Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Sói không đơn độc

 


Chu Văn

 

Tôi chưa hề “chống Mỹ cứu nước”. Còn chuyện Mỹ bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa và bán đứng cho cộng sản thì cũng đã là “lịch sử”. “Hận” cách mấy rồi cũng nguôi ngoai. Nhưng nay, cứ mỗi lần nhìn vào “chuyện thường ngày ở huyện” tại Mỹ, tôi lại thấy “ghét” cái nước “vĩ đại” này quá chừng! Tĩnh từ đầu tiên xuất hiện trong trí tôi mỗi khi nghĩ đến đất nước này luôn là hai chữ “quái đản”. Là “giấc mơ” của cả thế giới, giàu mạnh nhứt thế giới, văn minh nhứt thế giới, có đội ngũ khoa học gia và chuyên gia y tế tài ba nhứt thế giới, có thừa mứa thuốc chủng ngừa Covid nhứt thế giới...vậy mà với hơn 1 triệu người chết vì dịch bệnh này, Mỹ cũng nhứt luôn! Thay vì chung sức, chung lòng để chống lại dịch bệnh, cứ ngồi đó mà gấu ó nhau vì chuyện mang khẩu trang hay không mang khẩu trang, giãn cách hay không giãn cách, chích ngừa hay không chích ngừa. Không quái đản là gì! Quái đản hơn  nữa là chuyện bắn giết người hàng loạt xảy ra như cơm bữa! Tôi không ngạc nhiên chút nào khi xảy ra vụ thảm sát tại một siêu thị ở Thành phố Buffalo, Tiểu bang New York hôm thứ Bảy 14 tháng Năm vừa qua. Tôi tin chắc như đinh đóng cột rằng rồi ra những thảm kịch như thế sẽ tiếp tục diễn ra. Nước Mỹ không chỉ “lạnh lùng” như người chuyên viết tạp ghi Huy Phương đã ghi nhận, nước Mỹ vô tâm và tàn nhẫn! Người ta cứ nhân danh một thứ quyền “thiêng liêng”, “thần thánh”, “bất khả di nhượng”...được hiến định trong tu chính án số hai là quyền được tự do mang súng để muốn bắn ai thì bắn và xem ra chẳng mảy may xúc động trước cảnh người bắn giết người một cách vô tội vạ. Kịch bản nhàm chán cứ tiếp tục được viết lại: sau thảm kịch, hoa được mang đến hiện trường, những lời “tưởng nhớ và cầu nguyện” được gởi đến với câu thần chú “Xin Thượng Đế chúc lành cho nước Mỹ” (God bless America). Sau đó, ai nấy rút lui vào cứ địa an toàn của mình. Mọi thứ tội lỗi đều được trút lên đầu con “sói đơn độc” (lone wolf) và xã hội lại được xá giải! Rồi đâu lại vào đó! Bởi lẽ, như ký giả Sam Levin đã viết trên báo The Guardian, “cuộc tàn sát tại Buffalo là một phần của truyền thống Mỹ: “Chúng ta sẽ tiếp tục thấy những vụ bắn giết như thế”(1). Đúng là một “truyền thống” quái đản!

Có thật sự người thanh niên da trắng 18 tuổi tên là Payton Gendron là một con “sói đơn độc” khi lái xe 3 tiếng rưỡi đồng hồ từ New York đến Buffalo để bắn hạ 10 người mà hầu hết là người gốc Phi Châu không? Trong một bài phân tách được đăng trên báo The Atlantic số ra ngày 15 tháng Năm vừa qua, tác giả Juliette Kayyem cho rằng ngay cả khi một kẻ giết người hàng loạt như người thanh niên Gendron có hành động riêng rẽ một mình đi nữa, ý thức hệ, tức tư tưởng, chủ trương kỳ thị chủng tộc và nhứt là sự thù hận của cậu ta cũng đã được rất nhiều người chia sẻ, nâng đỡ, khuyến khích và cổ võ (2).

Theo tác giả Kayyem, chó sói không phải là một loài thú đặc biệt. Chó sói không to lớn, mạnh bạo bằng sư tử hay cọp beo. Trong thế giới loài vật, chó sói không “thông minh” và cũng chẳng có nanh vuốt bén nhạy biến chúng thành một loài thú săn mồi nguy hiểm và đáng sợ nhứt. Sở dĩ chó sói thành công hơn nhiều loài thú săn mồi khác là bởi chúng luôn biết hợp tác với nhau. Khi một con mồi đã được định vị, bày sói thường tẻ ra nhiều góc rồi mới bắt đầu tấn công: con đánh phía sau, con phục kích phía trước!  “Chiến thuật” này cho thấy sói không hành động riêng lẻ, đơn độc một mình. Trong thế giới loài vật, một con sói đơn độc không đủ sức mạnh để hành động một mình. Một con sói đơn độc không đáng sợ. Một con sói  đơn độc không có khả năng để tàn sát một lúc nhiều con thú khác.

Gendron, hung thủ đi săn mồi tại một siêu thị ở Buffalo có phải là một con “sói đơn độc” không? Trong trường hợp này, dường như Gendron không hề có bất cứ một người đồng lõa nào. Cậu ta chỉ hành động một mình. Căn cứ trên bản “tuyên ngôn” được chính hung thủ cho phát tán trên các trang mạng xã hội, hành động giết người hàng loạt của cậu ta quả là một cuộc tàn sát vì kỳ thị chủng tộc. Cảnh sát New York đã tuyên bố đây là một “tội ác vì động lực hận thù chủng tộc”. Theo tác giả Kayyem, thông thường khi suy nghĩ, viết và truy tố những tội ác như thế tại Mỹ, người ta thường chỉ tập trung vào câu hỏi: hung thủ có hành động như một con “sói đơn độc” không. Hành động của cậu ta hoàn toàn khác với những hành động khủng bố của những nhóm khủng bố Hồi giáo như ISIS (Nhà nước Hồi giáo) chẳng hạn. Dù chỉ có một kẻ ôm bom tự sát để sát hại nhiều người, hành động này vẫn được nhiều người tham gia lên kế hoạch.

Như vậy, Gendron có phải là một con “sói đơn độc” không? Qua bản “tuyên ngôn” được chính cậu ta cho công bố trên các trang mạng hai ngày trước khi ra tay hành động, cậu ta cho biết mình không hành động một mình, mà có cả một khối người minh nhiên hay mặc nhiên  đồng tình, đứng sau lưng để trực tiếp hay gián tiếp yểm trợ cho cậu. Sự kiện Gendron tự quay phim cảnh giết người và phát tán lên mạng như một phóng sự được trực tiếp truyền hình cho thấy có cả một cộng đồng “mạng” đang chờ đợi để xem cuộc bắn giết như thưởng thức một cuốn phim truyền hình thực tế.

Nếu Gendron không phải là một con “sói đơn độc” trong vụ tàn sát hàng loạt tại Buffalo thì đồng lõa và sau lưng cậu là ai? Trước hết phải nói đến nền văn hóa súng đạn tại Hoa Kỳ. Có lẽ chẳng có nơi nào trên thế giới tỷ lệ sở hữu súng và nhứt là súng giết người hàng loạt tính theo đầu người cao như ở Mỹ. Và dĩ nhiên cũng đã rõ như ban ngày là con số người chết vì súng đạn tại Mỹ cao hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Giải pháp cho “đại dịch súng đạn” mà lẽ thường (common sense) ở đâu cũng đòi hỏi phải có là bằng mọi giá phải kiểm soát súng đạn. Cuối tháng Tư năm 1996, một người thanh niên mắc bệnh tâm thần đã xả súng bắn chết 35 người và làm bị thương 23 người tại Port Arthur, Tiểu bang Tasmania, Úc Đại Lợi. Liền sau đó, Chính phủ Úc đã thông qua luật kiểm soát súng đạn một cách rất chặt chẽ. Chính phủ Úc đã mua lại 643.000 khẩu súng. Từ đó đến nay, chẳng ai nhắc đến Úc như một nơi mà người dân phải chết một cách oan uổng vì súng đạn nữa. Tại Na Uy, tháng Bảy năm 2011, một người thanh niên tên là Anders Breivik đã dùng bom và súng để thực hiện 2 cuộc tấn công tại Oslo và sát hại tổng cộng 77 người. Một tòa án tại Oslo đã đưa ra phán quyết rằng hung thủ là một người bình thường, nhưng có khuynh hướng chính trị cực đoan. Breivik bị kết án 21 năm tù. Liền sau cuộc thảm sát, Na Uy cũng đã thông qua luật kiểm soát súng rất gắt gao. Luật vẫn cho phép người dân được sở hữu súng. Nhưng súng chỉ được sử dụng mỗi năm một tuần lễ để đi  săn mà thôi...Suốt năm, súng bị “khóa lại” và giữ trong kho! Cảnh sát ở Na Uy cũng chẳng cần phải mang súng. Kể từ sau cuộc thảm sát hồi năm 2011, đã không hề xảy ra bất cứ một cuộc bắn giết nào nữa.

Tại Tân Tây Lan, dạo tháng Sáu năm 2019, một thanh niên theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng người Úc tên là Brenton Tarrant đã xông vào hai đền thờ Hồi giáo tại Thành phố Christchurch và bắn giết 51 tín đồ đang thờ phượng. Liền sau đó, Thủ tướng Tân Tây Lan Jacinda Ardern đã ban hành luật kiểm soát súng rất nghiêm nhặt: cấm sở hữu súng bán tự động. Từ đó đến nay, đã không có bất cứ cuộc tàn sát bằng súng đạn nào tại Tân Tây Lan nữa.

Ở đâu cũng có những người mắc bệnh tâm thần. Ở đâu cũng có những thành phần bị cực đoan hóa, nhứt là kỳ thị chủng tộc. Có khác chăng là tại Mỹ súng đạn không bao giờ được kiểm soát và sẽ mãi mãi không bao giờ được kiểm soát một cách chặt chẽ. Và bao lâu súng đạn không được kiểm soát, thì trong liên đới trách nhiệm, những kẻ bắn giết người hàng loạt, dù mắc bệnh tâm thần hay thù hận chủng tộc, đều không phải là những con “sói đơn độc”. “Con số người Mỹ chết vì súng thật khủng khiếp, bởi vì người Mỹ sống với súng một cách vô trách nhiệm” (3).

Kiểm soát việc sở hữu súng trong xã hội là chuyện phải làm để ngăn ngừa những vụ bắn giết bừa bãi. Đó là biện pháp mà lẽ thường ở bất cứ nơi nào trên trái đất này cũng đòi hỏi phải có.

Ngoài biện pháp kiểm soát việc sở hữu súng, một xã hội thực sự an toàn và lành mạnh trước hết phải là một xã hội không bị chia rẽ, xâu xé vì hận thù. Vụ thảm sát ở Buffalo cho thấy người thanh niên Gendron không hề là một con “sói đơn độc” vì xung quanh cậu ta có cả một bầy sói hậm hực và sôi sục hận thù chủng tộc. Trong những ngày vừa qua, cứ thử nghe đài Fox News, đặc biệt bình luận gia nổi đình đám nhứt của đài này là Tucker Carlson, người ta sẽ thấy ngay một thanh niên như Gendron đã bị đầu độc và cực đoan hóa như thế nào. Trong bản “tuyên ngôn” được cho công bố trước khi ra tay thảm sát người Mỹ gốc Phi Châu tại Buffalo, Gendron đã tuyên xưng niềm tin của mình vào thuyết âm mưu “thay thế” (Replacement Theory). Theo thuyết này, nếu không ra tay kịp thời thì không bao lâu nữa, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ của người da trắng sẽ bị người di dân, dân da mầu hay dân đến từ “Đệ tam Thế giới” chiếm lấy. Đây là lý thuyết mà Carlson đã không ngừng quảng bá trong các chương trình ăn khách của ông. Theo một bài phân tách mới đây của báo The New York Times,  trong hơn 400 bài “thuyết giảng” hùng hồn  của mình, Carlson đã hoàn toàn ủng hộ và quảng bá cho thuyết âm mưu này (4).

Trong “tuyên ngôn”, hung thủ không nhắc tới giáo chủ Donald Trump, người trong 4 năm ngồi trong Tòa Bạch Ốc, đã không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ dành cho những thành phần da trắng thượng đẳng và kỳ thị chủng tộc. Về phần mình, trong một buổi nói chuyện tại Austin, Tiểu bang Texas, chỉ vài giờ sau cuộc thảm sát, cựu tổng thống Mỹ  đã không bày tỏ bất cứ một lời lên án nào về cuộc thảm sát hay chia buồn với gia đình các nạn nhân nhưng lại lợi dụng dịp này để khoe mẽ một cách lạc đề và dối trá rằng trong liên tục 18 tháng trong nhiệm kỳ của ông, không có người Mỹ nào chết tại A Phú Hãn! (Vậy ở Mỹ thì sao? Đương nhiên là có!) Vô tâm đến thế là cùng!

Hung thủ của vụ thảm sát tại Buffalo không hề là một con “sói đơn độc”. Thức ăn của những con thú như hung thủ này chính là sự vô cảm của những thành phần lãnh đạo trong xã hội, đặt quyền lợi liên quan đến súng lên trên mạng người và nhứt là hận thù chủng tộc. Một xã hội sống bằng hận thù đến độ không còn biết xót xa, thương cảm trước nỗi khổ đau của người đồng loại quả là một xã hội quái đản!

 

 


Chú thích:

1.Sam Kevin, How the Buffalo massacre is part of U.S tradition...The Guardian, 19 May 2022

2.Juliette Kayyem, A ‘Lone-Wolf’ Shooter Has an Online Pack, The Atlantic May 15, 2022

3. David Frum, America’ s Gun Plague, The Atlantic May 15, 2022

4. Daniel Arkin,  Fox News’ Tucker Carlson under fresh scutiny after Buffalo mass shooting, nbcnews May 17, 2022

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

Q & A




Thi Văn 

Khi còn nhỏ, tôi thích hỏi. Tôi hỏi đủ thứ. Bất cứ cái gì rơi vào "tầm ngắm" của tôi cũng có thể biến thành câu hỏi. Vì nhà đông con, tôi ít có dịp gần Ba hay Mẹ một cách riêng tư. Hai vị này là những người mà tôi luôn tin tưởng nhất để bắn ra hàng loạt "tại sao?" Mẹ tôi bận suốt ngày nên những khi theo Mẹ đi nhà thờ, tôi mới có dịp để hỏi. Chúng tôi thường đi bộ. Bà thì thích lẩm bẩm cầu nguyện còn tôi thì thích hỏi. Mẹ tôi thường trả lời vài câu rồi ra hẹn rằng không được hỏi nữa. Tôi hứa nhưng chỉ mươi giây sau, khi một ý tưởng hay một cái gì đập vô mắt, tôi lại hỏi. Khi không biết trả lời thế nào thì câu trả lời sẽ là: "lớn lên con sẽ hiểu!" Ba tôi thì "khôn" hơn, ông thường chở tôi đi "loanh quanh", trả lời mọi câu hỏi cho đến khi dừng ở một bàu sen để ông câu cá. Đây là lúc ông muốn tôi yên lặng vì theo ông "cá rất nhát". Ông trám miệng tôi bằng vài búp sen non để tôi ngồi yên cho ông câu cá. 

Những câu hỏi tuổi thơ của tôi đơn thuần nói lên sự háo hức của một đứa trẻ muốn ngụp lặn trong biển kiến thức. Tôi hỏi như con thỏ phải nhai cỏ. Thế nhưng câu hỏi cuối cùng đã chấm dứt tuổi thơ của tôi thì hình như lại là câu hỏi chung của tất cả mọi người Miền Nam Việt Nam vào lúc đó: "Tại sao tôi mất nước?" Câu hỏi này không những theo tôi mãi mà còn sản sinh ra hàng loạt những câu hỏi tại sao và tại sao khác. Nói theo người Úc thì đây là một "good question" (câu hỏi hay). Cách trả lời cho xong khi không tìm ra câu trả lời!
Sau ngày 30/4/1975, tôi bị cấm hỏi. Mỗi lần định mở miệng là tôi lại chợt nhớ đến lời dặn của Mẹ tôi. "Ba đang ở "Cổng Trời" (Một trại "cải tạo" ở Hà Giang) đó con". Không những bị cấm hỏi mà tôi còn phải chấp nhận "Đảng luôn sáng suốt!" Đó là câu trả lời gọn gàng cho tất cả hiện trạng tang thương khốn cùng của cả nước. Tôi không được phép hỏi những điều đáng hỏi và phải chấp nhận những lời dạy thường rất mơ hồ, ngô nghê, vô lý, vô nghĩa, và rỗng tuếch. Từ một người thích học hỏi, lý luận, tôi biến thành con vẹt. Bài học đi thi ba lần không đậu vào lớp 10 của ông anh kề chỉ vì con của "Ngụy" làm cho tôi thấy là mình phải cố gắng kiếm điểm cao trong mọi môn học. Nhất là môn Văn. Thực chất môn Văn là một môn chính trị không hơn không kém. Bây giờ nghĩ lại, tôi không hiểu sao mình có thể đạt được điểm cao trong môn Văn khi mà những đứa bạn gốc "cách mạng" cũng không đạt được. Những lúc bài luận của tôi được điểm cao thì tôi lại tự lắc đầu với tôi. Thành thật mà nói, tôi đã không "phản bội" chính mình khi bài  luận của tôi ca ngợi Bác và Đảng. Bài luận của tôi ca ngợi chứ tôi không ca ngợi. Tôi chỉ xào nấu những câu thơ, những đoạn văn của Tô Hoài, của Xuân Diệu và đặc biệt, của Tố Hữu. Tôi dùng lời người này ca tụng người kia để ra bài luận của tôi. Không cần động não, không cần tư tưởng, đơn thuần chỉ là "kiếm điểm". Cái miệng của tôi bớt đi nhiều công việc. Bớt hỏi, bớt trả lời và ngay cả bớt ăn (vì cũng chẳng có gì để ăn). Tôi giả câm cho đến khi ra được nước ngoài.
Bây giờ, Mr Google thay đổi tất cả. Lên mạng là có cả ngàn câu trả lời cho chỉ một câu hỏi. Có điều là khi có rất nhiều nguồn thông tin, thì hình như chúng ta lại làm biếng. Chúng ta trở thành những người mua hàng. Chọn cái thích nhất hơn là cái đúng nhất. Có vẻ như, việc chọn câu trả lời hợp ý hơn là hợp lý cũng là cách khẳng định rằng tư tưởng của mình đang hợp thời đại.
Vì vậy dù không còn bị "Đảng lãnh đạo" tư tưởng như trước, chúng ta sẵn sàng chấp nhận những lý luận ngây ngô, thiếu cơ sở đến tội nghiệp theo cái kiểu: "chúng ta chống Trung quốc; “ông con trời” chống Trung Quốc; thì chúng ta ủng hộ “ông con trời (đánh)”. Chấm hết! 
Chẳng biết từ lúc nào, chúng ta đánh mất cái bản năng quan trọng từ tấm bé: biết thắc mắc, biết chất vấn. Chúng ta đi theo suy luận của người khác như một đàn cừu. “Ai cũng nghĩ vậy thì sao mà sai được?”

Để người khác suy nghĩ. Để người khác lên tiếng. Để người khác đáp lời. Để người khác lo lắng. Để người khác chống ngoại xâm. Để người khác an bài số phận Việt Nam.

Trời ơi! "Tôi sao vậy?"

Thi Văn 9/5/2022

Chú thích:
Q & A: questions & Answers, (hỏi và đáp), tên một chương trình ti vi trên Đài ABC Australia