Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng



          
                                                                                Chu Thập,
Mùa Chay 2010


Là người Công giáo, mỗi lần tham dự thánh lễ, tôi thường cùng với những người đồng đạo đấm ngực và công khai xưng thú “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Phải thú nhận là nhiều lúc tôi làm động tác này như một cái máy. Đôi khi tôi cười thầm và nghĩ đến mấy con khỉ cũng biết nổi hứng “đấm ngực” ào ào hay như ai đó  “vỗ ngực”  để bày tỏ sự tự hào của mình.
Công khai thú nhận tội lỗi xem ra không phải là chuyện bình thường của con người. Tôi nhớ năm lên lớp ba trường làng, sau hai tuần lễ trốn học, tôi bị bà xơ giáo viên bắt ra trình diện trước lớp học và công khai nói lời “xin lỗi” với mọi người. Tôi uất ức lắm. Tại sao tôi lại phải “xin lỗi” mọi người? Trốn học là chuyện riêng của tôi, tại sao lại bắt tôi phải đi xin lỗi người khác?
Trong gia đình, cha mẹ tôi cũng cố gắng dạy tôi những điều căn bản của phép lịch sự như chào hỏi, thưa kính, cám ơn người lớn. Trẻ con Tây Phương tiếp thu một cách rất tự nhiên những công thức như “xin vui lòng, xin lỗi, cám ơn”. Từ lâu, những công thức đó đã trở thành câu nói đầu môi của mọi người Tây Phương. Trong khi đó nhiều người Việt hải ngoại sau một lần về thăm quê hương đều nhận xét rằng ngày nay, những công thức ấy đã hoàn toàn bị xóa bỏ trong xã hội Việt nam.
Lúc nhỏ, tôi có thể khoanh tay, cúi đầu trước người lớn. Nhưng tuyệt nhiên, hai tiếng “xin lỗi” dường như khó chui vào tự điển hay bộ nhớ của tôi.
Phải nói, với tôi, bài học đầu tiên về xin lỗi và nhứt là công khai xin lỗi chỉ có trong Đạo của tôi. Nhưng dĩ nhiên, đó cũng là một điều xem ra đi ngược lại với bản tính ngổ ngáo của tôi. Mỗi lần đi lễ, nếu các “cảnh sát tôn giáo” là các bà xơ và mấy “ông trùm” trong ban hành giáo lơ là một chút là lũ trẻ chúng tôi đấm ngực loạn xà ngầu: thay vì đấm ngực mình, chúng tôi quay sang đấm ngực thằng bên cạnh. Nghi thức lẽ ra phải trang nghiêm, lại trở thành trò chơi của chúng tôi.
Nghĩ lại cái thời thơ dại ấy, tôi thấy “xin lỗi” và nhứt là công khai xin lỗi, nghĩa là nhìn nhận lỗi lầm của mình, xem ra không phải là điều tự nhiên đối với con người.
Ngay từ chương đầu tiên trong cuốn sách nổi tiếng “Đắc nhân tâm”,  ông Dale Carnegie đã kể lại trường hợp của một tên cướp khét tiếng tại thành phố New York tên là Crowley vào thập niên 30. Cảnh sát trưởng tại thành phố này tuyên bố rằng Crowley là một tội phạm nguy hiểm nhứt. Hắn muốn giết ai là giết, không vì một lý do nào cả. Nhưng sau khi bị bắt và bị kết án tử hình, Crowley đã viết thư để lại với những lời lẽ như sau: “Dưới lớp áo này, trái tim ta đập, chán ngán nhưng thương người và không muốn làm hại một người nào”. Không làm hại ai cả, vậy mà trước đó vài ngày, khi một viên cảnh sát tiến lại gần để hỏi bằng lái xe, Crowley đã nã một loạt đạn, bắn gục viên cảnh sát tức khắc. Trước khi lên ngồi ghế điện, Crowley còn than: “Tôi chỉ tự vệ mà người ta xử tôi như vậy đó”.
Tác giả cũng kể đến một trường hợp khác cho thấy rằng nhìn nhận tội lỗi của mình không phải là chuyện bình thường. Đó là trường hợp Al Capone, lãnh tụ Mafia khét tiếng tại thành phố Chicago. Bị bắt, lãnh tụ tội phạm này cũng tuyên bố: “Ta đã dùng những năm tươi đẹp nhứt trong đời để mua vui cho thiên hạ, vậy mà phần thưởng chỉ là bị chửi bới và bị săn bắt như một con thú dữ”. Theo ông Lawes, người đã từng làm giám đốc nhà tù nổi tiếng Sing Sing tại Hoa kỳ, các tội phạm nói rằng họ cũng là những người bình thường như mọi người. Họ có đủ lý do để biện minh tại sao họ cạy tủ sắt hay bóp cò súng giết người. Họ nói rằng giam giữ họ là một điều bất công. (Dale Carnegie, Đắc nhân tâm, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)
Trong những ngày vừa qua, theo dõi phiên xử ông Karadzic, một người đã từng phạm tội ác chống lại nhân loại trong cuộc chiến tại Cựu Nam Tư hồi thập niên 90, tôi cũng nhận thấy một hiện tượng tương tự. Trước tòa án quốc tế, ông Karadzic vẫn khăng khăng nói rằng ông không hề phạm tội diệt chủng, mà chỉ mở ra một cuộc thánh chiến chống lại những người Hồi giáo tại Bosnia Herzegovina mà thôi.Trước ông, tại tòa án quốc tế, lãnh tụ Mlobodan Milosevic cũng có một thái độ tương tự, nghĩa là hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm của mình trong vụ diệt chủng tại Kosovo.
Trong vụ án diệt chủng tại Cambodia cũng thế, ngoại trừ ông Kaing Guek Eav, bí danh “Duch”, giám đốc nhà tù khét tiếng Tuol Sleng, sau khi trở lại Kitô giáo, đã hoàn toàn nhìn nhận trách nhiệm trong việc tra tấn và sát hại đồng bào ruột thịt của mình, những tay đầu sỏ trong tập đoàn Khmer Đỏ dưới quyền lãnh đạo của Pol Pot đều tuyên bố rằng họ không hề chủ mưu trong cuộc sát tế 1 triệu 7 trăm ngàn đồng bào của mình trong những “cánh đồng giết người”.
Thật ra cũng không trách được mấy ông Cộng sản Khmer Đỏ. Cho tới nay, đã có một đảng Cộng sản nào trên thế giới này lên tiếng “xin lỗi” vì đã sát tế trên 100 triệu đồng bào cốt nhục của mình trên “thiên đàng cộng sản” đâu. Mới đây, tác giả Nguyễn Hưng Quốc, trong bài viết có tựa đề “Đảng Cộng sản Việt nam còn nợ đất nước một lời xin lỗi”, đã nhắc lại “vô số sai lầm” của Đảng cộng sản. “Nhiều sai lầm đã trở thành tội ác”, vậy mà những người cộng sản Việt nam chưa một lần mở miệng “xin lỗi”. Theo tác giả, “trước hết phải kể đến tội giết chết hàng chục ngàn người và đày đọa hàng trăm ngàn người khác một cách thảm khốc và oan ức trong vụ cải cách ruộng đất trong nửa đầu thập niên 1950. Sau đó là tội trấn áp văn nghệ và trí thức trong vụ Nhân văn Giai Phẩm trong nửa sau thập niên 1950. Rồi đến tội tước đoạt tài  sản của dân chúng Miền Nam trong cái gọi là chiến dịch đánh tư sản mại bản, bắt bở cả hàng trăm ngàn cựu quân nhân và công chức Miền Nam đày vào các trại học tập cải tạo có khi kéo dài cả chục năm, ban bố các chính sách bao cấp độc đoán làm kiệt quệ nền kinh tế vốn đã què quặt sau chiến tranh. Cuối cùng, như là hậu quả của tất cả các tội ác vừa kể, Đảng cộng sản đã đẩy hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, trong đó có cả hàng trăm ngàn người phải bỏ xác trên đường vượt biển” (Nguyễn Hưng Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam còn Nợ Đất Nước một Lời Xin Lỗi]
Tác giả Nguyễn Hưng Quốc không nhắc đến, nhưng đáng tội hơn cả phải kể đến cuộc chiến phi nhân, vô nhân đạo mà Đảng cộng sản Việt nam đã gây ra khiến cho trên cả triệu người Việt nam của cả hai miền Nam Bắc phải thiệt mạng. Dã man nhứt hẳn phải là cuộc thảm sát trên 5 ngàn người tại Huế trong biến cố Mậu Thân năm 1968.
Chính vì  Đảng cộng sản Việt nam không biết nhìn nhận sai lầm của mình và thiếu một lời “xin lỗi” cho nên đất nước vẫn cứ trì trệ lạc hậu. Đây là điều mà một vị giám mục Việt nam mới đây muốn ám chỉ tới. Trong một thánh lễ tại nhà thờ Thái Hà, Hà nội hồi đầu tháng 3 vừa qua, nhân nói đến giá trị và ý nghĩa của hành động sám hối trong Kitô giáo, Đức cha Nguyễn Chí Linh, giám mục Thanh Hóa,  phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam đã tuyên bố : “Một chế độ chính trị không biết nhìn nhận sai lầm của mình thì không thể đưa đất nước lên bước thăng tiến cao hơn” (x. Nguyễn Hữu Vinh, Vietcatholic  2/3/10)
Nhìn đến đất nước người ta mà thấy thèm. Chẳng hạn tại Úc đại lợi, ngày 13 tháng 2 năm 2008, vừa nhận chức không bao lâu, thủ tướng Kevin Rudd đã đại diện chính phủ công khai xin lỗi các thổ dân Úc về những chính sách sai lầm của quốc gia trong quá khứ như cách ly trẻ em thổ dân khỏi gia đình bằng cách bắt các em ở riêng hoặc làm con nuôi trong các gia đình người da trắng. Tác giả Nguyễn Hưng Quốc viết: “Nghe lời xin lỗi ấy, nhiều người thổ dân và không phải thổ dân, ràn rụa nước mắt vì mừng.Với thổ dân, nỗi đau nhiều thế hệ của họ được khuây khỏa; với người da trắng, sự xấu hổ âm thầm được lắng dịu.” (bài đã dẫn)
Cảm động không kém là lời xin lỗi mới đây của thủ tướng Anh, ông Gordon Brown, đối với các trẻ em mồ côi hay từ những gia đình đổ vỡ mà cách đây 50 năm, chính phủ Anh đã bắt đưa sang Úc đại lợi hay Tân Tây Lan.
Riêng tôi, tôi thật sự xúc động trước lời xin lỗi cũng mới đây của Tiger Woods, danh thủ đánh Golf số một thế giới. Từ trước đến nay, ai cũng nhìn anh như một thần tượng về  tài ba lẫn đức độ.Thế rồi, nhân một tai nạn giao thông, người ta mới thấy anh hiện nguyên hình một con người “trăng hoa” phản bội vợ con. Thật ra trong giới chính trị, điện ảnh, thể thao, những chuyện như thế chẳng có gì đáng làm cho chúng ta ngạc nhiên. Đáng ngạc nhiên chăng là trong số rất ít những người tài danh và quyền thế, Tiger Woods đã công khai lên tiếng xin lỗi vì hành động “ngoại tình” của anh.
Dưới mắt tôi, danh thủ này bỗng sáng giá hơn bất cứ lúc nào. Tôi tin rằng một lời xin lỗi không làm cho con người thua thiệt mất mát mà trái lại chỉ gia tăng sự tôn trọng nơi người khác mà thôi. Nghe nói cựu tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton đã liên lạc với Tiger Woods để nâng đỡ tinh thần anh. Là người “đồng hội, đồng thuyền”, hơn ai hết, ông Clinton cảm thông với anh trước những thử thách mà anh đang trải qua. Hồi thập niên 90, tôi cũng đã có lần ngưỡng mộ ông Clinton như thế. Tôi ngưỡng mộ ông không phải vì tài năng “kinh bang tế thế” của ông, mà vì sau khi phải ra trước công chúng để bị công khai “hạch hỏi” về những hành vi thầm kín nhứt của ông, cuối cùng ông đã công khai lên tiếng xin lỗi vì mối quan hệ bất chính của ông với cô Monica Lewinski.
Tôi cũng đã có lần thán phục cử chỉ “xin lỗi” của các cựu tổng thống Nam Hàn dưới thời quân phiệt. Chẳng gì cảm động bằng sau hai tiếng xin lỗi, họ đã xin vào chùa để sám hối trong những ngày cuối đời.
Và dĩ nhiên, những câu nói “tôi đã sai lầm” của những Nguyễn Hộ, Nguyễn văn Trấn hay mới đây của người tự xưng là “Thằng Hèn” Tô Hải, không thể không gợi lên trong tôi cảm xúc trân trọng và quý mến.
Với tư cách là một người Công giáo, tôi lại càng cảm thấy hãnh diện và phấn khởi hơn khi hồi năm 2000, Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II đã đại diện toàn thể Giáo hội Công giáo lên tiếng xin lỗi vì những lỗi phạm của người Công giáo trong suốt dòng lịch sử của Giáo hội. Tôi cũng rất sung sướng khi đó đây có một Hội đồng Giám mục Công giáo nào đó đã lên tiếng xin lỗi vì đã “im lặng” dưới một chế độ độc tài.
Thái độ khiêm tốn của các nhà lãnh đạo tinh thần trên khiến tôi mạnh dạn và thành tâm hơn mỗi khi nhận lỗi và xin lỗi. Tôi thấy mình có “giá trị” hơn vì:
“Thú vật có thể có cảm giác vui mừng, như khi một con chó được chủ cho một cục xương.
Thú vật có thể có cảm giác buồn bã, như khi một con chó bị nhốt suốt ngày trong chuồng.
Thú vật có thể có cảm giác đau đớn, như khi một con chó bị đánh.
Thú vật có thể có cảm giác sợ sệt, như khi một con chó nhìn thấy cây roi thường đánh nó.
Thú vật có thể có “cảm giác yêu thương”, như khi những con chó “âu yếm” liếm mặt chủ nhân.
Nhưng loài thú không bao giờ có cảm giác tội lỗi như một con người được.
Bởi chỉ có con người mới nhận thức được lẽ phải điều sai” (Tân Châu, Cảm giác Tội lỗi, trên trang mạng Báo Tổ Quốc 28/2/10)
Khi đấm ngực xưng thú “lỗi tại tôi mọi đàng” tôi thực sự cảm nghiệm giá trị của một “Con Người”. Bởi, giá trị của một con người không chỉ nằm ở những thành tựu hay nhân đức của người đó mà còn hiện diện đầy đủ trong thái độ nhận thức được những sai sót của mình. Và với tôi, ước vọng suốt đời của tôi cũng không cao xa hơn là làm sao mỗi ngày được sống cho ra Người hơn.



Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

“Làm người có dại mới nên khôn”



Chu Thập
20.3.15
Nhìn gương mặt của cậu thiếu niên “Úc rặc” tên là Jake Bilardi vừa mới ôm bom tự sát tại Iraq để trở thành “t đạo” và lên thiên đàng của Đấng Allah của người Hồi giáo, tôi thấy thương hại hơn là oán ghét. Tôi thấy Jake chẳng có bất cứ nét bậm trợn hay hung tợn nào của những tên thánh chiến mặt mày râu ria của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” và ngay cả cậu có thề thốt sẽ sát hại chính người đồng bào ruột thịt Úc của mình đi nữa, tôi vẫn nhận ra những nét ngây thơ, dễ thương trên gương mặt của cậu. Với tôi,  Jake là một nạn nhân đáng thương hơn là một tên gian ác đáng nguyền rủa. Nếu người mẹ của cậu không qua đời vì bệnh ung thư năm 2012, nếu cậu được người cha yêu thương chăm sóc và nhứt là nếu cậu đã không “giác ngộ” và cải đạo sang Hồi giáo để rồi bị lừa vào con đường khủng bố, thì biết đâu người thiếu niên đã từng theo học tại một trường dành cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt ở Melbourne lại chẳng trở thành một khoa học gia, một nhà bác học tài ba. Bồng bột, dại khờ để bị dụ dỗ và lừa vào con đường tội ác: đó là tất cả những gì mà sự thông cảm đã gợi lên trong tôi mỗi khi nhìn vào gương mặt non dại của Jake Bilardi.
Đọc lại cuộc hành trình đi vào con đường tội ác như được Jake ghi lại và chia sẻ trên các trang mạng xã hội, tôi không thể không liên tưởng đến các anh “bộ đội cụ Hồ”, mà nhiều người đã gọi một cách rất chính xác là “cán ngố”. Đa số cũng có bộ mặt non choẹt và trông cũng “ngố” chẳng thua gì cậu thiếu niên “thánh chiến” Jake Bilardi. Những khuôn mặt dại khờ đó cũng bị lừa bịp, dụ dỗ để thề nguyền “sinh Bắc tử Nam”, quyết chí “xẻ dọc Trường Sơn” để vào giải phóng Miền Nam và xây dựng một thứ thiên đàng chẳng bao giờ có. Lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt những anh “cán ngố” ấy ngơ ngác tiến vào thành phố biển Nha Trang của tôi ngày 2 tháng 4 năm 1975, tôi thấy thương hại hơn là thù ghét. Họ cũng chỉ là nạn nhân. Họ cũng chỉ là những người ngu ngơ, khờ dại bị cho ăn bánh vẽ hay tệ hơn, nói theo kiểu nói quen thuộc của người dân quê của tôi, là những đứa trẻ khờ khạo bị ai đó gạt “cho ăn cứt gà sáp”.
Mà đâu chỉ có đám thiếu niên và thanh niên nghèo đói, thất học và khờ khạo ấy bị lừa bịp.  Dạo tháng 8 năm 1947, bị truất phế và phải lưu vong sang HongKong, gặp lại thủ tướng Trần Trọng Kim, lời đầu tiên mà cựu hoàng Bảo Đại đã thốt lên với ông là: “Chúng mình già trẻ đều mắc lừa bọn du côn”. Từ ông vua, ông thủ tướng đầu tiên, cho đến hàng hàng lớp lớp những nhà trí thức Việt Nam đều bị Hồ Chí Minh và bọn côn đồ cộng sản lừa bịp. Có kịp thức tỉnh  như triết gia Trần Đức Thảo hay luật sư Nguyễn Mạnh Tường thì cũng đã muộn. Phần đông những nhà trí thức khác từ năm 1945 đến nay, dù có biết mình đã ngu dại để bị lũ côn đồ lừa bịp, lại vẫn tiếp tục cúc cung phục vụ cái chế độ côn đồ ấy. Một vài tên đầu sỏ như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng...làm sao có đủ năm đầu sáu tay để vừa lừa bịp vừa đàn áp, nếu không có những nhà trí thức “quyết tâm ngu” để họ sai khiến và sử dụng.
“Quyết tâm ngu” không phải là cụm từ do tôi sáng chế. Đây là kiểu nói tôi học được qua một bài chia sẻ mới đây của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ngoài Bắc. Ông Nghĩa kể lại rằng từ nhiều năm nay, vợ chồng ông sống được là nhờ “công ơn của Đảng”. Ông giải thích: “Đảng cộng sản, như chúng ta đã biết, chẳng làm được cái tích sự gì cho dân, cho nước, nhưng đảng lại tạo ra nhiều việc làm cho những ai làm nghề photocopy như tôi”. Theo ông, có khoảng 70 phần trăm tài liệu người ta mang đến thuê ông đánh máy, phô tô đều là tài liệu của đảng, nói về đảng hoặc dính líu đến đảng. Ví dụ, “các văn bản tổng kết hoạt động của chi bộ, đảng bộ v.v...6 tháng đầu năm, cuối năm, cả năm, các nghị quyết, các đợt phát động thi đua, như học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; các cuộc thi tìm hiểu lịch sử đảng, công ơn đảng, rồi các diễn văn chào mừng, kỷ niệm  ngày 30 tháng 4, ngày 3/2/ ngày 2/9, ngày 19/5. Ngoài ra, học sinh làm bài luận văn “Nói không với ma túy” cũng “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sinh viên cao đẳng du lịch làm luận án tốt nghiệp bao giờ cũng chép lại của nhau câu mở đầu: “Dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng, ngành công nghiệp không khói nước ta đã...”
Ông Nghĩa cho biết: “Khi đã in ra một bản bằng máy in, còn phải phô tô ra hàng chục bản để chỉ thị, chủ trương chính sách của đảng cấp cao và đảng địa phương đi xuống tận quần chúng, cơ sở, để quán triệt, thực hiện đến từng câu, từng chữ...”
Ai cũng trở thành những con vẹt hết. Có người khi đến phô tô còn giở giọng ta thán về nạn tham nhũng, cửa quyền, về đường lối, chính sách sai lầm. Có người còn hăng tiết nói về tội ác của đảng cộng sản nữa. Nhưng nếu được hỏi: tại sao biết thế mà vẫn tiếp tục sinh hoạt đảng, viết sách hoặc ngay cả làm thơ ca ngợi đảng, anh nào cũng nhún vai: “Anh nói lạ thế! Tôi là đảng viên mà”.
Họ giải thích với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa rằng chỗ riêng tư tâm sự với ông thì khác, còn “nói trước hội nghị đảng, hội nghị ủy ban mặt trận tổ quốc .v.v...tức là trước cái bọn “quyết tâm ngu” thì mình không nói khôn được”.
Nhưng kể từ ngày có người đã “tiết lộ” thái độ “quyết tâm ngu” của lũ lu la của chế độ côn đồ với ông Nghĩa thì các ông bí thư chi bộ đảng, ông bí thư đảng ủy, bà hiệu trưởng các trường học trong vùng, bên công an...đều có chỉ thị cho cấp dưới, cho học sinh, sinh viên cách đối xử với cửa hàng photocopy của “tay Nghĩa phản động”. Khách hàng ngày càng ít, gia đình ông bị bao vây kinh tế.
Có lần ông Nghĩa tâm sự với một ông cán bộ về thu nhập ngày càng sút giảm của mình. Ông này tỉnh bơ nói: “Con tôi thi đỗ vào trường an ninh rồi ông Nghĩa ơi. Vì tương lai của con tôi, tôi vẫn phải “quyết tâm ngu”. Có lẽ ông cán bộ cộng sản này cũng đại diện cho cả một tầng lớp những nhà giàu mới, phất lên nhờ biết bám vào cái thây chết của chủ nghĩa cộng sản hoặc đám người đang phè phn hưởng thụ để nhắm mắt làm ngơ trước bao nhiêu bất công và đau khổ mà chế độ côn đồ đã gây ra cho dân chúng.
Đọc bài “Quyết Tâm Ngu” của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trên đây, tôi thấy xót xa và ngao ngán cho tương lai của Việt Nam. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đúng 40 năm ngày những người cộng sản “cướp chính quyền” và thiết lập chế độ côn đồ. Trước đây, cứ mỗi một lần tưởng niệm 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm mất nước, tôi cứ tự an ủi rằng chế độ cộng sản sắp sụp đổ đến nơi rồi. Nhưng lần này, kỷ niệm 40 năm, tôi thấy như mình “khôn” ra để tỏ ra dè dặt hơn trong niềm hy vọng của mình. Cám ơn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bây giờ tôi mới ngộ ra rằng đâu phải cái thời cộng sản mới cướp chính quyền ở Miền Bắc năm 1945 mới có những nhà trí thức “quyết tâm ngu” để ăn bánh vẽ và vẽ bánh cho người dân ngu ăn. Sau đúng 70 năm ở Miền Bắc và sau đúng 40 năm ở Miền Nam, dòng giống của những kẻ “quyết tâm ngu” ngày càng sinh sản nhiều và cái chế độ cộng sản côn đồ cứ vẫn tồn tại.
Cũng may cho tôi, nhờ sớm thoát khỏi chế độ côn đồ ấy cho nên tôi chưa đến nỗi phải “quyết tâm ngu”. Ngu và khờ dại trong tiến trình học làm người như tôi thì chẳng bao giờ hết. Còn sống là còn học làm người và còn học làm người là còn ngu và khờ dại. Cứ đi được một đoạn đường, nhìn lại tôi thấy mình đã không biết bao nhiêu lần ngu. Ngu trong lời ăn tiếng nói. Ngu trong những quyết định nông nổi. Ngu trong cách đối nhân xử thế. Có lúc nhìn lại, tôi thấy xấu hổ và chỉ muốn độn thổ cho rồi.
Thật ra, ở đời, biết được mình “ngu” không phải là điều mà ai cũng muốn biết. Tôi thích câu chuyện về “ba kẻ đại khôn và đại ngu” do ai đó đã sưu tầm và kể lại. Một ông vua nọ bỗng nổi hứng sai quan tể tướng đi tìm cho bằng được ba người được xem là đại khôn trong nước. Ông tể tướng đi vài ngày ra chợ và tìm được một người đàn ông đói rách, nhưng luôn tự cho mình là kẻ sĩ. Ông đưa kẻ ăn mặc rách rưới ra trình diện trước mặt vua và khẳng định rằng đây là một người đại khôn, vì chuyện gì anh ta cũng có thể giải đáp rành mạch. Nhà vua đã thử tài và công nhận kẻ ăn mặc rách rưới là một đại khôn.
Nhà vua sai tể tướng cho trình diện người đại khôn thứ hai. Quan tể tướng liền cúi đầu thưa: Thưa, chính là thần đây ạ. Thấy nhà vua còn ngỡ ngàng chưa kịp hỏi tiếp, quan tể tướng liền giải thích: nếu thần không phải là bậc đại khôn thì làm sao có thể nhận ra kẻ ăn mặc rách rưới kia là bậc đại khôn. Nhà vua gật đầu đồng ý.
Đến khi phải cho trình diện người đại khôn thứ ba, quan tể tướng liền lễ phép tâu: Thưa, người đó chính là Bệ Hạ ạ! Lại một phen nữa, nhà vua ngạc nhiên đến độ muốn bật ra khỏi ngai vàng. Quan tể tướng liền giải thích:  Bệ hại phải là bậc đại khôn mới có thể biết thần xứng đáng mà giao trọng trách tể tướng ạ!
Một thời gian sau, nhà vua lại sai quan tể tướng đi tìm cho bằng được ba người đại ngu. Lần này cũng thế, sau vài ngày đi rảo ngoài chợ, quan tể tướng lại cũng rước người đàn ông đói rách hôm trước vào triều đình và giới thiệu như là tên đại ngu thứ nhứt. Ông giải thích rằng con người đói rách này lúc nào cũng tự xưng là kẻ sĩ nhưng lại cam phận đói rách nơi đầu đường xó chợ thì không  đại ngu là gì. Ông còn nói thêm: hắn ta đúng là kẻ “ngu tâm”. Khi được hỏi ai là tên đại ngu thứ hai, quan tể tướng liền cúi đầu chịu tội: thưa hạ thần chính là tên đại ngu thứ hai, bởi vì hạ thần chịu trách nhiệm về dân sinh mà không chuyên chú lo cho dân cho nên trong đất nước mới có những kẻ đói rách như thế này. Hạ thần là một kẻ ngu tài.
Đến lúc phải cho trình diện tên đại ngu thứ ba, quan tể tướng lại chỉ vào nhà vua mà nói: Bệ hạ chính là người ấy. Bệ hạ là kẻ ngu trí. Ngu tâm như kẻ đói rách đây còn có thể chữa, ngu tài như hạ thần đây cũng có thể thay thế được, nhưng ngu trí như bệ hạ thì chỉ báo hại xã tắc mất thôi.
Không rõ kết thúc câu chuyện, ông vua vừa nhận biết mình là một tên đại ngu xử trí như thế nào. Đã biết mình ngu nhưng lại “quyết tâm ngu” thì quả là hết thuốc chữa. Trái lại, ông vua sẽ là bậc đại khôn nếu ông nhìn nhận mình là một tên đại ngu.
Người xưa quả đã nói một cách chí lý: “d học d ngu”. Càng học, càng có nhiều kiến thức và hiểu biết thì mới đạt được tuyệt đỉnh của sự khôn ngoan là: biết mình ngu!
Có lẽ cụ Trần Tế Xương (1870-1907) đã ngộ được cái lẽ khôn ấy cho nên trong bài thơ có tựa đề “dại khôn”, cụ mới dạy : “Làm người có dại mới nên khôn”. Tôi hiểu ý cụ muốn nói: nhận ra cái ngu của mình để học hỏi kinh nghiệm và cố gắng vươn lên trong lẽ khôn ngoan, chớ không phải để “quyết tâm ở lại trong cái ngu”.









Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Biết Để Sống


Chu Thập
19.07.11



Ở cái khu khỉ ho cò gáy của tôi mà thỉnh thoảng cũng có tin giựt gân. Tuần trước, đang lúc chúng tôi dùng cơm “chiều” (chúng tôi trở lại cái thói quen ngày xưa ở miền quê Việt nam: ăn sớm, ngủ sớm, dậy sớm!), thì có một người đàn bà không rõ từ đâu đến đập cửa rầm rầm rồi hớt ha hớt hãi nói như ra lệnh: “Phải lo gom góp những thứ quý giá nhứt và chuẩn bị di tản, vì lửa rừng sắp ùa đến nơi rồi”. Mà quả thật, mở cửa nhìn lên núi, tôi thấy lửa đã bốc cao và nhiều người trong xóm đang đứng nhốn nháo trước nhà.
Ở gần lâm viên quốc gia, hưởng được không biết bao nhiêu cái thú mà dân thị thành khó có được: quanh năm ngày tháng lúc nào cũng nghe được tiếng chim hót; không khí không vẩn mùi khói xe; tầm nhìn phía sau nhà chẳng bao giờ bị một bóng người hay một ngôi nhà nào chận lại; và nhứt là được sự yên tĩnh: quanh năm ngày tháng hầu như không bị ô nhiễm về âm thanh. Nhưng ở đời cái gì cũng có cái giá của nó. Để có được một bầu khí tĩnh mịch, ban ngày tôi phải chấp nhận sống chung hòa bình với cái lũ gà tây rừng (bush turkey) chuyên đào bới cây cối trong vườn. Cây con nào trồng xuống mà không chặn đá chung quang cũng đều bị chúng đào tận gốc. Vườn rau xanh vừa cấy xuống mà quên đóng rào cũng bị chúng moi lên. Tối lại, giấc ngủ yên lành thỉnh thoảng bị những tiếng “thở dài” của mấy trự “Possums” phá đám. Cái giống này ngoài cái tiếng tru tréo chẳng khác nào ma trơi còn có “nhiệm vụ” càn quét hết những gì ban ngày bọn gà tây rừng còn chừa lại. Nhưng khiếp nhứt vẫn là mấy con kỳ đà và Goanna: cứ đến mùa hè thì cái loại bò sát khổng lồ này xuất hiện và tảo thanh mấy cái ổ gà ổ vịt của tôi. Nhiều bữa nghe mấy chị gà chị vịt kêu toang toác, chạy ra thấy muốn ứa nước mắt: nguyên cái ổ vịt đang ấp bị xơi tái, cả chục cái trứng gà chưa kịp lấy cũng biến mất. Đã vậy, mình đâu dám đụng vô mấy cái “ông bà trời con” được nhà nước bảo vệ còn hơn mạng người này! Gần đây, không biết chồn hay mèo rừng ở đâu lại kéo đến. Cách đây mấy hôm, cả nhà đi vắng, chiều tối về thấy đàn vịt 9 con máu me đầy mình, một con bị mang ra làm thịt ngay trước cửa chuồng. Nghĩ có đau và tức không!
Sống cảnh nhà quê Úc tưởng dễ, không ngờ phải đối mặt với đủ thứ “kẻ thù”. Nhưng nạn cháy rừng cũng khiến cho những người “nhà quê” như tôi nơm nớp lo sợ. Hàng rào phía sau nhà tôi giáp sát mé rừng. Trong vườn lại còn vài cây “gum” lớn có thể bị giông bão đốn ngã và đè sập mái nhà bất cứ lúc nào. Vậy mà mấy ông bà Hội đồng thành phố có chịu thông cảm và cho phép chặt một cách dễ dàng đâu.
Sở dĩ cái người đàn bà “lạ mặt” không rõ từ đâu đến đã làm cho cả khu xóm của tôi một phen lên ruột là vì ngày hôm đó, Cơ quan phòng cháy vùng quê cho đốt rừng trong sự kiểm soát để gọi là phòng ngừa nạn cháy rừng. Chuyện này thì năm nào cũng được lập lại vào giữa mùa đông. Năm nay, không rõ do nguyên nhân nào, một ống dẫn nước bị bể trùng hợp với việc kiểm soát ngọn lửa gặp khó khăn, cho nên lửa bốc lên cao quá và một số cây gum và dương gần khu xóm của chúng tôi bị cháy. Đây chính là lý do khiến cho cái chị “nhà báo” vô công rỗi việc tức tốc xách xe đi khắp xóm để loan báo “tin dữ”. Nhưng cũng may, sau một lúc bấn loạn vì liên tưởng  đến “Thứ  Bảy Đen” ngày 7 tháng 2 năm 2009, qua đó thần hỏa đã sát hại 173 người và thiêu rụi 2029 ngôi nhà tại tiểu bang Victoria, chúng tôi đi gặp chính các nhân viên phòng cháy và chữa lửa để hỏi cho biết hư thực. Vỡ lẽ ra là chẳng có “sự cố” nào cả. Lửa có bốc cao trong rừng cũng là chuyện thường tình mỗi khi có “controlled bush fire” mà thôi. Thế là hết một cơn hú hồn hú vía!
Đất bằng thỉnh thoảng cũng dậy sóng. Lại ngẫm nghĩ đến tác động của “tin đồn”. Nếu không kịp kiểm chứng và nếu không được “giáo dục” cách sống gần lâm viên quốc gia thì chiều hôm đó có lẽ chúng tôi đã chạy tán loạn ra đường thay vì ở nhà tránh khói, hay vì hốt hoảng lại gọi điện thoại gây bấn loạn cho người khác. Chợt liên tưởng đến chuyện của ông Tăng Sâm giết người. Chuyện này thì chắc chắn những người chuyên làm công tác “tuyên truyền”, nhứt là trong các chế độ độc tài bưng bít, hẳn phải thuộc lòng . Có người trùng tên với Tăng Sâm phạm tội giết người. Ai đó hớt hãi chạy đến báo với mẹ ông. Biết con mình hiền hậu và hiếu thảo, người mẹ không tin cứ điềm nhiên tiếp tục dệt cửi. Một lúc sau lại có người đến cũng lập lại nguyên si một mẩu tin như thế. Mẹ ông vẫn không tin. Nhưng một người thứ ba lại xuất hiện và cũng nói “Tăng Sâm giết người”. Lúc này thì người mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
Sở dĩ tin đồn thất thiệt có sức tác động khủng khiếp như thế là bởi vì nó cũng là tin giật gân. Nhà báo nào cũng thuộc lòng nguyên tắc: “Chó cắn bà già không phải là tin, nhưng bà già cắn chó mới là tin”. Chẳng hạn như mới đây, một cụ bà nào đó ở Melbourne đã cắt đầu một con chuột và tung hình lên mạng. Chuyện chỉ có thế mà cũng đã trở thành “tin” và được “tô đậm” (highlight) trên màn ảnh truyền hình!
Thích chuyện giựt gân là tâm lý thông thường của con người. Ở đâu và thời nào cũng thế thôi. Có đứa bé nào mà không thích nghe chuyện, nhứt là chuyện ma. Thỉnh thoảng lén nghe chuyện người lớn thì thế nào cũng bị mắng đồ con nít mà “hóng” chuyện người lớn”. Thật ra, có già đầu đến đâu, ai mà chẳng thích “hóng” chuyện người khác. Tôi còn nhớ, trước năm 1975, báo nào cũng có mục “từ thành đến tỉnh”. Ngày nào cũng chỉ có một loại “mẩu” tin, chỉ cần thay đổi nhân vật tên tuổi, nơi chốn, ngày tháng là thành một tin sốt dẻo và giựt gân. Vậy mà thiếu cái cột tin ấy thì tờ báo e khó sống. Mở những tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại ra để đối chiếu, tôi cũng thấy hầu như một hiện tuợng tương tự: dù có chủ trương   nghiêm chỉnh đứng đắn đến đâu, tờ báo nào cũng phải dành vài trang cho một số tin giựt gân. Còn muốn hấp dẫn hơn thì dĩ nhiên phải kèm theo vài hình ảnh “tươi mát”. Chẳng có gì phải ngạc nhiên tại sao trong chế độ cộng sản Việt nam hiện nay, Công an vốn là thứ chó ghẻ bị mọi người thù ghét, vậy mà “Công An” hay “Công an nhân dân” lại là những tờ báo có nhiều độc giả nhứt, bởi vì trên đó toàn là những tin “từ thành đến tỉnh” về cướp giựt, hãm hiếp, lừa gạt, buôn lậu, tham nhũng, đĩ điếm, dâm loạn, ăn chơi trác táng, đổ đốn v.v... “Chuyện thường ngày ở huyện”, vậy mà lắm kẻ thích “biết” và nghe mãi không chán!
Tôi nghĩ đến cái tâm lý thông thường ấy khi theo dõi vụ án của tờ báo lá cải “News of the world” ở bên Anh do cự phú truyền thông Rupert Murdoch làm chủ. Để thỏa mãn cái tính thích “hóng” chuyện của người khác nơi độc giả, tờ báo có đến 2 triệu 7 trăm ngàn ấn bản mỗi số này phải không ngừng đi săn tin và săn toàn những tin giựt gân. Và dĩ nhiên, vì thiếu đạo đức chức nghiệp, cho nên để có tin giựt gân, tờ báo này đã không ngại xử dụng mọi thủ đoạn để săn tin, trong đó đáng lên án nhứt là “nghe lén điện thọai” của người khác.
Nhiều độc giả hẳn phải tiếc rẻ khi hay tin tờ báo “ruột” của mình bị đóng cửa và xót xa cho số phận của những kẻ chuyên đi săn lùng tin giựt gân và sống bằng tin giựt gân. Thực ra, vụ án này không chỉ lột mặt nạ những người chuyên sống bằng nghề “moi móc” chuyện riêng của người khác, mà cũng nêu lên trách nhiệm của chính những người thích được nổi tiếng. Thời đại này, muốn được “nổi tiếng”, không thể không nhờ ngọn gió của truyền thông đưa lên. Nhưng ở đời lắm khi gậy ông lại đập lưng ông. Nhờ tin giựt gân săn lén được mà tờ lá cải “News of the World” lên như diều gặp gió. Nhưng nay cũng chính những cái tin ấy lại quay trở lại làm cho tờ báo xẹp xuống. Cũng vậy, chính nhờ các phương tiện truyền thông thổi phồng mà nhiều người, nhứt là giới nghệ sĩ, được nổi tiếng. Nhưng cũng chính vì nổi tiếng mà nhiều người trở thành đối tượng của những cuộc săn lùng của báo chí. Công nương Diana, xét cho cùng, cũng chỉ là nạn nhân của chính sự nổi tiếng của mình: bà được các phương tiện truyền thông tung lên để rồi cũng do chính những phương tiện truyền thông “hạ xuống” và hạ xuống ngay cả bằng một cái chết thê thảm.
Kể từ khi nổ ra vụ án của báo “News of the world”, nhiều tài tử giai nhân cũng bắt đầu rục rịch đi kiện các tờ báo lá cải, vì cái tội xen vào đời tư của họ. Nghĩ cũng buồn cười: nhờ báo chí để nổi tiếng thì nay phải khổ vì sự nổi tiếng!
Ở đời thường hễ có cung thì ắt phải có cầu. Ngay cả khi không có nhu cầu thực sự đi nữa, thì người ta cũng có thể tạo ra những nhu cầu giả tạo được. Có biết bao nhiêu thứ hàng hóa được bày bán trong các siêu thị chẳng là nhu cầu giả tạo?
Ngày nay, với bước nhảy vọt khổng lồ của kỹ thuật truyền thông, cái nhu cầu “thông tin” lắm khi chỉ là một thứ nhu cầu giả tạo. Trong cái “dòng chảy” của thông tin hiện đại, con người cứ muốn “biết” và không bao giờ cảm thấy thỏa mãn trong nhu cầu “biết” của mình. Chính nhờ cái cơn “đói” thông tin này, mà các phương tiện truyền thông mới có đất sống. Nếu chúng ta không còn muốn “hóng” chuyện người khác thì có lẽ các tờ báo lá cải sẽ chẳng còn lý do hiện hữu nữa. Thành ra, trong tinh thần liên đới trách nhiệm, trong vụ án của báo “News of the world”, không chỉ có ông chủ Murdoch, không chỉ có ban biên tập của tờ báo và những viên cảnh sát thông đồng trong chuyện nghe lén điện thoại mới đáng bị truy tố, mà ngay cả những người thích nổi tiếng, những người của “công chúng” và nhứt là những kẻ thích “hóng” chuyện người khác và “độc giả” cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
Trong thời đại được gọi là “kỹ thuật số” này, ít hay nhiều, dường như ai cũng bị lôi cuốn vào cái thói “hóng” chuyện này. Mặc dù chỉ muốn sống âm thầm, nhưng vì lỡ gia nhập vào một số “meo đàn”, mỗi ngày tôi cũng nhận được không dưới 3 trăm cái “meo” với đủ mọi thể loại và nội dung từ chính trị, văn hóa, văn chương, xã hội đến chuyện bù khú, tiếu lâm và ngay cả những cuộc đấu khẩu rẻ tiền nhằm bơi móc chuyện đời tư của nhau. Xóa hết thì không được, mà đọc hết thì cũng không xuể. Thôi thì đành chịu mất giờ để mà chắt lọc những tinh túy từ cái đám vàng thau lẫn lộn ấy vậy!
Thời buổi này, cái “biển” thông tin và kiến thức hầu như đã trở thành vô tận. Chuyện gì con người cũng có thể biết và muốn biết. Nhưng một trong những nghịch lý lớn nhứt của thời đại ngày nay mà người ta thường quên: vốn liếng về kiến thức và hiểu biết thì gia tăng, nhưng sự khôn ngoan thì xem ra không những không tiến tới mà còn lùi lại. Mà kiến thức và hiểu biết thì không mấy khi tỷ lệ thuận với sự thanh thản bình an, nếu không muốn nói là ngược lại.
Người ta có thể biết rất nhiều điều trên trời dưới đất nhưng lại chẳng chịu bỏ công tìm hiểu thế giới nhỏ bé của chính mình. Người ta có thể ngồi trước màn ảnh để đọc tin suốt ngày nhưng lại không thể “đọc” được một chút ý nghĩ của người đối diện. Người ta có thể có nhiều kiến thức nhưng lại không có khả năng để hiểu được những u uẩn trong ánh mắt của người thân. Người ta có thể biết tên tuổi của rất nhiều người trên trái đất này nhưng lại không biết cái người hàng xóm của mình mặt ngang mũi dọc ra sao. Và lắm khi người ta có thể theo dõi từng giây phút vui buồn của nhiều minh tinh nổi tiếng mà lại không hề hay biết rằng chính mình đang chung giường với “kẻ thù”.
Và nhứt là dù có biết nhiều đến bao nhiêu người đi nữa, mấy ai tránh được cái cảnh: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?” (Bài không tên số 4, Vũ Thành An)
Khi bị yêu cầu làm một việc gì, trẻ nhỏ thường vặn lại: “Mà để làm gì?” Và chúng chỉ bị thuyết phục khi người lớn đưa ra được câu trả lời hợp lý. Với “cơn bão” thông tin ngày nay, có lẽ câu hỏi đơn sơ này của trẻ nhỏ có thể giúp tôi không bị “cuốn theo chiều gió”.  
Xét cho cùng, có được một tâm hồn bình an, thanh thản và nhẹ nhàng để biết được điều gì là quan trọng nhứt trong cuộc đời này phải chăng không là lẽ khôn ngoan cần tìm kiếm hơn bất cứ kiến thức và sự hiểu biết nào!








Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Quyền lực và cảm thông


Chu Thập
13.3.15

Tôi chưa từng cầm súng đánh giặc. Cả đời tôi chưa bắn một viên đạn nào vào bất cứ ai. Tất cả những cảnh bắn giết, đâm chém hay chiến tranh nói chung, đều đi vào tâm cảnh của tôi xuyên qua phim ảnh, tài liệu lịch sử cũng như hư cấu. Có những cảnh, mặc dù hoàn toàn được dàn dựng lại, cũng vẫn rùng rợn và hãi hùng đối với tôi. Sự sống con người, dù là người lương thiện hay tên độc ác, một khi bị cướp đi, dường như không để cho người khác được yên. Hình như ánh mắt vô hình của người đó vẫn mãi nhìn vào tận đáy thẳm lương tâm của ai đó.
Mậu Thân năm 1968, đúng ngày 1 tháng Hai, giữa thủ đô Sài Gòn, trong chiến dịch càn quét tàn binh cộng sản sau vụ tổng tấn công, tướng Nguyễn Ngọc Loan, người đang nắm trong tay 3 cơ quan an ninh quan trọng là Cục An ninh Quân đội, Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo, đã dùng khẩu súng lục “38 Special Smith&Wesson” để xử tử tên đặc công Việt cộng Nguyễn Văn Lém có biệt danh Bảy Lốp. Cuộc xử tử đã được nhiếp ảnh gia Eddie Adams của hãng thông tấn AP thu hình. Chỉ trong tích tắc đồng hồ, bức ảnh đã được truyền đi khắp thế giới. Tướng Loan nhận được hỗn danh “tên sát nhân man rợ”. Năm 1969, nhiếp ảnh gia Adams nhận được giải thưởng Pulitzer. Kể từ đó, tên tuổi của Tướng Loan đã bị vùi dập trong đống tro của tủi nhục và ít hay nhiều, bức hình ấy đã góp phần làm sụp đổ Miền Nam Việt Nam. Về sau, nhiếp ảnh gia Adams đã viết trên báo Time: “Ông tướng đã giết tên Việt Cộng. Tôi đã giết ông tướng bằng chiếc máy ảnh của tôi. Các bức ảnh vẫn còn là vũ khí hùng mạnh nhứt trên thế giới. Người ta tin ở những bức ảnh, bởi vì cho dẫu không chút lèo lái, chúng vẫn nói dối. Những bức ảnh chỉ nói lên một nửa sự thật. Điều mà bức ảnh (tướng Loan xử tử người đặc công Việt Cộng) không nói lên là: “ Bạn sẽ làm gì nếu bạn ở vào không gian và thời gian của ông tướng vào lúc đó và bạn đã bắt được tên gian ác sau khi hắn đã hạ sát một, hai hoặc ba ngưới lính Mỹ?” Nhiếp ảnh gia Adams đã lên tiếng xin lỗi Tướng Loan và gia đình của ông vì những thiệt hại mà bức ảnh do ông chụp được đã gây nên cho uy tín của ông tướng này.
Có lẽ bất cứ người dân Miền Nam chống cộng nào cũng đều bày tỏ một sự cảm thông như thế đối với Tướng Loan. Tên Việt Cộng Bảy Lốp không chỉ hạ sát một, hai hoặc ba người lính Mỹ như nhiếp ảnh gia Adams đã giả định. Ông ta đã sát hại không biết bao nhiêu thường dân vô tội. Tướng Loan chắc chắn đã nghĩ đến máu của những người ấy khi cầm khẩu súng lục trên tay và nhìn vào bộ mặt gian ác của tên Bảy Lốp. Nhưng khổ nỗi, thế giới đã không tự đặt mình vào địa vị của Tướng Loan để hiểu được tâm trạng của ông trong lúc đó cũng như không biết bao nhiêu người dân Miền Nam Việt Nam đã phải hứng chịu hay chứng kiến không biết bao nhiêu hành động tàn sát dã man của những người cộng sản.
Thế giới bên ngoài đã không thể có cái nhìn của phần lớn người Việt Nam lúc đó. Đối với thế giới, cầm súng xử tử một người, dù là một tên ác ôn côn đồ mà không thông qua một phiên tòa hợp pháp nào, là một hành động dã man.
Một hành động xem ra rất chính đáng của Tướng Loan vào lúc đó mà còn bị thế giới lên án, huống chi là những cảnh hành quyết man rợ mà các tổ chức Hồi giáo cực đoan như “Quốc gia Hồi giáo” ở Trung Đông đang thực hiện. Nhưng thế giới không chỉ lên án những hành động man rợ, mà còn kêu gọi chấm dứt bất cứ hành động nào xúc phạm đến sự sống con người. Thế giới ngày càng nhận ra được tính thánh thiêng sự sống con người.
Sự tiến bộ của nhân loại không hẳn chỉ được đo lường bằng văn minh vật chất, mà thiết yếu bằng ý thức ngày càng gia tăng về dân chủ và nhân quyền, trong đó quan trọng nhứt là quyền được sống. Bất cứ hành động xúc phạm nào đến sự sống con người, dưới bất cứ hình thức nào, cũng đều bị xem là ghê tởm. Chính vì thế mà ngày nay trên thế giới đã có khoảng 160 quốc gia hoặc đã hoàn toàn bãi bỏ án tử hình hoặc nếu còn duy trì thì cũng không thi hành bản án. Một số nhỏ các quốc gia duy trì án này đối với các tội phạm chiến tranh và nhiều nước khác từ 10 năm qua đã không còn thi hành án này. Theo tổ chức “Harm Reduction International” (một tổ chức kêu gọi  bãi bỏ án tử hình) 2 phần 3 các nước chỉ còn duy trì án tử hình vì tội buôn bán ma túy. Nhưng không phải tất cả các nước này đều thi hành bản án. Tính cho đến năm 2012, chỉ có từ 12 đến 14 nước thi hành án tử hình đối với những người buôn bán ma túy. Trung Quốc, Iran, Việt Nam, Á Rập Saudi, Singapore và Mã Lai là 6 nước có tỷ lệ xử tử những người buôn bán ma túy cao nhứt.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, không có bằng chứng nào cho thấy án tử hình làm giảm tội ác. Xuất hiện trong chương trình “Fact Check” (kiểm chứng sự kiện) của Đài ABC Úc Đại Lợi, Ông Jeffrey Fagan, một giáo sư luật tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ, nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy án tử hình hạ giảm tội ác. Theo ông, các cuộc hành quyết chỉ thỏa mãn đòi hỏi báo thù mà thôi.
Lập trường của Giáo sư Fagan cũng được hầu hết các nhà nghiên cứu về tội phạm chia sẻ. Theo một cuộc nghiên cứu do Hội “American Criminology Society” (chuyên nghiên cứu về tội phạm) thực hiện hồi năm 2009, có trên 88 phần trăm những nhà chuyên môn trong lãnh vực này không hề tin rằng án tử hình hạ giảm tội ác.
Một số chuyên gia trong lãnh vực này đã làm một cuộc so sánh giữa Singapore và HongKong. Theo cuộc nghiên cứu, vào giữa thập niên 1990, Singapore được xếp vào hạng những nước có tỷ lệ thi hành án tử hình cao nhứt thế giới. HongKong đã bãi bỏ án tử hình vào năm 1993. Những người thực hiện cuộc nghiên cứu kết luận rằng “trong 35 năm qua, nghĩa là kể từ năm 1973, con số các vụ sát nhân tại hai thành phố này giống nhau”. Điều này có nghĩa là án tử hình xem ra không ảnh hưởng đến sự sụt giảm của tội ác. Nếu người ta chỉ nhìn vào hiện trạng xã hội của riêng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì điều này lại càng đúng hơn. Dù cho án tử hình vẫn còn được duy trì và thi hành, dù cho Việt Nam có được xếp vào 6 nước có tỷ lệ thi hành án tử hình cao nhứt thế giới, tội ác dường như lại gia tăng theo tỷ lệ thuận với việc thi hành án này. Ai cũng thấy những người cộng sản Việt Nam đang diễn một bi hài kịch tồi tệ nhứt: chính những tên tội đồ lại rêu rao ngăn ngừa tội ác! Chính những tên tham nhũng lại hùng hổ mở chiến dịch bài trừ tham nhũng! Xã hội ngày càng băng hoại, lỗ hổng đạo đức ngày càng bị khoét sâu, tội ác ngày càng gia tăng...Liệu có thể cải tạo xã hội bằng cách bắn bỏ vài “con cá nhỏ” hay những con tép riu do chế độ tàn ác sản sinh và chỉ sống nhờ vào một chút cặn bã do những tên đồ tể từ trên thải ra không?
Hình ảnh của hai tử tội người Úc Andrew Chan và Myuran Sukumaran hiện đang trong cơn hấp hối từng ngày trong hành lang tử thần ở Nam Dương đã gợi lên trong hầu hết người dân Úc trong đó có tôi sự thương cảm. Dĩ nhiên, trước hết tôi không thể không nghĩ đến không biết bao nhiêu nạn nhân của ma túy trong xã hội Úc hiện nay. Tôi rất thông cảm với bà mẹ Úc nào đó ở Melbourne có người con gái 17 tuổi chết tất tưởi vì sử dụng ma túy, cho nên mới ủng hộ việc hành quyết hai tử tội này. Nhiều gia đình Việt Nam mà cuốn phim tài liệu có tựa đề “Once upon a time in Cabramatta” đã khơi lại vết thương không bao giờ lành do tệ nạn ma túy gây ra, có lẽ cũng chỉ mong cho những kẻ phạm tội ác phải đền tội. Nhưng tôi không thể không nghĩ đến nỗi đau mất con của bà mẹ của người thanh niên Nguyễn Tường Vân, bị Singapore treo cổ ngày 2 tháng 12 năm 2005 chỉ vì mang trong mình đúng 396.2gr “heroin”.
Và dĩ nhiên, cứ mỗi lần nhìn nỗi đau mà không bút mực nào có thể diễn tả được của hai bà mẹ của hai tử tù Chan và Sukumaran, cũng như hầu hết mọi người dân Úc và Quốc hội Úc, tôi chỉ biết thầm mong sao cho Tổng thống Joko Widodo của Nam Dương mở lượng ân xá cho họ.
Tôi rất khâm phục Tổng thống “Jokowi”, tên gọi thân quen  mà  dân chúng Nam Dương vẫn thường dành cho ông. Xuất thân từ một gia đình nghèo, ông đã cố vươn lên và chứng minh cho người dân Nam Dương thấy rằng với ý chí con người có thể “vượt qua số phận của mình”. Cùng với thông điệp lạc quan này, tân tổng thống Nam Dương cũng nêu cao tinh thần phục vụ qua cung cách và cuộc sống bình dân của ông.
Nhưng sự kiện ông ra lệnh biểu dương tối đa lực lượng của Nam Dương trong việc áp tải hai tử tội Úc ra đảo Nusakambangan để chờ bị hành quyết khiến tôi thất vọng. Có cần phải sử dụng máy bay chỉ dành riêng cho tổng thống, có cần phải có cả một lực lượng cảnh sát hùng hậu, có cần phải cho chiến đấu cơ và tàu chiến...biểu dương lực lượng trong việc đưa hai tử tội đến chỗ hành quyết không?
Với dân số đứng hàng thứ tư trên thế giới, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, với một nền kinh tế đang lên, Nam Dương hiện là thành viên của Câu lạc bộ gồm 20 nước có nền kinh tế mạnh nhứt thế giới. Là một nước Hồi giáo lớn nhứt thế giới, Nam Dương có lý do để tự hào là một nước mạnh.
Nhưng liệu đó có phải là sức mạnh đích thực mà một quốc gia hay một nguyên thủ quốc gia cần phô trương không?
Theo dõi những diễn biến trong tư cách của hai tử tù Chan và Sukumaran trong gần 10 năm qua và nhứt là lắng nghe chứng từ của các tù nhân cũng như những người đã từng tiếp xúc với họ, tôi thấy họ cũng đã cố gắng từng ngày để  “vượt qua số phận” và chứng tỏ sức mạnh của sự hoán cải. Đây là điều mà người tử tù Sukumaran đã muốn nhắn gởi cho tổng thống Jokowi. Anh đã vẽ chân dung của vị nguyên thủ quốc gia Nam Dương và ký tên kèm theo hàng chữ “con người có thể thay đổi”(people can change).
Tôi rất tự hào được làm công dân Úc. Không phải vì Úc Đại Lợi giàu mạnh, mà vì một sức mạnh mà sự thịnh vượng vật chất không đương nhiên mang lại. Sức mạnh đó đã được biểu lộ qua những cuộc thắp nến cầu nguyện cho hai tử tù Chan và Sukumaran. Tôi vẫn ghi nhớ mãi hình ảnh của tất cả các dân biểu và thượng nghị sĩ Liên bang tay cầm nến, giữ giây phút thinh lặng để không chỉ nhắn gởi đến chính phủ Nam Dương thỉnh cầu ân xá cho hai người tử tội, mà còn bày tỏ sự cảm thông và nhứt là sự tôn trọng đối với mạng sống con người.
Nếu phải ghi nhớ bước tiến lớn nhứt của nhân loại  thì tôi nghĩ bước tiến đó phải là ý thức về sự thánh thiêng của sự sống con người. Và nếu phải đi tìm sức mạnh đích thực cho thế giới ngày nay, tôi không thể không nghĩ đến sự cảm thông.



Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Tiền Tài Như Phấn Thổ…




                

                 Chu Thập
05.07.11

Ngạn ngữ Latinh có nói “Bàn về sở thích, chớ nên tranh luận” (De gustibus non disputatur).  Tôi vẫn luôn cố gắng thực hành câu châm ngôn này để tập sống khoan nhượng và cảm thông. Bá nhân bá tánh, mỗi người một ý, một sở thích; mỗi cá nhân đều là một thế giới riêng. Mỗi dân tộc cũng có văn hóa và truyền thống riêng. Chỉ cần nhìn vào chuyện ăn uống thôi cũng đã thấy sự khác biệt giữa các dân tộc. Nước mắm nào của người Việt nam cũng đều “thơm ngon” cả, nhưng với cái mũi lõ của người Tây phương thì mỗi lần ngửi vào chẳng khác nào đang đi qua vùng Phan Thiết. Ngược lại, có những loại “phó mát” mà người Tây hít lấy hít để, thì người Việt mình đụng vào cứ tưởng như đang chạm phải “cóc chết” hay hột vịt ung.
Về nghệ thuật, văn chương và âm nhạc cũng thế thôi. Mình không thể bắt người khác phải “thích” những gì mình “thích”. Có người chỉ thích tiếng hát Chế Linh. Có người chỉ biết có nhạc Trịnh công Sơn. Và dĩ nhiên, có người chỉ mê cải lương. Đã là sở thích thì cần phải được tôn trọng. Tôi vẫn luôn cố gắng nghĩ như thế.
Vậy mà mới đây, sau khi đi ăn tân gia của một cặp vợ chồng trẻ ở Sydney, tôi cứ phải suy nghĩ miên man. Nếu xét theo tiêu chuẩn vừa được chính phủ Lao động qui định, thì cặp vợ chồng này thuộc giai cấp “trung lưu”. Cả hai đều có lương cao, lại chưa có con. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, cho nên sau một thời gian ở nhà thuê, họ cũng cố gắng mua cho bằng được một ngôi nhà đắt tiền tại một khu cũng được xem là giàu có của Sydney.  Với cách suy nghĩ của một người đang sống ở nơi miền quê thông thoáng, có vườn tược cây cối, có chim chóc líu lo quanh năm ngày tháng, tôi cứ nghĩ bụng tiếc rẻ. Ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ chỉ có 4 thước chiều ngang và không quá mươi lăm thước chiều dài, không khác gì cái chuồng chim. Dưới cái nhìn phong thủy ở trình độ sơ cấp như tôi, tôi vẫn cảm thấy ái ngại khi bước vào nhà: từ trước ra sau, cửa nẻo nằm thẳng một đường “trùng môn”.  Ngày xưa, các cụ bảo: cất nhà phải tránh đừng để “trùng môn”, gió máy ùa vào, không sinh bệnh tật thì tiền bạc cũng khó giữ. Nhưng với diện tích bé bỏng như vầy, không “trùng môn” thì nội cái chuyện dọn đồ đạc vô ra cũng đủ nghỉ thở.
Thực ra, tôi cũng chẳng tin dị đoan chút nào. Tôi chỉ tiếc là ở trung tâm thành phố, đất đai quý như vàng, khó tìm được “mặt bằng” rộng rãi để mà thiết kế theo ý mình muốn. Cũng may, đàng  sau nhà cũng còn lại một góc nhỏ vừa đủ để trồng vài ba cọng rau nhiệt đới. Nhưng bên trong chỉ có đúng một phòng khách nhỏ, một phòng ngủ nhỏ và dĩ nhiên một nhà bếp cũng nhỏ. Cái gì cũng nhỏ cả. Không phải là chuyên viên địa ốc, tôi cũng làm được bài tính: với giá tiền của ngôi nhà này, đôi vợ chồng trẻ này có thể mua một trang trại và một ngôi nhà rất khang trang ở vùng tôi ở. Mà thôi, họ có lý do để sống ở khu vực mà họ đã chọn lựa: vừa khỏi mất giờ đến sở, vừa tìm được trường ốc tốt cho con cái sau này.
Phải nhìn nhận rằng hai vợ chồng son này có óc nghệ thuật đầy mình: ở góc nào trong nhà cũng có những bức tranh cổ. Nhưng điều khiến tôi muốn “dội ngược” khi bước vào nhà chính là một “cái tủ” còn để trong phòng khách. Không biết nó còn xứng đáng để gọi là một cái tủ không. Nhận thấy cái tủ được làm bằng gỗ tạp và nước sơn đã loang lổ trông chẳng khác nào một thùng rác, tôi định hỏi sao họ không chịu quăng ra bên hông nhà cho khỏi choán chỗ. Đọc được ý nghĩ của tôi chăng, bằng cả một giọng điệu thật hãnh diện, cô vợ khoe  rằng đây là một món “đồ cổ” mà cô mới “chộp” được với giá không dưới 5 trăm Úc kim. Nghe  giải thích như thế, tôi thấy muốn rụng rời tay chân. Trời ơi, tôi nghĩ bụng, cổ hay không thì không biết chứ cũ thì phải nói là quá cũ. Cái thứ này mà quăng ra đường chắc chẳng ai muốn rước vào nhà cho thêm dơ và gây bệnh truyền nhiễm!
Với sự hiểu biết của một người sưu tầm đồ cổ, cô vợ trẻ phân bua rằng giá trị của “cái tủ” là tuổi của nó: nó đã được hơn một trăm tuổi rồi đó! Đây là cái tuổi mà chính phủ Úc cũng đã qui định để liệt kê nhà cửa vào hàng di sản văn hóa, được quyền “thi gan với tuế nguyệt”, nghĩa là không sợ bị đập phá.
Trên đường về, nhìn đâu tôi cũng liên tưởng đến đồ cổ và giá trị của thời gian. Giá ngôi nhà cổ do ông cố tôi để lại mà được cha tôi giữ cho đến ngày nay thì chắc nó phải có giá, bởi vì tính ra cũng đã  trên cả 2 trăm tuổi. Nhưng vốn xem trọng tính mạng con người hơn đồ cổ cho nên cha tôi đành phải gạt bỏ tình cảm và chữ hiếu qua một bên để đập phá ngôi nhà đã rệu rạo và xây lại một ngôi nhà mới.  Những người nông dân chất phác như cha mẹ tôi cũng biết trân quý những gì ông bà tổ tiên để lại, nhưng không nhứt thiết xem thời gian như đơn vị để đo lường giá trị của một món đồ cổ. Tôi nhớ trong nhà tôi có một bộ chén bát rất quý. Cha tôi nói rằng đây là di sản của người Chàm trước khi người Việt nam tiến. Nhiều di tích trong làng tôi cho thấy người Chàm đã từng sinh sống ở đây. Thuở nhỏ tôi vẫn còn nhìn thấy những “mả hời” (mộ của người Chàm) trong vườn hay ngay trên con đường cái “tư ích” (con đường đất trong làng). Sau 1975, những di tích ấy đã bị “đào tận gốc bứng tận rễ”. Riêng bộ chén bát quý trong nhà, cha tôi kể lại rằng thời ông cố tôi, khi đào móng xây nhà, gia đình đã tìm được một cái chum. Tôi không biết ông cố tôi có được vàng không, nhưng bộ chén bát đó chính là di sản quý giá mà trong lúc “chạy giặc”, người dân Chàm đã chôn vội xuống đất. Tôi chỉ tiếc một điều là với thời gian và vì nhu cầu phải sử dụng, bộ chén bát đó bị mòn và cuối cùng cũng theo thời gian mà biến đi đâu hết. Ngoài ra, lúc tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng mẹ tôi cũng mở một cái hộp và cho tôi xem những xâu đồng “điếu” không biết từ thời vua nào của Việt nam. Không rõ nguyên nhân nào mà những thứ đồ cổ ấy đã  bay đi đâu hết!
Không riêng gì những người nông dân thất học như cha mẹ tôi mới ít quan tâm đến đồ cổ, mà ngay cả mấy “quan chức”  trước và nhứt là sau 1975 cũng chẳng màng đến những di tích lịch sử cần được bảo tồn. Tôi ở sát bên Thành Diên Khánh. Đây là ngôi cổ thành được kiến trúc giống y hệt như thành nội Huế, có đầy đủ bốn cửa đông, tây, tiền, hậu (chứ không phải nam bắc).  Thuở nhỏ, tôi rất hãnh diện khi  đi qua thành này, vì nghĩ rằng các vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã có lần “ngự giá” đến đây. Bên cạnh nhà lao là một ngôi nhà mà người lớn gọi là “bordel” (nhà thổ dành cho lính Tây). Tôi chỉ biết mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà này, các bà các cô thường phải bỏ chạy bán sống bán chết vì bị mấy anh lính “lê dương” rượt. Đối diện với ngôi nhà này là một cái dinh mà lối kiến trúc trông cũng giống đền vua. Nhưng những trận pháo kích của Việt cộng đã khiến cho mấy ngôi nhà này đổ nát và về sau biến thành bình địa. Ngày nay, ngoài bốn bức tường bằng đất cao xung quanh thành, chẳng còn di tích nào để nhắc nhớ về ngôi thành lịch sử và vùng đất mà cha tôi thường gọi là “hoàng triều cương thổ”. Tôi thấy mình không còn được hãnh diện vì đã từng sống gần với ngôi thành lịch sử này.
Mãi cho đến lúc ra khỏi nước, tôi mới bắt đầu ý thức về giá trị mà thời gian mang lại cho đồ cổ. Lúc mới đặt chân đến thủ đô Ánh sáng, tôi vừa bỡ ngỡ trước những cao ốc cổ xưa của mẫu quốc, lại vừa khó chịu khi nhìn vào những cánh cổng gỗ hay những tấm cửa sổ cũ kỹ, loang lổ. Thì ra, theo lời giải thích của các vị thầy của tôi, giá trị của những cánh cổng và cửa sổ này là ở cái tuổi của chúng: ngôi nhà nào càng có nhiều vật dụng bằng gỗ lâu đời thì càng có giá trị. Muốn sửa sang bên trong bao nhiêu cũng được, nhưng phải giữ nguyên cái bộ mặt cũ kỹ trông chẳng ra làm sao ở bên ngoài ấy! Bây giờ thì tôi mới hiểu được cái “giá trị” của cái tủ xấu xí mà cặp vợ chồng trẻ tôi quen mới tậu được. Tôi cũng hiểu được tại sao các thứ đồ cổ đều có giá. Thỉnh thoảng, vào ngày chúa nhựt, tôi thấy có những chiếc xe “cổ” không dưới 4,5 chục tuổi ì ạch chạy trên xa lộ. Tôi tin chắc rằng những người đang ngồi trên những chiếc xe đó không xem chúng như một phương tiện di chuyển cho bằng là một thứ “của cải” cần khoe ra. Hình dáng, mầu sắc, mẫu mã và tiếng động cơ của những chiếc xe ấy chỉ muốn lên nói một điều là chủ nhân của chúng là những người giàu có, sành điệu và dĩ nhiên quan trọng. Tôi cũng nghĩ đến người mới đây đã mua chiếc áo đầm nổi tiếng của nữ tài tử Marilyn Monroe với giá 46 triệu Mỹ kim. Cùng với thời gian, tiếng tăm lẫy lừng của cô tài tử này đã biến chiếc áo của cô thành một tài sản quý giá. Và dĩ nhiên, những người đang sở hữu chiếc áo này cũng “ăn có” để trở thành một người nổi tiếng.
Nhưng ở đời lắm khi có những thứ ngược đời. Không phải cái gì càng có tuổi thì càng có giá, mà ngược lại.
Có câu chuyện khôi hài nói về một tay săn đồ cổ sành điệu. Một hôm đi ngang qua một nhà đang bán “garage sale”, thoáng một cái, ông biết có nhiều món đồ cổ nằm lẫn lộn trong cái mớ “lạc-xoong”. Ông lập tức mân mê, săm soi hết món này đến món khác. Nhưng món nào, dù có đến sáu bảy chục tuổi, ông cũng chê là còn “trẻ” quá. Bị quấy rầy quá lâu mà vẫn không tìm được cái gì cho vừa ý ông khách khó tính, bà chủ nhà nói: “Ông à, tôi có hai món cổ hơn mấy cái này nhiều, ông có muốn mua không?” Ông khách sốt sắng trả lời: “Nếu mấy thứ đó có tuổi hơn mấy cái này là tôi mua ngay.” Bà chủ chỉ vô chính mình và nói: “Tôi đây, tám mươi chín tuổi. Còn ông nhà tôi đang nằm liệt trong giường thì chín mươi lăm. Cả hai chúng tôi đang chuẩn bị vô viện dưỡng lão. Như vậy có đủ tuổi để gọi là đồ cổ chưa?”
Đương nhiên, ông khách đâu bao giờ muốn mua món đồ cổ sống mà bà chủ nhà vừa chào mời cho nên lặng lẽ rút êm.
Câu chuyện khôi hài, nhưng cũng nói lên một sự thật phũ phàng: thời nay, dường như bậc thang giá trị đã bị đảo lộn. Những thứ lẽ ra phải trân quý lại bị khinh rẻ. Nhưng thứ chóng qua lại được đưa lên bàn thờ. Đồ vật và thú vật có khi lại được trân trọng hơn mạng sống con người. Tôi có ý nghĩ ấy khi so sánh mấy con bò Úc bị hành hạ trước khi giết chết tại Nam Dương với các thiếu niên tầm trú bị đẩy sang Mã Lai. Tôi không tán thành việc hành hạ súc vật. Nhưng nếu đem lên bàn cân để đong đếm trọng lượng đích thực của một em thiếu niên bị chở sang nhốt trong một trại tỵ nạn vô nhân đạo bên Mã Lai với chuyện đàn bò bị hành hạ tại Nam Dương thì tôi nghĩ rằng phẩm giá của em bé ấy đáng được người ta rầm rộ xuống đường để bảo vệ hơn đàn bò.
Tôi cũng có ý nghĩ ấy khi nghĩ đến vô số những thai nhi bị sát hại mỗi ngày trên khắp thế giới. Không là đảo lộn bậc thang giá trị ư khi việc sát hại những mạng sống không có tiếng nói vô phương tự vệ lại được hợp pháp hóa, trong khi đó không thiếu những người lại ngày đêm tranh đấu cho điều được gọi là “quyền” của súc vật? Con người bị tước đọat quyền sống để cho súc vật được có “quyền”: như thế mà bảo bậc thang giá trị không bị đảo lộn ư?
Mẹ tôi không biết chữ Nho, nhưng thỉnh thoảng bà cũng “xổ” Nho. Tôi vẫn nhớ mãi lời bà dạy: “tiền tài như phấn thổ, nghĩa trọng tợ thiên kim”. Tiền tài, hay “vật ngoại thân” và cái đuôi dài của nó là quyền lực, giàu sang, chức vị…rồi cũng qua đi. Duy chỉ có nhân nghĩa, tình người hay “vật nội thân” mới tồn tại muôn đời mà thôi.
Không ai có thể sống mà không cần tiền tài vật chất. Nhưng một cuộc sống có ý nghĩa không thể nào không có những giá trị tinh thần như tình yêu thương, sự tôn trọng và chia sẻ các giá trị đạo đức cho người khác. Cái mà tôi thấy khó khăn nhứt là những khi tôi phải đặt mình trước sự lựa chọn giữ “vật ngoại thân” và “vật nội thân”. Chọn cái trước thì thường mất cái sau. Chọn cái sau thì thường là thua thiệt, mất mát.

Thế nhưng, nghĩ cho cùng, chẳng có thứ “đồ cổ” nào trên trần gian này có tuổi thọ cao hơn những di sản thiêng liêng mà tổ tiên đã truyền lại trong tâm khảm mỗi người. Vừa không mất tiền mua, vừa không sợ mất cắp, một món đồ cổ như vậy cũng quá đủ đối với tôi.

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Một sàng khôn để học


Chu Thập
6.3.15

Trong những ước mơ cuối đời trước khi “về cội”, tôi mong có cơ hội và điều kiện để làm một chuyến du lịch sang Trung Quốc. Không thể phủ nhận rằng đất nước này có nhiều kỳ quan, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cũng như những thành tựu kinh tế đáng xem. Là một người Việt Nam ít hay nhiều đã tiếp nhận văn minh Trung Hoa, chịu ảnh hưởng của đạo đức Khổng Mạnh và Lão Giáo, tôi thấy không có lý do gì để tự cắt đứt với  một nền văn hóa đã ăn sâu vào nếp sống của nhiều dân tộc ở Đông Á. Còn nếu cho rằng Tộc Việt, tổ tông của người Việt Nam chúng ta, đã xuất phát từ Hồ Đồng Đình trước tộc Hoa gần 4000 năm và là cội nguồn phát xuất nền văn minh Đông Á ngày nay, thì tôi lại càng thấy nao nức hơn để làm một chuyến hành hương về nguồn.
Nhưng gần đây, tự ái dân tộc bỗng trào dâng mãnh liệt trong tôi sau khi Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm lãnh hải của đất nước tôi và nghe đâu muốn biến quê hương tôi thành một tỉnh lẻ của họ. Giấc mơ “Trung Du” của tôi đã dần dần phai nhạt.
Thật ra, khi đi du lịch, mỗi lần viếng thăm một xứ sở mới, tôi không chỉ ngắm cảnh, tìm hiểu các di tích lịch sử, học hỏi thêm về những điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội của một quốc gia, mà còn để đón nhận cái hay cái đẹp trong lối sống và cách đối nhân xử thế của dân tộc ấy. Một ngày lang thang ở Singapore cũng đủ để tôi học được bài học về tinh thần tôn trọng kỷ luật, sự trật tự và cách đối xử lịch sử tử tế với người khác. Sang Thái Lan, qua cái vái chào thân thiện, chân thật, hiền hòa và từ ái của mọi người, tôi nhận ra được sức sống đích thực của một dân tộc. Đó là những đức tính mà tôi không còn nhìn thấy ở rất nhiều người Việt Nam của tôi kể từ khi những người cộng sản Miền Bắc cướp chính quyền và áp đặt ý thức hệ cộng sản lên toàn dân tộc. Và dĩ nhiên, tôi tin rằng ông Bá Dương (1920-2008), một tác giả Đài Loan, đã không quá lời khi nói về “Người Trung Quốc xấu xí”. Từ thời Đông Chu Liệt Quốc (thế kỷ IX-III trước Công nguyên), một ông quan nước Tề là Án Anh, khi bị vua Sở giễu cợt, đã giải thích về ảnh hưởng của một chế độ cai trị đối với tâm tính con người bằng câu nói: “Cây quít trồng ở phương Bắc thường cho quả ngọt, trái sai, nhưng khi đem trồng ở phương Nam thì quả đã chua, lại còn ít nữa”. Cũng là người Trung Hoa, nhưng người Trung Hoa ở Trung Quốc cộng sản hiện nay lại “xấu xí”, trong khi người Trung Hoa ở Đài Loan và nhứt là ở Singapore lại tử tế. Không thể phủ nhận thực tế về bộ mặt “xấu xí” của người Trung Quốc cộng sản hiện nay.
Thế giới ngày nay đã thấy rõ bộ mặt đích thực của điều được gọi là “con người mới xã hội chủ nghĩa” mà người cộng sản Trung Quốc luôn rêu rao. Những ai chưa một lần viếng thăm Trung Quốc như tôi hễ cứ thấy hàng hóa Trung Quốc, nhứt là thực phẩm, là muốn bỏ chạy. Còn những ai đã có dịp tiếp xúc với Trung Quốc qua các du khách Trung Quốc thì lại càng nhận ra cái bộ mặt “xấu xí” ấy của người cộng sản.
Nói có sách mách có chứng. Mới đây, trên đài ABC của Úc Đại Lợi, Ký giả Deborah Cornwall đã cho người dân Úc thấy được bộ mặt “xấu xí” ấy. Nhiều thước phim cho thấy cảnh du khách Trung Quốc khạc nhổ, “ỉa đái” ngay nơi công cộng,  chửi bới những người bán hàng và ngay cả sẵn sàng ấu đả với bất cứ người nào. Chuyện này không chỉ xảy ra tại Hong Kong, mà còn ở bất cứ nước nào giai cấp “nhà giàu mới” của Trung Quốc đặt chân đến.
Mới đây, một thanh niên Trung Quốc đã khiến cho không những người Ai Cập mà cả thế giới phải phẫn nộ khi dùng một vật nhọn khắc tên mình lên một bức tượng bên trong đền thờ cổ Luxor có trên 3500 năm tuổi của Ai Cập.
Người dân của thành phố hoa lệ Paris, Pháp Quốc, lại còn ngỡ ngàng hơn khi chứng kiến cảnh một nhóm du khách Trung Quốc tỉnh bơ rửa chân trong một hồ nước tại bảo tàng viện Louvre.
Kể từ khi cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình tung ra chính sách “mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, chế độ cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc không những giải thoát gần một tỷ người khỏi cảnh “đi ngủ với cái bụng đói”, mà mỗi năm còn đóng góp cho kỹ nghệ du lịch của nhiều nước trên thế giới với trên 85 triệu du khách.
Nhưng theo Giáo sư Wanning Sun, thuộc trường đại học UTS ở Sydney, cung cách “xấu xí” của du khách Trung Quốc đã làm cho cái chế độ cộng sản luôn tìm cách bảo vệ “sĩ diện” ngày càng mất mặt.
Nói chung, những người luôn sống dối trá và lừa gạt người khác như người cộng sản lúc nào cũng sống theo nguyên tắc “đẹp khoe xấu che”, nghĩa là tìm đủ mọi cách để che đậy bộ mặt xấu xí của mình. Nhưng dĩ nhiên, càng khoe cái “sĩ diện hão” thì càng lố bịch. Một người như tôi không cần phải đi Trung Quốc để thấy được cái bộ mặt thật “xấu xí” của người cộng sản, mà chỉ cần nhìn vào xã hội Việt Nam hiện nay.
Dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi, Sách Guiness Book về những kỷ lục thế giới lại phải tốn thêm vài trang nữa để ghi lại những thành tích mới ở Việt Nam như chiếc bánh tét dài nhứt thế giới, tô hủ tiếu lớn nhứt thế giới ở Sa Đéc, chiếc bánh chưng nặng vài trăm ký được làm để dâng kính hương hồn mẹ của “Bác Hồ” v.v Cái gì Việt Nam ta cũng muốn hơn người cả! Việt Nam hiện đang có nhiều bằng tiến sĩ hơn bất cứ nước nào ở Đông Nam Á, mặc dù mỗi năm không có được một bằng sáng chế hay một nghiên cứu có giá trị  trong bất cứ lãnh vực nào. Với 7,7 triệu tấn gạo xuất cảng, Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về xuất cảng gạo, trong khi đó vẫn còn nhiều người Việt Nam phải chạy cơm từng bữa và tại nhiều vùng nông thôn vẫn còn nhiều người phải gặm củ chuối cầm hơi qua ngày. Việt Nam tự hào về vị trí thứ hai trên thế giới trong việc xuất cảng cà phê, nhưng chẳng người Việt Nam nào màng đến phẩm chất thấp của loại cà phê này.
Những kỷ lục và thành tích hơn người mà chế độ cộng sản Việt Nam muốn đạt được để khoe mẽ đã không bao giờ đủ sức để che đậy những cái lố bịch vốn ló ra một cách tự nhiên. Cũng dịp đầu năm vừa qua, không riêng gì người Việt hải ngoại chống cộng, mà ngay cả người dân trong nước cũng đã nhìn thấy cái lố bịch cười ra nước mắt khi được dịp chiêm ngắm cuộc sống xa hoa kệch cỡm của người mà người dân chỉ biết rỉ tai nói nhỏ là “con rơi” của “Bác” và một số người đã mỉa mai là “tiều phu” lên “ngai vua”. Riêng tôi, nhìn cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh ngồi trên “bệ vàng”, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh của những cô gái Việt Nam ngồi trên những chiếc xe hai bánh đắt tiền, mặc những chiếc quần ngắn dưới rốn, để lộ ra những “nội y” hàng hiệu đắt tiền.
Trên thế giới này, ai cũng thích hàng hiệu, đồ sang. Nhưng người Việt Nam “xã hội chủ nghĩa” hiện nay vẫn đạt kỷ lục. Ai đó đã viết rằng “nhiều đại gia trên thế giới cũng phải ngạc nhiên trước những con siêu xe mà người Việt tậu về”. Một chuyên gia tâm lý người Đức, khi nguyên cứu về việc tiêu dùng, đã làm một ví dụ: một người Đức và một người Việt mỗi người đều có trong tay 30 ngàn Mỹ kim, cả hai đều có ý định mua xe. Theo chuyên gia tâm lý này, người Đức sẽ chọn chiếc xe trị giá 20 ngàn Mỹ kim, tiền còn lại anh ta dành dụm, làm ăn hay tích lũy. Còn người Việt Nam “xã hội chủ nghĩa” thì sao? Anh ta sẽ sẵn sàng vay mượn thêm hàng chục ngàn Mỹ kim nữa để mua một chiếc xe “xịn” hơn.
Vì đua nhau “tốt khoe xấu che” cho nên theo một cuộc nghiên cứu về tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay, người Việt bỏ ra một tỷ Mỹ kim để tranh nhau mua điện thoại Smartphone loại mới nhứt. Hơn một nửa số điện thoại người Việt có trong tay thuộc loại xa xỉ, được sử dụng không như một phương tiện để liên lạc và học hỏi, mà chỉ như một thứ “trang sức” để “khoe hàng”.
Cũng Tết Nguyên Đán vừa qua, tôi đọc được một bản tin mà có lẽ người Việt Nam xem như “chuyện thường ngày ở huyện”: từ ngày 27 đến mùng 4 Tết, bộ Y Tế cho biết các bệnh viện tiếp nhận gần 195 ngàn trường hợp đến khám cấp cứu, trong đó hơn 5 ngàn người phải nhập viện do đánh nhau, ngày cao nhứt có 900 trường hợp và 11 người thiệt mạng. Đồng bào ruột thịt của tôi ngày nay “hung hãn” như thế sao?
“Hung hãn” nhưng lại “hèn nhát”, đó là nhận định của nhạc sĩ Tuấn Khanh từ trong nước. Ông viết: “Người Việt hôm nay dường như đủ hung hãn chém con heo ra từng mảnh, reo hò và tắm máu như thời các bộ lạc dã man, nhưng hèn nhát câm miệng không dám bàn về tài sản các quan chức tham nhũng đang đục ruỗng tổ quốc mình. Người ta im lặng hèn nhát khi nghe những kẻ như Trần Văn Truyền (cựu tổng thanh tra có nhiều biệt thự nguy nga) chỉ bị kỷ luật giơ cao đánh khẽ, còn những người tố cáo cái ác như ông Kim Quốc Hoa, báo Người Cao Tuổi, đang lao đao giữa trùng vây vô lại” (Đàn Chim Việt online 1/3/15).
Người Việt Nam thường tự hào về sự thông minh của dân tộc. Riêng người Việt nam “xã hội chủ nghĩa” thì thông minh hơn người Việt ở nước ngoài nhiều. Họ học hỏi và tiếp thu rất nhanh những phương tiện và tiện nghi của các nước văn minh. Họ cũng đạt được những thành quả tốt đẹp nếu được gởi đi du học ở nước ngoài. Nhưng các nước văn minh tiến bộ như Hoa Kỳ chẳng hạn đã lầm khi nghĩ rằng người cộng sản sẽ mở mắt ra để tiếp nhận những giá trị của các nền dân chủ và áp dụng cho đất nước họ. Kể từ năm 1972, khi cố Tổng thống Richard Nixon của Hoa Kỳ bắt tay với đồ tể Mao Trạch Đông, mỗi năm có biết bao nhiêu sinh viên Trung Quốc được nhận vào học tại các đại học Mỹ. Khoa học và kỹ thuật mà những sinh viên này tiếp nhận được từ Hoa Kỳ đã giúp đưa nền kinh tế Trung Quốc lên hàng thứ 2 trên thế giới. Nhưng cái chế độ độc tài đảng trị do những sinh viên ấy tiếp tay xây dựng vẫn hoàn độc tài và có khi còn tàn bạo hơn trước kia. Đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng có thời gian đi du khảo tại Hoa Kỳ.  Điều này cũng xảy ra tại Việt Nam. Cả 3 người con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều theo học tại những trường đại học danh giá hàng đầu của Mỹ và Anh Quốc. Trở về nước, họ cũng vẫn trước sau như một là những đảng viên cộng sản gộc, kế tục đường lối cai trị độc tài của cha ông họ mà thôi.
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Ông bà ta đã dạy như thế. Những đảng viên cộng sản và những “con người mới xã hội chủ nghĩa” được họ nhào nặn không chỉ đi một ngày đàng, mà đi cả mấy vòng trái đất, để rồi rốt cục chỉ học được những cặn bã của xã hội văn minh hơn là những tinh túy của xã hội văn minh. Dù cho họ có vất đi đôi dép râu, có tròng vào người và cổ bộ âu phục, có tròng vào cổ chiếc ca vát hàng hiệu đắt tiền, có ngồi trên những chiếc ghế dát vàng trong những dinh thự cao sang, có đi những chiếc xe xa xỉ và ngay cả có đắc thủ được những học vị cao từ những đại học danh tiếng ở nước ngoài...bao lâu cái sàng khôn được chắt lọc từ các nền văn minh như tinh thần khoan nhượng và dân chủ, những giá trị đạo đức như tính lương thiện và tử tế...vẫn chưa chui vào được cái đầu và trái tim của họ, thì cái “sĩ diện hảo” mà lúc nào họ cũng tìm cách tô vẽ và khoe ra, chỉ đáng làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.
Suy nghĩ về chuyện “tốt khoe xấu che” của mấy ông cộng sản, tôi nghiệm ra một điều: không ai có thể làm tôi “mất mặt” hay làm mất “thể diện” hoặc “sĩ diện” của tôi cả. Chỉ có tôi, khi tôi tự bôi trét lên mặt mình các thứ hào nhoáng và phù phiếm để che đậy sự dối trá của tôi, lúc đó tôi mới thật sự “mất mặt” mà thôi.