Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Việc Nhỏ, Niềm Vui Lớn


                                                                               

 Chu Thập 28/9/10

Khu xóm của tôi tuy “nhỏ”, nhưng cũng mang lại cho tôi những niềm vui “lớn” và những niềm vui lớn của tôi thường chỉ đến từ những việc nhỏ. Nhỏ như một cái vẫy tay chào mấy đứa trẻ chơi trên con đường cụt phía trước nhà. Vậy mà lúc nào chúng cũng “hồi đáp” bằng một cái gật đầu hay một nụ cười thân thiện. Một cử chỉ “nhỏ” như vậy mà có khi làm cho tôi vui cả ngày.
Lớn hơn một chút là món quà “Phục Sinh” mà chúng tôi biếu cho mấy người hàng xóm dạo tháng Tư vừa qua: đó là vài cái trứng còn nóng hổi mà mấy chị gà mái của chúng tôi vừa cho ra lò. Chỉ có vậy mà chúng tôi được cám ơn rối rít. Một cụ già còn viết thiệp cám ơn bảo chưa bao giờ nhận được một sự “ngạc nhiên lý thú” như thế.
Mới đây, rau cải trong vườn bị “thặng dư”, chúng tôi lại hái đi chia sẻ với vài gia đình gần nhà nhứt. Ai cũng vui vẻ đón nhận. Và dĩ nhiên, người trao tặng như chúng tôi thì hạnh phúc hơn.
Tôi thích tìm kiếm những niềm vui lớn từ những món quà nhỏ như thế vì biết rằng bà con xa không bằng láng giềng gần, nhứt là những người hàng xóm theo đúng nghĩa hàng xóm. Sống xa quê hương, ai mà chẳng quý cái tình làng nghĩa xóm. Cái tình nghĩa ấy lại càng cần thiết hơn vào cái thời buổi mà lên cung trăng xem ra còn dễ hơn băng qua đường để đến với một người hàng xóm. Tôi trân quý cái tình nghĩa ấy và niềm vui được tìm thấy trong những việc nhỏ là bởi vì tôi thấy mình chẳng làm được cái “trò trống” gì trong cái thế giới đầy xáo trộn và có quá nhiều người mỗi buổi tối vẫn còn đi ngủ với cái bụng đói vào thế kỷ 21 này.
Mới đây, từ ngày 20 đến 22/9/10, các nhà lãnh đạo các quốc gia lại tụ tập tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa kỳ để duyệt xét lại điều thường được gọi là “những mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ” đã được chính các vị đề ra cách đây mười năm vào tháng 9 năm 2000.  8 mục tiêu cần phải đạt được vào năm 2015 chưa đi tới đâu, nếu không muốn nói là vẫn còn là “những chữ chết” trong cái tuyên ngôn đầy “chữ bự” ấy. Ký tên vào tuyên ngôn ấy dĩ nhiên làm sao không có những vị mà trong hồi ký “A Journey: My Political Life” (Một cuộc hành trình: cuộc đời chính trị của tôi), cựu thủ tướng Anh, ông Tony Blair gọi là “những nhà lãnh đạo ngu si, ích kỷ, tham lợi, nhỏ mọn và tính khí không xứng đáng làm lãnh tụ.” Tôi không biết ông có nghĩ đến nhà lãnh tụ luôn ngồi thức canh cho Cuba ngủ và tuyên bố tìm cách “phân hóa nội bộ” của Hoa kỳ không khi ông viết: “Lạy Chúa tôi, sao dân chúng của nước nào mà bất hạnh đến thế, họ có những tên lãnh tụ ngu như bò.” (Việt luận 19/9/2010)
“Ngu như bò” thì tôi không “bạo mồm bạo miệng” đủ để quả quyết, nhưng tôi biết chắc là những hạng lãnh tụ như thế, mặc cho phần lớn dân chúng có đói khổ, vẫn ngốn đến hàng triệu, hàng tỷ Mỹ kim để gởi vào các ngân hàng Thụy Sĩ. Vậy mà khi duyệt lại những mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ, họ lại “khôn như quỷ” nhiều vì vẫn mạnh miệng đủ để tuyên bố rằng dân chúng trong nước họ đói khổ là vì thiên tai và nhứt là vì tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Họ “khôn” thấy mẹ chứ có “ngu như bò” đâu.
Cứ coi như mấy ông lãnh tụ “ngu như bò” ấy “thành công” đi, bởi vì  họ vẫn còn yên vị trên ngai vàng và đăng đàn ở Liên hiệp quốc để tuôn ra những “chữ bự”.
Thật ra, đó chỉ sự thành công của bạo lực và cướp bóc. Quyền lực và của cải họ đang có trong tay là thứ quyền lực và của cải xuất phát từ lò thuốc súng.
Có một sự thành công đáng ca tụng hơn đó là sự thành công của những người dám cho đi những gì mình có. Thế giới không thể không ngưỡng mộ những tên tuổi như Bill Gates, như Warren Buffet và tất cả những người giàu có trên thế giới này dám cho đi một phần hay phần lớn tài sản của mình. Năm nào tạp chí Forbes cũng vinh danh những người giàu có trên hành tinh, nhứt là tại Hoa kỳ. Họ làm giàu nhờ khối óc và công lao của mình chứ không phải bằng dùi cui, báng súng hay nhà tù. Nhưng được ca tụng vì tài trí và sự giàu có bao nhiêu thì họ lại càng đáng được trọng nể bấy nhiêu khi trao tặng một phần hay hầu như toàn bộ tài sản của mình cho công cuộc từ thiện. Không dám chạy đua với các tên tuổi như Warren Buffet hay Bill Gates là những người đã hiến tặng hàng chục tỷ mỹ kim cho các tổ chức từ thiện, nhưng mới đây người thanh niên Mark Elliot Zuckerberg, nhà tỷ phủ trẻ 26 tuổi đồng sáng lập viên của hệ thống Facebook, cũng đáng vinh danh không kém khi trao tặng hằng trăm triệu mỹ kim cho các công tác từ thiện và giáo dục tại bang New Jersey, Hoa kỳ.
Thuộc giai cấp “bần cố nông” thứ thiệt, chỉ tưởng tượng một ngày nào đó cầm trong tay vài chục ngàn Mỹ kim thôi, tôi cũng đã thấy tay chân run lẩy bẩy rồi, chứ đừng nói tới chuyện trao tặng hàng trăm triệu hay hàng tỷ Mỹ kim.
Thực tình mà nói, về chữ nghĩa tôi còn biết đọc biết viết chứ về tính toán con số thì tôi hoàn toàn dở ẹc. Suốt đời tôi chỉ biết “chân chỉ hạt bột” chứ không bao giờ dám nghĩ đến chuyện “làm giàu” ngoại trừ vài lần thử “đầu tư” bằng cách mua…lotto. Cách đây mấy hôm, lần đầu tiên trong đời, tôi nhận được một ngân phiếu từ công ty điện lực. Số là tôi vừa vót vét tiền ống để lắp đặt hệ thống sản xuất điện bằng “năng lượng mặt trời”. Số tiền trong tấm ngân phiếu không lớn hơn vài chục đô nhưng đã mang đến cho tôi một niềm vui lớn và tôi tự nhủ, như vậy mình cũng có “thu” chứ không phải chỉ có “chi” mà thôi. Ngân phiếu đó cộng với những hướng dẫn của công ty điện lực giúp tôi có một khái niệm đơn giản nhưng thiết thực: nếu biết dùng điện một cách khôn ngoan, tôi không những được xài điện “chùa” mà còn có “thu nhập”. Tôi cũng vui thêm nữa vì có “thu nhập” nên tôi có quyền “chi”: Với ba bốn đô mà hệ thống năng lượng mặt trời mang lại mỗi ngày, tôi có thể làm giảm đi vài ba người thiếu ăn trong con số hơn một tỷ người đói. Cái kinh nghiệm ngủ với cái bụng trống luôn là một nhắc nhở không cho phép tôi quên họ.
Hoặc giả, tôi cũng có thể dùng ba bốn đô đó để bớt đi một vài trẻ em mù chữ. Tôi thấy niềm vui của mình “lớn” hơn nữa khi mơ tưởng rằng biết đâu trong số vài trẻ em đó lại chẳng có một…nhà thông thái hay một mạnh thường quân. Trời ơi, lúc đó thì phải nói là niềm vui của tôi sẽ lên đến mức “vĩ đại”. Ai cấm tôi lâu lâu trở về làm “cô bán sữa” của nhà thơ ngụ ngôn Pháp La Fontaine.
Một trong những đích điểm của một thiền giả là hiểu và chọn lựa cặn kẽ điều tốt mình muốn làm, tìm ra mục đích tốt đẹp và ý nghĩa của việc làm để từ đó tạo cho mình một động lực để làm việc đó với tất cả niềm vui. Điều tốt mình muốn làm đó thường chỉ là những việc thật nhỏ, chẳng hạn như vui vẻ thưởng thức một bữa cơm thanh đạm không khác gì khi được mời ăn cao lương mỹ vị. Tôi cũng cố tìm ra ý nghĩa và giá trị của tất cả những sinh hoạt hằng ngày như vậy. Nhờ đó tôi luôn có những niềm vui lớn lao dù “một ngày như mọi ngày”.
Tôi luôn so sánh những cố gắng đóng góp nhỏ nhoi của mình với nghĩa cử của “người đàn bà góa” mà Chúa Giêsu đã đề cao trong Kinh thánh khi nhìn thấy bà dâng cúng vài đồng kẽm (đơn vị tiền tệ nhỏ nhứt). Kinh Thánh kể lại rằng ngày nọ Ngài vào đền thờ Giêrusalem và quan sát những người dâng cúng. Chợt thấy người đàn bà góa nghèo ấy cũng làm nghĩa vụ dâng cúng, Ngài bảo các môn đệ rằng bà là người “cho” nhiều nhứt vì bà đã cho đi số tiền đủ để sống một ngày đối với bà.
Như vậy, nếu dùng tất cả nguồn “thu nhập” từ hệ thống “năng lượng mặt trời”, tôi cũng hãnh diện là đã cho đi một phần lớn tài sản của mình, không thua gì “bà góa” ấy.
Cũng từ mục đích giảm chi và tiết kiệm để chia sẻ tôi tìm ra ý nghĩa và “động lực” trong nhiều bổn phận hằng ngày mà gần nhất là chuyện “nước non”. Chính phủ Úc kêu gọi mỗi người dân tiết kiệm nước bằng cách xài tối đa 150 lít nước một ngày. Nếu nhìn lại những nơi khác trên thế giới, nhứt là những nơi không có đủ nguồn nước trong lành để uống, mỗi ngày tiêu đi 150 lít nước phải gọi là…phung phí. Nhiều nơi, mỗi người không có đến mười lít nước cho tất cả mọi nhu cầu trong ngày. Càng thấy mình may mắn tôi càng thấy việc “chắt chiu” từng xô nước rửa rau trong nhà bếp cho vườn tược trở thành một niềm vui. Ngay cả chuyện ra xe mới chợt nhớ chưa mang giỏ đi chợ lại phải lộn vô nhà lấy giờ đây cũng không còn làm tôi cằn nhằn nhăn nhó nữa.
Khi tìm ra mục đích, giá trị và ý nghĩa đích thực cho những việc xem ra vô bổ và “vớ vẩn” ấy, tôi thực sự tìm thấy niềm vui. Ngày trước, khi tìm cách bỏ thuốc lá vì bị “xa lánh”, tôi đã phải trải qua cái cảnh “đã chôn ống xuống, rồi đào ống lên” không biết bao nhiêu bận. Nhưng khi tìm ra động lực bỏ thuốc để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội vì phải gánh chịu bệnh tật của mình, nhứt là so sánh tiền mua gói thuốc với lợi tức một gia đình lượm rác ở quê nhà, tôi bỏ “cái rột”. Cứ nghĩ mỗi tháng không hút thuốc, tôi để dành được ít nhứt 300 đô, số tiền đủ cho cả một gia đình nghèo ở Việt nam có thể sống được một tháng, tôi vui không thể tả được và hãnh diện vì có thể đóng góp một cách tích cực và thiết thực vào các “mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ” chẳng thua gì các vị nguyên thủ quốc gia. Một việc làm nhỏ như mỗi ngày như nhịn một bao thuốc lá thôi để lấy tiền giúp người nghèo lại chẳng đáng giá hơn là tuyên bố vung vít trong các hội nghị thượng đỉnh 8G, 20G hay đại hội đồng Liên hiệp quốc để rồi có thể bỏ ra “7, 8  triệu Âu kim cho một bữa tiệc nướng để chiêu đãi một quốc khách hay dùng ngân quỹ quốc gia để sắm riêng cho mình một chiếc máy bay trị giá đến 176 triệu Âu kim.” (Việt luận 24/9/2010 trg 20)
Tôi nghĩ một giai đoạn mới trong cuộc đời tôi đang bắt đầu: tôi tập sống một cuộc sống thật “nhỏ” với những niềm vui “lớn”.  
Không bao giờ dám mơ tưởng đến những chuyện “vĩ mô” như các nhà lãnh đạo “ngu như bò” nhưng tôi vẫn không mặc cảm vì những chuyện “nhỏ hơn cái đầu tăm” mà tôi đang theo đuổi. Tôi vẫn tin rằng cái giọt nước nhỏ là tôi vẫn có một chỗ đứng cần thiết trong đại dương này.Với một chút quà mọn mà tôi chắt chiu được từ những cố gắng tiết kiệm hàng ngày, tôi tin rằng ở đâu đó trên thế giới này sẽ bớt đi được một người buổi tối đi ngủ không còn với cái bụng trống trơn nữa.
Đôi khi những “chương trình đại sự” có thể là cái cớ để con người trì hoãn hay xem thường những việc nhỏ cần làm trước mắt. Trong mỗi người chúng ta đều có một “gã mơ mộng giữa ban ngày”: “Tôi muốn phục vụ, những hiện tôi không thể làm được gì. Một ngày nào đó khi thành công và giàu có, tôi sẽ làm được biết bao nhiêu điều cho người khác.” Suy nghĩ như thế thì chẳng khác nào bảo “giả như trúng số, tôi sẽ lấy tiền giúp đỡ người nghèo”. Và thay vì giúp đỡ một người “ăn xin” trước mắt, tôi lại đi mua vé số. Tôi quên mất rằng với vài đồng mua vé số, tôi có thể giúp đỡ ít nhứt là một người đang túng thiếu trước mặt tôi.
Rất thường những hành động tử tế được đánh giá cao không hẳn là số tiền viện trợ kết xù của những công ty lớn, mà là vài đồng lẻ mà chúng ta trao tặng cho một ai đó đang cần được giúp đỡ. Chính những hành động tử tế nhỏ được lập lại từng ngày ấy mang lại cho chúng ta những niềm vui lớn và chắc chắn cũng làm cho thế giới này trở thành tốt đẹp hơn, bởi lẽ “thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.
28.9.2010 


Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Như thiên thần..


Chu Thập, 27/9/14
Tôi sinh ra trong một gia đình công giáo toàn tòng. Niềm tin tôn giáo được tôi tiếp nhận như gia sản cao quý nhứt được cha mẹ để lại và như một phần làm nên bản sắc của tôi. Nhưng trong suy nghĩ và hình thành nhân cách, tôi lại thấy mình gần gũi với Phật Giáo hơn. Vô thường, vô chấp, buông bỏ, khoan nhượng, cảm thông, từ bi...là những ý niệm mang lại nhiều cảm hứng để tôi cố gắng sống cho ra người tử tế hơn. Theo ngôn ngữ của nhà văn nữ Dương Thu Hương, tôi là một “phật tử theo cách thế của tôi”. Thật ra, tôi cảm thấy bị thu hút bởi Phật Giáo không phải vì triết lý cao siêu cho bằng cuộc sống của các bậc chân tu trong tôn giáo này. Thuở nhỏ, tôi là đứa trẻ  “con nhà có đạo”, nhưng mất dạy. Những ngày lễ của Phật Giáo, như ngày rằm và nhứt là ngày Phật Đản (thời đó nhằm mùng 8 tháng Tư Âm lịch), lũ trẻ “con nhà có đạo” chúng tôi thường kéo nhau đến các chùa chiền để quấy phá và ăn cắp đồ cúng. Vậy mà mỗi khi bị bắt gặp, các vị sư trụ trì vẫn luôn tỏ ra độ lượng, không một lời quở trách chớ đừng nói đến một cử chỉ “bạo động” nào như tôi đã từng chứng kiến hoặc từng là đối tượng phải chịu trận trước những cơn lôi đình của ông cha sở hoặc các bà xơ trong xóm đạo của tôi. Tôi thực sự ngưỡng mộ và yêu mến các vị chân tu của Phật Giáo từ đó. Cũng như cố linh mục Gildo Dominici (Đỗ Minh Trí), Dòng Tên, người đã từng truyền giáo ở Việt Nam trước năm 1975 và làm việc trong các trại tỵ nạn Đông Nam Á sau khi bị trục xuất  khỏi Việt Nam, tôi cũng cho rằng một trong những  hình ảnh đẹp nhứt của quê hương chính là “những thầy tỳ kheo mỗi buổi sáng thường xếp hàng một đi hết nhà này đến cửa hàng khác để khất thực, mầu áo vàng rực rỡ dưới nắng. Họ tách rời loại bỏ hết lòng tự ái, nói cách khác, họ khất thực nhưng không phải là đi ăn xin, họ đi tìm Tuệ Giác và Chân Như của đời sống. Đó là hình ảnh của Việt Nam quê hương tôi” (Linh mục Dominici Đỗ Minh Trí, Việt Nam Quê Hương Tôi, ấn bản Úc Châu, lần thứ hai 1991, trg 18). Tiếc thay, sau năm 1975, hình ảnh quê hương ấy dường như đã bị chế độ cộng sản quét sạch khỏi đất nước hoặc có chăng đã bị thay thế bởi những “khất thực gia” giả mạo chuyên khai thác lòng từ bi của người khác.
Trong chuyến viếng thăm Thái Lan mới đây, tôi thực sự cảm động khi nhìn lại hình ảnh quen thuộc một thuở ấy qua các vị tỳ kheo Thái. Nếu ở cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cứ ra ngõ là gặp “anh hùng” và “gian hùng” thì ở xứ Phật Thái Lan, cứ ra khỏi nhà là gặp các thày tỳ kheo. Một buổi sáng nọ, tại thành phố Chiang Mai, Miền Bắc Thái, khi ra phố để điểm tâm, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng gây nhiều cảm xúc trong tôi: trên lề đường, sau khi mua một gói “cúng dường” được làm sẵn, một cô gái trẻ mà tôi đoán là sinh viên của Đại học bên cạnh, đã kính cẩn đặt vào chiếc bình Bát của một vị tỳ kheo, rồi xin thày ngồi xuống trên một chiếc ghế. Sau đó, cô đến quỳ trước mặt thày và lẩm nhẩm điều gì đó. Đến lượt thày, thày cũng giảng dạy điều gì đó mà tiếng Thái chỉ mới học được vài câu xã giao không cho phép tôi theo dõi được câu chuyện. Những người qua đường hẳn phải ngạc nhiên về cử chỉ thiếu tế nhị của tôi khi chăm chú lắng nghe những lời dạy bảo của vị tỳ kheo. Tôi không hiểu gì, nhưng tôi cũng đoán mò rằng nội dung bài thuyết pháp tự phát của thày cùng lắm cũng xoay quanh chuyện sống cho ra người mà cung cách và cuộc sống của thày là một bài học cụ thể.
Tìm hiểu về Phật Giáo, tôi biết rằng việc đầu tiên mà sau khi giác ngộ, Đức Phật đã làm là thành lập Tăng đoàn gồm những đệ tử xuất gia theo Ngài. Họ là những hiền nhân nay đây mai đó. Họ từ bỏ tất cả để học Phật Pháp và hoằng dương giáo lý giải thoát. Họ sống bằng cách đi khất thực từ nhà này sang nhà khác. Vật sở hữu duy nhứt của họ là ba chiếc Y và một cái bình Bát, đủ để chứa đựng lương thực cho một người ăn vào bữa trưa, tức bữa ăn duy nhứt trong ngày của người đi khất thực.
Theo Kinh Phật, sự ăn xin của tu sĩ đem lại lợi ích cho mình và cho chúng sinh. Với vị tỳ kheo, khất thực có 5 điều lợi ích là 1) Tâm trí được rảnh rang, ít phiền não 2) Không bận rộn tâm và thân để kiếm kế sinh nhai 3) Đoạn trừ tâm kiêu căng ngã mạn 4) Đoạn trừ lòng tham, không thể tham ăn ngon và ăn nhiều vì ai cho gì ăn nấy, không thể chọn lựa;  thức ăn chỉ đầy bát chớ không nhiều hơn nữa, tránh khỏi sự thâu trữ vật thực, tiền của và 6) Có nhiều thì giờ để tu hành.
Còn với chúng sinh, thì việc khất thực của các tỳ kheo giúp 1) Tạo cơ duyên cho người bố trí trừ lòng tham, tức là tạo phước duyên cho họ 2) Tạo cơ duyên giáo hóa chúng sinh và 3) Nêu gương sống giản dị làm cho người đời bớt tham đắm của cải. Các thày tỳ kheo không “lao động sản xuất”. Họ cũng không phải là những người “ăn theo” hay “ăn bám” xã hội. Trái lại, chính họ mới là những người mà cuộc sống siêu thoát luôn có sức mang lại thức ăn tinh thần vốn cần thiết như khí thở cho con người trong bất cứ xã hội và bất cứ thời đại nào. Càng văn minh về vật chất, con người càng cần có của ăn tinh thần ấy hơn.
Nhớ lại những điều căn bản trên đây của Kinh Phật về khất thực, tôi nghĩ rằng cô gái trẻ “thọ giáo” với vị tỳ kheo mà tôi gặp trên lề đường ở thành phố Chiang Mai, có lẽ cũng chỉ có một nỗi khao khát duy nhứt là muốn được sống cho ra người tử tế hơn, nghĩa là vị tha hơn để nghĩ đến người khác hơn là bản thân mình.
Qua cách “vái chào” đầy cung kính và chân thành đối với người khác, tôi cho rằng người Thái nào cũng cố gắng sống tử tế như thế và sự hiện diện của các tu sĩ, nhứt là những thày tỳ kheo khất thực luôn nhắc nhở họ điều đó. Tôi cảm nhận được thiện chí đó qua người tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch đã đồng hành với tôi trong chuyến đi Thái Lan vừa qua. Trong suốt chuyến đi, tôi chưa hề nghe ông phàn nàn than trách về cuộc sống, cũng chẳng lên tiếng phê bình chỉ trích người khác và nhứt là không kề mở miệng kỳ kèo để đòi hỏi thêm bớt về tiền công của mình. Thỉnh thoảng khi đi qua một ngôi chùa, ông bóp còi vài cái nhẹ. Còi xe là âm thanh tôi ít nghe ở Thái Lan. Lúc đầu tôi cứ nghĩ ông cảnh cáo người đi đường hoặc làm hiệu cho một chiếc xe ngược chiều quen biết nào đó. Tuy nhiên, theo lời giải thích của ông, các tài xế Thái thường bóp còi mỗi khi đi qua một ngôi chùa gần bên đường là để xin các vị sư trụ trì cầu nguyện cho chuyến đi được an toàn và bình an. Thì ra, ngay cả khi không xuất hiện, các nhà tu hành ở Thái Lan cũng tạo được cảm hứng cho người dân: các vị vừa cầu nguyện và chúc phúc cho họ, vừa nhắc nhở họ cư xử và hành động cho phải đạo. Các vị có mặt trong xã hội Thái chẳng khác nào các thiên thần luôn che chở và hướng dẫn người dân!
Tại phi trường quốc tế Chiang Mai, ở phía sau những quày kiểm soát vé và cân hành lý của một hãng máy bay Thái, tôi đọc được một khẩu hiệu thú vị: “Chúng tôi đối xử với quý vị như một thiên thần” (we treat you like an angel). Tại cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kể từ khi Thượng Đế bị chế độ vô thần chính thức khai tử, người ta lại sính với công thức quảng cáo “Khách hàng là thượng đế”.Thượng Đế chân thực và duy nhứt được thay thế bằng vô số thượng đế, nhưng chẳng có thượng đế nào được đối xử, chớ đừng nói đến “tôn kính”, xứng với ngôi vị thượng đế. Vào chợ thì khách hàng thượng đế bị chửi như tát nước vào mặt. Đứng sắp hàng ở các tiệm phở, hàng ăn nổi tiếng một chút, khách hàng thượng đế chỉ vì một miếng ăn ngon mà đành phải cúi mặt chịu nhục vì những  lời rủa sả, chen lấn...
Ở Thái Lan, người ta không nâng khách hàng lên bậc thượng đế mà chỉ như thiên thần thôi. Tôi thực sự cảm nhận được vị thế “thiên thần” của mình qua một chuyện đáng tiếc khiến tôi chỉ muốn độn thổ. Số là trong những ngày viếng thăm Chiang Mai, sau khi thưởng thức đủ thứ trái cây ngon ngọt, tôi nổi máu tham muốn tha về Bangkok một trái sầu riêng vừa chín tới, nghĩa là vừa thoang thoảng bốc mùi. Tôi tưởng là “an toàn” sau khi đã chôn sâu trái sầu riêng vào giữa mớ trái cây khác. Thùng trái cây của tôi qua được mấy trạm, kể cả nhân viên ở quày kiểm soát vé, cân hành lý và gởi hành lý nên tôi thấy “yêu đời” nên cứ thong thả khi được thông báo lên máy bay. Nhưng đến phiên tôi, tôi đã bị chận lại như thể họ chờ đợi tôi. Tôi được báo là trong hành lý gởi dưới khoang của tôi có sầu riêng và đây là điều cấm kỵ. Thực tình tôi không hề hay biết về luật này khi nghĩ rằng hành lý ở dưới khoang và đây là chuyến bay quốc nội. Hơn nữa tôi đã báo cho nhân viên chuyển hành lý lúc “check-in” là đó là thùng trái cây và anh ta đã dán nhãn “đồ dễ vỡ” lên mặt thùng. Giờ đây, nhân viên hàng không muốn có “phép” (permission) của tôi và muốn tôi tự tay lấy trái sầu riêng ra. Trước sự cố này, tôi đã phải hết nước miếng để xin lỗi và giải thích rằng tôi không hề hay biết về luật này. Nhưng nhân viên có trách nhiệm kiểm soát vé và cân hành lý lại là người xít xoa xin lỗi liên tục vì sự thiếu sót của mình. Hai bàn tay anh chắp lại, để lên trán, xá chậm rãi nhưng liên tục. Không riêng anh nhân viên, tất cả những tiếp viên và nhân viên có mặt ở cửa máy bay lúc đó đều tỏ ra cảm thông và vui vẻ. Hành lý của tôi, ngoài trái sầu riêng ở lại, đã được nhanh chóng gói lại và chuyển xuống khoang. Chuyến bay vẫn đúng giờ như không hề có điều gì xảy ra. Kẻ “phạm pháp” như tôi được đối xử như một thiên thần đã đành, mà người thanh niên này mới thực sự là một thiên thần. Suốt chuyến bay từ Chiang Mai về Bangkok, hình ảnh của anh không rời khỏi tâm trí tôi. Cùng với anh, tôi nghĩ đến tất cả những người Thái mà tôi đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện hoặc chỉ nhìn thấy thoáng qua trên đường. Họ mới thực sự là những “thiên thần”. Chính khi xem tôi như “thiên thần” để đối xử cho phải đạo, họ đã thể hiện đúng cung cách “thiên thần” của họ.
Tôi chưa từng thấy một thiên thần. Nhưng trong mọi văn hóa, theo cái nhìn thông thường, thiên thần là những vị sứ giả được Thượng Đế sai đến để thể hiện lòng thiện hảo của Ngài. Có những thiên thần trẻ thơ mà chỉ cần một nụ cười cũng có thể làm cho thế giới tăm tối của loài người được sáng lên. Có những thiên thần xa lạ mà một nghĩa cử, dù nhỏ mọn đến đâu, cũng đủ để liên kết con người lại với nhau.
Khẩu hiệu “chúng tôi đối xử với quý vị như một thiên thần” mà tôi đã đọc được ở phi trường Chiang Mai luôn nhắc nhở tôi điều đó. Thực ra đó cũng là khuôn vàng thước ngọc trong cách đối nhân xử thế mà nếu mọi người đều thực hành thì chắc chắn thế giới này sẽ là một nơi tốt đẹp và đáng sống hơn. Xét cho cùng, đó cũng là nguyên tắc sống mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12).



Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Hạt Cát Trong Chiếc Giày



                                                                             Chu Thập 4.11.2010


Nơi vùng quê tôi đang ở, cứ mỗi Chúa nhựt thứ ba hàng tháng đều có một phiên chợ bán đấu giá gia cầm. Từ chim, gà, vịt, đến ngan ngỗng và ngay cả trứng đủ loại cũng đều được mang ra đấu giá. Bầu khí “tranh nhau mua” thật là hào hứng. Đây là lúc mà tôi thấy rõ cái tính “khùng” của người Úc nhứt. Hình như cái nguyên tắc mà nhiều người Úc tham gia buổi đấu giá thường tuân thủ là: vật gì càng nhỏ thì càng quý. Nguyên tắc này có lẽ có giá trị một cách đặc biệt đối với các giống chim. Giống chim càng nhỏ thì càng được ưa chuộng. Bất kể giá cả, không cần biết giá thị trường bao nhiêu, người ta đưa tay lên đấu cho đến khi không còn đấu thủ mới thôi.
Nhưng có lẽ người Úc tỏ ra “khùng” nhứt khi đấu giá mấy con gà con. Bằng mọi giá phải mua cho bằng được mấy con chim quý là điều có thể hiểu được. Đằng này, chỉ có mấy con gà con mà người ta cũng “sống mái” với nhau cho đến cùng. Tội nghiệp cho mấy chú gà trống dềnh dàng. Có chú nặng cũng đến cả 3,4 ký lô với bộ mã thiệt đẹp. Cái thứ gà đi bộ này mà gặp người Việt mình thì bỏ ra 25, 30 đô cũng đáng đồng tiền bát gạo. Vậy mà có lúc tôi thấy có con chỉ ra giá một đô thôi, mà chẳng ai chịu rước lấy.
Muốn thay mấy chị gà mái đẻ đã quá “đát” cho nên vừa rồi tôi cũng đành “bóp bụng” ăn thua đủ với mấy người Úc để “rước” một bầy gà 6 con vừa nhú lông cánh. Rước chúng nó về nhà, dựng cho chúng một “ngôi nhà” riêng và ngày ngày chăm sóc chúng, bây giờ tôi mới thấy người Úc không “khùng” chút nào cả. Những lúc mệt mỏi hay không biết làm gì, chỉ cần rải cho chúng một ít thức ăn là tôi cảm thấy được thư giãn ngay. Cái hình ảnh gà con chui rúc dưới cánh gà mẹ trông dễ thương đã đành, mà cảnh gà con không mẹ chen chúc bên nhau tranh thức ăn, kêu chim chít, chẳng ai dạy mà cũng bươi cũng mổ lung tung làm tôi ngắm hoài không thấy chán. Con người hay thú vật, hễ cứ còn nhỏ là dễ thương. Hãy thử nhìn một con voi con, một bò con, một con ngựa con…đi bên cạnh mẹ chúng đi. Còn gì dễ thương bằng!  Dữ dằn như sư tử hay cọp, nhưng chú bé con nào nhìn cũng dễ thương cả. Ngay cả possum là cái loài tôi ghét cay ghét đắng vì chuyên phá vườn nhà tôi, nhưng chỉ vì “lỡ” nhìn thấy cảnh possum con bám trên lưng mẹ, mà tôi đành phải biến thù thành bạn. Nói gì đến con người ta, còn hình ảnh nào trong đời người đẹp cho bằng tuổi thơ.
Những lúc như thế tôi thường có ý nghĩ: thế giới này sẽ buồn thảm biết chừng nào nếu không có tuổi thơ của con người cũng như thú vật. Nghĩ xa hơn một chút, tôi lại nhận ra sự cần thiết và tầm quan trọng của “những điều nhỏ” trong cuộc sống con người. Có qua tuổi thơ rồi mới trưởng thành. Có nguyên tử rồi mới có phân tử. Có sợi chỉ rồi mới nói tới chuyện dệt ra tấm vải. Có làm được những chuyện nhỏ rồi mới nói đến chuyện đại sự. Chưa sản suất được một chiếc xe đạp cho đúng tiêu chuẩn hay ngay cả một cái đinh cho đàng hoàng mà nói đến chuyện sáng chế ra máy bay hay hỏa tiễn quả là chuyện hoang tưởng.
Tôi đặc biệt nghĩ đến một hiện tượng tại Việt nam hiện nay mà tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc gọi là “văn hóa kỷ lục”.  Trong những năm gần đây, người Việt nam trong nước thích lập kỷ lục. Cá nhân, đoàn thể và ngay cả chính phủ cũng đều có chung một đam mê: lập kỷ lục. Việt nam có cái gùi lớn nhứt thế giới, Việt nam có cái cốc lớn nhứt thế giới. Việt nam làm được cái bánh chưng lớn nhứt thế giới.Và điều được rêu rao như kỷ lục mới nhứt tại Việt nam dĩ nhiên là lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đây là lễ hội hoành tráng nhứt, với buổi diễu hành đông nhứt, đốt pháo bông lâu nhứt và đẹp nhứt, với con đường gốm sứ dài nhứt.v.v. Cứ như hiện nay ở Việt nam cái gì cũng nhứt cả!
Nhưng có mù thì may ra mới không biết rằng những kỷ lục của Việt nam chẳng khác nào những công trình bị rút ruột. Cái bánh chưng lớn nhứt thế giới không chỉ có nếp và nhân, mà còn có cả “xốp” được độn vào cho ra đồ sộ và dĩ nhiên, chẳng ma nào dám thưởng thức. Dở hơi nhứt là chuyện chế độ cộng sản Việt nam muốn có nhiều tiến sĩ nhứt thế giới, nhưng “những tiến sĩ ma, tiến sĩ giấy, tiến sĩ học trong vòng ba tháng, tiến sĩ không cần viết luận văn và cũng chẳng cần nghiên cứu, chẳng cần có chút kiến thức gì cả, những tiến sĩ được cấp bởi các sơ sở chuyên chế tạo bằng dỏm” thì chắc chắn không nước nào dám qua mặt Việt nam. (x. Nguyễn Hưng Quốc, Văn Hóa Kỷ Lục, Blog/VOA tiếng Việt 22 /10/2010)
Ngay cả mấy ông tiến sĩ “thiệt” thì ruột cũng trống rỗng. Chính vì thế mà mới đây Tạp Chí Khoa Học Quốc Tế đã phải gởi thư cảnh cáo và rút bỏ hai bài báo của một số giáo sư và tiến sĩ tại Viện Vật lý thành phố Hồ Chính Minh và Trung Tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ. Dựa trên cơ sở đạo đức, Tạp Chí Khoa học Quốc tế đã cho biết các ông tiến sĩ Việt nam này đã “đạo văn”, nghĩa là bài viết của các ông chỉ là một sao chép hay xào luộc từ công trình nghiên cứu của người khác.
Đây không chỉ là nỗi nhục của một số cá nhân mà còn là đại họa cho cả một dân tộc bao lâu giới lãnh đạo Việt nam vẫn còn chạy theo đam mê “lập kỷ lục”. Làm sao có phát triển thực sự khi sự phát triển ấy không được xây dựng trên một nền móng vững chắc mà chỉ dựa vào những hình thức phù phiếm giả tạo bên ngoài.
Điều này lại càng đúng với sự phát triển nhân bản của cá nhân. Một người được xem là “thành toàn” nghĩa là có nhân cách không nhứt thiết phải là người lập được nhiều kỷ lục hay thành tích vẻ vang, mà là một con người dám sống thực với con người của mình. Thích làm chuyện “vĩ đại” mà không khởi sự từ những chuyện nhỏ thì chẳng khác nào nhỏ không đi học lớn đòi làm quan.  
Ở Việt nam, đi đâu cũng nghe và thấy hai chữ văn hóa, cho nên có người lại sáng chế ra cụm từ “văn hóa lùn” để chỉ cái thói thích khoe khoang ấy. Trong một bài viết mới đây, đạo diễn Song Chi, người hiện đang tỵ nạn tại một nước Bắc Âu, viết rằng “văn hóa lùn, nên cái gì cũng muốn phải thật to, thật hoành tráng, thật xa xỉ, thật nhiều theo kiểu có bao nhiêu phô ra bằng hết.” (Song Chi, Cái Gốc Văn hóa, Thiên tai và Nhân họa, Người Việt online 23/10/2010) Dốt mà thích nói chữ, quê mùa mà thích làm sang cho nên làm sao tránh khỏi cái cảnh kịch cỡm, nửa mùa, chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Báo Lao động trong số ra ngày 10 tháng 5 vừa qua đã phải kêu lên: “Đâu rồi Hà nội hào hoa và lịch lãm”. Hồ Hoàn Kiếm tự thân rất đẹp, một vẻ đẹp giản dị mà sang trọng, vậy mà rất tiếc trong những ngày đại lễ nó được trang điểm thật lòe loẹt và vụng về. Khắp nơi tràn đầy những loại hoa giả, trang kim lấp lánh, đèn nhấp nháy xanh đỏ giăng khắp tứ bề cao thấp, làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên.” Đạo diễn Song Chi còn trích dẫn những nhận xét “nặng lời” hơn của nhà văn Nguyên Ngọc: “Có phải có một điều gì đó không cách xa nhau lắm, không thật sự khác nhau giữa cái diêm dúa, phô trương, ồn ả, xa xỉ, phản cảm, cả vô cảm nữa của lễ hội…với cái bừa bãi xấu xa đáng buồn ngay sau lễ hội.” Hình ảnh rõ nét cho thấy “văn hóa lùn” đó chính là cái cảnh người dân chen lấn, xả rác bừa bãi, vặt hoa, giẫm lên hoa, chặt chém giá cả vô tội vạ…Sau đại lễ, nhiều báo đã đưa tin, hình ảnh các con đường, khu vực quanh Hồ Gươm, sân vận động Mỹ Đình ngập ngụa rác, cây cỏ tan tành như sau một cơn đại hồng thủy.” (bài đã dẫn)
Khi dân trí chưa qua khỏi trình độ vỡ lòng về cách sống văn minh, mà đòi qua mặt các nước về con số tiến sĩ cũng như lập đủ thứ kỷ lục thì quả thật chẳng gì dị hợm bằng. Làm sao không cười ra nước mắt được khi một chế độ tàn bạo khát máu vào bậc nhứt thế giới lại tự xưng là “lương tâm của nhân loại”. Làm sao không cảm thấy hổ ngươi lây khi một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, ngu dốt gần nhứt thế giới lại tự hào là “đỉnh cao trí tuệ” của loài người.
Phải tập đi mới có thể chạy. Phải có khả năng làm những điều nhỏ thì mới mong làm chuyện đại sự. Sai một ly đi một dậm: đó là định luật cơ bản nhứt trong cuộc sống.
Điều nhỏ thường là thước đo sự vĩ đại. Bỏ qua những điều nhỏ hay phạm một sai lầm nhỏ cũng có thể rước lấy một đại họa. Nói như ông Baden Powell, nhà sáng lập phong trào Hướng Đạo, làm đau chân chúng ta không phải chông gai trên đường đi mà là một hạt cát nhỏ trong đôi giày của chúng ta.
Vào thập niên 1980, Elvin Bale được xem là một người làm xiếc gan dạ nhứt. Một trong những trò biểu diễn ăn khách nhứt và đồng thời cũng nguy hiểm nhứt của ông là làm một “trái đạn” bằng xương bằng thịt để được bắn ra từ một khẩu đại bác. Khi được nhả ra từ nòng súng, ông bay trên không như một viên đạn và rơi vào một khu an toàn ở bên kia một ngọn đồi.
Nhưng một ngày năm 1987, tại Hong kong, do một sai lầm nhỏ, ông đã rước một đại họa suốt đời. Số là trước khi biểu diễn, Elvin Bale thường cho bắn thử một bao cát có trọng lượng hoàn toàn bằng ông. Điều này có nghĩa là bao cát bay cao bao nhiêu và xa bao nhiêu thì ông cũng sẽ bay được bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong cái ngày định mệnh ấy, ông đã phạm một sai lầm nhỏ. Cái bao cát có trọng lượng bằng ông đã bị để quên ngoài trời sau một đêm mưa. Ông đã nhận thấy điều đó, nhưng vì nghĩ rằng nước mưa không thấm vào bên trong và làm thay đổi trọng lượng của bao cát, cho nên ông đã không cân lại bao cát. Bao cát đã được bắn lên trước giờ biểu diễn như thường lệ và người ta căn cứ vào chỗ rơi của bao cát để chuẩn bị cái nệm làm nơi mà Elvin Bale cũng sẽ rơi xuống. Nhưng vừa được bắn lên, ông đã cảm nhận ngay một điều bất thường: ông bay cao hơn và nhanh hơn mọi khi. Và dĩ nhiên, thay vì rơi xuống cái nệm chờ sẵn, ông đã lao người xuống một thềm xi măng: ở tuổi 41, Elvin Bale đã thoát chết, nhưng hoàn toàn và vĩnh viễn bị tê liệt. (x. Linda Kaplan Thaler and Robin Koval, The Power of Small, p.88-90)
Mới đây, vì bất thần bị chứng chóng mặt, tôi phải vào bệnh viện để được xét nghiệm về đủ mọi cơ phận, đặc biệt nhứt là về tai và mắt. Đây là dịp để tôi nhớ lại những kiến thức cơ bản về mắt học được ở thời trung học. Trong mỗi con mắt của tôi có đến 107.000.000 tế bào. Trong số này, có 7 triệu được cấu tạo theo hình “nón” giúp tôi nhìn thấy và phân biệt được mầu sắc. Bên cạnh đó là hàng trăm triệu tế bào hình “roi” giúp tôi thích nghi với ánh sáng mờ nhạt. Khi các tế bào roi hoạt động, tôi không còn thấy được mầu sắc nữa. Những số liệu về mắt được các nhà khoa học tiết lộ trên đây khiến tôi run sợ. Tôi không thể tưởng tượng được “cái máy nhìn” của tôi được cấu tạo tinh vi “khủng khiếp” như thế và mỗi một tế bào ấy đều cần thiết để tôi có thể nhìn thấy và phân biệt được mầu sắc.
Sự cấu tạo tinh vi của cái máy thu hình là con mắt của tôi gợi lên cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi được mời gọi để không xem thường điều mà tôi cho là “nhỏ” trong cuộc sống hàng ngày. Trước hết là giá trị cao cả và độc nhứt vô nhị của mỗi một con người, dù là những kẻ bị xem là nhỏ bé, thấp kém, nghèo hèn trong xã hội.

Kế đó là những “chuyện nhỏ” trong cuộc sống: chuyện nào cũng đều trở thành “vĩ đại” nếu được tôi làm với tất cả ý thức trách nhiệm và tình yêu thương.
Như vậy, chẳng có gì để than phiền về một cuộc sống mà tất cả mọi sự đều chẳng có gì đáng nói. Tự những điều nhỏ bé bình thường xảy ra trong cuộc đời tôi hằng ngày từ sáng đến tối đã là những điều tốt lành “vĩ đại”. Cuộc đời như vậy đối với tôi sẽ mãi mãi là một cuộc thám hiểm để khám phá, bởi vì nói như văn hào Pháp Marcel Proust, “cuộc thám hiểm thật sự không hệ tại ở chỗ tìm ra đất mới, mà là có được đôi mắt mới.”



Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Relax…!



                                                                               Chu Thập 10.11.2010



Tôi ít mất giờ vì truyền hình. Ngoại trừ World Cup và thỉnh thoảng một vài chương trình đặc biệt có nói đến Việt nam như “Luke Nguyen’s Viet nam” chẳng hạn, mỗi ngày tôi chỉ bỏ ra nửa tiếng đồng hồ để theo dõi phần tin tức thế giới của đài SBS vào lúc 6 giờ 30 chiều.
Có nhiều lý do khiến tôi phải hạn chế việc xem truyền hình. Có lời khuyên của các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi nên bớt xem truyền hình để dành nhiều thì giờ hơn cho sinh hoạt gia đình hay đời sống tâm linh. Có lý do sức khỏe như: để được khỏe mạnh, “nên đi ngủ sớm và thức dậy sớm”. Nhưng có lẽ lý do chính là vì tôi ghét các màn quảng cáo trên truyền hình của Úc đại lợi.  Đang xem một chương trình đầy thú vị, tức cành hông chết được khi bị cắt ngang và cưỡng bách phải xem những trò quảng cáo nhảm nhí, vô duyên và vô nghĩa. Nhưng mấy nhà làm quảng cáo nếu không lì lợm và trơ trẽn như mấy ông cộng sản thì cũng rành tâm lý của người xem: họ bắt mình xem mãi cho đến khi nhập tâm thôi.
Trong những màn quảng cáo đã được nhập tâm có lẽ tôi thích nhứt là  màn quảng cáo du lịch giới thiệu đảo Kangaroo Island, bởi vì nó đã thực sự tác động trong tâm trí tôi, mặc dù tôi không bao giờ chú ý đến xuất xứ và chủ ý của tác giả. Đó là cảnh một cặp vợ chồng trung niên đang đi vội vã trên một bờ biển hoang vắng, thơ mộng. Bỗng có một nhân viên “công lộ” với máy chụp hình tốc độ trên tay xuất hiện. Trái với lệ thường, nhân viên này là một thanh niên có khuôn mặt hiền từ, dễ thương. Anh chận họ lại và nhắc rằng đây là một nơi phải “nắm tay nhau mà đi khoan thai”. Sau đó, thay vì ghi phạt, anh ta lấy giấy viết một lời cảnh cáo với nội dụng vắn tắt chỉ có một chữ “Relax J!”.
Với vốn liếng Anh ngữ “ăn đong” của tôi, mặc dù đã nghe từ này không biết bao nhiêu lần, tôi vẫn thấy mình chưa nắm vững nội dung và cách sử dụng chính xác của nó. Tìm một từ tương đương trong tiếng Việt thì tôi chịu thua. Lần cuối cùng tôi nghe từ này là cách đây hơn một tuần khi tôi phải vào bệnh viện để chẩn đoán về chứng chóng mặt. Thấy mặt tôi cứ nhăn nhó như “khỉ đột”, các bác sĩ và y tá luôn miệng bảo tôi “relax”. “Relax” thế nào khi bụng dạ tôi cào cấu và đầu tôi thì quay cuồng.
Tức mình quá, về nhà tôi bèn tham khảo ý kiến của “ông thầy” tôi trong quyển sách gối đầu giường “Don’t Sweat the Small Stuff” (nhằm nhò gì ba chuyện nhỏ). Tiến sĩ Richard Carlson, tác giả của cuốn sách, giải thích: “Relax nghĩa là gì? Mặc dù nghe từ này hàng ngàn lần trong cuộc sống của chúng ta, nhưng rất ít người thực sự hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó.
Khi bạn hỏi người khác (như tôi đã làm rất nhiều lần) “relax” nghĩa là gì, thì hầu hết đều trả lời rằng từ này chỉ điều mà chúng ta muốn hoãn lại cho tương lai: như sẽ làm khi đi nghỉ hè, khi đi cắm trại, khi về hưu hay sau khi đã làm mọi điều khác đã. Dĩ nhiên, điều này có nghĩa là, trong hầu hết mọi lúc khác, ta cứ phải bị căng thẳng, giao động, vội vã và điên loạn. Rất ít người nhìn nhận điều đó. Nhưng thực tế là như vậy. Phải chăng đây không là lý do tại sao nhiều người trong chúng ta sống như thể cuộc sống lúc nào cũng lâm vào trường hợp “khẩn cấp”? Phần đông chúng ta hoãn lại việc “thư giãn”...” (Richard Carlson, sđd, trg 145)
Theo ông, cần phải xem việc “thư giãn” như một trạng thái thường xuyên của tâm hồn hơn là điều chúng ta hoãn lại để sẽ làm sau.
Giải thích trên đây của tiến sĩ Richard Carlson tạm cho tôi một chút “relax”. Nhưng tôi cũng chưa thấy hài lòng lắm.Tôi bèn tra khảo một tác giả quen thuộc khác là Lâm Ngữ Đường, với cuốn sách nổi tiếng “Một Quan niệm về Sống Đẹp” (bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Không phải là một chuyên gia tâm lý, nhưng dựa trên minh triết Đông phương, nhứt là Lão Trang, ông đề ra một cách nhàn tản rất hợp với người Á đông. Tôi đặc biệt thích cái cách ông viết về nghệ thuật nằm nghỉ trên giường. Theo ông, rất ít người nhận được sự quan trọng của nghệ thuật nằm trên giường, mặc dầu chín phần mười những phát minh lớn lao về triết học, khoa học đã xuất hiện trong óc các nhà bác học khi họ nằm trên giường, hồi hai giờ hay năm giờ sáng.
Ông giải thích: “Nghỉ ngơi trên giường là một thái độ về thể chất và tinh thần. Ta cắt hết liên lạc với thế giới chung quanh, lui về thế giới tâm tư của ta trong một tư thế nghỉ ngơi, bình tĩnh hợp với sự trầm tư. Có một cách thích nghi, thư thái để nằm trên giường. Khổng Tử, một nghệ thuật gia về lối sống, không bao giờ nằm thẳng cẳng cứng đơ như một cái xác ở trên giường và luôn luôn nằm nghiêng, mình co quắp lại. Tôi cho rằng quắp chân lại mà nằm là một lạc thú ở đời. Tư thế của cánh tay cũng là một điều rất quan trọng để cho thân thể được khoan khoái và tinh thần được mẫn nhuệ…Nằm như vậy thì thi sĩ nào cũng có thể làm được những câu thơ bất hủ, triết gia nào cũng có thể cải cách được tư tưởng của nhân loại và khoa học gia nào cũng có thể tìm ra được những phát minh đánh dấu một thời đại.” (Lâm Ngữ Đường, sđd, trg 175)
Theo tác giả Lâm Ngữ Đường, nằm trên giường không chỉ là để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc hay để xả hơi sau một ngày tiếp xúc với đủ mọi hạng người, mà còn là một cách để tự vấn lương tâm, để điều chỉnh và sửa đổi tính nết. Ông viết: “Thà mười giờ mới tới bàn giấy, bình tĩnh tự chủ, còn hơn là tới đúng chín giờ hoặc sớm hơn mươi mười lăm phút để giám thị nhân viên như một tên áp giải nô lệ hồi xưa, rồi nổi dóa lên về những cái lặt vặt.” (sđd)
Tôi đã từng “ngủ nướng”. Nhưng đạt được cái thái độ “thượng thừa” như tác giả đề ra thì chưa bao giờ. Cho nên tôi cũng không thỏa mãn lắm với cái lối “relax” của ông.
Tôi liền gõ hai chữ “relax” hay “relaxation” vào Google. Tôi lại lạc vào một rừng chữ nghĩa. Nhưng nói chung, nội dung của các bài viết được đưa lên Wikipedia đều khẳng định rằng cần phải biết cách “relax” để bảo đảm cho sức khỏe, tìm lại đam mê, niềm vui và hưng phấn cho cuộc sống. Một tác giả khẳng định: “Sức khỏe của bạn là trách nhiệm của bạn.”
Sang phần tập “relax”, tôi thấy các tác giả đưa ra mấy bước sau. Trước hết phải nhìn nhận rằng “căng thẳng” là điều tự nhiên và tốt cho cuộc sống. Ít hay nhiều, ai cũng bị căng thẳng. Căng thẳng có thể khích thích và mang lại động lực cho cuộc sống.
Sang bước thứ hai là chuẩn bị “relax”, các tác giả khuyên chúng ta rằng một khi đã nhìn nhận có những căng thẳng có tác hại tiêu cực trên cuộc sống, lúc đó cần phải đối phó bằng “relax” và một trong những cách relax tốt nhứt là “đi ngủ”, bởi vì trong lúc ngủ, tâm trí của chúng ta tiếp tục học được những điều mà chúng ta không thể có được trong lúc bận rộn. Giấc ngủ phục hồi thân xác bằng nhiều cách mà khi thức chúng ta không thể làm được.
Bước thứ ba là phải thiết lập một thời khóa biểu và kỷ luật cho việc “relax”. Đến đây, khi đi vào chi tiết, các “chuyên gia” về “relax” nhắc nhở chúng ta về việc thực hành các kỹ thuật “hít thở”: thở chậm lại, hít sâu vào bằng mũi, thở ra bằng miệng và tập trung tư tưởng vào đó. Đây là cách tốt nhứt để có được sự bình tĩnh. Cũng trong những chỉ dẫn chi tiết, các chuyên gia lại bảo chúng ta phải có kỷ luật trong việc ăn uống: giảm đường, cà phê, chất béo và ăn nhiều rau quả, trái cây v.v. và nhứt là tập thể dục đều đặn. Đây là cách thế tốt nhứt để giảm sự căng thẳng.
Dĩ nhiên, các tác giả cũng không quên khuyên chúng ta phải thường xuyên làm “vệ sinh tâm trí”  bằng cách tránh những cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ một cách tích cực và đừng tự trách mình quá đáng, hãy lên danh sách những việc làm ưu tiên trong ngày, thực hành việc “thiền niệm”.
Ngoài ra, các tác giả cũng gợi ý việc nuôi và chơi với thú vật nuôi trong nhà. Theo họ đây là một trong những liệu pháp hiệu nghiệm nhứt để thắng vượt sự căng thẳng.
Những nghệ sĩ còn cho chúng ta một lời khuyên lý thú khác về “relax”: Họ luôn phải “relax” ngay trong những giây phút biểu diễn căng thẳng mà không ai nhận ra. Thật vậy, làm sao một nhạc sĩ có thể biểu diễn mấy tiếng đồng hồ với những điệu nhạc du dương mềm mại mà các bắp thịt trên tay, cổ và vai luôn trong trạng thái căng thẳng. Một người thày dạy nhạc đã từng nhận xét: điều khó nhất để dạy cho một nhạc sinh không phải là làm sao để xử dụng nhạc cụ nhưng mà là làm sao để có thể chơi nhạc một cách “relax”. Một vài phút thư giãn xen kẽ với tập trung làm việc là điều chúng ta có thể áp dụng từ kinh nghiệm của các nghệ sĩ.
Tác giả nào cũng nhìn nhận rằng “cười là liều thuốc tốt nhứt”. Y khoa giải thích rằng nụ cười làm tiết ra chất endorphin là tố chất chống lại sự căng thẳng, giúp “relax” và nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống không chỉ có “làm việc”.
Cuối cùng, quan trọng hơn cả, cần phải thiết lập quan hệ tốt với người xung quanh.
Duyệt qua những lời khuyên trên đây của bậc thức giả lẫn nhà chuyên môn, tôi cảm thấy được “an ủi” phần nào vì hầu hết các kỹ thuật trên đây tôi đều đã và đang thực tập.
Về ăn uống, tôi luôn theo một chế độ dinh dưỡng rất nghiêm túc: tôi giảm đường đến mức tối đa, tôi không màng đến cà phê, thuốc lá hay rượu chè, tôi cũng không đụng tới gia vị mặc dù lúc nào cũng thèm “nhỏ rãi”, tôi ăn nhiều rau cỏ và trái cây; nói chung tôi chỉ xử dụng những thức ăn nào được ghi chú “Low GI, Low cholesterol, Fat free”…Chế độ ăn uống của tôi còn “nghiêm nhặt” hơn cả đề nghị của các chuyên viên về dinh dưỡng dành cho người cần kiểm soát lượng đường trong cơ thể.
Tôi cũng tập thể dục bằng nhiều cách như đi bộ và làm vườn. Đây là thời khóa biểu mà tôi ít bỏ qua. Về hít thở thì từ lâu tôi cũng tập luyện theo phương pháp Yoga. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một hướng dẫn viên tốt cho tôi rất nhiều trong điều này. Ngủ thì khỏi nói, ngày nào tôi cũng cố gắng ngủ cho đủ tám tiếng đồng hồ.
Và dĩ nhiên, theo lời khuyên của màn quảng cáo “relax” trên, mỗi năm tôi cũng đi du lịch vài ba lần.
Nhưng xét cho cùng, như tiến sĩ Richard Carlson đã nói, “relax” phải được hiểu như là một trạng thái thường xuyên của tâm hồn hơn là những kỹ thuật, dù có được thực hành một cách nhuần nhuyễn đến đâu. Trạng thái tâm hồn đó, theo tôi nghĩ, chính là cái tâm bình an của con người và cái tâm bình an chỉ có khi người ta có được những quan hệ tốt đẹp với người xung quanh.
Tôi có thể tập luyện để có được một thân thể cường tráng, khỏe mạnh, nhưng tâm hồn tôi vẫn có thể là một lò thuốc súng chứa đầy cừu hận. Có biết bao nhiêu lực sĩ như thế trên võ đài, trên sân vận động.
Tôi có thể giam mình vào một chế độ ăn uống kham khổ mà tâm hồn vẫn có thể sôi sục tham sân si và bao nhiêu dục vọng khác.
Tôi có thể leo lên đỉnh núi cao để thiền niệm mà tâm hồn vẫn cứ mãi bị giam hãm trong ích kỷ hoặc vẫn bị ám ảnh bởi những khuôn mặt “khó ưa”.
Thật vậy, tôi không thể nào “relax” bao lâu cái tâm của tôi chưa được bình an. Và cái tâm của tôi chưa được bình an bao lâu quan hệ của tôi với người xung quanh, nhứt là những người gần gũi thiết thân với tôi, chưa được hài hòa.
Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng tôi cảm thấy vui vẻ, lạc quan, yêu đời và như vậy “relax” khi tôi thấy mình biết tôn trọng, yêu thương và phục vụ những người chung quanh. Tôi biết rằng một hành động tử tế dù nhỏ đến đâu cũng làm cho người khác vui và làm cho tôi vui hơn. Văn sĩ Mark Twain nói rằng ông có thể “sống được hai tháng bằng một lời khen tặng”. Mỗi ngày ra ngõ, gặp lũ trẻ chơi trên con đường cụt phía trước nhà, có người khó chịu vì sự ồn ào và sự giao thông bị cản trở. Riêng tôi, chỉ cần một cái vẫy tay chào của tôi được một nụ cười thân thiện của lũ trẻ đáp trả, đủ làm cho tôi thấy thêm một ngày sống có ý nghĩa. Một cử chỉ tử tế, nói như Scott Adams, dù nhỏ đến đâu, cũng giống như một hòn đá cuội ném xuống mặt hồ, tạo ra một làn sóng vô tận.
Có vô số cử chỉ để “relax”, nhưng không có cử chỉ “relax” đích thực nào mà không liên hệ đến người khác. Cũng giống như “ngáp”, khi một người tỏ ra mệt mỏi và ngáp thì những người khác đang hiện diện cũng sẽ ngáp “lây”. Khi chúng ta nhếch môi cười, chắc chắn sẽ có nụ cười đáp lại. Thế là mọi người có thể cùng nhau “relax J!”




Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Không đi không biết Thái Lan




Chu Thập 12.9.14

So với nhiều người Việt tỵ nạn khác, tôi đặt chân đến Thái Lan hơi muộn màng. Dù cho thiên đàng du lịch này có mời mọc cách mấy, tôi vẫn không thể xóa bỏ khỏi ký ức hình ảnh khủng khiếp của những vụ cướp biển nhắm vào người tỵ nạn Việt Nam diễn ra trong vịnh Thái Lan. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã cho biết trong năm 1981, trên 80 phần trăm các tàu tỵ nạn lọt vào Vịnh Thái Lan đều bị cướp biển tấn công. Dựa trên lời kể của khoảng 12.500 thuyền nhân Việt Nam đến miền Nam Thái Lan trong khoảng thời gian này, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết những tên cướp biển Thái đã sát hại 464 người, hãm hiếp 535 phụ nữ và bắt cóc 224 người khác. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc nói rằng con số nạn nhân này có lẽ hơi khiêm tốn, bởi vì không nhắc đến những vụ tấn công qua đó không một nạn nhân nào còn sống sót.
Mặc dù không bao giờ có ý nghĩ đi Thái Lan để “trả thù dân tộc” như một số đàn ông và thanh niên Việt Nam thường nói đùa mỗi khi nhắc đến xứ sở này, tôi vẫn không có chút thiện cảm nào đối với dân tộc Thái. Nhưng cuối cùng, suy đi nghĩ lại, tôi thấy cần phải đặt chân đến đất nước này một lần mới mong hiểu được sự thật và giải tỏa được những ấm ức vẫn âm ỉ trong tâm hồn.
Tôi đến Thái Lan vào giữa tháng quốc gia này đang mừng sinh nhựt thứ 82 của hoàng hậu Sirikit Kitiyakara. Cờ xí và hình ảnh của bà được giăng mắc khắp nơi. Những người bạn Thái đi cùng chuyến bay với tôi nhắc đến bà với tất cả sự ngưỡng mộ, lòng kính trọng và thương mến, nhứt là vì các công cuộc từ thiện của bà đối với dân nghèo. Nhưng “mẫu hậu” Thái ít khi đứng một mình một cõi. Bên cạnh bà lúc nào cũng có quốc vương Bhumibol Adulyadej. Năm nay 86, quốc vương có thời gian trị vì lâu nhứt thế giới này, lại được thần dân Thái tôn kính chẳng khác nào một vị thần. Ở bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào người ta cũng thấy có hình ảnh của ông dưới nhiều dung mạo khác nhau: khi thì ông xuất hiện như một thanh niên bắn súng, cỡi ngựa, chèo thuyền, chơi thể thao, tham gia vào mọi sinh hoạt của cuộc sống người dân...lúc thì uy nghiêm ngự trên ngai vua bên cạnh hoàng hậu. Không chỉ có ảnh hưởng trong sinh hoạt chính trị, vị vua thứ 9 của triều đại Rama này càng được thần dân Thái kính trọng, ngưỡng mộ và yêu mến vì những hoạt động từ thiện không ngừng nghỉ của ông. Là một tỷ phú, ông đã bỏ tiền túi ra để tài trợ cho hàng chục ngàn dự án phát triển cho người nghèo, nhứt là các sắc dân thiểu số trên miền núi. Những người bạn Thái đã giới thiệu tôi đến một trung tâm nghỉ mát trên vùng cao nguyên ở phía Bắc do chính những người thuộc sắc tộc thiểu số điều khiển và với sự tài trợ của nhà vua. Mọi thứ đều được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc “bền vững” (sustainability): nước từ một ngọn thác được sử dụng để chạy máy thủy điện, trồng hoa và rau xanh cũng như nuôi cá. Một ngày nghỉ ở đây cho tôi cảm tưởng: không thể sống ở đây mà không cảm thấy an bình và hạnh phúc!
Người dân Thái tôn thờ quốc vương và hoàng hậu của họ đến độ trên ngọn núi cao hơn 2 ngàn thước gần nơi tôi dừng chân, quân đội Thái đã cho xây cất hai tòa “Bảo Tháp” (pagoda) cao ngất trời. Khách du lịch đến đây được giải thích rằng hai tòa tháp này sẽ là nơi cất giữ di cốt thánh của quốc vương và hoàng hậu.
Khi tôi nêu thắc mắc về vấn đề kế vị, những người bạn Thái xem ra không “sốt sắng” cho lắm khi phải nói về chuyện này. Tôi đành vào Google để tìm hiểu và biết rằng quốc vương Thái có 4 người con: một trai, ba gái. Trên nguyên tắc, thái tử Maha Vajiralongkorn, năm nay 62 tuổi, là người sẽ lên kế vị vua cha. Nhưng ông hoàng này lại vướng mắc vào quá nhiều tai tiếng từ chuyện cờ bạc đến bê bối trong đời sống gia đình. Dù vậy, do luật “tội khi quân” (lèse-majesté), không ai dám công khai đề cập đến vấn đề này. Tôi nghe nói rằng nếu xúc phạm đến hoàng gia, người dân Thái có thể bị tù từ 3 đến 15 năm. Năm 2002, một số những tờ báo ngoại quốc có uy tín như Tạp chí Kinh tế Viễn đông (Far Eastern Economic Review) hay Tạp chí Kinh tế (The Economist) có đề cập đến những chuyện lem nhem và tính khí bất thường của thái tử Vajiralongkorn. Cả hai số báo đều bị cấm phát hành tại Thái Lan.
Tôi hiểu được tâm trạng của những người bạn Thái cho nên không muốn khai thác về vấn đề này. Theo suy luận của tôi, nếu thái tử Vajiralongkorn không được vua cha tín nhiệm và nếu Hiến Pháp Thái không cho phép một công chúa lên kế vị, thì rất có thể vị quốc vương trị vì lâu nhứt thế giới này sẽ tuyên bố cho cáo chung chế độ quân chủ tại Thái Lan sau khi ông qua đời.
Nhưng liệu “thần dân” Thái có sẵn sàng đón nhận việc hủy bỏ chế độ quân chủ không? Với họ, quân chủ không chỉ là một phần của lịch sử đáng tự hào của đất nước, mà còn là “linh hồn” của dân tộc. Xem cách thế họ tôn kính, ngưỡng mộ và yêu mến quốc vương và hoàng hậu, tôi nghĩ rằng hai vị nói riêng và hoàng tộc nói chung, là hiện thân của lòng từ bi, cốt lõi của Phật Giáo mà đại đa số người dân Thái đều tin và thực hành với tất cả thành tâm.
Trong những ngày rong chơi ở Thái Lan, tôi đã được đưa đi viếng hầu hết những ngôi chùa nổi tiếng nhứt của nước này. Hầu như ngày nào và ngôi chùa nào cũng có đông người kính viếng. Người Thái không vào chùa như một khách du lịch, mà với tất cả tấm lòng thành tín của một tín đồ.
Nhưng người Thái không chỉ bày tỏ tấm lòng thành tín nơi cửa chùa hay đối với các vị tăng lữ. Họ sống cái “tâm Phật” ở mọi nơi và đối với mọi người. Tôi cảm nhận được cái “tâm” ấy qua cử chỉ “vái chào” của người Thái. Cứ gặp nhau hay từ giã nhau, bất kể quen lạ cũng đều phải “vái chào”: hai tay chắp lại, để trên trán hay dưới ngực tùy theo tuổi tác, kèm theo nụ cười thân thiện và cúi chào. Cử chỉ này gợi lên trong đầu tôi câu nói quen thuộc trong Phật Giáo: cứ bỏ gươm xuống là thành Phật! Làm sao chắp tay lại, cúi chào người khác mà không vứt bỏ đi gươm giáo của đố kỵ, hận thù trong tâm hồn mình? Bây giờ thì tôi mới ngộ ra được tại sao vương quốc chưa từng bị chiến tranh này  được gọi là “Thailand”, tức đất nước của Thân Thiện và Thái Bình.
Thái bình cho nên cũng thịnh vượng.  Được xếp hàng thứ hai chỉ sau Singapore trong khối Đông Nam Á về mức sống, Thái Lan dưới mắt tôi là một nước không chỉ giàu về của cải vật chất mà còn giàu về tình người. Ra đường, tôi không sợ bị cướp giựt. Đi mua sắm tôi không sợ bị lường gạt. Vào các khu chợ bình dân để ăn uống hay mua quà vặt, tôi không sợ bị chửi như tát nước vào mặt. Lúc nào tôi cũng trang bị cho mình cử chỉ “vái chào” là coi như mọi chuyện đều diễn ra một cách tốt đẹp.
Cảm thấy an tâm khi đi giao dịch và mua sắm, tôi cũng cảm thấy an toàn khi đi đường: đường sá ở Thái Lan nhiều và rộng. Dĩ nhiên, kẹt xe vẫn là chuyện thường ngày ở huyện tại các nước Á Châu. Nhưng không phải hít bụi, không phải nghe tiếng kèn kêu đinh tai nhức óc, không bị chen lấn xô đẩy trong lòng đường...là cảm thấy mãn nguyện khi đi du lịch rồi.
Thua kém Singapore một bậc về mức sống, Thái Lan dường như cũng  muốn đuổi kịp quốc gia hải đảo này về kỷ luật. Chỉ khác một điều: ở Singapore, người dân phải tuân theo một kỷ luật sắt, còn tại Thái Lan xem ra người dân tự giác nhiều hơn. Xem ra người dân Thái làm bất cứ điều gì cũng đều nghĩ đến  “quả báo” đối với bản thân cũng như gia đình. Người bạn Thái đi cùng chuyến cho biết: như bất cứ thanh niên Thái nào, anh cũng đã từng vào chùa tu một thời gian để gọi là làm nhẹ bớt “quả báo” mà cha mẹ anh đã và đang phải chịu vì những thiếu sót trong cuộc sống của họ. Không biết có phải vì sợ “quả báo” không, mà đi dọc đường khắp nơi trên đất Thái, tôi không bao giờ hoặc ít khi gặp cái cảnh xả rác bừa bãi. 
Tôn trọng người khác, tuân giữ kỷ luật và trật tự công cộng, người dân Thái có ý thức cao về đạo đức. Trong chuyến đi vừa qua, tôi đã được người bạn Thái đón về gia đình ở tận miền Nam. Tại đây nhằm mùa trái cây, tôi được dịp thưởng thức hầu hết trái cây miền nhiệt đới tươi ngon mà không sợ ăn phải hóa chất. Xét cho cùng, người nông dân Thái không vì chút lợi lộc mà lừa gạt khách hàng. Nhưng ý nghĩa nhứt và được chờ đợi nhứt trong chuyến đi vẫn là chặng dừng chân trong hai tỉnh Chiang Mai và Chiang Rai, Bắc Thái. Người tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch đã đưa tôi đến Tam Giác Vàng (Golden Triangle), tức biên giới giữa ba nước Thái Lan, Miến Điện và Lào. Đứng bên bờ sông Mê Kông, tôi được người tài xế hướng dẫn để nhìn về hướng Bắc. Chỉ tay về một tòa nhà đồ sộ, ông giải thích rằng đó là Casino của Miến Điện (Burma hay Myanmar). Hướng về một khu nhà trông có vẻ còn vĩ đại hơn nằm ở trước mặt và bên kia sông, ông cho biết đó là Casino của Lào. Tôi có nghe nói ở biên giới Việt Miên dường như cũng có một Casino vĩ đại như thế.
Trên đường về, người tài xế kể cho tôi nghe rằng cách đây không lâu ông có chở một số người Thái đến Tam Giác Vàng này để họ sang phía bên kia sông đánh bài. Ông nói: lúc ra đi họ rất hăm hở, nhưng khi trở về mặt mũi ai cũng héo hắt, buồn hiu. Rồi ông hãnh diện kết luận: Thái Lan không có Casino vì Thái Lan là xứ Phật giáo!
Tôi không cảm thấy được thuyết phục với biện luận này. Bởi lẽ Miến Điện, Lào, Cao Miên không phải là những  xứ Phật giáo sao? Cùng là những quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo, nhưng các nước này và Thái Lan có chế độ cai trị khác nhau. Miến Điện đã từng bị đặt dưới chế độ quân phiệt độc tài. Lào vẫn tiếp tục bị kèm kẹp dưới chế độ cộng sản. Cao Miên thì đeo vào bộ mặt dân chủ để che đậy cái  “cốt” cộng sản độc tài. Nền tảng đạo đức của Phật giáo, nhờ một chế độ dân chủ có thực chất và nhứt là nhờ ảnh hưởng của một quốc vương thấm nhuần đạo lý, đã ăn sâu vào cách sống của người dân Thái. Đây mới thực sự là lý do khiến cho Casino, đầu mối của mọi thứ tội ác làm tan gia bại sản của bao nhiêu gia đình và đánh đổ mọi giá trị đạo đức, đã không thể hiện hữu được trên đất Thái. Nói như thế không có nghĩa là ở đất nước Thái bình này không có tệ nạn cờ bạc. Nhưng ít ra, nhờ không được hợp pháp hóa mà nạn bài bạc đã không biến đất nước Thái bình này thành một sòng bạc để các tổ chức tội phạm rửa tiền hoặc đục khoét nền tảng đạo đức.
Có một số người Thái, như trường hợp ông thái tử Vajiralongkorn đã vướng mắc vào chuyện đỏ đen, nhưng nhìn chung đại đa số người dân Thái, nhờ ảnh hưởng của Phật giáo như người tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch đã khẳng định, vẫn xem chuyện bài bạc không những như một hoạt động bất hợp pháp, mà còn trái với luân thường đạo lý. Tôi cũng nghĩ như thế về chuyện cướp biển đã xảy ra trong Vịnh Thái Lan hồi cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80. Có một thiểu số ngư dân Thái đã biến thành thảo khấu để tấn công, hãm hiếp và sát hại người tỵ nạn Việt Nam.
Nhìn chung, đại đa số người dân Thái, đều là những người hiền hòa, hiếu khách, chân tình và “đạo đức”. Bài học mà tôi thực hành nhiều nhất trong hai tuần trên đất Thái chính là học cách đáp lễ lại những cung cách cao quý của người Thái.
Vào năm 1988 một người quen đến Thái Lan đã không cầm được nước mắt khi nghĩ đến quê nhà. Hôm nay, sau một phần tư thế kỷ, tôi nhìn Thái Lan, nghĩ đến Việt Nam mà thấy càng đau lòng hơn. Biết Thái Lan để thấy rằng không phải “ao nhà vẫn hơn”.





Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Buôn Thần Bán Thánh



                                                                                   
Chu Thập,17.11.2010

Armidale NSW, 3.2014
Nước Úc có vị thánh đầu tiên. Con số người chạy đến cầu nguyện xin vị thánh này “bầu cử” ngày càng đông. Tôi cũng là một trong những người ấy. Nhưng cách thế và nội dung của những lời “cầu xin” của nhiều người cứ khiến tôi phải suy nghĩ. Dĩ nhiên suy nghĩ về cách sống đạo và diễn tả niềm tin của chính tôi.
Báo “The Sydney Morning Herald” số ra ngày 30-31 tháng 10, 2010 vừa qua cho biết: các nữ tu Dòng Saint Joseph do thánh nữ Mary McKillop thành lập đã thiết lập một trang mạng dành riêng cho việc cầu xin thánh nữ bầu cử. Trang mạng được trang hoàng bằng 15 cánh hoa hồng nhấp nháy trên ngôi mộ của thánh nữ. Nhấp con chuột máy vi tính vào đó sẽ thấy hiện ra mệnh lệnh: “Bạn hãy viết lên lời cầu xin của bạn.” (với tối đa 255 chữ)
Theo tờ báo, chỉ mới hai tuần sau khi bà Mary MacKillop được phong thánh, đã có trên 6000 người vào trang mạng này để xin cầu nguyện. Người thì xin cho ngôi nhà của mình được ngã giá. Kẻ thì xin cho vụ kiện tụng ở sở làm được giải quyết. Sinh viên ngoại quốc xin cho chóng được chiếu khán nhập cảnh vào quê hương của thánh nữ. Có người xin cho được công ăn việc làm. Đa số xin được tìm thày chạy thuốc đúng nơi đúng cách để được lành bệnh. Cũng có người chỉ xin một cách đơn giản là tìm lại được hạnh phúc.
Đó là những lời cầu xin chính đáng. Tôi cũng đã từng xin “những ơn” như thế. Trong cơn hoạn nạn, nhận ra sự bất lực của mình, chạy đến với Chúa Mẹ, Thần Thánh để xin giúp đỡ là chuyện bình thường.
Nhưng cũng có những lời cầu xin khá “ngộ nghĩnh” được báo “The Sydney Morning Herald” ghi lại. Chẳng hạn có người xin cho Mark Webber được thắng giải vô địch thế giới trong cuộc đua xe “Formula One”; có người xin cho tìm được một ngôi nhà mới để thoát khỏi những người hàng xóm ồn ào như cái “hỏa ngục”; ai đó lại xin cho được trúng số để giàu có; có người còn xin cho việc giải phẫu và ghép cơ quan sinh dục của mình được tốt đẹp…
Không biết có phải vì những lời cầu xin nhảm nhí trên đây không mà theo trích dẫn của tờ báo, chủ tịch của  Hội Vô Thần Úc đại lợi là ông David Nicholls, lại tuyên bố rằng mở một trang mạng như thế là một điều không tốt xét về mặt tâm lý. Chủ tịch của Hội này giải thích: “Trong khi thế giới đầy đau khổ và chết chóc thì phải chăng không quá “nhảm nhí” khi hỏi “có biết chìa khóa của tôi ở đâu không?”
Cách đặt vấn đề của ông Nicholls trên đây không khỏi làm cho tôi suy nghĩ về vô số những lần cầu xin nhảm nhí mà tôi cũng ít khi tránh khỏi, nhứt là những lần tôi đã khước từ sử dụng cái khả năng cao quý nhứt mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho tôi là lý trí.
Tôi cũng nhớ lại lời cảnh cáo của một vị giám mục Phi luật tân về cung cách cầu nguyện đầy dị đoan của nhiều người dân của quốc gia được mệnh danh là “Công giáo” tại Á Châu này. Số là dạo đầu tháng Mười Một, nước này cho mở cuộc xổ số với lô độc đắc được xem là lớn nhứt từ trước đến nay. Số người xếp hàng mua số đông đảo là chuyện ở đâu cũng thấy. Nhưng riêng tại quốc gia có đông tín hữu công giáo nhứt Á Châu này, số người chờ trước cửa các nhà thờ hay đền thánh để khấn vái cho trúng độc đắc cũng dài không kém. Theo ghi nhận của một phóng viên của báo “The Manila Bulletin”, tại một khu phố nọ ở Manila,  nhiều người sau khi mua vé số đã vào một phòng triển lãm tôn giáo bên cạnh để “áp” các tờ vé số vào các  ảnh tượng của Đức Mẹ. Chuyện cờ bạc hiện là một “tệ nạn” mà chính phủ Phi luật tân đang phải đối phó, đồng thời cũng là một vấn đề  làm cho các nhà lãnh đạo tôn giáo phải “điên cái đầu” không kém. Ngoài chuyện xổ sổ vốn được hợp pháp hóa, còn có cái đuôi “ngầm” của nó là chuyện đánh số đề mà chính phủ không thể kiểm soát được. Nhưng nan giải không kém là chuyện đá gà vốn cũng được hợp pháp hóa tại Phi luật tân. Các trường gà, còn gọi là “Coliseo” mọc lên khắp nơi. Đây là nơi làm tán gia bại sản của dân chúng và là ổ tham nhũng của các viên chức chính phủ, đó là chưa nói đến tiếng gà đá tranh nhau gáy inh ỏi suốt đêm làm phiền giấc ngủ của người dân. Về chuyện đá gà thì kể không xuể. Nhưng riêng với người Công giáo thì đây cũng là cái cớ xúc phạm mà người ta khó có thể tưởng tượng được ở những nước khác: nhiều người nói rằng không thiếu những người nuôi gà đá chuyên nghiệp hay những kẻ đá gà thường đến nhà thờ rước lễ và mang “Bánh Thánh” về cho gà ăn để được sung sức!
Dị đoan tại quốc gia có đông tín hữu công giáo nhứt tại Á Châu này là chuyện kể mãi không hết.
Không cần phải len lỏi vào các trường gà, du khách nước ngoài chỉ cần ghé vào  nhà thờ có tượng “Chúa Giêsu Nazareth” được mệnh danh là tượng “Chúa Giêsu Đen” tại khu Quiapo, một trong những khu phố sầm uất nhứt của Manila, cũng sẽ thấy được một hiện tượng rất “Phi”. Mỗi năm, cứ đến ngày rước kiệu bức tượng nổi tiếng này thì không thiếu cảnh người người chen chúc nhau để sờ cho bằng được bức tượng khiến cảnh “từ chết đến bị thương” trở thành chuyện thường. Ngày nào cũng có nhiều người đứng xếp hàng để được đến hôn hay sờ vào bàn chân của Chúa. Cứ tưởng cái cảnh “sờ mu rùa” chỉ xảy ra cho các “ông nghè ông cống tương lai” của Việt nam. Bức tượng “Chúa Giêsu Nazareth” đen cũng bị bào mòn không kém vào những kỳ thi tại các đại học ở Manila.
Tôn thờ Chúa Giêsu, người dân hải đảo này lại càng sùng kính Đức Mẹ hơn. Dĩ nhiên theo cách thế cũng rất “đặc trưng” của họ.
Tại nhà thờ Antipolo, nằm ở ngoại ô Manila, mỗi năm cứ vào tháng 8, người ta đổ xô đến để xin làm phép xe. Đức Mẹ được tôn kính trong tháng này được mệnh danh là Đức Mẹ “Bon Voyage”, tức Đức Mẹ không chỉ gìn giữ người ta trong lúc lái xe, đi đường được “thượng lộ bình an”, mà còn lo cho được chiếu khán nhập cảnh để đi di dân lao động ở nước ngoài. Trong dịp này thì dĩ nhiên các linh mục và các chủng sinh phải “rẩy nước thánh” mệt nghỉ!
Xin “làm phép xe” là chuyện rất phổ quát tại Phi luật tân. Đối với người công giáo ở bất cứ đâu, “xin làm phép” một chiếc xe mới là chuyện có thể hiểu được. Đàng này, bất cứ lúc nào cảm thấy không an toàn, người ta cũng có thể mang xe đến để xin linh mục làm phép. Một linh mục làm việc lâu năm tại Phi luật tân kể lại rằng một đêm nọ, có lẽ cũng đã sau 10 giờ tối, một đám thanh niên lái một chiếc xe “móp đầu” và trầy trụa khắp nơi đến xin ông “làm phép”. Nhận thấy đây chỉ là một thái độ “dị đoan”, vị linh mục từ chối không “làm phép xe” và nói rằng nếu cần làm phép thì ông làm phép “con người” của  họ để họ lái xe cẩn thận hơn chứ không phải chiếc xe.
Bị các nhà lãnh đạo Công giáo tại Phi luật tân lên án là “dị đoan” không kém đó là cái cảnh  tự nguyện chịu đóng đinh  diễn ra tại một làng quê cách thủ đô Manila khoảng 60 cây số về hướng Bắc. Hàng năm, cứ vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tức Ngày Giáo hội công giáo tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh, du khách trong và ngoài nước lại đổ xô đến ngôi làng nói trên để xem cái cảnh ít nhứt không dưới 10 người tự nguyện chịu đóng đinh. Đa số những người tự nguyện “chịu nhục hình” như thế đều giải thích rằng họ muốn có được may mắn, thành công và thịnh vượng hơn trong công ăn việc làm.
Tựu trung, những cử chỉ dị đoan của một số người công giáo Phi luật tân trên đây là một điển hình của điều mà Kinh Thánh Tân Ước của Kitô giáo gọi là “buôn thần bán thánh”. Trong Anh ngữ, hành động này được gọi là “simony”. Kinh Thánh kể lại rằng thời Giáo hội tiên khởi, nhận thấy các thánh tông đồ làm được một số phép lạ, có một thày phù thủy tên là “Simon” liền xin nhập Đạo. Ngày nọ, ông mang tiền đến xin một vị tông đồ ban quyền làm phép lạ cho ông. Nhưng vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội lúc bấy giờ là thánh Phêro đã lên tiếng sửa dạy ông: “Tiền bạc của anh tiêu tan luôn với anh cho rồi, vì anh tưởng có thể lấy tiền mà mua ân huệ của Thiên Chúa.” (Công vụ Tông đồ 8, 20)
Kể từ đó, trong suốt hai ngàn năm lịch sử của Giáo hội, lúc nào và ở đâu cũng đều có chuyện “buôn thần bán thánh”, nếu không thì có lẽ đã không có cuộc Cải Cách dẫn đến sự ly khai của các Giáo hội Tin Lành.  
Tôi đặc biệt nghĩ đến một số đồ tể “Mafia” tại Ý, quốc gia cũng được mệnh danh là “công giáo” nhứt tại Âu Châu. Có những tay trùm vẫn mỗi ngày đều đặn đến nhà thờ và rất “hào phóng” trong việc dâng cúng cho Giáo hội. Chuyện này cũng không phải là xa lạ tại một số nước Châu Mỹ Latinh, là nơi mà một số trùm ma túy vẫn tỏ ra là những “con chiên ngoan đạo” và rộng rãi hơn ai hết. Có thể đó là một bình phong che đậy cho hành động tội ác, mà cũng có thể là tàn tích của cái lối “buôn thần bán thánh” của ông phù thủy Simon. Người ta tưởng có thể dùng đồng bạc vấy máu để gọi là mua “Nước Thiên Đàng”.
Thật ra, theo tôi nghĩ, ít hay nhiều, dường như trong mỗi một tín đồ, dù thuộc tôn giáo nào, cũng đều có một chút máu của thày phù thủy Simon. Là một tín hữu Kitô, tôi vẫn thường hay tự vấn lương tâm về mối quan hệ của tôi với Thiên Chúa và các thần thánh. Hàng ngày, nhứt là khi gặp hoạn nạn hay ốm đau, tôi vẫn thường chạy đến cầu cứu Chúa Mẹ và các thánh. Đó là điều chính đáng. Nhưng có lúc, tôi thấy mình cũng dễ bị “lạng quạng” ngã vào thái độ “buôn thần bán thánh” không kém thày phù thủy Simon trong lúc cầu nguyện.
Câu hỏi mà chủ tịch của Hội Vô Thần Úc đại lợi, ông David Nicholls nêu ra trên đây phải là một lời cảnh cáo cho tôi. Vào cuối thế kỷ 19, một trong những ông tổ của chủ nghĩa này là triết gia Friedrich Nietzsche cũng đã từng thách thức các tín hữu Kitô khi ông nhắn gởi: “Hỡi các tín hữu Kitô, các người hãy tỏ ra bộ mặt được cứu rỗi.” Triết gia này hẳn muốn nói đến cái thái độ thiếu nhứt quán của các tín hữu Kitô khiến cho người bên ngoài Kitô giáo chỉ thấy một gương mặt hoàn toàn bị bóp méo của Thiên Chúa.
Tôi nghĩ đến gương mặt bị bóp méo ấy của Thiên Chúa khi những kẻ tin Ngài nhân danh Ngài để “chiếm đất” của các dân tộc khác hay để sát hại ngay cả những người vô tội thay vì mưu tìm một cuộc sống hài hòa trong tình liên đới, “yêu người như chính mình”.
Tôi nghĩ đến gương mặt bóp méo ấy của Thiên Chúa khi những người nhân danh là con cái Ngài lại dùng chính cái “mác” Kitô hữu để lạm dụng niềm tin và lòng tốt của người khác thay vì quảng bá chân dung từ ái và quảng đại của Ngài.
Tôi nghĩ đến gương mặt bị bóp méo ấy của Thiên Chúa khi thế giới đầy dẫy thiên tai, bệnh tật, chiến tranh, chết chóc và khổ đau, mà tôi lại ngoảnh mặt làm ngơ để đi vào đền thờ cầu xin hai chữ “bình an” cho riêng mình thay vì xắn tay áo lên và đóng góp một chút gì đó.
Tôi cũng nghĩ đến gương mặt bị bóp méo ấy của Thiên Chúa khi tôi muốn “ra sức làm việc lành phúc đức” không phải vì tình yêu thương vô vị lợi đối với tha nhân, mà chỉ để tìm kiếm nước thiên đàng cho riêng mình hay chỉ để cho tên tôi được ghi vào một bảng vàng cảm tạ nào đó của loài người mà thôi.
Tựu trung, tôi nghĩ rằng gương mặt của Thiên Chúa bị bóp méo khi tôi chưa thực sự sống tinh thần yêu thương và phục vụ vô vị lợi. Tinh thần ấy đòi hỏi tôi phải hành động như Chúa Giêsu đã dạy là “đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm.” (Mt 6,4)
Bao lâu mà tôi còn chưa nỗ lực trong việc thay đổi cách sống để có một thân thể lành mạnh, một cuộc sống tích cực thì tôi không tin rằng mình có thể hết bệnh hay yêu đời chỉ nhờ những lời nguyện xin.
Bao lâu mà tôi còn chưa đặt những nhu cầu, những thống khổ, những vấn nạn, những nghèo đói, những tai họa…của người khác vào vị trí ưu tiên trong những lời cầu xin của tôi thì tôi không đáng trông chờ để được những biệt lệ.
Bởi vì, cũng như ông David Nicholls đã phát biểu: “Trong khi thế giới đầy đau khổ và chết chóc thì phải chăng không quá “nhảm nhí” khi hỏi “có biết chìa khóa của tôi ở đâu không?”
17.11.2010