Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Một con én không làm nên mùa xuân


Chu Thập
22/06/18
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, theo dõi những trận đấu mở màn của mùa Giải Túc Cầu Thế Giới 2018, tôi thường tự hỏi: không biết 4 năm sau mình còn sống để ngồi rung đùi thưởng thức các trận thi đấu nữa không? Quả thật tôi thường lấy Giải Túc Cầu Thế Giới làm đơn vị để tính tuổi đời của mình và cũng có lúc giở giọng triết lý “cùn” để tự an ủi: còn say mê bóng đá là còn hiện hữu! Say mê đến độ dù có lúc phải thức khuya hay dậy sớm hoặc trời mùa đông lạnh cỡ nào đi nữa, tôi cũng rán bò ra khỏi giường để theo dõi những trận đấu của những đội tuyển mà mình tự nhận là “tín đồ”.
“Nguội lạnh” trong việc thờ phượng, chớ với “đạo” bóng đá thì lúc nào và ở tuổi nào tôi cũng đều thấy mình “sốt sắng” cả. Theo dõi những màn gay cấn, tim tôi cũng đập mạnh, miệng tôi cũng hét sảng lên và chân tôi cũng đá lung tung trong không khí. Nhưng với riêng tôi, theo dõi bóng đá không chỉ là thưởng thức những màn giao banh đẹp hoặc những cú làm bàn hay, mà còn để rút ra những bài học làm người nữa. Sân cỏ cũng là một trường học và một trong những bài học mà tôi có thể học được từ sân cỏ lúc nào cũng  là tinh thần đồng đội và tình liên đới.
Trong những trận thi đấu mở màn cho mùa Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay, tôi cho rằng trận đấu giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sáng thứ Năm 14/6/18 vừa qua với tỷ số 3-3 là hào hứng nhứt. Đội tuyển Bồ Đào Nha, tuy vô địch Âu Châu năm 2016, nhưng lại không có nhiều “sao” cho bằng đội tuyển Tây Ban Nha. Tây Ban Nha, tuy có nhiều “sao”, nhưng lại không có một “siêu sao” như Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha. Bù lại, vì có nhiều “sao” hơn “siêu sao” cho nên Tây Ban Nha có lối chơi đồng đội rất uyển chuyển, hài hòa và tuyệt đẹp. Tuy thế, Đồ Đào Nha cũng có những đường banh đẹp và nhứt là lối thủ thành rất vững. Một mình “siêu sao” Ronaldo đã làm bàn đến 3 trái. Anh quả là người hùng của trận đấu. Nhưng Ronaldo hẳn đã không đạt được thành tích ấy nếu không có sự yểm trợ của đồng đội của anh. Dù có là “siêu sao” đi nữa, có lẽ anh cũng chỉ biết xách xe không chạy một mình trên sân cỏ nếu không có sự tiếp sức và yểm trợ của đồng đội của anh. Bóng đá là như thế. Một con én chẳng bao giờ làm được mùa xuân!
Nhìn sang trận đấu giữa đội tuyển Á Căn Đình và đội tuyển của quốc gia nhỏ bé nhứt tại Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay là Băng Đảo, tôi lại càng thấy rõ hơn hình ảnh của con én lẻ loi ấy. Tôi muốn nói đến “siêu sao” Lionel Messi.  Dù lúc nào cũng chiếu sáng trên các sân đấu quốc tế, Messi đã chẳng làm được trò trống gì khi thi đấu cho đội tuyển quốc gia Á Căn Đình. Dân đánh cá có lẽ đã nghĩ rằng một Á Căn Đình hùng hổ và được củng cố bởi sự có mặt của “siêu sao” Messi sẽ đè bẹp được một Băng Đảo nhỏ bé. Nhưng rốt cục, tỷ số 1-1 của trận thi đấu cho thấy một mình siêu sao Messi đã chẳng mang về cho quốc gia một chiến thắng vẻ vang nào cả.
“Siêu sao” không phải là tất cả trong bất cứ lãnh vực nào. Trong thế giới ngày càng được toàn cầu hóa hôm nay, tôi càng nhận ra sự cần thiết của tình đồng đội và liên đới.
Nếu trong túc cầu hiện có đến 2 siêu sao là Ronaldo và Messi thì trong chính trường thế giới dường như chỉ có độc một siêu sao là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tôi dám khẳng định như thế bởi vì hiện nay chẳng có nguyên thủ quốc gia nào “nổi” như ông và đầy quyền uy như ông. Phải công tâm nhìn nhận rằng ông là một người thông minh, tài ba, xuất chúng. Không thông minh, tài ba, xuất chúng thì làm sao một con người chưa từng có kinh nghiệm trên chính trường lại có thể đánh bại tất cả mọi đối thủ một cách dễ dàng và hiện đang nắm trong tay Đảng Cộng Hòa (GOP) là Đảng đang chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc hội, Đảng mà nhiều người gọi là Đảng của Donald Trump (Donald Trump’s GOP)  hơn là Đảng Cộng Hòa.
Tổng thống Donald Trump quả xứng đáng với danh hiệu đệ nhứt “siêu sao” trên thế giới hiện nay. Riêng với tôi ông là một hiện tượng mà tôi dành cho một niềm “đam mê” cũng gần như Giải Túc Cầu Thế Giới. Có ngày nào mà tôi không theo dõi tin tức về ông. Nhứt cử, nhứt động và nhứt là “nhứt ngôn” của ông, tôi không bỏ sót điều nào cả. Về ngôn từ của ông, theo ghi nhận của báo The Washington Post, kể từ lúc nhậm chức tổng thống đến nay, ông đã đưa ra 3001 tuyên bố không đúng sự thật (false) hay lừa dối (misleading), nghĩa là trung bình mỗi ngày ông nói dối khoảng 6.5 lần. Thật ra có ông tổng thống Mỹ nào mà không nói dối. Người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Barack Obama cũng nổi tiếng về nói dối. Nhưng so sánh với Tổng thống Trump, có lẽ ông Obama chưa xứng đáng để làm học trò của ông trong trò chơi nói dối.
Tôi theo dõi từng lời nói của Tổng thống Trump để đối chiếu với những hành động và cử chỉ của ông như được các cơ quan truyền thông ghi lại. Về chuyện này, tôi rất tâm đắc với câu nói quen thuộc: “Một bức hình có giá trị bằng  vạn (10 ngàn) lời nói” (One picture is worth ten thousand words). Lần đầu tiên tôi nắm bắt được đôi chút về tư cách của Tổng thống Trump khi ông đi dự hội nghị thượng đỉnh của khối Minh ước Bắc Đại tây dương NATO tại Brussels, Bỉ dạo tháng Năm năm 2017. Tại đây, khi các nguyên thủ quốc gia của khối chuẩn bị tìm chỗ đứng để chụp hình chung, ông đã kéo Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic ra sau để lấn lên phía trước. Một siêu sao quyền lực như ông phải đứng trước và đứng giữa mọi người thôi!
“Một bức hình có giá trị bằng vạn lời nói”. Có lẽ câu nói này cũng cần phải được áp dụng vào bức hình tại hội nghị thượng đỉnh khối G7 mới đây tại Gia Nã Đại được ghi lại và được tất cả các cơ quan truyền thông các nước, chớ không riêng các cơ quan truyền thông “Tin Giả” (Fake News như Tổng thống Trump luôn miệng cáo buộc) của Hoa Kỳ, đăng tải và bình luận. Trong bức hình, tôi thấy Tổng thống Trump ngồi khoanh tay, mặt nghểnh nhìn đi đâu đó trong khi tất cả các vị nguyên thủ các nước của khối G7 đứng bao quanh ông. Không biết các vị đang nói gì, nhưng có vẻ như mọi người muốn nài nỉ, van xin Tổng thống Mỹ một ân huệ nào đó. Nói gì thì nói, trong mắt tôi, Tổng thống Trump xuất hiện như một siêu sao lẻ loi, muốn làm gì thì làm, muốn nói gi thì nói như chỗ không người!
Có một bức hình khác cũng có giá trị bằng cả vạn lời nói của Tổng thống Trump. Đó là bức hình chụp ông đưa tay chào kiểu “nhà binh” trước khi bắt tay ông tướng Bắc Hàn No Kwang Choi có mặt trong hội nghị thượng đỉnh giữa ông và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un tại Tân Gia Ba ngày 12 tháng Sáu vừa qua. Bức hình  được cả thế giới nhìn thấy này không phải do các cơ quan truyền thông “Tin Giả” của Mỹ tung ra vì không có một phóng viên ngoại quốc nào được phép có mặt trong giây phút đó cả, mà do các cơ quan truyền thông của Bắc Hàn phổ biến. Không rõ tổng thống Trump nghĩ gì khi làm động tác đó, nhưng với Bắc Hàn thì đây là một “chúc lành” mà ông Trump muốn dành cho một chế độ độc tài khát máu nhứt trên thế giới hiện nay.
Đặt hai bức hình trên đây lại bên nhau, tôi thấy hình ảnh siêu sao của Tổng thống Trump càng rõ nét hơn . Siêu sao vì muốn chơi một mình, một chợ trên sân đấu chính trị thế giới. Thoạt tiên, ông tuyên bố rút Hoa Kỳ ra mọi hiệp ước đã ký với các nước như Hiệp ước Paris về khí hậu thay đổi, Hiệp ước NAFTA về thương mại với Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ, Hiệp ước đối tác thương mại TPP với các nước Á Châu-Thái Bình Dương. Gần nhứt, ông lại rút tên Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước nguyên tử với Iran. Một mình một chợ, trước sự phản đối của cả thế giới, ông cho dời tòa Đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem để chính thức nhìn nhận thành phố cổ này là thủ đô của Israel. Cứ theo lời tuyên bố của bà Nikky Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, vì hành động ủng hộ những vi phạm nhân quyền của Israel bị thế giới lên án, ông sẽ cho rút Hoa Kỳ ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Nhưng có lẽ vị trí siêu sao của ông nổi bật hơn cả trong hội nghị thượng đỉnh khối G7. Tại đây, ông đã tấn công các đồng minh thân cận nhứt của Hoa Kỳ và sỉ vả lãnh tụ của nước chủ nhà là Thủ tướng Gia Nã Đại Justin Trudeau. Không những đề nghị đưa một tên cướp đất là Vladimir Putin trở lại câu lạc bộ khối G7, ông còn bắn nguyên một tràng đạn “tuýt” để chửi rủa Thủ tướng Trudeau và bác bỏ thông cáo chung của Khối.
Tấn công các đồng minh của khối dân chủ và tự do, ông lại dành những lời lẽ tốt đẹp nhứt để ca tụng một tên đồ tể khát máu nhứt thế giới: nào là “cá tính vĩ đại và rất thông minh”, nào là “một nhà điều hành xứng đáng” được dân chúng răm rắp tùng phục, một sự tùng phục mà ông  muốn dân Mỹ và cả thế giới cũng  phải dành cho ông !
Tôi không biết cái bắt tay của Tổng thống Trump với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un tại Tân Gia Ba rồi đây có thực sự mang lại hòa bình cho thế giới không. Nhưng nó không khỏi làm cho một người tỵ nạn cộng sản  như tôi nhớ lại cái bắt tay lịch sử của Tổng thống Richard Nixon và đổ tể Mao Trạch Đông hồi năm 1972. Cái bắt tay ấy mang lại Giải Nobel Hòa Bình cho Ngoại trưởng Mỹ Henri Kissinger và đại diện Bắc Việt Lê Đức Thọ nhờ điều được gọi là Hiệp ước hòa bình Paris một năm sau đó. Cái bắt tay ấy dĩ nhiên cũng mở đường cho Trung Cộng ngang nhiên chiếm lấy Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Cái bắt tay ấy dĩ nhiên đã được đổi lấy bằng sinh mạng của cả dân tộc Việt Nam năm 1975.
Tôi không biết rồi đây điều gì sẽ xảy ra cho Nam Hàn và Nhựt Bổn. Chỉ biết rằng liền sau cái bắt tay của Tổng thông Trump với lãnh tụ Kim Jong-un, các cuộc tập trận chung thường niên giữa quân đội Mỹ và quân đội  đồng minh Nam Hàn mà tổng thống Trump dùng chính thứ ngôn ngữ tuyên truyền của Bắc Hàn để gọi là “trò chơi chiến tranh”(war games), đã được ra lệnh  phải ngưng lại! Bắc Hàn và Trung Cộng chỉ có thể ăn mừng vì lệnh này.
Tổng thống Trump đã muốn xuất hiện như vị cứu tinh duy nhứt có thể mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên và cho cả thế giới. Và để thực hiện sứ mệnh hòa bình ấy, ông đã gạt qua một bên cả thế giới và nhứt là những nước đồng minh thân cận luôn sát cánh với Hoa Kỳ. Ông quả là một “siêu sao” trên sân đấu chính trị. Ông muốn một mình giải quyết mọi vấn đề của thế giới!
Từ sân cỏ của Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay, tinh thần đồng đội của các tuyển thủ  nhắc nhở  tôi rằng trong cuộc sống, dù ở quy mô nào, tôi cũng cần phải có bạn và duy trì tình bạn : bạn ở mọi cấp độ, bạn học, bạn chơi,  bạn đồng nghiệp , bạn xóm giềng...Và dĩ nhiên, trong cuộc sống có lẽ không gì làm cho lương tâm tôi hổ thẹn cho bằng bắt tay với kẻ thù để phản bạn!






Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Băng Đảo: Quốc gia nhỏ bé nhất tại Giải Túc Cầu Thế Giới 2018



22/06/18
Một buổi sáng sớm năm 1973, một ngọn núi lửa tại miền Đông Băng Đảo phun. Nham thạch chảy tràn xuống thành phố Vestmannaeyjar, thuộc vùng Helmaey, hòn đảo lớn nhất trong Quần đảo Westman của Băng Đảo (Iceland).
Khi biến cố xảy ra, Helmir Hallgrimsson, đương kim huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia Băng Đảo chỉ mới được 5 tuổi. Ông đã theo gia đình lên một trong hàng trăm chiếc tàu đánh cá đang trú ẩn trong vịnh vì thời tiết xấu. Những chiếc tàu đánh cá đã vội vã chạy vào đất liền. 8 tháng sau, khi trở về làng, cậu bé 5 tuổi hầu như không còn nhận ra cảnh vật của ngôi làng thân yêu của mình nữa. Có thể Hallgrimsson không thể nhớ rõ từng chi tiết, nhưng sự tàn phá của núi lửa Eldfell để lại một vết sẹo khó tẩy xóa không những trên cảnh trí, mà còn cả trên tinh thần của dân chúng.
Ngày nay, ngồi trong vận động trường quốc gia ở Thủ đô Reykjavik, huấn luyện viên Hallgrimsson xem ra bình thản thư thái. Chỉ không đầy 3 tuần trước đây, ông đã mang về cho Băng Đảo tấm vé đầu tiên để tham dự Giải Túc Cầu Thế Giới 2018 tại Mạc Tư Khoa, Nga. Và lần đầu tiên xuất hiện trên đấu trường quốc tế, đội tuyển quốc gia Băng Đảo lại phải đụng đầu với một trong những đội tuyển hùng hậu nhất nhì thế giới là Á Căn Đình, đội tuyển nổi tiếng nhờ siêu sao Lionel Messi.
Xuất thân là một nha sĩ, huấn luyện viên Hallgrimsson xem ra quen với kềm kéo trong phòng giải phẫu hơn là nghệ thuật nhồi bóng. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhắc đến tên của Vestmannaeyjar, thị trấn nhỏ nơi ông chào đời, gương mặt của huấn luyện viên Hallgrimsson như sáng lên. Ông không chỉ là bộ mặt của đội tuyển quốc gia Băng Đảo, mà còn là đại sứ của hòn đảo với dân số chỉ vỏn vẹn 4.500 người, nhưng là 4.500 người từ trẻ đến già đều có một ý chí sắt đá. Huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Băng Đảo giải thích: “Núi lửa đã làm cho sự đoàn kết của dân chúng vững mạnh thêm nhiều, nhất là khi họ liên kết với nhau để chống lại những tai họa của thiên nhiên. Đây chính là một trong những yếu tố khiến bạn ý thức được bản sắc của bạn”.
Huấn luyện viên 34 tuổi này tin rằng chính nhờ cùng nhau bắt tay vào công tác dọn dẹp kéo dài hàng nhiều năm trời mà người dân Đảo Vestmannaeyjar đã rèn luyện cho mình được một ý chí sắt đá. Nham thạch từ núi lửa đã chảy tràn xuống thị trấn trong suốt 6 tháng trời. Công việc tái thiết do đó đòi hỏi thời gian và nhất là công sức của từng người.
Hallgrimsson tin rằng mọi người dân đảo, cũng như ông, nhờ chống chọi với thiên nhiên cũng như bị cô lập cho nên cũng có ý chí kiên cường hơn người dân khác tại Băng Đảo nói chung. Ông khẳng định rằng ý chí kiên cường ấy nằm “trong máu, trong thiên nhiên và trong văn hóa” của người dân Vestmannaeyjar.
Cho tới nay chưa từng có quốc gia nào nhỏ bé như Băng Đảo lại có được tấm vé để đi tham gia các trận thi đấu tại Giải Túc Cầu Thế Giới. Hồi năm 2006, Trinidad-Tobago được xem là nước nhỏ nhất tham dự Giải Túc Cầu Thế Giới. Vào lúc đó, dân số của Trinidad-Tobago cũng đã lên đến 1.3 triệu người, trong khi hiện nay dân số Băng Đảo chỉ mới trên dưới 334.000 người.
Mặc dù Băng Đảo là một quốc gia nhỏ bé, nhưng đội tuyển quốc gia của nước này cũng đã lập được một số thành tích đáng kể. Trong Giải Túc Vô Địch Túc Cầu Âu Châu hồi năm 2016, đội tuyển Băng Đảo đã lọt được vào vòng tứ kết sau khi đã đánh bại một đội tuyển sừng sỏ nhất nhì của lục địa là Anh Quốc.
Tại Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay, Băng Đảo phải đối đầu với những đội mạnh như Á Căn Đình, Nigeria và Croatia.
Với riêng đội Á Căn Đình, ngay từ nhỏ huấn luyện viên Hallgrimsson đã say mê một cách đặc biệt. Ông cho biết trong Giải Túc  Cầu Thế Giới năm 1978, tức năm siêu sao Diego Maradonna nổi tiếng với “Bàn tay Chúa” của ông (trong trận tứ kết giữa Á Căn Đình và Anh Quốc, ở phút thứ 51 của trận đấu, Maradona đã dùng tay đánh banh vào khung thành của Anh Quốc. Cú đánh tay lanh lẹ và kín đáo đến nỗi trọng tài không nhìn thấy. Maradona gọi cú đánh banh ăn gian đó là một món quà từ “Bàn tay của Chúa”), ông và các bạn học đã say mê đội Á Căn Đình đến độ mặc áo thun của đội này và chạy rong khắp các ngã phố. Năm nay đội tuyển Á Căn Đình vẫn còn được “chuyển lửa” cho từ bàn chân vàng của siêu sao Lionel Messi: đội tuyển quốc gia hùng mạnh nhất nhì Châu Mỹ La Tinh gặp đội tuyển của một quốc gia nhỏ bé nhất tại Giải Túc Cầu Thế Giới!
Cũng như tất mọi huấn luyện viên trên khắp thế giới, Hallgrimsson cũng đặt nhiều kỳ vọng vào đội tuyển quốc gia, mặc dù đối với hầu hết mọi người dân Băng Đảo, thắng hay thua không thành vấn đề. Với họ,  lần đầu tiên trong lịch sử  có được tấm vé để đi tham dự Giải Túc Cầu Thế Giới cũng đủ để mãn nguyện rồi. Vậy mà không ngờ, với tỷ số 1-1 trong trận đấu với Á Căn Đình, Băng Đảo đã chứng tỏ, dù chỉ là một nước nhỏ bé, họ vẫn có thể thi thố và cầm chân bất cứ nước nào!
Mùa hè năm nay quả là một mùa hè lịch sử đối với người dân Băng Đảo. Nhưng đối với riêng người dân thị trấn Vestmannaeyjar, mùa hè năm nay còn đặc biệt hơn. Thị trấn này chỉ nằm cách thủ đô Reykjavik khoảng 25 phút bằng đường hàng không hay 30 phút bằng đường thủy. Gặp biển động, có khi phải mất không dưới 3 tiếng đồng hồ.
Cũng như hầu hết các thị trấn hay thành phố khác của Băng Đảo, Vestmannaeyjar cũng có hàng quán, khách sạn và nhiều phương tiện giải trí khác. Đặc biệt vào mùa hè, du khách đổ xô đến đảo để thưởng thức liên hoan ca nhạc trên đảo. Bên cạnh các phương tiện giải trí,Vestmannaeyjar còn có rất nhiều sân thể thao: một sân Golf rộng lớn với 10 phần trăm dân số có thẻ hội viên. Với diện tích chưa tới 10 cây số vuông, Vestmannaeyjar có đến 4 sân túc cầu, rất nhiều thành viên của đội túc cầu địa phương là cầu thủ của đội tuyển quốc gia.
Thật ra, Vestmannaeyjar là một bức tranh thu nhỏ của toàn cảnh Băng Đảo. Hãy đến thử câu lạc bộ thể thao Breidablik tại một khu ngoại ô của Thủ đô Reykjavik. Tại đây, trong một ngày mùa Xuân, người ta sẽ thấy khoảng 100 thiếu niên nam nữ đang tập luyện trong một trong những sân túc cầu “trong nhà” (indoor) lớn nhất của Băng Đảo với sự hướng dẫn và theo dõi của nhiều huấn luyện viên. Hầu như thành phố nào của Băng Đảo cũng đều có những sân túc cầu “trong nhà” như thế. Nhờ vậy trẻ con lúc nào cũng có thể vận động cơ thể vào những ngày thời tiết xấu vốn thường xảy ra ở Băng Đảo. Nói chung, Băng Đảo hiện đang đầu tư rất nhiều vào sinh hoạt thể thao cho giới trẻ.
Không chỉ nhắm đến sức khỏe, Băng Đảo cũng rất chú trọng đến nghệ thuật thể thao, nhất là trong túc cầu. Cách đây 15 năm, không có một huấn luyện viên nào của Băng Đảo được Liên hiệp Túc cầu Âu Châu xếp vào hạng A hay B. Nay Băng Đảo đã có đến 716 huấn luyện viên tầm cỡ với khả năng chuyên môn và kinh nghiệm được công nhận. Bất cứ một cuộc tập dượt hay thi đấu nào của trẻ em cũng đều được một huấn luyện viên đầy kinh nghiệm hướng dẫn. Với một văn hóa “bóng đá” như thế, không lạ gì ngày nay Băng Đảo đã có được một đội tuyển có tầm cỡ tại Giải Vô Đích Túc Cầu Thế Giới 2018.
Cách đây một thập niên, Băng Đảo bị đánh bại bởi những đội tuyển của những nước nhỏ như Faroe Islands với dân số 49.000 người  và ngay cả Liechtenstein với dân số vỏn vẻn chỉ có 38.000 người. Nay sự có mặt của đội tuyển Băng Đảo tại Giải Túc Cầu Thế Giới cũng đủ nói lên một bước dài mà nước này đã làm được. Sự ủng hộ “gà nhà” của dân chúng dành cho đội tuyển quốc gia cũng là một yếu tố quan trọng. Tại Giải Vô Địch Âu Châu ở Pháp hồi năm 2016, có đến 27.000 người Băng Đảo, tức 8 phần trăm dân số, mua vé đi xem và dĩ nhiên để ủng hộ đội tuyển nhà. Danh thủ Maradona đã gọi Băng Đảo là một con “ngựa về ngược” (dark horse). Ông muốn ám chỉ đến những thành công bất ngờ của đội tuyển của quốc gia nhỏ bé nhất này. Riêng cựu danh thủ Đức Herbert Matthaus thì tiên đoán rằng đội tuyển Băng Đảo sẽ vượt qua được vòng loại khi thi đấu với các đội Á Căn Đình, Croatia và Nigeria. Thật ra chẳng ai đoán trước được kết quả của những trận đấu sắp tới. Nhưng việc Băng Đảo thủ huề được với Á Căn Đình quả là một điều ngạc nhiên lý thú!
Sự thành công và đi lên của đội tuyển quốc gia Băng Đảo đáng là một câu chuyện để dựng thành phim. Halldorsson, một nhà làm phim đã trở thành đương kim thủ môn của đội tuyển quốc gia Băng Đảo giải thích: “Chúng tôi không có những ngôi sao lớn. Chúng tôi chỉ chơi vì tình yêu đối với bóng đá và đối với quốc gia. Bạn có thể cảm nhận được niềm vui mà chúng tôi đang mang lại cho các ủng hộ viên của chúng tôi”.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Tạp chí Time, đương kim Tổng thống Băng Đảo, ông Giudni Johannesson đã có lần nhận định: “Bạn cần phải cẩn thận để đừng đánh giá một xã hội dựa trên những thành công về mặt thể thao”. Tuy nhiên, ông đã tỏ ra rất tự tin khi nói về đội tuyển quốc gia của nước ông: “Đối với một nước nhỏ như Băng Đảo trên thế giới toàn cầu hóa, chúng tôi thấy cần phải tự nhủ và nói với thế giới rằng chúng tôi có thể “đấm” mạnh hơn sức nặng của chúng tôi”.
Băng Đảo đã chứng tỏ được sức mạnh của thể thao trên đấu trường thế giới. Riêng trong nước cái triết lý “tất cả vì thể thao” mà Băng Đảo đã đề ra đã mang lại một phần thưởng rất khích lệ đối với người dân trong nước. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng việc tham gia của người dân vào các môn thể thao có tổ chức, vốn đã tăng gấp đôi kể từ đầu thập niên 1990, đã mang lại kết quả trong việc học hành cũng như lòng tự tin nơi trẻ em. Ngoài ra quan trọng hơn, hoạt động thể thao cũng đã làm hạ giảm đáng kể việc hút thuốc và sử dụng men rượu nơi trẻ em. Kari Jonsson, Chủ tịch ủy ban Thể thao và Giải trí của Thành phố Gardabaer giải thích: “Nếu bạn giữ cho trẻ em tích cực tham gia vào các môn thể thao có tổ chức, bạn sẽ thấy kết quả tốt đẹp đối với sức khỏe của chúng”. Theo ông, thể thao giúp cho trẻ em được khỏe mạnh không những về mặt thể lý, mà còn cả về tinh thần và xã hội nữa. Điều đó có lợi cho trẻ em và dĩ nhiên cũng có lợi cho cả cộng đồng.
Băng Đảo là một trường hợp cho thấy giá trị của câu châm ngôn của người La Mã từ ngàn xưa: “Một tinh thần lành mạnh trong một thể xác lành mạnh” (Mens sana in corpore sano).

(nguồn:
-https://edition.cnn.com/2018/06/15/football/iceland-2018-world-cup-russia-heimir-hallgrimsson-intl-spt/index.html
-The little country that could, How tiny Iceland crashed the party, Tạp chí Time June 18, 2018)

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Nghèo hay giàu cũng đều khóc cả!


Chu Thập
15.06.18

Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi cuộc họp thượng đỉnh lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un. Có người gọi đây là cuộc đối đầu giữa Chí Phèo và Bá Kiến. Nhưng cái chết của 2 nhân vật nổi tiếng của Mỹ là nhà nữ thiết kế thời trang Kate Spade và nhà đầu bếp Anthony Bourdain lại gợi lên cho tôi một hình ảnh khác: đó là cuộc gặp gỡ giữa một nước cùng đinh và đệ nhứt siêu cường thế giới. Nói cho cùng, đó là sự giáp mặt giữa người nghèo và người giàu. Và trong kiếp người thì giàu nghèo gì cũng đều chia sẻ chung một thân phận: khóc cười cũng giống nhau và chết cũng giống nhau!
Cuộc quyên sinh của nhà thiết kế thời trang Spade và nhà đầu bếp Bourdain đưa tôi đi vào một trong những bức tranh buồn thảm nhứt của thế giới hiện nay là cảnh con người tự kết liễu cuộc sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (Who), cứ mỗi 45 giây thì ở một nơi nào đó trên thế giới có một người tự tử. Nhưng trong 25 nước được xem là có tỷ lệ tự tử cao nhứt thế giới, đứng đầu danh sách dĩ nhiên là những nước nghèo. Nghèo khổ thường đẩy con người vào chỗ tuyệt vọng và dẫn đến tự tử.
Vào giữa lúc Chủ tịch Kim Jong-un đang được cả thế giới quàng lên đầu hào quang của một lãnh tụ làm nên lịch sử thế giới khi ông ngồi đồng bàn với Tổng thống Trump và ngay cả nhởn nhơ dạo phố và chụp hình “tự sướng” trên các đường phố ở Tân Gia Ba thì trong vương quốc “kín cổng cao tường” của ông, tuyệt đại đa số dân chúng đang quằn quại trong nghèo đói và khốn khổ trăm bề. Không lạ gì thiên đàng xã hội chủ nghĩa này đứng thứ nhì trong danh sách 25 quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhứt thế giới. Nhân quyền bị chà đạp, sự đàn áp dã man của chế độ, tình trạng nghèo đói cùng cực và căng thẳng thần kinh là những nguyên nhân khiến cho mỗi năm có đến hơn 10.000 người dân Bắc Hàn tìm đến cái chết như lối thoát duy nhứt. Có những trường hợp nguyên cả gia đình phải quyên sinh để tránh bị chế độ tàn ác của Kim Jong-un trù dập .
Nếu như nghèo đói, áp bức, khốn khổ...là những nguyên nhân đưa Bắc Hàn lên hàng thứ hai trong danh sách 25 nước có tỷ lệ tự tử cao nhứt trên thế giới, thì tại đệ nhứt siêu cường Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nơi có thừa mứa của cải vật chất và chẳng hề có bất cứ một sự đàn áp nào, ngày càng lại có nhiều người tự đi tìm cái chết. Cái chết của nhà thiết kế thời trang Spade và nhà đầu bếp Bourdain khiến cho nhiều người Mỹ phải giựt mình tự hỏi không hiểu sao trong vòng 17 năm qua, tỷ lệ tự tử tại Hoa Kỳ đã tăng vọt thêm 30 phần trăm. Theo các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ gọi tắt là CDC (Centers for Decease Control and Prevent), trung bình cứ  trong 100.000 người Mỹ sẽ có 16 người đi tìm cái chết. Chỉ trong năm 2016, đã có gần 45.000 người Mỹ tự tử, bất luận phái tính, tuổi tác, giàu nghèo, địa vị xã hội hay chủng tộc. Tự tử không kỳ thị ai hết!
Nghèo thì ở đâu cũng có. Giàu như Hoa Kỳ nhưng cũng đầy dẫy người nghèo. Có khi khoảng cách giàu nghèo tại nước này còn rộng lớn hơn  tại nhiều nước khác. Cho nên số người nghèo ở Mỹ tự tử chết không phải là ít. Nhưng điều khiến cho các chuyên gia y tế, tâm lý và xã hội học tại siêu cường này quan tâm nhiều hơn vẫn là tỷ lệ tự tử nơi người giàu có và nổi tiếng ngày càng tăng.
Cái chết của đầu bếp Bourdain là một trường hợp điển hình. Với những chương trình du lịch ẩm thực của ông, ông nổi tiếng và được yêu mến trên khắp thế giới hơn bất cứ danh nhân tài tử hay chính trị gia nào. Không những người Việt Nam trong nước mà có lẽ cả thế giới khó quên được cảnh ông ngồi đồng bàn với Tổng thống Barack Obama, vừa thưởng thức tô bún chả vừa uống bia trong quán  Hương Liên ở Hà Nội hồi năm 2016. Theo các nhà bình luận, qua các chương trình du lịch ẩm thực, ông đã mang vào từng gia đình trên khắp thế giới không những văn hóa ẩm thực mà còn cả cuộc sống, nhứt là cuộc sống lầm than khốn khổ, khốn khổ vì nghèo đói, khốn khổ vì bị áp bức  của không biết bao nhiêu người trên thế giới. Với nụ cười thân thiện và  nhân ái luôn nở trên môi của ông, không ai nghĩ rằng trong nội tâm sâu thẳm  của nhà đầu bếp nổi tiếng này lại  là cả một bầu trời u ám được bao phủ bởi những đám mây đen của trầm cảm. Trong một chương trình truyền hình hồi năm 2016, chính ông đã thú nhận rằng ông phải chiến đấu chống lại trầm cảm và nỗi cô đơn.
Trầm cảm, cô đơn...có thể là nguyên nhân dẫn đến tự tử nơi người Mỹ nói chung. Thật ra tự tử là một hành động phức tạp và đa diện. Các chuyên gia liệt kê một số yếu tố có thể đẩy đưa con người tìm đến cái chết: 42 phần trăm những vụ tự tử liên quan đến những vấn đề về quan hệ tình ái, 29 phần trăm vì gặp khủng hoảng hay căng thẳng trong cuộc sống, 28 phần trăm vì sử dụng các chất kích thích, 22 phần trăm vì bệnh thể lý hay tâm thần, 16 phần trăm vì công ăn việc làm hay vì tài chính, 4 phần trăm vì mất nhà cửa.
(x.https://www.psychologytoday.com/au/blog/view-the-mist/201806/suicide-about-the-numbers). 
Cũng theo theo các chuyên gia, tự tử cũng chẳng khác nào một căn bệnh lây lan. Một cuộc nghiên cứu được cho công bố trên báo PLOS One mới đây cho thấy cái chết của tài tử Robin Williams, danh hài nổi tiếng mang lại tiếng cười cho cả thế giới, hồi năm 2014 đã khiến cho tỷ lệ tự tử tại Hoa Kỳ tăng thêm 10 phần trăm.
Theo các chuyên gia, mẫu số chung của các cuộc tự tử trong những xã hội dư dật thường là sự trầm cảm. Ông bà ta thường nói: “càng cao danh vọng càng dầy gian nan”. Con người cố gắng leo lên đỉnh danh vọng. Nhưng từ đỉnh cao nhìn xuống, con người lại dễ thấy mình đứng chơ vơ một mình và cô đơn. Tiền bạc, danh vọng, sự nổi tiếng...thường không phải là khiên thuẫn chống đỡ cho con người trước nỗi cô đơn. Những người nổi tiếng, dù họ có giàu có hay được mộ mến đến đâu, cũng đều chia sẻ chung một thân phận con người như tôi. Hoàn cảnh bên ngoài của họ có thể ngoại hạng và khác thường, nhưng kinh nghiệm nội tâm của họ cũng giống như mọi người: họ cũng phải chiến đấu như mọi người! Họ cũng có những cảm xúc giống như tôi. Và dù cho họ có tiền rừng bạc bể và thành công cỡ nào, họ cũng không thể trốn chạy khỏi những thực tại của cuộc sống mà một người có trí não như tôi cũng phải đương đầu. Nhưng dù có chia sẻ chung một kiếp người, mỗi người vẫn là một thế giới riêng với những mảng tối riêng mà không một thứ ánh sáng nào có thể chiếu rọi vào được. Dù có những yếu tố chung đẩy con người đến chỗ cô đơn, tuyệt vọng và tự tử, mỗi một người vẫn có một lý lẽ riêng để tự kết liễu cuộc sống của mình.
George Eastman, cha đẻ của chiếc máy ảnh Kodak nổi tiếng một thời và là một nhà từ thiện hào sảng, đã kết liễu cuộc sống một cách khó hiểu ngày 14 tháng Ba năm 1932, hưởng thọ 77 tuổi, sau nhiều năm đau đớn vì bệnh đau lưng. Trong ngày cuối cùng, người độc thân già nua này đã ký những văn kiện cuối cùng để để lại tài sản cho nhiều người. Khi những người này vừa bước xuống khỏi thang lầu của ngôi nhà nguy nga đồ sộ của ông, các luật sư của ông đã nghe một tiếng nổ vang trời. Eastman đã dùng súng bắn vào trái tim của ông.
Đây là một hành động tự vẫn cương quyết và có tính toán. Trên bàn làm việc của ông, người ta đọc được vỏn vẹn mấy chữ: “Gởi các bạn của tôi. Công việc của tôi đã hoàn tất...Tại sao phải chờ đợi?” Ông đã không chờ đợi ai trả lời. Có thể có nhiều lý do để chờ đợi, ngay cả khi chúng ta thấy mình đã làm xong công việc và ngay cả khi chúng ta đau đớn yếu nhược. Về phần cha đẻ của máy hình Kodak chẳng hạn, có thể ông đã “ngộ” ra một điều gì đó mà ông cảm thấy lớn lao hơn những phát minh mà ông đã có. Chẳng ai biết được.
Mỗi một cuộc tự tử là một hành trình bí ẩn. Hầu hết những người tìm đến cái chết đều là những bệnh nhân. Không đau đớn trong thể xác thì cũng quằn quại trong tâm hồn. Nhưng cũng không thiếu những người, nhìn từ bên ngoài, lại là những người khỏe mạnh cả thể xác lẫn tinh thần và có cuộc sống xem ra hạnh phúc hơn ai hết. Không ai biết được tại sao và lúc nào họ sẽ tự kết liễu cuộc sống.
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, có lẽ tôi cũng có quyền nói rằng mình cũng đã trải qua nhiều thử thách và khổ đau trong cuộc sống.Thật ra đã là một người Việt Nam sống trong chế độ độc tài cộng sản, bị đày đọa trong chốn ngục tù và đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do trong cuộc vượt biên cũng đủ để vỗ ngực nói rằng mình đã  trải nghiệm đủ mọi thứ yếu tố có thể dẫn đến tự tử. Có lẽ một số rất ít người Việt Nam đã tìm đến tự tử như một lối thoát. Nhưng với cá nhân tôi, cho tới giờ phút này, có lẽ vì chưa nếm đủ mùi khổ lụy chăng, ý nghĩ tự tử chưa một lần thoáng hiện lên trong đầu óc tôi. Có thể đó là lý do tại sao tôi không bao giờ hiểu thấu được tại sao người khác tự tử. Chính vì vậy mà khi đứng trước một vụ tự tử, tôi chỉ biết tự nhủ rằng chỉ có một thái độ đúng đắn nhứt là cảm thông.
Cảm thông trước cái chết vì tự tử cũng là cả một cuộc hành trình lâu dài của tôi. Tôi vẫn nhớ mãi lúc nhỏ trong xóm đạo của tôi thỉnh thoảng cũng xảy ra một vụ tự tử. Thời đó và mãi cho  tới thời gian gần đây, luật của Giáo hội Công giáo vẫn còn xem tự tử là một “tội trọng”; tự tử là tiếm quyền làm chủ sự sống của Đấng Tạo Hóa và là một hành động xúc phạm đến Ngài; người chết vì tự tử không được mang vào nhà thờ để “hưởng” những nghi thức cuối cùng và nhứt là không được chôn cất trong nghĩa trang vốn được gọi là “đất thánh”. Tôi đã biết buồn khi nhìn đám tang của một người đồng đạo mà cánh cửa thiên đàng dường như đã được khép kín để chận lại. Đám tang nào cũng buồn. Nhưng có lẽ đám tang của một người bị loại ra khỏi cộng đồng chỉ vì tự tử lại càng buồn thảm hơn.
Ngày nay khi tự tử ngày càng trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong tại rất nhiều nước trên thế giới, nhứt là những nước thịnh vượng giàu có, tôi thấy cần phải nuôi dưỡng lòng cảm thông. Đứng trước cái chết của một người tự tử, tôi thấy mình cần có sự kính trọng và lòng cảm thông hơn bao giờ hết. Với tôi đây chính là ý nghĩa của thành ngữ “nghĩa tử nghĩa tận”. Xét cho cùng, đâu chỉ có cái chết vì tự tử mới khó hiểu và đòi hỏi lòng cảm thông. Cõi lòng của bất cứ một con người nào cũng đều là một vũ trụ bí ẩn cần được tôn trọng và cảm thông.






Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Tân Gia Ba và cuộc họp thượng đỉnh Trump-Un



15/06/18
Một số  địa điểm như Thụy Điển, Vùng Phi Quân Sự giữa Bắc Hàn và Nam Hàn, Mông Cổ và Thụy sĩ đã được đề nghị làm nơi  tổ chức cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, nhưng cuối cùng Tân Gia Ba đã được chọn lựa.
Thật ra nhiều người không ngạc nhiên khi Tân Gia Ba được chọn làm địa điểm của cuộc họp thượng đỉnh lịch sử này. Quốc gia hải đảo với dân số trên dưới 5 triệu người này có một đội ngũ ngoại giao cũng như an ninh và tình báo được cả thế giới trọng nể. Quốc gia này cũng đã chứng tỏ là một trong những nơi an toàn nhất để tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh quan trọng. Thật vậy Tân Gia Ba đã đứng ra tổ chức nhiều cuộc họp thượng đỉnh cho các quốc gia của khối Đông Nam Á cũng như nhiều cuộc gặp gỡ song phương khác. Năm 2009, Tân Gia Ba đã được chọn để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh của khối APEC (Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương). Mới nhất là cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu hồi năm 2015.
Tân Gia Ba thường được chọn làm địa điểm của những cuộc họp thượng đỉnh vì nước này có nhiều khách sạn và trung tâm với nhiều tiện nghi cũng như được trang bị đầy đủ để bảo đảm an ninh tối đa. Ngoài ra quốc gia giàu có này cũng cho biết luôn sẵn sàng chịu các phí tổn của các cuộc họp thượng đỉnh. Đây là điều mà một nước nghèo như Mông Cổ không thể đảm nhận được.
Một trong những lý do khác khiến Tân Gia Ba được chọn làm nơi gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un chính là vị trí của nước này. Thật vậy, về mặt địa lý, Tân Gia Ba gần với Bắc Hàn hơn là Thụy Điển hay Thụy Sĩ. Người dân Bắc Hàn có thể đến Tân Gia Ba dễ dàng hơn là đi qua các nước Âu Châu.
Ngoài ra còn có một lý do khác quan trọng hơn: cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, Tân Gia Ba vẫn duy trì các mối quan hệ với Bắc Hàn, đồng thời cũng giữ liên lạc chặt chẽ với Hoa Kỳ. Tân Gia Ba đã thiết lập và duy trì quan hệ ngoại giao với Bắc Hàn từ hơn 40 năm qua và cũng như nhiều nước Đông Nam A khác, đã  từng có quan hệ ngoại thương với Bắc Hàn. Nhưng tình hình đã ít nhiều thay đổi sau khi Bắc Hàn chủ mưu ám sát ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của Chủ tịch Kim Jong-un tại Mã Lai hồi năm ngoái và nhất là kể từ khi Tổng thống Trump tung ra chiến dịch trừng phạt kinh tế Bắc Hàn.
Trước năm 2016, người dân Bắc Hàn có thể đến Tân Gia Ba mà không cần xin chiếu khán nhập cảnh. Nhờ vậy, các viên chức chính phủ Bắc Hàn có thể đến Tân Gia Ba để chữa bệnh và đi mua sắm. Một cách nào đó, đảng viên và thành phần giàu có của Bắc Hàn đã ít nhiều làm quen với cuộc sống tại Tân Gia Ba.
Trước vụ ám sát ông Kim Jong-nam và những biện pháp trừng phạt kinh tế do Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Bắc Hàn, nhiều nước Đông Nam Á vẫn muốn gia tăng các quan hệ ngoại thương với Bắc Hàn khi quốc gia cộng sản này tỏ dấu muốn cởi mở về kinh tế và mời gọi nước ngoài đầu tư.
Riêng về quan hệ với Hoa Kỳ, trên danh nghĩa Tân Gia Ba không phải là một đồng minh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, về an ninh Tân Gia Ba vẫn là một đối tác gần gũi nhất của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Xuyên qua nhiều thời tổng thống, các viên chức Mỹ luôn đặt nhiều tin tưởng nơi cơ quan tình báo, các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao của Tân Gia Ba. Hai bên đã hợp tác với nhau trong nhiều vấn đề chiến lược.
Dưới nhiều khía cạnh Tân Gia Ba là nơi an toàn nhất để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trump-Un, bởi vì quốc gia hải đảo này có những luật lệ rất khắt khe để giới hạn các cuộc biểu tình. Tại nước này, phải có giấy phép của cảnh sát mới được tổ chức những cuộc tập trung công khai. Tại trung tâm Tân Gia Ba có một công viên có tên là “Góc dành cho các diễn giả” (Speakers’ Corner). Đây là nơi duy nhất được phép biểu tình mà không cần xin phép. Tuy nhiên ngay cả tại nơi này cũng có một số giới hạn: không cần giấy phép, nhưng cũng phải có sự chuẩn thuận của chính quyền và người ngoại quốc tuyệt đối không được phép tham dự!
Khi được báo chí hỏi: liệu có phải vì Tân Gia Ba giới hạn các cuộc phản đối mà nước này được chọn làm địa điểm của cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không, Tòa Bạch Ôc chỉ trả lời rằng chính phủ “đã trình bày quan điểm của chúng tôi và tin tưởng ở tự do ngôn luận”.
Là một quốc gia thịnh vượng, tân tiến được xây dựng trên một số giá trị của nền dân chủ Tây Phương, nhưng Tân Gia Ba đã bị chỉ trích nhiều vì áp dụng luật pháp và trật tự một cách độc tài với những hình phạt mà thế giới cho là quá nặng đối với một số hành vi phạm pháp như nhai kẹo cao su, khạc nhổ và vẽ bậy. Ngay cả quan hệ tính dục giữa nam đồng tính cũng bị trừng phạt. Các tổ chức bênh vực nhân quyền đã không ngừng lên tiếng chỉ trích Chính phủ Tân Gia Ba vì mỗi năm phạt đánh roi hàng trăm tù nhân. Hình phạt này được thế giới biết đến vào năm 1994 khi một thiếu niên Mỹ tên là Michael Fay bị đánh roi vì vì vẽ bậy lên xe và các nơi công cộng. Chính phủ Mỹ, kể cả đích thân Tổng thống Bill Clinton có lên tiếng xin tha, Tân Gia Ba vẫn ra lệnh dùng roi trừng phạt người thiếu niên. Phản đối là một hành động hầu như là bất hợp pháp tại Tân Gia Ba. Đây có thể là điều mà cả Tổng thống Trump lẫn chế độc độc tài Kim Jong-un đều tán thành.
Chính vì Tân Gia Ba luôn giới hạn quyền tự do phát biểu mà một người Úc đóng vai Chủ tịch  Kim Jong-un đã bị giữ lại tại phi trường và bị các giới chức an ninh thẩm vấn vì chính kiến của mình. Tuy nhiên, sau đó người đàn ông tự xưng là Howard X, với khuôn mặt, mái tóc, y phục đại cán và điệu bộ rất giống với Chủ tịch Kim, đã được nhận diện tại trung tâm Thành phố Tân Gia Ba; ông đi rảo phố, bắt tay và chụp hình với dân chúng. Nhân vật Kim Jung-un “giả” này cho biết mục đích của chuyến đi của ông là để cầu chúc cho cuộc họp thượng đỉnh Trump-Un được thành công mà thôi.
Tuy trung tâm Thành phố Tân Gia Ba là một nơi rất an toàn cho các cuộc họp thượng đỉnh, nhưng địa điểm của cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Un lại là một đảo nhỏ có tên là Sentosa. Sentosa có diện tích khoảng 5 cây số vuông, nằm cách đảo chính khoảng nửa cây số. Đây là hòn đảo lớn thứ tư của Tân Gia Ba. Đảo Sentosa có 3.2 cây số đường biển gồm toàn cát trắng. Trên đảo có một khách sạn 5 sao có tên là Capella Hotel. Đây chính là nơi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un. So với cuộc sống nhộn nhịp quay cuồng ở trung tâm  Thành phố Tân Gia Ba, Sentosa là một nơi rất yên tĩnh.
Ngày nay đến Sentosa, du khách chỉ thấy bãi biển, các khách sạn sang trọng, các sòng bài và sân Golf, nhưng trong thời Đệ nhị Thế chiến đây là nơi đã từng được quân đội Nhật dùng làm chỗ để giam giữ các tù binh Anh và Úc Đại Lợi. Sentosa cũng đã từng là nơi một số người Tân Gia Ba gốc Hoa bị xử tử vì bị tình nghi hoạt động chống lại Nhật Bản.
Chỉ từ thập niên 1970, sau một cuộc thi đặt tên hòn đảo do bộ du lịch Tân Gia Ba tổ chức, hòn đảo này mới được gọi là Sentosa, theo tiếng Mã Lai có nghĩa là “an bình và thanh thản”. Sentosa bắt nguồn từ “Santosha” trong tiếng Phạn (Sancrit) có nghĩa là “hài lòng, thỏa mãn”. Trước đó, tên của đảo này là Pulau Blakang Mati, có nghĩa là “Đảo nơi Tử Thần đang chờ đợi”.
Đảo Sentosa đã trải qua nhiều lần thay tên đổi họ. Cho đến năm 1830, hòn đảo này có tên là Pulau Panjang, nghĩa “đảo dài”. Không rõ tại sao hòn đảo này lại được cải tên thành Pulau Blakang Mati.
Có người cho rằng sở dĩ hòn đảo này được đặt tên là “Đảo nơi Tử Thần đang chờ đợi” là bởi vì nó đã từng là cứ địa của bọn cướp biển và do đó cũng là nơi diễn ra các vụ cướp bóc, giết người.
Theo một giải thích khác, được gọi là “Nơi Tử Thần chờ đợi” bởi vì đây là nơi hồn các tử sĩ chọn làm nơi cư trú vĩnh viễn.
Cũng có người cho rằng sở dĩ được đặt tên là “nơi Tử Thần đang chờ đợi” bởi vì vào thập niên 1840, một cơn dịch bệnh đã bùng nổ trên đảo và quét sạch toàn bộ cư dân đầu tiên trên đảo là sắc tộc Bugi. Theo Bác sĩ Robert Little, người được giao mở cuộc điều tra về cái chết hàng loạt của người Bugi, nguyên nhân cái chết là một loại sốt được gây ra bởi một loại khói bốc lên từ lá khô pha trộn với nước bẩn trên đảo.
Giải thích hợp lý hơn có lẽ là tình trạng khô cằn, thiếu đất canh tác của hòn đảo. Nhìn từ biển khơi, cảnh trí của hòn đảo xem ra không “bắt mắt” đối với các thủy thủ.
Ngay cả cho tới thập niên 1990, Chính phủ Tân Gia Ba cho xây dựng nhiều công trình trên đảo để thu hút du khách. Nhưng Sentosa vẫn chưa đủ sức hấp dẫn đối với du khách. Nhiều người mỉa mai nói rằng Sentosa là tên viết tắt của câu “So Expensive and Nothing to See Also”, nghĩa là “Quá đắt và cũng chẳng có gì để xem”.
Trong thời Đệ nhị Thế chiến, Sentosa đã được Anh quốc biến thành một pháo đài quân sự lấy tên là Fort Siloso. Nhưng dù được trang bị tận răng, pháo đài này cũng không đủ sức chống trả trước sức tấn công của quân đội Nhật. Năm 1942 quân Đồng minh đầu hàng. Pháo đài Fort Siloso được quân đội Nhật biến thành một trại tù để giam giữ các tù binh Anh và Úc. Đây cũng là thời gian mà có đến 300 người dân gốc Hoa vì tình nghi có hoạt động chống lại Nhật Bản đã bị xử tử trên đảo này.
Năm 1943, Nhật Bản đầu hàng. Tân Gia Ba được trao trả lại cho Anh Quốc. Pháo đài Fort Siloso trên Đảo Sentosa biến thành một quân trường để huấn luyện các tân binh người địa phương trước khi gởi họ đến những đơn vị khác của quân đội Anh tại Tân Gia Ba.
Năm 1967, Anh Quốc trao trả độc lập cho Tân Gia Ba. Căn cứ quân sự trên Đảo Sentosa được giao cho quân đội Tân Gia Ba.
Vào thập niên 1970, Chính phủ Tân Gia Ba quyết định biến Đảo Sentosa thành một địa điểm du lịch cho người trong nước và du khách nước ngoài. Với mục đích này, nhiều thế hệ người dân gốc Hoa và Mã Lai đã từng sinh sống trên đảo bị chính phủ dời vào Tân Gia Ba và cho cư trú trong những căn hộ nhỏ bé, nhưng giá cao.
Đây là một quyết định gây nhiều tranh cãi. Nổi tiếng là “Đảo Tử Thần” trong thời Đệ nhị Thế chiến, Sentosa cũng được biết đến như một nơi lưu đày của một số nhà bất đồng chính kiến. Năm 1989, cựu tù nhân chính trị đã từng được đề cử lãnh giải Nobel Hòa Bình là ông Chia Thye Poh đã từng bị lưu đày tại Sentosa 3 năm rưỡi sau khi bị giam tù 23 năm.
Có phải đây là hình ảnh của một quốc gia mà một chế độ độc tài khát máu như Bắc Hàn và một ông tổng thống luôn lên tiếng ca ngợi các chế độ độc tài đã chọn để gặp nhau không?



(nguồn:
-https://www.cnbc.com/2018/06/08/why-trump-and-kim-picked-singapore-for-meeting.html
-https://en.wikipedia.org/wiki/Sentosa)





Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Tình nghĩa xóm làng



Chu Thập
08/08/18


Càng về già tôi càng thấy mình “trùm sò”. Tôi ít khi đi mua sắm. Mà có phải mua sắm thì lúc nào cũng dè xẻn, tính từng đồng từng cắc và xem xét thật kỹ các món hàng. Chẳng hạn khi mua thức ăn, nhứt là những sản phẩm đã được chế biến, tôi luôn tìm đọc cho bằng được bản chỉ dẫn về các thành phần cấu tạo: chất đạm có phải là thành tố chính không, có nhiều tinh bột không, mỡ bao nhiêu phần trăm, đường bao nhiêu “cà ram”, ít hay nhiều muối, một phần ăn phải cần bao nhiêu ca lo ri mới đốt cháy hết v.v...Kỹ như thế là vì càng lúc tôi càng ý thức rằng mình ăn uống như thế nào thì người mình như thế đó (We are what we eat).
Quan tâm đến thức ăn bao nhiêu tôi cũng cẩn thận bấy nhiêu khi đi mua sắm đồ gia dụng và nhứt là quần áo. Tham gia phong trào chống Trung Cộng cho nên hễ cứ thấy cái nhãn hiệu “Made in China” hay dưới một thương hiệu kín đáo và lừa gạt hơn như “Made in P.R.C” (made in People’s Republic of China = Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), thì kẹt lắm không còn chọn lựa nào khác, tôi mới đành phải mua. Riêng về quần áo thì gần đây nhà tôi luôn nhắc tôi phải triệt để trong “quan hệ” với Tàu cộng. Càng chống Tàu cộng, nhà tôi càng tỏ tình liên đới với những nước nghèo hơn, đặc biệt là Bangladesh. Cứ đi mua sắm quần áo, nhà tôi ưu tiên chọn thương hiệu “Made in Bangladesh”, nhất là kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại một hãng may mặc ở nước này dạo tháng Tư năm 2013. Vụ hỏa hoạn đã làm cho trên cả ngàn người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương. Bangladesh hiện có khoảng 5000 hãng may mặc mà phần lớn các sản phẩm đều được xuất cảng ra các nước Tây Phương trong đó có Úc Đại Lợi. Cứ mỗi lần mua sắm hay mặc lên người một y phục được may sẵn từ Bangladesh, tôi không thể không nghĩ đến đồng lương rẻ mạt của các công nhân may mặc: một ngày lương của họ có khi không bằng số tiền mà một công nhân có lương thấp nhứt tại một nước Tây Phương như Úc Đại Lợi kiếm được chỉ trong nửa tiếng đồng hồ! Tôi không thể ăn mặc mà không nghĩ đến công lao mồ hôi nước mắt và nỗi khổ đau của không bao nhiêu công nhân tại những nước nghèo. Nói cho cùng, cho vào miệng một miếng thức ăn hay trùm vào người một chiếc áo là đi vào tình liên đới với mọi người trong ngôi làng toàn cầu này. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, tiêu thụ cũng có nghĩa là phải sống tình liên đới nhân loại.
Cám ơn Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Thế giới có được toàn cầu hóa như ngày nay một phần cũng nhờ con ngựa đầu tàu là đất nước vĩ đại này. Sau Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ trồi lên như quốc gia hùng mạnh nhứt trên hành tinh. Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Franklin Roosevelt đã khai sinh ra những cơ chế quốc tế qua đó mỗi một quốc gia trên thế giới, dù nhỏ bé và yếu kém đến đâu, cũng đều có thể góp phần vào việc kiến tạo một thế giới ổn định và hòa bình trong đó Hoa Kỳ là trọng tâm. Không phải do tình cờ mà những tổ chức như  Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Thế Giới đều đặt trụ sở tại Hoa Kỳ. Cũng không phải do ngẫu nhiên mà trong 70 năm qua, tất cả các tổng thống Mỹ đều xây dựng các chính sách ngoại giao với mục đích lôi kéo thế giới đứng về phía Hoa Kỳ để kiến tạo một thế giới liên đới, hòa bình và ổn định.
Dĩ nhiên, Hoa Kỳ lúc nào cũng là một quốc gia luôn đặt quyền lợi của mình lên trên hết. Nhưng trong khi đeo đuổi những quyền lợi và sức mạnh của mình, Hoa Kỳ cũng luôn giương cao ngọn cờ của những giá trị mà quốc gia này xem như nền móng của sự phú cường. Những giá trị đó là tự do, dân chủ, nhân quyền, kinh tế thị trường, tiến bộ.v.v...Ngay cả những nước độc tài như Liên Xô, dù chỉ trên danh nghĩa và ngoài môi mép, cũng phải ký tên vào Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các hiệp ước đặt nền tảng trên những giá trị ấy(x.Time, Undoing the World America made...21/5/2018).
Với những giá trị được Hoa Kỳ đề ra, thế giới đã trở thành một ngôi làng trong đó mọi quốc gia đều liên đới với nhau và cùng nhau đeo đuổi những mục tiêu chung như một thị trường chung, một hệ thống môi sinh chung, một trách nhiệm chung. Nhờ liên kết với nhau thành một ngôi làng mà thế giới đã đạt được những tiến bộ vượt bực. Rõ ràng nhứt là trong lãnh vực chống đói giảm nghèo. Vào năm 1981, có đến 44 phần trăm nhân loại sống trong nghèo nàn cùng cực. Nay tỷ lệ này chỉ còn 10 phần trăm. Tiện nghi vật chất không còn là độc quyền của một số thành phần giàu có trong một nước giàu mạnh  mà được chia sẻ cho mọi người ở mọi hang cùng ngõ hẻm và ở những vùng sâu xa hẻo lãnh nhứt trên trái đất. Hình ảnh của chiếc điện thoại di động hay ngay cả chiếc điện thoại “tinh khôn” tối tân giữa một sa mạc khô cằn hay trong rừng già bên Phi Châu cũng đủ để nói lên sự tiến bộ chung của nhân loại mà thế giới toàn cầu hóa ngày nay đã cho phép mọi người đều được hưởng dụng.
Quả thật Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ vĩ đại đã góp phần xây dựng thế giới toàn cầu hóa ấy. Nhưng kể từ một năm nay, mọi sự đã bắt đầu thay đổi. Trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20 tháng Giêng năm 2017 cũng như trong hầu hết các bài diễn văn quan trọng sau đó, với 2 khẩu hiệu “Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) và  “Hoa Kỳ trước hết” (America first), Tổng thống Donald Trump luôn xem cái thế giới mà chính Hoa Kỳ đã góp phần nhào nặn  nên như một kẻ thù của Hoa Kỳ. Ông luôn nói với đám đông ủng hộ ông rằng cái công trình mà Hoa Kỳ đã thực hiện ấy phải chịu trách nhiệm về “những quyết định kinh tế đã bóc lột giai cấp công nhân của chúng ta, đã tước đoạt sự thịnh vượng của chúng ta và bỏ tiền vào túi của một nhóm nhỏ những đại công ty và các thế lực chính trị”. Ông rút Hoa Kỳ ra khỏi hầu hết những hiệp ước quan trọng với nhiều nước và với cả thế giới mà các chính phủ trước đã vận động và ký kết. Mới đây Tổng thống Trump lại bắn phát súng khai hỏa cho cuộc chiến thương mại chống lại hầu hết mọi quốc gia trên thế giới kể cả những nước đồng minh thân cận nhứt của Hoa Kỳ. Cứ như Hoa Kỳ đã là nạn nhân bị các nước trên thế giới bóc lột tận xương cốt!
Hoa Kỳ hiện vẫn còn là thế lực quân sự vô địch trên thế giới. Hoa Kỳ vẫn đang là siêu cường kinh tế số một thế giới. Dưới thời Tổng thống Trump, kinh tế của Hoa Kỳ lên như diều gặp gió. Mức thất nghiệp xuống thấp chưa từng thấy. Cũng như ông tổng thống lúc nào cũng cho mình cái gì cũng “nhứt” hết, “Hoa Kỳ trước hết” và tách riêng ra khỏi thế giới toàn cầu hóa ngày nay có lẽ hiện cũng đang “nhứt” về mọi mặt.
Nhưng trong tình liên đới nhân loại, tôi cũng chia sẻ nỗi lo chung của nhiều người Mỹ hiện nay.Thật vậy, nhiều người Mỹ lo ngại rằng người Mỹ “nhứt” về mọi mặt nhưng lại yếu kém về đạo đức. Theo kết quả của một cuộc thăm dò do viện Gallup thực hiện và được công bố hôm 1 tháng Sáu 2018 vừa qua, có gần 50 phần trăm dân chúng Mỹ tin rằng đạo đức trong nước Mỹ đang suy thoái và có hơn ba phần tư nghĩ rằng sẽ còn tệ hại hơn (x. Người Việt online 2/6/2018). Riêng cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, trong bài diễn văn đọc trong lễ mãn khóa tại một trường võ bị ở Lexington, Tiểu bang Virginia dạo trung tuần tháng Năm vừa qua, cũng đã cảnh cáo rằng Hoa Kỳ đang trải qua một cuộc “khủng hoảng ngày càng lớn về đạo đức và sự lương thiện”, mà cụ thể là tấn công vào sự thật. Theo ông, sự thật là “nguyên tắc chính yếu của một xã hội tự do”.
Nói đến “đạo đức” tôi thường không nghĩ đến các thực hành tôn giáo cho bằng cuộc sống lương thiện và vị tha của con người. Với tôi người đạo đức thiết yếu phải là người biết sống tình người. Khi nghĩ đến sự xuống cấp của xã hội Mỹ về đạo đức, tôi liên tưởng đến trước tiên khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Hoa Kỳ là nước giàu có nhứt trên thế giới. Hoa Kỳ có nhiều tỷ phú nhứt trên thế giới. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là trong 35 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế gọi tắt là OECD, tức gồm các nước phát triển và giàu có nhứt thế giới, Hoa Kỳ lại đứng hàng thứ 3 về tỷ lệ có nhiều người nghèo nhứt. Cứ trong 5 đứa trẻ Mỹ, có một em hiện đang sống trong một gia đình được chính phủ Mỹ xếp vào loại “không được an toàn về thực phẩm”, nghĩa là “không có đủ thực phẩm để có được một cuộc sống lành mạnh và tích cực” (x. Time 28/5/2018). Chỉ mới đây thôi, sau 2 tháng đi thăm viếng một số tiểu bang, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc là ông Philip Alston tường trình rằng bất công xã hội tại Hoa Kỳ ngày càng tồi tệ . Theo ông, với 1.5 ngàn tỷ Mỹ kim mà chính sách thuế mới của Tổng thống Trump tặng cho giới doanh nghiệp và người giàu có, “những người có thế lực chính trị mạnh được giảm thuế, trong khi những người nghèo bị đẩy ra bên lề xã hội phải vác lấy gánh nặng mà không làm gì được”.
Bất công xã hội, chênh lệch giàu nghèo trước tiên là hậu quả của chính sách cai trị trong một quốc gia. Chế độ càng độc tài thì khoảng cách giàu nghèo càng sâu rộng. Trung Cộng và Việt Nam là 2 quốc gia điển hình. Hai nước này đang ăn nên làm ra; con số người giàu ngày càng nhiều. Nhưng hố ngăn cách giữa giàu nghèo trong 2 chế độ cộng sản độc tài này cũng ngày càng lớn và sự xuống cấp đạo đức cũng ngày càng trầm trọng. Khoảng cách giàu nghèo chính là thước đo của sự xuống cấp đạo đức. Trong xã hội của 2 nước cộng sản này, kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình tung ra khẩu hiệu “giàu có là vinh quang” hay “không quan trọng là mèo trắng hay mèo đen, miễn là nó bắt được chuột” cách đây đúng 40 năm, cứu cánh biện minh cho phương tiện và “mạnh ai nấy sống” đã trở thành kim chỉ nam cho sự giàu có. Con người xã hội chủ nghĩa đạp lên nhau để sống và để làm giàu. Sự vô cảm trước nỗi khổ đau của người đồng loại đã trở thành nét đặc thù trong con người mới xã hội chủ nghĩa.
Thật ra vô cảm và dửng dưng trước nỗi khổ đau của người đồng loại đâu chỉ là nét đặc thù của con người xã hội chủ nghĩa. Trong những nước tự do và giàu có, sự tham lam cũng có thể làm cho con người ra mù lòa và câm điếc trước tiếng kêu than của người nghèo.
Ở tuổi già, tôi thường nhớ lại những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ và tuổi thơ của tôi thì hoàn toàn gắn liền với ngôi làng quê mùa nghèo nàn của tôi. Nghèo của cải vật chất nhưng lại giàu tình liên đới. Đó là nơi người ta có thể chia sẻ với nhau từ rau cải trái cây trong vườn đến giúp nhau dựng nhà dựng cửa hay ngay cả chạy bộ hàng cây số trong đêm tối để rước bà mụ về cho người hàng xóm. Đó là trường học đầu tiên của tôi về tình liên đới và tình nghĩa xóm làng. Bà con cũng là hàng xóm và hàng xóm cũng là bà con. Tôi không bán bà con xa nhưng vẫn muốn mua láng giềng gần. Tha nhân, dù ở tận chân trời góc bể nào, giờ đây cũng đều là láng giềng gần của tôi.











Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

Hoa Kỳ và người Mỹ gốc Á Châu



08/06/18
Cụm từ “Mỹ Á” hay “Mỹ gốc Á” (Asian American) lần đầu tiên đã xuất hiện tại Hoa Kỳ vào năm 1968. Trong 50 năm qua, người Mỹ gốc Á đã gia tăng và cũng ngày càng trở nên đa dạng hơn.
Khi được hỏi có phải là người Mỹ gốc Á không hoặc cho biết chủng tộc của mình, nhiều người không ngần ngại xác định rằng họ là người Mỹ gốc Nhật, gốc Thái, gốc Phi, gốc Đại Hàn hay gốc Việt Nam hơn là Mỹ gốc Á.
Daryl Maeda, giáo sư về “Mỹ Á” học tại Đại học Colorado, tác giả của cuốn sách “Rethinking the Asian American Movement” (đặt lại vấn đề về phong trào Mỹ Á), cho rằng khi tự nhận là người Mỹ gốc Á Châu, nhiều người không nghĩ đến nguồn gốc, lịch sử hay bản sắc của mình cho bằng kêu gọi tranh đấu cho công bằng xã hội và bình đẳng không riêng cho mình mà cho tất cả mọi người xung quanh.
Theo các nhà hoạt động xã hội và học giả, nguồn gốc của từ “Mỹ gốc Á Châu” xuất hiện tại Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 1968. Hai sinh viên Yuji Ichioka và Emma Gee của trường Đại học Berkeley, Tiểu bang California, được gợi hứng từ Phong trào Tranh đấu của người Da đen và những cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam, đã đứng ra thành lập Liên minh Chính trị Mỹ Á (Asian American Political Alliance) để liên kết các bạn sinh viên gốc Nhật Bản, Trung Hoa và Phi Luật Tân trong trường.
Nhưng theo ông Ronald Quidachay, người đã thành lập Hội Sinh viên Phi Luật Tân tại Đại học San Francisco năm 1967, vào thời điểm đó không có nhiều người tự nhận là người Mỹ gốc Á. Ông Quidachay hiện là thẩm phán tại một tòa án tối cao ở San Francisco, giải thích rằng mặc dù không ý thức về căn tính “Á Châu” của mình, nhiều sinh viên Á Châu đã cùng với các sinh viên thuộc các nhóm sắc tộc khác như Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh và Thổ dân đã liên kết với nhau để yêu cầu đại học cho mở các môn học về chủng tộc cũng như nhu nhận thêm các sinh viên da màu hơn.
Nhiều người không ý thức về bản sắc Á Châu, bởi vì theo ông Quidachay, từ “Mỹ gốc Á” có thể gợi lên nhiều đau khổ và tủi nhục của một số người Mỹ gốc Á Châu. Ông cho biết: người dượng ghẻ của ông là một người Phi đến từ Đảo Guam. Cha của người dượng ghẻ này đã bị người Nhật Bản chặt đầu trong thời Đệ nhị Thế chiến. Do đó, người Mỹ gốc Á Châu ý thức về bản sắc dân tộc của mình hơn là những điểm chung với những người Mỹ gốc Á Châu khác.
Theo Giáo sư Maeda, người Mỹ gốc Á Châu tại Hoa Kỳ thường không đứng chung với nhau trong cùng một chính nghĩa. Năm 1902, khi Hoa Kỳ ban hành luật bài Trung Hoa, người di dân Nhật đã không chống lại luật đó và trong thời Đệ nhị Thế chiến, khi hậu duệ của người Nhật bị đưa vào các trại tập trung bên trong Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Hoa và Đại Hàn đeo một số phù hiệu lên người để khẳng định rằng họ không phải là người Nhật. Với người Mỹ gốc Hoa và Đại Hàn, chuyện bất công không phải là giam giữ người Nhật gốc Mỹ mà là đồng hóa họ với người Nhật một cách “bất công”.
Tuy không nhận mình là người gốc Á Châu, nhưng nhiều người Mỹ gốc Á Châu nhìn nhận rằng từ ngữ này nói lên nhiều vấn đề mà họ cùng chia sẻ với nhau như lịch sử di dân, vấn đề bóc lột sức lao động và nạn kỳ thị chủng tộc. Ngoài ra, từ ngữ này cũng liên kết họ lại khi phải tranh đấu cho cùng một chính nghĩa. Người Mỹ gốc Á Châu thà sử dụng từ này hơn là từ “Đông phương” (Oriental) vốn có hàm ý miệt thị trên cửa miệng của người Tây Phương.
Theo bà Karen Umemoto, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu về người Mỹ gốc Á Châu tại Đại học UCLA, California, “Đông phương” luôn gợi lên quá khứ bành trướng và đế quốc của Anh quốc và sau này của Hoa Kỳ. Tây phương nhìn về “Đông phương”, tức Á Châu như một phần đất để chinh phục và cai trị cũng như một đối đe dọa. Chính vì vậy mà họ mới nói đến “nạn da vàng”.
Theo ông Paul Ong, giáo sư chuyên về người Mỹ gốc Phi Châu tại Đại học UCLA, từ “Người Mỹ gốc Á Châu” được sử dụng lần đầu tiên trong cuộc kiểm tra dân số Mỹ năm 1980. Và phải đợi cho đến năm 2016, Chính phủ Hoa Kỳ mới chính thức cấm sử dụng từ “Đông Phương” trong luật liên bang và khuyến khích dùng từ “người Mỹ gốc Á Châu”.
Nhưng phải mất nhiều thập niên từ này mới trở thành phổ thông tại Hoa Kỳ. Theo bà Helen Zia, tác giả của cuốn sách “Những giấc mơ của người Mỹ gốc  Á Châu: sự trổi dậy của một lớp người Mỹ” (Asian American Dreams: The emergence of an American People) biến cố đã làm nổi bật từ này là vụ sát hại một người Mỹ gốc Hoa hồi năm 1982. Người Mỹ gốc Hoa này tên là Vincent Chin. Biến cố đã xảy ra khi một số công nhân của một công ty chế tạo xe hơi tại Detroit bị sa thải vì công ty này không thể cạnh tranh với các hãng chế tạo xe hơi của Nhật Bản. Vì bị nhận lầm là một người Nhật Bản cho nên ông Vincent Chin đã bị một số công nhân Mỹ chính hiệu  sát hại. Chính vụ sát hại này đã khiến cho nhiều người Á Châu phẫn nộ và liên kết họ lại với nhau.
Là người đứng ra huy động cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu để lên án việc sát hại ông Chin, bà Zia nói rằng trên toàn quốc đã dấy lên một phong trào liên kết người Mỹ gốc Á Châu lại với nhau. Vào thời điểm đó, trên toàn nước Mỹ, chỉ có khoảng 3.5 triệu người Mỹ gốc Á Châu, nghĩa là không đầy 2 phần trăm dân số Mỹ.
Sự liên kết người Mỹ gốc Á Châu sau cái chết của ông Chin đã gây được một tiếng vang rộng rãi trong nước Mỹ và khiến cho nhiều người Mỹ da trắng phải ý thức rằng có một cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu tại Hoa Kỳ. Thật vậy, cho tới thời điểm đó, phần lớn người Mỹ không hề ý thức rằng có người Mỹ gốc Á Châu đang sống giữa họ. Cùng lắm, mỗi khi nhắc đến người Mỹ gốc Á Châu, người Mỹ da trắng chỉ hỏi: họ từ đâu đến vậy? Họ cũng nói được tiếng Anh sao? v.v...
Thật ra trước đó gần 2 thập niên, luật pháp Hoa Kỳ đã nhìn nhận sự hiện diện của một cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu. Luật Di trú và Quốc tịch được Chính phủ Mỹ ban hành năm 1965 đã nới rộng việc đón nhận di dân từ Á Châu. Những cuộc xung đột tại Đông Nam Á Châu đã gia tăng con số di dân đến từ các nước như Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.
Mặc dù được nhìn nhận như một khối Á Châu, nhưng mỗi sắc dân đều cố gắng bảo tồn bản sắc và những nét đặc trưng của mình. Bà Kathy Ko Chin, Chủ tịch của Diễn đàn Y Tế người Mỹ gốc Á Châu và Thái Bình Dương, giải thích rằng, nhìn chung như một khối, người Mỹ gốc Á Châu và Thái Bình Dương được xem là nhóm người mua  bảo hiểm y tế cao nhất tại Hoa Kỳ trong năm 2013. Tuy nhiên, khi phân tách các số liệu, bà Chin nhận thấy rằng không phải tất cả mọi nhóm trong khối này đều có chung tỷ lệ ấy. Chẳng hạn trên 20 phần trăm người Mỹ gốc Đại Hàn không có bảo hiểm y tế. Đây là tỷ lệ cao nhất nếu so với các nhóm sắc dân khác.
Theo kết quả cuộc kiểm tra dân số năm 2016, hiện có khoảng 21.4 triệu người Mỹ gốc Á Châu đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Họ đến từ trên 20 quốc gia khác nhau của lục địa Á Châu. Thật ra người Á Châu đã có mặt tại Hoa Kỳ ngay từ Thế kỷ thứ 17. Nhưng đợt di dân rộng lớn nhất chỉ bắt đầu vào giữa Thế kỷ 18. Từ thập niên 1880 đến thập niên 1920, Chính phủ Hoa Kỳ đã hạn chế tối đa số người di dân từ Á Châu và cũng có lúc hầu như cấm không cho bất cứ người Á Châu nào được đặt chân đến Hoa Kỳ. Chỉ từ thập niên 1940 đến thập niên 1960, luật di trú mới được cải tổ, người di dân đến Mỹ không còn bị tra xét về màu da và chủng tộc của mình. Kể từ đó, con số người di dân vào Mỹ từ Á Châu mới gia tăng đáng kể. Nếu xét về nguồn gốc, có lẽ Phi Luật Tân là sắc tộc có mặt tại những phần đất nay được xem là Hoa Kỳ ngay từ Thế kỷ 16. Năm 1763, người Phi đã lập một cộng đồng nhỏ tại Saint Malo, Tiểu bang Louisana, sau khi đã trốn khỏi cuộc đàn áp của thực dân Tây Ban Nha. Sau người Phi là người Hoa. Năm 1789, các thủy thủ người Hoa đã đặt chân đến Hawaii. Nhưng phần lớn người Hoa, người Đại Hàn và người Nhật Bản chỉ di dân đến Hawaii vào Thế kỷ 19: họ đến đây để làm công nhân trong các đồn điền mía. Riêng người Hoa đã ào ạt đến Bờ Biển Miền Tây Hoa Kỳ vào giữa Thế kỷ 19. Đây là thời kỳ diễn ra cuộc Tây Tiến về California để tìm vàng. Những người Hoa đã tích cực tham gia vào kinh doanh khai thác vàng và xây dựng đường xe lửa xuyên lục địa. Ngay từ năm 1852, người ta tính cũng có đến hơn 20.000 người Hoa có mặt tại Thành phố San Francisco. Người Nhật Bản di dân sang Hoa Kỳ nhiều nhất dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng năm 1868. Năm 1898, khi Tây Ban Nha nhường hải đảo Phi Luật Tân lại cho Hoa Kỳ, tất cả mọi người Phi đều trở thành công dân Mỹ. Đây là thời kỳ người dân Phi di dân sang Hoa Kỳ nhiều nhất. Sau Đệ nhị Thế chiến và nhất là sau chiến tranh Việt Nam,  số người Á Châu, nhất là từ các nước Đông Nam Á, lại càng gia tăng. Hiện nay, cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu được xem là nhóm sắc tộc gia tăng nhanh nhất tại Hoa Kỳ. Với đà gia tăng và những dị biệt ngày càng lớn, nhiều vấn đề được nêu lên khi nói về người Mỹ gốc Á Châu.
Ông Sarah Suong, Giám đốc điều hành của Phong trào Sinh viên có tên là Providence dành cho giới trẻ gốc Đông Nam Á tại Rhode Island, nói rằng với tư cách là một người tỵ nạn Cam Bốt, ông thường cảm thấy như mình không thuộc về nhóm người Mỹ gốc Á Châu. Ông Suong cho biết: do thất bại ở trường học, bị xách nhiễu, bị cảnh sát theo dõi, bị giam tù...nhiều người như ông luôn cảm thấy mình bị loại trừ bởi chính người Mỹ gốc Á Châu. Có khi chỉ vì màu da của mình.
Thật ra không riêng gì một số người tỵ nạn Cam Bốt như ông Suong, mà nhiều người di dân Nam Á cũng đều tự hỏi họ có thuộc về nhóm người Mỹ gốc Á Châu không. Nhìn kỹ, khác với lục địa Phi Châu, vốn ít hay nhiều có cùng một màu da hay người Âu Châu hoặc một số nước Trung Đông vốn giống nhau về màu “da trắng”, người Mỹ gốc Á châu thì trái lại rất đa dạng. Không thể lầm lẫn người Hoa da vàng với người Ấn độ hay người Nam Á có nước da đen. Do đó, nhiều người gốc Á Châu tại Hoa Kỳ không dễ dàng nhìn nhận mình thuộc về cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu. Sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001, nhiều người Mỹ gốc Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan...cảm thấy lo sợ hơn nhiều người Mỹ gốc Á Châu khác chỉ vì niềm tin tôn giáo và màu da của họ.
Nhìn chung, cộng đồng di dân và hậu duệ người di dân từ Á Châu ngày càng đa dạng. Nếu còn liên kết với nhau thì có lẽ người Mỹ gốc Á Châu chỉ liên kết để chống lại kỳ thị, xách nhiễu, thành kiến và bất công trong xã hội Mỹ mà thôi.


(nguồn:
-https://www.nbcnews.com/news/asian-america/after-50-years-asian-american-advocates-say-term-more-essential-
- https://www.google.com.au/search?q=asian+american)