem ra chẳng cần phải tuân giữ bất cứ luật lệ giao thông nào cả. Được Mỹ cai trị đến cả trăm năm, quốc gia hải đảo này cũng có đầy đủ các luật lệ giao thông. Nhưng có lẽ mớ luật lệ này chỉ dành cho các trường luật mà thôi. Mà đâu chỉ riêng luật giao thông. Nói chung luật pháp ở Phi Luật Tân xem ra cũng chỉ có tính chiếu lệ mà thôi, nếu không thì tham nhũng làm gì có đất sống!
Xem thường luật giao thông, nhưng khi lái xe, người Phi lại tỏ ra một sự nhẫn nhục và cảm thông khó có thể tìm thấy ở một nước khác. Chẳng hạn, ở bất cứ một nơi phải nhường đường (give way) hay phải tuyệt đối dừng lại, bạn chỉ cần từ từ nhích đầu xe ra là mọi người phải dừng lại. Chẳng có ai phải tỏ ra giận dữ để bóp còi hay chửi mắng gì cả. Ngay cả khi xe của bạn chết máy, bạn để xe nằm ngay giữa lòng đường rồi cứ nhẩn nha sửa mà chẳng sợ phải làm phiền ai cả! Trong những năm sống ở Phi, tôi đã học được hai đức tính cao quý là nhẫn nhục và cảm thông!
Đây là những đức tính mà tôi cho là đã chết hẳn trong lòng dân tộc Việt Nam ngày nay. Tôi đã nhận ra điều đó trước tiên trong cách “điều khiển xe” hay “tham gia giao thông” (nói theo kiểu nói thời thượng ở Việt Nam hiện nay). Dưới chế độ cộng sản, Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng chỉ một thứ luật có giá trị là luật rừng. Cứ ra đường là thấy rõ điều đó. Xe hai bánh chạy như mắc cửi. Nơi dành cho người đi bộ chẳng bao giờ được tôn trọng. Tôi thách Tổng thống Barack Obama dám giả dạng thường dân như tôi để “tham gia giao thông”. Người lái xe cũng như khách bộ hành, nếu không luồn lách thì không thể tiến tới. Giao thông ở Việt Nam là hình ảnh cụ thể nhứt nói lên cuộc sống của con người trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa: phải bằng mọi giá luồn lách mới có thể sống còn. Trong một xã hội mà sống có nghĩa là luồn lách thì đương nhiên luật pháp chỉ còn là món đồ trang sức. Và dĩ nhiên, chính vì phải không ngừng luồn lách để sống còn mà cái triết lý “mạnh ai nấy sống” ngày càng thấm nhiễm vào cách ứng xử của con người. Có lạ gì khi ai cũng nói đến tính vô cảm gần như đặc trưng của người dân Việt Nam hiện nay.
Từ Việt Nam lạc hậu nhìn sang quốc gia được xem là văn minh nhứt thế giới hiện nay là Hoa Kỳ, tôi cũng suy ra rằng cách lái xe thể hiện tư cách con người và cuộc sống xã hội. Ngày nay, có lẽ hai chữ “Hoa Kỳ” gắn liền với súng đạn và bắn giết như cơm bữa. Cũng như Tổng thống Obama, tôi tin rằng ở Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ không có kỳ thị chủng tộc, mà chỉ có những người “khùng” mà thôi. Và xem ra người Mỹ “khùng” và dễ “nổi điên” nhứt khi họ lái xe. Theo kết quả của một cuộc thăm dò do tổ chức an toàn giao thông “AAA Foundation for Traffic Safety” thực hiện và được công bố hôm 14 tháng 7 vừa qua, cứ 10 người Mỹ lái xe thì có đến 8 người thú nhận rằng trong một năm qua đã có ít nhứt là một lần họ bày tỏ sự giận dữ, hung hăng hay nổi điên khi lái xe. Đây quả là một tỷ lệ khá cao!
Theo cuộc điều tra, khi nổi điên, người Mỹ chạy theo sát xe người khác, la lối chửi mắng người lái xe bên kia, vượt ngang đầu họ hay bày tỏ một vài dấu hiệu giận dữ. Có người còn tỏ ra dữ dằn hơn nữa khi dùng xe của mình để ủi, ép người khác hoặc ngay cả bước ra khỏi xe để ăn thua đủ với người lái xe bên kia.
Theo cơ quan “An Toàn Giao Thông Mỹ”, ước lượng có khoảng 2 phần 3 các tai nạn giao thông chết người đều có liên hệ đến thái độ hung hăng khi lái xe (http://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/phan-lon-nguoi-my-tung-co-thai-do-lai-xe-hung-hang-gian-du/). Nếu cứ 10 người lái xe có đến 9 người dễ nổi điên và có thái độ hung hăng thì số người chết vì tai nạn giao thông ở Mỹ nếu có cao hơn số binh sĩ chết trận cũng không phải là điều đáng gây ngạc nhiên. Đã dễ nổi điên khi lái xe mà súng ống lại có sẵn trong tay, chuyện người Mỹ bắn giết nhau như cơm bữa lại càng không khiến người ta phải ngạc nhiên chút nào!
Thái độ dễ nổi điên khi lái xe và những vụ bắn giết liên tục ở Mỹ không khỏi tạo ra nơi tôi cái cảm tưởng rằng người Mỹ ngày càng cư xử thiếu văn minh. Thái độ hung hăng miệt thị đối với người khác không chỉ có trên đường phố, nơi đầu đường xó chợ mà cũng có ngay cả nơi  các chính trị gia, những người được xem là những “khuôn mặt của quần chúng”. Các cuộc bầu cử sơ bộ trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc đã làm rộ lên thứ ngôn ngữ “đường phố” ấy. Các ứng cử viên tổng thống Mỹ chửi nhau có thua gì các bà bán cá trong các chợ chồm hổm ở Việt Nam!
Nếu hiểu theo định nghĩa của từ điển Merriam-Webster thì “văn minh” (civility) có nghĩa là “cách cư xử lịch sự, hợp lý và tôn trọng”. Trong cuốn sách “Rules of Civility and Decent Behavior in Company and Conversation” (Những Quy luật về cư xử văn minh và lịch sự trước mặt người khác và trong khi nói chuyện) tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington (1732-1799) có khuyên rằng “bất cứ hành động nào làm trước mặt người khác cũng đều phải tỏ ra tôn trọng đối với họ”.
Hiểu như thế về “văn minh” thì một cuộc sống thừa mứa về của cải và tiện nghi vật chất không đương nhiên làm cho con người ra “văn minh” hơn. Điều làm cho con người ra văn minh, hiểu một cách đơn giản nhứt, trước tiên phải là cách cư xử có tình có nghĩa với người khác. Nghĩ như thế cho nên tôi không thể không liên tưởng đến người khổng lồ Trung Cộng, quốc gia có nền kinh tế đứng nhì thế giới và đang lăm le muốn qua mặt Hoa Kỳ. Phát triển kinh tế của quốc gia cộng sản này không những đã đưa hàng triệu triệu người ra khỏi nghèo đói mà còn tạo ra một lớp nhà giàu mới ngày càng nhiều. Chỉ cần nhìn vào con số du khách Trung Cộng đến Úc trong một năm cũng đủ để thấy sự thịnh vượng của nước này: theo ước tính, chỉ trong năm vừa qua, du khách Trung Cộng đã đổ vào Úc khoảng 8.9 tỷ Úc kim. Không riêng Úc Đại Lợi, hầu như nơi nào cũng tràn ngập du khách Trung Cộng. Nhưng dù cho giai cấp nhà giàu mới của Trung Cộng có vung vít tiền bạc đề tiêu xài ở các nước khác, ai cũng than phiền về cách ứng xử thiếu văn minh của họ. Nói chung, đi đâu du khách Trung Cộng cũng xem như chỗ không người, nghĩa là muốn làm gì thì làm, bất kể có làm phiền người khác hay không.
Cách cư xử thiếu văn minh như thế của du khách Trung Cộng cũng phần nào nói lên chế độ chính trị đang cai trị họ. Chế độ nào người dân nấy. Chế độ cộng sản Việt Nam đã khiến cho người dân phải luồn lách để sống và biến họ thành những con người vô cảm. Chế độ cộng sản tại Trung Quốc cũng tạo ra những con người cư xử thiếu văn minh, đi đâu cũng xem trời bằng vung và hành động như chỗ không người là bởi vì những người cầm đầu chế độ này cũng đang cư xử thiếu văn minh đối với người dân của họ cũng như đối với các nước láng giềng. Tôi chưa từng nghe Chủ tịch Cập Cận Bình ăn nói bỗ bã hay bạ đâu nói đó như ông Donald Trump. Nhưng cứ nhìn các hành động cướp bóc và bá quyền của ông tại Biển Đông và phản ứng côn đồ của ông trước phán quyết của Tòa Án Trọng Tài của Liên Hiệp Quốc cũng đủ thấy cách cư xử thiếu văn minh của ông.
Với tôi, Trung Cộng thịnh vượng giàu có nhưng chưa phải là một nước văn minh thực sự và người lãnh đạo cao nhứt của nước này cũng chưa học biết ứng xử một cách văn minh. Muốn quảng bá “Khổng Giáo” đi khắp thế giới, muốn “trị quốc, bình thiên hạ”, nhưng Tập Cận Bình lại cố tình không muốn nghe lời vàng ngọc của Khổng Tử là phải “tu thân” trước đã.
Trong bất cứ nền đạo đức, tôn giáo hay văn hóa nào, tu thân luôn bao hàm thái độ tôn trọng, quan tâm và cảm thông đối với người khác. Đây là bài học mà mỗi lần bước lên xe cầm tay lái, tôi luôn được nhắc nhở để thực hành.
Một cô cháu của tôi kể lại rằng năm lên 16 tuổi cô mơ ước được lái xe tải. Một hôm cô có dịp nói chuyện với một người tài xế xe tải. Cô hỏi ông ta cảm thấy như thế nào khi ngồi trên một chiếc xe to lớn như thế. Người tài xế xe tải trả lời rằng ông cảm thấy như được “làm vua”. Quả thật, ngồi trên cao nhìn xuống những chiếc “xe con” người tài xế xe tải nào mà chẳng thấy mình như vua, ai cũng phải sợ. Nhưng trong cuộc sống, quyền lực luôn đi đôi với trách nhiệm: người càng có quyền lực càng phải cảm thấy có trách nhiệm nhiều hơn và người càng có trách nhiệm lại càng phải cư xử văn minh, nghĩa là biết tôn trọng, cảm thông và tử tế hơn đối với người khác hơn.
Văn minh không được đo lường bằng sự giàu có về của cải vật chất và ngay cả kiến thức, mà thiết yếu bằng cách đối xử tử tế với người khác. Một người dân thuộc một bộ lạc bán khai mà biết đối xử tử tế với người đồng loại của mình phải được xem là văn minh hơn một người giàu có nhưng vô tâm với người người khác. Nói cho cùng, tử tế cũng là tên gọi khác của văn minh.







Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Anh phải sống




Chu Thập
30.10.12

Gần đây, để tập sống lạc quan, mỗi sáng khi thức dậy tôi thường đếm các “phúc lành” mình đang có. Nhiều người nhìn qua, nhìn lại, nhìn lên, nhìn xuống...để tự so sánh với người khác và để còn thấy mình có nhiều may mắn hơn người. Tôi sợ ganh đua, dù là ganh đua trong sự may mắn, bởi vì ganh đua thường làm cho con người thêm khổ. Chính vì thế mà khi nghĩ đến những “phúc lành” mình đang có, tôi thường nhìn vào khung cảnh sống. Ở gần lâm viên quốc gia, mỗi sáng thức dậy, bất cứ mùa nào, chỉ cần ngước mắt nhìn lên núi cũng đã nghe thấy sự sống và cũng đủ để thấy vui, thứ niềm vui nhỏ, bình thường, có trước mắt mà nhà phê bình Trung Hoa Kim Thánh Thán hồi thế kỷ thứ 18 thường cảm nhận được. Nhà lại ở gần sông nước, mỗi ngày chạy bộ một vòng dọc bờ vịnh, vừa tập thể dục vừa ngắm trời mây sông nước. Lại còn câu cá trong cảnh chiều tà. Được sống trong một khung cảnh như thế mà không là một “phúc lành” sao?
Nhưng có điều tôi nói ra lại sợ có người bảo mình là tên “dở hơi”. Ở hai đầu của khu tôi ở đều có siêu thị bán đủ các thứ nhu yếu phẩm. Chỉ cần đi bộ 15 phút đồng hồ là có thể tha hồ mua sắm. Vừa giãn gân giãn cốt, vừa tiết kiệm được xăng nhớt trong thời buổi giá xăng lên ào ào này. Nhưng điều tôi muốn giới thiệu ở đây không phải là cuộc sống tiện nghi, mà là cái nghĩa trang thật dễ thương nằm gần siêu thị ở hướng nam. Tôi xem sự hiện diện của nghĩa trang này là một “phúc lành” cho “thôn xóm” này và cách riêng cho tôi. Khu nghĩa trang này có cái đặc biệt là rất...ấm cúng. Nó không bị cô lập như thường thấy mà được vây quanh và gần gũi với nhà cư dân. Cách cấu trúc giống như một cái công viên hơn là một nghĩa trang với nhiều hoa bông và cây có tàn cao thanh nhã. Mỗi lần chạy bộ ra siêu thị, tôi đều dừng lại trước nghĩa trang để “chào hỏi” các cư dân ở đó. Đặc biệt trong ngày hôm nay, 2 tháng 11, theo truyền thống Kitô giáo, thế nào tôi cũng tạt ngang qua để hàn huyên lâu giờ hơn với những người đang an nghỉ ở đó. Tôi không có người thân nào được chôn cất ở đây cả. Thật ra, với tôi, người quá cố không nằm yên trong một nghĩa trang nào đó. Đã đi vào bên kia thế giới thì không gian không còn biên giới nữa. Ở đâu người sống cũng có thể gặp người chết. Khi bỏ nước ra đi, tôi biết là mình đã vĩnh viễn chia lìa với thân phụ mẫu. Nhưng giờ đây, khi cha mẹ tôi đã nằm xuống, tôi lại cảm thấy gần gũi thân thiết với các ngài hơn bao giờ hết. Các ngài được chôn cất ở một nơi cách tôi ở đến cả một phần tư vòng trái đất. Nhưng với tôi, các ngài vẫn “như tại”, nghĩa là vẫn cứ như đang hiện diện bên cạnh tôi đến độ tôi có thể hỏi han, vấn kiến bất cứ lúc nào.
Thật ra, giữa tôi và người quá cố, dù tôi có cảm nhận được một sự gần gũi thiết thân đến đâu, cũng vẫn là vực thẳm của thinh lặng. Tôi không có được thứ “kỹ năng” mà người Việt nam trong nước gọi là “ngoại cảm” để có thể liên lạc và nói chuyện được với người quá cố.Tôi cũng chẳng có được óc tưởng tượng phong phú như nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc, người vừa được trao tặng Giải Nobel Văn Chương năm nay, để lắng nghe được tiếng nói của Ma Chiến Hữu, tức những chiến binh cộng sản Trung quốc đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh biên giới Trung Việt hồi năm 1979. Có những người có được một ơn thiên phú đặc biệt để có thể liên lạc được với cõi âm, với thế giới bên kia. Riêng tôi, tôi nghĩ đến bài dụ ngôn về một người phú hộ và một người nghèo khổ tên là Lazarô được ghi lại trong Sách Tin Mừng theo thánh Luca. Cả hai nhân vật đều chết cùng một ngày. Người giàu có suốt đời sống trong nhung lụa và không màng đến sự hiện diện của người nghèo trước cửa nhà mình, cho nên bị trầm luân trong hỏa ngục. Người nghèo được lên thiên đàng. Từ nơi cực hình, người giàu có mới xin tổ phụ Abraham cho người từ cõi chết về cảnh cáo mấy người anh em của ông hiện vẫn còn đang sống ích kỷ trong xa hoa, để khi chết họ không phải cùng chung số phận như ông. Nhưng tổ phụ Abraham trả lời rằng khoảng cách giữa hai bên là vô tận; không thể nào có thể vượt qua biên giới để liên lạc với nhau.
Suy gẫm về câu chuyện này, tôi nghĩ đến sự thinh lặng của thế giới người chết. Đúng hơn, người chết cũng vẫn còn lên tiếng, nhưng họ nói bằng thinh lặng hơn bằng lời nói. Do đó, mỗi lần vào nghĩa trang, tôi luôn cố gắng lắng nghe cho bằng được tiếng nói trong thinh lặng ấy. Tôi tin chắc rằng trong thinh lặng, người chết luôn muốn nói với tôi rằng bên kia thế giới, không còn có ganh đua, tỵ hiềm, tranh giành, chiến tranh và hận thù nữa. Trong thinh lặng, người chết dường như cũng muốn bày tỏ ở mức độ cao nhứt sự khoan nhượng và cảm thông. Dù tôi có lầm lạc, xấu xa và đốn mạt đến đâu đi nữa, vào nghĩa trang, chắc chắn tôi chỉ có thể nghe được sự cảm thông mà thôi. Tôi cũng không bao giờ bị xua đuổi nơi đây. Chẳng có người chết nào cảm thấy bị tổn thương vì cử chỉ xúc phạm của tôi và cũng chẳng có người chết nào trách móc vì những yếu đuối lầm lỡ của tôi.
Trong thinh lặng, tôi không những cảm nhận được sự cảm thông của người quá cố, mà còn lắng nghe được rất nhiều điều nhắn nhủ của họ. Thỉnh thoảng tôi có lái xe đến Swansea, gần New Castle, NSW, để thử thời vận, vì đây là nơi thường được dân câu cá nhắc đến. Từ F3 rẽ vào Pacific Highway, phải đi qua một đoạn đường khoảng 30 cây số. Hầu như lần nào tôi cũng cố gắng đếm cho bằng được con số những cây thập giá được dựng lên hai bên vệ đường. Tôi tính được không dưới 10 nơi có thập giá. Đó là chưa kể những nơi chỉ có hoa mà không có biểu tượng của Kitô giáo này. Nghe đâu thỉnh thoảng ban đêm, có người bị ma rượt trên đọan đường này. Riêng tôi, cứ mỗi lần thấy thập giá hay một cây trụ có cắm hoa, tôi lại nghe như có tiếng nhắc bảo: hãy lái xe cẩn thận; hôm trước là tôi, hôm nay có thể là bạn!
Chết là phần số chung của mọi người. Ai cũng phải một lần nhắm mắt xuôi tay. Trong ý nghĩa ấy, trong các thiệp phân ưu và cáo phó, các tín hữu Kitô thường nói đến “tiếng gọi” của Chúa. Người chết là người được Chúa thương “gọi” về. Tiếng “gọi” gợi lên Tình Thương bao la của Chúa. Nhưng có những cái chết nghiệt ngã và đau thương đến độ tôi thấy gán cho Chúa một tiếng “gọi” nghe sao “oan” cho Chúa quá. Có phải vì tôi có lối sống thác loạn, thiếu trách nhiệm đối với bản thân và đối với tha nhân, mà vì “thương tôi” Chúa “gọi” tôi về sớm không? Tôi có biết một người giàu có nọ, kể từ lúc chế độ cộng sản Việt nam “mở cửa” làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, đã phất lên như diều gặp gió trong thị trường địa ốc. Tiền vào như nước, anh ta bắt đầu sinh ra đổ đốn ăn nhậu và dĩ nhiên cũng đàng điếm. Thật ra, trong một xã hội mà mọi thứ có được đều phải thông qua thủ tục “đầu tiên” và móc ngoặc, làm sao tránh khỏi chuyện quan hệ với các quan chức hủ hóa. Nhưng trong chế độ cộng sản, đã bán linh hồn để được mọi sự thì cuối cùng cũng chẳng giữ được thể xác cho nguyên vẹn. Đó là lý do tại sao anh bị ung thư gan. Từ lúc biết mình mắc bệnh nan y cho đến lúc ra đi, anh không ngừng thốt lên: “Tại sao lại là tôi?” (why me?). Trong trường hợp này, tôi không biết có nên nói đến “tiếng gọi” của Chúa không. Hay chính tôi, do lối sống bừa bãi vô trách nhiệm, tôi đã chẳng tự chọn cho mình một sự ra đi như thế sao? Dĩ nhiên, trời gọi ai, người nấy dạ. Là tạo vật, được hiện hữu là điều không do quyết định và chọn lựa của mình, cho nên chẳng có ai làm chủ được sự sống của mình. Nhưng cũng có lắm trường hợp, chết là do chính mình chọn lựa. Sự chọn lựa có lẽ rõ ràng nhứt đối với những người muốn đùa giỡn với tử thần bằng tốc độ. Tôi tin chắc rằng trong hơn 10 cây thập tự và những cây trụ có cắm hoa dọc theo con đường đến Swansea, đã có không ít những người phải chết oan vì sự bất cẩn cũng có, nghĩa là do lỗi của mình gây ra,  mà cũng chẳng thiếu những người say men tốc độ muốn đi “gặp” Chúa trước khi Ngài kịp có “ý định” “gọi” họ.
Nhưng dù có ra đi trong hoàn cảnh và lý do nào đi nữa, giờ đây, có lẽ người chết nào mà tôi gặp gỡ trong nghĩa trang hay trên đường đi, cũng đều muốn nhắc nhở tôi “phải sống” hơn là tìm đến cái chết. Nếu có một tiếng gọi từ nghĩa trang thì tiếng gọi đó phải là tiếng gọi của sự sống hơn là sự chết. Người chết nào cũng muốn tôi sống đàng hoàng tử tế hơn, nghĩa là sống một cách có trách nhiệm với bản thân cũng như trách nhiệm đối với tha nhân.
Mỗi năm, cứ đến ngày 2 tháng 11, tôi lại nhớ đến Phi luật tân là nơi tôi đã sống và làm việc trong một thời gian khá lâu. Ở quốc gia hải đảo có đông người công giáo nhứt Á châu này, người dân bày tỏ tình cảm đối với người chết một cách rất đặc biệt. Suốt ngày mùng một, họ lũ lượt kéo nhau đến nghĩa trang, làm sạch ngôi mộ của người thân và mở tiệc vui chơi ca hát suốt đêm như thể người chết đang có mặt bên cạnh. Người quá cố có được một ngày và một đêm vui không thì tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng trong ngày hôm đó, nhiều người dân nghèo vô gia cư, không có nơi nương tựa đành phải mượn ngôi mộ của người chết để làm nơi trú nắng che mưa, lại phải tạm thời “dọn nhà” đi nơi khác. Sống có nhà, thác có mồ. Không biết đến lúc chết có được một nấm mồ không, nhưng hiện có không biết bao nhiêu người dân Phi nghèo không có nổi một mái nhà cho nên đành phải sống với người chết.
Nhưng có lẽ không riêng người dân Phi nghèo mới ra nông nỗi ấy. Cảnh người sống phải chen chúc với người chết trong các nghĩa trang có lẽ không xa lạ với người Việt nam hiện nay. Ngay cả thời xa xưa, nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng đã tả lại cảnh khốn cùng này trong truyện ngắn Ba con cáo. Tác giả nêu đích danh “khu phố Phát Diệm, khúc phía trên này họ Cầu Kho có một đất thánh mà từ vài năm nay nhà thờ không cho chôn trong đó nữa”. Đó là nơi sinh sống của ba nhân vật: một cô gái điếm, một tên trộm cắp trốn quân dịch và một con cáo. Cả ba cần nhau khi họ còn có cơ hội và điều kiện. Họ phản nhau khi bản năng sinh tồn bắt họ phản nhau...Truyện ngắn này không chỉ muốn nói lên tình đời, tình người trong một nơi hầu như khô cạn tình người, mà còn cho thấy cuộc sống khốn khổ của không biết bao nhiêu người bị đẩy ra bên lề xã hội.
Hiện nay người ta nói đến hiện tượng xây mồ cất mả một cách “hoành tráng” tại Việt nam. Nghèo như ở Thừa Thiên, người ta vẫn bắt gặp những ngôi mộ được xây cất chẳng khác nào lăng tẩm của vua chúa. Người giàu thừa tiền bạc tranh đua nhau để được tiếng đã đành, mà người nghèo cũng đua đòi hơn thiệt trong chuyện xây cất mồ mả. Ngẩm nghĩ lại thấy cha ông ngày xưa đã có lý khi nói: “Sống thời con chẳng cho ăn, chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi”.
Tôi tin có cuộc sống vĩnh hằng. Tôi tin có cuộc sống mai hậu. Nhưng tôi không tin rằng người chết vẫn còn ham muốn nhà cao cửa rộng hay mâm cao cỗ đầy nữa. Niềm vui mà tôi cũng tin chắc là người chết muốn chia sẻ với người sống đó là thấy người sống biết sống hòa thuận, yêu thương, quảng đại, phục vụ, quên mình...Tựu trung, có lẽ người chết nào cũng chỉ muốn người sống biết sống tử tế, trách nhiệm với bản thân và với tha nhân.
Mỗi lần vào nghĩa trang, tôi nghe như vọng lại lời trối trăn của người vợ trong truyện ngắn Anh Phải Sống của Khái Hưng: “thằng bò, cái nhớn, cái bé...không, anh phải sống”. Anh phải sống cho ra người tử tế. Tử tế cho chính bản thân anh, cho tha nhân để khi nhắm mắt lìa đời, anh sẵn sàng ra đi mà không ân hận hay hối tiếc vì đã đánh mất cả một cuộc đời.
Làm sao để có thể chết “đẹp” nếu chưa từng biết sống “đẹp”?






Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Ngày vinh quang đã đến!

Chu Thập
15.7.16

Tuần này, nước Pháp mừng Quốc khánh 14 tháng 7. Đã từng sống và muốn chọn “mẫu quốc” làm quê hương thứ hai, tôi nhớ đến ngày này hơn là ngày 2 tháng 9, quốc khánh của Việt Cộng. Tôi nhớ đến ngày 14 tháng 7  bởi vì đây không chỉ là ngày kỷ niệm cuộc cách mạng năm 1789 của riêng nước Pháp, mà còn của cả thế giới: muốn hay không biến cố này đã như một cơn địa chấn mạnh làm rung chuyển toàn thế giới.
Nhớ đến quốc khánh của Pháp, tôi nghe văng vẳng bên tai bài quốc ca “La Marseillaise” được sáng tác vài năm sau cuộc cách mạng. Trong Giải Túc Cầu Âu Châu vừa qua, âm thanh tạo nhiều cảm xúc nơi tôi nhứt là câu “Hãy ra đi, hỡi những đứa con của tổ quốc, ngày vinh quang đã đến!” (Allons enfants de la Patrie! Le jour de gloire est arrivée!) toát ra từ cửa miệng của các cầu thủ. Màu da của các cầu thủ càng làm nổi bật bài quốc ca của Pháp. Tên chính thức của đội tuyển Pháp là “Les Bleus” (Đội Áo Xanh”. Theo tôi,  lẽ ra phải đặt tên lại cho đội tuyển Pháp  là “Les Noirs” (Đội da đen) mới đúng, bởi vì nhìn kỹ tôi thấy màu da của hầu hết các tuyển thủ Pháp, nếu không da màu, ngà ngà thì cũng đều đen cả. Hầu hết đều là con cái của những di dân hay tỵ nạn đến từ một nước thuộc địa nào đó của Pháp tận bên Phi Châu. Còn nếu là da trắng như Zidane, như Benzema hay ngay cả như Platini thì họ cũng chẳng là thuần chủng để hãnh diện “tuyên xưng” rằng  “tổ tiên của chúng ta là người Gaulois” (nos ancêtres song des Gaulois) như một thời người Việt sống dưới thời Pháp thuộc phải đọc làu làu trong bài mở đầu của môn sử ký.
Nhưng dù có gốc gác từ đâu, bất cứ người công dân Pháp nào cũng mừng Quốc khánh 14 tháng 7 và cũng đều hát lên bài quốc ca “La Marseillaise” với tất cả  niềm tự hào và hãnh diện. Tự hào và hãnh diện bởi vì được làm công dân của một quốc gia, tuy ở khởi đầu không được hình thành từ các nhóm di dân, nhưng luôn mở rộng vòng tay để đón nhận người di dân. Màu da của các cầu thủ Pháp đã nói lên tính đa chủng và đa văn hóa của nước Pháp ngày nay. Màu da ấy, một cách nào đó, cũng thể hiện khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ” (Liberté, Égalité, Fraternité) được in trên lá cờ Pháp.
Pháp đã hãnh diện về truyền thống “tự do, bình đẳng, huynh đệ” ấy đến độ cũng muốn quảng bá đi khắp thế giới. Tượng Nữ thần Tự Do tại Hoa Kỳ là món quà đặc trưng ấy. Thật vậy, bức tượng bằng đồng hiện đứng trên đảo Liberty Island trong Hải cảng New York là tác phẩm được Điêu khắc gia Pháp Frédéric Auguste Bartholdi thiết kế và được Kiến trúc sư kiêm Kỹ sư Gustave Eiffel hoàn thành. Trong bức tượng, Nữ thần Tự Do của người La Mã giương cao ngọn đuốc cháy sáng và cầm trên tay một tấm bảng tượng trưng cho luật pháp, trên đó có ghi ngày tuyên bố độc lập của Hoa Kỳ 4 tháng 7 năm 1776.  Dưới chân của nữ thần là những sợi xích đã bị bẽ gẫy. Pháp đã tặng cho Hoa Kỳ bức tượng Nữ thần Tự Do để không chỉ đề cao nền độc lập của Hiệp chủng quốc, mà còn để nói lên nguồn gốc di dân của quốc gia này. Tự do đích thực luôn đồng hành với bình đẳng và huynh đệ. Được những người di dân và tỵ nạn tứ xứ thành lập, Hoa Kỳ tồn tại, thịnh vượng và vững mạnh lànhờ biết mở rộng vòng tay để đón nhận người di dân. Al Qaeda của trùm khủng bố Osama Bin Laden đã bình địa Tòa tháp đôi Twin Tower, nhưng đã không đánh đổ được tượng Nữ thần Tự Do, biểu tượng của một đất nước được gầy dựng và bồi đắp bởi hàng hàng lớp lớp người di dân.
Có lẽ các tác giả của tượng Nữ thần Tự Do muốn nói lên điều đó khi tạo cho khuôn mặt của nữ thần giống một người di dân và một di dân đến từ Trung Đông. Thật vậy, có một sự kiện ít được chú ý tới là người thiết kế bức tượng, Điêu khắc gia Bartholdi, đã múc lấy nguồn cảm hứng từ một quốc gia Á Rập là Ai Cập. Năm 1855, ông đã đến thăm các di tích lịch sử của nước này tại Abu Simbel. Ngây ngất trước lối kiến trúc của người xưa, ông mới nẩy ra ý nghĩ thiết kế một bức tượng có khuôn mặt của một phụ nữ Hồi giáo trùm khăn trên đầu (x. http://www.smithsonianmag.com/smart-news/statue-liberty-was-originally-muslim-woman). Nữ thần Tự Do một cách nào đó cũng là Nữ thần Di Dân. Bài học vỡ lòng về sử ký của trẻ con Mỹ hẳn không phải là “tổ tiên của chúng ta là người Anh hay người da trắng” mà là “những người di dân và tỵ nạn tứ xứ”; đồng bàn với họ trên bàn ăn hay ngồi chung với họ trên cùng một chuyến xe không chỉ là người da trắng mà là mọi người thuộc đủ mọi màu da, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo, hoặc như cố Mục sư Martin Luther King đã từng mơ ước “con cái của những người nô lệ”.
Quả thực, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là một đất nước của người di dân, do người di dân và vì người di dân. Ngày 4 tháng 7 vừa qua là ngày kỷ niệm đúng 240 năm Hoa Kỳ được độc lập. Nhân dịp này, Tạp chí Time đã dành số kép ra ngày 11 và 18 tháng 7 này để ghi lại tất cả 239 điểm sáng của đất nước này. Góp mặt trong số báo này, Giáo sư kiêm Nhà văn gốc Việt Nam Nguyễn Việt Thanh, tác giả của quyển tiểu thuyết “The Sympathizer” (cảm tình viên) vừa được trao tặng giải thưởng Pulitzer năm 2016, đã nói  đến vai trò của người di dân trong việc xây dựng đất nước. Theo ông, nước Mỹ được tự do như ngày nay là nhờ người di dân, tỵ nạn và nô lệ. Qua cuộc tranh đấu của họ để có được một chỗ đứng trong đất nước này, người di dân đã buộc Hoa Kỳ phải viết lại Hiến Pháp của họ, để nhìn nhận rằng mọi người đều bình đẳng như nhau và Hoa Kỳ không nên chỉ là đất nước của người da trắng. Tác giả khẳng định: “số phận của họ (những người di dân) cũng là số phận của Hoa Kỳ”. Trích dẫn một tác giả Mỹ gốc Phi Luật Tân nổi tiếng trong thập niên 1950 là ông Carlos Bulosan, Giáo sư Nguyễn Thanh Việt viết: “Chúng ta là tấm gương phản chiếu của Hoa Kỳ...Nếu chúng ta thất bại, cả Hoa Kỳ cũng thất bại”. Ám chỉ đến óc bài ngoại của ứng cử viên Donald Trump, tác giả cho rằng bên cạnh một “Hoa Kỳ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau và biết lựa lời mà nói” còn có một Hoa Kỳ khác, tức Hoa Kỳ của những người muốn dựng lên những bức tường để bài ngoại. Đó là một Hoa Kỳ đáng sợ và nguy hiểm. Và đó là một thách đố lớn hiện nay: “Nếu Hoa Kỳ đó chiến thắng, thì chúng ta và cả thế giới đều thua”.
Những cuộc bắn giết gần đây, nhứt là những vụ cảnh sát da trắng bắn người da đen và một người da đen mới sát hại 4 cảnh sát da trắng, khiến cho nhiều người lo sợ về những chia rẽ chủng tộc tại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng tôi thích cái nhìn bình tĩnh và lạc quan của Tổng thống Barack Obama. Theo ông, Hoa Kỳ không phải là một quốc gia bị chia rẽ vì chủng tộc và màu da: người da đen hạ sát 4 cảnh sát viên da trắng tại Dallas không đại diện cho người da đen cũng như những người da trắng bắn hạ người da đen không đại diện cho người da trắng. Tôi tin lời Tổng thống Obama, bởi vì một Hoa Kỳ chia rẽ vì  chủng tộc đã không bầu một người da đen như ông lên làm nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo thế giới tự do.
Trong mắt tôi, Hoa Kỳ luôn vĩ đại. Vĩ đại vì tinh thần khoan nhượng, nền móng của một quốc gia đa chủng tộc và đa văn hóa. Vĩ đại vì tinh thần huynh đệ được thể hiện qua tấm lòng quảng đại trong hoạt động từ thiện. Trong 239 điểm sáng của Hoa Kỳ được Tạp chí Time đề cao, tôi đặc biệt chú ý đến hoạt động từ thiện của người Mỹ. Darren Walker, chủ tịch của sáng hội “Ford Foundation” viết rằng “từ thời các lãnh tụ thực dân đến các tỷ phú của thời đại như Buffett, Gates và Zuckerberg, truyền thống trao tặng đã được kết tinh trong DNA của dân tộc chúng ta”. Có lẽ trên thế giới, không có dân tộc nào đóng góp cho công cuộc từ thiện nhiều cho bằng Hoa Kỳ. Trong năm 2015 vừa qua, tổng số tiền người Mỹ trao tặng cho các quỹ từ thiện lên đến 373.25 tỷ Mỹ kim; trung bình mỗi ngày người Mỹ tặng hơn một tỷ Mỹ kim. Dĩ nhiên, cần có tiền mới có thể làm từ thiện. Nhưng với người Mỹ, ngoài tiền bạc, còn có một món quà quý giá hơn mà họ luôn trao tặng một cách quảng đại là thời giờ. Trong năm vừa qua, đã có khoảng 62.6 triệu người Mỹ làm thiện nguyện ít nhứt là một lần. Truyền thống trao tặng có thể đã bắt nguồn từ Kitô Giáo, vốn là tôn giáo của những nhà lập quốc Hoa Kỳ. Nhưng truyền thống ấy có được thăng hoa và phát huy hay không một phần cũng nhờ “tấm lòng” của người di dân: hầu như người di dân nào bỏ nước ra đi cũng đều có một trái tim rộng mở luôn nghĩ đến những người đang sống trong nỗi cơ cực mà chính mình đã từng nếm trải.
Hoa Kỳ không chỉ có súng đạn. Hoa Kỳ không chỉ là nơi dân chúng tự trang bị cho mình đến 300 triệu khẩu súng đủ loại. Hoa Kỳ không chỉ là nơi mà trung bình cứ 61 giờ lại xảy ra một vụ bắn giết. Với truyền thống trao tặng được người di dân nhào nặn và phát huy, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là một đất nước vĩ đại.
Vĩ đại vì truyền thống trao tặng chớ không phải vĩ đại vì thói bá quyền và cướp giựt như Trung Cộng hiện nay. Hôm thứ Ba 12 tháng 7 vừa qua, Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế tại Hague, Hòa Lan đã đưa ra phán quyết về cuộc tranh chấp Biển Đông giữa Phi Luật Tân và Trung Cộng. Kết quả được hầu như toàn thế giới chờ đợi là: việc Trung Cộng xâm chiếm lãnh hải và xây dựng các cơ sở trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông là một hành động bất hợp pháp!
Bộ mặt thô bỉ và vô liêm sỉ của Trung Cộng “vĩ đại” một lần nữa được phơi bày: bất chấp phán quyết của Tòa án Quốc tế, bất chấp Công pháp Quốc tế, bất chấp dư luận thế giới, Trung Cộng vẫn tuyên bố chủ quyền trên những vùng lãnh hải hoặc thuộc về một quốc gia khác hoặc còn đang tranh chấp.
Thái độ bá quyền và hung hăng của Trung Cộng đối với các nước láng giềng phản ảnh cách đối xử của họ đối với nhiều thành phần sắc tộc khác nhau trong nước và mọi người dân nói chung. Khoan nhượng và tương kính hoàn toàn là những ý niệm xa lạ đối với những con người chỉ biết sống theo nguyên tắc được đồ tể Mao Trạch Đông khởi xướng: “quyền lực xuất phát từ lò thuốc súng”. Trong nước, Tập Cận Bình dùng dùi cui, báng súng và nhà tù để đàn áp người dân. Bên ngoài, ông đưa quân đội đến cưỡng chiếm lãnh hải của các nước láng giềng. Trong nước, quyền sinh sát của ông ngày càng được củng cố. Ngoài nước, đế quốc Trung Cộng ngày càng mở rộng. Nhưng liệu có phải càng có quyền lực trong tay, nhứt là quyền lực từ lò thuốc súng mà con người càng trở nên “vĩ đại” không?
Trong bối cảnh của  xã hội đa chủng tộc và văn hóa của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, lắng nghe lời ca “Ngày vinh quang đã đến” trong  bài quốc ca của Pháp và chiêm ngắm bức tượng nữ thần Tự Do tôi nghĩ đến một thứ vinh quang và vĩ đại khác: con người chỉ thực sự vĩ đại khi họ biết ra khỏi vỏ ốc hẹp hòi ích kỷ của mình để sống khoan nhượng, nghĩa là chấp nhận và tôn trọng quyền lợi, tiếng nói và những khác biệt của người khác.


Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Trèo cao té nặng





Chu Thập
23.10.12

Lúc nhỏ, tôi leo trèo như khỉ. Cao ngất như cây dừa tôi cũng trèo. Gai góc như bụi tre, tôi cũng leo. Hễ có trái cây và nhứt là ổ chim, thì dù có hiểm hóc cheo leo cỡ nào, tôi cũng phải đạt tới “mục tiêu” cho bằng được. Cũng may, sinh nghề nhưng không đến nổi tử nghiệp, vài lần té cây chỉ để lại năm ba vết sẹo trên người chớ chưa biến tôi thành phế nhân.
Tuy nhiên, cũng có một lần té ngã đã in đậm trong ký ức của tôi. Tôi không nhớ rõ lúc đó tôi đã được mấy tuổi. Một buổi sáng nọ, tôi leo lên cây đào tiên của người hàng xóm. Trái đào tiên mà người Bắc gọi là “lý”, tuy không mặn mà như đào đỏ hay trái mận (mà người Bắc gọi là roi), nhưng có mùi vị thơm ngọt lạ thường. Có lẽ vì hương vị này mà người miền Trung quê tôi gọi nó là “đào tiên” chăng. Cho đến ngày nay, nỗi nhớ quê hương của tôi cũng còn đượm mùi “đào tiên”. Cách đây 2 năm, nhân dịp đi nghỉ ở Port Douglas, Bắc Úc, tình cờ nhìn thấy một cây đào tiên và ngửi được hương vị thơm ngon của những trái vừa chín, tôi thấy như mình đã trở về quê hương. Tôi bèn hái một trái, thưởng thức hương vị của nó và cất lấy hột để mang về trồng. Nay, tuy chưa ra trái, nhưng cây đào tiên ở phía trước nhà cũng đủ để giúp làm vơi đi nỗi nhớ quê hương trong tôi và dĩ nhiên gợi lại bài học nhớ đời của tôi.
Cây đào tiên của người hàng xóm ở quê tôi không cao lớn lắm. Và đó chính là lý do khiến tôi ỷ y và thiếu đề cao cảnh giác. Ở độ cao có lẽ không quá 3 thước, do đu phải một cành mềm, tôi lộn nhào và té xuống đất. Tôi chưa một lần lên cơn đau tim nào, nhưng có lẽ cái cảm giác được những người đau tim tả lại cũng không khác với cơn đau quằn quại của tôi khi bị trượt té từ cây đào tiên bao nhiêu. Lúc đó có người tình cờ đi qua, thấy tôi ôm bụng nằm sấp và biết tôi té cây, mới bảo tôi tuột “giây lưng quần” ra. Thời đó, trẻ con như tôi mặc quần “xà lỏn” không có giây thun, mà chỉ được thắt lại bằng thứ giây mà người Bắc gọi là “giải rút”. Tôi làm theo và thấy cơn đau dịu lại. Chẳng có ai giúp một tay, cho nên tôi phải cố gắng hết sức để bò về nhà và tiếp tục ôm bụng cho tới khi được mẹ tôi phát giác. Bà liền lấy dầu cù là xoa khắp nơi trong người tôi. Tôi không biết do tác dụng của loại dầu vạn năng này hay do bàn tay thoa bóp và âu yếm của mẹ mà tôi cảm thấy cơn đau như hoàn toàn biến mất. Vốn có chủ trương cho tôi được tự do “lêu lổng” cho nên mẹ tôi chẳng có lên giọng mắng  mỏ gì cả. Bà chỉ ôn tồn nhắn nhủ: “Con ơi, trèo cao thì té nặng đó, nghe chưa”. Biết mình có lỗi nhưng tôi cũng ráng chống chế: “Nhưng cây đào tiên bên nhà Cậu Bảy đâu có cao!”
Về sau, khi tôi tỏ dấu biết suy nghĩ đôi chút, thấy người tôi bị trày trụa do leo cây, mẹ tôi chuyển qua giọng “luân lý quốc văn giáo khoa thư”. Cùng với thành ngữ “trèo cao té nặng”, mẹ tôi thòng thêm một câu: “Càng cao danh vọng càng đầy gian nan”.
Bà mẹ của nhà thơ Phùng Quán, thời Nhân Văn Giai Phẩm ngoài Bắc, dạy ông sống “chân thật” ngay từ tuổi thơ. Ông đã ghi nhớ lời mẹ dạy và trải bày tâm niệm của mình trong bài thơ bất hủ “Lời mẹ dặn”. Mahatma Gandhi, lỡ có một lần nói dối bị mẹ la rầy, đã thề thốt suốt đời chỉ nói sự thật và đề ra chủ trương tranh đấu bất bạo động dựa trên thuyết mà ông gọi là “Satyagraha” (sức mạnh của sự thật).
Tôi không phải là một đứa trẻ “dễ dạy” cho nên chưa xây dựng được một chủ thuyết hay một tác phẩm để đời nào dựa trên lời mẹ dạy. Dù sao, lời mẹ dạy vẫn cứ đeo đuổi tôi suốt đời. Người mẹ nào mà chẳng muốn cho con thành danh, bởi vì danh phận của con cũng làm cho cha mẹ được thơm lây. Nhưng khi nói “càng cao danh vọng càng đầy gian nan”, dường như mẹ tôi cũng muốn cảnh cáo tôi rằng để “leo lên” được bất cứ bậc thang danh vọng nào, cần phải trải qua gian nan. Tôi thấy rõ chân lý này trong việc học hành. Thời trung học, tôi đã cố gắng hết mình để mỗi cuối năm đều mang phần thưởng về cho cha mẹ xem. Để được thành tích tốt, tôi ganh đua từng điểm và dĩ nhiên với rất nhiều gian nan.
Bài học leo trèo cũng cho tôi thấy điều đó. Tôi nhận thấy lên đến đỉnh cao là điều đã khó, mà lại càng khó hơn khi phải leo xuống. Lúc leo lên, người ta không màng tới độ cao. Đến khi yên vị trên cao rồi nhìn xuống, tự nhiên mới thấy sợ và có khi sợ đến nỗi không dám xuống. Trong xóm giáo của tôi, một trong những nơi tôi không thể quên được là tháp chuông giáo đường. Nhà thờ giáo xứ của tôi được xây cất theo lối Gothic, với tháp chuông cao vút. Đây là nơi “lẩn trốn” an toàn nhứt dành cho những đứa trẻ thích trốn học và cũng thích ngủ hơn là “đi lễ” vào lúc 4 giờ sáng mà chẳng hiểu gì hết. Để lên đến tháp chuông, phải leo lên một cái thang dài được bắc dựa vào tường. Leo lên thì không sao. Đến khi từ trên cao nhìn xuống tự nhiên thấy ớn xương sống và chẳng muốn leo xuống chút nào.
Cái cảm giác leo lên cao mà không muốn hay không dám xuống đó thường làm cho tôi liên tưởng đến những người đã đạt đến đỉnh cao của quyền lực và danh vọng. Họ phải trải qua biết bao gian nan mới lên đến đỉnh cao ấy. Và để “trụ trì” trên đỉnh cao danh vọng ấy họ phải chấp nhận làm mục tiêu của không biết bao nhiêu búa rìu dư luận. Danh vọng gắn liền với sự tán thưởng của người đời. Hôm nay người ta đưa lên ngày mai người ta kéo xuống. Đó là chuyện thường tình. Đã leo lên đài danh vọng là phải chấp nhận áp lực và dằn xóc của dư luận. Tôi nghĩ đến cái chức tổng thống của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ. Trên thế giới này, còn ai có quyền lực và danh vọng cho bằng tổng thống Hoa kỳ. Nhưng như người La mã nói “danh vọng  là gánh nặng” (Honor onus), chẳng có ai trên thế giới này phải mang lấy trách nhiệm nặng nề như tổng thống Hoa kỳ. Chỉ cần nhìn lại sự chuyển đổi màu tóc của một số tổng thống Mỹ gần đây để cảm nhận được phần nào những “gian nan” và trách nhiệm đè nặng lên họ. Tạp chí Time trong số ra ngày 10 tháng 9 vừa qua đã đặc biệt liên kết mái tóc của ba vị tổng thống gần đây của Hoa kỳ là Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama với trách nhiệm đè nặng trên ba ông. Năm 1992, khi mới bước vào Tòa Bạch Ốc, mái tóc của tổng thống Bill Clinton vẫn còn xanh mướt. Chỉ 4 năm sau, nó đã thành trắng bạc. Nơi tổng thống George W. Bush, người ta lại càng thấy rõ hơn sự ngả mầu mau chóng của mái tóc. Riêng đương kiêm tổng thống Barack Obama, chỉ mới sau một nhiệm kỳ mà mái đầu đen nhánh của ông cũng đã biến thành muối tiêu. Đành rằng tuổi tác là yếu tố chính làm cho tóc ngả mầu. Nhưng theo giải thích của bà Elaine Fuchs, một nhà nghiên cứu về tóc thuộc trường đại học Rockfeller, những căng thẳng trong cuộc sống cũng có thể làm cho tóc mau bạc. Các cuộc tấn công khủng bố, cuộc chiến với sự tham gia của quân đội Mỹ tại một số quốc gia, vị thế lãnh đạo thế giới của Hoa kỳ, kinh tế suy trầm, cuộc vận động để được tái cử...chỉ có phép lạ hoặc phải có một thứ “gen” di truyền đặc biệt lắm một tổng thống Mỹ mới giữ nguyên được mái đầu xanh của mình trước những căng thẳng do những trách nhiệm trên đây tạo ra. Thủ tướng Julia Gillard quả là người may mắn, bởi vì dù có trải qua căng thẳng đến cỡ nào, tối về vẫn được người bạn tình o bế mái tóc, cho nên chẳng có sợi tóc nào dám...bạc!
Tôi thầm phục những người được bầu làm tổng thống Hoa kỳ. Họ leo lên được đài quyền lực và danh vọng là nhờ tài năng, trí tuệ và những nỗ lực phi thường của họ. Tham vọng quyền lực và danh vọng là điều ít hay nhiều, kín đáo hay lộ liễu, ai cũng có. Có khác nhau chăng là con đường dẫn đến quyền lực và danh vọng. Có người đi theo con đường bình thường của gian nan, thử thách và phấn đấu. Có người lại chọn con đường tắt của lừa bịp, dối trá. Lịch sử là cuốn sách luôn được mở ra cho mọi người xem. Đã là sự thật thì dù có che đậy tài tình đến đâu trước sau gì cũng lộ ra. Cứ tưởng Nguyễn Ái Quốc là bút hiệu tài ba sắc bén của một Hồ Chí Minh. Nào ngờ đâu một cáo già thất học Hồ Chí Minh đã cướp công của một nhóm trí thức uyên bác! Cứ tưởng có một nhà báo Trần Dân Tiên đã bỏ công nghiên cứu để viết về tiểu sử, cuộc đời ngoại hạng và nhân cách phi thường của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai ngờ cháy nhà ra mặt chuột, có người đã tự mình viết tiểu sử của mình và đưa mình lên chín tầng mây. Thứ danh vọng được tiếm đoạt bằng gian dối và lừa bịp ấy, may ra chỉ có những người không còn giây thần kinh xấu hổ mới tiếp tục đề cao và sùng bái. Khốn nỗi, “người cha gia dân tộc” gian dối và lừa bịp ấy lại sản sinh ra cả một thế hệ ngày nay cũng chỉ biết sống và hành xử bằng dối trá. Không nói đến chuyện tiến sĩ giả hay tiến sĩ không có thực chất “chạy đầy đường”, không nói đến kế hoạch mỗi năm đào tạo 2000 tiến sĩ để qua mặt các nước văn minh, chuyện gần đây nhứt cũng đủ để làm cho một người Việt nam còn biết xấu hổ phải muốn độn thổ. Đó là chuyện ông tiến sĩ Hoàng Quang Thuận, viện trưởng Viện công nghệ viễn thông, đã sáng tác được ba tập thơ mà ông gọi là “thơ thần phật”, tức do Phật linh ứng. Trong nước đã tổ chức không biết bao nhiêu buổi học tập thơ của ông. Rồi chính ông cũng đã tự mình gởi 2 tập thơ đến Thụy Điển để tranh giải Nobel Văn Chương. Thế rồi, lại cháy nhà ra mặt chuột, nhiều người đã khám phá ra rằng ông tiến sĩ này đã “đạo” hầu như nguyên văn thơ của ông Trần Trương, trưởng ban quản lý chùa Yên Tử. Cũng may, năm nay Ủy ban Nobel đã không kịp trao tặng giải cho ông Hoàng Quang Thuận. Nếu không thì người Việt khắp nơi chỉ còn biết độn thổ vì xấu hổ mà thôi!
Về chuyện này, có lẽ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam nên học bài học của Hoa kỳ. Mới đây, Cơ quan chống xử dụng thuốc kích thích trong thể dục thể thao của Hoa kỳ (gọi tắt là USADA) đã cho công bố cả ngàn trang chứng cớ về việc tay đua Lance Amstrong, người Mỹ, trong suốt quá trình tiến lên đài danh vọng với 7 lần vô địch vòng đua nước Pháp, không những đã xử dụng thuốc kích thích mà còn cung cấp thuốc cho các đồng đội của mình. Chỉ trong một ngày, 7 huy chương vàng vòng đua nước Pháp của Armstrong đều bị tước bỏ! Từ đỉnh cao của danh vọng, tay đua này đã rơi xuống vực thẳm của nhục nhã. Con đường gian dối và lừa bịp nào cũng đều kết thúc như thế. Armstrong không chỉ mất chức vô địch, mất ngân quỹ kết xù được xây dựng trên tiếng tăm giả tạo của anh, anh đánh mất chính danh dự và phẩm cách của mình. Có lẽ lúc nhỏ anh không biết leo trèo như tôi. Bằng không thì anh cũng đã được mẹ anh cảnh cáo: “Con ơi, trèo cao té nặng đó, nghe con”.
Cách đây không lâu, tôi có dịp tham dự một thánh lễ trong đó có một số thiếu nhi được tham dự nghi thức “rước lễ” lần đầu. Chẳng có gì để nói về nghi thức tôn giáo này, ngoại trừ vào cuối lễ, bỗng thấy xuất hiện một thanh niên bị hội chứng Down. Trong khi các thiếu nhi vừa hát vừa diễn tả ý nghĩa của bài hát bằng cử điệu, người thanh niên cũng dùng tay không của mình để chơi đàn guitar. Cử chỉ của anh trông cũng nhuần nhuyễn như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Rõ ràng là anh chẳng màng gì đến những người xung quanh. Cười nhạo hay không, không cần biết. Anh đã sống hết mình trong giây phút ngắn ngủi ấy. Anh hài lòng và hạnh phúc với sự biểu diễn của mình.
Tôi ra khỏi nhà thờ và mang hình ảnh của anh về nhà cho đến hôm nay. Có lúc tôi mong được sống như người thanh niên mắc hội chứng Down này: sống thật và hết mình với con người của mình để không phải bận tâm đến lời khen tiếng chê của người khác hay chạy theo thứ danh vọng giả tạo được trao tặng hôm nay và ngày mai bị tước đoạt.





Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Hâm nóng ký ức


Chu Thập
8.7.16
Một tuần lễ sau khi quân đội Iraq chiếm lại thành phố Fallujah từ tay  “Quốc gia Hồi giáo”, các cơ quan truyền thông thế giới đã cho phổ biến rộng rãi  một băng hình về sự đổ nát của thành phố cũng như sự tàn ác của tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Fallujah là một thành phố nằm ở phía Bắc Iraq. Đây là thành phố đầu tiên của Iraq rơi vào tay của “Quốc gia Hồi giáo” dạo tháng Giêng năm 2014. Từ 320 ngàn dân vào năm 2010, dân số của thành phố nay chỉ còn khoảng trên dưới 50 ngàn người. Một phần bỏ trốn được. Một phần bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh và dĩ nhiên có rất nhiều người đã bị “Quốc gia Hồi giáo” sát hại bằng nhiều cách khác nhau.
Băng hình được phổ biến sau khi Fallujah được giải phóng cho thấy trong hơn 2 năm chiếm giữ thành phố, “Quốc gia Hồi giáo” đã dựng lên 5 nhà tù với những phòng nhỏ như những chiếc lồng để nhốt súc vật. Trong suốt 2 năm vừa qua, người dân phải sống dưới những quy định vô cùng khắt nghiệt theo luật Hồi giáo. Nhiều người bị giam tù như súc vật chỉ vì một vi phạm nhỏ như hút một điếu thuốc. Đáng thương nhứt có lẽ là những thiếu nữ người Yazidi bị “Quốc gia Hồi giáo” bắt giữ làm nô lệ tình dục, bị chuyền tay từ người này sang ngước khác và sau đó bị mang ra bán đấu giá như súc vật.
Cảnh hoang tàn đổ nát của thành phố Fallujah và vô số những tội ác của “Quốc gia Hồi giáo” được phơi bày sau khi thành phố này được giải phóng, không khỏi khiến tôi liên tưởng đến ngày các trại tập trung của Đức Quốc Xã được quân đội Đồng minh giải phóng. Đặc biệt trong những ngày vừa qua, sự ra đi của ông Elie Wiesel, một trong những nhân chứng có thế giá nhứt  về các trại tập trung của Đức Quốc Xã, lại càng là dịp để thế giới hâm nóng lại ký ức về tội ác của đồ tể Hitler và Đức Quốc Xã cũng như vô số tội ác khác trong lịch sử nhân loại. Khác nhau về hoàn cảnh, khác nhau về mức độ, khác nhau về hình thức...nhưng tội ác của “Quốc gia Hồi giáo”, tội ác của Đức Quốc Xã đối với dân tộc Do Thái, tội ác của các chế độ cộng sản đối với người đồng bào ruột thịt cũng như với toàn thể nhân loại...tất cả đều giống nhau ở chỗ: thế giới sẽ lập lại tội ác nếu tội ác bị quên đi! Đó là thông điệp mà Wiesel muốn nhắn gởi cho thế giới qua chứng từ của ông về cuộc diệt chủng đối với người Do Thái do Hitler và Đức Quốc Xã chủ xướng.
Chào đời tại thành phố Sighet, Lỗ Ma Ni ngày 30 tháng 9 năm 1928, Elie Wiesel nổi tiếng với tác phẩm có tựa đề “Night” (Đêm). Với quyền hồi ký dài khoảng hơn 100 trang này, Wiesel đã kể lại những trải nghiệm của ông trong các trại tập trung Đức Quốc Xã trong những năm cuối của Đệ nhị Thế chiến. Là một thiếu niên 15 tuổi, ông đã chứng kiến cảnh Hung Gia Lợi sát nhập thành phố của ông và cưỡng bách người Do Thái trong thành phố phải sống trong những khu biệt lập (Ghetto). Sau đó, cùng với cha mẹ và anh chị em, ông bị bắt, lùa lên những chiếc xe chở súc vật và đưa đến trại Auschwitz, Ba Lan. Tại đây, sau khi đã bị tách ra khỏi gia đình, mẹ và em gái út của ông đã bị đưa vào lò hơi ngạt. Sau một thời gian, cùng với hàng ngàn tù nhân khác, mặc dù chỉ còn là những “thây chết biết đi”  Wiesel và cha ông bị cưỡng bách phải đi bộ đến trại Buchenwald bên Đức. Tại đây, vì bị kiết lỵ và nhứt là bị các cai tù Đức Quốc Xã đánh đập, cha ông đã qua đời.
Tháng Tư năm 1945, năm Wiesel lên 16 tuổi, trại tập trung cuối cùng nơi ông bị giam giữ đã được quân đội đồng minh giải phóng. Cậu thiếu niên 16 tuổi đã rời khỏi trại tập trung Buchenwald với   cánh tay bị các cai tù xâm lên con số “A-7713”.  Cùng với một số người sống sót khác, Wiesel đã xin đến Pháp. Tại đây, ông đã theo học tại Đại học Sorbonne và sau đó làm ký giả cho một số tờ báo Pháp và Israel. Năm 1955, ông di cư sang Hoa Kỳ. Cuối thập niên 1950, ông hoàn thành tác phẩm “Night”. Năm 1960 tác phẩm được vợ ông là bà Marion Rose, một người cũng sống sót từ các trại tập trung Đức Quốc Xã, giúp dịch sang Anh Ngữ .
Năm 1978, Wiesel được Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm vào Ủy ban Xây dựng Bảo tàng viện tưởng nhớ các nạn nhân Đức Quốc Xã tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Một trong những câu nói đáng ghi nhớ của ông đã được khắc trên cửa ra vào của Bảo tàng viện: “Vì người chết và người đang sống, chúng ta phải làm chứng”.
Năm 1986, ông được trao tặng Giải Nobel Văn Chương. Ủy ban Nobel gọi ông là “một sứ giả của nhân loại”. Trong bài diễn văn nhận giải thưởng cao quý này, ông nói: “Tôi đã cố gắng giữ cho ký ức luôn được sống động; tôi đã cố gắng chiến đấu để chống lại những ai muốn quên đi, bởi vì nếu chúng ta quên lãng, chúng ta cũng mắc tội, chúng ta trở thành đồng lõa” với tội ác...
(x.http://www.nytimes.com/2016/07/03/world/europe/elie-wiesel-auschwitz-survivor-and-nobel-peace-prize-winner-dies-at-87)
Hôm thứ Bảy 2 tháng 7 vừa qua, trước tin ông ra đi, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gọi ông là một “đài tưởng niệm sống” và là “lương tâm của thế giới”.
Theo tôi, có lẽ đây là hai tước hiệu chính xác nhứt để nói lên vai trò chứng nhân của ông Wiesel không những về tội ác của Hitler và Đức Quốc Xã đối với dân tộc Do Thái, mà còn về vô số tội ác của con người xuyên qua mọi thời đại và bất cứ nơi nào trên thế giới. Ông đã gióng lên tiếng kêu thảm thiết và không ngừng nghỉ để đánh thức nhân loại khỏi cơn mê ngủ trong sự dửng dưng và vô cảm trước tội ác.
Không phải trong một sớm một chiều mà tiếng kêu của ông đã được lắng nghe. Năm 1956, bằng tiếng Do Thái, ông đã viết cuốn hồi ký dài 800 trang. Sau đó, quyển hồi ký đã được rút ngắn lại còn 127 trang và được dịch sang tiếng Pháp với tựa đề “La Nuit”. Một năm sau đó, ấn bản Anh Ngữ mới xuất hiện: nhà xuất bản của Mỹ Hill & Wang chỉ trả trước cho ông đúng 100 Mỹ kim. Trong 18 tháng đầu, tác phẩm chỉ bán được đúng 1.046 cuốn. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Time năm 1985, Wiesel nói rằng “Lúc đó, chuyện (Đức quốc xã) tế sát người Do Thái (Holocaust) không phải là điều người ta muốn biết”.
Bước ngoặt lớn chỉ được mở ra cho Wiesel vào năm 1960 khi đồ tể Adolf Eichmann bị Israel truy tầm và bắt giữ tại Á Căn Đình. Tội ác của Đức Quốc Xã dần dần được phơi bày rộng rãi. Tiếng nói của Wiesel bắt đầu được lắng nghe và ông đã trở thành hiện thân của các nạn nhân trong cuộc diệt chủng đối với người Do Thái. Không mấy chốc tác phẩm “Night” của Wiesel đã được bán ra trên cả chục triệu cuốn. Riêng nữ hoàng hội thoại truyền hình Oprah Winfrey, sau khi chính thức đưa tác phẩm vào thư viện riêng của cô và tháp tùng Wiesel đi thăm viếng trại tập trung Auschwitz, đã giúp bán thêm 3 triệu cuốn nữa. Tác phẩm đã được dịch sang không dưới 40 thứ tiếng khác và được đưa vào chương trình trung học tại nhiều nơi trên thế giới, nhứt là tại Hoa Kỳ.
Tiếng kêu thảm thiết mà Wiesel muốn gióng lên cho cả thế giới được tóm gọn trong chữ “Đêm” được ông dùng để diễn tả những hành động tàn ác vô nhân đạo tưởng như không có bút mực nào có thể diễn tả được:
“Tôi sẽ không bao giờ quên được đêm ấy, đêm đầu tiên trong trại tập trung, đêm đã biến cuộc sống của tôi thành một đêm dài gấp 7 lần.
Tôi sẽ không bao giờ quên được làn khói ấy (làn khói quyện trên những lò hơi ngạt, nơi mẹ và em gái của ông bị tế sát)
Tôi sẽ không bao giờ quên được những gương mặt nhỏ bé của các trẻ em mà tôi đã thấy biến thành khói dưới một bầu trời câm lặng.
Tôi sẽ không bao giờ quên được những làn khói đã vĩnh viễn thiêu rụi niềm tin của tôi.
Tôi sẽ không bao giờ quên được sự thinh lặng của bóng đêm đã vĩnh viễn cướp đi khát vọng muốn sống của tôi.
Tôi sẽ không bao giờ quên được những giây phút đã sát hại Thượng Đế của tôi và linh hồn tôi cũng như biến những ước mơ của tôi thành tro bụi.
Tôi sẽ không bao giờ quên được những điều ấy, ngay cả khi tôi bị kết án phải sống mãi như chính Thượng Đế.
Không bao giờ”.
Wiesel đã thề thốt như thế là vì con người vốn dễ quên. Và vì dễ quên cho nên cũng trở nên vô cảm, nhứt là vô cảm trước tội ác. Hồi ký của Wiesel mở đầu bằng chứng từ của một người bạn thiếu thời của ông tên là Moishe. Năm 1941, cùng với nhiều người Do Thái khác trong thành phố Sighet, người thiếu niên Moishe đã bị cảnh sát Hung Gia Lợi lùa lên những chiếc xe chở súc vật và mang đến vùng Galicia. Lúc đầu, những người Do Thái còn lại trong thành phố có tỏ ra quan tâm đến số phận của những người bị bắt đem đi. Nhưng rồi sau đó, cuộc sống diễn ra một cách bình thường. Chẳng ai còn màng đến những người đã ra đi. Thế rồi, một thời gian sau, Wiesel gặp lại Moishe trong hội đường. Moishe kể lại rằng cùng với những người Do Thái khác, cậu đã được đưa ra khỏi biên giới Hung Gia Lợi và khi vào lãnh thổ Ba Lan thì được giao cho mật vụ Gestapo của Đức Quốc Xã. Từ xe lửa, nhóm người Do Thái được đưa lên những chiếc tải để được chở ra một khu rừng. Tại đây, họ được lệnh đào những cái hố rộng. Người lớn lần lượt bị mang ra bắn và vùi xuống hố. Trẻ con bị tung lên để làm bia cho mật vụ Gestapo bắn như bắn chim. Moishe đã sống sót như một phép lạ: cậu đã bị bắn vào chân, các lý hình tưởng cậu đã chết cho nên bỏ đi. Moishe đã đi khắp thành phố để kể lại câu chuyện của mình. Nhưng chẳng có người Do Thái nào, ngay cả Wiesel tin lời cậu. Họ cho rằng cậu là một người điên. Mãi cho đến năm 1944, khi bị bắt đưa đi Auschwitz, mọi người mới nhận thức được rằng Moishe đã không nói dối: cậu là một nhân chứng không được lắng nghe!
Theo Wiesel, cộng đồng Do Thái ở Sighet đã tỏ ra vô cảm và dửng dưng trước tội ác được người thiếu niên Moishe kể lại. Nhưng có lẽ khủng khiếp hơn chính là thái độ vô cảm và dửng dưng của con người khi tận mắt chứng kiến tội ác. Trong cuộc “tử hành” (Death march) từ Ba Lan về Đức trong những ngày cuối của Đệ nhị Thế chiến, các tù nhân vì đói lả đã tranh nhau từng mảnh bánh vụn. Những người qua lại đã ném cho họ một ít bánh vụn mà không biểu lộ một chút kính trọng, cảm thông hay xót thương nào. Họ làm cử chỉ bố thí ấy như thể quăng mồi cho súc vật. Về sau, khi sống tại Paris, một hôm chứng kiến cảnh một phụ nữ giàu sang ném từng đồng xu nhỏ cho những đứa trẻ ăn xin giành giựt nhau, nhớ lại sự đối xử của khách qua đường đối với chính mình, Wiesel đã đến yêu cầu người đàn bà ngưng hành động phân phát của bà. Người đàn bà tỉnh bơ trả lời: ai cấm tôi làm việc bác ái!
Wiesel đã ghi lại chứng từ của ông để gởi đi một thông điệp: đừng bao giờ quên tội ác để không phải rơi vào thái độ vô cảm trước tộc ác. Là một người tỵ nạn cộng sản, đã từng nếm mùi thiên đàng cộng sản, đã từng nghe không biết bao nhiêu chứng từ về tội ác mà người cộng sản Việt Nam đã và đang gây ra cho dân tộc, tôi cảm nhận được một cách dễ dàng thông điệp của ông: tôi sẽ dễ dàng trở nên vô cảm trước tội ác và nỗi khổ của người đồng loại  nếu ký ức của tôi về tội ác bị lu mờ!


Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Sức Mạnh Mềm



Chu Thập
16.10.12


Một trong những điều mà khi nhắm mắt lìa đời có lẽ tôi vẫn còn ân hận, đó là chưa đền ơn trả nghĩa đủ cho các bà chị của tôi. Hiếu thảo với cha mẹ là chuyện đương nhiên phải có. Nhưng với tôi, ngoài công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tôi thấy mình còn mang nợ rất nhiều với các bà chị. Các chị tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình “nên người” của tôi. Các chị tôi không hề “dạy dỗ” tôi, nhưng đã hy sinh để tôi được “ăn học”. Món nợ của tôi đối với các chị quá lớn là bởi các chị tôi đã chịu quá nhiều thiệt thòi để tôi có được ngày hôm nay.
Khi các chị tôi đến tuổi cắp sách đến trường thì cũng là lúc gia đình tôi khánh tận. Cho nên tất cả các chị của tôi đều bị thất học. Bà nào  khá lắm thì cũng chỉ tốt nghiệp “bình dân học vụ”, nghĩa là xé đủ vài cuốn vần để đọc được 24 chữ cái và biết đọc biết viết. Vào đời và làm việc trong những điều kiện mà xã hội tân tiến ngày nay gọi là cưỡng bách và bóc lột sức lao động trẻ con, ngay từ tuổi nhỏ các chị tôi đã phải bôn ba tảo tần chẳng khác nào bà Tú Xương. Ngoài việc bồng ẵm, chăm sóc, đút cơm, dắt mấy cậu em đi chơi, các chị tôi cũng san sẻ gánh nặng gia đình với mẹ tôi trong việc đồng áng, chăn nuôi và ngay cả buôn bán. Đến tuổi cập kê, gặp ông chồng thuộc gia đình khá giả thì còn có nơi nương tựa. Nhưng phần lớn các chị tôi đều gặp chỗ “môn đăng hộ đối” với những ông anh rể quanh năm ngày tháng chỉ biết cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” cho nên lam lũ vẫn là phần số “chạy trời không khỏi nắng” của các chị. Vậy mà thân cò lặn lội bờ ao, các chị tôi bà nào cũng nuôi sống được một ông chồng với cả chục đứa con. Riêng một bà chị “ở vậy” thì tôi chẳng biết dùng lời nào để tán dương: bà là người duy nhứt thay mặt cho mọi người con  sớm hôm túc trực bên giường bệnh để chăm sóc người cha già yếu trong những năm cuối đời.
Nại đến hoàn cảnh túng thiếu, cha mẹ tôi đành để cho các chị tôi thất học. Nhưng không hiểu sao ông bà lại tìm đủ mọi cách để mấy thằng con trai có cơ hội ngước mặt nhìn đời và mang về cho gia đình chút danh dự. Phải thành thật khai báo rằng cha mẹ tôi quá cưng chìu con trai. Suốt ngày anh em con trai chúng tôi chỉ biết “ăn học” và lêu lổng. Đã vậy, hễ có của ngon vật lạ thì trước là dành cho cha tôi, rồi sau đến mấy thằng con trai, chứ chẳng bao giờ có thừa cho các bà chị. Mọi việc trong nhà đã có mẹ và các bà chị lo. Bây giờ nhìn lại, tôi mới nhận ra quá trễ rằng nếu không có những thiệt thòi và hy sinh của các bà chị, anh  em trai chúng tôi khó mà ăn học cho đến nơi đến chốn và nhứt là nên người.
Tôi không trách cha mẹ tôi đã có sự “phân biệt đối xử” như thế với con cái. Cách đây 6,7 chục năm, một phần vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng có lẽ vì thấm nhuần những “chân lý nghìn đời” của Khổng giáo, cho nên cha mẹ tôi vẫn xem những câu nói của các bậc “thánh hiền” bên Tàu như “thập nữ viết vô” hoặc “nữ nhi ngoại tộc” là khuôn vàng thước ngọc.
Cứ tưởng những người nghèo khổ thất học ở cái thời “chưa khai hóa” như cha mẹ tôi mới có thái độ phân biệt giới tính và khinh thị nữ nhi. Ngày nay, cách cha mẹ tôi đến hơn nửa thế kỷ, ở cái đất Trung Hoa vĩ đại của Đức Khổng Tử, chính sách mỗi gia đình một đứa con đã khiến cho mạng sống của nữ nhi bị rẻ rúng khinh miệt và sát hại đã đành, mà ngay tại Việt nam vẫn tồn tại quan niệm trọng nam khinh nữ khiến dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội và không biết bao nhiêu thảm cảnh gia đình.
Trong những ngày này, cả thế giới đều theo dõi tình trạng sức khỏe của cô bé gái người Pakistan tên là Malala Yousafzai. Cô nữ sinh 14 tuổi sinh sống trong vùng Swat Valley này đã dám thách thức một trong những cổ tục hủ lậu của Phong Trào Hồi Giáo quá khích Taliban là ngăn cấm nữ giới được cắp sách đến trường. Trên Blog riêng của mình, Yousafzai đã mở chiến dịch chống lại tệ trạng này và kết quả là em đã bị một nhóm Taliban tìm cách ám sát. Vết thương nơi đầu em quá nặng khiến phải di chuyển em sang Bệnh viện hoàng gia Elizabeth bên Anh Quốc để chữa trị. Sự can đảm của em Yousafzai đã giúp thế giới ý thức về thảm trạng mà nữ giới tại rất nhiều nơi trên thế giới đang trải qua. Không được “ăn học” vì nghèo khổ là chuyện còn có thể hiểu được. Đàng này, chỉ vì xem nữ giới là “hạ cấp” so với nam giới, cho nên giam hãm họ trong sự ngu dốt là điều không thể chấp nhận được trong thế giới văn minh ngày nay. Song song với chủ trương “ngu dân” đối với nữ giới ấy, nhiều nơi còn nhân danh tôn giáo và truyền thống để chà đạp phẩm giá của nữ giới. Từ chuyện bị cưỡng bách kết hôn, bị sát hại vì danh dự gia đình, bị cắt âm vật cho đến chuyện ra đường phải có một người đàn ông trong gia đình tháp tùng hoặc không được lái xe hay đi xe đạp...tại nhiều nơi trên thế giới, nữ giới vẫn còn bị đối xử có khi còn thua cả thú vật ở các nước văn minh.
Ở những nơi chưa được “khai hóa”, nặng tôn giáo quá khích hay truyền thống cổ hủ, thân phận người phụ nữ rẻ như bọt bèo là chuyện xem ra còn có thể dung thứ được. Nhưng ở những nước văn minh, ngay cả khi “nam nữ bình quyền” được ra rả tuyên xưng, khi những quyền căn bản của người phụ nữ được nhìn nhận và điều được gọi là cuộc cách mạng tình dục đã “giải phóng” người phụ nữ khỏi kiếp nô lệ trong chốn phòng the, nữ giới vẫn chưa thoát khỏi hẳn cái vòng kim cô do nam giới áp đặt. Mới đây chính trường Úc đại lợi đã nóng lên vì cuộc tranh cãi về phái tính. Bỏ qua một bên cái “ý đồ” của thủ tướng Julia Gillard khi tấn công vào lãnh tụ đối lập Tony Abbott, người mà bà cho là một tên kỳ thị giới tính và miệt thị đàn bà, bài diễn văn tại Hạ viện Liên bang của bà hôm thứ Ba 9 tháng 10 vừa qua đã được các phong trào và tổ chức tranh đấu cho nữ quyền trên khắp thế giới nhiệt liệt hoan hô. Chuyện ông Tony Abbott có kỳ thị giới tính và miệt thị đàn bà hay không hẳn là chuyện dài nhiều tập trên chính trường Úc. Nhưng bài diễn văn của bà Gillard chắc chắn đã gợi lên rất nhiều thảm cảnh mà phụ nữ ngày nay vẫn còn phải gánh chịu chỉ vì thân phận phụ nữ của mình. Không nói đến chuyện bạo hành trong gia đình, bị kỳ thị trong sở làm hay chuyện buôn người và nô lệ tình dục, nhân loại ngày nay có lẽ vẫn chưa đủ “trưởng thành” để thoát khỏi cái nhìn “sự vật hóa” đối với người phụ nữ. Tựu trung, trong ánh mắt của nhiều người, phụ nữ vẫn còn là một thứ để chinh phục, sở hữu và hưởng thụ. Tại sao người ta không đặt vấn đề “trinh tiết” của đàn ông, mà lại cứ đòi hỏi điều đó nơi đàn bà? Chẳng qua là vì nhiều người xem phụ nữ như một sản phẩm để mua. Mà mua thì dĩ nhiên ai cũng muốn mua đồ mới!
Cách đây gần 50 năm, nhà văn Lâm Ngữ Đường, dưới cái nhìn của một người Phương Đông (mặc dù chẳng có nơi nào phụ nữ bị miệt thị cho bằng trong văn hóa Trung Hoa), đã nói đến chuyện khai thác thân thể phụ nữ tại Tây Phương, nhứt là tại Hoa kỳ. Ông viết: “Các nghệ sĩ gọi đó là cái đẹp. Khán giả gọi đó là nghệ thuật. Chỉ có những nhà dàn cảnh và các ông bầu hát mới ngay thẳng gọi nó là sự gợi tình của nữ tính (sex appeal) và đàn ông thường lấy vậy làm thích. Hiện tượng đó quả là hiện tượng đặc biệt của một xã hội tạo ra vì đàn ông, do đàn ông chỉ huy, một xã hội trong đó đàn bà khỏa thân bị đem trưng ra trước công chúng vì mục đích thương mại, còn đàn ông thì gần như không khi nào bị như vậy, trừ vài anh mãi võ. Đàn bà ở trên sân khấu thì hở hang, gần như khỏa thân, còn đàn ông ngồi dưới ngó lên thì ăn bận đàng hoàng, đeo cà vạt nữa. Nếu xã hội do đàn bà chỉ huy thì tình trạng có đảo ngược không nhỉ” (Lâm Ngữ Đường, Một quan niệm về Sống Đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê, trg 159-160).
Tôi vẫn bị cám dỗ để tưởng tượng ra một thế giới ở khởi đầu do đàn bà lãnh đạo. Trong trường hợp này thì có lẽ Kinh Thánh của Do thái giáo và Kitô giáo sẽ được viết “khác” đi. Biết đâu Đức Chúa Trời không là Cha mà là Mẹ. Biết đâu trong 10 Giới Luật, sẽ có giới luật “Ngươi không được thèm muốn “chồng” người ta chứ không phải là “vợ” người ta!
Tưởng tượng cho vui thôi. Lịch sử là điều không thể thay đổi. Lịch sử ấy nói với tôi rằng nhân loại luôn trong tiến trình đi lên: lên từ xã hội do đàn ông độc quyền chỉ huy sang xã hội “nam nữ bình quyền”, lên từ xã hội được điều khiển bởi sức mạnh của cơ bắp sang xã hội được điều khiển bằng lý trí, lên từ xã hội xây dựng trên lò thuốc súng sang xã hội của tình người...
Tôi luôn lạc quan về lịch sử đi lên của xã hội loài người. Cách đây gần 30 năm, thế giới đã chứng kiến cuộc cách mạng thường được mệnh danh là “Sức mạnh quần chúng” (People’s Power) tại Phi luật tân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đã diễn ra một cuộc đảo chánh mà không có tiếng súng, không có cảnh máu đổ thịt rơi.  Không một võ khí hay một tấc sắt trong tay, người dân quốc gia hải đảo này đã xuống đường và lật đổ được nhà độc tài Ferdinand Marcos.  Kế đó, một cuộc cách mạng như thế cũng đã diễn ra tại Haiti và buộc một nhà độc tài khác phải ra đi. Nhưng có lẽ ngoạn mục hơn cả vẫn là cuộc cách mạng “êm như nhung” tại Tiệp Khắc và đồng loạt các cuộc cách mạng tương tự tại khắp Đông Âu để khai tử các chế độ độc tài cộng sản hồi năm 1989. Gần đây hơn, cuộc cách mạng được mệnh danh là “Hoa lài” tại Tunisia đã khai mở một “Mùa Xuân” đầy hy vọng cho Trung Đông và các nước Á rập. Đã đến lúc thế giới thấy rằng một chế độ cai trị có thể thay đổi mà không buộc phải dùng đến bạo động và võ khí giết người.
Nhiều người đã có lý khi gọi kỷ nguyên mới là kỷ nguyên của “Sức mạnh mềm” (soft power). Sức mạnh mềm ấy đã được thể hiện qua sự phát triển và xử dụng rộng rãi hệ thống thông tin toàn cầu. Trước kia, với nhà tù, trại tập trung, hàng rào kẽm gai, dùi cui, báng súng...các chế độ độc tài đã có thể bưng bít thông tin và kìm kẹp người dân trong sợ hãi. Nay với “Sức mạnh mềm” này, không có lý do gì để không tin rằng chẳng có sự đe dọa nào còn có thể làm cho người dân lùi bước trước bạo lực nữa. Nói theo ngôn ngữ của ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, đã đến thời mà ông gọi là “kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng”. Trẻ thơ là biểu tượng của chính “Sức mạnh mềm” ấy. Chỉ có sức mạnh của Hồn nhiên và Trong trắng của Trẻ thơ mới có thể chiến thắng được Gian Dối. Chỉ có sức mạnh của Hòa Bình nơi Trẻ thơ mới có thể hóa giải được Hận Thù và Bạo Lực.
Một cách nào đó, lịch sử nhân loại cũng sẽ “đi lên” không chỉ vì sự bình đẳng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được nhìn nhận, không chỉ vì người phụ nữ có thể đảm nhận rất nhiều  vai trò vốn từ trước đến nay chỉ dành riêng cho nam giới. Lịch sử nhân loại “đi lên” là khi “Sức mạnh mềm” mà người phụ nữ là một biểu tượng sẽ chi phối mọi sinh hoạt của con người. Đó là lúc tình người, tinh thần phục vụ, lòng quảng đại, sự nhẫn nhục, từ tâm, quên mình, hy sinh...trở thành những nguyên tắc hướng dẫn các quan hệ giữa người với người.

Được sống và “mở” mắt ra trong xã hội đầy tự do dân chủ, những khi nhớ các bà chị tuổi già sức yếu chưa một ngày biết thế nào là xã hội với những từ rất kêu như văn mình, bình đẳng...tôi thường tự hỏi, giữa tôi và các chị tôi, ai nên người hơn ai. Chắc chắn không phải tôi!