Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Tập tành viết lách



Thi Văn

Hôm nọ, có người bạn thấy tôi hí hoáy viết nên đùa: “Bây giờ có giờ để tập tành viết lách rồi há!” Tôi chỉ cười. Một cách nào đó, cũng đúng.

Tuy nhiên, với tôi, khi đã rời ghế nhà trường, khi đã không còn phải viết theo một đề tài do ai đó đưa ra, chúng ta không còn trong giai đoạn “tập tành viết lách” nữa. Ngữ pháp có thể chưa hoàn chỉnh. Cấu trúc có thể chưa mạch lạc. Cách viết có thể chưa đủ sức chuyển tải. Những điều đó không thể “giáng cấp” ai đó vào loại “tập tành viết lách” nếu như họ đang diễn tả “chủ đề” do chính họ lựa chọn. 

Trước đây tôi thích chọn "ngôn ngữ" yên lặng, nhất là trong thời đại thông tin toàn cầu. Cho đến nay, tôi vẫn tin sức mạnh của sự yên lặng. Bởi ít ra, trong khi sự ồn ào và hỗn loạn của thông tin toàn cầu và các mạng xã hội có thể mang đến đủ mọi hỉ nộ ái ố cho những người trong và ngoài cuộc, yên lặng thường không làm chuyện đó. 

Với tôi, yên lặng cũng là một cách phát biểu tư tưởng của mình. Yên lặng cũng có “tiếng nói” của nó. Tôi đã chọn cả hai, nhưng yên lặng nhiều hơn. Tôi biết nhiều người cũng như vậy. Nhất là nếu đang phải sống trong một xã hội thiếu quyền tự do ngôn luận. Giữ yên lặng. Vừa nhàn vừa yên thân. 

Thế nhưng khi nhìn thấy sự lạm dụng quyền tự do thông tin và phát biểu thiếu trách nhiệm của nhiều người trên thế giới mạng, tôi phải tự hỏi, yên lặng vào lúc này có còn thật sự đúng lúc hay không?Làm sao để giữ được quân bình giữa yên lặng và lên tiếng?

Làm sao để có thể sống hoà đồng giữa những ồn ào bất tận và sự yên lặng trong lành?

Cuối cùng tôi chọn lên tiếng cho “yên lặng” bằng những dòng chữ. Với tôi, viết lách là cách tốt nhất để “đấu tranh” cho yên lặng. Vì chúng ta thường đọc bằng mắt chứ không đọc bằng miệng. Chữ viết có thể tôn trọng yên lặng nhưng những cách phát biểu tư tưởng khác như nói, hát thì không. Tôi mong là những người ồn ào cũng phải biết tôn trong sự yên lặng của người khác. Đừng gán hay nhét vào miệng họ những gì không phải của họ khi cho rằng "đâu có ai phản đối!" 

Tôi luôn cám ơn cuộc đời vì đã được sống ở một nơi mà tôi có thể “viết” mà không phải “lách”. Tôi thương những người hoặc phải chọn yên lặng hoặc phải tìm mọi cách để phát biểu tư tưởng mà không liên lụy cho chính mình và gia đình. Một nhạc sĩ trẻ trong nước đã chẳng từng viết: "Mỗi đêm ta ngồi ta viết, ta chỉ mong không bị cấm ngăn" đó sao? Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh đó, nhìn đâu cũng thấy bị rình rập. Cảm giác đó đã khiến tôi không còn muốn nói thật những gì mình nghĩ đến độ tôi thấy mình mất bản năng bộc lộ ý kiến. Lúc nào cũng đắn đo. Cho nên, nói rằng tôi đang “tập tành viết lách” cũng đúng một phần là vậy. Tôi đang tập “nói” trở lại. Tôi đang tập lấy lại bản năng hồn nhiên của một con người như nhà thơ Phùng Quán đã viết: “yêu ai thì nói là yêu, ghét ai thì nói là ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu”. 

Và qua “viết lách”, tôi đang “tập” làm người. 

Bởi lẽ, người ta đã chẳng thường cho rằng “văn là người” đó sao?

Thi Văn







Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Ngu như...người!

 



Chu Văn

Tôi ở cách thành phố Sydney về hướng Bắc chỉ độ khoảng hơn một giờ lái xe. Xa cộng đồng người Việt, phía sau nhà lại có cả một dãy núi rừng thuộc lâm viên quốc gia cho nên mỗi lần liên lạc bằng điện thư với một ông bạn thân ở Marrickville, một khu ngoại ô của Sydney được ông Việt hóa thành “Ma Cốc”, tôi cũng bắt chước cái giọng kiếm hiệp của ông để gọi nơi mình đang sống là “Cùng Cốc”. Mà cùng cốc thiệt, bởi vì hầu như quanh năm ngày tháng, hiếm họa lắm mới có bạn bè và người thân ở Sydney chịu khó quá bộ đến thăm. Ngoài hai con khỉ già, trong nhà tôi chỉ có mỗi một bạn thân là cậu chó. Lúc nào cậu cũng có mặt bên cạnh tôi. Sáng sớm thức dậy, vừa kéo màn cửa phòng ngủ đã thấy cậu túc trực bên ngoài. Không phải là “thú cưng”, cậu đâu được sống trong nhà, chớ đừng nói tới chuyện ngủ cùng giường với tôi. Dù vậy, cái khoảng cách ấy vẫn không làm cho mối quan hệ giữa chúng tôi và cậu chó trở nên lạt lẽo. Cậu chó không những là bạn mà còn là “thày” dạy tôi rất nhiều bài học.

Vốn là hậu duệ của giống chó săn Samoyed phát xuất từ mãi trên vùng Siberia của Nga, cậu chó nhà tôi vẫn còn giữ nguyên cái bản năng săn mồi, đặc biệt đối với giống gà lôi rừng (bush turkey) mà tôi ghét cay ghét đắng bởi vì chúng chuyên phá hoại vườn tược của tôi. Về mặt này thì quả thật cậu chó nhà tôi “thông minh như người”. Ngoài những lúc ngủ ngày hoặc ngồi nhìn ra vườn với vẻ mặt đăm chiêu như một triết gia, lúc nào cậu cũng chăm chỉ ngước nhìn lên ngọn đồi phía sau nhà để theo dõi xem có chú gà lôi rừng nào xuất hiện không. Những khi “phát hiện” được một đối tượng, cậu không tức khắc động thủ đâu, mà chỉ ngồi đó sủa đổng. Chờ cho đến khi nhà tôi hay tôi xuất hiện, cậu mới nhanh nhẹn trèo đồi vượt núi để săn đuổi con gà lôi rừng. Hoàn thành nhiệm vụ, cậu liền chạy xuống và chờ chúng tôi thưởng cho một món ăn đặc biệt (treat) cậu ưa thích nhứt. Thí nghiệm của Pavlov ứng dụng một cách rất chính xác vào cậu chó nhà tôi. Ba điều kiện ắt có và đủ để cậu ứng xử theo bản năng săn mồi của cậu là: một con gà lôi rừng xuất hiện, sự có mặt đúng lúc của chúng tôi và dĩ nhiên, một phần thưởng đang chờ đợi cậu. Thiếu một trong ba yếu tố này, còn lâu cậu mới chịu làm việc. Riêng tôi học được bài học từ cậu chó: bất tác bất thực! Muốn ăn thì phải làm việc!

Tôi rất hãnh diện về cậu chó nhà tôi. Trong vùng tôi đang sống, có lẽ chẳng có cô cậu chó nhà nào đắc dụng và thông minh cho bằng cậu chó nhà tôi. Ngoài tài săn mồi, cậu chó nhà tôi còn nổi bật vì cái tên rất đặc biệt của cậu. Ở Việt Nam trước kia, ngoài giống chó berger hay danois được nuôi để giữ nhà, phần lớn chó cỏ trong nhà đều không có tên. Cùng lắm không cún thì cũng vằn hay vện mà thôi. Nhưng nhập gia tùy tục, từ ngày rước cậu chó về nhà, chúng tôi phải bù đầu bứt tóc mới tìm cho cậu được một cái tên “Tây” có thể nói lên hết cá tính của cậu. Nhận thấy cứ mỗi lần dắt cậu đi dạo, gặp bất cứ cô cậu chó nào khác đang tiến lại gần, cậu cũng đều gầm gừ nhào vô tấn công, tôi muốn tìm một cái tên nào khả dĩ gợi lên được cái tính khí hung hăng ấy. Cậu về nhà tôi năm 2016, tức năm tỷ phú Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ. Ông đánh đâu thắng đó. Chưa từng làm chính trị, vậy mà ông đã có thể  hạ gục tất cả  những đối thủ sừng sỏ nhứt của cả hai đảng chính trị uy thế nhứt ở Mỹ. Tôi tra tự điển thấy động từ trump trong tiếng Anh có nghĩa là chơi lá bài chủ và thắng. Tôi vỗ đùi “eureka” một tiếng: còn tên nào thích hợp cho cậu chó nhà tôi cho bằng “trump”. Nhưng sợ phạm húy, tôi “rửa tội” cho cậu và đặt tên cho cậu là “Trumpy”.

Tuy không dính dáng gì đến tổng thống thứ 45 của Mỹ, nhưng cái tên “Trumpy” của cậu chó nhà tôi quả thực dễ gây tranh cãi. Những người Việt sùng bái ông Trump thì cho rằng tôi có ý chơi xỏ hay xúc phạm đến ông hoặc chính tình cảm của những người sùng bái ông. Nhưng đối với dân Úc rặc thì lại khác. Người Tây Phương vốn thích ai thì lấy tên người đó để đặt cho thú cưng của mình. Khi được tôi giải thích về ý nghĩa của động từ trump và tên của cậu chó nhà tôi, một ông bạn người Úc tưởng tôi là một người “cuồng trump” cho nên mới phán một câu xanh rờn: “Ông xúc phạm đến con chó của ông” (you offend your dog!).

Kể từ khi có chó trong nhà, tôi mới bắt đầu học hỏi về chó, tôn trọng chó và yêu thích chó. Lúc còn trong nước, nhứt là sau năm 1975, tức thời kỳ “chó chết”, tôi có coi chó ra gì đâu. Tôi ghét chó là khác, bởi vì hay bị chó cắn và ban đêm cần giấc ngủ yên, lại phải bị tiếng chó sủa tra tấn. Và cũng như rất nhiều người Việt Nam khác, tôi cũng đã từng xem thịt chó là một món khoái khẩu. Nhưng kể từ khi sống ở nước ngoài và được văn hóa Tây Phương “khai sáng”, như ông bạn người Úc của tôi đã nhận xét, tôi mới thấy mình đã xúc phạm đến chó và thú vật nói chung bằng rất nhiều cách. Cần gì phải hành hạ chó, giết chó, ăn thịt chó, bắt chó phải làm hoạn quan, chửi ai đó là “đồ chó” hay “đồ chó đẻ” cũng đã là “xúc phạm”đến chó rồi. Hễ cái gì là tồi tệ nhứt trong nhân cách con người, thì người ta lại trút lên đầu chó. Kỳ thực, cũng như mọi thú vật khác, chó chỉ sống theo bản năng. Chó không có “lý trí” để suy xét. Chó không có ý thức về thiện ác, tốt xấu cho nên không độc ác. Vậy thì chỉ có con người mới “ngu”, mới “ác” mà thôi.

Ngoài chó ra, còn bị xúc phạm nặng hơn có lẽ là bò. Có lẽ gần đây bò được người Việt Nam trong nước nghĩ tới nhiều sau vụ án Tịnh Thất Bồng Lai. Ngoài không biết bao nhiêu tội “tày đình”, cụ Lê Tùng Vân và các đệ tử của cụ còn bị tuyên án 10, 15 năm tù vì đã xúc phạm đến một nhà sư nổi tiếng trong nước hiện nay là Thượng tọa Thích Nhật Từ, một cao tăng quyền uy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Luật sư đại diện cho vị thượng tọa này trình tòa một băng hình do nhóm Tịnh thất Bồng lai phổ biến trong đó không rõ hư thực như thế nào mà lại có câu nói xúc phạm đến Thượng tọa Thích Nhật Từ như sau: “Thích Nhật Từ ngu như bò”. Luật sư đại diện cho vị thượng tọa biện hộ: “Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao?”(1) Thật tội nghiệp cho bò. Không biết bò có ngu không, nhưng một luật sư biện hộ như thế và một tòa án xét xử dựa theo một lời biện hộ như thế...nếu không gọi là ngu thì không biết phải gọi bằng một từ ngữ nào nữa.

Mỗi lần nghĩ đến chữ “ngu”, tôi không thể không liên tưởng đến câu nói nổi tiếng được gán cho nhà bác học lừng danh nhứt của Thế kỷ 20 là Albert Einstein: “Có hai điều vô cực là vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người; và tôi không chắc về sự vô cực của vũ trụ”. Tác giả của câu nói hiểu ngầm: tôi không chắc vũ trụ có vô cực không, nhưng cái ngu vô cùng của con người thì tôi không nghi ngờ  gì cả”.

Lịch sử nhân loại có lẽ đã được viết bằng sự ngu xuẩn của con người. Loạn lạc, chiến tranh, chết chóc...là gì nếu không phải là những trang sử đã và đang được viết bởi chính sự ngu xuẩn của con người. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CNBC của Mỹ dạo tháng Bảy năm 2018, một sử gia được xem là có thế giá nhứt thế hiện nay là giáo sư Yuval Harari, hiện đang giảng dạy tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, Israel,  đã khẳng định: “Điều mà lịch sử dạy cho chúng ta là chúng ta đừng bao giờ xem thường sự ngu xuẩn của con người. Đây là một trong những sức mạnh mãnh liệt nhứt trên thế giới” (2).

Có lẽ chỉ cần nhìn lại sự tàn ác dã man của Đức Quốc Xã của Hitler để thấy thế nào là sức mạnh của sự ngu xuẩn của con người. Một mình Hitler đã chẳng có đủ ba đầu sáu tay để tàn sát 6 triệu người Do Thái và gây ra đau thương tang tóc cho cả thế giới. Chính sự ngu xuẩn của người dân Đức đã đưa Hitler lên ngôi bá chủ và đã góp phần gây ra tội ác cho nhân loại. Đó là điều không thể chối cãi được.

Nói đến sự ngu xuẩn của con người, tôi lại nhớ đến một người bạn rất thân thời tỵ nạn hiện đang sống ở Mỹ. Lâu rồi tôi không còn liên lạc với ông. Không biết hiện nay ông còn “sùng bái” thần tượng Donald Trump của ông không. Thời ông Trump vừa được bầu làm tổng thống Mỹ, tôi có ghé thăm ông. Biết tôi không “thần phục” thần tượng của ông, ông bạn tôi, vốn là một luật sư, nói như tát vào mặt tôi: “Bộ anh tưởng dân Mỹ chúng tôi ngu cả sao?”

Tôi đang sống ở Úc. Dân chủ hay Cộng hòa, tôi chẳng đứng về bên nào cả. Nhưng cứ nhìn vào tư cách và hành xử của cựu Tổng thống Trump, tôi thấy lo cho nước Mỹ và dĩ nhiên cũng lo cho cả thế giới nếu ông được tái cử tổng thống vào năm 2024 tới đây. Mới đây, ông yêu cầu nếu không phục chức tổng thống cho ông thì phải tức khắc tổ chức bầu cử lại. Đám đông ủng hộ ông luôn tin rằng ông là người được Chúa tuyển chọn và ngày “Tái Lâm” (The Great Awakening) của ông sẽ đến. Chính ông cũng đã từng tuyên bố rằng ông là người được Chúa tuyển chọn và nói xa nói gần rằng ông cũng phải được làm tổng thống mãn đời như Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung quốc. Ngay cả khi bị bứng ra khỏi Tòa Bạch Ốc cách đây gần 20 tháng, ông vẫn hành xử như một tổng thống. Bất kể luật pháp, ông mang không  biết bao nhiêu hồ sơ mật của chính phủ về tư dinh Mar-a-Lago ở Florida như thể những tài liệu mật đó vẫn còn thuộc về ông và ông muốn làm gì ông thích. Năm 2019, ông đã có lần tuyên bố rằng vì là tổng thống, ông “có quyền làm bất cứ điều gì ông muốn”. Chỉ có người được Chúa tuyển chọn và đại diện cho Chúa mới có quyền như thế!(3) Và rất đông người Mỹ cũng tin như thế!

Ở Thế kỷ 21 và nhứt là trong một nước văn minh nhứt thế giới như Hoa Kỳ, vẫn còn có người nghĩ như thế về mình và được một số đông sùng bái tôn thờ, thì đừng nên chửi ai đó “ngu như bò”.

Ngu xuẩn là thuộc tính của con người. Thông minh cỡ nào, học rộng hiểu sâu cỡ nào, ai cũng có thể ngu xuẩn. Bài học của lịch sử thiết yếu cũng là một bài học về khiêm tốn. Thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn để sống nếu con người biết sống khiêm tốn hơn. Khiêm tốn hơn để luôn cảnh tỉnh và nhận ra mình có thể ngu xuẩn ở bất cứ tuổi nào và bất cứ lãnh vực nào.

Trumpy, cậu chó nhà tôi, còn biết "truy tìm hạnh phúc" cho mình. Trong khi đó, con người thì lại cứ chạy theo cái (quái) gì vậy? 

 

Chú thích:

1. Bên phía luật sư nói “Chúa ngu như bò” thắng kiện, Đàn Chim Việt info , 24/7/2022

2. Eustace Huang, “Never enderestimate huuman stupidity”, says historian whose fans include Bill Gates and Barack Obama, CNBC July 15 2018

3. Jack Shafer, The messianic Trump cult, Politico 08/31/2022

 

 

 

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Chuyện sau, chuyện trước


 
Thi Văn 
Tôi vừa qua mốc điểm 40 năm bước chân đến Úc.  Người ta thường thích nhắc đến những cột mốc thời gian. Con số càng lớn thì càng đáng để nhắc đến. Bởi từ đó, họ có thể đánh giá những gì đạt được. Tất cả những đánh giá cũng thường là những con số. Sau bao nhiêu năm, có được bao nhiêu bằng cấp, tạo được bao nhiêu của cải, có thêm được bao nhiêu thương vụ, cơ sở, bất động sản, bao nhiêu bạn bè, con cháu…Cũng hợp lý thôi. Đời người có một lần 40 năm ở một xứ thanh bình quả là một may mắn. Thế nhưng, với tôi, những con số thường gợi lên cho tôi những băn khoăn, thắc mắc. Khi đọc những con số được liệt ra thì tôi lại liên tưởng đến những con số cố tình bị bỏ quên. Vì sự thường, bên dưới con số chỉ ra sự thành công thường là con số của những cái giá phải trả không những của chính đương sự mà cả của những người khác. Những con số có thể lớn hơn, đắt hơn rất nhiều. Con số 40 năm của tôi không ngoại lệ.
Thứ tự đời người gói trọn trong sinh lão bịnh tử. "Sinh" bao gồm tuổi thơ, học hành, lập nghiệp, gia đình..."Lão" và "Bịnh" thì thường đi với nhau không hẳn phải theo thứ tự nhưng chắc chắn "Tử" thì phải sau chót và chẳng ai thoát.
Với tôi, hôm nay, khi nhìn lại tôi chỉ thấy rằng cuộc đời tôi đã đảo lộn kể từ 1975 và tiếp tục đảo lộn ngay cả sau khi đã được định cư ở Úc. Cái nên đến trước thì lại đến sau và cái có thể để sau thì lại phải làm trước.
Cái đảo lộn đầu tiên phải nói là cái tên của tôi. Tôi không khó chịu vì phải đem cái tên đặt trước cái họ. Nhưng mấy “thầy" thông dịch lại lôi cái tên đệm "thị" ra phía trước. Kết quả là đàn bà con gái Việt Nam ở Úc có tên Thi rất nhiều, không thua gì cái họ Nguyễn. Tôi đành phải chấp nhận tên "Thi" vì không biết phải làm sao. Dốt tiếng Anh nó vậy. Tự nhủ, mất nước rồi thì có mất tên cũng chỉ là chuyện nhỏ. 
Như cái tên của tôi, cuộc sống khi vừa đặt chân đến Úc không như tôi nghĩ. Vào thời điểm 1982, với những đợt sóng người tỵ nạn dồn dập, các dịch vụ dành cho người mới đến, nhất là dịch vụ thông dịch trở nên quá tải. Tôi không biết rất nhiều thông tin hữu ích. Tôi không biết rằng mình có thể và có quyền đi học. Tôi cũng không biết rằng học không khó khăn và “ghê gớm” như tôi nghĩ. Thời đó, giáo dục gần như là miễn phí ở Úc và được trợ cấp. Nhìn những người chung quanh, không mấy ai đi học. Cuối cùng, tôi phải làm lụng, nuôi con và xây dựng gia đình. Con tôi càng lớn thì giấc mơ đi học của tôi càng xa đến nỗi tôi không muốn nghĩ đến. Học, với tôi, suốt đời, là một thôi thúc. Đồng lương của người không có bằng cấp cũng đủ sống nên tôi cũng an phận vì biết rằng muốn học một ngành nào đó thì đều phải bước qua cái ải Anh văn. Mà tôi thì thấy mình kém quá nên cứ nghĩ rằng thôi để lo cho các con xong rồi học cũng không muộn. Tôi tìm an ủi bằng cách nhìn từng đứa con ra trường.
Cho đến khi đứa con cuối cùng ở năm thứ ba đại học, tôi quyết định đi học trước khi trễ chuyến tàu chót. Thế là vừa đi học vừa đi làm. Khi ra trường, tôi đã quá 50. May mà có việc. 
Tôi đạt được giấc mơ được đi học. Tôi không ngờ sự học và tiếng Anh đã cho tôi không những một sự nghiệp tôi luôn ôm ấp, mà còn mở ra nhiều cánh cửa khác mà suốt mấy chục năm ở Úc tôi không cách nào mở ra được: tôi có thể đọc những bài viết, nghe tin tức, nói chuyện với hàng xóm bằng một tiếng Anh mà người đối diện có thể hiểu được. Tôi có thể giải thích những vấn đề liên quan cho bệnh nhân một cách dễ hiểu và chi tiết. Tôi cũng có thể giúp liên lạc với các cơ quan dịch vụ cho họ, một điều mà trước đây tôi phải nhờ người khác với tất cả sự ngưỡng mộ. Đương nhiên dù có học thêm bao nhiêu năm, tiếng Anh của tôi vẫn là một thứ tiếng Anh "ăn đong". Nhưng với tôi, vậy là đủ. Tôi đã mở được những cánh cửa cần thiết để tiếp tục hành trình học hỏi, tham khảo và giao tiếp. Tôi vui hơn trúng số. Giá mà tôi quyết định đi học sớm hơn…
Nếu đời tỵ nạn có bị đảo lộn rồi cũng đi đến nơi muốn đến trước khi bước vào "lão, tử" như vậy thì với tôi, vẫn còn may. Thế nhưng, những cánh cửa tôi mở ra lại dẫn tôi về một giai đoạn trong quá khứ mà bây giờ, dù rất muốn, tôi không đi ngược lại được. Trong một dịp tình cờ, tôi mới biết được rằng, những khủng hoảng tuổi thiếu niên mà các con tôi phải trải qua một phần bắt nguồn từ sự cản trở ngôn ngữ. Tiếng Việt của chúng không đủ và tiếng Anh của tôi lại càng không đủ. Ở đây, không ai chết đói vì đi học. Thế hệ tỵ nạn ít người đi học có thể vì nhu cầu giúp đỡ gia đình ở quê nhà, xây dựng gia đình, nuôi nấng con cái và áp lực của cải. Và nhất là vì không nhìn thấy lợi ích lâu dài và hạnh phúc của việc biết thêm một ngôn ngữ, có thêm kiến thức và một sự nghiệp tốt.  Tất cả lý do đều chính đáng. Thế nhưng, việc được cung cấp một cuộc sống đầy đủ tiện nghi vật chất không hẳn có thể giải quyết nhu cầu thực sự của thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên ở Úc. Chúng cần sự cảm thông hai chiều trong cuộc sống giữa những xung đột của hai nền văn hóa. Hiểu và được hiểu trong quan hệ gia đình là một hạnh phúc mà chúng tôi đã đánh mất vào cái lúc cần thiết nhất.
Tôi tin tôi không là một ngoại lệ. Khi không hội nhập được vào những thông tin dòng chính nơi mình đang sống, chúng ta sống co cụm với những kiến thức lệ thuộc vào người khác và không có khả năng đối chiếu, kiểm chứng hay nghi vấn. Cũng không có khả năng để giải thích những khác biệt giữa văn hóa Úc Việt. Tiếng Anh đã chấp cánh cho tôi. Và tôi cảm nhận được sự bao la của kiến thức và tư tưởng.
Bây giờ, mẹ con chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn và hiểu nhau hơn. Nhưng không còn là câu chuyện giữa một bà mẹ trẻ và những đứa con lô nhô mà là câu chuyện giữa một người bước vào tuổi già và những người đã trưởng thành. Chúng tôi kể lại cho nhau những khoảng trống trong quá khứ. Đời tôi cái gì cũng ngược.
Cuối cùng, giá mà tôi có thể đi ngược về "quê hương bỏ lại" của ngày nào trong kiếp này.
Nằm mơ!



Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Đồng hành

 



Chu Văn

“Đồng hành”: đó là chủ đề được viết bằng hai thứ tiếng Anh “Walking Together” và PhápMarcher Ensemble” mà tôi xem là nổi bật nhứt trong chuyến viếng thăm Canada mới đây của Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới. Là một tín hữu công giáo, tôi thường theo dõi điều được gọi là các “chuyến tông du” của các vị giáo hoàng. Theo dõi để lắng nghe các lời giảng dạy của những người được xem là có một uy tín lớn trong lãnh vực tinh thần. Theo dõi để hiểu biết lịch sử và văn hóa của những đất nước được các vị giáo hoàng viếng thăm và dĩ nhiên, qua đó, gặp gỡ và bày tỏ sự cảm thông hay đúng hơn học hỏi để biết tỏ ra cảm thông đối với người dân các nước đó.

Mãi cho đến giữa thập niên 1960, được nhìn thấy một vị giáo hoàng bằng xương bằng thịt là một ân huệ hiếm có trong đời của một người công giáo. Năm 1929, dưới thời nhà độc tài Benito Mussolini (1883-1945), Ý và Tòa thánh Vatican đã ký một thỏa ước qua đó Ý nhìn nhận Vatican như một quốc gia. Nhưng cũng kể từ đó, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công giáo bị giam hãm trong bốn bức tường của Điện Vatican chẳng khác nào một tù nhân. Năm 1964, Đức Phaolô VI đã làm một bước đột phá lịch sử khi ra khỏi điện Vatican để hành hương đến Thánh Địa, nơi chào đời của Chúa Giêsu. Kể từ đó, lên đường viếng thăm các nước được những người kế vị Đức Phaolô VI xem như một truyền thống phải tuân giữ.

Trong hầu hết các chuyến viếng thăm được gọi là “mục vụ” của các vị giáo hoàng, các tín hữu công giáo tại những nước được viếng thăm có dịp “chiêm ngưỡng” dung nhan của người mà họ thường cung kính gọi là “Đức Thánh Cha” và lắng nghe từng lời giảng dạy của các ngài. Nhưng với riêng tôi, dường như trong chuyến viếng thăm Canada lần này, Đức Phanxicô không đến đó để giảng dạy cho bằng bày tỏ sự sám hối. Chính Ngài gọi chuyến viếng thăm là một cuộc hành hương sám hối. Trong nhiều dịp khác nhau, kể từ năm 2000, các vị giáo hoàng không ngừng nói lên lời xin lỗi vì những tội ác của “con cái Giáo hội” qua suốt dòng lịch sử của Giáo hội tại rất nhiều nơi trên thế giới. Nhưng những lời xin lỗi ấy chỉ được thốt lên trong những nghi thức trang trọng được cử hành ở trung tâm của Giáo hội là Roma. Nay, Đức Phanxicô đi đến tận nơi đã diễn ra tội ác để nói lên hai tiếng xin lỗi và bày tỏ sự sám hối. Trong một cuộc gặp gỡ với những người bản địa Canada tại Thành phố Edmonton, Tỉnh bang Alberta hôm thứ Hai 25 tháng Bảy vừa qua, ngài đã đội trên đầu chiếc mũ làm bằng lông chim đặc trưng của người thổ dân và lập lại nhiều lần hai tiếng xin lỗi. Lời xin lỗi của Đức Phanxicô được đưa ra gần nơi đã từng có một trường nội trú dành cho trẻ em người bản địa. Với hệ thống trường nội trú dành cho trẻ em bản địa, trong suốt một giai đoạn kéo dài trên 150 năm, Chính phủ Canada đã tách biệt trẻ em bản địa khỏi gia đình của chúng với mục đích xóa bỏ văn hóa và truyền thống của các em và áp đặt văn hóa của người da trắng lên các em. Một trong những nỗ lực đồng hóa này là trao phó các trường nội trú cho các Giáo hội Kitô Giáo, trong đó nổi bật nhứt là các linh mục và tu sĩ công giáo. Những nhà truyền giáo này đã ép buộc các trẻ em thổ dân phải gia nhập Kitô Giáo và đồng hóa các em vào nền văn hóa Canada. Tính chung đã có khoảng 150.000 trẻ em từ các bộ lạc của người bản địa đã bị bắt đi và đưa vào 139 trường nội trú, hầu hết do Giáo hội Công giáo điều hành. Năm 2015, một bản báo cáo của Ủy ban Sự thật và Hòa giải đã phanh phui những câu chuyện về các trẻ em bản địa “bị lạm dụng về thể lý và tính dục.” Những nấm mồ vô danh được khai quật trong các trường nội trú cũng cho thấy tính cách mờ ám của nhiều cái chết của trẻ em bản địa. Bản báo cáo khẳng định rằng hệ thống các trường nội trú dành cho các em bản địa không được thiết lập để “giáo dục” các em mà “chính là để cắt đứt mối liên hệ của các em với nền văn hóa và bản sắc của các em”. Bản báo cáo kết luận rằng hoạt động của các trường nội trú này “có thể được mô tả như một cuộc diệt chủng văn hóa” (1).

Hai tiếng xin lỗi rất chân thành của Đức Phanxicô đã tạo ra một niềm cảm xúc sâu xa nơi nhiều người dân bản địa Canada. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng lời xin lỗi và sám hối ấy chưa đủ. Như được nhìn thấy trên một tấm biểu ngữ được treo trước Vương cung Thánh đường Sainte Anne de Beaupré ở Québec hôm thứ Năm 28 tháng Bảy vừa qua, một số người bản địa đã yêu cầu Đức Phanxicô “Hãy hủy bỏ học thuyết”  (Rescind the Doctrine). “Học thuyết” mà những người biểu tình muốn ám chỉ là “Học thuyết khám phá” (Doctrine of Discovery). Đây là học thuyết được các giáo hoàng ở Thế kỷ 15 đề ra trong một số sắc lệnh để khuyến khích các vua, đặc biệt là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lên đường chinh phục đất đai của các dân tộc bản địa, cách riêng tại Mỹ Châu, xóa bỏ văn hóa của họ và  áp đặt lên họ  Kitô Giáo cũng như nền văn hóa của người da trắng ở Âu Châu. Theo linh mục dòng tên Ricardo da Silva, “mặc dù giáo hoàng và Tòa thánh Vatican đã thoát ra khỏi tâm lý coi người bản địa và những người không theo Kitô Giáo là thua kém các Kitô hữu da trắng Âu Châu, lời kêu gọi thu hồi “học thuyết khám phá” vẫn chưa được đáp ứng” (2).

Cùng với những cuộc thập tự viễn chinh và tòa điều tra vào thời Trung Cổ, “học thuyết khám phá” quả là một vết nhơ của Kitô Giáo nói chung, chứ không riêng của Giáo hội Công giáo La Mã. Dù chưa công khai “hủy bỏ học thuyết khám phá”, nhưng khi đến tận nơi để nói lên lời xin lỗi với người dân bản địa ở Canada, Đức Phanxicô có lẽ đã nhìn nhận những lỗi lầm và tội ác, không phải chỉ của “con cái Giáo hội” trong suốt dòng lịch sử, mà còn của chính Giáo hội. Qua lời xin lỗi của nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ, tôi nghe vọng lại lời tự thú mà Giáo hội trên khắp thế giới lập lại mỗi ngày, từng phút từng giây ở mỗi đầu thánh lễ “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Trong chuyến viếng thăm Canada lần này, Đức Phanxicô đã không “giảng dạy” hay dẫn giải về một điểm cao siêu nào trong giáo lý của Giáo hội Công giáo.  Nhưng với tôi, lời xin lỗi và cử chỉ khiêm tốn của ngài cũng đủ là một thông điệp rất có giá trị cho thời đại này: tự cho mình chiếm giữ sự thật và áp đặt lên người khác niềm tin tôn giáo và văn hóa của mình,  không những là một hành động “diệt chủng văn hóa” mà còn là một tội ác dẫn đến vô số những tội ác khác.

Tôi không biết các tín hữu Kitô, đặc biệt là người công giáo Mỹ có theo dõi chuyến viếng thăm Canada của Đức Phanxicô và nhận ra thông điệp ngài muốn nhắn gởi không. Cốt lõi của thông điệp và của chính Kitô Giáo lúc nào cũng là sám hối, khoan nhượng và cảm thông!

Một bài phân tách  trên trang mạng của Đài CNN mà tôi đọc được cách đây mấy hôm (3) đã ghi lại một số hình ảnh rất đặc trưng của cuộc bạo loạn trong tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6 tháng Giêng. Một trong những hình ảnh đó là cảnh  3 người đàn ông, mắt nhắm nghiền và đầu cúi xuống, đứng cầu nguyện trước một cây thập giá bằng gỗ sần sù. Ở một nơi khác, một người đàn ông cầm trên tay một quyển Kinh Thánh, áp chặt vào ngực như một chiếc thuẩn vững chắc. Rải rác trong đám đông, nhiều người giương lên những tấm bản có viết dòng chữ “Chúa Giêsu giải cứu” và đưa nắm tay lên trời.

Thoạt nhìn qua, những hình ảnh như thế tưởng chỉ gợi lên những cuộc biểu dương tôn giáo bên ngoài một giáo đường nào đó. Nhưng đây không phải là những hình ảnh thường được thấy trong những buổi cầu nguyện ngoài trời, mà là điều mà nhiều người gọi là một cuộc nổi dậy của Kitô Giáo. Đây chính là hình ảnh của những người đã tấn công vào Điện Capitol để lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.

Đây là lần đầu tiên, với cuộc bạo loạn này, nhiều người Mỹ ý thức được rằng Hoa Kỳ đang đối diện với Phong trào Dân tộc  Kitô giáo da trắng. Phong trào này sử dụng ngôn ngữ của Kitô giáo để nói lên sự thù nghịch đối với người Mỹ gốc Phi Châu và những người di dân da màu khác để thiết lập một nước Mỹ của người da trắng theo Kitô giáo.

Một biểu ngữ khác được nhìn thấy trong cuộc bạo loạn Ngày 6 tháng Giêng có in hình một lá cờ Mỹ với hàng chữ đi kèm: “Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế của tôi, Trump là tổng thống của tôi”. Xóa bỏ hàng rào tách biệt tôn giáo và chính trị là điểm nổi bật của Phong trào Dân tộc Kitô giáo. Một trong những niềm tin cốt lõi của phong trào này là: Hoa Kỳ đã được thành lập như một quốc gia Kitô giáo, tất cả các nhà lập quốc đều là những tín hữu Kitô Tin Lành thuần thành và Chúa đã chọn Hoa Kỳ để đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử. Thật ra, trong hàng ngũ các nhà lập quốc không thiếu những người vô thần hay thuộc những Giáo hội không phải là Tin Lành. Hơn nữa cho rằng Hoa Kỳ được thành lập như một quốc gia Kitô giáo và nhờ vậy được phồn thịnh là quên rằng quốc gia này có được phồn thịnh ở khởi đầu là nhờ sự đóng góp công lao mồ hôi nước mắt và ngay cả máu của người nô lệ gốc Phi Châu cũng như từ đất đai ăn cướp của người dân bản địa.

Những băng hình đã được thu giữ từ cuộc bạo loạn cho thấy những người tham gia cuộc bạo loạn tuyên xưng và tôn thờ một Chúa Giêsu hoàn toàn đối nghịch với Đấng mà Kinh Thánh gọi là “Hoàng tử của Hòa Bình”, một Đấng Cứu Thế chỉ đi giảng dạy và cứu rỗi bằng một con đường duy nhứt là khoan nhượng, cảm thông và tha thứ. Xét cho cùng, đó cũng chính là con đường cứu rỗi của mọi tôn giáo đích thực cũng như mọi nền đạo đức của con người.

“Đồng hành” : chủ đề của chuyến viếng thăm Canada vừa qua quả là chìa khóa để xây dựng một xã hội thực sự hài hòa. “Đồng hành” là chấp nhận và tôn trọng những khác biệt về ngôn ngữ, màu da, văn hóa , tôn giáo và ngay cả những quan điểm chính trị của người khác. Thiếu sự tương nhượng và cảm thông, thì suy đồi đạo đức là điều không thể tránh khỏi. Các chế độ độc tài, đặc biệt là độc tài toàn trị, cai trị bằng cách đồng bộ hóa người dân. Trung Quốc là một điển hình. Chế độ cộng sản này muốn xây dựng một “xã hội hài hòa” bằng cách áp đặt triệt để ý thức hệ cộng sản lên người dân. Trong cuốn sách có tựa đề “Chúng tôi bị hài hòa hóa: cuộc sống bị nhà nước theo dõi tại Trung Quốc” (We have been harmonized: life in China’ surveillance State) nhà báo người Đức Kai Strittmatter đã nói đến “hệ thống tín dụng xã hội” trong xã hội Trung Quốc hiện nay. Nhất cử nhất động của người dân đều bị theo dõi và “cho điểm”. Bất đồng chính kiến được xem là hành vi “tồi tệ” nhứt trong mọi hành vi xấu. Điều gì đã xảy ra trong một xã hội mà người dân bị “hài hòa hóa” và theo dõi cặn kẽ như thế? Tác giả đã trích dẫn “một cuộc thăm dò toàn cầu được thực hiện năm 2017 về điều gì khiến người dân lo lắng nhứt. Đa phần những người được khảo sát ở các quốc gia đều lo ngại nhất về tình trạng thất nghiệp, nạn tham nhũng hay bất bình đẳng. Trung Quốc là nơi duy nhất mà người dân xem “suy thoái đạo đức” (moral decline) là mối lo lắng hàng đầu”(4).

“Đồng hành” hay khoan nhượng, cảm thông là chìa khóa để xây dựng một xã hội hài hòa. Đó cũng chính là thước đo nhân cách của một con người.

 

 

Chú thích:

1. Scott Neuman, The pope’s apology in Canada was historic, but for some Indigenous people, not enough NPR, July 25,2022.

2. Ricardo da Silva, S.J , Could pope Francis revoke the 15th century ‘Doctrine of Discovery’ used to justify colonizing Indigenous peoples?  America, the Jesuit ReviewJuly 28, 2022, bản dịch của Trần Giao Thủy,  DCVonline July 29, 20022.

3. John Blake, An ‘Imposter Christianity’ is threatening American democracy CNN July 24, 2022.

4. Y Chan, Đọc “xã hội hài hòa” của Trung Quốc: Biết để soi mình, hiểu để rùng mình, Luật Khoa 19/07/2022

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

Đạo đức là tên gọi của Văn minh

 

 


Chu Văn

Mỹ là nơi tôi có nhiều bạn bè nhứt. Bạn đồng môn, bạn đồng thuyền (tức những người đã từng sống chết với nhau trong cùng một chuyến vượt biên), bạn đồng hương, bạn đồng đạo...Có những người bạn thân thiết còn hơn cả người thân trong gia đình. Nhưng trong những năm gần đây, “kẻ mà ai cũng biết là ai đó”(1) bỗng dưng xen vào tình bạn của chúng tôi. Sự có mặt vô hình của “kẻ đó” hẳn phải có sức đe dọa khủng khiếp đến độ tôi không dám nhắc đến tên của “kẻ đó” trong  bất cứ cuộc trao đổi nào với bạn bè của tôi. Lạ quá, hầu như người bạn nào của tôi ở Mỹ cũng đều tôn thờ, sùng bái “kẻ đó”!

Mới đây, tôi có liên lạc với một ông bạn chí cốt ở quận Cam. Chúng tôi cùng mài đũng quần trên cùng một băng ghế ở tiểu học và trung học. Ra đời, dù mỗi người một ngã, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Biết bạn tôi tôn sùng “kẻ đó”, mỗi lần thăm hỏi, tôi chỉ đề cập đến gia đình hay ôn lại chuyện “cây đa cũ, bến đò xưa” ở quê nhà mà thôi. Lần này, với những lý do rất riêng tư có liên hệ với một số người bạn khác, tôi có nhờ bạn tôi “điều tra” về một nhà báo người Việt khá nổi tiếng và có lẽ cũng có uy tín trong cộng đồng người Việt tại quận Cam và nhiều nơi khác tại Mỹ cũng như ở những nước khác. Bạn tôi trả lời như có sẵn bản lý lịch của nhà báo đó trước mặt: “Tên (này) là VC (Việt Cộng) đi du học đâu bên Đông Âu, sau LX (Liên Xô) sụp đổ làm sao mà qua Mỹ và hiện nay là chủ báo (của một tờ báo Việt Nam) tại Cali”. Bản lý lịch “trích ngang” của nhà báo do bạn tôi cung cấp khiến tôi chưng hửng, bởi vì tôi biết rõ nhà báo này “sinh năm 1954. Theo gia đình vào miền Nam, học xong trung học. Sau 1975, bị cộng sản bắt vì tham gia Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ, in và phổ biến tờ báo bí mật Toàn Dân Vùng Dậy. Vượt biên năm 1984, đến Đảo Galang-Indonesia. Sang Mỹ định cư cuối năm 1984, kiếm sống bằng các nghề đánh cá, cắt cỏ, nhà in, lau nhà, giao hàng, lái taxi. Làm việc một thời gian tại các trại tỵ nạn Hongkong; lang thang các nước Đông Âu và Nga khi khối cộng sản sụp đổ năm 1989.”(2) Tội nghiệp nhà báo: bị bạn tôi chụp cho cái mũ “ Việt Cộng” mà không trưng ra bất cứ bằng chứng đáng tin cậy nào!

Thật ra, tôi không ngạc nhiên chút nào về cách mà một người sùng bái “kẻ đó” như bạn tôi đánh giá về một người khác, nhứt là khi người khác đó không những không chịu ủng hộ mà còn lên án “kẻ đó”. Hình như đó là một trào lưu hiện đang rất thịnh hành tại Mỹ. Người ta tin và khẳng định rất nhiều điều mà không cần dựa vào bất cứ một bằng chứng nào.

Kết quả của các cuộc thăm dò về nhiều chủ đề khác nhau cho thấy người Mỹ chỉ tin những gì họ muốn tin, ngay cả không có bất cứ một bằng chứng nào. Một cuộc thăm dò do Sáng hội Khoa học Quốc gia (National Science Foundation) thực hiện hồi năm 2014 đã tìm thấy có 26 phần trăm dân Mỹ tin rằng mặt trời quay xung quanh trái đất. Trong khi ngay từ Thế kỷ 16, nhà toán học kiêm thiên văn học Nicolaus Copernicus đã dùng những phương trình toán học và các quan sát khoa học của mình để chứng minh rằng trái đất mới là hành tinh quay xung quanh mặt trời, thì ngay cả khi đã bước vào Thế kỷ 21 này vẫn còn những người, nhứt là những người đang sống trong  một đất nước được xem là văn minh nhứt thế giới, lại chỉ tin vào mắt mình để khẳng định rằng chính mặt trời mới quay xung quanh trái đất.

Về hình thù của trái đất, năm 2018, hãng thăm dò YouGov đã đặt câu hỏi: “Theo bạn trái đất tròn hay phẳng?”  Vẫn có những người tin rằng trái đất bằng phẳng và ít nhứt 16 phần trăm cho biết họ không chắc là trái đất tròn hay bằng phẳng.

Riêng về cơn đại dịch Covid-19 vốn đã cướp đi mạng sống của trên 1 triệu người Mỹ, mới đây kết quả của một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy có 71 phần trăm người Mỹ nói rằng họ có nghe nói đến một thuyết âm mưu theo đó “những người có thế lực đã cố tình tạo ra cuộc bùng nổ của đại dịch”. Theo cuộc thăm dò, có ít nhứt 20 phần trăm người Mỹ tin rằng đây là điều có thể có thật và 5 phần trăm tin chắc là có thật. Dĩ nhiên, trình độ học vấn ảnh hưởng đến kết quả của cuộc thăm dò. Một nửa những người Mỹ chỉ mới học xung trung học hay thấp hơn, tức 48 phần trăm tin rằng thuyết âm mưu về đại dịch trên đây “có lẽ đúng” hay “chắc chắn đúng” trong khi đó chỉ có 38 phần trăm những người tốt nghiệp cao đẳng tin như thế. Số người có bằng cử nhân tin như thế chỉ có 24 phần trăm. Riêng trong số những người có bằng hậu đại học, tỷ lệ này chỉ có 15 phần trăm. Kết quả này cho thấy trình độ học vấn càng cao càng giúp gia tăng óc phán đoán (critical thinking) và khả năng chắt lọc và kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, khuynh hướng chính trị cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cách tiếp cận các thuyết âm mưu của người Mỹ. Số người theo Đảng Cộng Hòa và độc lập nhưng nghiêng về Cộng Hòa tin vào thuyết âm mưu “về những kẻ có thế lực cố tình tạo ra cuộc bùng nổ của đại dịch” cao gấp hai lần so với những người theo Đảng Dân Chủ và thiên về Dân Chủ.

Mới đây, các cuộc thăm dò về ảnh hưởng của khuynh hướng chính trị cũng cho thấy người Mỹ vẫn tiếp tục không tin ở kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Theo hãng thăm dò Axios -Momentive, có khoảng 40 phần trăm người Mỹ nói chung không tin rằng Tổng thống Joe Biden đã thắng cuộc bầu cử năm 2020. Nhưng theo hãng Morning Consult, có đến 68 phần trăm những người theo Đảng Cộng Hòa cho rằng ông Joe Biden không phải là một tổng thống có chính danh.

Sở dĩ có sự nghi ngờ như thế là bởi vì ngay từ năm 2016, “kẻ mà ai cũng biết là ai đó” đã tung ra “thuyết âm mưu” cho rằng cuộc bầu cử trong đó, mặc dù “kẻ đó” đã đánh bại đối thủ Hillary Clinton, vẫn là một cuộc bầu cử gian lận. Rồi trong cuộc bầu cử năm 2020, biết mình đã bị đánh bại và mặc dù cuộc kiểm phiếu chưa hoàn tất, “kẻ đó” vẫn cứ tuyên bố mình đã chiến thẳng và yêu cầu chấm dứt cuộc kiểm phiếu. Dĩ nhiên, đó là một lời tuyên bố gian lận hay “Một lời Dối Trá Vĩ Đại” (A Big Lie). Kết quả của trên 60 vụ kiện tại các tòa án ở mọi cấp, kể cả Tối Cao Pháp Viện, đều chứng minh rằng những cáo buộc về gian lận bầu cử của “kẻ đó” là hoàn toàn vô căn cứ (2). Cho tới nay, “kẻ đó” vẫn cứ ra rả tuyên bố cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và lời dối trá đó vẫn tiếp tục được nhiều người Mỹ tin, mặc dù không trưng ra được bất cứ một bằng chứng nào về sự gian lận.

Trong lịch sử cận đại, không có bất cứ một nhà độc tài nào, từ Staline đến Hitler, Mao Trạch Đông, Polpot, Hồ Chí Minh và nay  Tập Cận Bình và Putin...có đủ ba đầu sáu tay để phạm tội ác. Xung quanh họ, dưới chân họ lúc nào cũng có cả một lũ lâu la hò hét,  sẵn sàng bán đứng lương tâm, sẵn sàng chà đạp các giá trị đạo đức, sẵn sàng sống chết cho họ. “Lời Dối Trá” của “kẻ mà ai cũng biết là ai đó” sẽ chỉ là tiếng kêu trong sa mạc nếu không được hà hơi tiếp sức bởi cả một đám theo đóm ăn tàn.

Trong các nhân chứng được Ủy ban Điều tra của Quốc hội Mỹ về cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng năm 2021 mời hay tống trát đòi ra điều trần, tôi đặc biệt chú ý đến ông Rusty Bowers, Chủ tịch Hạ viện của Tiểu bang Arizona hiện đang được Đảng Cộng Hòa kiểm soát. Ông làm chứng rằng chính “kẻ đó” và một thuộc hạ nòng cốt của “kẻ đó” là Rudy Giuliani đã yêu cầu ông lật ngược kết quả bầu cử tại Arizona. Ông đã khẳng khái trả lời rằng lời hứa trung thành với Hiến Pháp và luật của tiểu bang không cho phép ông làm điều đó. Trong lời khai hữu thệ, ông cũng đã thẳng thừng lên án “Lời Dối Trá Vĩ Đại” của “kẻ đó”.  Vậy mà, chỉ một ngày sau đó, trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn AP, ông lại tuyên bố  rằng nếu “kẻ đó” ra tranh cử tổng thống năm 2024, ông sẽ bỏ phiếu cho “kẻ đó”. Thế là thế nào!

Ông Bowers không phải là người đầu tiên lên án cuộc bạo loạn do “kẻ đó” kích động và  vẫn ủng hộ “kẻ đó” trong cuộc bầu cử năm 2024. Lãnh tụ thiểu số của Cộng Hòa tại Thượng viện Liên bang là ông Mich McConnell là người đã tuyên bố rằng “kẻ đó” là người phải chịu trách nhiệm về cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng, vậy mà sau đó lại loan báo cũng sẽ ủng hộ “kẻ đó” nếu “kẻ đó” được Đảng Cộng Hòa đề cử làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2024.

Một nhân vật nổi tiếng khác của Đảng Cộng Hòa là ông Kevin McCathy, lãnh tụ khối thiểu số Cộng Hòa tại Hạ viện Liên bang, cũng giương cao cùng một ngọn cờ như ông McConnell. Lên án cuộc bạo loạn và quy trách cho “kẻ đó”, nhưng liền sau đó McCathy xuống thẳng Mar-a-Lago để phủ phục dưới chân “kẻ đó” để bày tỏ lòng trung thành của kẻ bày tôi!

Một nhân chứng mà lời khai trước Ủy ban Điều tra của Hạ viện hẳn phải có một trọng lượng đáng kể hẳn phải là cựu Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr. Gọi thẳng “Lời Dối Trá” của “kẻ đó” là “Bullshit” và từ chức vì “Lời Dối Trá” ấy, vậy mà Bill Barr lại tuyên bố cũng sẽ bỏ phiếu cho “kẻ đó” nếu “kẻ đó” được Đảng Cộng Hòa đề cử vào năm 2024 (4).

Tôi hiểu được tại sao rất đông người Mỹ, trong đó có hầu hết những người bạn của tôi, đã tin “Lời Dối Trá Vĩ Đại” của “kẻ đó” và đặt “kẻ đó” lên bàn thờ, đứng trên Hiến Pháp Mỹ và nhứt là những giá trị đạo đức. Tin vào những lời dối trá mà không dựa vào bất cứ một bằng chứng nào và nhứt là không màng đến những giá trị đạo đức, một thái độ như thế đã được phản ảnh và vun trồng qua một bài phát thanh trên mạng trong mục “Houston Nhật Ký” mà tôi đã nghe được cách đây vài hôm. Sau khi đã trích dẫn các cuộc thăm dò cho thấy hiện nay “kẻ đó” đang dẫn trước đương kim Tổng thống Joe Biden, nhà bình luận trong chương trình đi đến kết luận: “năng lực là cái nơi người dân Mỹ tin tưởng, chứ không phải con người. Năng lực của người đó ra sao chứ không phải con người của người đó ra sao” (5). Điều đó có nghĩa là: bất kể nhân cách của con người đó có tồi tệ đến đâu, bất kể con người đó có lươn lẹo, dối trá, độc ác, tàn bạo, vô đạo đến đâu...miễn là người đó làm được việc thì cứ ủng hộ và sùng bái người đó!

Theo dõi hay bình luận về tình hình chính trị tại Hoa Kỳ hiện nay, nhiều người nói đến sự chia rẽ trầm trọng trong xã hội hay cuộc khủng hoảng về hiến pháp. Riêng tôi cho rằng nếu có một cuộc khủng hoảng, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thì cuộc khủng hoảng đó trước tiên phải là một cuộc khủng hoảng về đạo đức. Bởi lẽ “chính trị là đạo đức ứng dụng vào trong cuộc sống” (6). Thước đo của văn minh không chỉ là sự giàu có hay những tiện nghi vật chất, mà trước hết chính là những giá trị đạo đức. Xét cho cùng đạo đức cũng là tên gọi của văn minh.

 

 Chú thích:

1. Tên của nhân vật phản diện Voldemort trong tập truyện Harry Potter của nhà văn Anh J.K Rowling.

2. Văn Hải ngoại sau 1975...Về một chuyến đi Nga, Văn Việt.

3. Kyle D.Killian, Ph.D, Scary Polls: Americans’ Belief in Things Without Evidence, Psychology Today June 28, 2022.

4. David A.Graham, The comment that reveals the depths of the Republican Party’s moral collapse, The Atlantic June 23, 2023.

5. Houston Nhật Ký P2 1/7/2022.

6. Việt Hoàng, Thành công trong hoạt động chính trị là gì? https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/23209-thanh-cong-trong-ho-t-d-ng-chinh-tr-la-gi

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Đời Sống Bắt Đầu ở Tuổi Đi Hưu


 Thi Văn

Tôi bắt đầu tập “đi hưu" cách đây vài tháng. Nói là tập vì tôi vẫn còn làm vài tiếng một tuần. Trái ngược với những gì tôi tưởng tượng, tôi bận rộn hơn trước. Cái bận rộn bây giờ cũng có những tên gọi như trước đây nhưng thứ tự thì có khác. 

Trước đây tôi bận chăm sóc bệnh nhân, bận lo lắng, bận xài tiền, bận ăn uống, bận ngủ nghỉ, bận thương yêu người thân, bận thăm hỏi bạn bè, bận lên mạng, bận chơi. Sở dĩ tôi dùng chữ “bận" cho những sinh hoạt bình thường như tất cả mọi con người bình thường trong thời đại này là vì tôi phải tính toán giờ nào, ngày nào cho việc nào, người nào. Tôi chạy theo giờ giấc, dù chơi hay làm việc, như ma đuổi. Rất nhiều khi tôi thấy ngày đi làm thoải mái hơn ngày nghỉ. Và tôi thường mong đến ngày được đi hưu để khỏi phải bận rộn.

Đi hưu hay về hưu chắc chắn không phải ai cũng trông chờ và sẵn sàng đón nhận. Với người chờ đợi như khởi đầu một hành trình mới thì là "đi hưu". Nhưng với những người không muốn thì là "về hưu". Ở nhóm này, dù lớn tuổi, đau bịnh, họ vẫn muốn đi làm vì nhiều lý do. Chung quy là: vừa có đời sống xã hội, vừa có thêm tiền. Về hưu, thấy trống rỗng, cả hai.

Với tôi, tôi chọn“đi hưu". 

Sau vài tháng đi hưu tôi thấy mình đang hăng hái “lao” vào một hành trình mới, rất mới dù cho có vẻ như bình mới rượu cũ. Thật vậy, ngoại trừ không còn làm việc nhiều giờ, tôi vẫn làm tất cả mọi công việc mà trước đây tôi đã làm. Nhưng tôi làm với tất cả thích thú và thoải mái. Tôi quan sát mọi sự chung quanh mình như một khách du lịch. Cũng nghỉ ngơi, cũng đi chơi, cũng làm vườn, cũng nấu ăn, cũng xài tiền, cũng gặp gỡ, cũng chăm sóc bệnh nhân, nhưng không có áp lực. Chỉ có yêu thương và hạnh phúc. 

Thế nhưng, dù được bảo đảm về mọi mặt, trên cái bề mặt "đi hưu" vui vẻ đó đang trồi lên rất nhiều thứ. Những mơ ước chưa bắt đầu, những hối tiếc vì những điều lẽ ra phải làm từ lâu, những điều chưa lên tiếng, những việc dang dở bị xếp xó…đang quay về. Trong những thứ "chưa" đó, khắc khoải về những gì chưa góp phần vun bồi những thế hệ tương lai là điều chất vấn tôi nhiều nhất. Với cái "nghiệp" làm người Việt Nam, tôi vẫn còn một đất nước Việt Nam, và nhiều thế hệ Việt Nam. Với tôi, Việt Nam vẫn còn nhiều cái "chưa". Giống như tôi vậy. 

Có ai đó đã nói rằng, những mảnh đất đắt nhất thế giới là những mảnh đất trong nghĩa trang. Nơi đó, người ta không chỉ chôn thân xác của ai đó mà còn chôn theo luôn bao ước mơ hoài bão, bao phát minh chưa thành tựu, bao tác phẩm nghệ thuật không bao giờ chào đời, bao dự án lớn nhỏ, bao lời khôn ngoan chưa được phổ biến, bao lời yêu thương chưa kịp trao lại, bao ngày tháng hạnh phúc lẽ ra phải được hưởng khi còn sống, bao hối tiếc ân hận…Quan tài nặng vì những cái "chưa", không phải vì cái xác.

Tôi mừng vì tôi còn chút sức khỏe để giải quyết những cái "chưa" của tôi. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Những dòng chữ  này đến các bạn cũng là một cách tôi đang "thanh toán" những cái "chưa" tồn đọng trong tôi, một người Việt Nam lưu vong. 

Bạn ơi, tôi không cần đất ở nghĩa trang, nhưng tôi cũng không muốn tro tàn của mình bị phủ trong "hối hận".

Thi Văn



 


Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

“Mắt hai người đã mở ra và họ thấy mình trần truồng”

 




Chu Văn

Một buổi chiều tối cách đây không lâu, chính xác là một ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát dã man tại Uvalde,Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, trong khi người thân đang mua sắm trong một tiệm thực phẩm Á Châu tại Springvale, một khu ngoại ô có đông người Việt sinh sống tại thành phố Melbourne, Úc Đại Lợi, tôi đứng ngắm các chậu kiểng được trưng bày trước cửa tiệm. Thình lình từ phía sau có người xô tôi bằng một cú hích mạnh đến nỗi suýt làm tôi chúi ngã tới phía trước. Quay lại, tôi thấy một bóng đen to lớn. Kịp định thần tôi đứng lên bỏ chạy. Vốn là gà chết nhát cho nên mỗi khi bị tấn công tôi thường “giở ngón” “tẩu vi thượng sách”. “Hung thủ” vẫn không chịu bỏ cuộc. Hắn cầm cả một chậu hoa ném vào người tôi. Tôi né kịp và chạy thẳng vào bên trong cửa tiệm để cầu cứu. Một vài thanh niên chạy ra tiếp cứu. “Hung thủ” bỏ đi và từ từ biến mất trong bóng đêm. Những người thanh niên nhìn theo và trấn an tôi: “Hắn là một tên khùng”. Tôi thở phào nhẹ nhõm: may mà mình đang sống ở Úc, là nơi súng đạn được kiểm soát rất nghiêm nhặt.

Thời nào và ở đâu cũng có người khùng hay điên loạn mà ngày nay người ta thường gọi chung là những người mắc bệnh tâm thần. Cách đây gần 60 năm, một thảm kịch vô cùng đau thương đã xảy ra trong cái xóm giáo nhỏ của tôi ở miền Trung Việt Nam. Chấn thương vẫn còn âm ỉ trong tâm trí tôi. Vào một buổi trưa hè nóng bức, một người đàn ông ngoài 30 tuổi, sau khi  đâm chết cha mình, đã lôi ông ra trước cửa nhà và cắt lưỡi ông, rồi sau đó cầm dao chạy thẳng lên nhà thờ của giáo xứ và chém xối xả vào người vị linh mục quản xứ. May nhờ có người can thiệp đúng lúc cho nên vị linh mục chỉ bị thương nhẹ. Được biết hung thủ là một người đàn ông bình thường, có vợ 2 con. Do đi lính trong quân đội Pháp, ông bị thương và một mảnh đạn còn ghim trong đầu. Những ngày nắng nóng ông thường lên cơn “điên”. Được đưa vào nhà thương Chợ Quán chữa trị một thời gian, ông được chuẩn đoán đã bình phục và được cho về nhà. Nhưng không ngờ, vết thương trong đầu vẫn còn đó và một cơn điên đã khiến ông làm điều mà chỉ có những người “mất trí” mới dám làm. Sau thảm kịch đó, “người điên” đã được đưa trở lại nhà thương điên và sống những ngày còn lại ở đó.

Trước năm 1975, hầu hết những người điên đều được đưa vào nhà thương điên. Sau năm 1975, không biết có phải do thời thế không, người điên không biết từ đâu mà “chạy đầy đường”. Riêng ở khu Chợ Đầm của thành phố Nha Trang của tôi, có những cảnh thương tâm đến độ tôi không dám bén mảng tới: có những thiếu phụ không một mảnh áo che thân đi lại giữa phố chợ mà không chút mảy may biết xấu hổ! Kỳ thực, đã điên rồi thì làm gì còn biết xấu hổ! Và dĩ nhiên cũng chẳng ai lên án hay trách móc người điên vì bất cứ hành động hay cách cư xử nào của họ. Có chăng là sự đau xót và cảm thông mà thôi!

Cảm thông với người điên vì họ không còn biết xấu hổ, nhưng liệu có thể cảm thông với những kẻ, tuy không điên, nhưng không còn khả năng biết thế nào là xấu hổ không? Tôi tự đặt ra cho mình câu hỏi ấy khi nghĩ đến đồ tể Vladimir Putin.

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm dấy lên nhiều tranh cãi khi ông kêu gọi Hoa Kỳ và các nước Tây Phương đang ủng hộ Ukraine, không nên làm “sỉ nhục” nước Nga trong lúc này. Kể từ khi nắm trọn trong tay mọi quyền sinh sát tại Nga từ hơn 20 năm nay, có lẽ Putin cũng ngầm tuyên bố như vua Louis XIV (1636-1715) của Pháp “Nhà nước, quốc gia là ta” (L’Etat, c’est moi); Nước Nga là Ta, Putin.  Làm “sỉ nhục nước Nga” là “làm sỉ nhục Ta”. Khi kêu gọi đừng làm “sỉ nhục” nước Nga, hẳn đương kim tổng thống Pháp cũng muốn hiểu là không nên làm “sỉ nhục” chính Putin, vì làm như thế Putin sẽ “nổi giận” và tàn ác hơn trong cuộc chiến xâm lược Ukraine cũng như sẽ có những hành động không lường trước được với cả thế giới.

Thật ra, từ lúc hiện nguyên hình là một nhà độc tài khát máu tại Nga, Putin đã không còn để lộ bất cứ một dấu chỉ nào cho thấy hắn còn biết thế nào là xấu hổ. Đã biết xấu hổ thì hẳn bước vào Thế kỷ 21 này, Putin đã chẳng tấu hài với màn kịch hết thủ tướng rồi tổng thống, hết tổng thống rồi thủ tướng và nay độc diễn tổng thống cho đến mãn đời và nhứt là hiện đang xem mình như một Phêrô đại đế (1682-1725)! Đã còn biết xấu hổ thì Putin đã chẳng ra lệnh sử dụng khí độc để thủ tiêu bất cứ đối thủ chính trị hay bất cứ ai dám lên tiếng chỉ trích mình. Còn nếu nhìn vào tội ác mà Putin đã và đang làm tại Ukraine thì quả thật trong con người Putin, “giây thần kinh xấu hổ” đã hoàn toàn bị đứt rồi! Một khi nơi một người mà “giây thần kinh xấu hổ” đã đứt rồi thì “đừng làm sỉ nhục” người đó là điều hoàn toàn vô nghĩa.

“Đứt giây thần kinh xấu hổ” là cụm từ thời thượng mà tôi đã học được từ trong nước mỗi khi nói về đủ thứ thói kệch cỡm của chế độ độc tài tại Việt Nam. Tôi không biết mình có “cường điệu” không khi nói thậm xưng rằng đã là cộng sản thì đương nhiên phải “đứt giây thần kinh xấu hổ”! Ông chủ tịch hay thủ tướng nào ra nước ngoài cũng “ló” cái ngu, cái dốt của mình ra làm trò cười cho thiên hạ mà chẳng bao giờ biết xấu hổ. Nói gì đến chuyện tiến sĩ “chạy đầy đường”! Ông bà “quan chức” nào cũng muốn gắn vào sau lưng mình cái đuôi “tiến sĩ” nhưng lại không che dấu được sự ngu dốt của mình mà không hề biết xấu hổ. Còn chuyện chống tham những thì quả thật nếu không “đứt giây thần kinh xấu hổ” thì có lẽ, đã là lãnh tụ tối cao của một chế độ độc tài, ông Nguyễn Phú Trọng đã không muối mặt để “đốt lò” thiêu sống các thuộc hạ của mình nữa. Bởi lẽ độc tài đẻ ra tham nhũng hay đúng hơn tự nó độc tài cũng là “tham nhũng”. “Tham nhũng” đâu chỉ là “tham nhũng” về tiền bạc hay đất đai. “Tham nhũng” thiết yếu là tham nhũng về quyền lực. Về điểm này, ai hơn Nguyễn Phú Trọng! Đã là tham nhũng mà còn hô hào chống tham nhũng thì chỉ có những cái đầu “đứt giây thần kinh xấu hổ” mới có đủ trơ trẽn để làm mà thôi!

Từ một Putin “đứt giây thần kinh xấu hổ” và từ một chế độ cộng sản Việt Nam cũng “đứt giây thần kinh xấu hổ” nhìn sang Hoa Kỳ, tôi thấy hiện tượng này xem ra lại càng khủng khiếp hơn. Ở Nga có lẽ chỉ có một Putin hay một thượng phụ giáo chủ Kirill không còn biết xấu hổ và một số đông, do bị cưỡng bách và sợ hãi, cũng đã cắt đứt giây thần kinh xấu hổ. Ở Việt Nam chế độ độc tài đã tự giải phẫu để làm tê liệt giây thần kinh xấu hổ của cấp lãnh đạo. Đó là điều tất yếu trong bất cứ một chế độ độc tài nào. Nhưng nay, khi nhìn vào nước Mỹ, nhứt là với những vụ bắn giết xảy ra thường xuyên đến nỗi bộ nhớ của tôi hầu như quá tải để có thể thu giữ được con số người bị giết vì súng đạn. Máu chảy ruột mềm. Dù máu chảy ở đâu, đã là một phần bất khả phân ly của nhân loại, tôi không thể không cảm thấy quặn đau khi có một người vô tội bị sát hại. Nếu tôi là một người Mỹ tôi không thể không cảm thấy xấu hổ vì những vụ bắn giết xảy ra như cơm bữa và nhứt là vì nhiều người vẫn khăng khăng với luận điệu: súng không giết người, chỉ có người mới giết người do đó có súng là một quyền thiêng liêng, tuyệt đối!

Kết quả của một số cuộc thăm dò mới đây cho thấy mặc dù đa số dân Mỹ muốn có luật kiểm soát súng đạn, nhưng cũng cái đám đông ấy vẫn bám vào tu chính án thứ hai để đòi hỏi phải tuyệt đối được  quyền mang súng (1). Và để bảo vệ quyền được mang súng ấy, các ông bà nghị, do “đứt giây thần kinh xấu hổ”, đã đưa ra những luận cứ ngớ ngẩn không thể tưởng tượng được. Một ông dân biểu đại diện cho Tiểu bang Missouri “đưa ra một lý thuyết  đặc biệt: Bắn giết nhiều không phải vì nhiều súng quá mà vì các vụ phá thai”. Các phụ nữ phá thai phải mang tiếng oan, bởi vì “trong số các thủ phạm bắn chết người, không có các bà các cô đã phá thai”.

Một ông nghị khác, hiện đang muốn ứng cử nghị sĩ Tiểu bang Alabama, thì cho rằng “các vụ bắn chết người gia tăng bây giờ là vì số các bà mẹ nuôi con một mình tăng lên”. Ông nói rằng “các đứa trẻ này lớn lên thường sống nhờ tiền trợ cấp xã hội, học hành thua kém, hay ghiền ma túy và tội phạm” (Tân thủ tướng Úc của tôi, ông Anthony Albanese hẳn sẽ phiền lòng lắm vì ông đã lớn lên trong gia đình của một bà mẹ đơn chiếc!). Ông nghị này quả không biết xấu hổ khi cố tình quên rằng  người thanh niên Payton Gendron, kẻ đã giết 10 người da đen mới đây tại một siêu thị ở Buffalo, Tiểu bang New York, đã từng “sống với cha mẹ, trong một ngôi nhà ba tầng, có hồ bơi, thuộc khu ngoại ô Binghamton toàn người da trắng khá giả, bố mẹ làm kỹ sư”. Ông nghị này cũng đã cố tình quên rằng người thanh niên 21 tuổi bắn chết 23 người tại El Paso, Texas hồi năm 2019 đã lớn lên trong một gia đình nề nếp, được cha mẹ “dạy con phải nhân từ, bao dung, kính trọng mọi người, không được hận thù, ký thị, bạo động”. Ông nghị này cũng cố tình quên rằng người đàn ông 64 tuổi đã giết 60 người tại Las Vegas hồi năm 2017 đã từng lớn lên trong một gia đình toàn vẹn (2).

Luận điệu bảo vệ tính tuyệt đối của quyền được mang súng mà rất nhiều ông bà nghị đưa ra và cũng được rất nhiều người Mỹ tán thành làm tôi cảm thấy đau thắt ruột mỗi khi nghĩ đến các nạn nhân bị thảm sát một cách vô tội vạ, nhứt là các học sinh trong các trường tiểu học. Rồi đây, ngay cả khi tôi đang ngồi viết những dòng này, chính cái luận điệu đặt quyền mang súng lên trên mạng sống con người, vô số kể những vụ bắn giết cũng sẽ tiếp tục xảy ra. Cái xã hội văn minh và giàu mạnh này vẫn cứ vô tâm và không biết xấu hổ. Người ta vẫn cứ tiếp tục nhảy cái vũ điệu ma quái trên xác người. Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi các vũ điệu ấy nơi một người đã không biết ngượng miệng và xấu hổ khi tuyên bố lúc ra tranh cử tổng thống rằng: “Tôi có thể đứng giữa đại lộ số 5 (ở New York) và bắn ai đó mà không mất một phiếu bầu nào”. Quả thật, đã có 72 triệu người Mỹ bỏ phiếu ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm 2020, mặc cho ông có dối trá như cuội, mặc cho ông ngu ngốc đến cỡ nào, mặc cho ông có khinh thường luật pháp và hiến pháp đến đâu, mặc cho ông có chà đạp các chuẩn mực đạo đức đến cỡ  nào. Bỉ ổi nhứt hẳn phải là vũ điệu ấy lại được lập tại đại hội của Hội Súng Trường (NRA) tại Houston chỉ 3 ngày sau vụ thảm sát tại Uvalde. Trong bài diễn văn của mình, ông đọc tên 21 nạn nhân của vụ thảm sát để rồi, không chút ngượng ngùng và xấu hổ, ông kết thúc bài diễn văn với vũ điệu ma quái ấy (3). Nhìn ông nhảy múa, tôi nghĩ bụng: hết thuộc chữa!

Quả thật, khi con người không còn biết xấu hổ, họ tự hạ mình xuống hàng súc vật, bởi vì súc vật không biết xấu hổ (Nói vậy kể ra cũng có lỗi với súc vật, vì con chó của tôi vẫn biết tỏ ra xấu hổ khi bị tôi quở trách). Là “con nhà có đạo”, nhưng có lúc tôi đọc Kinh Thánh theo “lề trái”. Như câu chuyện “sa ngã” của ông bà nguyên tổ được ghi lại trong sách Sáng Thế Ký chẳng hạn, tôi không cho đó là một sự sa ngã, mà là một sự vươn lên. Thật vậy, sau khi ăn trái cấm, “mắt hai ông bà đã mở ra và họ thấy mình trần truồng”. Biết mình trần truồng, tức biết xấu hổ, là biết phân biệt đúng sai và thiện ác. Biết xấu hổ là ý thức mình là người và còn muốn lớn lên trong nhân cách.

Chu Văn

 

 

Chú thích

1.Rani Molla, Polling is clear: Americans want gun control, Vox Jun 1,2022

2.Ngô Nhân Dụng, Tại sao nhiều người Mỹ chết vì súng, Đài Voa 06/06/2022

3.Thomas Kika, Trump draws ire for dancing at NRA Convention after Texas shooting, Newsweek 5/28/22


Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

"4689" Yêu & Tự do Dân chủ




 Thi Văn

Có một "ngày này năm xưa" mà tôi luôn bị khắc khoải mỗi khi ngày ấy trở về: ngày 4 tháng Sáu 1989. Ngày mà phong trào đấu tranh của sinh viên và người dân Trung quốc xuống đường đòi nới lỏng tự do ngôn luận, tự do hóa chính trị và kinh tế, ở Quảng trường Thiên An Môn, bị nghiền nát. Hình ảnh của những sinh viên Trung quốc bị chính quyền đàn áp, bị những chiếc xe tăng lao vào và càn quét vẫn còn đẫm máu trong trí nhớ của tôi. Nhất là hình ảnh người đàn ông đối đầu với một đoàn xe tăng, anh ta đã bị bắt, bị đánh đập và biến mất. Tôi không thể quên. Dù đã 33 năm. Dù rất nhiều người trong số họ đã chết. Dù rất nhiều người sống sót phải trải qua lao tù và vượt thoát. Dù chính quyền Trung quốc luôn tìm cách chối bỏ và xóa đi những gì còn sót lại (*). Với tôi, tất cả ngày càng rõ hơn, đậm hơn và khiến tôi phải tự vấn mình nhiều hơn.

Có những lý do khiến sự kiện này ám ảnh và theo tôi mãi. Thứ nhất, tôi là một người tỵ nạn cộng sản. Tôi đã từng "được" giáo dục dưới chế độ cộng sản và tôi hiểu được họ phải can đảm như thế nào khi dám đứng lên để đòi hỏi những quyền chính đáng của mỗi một con người trong một đất nước từng có một cuộc Cách Mạng Văn Hóa tàn khốc. Một lý do khác trùng hợp hơn: lúc đó tôi sắp sinh con. Một đứa con trai mà rồi nó sẽ lớn lên như những sinh viên này. Con tôi bao nhiêu tuổi thì biến cố này sẽ đi vào lịch sử bấy nhiêu năm. Rất nhiều lần nhìn con, tôi nhớ đến người thanh niên đơn độc ngày nào. Chỉ vì được sinh ra ở một nước tự do, con tôi chưa từng phải trả bất cứ giá nào để có được những cái quyền mà những người sinh viên Thiên An Môn tranh đấu bằng máu mà không được. 

Con tôi chưa từng phải trả giá vì tôi đã phải trả giá bằng một cuộc vượt biển nguy hiểm. Sống trong một thể chế tự do dân chủ và hưởng những quyền làm người như con tôi cũng giống như hưởng một tình yêu. Bạn không thể tả mà chỉ có thể cảm. Từ ngữ không đủ sức để diễn tả yêu như thế nào ngoại trừ bạn đang yêu. Cũng vậy, từ ngữ cũng không thể nào nói lên được cuộc sống với tất cả sự an toàn, hạnh phúc và có chủ quyền như thế nào. Nhiều người trẻ từ trong nước sang Úc học hay làm việc thường nói với tôi rằng, Việt nam bây giờ không thiếu gì cả. Tôi cười. Có bạn còn nói với tôi rằng Việt Nam bây giờ tự do hơn ở Úc. Tôi cũng cười. Và tôi hiểu tôi muốn điều gì cho đất nước tôi, cho dân tộc tôi. Như một người được nếm thế nào là tự do dân chủ và tự chủ, tôi cũng muốn một ngày nào đó, những người cùng một Mẹ Việt Nam cũng được như vậy. Chỉ có nếm trải thì chúng ta mới hiểu sự vô giá của tự do dân chủ. 

"Việt nam bây giờ không thiếu gì cả!" Có chứ, thiếu chủ quyền!

"Việt Nam bây giờ được tự do hơn ở Úc!" Hãy thành thật với chính mình, đó có phải là tự do đích thực hay không?

Tôi hiểu tại sao những sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm nào đã bất chấp tất cả. Họ yêu mến dân tộc họ và muốn cho mọi người được hưởng được tự do dân chủ.

Tự do dân chủ rất giống tình yêu ở chỗ: có thì không muốn mất mà mất thì tiếc không chịu được.

Thế nhưng, tình yêu và tự do dân chủ không tự dưng mà có. Cả hai đều cần sự nỗ lực "hết linh hồn, hết trí khôn" để tồn tại.

Vì vậy, với tinh thần Thiên An Môn, chỉ cần tôi có thể giúp cho chỉ một ai đó nếm được hương vị tự do dân chủ, tôi cũng mãn nguyện.

Tôi đã sẵn sàng. Bạn thì sao?

Thi Văn


(*)  https://www.luatkhoa.org/2019/06/30-buc-anh-ve-tham-sat-thien-an-mon-trung-quoc-muon-xoa-khoi-lich-su/



Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Sói không đơn độc

 


Chu Văn

 

Tôi chưa hề “chống Mỹ cứu nước”. Còn chuyện Mỹ bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa và bán đứng cho cộng sản thì cũng đã là “lịch sử”. “Hận” cách mấy rồi cũng nguôi ngoai. Nhưng nay, cứ mỗi lần nhìn vào “chuyện thường ngày ở huyện” tại Mỹ, tôi lại thấy “ghét” cái nước “vĩ đại” này quá chừng! Tĩnh từ đầu tiên xuất hiện trong trí tôi mỗi khi nghĩ đến đất nước này luôn là hai chữ “quái đản”. Là “giấc mơ” của cả thế giới, giàu mạnh nhứt thế giới, văn minh nhứt thế giới, có đội ngũ khoa học gia và chuyên gia y tế tài ba nhứt thế giới, có thừa mứa thuốc chủng ngừa Covid nhứt thế giới...vậy mà với hơn 1 triệu người chết vì dịch bệnh này, Mỹ cũng nhứt luôn! Thay vì chung sức, chung lòng để chống lại dịch bệnh, cứ ngồi đó mà gấu ó nhau vì chuyện mang khẩu trang hay không mang khẩu trang, giãn cách hay không giãn cách, chích ngừa hay không chích ngừa. Không quái đản là gì! Quái đản hơn  nữa là chuyện bắn giết người hàng loạt xảy ra như cơm bữa! Tôi không ngạc nhiên chút nào khi xảy ra vụ thảm sát tại một siêu thị ở Thành phố Buffalo, Tiểu bang New York hôm thứ Bảy 14 tháng Năm vừa qua. Tôi tin chắc như đinh đóng cột rằng rồi ra những thảm kịch như thế sẽ tiếp tục diễn ra. Nước Mỹ không chỉ “lạnh lùng” như người chuyên viết tạp ghi Huy Phương đã ghi nhận, nước Mỹ vô tâm và tàn nhẫn! Người ta cứ nhân danh một thứ quyền “thiêng liêng”, “thần thánh”, “bất khả di nhượng”...được hiến định trong tu chính án số hai là quyền được tự do mang súng để muốn bắn ai thì bắn và xem ra chẳng mảy may xúc động trước cảnh người bắn giết người một cách vô tội vạ. Kịch bản nhàm chán cứ tiếp tục được viết lại: sau thảm kịch, hoa được mang đến hiện trường, những lời “tưởng nhớ và cầu nguyện” được gởi đến với câu thần chú “Xin Thượng Đế chúc lành cho nước Mỹ” (God bless America). Sau đó, ai nấy rút lui vào cứ địa an toàn của mình. Mọi thứ tội lỗi đều được trút lên đầu con “sói đơn độc” (lone wolf) và xã hội lại được xá giải! Rồi đâu lại vào đó! Bởi lẽ, như ký giả Sam Levin đã viết trên báo The Guardian, “cuộc tàn sát tại Buffalo là một phần của truyền thống Mỹ: “Chúng ta sẽ tiếp tục thấy những vụ bắn giết như thế”(1). Đúng là một “truyền thống” quái đản!

Có thật sự người thanh niên da trắng 18 tuổi tên là Payton Gendron là một con “sói đơn độc” khi lái xe 3 tiếng rưỡi đồng hồ từ New York đến Buffalo để bắn hạ 10 người mà hầu hết là người gốc Phi Châu không? Trong một bài phân tách được đăng trên báo The Atlantic số ra ngày 15 tháng Năm vừa qua, tác giả Juliette Kayyem cho rằng ngay cả khi một kẻ giết người hàng loạt như người thanh niên Gendron có hành động riêng rẽ một mình đi nữa, ý thức hệ, tức tư tưởng, chủ trương kỳ thị chủng tộc và nhứt là sự thù hận của cậu ta cũng đã được rất nhiều người chia sẻ, nâng đỡ, khuyến khích và cổ võ (2).

Theo tác giả Kayyem, chó sói không phải là một loài thú đặc biệt. Chó sói không to lớn, mạnh bạo bằng sư tử hay cọp beo. Trong thế giới loài vật, chó sói không “thông minh” và cũng chẳng có nanh vuốt bén nhạy biến chúng thành một loài thú săn mồi nguy hiểm và đáng sợ nhứt. Sở dĩ chó sói thành công hơn nhiều loài thú săn mồi khác là bởi chúng luôn biết hợp tác với nhau. Khi một con mồi đã được định vị, bày sói thường tẻ ra nhiều góc rồi mới bắt đầu tấn công: con đánh phía sau, con phục kích phía trước!  “Chiến thuật” này cho thấy sói không hành động riêng lẻ, đơn độc một mình. Trong thế giới loài vật, một con sói đơn độc không đủ sức mạnh để hành động một mình. Một con sói đơn độc không đáng sợ. Một con sói  đơn độc không có khả năng để tàn sát một lúc nhiều con thú khác.

Gendron, hung thủ đi săn mồi tại một siêu thị ở Buffalo có phải là một con “sói đơn độc” không? Trong trường hợp này, dường như Gendron không hề có bất cứ một người đồng lõa nào. Cậu ta chỉ hành động một mình. Căn cứ trên bản “tuyên ngôn” được chính hung thủ cho phát tán trên các trang mạng xã hội, hành động giết người hàng loạt của cậu ta quả là một cuộc tàn sát vì kỳ thị chủng tộc. Cảnh sát New York đã tuyên bố đây là một “tội ác vì động lực hận thù chủng tộc”. Theo tác giả Kayyem, thông thường khi suy nghĩ, viết và truy tố những tội ác như thế tại Mỹ, người ta thường chỉ tập trung vào câu hỏi: hung thủ có hành động như một con “sói đơn độc” không. Hành động của cậu ta hoàn toàn khác với những hành động khủng bố của những nhóm khủng bố Hồi giáo như ISIS (Nhà nước Hồi giáo) chẳng hạn. Dù chỉ có một kẻ ôm bom tự sát để sát hại nhiều người, hành động này vẫn được nhiều người tham gia lên kế hoạch.

Như vậy, Gendron có phải là một con “sói đơn độc” không? Qua bản “tuyên ngôn” được chính cậu ta cho công bố trên các trang mạng hai ngày trước khi ra tay hành động, cậu ta cho biết mình không hành động một mình, mà có cả một khối người minh nhiên hay mặc nhiên  đồng tình, đứng sau lưng để trực tiếp hay gián tiếp yểm trợ cho cậu. Sự kiện Gendron tự quay phim cảnh giết người và phát tán lên mạng như một phóng sự được trực tiếp truyền hình cho thấy có cả một cộng đồng “mạng” đang chờ đợi để xem cuộc bắn giết như thưởng thức một cuốn phim truyền hình thực tế.

Nếu Gendron không phải là một con “sói đơn độc” trong vụ tàn sát hàng loạt tại Buffalo thì đồng lõa và sau lưng cậu là ai? Trước hết phải nói đến nền văn hóa súng đạn tại Hoa Kỳ. Có lẽ chẳng có nơi nào trên thế giới tỷ lệ sở hữu súng và nhứt là súng giết người hàng loạt tính theo đầu người cao như ở Mỹ. Và dĩ nhiên cũng đã rõ như ban ngày là con số người chết vì súng đạn tại Mỹ cao hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Giải pháp cho “đại dịch súng đạn” mà lẽ thường (common sense) ở đâu cũng đòi hỏi phải có là bằng mọi giá phải kiểm soát súng đạn. Cuối tháng Tư năm 1996, một người thanh niên mắc bệnh tâm thần đã xả súng bắn chết 35 người và làm bị thương 23 người tại Port Arthur, Tiểu bang Tasmania, Úc Đại Lợi. Liền sau đó, Chính phủ Úc đã thông qua luật kiểm soát súng đạn một cách rất chặt chẽ. Chính phủ Úc đã mua lại 643.000 khẩu súng. Từ đó đến nay, chẳng ai nhắc đến Úc như một nơi mà người dân phải chết một cách oan uổng vì súng đạn nữa. Tại Na Uy, tháng Bảy năm 2011, một người thanh niên tên là Anders Breivik đã dùng bom và súng để thực hiện 2 cuộc tấn công tại Oslo và sát hại tổng cộng 77 người. Một tòa án tại Oslo đã đưa ra phán quyết rằng hung thủ là một người bình thường, nhưng có khuynh hướng chính trị cực đoan. Breivik bị kết án 21 năm tù. Liền sau cuộc thảm sát, Na Uy cũng đã thông qua luật kiểm soát súng rất gắt gao. Luật vẫn cho phép người dân được sở hữu súng. Nhưng súng chỉ được sử dụng mỗi năm một tuần lễ để đi  săn mà thôi...Suốt năm, súng bị “khóa lại” và giữ trong kho! Cảnh sát ở Na Uy cũng chẳng cần phải mang súng. Kể từ sau cuộc thảm sát hồi năm 2011, đã không hề xảy ra bất cứ một cuộc bắn giết nào nữa.

Tại Tân Tây Lan, dạo tháng Sáu năm 2019, một thanh niên theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng người Úc tên là Brenton Tarrant đã xông vào hai đền thờ Hồi giáo tại Thành phố Christchurch và bắn giết 51 tín đồ đang thờ phượng. Liền sau đó, Thủ tướng Tân Tây Lan Jacinda Ardern đã ban hành luật kiểm soát súng rất nghiêm nhặt: cấm sở hữu súng bán tự động. Từ đó đến nay, đã không có bất cứ cuộc tàn sát bằng súng đạn nào tại Tân Tây Lan nữa.

Ở đâu cũng có những người mắc bệnh tâm thần. Ở đâu cũng có những thành phần bị cực đoan hóa, nhứt là kỳ thị chủng tộc. Có khác chăng là tại Mỹ súng đạn không bao giờ được kiểm soát và sẽ mãi mãi không bao giờ được kiểm soát một cách chặt chẽ. Và bao lâu súng đạn không được kiểm soát, thì trong liên đới trách nhiệm, những kẻ bắn giết người hàng loạt, dù mắc bệnh tâm thần hay thù hận chủng tộc, đều không phải là những con “sói đơn độc”. “Con số người Mỹ chết vì súng thật khủng khiếp, bởi vì người Mỹ sống với súng một cách vô trách nhiệm” (3).

Kiểm soát việc sở hữu súng trong xã hội là chuyện phải làm để ngăn ngừa những vụ bắn giết bừa bãi. Đó là biện pháp mà lẽ thường ở bất cứ nơi nào trên trái đất này cũng đòi hỏi phải có.

Ngoài biện pháp kiểm soát việc sở hữu súng, một xã hội thực sự an toàn và lành mạnh trước hết phải là một xã hội không bị chia rẽ, xâu xé vì hận thù. Vụ thảm sát ở Buffalo cho thấy người thanh niên Gendron không hề là một con “sói đơn độc” vì xung quanh cậu ta có cả một bầy sói hậm hực và sôi sục hận thù chủng tộc. Trong những ngày vừa qua, cứ thử nghe đài Fox News, đặc biệt bình luận gia nổi đình đám nhứt của đài này là Tucker Carlson, người ta sẽ thấy ngay một thanh niên như Gendron đã bị đầu độc và cực đoan hóa như thế nào. Trong bản “tuyên ngôn” được cho công bố trước khi ra tay thảm sát người Mỹ gốc Phi Châu tại Buffalo, Gendron đã tuyên xưng niềm tin của mình vào thuyết âm mưu “thay thế” (Replacement Theory). Theo thuyết này, nếu không ra tay kịp thời thì không bao lâu nữa, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ của người da trắng sẽ bị người di dân, dân da mầu hay dân đến từ “Đệ tam Thế giới” chiếm lấy. Đây là lý thuyết mà Carlson đã không ngừng quảng bá trong các chương trình ăn khách của ông. Theo một bài phân tách mới đây của báo The New York Times,  trong hơn 400 bài “thuyết giảng” hùng hồn  của mình, Carlson đã hoàn toàn ủng hộ và quảng bá cho thuyết âm mưu này (4).

Trong “tuyên ngôn”, hung thủ không nhắc tới giáo chủ Donald Trump, người trong 4 năm ngồi trong Tòa Bạch Ốc, đã không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ dành cho những thành phần da trắng thượng đẳng và kỳ thị chủng tộc. Về phần mình, trong một buổi nói chuyện tại Austin, Tiểu bang Texas, chỉ vài giờ sau cuộc thảm sát, cựu tổng thống Mỹ  đã không bày tỏ bất cứ một lời lên án nào về cuộc thảm sát hay chia buồn với gia đình các nạn nhân nhưng lại lợi dụng dịp này để khoe mẽ một cách lạc đề và dối trá rằng trong liên tục 18 tháng trong nhiệm kỳ của ông, không có người Mỹ nào chết tại A Phú Hãn! (Vậy ở Mỹ thì sao? Đương nhiên là có!) Vô tâm đến thế là cùng!

Hung thủ của vụ thảm sát tại Buffalo không hề là một con “sói đơn độc”. Thức ăn của những con thú như hung thủ này chính là sự vô cảm của những thành phần lãnh đạo trong xã hội, đặt quyền lợi liên quan đến súng lên trên mạng người và nhứt là hận thù chủng tộc. Một xã hội sống bằng hận thù đến độ không còn biết xót xa, thương cảm trước nỗi khổ đau của người đồng loại quả là một xã hội quái đản!

 

 


Chú thích:

1.Sam Kevin, How the Buffalo massacre is part of U.S tradition...The Guardian, 19 May 2022

2.Juliette Kayyem, A ‘Lone-Wolf’ Shooter Has an Online Pack, The Atlantic May 15, 2022

3. David Frum, America’ s Gun Plague, The Atlantic May 15, 2022

4. Daniel Arkin,  Fox News’ Tucker Carlson under fresh scutiny after Buffalo mass shooting, nbcnews May 17, 2022