Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

Lỗi tại tôi!



Chu Thập
21/9/2019

Để tỏ ra mình cũng “ngang tầm thời đại” như ai, thỉnh thoảng tôi cũng đi xem “xi nê”. Danh sách của những ngôi sao màn bạc tôi thuộc tên và nhớ mặt cũng  đủ dài để tôi có thể “chém gió” với bạn bè trong lúc trà dư tửu hậu. Vậy mà gần đây khi có người hỏi về nữ diễn viên Mỹ Felicity Huffman thì tôi “ngọng”. Mặc dù minh tinh 56 tuổi này khá nổi tiếng ở Hollywood, nhưng tôi chưa  từng  đuiợc xem cuốn phim nào của bà. Sở dĩ bà nổi đình đám là vì mới đây tên tuổi của bà được báo chí Mỹ nhắc tới do việc bà đã bỏ tiền ra thuê người thi vào đại học giùm cho con gái của bà. Sự việc đổ bể, hôm 13 tháng Chín vừa qua, bà bị tòa tuyên án 14 ngày tù, bị phạt 30 ngàn Mỹ kim và phải “làm công quả” bằng 250 giờ phục vụ cộng đồng.
Chuyện xem ra chẳng có gì để nói hay làm rùm beng. Nhưng tôi chú ý đến ngôi sao này và sẽ ghi vào bộ nhớ tên tuổi của bà là vì tư cách đáng ngưỡng mộ của bà. Lâu nay tôi cứ  nghĩ Hoa Kỳ là quốc gia có bộ máy tư pháp hoàn hảo nhứt thế giới. Thật ra, cái lưới ấy dường như chỉ bắt được các thứ tép riu, còn những con cá mập thì lúc nào cũng có đủ các thứ lỗ hổng để thoát. Bà Huffman không nằm trong số những con cá mập ấy. Xuyên suốt vụ án, bà đã cư xử theo một phong thái đáng được đề cao.
Trước hết, ra trước tòa, bà chẳng ưỡm ờ nhưng nhị gì cả mà nhận lỗi ngay. Kế đó bà đã cố gắng hàn gắn lại mối quan hệ đã bị sứt mẻ giữa bà và gia đình bà, nhứt là với cô con gái của bà. Nhưng đáng chú ý hơn cả đó là tuyên ngôn bà đã cho công bố để xin lỗi bạn bè, cộng đồng và tất cả những ai yêu mến và đặt nhiều kỳ vọng nơi bà. Trong tuyên ngôn, người nữ  diễn viên này cũng bày tỏ sự hối tiếc và đau buồn với khách mộ điệu mà sự ngưỡng mộ được bà nhìn nhận như bàn đạp làm nên sự nghiệp của bà. Cuối cùng, bà thú nhận với thẩm phán hành vi tồi bại của bà, tại sao bà làm điều đó và những ai bà đã gây tổn thương, mà không đưa ra bất cứ một lời biện minh nào cho hành động của mình. Tựu trung, nếu bà là một tín hữu Kitô như tôi, thì phong cách của bà khi ra trước tòa sẽ được tóm lại bằng một câu kinh mà người công giáo thường đọc ở đầu mỗi Thánh lễ: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.
Khi tuyên án, thẩm phán Indira Talwani cũng nhắn gởi một thông điệp rất rõ ràng: tiền bạc, quyền lực, đặc ân và sự nổi tiếng không thể bảo đảm cho con người khỏi vào tù. Nhưng tôi xem trọng sứ điệp của nữ diễn viên Huffman hơn: hơn bao giờ hết, con người thời đại cần có sự khiêm tốn để biết mình, để nhận lỗi của mình và đấm ngực mình hơn là tìm kiếm những con dê tế thần để trút bỏ lên nó mọi hành vi sai trái và trách nhiệm của mình.
Trong giới nghệ sĩ không thiếu những người cũng muốn nhắn gởi một sứ điệp như bà Huffman. Gần đây, trong danh sách những người tôi ngưỡng mộ, tôi ghi thêm tên tuổi của danh ca Justin Bieber.
Mới 13 tuổi, Bieber đã có được hào quang của một “siêu sao”, thủ đắc được tài sản và danh tiếng mà những thiếu niên ở tuổi của cậu có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Địa vị của một siêu sao đã biến một cậu bé nghèo chuyên hát dạo kiếm tiền ở Stratforf, Tỉnh bang Ontario, Gia Nã Đại thành một thanh niên giàu có xem trời bằng vung, vướng vào không biết bao nhiêu rắc rối với luật pháp.  Nếu có bước chân vào đại học có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ tốt nghiệp!
Nhưng nay dù chỉ mới ở tuổi 25, người thanh niên này đã biết nhìn lại để cũng đấm ngực và nhìn nhận những hành động sai trái của mình. Dạo đầu tháng Chín vừa qua, trên trang mạng riêng của mình, danh ca này đã liệt kê một danh sách dài những lầm lỗi trong quá khứ của mình như nghiện ngập ma túy, miệt thị phụ nữ, có hành vi lạm dụng trong quan hệ với người khác và xem tiền bạc và danh tiếng như thước đo của tầm quan trọng và sự vĩ đại của một con người.
Trong bài tự thú, Bieber viết một câu đáng suy nghĩ: “Càng thêm tuổi càng phải khiêm tốn”. Anh cho biết: nổi danh ở tuổi 13, lúc nào anh cũng được “bu” xung quanh bởi những người luôn miệng tung hô rằng anh là một người “vĩ đại”. Anh được đưa lên chín tầng trời khi “chưa bao giờ học được những bài học căn bản về thế nào là trách nhiệm”. Thành ra chỉ vài năm sau, khi bước vào tuổi 18,  với hằng triệu Mỹ kim trong tay, anh muốn gì được nấy. Và đó chính là con đường dẫn anh đến “vong thân và thất vọng” (alien and disappointing).  Nhưng Bieber đã bừng tỉnh để nhận ra rằng sự vĩ đại đích thực của con người không nằm trong tiền bạc, quyền lực và danh vọng, mà chính là ý thức trách nhiệm và lòng khiêm tốn.
Nhìn nhận lỗi lầm của mình và nhận diện nguyên nhân gây ra lỗi lầm của mình, dù chỉ ở tuổi 25, Bieber đã tỏ ra khiêm tốn hơn rất nhiều người đáng tuổi cha và ngay cả  tuổi ông của anh. Không lạ gì trong một bài  đăng trên báo mạng của Đài CNN, nữ ký giả Anh Holly Thomas nói đến “Bài học mà Justin Bieber có thể dạy cho Boris Johnson và Donald Trump”
Về thủ tướng Anh thì tôi không rành lắm. Nhưng về tổng thống Trump thì tôi tin chắc rằng hai tiếng “xin lỗi” (sorry) không hề có trong tự điển của ông!
Danh ca 25 tuổi Bieber chỉ đáng tuổi gọi tôi bằng ông. Nhưng tôi thấy chẳng có gì phải hổ thẹn để tôn anh lên bậc sư phụ của tôi về sự khiêm tốn. Như anh đã nói “càng thêm tuổi càng phải khiêm tốn”, tôi có thể già đầu, nhưng không già dặn, nghĩa là không trưởng thành nếu sự khiêm tốn chưa phải là cột trụ của tòa nhà nhân cách của tôi.
Một trong những nhà tư tưởng nổi tiếng của Kitô Giáo là thánh Augustinô (354 -430) có nói: “Sự khiêm tốn làm cho con người nên giống thiên thần” (Humilitas homines sanctis angelis similes  facit). Chẳng ai thấy thiên thần như thế nào để bảo giống hay không giống. Có lẽ vị thánh này chỉ có ý nói rằng sự khiêm tốn chính là vũ khí để giúp kháng cự lại những bản năng thấp hèn và khơi dậy những đức tính tốt đẹp trong bản tính con người. Một cách cụ thể, chính nhờ khiêm tốn mà con người mới thực sự BIẾT mình, từ đó biết sống cảm thông, khoan nhượng và tử tế với người khác.




Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Thuốc lá điện tử và thuốc súng


David Perry
Chu Văn chuyển ngữ
Hình như đã có 6 người Mỹ chết vì hút thuốc lá điện tử. Tại Hoa Kỳ có lẽ đã có 450 người mắc những chứng bệnh về phổi do sử dụng thuốc lá điện tử và tại nhiều tiểu bang, các  Trung tâm Phòng chống Bệnh tật đang cho điều tra về bệnh phổi nghiêm trọng của những người hút thuốc lá điện tử. Về phần mình, Tổng thống Donald Trump đề nghị bài trừ thuốc lá điện tử có mùi thơm mà ông lo ngại là đang thu hút giới trẻ.
Chẳng có gì phải ngạc nhiên về việc một kỹ nghệ được xây dựng trên việc hít những chất bí hiểm nhưng lại không hề được thử nghiệm và kiểm soát đã có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, việc Tổng thống Trump loan báo bài trừ toàn diện thuốc lá điện tử có mùi thơm xem ra hơi cực đoan. Nếu bất thần ông nghĩ đến trẻ em và muốn cứu mạng người Mỹ thì đây là một gợi ý tốt hơn: hãy có những biện pháp nghiêm chỉnh để kiểm soát súng đạn!
Người Mỹ bị sát hại bằng nhiều thứ. Theo Trung tâm Phòng chống Bệnh tật, trong năm 2017, năm gần nhứt để có được các dữ kiện,  đã có hơn một triệu người tại Hoa Kỳ chết vì bệnh tim và ung thư và hàng trăm ngàn người chết vì bệnh hô hấp, tiểu đường, tai biến và những chứng bệnh khác. Dĩ nhiên, chúng ta có cả một hệ thống y tế chuyên nghiên cứu về những chứng bệnh này và đang tìm cách đề phòng cũng như chữa trị chúng. Mặc dù Đảng Cộng Hòa tìm cách ngăn cản, bộ máy chính quyền trung ương vẫn đầu tư nhiều vào việc phòng ngừa và chữa trị xuyên qua những chương trình như Medicaid, Medicare và Affordable Care Act, bởi vì chúng ta nhìn nhận rằng những cái chết này là điều có thể phòng ngừa được và chúng ta cũng đồng ý rằng các chính phủ nên cố gắng giữ cho dân chúng được an toàn và khỏe mạnh.
Thuốc độc, xe hơi và té ngã cũng là những tai nạn giết người chính và đáp lại, các bác sĩ, các nhà lập pháp và ngay cả toàn bộ kỹ nghệ tại Hoa Kỳ cũng đã hành động. Trong năm 2017, đã có 64 ngàn người chết vì vô ý bị đầu độc. Đây là nguyên nhân giết người lớn nhứt tại Hoa Kỳ. Để đề phòng những cái chết như thế Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA đã đưa ra những luật rất nghiêm nhặt về việc dán nhãn hiệu và nay chính phủ liên bang cũng đòi hỏi phải có những biện pháp an toàn, như phải có nút nắp an toàn cho trẻ con.
Xe hơi thường là một tên sát nhân lớn hơn, nhưng từ nhiều thập niên qua chính phủ liên bang cũng đã ra lệnh phải cải thiện những biện pháp an toàn cho xe hơi. Hơn nữa, khi xe hơi “giết” người thì các nhà sản xuất xe hơi có thể bị truy tố nếu xe có khiếm khuyết do đó các công ty chế tạo xe hơi chịu bỏ tiền ra để làm những chiếc xe an toàn hơn. Có những luật được Đảng Cộng Hòa bảo trợ nhằm nhìn nhận sự miễn tố cho kỹ nghệ súng thành ra điều đó (tức những biện pháp an toàn) đã không hề có đối với súng đạn.
Năm 2017, lần đầu tiên súng đạn đã giết nhiều người hơn xe hơi. Ngay cả việc vô tình bị nghẹt thở cũng đã khiến phải có biện pháp kiểm soát. Nếu bạn sản xuất bao nhựa, bạn bị buộc phải in những lời cảnh cáo về nghẹt thở để giữ cho trẻ con được an toàn. Thật vậy, 10 nguyên nhân hàng đầu vô tình gây tử vong tại Hòa Kỳ đều được kỹ nghệ và chính quyền các cấp kiểm soát chặt chẽ, ngoại trừ súng đạn.
Theo Tổ chức “An toàn súng đạn cho mọi thành phố” (Everytown for Gun Safety), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tranh đấu cho việc kiểm soát súng đạn và chống lại bạo động bằng súng đạn,  mỗi ngày có khoảng 100 người chết vì súng đạn và hàng trăm người bị thương. Trung bình mỗi ngày, trong số những người Mỹ bị giết bởi súng đạn có 7 trẻ em hay còn ở tuổi vị thành niên.
Shannon Watts, sáng lập viên của tổ chức “Những người Mẹ đòi hỏi phải có hành động đối với súng đạn tại Hoa Kỳ” (Moms Demand Action for Gun Sense in America), trong một cuộc nói chuyện trên điện thoại đã cho tôi biết: “Với tư cách là mẹ của một đứa con 19 tuổi, (tôi cho rằng) hút thuốc lá điện tử là một điều xấu và nguy hiểm. Nhưng sự khác biệt giữa thuốc lá điện tử và bạo động súng ống tại Hoa Kỳ là: tổng thống quan tâm đến một trong những vấn đề đặc biệt đó chỉ bằng một cú nhấn trên điện thoại cầm tay của ông”. Hội Cầm Súng (The National Rifle Association) đã tặng ít nhứt 30 triệu Mỹ kim cho chiến dịch vận động bầu cử của ông Trump hồi năm 2016 (Ông Trump đã bắn tiếng cho biết ông có thể ủng hộ một số biện pháp kiểm soát súng đạn. Trước đó ông cũng đã tuyên bố ủng hộ việc kiểm soát tư cách của người mua súng, nhưng sau đó rút lại ý kiến vì bị áp lực của Hội Cầm Súng. Thượng viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát sẽ không tiến tới việc kiểm soát súng đạn nếu không có sự chuẩn thuận của ông Trump).
So sánh súng đạn với thuốc lá điện tử có phải là một điều chính đáng không? Bà Watts nói: “Trong một quốc gia hoạt động một cách lành mạnh, chúng ta có thể quan tâm đến những nguyên nhân gây tử vong của tất cả mọi cuộc khủng hoảng về chăm sóc y tế. Chúng ta có thể quan tâm đến tất cả những cuộc khủng hoảng đó và điều chỉnh lại tất cả”. Tuy nhiên theo bà Watts, một trong những mối nguy hiểm lớn nhứt mà tổng thống không muốn biết đến chính là bạo động súng đạn.
Bà Watts muốn người Mỹ hoạt động để đề phòng bạo động súng đạn xảy ra hàng ngày cũng như những cuộc bắn giết hàng loạt khủng khiếp. Bà nói: “Chúng ta rất thường không để ý tới những vụ sát nhân bằng súng, những cuộc tự tử bằng súng, những vụ nổ súng vô tình. Chính bạo động súng đạn mới thực sự xé nát đất nước của chúng ta”.
Dường như đề nghị bài trừ thuốc lá điện tử có mùi thơm là sáng kiến của đệ nhứt phu nhân Melania Trump; có lẽ bà quan tâm đến cậu con trai của bà. Tuần này, bà đã “tuýt”: “Tôi vô cùng lo ngại trước cơn dịch sử  dụng thuốc là điện tử nơi con cái của chúng ta”. Hôm thứ Tư (11/9/2019) vừa qua, trong cuộc nói chuyện tại Phòng Bầu Dục, tổng thống Trump nói: “Chúng ta không thể để cho dân chúng mắc bệnh và chúng ta không thể để cho con cái chúng ta cũng bị lây”.
Tôi hoan nghênh hướng đi mới trong hành động của tổng thống. Giữa năm 1999 và 2017 (tức 18 năm), đã có 38.942 trẻ em chết vì bạo động súng đạn; chỉ trong năm 2018, có 73 em dưới 12 tuổi chết vì tai nạn do súng đạn. Tổng thống Trump đã có lý khi nói rằng chúng ta không nên để cho trẻ em bị lây nhiễm bởi thuốc lá điện tử, nhưng có lẽ cùng lúc chúng ta cũng phải cố gắng giữ cho chúng không bị bắn giết!


David Perry, ký giả kiêm sử gia. Ông hiện đang là cố vấn tại Phân khoa Lịch sử của trường Đại học Minnesota.

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

Hãy là nước!


Chu Thập
2/9/19
Theo dõi các cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ ở Hương Cảng trong hơn 11 tuần lễ vừa qua tôi thường nghĩ đến tài tử võ thuật Lý Tiểu Long( 1940-1973). Tôi cũng tin chắc rằng rất nhiều người trong số hơn 1.5 triệu người tham gia các cuộc biểu tình trong thời gian vừa qua đã tìm được nguồn cảm hứng từ nhà võ sĩ huyền thoại này.
Thật vậy, câu “thần chú” “Hãy là nước” (Be Water) được Lý Tiểu Long tụng niệm để tập luyện và xem như linh hồn của môn phái mới do ông sáng lập, đã được nhiều người Hương Cảng, nhứt là giới trẻ, đưa lên các trang mạng xã hội để kêu gọi nhau xuống đường trong tinh thần ôn hòa. Hình ảnh của hơn một triệu người âm thầm di chuyển trên các khu phố chính, các tòa nhà chính phủ hay ngay cả tại phi trường không thể không gợi lên một dòng nước chảy mạnh có sức phá vỡ mọi thứ cản ngại.
Câu thần chú “Hãy là nước” đã được Lý Tiểu Long ghi lại trong một bài văn nghi luận triết học tại Đại học Washington khi ông vừa đến Hoa Kỳ năm vừa tròn 18 tuổi với tư cách là một công dân của nước này. Trong bài luận văn, người thanh niên nhớ lại những bài học của sư phụ Yip Man, người thường chê trách thói ngựa non háu đá của anh. Người sinh viên triết học kể lại: “Sau nhiều giờ nghiền ngẫm và tập luyện, tôi đã quăng hết mọi thứ để xuống biển chèo xuồng một mình. Trên biển, tôi không ngừng nghĩ đến thời gian  đã tập luyện: tôi bực tức đến độ đã dùng nắm tay đấm vào nước! Chính giây phút đó một ý nghĩ đã chợt đến với tôi: phải chăng nước không là cốt lõi của “Công Phu” (Võ thuật Trung Hoa)? Phải chăng nước đã chẳng cho thấy tức khắc nguyên tắc của “Công Phu”? Tôi đã “đánh” nước, nhưng nước đã chẳng hề hấn gì...Cái chất này, vốn là thứ mềm mỏng nhứt trên thế giới, lại có thể được đựng trong bình chứa nhỏ nhứt, xem ra rất mỏng manh. Trong thực tế,  nước có thể đi vào chất liệu cứng nhứt trên thế giới. Vậy đó! Kể từ đó tôi đã tìm cách trở nên như nước”.
“Hãy là nước” (Be Water), câu thần chú này của Lý Tiểu Long không chỉ có giá trị trong võ thuật hay được áp dụng trong các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Hương Cảng. Tôi nghĩ nó cũng cần phải được mang ra tụng niệm trong trường học làm người. “Hãy là nước” có nghĩa là hãy tập luyện và ứng xử bằng chữ “Nhẫn”.
Trong triết lý Á đông cũng như trong ngôn ngữ Tây Phương, chữ “Nhẫn” không chỉ nói lên sự nhẫn nhục, chịu đựng khi đứng trước nghịch cảnh, nó cũng bao gồm những đức tính khác như tự chủ, khiêm tốn, khoan nhượng, quảng đại, nhân ái...Tựu trung đó là cột trụ và linh hồn của mọi nhân đức.
Nhưng ngày nay, sự tiến bộ nhanh chóng của kỹ thuật dường như không còn muốn dành một chỗ đứng cho một nhân đức như thế trong xã hội. Chữ nhẫn xem ra đã lỗi thời. Trong một cuộc nghiên cứu với một triệu người sử dụng mạng lưới thông tin toàn cầu, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng, chỉ trong khoảng 10 giây đồng hồ, một nửa những người sử dụng đã bỏ cuộc đối với những băng hình nào không chịu chiếu lên màn ảnh. Tệ hơn, những người sử dụng những thiết bị có tốc độ nhanh nhứt là những người bỏ cuộc nhanh nhứt. Điều này cho thấy sự tiến bộ kỹ thuật đang xói mòn sự kiên nhẫn của con người. Chờ đợi, ngay cả chỉ chờ đợi trong một thời gian rất ngắn, đã trở thành một sự tra tấn vượt quá sức chịu đựng của nhiều người. Từ thức ăn nhanh (fast food) cho đến bất cứ một nhu cầu nào khác, cái gì con người thời đại cũng muốn có tức khắc. Nhưng bạo phát thường cũng là bạo tàn.
Tôi không được học Hán văn cho đến nơi đến chốn. Nhưng tra tự điển Hán Việt, tôi thấy chữ Nhẫn được ghép từ hai chữ: Đao ở trên và Tâm ở dưới. Tâm, tức trái tim, mà không chịu nằm yên thì Đao, tức con dao, sẽ phập xuống tức thì. Như vậy, nếu biết nhẫn nhục chịu đựng thì dao có kề cổ cũng vẫn bình yên vô sự !
Dường như Michelangelo hay một bậc vĩ nhân nào đó đã nói: “Thiên tài là một sự kiên nhẫn trường cửu”. Riêng văn sĩ Pháp Jean de La Bruyère (1645-1696) giải thích: “Không có con đường nào quá dài đối với người cương quyết tiến tới và không vội vàng; không có vinh dự nào xa vời đối với người kiên trì chuẩn bị để lãnh nhận nó”.  Không là thiên tài, nhưng tuổi đời cũng vừa đủ để tôi nhận ra rằng có chữ Nhẫn con người có thể thành công trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Chỉ riêng với việc chăm sóc sức khỏe, tôi thấy rằng nếu thiếu chữ Nhẫn, có lẽ tôi chẳng còn sống cho tới  ngày hôm nay. Tôi đã thắng được một số bệnh tật nhờ kiên trì  chiến đấu chống lại một số “lăng nhăng” như thuốc lá và rượu cũng như nhờ vận động cơ thể mỗi ngày... Các nhà nghiên cứu thường đánh giá chỉ số sức khỏe của con người và chỉ số nhẫn nhịn của họ; sự nhẫn nhịn có thể thúc đẩy sức khỏe của con người. Chỉ số nhẫn nhịn của một người càng cao thì tâm lý của người ấy càng lành mạnh. Một cách cụ thể, sự nhẫn nhục có thể giúp làm giảm các cơn đau và khả năng mắc bệnh tim mạch...
Nhưng không đâu chữ Nhẫn quan trọng cho bằng quan hệ giữa người với người. Xét cho cùng, nhẫn nhục cũng chính là tên gọi khác của sự cảm thông. Có nhẫn nhục thì người ta mới chịu khó bỏ thì giờ công sức và tâm trí vào việc tìm hiểu và cảm thông với người khác. Người biết cảm thông là người không tìm cách miệt thị và loại trừ người khác, nhưng tìm cách biến họ thành bạn hữu và đồng minh. Hiểu như thế thì nhẫn nhục hay cảm thông không phải là biểu hiện của yếu nhược mà là sức mạnh.
“Hãy là nước”: đoàn người biểu tình ở Hương Cảng đã kiên trì tiến tới như một dòng nước! Tôi không biết rồi đây tương lai của một Hương Cảng tự do sẽ như thế nào. Biết đâu những gì xảy ra ở Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989 lại chẳng lập lại ở Hương Cảng trong những ngày sắp tới. Nhưng liệu sự đàn áp đã man của Trung Cộng có phải là một chiến thắng thực sự không?
Thế giới không chỉ dựa vào kinh tế để đánh giá sức mạnh của Trung Cộng. Hình ảnh của một người thanh niên vô danh không dùng một thứ khí giới nào khác hơn là tấm thân nhỏ bé còm cõi của mình để chận đứng nguyên một đoàn xe tăng thiết giáp đã nói lên sức mạnh đích thực của chữ Nhẫn: nó đã đánh thức được lương tâm của nhân loại trước những giá trị đích thực trong cuộc sống con người!
Đoàn người biểu tình ở Hương Cảng đã và đang là một dòng nước tiến tới trước bạo quyền. Họ có thể sẽ bị đàn áp một cách dã man. Các cuộc biều tình có thể sẽ bị dập tắt. Nhưng thế giới vẫn nhận ra rằng trong cuộc sống con người sức mạnh đích thực không phải là súng đạn hay bạo lực, mà là “dòng nước” của sự nhẫn nhục, cảm thông, ôn hòa, nhân ái.